Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/10/2018

Luật an ninh mạng, Facebook, thu hồi tài sản tham nhũng

Tổng hợp

Việt Nam bắt giam nhiều người trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực (Người Việt, 11/10/2018)

Hôm 11 tháng Mười, tin cho hay ông Lê Minh Thể, 55 tuổi, là trường hợp mới nhất ở Cần Thơ bị khởi tố, bắt tạm giam vì "kích động biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và Luật an ninh mạng".

luat1

Ông Lê Minh Thể (bìa trái) là trường hợp mới nhất ở Cần Thơ bị khởi tố, bắt tạm giam vì "kích động biểu tình". (Hình : Zing)

Báo Zing dẫn nguồn tin cơ quan cảnh sát điều tra Công An quận Bình Thủy cáo buộc ông này "có hành vi xuyên tạc, cấu kết với phần tử phản động".

Ông Thể, một blogger ít người biết đến, bị khép tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước ; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

"Ông Thể lập nhiều tài khoản Facebook để post và comment xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng và nhà nước. Việc làm của ông Thể gây hoài nghi trong người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương", tờ báo viết.

Cũng với tội danh nêu trên, hôm 27 tháng Chín, 2018, Tòa Án Nhân Dân quận Thốt Nốt tuyên phạt blogger Bùi Mạnh Đồng 2 năm rưỡi tù giam. Ông Đồng bị phạt tù vì hành vi "post Facebook nói xấu, chửi đảng, nhà nước, lãnh đạo lực lượng công an, cũng như vu khống, xuyên tạc, xúc phạm nghiêm trọng Hồ Chí Minh và Tôn Đức Thắng".

Trước đó, hôm 24 tháng Chín, 2018, ông Đoàn Khánh Vinh Quang (tự Facebooker Quang Đoàn) bị Tòa Án quận Ninh Kiều phạt 2 năm 3 tháng tù, với cùng tội danh do có hành vi "post Facebook xuyên tạc đảng, nhà nước".

Đáng lưu ý, cả ông Quang và ông Đồng được đưa ra xét xử "hết sức khẩn trương" trong chưa đầy một tháng, vì họ cùng bị bắt hôm 1 tháng Chín.

Cũng trong tháng Chín, Tòa Án quận Cái Răng tuyên phạt blogger Nguyễn Hồng Nguyên (tự Facebooker Bồ Công Anh) 2 năm tù và Trương Đình Khang (tự Facebooker Hồ Mai Chi) 1 năm tù cũng vì cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật hình sự.

Việc Cần Thơ bắt, phạt tù liên tiếp 5 người chưa phải là nhân vật đấu tranh có tên tuổi trong vòng một tháng, tất cả cùng một tội danh với những cáo buộc mơ hồ và mang tính áp đặt làm dấy lên quan ngại đây là đòn trấn áp của nhà cầm quyền trước khi Luật an ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng Giêng, 2019.

Hầu hết trong các bị cáo nêu trên được báo Việt Nam tường thuật là "thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ ra ăn năn hối lỗi và khai báo thành khẩn". Tuy vậy, các bài tường thuật phiên tòa không cho thấy các bị cáo có luật sư bào chữa hay không, và lập luận bảo vệ thân chủ của những người này là gì.

Điều 331 Bộ luật hình sự được hiểu là Điều 258 trong Bộ luật hình sự cũ. Khoản 2 của Điều này ghi "Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm". Theo giới luật sư, Điều 331 có "mơ hồ" do khái niệm "gây ảnh hưởng xấu" có thể được áp đặt tùy tiện. (T.K.)

********************

Việt Nam yêu cầu Facebook lưu trữ 'quan điểm chính trị' (BBC, 11/10/2018)

Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng mà Reuters được tiếp cận cho thấy Google, Facebook sẽ buộc phải lưu trữ nhiều dữ liệu quan trọng của người dùng ở Việt Nam.

luat2

Facebook, Google sẽ phải lưu trữ nhiều thông tin của người dùng Việt Nam, trong đó có quan điểm chính trị

Theo đó, dự thảo nghị định này yêu cầu các công ty hiện đang cung cấp dịch vụ email, mạng xã hội, video, tin nhắn, ngân hàng và thương mại điện tử, phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu họ thu thập, phân tích hoặc xử lý dữ liệu cá nhân.

