Ở thế giới này, đâu chỉ có mình Việt Nam và Trung Quốc mà còn có cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Việt Nam không chỉ nhường nhịn mãi, lùi mãi. Chính sự hèn yếu, bạc nhược mới khó tránh khỏi chiến tranh.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương (Nguyễn Trãi)
Hôm 21/7 vừa rồi, có một video xuất hiện trên mạng facebook không rõ nguồn gốc gây phẫn nộ từ những người Việt Nam yêu nước. Video này không rõ nguồn gốc, chỉ biết đó là một live stream nào đó, nhưng hình ảnh người thuyết trình và lời nói đều rõ ràng. Đó là một người đàn ông, mang quân phục đại tá quân đội. Khả năng người này đang tại ngũ, vì nếu đã về hưu mà vẫn mang quân phục, quân hàm quân hiệu là sai qui định, trừ những dịp lễ tết hay đi hội họp (ông Võ Nguyên Giáp đeo quân hàm đại tướng sau khi thôi chức bộ trưởng quốc phòng, cả khi trên giường bệnh là... sai. Người ta không dám hoặc không nỡ nói mà thôi). Vì không rõ danh tính nên trong bài viết tạm gọi nhân vật trong video là Y với nghĩa ẩn danh.
Live tream thường mang tính cá nhân nhưng nội dung và cách nói của Y lại giống như phát biểu của một báo cáo viên tuyên giáo. Tựu trung, trong video này, y đề đề cao sức mạnh của Trung Quốc, kêu gọi chấp nhận việc Trung Quốc cướp biển đảo, gây hấn đối với Việt Nam trên Biển Đông.
Đầu tiên Y không quên chửi người phản đối Trung Quốc là bọn phản động :
"Một số bọn phản động nuôi hận thù khấy động vào chuyện chúng ta mất biển đảo. Nói là yêu nước nhưng thực chất chúng muốn quay lại thời kỳ chiến tranh để chúng ta lại phải đau thương, lại phải mất mát, không phải yêu nước gì cả, chúng chỉ lấy cớ thôi".
Y căn cứ vào đâu mà cho rằng những người lên tiếng phản đối Trung Quốc là phản động, muốn gây chiến tranh ? Chẳng lẽ, Tổ quốc bị xâm lăng, không có quyền chống lại ? Lên đến đại tá quân đội, chẳng lẽ y không hiểu được thế nào là chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống xâm lược ?
Y vin vào việc cần hòa bình để phát triển đất nước. Nhưng nếu hèn yếu trước kẻ thù, không dám chống lại quân xâm lược thì có giữ được hòa bình không. Nay nó cướp một đảo, không dám kháng cự, không dám phản đối thì mai nó cướp tiếp. Hết đảo mục tiêu ắt là đất liền. Trong những tình huống ấy, cứ ngồi im không dám mở miệng rồi sẽ có hòa bình sao ?
Y hèn yếu, khiếp sợ thì hãy hèn yếu, khiếp sợ một mình thôi. Một kẻ đào ngũ ảnh hưởng không nhiều cuộc chiến. Nhưng đằng này, y lại tuyên tuyền để người khác cũng hèn yếu và khiếp sợ như y.
Y an ủi, những hòn đảo vì xa khơi, không dính vào đất liền mới chịu mất, chứ nếu là đất liền thì đâu chịu :
"Tôi nói đây không phải là chúng ta sợ nhé. Hoàng Sa, Trường Sa xa đất liền, ví dụ nó gắn với đất liền mà xem, ta có để yên không ? Không bao giờ"
Chẳng lẽ y không biết rằng bản đồ Việt Nam kể từ thời cộng sản đã co lại ở biên giới phía Bắc, như Thác Bản Giốc, ải Nam Quan, ở những điểm cao và nhiều vùng biên khác ? Nó cũng là đất liền đấy.
Y bảo Trung Quốc nó đông gấp 14 lần nước ta rồi dọa :
"Đối tượng lớn như vậy chúng ta có khả năng đương đẩu nổi không hay là cuối cùng lại đi vào chỗ chiến tranh, lại mất mát".
Y cần phải biết, khi cha ông đánh thắng quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên, quân Minh thì nước Đại Việt mới chỉ bằng nửa nước Việt Nam bây giờ.
Trong lịch sử chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược Trung Quốc, nước ta luôn nhỏ so với Trung Quốc vài chục lần. Chẳng lẽ y không biết đến điều ấy.
Y hy vọng một cách ngây thơ, trẻ con rằng đến khi nào Trung Quốc tỉnh ngộ, nhận ra cái sai thì sẽ đem đảo trả cho ta !?
Y nhắc tới việc Trung Quốc cướp Hoàng Sa năm 1974 và hàm ý chê Việt Nam Cộng hòa không đủ khả năng lấy lại. Nhưng hỏi y, khi đồng bào miền Nam biểu tình phản đối Trung Quốc cướp Hoàng Sa thì có bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa đàn áp không ?
Không chỉ khuyên người khác im miệng, Y còn có ý khuyên cả nhà nước Việt Nam đừng kiện Trung Quốc ra quốc tế bằng cách đem Philippines ra dọa :
"Đảo cạn Philippines đấy, tòa án quốc tế phán rồi đấy, đã quyết định rồi đấy nhưng Trung Quốc nó có thực hiện đâu, thậm chí còn mạnh làm mạnh hơn, công khai hơn".
Những điều Y nói không có gì mới. Những luận điệu này xuất hiện từ khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Chỉ khác là những điều ấy trước đây người ta chỉ dám nói nhỏ với nhau, trong phạm vi vài người thì nay y la toáng lên và thành bài vở hẳn hoi, dùng phương tiện truyền thông có khả năng lan tỏa rộng rãi.
Ngoài Y ra, còn nhiều luận điệu khác đang lan truyền một cách nguy hiểm.
Khi nhắc đến những vùng đất bị mất, không chối cãi được thì có ngụy biện đổi đất lấy hòa bình. Ai lên tiếng thì qui cho họ là kích động chiến tranh.
Tuyền truyền, đề cao sức mạnh của Trung Quốc, công nhận Trung Quốc xấu xa nhưng tự an ủi không có ai chọn được láng giềng. Trung Quốc có biên giới chung với 14 nước chứ đâu chỉ giáp với mỗi Việt Nam. 13 nước còn lại, đâu phải nước nào cũng bạc nhược, khiếp sợ Trung Quốc như vậy. Trung Quốc là láng giềng với Việt Nam ngay từ thời lập quốc, từ thời quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh tháo chạy khỏi Việt Nam chứ đâu phải từ thời cộng sản thì Trung Quốc mới là láng giềng.
Ở đây cần nói rõ, không có ai yêu cầu Việt Nam phải mang quân đi đánh Trung Quốc. Nhưng nhân dân cần một quân đội đủ sức mạnh vật chất và tinh thần để bảo vệ Tổ Quốc. Chẳng lẽ vì kẻ thù mạnh nên khi nó đưa quân đến xâm lược thì phải qui hàng ?
Đúng là nhà nước Việt Nam bây giờ không muốn chiến tranh với Trung Quốc. Nhân dân cũng không muốn. Nhưng khi đưa ra lý do cần hòa bình để xây dựng đất nước thì họ trả lời ra sao về cuộc chiến tranh Nam - Bắc 1955-1975 làm chết khoảng 5 triệu binh lính và dân thường ?
