Vụ án Kim Jong-nam : 2 người có liên can sẽ bị diệt khẩu ? (RFI, 05/05/2019)
Ngày 03/05/2019, Đoàn Thị Hương, người duy nhất bị kết án trong vụ ám sát Kim Jong-nam người anh cùng cha khác mẹ của đương kim lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, đã được Malaysia trả tự do và trở về Việt Nam ngay trong ngày.
Đoàn Thị Hương, người duy nhất bị kết án trong vụ ám sát Kim Jong-nam, tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, ngày 03/05/2019. Reuters/Kham
Cùng với Siti Aisyah, một phụ nữ Indonesia đã được tha bổng vào tháng Ba, Đoàn Thị Hương đã bị đặc vụ Bắc Triều Tiên "lừa" để trực tiếp nhúng tay vào vụ ám sát. Trong bối cảnh chế độ Bình Nhưỡng bị cho là chủ mưu vụ giết Kim Jong-nam nhưng lại thoát tội, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên có thể lại ra tay đối với hai nhân chứng này của vụ ám sát.
Trong bài viết : "Không còn chỗ ẩn náu cho hai người can dự vào vụ sát hại Kim Jong-nam", nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, ngày 02/04/2019, đã lo ngại rằng Bắc Triều Tiên có thể có hành vi giết người bịt miệng, với đối tượng bị truy sát là Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương.
Đối với tờ báo Hồng Kông, Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah là hai người biết rõ vụ việc, cả hai đều khai rằng họ đã bị đặc vụ Bắc Triều Tiên lừa để bôi chất độc thần kinh lên mặt nạn nhân. Trong vai trò người chứng và người thừa hành trong vụ sát nhân, họ có thể trở thành đối tượng bị đặc vụ Bắc Triều Tiên thủ tiêu để bịt miệng.
Nên sống ẩn dật, đừng lộ liễu phô trương
Theo giáo sư Lee Sung Yoon, nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Tufts ở Mỹ, nếu hai người này tiết lộ những gì họ đã biết về kế hoạch giết ông Kim Jong-nam thì cuộc sống của họ sẽ gặp nguy hiểm.
Chuyên gia này giải thích : "Điều Bình Nhưỡng lo ngại là sau vài năm, một hoặc cả hai phụ nữ này, vì hối hận hay vì tiền, có thể kể lại về những gì đã thực sự xảy ra, về quan hệ của họ với "các ông chủ" Bắc Triều Tiên, trong một bộ phim hay trên TV".
Theo giáo sư Lee, các phương tiện truyền thông sẽ không để cho họ yên, họ sẽ bị dụ dỗ để nói chuyện, và như vậy sẽ không hoàn toàn an toàn. Đối với chuyên gia này, cả hai người nên tránh "ánh đèn sân khấu mà hãy sống ẩn dật".
Indonesia đã cho Siti sống ở một nơi an toàn
Nhật báo Hồng Kông cũng trích dẫn ý kiến của ông Benny Mamoto, nguyên tổng thanh tra cảnh sát Indonesia, công nhận rằng cả Siti Aisyah lẫn Đoàn Thị Hương đều sẽ gặp nguy hiểm vì cách hành động của "đặc vụ Bắc Triều Tiên" là tiêu diệt các mầm mống đe dọa, kể cả "thủ tiêu nhân chứng".
Theo ghi nhận của South China Morning Post, một nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Indonesia đã cho biết là cô Siti Aisyah, ngay sau khi được Malaysia trả tự do hôm 11/3 và về nước, đã được đến một chỗ ở an toàn vì "sự an toàn chung của cô".
Ngoài Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah, nhật báo Hồng Kông cũng chú ý đến số phận 4 người Bắc Triều Tiên, cũng bị buộc tội giết Kim Jong-nam, nhưng đã trốn khỏi Malaysia ngay sau khi vụ ám sát diễn ra.
Bốn nghi phạm Bắc Triều Tiên có thể đã bị thanh trừng
Luật sư của Đoàn Thị Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik, cho biết công lý sẽ không trọn vẹn ngày nào mà bốn người này chưa được tìm thấy và đưa ra trước tòa án. Tuy nhiên, theo ông Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng quốc tế thuộc trung tâm tham vấn Mỹ Rand Corporation, điều đó có thể không bao giờ xảy ra, vì "hoàn toàn có thể là Kim Jong-un đã thanh trừng họ để thủ tiêu nhân chứng".
Tóm lại, các chuyên gia đều lo ngại cho số phận của hai phụ nữ Indonesia và Việt Nam bị lôi kéo vào vụ ám sát Kim Jong-nam. Họ sẽ không bao giờ được sống tự do an nhàn thực sự.
Trọng Nghĩa
******************
Hồi kết vụ án Kim Jong-nam : Bình Nhưỡng lại vô sự dù bị tố là chủ mưu (RFI, 04/05/2019)
Với Đoàn Thị Hương, nghi phạm cuối cùng được trả tự do ngày 03/05/2019 tại Kuala Lumpur, vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, kể như bắt đầu chìm vào quên lãng.
Ảnh camera sân bay Kuala Lumpur : Kim Jong-nam (P) được các nhân viên an ninh tháp tùng đến trạm y tế sân bay, sau khi bị bôi chất độc lên mặt, 13/02/2017. FUJITV/via Reuters TV
Một số chuyên gia phân tích được đài truyền hình Mỹ CNN trích dẫn đã tỏ ý tiếc rằng, một lần nữa, một hành vi sát nhân rõ ràng với nhiều dấu hiệu cho thấy chế độ Bình Nhưỡng là chủ mưu, lại không bị trừng phạt.
Vụ ám sát Kim Jong-nam vào tháng 2 năm 2017 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, đã gây sốc do tính chất táo bạo, liều lĩnh và tàn nhẫn, được thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt đám đông cũng như camera giám sát rất nhiều trong sân bay.
Hai nữ nghi phạm - Đoàn Thị Hương, người Việt Nam, và Siti Aisyah, quốc tịch Indonesia – cùng với 4 người đàn ông Bắc Triều Tiên đã bị buộc tội bôi chất độc thần kinh VX lên mặt Kim Jong-nam khi ông này đi vào sân bay thủ đô Malaysia, khiến nạn nhân bị chết sau vỏn vẹn vài phút.
Bốn người Bắc Triều Tiên đã trốn thoát, chỉ có hai nữ nghi phạm bị bắt và đưa ra xét xử. Trước tòa, hai người nhất mực cho rằng họ đã bị đặc vụ Bắc Triều Tiên đánh lừa bằng cách nói là họ chỉ tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Bình Nhưỡng đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm, bất chấp việc nhà chức trách Mỹ, Hàn Quốc và Malaysia đều cho rằng Bắc Triều Tiên có trách nhiệm trong vụ ám sát Kim Jong-nam.
Theo CNN, với việc bà Đoàn Thị Hương ra khỏi nhà tù Malaysia và trở về Việt Nam ngày 03/05/2019, sẽ không còn ai bị xét xử trong một vụ ám sát táo bạo, công khai giữa ban ngày bằng loại vũ khí hóa học thuộc loại kinh khủng nhất hiện nay. Thế mà kẻ tình nghi chủ mưu là Bắc Triều Tiên lại lọt lưới.
Ông Evans Revere, nguyên là quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Châu Á và Thái Bình Dương, hiện là cố vấn cho nhóm Albright-Stonebridge, đã cho rằng "các nhà hoạch định kế hoạch, tổ chức và giám sát vụ ám sát Kim Jong-nam thực sự đã thoát tội… Không một ai phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công khủng khiếp này, trong đó vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được sử dụng để giết chết một con người tại một sân bay quốc tế".
Đối với các nhà phân tích, trong vụ này, Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc đẩy vụ việc xuống hàng thứ yếu, tránh bị lên án.
CNN nêu bật là vụ ám sát Kim Jong-nam xẩy ra trong bối cảnh các vụ thử tên lửa đạn đạo năm 2017 của Bắc Triều Tiên đã khiến nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập. Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã biết mở một cuộc phản công ngoại giao vào năm sau, và thu hút được sự chú ý của quốc tế.
Euan Graham, giám đốc điều hành chương trình Châu Á của Đại Học La Trobe tại Úc, đánh giá là Bắc Triều Tiên đã rất thành công trong một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới – từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, đến Singapore, Việt Nam và Nga – lái dư luận quốc tế rời xa vụ Kim Jong-nam.
Trả lời CNN bằng e-mail, chuyên gia người Úc này khá chán ngán khi cho rằng "giờ đây, có vẻ như là quốc tế không còn muốn điều tra xa hơn về vụ Kim Jong-nam". Theo ông, "Bắc Triều Tiên không chỉ thoát tội, mà các nước Đông Nam Á đã xếp hàng để đón tiếp Kim Jong-un, trong đó có Việt Nam".
Đối với giáo sư Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại Học Kookmin ở Seoul, vụ ám sát Kim Jong-nam sẽ dần dần phai nhạt trong trí nhớ mọi người, tương tự như các vụ khủng bố hay giết người ở nước ngoài trước đây mà chế độ Bình Nhưỡng bị cho là thủ phạm.
Bình Nhưỡng đã bị cáo buộc bắt cóc các công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Xô, ám sát các chính trị gia Hàn Quốc và thậm chí phá nổ một chiếc phi cơ chở hành khách của hãng máy bay Hàn Quốc Korean Air nhằm phá hoại Thế Vận Hội mùa hè 1988 ở Seoul. Đã có 115 người chết trong vụ nổ này.
Những sự cố trên đây hiếm khi được các nước khác, ngoại trừ Nhật Bản, nêu lại trong những cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Khi nhắc lại vụ phá nổ phi cơ của hãng Korean Air, ông Lankov nhận định : "Một vụ khủng bố mù quáng, với hàng loạt nạn nhân vô tội bị chết mà còn bị lãng quên, thì nói chi đến một vụ ám sát chính trị, mà về cơ bản không có ai bị vạ lây".
********************
Đoàn Thị Hương được trả tự do (VOA, 03/05/2019)
Hôm 3/5, bị can Đoàn Thị Hương trong vụ sát hại ông Kim Jong-nam, đã được chính quyền Malaysia trả tự do và đã về đến Hà Nội, theo Reuters.
Đoàn Thị Hương về đến sân bay Nội Bài tối ngày 3/5/2019.
Trước đó vào chiều ngày 3/5, ông Đoàn Văn Thạnh, cha của cô Đoàn Thị Hương, nói với VOA rằng gia đình rất vui mừng khi con gái được phóng thích.
Ông Thạnh nói trước khi khởi hành từ Nam Định chiều ngày 3/5 để đi đón con gái ở sân bay Nội Bài :
"Con tôi đã ra tù rồi, sắp bay về. Nhà nước và chính phủ (Việt Nam) cho xe ra đón cháu".
"Tôi rất vui và phấn khởi".
Vào lúc 19 giờ 15 (giờ địa phương) ngày 3/5, Đoàn Thị Hương đã được các nhân viên Cục Nhập cư Malaysia đưa đến máy bay để về Việt Nam.
"Các cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia được cử đi cùng với Đoàn Thị Hương về nước cũng có mặt ở trên máy bay này", theo TTXVN.
Tối ngày 3/5 máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Nội Bài, theo VTV.
Hãng tin AFP loan báo cô Đoàn Thị Hương, người duy nhất bị kết án trong vụ án ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, đã được phóng thích khỏi nhà tù Malaysia.
"Cô ấy rất hạnh phúc. Chắc chắn là cô ấy rất mong mỏi được về nhà", hãng tin AFP trích lời luật sư Hisyam Teh Poh Teik, người bào chữa cô Đoàn Thị Hương nói.
Theo Star TV, luật sư Hisyam và các luật sư bào chữa khác cũng sẽ tháp tùng cô Hương trong chuyến bay tối ngày 3/5 đến Việt Nam và sẽ gặp gỡ với Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày hôm sau.
