Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/10/2018

Vụ D'Capitale, mua vũ khí Mỹ, người Tày Nà Kèn, ngư dân bị chìm tàu kể lại

BBC tiếng Việt

Dân muốn đối thoại với Vingroup, Tân Hoàng Minh (BBC, 19/10/2018)

Nhiều người mua từ chối nhận nhà tại khu D'Capitale do Tân Hoàng Minh đầu tư và VinHomes phân phối, vì xây không đúng nhà mẫu.

capitale1

Nhiều cư dân D'Capitale "khá giả, có trí thức và vị thế xã hội"

Những người này cho biết họ sẽ tiếp tục đấu tranh yêu cầu bên Tân Hoàng Minh và Vingroup đối thoại để thương lượng giải quyết khủng hoảng, ông Nguyễn Thạch Cương, trưởng ban Đại diện lâm thời của cư dân khu chung cư D'Capitale cho BBC biết.

Theo ông Cương, kể từ 2016, phía Vingroup đã rao bán nhà ở khu chung cư D'Capitale, với những căn nhà mẫu rộng rãi, thoáng mát, đẹp đẽ và sẽ do VinHomes độc quyền phân phối.

Với chủ đầu tư là công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, công ty liên kết trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và với uy tín của Vingroup, nhiều người dân đã tin tưởng đặt tiền mua.

Cáo buộc 'Treo đầu dê bán thịt chó'

"Dân rất là tin tưởng Vingroup, nên góp tiền vào mua", ông Cương nói. "Nhưng sau họ rào kín, không cho vào, mặc dù hợp đồng ghi là cho người mua nhà lên xem, theo dõi công trình".

"Tháng 9 vừa rồi, gần thời điểm giao nhà thì một số người dân tò mò, đã tìm cách lên xem cho bằng được thì thấy thật sự là khủng khiếp. Hàng chào bán và hàng bàn giao khác một trời một vực", ông Cương nói.

capitale2

Hành lang 1m4 của D'Capitale

Theo ông Cương, dự kiến khu nhà đầu tiên sẽ bàn giao vào 20/10 tới đây, với nhà mẫu có hành lang 2m4, chiều cao hơn 3m, thông thoáng với điều hòa mát rượi, được quảng cáo là căn hộ hạng sang, kim cương tinh hoa hội tụ với giá từ ít nhất 60 triệu/m2 trở lên.

Tuy nhiên, căn nhà mà người dân đến kiểm tra thực tế thì hành lang chỉ rộng khoảng 1m4, trần nhà cao đến 2m9, với hành lang dài hun hút mà không có điều hòa không khí.

Ông Cương còn phản ánh rằng thang máy trong tòa nhà có trên 40 tầng nhưng không có điều hòa, trong khi đó cầu thang thoát hiểm thì quá nhỏ hẹp.

Người mua làm đơn yêu cầu đề nghị phía chủ đầu tư cung cấp các văn bản pháp lý và thiết kế thi công của tòa nhà tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa nhận được thông tin giấy tờ đầy đủ.

Tính đến ngày 30/9, đã có khoảng 700 hộ đã làm đơn ủy quyền cho Ban đại diện cư dân D'Capitale lâm thời, và đồng thường cũng có 300 hồ sơ từ chối nhận nhà đầy đủ tính pháp lý, theo ông Cương.

capitale3

Một cuộc họp nội bộ cư dân khu căn hộ D'Capitale

Trong một lần đối thoại không chính thức, đại diện của Tân Hoàng Minh nói rằng "nhà mẫu chứ không phải hàng mẫu", khiến nhiều người dân thêm bức xúc.

Đỉnh điểm là vào hôm 13/10, hàng chục chiếc xe hơi đã diễu hành trên phố quanh các khu căn hộ do Vingroup và Tân Hoàng Minh xây dựng với các băng rôn biểu ngữ phản đối.

Nhưng công an giao thông tìm cách ngăn cản bằng cách kiểm tra giấy tờ hoặc lùa xe vào hướng đi khác, ông Cương kể lại.

Vụ việc xảy ra xô xát và ông Cương cáo buộc ba phụ nữ đã bị thương khi bị công an tấn công bằng dùi cui.

"Họ bị đánh nghiêm trọng, rất là dã man. Tôi không hiểu chính quyền đang bảo vệ cho ai ?".

