Nghi vấn cá chết do nước rỉ bãi rác Nam Sơn (RFA, 11/09/2018)
Báo mạng Tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay cá của người dân nuôi tại khu vực Sóc Sơn, Hà Nội bị chết hàng loạt, mà nguyên nhân có thể là do nước thải từ khu xử lý rác sinh hoạt Nam Sơn gần đó gây ra.
Nhân viên môi trường thu gom cá chết từ Hồ Tây, Hà Nội ngày 03 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Tờ báo trích lời một người dân nuôi cá, cho biết là bị thiệt hại đến 40 triệu đồng do cá bị chết. Người dân này nói rằng cá được nuôi tại một con suối mà nước thải khu xử lý nước rỉ rác của nhà máy rác Nam Sơn chảy ra.
Theo nhiều người dân ở đây thì mỗi lần mưa to nước rỉ rác lại chảy ra rất hôi thối.
Đại diện chính quyền địa phương thì nói với báo chí rằng đã gửi kiến nghị lên chính quyền cấp cao và các đơn vị xử lý rác nhưng chưa được trả lời.
Bãi rác Nam Sơn tọa lạc tại Huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội.
Đây không phải là lần đầu tiên cư dân địa phương cho rằng nhà máy rác đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hồi năm 2017, do rác bốc mùi hôi trong, dân chúng Sóc Sơn đã chận đường trong nhiều ngày không cho xe đổ rác từ Hà Nội đến đổ rác vào bãi rác này.
Và tình trạng ô nhiễm do rác sinh hoạt không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở Đa Phước, Sài Gòn, và tại Quảng Ngãi vừa qua dân chúng cũng tiến hành biểu tình phản đối rất dữ dội chuyện nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm.
***************
Nghi vấn nhà máy Alumin Nhân Cơ xả thải (RFA, 11/09/2018)
Vào ngày 9 tháng 9, dòng suối chảy qua địa bàn huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đăk Nông bỗng dưng biến thành màu đỏ, khiến người dân địa phương lo lắng vì cho rằng nhà máy alumin Nhân Cơ gần đó xả thải ra môi trường.
Người dân địa phương lo lắng vì cho rằng nhà máy alumin Nhân Cơ gần đó xả thải ra môi trường. Courtesy kienthuc.net.vn
Trả lời báo chí trong nước hôm 11/9, ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, nước chảy ra suối có màu đỏ là nước rửa quặng từ hồ tuyển quặng đuôi của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Theo ông Thắng, nước này không phải là bùn đỏ, không có hóa chất nên sẽ không gây hại cho môi trường.
Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết từ lâu nay nhưng chưa bao giờ thấy suối có nước màu đỏ như vậy và rất mong cơ quan chức năng điều tra vụ việc.
Trả lời truyền thông trong nước hôm 11/9, ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp cũng cho rằng, do mương xả tràn trên đập hồ tuyển quặng đuôi Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị tràn nên nước rửa quặng chảy ra ngoài nên nước có màu đỏ chứ không phải là bùn đỏ.
Vấn nạn bùn đỏ của nhà máy khai thác bauxite từng được nêu ra khi dự án mới được khởi động.
*******************
Vỡ hồ chứa chất thải nhà máy phân bón ở Lào Cai (RFA, 11/09/2018)
Hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2 ở Lào Cai vừa qua bị vỡ khiến khoảng 45.000 m3 nước và chất thải tràn ra môi trường.
Hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2 ở Lào Cai vừa qua bị vỡ khiến khoảng 45.000 m3 nước và chất thải tràn ra môi trường. Courtesy laocai.vn
Truyền thông trong nước vào ngày 10 tháng 9 cho biết hiện Công an Lào Cai đang điều tra vụ việc.
Cụ thể vào ngày 7/9 đập hồ chứa chất thải của Nhà máy DAP số 2 thuộc công ty Vinachem, tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai bị vỡ.
