Việt Nam bị tố che giấu vi phạm nhân quyền trong báo cáo định kỳ phổ quát (VOA, 06/09/2018)
Bản thảo báo cáo của chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho kỳ Kiểm điểm định kỳ phổ quát tại Liên Hiệp Quốc đã che giấu những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và cố tình đưa thông tin sai lệch tới cộng đồng quốc tế, theo Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế.
Toàn cảnh một buổi họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại trụ sở chính ở Geneva, Thụy Sỹ. Phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào ngày 22/1/2019
Trong thông cáo ra ngày 4/9, Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và tổ chức thành viên là Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) cho rằng chính phủ Việt Nam đưa ra các thông tin sai lệch trong nhiều vấn đề gồm các quyền tự do cũng như việc hợp tác với các cơ chế của Liên Hiệp Quốc trong các vấn đề này.
"Chúng tôi chứng kiến con số tăng cao những cá nhân bị bắt giam vì thực thi những quyền cơ bản của họ - như quyền tự do bày tỏ chính kiến, quyền tự do hội hộp, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng", Andrea Giorgetta, giám đốc ban Châu Á của FIDH, nói với VOA. "Chính phủ Việt Nam không đạt được một tiến bộ nào trong việc thay đổi những luật lệ hà khắc theo các tiêu chuẩn quốc tế và họ cũng không cải tổ về luật pháp theo các nguyên tắc dân chủ được công nhận ở tầm quốc tế".
Tuy nhiên, báo cáo mới của chỉnh phủ Việt Nam cho rằng "Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về thúc đẩy quyền con người" so với lần báo cáo trước đây vào năm 2014.
Dự thảo báo cáo, đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định những điều trong các luật về tôn giáo, tố tụng hình sự và báo chí đã đặt nền móng cho việc đảm bảo tự do tín ngưỡng tốt hơn cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không kiểm duyệt đối với việc xuất bản, phát thanh truyền hình. Luật Tố tụng hình sự được cho là đảm bảo các phiên tòa công bằng và quyền lợi cho những người bị tạm giữ, người bị giam giữ không bị ép cung. Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh việc nâng cao hiểu biết của người dân về nhân quyền và coi đây là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho rằng Việt Nam "luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo cơ chế UPR".
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo khẳng định Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các khuyến nghị mà Liên Hiệp Quốc đưa ra trong kỳ kiểm điểm nhân quyền lần trước cách đây 4 năm. Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích lời ông Thảo nói Việt Nam "đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người" và "thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người".
Mặc dù vậy theo FIDH, kể từ báo cáo Kiểm điểm định kỳ phổ quát năm 2014, giới chức Việt Nam đã tăng cường việc đàn áp lên xã hội dân sự và những người chỉ trích chính phủ.
Từ tháng 2/2014 đến tháng 7/2018, FIDH và VCHR ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã bắt giam hoặc bỏ tù ít nhất 160 người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động ôn hòa. Trong một báo cáo chung mà cả hai nhóm nhân quyền này đưa ra vào tháng 7, FIDH và VCHR nêu ra nhiều trường hợp nhân quyền đáng quan ngại cũng như đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam cải thiện tình hình nhân quyền.
FIDH và VCHR đưa ra một ví dụ về việc đàn áp tự do báo chí của chính phủ Hà Nội trong năm qua dù Luật Báo chí của Việt Nam quy định "tự do báo chí và tự do bày tỏ chính kiến" cũng như khẳng định quy tắc "không kiểm duyệt việc phát hành và phát thanh". Đó là trường hợp báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng từ tháng vào giữa năm nay vì đăng các bài viết liên quan đến luật đặc khu mà trong đó theo chính quyền Hà Nội có những thông tin "sai lệch".
"Báo cáo của Chính phủ (Việt Nam) cho UPR đầy những tuyên bố trái với thực tại và che dấu việc đàn áp khốc liệt xã hội dân sự bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ", Chủ tịch VCHR Võ Văn Ái nói. "Trong một đất nước nơi dân chủ đồng nghĩa với phản động thì lời rêu rao trong bản báo các của nhà cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam đang đề cao dân chủ là không có thực".
Theo dự kiến, phiên kiểm điểm định kỳ phổ quát lần thứ ba của Việt Nam với Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào ngày 22/1/2019 tại trụ sở của UN tại Geneve, Thụy Sỹ.
********************
Vụ Michael Nguyễn : Dân biểu Mỹ cảnh báo sẽ có hậu quả đối với Việt Nam (VOA, 06/09/2018)
Hai dân biểu Hoa Kỳ vừa lên tiếng kêu gọi quốc hội Mỹ hành động để gây áp lực với Việt Nam đòi trả tự do cho một công dân Mỹ đang bị giam giữ ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảnh báo sẽ có hậu quả nếu Hà Nội ngược đãi công dân của họ.
Dân biểu Ed Royce và bà Helen Nguyễn, vợ của ông Michael Nguyễn. Cùng với Dân biểu Mimi Walters, ông Royce kêu gọi chính phủ Mỹ hành động để Việt Nam trả tự do cho công dân Mỹ đang bị giam giữ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Michael Nguyễn, một cư dân Quận Cam ở bang California, bị bắt giữ ngày 7/6 trong khi đang thăm gia đình ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nói họ đang giam giữ công dân Mỹ này để điều tra về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ Ed Royce, một đại diện của tiểu bang California, hôm 4/9 phát biểu tại một buổi họp của Hạ viện về sự khẩn thiết phải trả tự do cho Michael Nguyễn.
Dân biểu Mimi Walters, hôm 4/9 trong một phát biểu tại Hạ viện Mỹ, kêu gọi Chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả Michael Nguyễn. Bà Walters, cũng là đại diện cho tiểu bang California, nói với các đại biểu tại Hạ viện rằng ông Michael Nguyễn bị cáo buộc tội ‘lật đổ chính quyền’ theo một điều khoản mà bà gọi là mơ hồ.
"Điều 109 là một cáo buộc mơ hồ mà Chính phủ Việt Nam thường dùng để thực hiện các vụ bắt giữ không có cơ sở", theo mà Walters. "Ông Michael có thể bị giam trong nhiều tháng mà không có cáo buộc hình sự trong thời gian Chính phủ Việt Nam điều tra".
Bà Walters cho biết ông Michael tới Việt Nam hôm 27/6 để thăm gia đình và bạn bè" nhưng khi không thấy ông trở về vào ngày 16/7 như dự định thì "gia đình ông lo lắng" và liên lạc với văn phòng của bà.
Thông qua mạng xã hội, gia đình ông Michael Nguyễn biết được rằng ông bị chính phủ Việt Nam bắt giữ và ngày 31/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có thể khẳng định về việc bắt giữ này.
Đầu tháng trước, nữ dân biểu này nói tại một cuộc họp báo ở Tòa thị chính thành phố Orange ở California rằng phía Việt Nam sẽ phải nhận "hậu quả" nếu giam giữ công dân Hoa Kỳ.
Trong một thông cáo ra ngày 4/9, dân biểu Royce cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự. "Nếu các anh ngược đãi công dân của chúng tôi thì sẽ có những hậu quả".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện kêu gọi chính phủ Mỹ tiến hành mọi nỗ lực để đảm bảo ông Michael được trở về an toàn với gia đình ngay lập tức.
Trong khi đó dân biểu Walters nói trước Hạ viện rằng "chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi Michale được trở về nhà an toàn và chúng ta sẽ tiếp tục không ngừng gây sức ép lên chính phủ Việt Nam".
Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã gây sức ép lên chính quyền Hà Nội trước phiên tòa xét xử Will Nguyễn, một công dân Hoa Kỳ bị bắt giữ ở Thành phố Hồ Chí Minh vì tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu vào tháng 6. Will Nguyễn bị trục xuất ngay sau phiên tòa và trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình vào tháng trước.
Dân biểu Royce – người trước đây là đồng chủ tịch của nhóm Vietnam Caucus – nói Việt Nam vẫn đứng thứ 175 trên 180 nước về tự do báo chí, sau cả Cuba và Iran mặc dù ông đã cố gắng rất nhiều để đưa hồ sơ nhân quyền của Việt Nam ra ánh sáng.
"Hoa Kỳ đang phát triển quan hệ với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh và thương mại", ông Royce nói. "Tuy nhiên nhân quyền vẫn luôn là một giá trị cốt lõi đối với Mỹ và chúng ta không thể tách biệt nó ra khỏi những mối liên hệ hiện tại của chúng ta với Chính phủ Việt Nam".
************************
Thêm 1 Facebooker bị bắt vì "chống phá đảng và nhà nước" (RFA, 05/09/2018)
Ông Huỳnh Trương Ca, một Facebooker có những đoạn video trực tiếp trên các mạng xã hội để nói về thực trạng xã hội Việt Nam vừa bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng với Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ khi ông đang trên đường từ Tiền Giang lên thành phố Hồ Chí Minh hôm 4 tháng 9.
Ông Huỳnh Trương Ca tại cơ quan công an - Courtesy Vietnamnet
Mạng báo Vietnamnet dẫn thông tin từ cơ quan công an cho hay, ông Huỳnh Trương Ca, 47 tuổi, sinh sống tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp bị bắt khi đang lên Thành phố Hồ Chí Minh "để kích động kêu gọi biểu tình, gây rối trật tự" và ông này được cho là có hành vi "sử dụng mạng xã hội youtube, facebook cá nhân đăng tải nội dung bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam".
Theo công an, ông Huỳnh Trương Ca là thành viên nhen nhóm của tổ chức có danh xưng là "Hiến Pháp", ông này được cho là thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các bài viết, clip, livestream có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ; nói xấu chính quyền, lãnh đạo và lực lượng Công an địa phương.
Cũng tin từ tờ báo điện tử này, dạo gần đây ông Huỳnh Trương Ca "tiếp tục có những bài viết, chia sẻ nội dung để kích động quần chúng nhân dân xuống đường biểu tình chống chế độ vào dịp Quốc khánh 2/9".
Theo tìm hiểu của phóng viên Đài Á Châu Tự Do, tài khoản Facebook mang tên Huỳnh Trường Ca hôm 14/6 có đăng tải một tấm giấy mời làm việc của công an huyện Hồng Ngự để "trao đổi một số việc có liên quan đến tụ tập đông người xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6/2018".
Dòng trạng thái cuối cùng của trang Facebook này là phản đối việc bắt giữ 2 Facebooker khác "một cách bừa bãi và vi hiến".
Trước và sau ngày lễ 2-9, có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia.
Hàng loạt các Facebooker khác được bạn bè thông báo là bị mất tích không rõ nguyên nhân.
Trước dịp lễ Quốc khánh 2/9, chính phủ đã cảnh báo về nguy cơ những cuộc biểu tình rộng khắp trên toàn quốc. Công an được huy động để siết chặt an ninh tại các thành phố lớn trong dịp này.