Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/09/2018

Chống Trung Quốc thì ở tù, quảng cáo cho Trung Quốc thì không sao !

RFA tiếng Việt

Kiểm duyệt bất đồng chính kiến gắt gao, sách hình lưỡi bò lại nói sơ suất (RFA, 05/09/2018)

Bức xúc dư luận

Sự việc gần đây nhất khiến dư luận lên tiếng đó là cuốn sách cho trẻ em lớp 1 mang tên "Wow ! Những điều bí mật kỳ diệu dành cho học sinh" do Nhà xuất bản Thế Giới cùng nhà sách Đinh Tị phát hành có bản đồ in hình lưỡi bò của Trung Quốc. Trước sức ép của dư luận, nhà xuất bản đã cho thu hồi cuốn sách để sửa đổi, và giải thích rằng do đường lưỡi bò quá nhỏ nên các biên tập viên không để ý hoặc nhầm lẫn đó là tuyến đường hàng hải. Đây là cuốn sách của một tác giả Trung Quốc, Việt Nam mua bản quyền và dịch sang tiếng Việt.

sach1

Sách "Wow ! Những bí mật kỳ diệu cho học sinh" có bản đồ lưỡi bò. Ảnh chụp màn hình Vnexpress

Một giáo viên Tiểu học, xin giấu danh tính, cho biết quan điểm :

Tôi là giáo viên, tôi bực bội chuyện này lắm. Mấy năm nay rồi chứ không phải là mới đây. Không chỉ in hình lưỡi bò, ngay cả sách cho học sinh mẫu giáo tô màu cũng có tiếng tàu trong đó. Tôi thấy phụ huynh mua sách dó tôi đã nói rằng tại sao không mua sách tiếng Việt mà mua sách tiếng Tàu. Nhưng họ vô tư lắm, người Việt Nam mình ít biết tình hình của đất nước. Họ nói đâu có sao, mua cho con em tô màu chứ đâu quan tâm đến chữ.

Một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 khác không muốn nêu tên bày tỏ lo ngại :

Do bên quản lý thị trường họ làm không chặt thôi, còn trong mắt tôi thì thực sự người Việt Nam nào cũng thế chẳng ai đồng ý đường lưỡi bò của Trung Quốc cả, nó quá vớ vẩn và phi lý. Điều này ảnh hưởng tới thế hệ con cháu sau này. Như con tôi sắp vào lớp 1, nó nhìn bản đồ chưa hiểu gì nhiều. Nhưng sự truyền đạt của giáo viên là rất quan trọng, nếu họ có tư tưởng sai thì nó cũng ăn sâu vào đầu các em.

Lưỡi bò là đường đứt khúc 9 đoạn cho Trung Quốc đơn phương vạch ra ở biển Đông để tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng biển giàu tài nguyên này. Đây là khu vực Trung Quốc còn tranh chấp chủ quyền với một số nước Châu Á khác trong đó có Việt Nam. Tòa trọng tài Quốc tế La Hague năm 2016 đã bác bỏ tính hợp pháp của đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Đây không phải là một trường hợp hiếm hoi sách báo lưu hành ở Việt Nam in bản đồ có hình lưỡi bò của Trung Quốc, hoặc có các yếu tố Trung Quốc được đưa vào một cách không hợp lý, mà đối tượng bị nhắm đến phần lớn là trẻ em. Trước đây, cuốn "Tiếng Hoa dành cho trẻ em" của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị phát hiện có in bản đồ lưỡi bò. Trong bài học 14 in các hình ảnh kèm từ khóa như Bắc Kinh, quốc kỳ, và phần từ khóa Trung Quốc in hình bản đồ Trung Quốc và vùng đảo xung quanh, trong đó có phần chồng lấn chủ quyền với Việt Nam và các quốc gia khác.

Hay cuốn "Bé làm quen với chữ cái" đề tác giả Nguyễn Thị Thúy Hà, của Nhà xuất bản Sư phạm, in cờ Trung Quốc ngay phần tập đánh vần chữ C, thay vì lá cờ Việt Nam.

Còn sách "10 phút cho bé trước giờ đi ngủ" của Nhà xuất bản Mỹ Thuật, ở mục Yêu Tổ Quốc, bắt đầu bằng "Tổ quốc của chúng ta là Việt Nam. Quốc kỳ của chúng ta chính là lá cờ đỏ sao vàng". Phần minh họa có hình lá cờ Việt Nam để trẻ tô màu, nhưng ngay bên cạnh là hình lá cờ Trung Quốc.

Bộ sách tham khảo Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ của nhà sách Hương Thủy cũng phải sửa lại, với lá cờ Trung Quốc cắm trên cổng trường bị yêu cầu xóa đi.

Mới năm ngoái, cuốn sách Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa có in bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc, bị phát hiện đã tồn tại trên thị trường suốt sáu năm.

Chỉ khi dư luận lên tiếng phản đối, các nhà xuất bản mới cho thu hồi và chỉnh sửa lại các cuốn sách này.

