Ngày Chủ nhật 14/7 đã trôi qua lặng lẽ tại Sài Gòn và Vũng Tàu. Không có một cuộc biểu tình nào của người dân để sẻ chia với người lính hải quân Việt Nam đang đối mặt với giặc Trung Quốc ở bãi Tư Chính.
Vào sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039 đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình trực tuyến tại Phòng điều hành Trung tâm Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Về mặt hành chánh, bãi Tư Chính thuộc phạm vi quản hạt của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sở dĩ không có biểu tình, vì theo nhà báo Trần Đình Thu, "nếu còn tồn tại chủ nghĩa xã hội thì đừng bao giờ nói đến chuyện chống Trung Quốc. Điều đó vô nghĩa lắm. Chỉ nói đến chuyện chống Trung Quốc, khi nào Việt Nam trở thành một nước dân chủ đa đảng, ký các hiệp ước đồng minh với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…".
Luật sư Nguyễn Thanh Bình chua chát không kém : "Có lẽ nên xóa kỷ luật một số tướng tá bên bộ Quốc phòng và mấy vị đô đốc, tướng lĩnh của bộ tư lệnh hải quân. Thôi thà để nó tham nhũng còn hơn là để tổ quốc bị xâm lăng... Tin trên làm nức lòng đám quan chức tham nhũng. Họ được ngoại bang bảo kê chăng ? Đám chính trị gia công tử, xa-lông với đám quan chức xôi thịt có vẻ rất khoái và có vẻ đang mong đợi những gì đó đặc lợi, đặc quyền…".
Bản tin trên tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (1), cho biết (tóm lược) : Có ít nhất 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát.
Ông Ryan Martinson đăng tải ảnh chụp màn hình về thông tin theo dõi dữ liệu tàu trong một tweet hôm 11/7 chỉ ra, khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc gồm tàu bảo vệ bờ biển vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 mang theo trực thăng và tàu 2.200 tấn số hiệu 37111.
Ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), trong một tin nhắn Twitter vào sáng sớm hôm chủ nhật 14/7 (giờ Sài Gòn) cho biết như vậy kèm ảnh chụp màn hình theo dõi.
"Và bây giờ chúng tôi đã xác nhận sự tham gia của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong hoạt động hộ tống. Đó Qi Qiongsanshayu 00114, một chiếc tàu lớn thuộc sở hữu của đơn vị thành phố Sansha [Tam Sa]. Có lẽ đây không phải là tàu dân quân biển duy nhất (2).
Trong một diễn biến khác, theo tờ Tin Tức của Thông Tấn xã Việt Nam (3), vào sáng 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trên các tàu CSB 4031, 4034, 9001, 8002, 4038, 4039 đang làm nhiệm vụ trên biển thông qua truyền hình trực tuyến tại Phòng điều hành Trung tâm Chỉ huy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Các bản tin tương tự ở RFA, BBC, RFI chủ yếu dẫn lại nguồn kèm dự báo (4), cuộc đối đầu có thể dẫn đến đụng độ lớn nhất trên Biển Đông trong vòng 5 năm trở lại đây, và có thể kích động làn sóng chống Trung Quốc chưa từng thấy ở Việt Nam kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển nước này.
Tuy nhiên tính đến Chủ nhật 14/7, hệ thống báo chí quốc doanh không khai thác thông tin này. Có chăng chỉ là kiểu tường thuật ẩn dụ :
"Đó có lẽ là đám cưới nhiều nước mắt nhất ở Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chú rể lính Trường Sa, theo lịch sẽ về trước ngày cưới ba ngày, nhưng bất ngờ sóng to gió lớn không về kịp. Nhẫn cưới đã không được trao trong ngày này... Qua điện thoại, cả hai gia đình đã thống nhất tổ chức lễ cưới vào ngày 12 và 13/7 này. Để kịp về cưới vợ, chú rể đã xin phép đơn vị cho về phép 10 ngày. Cô dâu Ly Na nói đúng ra chú rể đã có mặt ở nhà từ ba ngày trước ngày cưới. Nhưng gần ngày về thì thời tiết không thuận lợi. Tàu không cập được để về đúng ngày. Cả nhà phải động viên nhau chấp nhận đám cưới không có chú rể. Cũng không có ảnh cưới. Không cắt bánh. Không rót rượu. Và không có luôn việc trao nhẫn cưới cho nhau" (5).
