Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/09/2018

Phụ nữ miền núi mong gì ?

Nhóm phóng viên

Với nhiều tập tục và bổn phận, nữ giới trong nhiều tộc người thiểu số mang trọng trách gánh vác cả gia đình. Vậy với cuộc sống khốn khó, cách xa nhiều cuộc sống tiện nghi và hiện đại, cách xa việc tiếp cận "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" liệu phụ nữ ở miền núi lo sợ điều gì và mong ước điều gì nhất ?

phunu1

Một phụ nữ miền núi xuống thị trấn với đôi chân trần -RFA

Mong gì, muốn gì ?

Chị Đường Thị Thiểu, một phụ nữ Thái ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ : "Thích tiền rồi mong sao được nhà được cửa to hơn…".

Chị Hà Thị Bành, một phụ nữ Thái Đen ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ : "Thích tiền, vì đau chân đau tay nên mong đi làm theo con cháu, muốn có nhà có cửa".

Chị Hoàng Thị Oanh, sống ở vùng núi phía Bắc chia sẻ : "Chỉ mong trời hòa thuận cho dân làm ăn chứ thiên tai đừng ập đến như những vùng khác".

Ước mong của những phụ nữ này cũng là ước mong chung của nhiều phụ nữ miền núi mà chúng tôi gặp. Quanh năm cui cút làm ăn, phụ thuộc con nước trời để trồng cây sắn, cây ngô, nhiều người trong số họ mong rằng có đủ lương thực để ăn, để cho con cái mang theo tới trường kiếm con chữ. Ước muốn của họ đôi khi đơn giản chỉ là tiền theo đúng nghĩa đen của nó, họ muốn có nhiều tiền không phải để sắm nhà lầu xe hơi mà là để cất được cái nhà che mưa che nắng, cái nhà trụ được trước những trận lũ quét ngày càng xảy ra thường xuyên hơn ở khu vực này.

Và nếu nhiều phụ nữ ở miền xuôi trả lời rằng thích đi du lịch, thích được nếm thử những món ăn, thích giúp đỡ người khác… thì với phụ nữ miền núi, giá trị gia đình được đặt lên cao nhất.

Chị Hoàng Thị Oanh chia sẻ thêm : "Thích vợ chồng thương nhau, chồng đi đâu mà có món quà gì mà mua về cho thì thích thôi. Nếu vợ chồng sống hòa thuận với nhau thì không bao giờ sợ bạo lực gia đình, nếu vợ chồng không hòa thuận mới sợ bạo lực gia đình thôi".

Một món quà của chồng nhiều khi là bông lan rừng mới nở, đôi lúc là sáp tổ ong rừng sâu hoặc thi thoảng là chiếc khăn thêu kiểu mới ở các phiên chợ, hoặc chỉ là cái kẹp tóc nhựa… vậy nhưng họ cảm thấy như mình có cả đất trời. Những bước chân nhọc nhằn địu con lên rẫy, địu củi mót về hoặc điệu hoa chuối rừng dường như cũng tiêu tan theo tiếng cười vui cuối ngày bên nồi bắp luộc hoặc chén cơm ăn muối, rau rừng, thi thoảng có thêm chút thịt nhưng rộn tiếng cười con thơ và cái nắm tay ấm áp của vợ chồng.

phunu2

Chỉ mong thiên tai đừng ghé đến... RFA

Sợ gì ?

Vậy phụ nữ miền núi sợ gì, hãy nghe lời chia sẻ của chị Đường Thị Thiểu, một phụ nữ Thái ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ : "Sợ cái gì, sợ người ác".

Chị Hà Thị Bành, một phụ nữ Thái Đen ở miền núi phía Bắc Việt Nam chia sẻ :"Sợ con người đánh đập cho, sợ người ác".

Chị Hoàng Thị Oanh chia sẻ thêm : "Sợ thiên tai lũ lụt, mưa gió là sợ nhất".

Sống giữa rừng thiên nước độc, điều lạ là phụ nữ các tộc người thiểu số không sợ đói khát, không sợ muôn thú mà lại sợ "người ác". Theo lời các chị, người ác ở đây là những người miền xuôi lên núi lừa lọc bà con để bán những món hàng không dùng được hoặc dùng vài ngày đã hỏng và lấy hết những đồng tiền ki cóp của họ. Người ác là những người lấy hết gỗ rừng, ăn dần muôn thú để đại ngàn của họ dần thưa tiếng chim hót, thiếu nước vào mùa nắng và lũ quét, lũ ống về mùa mưa.

Lên cao hơn một chút đến Bắc Hà Lào Cai, một phụ nữ H.Mong chia sẻ nỗi sợ của chị về sức khỏe cũng như tính mạng của nhiều phụ nữ và trẻ em gái khác.

Chị này cho hay thêm, hằng năm, số lượng trẻ em gái hoặc phụ nữ mất tích ở đây ngày càng nhiều hơn. Ban đầu nhiều người nghĩ rằng do đi lạc, nhưng dần về sau, thông tin về việc họ bị bắt cóc bán sang Trung Quốc ngày càng được lan rộng và gia đình chị cũng là một trong những nạn nhân. Theo lời chị, tất cả bắt nguồn từ việc một đứa cháu gái của chị lên Lào Cai học cấp ba. Cháu gái chị bảo là nó được tiếp cận với toàn cầu thông qua một cái máy tính… cả nhà nghe thế đều vui mừng vì chưa ai dám rời xa cái bản cái làng. Nhưng chưa được bao lâu, một người bạn của nó tìm đến tận nhà báo tin, nó quen với một anh nào đó qua internet, hẹn hò thế nào không biết sau đó bị lừa bán sang Trung Quốc rồi. Cả nhà của chị đã nhờ tất cả những người Kinh quen biết, thỉnh thoảng nghe ở đâu có người giống cháu mình cũng dành dụm đi tìm nhưng đã hai năm nay vẫn không có tin tức gì của cháu.

Theo một báo cáo trước Quốc hội hồi tháng trước, 80% nạn nhân bị mua bán tại Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. 90% các nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Công An, Thượng tướng Lê Quý Vương được truyền thông trong nước trích lời gần đây cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 1.000 vụ án với hơn 2.000 bị can liên quan đến hành vi mua bán người. Số nạn nhân bị mua bán được phát hiện là 3.100 người, trong số đó số nạn nhân chưa được giải thoát là 519 người.

Nhóm phóng viên

Quay lại trang chủ
Read 425 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)