Chủ tịch Quốc Hội đề nghị xem lại thông tư cho dùng đồng yuan ở biên giới (RFI, 14/09/2018)
Một thông tư của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ tại các chợ biên giới giáp với Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 10/2018, bị một bộ phận chuyên gia trong và ngoài nước phản đối mạnh. Hôm qua, 13/09/2018, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đề nghị xem xét lại thông tư, bị tố cáo là "vi hiến" này.
Ảnh minh họa. Tờ bạc mệnh giá 100 nhân dân tệ. Reuters/Jason Lee
Theo truyền thông trong nước, trong một cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam, chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng chỉ đạo xử lý các vấn đề trong dư luận liên quan đến "Thông tư số 19/2018/TT-Ngân hàng nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc". Bà Ngân cũng đặt câu hỏi : Liệu việc sử dụng hai đồng tiền trên một đất nước, cho dù là tại khu vực thương mại ở biên giới, có vi hiến, vi phạm pháp luật ?
Trả lời RFI tiếng Việt, nhà kinh tế học Nguyễn Quang A – đồng tác giả một bản tuyên bố phản đối Thông tư số 19 – cho biết nhận định của ông về vấn đề này :
Nguyễn Quang A : "Tôi nghĩ là bà chủ tịch Quốc Hội cũng nghe dư luận ồn ào, và đặt vấn đề phải xem xét lại. Tôi nghĩ là bà ấy cũng không đọc kỹ, và cũng không hiểu lắm về vấn đề này. Quan niệm của tôi rất rõ ràng : Ở tại nước Việt Nam, chỉ được dùng đồng tiền Việt Nam, kể cả ở vùng biên giới Việt – Trung cũng vậy, ở các xã biên giới cũng vậy. Không thể có chuyện cho sử dụng đồng nhân dân tệ tiền mặt, và thậm chí cả tiền chuyển khoản ở nội địa Việt Nam.
Trong các thanh toán gọi là xuất nhập khẩu, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn có thể thanh toán bằng rất nhiều đồng ngoại tệ khác nhau. Nhưng không phải thanh toán "xuất nhập khẩu" mà dùng đồng tiền nước ngoài, thì đó là cái mà chúng tôi phản đối.
Với tư cách là các công dân, chúng tôi chỉ có thể cất lên tiếng nói của mình, cảnh báo về những nguy cơ như vậy. Và chúng tôi cũng có thể khuyên Nhà nước một cách khác, để giải quyết những cái nhức nhối đã xảy ra nhiều năm nay, ở các vùng biên giới.
Đó là phải cấm nghiêm ngặt việc sử dụng tiền mặt nhân dân tệ, việc sử dụng tiền chuyển khoản nhân dân tệ, để thanh toán tại Việt Nam, và chỉ dùng ngoại tệ để thanh toán "xuất nhập khẩu". Nhưng để thuận tiện cho bà con dân cư ở vùng biên giới, các ngân hàng phải tổ chức một mạng lưới đổi tiền thật dễ dàng cho bà con, kể cả với bà con người Việt Nam, cũng như bà con người Trung Quốc muốn mua hàng hóa ở biên giới. Đó là một giải pháp. Nhưng không có chuyện thanh toán bất luận là chuyển khoản, hay là tiền mặt bằng nhân dân tệ tại Việt Nam, để thanh toán các khoản chi phí, mua hàng phát sinh tại Việt Nam".
(Ông Nguyễn Quang A cho biết thêm : hoạt động xuất nhập khẩu nói trên là các hoạt động xuất nhập khẩu "chính thống" của các công ty có tư cách pháp nhân, có trụ sở ở Việt Nam, không cứ là tại vùng biên giới. Chẳng hạn, doanh nhân có thể thỏa thuận với khách hàng Trung Quốc, lấy tiền nhân dân tệ, để bán lại cho Ngân hàng Việt Nam, đổi lấy tiền đồng Việt Nam).
RFI : Một số người cho rằng thông tư 19 là chặt chẽ, có thể giúp Việt Nam quản lý được tình trạng sử dụng nhân dân tệ tại vùng biên giới, ông nghĩ sao ?
