Lo lắng chệnh hướng xã hội chủ nghĩa, ông Tô Lâm nói không giải thể Ban Kinh tế Trung ương
Tổng bí thư Tô Lâm hôm 9/12 khẳng định Ban Kinh tế trung ương phải tồn tại để đảm bảo Việt Nam không vướng vào nguy cơ tụt hậu và chệch hướng phát triển chủ nghĩa xã hội.
Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc với Ban Kinh tế trung ương ngày 9/12/2024 - AFP
Phát biểu này của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam được đưa ra vào khi Đảng và Chính phủ đang tiến hành sáp nhập các ban, cơ quan để tinh giản đội ngũ. Ít nhất có ba ban của Đảng mới đây đã được đề xuất phải dừng hoạt động để sáp nhập bao gồm : Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, Ban Cán sự Đảng,
Theo truyền thông Nhà nước, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ở Hà Nội, ông Tô Lâm nhấn mạnh "Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu rất quan trọng của Đảng, chịu trách nhiệm tham mưu, hoạch địch đường lối phát triển kinh tế xã hội của đất nước".
Ông Tô Lâm cũng nói đến hai nguy cơ gắn liền với trách nhiệm của Ban Kinh tế Trung ương là nguy cơ tụt hậu và nguy cơ chệch hướng.
"Nguy cơ tụt hậu và chệch hướng luôn thường trực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đường lối và chiến lược phát triển của Đảng phải như thế nào để đẩy lùi các nguy cơ này là do vai trò tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương".
"Với chức năng, nhiệm vụ, vai trò rất quan trọng như vậy thì Ban Kinh tế Trung ương không thể không tồn tại". – ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Định hướng phát triển chủ nghĩa xã hội được ông Tô Lâm khẳng định là "đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người mà không được làm mất bình đẳng, đảm bảo cân đối hài hòa và tính toàn diện của sự phát triển để không ai bị bỏ lại phía sau".
Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương được thành lập vào năm 2012, thuộc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong đó Ban Nội chính chuyên về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Ban Kinh tế Trung ương trước dó đã từng tồn tại từ năm 1982 nhưng vào năm 2007 được hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng cùng Ban Nội chính Trung ương.
Việc thành lập lại hai ban này vào năm 2012 dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được các chuyên gia đánh giá là nhằm phục vụ công cuộc chống tham nhũng được ông Trọng phát động và thực thi đường lối Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đất nước sau một thời gian Đảng để Chính phủ tập trung phát triển kinh tế đất nước.
Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương đầu tiên vào năm 2012 khi ban này thành lập là ông Vương Đình Huệ - người sau này là Chủ tịch Quốc hội và vừa mới đây bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vì những sai phạm trong quản lý.
Một số những trưởng ban khác của Ban Kinh tế Trung ương cũng bị kỷ luật và phải nghỉ hưu như ông Nguyễn Văn Bình, Trần Tuấn Anh.
Trưởng ban hiện tại là nguyên Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, người vừa nhậm chức mới vào tháng 8 năm nay.
Nguồn : BBC, 09/12/2024
Có quan chức bị ông Trọng cho vào phòng sám hối rồi sau đó xử lý, có quan chức thì bị ông Tổng bí thư tống thẳng vào tù mà không cho ngồi vào ghế dự bị để sám hối. Trước đây ông Đinh La Thăng được đưa vào Phó Ban Kinh tế Trung ương để chờ xử lý. Từ đó đến nay ghế Phó Ban Kinh tế được xem là ghế dự bị ngồi tù. Ông Đinh La Thăng thì đã ngồi tù, còn ông Nguyễn Thành Phong thì chưa biết được về nhà hay bị cho vào tù. Án vẫn đang treo lơ lửng trên đầu ông Nguyễn Thành Phong.
Ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị "dọn kho" ở Ban kinh tế trung ương từ tháng 6 sau khi đưa ông Nguyễn Thành Phong ị rời ghế Phó Ban Kinh tế trung ương
Ông Nguyễn Phú Trọng chưa quyết số phận ông Nguyễn Thành Phong nhưng ông đã cho ông Phong rời ghế Phó Ban Kinh tế Trung ương. Động thái này được cho là ông Trọng đang dọn kho để nhập hàng mới. Ghế Phó Ban Kinh tế mà ông Nguyễn Thành Phong bỏ lại sẽ có người lắp vào nhưng chưa biết là ai. Rất có thể là ông Nguyễn Văn Thể.
Trước đây ông Trọng trưng dụng Ban Kinh tế Trung ương làm kho dự bị cho những đối tượng sắp thành củi. Tuy nhiên vì củi quá nhiều mà kho thì lại hẹp nên ông Trọng đang mở thêm kho mới. Vậy kho mới ông Trọng đặt ở đâu ? Đấy chính là Ban Tuyên giáo Trung ương. Cũng là vị trí phó ban, người đầu tiên được nhập vào kho mới là ông Phùng Xuân Nhạ – Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 24/10 vừa qua, ông Trọng cho Ban Bí thư cảnh cáo ông Phùng Xuân Nhạ – Phó Ban tuyên giáo Trung ương. Đây chỉ mới hành động kỷ luật Đảng chứ chưa cách chức. Tuy nhiên, theo giới thạo tin đánh giá thì việc cách chức Phó Ban Tuyên giáo Trung ương của ông Phùng Xuân Nhạ chỉ là vấn đề thời gian. Ông Trọng đang bận nhiều việc chưa xử lý việc này gấp được.
Ngày 16/11, ông Trần Quốc Cường, Phó ban Nội chính Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Cường đảm nhiệm vị trí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên thay ông Nguyễn Văn Thắng đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải hôm 21/10.
Với việc thuyên chuyển này cho thấy ông Trần Quốc Cường đang được cơ cấu để về lại Trung ương. Vấn đề ông Trần Quốc Cường đi không đáng nói mà vấn đề nhiều người quan tâm, đó là chiếc ghế trống mà ông Trần Quốc Cường để lại, liệu rằng đây là chiếc ghế tiếp nhận người được cơ cấu hay tiếp nhận một con người thất sủng để ngồi tạm trước khi vào tù ?
Như vị trí Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, trước đây tiếp nhận ông Nguyễn Thanh Long, sau đó ông Nguyễn Thanh Long lại nắm Bộ Y tế. Lúc đó ông Long là người ngồi tạm để chờ cơ cấu. Hay như ông Nguyễn Hồng Diên trở thành Bộ trưởng Bộ Công thương ngồi tạm ghế Phó Trưởng ban Tuyên giáo để chờ cơ cấu. Tuy nhiên, với ông Phùng Xuân Nhạ thì khác, ông Nhạ là người thất sủng, về vị trí Phó ban tuyên giáo chờ bị xử lý.
Hiện nay người chờ bị kỷ luật và chờ bị truy tố khá nhiều, trong đó có thể kể đến như ông Nguyễn Văn Thể. Còn những người đang bị theo dõi để có thể bị xem xét kỷ luật hay không, có thể kể đến như ông Nguyễn Hồng Diên, ông Hồ Đức Phớc v.v. Nếu ông Trọng cho làm mạnh tay thì e nhiều người sẽ bị đưa vào tầm ngắm kỷ luật. Rất có thể vị trí Phó Ban Nội chính mà ông Trần Quốc Cường để lại sẽ là một ghế dự bị cho những quan chức thất sủng ngồi vào đấy chờ án kỷ luật.
Đợi người ngồi vào ghế Phó Ban Nội chính là ai ? Nếu là một thứ trưởng của một bộ nào đấy, thì người đấy sẽ được cơ cấu lên Bộ trưởng, nếu người ngồi vào đấy là một bộ trưởng cho thôi chức giữa nhiệm kỳ thì đấy là vị trí dự bị chờ xử lý.
