Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sau trận càn quét thứ hai vào vườn rau Lộc Hưng ngày 8/1/2019, trên trang facebook 

thay1

Đinh Hữu Thoại xuất hiện một bức ảnh cho thấy một cán bộ tiếp dân vô cùng láo xược : ngồi co cả hai chân lên bàn làm việc, áo cộc tay, phanh ngực, mặt trâng trâng đểu cáng nhìn người đối diện như muốn thách thức, ăn tươi nuốt sống người ta.

Hắn là ai ? Theo lời chú thích bức ảnh, đó là một một tay cán bộ cs (cộng sản ?) tên Đạt (theo lời nạn nhân) đang quát nạt một nữ cư dân Vườn rau Lộc Hưng. Theo nhận định của chủ trang, nhiều khả năng hắn là an ninh thành phố.

Địa điểm "tiếp dân" này là đồn công an Phường 11, Quận Phú Nhuận (238 Nguyễn Đình Chính).

Còn nạn nhân của hắn là ai ? Chị này bị cưỡng phá nhà cửa, bị đánh đập hôm cưỡng chế. Chúng lôi chị ra khỏi nhà, đưa đi nhiều đồn công an trong thành phố. Chúng ép chị ký biên bản vi phạm pháp luật với tội chống người thi hành công vụ. Chị mới sinh con nhỏ 13 tháng tuổi nhưng chúng đã cách ly chị cả ngày 8/1/2019 mặc cho cháu bé khát sữa đòi mẹ. Đây là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn và vô cùng khốn nạn.

Đây là bức hình hiếm. Không phải hiếm bởi ít tên cán bộ có hành vi như thế này. Nó hiếm bởi rất ít khi chụp được trong đồn công an đầy bạo lực, nhất là khi Thành phố Hồ Chí Minh còn đi trước Hà Nội về qui định cấm dân không được ghi hình cán bộ tiếp dân.

Tên Đạt (nếu đúng là tên hắn) là điển hình của loại cán bộ (công an) tự cho mình một cái quyền lực vô hạn. Chúng coi công sở như nhà của mình, muốn nằm ngồi ở đâu tùy thích, coi dân như cỏ rác, thích làm gì thì làm. Loại cán bộ này ỷ vào sự bao che đồng lõa của đồng bọn và cấp trên. Chúng hành động theo cách của xã hội đen. Pháp luật với chúng chỉ là tờ giấy lót đít.

Chị Dương Thị Tân bình luận : Nó hiện nguyên hình bản chất mọi rợ, rừng rú. Thể chế này nó sinh ra một lũ quái thai như vậy đó.

Tóm lại, đó là loại cán bộ mất dạy, lưu manh, đểu cáng, vô học và vô giáo dục. Xã hội không thể chấp nhận loại cán bộ, công an như thế này.

Đây là thành quả của việc "học tập và làm theo…", là kết quả đào tạo, rèn luyện, giáo dục của đảng nhưng chúng luôn luôn khoe khoang bằng nhưng mỹ từ mà mỗi khi nghe, người dân đã biết là đầy giả dối.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 17/01/2019 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Hội chứng sợ ghi hình từ công an lan sang quan chức. Tâm lý này địa phương nào cũng có, cấp nào cũng có, từ phường xã đến trung ương.

vihien1

Một văn bản thông báo không có số, không người ký, không nơi nhận của chính quyền Hà Nội

Hội chứng sợ ghi hình

Công an và quan chức chức Việt Nam chẳng mặn mà gì với việc bị ghi hình khi tiếp xúc với nhân dân mà quyền lợi hai bên xung đột nhau như đàn áp biểu tình, cưỡng chế đất, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các vụ việc.

Trước hết nói về công an. Khi một ai bị bắt vào đồn, việc đầu tiên của công an là tước điện thoại, máy ảnh, xóa các hình ảnh đã ghi trước đó hoặc tháo thẻ nhớ, nhúng điện thoại vào nước. Khi đã vào đồn rồi, không thể nói tới chuyện ghi những gì diễn ra trong đồn. Không phải vì điện thoại bị tước mà vì nếu có giấu được, giơ lên quay cũng bị ăn đòn ngay lập tức. Vì vậy, nhiều người vỡ đầu, gãy răng, sưng vều môi miệng, mặt mũi khi từ trong đồn ra nhưng không thể có video thể hiện việc ấy nó diễn ra như thế nào. 

Khi không có cơ sở pháp lý nào, để ngăn cản người dân ghi hình, họ thường ra lệnh miệng. Từ kẻ có tí chức như đội trưởng đội phó, trưởng phó công an phường xã đến công an viên, dân phòng đều có thể ra lệnh không được quay phim chụp ảnh. Khi người dân không nghe mà tiếp tục thực hiện, chúng dùng bạo lực đập máy, cướp và đánh luôn cả người ghi hình chúng. Tôi là người từng bị đánh, bị cướp máy khi ghi hình công an nhiều lần, ví dụ ở Trại giam số 6 Nghệ An, ở Thái Bình, trong những lần bị canh chặn, trong các cuộc biểu tình và khi ghi hình cảnh sát giao thông. Có người cứ mỗi lần gặp công an ra về lại phải mua máy khác, cùng với mua thuốc chữa trị hay nhập viện.

Trong khi đó, chúng tự cho quyền ghi hình người dân bất cứ trường hợp nào, trong đồn công an, khi đàn áp dân... Thậm chí khi đưa một cái giấy mời cũng phải nhiều đứa đi, đứa xồng xộc vào nhà đưa giấy, đứa dí máy quay vào người được "mời" đứa sẵn sàng lao bổ vào cướp máy nếu bị ghi hình.

Những biển cấm quay phim chụp ảnh đặt khắp nơi, thích thì đặt chẳng theo qui định nào, nói tâm lý của những kẻ hoạt động trong bóng tối.

Hội chứng sợ ghi hình từ công an lan sang quan chức. Tâm lý này địa phương nào cũng có, cấp nào cũng có, từ phường xã đến trung ương.

Tại sao quan chức sợ công dân ghi hình ? Nó có mấy lý do : Thứ nhất là do khi tiếp xúc với dân, hầu hết không đảm bảo được tính quang minh, chính trực, công tâm mà thường để cảm tính chi phối : quát nạt, ra oai, nói năng bừa bãi, cù nhầy làm cho người dân sợ hay chán nản không muốn kéo dài việc kiện cáo khi thấy nó chẳng đi đến đâu. Thứ hai là trình độ không có, nói năng tùy tiện, lơ mơ về pháp luật nên nếu quay phim, người ta dễ đánh giá trình độ của cán bộ tiếp dân đến đâu. Tức là họ sợ lòi cái đểu, cái dốt ra trước bàn dân thiên hạ. Ghi hình còn ghi được cả lời hứa hẹn, nếu nuốt lời dù sao cũng khó hơn là lời nói gió bay. Tất nhiên, khó không có nghĩa là không dám nuốt lời.

Cần thu hồi văn bản vi hiến

Để gỡ cho quan chức thoát khỏi thế bị phơi bày khi tiếp xúc với dân, ngày 3/1/2019, chính quyền Hà Nội (Hà Nội) ra quyết định cấm công dân ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của cán bộ. Quy định này lập tức bị công luận phản đối mạnh mẽ, vạch ra sự vô lý và cho rằng qui định vi phạm quyền giám sát của công dân, ra trái thẩm quyền... tóm lại đây là một văn bản vi hiến cần thu hồi.

Bằng qui định này, chính quyền Hà Nội tìm cách che giấu sự thiếu trách nhiệm, trình độ non kém hay phong cách khó coi của quan chức. Còn người dân, họ không có quyền gì ngoài quyền ghi lại hình ảnh lời nói của cán bộ để có cơ sở mà kêu, nay bị chính quyền Hà Nội tước mất.

Trong khi người nhà nước sợ ghi hình thì ngược lại, người dân không hề e ngại công an ghi hình họ. Không có ai tìm cách lẩn tránh khi bị ghi hình. Điều này cũng nói lên bên nào đàng hoàng, có lẽ phải còn bên nào không.

Nếu cán bộ tiếp dân làm đúng, làm tốt, lẽ ra cần khuyến khích công dân quay phim để tuyên truyền cho hình ảnh cán bộ mẫu mực, tận tụy với dân, đúng là công bộc của dân, điều này tốt chứ sao lại cấm. Cấm là để che giấu cái xấu. Thế thôi.

Tại sao Hà Nội cấm ghi hình quan chức mà chưa cấm ghi hình công an ? Vì khi tiếp xúc với dân, công an đông hơn, được huấn luyện về trấn áp, có công cụ đàn áp và công an cũng tàn bạo hơn. Nó có thể dùng luật rừng mà không bị trừng phạt. Có cho phép ghi hình cũng không thể làm gì được đối với lực lượng này.

Điều ngạc nhiên là lẽ ra, thủ đô phải gương mẫu cho các địa phương khác trong việc giáo dục công chức, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân thì Hà Nội lại ra một quyết định đầy tai tiếng như thế.

Chính quyền Hà Nội từng có tiền sự vể việc ra văn bản bừa bãi. Không phải bây giờ mà cách đây 8 năm, UBND Hà Nội ra một văn bản bôi bác chưa từng thấy, đó là thông báo cấm biểu tình ra ngày 18 tháng 8 năm 2011. Bản thông báo không có ai ký mà chỉ có cái dấu treo. Nơi nhận không có và số công văn cũng không có nốt. Vì vậy cán bộ địa phương chỉ dám thò ra cho những người biểu tình xem rồi thu về vội chứ không dám giao. Có lẽ lịch sử hành chính thế giới chưa bao giờ có một văn bản quái đản như thế.

Nếu chính quyền Hà Nội không thu hồi quyết định cấm công dân ghi hình cán bộ tiếp dân thì sẽ tạo tiền lệ cho các tỉnh thành khác cũng ra quyết định cấm đoán tương tự vì cán bộ địa phương nào cũng sợ bị ghi âm, ghi hình chứ không riêng gì Hà Nội.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : VNTB, 12/01/2019

Published in Diễn đàn

Năm 2018 đi qua với con số kỷ lục về tù nhân lương tâm bị bắt. Điều này nói lên bức tranh nhân quyền ở Việt Nam chưa bao giờ ảm đạm đến thế. 

tnlt0

Mở đầu năm 2018 là Vũ Hùng. Anh bị bắt ngày 4/1 sau khi vừa rời buổi kỷ niệm sinh nhật Hội giáo chức Chu Văn An về. Buổi họp mặt bị an ninh theo dõi chặt chẽ. Khi ra về, anh bị hai tên côn đồ gây sự rồi đánh. Anh phản ứng thì bị bắt và sau đó bị qui chụp tội danh cố ý gây thương tích. 

Tiếp theo là Đỗ Công Đương. Anh bị bắt ngày 24/1 khi đang quay cảnh cưỡng chế đất ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Anh bị cáo buộc tội danh gây rối trật tự công cộng và tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, tổng hai mức án là 9 năm.

Ngày 9/2, Nguyễn Văn Trường (Thái Nguyên) bị bắt với cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ (đăng bài lên mạng)

Ngày 8/5 là Nguyễn Duy Sơn (Thanh Hóa) nguyên cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của Trường Dự bị Đại học Sầm Sơn. Anh bị cáo buộc nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước trên mạng xã hội.

Ngày 27/5, Nguyễn Trung Lĩnh bị bắt sau khi ra lời kêu gọi biểu tình và đăng trên trang facebook cá nhân. Nếu tính cả một lần bị bắt không thành án và 1 lần bị đưa vào trại tâm thần thì đây là lần thứ 3 anh bị bắt.

Ngày 6/6, Nguyễn Hồng Nguyên (Cần Thơ) bị bắt do viết bài "nói xấu lãnh đạo". Trương Đình Khang cũng ở Cần Thơ bị bắt vào ngày 13/6, khi viết bài "nói xấu lãnh đạo" mới được 1 tuần. 

Ngày 12/6 là Nguyễn Văn Quang (Thanh Hóa) do đăng thông tin được coi là chống phá nhà nước và 14/6 là Trương Hữu Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh) do "livestream" kêu gọi biểu tình.

Ngày 5/7, Lê Anh Hùng (Hà Nội) bị bắt sau những nỗ lực tố cáo một số lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và giăng biểu ngữ đòi bắt tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, bí thư thành ủy Hà Nội tại những nơi công cộng.

Ngày 7/7, Thành phố Hồ Chí Minh bắt một lúc 5 người : Trần Long Phi, Thomas Quốc Bảo, hai cha con ông Huỳnh Đức Thịnh (cha), Huỳnh Đức Thanh Bình (con) và ông Michael Nguyễn Phương Minh, công dân Mỹ trong lúc họ đang trên đường về Sài Gòn. 5 người này bị qui kết hoạt động lật đổ chính quyền.

Ngày 29/8, Bình Định bắt Lê Quốc Bình. Anh bị cáo buộc là thành viên đảng Việt Tân mang vũ khí về VN để... khủng bố. Tuy nhiên, dư luận nghi ngờ vì hình ảnh trên báo chí chỉ là bức ảnh những bộ phận súng hơi và ghép thêm hình anh vào. Không hiểu tại sao công an không có hình ảnh nào khả dĩ hơn để cung cấp cho báo chí.

Ngày 31/8, Bến Tre bắt Nguyễn Ngọc Ánh (quê ở Hà Nội) với cáo buộc làm, tàng trữ tuyên truyền thông tin, tài liệu chống phá Nhà nước. 

Ngày 1/9, Cần Thơ bắt Đoàn Khánh Vinh Quang và Bùi Mạnh Đồng vì đăng thông tin lên mạng. 

Trong mấy ngày đầu tháng 9, Thành phố Hồ Chí Minh bắt 9 người thuộc nhóm Hiến pháp gồm Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng, Đỗ Thế Hoá, Trần Hoàng Lan, Hùng Hưng, Hồ Văn Cương, Trần Phương, Huỳnh Trương Ca và Phạm Thảo với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Sau Phạm Thảo được thả nên còn lại 8 người. 

Lê Minh Thế (Cẩn Thơ) bị bắt ngày 10/10 với cáo buộc Lợi dụng quyền tự do dân chủ. Phương Lê (Kon Tum) và Đặng Thanh (Trà Vinh) chưa rõ bị bắt vào ngày tháng nào.

Đó là những cá nhân hay nhóm lẻ, bị bắt vì những hoạt động trái ý nhà cầm quyền. Con số này của năm 2018 là 30 và có thể bị bỏ sót. 

Nhưng con số làm cho số tù nhân lương tâm tăng đột biến trong năm 2018 là những người bị bắt về hoạt động biểu tình chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng trong những ngày 10 và 11/6.

* Tại Bình Thuận :

Ngày 12/7, Thành phố Phan Thiết kết án 7 người biểu tình đêm 11/6.

Ngày 23/7, Huyện Tuy Phong kết án 10 người biểu tình ngày 10/6 ở thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

Ngày 26/9, Huyện Bắc Bình kết án 15 người biểu tình ở xã Phan Rí Thành ngày 11/6.

Ngày 31/10, Tp Phan Thiết kết án 30 người biểu tình chiều tối 10/6.

Ngày 29/11, Huyện Bắc Bình kết án 9 người biểu tình ngày 11/6 ở xã Phan Rí Thành.

Như vậy, chỉ riêng tỉnh Bình Thuận, trong 5 phiên tòa đã kết án 71 người tham gia biểu tình trong 2 ngày 10 và 11/6.

* Tại Đồng Nai : Ngày 30/7, Tp Biên Hòa kết án 20 người biểu tình ngày 10/6.

* Tại Thành phố Hồ Chí Minh :

Ngày 8/10/2018, quận 3 kết án bốn thanh niên biểu tình ngày 10/6.

Ngày 17/10, quận Bình Tân kết án 3 công nhân Công ty Pouyuen biểu tình ngày 11/6

* Tại Ninh Thuận : Ngày 22/8, Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm kết án 6 người biểu tình vào tối 10/6, rạng sáng 11/6.

* Tại Khánh Hòa : Ngày 18/9, Thành phố Nha Trang kết án 2 người tham gia biểu tình ngày 10/6.

Con số tham gia các cuộc biểu tình chống Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng ước tính có thể lên tới con số trăm nghìn người tuy không có tổ chức nào đứng ra kêu gọi mà chỉ là những lời kêu gọi lẻ tẻ của một vài nickname nào đó không có danh tính rõ ràng như thường thấy. Điều này làm cho nhà cầm quyền hoàn toàn bất ngờ. Chính vì vậy, chủ nhật tiếp theo, 17/6, họ đã chủ động dập tắt ngay từ đầu, nhiều cuộc đàn áp, bắt bớ, đánh đập dã man đã xảy ra. Có nhiều người chỉ vì đứng ngoài phố cũng bị bắt mà không hiểu tại sao. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, nếu ngày 10/6 có 310 bị bắt thì ngày 17/6 biểu tình không nổ ra được nhưng công an cũng bắt tới 179 người.

Sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân vào các cuộc biểu tình chống Luật đặc khu nói lên thái độ của người dân với chủ quyền của đất nước. Đó là tinh thần "không Trung Quốc" một cách dứt khoát của người Việt Nam. Điều này gây rất nhiều khó khăn trở ngại cho nhà cầm quyền trong việc lựa chọn bạn và đối tác chiến lược toàn diện. Ý đảng, lòng dân khác có một khoảng cách vô cùng lớn trong vấn đề này.

Như vậy, trong đợt biểu tình chống Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, đã có 106 người ở các tình thành : Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh bị kết án. Trong đó, riêng tỉnh Bình Thuận, con số này đã là 71. Tất cả đều bị quy kết tội danh gây rối trật tự công cộng. Đáng chú ý là trong số tù nhân biểu tình, đa số là thanh niên, có nhiều em còn ở tuổi vị thành niên.

106 án tù (trong đó có 10 án tù treo) không phải là vô ích mà những năm tháng tù đày của họ đã đổi lấy việc nhà cầm quyền hoãn không thời hạn việc thông qua Dự Luật Đặc khu. 

Cộng với 30 người bị bắt ngoài nguyên nhân biểu tình, nâng tổng số tù nhân lương tâm trong năm 2018 lên tới con số 136 người. Đây chưa phải là con số đã chính xác do có thể trường hợp không có thông tin tới cộng đồng, có thể có người bị bắt chưa kết án hoặc gia đình không biết thông tin. Chẳng hạn anh Trần Thanh Phương, thợ may ở Thành phố Hồ Chí Minh đi biểu tình bị công an bắt ngày 1/9, hơn ba tháng sau gia đình vẫn không biết tin tức gì về anh. 

So với 38 người bị bắt năm 2017 thì năm 2018, con số này gấp 3,5 lần.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên có và có rất nhiều người bị bắt vì biểu tình. Điều này nói lên nhà cầm quyền rất sợ tiếng nói đông đảo, đồng lòng của người dân và giải thích tại sao, Đảng cộng sản Việt Nam hoãn đi hoãn lại việc cho phép Quốc hội ra luật biểu tình. 

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 04/01/2019 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 01 janvier 2019 23:17

Ai làm trái xu hướng chung ?

Phát biểu chỉ đạo hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 28/12/2018, ông Nguyễn Phú Trọng nói : "Ai làm trái xu hớng chung, ai có tư tưởng khu biệt cần sửa đi".
Chữ đập trước hết vào mắt người đọc mà người ta không hiểu ông Trọng nói gì, đó là chữ "khu biệt". 

ai0

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.

Vậy khu biệt có tội vạ gì mà ông Trọng phê phán ? Phải chăng khu biệt là một từ chỉ cái xấu ? Tuy nhiên, xét về nghĩa thì nó chẳng có tội gì, lại còn mang nghĩa tốt là khác :

Khu biệt là :

- Phân chia rành mạch

- Làm phân biệt rõ với những cái khác trong sự phân loại

Vậy không hiểu tại sao ông Trọng lại cho khu biệt là một tư tưởng xấu rồi đả phá nó. Hay là ông dùng từ sai ? Nhưng ông từng tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp kia mà. Hay ông mải nghiên cứu xây dựng đảng mà quên mất kiến thức văn ?

Có thể ông ấy hiểu, khu là vùng miền, biệt là biệt lập, tách biệt, không chịu nghe trung ương, có tư tưởng cát cứ. Vậy ông có thể dùng từ khác thích hợp như tư tưởng cục bộ, tư tưởng bất tuân, trên bảo dưới không nghe, chứ ai lại dùng từ khu biệt. Hiểu theo đúng nghĩa thì ông đang đả phá những gì rạch ròi, rõ ràng, muốn để nguyên sự nhập nhằng, lẫn lộn. 

Nhưng thôi, đó là về chữ nghĩa. Ông dùng từ sai nhưng người nghe hiểu được ý ông thì cũng tạm chấp nhận vậy.

*

Vấn đề quan trọng hơn trong câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng là ông yêu cầu những ai làm trái với xu hướng chung cần sửa.

Vậy ai làm trái xu hướng chung và ai cần sửa ? Ở đây chỉ nêu hai nội dung lớn nhất về xu hướng chung :

- Xu hướng chung thứ nhất là thời đại ngày nay, xây dựng thể chế chính trị đa nguyên, nền dân chủ nghị viện, bầu cử tự do. Nhân quyền ở các nước dân chủ được tôn trọng, mọi người đều bình đẳng. Người dân có quyền bầu ra hoặc phế truất tổng thống nếu không đại diện cho quyền lợi của dân, có thể ủng hộ đảng này hay đảng khác. Không có đảng phái nào được làm ra hiến pháp hay đặt cương lĩnh của đảng mình lên trên hiến pháp. Các quốc gia nào xây dựng được nền dân chủ, người dân ở đấy được hạnh phúc. An sinh xã hội, hạnh phúc của người dân tùy thuộc vào mức độ hoàn thiện của nền dân chủ. 

Dân chủ, nhân quyền là giá trị phổ quát của loài người, trong khi ở Việt Nam, nó là những khái niệm húy kỵ. Nhiều người hoạt động dân chủ, nhân quyền bị bắt bỏ tù với những mức án rất nặng nề. Về chính trị, đảng cộng sản vẫn tiếp tục chế độ độc đảng, không chấp nhận đa nguyên, không chấp nhận tam quyền phân lập. Những điều đó đang trái với xu hướng chung của thế giới.

- Thứ hai là trên thế giới, người ta đã vứt bỏ Chủ nghĩa Marx-Lenin. Bằng chứng là chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ hàng loạt cách đây gần 30 năm. Khoảng 30 nước xã hội chủ nghĩa hoặc manh nha màu sắc xã hội chủ nghĩa nay chỉ còn lại Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba và Lào. Chủ nghĩa cộng sản bị cấm hoạt động, bị cấm tranh cử ở nhiều quốc gia. Khi kêu gọi các quốc gia trên thế giới chống lại chủ nghĩa xã hội, Tổng thống Donald Trump nói, chủ nghĩa xã hội đã gây ra đau khổ cho loài người, gây ra tham nhũng và phân rã. Thế nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê, đưa đất nước đi theo chủ nghĩa xã hội - một xã hội không tưởng, đó là làm trái xu hướng chung của nhân loại.

Vậy ai "làm trái xu hướng chung, cần phải sửa ? Chính là ông Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông chứ chưa cần nói đến ai khác.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 01/01/2019 (nguyentuongthuy's blog)

 

Published in Diễn đàn

Hôm thứ tư 19/12 vừa rồi, một người gọi vào máy của tôi hỏi địa chỉ để giao tiền. Vì gửi theo địa chỉ cũ nên tôi hướng dẫn đến địa chỉ mới. Họ hẹn tôi ra đầu ngõ nhận, tôi nói giao tại nơi ở, không giao ngoài đường, tránh rủi ro. Họ không chấp nhận và cúp máy.

tnlt1

Đánh vào nguồn giúp đỡ tù nhân lương tâm là một tội ác

Hôm sau, người gửi tiền gửi theo địa chỉ mới và ghi tên vợ tôi. Kịch bản lặp lại như hôm trước. Cũng yêu cầu vợ tôi ra đầu ngõ, vợ tôi nói vào nhà giao, họ cũng cúp máy.

Tôi thường nhận tiền từ nước ngoài gửi giao tận nhà, hoặc là người gửi cho mã số ra ngân hàng nhận. Không có dịch vụ nào lại giao nhận ngoài đường cả.

Căn cứ vào một loạt vụ mật vụ bố trí để cướp tiền xảy ra như chúng tôi đã thông tin trên mạng, có thể nhận định được rằng, nếu tôi hoặc vợ tôi chấp nhận ra ngõ để nhận tiền thì sẽ bị cướp.

Cả hai lần dụ ra ngõ không thành, phía gửi tiền đều cho tôi biết, ngân hàng gọi sang, nói không giao vì tôi nằm trong danh sách đen.

Thế đấy, nếu không chấp nhận nhận tiền ngoài đường thì từ chối giao với lý do người nhận nằm trong danh sách đen. Còn nếu chấp nhận ra đường theo kịch bản của chúng thì không phải nằm trong danh sách đen nhưng hậu quả tiền sẽ rơi vào tay bọn cướp.

*

Chuyện bố trí để cướp tiền do các nhà hảo tâm gửi cho tù nhân lương tâm từng xảy ra. Vào thời gian này năm ngoái, một lần nhân viên ngân hàng hẹn anh Ngô Duy Quyền đến nhà giao tiền. Đến giờ hẹn thấy mật vụ quen và lạ lảng vảng quanh nơi ở nên Quyền từ chối nhận, sau đó chúng tôi đề nghị nhà hảo tâm chuyển sang người nhận khác.

Chị Nguyễn Thúy Hạnh cũng có lần sau khi nhận một khoản tiền khá lớn nhưng bọn cướp chậm chân một chút, chúng đến khi chị đã lên trên nhà nên chúng chỉ bắt được cô giao tiền rồi xét hỏi. Một lần khác, sau khi nhận tiền xong cũng có mật vụ rượt theo nhưng chị đã kịp vào được thang máy.

Chiều ngày 6/5/2018, nhân viên ngân hàng đến giao cho tôi 3.200 USD. Khi nhận tiền xong thì khoảng 10 tên mặc thường phục ập vào nhà. Chúng bóp cổ, bịt mồm vợ tôi không cho kêu. Nhưng lúc ấy, tôi đã kịp lên phòng và chốt cửa lại. Chúng gọi cửa phòng không được nên bỏ đi. Trước vợ tôi và những người nghe hô cướp chạy đến, chúng xưng "chúng tôi là công an" và bảo không có gì đâu. Lần giao tiền sau đó, cậu nhân viên này kể, hôm đó, khi ở nhà tôi ra, cậu ta bị đám công an này giữ lại xét hỏi. Cậu ta bảo tôi chỉ là người làm công ăn lương. Chúng cho cậu ta đi, rồi xông vào nhà tôi như vừa kể.

Trong những trường hợp kể trên, nhờ cảnh giác nên chúng cướp không thành công và làm chúng khá ê chề, có thể về bị mắng chửi, có thể nội bộ chỉ trích lẫn nhau lấn địa bàn, vượt mặt. Đó là những vụ có số tiền lớn, trên dưới 3.000 đô la. Tuy nhiên, cũng có những vụ chúng cướp thành công do nạn nhân mất cảnh giác, bị bất ngờ. Chị Tươi, vợ tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi, bị cướp khi vừa ở ngân hàng ra. Vụ này, anh Vi Đức Hồi đã đưa tin lên mạng. Một trường hợp khác, một tù nhân lương tâm bị cướp 300 USD khi vừa nhận từ nhân viên ngân hàng.

Còn bây giờ, chúng đã tỏ thái độ rõ ràng. Không dụ được ra ngoài đường thì không cho giao nữa vì người nhận nằm trong sổ đen. Pháp luật không có nghĩa lý gì đối với chúng và cả hệ thống chính trị này làm ngơ cho chúng hoành hành.

Những vụ việc vừa nêu nhằm đánh vào nguồn tiền hỗ trợ tù nhân lương tâm. Tù nhân lương tâm là những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, cho sự phát triển của đất nước. Họ hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật nhưng vẫn bị qui kết vào những tội danh áp đặt, bị kết án có người tới 20 năm tù. Có lẽ, những năm tù dằng dặc chụp lên cuộc đời tù nhân lương tâm chưa đủ thỏa mãn sự độc ác của những kẻ nắm quyền, chúng còn muốn cắt đứt sự giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước dành cho tù nhân lương tâm, muốn họ bị cô lập hoàn toàn. Đánh vào nguồn giúp đỡ tù nhân lương tâm, chúng đã gây thêm một tội ác mới và tội ác của chúng là không giới hạn.

Không thể không nói trách nhiệm về phía ngân hàng. Rõ ràng là họ hợp tác với an ninh, bất chấp nguyên tắc kinh doanh, bất chấp cam kết với khách hàng về bảo mật, cung cấp thông tin để xảy ra rủi ro cho khách hàng và khi có lệnh từ phía an ninh, họ khước từ giao dịch.

21/12/2018

Ps : Diễn biến mới nhất : 

Ngày 23/12/2018, một nhân viên ngân hàng gọi nhận tiền nhưng vẫn nhất quyết không chịu vào nhà mà yêu cầu chúng tôi xuống để giao tiền. Điều đáng nói là nhân viên này từng vào nhà tôi giao tiền đã nhiều lần. Nhưng đến lần này, cậu ta không chịu vào nữa. 

Phải chăng chúng quyết tâm bố trí cướp tiền của tù nhân cho bằng được. Còn tôi nhất định không để tiền của tù nhân lương tâm rơi vào tay bọn cướp đỏ. Vì vậy, cả ba lần giao dịch trong vòng 4 ngày đều không thành.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 23/12/2018 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Đấy là nhận xét của tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội nói về anh và những người tù nhân lương tâm trong trại giam Ba Sao (Hà Nam) khi gia đình đến thăm nuôi.

tnlt1

Hội Bầu bí tương thân và Quĩ 50k đồng hành với gia đình tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa.

Hiện nay, ở trại này đang giam giữ những tù nhân lương tâm mà nhiều người biết đến như Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh...

Hôm 9/12 vừa qua, Hội Bầu bí tương thân đồng hành cùng hai gia đình Phạm Văn Trội và Hồ Đức Hòa đến thăm các anh. Với gia đình Hòa, chúng tôi hẹn nhau tại cổng trại, còn với gia đình Trội, chúng tôi đưa đón vợ và con anh đi thăm chồng, thăm cha. Tất nhiên chúng tôi phải ngồi ngoài cổng trại trong thời gian gia đình các anh vào thăm. Cô Nguyễn Huyền Trang vợ Phạm Văn Trội kể, khi em nói anh và các anh chị đang ngồi ngoài cổng, anh vui lắm, biết anh chị em ở ngoài không bao giờ quên những tù nhân lương tâm đang phải chịu đựng nhiều gian khổ trong trại giam.

Trong câu chuyện với Trang trên đường về, có thể hình dung ra việc Trội và những anh em tù nhân lương tâm trong trại này đang gặp phải sự đối xử khắc nghiệt. Trang nói, mỗi lần gặp, gia đình được nói chuyện khoảng 1 giờ. Câu chuyện thì nhiều lắm, em có ghi lại cho khỏi quên thì sau đó trại giam bắt hủy nên kể lại không đầy đủ đâu. 

Theo lời Trang kể thì những tù nhân lương tâm ở trại này đều bị cô lập, không được tiếp xúc với những tù thường phạm khác vì họ sợ tinh thần của tù nhân lương tâm ảnh hưởng đến toàn trại. Các anh không được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Giờ giấc lao động cưỡng bức cũng rất căng, đúng 8 giờ 1 ngày. Hàng ngày đi làm sớm nên các anh phải dậy từ rất sớm để còn tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Công việc là làm đồ mây tre đan. Việc này tuy không vất vả nhưng rất độc hại vì nguyên liệu được ngâm tẩm chất hóa học. Nguyên liệu lại chất đầy trước buồng giam nên không chỉ lúc làm mà suốt ngày các anh hít phải hơi độc. Phòng giam ẩm thấp, bẩn thỉu và thiếu ánh sáng trầm trọng, vì nơi các anh đang ở bây giờ chính là khu biệt giam trước đây

Về sinh hoạt rất vất vả. Mùa đông trại không cho nhận chăn, quần áo rét người nhà gửi vào. Mỗi người chỉ được dùng 1 áo ấm. Đồ ăn cũng không được nhận của gia đình gửi vào mà phải mua của trại rất đắt, gấp nhiều so với giá thị trường. Đã phải mua đắt nhưng lại không ngon, chất lượng thế nào thì chịu thế. 

Anh em rất bức xúc về qui định vô lý của trại nên đã viết đơn gửi ban giám thị yêu cầu giải quyết nhưng 2 tháng tình hình vẫn thế và trại vẫn không có ý kiến gì về lá đơn ấy cả.

Trang nhận xét : "Trại này rất có kinh nghiệm quản lý tù nhân lương tâm anh ạ. Nó hành hạ về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly từng tí". Tôi hỏi sao họ kiểm soát được và kiểm soát như thế nào ? Cô kể tiếp :

Khi nói chuyện với anh Trội, anh luôn bị ngắt lời khi kể về tình hình sinh hoạt trong tù như thế nào. Anh Trội tỏ thái độ phản đối rất gay gắt. Anh bảo : "Tôi sẵn sàng hủy cuộc gặp hôm nay, tôi không cần gặp gia đình nữa nếu không cho tôi nói". Lúc ấy tay cán bộ đi kèm có nhiệm vụ canh chừng mới hạ giọng và cuộc nói chuyện mới tiếp tục.

Trang kể tiếp : "Khi nói chuyện, em có ghi chép lại những gì anh ấy nói vì em sợ không nhớ hết. Sau cuộc gặp, họ bắt em phải lên văn phòng gặp phó giám thị về việc em sử dụng giấy bút ghi chép trong khi thăm gặp, buộc em phải đưa cho họ xem nội dung ghi những gì và họ hủy trước khi em rời trại.

Em phản đối và nói không có quy định nào cấm ghi chép khi gia đình thăm gặp tù nhân, các anh làm như thế là bất chấp mọi qui định.

Thực ra giấy ấy chỉ ghi lại những gì anh Trội nói rất bình thường thôi nhưng họ làm rất gay gắt. Em ghi được nhiều nhưng chỉ nhớ được mấy ý thôi. Em nghĩ là họ sợ tất cả thông tin này bị mang ra ngoài".

Thì ra, lý do chúng tôi chờ mẹ con Trang rất lâu, từ 9 giờ 20’ tới gần 12 giờ mới thấy mẹ con cô ra là vì thế. Như vậy, việc thông tin giữa tù nhân và gia đình phải chịu 2 lần kiểm soát, một là can thiệp ngay nếu tù nhân nói ngoài ý muốn của họ, hai là không cho người nhà ghi chép lại để những chuyện trong trại giam không lọt ra ngoài.

"Em nghĩ những người tù nhân lương tâm như anh Trội không chỉ là trong cảnh tù đầy đâu mà tù trong tù luôn ấy anh ạ. Cho nên về mặt tinh thần của các anh ấy rất mệt mỏi. Anh Trội muốn nhấn mạnh là các anh bị họ cô lập, không cho tiếp xúc với tù thường phạm" - Trang nói. 

*

Trại giam Ba Sao nằm ở một vùng núi đá thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam nên thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng hơn những vùng bình thường khác, gọi là lam sơn chướng khí. Nơi đây đã từng giam hàng nghìn tù chính trị và quân cán binh Việt Nam cộng hòa. Những câu chuyện bi thương về số phận những người tù, Phạm Thanh Nghiên đã viết trong "Ba Sao chi mộ" và Thanh Trúc với bài "Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao" đăng ở RFA. 

Tuy không nên chỉ căn cứ vào "truyền thống" ấy để suy xét về những tù nhân lương tâm đang bị giam ở trại giam này, nhưng những gì mà Phạm Văn Trội thông tin cho thấy có nhiều điều rất đáng lo ngại cho các anh. Tôi đã tìm hiểu cuộc sống của tù nhân lương tâm ở nhiều trại giam thông qua câu chuyện với gia đình họ, hoặc chính tù nhân lương tâm khi ra tù kể. Mỗi trại giam có những khắc nghiệt khác nhau. Ở trại giam này, có những khắc nghiệt và vô lý riêng của nó. Lối hành xử không theo những qui định chung mà lại làm theo những gì họ muốn. 

Mỗi bản án, trước đoạn tuyên án đều có câu cần phải cách ly phạm nhân ra khỏi xã hội. Nếu chỉ hiểu theo như thế thì trong tù, quyền con người vẫn được đảm bảo. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc bị cầm tù, họ còn bị tước nhiều quyền khác và bị hành xử cực kỳ vô lý mà không biết kêu ai, trừ kêu với chính những kẻ đã hành hạ họ. Với trại giam Ba Sao, cơ sở nào mà họ ngăn cách tù nhân lương tâm với tù thường phạm ? Họ có quyền gì mà không cho tù nhân nhận đồ ăn từ gia đình để buộc phải mua hàng căn tin của trại, dùng căn tin làm công cụ bóc lột tù nhân, tùy ý định giá và chất lượng sản phẩm ? Lương tâm họ để đâu mà không cho tù nhân nhận quần áo chống rét từ gia đình ? Nếu trại giam Ba Sao làm việc đàng hoàng, tại sao phải cấm tù nhân kể thật về mọi việc diễn ra trong trại ?. Phải chăng, chuyện đày ải tù nhân là một bí mật quốc gia ?

Mới rõ hơn rằng, các anh chị em tù nhân lương tâm không chỉ bị tách ra khỏi xã hội mà còn bị trừng phạt, đày ải. Trong những ngày mưa phùn gió bấc với cái lạnh thấu xương như mấy hôm nay, nghĩ về các anh trong trại giam Ba Sao không đủ đồ chống rét mà rùng mình, thương các anh vô kể và cũng căm giận vô cùng những kẻ đang đày đọa các anh. Việc hành hạ những tù nhân nói chung và tù nhân lương tâm nói riêng mà ở đây là trại giam Ba Sao là những việc làm độc ác, cần phải có nhiều hơn sự lên tiếng của lương tâm tất cả mọi người.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 12/12/2018 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 13 décembre 2018 23:29

"Súc quyền" và nhân quyền

Như vậy là còn hơn một năm nữa, súc vật nuôi sẽ được hưởng "súc quyền" qui định ở Luật chăn nuôi vừa được quốc hội thông qua ngày 19/11/2018. Luật này hơn hẳn Pháp lệnh Giống vật nuôi mà nó sẽ thay thế về khoản đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, người chăn nuôi không được phép đánh đập hành hạ vật nuôi, vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh. Đến ngay cả khâu giết mổ, qui định cũng hết sức nhân đạo như hạn chế gây đau đớn, không để vật nuôi bị sốc về tâm lý (không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ)...

sucvat1

Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người. Hình : blog Nguyễn Tường Thụy

Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người.

Quy định vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh khiến tôi lại nghĩ đến từng đoàn dân oan khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngủ vật vờ ở vườn hoa, ở vỉa hè, thiếu thốn đủ mọi thứ. Đã thế, họ luôn bị xua đuổi, bị phun nước nước vào cơm và đồ ăn. Nhiều gia đình đang sống bình thường, bỗng nhiên bị đuổi ra khỏi nhà của mình để cưỡng chế mà không có cơ sở pháp lý nào. Khu 4,3 héc ta ở Thủ Thiêm là một ví dụ.

Ở khâu vận chuyển, vật nuôi cũng phải được đối xử nhân đạo như sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, gây sợ hãi cho vật nuôi. Điều khoản này làm ta lại nhớ đến Bùi Thị Minh Hằng bị "vận chuyển" từ trại Thanh Hà tận Phú Thọ bằng ô tô về Vũng Tàu. Chị cho biết, chị bị xích vào ghế ngồi trong suốt quá trình "vận chuyển" trong đau đớn, khó chịu và bức xúc tột độ.

Không được làm cho vật nuôi sợ hãi, trong khi nhiều người làm việc với công an dù đi theo giấy mời, giấy triệu tập hay bị bắt về đồn thường bị khủng bố tinh thần như quát tháo phủ đầu, đe dọa, chửi bới, lăng mạ. Trong nhiều cuộc biểu tình, không khí căng thẳng, sợ hãi mỗi khi bị đàn áp bốc lên ngùn ngụt.

Vật nuôi được phòng bệnh và trị bệnh trong khi những tù nhân lương tâm không được nhận chăn, áo ấm người nhà gửi trong những ngày mùa đông lạnh giá. Khi bị bệnh, không được chữa trị hay đi bệnh viện kịp thời. Cảnh 4,5 người chung một giường bệnh ở các bệnh viện là rất phổ biến.

Đọc đến đoạn không được đánh đập, hành hạ vật nuôi, tôi vẫn còn nguyên căm phẫn khi nghĩ đến hình ảnh Lê Quốc Quyết bị công an lôi từ trong nhà tôi ra ngoài sân. Một đám 5,6 tên tranh nhau đánh, giẫm đạp lên mình, lên đầu anh. Mặt mũi anh sưng vều, be bét máu. Còn chị Dương Thị Tân kể chị bị tên Nguyễn Quang Khoa trưởng công an xã Vĩnh Quỳnh quấn tóc mấy vòng dập đầu liên tiếp vào tường. Đấy là chuyện hôm chúng lùng sục để bắt Nguyễn Phương Uyên ngày 25/9/2013. Rồi hình ảnh Trương Văn Dũng bị đánh ngất trong trại Lộc Hà, máu me bê bết bị chúng khiêng ra vứt ở cổng trại ngày 2/6/2013 còn ám ảnh những người biểu tình chống Trung Quốc cho đến tận bây giờ. Ông Trịnh Xuân Tùng cha của Trịnh Kim Tiến bị công an đánh chết chỉ vì khi vào bến, xe chưa dừng hẳn đã bỏ mũ bảo hiểm ra. Kẻ đánh chết ông chỉ bị tù 4 năm. Giới luật sư cũng không được an toàn khi tham gia vào các vụ kiện được cho là "nhạy cảm". Họ bị đón đường đánh, bị tước tài liệu, bị cướp phương tiện hành nghề. Câu chuyện "bụi Chương Mỹ" giới quan tâm vẫn thường nhắc đến mỗi khi nói về tính nguy hiểm trong nghề luật sư...

Người ta rùng mình ghê sợ khi một báo cáo tại Quốc hội cho thấy chỉ trong 3 năm, có tới 226 người chết trong các trại tạm giam, tạm giữ.

Có quá nhiều ví dụ về công an đánh đập người vô cớ mà muốn lập hồ sơ đầy đủ thì phải tốn kém thời gian và dung lượng gấp nhiều trăm lần mấy cái gạch đầu dòng trên đây.

Trong các kỳ họp Quốc hội hàng năm, người ta bàn bạc, thảo luận đủ thứ thượng vàng hạ cám. Thế nhưng, không có phiên họp nào vấn đề vi phạm nhân quyền đang trở nên ngày càng trầm trọng được đề cập.

*

Câu chuyện về "súc quyền" đang râm ran trên mạng xã hội với đủ mọi chê bai, giễu cợt. Trong khi nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng, thì Quốc hội thông qua những qui định chặt chẽ về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi. Tôi không nói những qui định ấy là không cần thiết. Có điều là, khi đưa "súc quyền" vào luật, cần phải nghiêm túc xem xét xem nhân quyền đã đảm bảo chưa và cần đưa ra các biện pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền đã trở thành căn bệnh trầm kha.

Pháp lệnh Giống vật nuôi sẽ được thay bởi Luật chăn nuôi khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tại sao Luật chăn nuôi lại thêm hẳn một mục về "Đối xử nhân đạo với vật nuôi" ? Phải chăng, nhân quyền ở Việt Nam đã quá đẩy đủ nên người ta mới có thời gian quan tâm đến gia súc. Tôi cho rằng, chính vì Việt Nam luôn luôn bị nhắc nhở về nhân quyền nên họ mới đưa tinh thần "Đối xử nhân đạo với vật nuôi" vào luật. Để mỗi khi có ai đặt ra vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì đã có câu trả lời : Ở VN, vật nuôi còn được đối xử nhân đạo như thế, huống chi con người.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 13/812/2018 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Mỗi khi Việt Nam chiến thắng về môn bóng đá ở giải đấu nào, dù đá ở sân Mỹ Đình hay sân Thường Châu, hoặc ở sân nào đó, cơn bão ăn mừng chiến thắng đều nổ ra ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác.

ac1

Hình minh họa. Cổ động viên đổ ra đường phố Hà Nội sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Iraq ở giải Asian AFC U23 ở Trung Quốc hôm 20/1/2018 - AFP

Khi đó, với cổ động viên Việt Nam, Việt Nam là vô địch. Trong đầu họ, không chỉ vô dịch bóng đá (dù chỉ tưởng tượng) mà cái gì cũng vô địch. Cờ đỏ sao vàng đã đành, họ mang cả hình ông Hồ, ông Giáp ra để hù dọa thiên hạ.

Ngày hôm qua, sau chiến thắng lượt về trước Philippines cũng thế. Kết quả sự ăn mừng quá khích này là nhiều cổ động viên chết khi đi bão ăn mừng đội Việt Nam thắng.

Lo ngại rằng ngày 11/12 tới, sau trận chung kết lượt đi với Malaysia, nếu Việt Nam thắng sẽ chết nhiều hơn.

Đặc biệt, sau trận trận chung kết lượt về tổ chức ngay tại Việt Nam ngày 15/12, nếu Việt Nam thắng nữa thì sẽ ra sao. Sợ thật.

Trong khi, các cường quốc bóng đá hàng đầu địa cầu, cũng không có sự quá khích tới mức ấy.

Điều rất lạ là, thực tế ấy, Liên đoàn bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có một khuyến cáo nào.

Báo chí Việt Nam cũng thế.

Lãnh đạo, quan chức Việt Nam không cũng không đưa ra một cảnh báo nào về cái sự ăn mừng quá khích.

Các ông rất vô trách nhiệm và vô cảm.

Các ông ác lắm, vô cảm lắm và đểu lắm.

ac2

ac3

ac4

ac5

ac6

ac7

Hình như các ông cũng ủng hộ việc ca ngợi hết mình vì chiến thắng của Việt Nam, và muốn cổ động viên điên hơn nữa để quên đi hiện thực đau đớn mà ở mặt nào của xã hội đều có. Còn thằng nào chết kệ chúng nó.

Giải thích tại sao, bóng đá Việt Nam mới gọi là có vị trí ở khu vực mà đã điên lên thế, có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chẳng hơn thiên hạ được cái gì, cho nên chỉ hơn chút về bóng đá mới điên lên như vậy. Họ không tìm ra được niềm vui nào từ hiện thực đau khổ ở xã hội này nên mới hơn người chút thì tranh thủ để vui, để tự hào. Đây là một tâm lý có thật.

Khi lên cơn cuồng như vậy, họ cố quên hết những gì tủi nhục, hổ thẹn của Việt Nam so với thế giới.

Kể cả khi không có gì thì họ bung lên một lá cờ đỏ sao vàng khi thiên hạ ghi bàn thắng ở một giải đấu chẳng liên quan gì đến Việt Nam rồi la lên : "Tự hào quá Việt Nam ơi" thì đủ biết sự trơ trẽn đã ở mức nào.

Những việc đó diễn ra bởi hàng trăm nghìn người, trong khi chỉ 4 người giăng biểu ngữ ủng hộ Huỳnh Thục Vy ở vỉa hè đường phố thị xã Buôn Hồ cũng đòi về đồn để "làm rõ" vì tội tụ tập đông người.

Cần cảnh giác trước mưu mô lấy chiến thắng bóng đá để để lấp liếm đi sự khốn nạn ở đất nước đau khổ này.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 08/12/2018

Published in Diễn đàn

Qua 18 ngày xét xử, giai đoạn đoạn đầu của phiên tòa vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ đã kết thúc. Phan Văn Vĩnh bị kết án 9 năm tù giam còn Nguyễn Văn Hóa 10 năm cho tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". 

danhbac1

Trong giai đoạn này, tòa chưa đả động gì đến hành vi nhận hối lộ của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa (theo lời khai của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam).

Nguyễn Văn Dương được miễn truy cứu trách nhiệm tội đưa hối lộ tại điểm c, khoản 2 Điều 29 và đoạn 2 khoản 7 Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể là : 

Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Những điều luật này nhằm khuyến khích việc tố giác tội phạm.

Cần phải đưa ra căn cứ pháp luật như vậy, chứ không thể nói chung chung như những ngày đầu của vụ án là "thực hiện chính sách khoan hồng của nhà nước", gây nên sự bất bình của báo chí và dư luận.

*

Khi phiên tòa bắt đầu, trả lời BBC, Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng dường như cơ quan điều tra đã bỏ sót một số tội danh với Vĩnh và Hóa, không loại trừ xem xét vai trò đề xướng tổ chức đối với hai bị cáo này. Ban đầu, Hóa bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc nhưng khi ra tòa thì lại xử theo tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Nhưng tội này mới là lớn, đó là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương khai đưa hối lộ cho Vĩnh và Hóa, nếu qui ra VND thì lên tới cả trăm tỷ đồng. 

Theo khoản 4 điều 354 Bộ luật hình sự 2015 thì của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Trong quá trình điều tra, Vĩnh và Hóa không thừa nhận hành vi nhận hối lộ này. Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho biết, trong giai đoạn 2 của vụ án, sẽ tiếp tục làm rõ hành vi nhận hối lộ của Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.

Những người quan tâm đến vụ án đều tin ở lời khai đưa hối lộ của Dương và Nam. Vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra, công tố và Hội đồng xét xử có quyết tâm và có làm rõ được hành vi nhận hối lộ của Vĩnh và Hóa hay không. Nếu không làm ra được thì nó chứng tỏ một nền pháp luật có kẽ hở quá lớn, hoặc năng lực của cơ quan điều tra kém hoặc là chủ trương cho chìm xuống.

Đã có nhiều vụ án về tội nhận hối lộ. Trên thực tế, hiếm khi kẻ nhận hối lộ thừa nhận hành vi của mình. Hành vi nhận hối lộ thường không có biên nhận, không có video làm bằng chứng. Tuy nhiên, cuối cùng, kẻ phạm tội cũng phải thừa nhận. Bằng cách như thế nào để bị can nhận tội, cơ quan điều tra biết rõ nhất. Còn nhớ trong vụ Năm Cam, có một vị ủy viên trung ương nhận hối lộ 11500 USD và 100 triệu đồng, dù không nhận tội nhưng vẫn lãnh án 9 năm tù giam. Không lẽ, vụ này họ lại chịu bó tay.

*

Vụ Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa nghiêm trọng hơn vụ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Nếu Thăng và Thanh phạm tội cố ý làm trái và tham ô tài sản thì đây là tội tổ chức đánh bạc sử dụng công nghệ cao ở ngay cơ quan phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Số tiền chiếm đoạt là rất lớn, tới gần 10 nghìn tỷ đồng và thu hút tới 43 triệu tài khoản tham gia. Số tiền đưa, nhận hối lộ cũng rất lớn. Vĩnh và Hóa so với Thăng, Thanh còn táo tợn hơn, gây ảnh hưởng nhiều hơn. Xét về ý nghĩa và cả số tiền chiếm đoạt thì nó kinh khủng hơn vụ Đinh La Thăng rất nhiều. Không lẽ Thăng chịu án 31 năm, Thanh bị 2 án chung thân mà vụ này mức án chỉ có thế. 

Theo dõi diễn biến tại tòa thì thấy hai cựu tướng này được cư xử khá nhẹ tay. Vì vậy, Vĩnh mới đòi kháng cáo, cho rằng bản án 9 năm là quá... nghiêm khắc, theo kiểu được voi đòi... Hai Bà Trưng. 

Nếu như xử Thăng và Thanh bằng tất cả sự nghiêm khắc của pháp luật thì với Vĩnh và Hóa, người ta có cảm giác như thể đối với người đồng chí trót mắc sai lầm.

Từ khi Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Văn Hóa bị bắt, người dân rất phấn khởi theo dõi vụ án này. Hiện nay, vì mới kết thúc giai đoạn 1 nên còn phải chờ đợi và có thể sự chờ đợi này chấm dứt bằng một sự chưng hửng. Án 9 và 10 năm cho hai cựu tướng công an hẳn mới chỉ là một phần so với tội mà 2 bị cáo này gây nên. Nếu phiên tòa đi vào bế tắc thì đây là một thất bại của công lý. Quan tham cứ việc yên tâm nhận hối lộ vì không có bằng chứng nào. Và người ta nghĩ ngay đến cái lò của ông Trọng, nó cháy bằng củi nói chung hay củi có lựa chọn.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 03/12/2018 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Ngày 22/11/2018 tới đây, tòa án thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk đưa Huỳnh Thục Vy ra xét xử với cáo buộc xúc phạm quốc kỳ theo điều 276 BLHS 1999 (điều luật tương ứng là Điều 351 BLHS 2015).

vy1

Huỳnh Thục Vy và lá cờ bị bôi bẩn

Trước hết, xin hệ thống lại những diễn biến xung quanh sự kiện này :

- Ngày 1/9/2017, Huỳnh Thục Vy xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng, cô chụp hình và chủ động đưa lên mạng.

- Ngày 13/10/17, công an thị xã Buôn Hồ đưa giấy triệu tập thứ nhất về sự việc này và tới ngày 20/6/2018 triệu tập lần thứ 4. Thái độ của Huỳnh Thục Vy là không có việc gì phải đi gặp dù triệu tập bao nhiêu lần đi nữa. Theo cô thì không có việc gì cần đối thoại với công an. Cô cho biết chưa bao giờ có tham vọng đối thoại để tìm được sự đồng thuận nào với họ, cũng chẳng hy vọng khai mở đầu óc cho họ và cô chấp nhận đi tù nếu nhà cầm quyền muốn. Bốn lần khước từ lệnh triệu tập dẫn đến việc cưỡng bức cô vào ngày 9/8/2018.

- Ngày 9/8/2018, khoảng ba chục công an, danh nghĩa là công an thị xã Buôn Hồ nhưng có cả công an Bộ tham gia, khám xét nhà Huỳnh Thục Vy.

Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều tra Thị xã Buôn Hồ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đến 9/10 (1 tháng) đồng thời ra ra quyết định khởi tố bị can và được VKS phê chuẩn cùng ngày.

Sau 15 giờ bắt giữ, công an thả Huỳnh Thục Vy ra, sau khi đã giao các lệnh và quyết định nói trên.

- Ngày 2/11/2018 Tòa án Thị xã Buôn Hồ ký lệnh cấm Huỳnh Thục Vy đi khỏi nơi cư trú từ 6/11 đến 1/12/2018.

- Ngày 8/11 Tòa án Thị xã Buôn Hồ quyết định đưa vụ án ra xét xử vào 7g30’ ngày 22/11/2018.

Kê ra chuỗi sự việc này để thể thấy Huỳnh Thục Vy là người chủ động tạo ra sự kiện và bình thản đối mặt với mọi hậu quả sẽ xảy ra. 

Bày tỏ về quan điểm đối với lá cờ đỏ sao vàng, Huỳnh Thục Vy cho rằng nó là một biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức ngồi lên đầu 90 triệu người dân Việt Nam, là sự độc tài, độc đoán phi dân chủ, phản nhân dân.Cờ đỏ là biểu trưng cho sự đàn áp và độc tài. Chống độc tài thì tất nhiên chống lại mọi biểu tượng của nó.

Vì vậy, hành động xịt sơn lên lá cờ là để biểu đạt thái độ của cô chống lại biểu tượng đó, chống lại sự cai trị độc đoán của Đảng cộng sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam.

Ngược lại, với lá cờ Việt Nam Cộng Hòa, Huỳnh Thục Vy lại công khai ủng hộ và bày tỏ tình cảm đối với lá cờ này. Cô may áo dài, áo khoác, cà vạt với biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ, trực tiếp sử dụng và để bán với mục đích vượt ra khỏi việc kinh doanh thông thường.

Có người cho rằng, Huỳnh Thục Vy dại dột, sai lầm. Không thể nói cô dại dột, sai lầm khi việc cô làm có chủ ý, có tính toán và lường trước được việc xảy ra. Nói dại dột hay sai lầm thì phải có đại lượng so sánh, vì với mỗi người có quan điểm, bản lĩnh hoặc khôn dại khác nhau. Đánh giá một việc làm dại dột,sai lầm cần phải so sánh với mục đích của nó. Ví dụ, với người chỉ biết lo an toàn cho bản thân thì đó là sự dại dột, nhưng với người can đảm và có mục đích rõ ràng thì không thể nói là sai lầm hay dại dột.

Với Huỳnh Thục Vy, mỗi công việc cần nhắm đến không chỉ một, mà hai, ba mục tiêu. Ở đây, ngoài biểu thị thái độ đối với lá cờ, cô còn muốn thức tỉnh người dân không phải sợ hãi về những biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam. Huỳnh Thục Vy đã tự nhận lấy sứ mạng phải hạ bệ biểu tượng ấy. Cô cho rằng : "Nếu có anh chị em nào nghĩ rằng tôi dại dột vì chạm đến vụ cờ quạt để dẫn đến việc bị truy tố thì quả thật anh chị em đã coi thường mọi nỗ lực tranh đấu cho tự do và nhân quyền của tôi trong 10 năm nay".

*

Sau khi Huỳnh Thục Vy bị khởi tố, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho cô. Bà Clare Algar, Giám đốc phụ trách điều phối toàn cầu của tổ chức này nói : "Vụ bắt bớ này không gì khác ngoài mục đích chính trị nhằm dập tắt một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho nhân quyền ở Việt Nam".

Một số bài viết phân tích khía cạnh pháp lý liên quan đến hành vi biểu đạt của Huỳnh Thục Vy. Có ý kiến cho rằng, muốn xử Huỳnh Thục Vy theo điều 276 cần phải có chứng lý cụ thể chứ không thể phán xét một cách tùy tiện, mơ hồ. Có ý kiến cho rằng, hành vi của Huỳnh Thục Vy phù hợp với quyền tự do biểu đạt theo luật nhân quyền quốc tế. Trong một bài viết, sau khi phân tích, tác giả Phạm Lê Vương Các cho rằng "việc các quốc gia đặt ra các luật về tội "không tôn trọng cờ và các biểu tượng" là không phù hợp với điều 19 của Công ước về quyền tự do biểu đạt" và xác định "hành vi của Huỳnh Thục Vy là không có tội. Điều 276 Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội "xúc phạm quốc kỳ" là không phù hợp với khoản 2, điều 19 của ICCPR (Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị về quyền tự do biểu đạt). Việc hình sự hóa hành vi xúc phạm quốc kỳ của Việt Nam đã vượt quá phạm vi cho phép của khoản 3, điều 19, ICCPR".

*

Huỳnh Thục Vy là một thành viên trong gia đình có tới 3 người hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Cha cô, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn từng bị kết án 10 năm tù vào năm 1992 vì những bài viết kêu gọi tự do, dân chủ. Năm 2012, hai cha con cô được tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett (sau đó, em trai cô là Huỳnh Trọng Hiếu trên đường đi Mỹ để nhận giải thay cho cha và chị thì bị chặn xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu). Năm 2011, gia đình cô bị phạt hành chính trên 260 triệu đồng với hành vi được cho là làm ra, tán phát, tàng trữ tài liệu có nội dung chống chính quyền.

Huỳnh Thục Vy tham gia sáng lập Hội Phụ nữ nhân quyền. Cô là tác giả cuốn sách "Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền" với nội dung tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Huỳnh Thục Vy được biết đến như một blogger có quan điểm đấu tranh hết sức thẳng thắn, rõ ràng và dứt khoát. Sự việc xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng cho ta thấy Huỳnh Thục Vy đã chủ động tạo ra sự kiện, chủ động đưa thông tin lên mạng còn công an, viện kiểm sát và tòa án thì chạy theo sự kiện ấy để... giải quyết. Sự kiện này làm ta liên tưởng đến việc Lê Anh Hùng cũng từng chủ động tạo ra sự kiện để công an bắt vào ngày 5/7/2018 và sau đó khởi tố anh về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ"... Đây là hành động của những con người dũng cảm và bản lĩnh, biết rõ những gì sẽ xảy ra đối với mình từ hành vi cụ thể ấy, chấp nhận nó để nhằm vào một chủ đích có tính toán.

Kết

Bài viết gọi là lá cờ đỏ sao vàng chứ không gọi là quốc kỳ vì người viết đồng ý với quan điểm của Huỳnh Thục Vy. Quan điểm về lá cờ này không phải chờ đến Huỳnh Thục Vy mới được đặt ra. Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc thời kỳ 2011, 2012 cũng đỏ rực màu cờ và rất nhiều ảnh Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Cùng với lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng là biểu tượng của chế độ. Tuy nhiên, sau đó những hình ảnh này đã vắng hẳn, thay vào đấy là các biểu tượng phản ảnh của cuộc biểu tình với những khẩu hiệu với các gam màu khác như xanh, vàng...

Ngay cả những cuộc biểu tình của dân oan họ cũng không còn đem theo cờ quạt mà chỉ là những biểu ngữ đòi những gì bị cướp. Như vậy, vấn đề biểu tượng của chế độ, những người đấu tranh đã nhận thức được từ lâu. Còn hành động của Huỳnh Thục Vy là mang tính đột phá, tạo ra một bước ngoặt. Thay bằng thông điệp chúng tôi không sử dụng nó thì thông điệp của Huỳnh Thục Vy là không thừa nhận và phế bỏ nó.

Huỳnh Thục Vy đang bình thản đối mặt những gì xảy ra đối với cô trong phiên tòa ngày 22/11 tới. Sự bình thản đến lỳ lạ ấy khiến nhiều người ngưỡng mộ và nể phục. Nhưng tin chắc rằng, cái giá mà mình cô phải trả sẽ đổi lấy cái lớn hơn nhiều cho đất nước và dân tộc này, mà cụ thể ở đây là người dân sẽ bớt sợ hãi những gì là biểu tượng của Đảng cộng sản Việt Nam mà họ áp đặt và bắt người khác tôn sùng.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : VNTB, 20/11/2018

Published in Diễn đàn