Hiệu quả gì từ dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông? (RFA, 14/08/2018)
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại thủ đô Hà Nội vừa chạy thử nghiệm nhưng đã có những quan ngại về tính hiệu quả khi dự án được đưa vào khai thác thương mại, dự định vào cuối năm nay.
Đoàn tàu tuyến Cát Linh - Hà Đông - Courtesy of Bộ Giao thông và vận tải
Thực hư thế nào ?
Lỗ nặng vì đội vốn và vỡ tiến độ thi công
Sau 10 năm thi công với 6 lần điều chỉnh tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại thành phố Hà Nội vào ngày 11 tháng 8 vừa qua cũng được đưa vào chạy thử nghiệm và dự kiến cuối năm nay đưa vào khai thác thương mại. Dự án này từ trước đến nay đã gây nhiều ồn ào trong dư luận vì tiến độ thi công chậm và tổng vốn đầu tư bị đội lên quá cao.
Nhà báo Đỗ Cao Cường, nguyên phóng viên tờ Pháp Luật trong nước cho rằng những bất cập của dự án gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, ngân sách nhà nước, tiền thuế của người dân. Anh đề cập đến vấn đề văn hóa ‘phong bì’ ngay từ những ngày đầu đối với các dự án có vốn đầu tư của Trung Quốc, và cho rằng những người trong cuộc đã trực tiếp gây ra thiệt hại trên.
Ở đâu mà để xảy ra tình trạng này thì mình phải nhìn nhận trách nhiệm thứ nhất là của chính chính quyền Việt Nam về quản lý, giám sát ; cho đến chủ đầu tư. Những tác động của nó rất lớn, nhưng đằng sau mình phải nhìn nhận là những sự ưu tiên đối với nhà thầu Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thực hiện theo Hiệp định ký kết năm 2008 giữa Việt Nam và Trung Quốc và khởi công năm 2011 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD, trong đó vốn vay viện trợ phát triển (ODA) của chính phủ Trung Quốc là 419 triệu USD.
Đến năm 2014, dự án bị đội vốn lên 40%, tức khoảng 891 triệu USD, đồng nghĩa với khoản tiền chủ đầu tư Việt Nam nợ phía Trung Quốc tổng cộng khoảng 700 triệu USD.
Một giải pháp giúp giảm tắc nghẽn giao thông
Báo Tiền Phong hôm 3/4/2018 trích số liệu của Bộ Tài chính cho biết ước tính mỗi ngày Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc 2,4 tỷ đồng tiền lãi phát sinh cộng với nợ gốc của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bên cạnh đó, khoản chi phí vận hành tuyến đường sắt này được đánh giá là khá cao với sự tham gia của 681 nhân sự mỗi ngày, theo số liệu Ban Quản lý Dự án Đường sắt. Mặt khác, giá vé tàu mỗi lượt chỉ 10 ngàn Việt Nam đồng cộng với số lượng hành khách chưa được thống kê khiến giới chuyên môn có nhiều nghi ngại về tính hiệu quả khi dự án này được đưa vào hoạt động thương mại.
Toa xe công trinh đường sắt đô thị Cát Linh. Courtesy of Bộ Giao thông và vận tải
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định dự án sẽ khó có lãi.
Bây giờ dự án đã đầu tư rồi thì phải hoạt động thôi, còn việc lỗ lã như thế nào thì có lẽ phải chờ quyết toán và phải có báo cáo công khai với Hội đồng Nhân dân Hà Nội để xem xét. Nhưng rõ ràng là cho tới nay thì với số lượng hành khách dự kiến và chi phí đội vốn quá cao so với dự toán ban đầu thì dự án này khó có thể có lãi.
Chúng tôi đặt câu hỏi về giải pháp nào để bù lỗ cho khoản nợ đầu tư dự án, nhưng tiến sĩ Doanh từ chối đưa ra kiến nghị vì ông cho rằng đây là việc của bên liên quan.
Còn với quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội phải được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ ông không bi quan vào việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ngược lại, ông bày tỏ mong đợi của mình khi tuyến đường sắt này được đưa vào vận hành.