Nguyễn Quang A : "Nhiều người cũng lên tiếng là các quy định của thông tư 19 rất là rõ ràng, rất là chặt chẽ. Người ta nói là ở chợ biên giới, thì được thanh toán bằng chuyển khoản (đối với tiền nhân dân tệ), thanh toán bằng tiền mặt Việt Nam…, tức là không thể thanh toán được bằng đồng tiền mặt nhân dân tệ. Và người ta cứ tưởng như thế là chặt chẽ lắm. Chính cái điều tưởng là chặt chẽ ấy đã tiềm ẩn nguy cơ hợp thức hóa việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Thực sự đó là việc hợp thức hóa một cái chuyện đã rồi. Bởi việc người ta dùng đồng tiền mặt nhân dân tệ ở các chợ Móng Cái và Lạng Sơn đã xảy ra từ lâu rồi. Bây giờ với quy định như thế, thì dường như có vẻ rằng đó là việc cấm dùng tiền mặt, và bắt tất cả thương gia và người dân dùng qua tài khoản ngân hàng. Nhưng tôi nghĩ rằng chính quy định có vẻ là chặt chẽ này, nhưng lại vô cùng khó khăn để thực hiện. Đấy mới là cái mà chúng tôi lo lắng".
Trọng Thành
******************
Chủ tịch quốc hội : Dư luận nói cho sử dụng tiền Trung Quốc ở biên giới là vi hiến (VOA, 14/09/2018)
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng chính phủ đang xem lại thông tư cho sử dụng nhân dân tệ ở biên giới trong lúc có những dư luận trái chiều về quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép thanh toán đồng tiền Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam hôm 13/9 nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng có dư luận nói quy định mới này là vi hiến, vi phạm pháp luật nên cần phải xem lại, theo quochoi.org, cổng thông tin điện tử chính thức của Quốc hội Việt Nam.
Thông tư 19/2018 do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 28/8 cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong hoạt động thương mại tại khu vực biên giới hai nước Việt-Trung. Theo quyết định này, việc thanh toán bằng đồng tiền của Trung Quốc ở các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12/10.
Theo bà Ngân có nhiều dư luận trong và ngoài nước liên quan đến thông tư.
"Có người nói vi hiến. Liệu có vi hiến, vi phạm pháp luật", Chủ tịch quốc hội Việt Nam nói tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở Hà Nội hôm 13/9.
Bà Ngân nói cần "phải trả lời câu hỏi này" và yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng phải trực tiếp chỉ đạo việc này.
Mặc dù quy định này chỉ được áp dụng cho khu vực thương mại ở biên giới nhưng bà Ngân nói vẫn cần phải xem lại.
Tuyên bố của Chủ tịch quốc hội được đưa ra không lâu sau khi hàng trăm trí thức Việt Nam đồng loạt ký tên vào một tuyên bố phản đối quyết định của Ngân hàng nhà nước vì họ cho là vi hiến và ảnh hưởng đến an ninh kinh tế.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A nhận định với VOA hôm 6/9 rằng thông tư mới của Ngân hàng nhà nước còn nhiều điều quá mập mờ có thể ảnh hưởng tới chủ quyền tiền tệ của Việt Nam cũng như tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ quốc gia.
Một người ký tên vào bản tuyên bố, bác sĩ Đinh Đức Long ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với VOA rằng đây là một việc chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Ông cho rằng "ngoại tệ mà được sử dụng chính thức trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật, vi phạm hiến pháp Việt Nam" và sẽ "ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, an ninh kinh tế."
Theo hãng tin nhà nước Trung Quốc Xinhua, thông tư này củng cố thêm nghị định của chính phủ Việt Nam về thanh toán ở khu vực biên giới có hiệu lực vào tháng 1 năm nay và thay thế một quy định khác của Ngân hàng nhà nước được đưa ra năm 2004 về thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á khi kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua con số 10 tỷ USD trong năm nay, theo thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đưa ra hôm 26/7.
Việt Nam cho rằng việc cho phép sử dụng tiền Trung Quốc trong giao thương tại khu vực biên giới như nêu trong Thông tư 19/2018 là "góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt-Trung ngày càng phát triển."