Bãi thải này nằm sát tỉnh lộ 151, chiều dài thân đập bị vỡ khoảng 50m. Sự cố vỡ đập không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên làm ảnh hưởng đến gần 40 hộ dân ở thị trấn Tằng Loỏng, vì lượng nước thải và bùn tràn ra ngoài môi trường khoảng 45.000m3 được cơ quan chức năng xác định có đặc tính axit, với PH=1,9.
Hiện công an tỉnh Lào Cai vẫn chưa công bố chính thức nguyên nhân vỡ đập hồ chứa thải, và hiện đang tiếp tục điều tra vụ việc.
****************
Bauxite Tây Nguyên : Sụp lún nghiêm trọng ở gần hồ chứa bùn đỏ nhà máy Alumin Nhân Cơ (CaliToday, 09/09/2018)
Thảm họa Bauxite Tây Nguyên một lần nữa gây lo lắng cho người dân Việt Nam, khi mà mấy ngày qua tình trạng sụp lún gần hồ chứa bùn đỏ nhà máy Alumin Nhân Cơ ngày một nghiêm trọng…
Một số vị trí mương thoát ngước ngoại vi và bờ đập hồ bùn đỏ số 2 gần rẫy của người dân bị sụt trượt. Ảnh Anh Dũng - Hưng ThịnhTTXVN
Báo đài Việt Nam đồng loạt đưa tin từ nữa cuối tháng 8/2018 cho đến mấy ngày gần đây, nhiều diện tích đất quanh khu vực hồ bùn đỏ số 2 của nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông liên tục sụp lún nghiêm trọng, không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân sinh sống xung quanh khu vực mà còn khiến người dân nơi này lo lắng cho sự an toàn của bản thân. Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng sụp lún, người dân nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo Công ty nhôm Đắk Nông (đơn vị Chủ quản của Nhà máy nhôm Alumin Nhân Cơ) và các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông nhưng theo ý kiến chung của người dân tại khu vực là vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Trả lời báo đài Việt Nam, nhiều hộ dân sinh sống và có đất canh tác ở xung quanh hồ chứa bùn đỏ số 2 cho biết tình trạng sụp lún diễn ra từ giữa năm 2017. Ban đầu người dân phát hiện đất canh tác của mình bị sụp lún một đoạn ngắn, lún sâu khoảng vài chục mét nhưng sau đó thì hiện tượng sụp lún lan rộng và sâu hơn, tình trạng đang cho thấy chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo các hộ dân, hiện tượng đất sụt lún này là do việc thi công hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ gây tác động đến địa chất khu vực.
Người dân lo lắng cho sự an toàn của bản thân, không yên tâm sản xuất bởi nhiều khi muốn ra vườn canh tác cây trồng sợ đất sụp lún, vùi lấp. Người dân mong muốn lãnh đạo Công ty nhôm Đắk Nông phối hợp với chính quyền các cấp ở địa phương sớm khắc phục triệt để hiện tượng sụp lún này, hoặc tính phương án giải tỏa đền bù để người dân tìm nơi khác an toàn hơn để sinh sống.
Trả lời câu hỏi của báo đài Việt Nam về tình trạng sụp lún đất ở gần hồ chứa bùn đỏ số 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ, ông Ngô Tố Ninh-Phó Giám đốc Công ty nhôm Đắk Nông cho biết nguyên nhân ban đầu là do ở thời tiết, mưa liên tục trong nhiều tháng qua ở Đắk Nông nói chung khiến đất ở khu vực này trương nở dẫn đến hiện tượng sụp lún.