Muốn hòa bình không có nghĩa là phải tỏ ra hèn yếu, bạc nhược. Trong quan hệ bang giao, các nước lớn bé đều bình đằng.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương
Nguyễn Trãi
Lịch sử đã ghi nhận những câu chuyện tiền nhân đối đáp dõng dạc, thông minh và đầy bản lĩnh khi đi sứ sang Trung Quốc. Những câu chuyện đi sứ của Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Biểu làm người đời sau vô cùng tự hào và khâm phục về khí phách của cha ông ta trước đối thủ khổng lồ. Những người biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 đã giương cao biểu ngữ ghi câu nói của Mạc Đĩnh Chi để nhắc nhở kẻ thù : "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng". Đáng tiếc rằng, nhà cầm quyền đã dẹp thành công biểu tình chống Trung Quốc. Họ luôn tự đặt mình ở thế yếu, thế bị lệ thuộc đối với Trung Quốc.
Vietnamnet hôm nay có bài rất đáng để các lãnh đạo, các nhà ngoại giao Việt Nam đọc 'Nhịn để được yên ổn' làm giảm sức mạnh của Việt Nam.
Theo đó, ‘Chủ tịch Viện Michael Dukakis, cựu Thống đốc bang Massachusetts, Hoa Kì ông Michael Dukakis cho rằng, mọi sự né tránh, sợ sệt, ngụy biện, "nhịn để được yên ổn" của chúng ta đều không phù hợp, không hiệu quả’.
Ông nhấn mạnh rằng : "Việt Nam có thể xác lập vị thế với cả Mỹ và Trung Quốc một cách mạch lạc, rõ ràng"
Ông Michael Dukakis nói đến vai trò của mỗi quốc gia trong cộng đồng quốc tế, dù nhỏ hay lớn. "Thế giới cần có chuẩn mực, các quốc gia cần liên kết trên một chuẩn mực chung", "không để các nước nhỏ bị nước lớn bắt"
Tuy nhiên, bài viết đã sửa tít và bỏ những câu liên quan đến nội dung của tít cũ. Nhưng trang Nguyễn Xuân Phúc đăng lại bài này vẫn để nguyên.
Ở thế giới này, đâu chỉ có mình Việt Nam và Trung Quốc mà còn có cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Việt Nam không chỉ nhường nhịn mãi, lùi mãi. Chính sự hèn yếu, bạc nhược mới khó tránh khỏi chiến tranh.
Trở lại video live stream nói trên. Bằng những ngụy biện và lập luận bừa bãi, ngô nghê, Y tuyên truyền về sức mạnh của Trung Quốc hòng làm rệu rã tinh thần của người lính. Truyền thống chống ngoại xâm, tinh thần quật cường của dân tộc đang bị những kẻ như y làm xói mòn. Không chỉ nói với một vài người, mà bằng hình thức live stream, y đã ngang nhiên, công khai tuyên truyền rộng rãi, đề cao sức mạnh của đối phương lấy đó làm con ngáo ộp hòng làm tê liệt tinh thần sĩ quan và chiến sĩ trong quân đội và nhân dân.
Khi live stream y không dùng đại từ tôi (tôi cho rằng, tôi hiểu...) mà luôn dùng đại từ "chúng ta" thậm chí "đảng ta". Vậy chúng ta là ai ? Điều này rõ ràng y làm cho mọi người hiểu đó là quan điểm của nhà nước.
Những điều y nói ra có phải thuộc sách lược của Nhà nước Việt Nam không và y có được quyền nắm giữ không. Nếu đúng là sách lược của nhà nước y được quyền biết mà lại đi phổ biến công khai như thế thì rõ ràng y phạm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước (điều 337). Tất nhiên, một nhà nước như vậy là nhà nước vứt đi.
Xem xong clip này mà tôi cảm thấy vừa giận run người, vừa nhục nhã ê chề thay cho những kẻ đang mang quân phục của cái gọi là "quân đội nhân dân".
Đề nghị cơ quan chức năng điều tra xem y làm việc cho ai, có quan hệ gì với tình báo Hoa Nam hay phe nhóm bán nước không ? Nếu đủ bằng chứng thì khởi tố, có thể về các tội chẳng hạn phá hoại chính sách đoàn kết, cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội gián điệp.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 27/07/2019
Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam đang bế tắc về cả lý luận và thiếu về thực tiễn. Những vấn đề đấu tranh giai cấp, giá trị thặng dư không còn đứng được. Nhiều luận điểm cốt lõi tạo nên chủ nghĩa Mác Lênin đã phải loại bỏ trong thực tiễn như nền kinh tế tập trung, bao cấp, chức năng kinh tế của nhà nước bị thu hẹp, chấp nhận kinh tế thị trường dẫu vẫn còn cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện thực xã hội và sự bế tắc trong hướng giải quyết lại càng không thể chứng minh cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Nhà nước cộng sản Việt Nam tập hợp những người trẻ tuổi ngộ độc ảo thuyết cộng sản, trang bị cho họ chiếc áo đỏ lòm màu máu và lá cờ lênh láng màu máu, đẩy họ ra đối mặt với người dân…
"Thế lực thù địch" tấn công
Trước đây, trên mặt trận truyền thông, Đảng cộng sản Việt Nam một mình một sân. Nhà nước quản lý tất cả các thể loại báo chí như báo in, báo nói, báo hình, báo ảnh, sân khấu, điện ảnh... Lại có cả một hệ thống báo cáo viên khoác lác đi khắp các cơ sở nói những chuyện mà nếu đăng báo dễ bị bắt bẻ. Vì chỉ có thông tin một chiều nên với người dân nói sao biết vậy. Những thông tin "vỉa hè" trái chiều chỉ có ý nghĩa đối với một số rất ít những người có tư duy cấp tiến và nhạy bén về chính trị. Vì vậy, mới có câu "đài bảo, báo đăng", "cãi đài à ?". Đài báo đã nói là phải đúng.
Tình hình thay đổi một cách ngoạn mục từ khi Việt Nam hòa vào mạng Internet toàn cầu (1997). Sang thế kỷ 21 ngày càng nhiều người sử dụng Internet, thậm chí coi internet là một phần của cuộc sống. Theo số liệu báo cáo từ tổ chức We Are Social, tính đến tháng 01 năm 2018, cách nay 1 năm rưỡi, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng internet, tức là 2/3 dân số. Thông tin đa chiều trên mạng Internet khiến Đảng cộng sản Việt Nam không kiểm soát nổi và không còn độc quyền thông tin nữa.
Thông tin đa chiều làm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và tinh thần của con người, đặc biệt là các vấn đề chính trị, xã hội theo hướng bất lợi cho thể chế chính trị.
Tại hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương hôm 5/7, Võ Văn Thưởng, trưởng ban tuyên giáo Trung ương thừa nhận trong đảng có nhiều "cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa".
Võ Văn Thưởng cũng nhận ra "thế lực thù địch" sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn "muôn hình vạn trạng". Tuy nhiên, những giải pháp mà ông ta nêu ra lại rất chung chung, quen thuộc như thể trích trong những nghị quyết đảng trước đây, khó có thể làm thay đổi tình hình.
*
Võ Văn Thưởng khẳng định tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề cấp bách. Ai cũng hiểu, nền tảng tư tưởng mà ông ta nhắc tới ở đây là chủ nghĩa Mác Lênin.
Ngay từ giữa thế kỷ trước, Chủ nghĩa Mác Lênin đã bộc lộ ra những khiếm khuyết thể hiện ở các quốc gia đi theo và vận dụng học thuyết này. Cho đến cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khối xã hội chủ nghĩa đã đồng loạt sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu. Vì vậy, việc bảo vệ cái nền tảng tư tưởng này vất vả là phải.
Vẫn bổn cũ, Võ Văn Thưởng đổ cho các "thế lực thù địch". Có lẽ chỉ ở Việt Nam, mọi khiếm khuyết, kém cỏi xảy ra người ta đều đổ tất cả cho các thế lực thù địch.
Đúng là có một trào lưu tấn công vào chủ nghĩa Mác Lê nin, không phải bây giờ mới có và tất nhiên, tấn công cả những người bảo vệ nó. Có hai yếu tố cần thiết khi tranh luận một vấn đề là lý luận và thực tiễn. Thực tiễn là cơ sở của lý luận và lý luận soi đường cho thực tiễn.
Hiện nay, Đảng cộng sản Việt Nam đang bế tắc về cả lý luận và thiếu về thực tiễn. Những vấn đề đấu tranh giai cấp, giá trị thặng dư không còn đứng được. Nhiều luận điểm cốt lõi tạo nên chủ nghĩa Mác Lênin đã phải loại bỏ trong thực tiễn như nền kinh tế tập trung, bao cấp, chức năng kinh tế của nhà nước bị thu hẹp, chấp nhận kinh tế thị trường dẫu vẫn còn cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện thực xã hội và sự bế tắc trong hướng giải quyết lại càng không thể chứng minh cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Vì vậy, chống đỡ với cái gọi là "thế lực thù địch" là một việc vô cùng khó khăn. Tại hội nghị này, Võ Văn Thưởng than : "người đấu tranh bảo vệ và phản bác lại thụ động hơn, lại phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ, chính sách"
Ai ngồi chờ chế độ, chính sách ?
Những người Võ Văn Thưởng vừa nhắc đến là ai ?. Vì yêu cầu phải phản bác, phải định hướng, ắt những người này làm công tác tuyên truyền, tức là do tuyên giáo quản lý về "nghiệp vụ".
Còn ai là người "chờ chế độ, chính sách" ? Hẳn không phải những người làm công việc tuyên giáo đã có vị trí ở các cơ quan đảng hay bộ máy hành chính có lương bổng hậu hĩnh. Họ có nhiệm vụ cụ thể, chứ không phải bám mạng cãi nhau với "thế lực thù địch".
Vì vậy, những người "chờ chế độ, chính sách" chỉ có thể là lực lượng dư luận viên.
Cư dân mạng không ai còn lạ về lực lượng này, thường gọi là đám "ba củ" Cái gọi là "bút chiến" của đám này chỉ là những câu vỡ lòng, tầm cỡ như "không có bác thì làm sao có chúng mày"... mà ai cũng dễ dàng phản biện. Bí quá thì đám này "phản biện" bằng cách : "Đồ phản động !" "Đm mày !".
Một số dư luận viên có trình độ cao hơn một chút thì được giao lập những trang blog với các "nghiệp vụ" như bịa đặt, xuyên tạc, photoshop hình ảnh nhằm bôi nhọ những người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền.
Các trang blog này không công khai danh tính, thường ký tên bằng những bút danh vu vơ nào đó và ban biên tập cũng không có nốt. dư luận viên cấp thấp chuyên đi comment chửi dạo cũng thế.
Khả năng "bút chiến" trên mạng của dư luận viên cho thấy, bút chiến" không phải là việc đơn giản, dễ dàng. Nó có 2 nguyên nhân :
- Thứ nhất là trình độ của dư luận viên rất thấp. Tư cách lại càng không có.
- Thứ hai, điều này quan trọng hơn, là rất khó bảo vệ những gì mà Đảng cộng sản Việt Nam đang làm và đang tuyên truyền.
Vì vậy, dư luận viên mệt mỏi, chán chường là điều dễ hiểu. Không có lẽ phải thì bênh vực cũng khó lắm chứ. Cố lắm thì chỉ biết chửi là cùng. Khi "chế độ, chính sách" được đảm bảo thì đám này còn chửi cho đủ chỉ tiêu, còn nếu chậm hoặc không có thì uể oải hay nằm im.
Ngược lại, những người đấu tranh chẳng có bất cứ chế độ gì ngoài chuyện nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào nhưng họ vẫn đưa ra những thông tin khách quan, những lập luận sắc bén còn tinh thần thì không mệt mỏi. Cái họ khác với dư luận viên là ở chỗ ấy.
Về phía trả lương cho lực lượng "ba củ" có lẽ họ cũng nhận ra điều này. Phải nói việc sử dụng dư luận viên là hại nhiều hơn lợi. Việc chửi tục, cãi cùn, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ người khác thô thiển tới mức không ai tin, không cần kiểm chứng đã làm mất mặt đảng vì ai cũng biết dư luận viên là sản phẩm của đảng. Nói cách khác, người ta nhìn vào dư luận viên thì thấy bộ mặt của đảng, biết khả năng "bút chiến" của đảng.
Vì vậy, việc nuôi lực lượng này gần đây có phần sao nhãng. Nhắc tới lời than của Võ Văn Thưởng về việc "chờ chế độ, chính sách", nhiều facebooker nhận xét, thảo nào từ tết đến giờ thấy đám "ba củ" bớt hẳn.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 13/07/2019
Mặc Lâm, VOA, 09/07/2019
Đó không phải là thứ mà nhân dân từng nghĩ là mình có. Đó cũng không phải là câu nói mà người thấp cổ bé họng kêu gào trước các dinh thự mang tên "nhân dân", mà đó là câu nói khẳng định của một cán bộ tuyên giáo cao nhất nước về quyền của Đảng mà ông là người đại diện.
Ông Thưởng đang nói về ‘Quyền’ của ai ?
Nguyên văn câu nói của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương : "Internet là xa lộ,cho mấy làn xe chạy là quyền của chúng ta" được phát biểu trong ngày 5 tháng 7 tại hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương.
Đây là lần thứ hai ông Võ Văn Thưởng chỉ đạo cấp dưới về vai trò của Internet đã, đang và còn gây nguy hại cho Đảng, cho chính phủ. Lần trước ông nói về mạng xã hội lần này ông nói về các thế lực đang lợi dụng Internet để chống đối lại chính quyền, và người dân thật sự ngạc nhiên khi ông Thưởng khẳng định, cho bao nhiêu làn xe chạy trên đó là "quyền của chúng ta".
Vậy "chúng ta" là ai mà quyền hành bao trùm cả đất nước như vậy ?
Không khó để trả lời, chúng ta là Đảng cầm quyền mà ông Võ Văn Thưởng là người phát ngôn cho sự thật mà bao năm nay Đảng vẫn cố tránh né, hay nói đúng hơn cố sơn phết bề ngoài với hàng trăm khẩu hiệu mà khẩu hiệu lớn nhất, hay nhất, ăn tiền nhất là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" vẫn đang còn treo trên khắp mọi miền đất nước.
Từ "của dân" nay trở thành "của chúng ta", ông Thưởng lật lá bài tẩy mà Đảng vẫn cố giấu về cái "quyền" mà người dân vẫn mơ hồ nghĩ là của mình. Cái quyền bé tí nằm trong Hiến pháp lâu quá không ai lật ra xem nay đã bị bụi thời gian che khuất. Quyền con người trong đó bao gồm quyền bày tỏ chính kiến, quyền lên tiếng trước cái hư đốn, bất toàn của chế độ, quyền mưu cầu hạnh phúc của từng cá nhân trong đất nước nay đã trở thành câu chữ thời thượng, làm dáng và hoàn toàn vô nghĩa trước nhà nước, trước chính quyền nhân dân.
Ông Thưởng không nói ngoa, ông chỉ trình bày sự thật và sự thật thì mất lòng. Người mất lòng là dân chúng, những người bị tước mất cái "quyền" của mình mà bây giờ mới biết.
Nhưng ông Võ Văn Thưởng, trong vai trò một cán bộ tuyên giáo cao cấp nhất của Đảng không ngại ngùng gì khi lật luôn con bài xấu xí của nhà cái, con bài mà ông gọi là 3 thành phần đang làm cho nghẽn lối đi trên xa lộ Internet và ông nhắn lại với nhân dân rằng ông muốn cho chạy hay cấm lúc nào cũng được, vì đó là quyền của ông, quyền của Đảng.
Ba nhóm đối tượng mà ông Thưởng chỉ ra làm cho không ít người ngạc nhiên, nhất là nhóm thứ nhất mà ông gọi là nhóm 1 "bao gồm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản". Luận cứ này đúng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, khi miền Nam đại diện cho chế độ tự do dân chủ chống lại cuộc chiến mà Cộng Sản phát suất từ Liên xô lan tràn trên khắp thế giới. Lúc ấy miền Nam phải nghiên cứu chủ thuyết Mác Lê, Chủ nghĩa xã hội nhằm vạch trần những ngụy biện, những sai lầm hay những biện giải mà người dân bình thường khó hiểu được ngọn ngành. Thế nhưng từ khi đất nước gom về một mối thì không mấy ai phải tra sách, vào thư viện hay tìm tòi về học thuyết mà người cộng sản gối đầu giường nữa. Lý do : mọi lý thuyết đều được phơi bày trước mặt người dân từ thực tiễn đời sống.
Vì vậy đào đâu ra những người "nghiên cứu lý luận giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản" trên không gian mạng Internet như ông Thưởng áp đặt. Nếu có, ông nên mừng và nên phát huy vai trò của họ vì đơn giản là còn ai tin chủ nghĩa xã hội nữa mà nghiên cứu ?
Nhóm thứ hai ông Thưởng nhắc đến là những tổ chức cực đoan ở hải ngoại như Việt Tân, hay Việt Nam Phục Quốc… đang lợi dụng Internet để chống phá Việt Nam. Lập luận này khá mù mờ vì với sức mạnh của Việt Nam hiện nay, công an dễ dàng ngăn cản mọi đường truyền không phù hợp với khẩu vị nhà nước không cho mọi lập luận phản lại cách mạng và lũng đoạn thể chế mà ông Thưởng khẳng định toàn quyền cấm hay không cấm.
Nhóm thứ 3, có lẽ là nhóm mà ông Thưởng lo lắng nhất nhưng cố che dấu đem nó xuống hàng thứ yếu để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của nó. Đó là "lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá."
Từ nhiều năm nay những người phản tỉnh trong đảng ngày càng nhiều. Họ là những đảng viên cao cấp nằm trong hệ thống quyền lực nhưng sớm nhận ra sai lầm của mình khi bỏ cả tuổi thanh xuân ra làm bàn đạp cho Cộng sản cướp chính quyền và sau đó cướp cả quyền sống của nhân dân. Họ là những đảng viên trung cấp suốt đời tận tụy cho guồng máy nhưng đổi lại là những bi kịch mà họ và gia đình phải đối mặt hàng ngày dưới chế độ mà họ hết lòng bảo vệ. Họ là những đảng viên oan vì mất đất, mất nhà mất cả sổ hưu vì lên tiếng chống lại chính sách trưng thu đất của nhà nước. Họ là những trí thức đảng viên mất cả quyền suy nghĩ của một trí thức chân chính mà phải hướng bộ não vào ngón tay định hướng của Đảng. Họ là nhân dân từng tin vào đảng, những người bòn mót từng lon gạo nuôi quân, từng chỉ vàng hiếm hoi cho cuộc chiến tranh thần thánh…
Vậy thì làm sao ông Thưởng và Đảng cầm quyền của ông chống lại nổi lực lượng hùng hậu này ? Họ có mặt khắp mọi nơi và không ít ỏi như ông nghĩ chẳng qua họ chưa tập trung đủ để ông và Đảng cầm quyền nhận ra đúng sức mạnh tiềm ẩn của họ.
Con đường mà ông Thưởng ví von trên Internet chẳng qua là con đường ảo, nếu ông cấm được thì cũng không thu về bất cứ kết quả nào, có chăng là danh tiếng của riêng ông, người dám đứng trước mặt 95 triệu "nhân dân" mà tuyên bố "quý nhân dân không còn quyền gì nữa đâu vì đảng đã trưng thu quyền của quý vị".
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 09/07/2019
*******************
Võ Văn Thưởng, khi 49 ‘lú’ hơn cả 75
Trân Văn, VOA, 08/07/2019
Ông Võ Văn Thưởng, 49 tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa chứng minh, ông hơn hẳn ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, 75 tuổi, về độ… "lú".
Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
***
Nhiều người đang bày tỏ sự bất bình về những nhận định, tuyên bố của ông Thưởng tại "Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương", mới diễn ra hôm 5 tháng 7 (1).
Đa số chỉ trích việc ông Thưởng cho rằng : Internet là xa lộ, cho dùng bao nhiêu làn là quyền của đảng, thành ra đảng không cần lo lắng về chuyện tự do Internet sẽ ảnh hưởng tới nhân quyền hay tự do ngôn luận.
Tuy tuyên bố vừa kể bộc lộ sự nghiệt ngã trong nhận thức, sự trịch thượng cả về tâm thế lẫn tư thế của thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị nhưng với kẻ viết bài này, điều đó vẫn chưa phải là lõi để nhìn ra cốt cách của đại diện một thế hệ sẽ kế thừa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Việt Nam trong vài năm tới. Khả năng, tư cách của đồng chí Võ Văn Thưởng thế nào, nằm ở chỗ khác và cần được nhận diện sớm…
***
Nhìn một cách tổng quát, phát biểu của ông Thưởng tại "Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương" có rất nhiều điểm tối và điểm tối nhất là về "nền tảng tư tưởng" của một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tuyên giáo.
Có đúng đảng ta "đã có sự phát triển lớn về lý luận, chẳng hạn, xác định các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng, xác định được những mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển mà chúng ta cần phải giải quyết trong quá trình quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, xác định được mô hình tổng thể về kinh tế đó là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa…" ?
Có đúng "Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Tuy nhiên, đảng ta với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân mà đề cao vai trò tập thể của đảng cho nên đôi khi không tuyên truyền một cách đầy đủ làm cho chúng ta không thấy đủ, thấy hết hệ thống đầy đủ những thành tựu về mặt lý luận mà chúng ta đã đạt được" ?
Thay vì tranh luận với ông Thưởng, tốt nhất, nên sử dụng những nhận định, tuyên bố của chính ông Nguyễn Phú Trọng để xác định… độ "lú" của ông Thưởng hơn xa ông Trọng.
Ngày 24/10/2013, khi tham gia góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, không đồng tình với một số điểm trong "Lời nói đầu" của dự thảo có liên quan đến xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lúc đó, ông Trọng từng thú nhận, chuyện xây dựng chủ nghĩa xã hội còn dài lắm, hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa (2)…
Từ đó đến nay, không riêng ông Trọng, nhiều viên chức cao cấp mà quá trình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam dày hơn, dài hơn ông Thưởng, liên tục đưa ra những thú nhận tương tự. Gần nhất – cách nay chưa đầy hai tháng, tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 – ông Trọng công khai đề nghị toàn đảng thảo luận về vai trò của kinh tế nhà nước, có thực thi đổi mới chính trị hay không (3) ?...