Các công ty như Facebook, Google cũng sẽ được yêu cầu lưu trữ nhiều dữ liệu người dùng, từ hồ sơ tài chính và dữ liệu sinh trắc học đến thông tin về dân tộc và quan điểm chính trị.

Dự thảo này cũng cung cấp cho cơ quan an ninh mạng và cơ quan điều tra tội phạm công nghệ cao của Việt Nam quyền yêu cầu cung cấp các dữ liệu để điều tra hoặc xử lý các vi phạm pháp luật về không gian mạng hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia.

Nghị định này cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị để thực thi chặt chẽ Luật An ninh mạng, theo Reuters.

Các nhà lập pháp Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng vào tháng Sáu, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhóm nhân quyền quyền và chính phủ phương Tây.

Các ý kiến phản đối cho rằng luật này sẽ làm suy yếu nền kinh tế, cuộc cách mạng kỹ thuật số và bóp nghẹt giới bất đồng chính kiến.

Trước đó, Google, Facebook và các công ty công nghệ lớn khác đã hy vọng dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi luật An ninh mạng sẽ giảm bớt các điều khoản mà họ thấy khó chấp nhận nhất.

Nhưng tài liệu mà Reuters được tiếp cận cho thấy những hy vọng đó dường như không thể hiện thực hóa.

Thay vì thế, các công ty này bị đặt trước thách thức là tuân thủ luật của Việt Nam hay rút khỏi thị trường nước này.

luat3

Việt Nam là thị trường nhiều người tiêu dùng trẻ cho các dịch vụ mạng

Bộ Ngoại giao của Việt Nam, Facebook và Google đều chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này theo đề nghị của Reuters.

Cả Facebook và Google đều được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các nhà quản lý của hai công ty này đã bày tỏ một các cá nhân rằng họ lo ngại Luật An ninh mạng sẽ giúp giới chức Việt Nam dễ dàng kiểm soát khách hàng của mình và khiến nhân viên người địa phương có nguy cơ bị chính quyền bắt giữ.

Việt Nam là 'trường hợp điển hình'

Việt Nam được coi là trường hợp điển hình ở Châu Á, nơi Facebook và Google phải đối mặt với áp lực khi hoạt động dưới một chính phủ đàn áp, theo Reuters.

Nó cũng cho thấy cách chế độ độc tài đang cố gắng đi theo con đường kiểm soát thông tin trực tuyến và ngăn chặn hoạt động chính trị mà không làm tê liệt nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào.

Giới chỉ trích lo ngại luật mới sẽ khiến kinh tế internet đang phát triển bị suy yếu, nhưng lại gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến online. Việt Nam ngày càng tích cực trong việc truy tố các nhà bất đồng chính kiến đăng bài chống chính phủ trên Facebook.

luat4

Các Đại biểu quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua Luật An ninh mạng hồi tháng 6/2018

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt, cho biết hồi tháng Sáu rằng việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam là khả thi, quan trọng đối với an ninh quốc gia, và phù hợp với các quy tắc quốc tế.

Dự thảo nghị định dự kiến sẽ được công bố trong vòng vài ngày tới để thăm dò ý kiến người dân. Sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Nhưng các quy định đối với các công ty kỹ thuật số về việc mở văn phòng tại Việt Nam và nội địa hóa dữ liệu sẽ chưa có hiệu lực trong một năm nữa.

Trước đó, hôm 13-14/9, phó chủ tịch Facebook Simon Milner đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, theo báo Vietnamnet.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Simon Milner đã thảo luận về "sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của đất nước Việt Nam".

Ông Hùng so sánh Facebook, một doanh nghiệp nước ngoài như "con dâu về nhà chồng" và Facebook, cần phải "tiếp nhận và thích nghi với văn hóa, nếp sống hàng ngày của gia đình nhà chồng".

Có nghĩa bộ quy tắc ứng xử của Facebook "cũng phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại".

Theo báo Vietnamnet, ông Milner nói sẽ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và chấp nhận thành lập nhóm làm việc chung giữa Facebook và chính quyền Hà Nội.