Kinh tế Việt Nam đang xuống dốc, chỉ riêng vụ án Việt Á đã thổi bay 2 bộ trưởng. Còn những vụ án khác như vụ chuyến bay giải cứu, vụ Vạn Thịnh Phát, v.v. sẽ hứa hẹn thêm nhiều bộ trưởng nữa thất sủng. Có thể sắp tới sẽ có cuộc càn quét lớn. Hãy chờ xem.
Nguyễn Lan (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 19/11/2022
Đinh La Thăng - người vẫn còn "trung ủy" sau khi mất "chính ủy" - sẽ được "hạ cánh mềm" hay phải "hạ cánh cứng" - là một dấu hỏi lớn mà nhiều giới trong xã hội Việt Nam đang đặc biệt chú ý. Tò mò có, hả hê có, thương hại cũng có, hoặc cũng muốn biết bàn cờ chính trị nội bộ xoay chuyển theo hướng nào…
Đinh La Thăng trong lần tiếp cựu ngoại trưởng Mỹ. (State Department photo/ Public Domain)
Buổi sáng Sài Gòn
Buổi sáng thứ Tư ngày 10/5/2017. Sài Gòn nắng nhẹ và đang vào mùa mưa. Các ủy viên bộ chính trị Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân đã không dự buổi kết thúc của Hội nghị trung ương 5, mà lại có mặt ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cách Hà Nội gần hai ngàn cây số.
Đi cùng với họ là Đinh La Thăng, gương mặt đã mất hẳn vẻ tự tin cùng những câu "sấm" bán trời không văn tự, vừa bị 90% ủy viên trung ương nhất trí "cách" khỏi Bộ Chính trị.
Suốt cả tháng trời trước buổi sáng Sài Gòn ấy, người ta không nhận ra Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh ồn ào hiện diện trên mặt báo chí như dĩ vãng gần. Cũng có tin cho biết ông Thăng thực ra đã được "điều" ra Hà Nội cả tháng trước khi Hội nghị trung ương 5 diễn ra.
Trong buổi sáng Sài Gòn ngày 10 tháng Năm năm nay, mọi chuyện đã diễn ra hết sức suôn sẻ và chóng vánh : thay mặt "tứ trụ", bà Kim Ngân trao quyết định điều động làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho "người cũ" là Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời đưa quyết định cho "người mới" là Đinh La Thăng nhận nhiệm vụ Phó trưởng ban tại Ban kinh tế trung ương.
Ngay khi đó đã phát ra một tiếng thở phào : Đinh La Thăng thoát tội rồi !
Những người bênh vực hoặc có thiện cảm với Đinh La Thăng không phải hiếm, bằng vào những ấn tượng mà ông Thăng đã tạo được nơi họ bằng một lối phát ngôn mạnh miệng hiếm muộn trong Bộ Chính trị. Không ít người đã chúc mừng "anh Thăng hạ cánh an toàn".
Nhưng chỉ ba ngày sau, công luận lại một lần nữa ồn ào như ong vỡ tổ. Nguyễn Phú Trọng - người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 - đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn "hình sự ta đang làm".
Chỉ đến lúc này, những người chúc mừng quá sớm mới chợt nhận ra một tín hiệu là lạ : tại sao có quá nhiều bộ ngành, ban đảng và ban chỉ đạo mà Tổng bí thư Trọng chỉ chọn đúng Ban kinh tế trung ương để cho Thăng về làm cấp phó ?
Cái lồng
Cái cách điều động của Nguyễn Phú Trọng đối với Đinh La Thăng lại rất mạnh và nhanh : thậm chí không có được vài hôm chia tay "đồng bào đồng chí miền Nam", chỉ một ngày sau cái buổi sáng bùi ngùi ôm lấy Phó bí thư thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Thăng đã phải có mặt ở Hà Nội để nhận bó hoa tươi thắm của Ban Kinh tế trung ương.
Ban Kinh tế trung ương ấy lại đang sở hữu một nhân vật đặc biệt mang chức trưởng ban : cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình - từng một thời được xem là cánh tay mặt của "anh Ba Dũng".