Hai dẫn chứng vừa kể cho thấy, rõ ràng ông Thưởng nói láo. Trong khi chính ông Trọng không giấu giếm sự lúng túng về định hướng, ông Thưởng lại khăng khăng khẳng định : Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Nếu đồng chí, đồng bào chưa nhận ra "tầm" của ông Trọng và "những thành tựu về lý luận" thì đó là do đảng… khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân !
Bất chấp thực tế khen lấy được, trâng tráo tới mức như thế ngay trước thềm Đại hội đảng khóa 13, có nên xem ông Thưởng "nịnh" và là một biểu hiện điển hình, đại diện cho những phần tử "cơ hội về chính trị" ? Chuyện bất chấp thực tế khen lấy được như ông Thưởng vừa biểu diễn là "biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp cách mạng do đảng lãnh đạo" hay là điểm son về "tư tưởng, lập trường" ?
***
Trong ba năm vừa qua, tuy là Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, ông Thưởng nói rất ít. Mãi tới gần đây, khi toàn đảng bắt đầu rộn ràng cho Đại hội đảng khóa 13, ông mới "xuất đầu, lộ diện", lập ngôn qua một số bài viết, phát biểu. Ngoài chuyện khen lấy được như đã dẫn tại hội nghị vừa kể, ông Thưởng còn bộc lộ tâm thế, tư thế của một bạo chúa.
"Đồng chí" Võ Văn Thưởng không giấu diếm hận thù với đám đông dám góp ý "băng rôn sai chính tả, băng rôn sai ngày tháng năm", khẳng định đó là "đả phá và tấn công vào đội ngũ của chúng ta". Dường như "đồng chí" cũng là người đầu tiên, công khai xếp cán bộ, đảng viên, kể cả cao cấp, nói khác với chủ trương, đường lối của đảng vào "nhóm thứ ba thuộc thế lực thù địch".
"Đồng chí" hết sức bất bình khi xử lý cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với chủ trương, đường lối quá nhẹ nhàng. Theo "đồng chí", chuyện một đảng viên, làm việc tại Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đưa hình ảnh một cựu lãnh đạo đảng, nhà nước lên Internet, tố giác nhân vật này tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhưng chưa xử lý tới nơi, tới chốn là không thể chấp nhận được.
"Đồng chí" còn là người đầu tiên cảnh báo về đội ngũ giảng viên chính trị. Theo "đồng chí", những câu chuyện tiếu lâm chính trị nguy hại không phát xuất từ vỉa hè mà là từ đội ngũ này, thành ra phải chấn chỉnh ngay lập tức "công tác giáo dục chính trị, tư tưởng". Ngoài "gia tăng bồi dưỡng, cập nhập kiến thức" còn phải "xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu".
Với "đồng chí" Võ Văn Thưởng, những hậu quả thảm khốc liên quan tới đặt định chỉ tiêu để xử lý trong "cải cách ruộng đất", "cải tạo tư sản",… không đáng bận tậm. Cho nên "đồng chí" yêu cầu, từ nay tới Đại hội đảng thứ 13, mỗi địa phương phải "chắt lọc đối tượng", "xử lý một vài đảng viên vi phạm, một vài công dân sử dụng Internet, mạng xã hội vi phạm Luật An ninh mạng" nhằm răn đe và mạnh miệng bảo đảm "tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều".
Chưa rõ cảm nhận của "đồng chí" Võ Văn Thưởng về vai trò, vị trí của "đồng chí" trong tương lai thế nào nhưng rõ ràng "đồng chí" đang "nhe nanh, múa vuốt". "Đồng chí" không hài lòng với việc xử lý sai phạm của báo chí như vừa qua vì giống "gãi ghẻ". Đó là lý do thời gian gần đây, xử lý báo chí không theo các qui phạm pháp luật hiện hành mà "chủ yếu bằng phương pháp của đảng".
***
"Đồng chí" Võ Văn Thưởng vừa nhấn mạnh thêm một lần nữa : "Cả thế giới lo lắng trước sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông xã hội" ! Trên thực tế, mạng xã hội, truyền thông xã hội tạo ra đủ dạng cơ hội cho các giới nhưng giống như xã hội thực, thế giới ảo cũng có nhiều vấn nạn. Lo lắng của thiên hạ là lo lắng về những tác động bất lợi đến trật tự, trị an, văn hóa, giáo dục, y tế,…
Thiên hạ không lo lắng và tổ chức ngăn chặn, xử lý những người chia sẻ thông tin, ý kiến khác với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xứ họ. Dẫn "lo lắng của thế giới" để bịt miệng, trấn áp đồng bào có sự khác biệt với mình về tư tưởng, nhận thức là ngụy biện. Phải hiểu thế nào khi "nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội" chỉ là chặn, xử những người khác biệt về tư tưởng, nhận thức nhưng làm ngơ, tạo điều kiện cho những khuynh hướng lạc hậu, phản khoa học kiểu như "sinh con thuận tự nhiên" (4), "thực dưỡng" (5),… tràn lan trên mạng xã hội, truyền thông xã hội dù chúng nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, đe dọa tính mạng con người ?
Khi "nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội" như "đồng chí" Võ Văn Thưởng và các "đồng chí" lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chủ trương đang đi theo chiều ngược lại với tiến trình phát triển chung của nhân loại thì chúng ta sẽ đi đến đâu : Thời kỳ đồ… đồng hay thời kỳ đồ… đá ? "Đồng chí" Võ Văn Thưởng – ngôi sao vừa lóe sáng trên vòm trời chính trị Việt Nam - trả lời được không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/07/2019
Chú thích :
*********************
Thấy gì từ bài nói chuyện 'bắt câm mồm phải câm mồm' của Võ Văn Thưởng ?
Trúc Giang, VNTB, 07/07/2019
Từ đầu tháng 7/2019, trụ sở báo Bình Phước bị ‘xóa sổ’ và ‘được’ sát nhập vào Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Phước. Giám đốc cơ quan hợp nhất là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước.
Đây là tỉnh thứ hai, sau tỉnh Quảng Ninh (thực hiện từ tháng 1/2019) đã thực hiện việc "Đảng hóa 100%" báo chí trên phạm vi tỉnh. Bất kỳ tiếng nói phản biện nào ‘bàn ra’ về chính sách của Đảng và Nhà nước, đều không được phép ghi nhận và đăng tải ở báo và đài phát thanh truyền hình của hai tỉnh đó.
Điều này được cho rằng là nghiêm túc tuân theo 'hành lang lề lối' của cơ quan Tuyên giáo Trung ương, nơi mà vị trưởng ban Võ Văn Thưởng vừa đăng đàn tuyên bố tại hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương hôm 5/7, rằng : "Internet là xa lộ, cho mấy làn xe chạy là quyền chúng ta".
Bài nói chuyện này của ông Võ Văn Thưởng dài đến 75 phút với rập khuôn kiểu ví von như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tự sướng "EVFTA và EVIPA là hai tuyến cao tốc nối Việt Nam và EU" (1), khi ông Thưởng ‘kiêu ngạo cộng sản’ cho rằng, ‘không cần phải lo lắng tự do internet sẽ ảnh hưởng tới nhân quyền hay tự do ngôn luận’, vì trên xa lộ thông tin, ‘cho mấy làn xe, loại xe nào chạy là quyền chúng ta’.
Tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bình Phước đã có tuyến xa lộ chỉ có một làn xe dành cho Đảng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện này cũng bắt đầu qua việc từ tháng 7/2019, ấn phẩm "Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần" đã đình bản, sau 16 năm hoạt động. Số báo 809 phát hành hôm 28/06/2019 là số cuối cùng. Có thể gọi đây là tờ báo tư nhân, do nhà báo Trần Trọng Thức cùng nhóm của họa sĩ thiết kế Nguyễn Văn Vinh ‘nhận thầu’ thực hiện hoàn toàn bằng đồng vốn từ tiền túi cá nhân.
Đảng cộng sản của ông trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng sợ gì ở tờ có tên "Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần", hay báo giấy của tỉnh ủy Bình Phước, Quảng Ninh ?
Sự sợ hãi ở đây là có thật theo đúng nghĩa đen.
Trong bài nói chuyện 75 phút về nội dung quán triệt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng nói rằng lâu nay Đảng cộng sản có cả ‘thù trong lẫn địch ngoài’, với 3 nhóm đối tượng thù địch.
Nhóm 1 bao gồm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Nhóm thứ 2 là lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài kết hợp với số chống đối, bất mãn trong nước để lập ra các tổ chức như Việt Tân, Việt Nam phục quốc…
Nhóm "thế lực thù địch" thứ 3, theo ông Thưởng, là lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra, nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị, nhưng lại suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Báo chí là nơi để cả 3 nhóm thù địch này lợi dụng, do đó, theo ông Võ Văn Thưởng giờ đây cần phải khẳng định quyền lực chuyên chế của Đảng cầm quyền ở Việt Nam trong lãnh vực truyền thông thời đại Internet.
"Tôi nói thật, Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Tuy nhiên, Đảng ta với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân mà đề cao vai trò tập thể của Đảng, cho nên đôi khi không tuyên truyền một cách đầy đủ, làm cho chúng ta không thấy đủ, thấy hết hệ thống đầy đủ những thành tựu về mặt lý luận mà chúng ta đã đạt được". Ông Võ Văn Thưởng phát biểu 'xu nịnh lộ liễu' như vậy.
Ông Võ Văn Thưởng còn đe dọa sắp tới tiếp tục đóng cửa nhiều tờ báo nữa, thay cho chuyện chỉ xử phạt hành chính, vì "xử phạt báo chí như gãi ghẻ". Ông hùng hổ tuyên bố :
"Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 lan hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta. Đừng lo tự do internet là ảnh hưởng nhân quyền, tự do ngôn luận gì hết !" (1).
Ông Thưởng yêu cầu từ nay tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, "mỗi địa phương chắt lọc đối tượng trên địa bàn, xử lý một vài đảng viên vi phạm, xử lý một vài cá nhân, công dân sử dụng internet, mạng xã hội vi phạm luật An ninh mạng".
"Xin góp ý với đồng chí Võ Văn Thưởng. Đồng chí không cần phải suy nghĩ nghiên cứu gì nhiều về các phương pháp kiểm soát internet vì lo bị các thế lực công kích chống phá trên không gian mạng. Xin đồng chí hãy tập trung tất cả trí tuệ để cùng ban lãnh đạo Đảng chỉ đạo có hiệu quả cuộc chiến chống tham nhũng. Tiêu diệt được mọi nhóm quyền lực thân hữu đen trong nội bộ. Thực hiện đúng các cam kết làm trong sạch bộ máy mà Đảng ta từng nhiều lần tuyên bố với nhân dân. Chỉ cần vậy thôi là chúng ta có thể mỉm cười mà chấp tất cả mọi thế lực phản động rồi !". Nhà báo L.Q, phó tổng thư ký một tờ báo thuộc cơ quan tỉnh ủy, góp ý.
Người viết bài này không là đảng viên, với tư cách là đồng môn và tạm gọi là sinh viên ở nhiều khóa trước của ông Võ Văn Thưởng tại trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), "Xin thưa bạn Võ Văn Thưởng, Đảng của bạn cứ làm sao triệt phá được tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ; Đảng viên như bạn và của bạn biết đồng cam cộng khổ với nhân dân... thì chẳng có lực lượng thù địch nào chống phá được !. Xin dừng lại việc đập nồi cơm của anh em báo chí chúng tôi. Bởi nếu quả thực Đảng của bạn Võ Văn Thưởng có tính khiêm tốn, thì Đảng ấy phải biết lắng nghe hơn nữa, chứ sao lại nhìn đâu cũng thấy vi trùng, cũng thấy ghẻ lở như một ám ảnh...".
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 07/07/2019
(1) https://youtu.be/IXRMX2QyS3Y
*********************
Võ Văn Thưởng không muốn "đối thoại" nữa ?
Nguyễn Tường Thụy, RFA, 07/07/2019
Hôm 5/7 Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng có bài giảng khá dài cho các báo cáo viên cấp dưới. Thời buổi bây giờ, bài giảng tới 75 phút là dài, chẳng biết học trò của Võ Văn Thưởng nghe được đến đâu hay là "ngồi dưới xem iPad, iPhone, đọc tin, nhắn tin".
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị sáng 5/7 - Ảnh Lê Hiệp, Thanh niên.
Theo như báo Thanh niên tóm tắt thì Võ Văn Thưởng nêu ra toàn những mối lo là mối lo. Đương nhiên, theo bài vở thì mối lo đầu tiên phải là thế lực thù địch chống phá. Bản thân không ra gì nhưng cái gì cũng đổ cho thế lực thù địch, mở ,iệng ra là thế lực thù địch. Thế lực thù địch ở đây còn chia ra 3 nhóm cho "khoa học, biện chứng". Đáng chú ý và cũng khá thú vị là Võ Văn Thưởng cho rằng thế lực thù địch còn nằm ngay trong nội bộ đảng, giữ chức vụ trung cao cấp hẳn hoi.
Rồi mối lo yếu kém ở khâu "quán triệt nghị quyết" (phổ biến chưa hay, người nghe không chú ý), xử phạt báo chí không đủ răn đe...
Điều đáng chú ý nhất trong bài giảng của Võ Văn Thưởng mà báo Thanh niên dùng để giật tít (Ông Võ Văn Thưởng : 'Internet là xa lộ, cho mấy làn xe chạy là quyền chúng ta' ) là lối tư duy sặc mùi độc tài của anh ta :
"Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 lan hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta…".
Phần bình luận của bạn đọc về bài báo cũng chủ yếu xoay quanh việc Võ Văn Thưởng đòi hạn chế, cấm đoán Internet này. Trong 9 comment chỉ có 1 ý kiến ủng hộ, 1 ý kiến chung chung còn lại là mai mỉa, cho rằng lỗi ở mình còn kêu ai.
Hình chụp đoạn đầu phần comment trong bài báo
*
Giọng của Võ Văn Thưởng lần này có vẻ cay cú, bi đát chứ không như 2 năm trước đây. Ngày 18/5/2017, bàn về việc trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đảng, Võ Văn Thưởng nói khá tự tin : "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý"
Võ Văn Thưởng còn cho biết :
"Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Từ chỗ không sợ tranh luận đến chỗ đòi hạn chế Internet, Võ Văn Thưởng đã đi một bước khá dài về độc tài hóa tư tưởng. Từ chỗ muốn "cọ xát và tranh luận", Võ Văn Thưởng đi đến không muốn nghe ý kiến trái chiều (ở trên các làn thông tin mà Võ Văn Thưởng muốn hạn chế).
Ấy là nhắc đến lời nói, chứ trên thực tế hai năm qua chưa hề có một cuộc đối thoại nào. Bất chấp sự phản đối, Luật An ninh mạng vẫn cứ ra đời. Đây là luật mà dư luận trong đó có nhiều nhà chuyên môn cho là không cần thiết, bởi những nội dung nó đề cập đều đã được thể hiện ở nhiều luật khác.