Trước khi trở về Việt Nam, Đoàn Thị Hương đã viết thư cảm ơn chính phủ hai nước Malaysia, Việt Nam cũng như các luật sư và những người đã luôn ủng hộ, giúp đỡ cô.
*********************
Đáp xuống Nội Bài, cô Đoàn Thị Hương nói 'muốn làm diễn viên' (BBC, 03/05/2019)
Chừng 9g35 tối ngày thứ Sáu 3/05, công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương đã về đến sân bay Nội Bài.
Đoàn Thị Hương tươi cười hôm 1/4 sau khi tòa phán quyết cô sẽ được thả tự do
Tại đây, cô phát biểu trước báo chí rằng "không biết làm gì tiếp, nhưng mong thành diễn viên," theo hãng tin Reuters.
Trước đó, BBC đã đưa tin Đoàn Thị Hương đã rời khỏi nhà tù sáng cùng ngày và phải làm việc ở văn phòng di trú trước khi bay về Việt Nam, luật sư Naran Singh cho phóng viên Thùy Linh biết sáng 3/5.
"Tôi gặp Hương hôm qua tại nhà tù để đưa cho cô ấy quần áo và giày mới. Cô ấy rất vui mừng được thả ngày 3/5 và sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình," luật sư Hisyam Teh Poh Teik thì cho biết.
Sau các vận động ngoại giao từ phía chính phủ Việt Nam, Đoàn Thị Hương của Việt Nam bị tuyên 3 năm 4 tháng tù vì tội "gây thương tích bằng vũ khí hay phương tiện nguy hiểm" hôm 1/4.
Theo luật Malaysia, cô được giảm một phần ba thời gian thụ án và sẽ được thả hôm 3/5.
Hôm 11/3, cáo buộc đối với đồng phạm người Indonesia, Siti Aisyah, bất ngờ được hủy bỏ. Siti được trở về nước ngay lập tức, để lại mỗi Đoàn Thị Hương.
Việc trả tự do cho nghi phạm Indonesia mà không trả tự do cho nghi phạm Việt Nam gây ra nhiều xôn xao trong dư luận.
Gia đình 'rất vui mừng phấn khởi'
Trả lời BBC hôm 3/5, ông Đoàn Văn Thạnh và mẹ kế Nguyễn Thị Vy nói "rất vui mừng phấn khởi" là sẽ được gặp lại con gái sau hai năm.
Ông Thạnh cho biết không biết khi nào sẽ lên đón Hương nhưng "Nhà nước sẽ cử xe đến đón gia đình đưa lên Hà Nội để gặp Hương," và gia đình sẽ quay trở về Nam Định ngay.
Khi được hỏi dự định tiếp theo của gia đình cho Hương là gì thì bà Vy nói, "trở về nhà làm ăn, như một công dân bình thường thôi."
Theo luật sư Naran Singh, ông sẽ cùng hai luật sự Hisyam Teh Poh Teik và Salim Bashir cùng đưa Đoàn Thị Hương trở về Việt Nam tối nay.
"Chúng tôi được Đoàn luật sư Việt Nam mời sang và để báo cáo cho họ về những gì đã xảy ra, nhất là diễn biến trong tòa," ông Naran Singh nói.
Theo một nguồn tin cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ không tổ chức cuộc họp báo về việc trả tự do cho Đoàn Thị Hương.
Và dự kiến, Đoàn Thị Hương sẽ đến Việt Nam vào 10 giờ tối 3/5.
Đoàn Văn Thạnh, bố của Đoàn Thị Hương rời phiên tòa tươi cười hôm 1/4 sau khi biết tin con gái ông sẽ sớm được thả
'Vụ án sẽ mãi là một bí ẩn với thế giới'
"Vụ án này chắc chắn là không bình thường. Nó liên quan đến người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn, người bị ám sát bởi chất độc thần kinh VX ngay tại sân bay Kuala Lumpur," ông Naran Singh nói.
"Giờ vụ án này sẽ mãi là một bí ẩn đối với thế giới. Nó nhất định không chỉ đáng nhớ với tôi mà còn với cả thế giới."
Chia sẻ về những thách thức trong hai năm qua bào chữa cho Đoàn Thị Hương, ông Naran cho biết :
"Một trong thách thức lớn nhất của chúng tôi trong việc bào chữa cho Hương là việc chứng minh rằng cô ấy nghĩ cô ấy đang diễn trong một chương trình TV chơi khăm.
"Thách thức thứ hai là vào hôm 11/3 khi Tổng chưởng lý Malaysia đột nhiên hủy cáo buộc đối với Siti Aisyah mà lại không làm vậy với Hương. Chúng tôi lúc đó thật sự rất bất ngờ và tức giận."
"Cuối cùng thì đến ngày ¼, Tổng chưởng lý đã quyết định giảm án cho Hương. Dù chúng tôi có muốn điều đó hay không thì chúng tôi phải chấp nhận nó. Điều đó tốt hơn cho Hương còn hơn là để phiên tòa tiếp tục."
"Còn hôm nay là một ngày vui với chúng tôi. Tôi thực ra đang trên đường đến sân bay để gặp Hương đây," ông Naran nói trước khi cúp máy.
Cuộc ám sát xảy ra như thế nào ?
Ngày 13/2/2017, Kim Jong-nam, anh em cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đang chờ để lên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Macau khi Đoàn Thị Hương và Sisi Aisyah tiếp cận ông.
CCTV cho thấy Đoàn Thị Hương đặt tay lên mặt ông ta, sau đó cả hai người phụ nữ rời khỏi hiện trường.
Ông Kim đã chết trên đường đến bệnh viện vì chất độc thần kinh VX, một trong những chất độc nhất trong tất cả các tác nhân hóa học được biết đến.
Triều Tiên đã quyết liệt phủ nhận mọi liên quan đến vụ giết người, nhưng bốn người đàn ông - được cho là người Bắc Triều Tiên đã trốn khỏi Malaysia vào ngày xảy ra vụ án mạng - cũng bị buộc tội trong vụ án.
****************
Cô Đoàn Thị Hương đã đáp máy bay về Việt Nam (RFA, 03/05/2019)
Công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương, người vừa được trả tự do ở Malaysia, đã đáp máy bay về lại quê nhà.
Đoàn Thị Hương - AFP
Mạng báo The Star của Malaysia loan tin cho biết chuyến bay của Vietnam Airlines cất cánh lúc 7 :15 phút chiều ngày 3 tháng 5 chở theo Cô Đoàn Thị Hương.
Theo lời của luật sư bào chữa, Salim Bashir, thì Cô Đoàn Thị Hương được các viên chức di trú Malaysia đưa ra Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.
Luật sư Hisyam Teh Poh Teik đọc cho giới truyền thông tại cuộc họp báo tại Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur lá thư mà cô Đoàn Thị Hương viết trong nhà tù vào đêm trước khi được tự do. Theo đó Cô Đoàn Thị Hương cám ơn tất cả mọi người góp phần giúp cho cô được tự do.
Theo luật sư Hisyam thì vụ việc đối với cô này nay đã khép lại. Vào ngày mai 4/5, ba luật sư gồm Hisyam Teh Poh Teik, Salim Bashir và Datuk Naram Singh sẽ có cuộc gặp với đại diện Liên Đoàn Luật sư Việt Nam để có cuộc thảo luận cuối cùng về vụ việc của Cô Đoàn Thị Hương. Sau cuộc làm việc là một lễ ăn mừng nhỏ.
Vào ngày 13 tháng 2 năm 2017 Đoàn Thị Hương và một người phụ nữ quốc tịch Indonesia là cô Siti Aisyah bị cáo buộc sát hại nhân vật ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với vị lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, bằng một loại chất độc thần kinh VX.
Hai cô Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah bị bắt sau đó ; còn 4 người Bắc Hàn chủ mưu vụ việc được nói trốn thoát.
Công dân Indonesia Siti Aisyah được tòa tha bổng trong phiên xử ngày 11 tháng 3. Tại phiên xử vào ngày 1 tháng 4, Cô Đoàn Thị Hương bị tuyên 3 năm 4 tháng tù. Theo luật Malaysia cô nay được giảm 1/3 án.
Ngày 22 tháng 3, nhiều hãng truyền thông nước ngoài đưa ra thông tin mới nhất về vụ việc của Đoàn Thị Hương, qua đó cho biết cô bị lôi kéo bởi con trai của một cựu đặc sứ Bắc Triều Tiên tại Việt Nam, tham gia vào vụ ám sát ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un. Tin tức này một lần nữa làm cho dư luận Việt Nam xôn xao, đặc biệt nhắc lại vấn đề tranh cãi gần đây về những lời kêu gọi quan tâm, giúp đỡ về pháp luật đối với Đoàn Thị Hương.
Bà Nguyễn Thị Vy, 54 tuổi, mẹ kế của cô Đoàn Thị Hương xem xét hình ảnh bốn nghi can bị bắt giữ, trong đó có Hương. Ảnh chụp ngày 22 tháng 2 năm 2017.
Những bạn trẻ, đặc biệt là nữ suy nghĩ thế nào về câu chuyện cô gái người Việt đang phải đối diện với mức án tử hình ở xứ người ?
Khát vọng vươn lên
Cái tên Đoàn Thị Hương "bỗng dưng mà nổi tiếng" không phải vì cô là nghi phạm ở một quốc gia khác, mà vì cô liên quan đến một vụ án được cho là có tính chất chính trị. Do đó, có hai sự quan tâm đến vụ án cô đang vướng vào. Sự quan tâm thứ nhất đến từ truyền thông nước ngoài tập trung tìm hiểu những ẩn ý phía sau của vụ án, khi nạn nhân được cho biết là anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Sự quan tâm thứ hai đến từ người dân Việt Nam dành cho cô, nhưng không phải vì cô là người mang quốc tịch Việt Nam phạm pháp ở nước ngoài, mà vì qua báo chí, mọi người nhìn thấy trong ánh mắt của cô ở lần xuất hiện đầu tại toà án Malaysia, dường như có sự cô đơn tột cùng.
Từ đó, dư luận bắt đầu dành cho cô nhiều phán xét khác nhau trong một phiên toà chung trên mạng xã hội. Người thương, kẻ trách. Người giúp đỡ, kẻ phản đối.
Mỗi người có một ý kiến và cách nhìn sự việc riêng. Trong đó, có thể thấy sự thông cảm phần lớn đến từ những người cùng là phận gái, và trạc tuổi đời với Hương.
Sao Mai, một cô gái trẻ sống và làm việc ở Thái Bình phản đối những ý kiến cho rằng việc phạm tội của Đoàn Thị Hương làm cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trở nên không đẹp. Theo Mai, cô nhìn câu chuyện của Hương trước nhất là sự nhẹ dạ cả tin trên con đường phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
"Theo em câu chuyện sẽ giúp chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề cũng như thực trạng của người phụ nữ trẻ hiện nay. Em thấy chị Hương là người xuất phát từ nông thôn chứ không phải phồn hoa đô thị, cho nên chị ấy sẽ luôn được gia đình dặn dò là cố gắng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Có nhiều trường hợp thực tế để bản lĩnh hơn thì chị ấy lại nhẹ dạ cả tin và cũng dễ sa vào tìm kiếm những cơ hội ấy, tạo điều kiện cho người xấu lợi dụng.
"Hiện tại có rất nhiều cô gái dễ cảm động, dễ nhận lời đi chơi với những chàng trai ngoại quốc, có điều kiện mà không màng đến tính cách, miễn là đáp ứng được điều kiện ăn chơi du lịch.