Mạng xã hội cũng chưa thấy bất kỳ lời kêu gọi nào về những cuộc tuần hành biểu thị lòng dân trước đe dọa về những đụng chạm có thể bằng vũ trang của quân đội hai quốc gia.
Vài hôm trước đó, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có chuyến công du ở Trung Quốc, cũng chưa rõ bà có lên tiếng nói gì về vấn đề này với Tập Cận Bình.
Có ý kiến phân tích, các tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc hơn một tuần qua đã mở cuộc thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, khu vực bãi Tư Chính (phía Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc). Khu vực này hồi năm 1992, Trung Quốc đã từng ký giấy phép cho phép hãng khai thác dầu khí Mỹ Creston hoạt động.
Vụ này tạm ngưng, vì phía Việt Nam đưa công ty khai thác của Mỹ ra tòa. Tuy nhiên nghe đâu thời hạn hợp đồng giữa Trung Quốc với phía công ty Mỹ vẫn còn, nay, thăm dò thềm lục địa của Việt Nam là nằm trong hoạch định tái khởi động lại hợp đồng ấy.
Lập luận trên có cái lý, vì hôm thứ sáu, 13/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không xác nhận việc vụ đối đầu tại bãi Tư Chính, nhưng ông nói Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng [scmp, nguồn đã dẫn] cho biết thêm. "Chúng tôi cũng cam kết quản lý sự khác biệt của mình thông qua các cuộc đàm phán với các quốc gia liên quan", người phát ngôn này nói.
Tuy nhiên, theo Reuters, ngày 27/6 tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã phát đi thông báo mời thầu 8 lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Vị trí các lô dầu khí này trùng với lộ trình thăm dò của Haiyang Dizhi 8, từ lô 130 đến lô 156.
Nhắc lại : Tòa án Trọng tài thường trực PCA đã phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc trong một bản án tuyên ngày 12/07/2016, điều này có nghĩa Trung Quốc không có quyền gì đối với tài nguyên biển thuộc EEZ của quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Điều đó dẫn đến thỏa thuận vào năm 1992 của Trung Quốc với công ty khai thác dầu khí của Mỹ, hiện tại là ‘vô hiệu’.
Có một nội dung ít được báo chí cũng như mạng xã hội khai thác trong chuyến công du của Đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam tại Trung Quốc vừa kết thúc vào cuối tuần qua, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm công việc ‘tiền trạm’ cho sắp tới đây sẽ có cuộc gặp gỡ giữa hai bộ chính trị Trung Quốc và Việt Nam tại Hà Nội.
Bàn luận bên lề, một số luật sư ở Sài Gòn dự báo từ chuyến công du Bắc Kinh của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, khả năng sắp tới đây nếu có chuyến thăm Hoa Kỳ với tư cách là người đứng đầu quốc gia, thì nếu ông Nguyễn Phú Trọng trở ngại vì sức khỏe, thì người thay thế chính là Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đứng về mặt Luật hiến Pháp, mà người Mỹ vốn quen với nền pháp trị, hay viện dẫn các nguyên tắc và diễn tiến hiến định, thì bà Ngân là người cao nhất nước, vì bà là Chủ tịch Quốc hội, mà Hiến pháp Việt Nam gọi là cơ quan quyền lực tối cao.
5 năm trước, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lắp đặt giàn khoan thăm dò dầu khí HD-981 đã diễn ra trong tháng 5 năm 2014 tại 22 tỉnh thành của Việt Nam trong đó có Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa. Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Hiện tại thì họa xâm lăng cận kề, song xem ra người dân thực sự đã đặt trọn niềm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, khi họ không còn sục sôi kêu gọi xuống đường tuần hành ủng hộ người lính hải quân, không còn muốn tố cáo, lên án với cộng đồng quốc tế về chuyện Trung Quốc bá đạo dẫm đạp lên luật pháp quốc tế.