Nếu mà nó giải tỏa được sự tắc nghẽn giao thông thì cái đó cũng góp phần vào hiệu quả của đường sắt, chứ không chỉ tính đến chuyện là bán được bao nhiêu vé, số vé đó có bù được cho các khoản đầu tư, khoản lãi của tiền vay hay không. Thậm chí phải tính cả chuyện bớt ô nhiễm môi trường. Cái đấy làm cho sức khỏe người dân vùng đó tốt hơn, đỡ tốn chi phí y tế… Nếu tính toán hiệu quả kinh tế xã hội thì phải tính rộng ra cả như thế.
Phụ thuộc và lạc hậu sau Trung Quốc
Trong ngày chạy thử nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hôm 11/8, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh được cho là vé lên tàu in song ngữ Việt – Trung, trong đó chữ Trung Quốc in to và đặt phía trên chữ Việt. Vài tuần trước đó, tại các nhà ga của tuyến đường sắt này cũng xảy ra tình trạng tương tự ở các biển hiệu tên ga in tiếng Hoa. Dư luận sau đó phản ứng khiến Ban Quản lý dự án Đường sắt tổ chức cuộc họp ngay hôm 12/8 được nói để ‘chấn chỉnh’ và ‘nghiêm khắc phê bình’ tổng thầu vì tự ý thực hiện các vụ việc trên.
Đứng dưới góc độ một người quan sát xã hội, nhà báo Đỗ Cao Cường thể hiện sự bất bình với phía nhà thầu Trung Quốc.
Chỉ thông qua một buổi chạy đầu tiên như vậy mà mình có thể khẳng định rằng nó làm ăn ở Việt Nam mà nó không hề tôn trọng pháp luật Việt Nam. Nó coi thường chính quyền, coi thường người dân Việt Nam. Những người dân Việt Nam khôn ngoan, có nhận thức, có lòng yêu nước thì người ta sẽ tẩy chay hoàn toàn nó, phải lên án, phản đối, phải chấm dứt ngay những nhà thầu Trung Quốc. Nhưng mà khổ nỗi đằng sau câu chuyện nhà thầu Trung Quốc, câu chuyện Cát Linh – Hà Đông là những câu chuyện về nợ công, bị phụ thuộc vào Trung Quốc bằng những khoản nợ, bằng thể chế, bằng mối quan hệ thâm giao Việt Nam – Trung Quốc, bằng chế độ.
Thực tế, nhiều dự án vốn đầu tư Trung Quốc từ trước đến nay đều mang lại những tác động tiêu cực về tài chính và môi trường cho phía Việt Nam như Sân vận động Mỹ Đình, Dự án mở rộng nhà máy luyện thép Thái Nguyên, Nhà máy cán thép Lào Cai, Dự án Bauxite Tây nguyên, các dự án xử lý rác, nhà máy dệt… Nhà báo Đỗ Cao Cường cảnh báo về nguy cơ Việt Nam bị ‘lún sâu’ vào nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu mình không nhìn nhận vấn đề và đưa ra một giải pháp triệt để và giải quyết thực sự mạnh mẽ thì tất nhiên càng ngày mình càng lún sâu vào nó. Khoản vay, khoản nợ của mình thì càng cao mà chất lượng công trình càng không đạt chất được. Người Việt Nam phát triển đã lạc hậu rồi mà lại còn phải lạc hậu theo sau Trung Quốc.
Người lao động làm việc tại các mỏ Bauxite ở Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng ngày 13/4/2009. AFP
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng Việt Nam không hoàn toàn bị phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc cũng như ông không quá bi quan với những con số gọi là ‘bề mặt’ của quan hệ kinh tế Việt – Trung. Ông dẫn chứng bằng lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng có thể là gốc của Mỹ, Nhật hay EU và cho biết thêm.
Các con số về xuất nhập khẩu mà được những nhà kinh tế quan niệm từ những năm 40 – 50 của thế kỷ trước không phản ánh thực chất lắm bức tranh của một nền kinh tế đã được toàn cầu hóa như bây giờ. Trong thế giới toàn cầu hóa như bây giờ thì sự tương thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế là một chuyện không thể tránh khỏi.