Dân thiện chí, muốn thỏa hiệp

Ông Cương cho biết hầu hết cư dân D'Capitale đều khá giả, là dân có trí thức, có trình độ, vị thế trong xã hội, có người mua đến 5-6 căn trong khu căn hộ.

Tuy nhiên, vì nhà đã xây rồi, hành lang thì không thể sửa được, nên người dân thiện chí muốn đàm phán lại về giá cả, ông Cương nói.

capitale4

Khu phức hợp căn hộ D'Capitale 'hội tụ đầy đủ tinh hoa ba thương hiệu bất động sản và tài chính hàng đầu Việt Nam'

Ông nói thêm rằng Vingroup và Tân Hoàng Minh không thể tiếp tục né tránh, mà nên đối thoại trực tiếp với cư dân.

"Nếu bên đầu tư và phân phối không chịu làm việc, người dân sẽ làm tất cả có thể trong tay. Chúng tôi không chống đối chính quyền, nhưng sai thì phải sửa, để giải quyết bất đồng càng nhanh càng tốt", ông Cương nói.

"Anh phải có đạo đức, không thể mang danh hiệu ra bán để thu tiền và trở nên vô trách nhiệm như vậy.

"Tôi tin đồng chí Tổng bí thư đã rất thẳng tay trong thời gian vừa qua, với cả thành viên Bộ Chính trị đến tướng công an. Tôi hi vọng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ xử lý [bọn] hút máu khô của người dân", ông Cương nói thêm.

capitale5

Dàn xe hơi đi 'biểu tình' dự án D'Capitale của Tân Hoàng Minh và Vingroup

Phía Vingroup nói gì ?

Trả lời BBC qua email hôm 19/10, đại diện Vingroup viết rằng với vai trò là đơn vị phân phối sản phẩm, Vingroup "đã giới thiệu, cung cấp thông tin về Dự án hoàn toàn dựa trên cơ sở các tài liệu, thông tin được Chủ Đầu tư cung cấp và kiểm duyệt".

"Theo đó, Vinhomes có trách nhiệm là đơn vị bán hàng theo quy định của pháp luật ; còn trách nhiệm về thiết kế và chất lượng dự án thuộc về Chủ Đầu tư".

Vingroup cũng phủ nhận việc nhờ lực lượng công an can thiệp để cản trở người dân phản đối ôn hòa trên đường hôm 13/10, và nói rằng "không có ai bị thương trong vụ việc này".

Về việc đối thoại với người dân, Vingroup nói "việc đối thoại trực tiếp và thương lượng điều chỉnh các mức giá của Căn hộ đã bán... không thuộc trách nhiệm của Vinhomes".

Còn trong lá thư phúc đáp chủ đầu tư Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất Động Sản Ngôi sao Việt, đại diện công ty này viết rằng Ngôi sao Việt đang "khẩn trương hoàn thiện các hạng mục cuối cùng kịp thời bàn giao" theo hợp đồng.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho biết sẽ đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định của Pháp luật và Hợp đồng mua bán Căn hộ.

Về việc lắp đặt máy điều hòa trong thang máy, Chủ đầu tư cho biết "sẽ sẵn sàng xem xét để bổ sung trang thiết bị nếu điều kiện, thông số kỹ thuật đáp ứng được" và sẽ thông báo cho khách hàng.

Về vấn đề gây tranh cãi nhất là chiều rộng của hành lang, Chủ đầu tư khẳng định "chiều rộng hành lang được phê duyệt là 1,5m (chưa bao gồm lớp trát) và sau khi hoàn thiện là 1m47" và "nằm trong tiêu chuẩn xây dựng cho phép".

Việc lắp điều hòa tại hành lang thì sẽ "gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, như thay đổi thiết kế PCCC" dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành xây dựng. Ngôi sao Việt nói "cần thêm thời gian để nghiên cứu phương án này".

Ngôi sao Việt cũng cho rằng "Chủ đầu tư chỉ làm các căn hộ mẫu chứ không xây dựng khu nhà mẫu như cách gọi của một số khách hàng" và cũng sẽ không thể "đáp ứng đề nghị giảm giá bán nhà".