Hình như "ông giáo làng" Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chơi một đòn thâm nho. Bây giờ thì ai nhìn vào Ban kinh tế trung ương cũng hiểu ra rằng đó là nơi để "nhốt quyền lực vào lồng" - cụm từ mà theo một tác giả thì Tổng bí thư Trọng đã mượn của Tập Cận Bình Trung Quốc và rất sính dùng.
Trong thực tế công tác nhân sự ở Việt Nam, có không ít ban chỉ đạo về những lĩnh vực nào đó đã trở thành cái rốn để nhồi nhét những nhân vật hoặc bị thất sủng, hoặc chờ về hưu, hoặc bị kỷ luật.
Nhưng Ban Kinh tế trung ương thậm chí còn có thể phải rước lấy một thân phận tồi tệ hơn cả các ban chỉ đạo trên : trong xu thế tinh gọn hóa bộ máy và tiến tới nhất thể hóa giữa hai khối đảng và chính quyền vào cuối năm 2017, sang năm 2018, người ta hoàn toàn có thể sáp nhập ban bị xem là "yếu" này với một vài bộ ngành bên chính phủ ; hoặc tồi tệ hơn thì giải tán "cái lồng" đó.
Để khi đó, nói như dân gian, cả Trưởng ban Nguyễn Văn Bình và Phó ban Đinh La Thăng đều không còn mảnh đất cắm dùi.
Tuy vậy, khả năng ban bị giải tán và nhân sự đương nhiên mất ghế vẫn còn là "hạ cánh mềm". Còn với cách nói nửa úp nửa mở "sẽ còn nữa" của Tổng bí thư Trọng, không ai trong hai nhân vật Thăng và Bình được hiểu là sẽ hoàn toàn an toàn để nghỉ ngơi an dưỡng mà chẳng phải lo đến "hậu sự".
Quy trình 5 bước ?
"Hậu sự" ấy lại quá mong manh. Nếu đúng như một lối nói úp mở khác gần đây của cây viết Huy Đức - người đã tung ra đến 3 bài trước Hội nghị trung ương 4 vào tháng 10/2016 để "đánh" Đinh La Thăng, cùng hăm he sẽ phanh phui đến cùng cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những hồ sơ về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt lên bàn Hội nghị trung ương 5 để phục vụ cho việc kỷ luật ông Thăng mới chỉ là "những mẩu con con", trong khi một mớ hồ sơ dày gấp nhiều lần đang được sở hữu bởi "cơ quan chức năng".
Mà như vậy, quy trình xử lý đảng và xử lý chính quyền chỉ là "chuyện nhỏ". Chuyện ghê gớm hơn hẳn mới là quy trình tố tụng hình sự. Có nghĩa là Đinh La Thăng, đến một lúc nào đó, sẽ phải đối diện với các cơ quan điều tra pháp luật. Việc đối mặt này cũng là bước 2, sau bước 1 bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở bước 2, nếu không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng sẽ chắc chắn phải "ra tòa" một lần nữa. "Tòa án" vẫn lại là Ban chấp hành trung ương. Nhưng thay vì chỉ bỏ phiếu kỷ luật như lần trước, các ủy viên trung ương sẽ phải bấm bụng quyết định để ông Thăng không còn là "đồng đảng" của mình theo ý chỉ của Bộ Chính trị.
Nếu mất cả chức ủy viên trung ương, Đinh La Thăng sẽ phải đối mặt với một nỗi nguy hiểm lớn hơn - bước 3. Vào lúc này và nếu lại không được thần may mắn phù trợ, ông Thăng còn có thể bị tước cả đảng tịch, tức bị khai trừ khỏi đảng "vinh quang và đời đời bất diệt", sau đó đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.
Đó chính là một tiền đề của quy trình tố tụng hình sự : một quan chức đã bị khai trừ đảng và mất ghế đại biểu quốc hội thì đương nhiên không còn "quyền bất khả xâm phạm". Để khi đó, cơ quan điều tra pháp luật có thể "tùy nghi xâm phạm" - tức sang bước 4.
Trong trường hợp tồi tệ, Đinh La Thăng Việt Nam có thể trở thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
Năm 2012, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, "đúng quy trình", bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân.