Tuy nhiên tâm lý bài Trung Quốc tiếp tục tăng cao khi người dân trong nước lo ngại về các dự án đầu tư của Trung Quốc nhằm khai thác tài nguyên của Việt Nam, trong đó nổi nhất là dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, và gần đây là dự luật đặc khu kinh tế trong đó cho các nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Trong tháng Sáu, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở khắp Việt Nam và trên thế giới nơi có nhiều người Việt sinh sống để phản đối dự luật này khi công chúng cho rằng sẽ có nhà đầu tư Trung Quốc đứng đằng sau các dự án ở các đặc khu kinh tế.
Việt Nam có bảy tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, bao gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Điện Biên.
***************
Ngang nhiên dùng Nhân dân tệ trên đất Việt Nam, tiền chạy thẳng về Trung Quốc (VietnamNet, 13/09/2018)
Đi "tour du lịch 0 đồng" , khách Trung Quốc ngang nhiên thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp, các ví điện tử như Alipay, Wechat Pay. Bộ Tài chính sắp tới sẽ thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành tại những địa bàn trọng điểm, nếu phát hiện có sai phạm về thuế nghiêm trọng sẽ chuyển công an xử lý.
Cửa hiệu trưng biển có biểu tượng của ứng dụng Wechat, đồng thời ghi rõ tỷ giá tiền Nhân dân tệ quy đổi sang tiền Đồng
Tiêu tiền Nhân dân tệ bất hợp pháp ở Việt Nam
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến việc chuyển tiền kinh doanh qua POS trái phép về Trung Quốc. Trong đó, Phó Thủ tướng đã giao cho Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương kiểm soát ngăn chặn tình trạng này.
Thực tế, sau những chỉ đạo ráo riết của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã lần lượt nêu quan điểm của mình về tình trạng trên.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính mới đây đã thẳng thắn đề cập quan điểm về các "tour du lịch 0 đồng".
Bộ Tài chính cho hay : Tại một số địa bàn du lịch trọng điểm như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang bùng phát hiện tượng các "tour du lịch 0 đồng" với nguồn khách chủ yếu là khách Trung Quốc. Về bản chất, các tour du lịch này không phải là khách hàng được đi du lịch miễn phí. Đây là một hình thức thu hút khách của các công ty lữ hành Trung Quốc.
Ban đầu, các công ty này đưa ra mức giá cho khách đi du lịch tại Việt Nam với chi phí rất thấp, thậm chí không thu tiền khách hàng. Sau đó, khi khách hàng tham gia tour du lịch tại Việt Nam, các công ty này sẽ khai thác lợi nhuận từ khách hàng bằng cách đưa khách vào sử dụng một chuỗi dịch vụ khép kín bao gồm : Ăn uống, lưu trú, tham quan, mua sắm.
Đây chính là các địa điểm do chính các công ty này lập nên hoặc chỉ định. Nổi cộm trong chuỗi dịch vụ này chính là hoạt động mua sắm tại các cơ sở bán hàng đã được chỉ định trước.
Nói về các điểm mua sắm này, Bộ Tài chính cho hay "thường do chủ người Trung Quốc điều hành, bán hàng" nhưng lại thuê người Việt Nam đứng tên, đăng ký kinh doanh.
Sau khi mua sản phẩm, khách hàng sẽ có hai phương thức nhận hàng. Đó là nhận tại chỗ, điều mà Bộ Tài chính nhận định là "chiếm tỷ trọng nhỏ". Còn cách hai chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu, chính là nhận tại địa chỉ của khách hàng bên Trung Quốc.
"Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ khách hàng nhận phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Còn kinh tế Việt Nam thì có nguy cơ thất thu vì không 'xuất khẩu' được hàng hóa, khách Trung Quốc lại mua chính hàng Trung Quốc trên đất Việt Nam", Bộ Tài chính quan ngại.
Nói về phương thức thanh toán, Bộ Tài chính nêu rõ việc khách hàng ngang nhiên thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp. Đó là sử dụng thẻ do ngân hàng Trung Quốc phát hành quẹt qua máy POS do ngân hàng Trung Quốc phát hành mà không cần đăng ký với ngân hàng Việt Nam". Hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ví điện tử như Alipay, Wechat Pay do các đối tượng Trung Quốc cung cấp cho du khách Trung Quốc.