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 15/07/2019
(2) @KennedyMaritime @AndrewSErickson" : "And now we have confirmed China maritime militia involvement in the escort operation. That’s Qiongsanshayu 00114, a big boat owned by the Sansha City unit. Probably not alone out there.
Trung Quốc đang chơi trò gì tại Biển Đông ? Phải chăng những bất ổn trong nước và khó khăn trong giao thương Mỹ - Trung khiến Tập Cận Bình "xuất khẩu bất ổn" ra ngoài, và Biển Đông là một lựa chọn ?
Dàn DK1 - Bãi Tư Chính - Ảnh minh họa
Trong khi dư luận Việt Nam vẫn xôn xao với lon coca và lu nước chống ngập, thì ngoài Biển Đông, những giằng co giữa lực lượng kiểm ngư Việt Nam với lực lượng biển Trung Quốc tại Bãi Tư Chính vẫn đang tiếp tục.
Trung Quốc đang chơi trò gì tại Biển Đông ? Phải chăng những bất ổn trong nước và khó khăn trong giao thương Mỹ - Trung khiến Tập Cận Bình "xuất khẩu bất ổn" ra ngoài, và Biển Đông là một lựa chọn ?
Panos Mourdoukoutas trong một bài viết trên forbes đã nhấn mạnh, Bắc Kinh không nên đối xử với Việt Nam như Philippines. Tác giả này lý giải, bởi điều đó sẽ không thành công và sẽ không giúp cho sự hội nhập kinh tế của khu vực.
Việt Nam không muốn điều đó, và đó là lý do vì sao mà Hà Nội đã "triển khai lực lượng của mình để đối đầu với các tàu Trung Quốc, tại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp".
Bắc Kinh đang áp dụng trò chơi đảo chiều đối với Việt Nam, tương tự như làm với Philippines. Theo đó, Bắc Kinh đã từng biến Philippines từ một kẻ thù thành một người bạn, và thúc đẩy kế hoạch biến Biển Đông thành biển của chính mình. Đó là lý do vì sao vào tháng 4. 2018, Duterte đã đảo ngược quyết định trước đó của mình về việc giương cờ Philippines tại các đảo tranh chấp, thậm chí là hoãn thi hành phán quyết trọng tài quốc tế về Biển Đông (vốn có lợi cho nước này) theo lời khuyên thân thiện của Bắc Kinh.
Sự yếu đuối của Duterte thể hiện ngày càng rõ, khi nội các của ông đã gọi vụ Trung Quốc đâm "chìm tàu ngư dân" chỉ là sự "va chạm".
Và sự thật là, ông Duterte nói rằng ông không thể ngăn tàu Trung Quốc đánh bắt cá ở vùng biển Philippines. Văn phòng của ông tiết lộ ông đã ký một thỏa thuận bằng lời nói vào năm 2016 với Chủ tịch Tập Cận Bình để cho phép các tàu Trung Quốc đánh cá, bao gồm cả ở Bãi Cỏ Rong - Reed Bank, để đổi lấy việc Philippines tiếp cận các khu vực tranh chấp khác dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Gần đây, Bắc Kinh đã bắt đầu thử chiến lược tương tự với Việt Nam. Tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, "kêu gọi hai nước để thúc đẩy tình hữu nghị và tăng cường hợp tác để nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới", theo Hoàn Cầu Thời Báo.
Tuy nhiên, "hợp tác" theo hướng hội nghị này không hẳn là khiến cho tình hình êm dịu. Bởi, tranh chấp hàng hải lần này vẫn diễn ra, bất chấp cam cam kết hồi tháng 5, của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp hàng hải bằng đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm thứ Sáu vẫn tiếp tục khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực.
"Vị trí của Trung Quốc trong Biển Đông là rất rõ ràng. Chúng tôi kiên quyết giữ vững lợi ích và quyền chủ quyền của mình ở đó".
Giáo sư Baladas Ghoshal, chuyên gia hàng đầu của Ấn Độ về Đông Nam Á trong một bài luận đăng trên ET vào ngày 13/7, đã lý giải các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Theo đó, căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Biển Đông, bất chấp kỷ niệm 3 năm phán quyết của PCA về Biển Đông xuất phát từ lòng tham vô độ của Bắc Kinh đối với đất đai và lãnh thổ, tham vọng muốn cạnh tranh sự thống trị khu vực với Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không tranh cãi đối với đảo Thị Tứ, và thể hiện sức mạnh của mình bằng cách triển khai ít nhất bốn máy bay chiến đấu J-10 tới. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu hiện diện ở đây kể từ năm 2017.