Tuy vậy, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh việc cân đối xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như nỗ lực tìm cách ít lệ thuộc hơn vào Trung Quốc là điều mà chính phủ Việt Nam luôn phải cân nhắc.
******************
Người Việt phản ứng gay gắt về vé tàu in chữ Trung Quốc (BBC, 13/08/2018)
Theo truyền thông Việt Nam, hành khách được mời đi thử tàu điện metro đầu tiên của Việt Nam, tuyến Cát Linh, Hà Đông vào ngày 11/8.
Đáng chú ý, thẻ lên tàu in song ngữ Việt - Trung, trong đó chữ Trung Quốc in to và đặt phía trên chữ Việt, theo báo Tiền Phong.
Nội dung in trên thẻ lên tàu là : "Dự án đường sắt đô thị hạng mục vận hành thử", "Thẻ lên tàu", "Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông".
Ngoài ra, biển chỉ dẫn tại các nhà ga thuộc tuyến đường sắt cũng được in song ngữ, trong đó chữ Trung Quốc được đặt trên chữ Tiếng Việt.
Hình ảnh vé tàu và biển chỉ dẫn được cộng đồng mạng đăng trên Facebook ngay sau đó lan truyền rộng rãi và làm dấy lên làn sóng giận dữ.
'Đánh mất chủ quyền quốc gia'
Bình luận về vấn đề này, cây bút Nguyễn Đình Bổn cho rằng về nguyên tắc quốc tế, không thể in vé như vậy, kể cả khi vay vốn Trung Quốc để làm dự án này thì cũng đã phải trả cả nợ và lãi.
"Ai, kẻ nào, tập thể nào đã đánh mất chủ quyền quốc gia dù phải vét từng đồng thuế của dân nghèo để đầu tư một đường tàu tốn kém, và có thể thấy ngay không có hiệu quả cả kinh tế lẫn giải quyết vấn nạn giao thông tại Hà Nội ? Những kẻ đó xứng đáng tra tay vào còng !", ông Bổn viết trên Facebook cá nhân.
Còn theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chuyện ồn ào quanh chiếc vé tàu Cát Linh - Hà Đông tuy nhỏ nhưng nói lên ba vấn đề lớn.
Về "nguyên tắc sử dụng song ngữ trong các văn bản, biển hiệu, tên các công trình, các khu du lịch, địa điểm văn hóa"... "tiếng của nước sở tại (ở đây là Việt Nam) phải được đưa lên đầu tiên. Đấy là văn hóa, là chủ quyền quốc gia. Mọi sự là khác đi là vô tình (có thể hữu ý) xúc phạm đến chủ quyền của nước sở tại.".. "Sau này khi nhà ga chính thức họa động thì hai thứ tiếng được sử dụng đầu tiên là Việt và Anh. Nếu thêm các tiếng khác thì phải tính đến các nhu cầu cần thiết và hợp lý của ngôn ngữ đó cho sinh hoạt và kinh doanh", ông Thiều viết trên Facebook cá nhân.
Dù tuyến đường này làm bằng tiền vay Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công, nhưng "Trung Quốc không được quyền quyết định tùy tiện các văn bản đang sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam nếu không được luật pháp của Việt Nam cho phép", ông Thiều phân tích vấn đề thứ hai.
Cuối cùng, dù chỉ mới vận hành thử nhưng các nguyên tắc, quy định vẫn phải được chấp hành nghiêm túc", kể cả việc 'treo một cái biển nhà ga'. "Nếu không thì với một ít tiền thôi chúng ta sẽ có nguy cơ đánh mất lòng tự trọng hay nói rộng hơn là đánh mất chủ quyền của một quốc gia trong một việc làm tưởng như nhỏ nhặt", theo phân tích của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
Cũng theo nhà văn, câu chuyện về biển chỉ dẫn các nhà ga và chiếc thẻ lên tàu diễn ra cách nhau có mấy ngày, cho thấy Ban Quản lý và nhà thầu "không hề có sự rút kinh nghiệm". Đồng thời khiến người dân thấy "một điều gì đó không bình thường ẩn sau" sự việc này.