Bước 5, cũng là khả năng tồi tệ nhất đối với Đinh La Thăng, là như vậy. Tức nếu ai đó quên bẵng hứa hẹn "đánh người chạy đi, không đánh kẻ chạy lại", ông Thăng có thể sẽ bị bắt để điều tra về vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một lô lốc vụ việc khác mà bên đảng không bỏ qua. Và nếu vận may vẫn không một chút an ủi, ông sẽ phải đối diện với một tòa án thật sự chứ không còn nằm trong ngoặc kép.
Cùng với những "người quen cũ" của ông…
Khi đó, chỉ còn cầu trời cho vận may cuối cùng : án treo.
Nhưng ngoài cái án kỷ luật đảng đã nhận, 4 bước còn lại vẫn chỉ là giả thiết ở thì tương lai. Có lẽ đã đến lúc ông Thăng cần một chút xác tín tôn giáo để cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi…
Phạm Chí Dũng
VOA, 19/05/2017
Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Ban Kinh tế trung ương. Ông cho rằng Ban Kinh tế đã hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ được giao và hiện đang chủ trì, chuẩn bị 7 đề án quan trọng về việc tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nêu tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Việt Nam hiện đứng đầu Ban Kinh tế trung ương của Đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, ông cũng nêu những câu hỏi, vấn đề cần giải quyết, như… đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa ? Nhanh và bền vững ở mức nào ? Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu ? Phải chăng nguyên nhân bao trùm là do việc huy động, đặc biệt là phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường... ?
Đảng đã ban hành Nghị quyết trung ương 3 khoá 9 vì sao thực hiện không tốt, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn, với những công trình hàng nghìn tỉ đồng bị "đắp chiếu"... ?
Tái lập Ban Kinh tế trung ương
Theo Wikipedia tiếng Việt, Ban Kinh tế trung ương Đảng cộng sản còn được gọi Ban Kinh tế trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng là người đã cho tái lập và thúc đẩy vị thế của Ban Kinh tế trung ương Đảng ở nhiệm kỳ đầu của ông trên cương vị này.
Đây là một trong những tổ chức quan trọng để cụ thể hóa và thực thi đường lối 'đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đất nước'.
Ban Kinh tế trung ương được thành lập ngày 30 tháng 9 năm 1950. Tên gọi và chức năng nhiệm vụ của nó được thay đổi, mở rộng hay thu hẹp, qua mỗi thời kỳ, theo tình hình thực tế và đường lối lãnh đạo của Đảng cộng sản, như Ban Kinh tế - tài chính trung ương, Ban Công nghiệp trung ương, Ban Nông nghiệp trung ương, Ban Kinh tế - Kế hoạch trung ương… Tên gọi 'Ban Kinh tế trung ương' được giữ lâu nhất, từ tháng 8/1982 đến 4/2007, sau đó hợp nhất về Văn phòng trung ương Đảng cho đến năm 2012.
Trong thời kỳ từ khởi điểm đổi mới, năm 1986 đến trước khủng hoảng kinh tế, năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì mức cao từ trên 7% đến 9%, chính vì vậy Ban Kinh tế của Đảng giữ một vị trí 'khiêm tốn' như trên là có cơ sở.
Có chính khách trong một cuộc hội thảo về 30 năm đổi mới đã khái quát rằng một trong những cải cách chính trị quan trọng là Đảng không trực tiếp tham gia điều hành kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam xảy ra khủng hoảng, đỉnh điểm là 2010 -2012. Chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 "về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội". Nghị quyết này được nhận định là 'nền tảng cho mọi cơ chế, chính sách của nhà nước đối với đời sống kinh tế - xã hội năm 2011 và có tính xuyên suốt cho các năm tiếp theo.
