Báo Anh : Giáo dục Việt Nam chỉ tốt trên giấy tờ (RFI, 19/10/2018)
Nếu học sinh chỉ đạt điểm cao ở các kỳ thi thôi thì chưa đủ để Việt Nam có thể chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới. Đây là nhận định chung của bài viết "Giáo dục ở Việt Nam : Chỉ tốt trên giấy tờ" được đăng trên Financial Times (Thời báo Tài chính, Anh) ngày 07/10/2018.
Trường song ngữ Pháp Trưng Vương, Sa Đéc, Việt Nam. Ảnh minh họa. Flickr/Jean-Pierre Dalbéra
Phóng viên của Financial Times đã đến trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, trường chuyên nổi tiếng ở Hà Đông, Hà Nội. Học sinh lớp 11 của trường hăng say, miệt mài học tập vì chỉ một năm nữa thôi, họ sẽ trải qua kỳ thi đại học, mang tính quyết định cho tương lai của họ
Ngoài sức ép kỳ thi đại học cận kề, còn phải kể đến những trông đợi rất cao của các bậc phụ huynh, sự ganh đua với những học sinh khác trong trường chuyên này và những bài thi trắc nghiệm được tổ chức hàng tuần.
Trả lời phóng viên của Financial Times, Nguyễn Phương Thảo cho biết "các bạn ở đây đều học rất giỏi và điều này khiến cháu thấy bị áp lực". Ở tuổi 16, nữ sinh này muốn trở thành nhà báo, nhưng bộ môn cô ưa thích nhất lại là toán học, vì cô bị bố mẹ "ép" học thêm toán từ bé. Một học sinh lớp 11 khác, Nguyễn Tùng Chi, muốn theo học ngành maketing, đặt "mục tiêu đầu tiên là đỗ vào một trường đại học có tiếng ở Việt Nam. Bạn bè cùng lớp cháu toàn bị ám ảnh phải đạt điểm cao".
6% GDP được đầu tư vào giáo dục
Tờ báo tài chính Anh nhận xét Việt Nam trội hơn so với các nước láng giềng Đông Nam Á về xếp hạng giáo dục. Trên quy mô thế giới, Việt Nam được xếp hạng 48 trong bảng xếp về Chỉ số Vốn nhân lực (HCI-Human Capital Index) của Ngân Hàng Thế Giới. Đây là thành tích rất cao đối với bất kỳ nước nào có thu nhập trung bình.
Thực vậy, Việt Nam chi gần 6% GDP cho giáo dục, một tỉ lệ cao so với chuẩn toàn cầu và cao hơn cả nguồn chi cho giáo dục của các nước láng giềng. Ngoài đầu tư của chính phủ vào trường học, các nhà quan sát văn hóa Việt Nam nhận thấy rằng thành tích tốt của học sinh còn do yếu tố văn hóa và lịch sử. Yếu tố thứ nhất là theo đạo lý Khổng Tử nhấn mạnh đến giá trị thành công là do lao động ; yếu tố thứ hai là nhu cầu tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Thế hệ trẻ Việt Nam dưới 20 tuổi chiếm một phần lớn dân số. Điều này giải thích mức độ cạnh tranh khốc liệt để vào được trường đại học và tìm được việc làm, trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi sâu sắc. Và như vậy, chỉ có con đường học tập. Thêm vào đó, theo giải thích của cô Hoàng Kim Ngọc, 24 tuổi, giáo viên tiếng Anh trường Nguyễn Huệ, "thế hệ cha mẹ chúng tôi đã phải lao động cật lực, và họ hiểu ra rằng con đường nhanh nhất để phát triển đất nước là học tập". Vẫn theo cô Kim Ngọc, "nhu cầu về nhân lực hiện rất cao. Chúng tôi đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi không chỉ cạnh tranh với máy móc mà còn phải làm chủ chúng".
Nhà nghiên cứu Phạm Hiệp ở Hà Nội, chuyên về giáo dục đại học, cho rằng thứ hạng cao của Việt Nam trong kỳ khảo sát quốc tế một phần đạt được là nhờ chương trình giảng dạy được thiết kế tốt về toán học và khoa học. Ngoài giờ học chính trên lớp, học sinh còn "học thêm"(shadow education) toán và nhiều bộ môn khác.
Giáo dục Việt Nam có dạy cách tư duy không ?
Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Học sinh cạnh tranh nhau khốc liệt để vào được đại học trong khi Việt Nam đang trải qua thời kỳ bùng nổ dân số. Hậu quả trước tiên, theo ông Phạm Hiệp, là Việt Nam "không có đủ chỗ trong giáo dục đại học. Cung không đáp ứng đủ cầu". Các trường đại học dân lập chỉ tiếp nhận được khoảng 15% tổng số thí sinh. Đây là tỉ lệ khá thấp so với các nước láng giềng, như Philippines, Malaysia và Trung Quốc.
Không cần nghi ngờ về hiệu quả của hệ thống giáo dục Việt Nam trong việc dạy cho học sinh cách hoàn thành tốt các bài khảo sát, đặc biệt là toán và khoa học. Nhưng liệu giáo dục Việt Nam có dạy cho các em cách tư duy hay không ? Và điểm số các bài khảo sát đáng tin cậy đến mức nào ?