Việc triển khai cũng là một tuyên bố rằng Trung Quốc có thể mở rộng sức mạnh không quân của họ trên biển Đông và những vùng vận chuyển quan trọng, như J-10 (máy bay phản lực có tầm bắn chiến đấu lên đến 500 dặm), theo nhu cầu của Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng xây dựng các cơ sở trên đào, triển khai tên lửa đất đối không, xây dựng 20 nhà chứa máy bay tại sân bay, nâng cấp hai bến cảng và thực hiện cải tạo đất đai. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi Bắc Kinh thử nghiệm tên lửa chống hạm. Lầu Năm Góc đã lên án hành động mới nhất của Trung Quốc là tiếp tục quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp. Lầu Năm Góc, theo một tuyên bố chính thức, đã ghi nhận nhiều vụ phóng tên lửa của Trung Quốc từ các công trình nhân tạo ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, và mô tả vụ phóng tên lửa này thực sự đáng lo ngại vì nó mâu thuẫn với Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình trong Vườn hồng 2015. Khi đó, ông Tập đã cam kết với Mỹ, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới rằng ông sẽ không quân sự hóa các tiền đồn nhân tạo đó.
Tên lửa DF-21D, sát thủ hàng không mẫu hạm, có tầm bắn 1.500 km cũng hiện diện trên khu vực Biển Đông.
Những tranh chấp và lấn lướt bất chấp các quan điểm và thỏa thuận trước đó của Bắc Kinh đã chỉ ra điểm yếu của ASEAN.
Trong cuộc chiến chéo giữa Mỹ - Trung, ASEAN rơi vào tình trạng bất lực vì thiếu sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông. ASEAN chắc chắn lo ngại về tình hình xấu đi ở Biển Đông, điều này được thể hiện trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN trong một hội nghị gần đây.
"Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và bày tỏ một số lo ngại về việc cải tạo đất và các hoạt động trong khu vực, đã làm xói mòn niềm tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường niềm tin lẫn nhau".
Có vẻ, Trung Quốc đã thành công trong cách tiếp cận của mình, "hoãn tranh chấp và cùng phát triển tài nguyên".
Vậy giải pháp duy nhất đặt ra đối với vấn đề Biển Đông là gì ?
Đó là thông qua Bộ quy tắc ứng xử (CoC) có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này hiện đang được đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhưng có những nghi ngờ về ý định của Trung Quốc bởi Bắc Kinh được cho là không ưa thích một CoC ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng một CoC không ràng buộc như vậy sẽ là vô nghĩa. Thứ hai, Trung Quốc cũng đã cho thấy xu hướng đàm phán với các quốc gia yêu sách khác trên cơ sở một đối một. Và cách thức này khiến Bắc Kinh cảm thấy có thể áp đảo ý chí đối với quốc gai đối diện, bởi sức nặng ngoại giao và kinh tế đối với các quốc gia nhỏ hơn. Đây là lý do tại sao CoC phải được ASEAN đàm phán chung với Trung Quốc và không thành viên ASEAN nào nên có thỏa thuận riêng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc đồng ý với một CoC ràng buộc, ai sẽ thực hiện nó ?
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang đau đầu, khi Bắc Kinh gây hấn trong trước thềm Đại hội Đảng tiếp theo. Những lo lắng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xử lý không tốt với vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng đến tổ chức Đại hội của mấy năm về trước đang quay trở lại.
Một bóng ma thực sự mang tên Bắc Kinh.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 15/07/2019
Tham khảo
- https://www.bloomberg.com/graphics/2019-south-china-sea-silent-war/
Chính thể độc đảng ở Việt Nam đang chìm trong một nỗi nhục vô bờ bến cùng nguy cơ nguồn ngoại tệ màu mỡ biến khỏi tầm tay ngân sách khi vừa phải "giương cờ trắng" lần thứ 2 tại Bãi Tư Chính.
Dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính. Ảnh : F319.com
Ngày 23/3/2018, cây bút Bill Hayton của BBC News là nguồn tin đầu tiên phát ra tin tức "Việt Nam ‘bỏ dự án Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông" mà giới chóp bu Việt Nam dĩ nhiên hoàn toàn không muốn bị tiết lộ :
"Lần thứ hai chỉ trong vòng một năm, Việt Nam phải hủy bỏ một dự án dầu khí quan trọng ở Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc, BBC được biết.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng một dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam, một nguồn đáng tin cậy trong ngành nói.
Điều này đồng nghĩa với việc Repsol và các đối tác có thể sẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án".
"Dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam" chính là mỏ dầu khí ‘Cá Rồng Đỏ" ở khu vực Bãi Tư Chính – nơi mà vào tháng Bảy năm 2017, cả PetroVietnam lẫn Repsol và chính quyền Việt Nam đều âm thầm "giương cờ trắng" lần đầu.
Biểu hiện đính kèm với "khủng hoảng Bãi Tư Chính" lần 2 là rất tương đồng với "khủng hoảng Bãi Tư Chính" lần đầu : cũng là "tàu lạ" tấn công tàu ngư dân Việt Nam ở vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, cùng "người lạ" nhảy sang tàu Việt hành hung, phá phách và giết chóc.
Vụ "nhục quốc thể" xảy ra vào cuối tháng 7/2017 khi chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" và yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhung vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh "vòng kim cô" – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử "ngàn năm Bắc thuộc" lẫn và hiện tại "mười sáu chữ vàng".
Trong khi đó, một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính là một trong số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng. Nếu không thể khai thác được mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ, chính quền Việt Nam sẽ không biết tìm đâu ra tiền để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách 60.000 tỷ đồng và ngoại tệ để trả nợ nước ngoài.
Nhưng điều cay đắng mới nhất là sau cuộc viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, bản lĩnh "dựa Mỹ khai thác dầu" của Hà Nội vẫn chẳng có gì cải thiện, để chỉ cần vài động tác đe dọa của Bắc Kinh là Việt Nam đã vội vàng "cuốn gói" ngay trên vùng biển của mình.
Sau vụ "giương cờ trắng" lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 – 12 tỷ USD/năm, và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm "bám Mỹ" trước "đồng chí tốt" Trung Quốc.
Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải. Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Trong khi đó, những thước phim lịch sử "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ" vẫn được nhăn nhở chiếu lại. Từ nhiều năm qua, đã không có bất cứ trường hợp ngư dân Việt nào bị tàu Trung Quốc bắn giết được Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố kết quả điều tra, bất chấp cơ quan bộ này hàng năm chi xài đến 5 tỷ USD tiền do dân phải è cổ đóng thuế.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 24/03/2018
*********************
Việt Nam trước thông tin ngưng dự án khai thác dầu khí do áp lực Trung Quốc (Cali Today, 24/03/2018)
Việt Nam một lần nữa có nguồn thông tin là phải ngưng một dự án khai thác dầu khí quan trọng ngoài khơi Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc, động thái này cho thấy Việt Nam đang bị uy hiếp rất lớn từ Trung Quốc bất chấp việc thời gian gần đây Việt Nam luôn kêu gọi các cường quốc trên thế giới tham gia gìn giữ hòa bình Biển Đông…
Ảnh minh họa - RFI
Đây là thông tin lược trích từ bài viết của nhà báo Bill Hayton được BBC News đăng tải. Theo thông tin, khoảng mấy ngày gần đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) buộc phải yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha là Repsol ngưng đặt giàn khoan Ensco 8504 tại Lô 07/03 mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, nằm phía đông nam Biển Đông. Địa điểm đặt giàn khoan Ensco 8504 cũng là nơi giữa Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí ga.