Sau đó, Hội nghị trung ương 6 của Đảng cộng sản được tổ chức từ ngày 01 đến 15/10/2012 tại Hà Nội, như phát biểu khai mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có nhiều nội dung 'rất quan trọng, khó và nhạy cảm', trong đó có việc phân tích, đánh giá tình hình, hậu quả, giải pháp cho 'bất ổn kinh tế vĩ mô', xem xét kỷ luật người đứng đầu Chính phủ về những yếu kém trong điều hành, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng…
Theo tinh thần Nghị quyết trung ương 6 nêu trên, Ban Kinh tế trung ương được thành lập trở lại theo Quyết định số 160/QĐ-trung ương ngày 28/12/2012. Ban này có các chức năng nhiệm vụ chủ yếu : Tham mưu, thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội, giám sát việc thực hiện chính sách về kinh tế - xã hội của Đảng và tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thuộc khối kinh tế - xã hội… Quyền hạn và trách nhiệm của Ban Kinh tế trung ương là rất lớn, trưởng ban là Ủy viên Bộ chính trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Liệu có tạo được chính sách tốt ?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (giữa), nguyên Bộ trưởng Tài chính, từng nắm chức Trưởng Ban Kinh tế trung ương trước ông Nguyễn Văn Bình.
Liệu việc tái lập Ban Kinh tế trung ương được coi như như một giải pháp tình huống, cấp bách đối phó với 'bất ổn kinh tế vĩ mô' hay đó là sự nỗ lực của Đảng nhằm tăng cường cơ chế kiểm soát lĩnh vực kinh tế, từ chính sách đến sự điều hành ?
Có lẽ cả hai. Tổng bí thư kỳ vọng vào cơ quan này.
Nhìn lại quá trình 30 năm đổi mới, đứng trước sự sụp đổ của chế độ kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, Đảng cộng sản Việt Nam đã mở cửa ra thế giới và chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường, coi đó là cứu cánh vượt khó, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Đổi mới thực sự đã mang lại những thành công, giúp Việt Nam thoát khủng khoảng và nghèo đói, vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Khủng hoảng kinh tế đang để lại những hậu quả nặng nề, ngoài những câu hỏi do người đứng đầu Đảng cộng sản dẫn ra ở trên, thì các vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm, tha hóa quyền lực đã trở thành quốc nạn và niềm tin dân chúng, xã hội giảm sút nghiêm trọng …đang đe dọa 'sự tồn vong của chế độ'. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng thốt lên : 'Đổi mới hay là chết', 'thể chế cũng do con người tạo ra'… Các nhà nghiên cứu cho rằng tư duy giáo điều về chủ nghĩa xã hội cản trở phát triển, không còn dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng, thể chế hiện tại đang cản trở tiếp tục phát triển kinh tế thị trường…
Quá trình đổi mới vừa qua cho thấy xu hướng rõ ràng rằng kinh tế thị trường càng 'mạnh', càng 'mở rộng', thì 'vị trí, vai trò' của Ban Kinh tế trung ương càng 'thu hẹp'. Tuy nhiên, cách điều hành kinh tế - xã hội như hiện nay đang tạo ra 'khoảng trống', 'lỗi hệ thống' mà nếu khắc phục theo cách đối phó sẽ không mang lại hiệu quả bền vững.
Cách lãnh đạo kinh tế - xã hội của đất nước, theo truyền thống, vẫn là bằng các nghị quyết của Đảng thông qua các kế hoạch 5 năm, hàng năm với các chỉ tiêu 'pháp lệnh'. Chính phủ, dường như, có 'khoảng trống' cho việc lựa chọn cách thức điều hành.
Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục lãnh đạo đường lối kinh tế của nhà nước nh lâu nay hay không, hay sẽ từ bỏ và chuyển giao vai trò này có thể vẫn còn là một câu hỏi lớn ở Việt Nam.