Hai nghi phạm Đoàn Thị Hương (trái) và Siti Ashyah bị cảnh sát Malaysia bắt giữ trong vụ ám sát Kim Jong-Nam. AFP photo
Lan Anh, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, hiện đang làm công việc marketing, Mặc dù theo dõi nhiều những bài viết, những ý kiến cá nhân, nhưng cô cho biết mình giữ quan điểm không phán xét. Tuy nhiên, cô cũng có sự đồng cảm với vụ án phạm tội của Đoàn Thị Hương, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.
"Cuộc sống có những điều không lường trước được. Đó có thể là cái bẫy thật sự đã giăng với Hương thì sao ? Và em nghĩ theo hướng này nhiều hơn".
Những ai theo dõi vụ án ám sát Kim Jong Nam đều biết cả hai nghi can Đoàn Thị Hương và cô gái mang quốc tịch Indonesia đều khai rằng họ nghĩ mình được mời tham gia một show truyền hình thực tế.
Chưa có kết luận đúng hay sai từ toà án nên không thể không có những nghi ngờ. Nghi ngờ về lý do vì sao Hương lại dễ dàng rơi vào tình trạng bị lợi dụng như thế. Nhiều ý kiến đưa lên sau các bài viết là dấu hỏi rất lớn về cái nghề mà Hương đã làm trước khi trở thành nghi phạm. Một bạn trẻ có tuổi thơ ở vùng quê Tuy Hoà (không muốn nêu tên) nhưng có sự nghiệp thành công ở Sài Gòn đưa ra câu hỏi.
"Nếu thật cô ấy tha hương làm gái thì bản thân em cũng không dựa vào đâu để đánh giá em ấy cả. Em nghĩ nếu không phải vì khổ quá hay một lý do gì đó thì là phụ nữ không ai muốn chọn nghề này. Đó là nói về bề nổi những gì mà mình biết từ truyền thông. Còn behind the scene sự thật thế nào em không thể biết".
"Nếu thật sự cô ấy có tội thì không thể đổ là do mình không biết nên làm, không biết mà làm sai vẫn là sai vẫn là có tội".
Có nghĩa là không ngoại trừ khả năng Hương vì lý do nào đó cố tình phạm tội. Và cho dù là thế, Lan Anh vẫn băn khoăn khi đưa ra lời phán xét.
"Nếu Hương cố tình phạm tội thật, bạn ấy vẫn có lý do riêng mà mình không phải Hương sẽ không hiểu được".
Gia đình
Từ khi vụ ám sát được loan đi trên truyền thông, nhân thân, gia đình của Đoàn Thị Hương trở nên nổi tiếng. Cuộc sống riêng của Hương được nhiều người quan tâm, tìm hiểu, từ facebook cá nhân, gia đình, cho đến công việc làm.
Cư dân mạng tìm ra chủ nhân tài khoản facebook Ruby, có khuôn mặt giống Đoàn thị Hương nhưng ăn mặc rất khêu gợi, với những status thật ‘ngôn tình’. Một số tin còn cho biết khi ở Hà Nội, Đoàn thị Hương làm việc tại một quán bar ở thủ đô, giao du với nhiều người nước ngoài.
Ngôi nhà gia đình cô Đoàn Thị Hương ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định chụp vào ngày 22 tháng 2 năm 2017. AFP photo
Sau khi "truy lùng" thông tin về Hương, cũng như sau khi báo chí tìm đến gia đình của Hương để phỏng vấn, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ cô vướng vào sự việc ngày hôm nay vì không nhận được sự quan tâm từ gia đình.
Hoàn toàn đồng ý với dư luận về điều này, Sao Mai nói thêm :
"Khi họ có ý kiến hành vi của chị ấy dẫn đến ngày hôm nay ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình thì em đồng ý.
Gia đình là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi của chị Hương rất nhiều. Câu chuyện của chị Hương cũng là một số trường hợp xung quanh. Nếu như chị Hương được gia đình quan tâm nhiều hơn…Em đọc qua thì thấy khi chị ấy về nhà thì cũng được anh em, mọi người yêu thương, động viên nhưng chưa thật sự quan tâm nhiều".
Riêng về bố mẹ thì có thể họ là nông dân chân chất hiền lành nên không lường trước được những nguy hiểm khó khăn. Họ chỉ tin tưởng là con họ ra ngoài có thể học hỏi được ở xã hội kinh nghiệm sống. Tin tưởng nên không quan tâm nhiều".
Sao Mai cho biết hiện tại nơi vùng quê, nhiều các cô gái mới lớn có cuộc sống như thế. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa những cô gái này và Đoàn Thị Hương là "gia đình", điều mà Mai gọi là sự may mắn.
"Hiện tại họ may mắn hơn Hương vì họ kịp có bàn tay của gia đình. Bây giờ họ đang được ở bên gia đình chứ không đến mức gây ra hậu quả như chị Hương. Nhưng họ đã từng gặp phải những tình trạng tin tưởng vào những anh chàng ngoại quốc".
‘Mong Hương thành khẩn’
Những sự giúp đỡ dành cho Hương trong thời gian qua cũng gây nên tranh cãi ở góc độ cần hay không cần, nên hay không nên.
Kết tội một người có hành vi phạm pháp là đã khó, vì cần phải có chứng cứ phạm tội rõ ràng, minh bạch, đánh giá về một hành động xuất từ lòng hảo tâm càng khó hơn, vì nó không có một công thức nhất định.
Những người bạn trẻ này đều khẳng định họ không thể, hoặc không muốn đưa ra phán xét về hành động của cô gái, mà nếu có duyên gặp nhau, có thể họ sẽ là những người bạn tốt. Như Sao Mai chia sẻ, cô nhìn thấy Hương là một cô gái từ miền quê, khát khao có một điều kiện tốt hơn đã làm cho cô ấy phạm phải sai lầm.
Lan Anh thì mong Hương sự cố gắng vượt qua :
"Nếu được nói với Hương thì em muốn nói là có những điều mình không lường được, không làm chủ được nhưng tâm trí của mình thì mình làm chủ được. Đừng bi quan vì nếu vô tội, bạn không có gì thẹn với lòng. Sự thật rồi sẽ sáng tỏ. Còn nếu có tội thật sự, tùy vào hoàn cảnh, bạn tự cân nhắc lại".
Đoàn Thị Hương có tội hay không có tội toà án sẽ đưa ra kết luận. Đó là vấn đề pháp lý. Nhưng đối với ảnh hưởng của xã hội, thì như Sao Mai đã nói : "câu chuyện này sẽ giúp cho rất nhiều phụ nữ trẻ Việt Nam nhìn lại chính mình".
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 24/03/2017
************************
Đoàn Thị Hương bị người Bắc Triều Tiên chiêu mộ cho thấy lỗ hổng an ninh Việt Nam ? (VOA, 23/03/2017)
Báo chí nước ngoài hôm 22/3 đăng các bản tin chi tiết nói rằng con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam đã chiêu mộ Đoàn Thị Hương cho vụ ám sát ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ bị ruồng bỏ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Đoàn Thị Hương, nghi phạm trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam, chụp trong các hoàn cảnh khác nhau
Sau khi tin này xuất hiện, báo chí Việt Nam dè dặt đưa một vài tin ngắn nói nghi can đã lôi kéo Hương vào vụ này là "người Triều Tiên" sống nhiều năm ở Việt Nam, nhưng không đề cập đến chi tiết người đàn ông đó là con trai của một cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam.
Riêng trang tin của Zing đăng một bài với tít "Nghi phạm lôi kéo Đoàn Thị Hương là con trai cựu đại sứ Triều Tiên ?" nhưng bản tin này đã nhanh chóng bị rút xuống, thay thế bằng bài khác có tít "Đoàn Thị Hương được dụ tới Malaysia để sắp xếp kết hôn ?"
Nội dung bài thay thế của Zing - cũng như các báo khác của Việt Nam - chỉ nói nghi can "người Triều Tiên" Ri Ji-hyon, 33 tuổi, là người nói thạo tiếng Việt.
Theo mô tả trên báo chí nước ngoài, nghi can Ri Ji-hyon là con trai của ông Ri Hong, đại sứ Bắc Triều Tiên ở Hà Nội vào đầu những năm 2000.
Ri Ji-hyon được cho là đã sống tại Việt Nam tổng cộng khoảng 10 năm. Vào tháng 11/2009, Ri làm việc khoảng 1 năm tại Đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Việt Nam với tư cách là một nhà ngoại giao tập sự. Bên cạnh đó, Ri còn làm phiên dịch.
Tờ Yonhap của Hàn Quốc nói với vốn tiếng Việt lưu loát, Ri đã thuyết phục Đoàn Thị Hương tham gia vào vụ việc mà cuối cùng đã dẫn đến cái chết của ông Kim Jong-nam ở Malaysia.
Cô Hương và một cô gái Indonesia bị tố cáo đã bôi chất độc VX lên mặt ông Kim Jong-nam hồi giữa tháng 2, giết ông gần như lâp tức. Sau khi bị cảnh sát nước sở tại bắt, cô Hương một mực khẳng định cô thực sự không biết mình tham giamột vụ ám sát mà nghĩ điều cô làm là một phần của một trò chơi truyền hình thực tế.
Sự việc Đoàn Thị Hương bị chiêu mộ cho một vụ việc gây chấn động thế giới làm nhiều người đặt câu hỏi phải chăng giới an ninh Việt Nam có sơ hở trong công tác theo dõi, ngăn chặn các hoạt động bất minh của người nước ngoài nói chung, của các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên nói riêng.
Một sĩ quan công an ở cấp thừa hành đề nghị không nêu tên xác nhận với VOA rằng ngành an ninh Việt Nam "có theo dõi" các nhà ngoại giao nước ngoài, nhưng cũng như bất cứ nước nào khác, việc theo dõi này "không thể 100% được". VOA không tiếp cận được với các quan chức cấp cao của Bộ Công an để hỏi về vấn đề này.
Từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với giới thực thi pháp luật của Việt Nam, chia sẻ với VOA những hiểu biết của ông về vấn đề này :
"Các cơ quan phản gián hay an ninh ở Việt Nam cũng có thể cùng lắm họ khoanh vùng một số người họ cho rằng có tiềm năng liên quan đến an ninh Việt Nam. Con trai của ông đại sứ cũng khó có thể được coi là một người có tiềm năng liên quan đến an ninh. Để gọi là kiểm soát toàn bộ hành vi cũng như quan hệ, theo tôi là bất khả thi. Nên là trong những trường hợp như thế này, cơ quan an ninh Việt Nam tôi nghĩ họ cũng khó có thể biết hết được. Đặc biệt, cho đến giờ phút này, ít nhất cho đến vụ ám sát ông Kim Jong-nam, Việt Nam chưa coi Bắc Triều Tiên là mối đe dọa hoặc ảnh hưởng an ninh nhà nước Việt Nam. Tất nhiên tôi nghĩ sau vụ này, cơ quan an ninh Việt Nam cũng phải thận trọng hơn với các quan hệ của những người Bắc Triều Tiên ở Việt Nam".
Trong khi một số người quan tâm đến bài học cảnh giác ở cấp độ quốc gia, có đông người hơn nhìn vào vụ Đoàn Thị Hương để lấy đó làm bài học ở tầm mức cá nhân.
Cô Hương được xem là một người mà cuộc sống có nhiều nghịch lý. Xuất thân từ một vùng quê ở tỉnh Nam Định, cô đi học, làm việc ở Hà Nội, nhiều nơi khác của Việt Nam cũng như nước ngoài, tham gia một số cuộc thi ồn ào với hy vọng đổi đời.
Nhưng ngược lại, cô không chia sẻ nhiều thông tin với gia đình mà như lời bố cô, ông Đoàn Văn Thạnh, nói rằng 10 năm qua ông "không biết" con "làm gì, ở đâu". Bên cạnh đó, các đồng nghiệp cũ của cô ở Hà Nội nói cô là người "sống khép kín".