Đây là thứ hai, Việt Nam phải ngưng một dự án khai thác dầu khí tại vùng biển đang bị tranh chấp trước áp lực Trung Quốc. Lần thứ nhất là vào tháng 7/2017, tại Lô 136/03 mỏ Cá Kiếm Xanh, hãng năng lượng Repsol cũng bị phía Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan dò, có nguồn thông tin nói là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa bằng vũ lực quân sự nên phải rút lui. Một số trang truyền thông có lập trường đứng về phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngay sau đó thông tin phản hồi không có chuyện Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa quân sự nên phải yêu cầu hãng năng lượng Repsol ngưng hoạt động khoan dò tại Lô 136/03 mà do hãng năng lượng này đã hoàn thành việc thăm dò, đo đạc và thu thập dữ liệu đã đủ nên rút lui.
Trả lời câu hỏi của báo chí trước thông tin Trung Quốc đe dọa quân sự buộc Việt Nam rút lui dự án khoan dò dầu khí tại Lô 136/03, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN bà Lê Thị Thu Hằng vào ngày 27/08/2017 đã khẳng định :
"Tất cả hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982″.
"Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông"
Lô 136/03 chính là Lô gần với Lô 07/03, hiện tại chưa thấy Việt Nam có sự phản hồi nào về thông tin xảy ra tại Lô 07/03. Nếu đây là một sự thật thì cho thấy rõ ràng là Việt Nam đang bị Trung Quốc uy hiếp rất lớn về quyền quản lý những thực thể mà Việt Nam đang giữ ngoài khơi xa.
Tranh chấp, căng thẳng lãnh hải trên Biển Đông với sự bá quyền độc chiếm của Trung Quốc. Đường lãnh hải "Lưỡi bò 9 đoạn" mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ Biển Đông biểu hiện dã tâm độc chiếm hơn 2/3 diện tích thực của Biển Đông. Tuy nhiên, không phải Việt Nam mà chính Philippines vào tháng 01/2013, đã kiện tính pháp lý đường "Lưỡi bò 9 đoạn" ra Tòa trọng tài quốc tế. Bất chấp phía Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa này nhưng Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 phán quyết Trung Quốc thua kiện đồng nghĩa với việc đường "Lưỡi bò 9 đoạn" không thể hiện tính pháp lý lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia có đường lãnh hải tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông trong đó có Việt Nam về mặt chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình trước mộng bá quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang cho thấy họ không e ngại gì phán quyết quốc tế, đẩy mạnh quân sự hóa, làm phức tạp tình hình Biển Đông. Sự bá quyền này, cũng có lý do vì hầu hết các nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại Biển Đông bao gồm tất cả các nước trong khối ASEAN có tiềm lực quân sự quá chênh lệch với gã "khổng lồ Châu Á" Trung Quốc.
Để bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông, đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, Việt Nam luôn kêu gọi quốc tế hóa cùng tham gia gìn giữ hòa bình và ổn định Biển Đông.
Ngày 05/03/2018 vửa qua, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trong mục đích bảo vệ tự do hàng hải quốc tế. tháng 11/2017, trong chuyến công du các nước Châu Á, Tổng thống Hoa Kỳ ông Donald Trump đem thông điệp từ Nhà Trắng tái khẳng định mối quan hệ đồng minh với các nước Ấn Đô- Thái Bình Dương. Dù thế giới ngày nay có nhiều cường quốc kinh tế và quân sự nhưng chắc hẳn một điều mà Việt Nam và nhiều quốc gia đều biết là trong tình hình hiện tại chỉ có Hoa Kỳ mới đủ sức kìm hãm mộng bá quyền đầy hung hăng của Trung Quốc.
Tranh chấp, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông truyền thông nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thận trọng hoặc hạn chế đưa tin nhưng lại là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam.
Năm 2011, sự kiện tàu Bình Minh 02 bị các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò đánh dấu sự gây hấn, xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Đáp lại sự kiện này, người dân Việt Nam đặc biệt là tại Hà Nội đã tạo một "mùa hè đỏ lửa" có hơn 10 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào các ngày chủ nhật hằng tuần.
Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam để thăm dò dầu khí, đắm chìn tàu ngư dân Việt Nam, bắn hỏng tàu cảnh sát biển Việt Nam. Người dân Việt Nam từ Nam ra Bắc, liên kết với cộng đồng người Việt ở hải ngoại rầm rộ biểu tình.