Bảng xếp hạng của Ngân Hàng Thế Giới đối với Việt Nam được dựa trên Chương trình đánh giáo học sinh quốc tế (PISA-Programme for International Student Assessment), do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD-Organisation for Economic Co-operation and Development) quản lý, và gồm các bài khảo sát quốc tế do học sinh 15 tuổi thực hiện.
Tuy nhiên, một nhà quan sát cho Financial Times biết là kết quả này bị ảnh hưởng vì vấn đề lấy mẫu, khiến Việt Nam đạt kết quả tốt hơn so với thực tế. Thực tế là khoảng một nửa học sinh bỏ học khi 15 tuổi. Những em bỏ học sớm thường là nhà nghèo, trình độ thấp hơn mức trung bình, chỉ những học sinh có điều kiện và siêng học hơn, được chọn làm bài thi, nên đẩy kết quả tổng thể lên cao.
Ông John Jerrim, giảng viên đại học Viện Giáo Dục thuộc đại học Luân Đôn, nhận xét : "Mẫu PISA cho Việt Nam bị lệch vì chỉ tính đến những học sinh có điều kiện và có thành tích cao hơn. Đây là yếu tố chính giải thích tại sao Việt Nam lại có kết quả tốt".
Ông Jerrim cho rằng Việt Nam sắp phải đối mặt với "nghịch lý" trong tương lai, vì cải thiện giáo dục đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều trẻ em tiếp tục theo học, như vậy mức độ cạnh tranh cũng tăng theo. Vì vậy, điểm số PISA của Việt Nam có lẽ sẽ theo chiều hướng giảm, thay vì tăng thêm.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Jerrim, ngay cả khi tính đến những bất thường trong số liệu thống kê, thì "Việt Nam xoay sở khá tốt so với các nước có cùng mức độ phát triển khác". Từ hơn 10 năm nay, chính phủ Việt Nam tiến hành nhiều biện pháp cải cách giáo dục, tập trung chủ yếu vào việc giảm cường độ học tập của học sinh, khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư vào giáo dục đại học và cải thiện đào tạo nghề. Nhưng kết quả hiện giờ vẫn bị hạn chế.
Học sinh trường Nguyễn Huệ, dù được hưởng chất lượng đào tạo cao, cũng gặp nhiều khó khăn. Tô Đức Mạnh cho biết : "Chúng cháu tập trung vào cách trở thành một người lao động tốt, một công dân tốt hơn là phát triển những kỹ năng riêng của chính mình và học cách thực hiện giấc mơ". Ở Việt Nam, theo Đức Mạnh, việc tuyển dụng vẫn "dựa vào điểm số chứ không dựa vào việc chúng ta là ai".
RFI tiếng Việt
***************
Việt Nam kêu gọi người dân và kiều bào đóng góp vì biển, đảo (VOA, 19/10/2018)
Chính phủ vừa thành lập một quỹ để vận động mọi thành phần và nhân dân trong cả nước cũng như người Việt ở nước ngoài hướng về biển, đảo của Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Một người lính hải quân canh gác trên đảo Trường Sa Đông thuộc quần đảo Trường Sa. Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi người Việt trong nước và hải ngoại hướng về biển đảo để bảo vệ tổ quốc.
Thủ tướng chính phủ vừa ký quyết định về việc tổ chức và hoạt động "Quỹ vì biển, đảo Việt Nam" nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong và ngoài nước về vị trí, vai trò của biển đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, theo bản tin của cổng thông tin điện tử Chính phủ ra ngày 18/10.
Bản tin này cho biết quyết định vừa được thủ tướng ký đưa "Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam" vào cuộc sống và đáp ứng yêu cầu xã hội hóa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của tổ quốc trong tình hình mới.
Động thái kêu gọi sự chú ý hướng về biển đảo và tập trung nguồn lực cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của chính phủ Việt Nam diễn ra trong bối cảnh các tranh chấp trên biển Đông ngày càng tăng cao.
Việt Nam có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trên biển Đông trong hàng thập kỷ qua. Theo truyền thông trong nước, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm một số đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1974. Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn đang nằm trong vòng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.
Kể từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, căng thẳng về chủ quyền trên biển giữa hai nước tăng cao hơn bao giờ hết. Nhiều cuộc biểu tình của người Việt trong nước và hải ngoại đã nổ ra để phản đối hành động này của Trung Quốc.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố đường lưỡi bò chín đoạn trong đó bao trọn hầu hết khu vực Biển Đông. Mặc dù tòa trọng tài quốc tế phán quyết không công nhận tuyên bố này của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh phủ nhận quyết định của tòa và tiếp tục các hoạt động quân sự hóa trên biển Đông gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Trong một năm qua, Việt Nam đã phải hai lần phải dừng các dự án thăm dò dầu khí trên vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc dưới sức ép của Bắc Kinh.
Theo quyết định vừa được thủ tướng ký ban hành, mọi nguồn lực sẽ được huy động để "phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội tham gia nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo".
Chính phủ Việt Nam sẽ vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện hỗ trợ vật chất, tài chính cho quỹ này. Quỹ còn được dùng để "nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của quân và dân trên các vùng biển, đảo của tổ quốc, trong đó ưu tiên tập trung cho các địa bàn trọng điểm, chiến lược, nhất là huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1", theo trang web chinhphu.vn.
Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan chỉ đạo hoạt động của quỹ này.