Luật sư Lê Ngọc Luân thì viết trên Facebook cá nhân rằng ông thấy 'rùng mình' khi nhìn thấy hình ảnh vé tàu chữ Trung Quốc.
"Tấm thẻ lên tàu tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông nằm trong lãnh thổ Việt Nam nhưng được ghi bởi chữ Trung Quốc. Đặc biệt, nó nhấn mạnh một cách "trang trọng" bằng cách đưa chữ Trung Quốc lên trên".
"Đoạn đường chỉ 13km nhưng có gần 700 con người vận hành. Có thể, chính quyền lập luận đường sắt này do nhà thầu Trung Quốc thi công, đang chạy thử nên ghi cả chữ Trung Quốc. Thế tại sao không đưa tiếng Việt lên đầu và thay vào đó là Tiếng Anh thông dụng".
"Nhìn cái thẻ, tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến câu nói của ai đó ủng hộ Luật Đặc Khu : "Có chữ nào ghi cho Trung Quốc thuê đâu", ông Luân viết.
Trung Quốc chỉ phát vé 'cho người nhà'
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (BQL) sau đó trả lời truyền thông Việt Nam rằng "sẽ có văn bản chấn chỉnh Tổng thầu", "không để xảy ra việc tự ý gắn, đề biển sử dụng song ngữ Việt - Trung không phù hợp tại dự án", theo ông Vũ Hồng Phương được VOV dẫn lời.
Ông Phương cho hay đây mới là thời gian chạy thử nghiệm, kéo dài 3 - 6 tháng. Trong thời gian này người dân chưa được lên tàu. Chỉ những người làm nhiệm vụ mới được lên tàu kiểm tra, vận hành.
Về phản ánh biển chỉ dẫn ở nhà ga có chữ Trung Quốc, ông Phương lý giải là do "tổng thầu cắt chữ dán lên cho dễ quan sát trong lúc vận hành thử. Đến nay, hầu hết các biển thông tin trên đã bị gỡ bỏ".
Còn về vé đi tàu in chữ Trung Quốc, ông Phương nói là do trong ngày 11/8, phía tổng thầu phát một số thẻ "cho người nhà của họ khi tàu vận hành thử. Vì đây là khu vực và nhiệm vụ của Tổng thầu nên Ban Quản lý Dự án không can thiệp".
Ông Phương nói tổng thầu đã "tự ý mời nhân viên và người nhà" tham gia chạy thử tàu "nhằm khích lệ, động viên tinh thần nhân viên sau thời gian thi công vừa qua", theo Zing.vn.
"Về Quy chuẩn, tất cả các biển báo trên tuyến đường sắt sẽ sử dụng Tiếng Việt và Tiếng Anh theo quy chuẩn quốc tế hiện nay", ông Phương cho biết thêm.
700 nhân viên/13km đường sắt
Mới đây, đại diện BQL cho hay đã chuẩn bị gần 700 nhân sự để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó khoảng 200 người dược đi đào tạo tại Trung Quốc.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao, do chủ thầu Trung Quốc thực hiện với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu đô là từ nguồn vốn chính phủ Việt Nam và vốn vay ODA của Trung Quốc.
Ban đầu dự kiến tuyến đường hoàn thành trong 7 năm, từ 11/2008 - 11/2013 hoàn thành. Nhưng mãi đến 10/2011 dự án mới chính thức triển khai, đội vốn lên 868 triệu đô la (hơn 18.000 tỷ đồng).
Vì tăng tổng mức đầu tư, dự án phải vay thêm Ngân hàng Eximbank Trung Quốc thêm 250 triệu đô la, theo VnEconomy.
*****************
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông cần 700 người vận hành, vé, tên trạm ghi tiếng Hoa (Người Việt, 12/08/2018)
Mạng xã hội bàn luận rôm rả sau khi tàu Cát Linh-Hà Đông vừa chạy thử ở Hà Nội.
Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông gây tranh cãi vì đội vốn, tai nạn lao động, nhà thầu Trung Quốc... từ nhiều năm nay. (Hình : báo Người Đưa Tin)
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu dự trù là 552,86 triệu USD (hồi năm 2008) nhưng sau 10 năm thi công thì đội vốn lên 868,04 triệu USD.
Đầu tiên là chuyện các báo "lề phải" cho hay cần đến 681 người để vận hành tuyến Cát Linh-Hà Đông chỉ dài 13 km.
Báo Pháp Luật ở Sài Gòn hôm 12 tháng Tám, 2018 giải thích : "Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được chỉ định nhà thầu từ việc thiết kế, thi công đến chuyển giao công nghệ đều là của Trung Quốc. Và theo quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc về quy phạm thiết kế metro thì việc bố trí cơ cấu vận doanh của tuyến đầu tiên bình quân số lượng nhân viên quản lý ở mức khoảng 100 người/km".
Tờ báo cũng viết thêm : "681 người là bao gồm cả các nhân viên văn phòng, kỹ thuật, vận hành dự án. Ngoài ra, còn chưa kể đến việc khi đưa dự án vào vận hành khai thác, công ty vận hành khai thác cần phải tuyển dụng thêm các nhân viên bảo vệ, nhân viên dọn vệ sinh… để hoàn chỉnh chu trình vận hành khai thác, bảo vệ, đảm bảo vệ sinh các hạng mục công trình của dự án".
Nhiều blogger cho rằng việc cần đến gần 700 người để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho thấy tư duy không tương thích với cái mà Hà Nội vẫn đang tuyên truyền là "cách mạng 4.0".
Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội đưa bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Có thể Hà Nội giảm biên chế cán bộ, công chức, đặc biệt của các cơ quan của Sở Xây Dựng, Sở Giao Thông Vận Tải… nên ưu ái các vị bị "giảm biên" vào đơn vị khai thác, vận hành này, đồng thời cũng là ưu ái khách hàng tương lai, vì các vị này có chất lượng "phục vụ" tốt như từ trước đến nay. Đề nghị nhân dân thủ đô và khách hàng tương lai vừa thông cảm vừa ủng hộ chủ trương của chính quyền Hà Nội".
Vé đi thử tàu ghi tiếng Hoa dày đặc (Hình : VnExpress)
Kế đến, công luận bày tỏ sự hoang mang khi ảnh chụp vé đi thử tàu bị rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy những dòng chữ tiếng Hoa được in phía trên cả tiếng Việt, trong lúc báo chí xác nhận chỉ có 40 trong số 200 người đi thử tàu là người Trung Quốc.
Dư luận càng lo ngại khi trước đó, người ta thấy tên các trạm và chỉ dẫn tại trạm của tuyến đường sắt nêu trên đều được ghi bằng tiếng Hoa.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời giải thích của đại diện Tổng Thầu Trung Quốc rằng vé đi thử ghi tiếng Hoa "là để thuận tiện cho người Trung Quốc lên tàu" và do vé này "lưu hành nội bộ", còn việc tên các trạm ghi tiếng Hoa "là để để lái tàu, công nhân kỹ thuật người Trung Quốc nhận biết tên ga".
Nhiều blogger cũng nêu hoài nghi về chất lượng, công nghệ của đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông khi tốc độ chạy được loan báo chỉ "35 km/giờ" trong lúc tốc độ thiết kế tối đa của tàu là 80 km/giờ.
Một số blogger bình luận hình dáng và cấu trúc tàu Cát Linh-Hà Đông giống tàu cao tốc Bắc Hàn… cách đây 50 năm và suy đoán tốc độ 35 km/giờ "nhanh hơn xe buýt một chút" là để giúp tàu chạy rất an toàn, không sợ xảy ra tai nạn và giúp cho hành khách tiện ngắm cảnh hai bên đường mà không sợ bị chóng mặt.
Hiện chưa rõ thời điểm tàu Cát Linh-Hà Đông chính thức bán vé. Theo báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam, thời gian chạy thử nghiệm đoàn tàu này "từ 3 đến 6 tháng" kể từ đầu tháng Tám, 2018, sau đó mới đưa vào khai thác thương mại. (T.K.)