Ngoài ra, rất nhiều vụ Trung Quốc tấn công và bắt giữ ngư dân Việt Nam, cho tàu cá ồ ạt tập trung đánh bắt ở Biển Đông, ngang nhiên đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ tháng 05 đến tháng 08 hằng năm.
Quê Hương
Chuyến công du Mỹ bất ngờ của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có được "lập trình" trước hay chỉ là một sự kiện mà logic "cầu viện" đương nhiên của nó phải xảy ra sau vụ Bãi Tư Chính ? Chuyến đi này liệu có với tới kết quả thực chất nào ?
Đai sứ Mỹ Ted Osius gặp Đại tướng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, Hà Nội ngày 26/7/2017. (Ảnh : dcsvn)
"Cầu viện" ?
Chỉ một tuần sau cuộc gặp "xã giao" nhưng hàm chứa đầy ẩn ý tại trụ sở Bộ quốc phòng vào chiều 26/7/2017 giữa Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, đã xuất hiện tin tức chính thức trên mặt báo đảng về việc tướng Lịch sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 7 - 10/8/2017. Dự kiến tướng Ngô Xuân Lịch sẽ hội đàm với Bộ trưởng James Mattis, hội kiến lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.
Cần nhắc lại, cuộc gặp "xã giao" giữa Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch với Đại sứ Ted Osius diễn ra chỉ vài ngày sau vụ nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết trước sức ép của Trung Quốc, vào ngày 24/7/2017, chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam - ngay tại Bãi Tư Chính luôn được xem là "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam".
Cuộc gặp trên, dù chỉ được báo đảng mô tả là "tiếp xã giao", nhưng lại "vô tình" trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí, phía Việt Nam đã cấp tốc liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội - như một hành động "cầu viện" - nhưng đã không nhận được câu trả lời.
Chỉ sau đó ít ngày, có tin một phái bộ quân sự Mỹ đã đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng lúc, một cựu quan chức ngoại giao là ông Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của Việt Nam VIDS, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với đài RFA Việt ngữ đã "xác nhận" vài thông tin mà đã được dư luận râm ran trước đó : "Rất đáng để ý, có thể nói là khúc quanh mới trong quan hệ Việt - Mỹ, cũng là đợt sóng ngầm tương đối dữ dội trong địa chính trị khu vực. Năm này và trong bối cảnh này là có nhiều chuyển động trong quan hệ Việt - Mỹ mà trước đây một vài năm chúng ta không thể hình dung được. Ví dụ chuyện tập trận, chuyện hạm đội Mỹ sẽ vào Cam Ranh.."..
Cam Ranh ?
Trùng với thời điểm diễn ra cuộc gặp Ngô Xuân Lịch - Osius và nhận định của ông Đinh Hoàng Thắng trên RFA Việt ngữ vào cuối tháng 7/2017, báo Quân Đội Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Bộ quốc phòng, trong bài "Kiên định đường lối đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ", đã nêu ra một nội dung đáng chú ý (đoạn gạch dưới) :
"Chính sách quốc phòng của Việt Nam đã nêu rõ : Việt Nam chủ trương không cho bất cứ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định không cho nước ngoài thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần-kỹ thuật. Tuy nhiên, Việt Nam hoan nghênh tàu, thuyền quốc tế ghé đậu và sử dụng dịch vụ hậu cần-kỹ thuật tại đây. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn…".
Nội dung (gạch dưới) trên có vẻ được công khai một cách hiếm hoi từ trước đến nay trên mặt báo đảng.
Một lần nữa kể từ năm 2012 khi Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm Canh Ranh, cảng quân sự có thể khống chế đến 2/3 Biển Đông lại được Việt Nam đặt lên bàn ngã giá với Hoa Kỳ.
Xem ra, cùng với chuyến thăm Mỹ đã được "lập trình" của tướng Ngô Xuân Lịch, xác suất hạm đội Mỹ "thăm" cảnh Cam Ranh như dự báo của ông Đinh Hoàng Thắng là không quá thấp.
Nhân quyền
Tướng Lịch đã đi Mỹ thay cho tướng Vịnh.
Bởi vào tháng Ba năm nay, sau khi chính phủ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử bắn ý "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Mỹ", ông Murray Hiebert - cố vấn cao cấp, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết sau chuyến đi Mỹ của ông Phúc sẽ diễn ra một chuyến đi Mỹ khác vào tháng 7/2017 của Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, liên quan đến hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Tuy vậy, cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ thông tin nào về chuyến đi này.
Vì sao thế ?
Nhìn lại năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam, hầu hết các "đối tác chiến lược" của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Khi đó, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách "đu dây" nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn "bốn tốt - mười sáu chữ vàng".
Sau đó, quả nhiên tình thế Việt - Trung càng lúc càng bất an, Hà Nội ngày càng bị Bắc Kinh lấn ép không chỉ về giao thương xuất nhập khẩu mà còn ngay tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, các hợp đồng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ đã gặp phải phản ứng lạnh nhạt từ phía Quốc hội Mỹ - bao gồm khá nhiều nghị sĩ quan tâm đến rất nhiều vụ nhân quyền bị đàn áp nặng nề ở Việt Nam.
Một khả năng có thể xảy ra là sau vụ chính quyền Việt Nam công khai thách thức Mỹ bằng án 10 năm đối với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cộng thêm thái độ đu dây cố hữu của Hà Nội, Washington đã không còn mặn mà để tiếp tướng Vịnh.
Cô đơn
Ngay trước chuyến "cầu viện" Mỹ của tướng Ngô Xuân Lịch, đã có thêm một bằng chứng quá sống động về tình thế quá cô đơn của Việt Nam ngay trong khu vực ASEAN.
Tại Diễn đàn an ninh khu vực 10 nước Đông Nam Á ở Manila, Philipppines vào ngày 5/8/2017, một hiện tượng hơi "lạ" là Việt Nam đã cố gắng thúc giục các nước Đông Nam Á có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Việt Nam cũng tìm cách đưa những từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố của ASEAN, chẳng hạn vận động ASEAN bày tỏ quan ngại về "việc xây dựng" ở ngoài biển, ý nói đến sự bùng nổ các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở vùng biển có tranh chấp trong những năm gần đây.
Việt Nam cũng muốn ASEAN nhấn mạnh trong tuyên bố chung là bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện đã được lên kế hoạch, sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý - một điều bị Trung Quốc chống lại.
Thế nhưng theo VOA, một nhà ngoại giao tham gia cuộc họp cho biết rằng "cuộc thảo luận thật gay go" và "Việt Nam đơn thương độc mã đòi có những từ ngữ mạnh mẽ về Biển Đông" trong khi "Campuchia và Phippines không mặn mà thể hiện điều đó". Một số nhà ngoại giao nói còn có phần chắc Việt Nam sẽ thua trong nỗ lực đòi đưa các từ ngữ cứng rắn chống Trung Quốc vào tuyên bố, khi mà Philippines với tư cách chủ nhà hội nghị có nhiều ảnh hưởng hơn…
Quả thật, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một chục "đối tác chiến lược" trong túi.
Hy vọng mỏng manh còn lại chỉ là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần như chắc chắn, chuyến đi Mỹ của tướng Lịch sẽ bàn về "an ninh Biển Đông", và nếu chuyện bàn thảo tiến hành thuận lợi thì sẽ có thể tiến đến cơ chế "tập trận chung", cùng sự có mặt của hạm đội Mỹ ở Biển Đông trong tương lai gần.
Để khi đó, biết đâu Việt Nam lại tỏ ra "dũng cảm" hơn hẳn mà tiến ra Bãi Tư Chính tiếp tục khoan dầu khí chứ không phải muối mặt "đầu hàng" trước Trung Quốc như vừa qua.
Nhưng lại chưa có gì chắc chắn là giới quân sự Hoa Kỳ sẽ "cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ", trong khi Mỹ còn phải lo nhiều vấn đề ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Vì thế, khả năng Mỹ có can dự vào Biển Đông hay không, và nếu có thì can dự tới mức độ nào, Việt Nam với Mỹ có thể thỏa thuận như thế nào để Việt Nam có thể tăng khả năng quốc phòng của mình để chống lại những bất trắc có thể xảy ra… vẫn là những đáp án mù mờ trong chuyến đi có thể chỉ mang tính "thăm dò" của tướng Ngô Xuân Lịch.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/08/2017