Không hề có đối thoại nhưng lại có thừa những vụ bắt bớ do sử dụng Internet mà chủ yếu là facebook, bị qui chụp là tuyên truyền chống phá nhà nước. Nhiều trang mạng trái chiều bị chặn trong khi rất nhiều trang chuyên bịa đặt và chửi bới tha hồ dựng chuyện, xuyên tạc, bôi nhọ những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Thế mà Võ Văn Thưởng vẫn cứ lo, đòi bóp mạnh hơn nữa tự do ngôn luận.
Internet là phát minh vĩ đại làm thay đổi lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên, bất cứ người dân nào cũng có thể cung cấp thông tin và tham gia vào mạng thông tin toàn cầu. Mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà báo tự do, làm cho khối lượng thông tin vô cùng phong phú. Nhờ có Internet kiến thức khoa học kỹ thuật và chính trị, xã hội được phổ biến tiện lợi hơn bao giờ hết, con người ở mọi nơi trên trái đất trở nên gần gũi nhau hơn.
Và cũng nhờ Internet, mọi mảng tối dần dần bị phơi bày ra ánh sáng. Nhờ thông tin đa chiều, người ta cũng dễ phân biệt hơn điều hay lẽ phải. Phải chăng, Võ Văn Thưởng sợ nhất điều này cho nên anh ta hô hào, cho sử dụng Internet đến đâu là "quyền của chúng ta".
Với phát ngôn này, Võ Văn Thưởng không cần đến những thông tin trung thực, không cần đến những phản biện, những ý kiến trái chiều. Võ Văn Thưởng muốn một xã hội không có phản biện ? Một tổ chức chính trị không cần phản biện thì hoạch định đường lối, chính sách ra sao ? Điều này chỉ có hại cho đảng của Võ Văn Thưởng mà thôi.
*
Võ Văn Thưởng là ủy viên trẻ nhất Bộ Chính trị, trẻ hơn người tiếp theo tới cả chục tuổi. Con đường chính trị vì vậy có thể còn dài và có lẽ vì vậy, Võ Văn Thưởng phải thể hiện mình hăng hái, kiên định lập trường, tư tưởng để chiếm lĩnh những vị trí cao hơn. Anh ta lại học toàn Mác với Lê. Nhìn sang ông Trọng, cũng học Mác Lê và xây dựng đảng, chiếm được cả 2 ghế trong tứ trụ. Nhưng việc tiến thân không chỉ trông vào mấy thứ đó mà còn cần nhiều tố chất, trong đó có cả sự khôn khéo nữa, cho dù khôn ngoan trong bịp lừa. Hăng hái quá, nói năng bạt mạng sẽ làm mất "uy tín" của đảng. Hăng hái quá dễ bộc lộ những gì đảng đang muốn giấu, chưa chắc đã được đồng chí của mình ủng hộ. Việc này vô hình trung làm tổn hại đến đảng. Kiểu hăng hái, trung thành như Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Quyết Tâm là những ví dụ. Đinh La Thăng cũng là mẫu người hăng hái, xốc vác, giữ chức vụ cao nhất cho đến nay trước khi làm "ma tù"
Tuy nhiên, "thế lực thù địch" có thể rất cần những người như Võ Văn Thưởng leo lên ở vị trí cao hơn nữa.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 06/07/2019 (nguyentuongthuy's blog)
Biểu tình tháng 6/2018 - nhân tố quyết định việc hoãn không thời hạn Luật Đặc khu
Một thông tin trên báo chí gần đây cho biết, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ chỉnh lý theo hướng xây dựng một luật chung. Thông tin cũng cho biết các địa phương này đã hoàn thành đề án thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế gửi về để thẩm định song song với bản dự thảo luật chung. Liệu luật chung này có phải là sự trở lại của Luật Đặc khu dưới một hình thức khác ?
Biểu tình tháng 6/2018 phản đối dự luật Đặc Khu.
Vài nét chính
Vào tháng 6/2018 một đợt xuống đường để phản đối Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng nổ ra trên nhiều tỉnh thành với qui mô chưa từng có (Luật Đặc khu là tên gọi tắt của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc). Số lượt xuống đường lên tới nhiều chục nghìn người.
Trước đó, Dự luật Đặc khu (còn gọi là Luật bán nước) đã bị phản đối hết sức gay gắt trên các mạng xã hội. Để xoa dịu dư luận, ngày 7/6, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngỏ ý sẽ xem xét giảm thời gian cho thuê đất xuống dưới 99 năm : "Chúng tôi phải điều chỉnh thời gian thuê đất xuống một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đã phản ánh".
Đây là một sự lập lờ, hoặc ông Phúc không nhận thức được. Yêu cầu của nhân dân là không lập đặc khu cho Trung Quốc thuê, chứ không phải là việc thuê dài hay ngắn. Khẩu hiệu của dân là : "KHÔNG CHO TRUNG CỘNG THUÊ ĐẤT DÙ CHỈ 1 NGÀY"
Xem ra có vẻ tình hình rất nóng nên một thông báo từ Văn phòng Chính phủ hoãn xem xét Dự Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp được loan đi vào lúc 3 giờ sáng ngày 9/6. Tuy nhiên, thông báo này đã không ngăn được biểu tình nổ ra vào hôm sau vì người dân cho rằng nhà cầm quyền tìm kế hoãn binh. Trước sự kiện này, ông Trọng đã phải than thở rằng, đã bảo hoãn rồi mà vẫn cứ biểu tình.
Đồng bào miền Nam đã đứng lên ở tuyến trước và đô thành Sài Gòn trở thành trung tâm phản đối Luật Đặc khu. Những địa phương tiếp theo phải kể đến Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội...
Biểu tình đồng loạt nổ ra vào ngày 10/6 với qui mô lớn đã làm cho nhà cầm quyền hết sức bất ngờ và không kiểm soát nổi. Riêng Sài Gòn, công an đã bắt đi 310 người nhưng việc bắt bớ và đàn áp vẫn không dập tắt được biểu tình.
Cả nước hồi hộp, theo dõi, nhiều người rưng rưng lệ khi chứng kiến tinh thần yêu nước của người Việt Nam trước họa xâm lăng Trung Quốc.
Trước áp lực của nhân dân, ngày hôm sau, 11/6, Quốc hội buộc phải biểu quyết hoãn xem xét và thông qua Dự Luật Đặc khu tới kỳ họp sau vào tháng 10 cùng năm. Tuy nhiên, cho đến nay, không còn thấy nhắc lại nữa.
Những ngày sau đó, biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra ở Công ty Pou Chen, Tây Ninh và đặc biệt là Bình Thuận.
Chủ nhật tiếp theo 17/6, không khí Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác vô cùng căng thẳng như có đảo chính quân sự. Những người xuống đường biểu tình bị đàn áp ngay từ đầu. Nếu ngày 10/6, riêng Sài Gòn, con số bị bắt là 310 thì ngày 17/6 dù chưa biểu tình, con số ấy cũng lên tới 179.
Sài Gòn bị đàn áp thì biểu tình lại nổ ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Hàng nghìn người thuộc các giáo hạt Can Lộc, các giáo xứ Văn Hạnh, Song Ngọc... đã xuống đường trong nhiều giờ liền để phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng.
Có thể nói, từ ngày cướp được chính quyền đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ vấp phải một đợt biểu tình có qui mô và trên diện rộng như đợt biểu tình chống Dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào tháng 6 năm 2018.
Sự kiện này, cho thấy lòng yêu nước luôn luôn thường trực trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam.