Thời tiết xấu, mưa nhiều cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc trưa ngày 7/9/2018, hồ chứa thải của Nhà máy DAP số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai bị vỡ, làm tràn khoảng 45.000 m3 khối nước thải và bùn ra môi trường gây ảnh hưởng không nhỏ đến các khu vực dân cư lân cận và vùng hạ du. Hiện lãnh đạo tỉnh Lào Cai đang khắc phục sự cố nhằm hạn chế mức tối đa lượng bùn thải tràn ra sông Hồng.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ được thành lập nhằm phục vụ cho Dự án khai thác Bauxite tại Nhân Cơ, đây là một trong những dự án thuộc Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên theo chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2007 đã ký quyết định 167 phê duyệt quy hoạch phân vùng, thăm dò, đầu tư khai thác…
Từ trước đến nay, Dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên luôn là đề tài khiến dư luận nhiều tranh cãi chủ yếu xoay quanh các vấn đề an ninh quốc phòng, báo động tình trạng sử dụng công nghệ Trung Quốc và lao động Trung Quốc vào việc thực hiện dự án, tiếp đến là vấn đề thiệt hại kinh tế, trật tự xã hội và ô nhiễm môi trường. Rất nhiều người nằm trong giới lãnh đạo CS Việt Nam cho rằng không nên thực hiện Dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên vì sẽ gây hậu quả sinh thái lâu dài và nghiêm trọng đối với dân cư đặc biệt dân cư ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Còn giới trí thức Việt Nam cho rằng Dự án khai thác Bauxit Tây Nguyên nếu thực hiện sẽ hủy diệt cả dân tộc, tương lai sẽ có nhiều sông suối ở vùng đồng bằng sẽ nhộm màu bùn đỏ, người dân không có nước uống và phụ nữ khi sinh con sẽ sinh ra những quái thai.
Ngoài ra, việc khai thác Bauxite Tây Nguyên hằng năm sẽ thải ra ước chừng khoảng 10 triệu tấn bùn đỏ, như quả bom bùn ở thượng nguồn vùng đồng bằng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, rồi bụi Bauxite sẽ phát tán gây bệnh cho người dân, việc khai thác sẽ phá hủy rừng và làm mất văn hóa vùng miền.
Đặc biệt Tây Nguyên là vùng chiến lược quốc phòng, việc để lao động Trung Quốc tập trung đông sẽ tiềm ẩn nhiều mối an nguy liên quan đến an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, yếu tố làm cho dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên gây nhiều tranh cải, nhiều mối lo nhất chính là vào thời kỳ hậu khai thác Bauxite Tây nguyên là sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ.
Đến nay, mọi ý kiến phản biện vẫn không làm thay đổi sự thật là dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên đang tiến hành và những thiệt hại kinh tế như lợi nhuận bị lỗ triền miên, môi trường bị ô nhiễm. Theo trang Wikipedia tổng hợp, ngày 8/10/2014 hồ hải quặng đuôi số 5 của dự án Tân Rai đã bị vỡ đê, 5000 mét khối nước và bùn đỏ ràn ra ngoài. Ngày 13/2/2016, đường ống dẫn nước có chứa chất xút độc hại từ hồ bùn đỏ của nhà máy Alumin Tân Rai bị vỡ khiến nước chảy tràn ra ngoài, hệ quả công nghệ Trung Quốc.
Quê Hương
*****************
Nhiều nỗi lo để du khách Trung Quốc tự lái xe vào lãnh thổ Việt Nam (CaliToday, 09/09/2018)
Cùng với việc cho khách du lịch hai nước Việt Nam- Trung Quốc tự lái xe qua lại biên giới tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Việt Nam-Trung Quốc đẩy nhanh, đẩy mạnh thêm mối quan hệ theo cái gọi là "Bên kia biên giới là nhà. Bên nay biên giới cũng là quê hương"-(thơ Tố Hữu) …
Đoàn xe du lịch tự lái của Việt Nam (bảng số màu trắng) và đoàn xe du lịch tự lái của Trung Quốc (bảng số màu xanh) đi qua Hữu Nghị Quan- Ảnh : báo VOV
Báo đài Việt Nam cho biết vào ngày 7/9/2018, Sở Văn hóa-Thể thao& Du lịch tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam vừa phối hợp cùng với Ủy ban phát triển du lịch tỉnh Quảng Tây của Trung tổ chức khai thông tuyến du lịch tự lái xe qua biên giới Lạng Sơn- Quảng Tây tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án thí điểm cơ chế đặc thù trong việc tổ chức đưa đón các đoàn xe du lịch tự lái Trung Quốc vào du lịch trong địa phận Khu kinh tế, Khu sinh thái cửa khẩu Đồng Đăng thuộc tỉnh Lạng Sơn và ngược lại, khách du lịch Việt Nam có thể lái xe sang hai thành phố Sùng Tả, Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây.