"Đây là các thủ đoạn mới, tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng Việt Nam. Với các phương thức thanh toán này, các cơ quan quản lý của Việt Nam khó kiểm soát được dòng tiền, doanh thu bán hàng của các điểm bán hàng", Bộ Tài chính đánh giá và cho rằng đây là vấn đề cần được kiểm soát nhưng còn nhiều khó khăn.
Chấn chỉnh tình trạng ngang nhiên thanh toán qua các ví điện tử Trung Quốc
Sai phạm về thuế nghiêm trọng sẽ chuyển công an
Bộ Tài chính cho biết đã đề ra nhiều biện pháp quản lý, nên hiện tượng tour du lịch 0 đồng đã giảm mạnh trong năm 2016, 2017. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh do người Trung Quốc lập ra, điều hành đã tìm ra các thủ đoạn, hành vi mới như thanh toán qua POS trái phép, thanh toán qua các ví điện tử bất hợp pháp... Điều đó khiến công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch còn nhiều vướng mắc.
Chẳng hạn, dù có tình trạng trên nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa có biện pháp giám sát, phát hiện kịp thời để ngăn chặn và xử lý.
Công ty lữ hành trong nước chuyên mua lại tour đón khách Trung Quốc còn hạn chế về năng lực, tài chính, cơ sở vật chất lẫn nhân lực. Các công ty này vẫn chịu nhiều sức ép, chịu chi phối bởi các công ty lữ hành quy mô nhỏ, sẵn sàng trục lợi đối với khách du lịch, sau đó giải thể công ty và thành lập pháp nhân mới để trốn tránh sự quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, vẫn còn tồn tại tình trạng hướng dẫn viên là người Trung Quốc lao động chui tại Việt Nam. Các đối tượng này rất dễ móc nối với các chủ cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ, sản phẩm hàng hóa cho khách du lịch để trục lợi.
Trong công tác quản lý thuế, Bộ Tài chính thừa nhận cơ quan thuế chưa có đầy đủ kịp thời thông tin về các công ty lữ hành, các cơ sở kinh doanh,... làm cơ sở dữ liệu. Điều đó gây khó khăn trong việc xác định được đầy đủ doanh thu của các cơ sở kinh doanh khi các chủ các cơ sở này cung cấp, chấp nhận các phương thức thanh toán bất hợp pháp và cố tình không khai báo.
Một trong những biện pháp Bộ Tài chính đề ra thời gian tới là sẽ xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành tại các địa bàn trọng điểm. Khi phát hiện các sai phạm về thuế là nghiêm trọng thì cần củng cố hồ sơ, chuyển công an xử lý theo quy định.
Lương Bằng
***************
Chủ tịch Quốc hội : cần xem xét lại thông tư cho phép sử dụng Nhân dân tệ ở biên giới (RFA, 13/09/2018)
Bà chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân lên tiếng về qui định cho phép chính thức sử dụng đồng nhân dân tệ tại khu vực biên giới Việt- Trung.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội Việt Nam. AFP
Mạng báo Thanh Niên dẫn phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng ngày 13/9, rằng cần phải xem xét lại thông tư 19 về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành hôm 28/8 vừa qua.
Theo bà Ngân, thông tư này được dư luận và các chuyên gia kinh tế phản đối mạnh mẽ vì cho là vi hiến và vi phạm pháp luật, vì trên một đất nước không thể sử dụng hai đồng tiền. Bà Ngân nhấn mạnh, tuy quy định này chỉ áp dụng tại khu vực biên giới Việt – Trung nhưng cần được xem xét lại thông tư này.
Ngoài ra, bà chủ tịch quốc hội còn cho rằng hiện nay nhiều luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực nhưng chưa thực hiện được do có quá nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật như hiện nay.
Thông tư 19 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hôm 28/8 về việc cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới Việt – Trung bắt đầu từ ngày 12/10 tới đây. Quy định này vấp phải sự phản đối mạnh mẻ từ dư luận vì cho rằng nó sẽ gây nguy hại đến nền kinh tế tiền tệ của Việt Nam.