Chủ đầu tư cũng cho rằng "Ban đại diện" nhóm khách hàng của ông Nguyễn Thạch Cương "chưa cung cấp được văn bản ủy quyền hợp lệ", nên "không đủ cơ sở để tiếp tục làm việc".

"Chúng tôi rất tiếc, bất chấp những nỗ lực của Chủ đầu tư trong việc đàm phán, trao đổi ôn hòa, nhóm khách hàng đã có những hành vi ứng xử vượt quá chuẩn mực thông thường, đi xe ô tô căng băng rôn qua nhiều địa điểm trong thành phố, gây ách tắc giao thông và làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh trong khu vực", theo lá thư phúc đáp do Tổng giám đốc Ngôi sao Việt Nguyễn Mạnh Hùng ký.

Dự án D'Capitale từng được Vingroup sở hữu

Trên thực tế, Vingroup đã từng sở hữu khu đất vàng tại Đông Nam Trần Duy Hưng này vào 2015.

Khi đó, khu đất này chính là dự án StarCity Centre của Công ty Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi Sao Xanh thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Đại dương Thăng Long (OTL) của Ocean Group.

Vào tháng 8/2015, OTL chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Ngôi sao Xanh cho Vincom Retail của Vingroup với giá khoảng 2,148 tỷ đồng, dự án StarCity Centre được đổi tên thành Vinhomes StartCity Center.

Nhưng ngay sang 2016, Vingroup lại chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Ngôi sao Xanh cho một số doanh nghiệp đối tác. Sau được biết là công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, công ty con của Tân Hoàng Minh, và dự án lại được đổi tên thành D'Capitale, theo báo Dân Việt.

Vì vậy D'Capitale là thương vụ nghìn tỷ giữa hai ông lớn, do Tân Hoàng Minh làm chủ dự án và Vinhomes giữ vai trò phân phối và vận hành quản lý.

***************

Việt Nam sẽ mua vũ khí Mỹ như thế nào (RFA, 19/10/2018)

Việt Nam sẽ mua vũ khi Mỹ như thế nào

Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016, nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hà Nội.

capitale6

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tại Sài Gòn 17/10/2018. AFP

Trong thời gian hai năm qua, hoạt động trao đổi quốc phòng giữa hai nước diễn ra rất sôi nổi. Đó là những cuộc gặp gỡ cấp cao của giới chức quốc phòng hai nước, những chuyến thăm cảng Việt Nam của tàu chiến Mỹ, mà sự kiện mang tính lịch sử nhất là tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng vào tháng 3/2018, những tuyên bố của Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải và hàng không mỗi khi tàu chiến Mỹ thách thức chủ quyền Trung Quốc tại các đảo đá và bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông.

Bên cạnh đó còn có những tin tức về việc Việt Nam mua vũ khí Mỹ, hay là Mỹ biếu không cho Việt Nam những vũ khí cũ.

Ngay trong chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 5/2016 của Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Ash Carter tuyên bố cung cấp một khoảng tín dụng trị giá 18 triệu đô la Mỹ để mua sắm các thiết bị quốc phòng của nước này.

Bắt đầu từ tháng 5/2017, cho đến tháng 3/2018, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam, theo những thông tin được công bố, 12 ca nô và 2 tàu tuần duyên cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Tháng 8/2018, có tin đưa ra từ Bộ Quốc phòng Mỹ là Việt Nam ký một hợp đồng trị giá gần 100 triệu đô là mua vũ khí. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó tránh bình luận tin này.

Theo luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, trong buổi thảo luận với đài RFA vào đầu tháng 10, có nói rằng sắp tới đây Việt Nam có thể đưa ra những hợp đồng mua vũ khí của Mỹ trị giá lớn để làm vừa lòng Tổng thống Donald Trump, người muốn có cân bằng mậu dịch với những quốc gia khác, trong đó Việt Nam đang là nước xuất siêu vào Mỹ.

Ngoài ra cũng có một thông tin khác có liên quan đến vấn đề mua bán vũ khí là Quốc hội Hoa Kỳ, hiện đang cấm vận quốc gia nào mua vũ khí của Nga, đã đồng ý loại Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách đó, đồng ý để Việt Nam vẫn tiếp tục dùng vũ khí Nga để duy trì sức mạnh của quân đội mình.