*****************

Việt Nam sắp thi hành Luật an ninh mạng để gia tăng kiểm soát dân (Người Việt, 10/10/2018)

Các dự thảo quy định chi tiết của Luật an ninh mạng "cơ bản hoàn thành". Đây chính là cái để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng kiểm soát dân từ ngày 1 tháng Giêng, 2019.

luat5

Biểu tình phản đối Luật an ninh mạng tại Sài Gòn hôm 10 tháng Sáu, 2018. (Hình : Facebook Dũng Hoàng)

Hôm 10 tháng Mười, 2018, báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, Bộ Công An được giao xây dựng ba văn bản trình chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng.

Việc Luật an ninh mạng được thông qua hồi tháng Sáu và "cơ bản hoàn thành" dự thảo quy định chi tiết chỉ trong hơn ba tháng sau đó khiến nhiều blogger là chế độ sẽ gia tăng kiểm soát người dân.

Vì tiến độ làm luật này được coi là bất thường, trong khi Luật Biểu Tình – điều luật mà người dân trông đợi bấy lâu nay thì liên tục bị trì hoãn bàn thảo sau các kỳ họp Quốc hội gần đây.

Hành động đẩy nhanh tốc độ ra văn bản quy phạm pháp luật về Luật an ninh mạng cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam phớt lờ những lời kêu gọi của giới chuyên gia, học giả, nhà hoạt động về việc cần hoãn thực thi điều luật "bóp nghẹt công luận và ngăn chặn quyền tự do biểu đạt của người dân".

Cùng lúc với việc ra văn bản hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng, nhà cầm quyền Việt Nam cũng lệnh cho các tòa án địa phương phạt tù hàng chục người tham gia biểu tình phản đối Luật an ninh mạng và Luật Đặc Khu hồi tháng Sáu, với các cáo buộc "kích động, gây rối trật tự công cộng".

Theo Now Campaign – chiến dịch có sự tham gia của 14 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế – cho đến nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án 60 người tham gia các cuộc biểu tình hồi giữa tháng Sáu để phản đối Luật an ninh mạng và Luật Đặc Khu, với tổng cộng 113 năm và 5 tháng tù.

Con số này chắc chắn chưa dừng lại vì còn hàng chục người bị bắt giam sau cuộc biểu tình ở Sài Gòn đến nay vẫn chưa được đem ra xét xử.

Thời điểm Chủ tịch nước Trần Đại Quang chết hôm 21 tháng Chín, nhà báo tự do, blogger Phạm Đoan Trang nêu suy đoán trên trang cá nhân rằng ông Quang "nhiều khả năng là tác giả, là người bảo trợ và là người thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho Luật an ninh mạng".

Suy đoán này có cơ sở vì ông Quang từng làm bộ trưởng công an và từng bao biện trên báo VNExpress hồi tháng Sáu rằng : "Luật an ninh mạng ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân chứ không xâm phạm đời tư của công dân". (T.K.)

*******************

Khó thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn (RFA, 11/10/2018)

Nhiều ngàn tỉ trong các vụ đại án đang gặp nhiều khó khăn để thu hồi.

luat6

Những vụ án xử lý tham nhũng lớn - Ảnh minh họa - File photo

Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước hôm 11 tháng 10, trích dẫn từ báo cáo bổ sung, giải trình một số nội dung trong cuộc họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 9 năm 2018.

Theo báo cáo, có hơn 6.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Công Danh, hơn 13.700 tỉ đồng trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và hơn 2.500 tỉ đồng trong vụ Phạm Thị Bích Lương liên quan Ngân hàng Agribank… đều rất khó để thu hồi.

Theo Bộ Tư pháp, có 3 nguyên nhân khó thu hồi tài sản tham nhũng.

Một là, số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp. Ví dụ, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hơn 358 tỷ đồng, nhưng mới thu được hơn 41 tỷ đồng và gần như không còn khả năng thu hồi thêm.

Thứ hai là tài sản đã bị tẩu tán, che giấu… hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng. Như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tài sản mua của dự án nhưng chưa thanh toán đủ tiền, tài sản là dự án chưa thực hiện xong.

Nguyên nhân thứ ba theo Bộ Tư pháp là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau, nên ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Ví dụ vụ Phạm Công Danh, liên quan Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.