Đã có lúc chính phủ, dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, 'Tổ tư vấn cải cách' (theo Quyết định số 494/TTg ngày 5-10-1993) và 'Ban nghiên cứu' (theo Quyết định số 473/QĐ-TTG ngày 30/5/1998) được thành lập để trực tiếp giúp Thủ tướng trong việc hoạch định chương trình cải cách, kiến nghị các chủ trương, chính sách theo tinh thần đổi mới, tham gia soạn thảo hoặc giám định và hoàn chỉnh các văn bản thể chế mang nội dung đổi mới chính sách. Tuy nhiên, ngày 28 tháng 7 năm 2006, nguời kế nhiệm, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi nắm quyền (28/06/2006) được gần 1 tháng, đã ký Quyết định Giải thể (Quyết định 1008/QĐ-TTg năm 2006).
Lấp đầy được khoảng trống ?
Sau đó, Chính phủ đã 'lựa chon' các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như là 'quả đấm thép', thúc đẩy tăng trưởng qua khai thác tài nguyên, tăng đầu tư công qua tăng nóng tín dụng, bùng nổ thị trường bất động sản… dẫn đến mất kiểm soát, gây nên khủng khoảng kinh tế, để lại hậu quả kinh tế - xã hội nặng nề mà đến nay vẫn tiếp tục khắc phục với chi phí cao…
Như đã biết, Hội nghị trung ương 6 khóa 11, nêu ở trên, đã xem xét kỷ luật nguyên thủ tướng Dũng về những yếu kém trong điều hành kinh tế - xã hội và những 'khuyết điểm' khác, nhưng ông đã 'không bị', khi các Ủy viên trung ương không nhất trí với Bộ Chính trị khi số phiếu 'không quá bán'.
Sự lãnh đạo của Đảng là toàn diện và tuyệt đối, song sự điều hành của Chính phủ luôn có những 'khoảng trống', mà nó chỉ có thể được 'lấp đầy' khi 'kinh tế vĩ mô được ổn định và tăng trưởng nhanh'.
Đảng cộng sản Trung Quốc đang cố gắng đối phó với 'hạ cánh cứng', chống tham nhũng… bằng cách thâu tóm và củng cố quyền lực tuyệt đối với 'lãnh đạo hạt nhân, nòng cốt'. Với hoàn cảnh cụ thể, thực tế hiện nay Việt Nam liệu có thể rút ra bài học từ kinh nghiệm này.
Người ta nói : 'Đó là lỗi hệ thống' của các nhà nước toàn trị, các nỗ lực chỉ là đối phó, nhất thời, và câu hỏi về tính bền vững của mô hình thể chế này sẽ không có câu trả lời thỏa đáng.
Đổi mới thực sự đã mang lại những thành công, giúp Việt Nam thoát khủng khoảng và nghèo đói, vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, theo tác giả.
Các nhà nghiên cứu chính sách công chỉ ra rằng, một khi 'cam kết' với kinh tế thị trường hiện đại, cần xây dựng thể chế 'dễ nhận biết', tuân thủ các nguyên tắc thị trường, trong đó quyền tự do kinh doanh, quyền cá nhân, và cạnh tranh bình đẳng được coi là phương thức khám phá và công cụ kiểm soát hữu hiệu nhất của quỹ đạo phát triển của nhân loại. Một thể chế có thể loại được thông tin bất đối xứng, thấu đáo vấn đề thân chủ - đại diện để loại bỏ cách hành xử cơ hội, ngăn ngừa được 'rủi ro đạo đức'…
Trong bối cảnh này, Ban Kinh tế trung ương liệu có thể trả lời câu hỏi Đảng sẽ tiếp tục lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào, và để 'đưa' ra được chính sách hữu hiệu, lâu dài hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiến sĩ Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn) có bài viết : 'Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai', đăng trên 'An ninh thế giới cuối tuần' - ấn phẩm của cơ quan Công an nhân dân, ngày 19/02/2017.
Ông cho rằng cần 'vượt qua sợ hãi của chính mình' để có 'mệnh lệnh' cho đổi mới lần hai. Bài học kinh nghiệm từ Đổi mới lần một, thì 'Cuộc đổi mới lần hai tuy cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhưng vẫn hy vọng sẽ thực hiện được, nếu đặt lợi ích của đất nước lên trên hết và nếu có 'ai đó sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm…'
Phạm Quý Thọ
Nguồn : BBC, 04/03/2017
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.