Hầu hết nhưng tài liệu này là của các tác giả người Trung Quốc và được Việt Nam dịch sang tiếng Việt.

sach2

Hình lưỡi bò trong cuốn Luyện kỹ năng đọc hiểu tiếng Hoa cũng có đường lưỡi bò. Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, thành viên đội bóng No-U chống đường lưỡi bò của Trung Quốc, thì sự lỏng lẻo của cơ quan cơ quan chức năng đã để tiếp diễn tình trạng này :

Thứ nhất, đây là sự vô trách nhiệm của những người in ấn bởi vì việc nhầm này rất nhiều khả năng họ bê nguyên xi tài liệu của Trung Quốc về và họ chỉ việc sơ xào lại và cho xuất bản ở Việt Nam.

Thứ hai, là câu hỏi về cơ quan kiểm duyệt ấn phẩm báo chí ở Việt Nam. Những tài liệu nhạy cảm ảnh hưởng tới quyền lợi của Đảng Cộng sản hay chính quyền thì họ kiểm duyệt rất gắt gao. Nhưng những cái xâm phạm nghiêm trọng về chủ quyền dân tộc hay gây bất lợi cho nhận thức của người Việt về Trung Quốc thì họ lại rất lỏng lẻo.

Những năm gần đây chính phủ Hà Nội siết chặt việc kiểm duyệt các thông tin trên mạng, đặc biệt nhắm vào giới có quan điểm chính trị khác với Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ quan chức năng thường xuyên gây áp lực với các hãng thông tin lớn như Facebook, Google, Youtube, yêu cầu họ phải tháo gỡ những tài liệu, video mà Việt Nam cho là "độc hại". Đây phần lớn là những thông tin, clip bày tỏ quan điểm chính trị bất đồng với chính quyền Hà Nội. Riêng năm ngoái, hơn 3000 clip được nói có thông tin độc hại ở Việt Nam đã bị Youtube gỡ bỏ, trong tổng số hơn 8.000 clip mà Bộ Thông tin Truyền thông yêu cầu.

Sơ ý ?

Giáo viên Tiểu học chúng tôi có dịp tiếp xúc nói rằng mặc dù phía chức năng thường giải thích là do sơ xuất không để ý bản đồ lưỡi bò, nhưng cô không tin vào lý do này :

Đó là họ chống chế thôi, chứ sơ suất gì mà lặp đi lặp lại nhiều lần. Thí dụ cái cờ 5 ngôi sao vàng của Trung Quốc làm sao gọi là sơ suất được. Tôi nghĩ, trong nội bộ Đảng Cộng sản có phe chấp nhận làm nô lệ cho Tàu.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng lại có quan điểm khác :

Tôi cho rằng Trung Quốc thì rõ ràng họ có âm mưu còn Việt Nam tiếp tay cho âm mưu đó bằng sự lỏng lẻo và thờ ơ vô trách nhiệm. Tôi không nghĩ họ trắng trợn tới mức có mưu kế trong chuyện này. Các nhà xuất bản ở Việt Nam cũng chỉ chạy theo lợi nhuận thôi, họ thấy chỗ nào rẻ thì in, chỗ nào bản quyền lỏng lẻo họ có thể ăn trộm hoặc mua rẻ được thì họ làm và vô hình chung họ tiếp tay cho việc truyền bá âm mưu của Trung Quốc.

Ngoài việc sử dụng chiến lược truyền bá tư tưởng cho trẻ em như ông Lã Việt Dũng nhận định, Trung Quốc còn thực hiện nhiều "mưu mẹo" khác nhằm đem hình ảnh đường lưỡi bò vào lãnh thổ Việt Nam, chẳng hạn như khách du lịch mặc áo in hình lưỡi bò, ban phát tờ rơi có hình này tại các khu du lịch, dùng hộ chiếu có đường lưỡi bò để quá cảnh vào Việt Nam,…

********************

Thu hồi sách lớp 1 in hình đường lưỡi bò (RFA, 05/09/2018)

Nhà xuất bản Thế Giới và Công ty sách Đinh Tị vừa cho thu hồi cuốn sách cho học sinh lớp 1 có in hình đường lưỡi bò của Trung Quốc. Truyền thông trong nước hôm 5/9 loan tin này.

sach0

Sách "Wow ! - Những bí mật kỳ diệu" có bản đồ in hình lưỡi bò của Trung Quốc. Courtesy of Vnexpress

Cuốn sách có tên "Wow ! - Những bí mật kỳ diệu" là sách của tác giả Tôn Nguyên Vĩ (Trung Quốc), được Thỏ Dương Dương và Phúc Bình dịch sang tiếng Việt. Nhà xuất bản Thế giới và Công ty sách Đinh Tị phát hành.

Nhiều phụ huynh đã phát hiện trong phần Tìm hiểu về phương tiện giao thông ở trang số 27 có in bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Đoàn Trần Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản Thế giới đã thừa nhận những sai sót trên và yêu cầu cho thu hồi cuốn sách để chỉnh sửa. Ông Lâm giải thích rằng bộ sách có nội dung tốt, nhưng phần bản đồ minh họa có đường lưỡi bò quá nhỏ nên các biên tập viên không chú ý hoặc nhầm lẫn là tuyến đường hàng hải.

Phía Công ty sách Đinh Tị cho biết phần bản đồ có đường lưỡi bò do tác giả Trung Quốc đơn phương vẽ, nhưng do sơ suất không chủ ý trong khâu biên tập và kiểm duyệt nên để xuất hiện bản đồ sai và không có giá trị trong bản dịch tiếng Việt.

Quay lại trang chủ
Read 638 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)