******************

Việt Nam thừa nhận thực tế khiếu nại - tố cáo phức tạp (RFA, 11/10/2018)

Tình hình khiếu nại - tố cáo trong 5 năm qua phức tạp và cần phải tăng cường để có thể giải quyết thỏa đáng.

luat7

Những oan ức được viết lên biểu ngữ, trang phục tố cáo những việc làm sai trái của chính quyền địa phương - Nguyễn Tường Thụy

Đây là thừa nhận được đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 11 tháng 10.

Số liệu được trình bày tại hội nghị cho thấy trong 5 năm qua các cơ quan tiếp dân đã tiếp hơn 72.600 lượt công dân đến trình bày hơn 21.000 vụ việc và có hơn 2.000 lượt đoàn khiếu kiện đông người.

Trong đó 70% các vụ khiếu nại tố cáo do Thanh tra Chính phủ tiếp ; Ban Dân nguyện tiếp 20% ; Văn phòng Chính phủ tiếp 5% ; các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp gần 4%.

Tin cho biết việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo tại các địa phương chưa đúng trình tự, thủ tục, tiếp công dân mang tính hình thức. Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra chính phủ, được báo giới trích dẫn rằng trong hơn 3 năm qua tình hình khiếu kiện vượt cấp mặc dù có giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ khiếu kiện ngày càng phức tạp. Ông nhấn mạnh các cơ quan có trách nhiệm cần phối hợp đồng bộ để cùng nhau giám sát với số lượng nhiều hơn chứ không làm riêng lẻ như lâu nay.

Ông Khái nhắc đến vụ Thủ Thiêm rằng qua 20 năm giải quyết chưa dứt điểm. Nếu trước đây đưa đoàn giám sát vào giám sát trước để xem giải quyết lần 1, lần 2 làm có tới nơi, tới chốn hay không, có tiếp công dân có đạt không thì chắc chắc vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo hơn.

Hiện nay, nhiều người dân Thủ Thiêm, bị cưỡng chế nhà đất phi pháp phải đi khiếu kiện suốt 20 năm qua, tỏ ra bức xúc hơn ; sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần này, biểu quyết với tỷ lệ 100% đồng ý xây dựng nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Kinh phí được nói rõ hơn 1.500 tỷ đồng.

Trước phản ứng không đồng tình của công luận, vào ngày 11 tháng 10, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng bảo vệ quyết định biểu quyết đồng ý 100% của mọi thành viên trong hội đồng.

Theo lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì việc xây dựng nhà hát giao hưởng là cho cả thế hệ hiện nay và mai sau.

****************

Việt Nam tiếp tục thủ tục để thông qua chủ tịch nước (RFA, 11/10/2018)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam tại phiên họp thứ 28 diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 10 vào tuần tới đây sẽ chuẩn bị nhân sự chủ tịch nước để Quốc hội bầu.

luat8

Chủ tịch Trần Đại Quang (trái) đứng đầu Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) đứng đầu Đảng Cộng sản. Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, tháng 1/2016. AFP

Thông tin này được Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cho báo giới biết vào ngày 11 tháng 10.

Vào ngày 3 tháng 10 vừa qua, Hội nghị thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 được cho biết 100% đồng ý giới thiệu ông đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm luôn chức chủ tịch nước thay cho ông Trần Đại Quang, người qua đời đột ngột vào ngày 21 tháng 9.

Thủ tục tiếp theo là Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 6 dự kiến bắt đầu từ ngày 22 tháng 10 tới đây sẽ tiến hành bỏ phiếu và phê chuẩn.

Nhiều người cho rằng đây là kế hoạch ‘nhất thể hóa’ mà giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đề cập đến lâu nay ; tuy nhiên chính ông Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Hội nghị Trung ương 8 nói rằng ‘đó chỉ là biện pháp tình huống’.

Ngoài việc bỏ phiếu và phê chuẩn chức chủ tịch nước cho ông Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khóa 6 cũng thực hiện động thái này đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, người hiện đang giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng từ vai trò lãnh đạo Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel được cử nắm chức vụ hiện nay sau khi cả hai ông nguyên bộ trưởng Bộ Thông Thông tin và truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn chịu kỷ luật trong vụ Mobifone nâng khống giá mua lại 95% Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG.

Quay lại trang chủ
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)