Người Việt trong tuyên bố cứng rắn của Australia (VOA, 17/09/2018)
Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton cho biết đã "huy động" cả không lực và hải quân hoàng gia Australia tuần tra trên biển, sau khi để "lọt lưới" một nhóm người Việt tới Úc bằng thuyền.
Ông Dutton cho biết rằng tất cả 17 người Việt đặt chân tới đất liền của bang Queensland đã bị giải về Việt Nam.
Đây là chiếc thuyền đầu tiên vượt biên trái phép tới Australia trong gần bốn năm qua. Nó được phát hiện khi đang mắc cạn gần bờ biển và tin cho hay, những người trên thuyền đã chạy trốn vào khu rừng nhiệt đới nhiều cá sấu cũng như rắn độc.
Hình ảnh được hãng tin AFP đăng tải cho thấy chiếc thuyền sơn màu xanh nước biển giống như các tàu cá của ngư dân Việt Nam thường sử dụng.
"Thuyền buôn người Việt Nam cập bến hồi cuối tháng Tám là một sự nhắc nhở rằng mối đe dọa từ nạn buôn người chưa chấm dứt", ông Dutton nói trong thông cáo ra ngày 9/9 mà VOA tiếng Việt đọc được.
"Việc giám sát hàng hải Australia và khả năng phản ứng đã được củng cố với sự giám sát trên không và tuần tra trên mặt nước".
Ông Dutton cho biết thêm rằng các nguồn lực từ lực lượng hải quân và không quân Australia "đã được huy động để nhận dạng và ngăn chặn bất kỳ con tàu khả nghi nào tiếp cận biên giới Australia".
Theo Bộ trưởng Nội vụ Australia, kể từ khi chiến dịch bảo vệ lãnh thổ và biên giới được tăng cường năm 2013, "37 thuyền đã bị ngăn chặn trên biển và 827 người đã bị đưa trả về nơi xuất phát".
Ông Dutton nói thêm rằng dù việc đưa lậu người Việt vào Australia đã bị chặn, "những kẻ buôn người nhiều khả năng sẽ sử dụng việc nhóm này đã đặt được chân lên đất Australia để làm công cụ quảng bá thuyết phục những người khác thực hiện những chuyến hải hành phi pháp tới Úc".
Quan chức nội vụ này còn cho biết rằng "nỗ lực chống buôn người ở ngoài khơi, do cảnh sát liên bang Úc dẫn đầu, cũng đã được tăng cường".
Ông nói thêm rằng tất cả những hành động mạnh tay của chính quyền gửi một thông điệp cứng rắn tới những kẻ buôn người và những ai sử dụng dịch vụ của bọn chúng".
"Chính phủ Australia sẽ không để xảy ra tình trạng như trong quá khứ, làm hơn 1.200 người bỏ mạng trên biển trong khi tìm cách tới Australia bất hợp pháp bằng thuyền", ông Dutton nói.
Hồi cuối năm 2016, quan chức Việt Nam và Australia đã ký một văn bản ghi nhớ ở Canberra về việc Úc trao trả người xin tị nạn Việt.
Báo chí hai nước đưa tin rằng thỏa thuận chính thức này "sẽ tạo cơ chế chính thức cho việc đưa trở về những công dân Việt Nam không có quyền nhập cảnh hoặc ở lại Australia bất hợp pháp, bao gồm những người bị chặn lại trên biển".
Nhiều người Việt Nam trong vài năm qua đã bị chặn bắt trên biển khi tìm cách dùng thuyền tới Australia "xin tị nạn".
Chính phủ Australia từng tuyên bố sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để "bắt giữ và khởi tố những người tổ chức đưa người vượt biên trái phép và ngăn chặn hành vi kinh doanh nguy hiểm dựa trên sinh mạng của con người".
Úc trước đây từng gửi tất cả các thuyền nhân xin tị nạn tới các trung tâm xét duyệt nằm tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Chính phủ Australia tin rằng chính sách giữ người tị nạn ở ngoài khơi này sẽ làm nản lòng các di dân muốn vượt biển đầy nguy hiểm để đến Australia từ các nước như Việt Nam.
Quốc gia Đông Nam Á này trong những năm gần đây đã tiến hành xét xử và tống giam những nhân vật cầm đầu các đường dây đưa người Việt sang Úc trái phép bằng đường biển.
Viễn Đông
**************
Quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc tới Việt Nam (VOA, 17/09/2018)
Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 16/9 hội đàm với người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh và đồng chủ trì phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Vương Nghị và ông Phạm Bình Minh chụp ảnh tại Hà Nội hồi tháng Tư.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tới Việt Nam từ ngày 15 tới 16 tháng Chín theo lời mời của ông Minh, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo.
Theo tờ Lao Động, trong cuộc họp, hai bên "đã trao đổi thẳng thắn" về vấn đề trên Biển Đông.
Ngoài ra, tin cho hay, ông Minh và ông Vương cũng trao đổi về một số các vấn đề khác như chuyện "nhập siêu thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn còn lớn".
Trước cuộc họp với ông Minh, hôm 15/9, Bộ trưởng Vương cũng đã gặp ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nhân được Tân Hoa Xã trích lời nói rằng "thành công của Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho người Trung Quốc mà còn mang lại cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam".
Theo báo chí Trung Quốc, sau Việt Nam, ông Vương sẽ tới Philippines, quốc gia cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chuyến thăm Philippines từ ngày 16 tới 18 tháng Chín nhằm "củng cố thêm nữa nền tảng ngày càng vững mạnh của mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc".