Có những điểm giống nhau ‘chết người’ giữa vụ cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn ‘nhập kho’ vào tháng 2 năm 2019 với vụ hình ảnh cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng phải ngậm ngùi tra tay vào còng hơn một năm trước đó : cả hai đều còn giữ cương vị ủy viên trung ương khi bị khởi tố và bắt giam ; và cả hai đều có ‘độ trễ’ từ lần mất chức gần nhất đến lúc bị bắt là 7 tháng.
Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Sau khi bị cách lột chức vụ ủy viên bộ chính trị vào tháng 5 năm 2017, Đinh La Thăng được Bộ Chính trị ‘phân công’ về làm phó trưởng ban kinh tế trung ương như một thủ thuật ‘nhốt quyền lực vào lồng’, sau đó đến tháng 12 năm 2017 thì bị bắt ; còn Tương Minh Tuấn sau khi bị cách chức bộ trưởng thông tin và truyền thông vào tháng 7 năm 2018, 7 tháng sau cũng bị bắt nốt.
Tại sao Tuấn ‘thoát’ tại Hội nghị trung ương 9 ?
Vụ hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị tống giam vào ngày 23/2 - hai tuần sau tết nguyên đán năm 2019 có thể xem là tương đương với sự kiện hai tướng Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng cục trưởng cảnh sát nhân dân và Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao - cả hai đều thuộc Bộ Công an - bị khởi tố và bắt giam sau tết nguyên đán năm 2018 vì bảo kê cho đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7.000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 - 15% trong số 7.000 tỷ.
Một dẫn chứng phát lộ gần nhất về ‘tỷ lệ ăn chia’ là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa được chính thức công bố đã ‘ăn’ 15% trong hợp đồng chia phần lợi nhuận của đường dây đánh bạc công nghệ cao.
Trong khi đó, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG.
Dường như ý chỉ của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng là khá rõ ràng : cứ để cho ‘hai ông’ Son và Tuấn ăn tết nguyên đán Kỷ Hợi với gia đình lần cuối rồi mới bắt, theo đúng một tư tưởng mới nhen nhóm của ông Trọng : ‘chống tham nhũng phải nhân văn’.
Nhưng một dấu hỏi lớn vẫn chằn chặn là tại sao tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018, ‘Tổng chủ’ lại không cách chức ủy viên trung ương của Trương Minh Tuấn mà chỉ làm động tác này đối với Nguyễn Bắc Son và một ‘chuột cống’ khác là Tất Thành Cang - khi đó giữ chức Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và có nhiều dấu hiệu dính đậm tham nhũng trong hai vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm và Nhà Bè ?
Trọng thực hành ‘công bằng và đối ứng’ hay sự biến khác ?
Từ giữa năm 2018 và đặc biệt sau vụ Trương Minh Tuấn bị mất chức bí thư ban cán sự đảng bộ thông tin và truyền thông cho đến thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 9, đã ồn ào tin tức về khả năng Tuấn sẽ bị bắt. Tuy nhiên sau đó bầu không khí hăm hở này lắng dần theo thời gian, chỉ còn loáng thoáng một ít tin tức ngoài lề về việc Son và Tuấn bị giám sát, câu lưu và hàng ngày phải ‘phục vụ ‘ cơ quan điều tra. Cũng có tin cho rằng cả Son và Tuấn đều ‘thoát’, hoặc Son bị bắt nhưng Tuấn vẫn được cho ‘hạ cánh an toàn’.
Trong năm 2018, Trương Minh Tuấn đã thoát hiểm đến hai lần. Đặc biệt lần thoát hiểm thứ hai của Tuấn trùng với thời điểm cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin và truyền thông vào ngày 10/0/2018. Vào lúc đó, đã không hiện ra cái tên Trương Minh Tuấn trong danh sách khởi tố bắt giam.
Nhưng hiện tượng Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son ‘thoát’ mà chỉ có Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố và bắt giam đã khiến dậy lên dư luận xã hội, giới cách mạng lão thành, cựu chiến binh và cả dư luận trong nội bộ đảng cho rằng Trà và Trọng chỉ là kẻ thừa hành, trong khi cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son mới là kẻ chủ mưu, cùng một kẻ chủ mưu khác và thừa hành đắc lực là Trương Minh Tuấn thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, cho dù cả Son và Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận vi phạm là ‘rất nghiêm trọng’.
Khi đó, cũng có nhiều dư luận cho rằng tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng.
Vậy phải chăng từ sau Hội nghị trung ương 9 đến nay đã xảy ra những động thái đủ lớn trong nội bộ mà đã khiến Trương Minh Tuấn cuối cùng đã không thể ‘thoát’ ?
Cho tới giờ thì đã rõ : dù được gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền ‘MobiFone mua AVG’ còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó, số phận của Trương Minh Tuấn không chỉ phụ thuộc vào ý chỉ của Nguyễn Phú Trọng mà vẫn rất bấp bênh.
Một yếu tố tâm lý quan trọng cần xét đến là sự thay đổi bất thường trong quan điểm Nguyễn Phú Trọng, trong trường hợp ông Trọng bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến - chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn để công bằng với các vụ xử ‘phe Nguyễn Tấn Dũng’, vô hình trung sẽ khiến ‘uy tín của tổng bí thư bị ảnh hưởng’, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với ‘Đổi Mới’ ba chục năm về trước và ‘lưu truyền sử xanh’ của Nguyễn Phú Trọng trong tương lai có thể bị tan vỡ như bong bóng xà phòng.
Vụ hai cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn bị tống giam vào cuối tháng 2 năm 2019 chỉ xảy ra ít ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong-un tại Hà Nội.
Nếu quả thật Nguyễn Phú Trọng muốn xử Son và Tuấn như một liệu pháp công bằng giữa ‘củi nhà’ với ‘củi rừng’, sẽ có một điểm tương ứng giữa ông ta với Donald Trump : vào đầu năm 2017 và chỉ vài tháng sau khi nhậm chức tổng thống nước Mỹ, Trump đã liệt kê Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại’ cho Mỹ, trong đó Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nước đầu bảng khiến Mỹ phải nhập siêu nặng nề. Không bao lâu sau đó, Trump đã đề ra nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ đối với hàng hóa Việt Nam, nghĩa là bắt buộc Việt Nam phải giảm giá trị xất siêu hàng năm vào Mỹ và phải nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa từ Mỹ.
Phải chăng Nguyễn Phú Trọng cũng đang thực hành nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’, có qua có lại đầy đủ giữa ‘phe ta’ và ‘phe đối phương’ ?
Nếu đúng thế, vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ - Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn - đang phát đi thông điệp rằng ‘Minh quân’ có thể sẽ không nương tay với ‘củi rừng’ - chẳng hạn như nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang… và có thể còn ‘máu lửa’ hơn nữa trong năm 2019 này.
Nhưng cũng còn một dấu hỏi khác : vụ bắt Son - Tuấn xảy ra khi Nguyễn Phú Trọng có một chuyến công du đến Campuchia và Lào, tức có thể ông Trọng không hẳn là người trực tiếp chỉ đạo đối với vụ bắt bớ này, thậm chí ông ta ‘không biết’. Nếu giả thiết này là đúng, dù chỉ với xác suất nhỏ, chóp bu nào mới là người ra lệnh bắt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn ? Liệu có xảy ra một sự biến gì trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam khi Trọng vắng mặt ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/02/2019
Việt Nam bắt giam hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (RFI, 23/02/2019)
Theo tin báo chí chính thức, hôm 23/02/2019, công an Việt Nam vừa bắt giam hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trần Mạnh Tuấn về tội : "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Một điểm giao dịch của MobiFone tại Đà Lạt (Việt Nam) Diane Selwyn/commons.wikimedia.org
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) vào cuối năm 2015.
Vào tháng 10 năm ngoái, Ban chấp hành trung ương Đảng đã ra quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Bắc Son bằng hình thức cách chức ủy viên Trung ương Đảng. Nhân vật này thậm chí còn bị Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên bộ trưởng Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011 đến 2016.
Về phần Trương Minh Tuấn, ông đã giữ chức bộ trưởng Thông tin và truyền thông từ tháng 04/2016, nhưng vào năm ngoái đã bị Bộ Chính Trị thi hành kỷ luật về Đảng và sau đó đã bị Quốc hội bỏ phiếu cách chức bộ trưởng, do cũng dính đến vụ MobiFone.
Kết quả thanh tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ cho thấy là hai vị cựu Bộ trưởng nói trên, trong việc công ty MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, đã gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.
Thanh Phương
*********************
Hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông bị bắt vì "gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ AVG (RFA, 23/02/2019)
Các báo trong nước hôm 23/01/2019 đồng loạt loan tin về việc Bộ Công an Việt Nam khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với 2 ông đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Ông cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn (giữa) khi còn tại chức. AFP
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, các cựu lãnh đạo này bị cáo buộc tội danh "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng được cho biết là đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 26/C46-P13 ngày 10/07/2018.
Các quyết định khởi tố bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê duyệt.
Trước đó, ông Nguyễn Bắc Son lần lượt bị cách chức ủy viên Trung ương Đảng cộng sản khóa XI và bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam cũng quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty Nghe Nhìn Toàn Cầu An Viên - AVG xảy ra khi ông Son đang là bộ trưởng, ông Tuấn là thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.
Theo đó, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo.
*******************
Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Việt Nam bị bắt về cáo buộc quản lí sai trái (VOA, 23/02/2019)
Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông của Việt Nam bị bắt giữ vào ngày thứ Bảy về cáo buộc quản lí sai trái liên quan tới hoạt động đầu tư của một công ty viễn thông nhà nước, Bộ Công an cho biết trên website.
Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn (Hình : Bộ Công an Việt Nam)
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "vi phạm quy định về quản lí và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", bản tin của Bộ nói, nói thêm rằng các quyết định trên được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn.
Ông Son giữ chức bộ trưởng Bộ Thông tin từ năm 2011 đến năm 2016 và ông Tuấn từ năm 2016 cho đến năm ngoái khi ông bị cách chức.
Bộ Chính trị hồi tháng 7 kết luận ông Tuấn có những "vi phạm rất nghiêm trọng" liên quan dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone - một trong ba nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất Việt Nam trực thuộc Bộ Thông tin - mua 95 phần trăm cổ phần của Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu AVG, một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Ông Tuấn bị cho là đã mắc một loạt sai phạm về quản lí, bao gồm buông lỏng lãnh đạo và kí phê duyệt một số văn bản trái với quy định. Ông Son cũng bị xác định có những sai phạm tương tự.
MobiFone mua cổ phần của AVG với tổng số vốn gần 8,9 ngàn tỉ đồng (386,1 triệu đôla) vào cuối năm 2015. Tháng 3 năm ngoái, Thanh tra Chính phủ kết luận việc MobiFone mua AVG đề ra "nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng". MobiFone và AVG sau đó thống nhất hủy hợp đồng chuyển nhượng và nhóm cổ đông AVG trả lại toàn bộ giá trị 95 phần trăm cổ phần và các chi phí liên quan, VnExpress đưa tin.
Một số quan chức cao cấp của Bộ Thông tin và lãnh đạo điều hành của MobiFone cũng đã bị bắt giữ trong vụ việc này.
***********************
Bắt ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn vụ Mobifone-AVG (BBC, 23/02/2019)
Theo truyền thông trong nước, hôm 23/2, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can với nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, và phó Ban Tuyên giáo, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.
Ông Nguyễn Bắc Son (trái) và ông Trương Minh Tuấn
Theo Báo Tuổi Trẻ, cả hai bị bắt giữ vì có những sai phạm liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), khi đó ông Son còn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, còn ông Tuấn làm thứ trưởng.
Vào tháng 10/2018, ông Nguyễn Bắc Son đã bị cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông và bị xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ông Son từng là cựu thư ký riêng của đại tướng Lê Đức Anh.
Còn ông Trương Minh Tuấn hồi tháng 7/2018 đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi chức bí thư Ban cán sự đảng Bộ và Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, và chuyển về làm phó Ban Tuyên giáo.
Ngày 10/7/2018, Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG, làm thất thoát khoảng 8.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Cùng thời điểm đó, đã khởi tố ông Lê Nam Trà, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone và ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và truyền thông về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 220 BLHS 2015.
Vào cuối tháng 4/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra thương vụ Mobifone-AVG.
Theo kết luận, AVG chỉ có giá trị ròng khoảng 1.900 tỷ đồng, vì vậy Mobifone làm thất thoát ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng.
MobiFone bị "xác định mắc 4 sai phạm" : Làm trái và thiếu trách nhiệm trong đề xuất dự án ; lựa chọn thẩm định giá ; lập trình dự án và vi phạm thỏa thuận ký kết, thanh toán mua cổ phần.
Bộ Thông tin và truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong quá trình thẩm định dự án, quyết định phê duyệt dự án.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã không hướng dẫn Bộ Thông tin và truyền thông và Mobifone thực hiện dự án đầu tư theo quy định, các văn bản thiếu nhất quán.
Bộ Tài chính thì không kịp thời đưa ra những phân tích, đánh giá, đề xuất đầy đủ, toàn diện về những tác động trực tiếp từ việc Mobifone bỏ số vốn rất lớn để đầu tư dự án.
Việc Bộ Công an xác định không cho phép AVG chuyển nhượng cổ phần sang nước ngoài mà buộc phải bán trong nước là "không phù hợp".
*******************
Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Cơ quan điều tra khám xét nhà ông Nguyễn Bắc Son ở ngõ 36 C1, phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh : Tâm Thanh.
Ngày 23/2, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, quê Hà Nội) và Trương Minh Tuấn (nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng theo Khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cả hai bị cáo buộc liên quan những sai phạm khi thực hiện dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Vi phạm rất nghiêm trọng
Trước đó, ngày 12/07/2018, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn (nguyên Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) và một số người khác liên quan dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Sau đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021 ; đồng thời nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Trương Minh Tuấn do liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Đến ngày 18/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn.
Chưa đầy một tuần sau, Chủ tịch nước đã tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Thông tin và truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn do có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã có thi hành kỷ luật về Đảng.
Ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Ảnh : Bộ Công an.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, ông Trương Minh Tuấn trong thời gian giữ chức thứ trưởng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án mua 95% cổ phần AVG, ký thông phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, không thuộc nhiệm vụ được phân công.
Những vi phạm này là rất nghiêm trọng, với cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2018, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2016-2021.
Thương vụ mua lại 95% cổ phần của AVG được MobiFone công bố tháng 1/2016. Trong Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 được công bố tháng 11/2016, khoản tiền MobiFone đã chi để mua 95% AVG là 8.890 tỷ đồng.
Hai bị can : Cao Duy Hải (trái) và Phạm Thị Phương Anh (phải). Ảnh : Bộ Công an.
Sau đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm của các cá nhân liên quan đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng.Ngày 12/3, nhóm cổ đông AVG và Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc MobiFone đã chấm dứt hợp đồng mua bán. Cuộc họp thống nhất nguyên tắc nhóm cổ đông và MobiFone chấm dứt hợp đồng ; MobiFone hoàn trả lại toàn bộ cổ phần AVG cho nhóm cổ đông.
Nhóm cổ đông hoàn trả lại đầy đủ số tiền MobiFone đã thanh toán, cộng với tiền lãi và các chi phí liên quan.Vào cuộc điều tra, ngày 10/7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam, khám xét ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone và Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin và truyền thông. Đến ngày, 14/11, Bộ Công an bắt tạm giam thêm ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc MobiFone và bà Phạm Thị Phương Anh, Phó tổng giám đốc MobiFone cũng về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vụ việc này, người tiền nhiệm của ông Trương Minh Tuấn là Nguyễn Bắc Son bị cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, xóa tư cách bộ trưởng. Ngoài đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư), Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỷ luật ông Trần Văn Hiếu (Thứ trưởng Bộ Tài chính), Lê Mạnh Hà (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) và ông Nguyễn Trọng Dũng (Phó trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ).
Bá Chiêm
VnExpress – tờ báo điện tử phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng, vừa đổi tựa bài phỏng vấn tân Bộ trưởng Thông tin Truyền thông. Theo đó, "đói khát không còn là lợi thế" nữa mà "khó khăn sẽ tạo nên ý chí mạnh mẽ", mới là thông điệp ông Hùng gửi cho giới trẻ (1).
Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị hôm 10/8/2018.
***
Hồi đầu tuần này, trả lời VnExpress về những vấn đề liên quan đến chuyện thanh niên khởi nghiệp, ông Hùng đã khuấy động dư luận khi khẳng định : Đói khát không phải là điều bất lợi mà là một lợi thế !
Trong bối cảnh đói khát vẫn là thảm trạng phổ biến trên toàn Việt Nam và đa số vẫn loay hoay thử đủ cách, chật vật tìm đủ đường mà cơm vẫn không đủ no, áo vẫn không đủ ấm thì điều ông Hùng khẳng định không những không thể động viên mà còn làm thiên hạ nổi giận.
Bởi ông Hùng dẫn Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerberg, Elon Musk,... - những cá nhân làm thế giới đương đại thay đổi – như bằng chứng để hỗ trợ tuyên bố "đói khát là một lợi thế, Tung Xuan Dinh, một thân hữu của facebooker Nguyen Quang Lap, nhắc ông Hùng, những nhân vật mà ông lôi ra làm chứng đều sống trong môi trường xã hội khác hẳn Việt Nam, nơi giáo dục hướng tới khai sáng, chỗ mà phẩm chất cá nhân được tôn trọng, tự do được đề cao, đó là loại tài sản vô giá mà thanh niên Việt Nam không hề có, đó là lý do những Bill Gates, Steve Jobs, Zuckerberg, Elon Musk,... dù khởi đi từ không có gì vẫn có thể tạo dựng sự nghiệp đồ sộ của họ như ai cũng biết (2).
Tương tự, Thanh Nguyen, một facebooker gọi ông Hùng là "đồng chí" nhắn ông Hùng rằng, facebooker này đoán ông Hùng diễn đạt sai ý của chính ông. Có thể ông Hùng muốn nói đói khát là "động lực". Điều kiện căn bản giúp con người thay đổi hoàn cảnh, thực hiện hoài bão là "trí tuệ". Mà muốn trí tuệ đạt tới đỉnh cao thì phải có tự do. Thiếu tự do làm sao sáng tạo không có sáng tạo thì làm sao tạo thành "lợi thế" (3) ?
Rồi bởi ở Việt Nam, đói khát là thực tế vừa thê thảm, vừa trần trụi với đúng nghĩa đen của nó, nên những thân hữu khác của facebooker Nguyen Quang Lap như Ngô Vưu cho rằng, thêm tuyên bố của ông Hùng, cần phải tổ chức kiểm tra sức khỏe tâm thần tất cả các bộ trưởng. Cũng đã có những facebooker Mac Van Trang than, nghe ông Hùng khẳng định, nghe đói khát là lợi thế thấy… ghê quá và nêu thắc mắc : Nếu đói khát là lợi thế thì đó là lợi thế cho ai (4) ? Tran Trung, một thân hữu của ông Trang trả lời : Sự đói khát toàn diện kể cả thông tin, tri thức của dân chúng là lợi thế của ông Hùng và các đồng chí. Dựa trên thực tế Việt Nam, Võ Văn Dũng nhấn mạnh, song hành với đói khát là dân trí thấp. Một quốc gia mà dân trí thấp, đói khát, chỉ toan tính sao cho đủ cơm áo thì không có sáng tạo, cũng chẳng có văn minh, làm sao có thể đuổi kịp các quốc gia đã phát triển khác.
Nhiều facebooker như Trần Hồng Lâm dẫn hàng loạt số liệu liên quan đến tình trạng đói khát của giai cấp công nhân, cho thấy sự suy kiệt cả về sức khỏe lẫn tinh thần của giai cấp này không chỉ nguy hại cho chính họ mà còn để lại những hậu quả khó lường cho các thế hệ sau. Lâm chất vấn ông Hùng, nên xem tình trạng đói khát thê thảm như thế là tai họa hay lợi thế ? Nếu là lợi thế, tại sao ông và các đồng chí không thu nhận lợi thế ấy mà ăn đủ thứ để thiên hạ oán giận, nguyền rủa ? Vẽ ra viễn cảnh hào nhoáng của cách mạng công nghiệp 4.0, đem đói khát như tiền đề gầy dựng sự hào nhoáng đó có phải là cú lừa vĩ đại nhất thế kỷ không (5) ? Đánh giá tuyên bố của ông Hùng theo hướng đó, Thuy Thanh Nguyen bỡn cợt, bởi ông Hùng xác định, đói khát là một lợi thế nên có thể suy luận rộng ra rằng, đốn mạt cũng là một lợi thế, tham nhũng - thối nát cũng là một lợi thế (6).
***
Giống như những lần Tổng Bí thư, Chủ tích Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng này, Bí thư khác,… lập ngôn vừa xong là dân rủa, ông Hùng cũng bị hàng trăm ngàn người mắng là… ngu.
Song vẫn có không ít facebooker nhìn điều ông Hùng mới khẳng định theo hướng khác. Chẳng hạn AB Bùi đặt vấn đề, tại sao ông Hùng đề cao đói khát ? Theo AB Bùi, đó là "bài" của những người cộng sản. Cộng sản ở đâu, thời nào cũng dựa trên thực tế đói khát, vẽ ra viễn cảnh ấm no để lôi kéo giới cần lao theo mình. Không phải tự nhiên mà Karl Marx đề ra khẩu hiệu "Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại", hay Mao Trạch Đông nhắn nhủ thuộc hạ, dân chúng càng nghèo, tinh thần cách mạng càng cao. Lịch sử Việt Nam chứng minh, cộng sản Việt Nam cũng thế. Tuy nhiên AB Bùi khuyến cáo, nếu muốn đưa quốc gia, dân tộc tiến kịp thời đại để tồn tại, những người cộng sản Việt Nam phải vứt "bài" này đi (7). Buu Chau Nguyen, một thân hữu của facebooker Mac Van Trang, cũng cho rằng, những người cộng sản Việt Nam nên thôi khai thác đói khát. Xưa nhờ khai thác đói khát mà biến không thành có, biến có ít thành nhiều rồi thành rất nhiều nhưng giờ, hướng đó không hợp thời nữa.
Tân Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam từng mang quân hàm Thiếu tướng, từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Qua báo chí Việt Nam, nhiều người cho rằng ông Hùng giỏi cả về chuyên môn (Kỹ sư Vô truyến điện - Nga, Thạc sĩ Viễn thông - Úc), lẫn quản lý. Đó cũng là lý do thiên hạ hết sức thất vọng khi ông Hùng lập ngôn : Đói khát là một… lợi thế !
Chẳng phải tự nhiên mà nhiều facebooker than trên mạng xã hội như Thanh Nguyen : Nghe thiên hạ đồn ông là người có thực học, thực tài nhưng có lẽ, đống đất bẩn cộng sản chỉ làm nảy ra những hoa trái thối tha ! Hoặc nhắc cả ông Hùng lẫn công chúng như Tung Xuan Dinh : Nếu Viettel không được Bộ Quốc phòng bơm thổi bằng ngân sách quốc phòng thì làm gì có chuyện lớn mạnh như ngày nay, ông Hùng nhờ đó mà thăng tiến và giờ hùng hồn khẳng định, đói khát là… lợi thế !
Không thể xác định, tuyên bố : Đói khát là một… lợi thế ! - mà ông Hùng vừa gửi cho công chúng xuất phát từ sự… hồn nhiên hay gian ý của nhân vật vừa đảm nhận vai trò Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, vừa kiêm nhiệm trọng trách Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Song bất kể thế nào thì tuyên bố đó đã giúp ông Hùng nổi hơn. Nổi bật hay nổi lều bều cũng đều là… nổi. Cứ nổi trước đã !
Thiên Hạ Luận
Nguồn : VOA, 08/12/2018
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/bienkich.on/posts/480484725809272
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1822056107920179&id=100003474213352
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=599626790497925&id=100013518285955
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=118855869133863&set=a.112240373128746&type=3&theater
(5) https://www.facebook.com/thuy.ta.104855/posts/981633938695085
(6) https://www.facebook.com/ab.bui.79/posts/506237806528462
(7) https://www.facebook.com/ab.bui.79/posts/506237806528462
Động thái Thanh tra chính phủ kiến nghị chính phủ chỉ đạo Bộ công an "khởi tố điều tra" mà không phải là "xem xét và có thể khởi tố điều tra" vụ "Mobifone mua AVG" cho thấy có thể bản kết luận thanh tra đã được chỉ đạo từ Tổng bí thư Trọng từ trước khi được hoàn tất và công bố, còn chính phủ chỉ làm một thao tác hành chính là ban hành văn bản gửi Bộ công an.
Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam đang là trung tâm điểm của dư luận tại Việt Nam. (Hình : Getty Images)
Mặc dù kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" của Thanh tra chính phủ không nêu tên cụ thể một quan chức nào liên quan đến các sai phạm, nhưng có những dấu hỏi đương nhiên phát sinh : đó là những quan chức nào, thuộc các Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính…
Đặc biệt, liệu có sự cấu kết giữa những quan chức của Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ công an nhằm "nuốt gọn" 7 ngàn tỷ đồng ?
Hoảng loạn Trương Minh Tuấn ?
Vào những ngày này, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn – nhân vật đã leo lên bậc thang danh vọng và trở thành một trong những đầu ngành quan trọng của chế độ cầm quyền, được một số dư luận xem là "trùm thông tin" khi nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra "cực đỏ" và "kiên định chủ nghĩa xã hội" từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức bộ trưởng, thậm chí còn lấp ló cơ hội soán cái ghế của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, lại trở thành tâm điểm của dư luận xã hội và mạng xã hội như "người có liên quan chính trong vụ Mobifone mua AVG".
Vào tháng Bảy, năm 2017, khi Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên phát biểu công khai về yêu cầu sớm công bố kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG", đã xuất hiện nhiều tin tức trên mạng xã hội khẳng định ông Trương Minh Tuấn – khi còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông – đã đứng ra phê duyệt bản hợp đồng "Mobifone mua AVG". Theo đó, dư luận đồn đoán nhiều tầng nấc "liên quan" của ông Tuấn : "ngây thơ đổ vỏ" cho bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi đó là Nguyễn Bắc Son", hoặc "dính vừa", hoặc "dính đậm"…
Chưa rõ là trong thực tế ông Trương Minh Tuấn có dính dáng sâu đậm nào đến vụ "Mobifone mua AVG" với mức giá mua được kê khống đến hàng chục lần so với giá trị thực tế, chỉ biết rằng cấp trên của ông Tuấn là Nguyễn Bắc Son bị xem là "dính cực đậm".
Không phải vô cớ mà vào những ngày gần đây, đã loan truyền tin tức về một nhân vật có tên là "NBS" đã phải âm thầm ôm 800 tỷ đồng đến nộp lại cho nhà chức trách để "khắc phục hậu quả".
"Khắc phục hậu quả" là một khái niệm được đề cập khá nhiều trong khối Đảng và Quốc hội vào thời gian gần đây, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng. Tuy chưa chính thức, nhưng đang xuất hiện nhiều ý kiến trong Quốc hội cho rằng nếu quan chức tham nhũng trả lại 3/4 số tiền đã "ăn" thì có thể được giảm án hoặc thoát tội.
Cũng đã xuất hiện một luồng tin tức hành lang về một vị luật sư nào đó đã tham vấn cho Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, dẫn đến kết quả là ông Tuấn "đạo diễn" kịch bản hủy hợp đồng vụ "Mobifone mua AVG" và được quảng bá rùm beng – diễn ra chỉ 4 ngày sau cuộc họp của Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư về xử lý vụ việc bị Thanh tra chính phủ xem là gây thiệt hại đến 7 ngàn tỷ đồng này. Tức các quan chức quản lý lẫn kinh doanh sẽ không còn phải chịu trách nhiệm hình sự nào về cú thiệt hại "ăn không được thì nhả" đó.
Nhưng sau khi ngân khố quốc gia đã được "khắc phục hậu quả", nghĩa là tiền ngân sách không còn bị thất thoát quá lớn trong vụ "Mobifone mua AVG", liệu những nhân vật bị xem là "sai phạm rất nghiêm trọng" và đang tìm cách "ói ra để thoát tội" có phải chịu mức kỷ luật hành chính và trách nhiệm hình sự thích đáng như "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng" và những tội danh khác có thể cả "lừa đảo" ?
Bịt miệng "người bịt miệng"
Một số dấu hiệu cho thấy có vẻ ông Trọng không muốn "cho qua" vụ các quan chức dính vụ "Mobifone mua AVG".
Dấu hiệu rõ nhất là chỉ 2 ngày sau sự kiện hủy hợp đồng vụ "Mobifone mua AVG", Thanh tra chính phủ đã công bố toàn văn kết luận thanh tra vụ việc này, đồng gửi cho báo chí đăng tải, bấp chấp việc bản kết luận thanh tra này đang được trình cho Thủ tướng chính phủ nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc lại đang công du ở Úc và New Zealand mà chưa kịp trở về nước để "xem qua".
Cái cách công bố kết luận thanh tra có vẻ vượt cấp như thế đã khiến Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dường như càng thêm hoảng loạn. Hình bóng Đinh La Thăng sau chấn song đang chợt ập đến.
Một ngày sau đó đã hiện ra một văn bản dài đến 30 trang về "Bộ Thông tin và truyền thông phản bác kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ". Tuy nhiên và trái với nguyên tắc, văn bản này chỉ đóng dấu treo của Bộ Thông tin và truyền thông mà không có chữ ký của bất kỳ quan chức nào.
Đến lúc này, điểm bùng nổ bắt đầu phát tác. Chỉ ít giờ sau khi văn bản phản bác trên được công bố trên báo chí nhà nước, hầu hết các tờ báo đã lột gỡ tin này.
Vì sao gỡ ? Ai hay cơ quan nào dám chỉ đạo gỡ bài của "trùm báo chí" Trương Minh Tuấn ?
Trong một lần hiếm hoi của chế độ độc đảng ở Việt Nam, bộ trưởng thông tin tỏ ra "kiên định cộng sản" và thường ra lệnh bịt miệng báo chí phản biện đã bị chính những đồng chí của ông ta bịt miệng.
Chỉ có thể hiểu rằng cấp cao hơn của Bộ Thông tin và truyền thông là Ban Tuyên giáo trung ương. Thậm chí lệnh gỡ tin về văn bản của Bộ Thông tin và truyền thông có thể xuất phát từ Ban bí thư.
Cũng như Đinh La Thăng thẳng tay đàn áp nhân quyền nhưng đã bị đảng tước mất quyền công dân, có lẽ Trương Minh Tuấn đang thật sự cám cảnh thân phận một nô bộc bị thất sủng bởi chế độ.
Có thể lý do đơn giản là nếu trong vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, dường như ông Trọng muốn phát đi thông điệp "chống tham nhũng cả phe ta", thì "phe ta" trong vụ "Mobifone mua AVG" cũng có thể phải "lên thớt", mà nhẹ nhất là "luân chuyển cán bộ".
Những ai bị "xử" trước Hội nghị 7 ?
Chẳng phải tự nhiên mà ngay sau khi công bố kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG", báo Tuổi Trẻ bỗng tỏ ra dũng khí khi rút tít "MobiFone mua AVG, Bộ Thông tin và truyền thông có nhiều vi phạm" – như một cách gián tiếp "phang" Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.
Theo đó và căn cứ vào bầu không khí "sẵn sàng chiến đấu" của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an, có vẻ như quy trình lẫn hồ sơ tố tụng hình sự vụ "Mobifone mua AVG" đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn đợi lệnh từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và "Phó Tổng bí thư" Trần Quốc Vượng.
Một tiến độ mang tính tốc độ đang diễn ra trong "chuyên án Mobifone mua AVG" : từ cuộc họp của Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư yêu cầu xử lý vụ này cho đến thời điểm công bố kết luận thanh tra chỉ có 6 ngày.
6 ngày cũng là khoảng thời gian kỷ lục mà Viện kiểm sát tối cao hoàn tất bản cáo trạng vụ "Đinh La Thăng và đồng phạm", trong khi trước đó cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ công an đã hoàn thành báo cáo kết luận điều tra đối với ông Thăng chỉ trong vỏn vẹn 11 ngày.
Còn bây giờ, chỉ còn đợi lệnh từ ông Trọng…
Theo đó, việc Bộ công an phát lệnh khởi tố và bắt bớ một số nhân vật vụ "Mobifone mua AVG" có thể diễn ra trong không bao lâu nữa, thậm chí có thể ngay trong tháng Ba, năm 2018.
Môt chi tiết khác, tuy không được Thanh tra chính phủ nhấn mạnh, nhưng lại đầy nguy hiểm và nguy biến đối với các đối tượng của chiến dịch "đốt lò" lần này : Thanh tra chính phủ đã báo cáo, và trong thực tế đã chuyển toàn bộ bản kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" cho Ủy ban Kiểm tra trung ương từ tháng Giêng năm 2018. Vô hình trung, ủy ban này chẳng cần phải làm gì nhiều mà chỉ kế thừa một kết quả thanh tra và biến nó thành kết quả kiểm tra đảng, dùng để "xử" những cán bộ cao cấp nằm trong diện Bộ chính trị và Ban bí thư quản lý.
Tức từ cấp thứ trưởng trở lên.
Những quan chức nào sẽ bị Ủy ban Kiểm tra trung ương "điểm danh" ?
Liệu có tái hiện hình ảnh một ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng bị kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương "loại khỏi vòng chiến đấu" vào tháng Tư năm 2017 ?
Chỉ còn khoảng hai tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền – dự kiến vào tháng Năm, năm 2018, một hội nghị mà mà có thể tương tự Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm, 2017, là "xử tham nhũng".
Cũng bởi thế, có thể sẽ xảy ra những bất ngờ và thay đổi lớn về mặt nhân sự, kể cả nhân sự rất cao cấp, từ đây đến tháng Năm, 2018.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : : Người Việt, 16/03/2018