Các bạn trẻ, nhất là các bạn gái, phải hết sức thận trọng trong các mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài, vì thực sự là người tốt vẫn rất là nhiều, nhưng mà cũng có những người người ta lợi dụng để làm những chuyện rất là nguy hiểm
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội
Nhiều người cho rằng lối sống dường như thiếu vắng sự tham vấn, thiếu vắng việc tìm kiếm hay lắng nghe những lời khuyên nhủ như vậy có thể là một trong những nguyên nhân đã đẩy Hương vào bi kịch.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, nhận xét với VOA sự việc của Hương là "đáng tiếc" song cũng không phải dễ để người ngoài cuộc đưa ra lời khuyên. Bà nói :
"Các cô vì là họ trẻ nên họ thiếu kinh nghiệm. Nhất là những cô gái ở vùng nông thôn, ít tiếp xúc thì lại càng thiếu kinh nghiệm, làm sao có thể tránh những cạm bẫy, lừa lọc. Thời buổi bây giờ khi mà điều kiện để tiếp xúc, để gặp gỡ người này người khác mở ra rất là nhiều, cho nên là các cô gái cũng phải rất là thận trọng trong việc suy xét xem là những hành động này nó mang lại cho mình cái gì. Các bạn trẻ, nhất là các bạn gái, phải hết sức thận trọng trong các mối quan hệ, nhất là với người nước ngoài, vì thực sự là người tốt vẫn rất là nhiều, nhưng mà cũng có những người người ta lợi dụng để làm những chuyện rất là nguy hiểm như câu chuyện của Đoàn Thi Hương".
Theo Kyodo News, một đồng nghiệp cũ của Hương ở Hà Nội cho biết Hương đã nói rằng cô đến Malaysia để sắp xếp việc kết hôn với người bạn trai mà cô tưởng là người Hàn Quốc.
Cô Hương và nữ nghi phạm Indonesia đã ra tòa ở Kuala Lumpur để nghe cáo trạng hồi đầu tháng này. Phiên tòa tiếp theo của hai cô dự kiến diễn ra vào ngày 13/4.
***********************
Vụ Kim Jong-nam : Nghi can là con cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam (RFI, 22/03/2017)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin vụ ám sát Kim Jong-nam, Seoul, 14/02/2017 - Lim Se-young/News1 via REUTERS
Một trong những nghi can trong vụ ám sát Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, chính là con trai của cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam. Đó là tiết lộ của hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm nay, 22/03/2017.
Theo Yonhap, nghi can nói trên là Ri Ji-hyon, 33 tuổi, con trai của cựu đại sứ Bắc Triều Tiên ở Hà Nội Ri Hong, và đã từng sống ở Việt Nam trong 10 năm. Ri Ji-hyon đã làm việc ở đại sứ quán Bắc Triều Tiên trong hơn một năm và cũng đã làm thông dịch viên.
Nhờ nói thông thạo tiếng Việt nên Ri Ji-hyon đã dụ Đoàn Thị Hương tham gia vào vụ ám sát Kim Jong-nam bằng chất độc ngày 13/02 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Nữ nghi can Việt Nam cùng với nghi can Indonesia Siti Aisyah đã phun chất độc thần kinh VX vào mặt Kim Jong-nam, khiến ông này tử vong. Hai người đã bị tư pháp Malaysia truy tố với tội danh giết người, mặc dù vẫn khẳng định rằng họ tưởng tham gia vào một trò chơi truyền hình.
Ri Ji-hyong là một trong 4 nghi can người Bắc Triều Tiên đã rời khỏi Malaysia đúng vào ngày ông Kim Jong-nam bị ám sát và dường như đã trở về Bình Nhưỡng. Cảnh sát quốc tế Interpol đã phát thông báo về lệnh truy nã bốn nghi can này. Cảnh sát Malaysia cũng muốn thẩm vấn hai người Bắc Triều Tiên khác, gồm bí thư thứ hai sứ quán Bắc Triều Tiên Hyon Kwang-song và một nhân viên của hãng hàng không Bắc Triều Tiên Air Koryo.
Thanh Phương
*********************
Nghi phạm Bắc Hàn là con trai cựu đại sứ (BBC, 22/03/2017)
Nghi phạm Ri Ji-hyon (người đội mũ) cùng hai nghi phạm khác là Ri Jae-nam và Song Hak-hong (áo đỏ)
Các nguồn tin cho hay một trong các nghi phạm Bắc Hàn đang bị Interpol truy nã vụ sát hại Kim Jong-nam là con trai cựu đại sứ Bắc Hàn tại Hà Nội.
Nguồn tin của BBC cũng như một số nguồn tin khác của hãng tin Nam Hàn Yonhap nói nghi phạm Việt Nam đã bị bắt, cô Đoàn Thị Hương, từng có quan hệ thân mật với người này.
Ông Ri Ji-hyon, 33 tuổi, là con trai của ông Ri Hong, người từng làm đại sứ ở Hà Nội thời kỳ đầu những năm 2000.
Lần duy nhất ông Ri Hong xuất hiện trên báo chí là hồi tháng 6/2002, khi tiếp nhận 5.000 tấn gạo mà Chính phủ Việt Nam viện trợ cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên từ Quỹ Dự trữ Quốc gia. Trước đó ông cũng tháp tùng Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Bình Nhưỡng tháng 5/2002.
Thông thường một đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam có nhiệm kỳ bốn năm.
Con trai đại sứ Ri Hong, Ri Ji-hyon, được cho là ở Việt Nam cả sau khi cha đã kết thúc nhiệm kỳ, học và nói tiếng Việt thành thạo.
Ri Ji-hyon được cho là đã thực tập tại đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ở Hà Nội khoảng một năm hồi năm 2009, tức là dưới thời đại sứ Ma Chol-su, và cũng làm luôn công việc phiên dịch.
Yonhap dẫn nguồn giấu tên nói ông này có thể đã lôi kéo và tuyển mộ cô Đoàn Thị Hương tham gia vụ sát hại ông Kim Jong-nam ở Kuala Lumpur hôm 13/2.
Cô Hương và nữ nghi phạm Indonesia Siti Aisyah bị cáo buộc đã bôi chất độc thần kinh VX lên mặt ông Kim Jong-nam nhưng họ khai là tưởng mình tham gia một trò chơi cho show truyền hình thực tế.
Ông Ri Ji-hyon là một trong bốn nghi phạm Malaysia đã nhờ Interpol truy nã, tuy khả năng cao là cả bốn người này đã nhanh chóng rời Malaysia về Bình Nhưỡng ngay sau vụ sát hại.
Nghi phạm Bắc Hàn duy nhất bị bắt trong vụ này, Ri Jong-chol, đã được thả vì thiếu chứng cứ.
Cảnh sát Malaysia còn truy lùng ba người khác, được tin vẫn còn ở trong nước này, trong đó có Hyon Kwang-song, bí thư thứ hai tại đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.
Đang bị giam
Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, người Việt Nam, được cho là nữ nghi phạm mặc áo thun có chữ 'LOL' trong băng ghi hình CCTV
Siti Aisyah, 25, người Indonesia. Cơ quan chức năng Indonesia cho biết cô này khai rằng cô nghĩ mình đang tham gia một show hài tình huống trên TV
Đang truy tìm
Hyon Kwang-song, 44 tuổi, Bí thư thứ hai tại Sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur, được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Kim Uk-il, 37 tuổi, nhân viên hãng hàng không Bắc Hàn Air Koryo, được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Ri Ju-u, 30 tuổi, người Bắc Hàn có tên khác là "James", được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Ri Ji-hyon, 33 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Hong Song-hac, 34 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
O Jong-gil, 55 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Ri Jae-nam, 57 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Nghi phạm Bắc Hàn : vụ bắt giữ là 'âm mưu' (BBC, 04/03/2017)
Nghi phạm Bắc Hàn bị thẩm vấn liên quan cái chết của Kim Jong-nam nói rằng ông là nạn nhân của một âm mưu của chính quyền Malaysia.
Ông Ri Jong-chol bị cảnh sát Malaysia bắt giữ nhưng sau đó được thả vì không đủ chứng cớ, theo truyền thông quốc tế.
Ri Jong-chol nói việc giam giữ ông là một "âm mưu" nhằm "gây tổn hại danh dự của nước cộng hòa", theo hãng tin Reuters.
Ông đưa ra bình luận này bên ngoài đại sứ quán Bắc Hàn tại Bắc Kinh sau khi bị trục xuất khỏi Malaysia vào hôm thứ Sáu.
Ri Jong-chol được cảnh sát thả ra sau khi bị giam giữ, do không đủ chứng cứ.
Ép cung ?
Phát biểu với các phóng viên sáng thứ Bảy, ông cáo buộc các nhà điều tra của Malaysia ép cung trong một nỗ lực để có được một lời thú tội.
"Nếu tôi chỉ chấp nhận tất cả mọi thứ, họ sẽ sắp xếp cho một cuộc sống tốt đẹp ở Malaysia", Ri Jong-chol nói thêm : "Đây là lúc tôi nhận ra rằng đó là một cái bẫy. Đó là một cái bẫy để hạ uy tín của đất nước tôi".
Khi được hỏi về các tin tức nói về một chiếc xe hơi được phát hiện gần sân bay được cho là có đăng ký bằng tên của ông, ông Ri Jong-chol nói : "Chiếc xe ở trong nhà để xe ô tô của tôi. Cảnh sát Malaysia cũng chấp nhận điều này".
Ri Jong-chol thừa nhận với các nhà điều tra rằng ông là một chuyên gia trong ngành hóa học, nhưng nói rằng ông làm việc tại Malaysia "nhập khẩu các nguyên liệu cần thiết cho xà phòng".
Nhà chức trách Malaysia đang tiếp tục điều tra cái chết của ông Kim, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, người đã bị giết chết bằng chất độc thần kinh VX tại một sân bay ở Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia gần ba tuần trước đây.
Ri Jong-chol, người nói rằng ông không có mặt ở sân bay vào ngày xảy ra sự việc, là người duy của Bắc Hàn bị câu lưu liên quan đến cái chết.
Malaysia đang tìm cách thẩm vấn một số người Bắc Hàn, trong đó có một quan chức đại sứ quán.
Hai người phụ nữ, Đoàn Thị Hương từ Việt Nam và Siti Aisyah từ Indonesia, bị buộc tội hôm thứ Năm là đã sát hại ông Kim bằng cách bôi lên mặt ông chất VX, một loại vũ khí hóa học bị cấm.
Cả hai phụ nữ nói họ nghĩ rằng đã tham gia vào một trò đùa trên truyền hình. Họ vẫn chưa đưa ra một lời biện hộ chính thức trong vụ án của họ.
Trục xuất
Malaysia, quốc gia đã lên án việc sử dụng chất độc thần kinh dạng mạnh này trong cuộc tấn công hôm 13 tháng Hai, cũng đang điều tra một hãng được cho là được Bắc Hàn sử dụng để trốn tránh lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu quân sự.
Ri Jong-chol đã được trao cho các quan chức nhập cư Malaysia và bị trục xuất vào thứ Sáu.
Ông đã sống ở Malaysia trong ba năm, nhưng theo Reuters, giấy phép lao động của ông đã hết hạn vào ngày 06 tháng Hai.
Tổng giám đốc Di trú Mustafar Ali nói Ri Jong-chol, người được hai quan chức đại sứ quán Bắc Hàn hộ tống ra khỏi Malaysia, đã bị đưa vào danh sách đen tái nhập cảnh.
Trong khi đó, chính phủ nói họ đã phát động một cuộc điều tra vào một công ty tên là Glocom, hãng đã hoạt động tại Malaysia trong nhiều năm.
Theo một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc, Glocom được điều hành bởi cơ quan tình báo hàng đầu của Bắc Hàn để bán các thiết bị thông tin liên lạc quân sự, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Cảnh sát nói hôm thứ Sáu rằng một lệnh bắt giữ đã được tống đạt cho Kim Uk-il, 37 tuổi, người làm việc cho hãng hàng không quốc gia của Triều Tiên Air Koryo. Ông được cho là vẫn còn ở Malaysia.
Hãng tin Reuters đưa tin nói kiểm tra an ninh với công dân Bắc Hàn đã được tăng cường ở tất cả các cửa khẩu biên giới để ngăn ngừa họ rời khỏi.
Hôm thứ Năm, Malaysia thông báo hủy miễn thị thực cho du khách người Bắc Hàn, vì lý do an ninh.
****************
Malaysia bị cáo buộc ép cung Ri Jong-chol (RFA, 04/03/2017)
Ri Jong-chol, nhà hóa học quốc tịch Bắc Triểu Tiên cáo buộc Malaysia đã dùng gia đình của ông ta để đe dọa ông lấy lời khai trong vụ án Kim Jong-Nam
Sau khi bị trục xuất khỏi Malaysia vào chiều hôm qua, Ri Jong-chol đã tuyên bố với báo chí tại Bắc Kinh rằng Malaysia đã hăm dọa sẽ giết vợ con ông ta nếu không khai báo theo gợi ý của cảnh sát Mã
Nói với các phóng viên trước khi bay tiếp về Bình Nhưỡng, Ri cho rằng các điều tra viên Malaysia nói không đúng sự thật về việc Kim Jong-nam bị ám sát và đã dùng vụ án này để nói xấu Bình Nhưỡng.
Cảnh sát trưởng Khalid Abu Bakar của Malaysia nói với hãng thông tấn AP rằng ông sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Ba tới để trả lời các bình luận của Ri.
Malaysia không trực tiếp cáo buộc Bắc Triều Tiên đứng phía sau vụ giết người này mặc dù Bắc Triều Tiên từ chối cuộc khám nghiệm tử thi ở Malaysia.
Ri Tong Il, nguyên Phó đại sứ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tại Liên hợp quốc nói rằng Kim Jong-Nam có thể đã chết vì cơn đau tim do các bệnh tim, tiểu đường và cao huyết áp.
Ông nói rằng nếu chất độc VX được sử dụng, những người khác ngoài Kim sẽ bị giết hoặc bị bệnh. Cảnh sát Malaysia đã bác bỏ tuyên bố của Ri về một cơn đau tim và khẳng định ông bị sát hại.
***************************
Malaysia trục xuất đại sứ Bắc Hàn (BBC, 04/03/2017)
Đại sứ Bắc Hàn là 'người không được hoan nghênh' theo thông cáo của Malaysia
Malaysia nói đã trục xuất đại sứ Bắc Hàn do liên quan đến vụ điều tra cái chết của ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un.
Kang Chol phải rời khỏi Malasyia trong vòng 48 tiếng, theo bộ ngoại giao nói.
Động thái mới này diễn ra sau khi đại sứ Bắc Hàn nói quốc gia của ông 'không tin tưởng' cuộc điều tra của chính quyền Malaysia.
Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un, thiệt mạng từ ba tuần trước sau khi bị tấn công bằng chất độc vào mặt tại sân bay Kuala Lumpur.
Malaysia không nêu đích danh Bắc Hàn đứng sau vụ tấn công với chất độc thần kinh VX, nhưng tỏ ra nghi ngờ Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm.
Ông Kang, vốn chỉ trích nặng nề Malaysia, nói cuộc điều tra đã trở nên 'chính trị hóa' và bị can thiệp.
Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman, tuyên bố đại sứ Bắc Hàn là 'người không được hoan nghênh' và nói Malaysia đã yêu cầu một lời xin lỗi từ chính quyền Bắc Hàn nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.
"Malaysia sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với những lời lẽ xúc phạm hoặc những âm mưu làm hủy hoại thanh danh của quốc gia", ông Anifah nói trong một thông cáo.
Trong khi đó, chính phủ nói họ đã phát động một cuộc điều tra vào một công ty tên là Glocom, hãng đã hoạt động tại Malaysia trong nhiều năm.
Theo một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc, Glocom được điều hành bởi cơ quan tình báo hàng đầu của Bắc Hàn để bán các thiết bị thông tin liên lạc quân sự, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Malaysia cũng đã thông báo hủy miễn thị thực cho du khách người Bắc Hàn, vì lý do an ninh. Trước đó, Malaysia đã triệu hồi đại sứ tại Bình Nhưỡng trong khi tiến hành điều tra vụ sát hại.
***********************
Đoàn Thị Hương, chất độc VX và hệ lụy (VOA, 04/03/2017)
Sau khi rà soát, Malaysia tuyên bố hôm 26/2 rằng sân bay quốc tế Kuala Lumpur vẫn an toàn sau vụ tấn công bằng chất độc VX tại nơi đây.
Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 4/3 nói rằng cơ quan này "hết sức quan ngại" về chuyện sử dụng vũ khí hóa học bị cấm tại nơi công cộng để ám sát người anh của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, và đã kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giúp đỡ xử lý vụ việc.
"Bộ cực lực lên án việc sử dụng loại vũ khí hóa học như vậy đối với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu và dưới bất kỳ hoàn cảnh nào", thông cáo có đoạn. "Việc sử dụng nó tại nơi công cộng có thể đã gây nguy hiểm cho công chúng".
Cảnh sát trưởng quốc gia Malaysia mới đây thông báo rằng ông Kim Jong-nam thiệt mạng vì chất độc thần kinh VX, vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm, trong cuộc tấn công chớp nhoáng do can phạm người Việt Đoàn Thị Hương và một nữ công dân Indonesia Siti Aishah thực hiện. Hai cô gái khai rằng họ tưởng tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế.
Một hình ảnh từ máy quay an ninh cho thấy một người phụ nữ mặc áo trắng được cho là cô Đoàn Thị Hương tấn công ông Kim Jong-nam hôm 13/2.
Sau vụ giết người, cô Aishah bị nôn ọe trong khi bị giam giữ do bị phơi nhiễm VX, vốn nằm trong danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt, theo cảnh sát Malaysia. Cô Hương và Aishah đã chính thức bị truy tố tội giết người hôm 1/3, và nếu bị kết án, hai cô có thể bị treo cổ.
Tờ New York Times đưa tin rằng Malaysia đã thông báo việc sử dụng chất độc này lên cơ quan theo dõi các vũ khí hóa học bị cấm theo các công ước quốc tế có tên gọi Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học. Cơ quan này sau đó đã cử đại diện tới Kuala Lumpur hỗ trợ Malaysia. Sau khi rà soát, Malaysia tuyên bố hôm 26/2 rằng sân bay quốc tế Kuala Lumpur vẫn an toàn.
"Ra trát bắt"
Tổ chức này giờ sẽ phải quyết định xem liệu có đưa vấn đề sử dụng trái phép chất độc VX lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. VX là một trong những vũ khí hóa học nguy hiểm nhất mà con người từng tạo ra : chỉ cần 10 milligram chất độc thần kinh hay một giọt duy nhất là đủ để gây tử vong trong vài phút, theo các chuyên gia.
Theo New York Times, nếu có bằng chứng về việc Bắc Hàn sử dụng chất độc trên, Hoa Kỳ và các đồng minh có thể kêu gọi áp đặt một nghị quyết đối với Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an cũng như các biện pháp trừng phạt mới. Washington cũng có thể đưa Bắc Hàn trở lại danh sách các nước tài trợ cho khủng bố.
Hàn Quốc đã đổ lỗi cho Bắc Hàn gây ra vụ ám sát ông Kim Jong-un. Cảnh sát Malaysia đã xác định 7 người đàn ông Bắc Hàn là nghi can trong vụ giết người.
Tin mới nhất cho hay, cảnh sát Malaysia mới ra trát bắt đối với một nhân viên hàng không Bắc Hàn, ít giờ sau khi thả một nghi can Bắc Hàn duy nhất bị bắt kể từ ngày xảy ra vụ ám sát hôm 13/2.
Các nghi can Bắc Hàn.
Kim Uk Il, nhân viên của hãng Air Koryo, trước đó đã được xác định là một trong gần 10 nghi can trong vụ Kim Jong-nam. Chính quyền Malaysia tin rằng ông Kim vẫn còn trốn trong đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur cùng với một nghi can khác, Hyon Kwang-song, một nhân viên của đại sứ quán.
Trong một diễn biến mới khác, Malaysia hôm 4/3 thông báo quyết định trục xuất đại sứ Bắc Hàn, buộc ông Kang Chol phải rời quốc gia Đông Nam Á này trong vòng 48 giờ đồng hồ.
Tuyên bố này được coi là sẽ làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa hai nước vì vụ ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un.
Kim Jong-nam nạn nhân cuộc ám sát được dự báo (RFI, 02/03/2017)
Từ thuốc độc, mỹ nhân kế cho đến quy buộc tội bất kính để thanh toán nhau, chế độ do Kim Im-sung (Kim Nhật Thành) lập ra tại Bắc Triều Tiên, truyền đến đời thứ ba, càng ngày càng bạo ngược. Sự kiện người anh của lãnh đạo tối cao bị hạ sát bằng chất độc VX tại Malaysia ngày 13/02/2017 không khác chi kịch bản xã hội đen hay cây dù tẩm độc của mật vụ Bulgaria thời cộng sản.
Bản thân Kim Jong-nam biết trước sẽ bị ám sát. Ảnh chụp tháng 11/2007. Kyodo/via REUTERS
Tư pháp Malaysia truy nã bẩy nghi can Bắc Triều Tiên đã chạy về Bình Nhưỡng. Tình báo Mỹ và Hàn Quốc chỉ đích danh Kim Jong-un (Kim Chính Ân). Cục tình báo Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đưa qua Malaysia ba nhóm "sát thủ", mỗi nhóm do một cán bộ của bộ An Ninh - tức mật vụ- và một quan chức của bộ Ngoại Giao chỉ huy. Hai trong ba nhóm đã tuyển hai phụ nữ người Indonesia và Việt Nam để ra tay.
Năm 2012, trong một e-mail trao đổi với người em lãnh đạo, Kim Jong-nam yêu cầu "em hủy bỏ lệnh hành quyết" nếu không "gia đình anh chỉ còn con đường tự sát vì không nơi chốn dung thân". Một năm sau, Kim Jong-un ra lệnh giết chú dượng Jang Song-thaek, người đỡ đầu của Kim Jong-nam.
Từ sau vụ Kim Jong-nam (Kim Chính Nam) dùng hộ chiếu giả bị bắt tại Tokyo năm 2001, truyền thông Nhật Bản đặc biệt chú ý và tìm hiểu nhân vật một thời được xem là lãnh đạo đời thứ ba tương lai của chế độ Bình Nhưỡng trước khi bị thất sủng và bị ám sát hụt năm 2012 ở Macau.
Hai phóng viên Nhật Bản được Kim Jong-nam tin cậy, tiếp xúc kín nhiều lần, trao đổi hàng trăm điện thư và cả một bức thư cảnh báo gửi đi từ văn phòng của Kim Jong-un.
Năm 2012, Gomi Yogi ra quyển sách "Bố Kim Chính Nhật và tôi" cho dù Kim Jong-nam có yêu cầu chờ sau khi ông chết hãy công bố tác phẩm này.
Nhiều người cho rằng nội dung những lời tố cáo đã gây bất bình cho chế độ Bình Nhưỡng. Còn nữ phóng viên Fujita Minami, sau 30 lần tiếp chuyện với Kim Jong-nam cũng xác nhận nội dung quyển sách là chính xác : sau 10 năm du học, ở Nga và Thụy Sĩ, đúng ra là một phần tránh mặt bà mẹ kế, Kim Jong-nam hồi hương và được Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) đưa đi một vòng thăm Bắc Triều Tiên. Kim Jong-nam đã nói với bố là "phải cải cách". Sau này ông nói dứt khoát với Kim Jong-un : "Chế độ này không cải cách thì kinh tế sẽ sụp đổ, còn cải cách thì sẽ dẫn đến khủng hoảng và chế độ sẽ cáo chung".