Được biết, ngay sau đại diện của hai nước cùng nhấn Cầu khai thông tuyến du lịch tự lái xe này, đã có 11 xe du lịch tự lái của Việt Nam và có 30 xe du lịch tự lái của Trung Quốc làm thủ tục qua lại tham quan du lịch ở hai tỉnh biên giới.
Trước đó vào tháng 3/2018, Phó thủ tướng CS Việt Nam ông Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây đồng ý tổ chức thí điểm hoạt động xe ô tô du lịch tự lái Trung Quốc vào thành phố Hạ Long (Việt Nam) và xe ô tô du lịch tự lái Việt Nam vào thành phố Đông Hưng (Quảng Tây-Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Mống Cái. Thời hạn thí điểm này tính từ tháng 3/2018 đến hết ngày 31/12/2018, phạm vi hoạt động của xe tự lái giữa hai nước phải tương đương theo nguyên tắc đối đẳng.
Cùng với sự kiện ngày 28/8/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 19/2018/TT-Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho phép cư dân vùng biên giới Việt Nam- Trung Quốc có thể dùng tiền Việt Nam Đồng (VND) hoặc Nhân dânTệ (CNY) trong thanh tóan hàng hóa, dịch vụ thì sự kiện khách du lịch hai nước Việt Nam- Trung Quốc được phép tự lái xe qua lại biên giới tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị lần này khiến không ít dư luận Việt Nam cho ý kiến rằng, Việt Nam-Trung Quốc đang đẩy nhanh, đẩy mạnh theo mối quan hệ của cái gọi là "Bên kia biên giới là nhà. Bên nay biên giới cũng là quê hương"-(thơ Tố Hữu).
Và cũng không ít dư luận đưa ý kiến thắc mắc trước đây hoạt động của người dân hai nước qua lại tại vùng biên giới đều phải đóng tiền cửa khẩu, giờ du khách có thể tự lái xe qua lại không đóng tiền thì liệu như vậy có thiệt thòi cho phía Việt Nam hay không ? Chưa hết tình hình an ninh, trật tự xã hội ở biên giới sẽ quản lý như thế nào nếu từ nay du khách "trá dùng" dùng xe tự lái để vận chuyển hàng lậu, hàng quốc cấm hoặc du khách lợi dụng sự kiện này để đẩy mạnh hoạt động tuồn xe lậu của Trung Quốc vào Việt Nam ? Rồi giả sử du khách Trung Quốc qua Việt Nam gây án rồi vọt lên xe về lại Trung Quốc thì việc điều tra, xử lý vụ án sẽ tiến hành như thế nào ?… Lợi bất cập hại, một hình thức mở rộng thêm cửa cho dân Trung Quốc tiến vào lãnh thổ Việt Nam.
Thông tin về việc người dân Trung Quốc qua du lịch, sinh sống và làm ăn tại Việt Nam có không ít trường hợp không tôn trọng văn hoá, xem thường pháp luật Việt Nam và gây nhiều tệ nạn xã hội khác vậy việc Việt Nam thông qua quyết định cho phép du khách Trung Quốc tự lái xe vào Việt Nam liệụ có cần xem lại quyết định này hay là không ?
Quê Hương