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về quan hệ quốc tế cho biết là chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc này. Ông Mattis đã nêu vấn đề Việt Nam không thể ngay lập tức chuyển sang dùng vũ khí Mỹ trong khi đã dùng vũ khí Nga hơn nửa thế kỷ nay, để chống lại với lý lẽ muốn cấm vận mà Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng xuất phát từ các công ty sản xuất vũ khí Mỹ, hoặc các tiểu bang có các công ty này hoạt động.

capitale7

Máy bay săn tàu ngầm P-3C Orion, là loại vũ khí mà Việt Nam cần để phòng thủ Biển Đông. AFP

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore cho biết rằng hiện Việt Nam sử dụng đến 80% vũ khí do các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sản xuất, trong đó chủ yếu là từ nước Nga. Theo ông, từ câu chuyện loại trừ Việt Nam ra khỏi danh sách cấm vận, cho thấy Mỹ đang có một chính sách mở đối với Việt Nam về chuyện mua vũ khí, đó là Mỹ sẽ bán những gì và những khi nào mà Việt Nam cần, tức là chuyện mua vũ khí từ Mỹ là quyết định của Việt Nam.

Theo thông tin của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Mỹ đã muốn bán rẻ hoặc biếu không các máy bay săn tàu ngầm đang được quân đội Mỹ sử dụng là P-3C, và Việt Nam đã gửi nhiều đoàn của Bộ Quốc phòng đến Mỹ để khảo sát đề nghị này, nhưng chưa đưa ra quyết định, và theo Tiến sĩ Hợp, Hà Nội có thể cân đối ngân sách để mua những máy bay hoàn toàn mới.

Bình luận về tin Việt Nam ký hợp đồng mua gần 100 triệu đô la vũ khí Mỹ hồi tháng 8/2018, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng nếu có thì không phải là những vũ khí lớn mà là những thiết bị quốc phòng như ra đa phòng không và phòng thủ bờ biển.

Theo ông, trong tương lai chuyện mua vũ khí của Việt nam sẽ tiếp tục theo hướng đó, và không có rào cản nào trong chuyện Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam.

Bình luận về vấn đề mua vũ khí Mỹ của Việt Nam, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng mặc dù chuyện đó là quan trọng, nhưng không phải là vấn đề lớn hiện nay trong quan hệ Việt Mỹ. Mà vấn đề lớn nhất là Mỹ cần có một đối tác chính danh là Việt Nam tại khu vực Biển Đông, Châu Á Thái Bình Dương để củng cố tiềm lực hàng hải mà Mỹ đã duy trì trong suốt vài trăm năm nay.

Theo Giáo sư Long, Mỹ đang cần một nơi dừng chân của tàu chiến trong khu vực Biển Đông, một khi mà quan hệ với đồng minh cũ Philippines không thể còn được đoán định một cách chắc chắn. Ông nói rằng chỉ cần một chuyến hải hành của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông là có thể đã tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ, vì vậy để một quốc gia đối tác dùng vũ khí Mỹ để bảo vệ quyền lợi chung của hai nước là vấn để rất dễ dàng nhìn thấy là vô cùng có lợi.

Kính Hòa

*************

Ân xá Quốc tế yêu cầu điều tra vụ 11 người Tày bị đánh ở núi Nà Kèn (RFA, 19/11/2018)

Tổ chức Ân xá Quốc tế, Amnesty International, hôm 18 tháng 10 ra thông cáo hối thúc chính quyền Việt Nam mở ngay cuộc điều tra rốt ráo về vụ việc 11 người Tày bản xứ bao gồm cả phụ nữ và trẻ em bị bảo vệ công ty khai thác đá RK Việt Nam đánh bị thương khi phản đối các hoạt động mà người dân cho gây ô nhiễm môi trường.

capitale8

Bảo vệ công ty RK Việt Nam nổ súng chỉ thiên khi đụng độ với người dân ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái hôm 27/9/2018 - Ảnh chụp màn hình

Theo thông cáo của Amnesty International, yêu cầu cụ thể được nêu ra là chính quyền Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể để đảm bảo rằng, những tác động về môi trường và quyền con người trong việc khai thác mỏ đá phải được đánh giá, giải quyết đúng cách ; đồng thời bồi thường công bằng cho bất kỳ đất đai và di sản văn hóa nào bị lấy đi hoặc bị làm hư hại mà không có sự tự nguyện và tán thành của người Tày bản địa.