Có lẽ quan điểm tự do này là bản án tử hình của Kim Jong-nam. Điều phải xảy ra đã xảy ra.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Kim Jong-nam lại muốn tố giác chế độ do cha ông lập ra ? Có dấu hiệu nào cho phép suy đoán chính Kim Jong-un chủ trương bịt miệng một tiếng nói đối kháng ? Từ Tokyo, giáo sư Vũ Đăng Khuê tổng hợp thông tin : "…Tháng 10 năm 2011, cô ký giả Fujita Minami cho xem một bức fax (điện thư) bảo Kim Jong-nam đừng chỉ trích chế độ nữa, trên tiêu đề thấy gửi đi từ văn phòng của Kim Chính Vân …".
Giáo sư Vũ Đăng Khuê-Tokyo 02/03/2017
Tú Anh thực hiện
*************************
Ai đã giết Kim Jong-nam ? (BBC, 02/03/2017)
Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes tìm hiểu nghi vấn Kim Jong-un đã tìm cách sát hại anh cùng cha khác mẹ của mình, Kim Jong-nam.
Hai anh em họ Kim cùng cha nhưng khác mẹ : Kim Chính Ân đảng cầm quyền và Kim Chính Nam sống lưu vong vừa bị ám sát
Để hiểu được những mối quan hệ ở Bắc Hàn, ta thực sự cần phải hiểu rõ về "vương triều" tại đây : "Triều đại" nhà ông Kim, vốn được ông Kim Nhật Thành đặt nền móng xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Khi ông qua đời hồi năm 1994, con trai ông là Kim Jong-il lên nối ngôi.
Ông Kim Jong-il qua đời cách đây 5 năm, con trai út của ông là Kim Jong-un trở thành tân lãnh đạo.
Tuy nhiên, Kim Jong-un khi đó còn rất trẻ, rất thiếu kinh nghiệm, và không cảm thấy đủ tự tin.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông đã giết chết rất nhiều người. Một số người cho rằng điều này bắt nguồn từ việc Kim Jong-nam cảm thấy quyền lực của mình chưa chắc chắn và cần phải củng cố.
Những người mà Kim Jong-un thấy nghi ngại nhất chính là những người trong gia đình mình.
Quan trọng nhất và quyền lực nhất là người chú dượng của Kim Jong-un, Jang Song-thaek. Vào lúc Kim Jong-un lên nắm quyền, ông Jang là người quyền lực nhất Bắc Hàn, với một mạng lưới các đồng minh trên toàn quốc và trong cả khu vực.
Một trong những người đó là cháu trai, gọi ông bằng chú, Jang Yong-chol, người từng giữ chức đại sứ Bắc Hàn tại đây, Malaysia.
Qua Jang Yong-chol, ông đã giữ liên lạc được với một người cháu khác, chính là Kim Jong-nam.
Nhưng đến năm 2013, Kim Jong-un đã tiến hành cuộc thanh trừng tàn khốc nhất trong suốt hơn 30 năm qua, bắt đầu với người chú dượng Jang Song-thaek. Ông này đã bị bắt và bị xử bắn.
Trong những tháng sau đó, cả gia đình ông bị dồn bắt, gồm cả người cháu đang làm đại sứ tại Malaysia, người bị triệu hồi về Bình Nhưỡng và cũng bị xử tử.
Vụ việc khiến Kim Jong-nam bị cô lập, cô đơn và không còn được ai giúp đỡ.
Kim Jong-nam từng là đứa con trai được cha rất yêu thương, nhưng về sau này, người anh em họ của ông bị bắn vào đầu. Người cô và con gái của bà bị lưu đày và phải ẩn kín, còn bản thân Kim Jong-nam bị giết chết bằng chất độc thần kinh.
Tại Bắc Hàn, là thành viên trong đệ nhất gia đình không đồng nghĩa với việc được đảm bảo có cuộc sống dài lâu, hạnh phúc.
Rupert Wingfield-Hayes
**************************
Vụ Kim Jong-nam : Malaysia thả nghi phạm Bắc Hàn (BBC, 02/03/2017)
Ri Jong-chol mặc áo chống đạn bị dẫn giải ra khỏi đồn cảnh sát
Nghi phạm Bắc Hàn bị bắt tại Malaysia trong vụ giết hại Kim Jong-nam đã được thả.
Các quan chức cho biết không đủ bằng chứng buộc tội Ri Jong-chol, và rằng ông sẽ bị trục xuất vì vi phạm luật nhập cư.
Gần ba tuần sau hôm Kim Jong-nam bị giết, Malaysia lên án việc dùng chất độc VX trong vụ tấn công.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết "rất quan ngại" về việc chất độc này có thể gây nguy hại cho công chúng.
Ri Jong-chol, sống ở Malaysia trong ba năm qua, bị bắt bốn ngày sau vụ giết ông Kim jong-nam.
Cảnh sát không cung cấp chi tiết lý do tại sao ông bị bắt.
Reuters cho biết ông Ri có giấy phép làm việc tại Malaysia có thời hạn đến 6/2/2017.
Malaysia hiện đang truy tìm một số người Bắc Hàn, trong đó có một quan chức sứ quán bị nghi tham gia vụ giết hại ông Kim Jong-nam.
Cũng trong hôm 2/3, Malaysia loan báo sắp chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Bắc Hàn vì lý do an ninh, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết.
Anh của nhà lãnh đạo Bắc Hàn chết hôm 13/2 do bị đầu độc bằng chất VX.
Hai nữ nghi phạm Việt Nam và Indonesia chính thức bị buộc tội giết người hôm 1/3.
Hai người này khai rằng tin rằng đang tham gia một show hài tình huống trên TV.
Thi thể ông Kim Jong-nam vẫn đang được giữ trong nhà xác ở Kuala Lumpur, trong bối cảnh tranh chấp về việc ai sẽ được quyền nhận xác.
Cũng trong hôm 2/3, Malaysia loan báo sắp chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Bắc Hàn vì lý do an ninh, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết.
Quy định yêu cầu tất cả công dân Bắc Hàn phải có thị thực mới được nhập cảnh vào Malaysia sẽ có hiệu lực từ ngày 6/3, thông tấn Bernama tường thuật.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ những năm 1970 và khi giao thương về dầu cọ và thép tăng, Bắc Hàn mở sứ quán tại Kuala Lumpur năm 2003.
Nhưng vụ giết hại ông Kim Jong-nam khiến mối quan hệ bị rạn nứt, Malaysia thậm chí triệu hồi đại sứ tại Bình Nhưỡng.
************************
Khủng hoảng ngoại giao Malaysia- Bắc Triều Tiên sau vụ án mạng Kim Jong-nam. REUTERS/Athit Perawongmetha
Tiếp theo những căng thẳng ngoại giao do vụ ám sát hại Kim Jong-nam, ngày 02/03 /2017, hãng tin Bernama loan tin Malaysia sẽ ngừng miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân Bắc Triều Tiên.
Phó thủ tướng Ahmid Zahid Hamidi được hãng tin Malaysia dẫn lời cho biết bắt đầu từ ngày 06/03/2017 các công dân Bắc Triều Tiên muốn tới Malaysia phải xin thị thực nhập cảnh và Kuala Lumpur đã quyết định như vậy là vì an ninh quốc gia.
Quyết định của Malaysia được đưa ra hai tuần sau vụ Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, bị ám sát tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur bằng chất độc thần kinh cực mạnh VX.
Trong vụ án mạng này, hai nữ nghi phạm, một người Việt Nam tên Đoàn Thị Hương, 28 tuổi và một người Indonesia tên Siti Aishah, 25 tuổi, đã bị truy tố vì tội mưu sát. Với tội danh này, các bị cáo có thể bị kết án tử hình.
Cùng ngày, chưởng lý Malaysia Mohamed Apandi Ali thông báo, nghi phạm người Bắc Triều Tiên, ông Ri Jong-chol, bị bắt ba ngày sau vụ án mạng, sẽ được thả và bị trục xuất ngay về Bắc Triều Tiên vào ngày 03/03/2017, do thiếu bằng chứng và hết thời hạn tạm giam.
Cũng trong khuôn khổ án mạng này, cảnh sát Malaysia đã xác định có 7 nghi phạm khác người Bắc Triều Tiên, trong đó có một quan chức sứ quán Bắc Triều Tiên. Bốn trong số nghi phạm trên đã trốn khỏi Malaysia. Ba nghi phạm còn lại đang được chính quyền Kuala Lupur đòi thẩm vấn, nhưng chưa được đáp ứng.
Vụ ám sát Kim Jong-nam đã làm cho quan hệ Malaysia và Bắc Triều Tiên trở nên căng thẳng. Bắc Triều Tiên phản đối gay gắt cuộc điều tra cũng như các kết luận giảo nghiệm tử thi nạn nhân của chính quyền Malaysia. Bình Nhưỡng còn lên án Kuala Lumpur thông đồng với các thế lực thù địch nhằm hạ thấp uy tín của Bắc Triều Tiên.
Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Triều Tiên từ năm 1973, đến năm 2003 mới mở sứ quán tại Bình Nhưỡng. Cho đến trước vụ án mạng Kim Jong-nam, quan hệ hai nước vẫn tốt đẹp. Malaysia đã đón nhận hàng ngàn lao động Bắc Triều Tiên.
Anh Vũ
****************************
Vụ Kim Jong-nam : Bắc Hàn đưa giả thuyết mới (BBC, 02/03/2017)
Vụ ám sát Kim Jong-nam được dư luận hết sức quan tâm
Bắc Hàn nói có thể công dân của họ chết ngày 13/2 do đau tim trong khi nghi phạm Bắc Hàn bị Malaysia bắt vì nghi liên quan sắp được thả.
Phát biểu với các nhà báo bên ngoài Đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur, cựu phó Đại sứ nước này tại Liên Hiệp Quốc - ông Ri Tong-il, đặt nghi vấn về kết luận của Malaysia rằng người mà Bắc Hàn gọi là Kim Chol đã bị đầu độc bằng chất hóa học VX.
Ông Ri nói cần gửi mẫu lên Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) để phân tích.
Ông nói : "Nếu đúng là thuốc này thì phải gửi mẫu phân tích tới văn phòng OPCW. Một khi hai phòng thí nghiệm quốc tế khác nhau cùng đưa ra kết luận rằng chất hóa học này đã được sử dụng, thì họ cần xác định ra ai là kẻ chế tạo ra loại thuốc này".
"Ai là kẻ đã mang chất này vào Malaysia ?".
Ông Ri đang dẫn đầu phái đoàn ngoại giao cao cấp của Bắc Hàn làm việc với các quan chức chính phủ Malaysia tại Kuala Lumpur.
Trong khi đó, công dân Bắc Hàn duy nhất bị bắt vì nghi liên quan vụ ám sát Kim Jong-nam sắp được trả tự do.
Tổng chưởng lý Malaysia Mohamed Ali Apandi nói ông Ri Jong-chol nay là "người tự do" vì không đủ chứng cứ để buộc tội ông.
Quy chế mới
Ri Jong-chol, sống ở Malaysia trong ba năm qua, bị bắt bốn ngày sau vụ giết ông Kim Jong-nam.
Cảnh sát không cung cấp chi tiết lý do tại sao ông bị bắt.
Reuters cho biết ông Ri có giấy phép làm việc tại Malaysia có thời hạn đến 6/2/2017.
Malaysia hiện đang truy tìm một số người Bắc Hàn, trong đó có một quan chức sứ quán bị nghi tham gia vụ giết hại ông Kim Jong-nam.
Cũng trong hôm 2/3, Malaysia loan báo sắp chấm dứt việc miễn thị thực cho công dân Bắc Hàn vì lý do an ninh, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết.
Anh của nhà lãnh đạo Bắc Hàn chết hôm 13/2 do bị đầu độc bằng chất VX.
Hai nữ nghi phạm Việt Nam và Indonesia chính thức bị buộc tội giết người hôm 1/3.
Hai người này khai rằng tin rằng đang tham gia một show hài tình huống trên TV.
Thi thể ông Kim Jong-nam vẫn đang được giữ trong nhà xác ở Kuala Lumpur, trong bối cảnh tranh chấp về việc ai sẽ được quyền nhận xác.
Các chuyên viên tìm dấu vết chất độc thần kinh VX tại sân bay Kuala Lumpur
Quan hệ xấu đi
Malaysia tuyên bố sẽ chỉ trao thi thể cho thân nhân, những người có thể cung cấp mẫu DNA.
Nhưng Bắc Hàn nói rằng họ có thể đòi trao trả thi thể công dân của họ.
Bình Nhưỡng vẫn chưa xác nhận nạn nhân là ông Kim Jong-nam.
Ông dùng hộ chiếu ngoại giao dưới một cái tên khác khi vụ việc xảy ra.
Ông Zahid cho biết quy định yêu cầu tất cả công dân Bắc Hàn phải có thị thực mới được nhập cảnh vào Malaysia sẽ có hiệu lực từ ngày 6/3, thông tấn Bernama tường thuật.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bắt đầu từ những năm 1970 và khi giao thương về dầu cọ và thép tăng, Bắc Hàn mở sứ quán tại Kuala Lumpur năm 2003.
Nhưng vụ giết hại ông Kim Jong-nam khiến mối quan hệ bị rạn nứt, Malaysia thậm chí triệu hồi đại sứ tại Bình Nhưỡng.
*************************
Bộ Ngoại Giao Việt Nam lần đầu tiếp xúc gia đình Đoàn Thị Hương (RFA, 02/03/2017)
Đoàn Thị Hương, 28 tuổi (trái) được cảnh sát đặc biệt hộ tống sau phiên tòa tại Sepang, Malaysia vào ngày 01 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Theo tin của hãng thông tấn Reuters, sau khi bức hình nghi phạm Đoàn Thị Hương trong chiếc áo chống đạn được dẫn giải đến tòa án Malaysia với ánh mắt thất thần được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam với nhiều câu hỏi : Vì sao chính quyền Việt Nam vẫn không làm gì để hỗ trợ cho công dân của mình ?
Hôm nay thứ Năm 2/3/2017, Bộ Ngoại Giao Việt Nam lần đầu tiên đã có cuộc tiếp xúc với gia đình của cô Đoàn Thị Hương, và cho biết sẽ hỗ trợ pháp lý và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp cho cô Hương.
Trong một thông báo phổ biến sau cuộc gặp, Bộ Ngoại Giao Việt Nam viết thêm rằng "Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân trong quyền hạn cho phép của mình, để đảm bảo thủ tục tố tụng là công bằng và khách quan".
Văn bản của Bộ ngoại giao viết thêm là "Đại sứ quán đang tìm kiếm luật sư thích hợp để bảo vệ cho cô Đoàn Thị Hương trước tòa.
Cũng trong ngày thứ Năm 2/3, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết đã chủ động đề xuất với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao về việc hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn Thị Hương, người đang phải đối mặt với cáo buộc mưu sát ở Malaysia.
Nói với báo giới vào trưa ngày 2 tháng 3, ông Đỗ Ngọc Thịnh, chủ tịch Liên đoàn cho biết đã có trao đổi và đề xuất với hai bộ để cử luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho cô Đoàn Thị Hương. Ông Thịnh cho biết Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao đã ghi nhận đề xuất và sẽ có thông báo phản hồi tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm là qua trao đổi, một số luật sư đều tỏ ý sẵn sàng tham gia hỗ trợ pháp lý trên tinh thần nếu được nhà nước hỗ trợ thì tốt nhất, còn nếu không thì họ sẽ tự bỏ tiền ra để thực hiện.
Cô Đoàn Thị Hương bị cáo buộc tham gia giết ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ở phi trường Kuala Lumpur, Malaysia hôm 13 tháng 2. Cô nói với đại diện Đại sứ quán Việt Nam rằng cô đã bị lừa và nghĩ mình đang tham gia một show truyền hình.
Trước tòa hôm 1 tháng 3 vừa qua cô cũng khẳng định mình vô tội.
Luật sư đại diện hiện tại cho cô tại tòa do phía Malaysia chỉ định.
Theo quy định ở Malaysia, các luật sư nước ngoài không được phép trực tiếp tham gia bào chữa. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh cho biết nếu được các cơ quan chức năng Việt Nam cho phép, các luật sư Việt Nam sẽ phối hợp với các luật sư Malaysia và cơ quan chức năng Malaysia để cung cấp các bằng chứng và tài liệu có lợi cho cô Đoàn Thị Hương.
Malaysia truy lùng 4 nghi phạm vụ Kim Jong-nam (VOA, 19/02/2017)
Theo hãng tin AP, chính phủ Hàn Quốc nói họ tin rằng Bắc Triều Tiên đã chủ mưu vụ ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Bốn nghi phạm sát hại Kim Jong-nam : Việt Nam : Đoàn Thị Hương (trên/trái), Bắc Triều Tiên : Ri Jong-chol (trên/phải), Indonesia : Siti Aisyah (dưới/trái) và Mã Lai : Muhammad Farid Bin Jallaludin (dưới/phải) - Hình do EPA/Royal Malaysia Police phổ biến
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee phát biểu như trên trong một cuộc họp báo vào hôm Chủ Nhật, sau khi cảnh sát Malaysia ra tuyên bố trong cùng ngày.
Ông Jeong gọi vụ này là động thái "liều lĩnh và tàn bạo".
Trước đó, cũng trong ngày Chủ nhật, cảnh sát Malaysia cho biết họ đang truy lùng thêm bốn nghi phạm người Bắc Triều Tiên, những người được cho là đã rời khỏi Malaysia vào cùng ngày người anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên chết, sau khi dường như đã bị tấn công tại sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.
Tại một cuộc họp báo hôm Chủ nhật tại Kuala Lumpur, phó cảnh sát trưởng quốc gia Noor Rashid Ibrahim đã nhận dạng cả bốn nghi phạm này.
Ông Ibrahim cũng xác định được người thứ năm có liên quan và đưa ra ảnh của hai người Bắc Triều Tiên khác, tuy chưa xác định danh tính nhưng cũng bị truy nã do liên quan đến vụ án được xem là vụ ám sát ông Kim Jong-nam xảy ra hôm thứ 13/2.
Cho đến nay đã có bốn người bị bắt, trong đó có hai phụ nữ, một người bạn trai của một trong hai phụ nữ này, và một người đàn ông Bắc Triều Tiên.
Ông Ibrahim cho biết tất cả các nghi phạm người Bắc Triều Tiên đã đi lại bằng hộ chiếu phổ thông, không phải hộ chiếu ngoại giao.
Ông Kim Jong-nam, người mập mạp, khoảng 45 tuổi, đã nói với các nhân viên y tế tại sân bay rằng ông đã bị phun hóa chất vào mặt.
Các quan chức Malaysia cho biết ông Kim Jong-nam bị chóng mặt, co giật và đã chết trong vòng vài giờ sau đó.
Tuy nhiên, ông Ibrahim nói kết quả khám nghiệm tử thi của ông Kim Jong-nam chưa được công bố.
***********************
Hàn Quốc : Bình Nhưỡng đứng sau vụ ám sát Kim Jong-nam (RFI, 19/02/2017)
Truyền thông Hàn Quốc hôm qua 18/02/2017 loan báo điều tra của cảnh sát Malaysia về vụ ám sát anh trai của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, và Seoul cho rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ án mạng này.
Kim Jong-nam tại sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh do Kyodo chụp ngày 11/02/2017) - Kyodo/via REUTERS
Trả lời giới báo chí, phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc, ông Jeong Joon-hee, được AFP trích dẫn, khẳng định : "Căn cứ vào nhiều yếu tố, chính phủ chúng tôi tin chắc là người bị sát hại là Kim Jong-nam và chúng tôi nghĩ rằng năm nghi can đó là người Bắc Triều Tiên. Chúng tôi tin là chính phủ Bắc Triều Tiên đứng sau vụ việc này".
Ông Jeong từ chối cho biết thêm chi tiết và nói rằng cảnh sát Malaysia đang tiếp tục điều tra. Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc lưu ý : "Vì Bắc Triều Tiên đã từng phạm những tội ác vô nhân đạo và có những hành vi tàn bạo, chúng tôi thật sự quan tâm và theo dõi kỹ vụ việc này".
Về phía Malaysia, cảnh sát nước này hôm nay công bố danh tánh thêm 4 nghi can khác, sau khi đã bắt giữ một người Bắc Triều Tiên hôm qua. Theo trợ lý cảnh sát trưởng Noor Rashid Ismail trong buổi họp báo, bốn người đàn ông có tên Ri Ji-hyon, Hong Son Hac, O Joong-gil và Ri Jae-nam, tuổi từ 33-57, đều mang hộ chiếu phổ thông Bắc Triều Tiên. Những người này đã rời sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngay trong ngày xảy ra án mạng. Cảnh sát Malaysia không nêu rõ điểm đến, chỉ thông báo là đang liên hệ với Interpol để truy lùng bốn nghi can này. Ngoài ra, cảnh sát Malaysia cho biết thêm là đang tìm kiếm 3 người Bắc Triều Tiên khác để hỗ trợ cho công tác điều tra.
Minh Anh
*********************
Người phụ nữ bị bắt ở Malaysia có thể là người Việt Nam (RFA, 19/02/2017)
Tin liên quan đến người phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam bị bắt trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam
Nữ nghi phạm Việt Nam sát hại Kim Jong-nam : Đoàn Thị Hương - Hình do EPA/Royal Malaysia Police cung cấp
Hãng tin Reuters cho hay là một người nông dân Việt Nam tên là Joseph Đoàn sống tại Nam Định nói rằng có thể người phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam có tên là Đoàn Thị Hương là chị em của ông, tuy nhiên ông không chắc 100% vì chỉ nhận diện người phụ nữ này qua hình ảnh trên mạng.
Ông cho hay là người chị em của ông đã rời gia đình lúc 18 tuổi, lâu lâu mới trở về thăm nhà. Ông nói thêm là chính quyền Việt Nam đã tiếp xúc với ông về chuyện này.
Cho tới nay truyền thông trong nước không hề nhắc đến chi tiết người phụ nữ bị bắt ở Malaysia mang hộ chiếu Việt Nam, nhưng có nói rằng Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với Malaysia để tìm hiểu rõ vụ việc.
Xin nhắc lại là ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un bị ám sát bằng hóa chất tại sân bay Kuala Lumpur vào hôm thứ hai 13 tháng hai vừa qua. Đã có bốn người bị bắt bao gồm một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam, một phụ nữ Indonesia, một người đàn ông Malaysia, một người đàn ông Bắc Hàn. Theo tin của cảnh sát Malaysia thì còn bốn người đàn ông Bắc Hàn bị tình nghi nữa, nhưng có lẽ đã đào thoát khỏi Malaysia.
Hôm nay chủ nhật 19 tháng hai người phát ngôn của Bộ thống nhất Nam Hàn ở Seoul nói rằng căn cứ theo những kết quả điều tra thì việc ám sát ông Kim Jong-nam do chính phủ Bắc Hàn tổ chức.
**********************
Người nhà nhận ra nghi can ‘Doan Thi Huong’ ? (VOA, 19/02/2017)
Một người đàn ông ở Nam Định hôm 19/2 cho biết ông tin rằng người chị em của ông có thể là một trong các nghi can bị bắt ở Malaysia vì liên quan tới vụ sát hại người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, theo Reuters.
Hình ảnh được cho là cô Doan Thi Huong do máy quay an ninh ghi lại.
Ông Kimg Jong-nam bị tấn công tuần trước tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi chuẩn bị đáp chuyến bay đi Macau, nơi ông sinh sống cùng người vợ hai dưới sự bảo vệ của Trung Quốc, trong một vụ được cho là đầu độc chớp nhoáng.
Cảnh sát Malaysia nói rằng trong số những người bị bắt có một phụ nữ mang theo giấy tờ Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/2 nói rằng "các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan".
Trong khi đó, tên của nữ nghi can này cũng hoàn toàn biến mất trên truyền thông trong nước. Khó tìm thấy cái tên Doan Thi Huong trên các trang báo nhà nước, mà nó chỉ xuất hiện trong các bản tin của các cơ quan báo chí tiếng Việt ở hải ngoại cũng như trên các trang tin "lề trái".
Ông Joseph Doan xác nhận rằng tên của người chị em của ông là Đoàn Thi Hương và sinh năm 1988 ở Nam Định.
Theo Reuters, ông Joseph Doan xác nhận rằng tên của người chị em của ông là Doan Thi Huong và sinh năm 1988 ở Nam Định. Đây là những thông tin giống với những gì mà phía cảnh sát Malaysia thông báo trước đó.
"Chúng tôi chỉ nghe tin trên Internet và mọi người khác cũng vậy, nhưng nhìn ảnh thì thấy giống. Tôi không thể chắc chắn 100% vì chúng tôi chưa gặp mặt", ông Joseph nói tại Nam Định.
Người nông dân này nói rằng người chị em của mình trông giống với người phụ nữ mặc chiếc áo có chữ "LOL" mà máy quay an ninh ghi lại. Reuters dẫn lời ông Joseph Doan nói rằng chính quyền Việt Nam đã liên lạc và hỗ trợ.
Ông Joseph nói rằng người chị em của mình rời nhà khi mới 18 tuổi, chỉ thỉnh thoảng về nhà, và cũng không cho ai biết khi nào thì cô lại về. Ông chỉ nói với người chị em của mình là "học và làm việc chăm chỉ".
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng ông Jong-nam đã bị các điệp viên Bắc Hàn ám sát. Cảnh sát Malaysia hôm 19/2 nói rằng bốn nghi can Bắc Hàn trong vụ giết người đã rời Malaysia đúng ngày xảy ra vụ sát hại.
Cảnh sát Malaysia hôm 18/2 thông báo đã bắt giữ một người đàn ông Bắc Hàn có liên quan tới vụ giết hại anh trai cùng tra khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong-un.
Cho tới nay, có bốn người bị bắt giữ trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam. Hai nữ nghi can, một công dân Indonesia và một người mang giấy tờ Việt Nam, cùng một người đàn ông Malaysia bị bắt trước đó.
Trong hình là hai nghi phạm chính của vụ ám sát Kim Jong-nam.
(Ảnh : Hai nghi phạm Siti Aisyah (trái) và Doan Thi Huong (phải) - Nguồn : National Post)
Người bên trái mang quốc tịch Indonesia. Ngay khi cô này bị cảnh sát Malaysia bắt giữ, giới chức Indonesia ngay lập tức đã lên tiếng xác nhận sự việc. Phó Tổng thống Indonesia liền sau đó đã trả lời báo giới theo hướng bênh vực một cách thận trọng đối với cô này và cho biết họ đang cố gắng liên lạc với giới chức Malaysia để đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của công dân nước họ.
Người bên phải mang quốc tịch Việt Nam. Nhiều ngày sau khi cô này bị bắt giữ, giới chức Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ động thái nào xác nhận hay phủ nhận sự việc. Ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khi được hỏi về vụ ám sát, cũng chỉ lên tiếng về hành vi giết người, song lại hoàn toàn lờ đi chi tiết một trong hai nghi phạm chính "mang hộ chiếu Việt Nam", như muốn tỏ ra không liên quan. Tệ hơn nữa, hàng trăm tờ báo trong nước cũng theo hướng chỉ đạo đó mà cắt bỏ hoàn toàn chi tiết này, tạo ra cảm giác rằng "quốc tịch Việt Nam" sẽ gánh chịu thân phận vô thừa nhận mỗi khi người mang nó có dính líu đến một việc không tốt đẹp ở nước ngoài.
Quả thực, cách hành xử của chính quyền Indonesia trung thực, đường hoàng, minh bạch bao nhiêu thì của nhà nước Việt Nam lại lấp liếm, quanh co, tù mù bấy nhiêu.
Hơn thế nữa, vấn đề không phải đúng/sai hay bản chất vụ án thế nào, mà là : một chính phủ luôn cần bảo vệ công dân của nó khi người này đối mặt với một nhà nước khác hoặc một hệ thống pháp luật khác, vì đây là lý do mà công dân chúng ta đóng thuế nuôi nó.
Ngay cả khi công dân này là thủ phạm thực sự, cô ấy vẫn có những quyền chính đáng hợp pháp cần được nhà nước của cô ấy bảo vệ ; chứ chưa nói đến trong trường hợp này chỉ mới là nghi phạm mà đã bị ruồng rẫy thế kia thì thật là không thể chấp nhận được.
Tóm lại, nếu coi quốc tịch là một bản hợp đồng giữa công dân với nhà nước thì người Việt đang có một bản hợp đồng tồi, cần đàm phán lại.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 19/02/2017 (nguyenanhtuan's blog)
******************
‘Doan Thi Huong’ bị Việt Nam lãng quên ?
VOA, 18/02/2017
Một phóng viên cầm một tờ báo địa phương, đăng hình ảnh anh trai ông Kim Jong-un sau khi bị tấn công, trong khi đưa tin ở phía trước một nhà xác ở bệnh viện ở Kuala Lumpur nơi xác của ông Kim Jong-nam đang được khám nghiệm hôm 18/2.
Tên của nữ nghi can mang giấy tờ Việt Nam, bị Malaysia bắt giữ vì bị nghi dính líu tới vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un, hoàn toàn biến mất trên truyền thông trong nước cũng như thông cáo chính thức của Việt Nam.
Khó tìm thấy cái tên Doan Thi Huong trên các trang báo nhà nước, mà nó chỉ xuất hiện trong các bản tin của các cơ quan báo chí tiếng Việt ở hải ngoại cũng như trên các trang tin "lề trái".
Trong một bài báo miêu tả hình ảnh của cô Doan Thi Huong mà báo chí nước ngoài nói là được ghi lại trên camera an ninh, trang web của Đài tiếng nói Việt Nam viết : "Hình ảnh ghi lại các đặc điểm của kẻ nghi là sát thủ này, theo đó nghi phạm là người trung niên và gốc châu Á. Trong hình ảnh này, người phụ nữ mặc chiếc áo với dòng chữ "LOL" to và một chiếc váy ngắn màu xanh. Tay trái cô ta để trên một chiếc cặp xách nhỏ".
Còn trang Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam viết : "Hãng thông tấn Bernama ngày 15/2 đưa tin giới chức Malaysia đã bắt giữ một phụ nữ đến từ Myanmar trong cuộc điều tra về cái chết sáng 13/2 của ông Kim Jong-nam - anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un".
Hình ảnh được cho là cô Doan Thi Huong được camera an ninh ghi lại.
Luật sư Trần Vũ Hải viết trên trang Facebook cá nhân hôm 16/2 : "Lẽ ra, báo chí Việt có cơ hội câu view, hốt bạc khủng, nếu "được phép" đưa tin, tìm hiểu nghi phạm sát thủ có tên Doan Thi Huong, ở Nam Dinh, sinh 31/5/1988. Tìm hiểu sự thật về một vụ đại kỳ án thế giới, có thể liên quan công dân nước nhà, mà phải "được phép" thì buồn ơi là buồn !".
Hiện chưa rõ lý do vì sao nghi can mang giấy tờ Việt Nam không được đề cập đến trên báo chí trong nước.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan quản lý truyền thông trong nước, để phỏng vấn.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/2 cũng không thấy nhắc tên cô Doan Thi Huong, nữ nghi can sinh ngày 31 tháng Năm năm 1988 ở Nam Định, như theo thông cáo của cảnh sát Malaysia hôm 15/2.
Tuyên bố của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà chỉ nhắc tới cái tên "của công dân Triều Tiên Kim Chol", trong khi chính quyền Malaysia và Hàn Quốc đã khẳng định rằng nạn nhân là ông Kim Jong-nam, anh trai của ông Kim Jong-un.
Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam trên Facebook có đăng lại thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam với tên nạn nhân là Kim Chol, nhưng lại đăng ảnh của ông Kim Jong-nam. Kim Chol được cho là tên trên giấy tờ giả mà ông Jong-nam mang theo người lúc bị ám sát.
Trang thông tin của chính phủ Việt Nam trên Facebook có đăng lại thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Dường như khó hiểu về đoạn thông cáo, một Facebooker tên Quoc Vuong đặt câu hỏi trong phần bình luận : "Nhưng Việt Nam liên quan gì mà phải hợp tác nhỉ ?", và được một người đọc khác tên Huong Vu trả lời : "Một nghi phạm nữ mang hộ chiếu Viêt Nam đã bi bắt".
Hãng tin Reuters dẫn lời truyền thông Malaysia đưa tin rằng cô Doan Thi Huong đã nói với cảnh sát rằng cô bị lừa thực hiện điều mà cô ta nghĩ là một trò chơi khăm vô hại.
Một người phụ nữ thứ hai bị câu lưu, mang quốc tịch Indonesia, cũng nghĩ rằng cô tham gia vào trò chơi khăm cho một chương trình truyền hình.
Ngay sau khi Siti Aishah bị bắt, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã lên tiếng rằng cô chỉ là "nạn nhân bị lừa hoặc bị lôi kéo" tham gia vụ ám sát ông Kim Jong-nam.
Ngay sau khi cô Siti Aishah bị bắt, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã lên tiếng rằng cô chỉ là "nạn nhân bị lừa hoặc bị lôi kéo" tham gia vụ ám sát ông Kim Jong-nam, theo the Straits Times.
Ngoài ra, tờ báo của Singapore còn đưa tin rằng một nhóm bảo hộ công dân từ Bộ Ngoại giao Indonesia cũng đã tới Malaysia để xử lý vụ việc liên quan tới cô Aishah. Chưa rõ phía Việt Nam đã cử ai tới Kuala Lumpur để hỗ trợ người được cho là mang giấy tờ Việt Nam hay chưa.
Thông tin báo chí mới nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 17/2 là "phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình về phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 12/02/2017, Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo".
Các thế hệ trong gia đình họ Kim.
Trong một diễn biến liên quan tới vụ ám sát ông Kim Jong-nam, cảnh sát Malaysia hôm 18/2 thông báo đã bắt giữ một người đàn ông Bắc Hàn có liên quan tới vụ giết hại anh trai cùng tra khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong-un.
Nạn nhân bị tấn công trong tuần này tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi chuẩn bị đáp chuyến bay đi Macau, nơi ông sinh sống cùng người vợ hai dưới sự bảo vệ của Trung Quốc, trong một vụ được cho là đầu độc chớp nhoáng. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng ông Jong-nam đã bị các điệp viên Bắc Hàn ám sát.
Theo cảnh sát Malaysia, vụ bắt giữ mới nhất được thực hiện tối 17/2. Nghi can tên là Ri Jong Chol, 47 tuổi. Ông này có mang theo một thẻ nhận dạng dành cho công nhân nước ngoài ở Malaysia.
Cho tới nay, có bốn người bị bắt giữ trong vụ ám sát ông Kim Jong-nam. Hai nữ nghi can, một công dân Indonesia và một người mang giấy tờ Việt Nam, cùng một người đàn ông Malaysia bị bắt trước đó. Reuters dẫn các nguồn tin chính phủ Malaysia cho biết rằng ít nhất 3 nghi can khác vẫn "cao chạy xa bay".
Viễn Đông