Hôm 27 tháng 9 năm 2018, hàng trăm người ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã tập trung phản đối công ty đá cẩm thạch RK Việt Nam, bị người dân cho là nghi phạm gây ô nhiễm nguồn nước duy nhất dành cho sinh hoạt và chăn nuôi, và khiến một số lượng lớn cá và gia cầm bị chết.

Đáp lại, những nhân viên bảo vệ Đông Á làm việc cho công ty RK Việt Nam - vốn thuộc sở hữu của Ấn Độ đã tấn công những người biểu tình ôn hòa với súng, dùi cui và roi điện.

Tổ chức này dẫn báo cáo của truyền thông cho biết có ít nhất 11 người bị thương. Một đoạn phim cho thấy vụ tấn công diễn ra trước sự chứng kiến của cảnh sát phản ứng nhanh, làm dấy lên câu hỏi tại sao họ không can thiệp để ngăn chặn những cuộc tấn công.

Sau đó chính quyền huyện Lục Yên yêu cầu công ty dừng khai thác đá để đối thoại với người dân, tuy nhiên nhiều người ở địa phương đã báo cáo rằng công an đã đến nhà họ và yêu cầu phải xóa các bài đã đăng trên mạng xã hội về sự kiện này.

Ngày 4/10, Chủ tịch huyện Lục Yên cũng ra văn bản chính thức yêu cầu lực lượng công an địa phương tập hợp thông tin về những ai nói về sự kiện này trên Facebook để xử lý.

Cho đến ngày 19/10, báo Nông Nghiệp Việt Nam cũng tiết lộ việc người dân bản Nà Kèn lập ra nhiều chòi canh hô ứng lẫn nhau trên con đường độc đạo lên núi để đề phòng doanh nghiệp đưa máy móc vào khai thác đá cẩm thạch.

***************

Nạn nhân trên tàu cá Quảng Nam bị tàu nước ngoài đâm thuật lại vụ việc (RFA, 19/10/2018)

capitale9

Ông Huỳnh Tèo, thuyền trưởng tàu QNa 90398TS. Baomoi.com

Tàu cá Quảng Nam bị một tàu nước ngoài tấn công, đâm vào đuôi tàu ở đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa bốn hôm trước đây vừa cập cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong ngày 19 tháng 10.

Thông tin này được truyền thông trong nước loan đi, cho biết ngay sau khi cập cảng Kỳ Hà thuộc huyện Núi thành, thuyền trưởng tàu QNa 90398TS, ông Huỳnh Tèo, 44 tuổi, đã đến trình báo với cơ quan chức năng về vụ việc.

Theo lời của ông Tèo được báo chí trong nước trích lời, tàu của ông Tèo bị một tàu sắt khổng lồ đâm vào khoảng 1 giờ trưa ngày 15 tháng 10, làm gãy hệ thống lái và nước tràn vào khoang. Vẫn theo ông Tèo, lúc này tàu của ông vẫn đang hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 143 hải lý về hướng Đông Bắc.

Sau khi chiếc tàu tấn công mà truyền thông trong nước gọi là ‘tàu lạ’ bỏ đi, ông Tèo đã phát tín hiệu cầu cứu, còn 13 thuyền viên còn lại cùng nhau tát nước ra ngoài và cố ngăn nước tràn vào tàu.

Tổng thiệt hại sự việc này được ước tính là khoảng 400 triệu đồng.

Những năm qua, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công khi đánh bắt cá ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của họ. Đây cũng là quần đảo đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Hôm 18/6, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho báo chi biết có 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu của Trung Quốc xua đuổi khi tránh trú bão tại quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyên bố của Bắc Kinh qua đường đứt khúc 9 đoạn do họ tự vạch ra bị Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế - PCA ở La Haye tuyên phi pháp vào tháng 7 năm 2016. Chính phủ Hà Nội vẫn tuyên truyền cho rằng ngư dân là lực lượng đi đầu bảo vệ lãnh hải của tổ quốc, thế nhưng những biện pháp hỗ trợ để họ thực hiện nhiệm vụ đó đến nay vẫn chưa có mấy hiệu quả.

Một số nước trong khu vực cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông gồm Đài Loan, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)