Thắng lợi và cái giá phải trả
Kết quả của các đợt xuống đường là Dự Luật Đặc khu đã phải dừng không có thời hạn.
Còn nhớ, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân đã ngang ngược ép Quốc hội phải thông qua Luật Đặc khu, tưởng như không thể đảo ngược : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật"
Cuối cùng thì nhân dân đã đảo ngược nó.
Đây là thắng lợi trực tiếp nhất, cụ thể nhất so với những cuộc biểu tình trong hơn 10 năm gần đây.
Việc hoãn không thời hạn Dự luật Đặc khu cũng làm cho những kẻ cơ hội và đầu cơ, không loại trừ những lãnh đạo cao nhất lao đao.
Tuy vậy, cái giá phải trả cho thắng lợi này là không hề nhỏ. Sự trả giá trực tiếp và dễ thấy nhất là các án tù. Về cơ bản, những người bị cáo cuộc các tội danh, chủ yếu là gây rối trật tự công cộng bị đưa ra xử trong năm 2018. Tuy nhiên việc kết án những người biểu tình tháng 6/2018 còn tiếp tục kéo sang năm 2019. Ngày 7 tháng 3 năm 2019, Tòa án huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tuyên tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam đối với 15 người bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng.
Theo thống kê chúng tôi có được, đã có 128 người bị kết án tù (trong đó có 12 án tù treo). Riêng Bình Thuận có tới 92 người bị kết án.
Cái giá phải trả còn ở những người bị đánh đập đến thương tích, còn ở những gia đình lâm vào cảnh quẫn bách sau đó.
Hãy cảnh giác
Dù vậy, những thế lực mưu toan dọn đường cho Trung Quốc vào xâm chiếm nước ta chưa bao giờ chịu buông tay. Điều này cần hết sức cảnh giác.
Một thông tin trên báo chí gần đây cho biết, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ chỉnh lý theo hướng xây dựng một luật chung. Thông tin cũng cho biết các địa phương này đã hoàn thành đề án thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế gửi về để thẩm định song song với bản dự thảo luật chung. Liệu luật chung này có phải là sự trở lại của Luật Đặc khu dưới một hình thức khác ?
Chưa rõ cái luật chung ấy sẽ như thế nào, có mở ra những điều kiện cho Trung Quốc đem công nghệ lạc hậu, phá hủy môi trường, biến nước ta thành bãi rác thải và thao túng kinh tế - xã hội và đặc biệt là làm mất an ninh đất nước hay không ? Nếu động chạm đến chủ quyền quốc gia thì những người chủ trương hãy nhớ lấy những gì đã xảy ra vào tháng 6 năm 2018.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 11/06/2019
Tưởng như hai câu thơ "Tháng ba đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào hồn anh" của Đoàn Thị Lam Luyến chẳng liên quan gì đến việc tăng giá điện. Ấy thế mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vận dụng ngay được để bao biện cho việc tăng giá điện. Thế mới tài.
"Chẳng Chính phủ nào dự báo được hoa sữa nở tháng 5"
Ở đây tôi không nói thơ chung chung mà là nói thơ tình, cũng không nói thơ đi vào đời sống chung chung mà chỉ nói đi vào đời sống quan chức.
Tưởng như hai câu thơ "Tháng ba đột ngột mưa rào/Để cho em trộm bước vào hồn anh" của Đoàn Thị Lam Luyến chẳng liên quan gì đến việc tăng giá điện. Ấy thế mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vận dụng ngay được để bao biện cho việc tăng giá điện. Thế mới tài.
Cũng là bao che cho việc tăng giá điện nhưng Vương Đình Huệ dùng cách khác với Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành.
Trần Tuấn Anh đòi xử lý những cá nhân phê phán việc giá điện mà anh ta cho là xuyên tạc, còn Dương Quang Thành thì nói cả nước chỉ có 19 người phản đối tăng giá điện trên báo chí và trên mạng thôi, cho nên số này không đáng kể.
Hai ông này, ông thì tỏ giọng quyền chức hống hách, ông thì cho rằng dân chẳng biết gì nên phát ngôn rất ẩu, tạo nên làn sóng phẫn nộ của công luận.
Cư dân mạng còn tìm ra trang facebook của Dương Quang Thành, thậm chí tìm ra cả trang của thân mẫu và 2 con trai anh ta rồi vào bày tỏ sự phẫn nộ, để anh ta đếm comment xem có phải cả nước, số phản đối tăng giá điện chỉ có 19 người không. Phát ngôn của Thành tuy không hách dịch như Tuấn Anh nhưng bị chỉ trích rất nặng nề, có lẽ còn vì người ta cho rằng Thành tăng giá điện là để... nuôi hai đứa con đang học ở tư bản Hoa Kỳ.
Vương Dình Huệ thì nhẹ nhàng hơn, không mang tính thách thức đối đầu. Có thể dù đi theo cộng sản, làm đến phó thủ tướng nhưng cách nói của Huệ vẫn còn chất của "con nhà nghèo học giỏi" như báo chí đã ca ngợi. Tuy nhiên, chuyện ví von bằng thơ cũng gây nên nhiều giễu cợt của dân chúng.
Không chê việc Huệ đọc thơ trước quốc hội. Văn nghệ, ví von tí chút trong cuộc họp cũng vui. Nhưng cách lý giải của Huệ để bao biện cho việc tăng giá điện là không những không thuyết phục mà còn lảng tránh.
Vấn đề đặt ra gay gắt lúc này là đợt tăng giá điện vừa qua đúng sai thế nào thì Vương Đình Huệ lại lảng sang chuyện tăng giá vào lúc nào. Tăng giá và tăng vào lúc nào là hai khái niệm khác nhau. Người tiêu dùng không đồng ý với việc tăng giá, chứ không phải là việc tăng vào ngày 20/3.
Dù tăng vào lúc nào thì người tiêu dùng vẫn cứ phải chịu theo giá EVN độc quyền áp đặt. Còn chuyện chọn thời điểm thích hợp để tăng chẳng qua là để người tiêu dùng bớt cảm giác bị móc túi mà thôi.
Xin nhắc lại, nó chỉ là cảm giác. Đây là mẹo vặt lông vịt, làm thế nào bị vặt lông mà vịt không kêu, đến khi trần trụi cũng không biết. Việc này chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng từng bày cách : "thu thuế như vặt một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt... làm sao để nó kêu ít nhất, đừng để nó kêu toáng lên".
Theo hướng đó, Vương Đình Huệ lý giải, đổ tại thời tiết năm nay trái mùa, ai biết đâu tháng 4 lại nóng thế và khẳng định tăng vào 20/3 là đúng, có nóng là tại ông trời mà thôi. Ai biết được hoa sữa sẽ nở vào tháng 5 cho nên cái này Chính phủ không dự báo được.
Huệ khẳng định tăng vào thời điểm đó là đúng, vậy thì mức giá điện tăng có đúng không ? Phát biểu trước quốc hội không thấy anh ta khẳng định điều này.
Có một ý mà Huệ nói rất khó hiểu, "nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng sẽ gấp đôi". Có nghĩa là, tăng vào tháng 3 nên mức tăng mới chỉ có thế, còn nếu tăng sau đó, ví dụ tháng 6 thì mức tăng còn gấp đôi. Trong khi, nhu cầu tháng 6 vẫn cứ là nhu cầu của tháng 6. Chẳng tăng giá vào tháng 3 thì nhu cầu ở mọi thời điểm sau nó vẫn thế. Vậy Huệ có đảm bảo được đã tăng tháng 3 rồi thì giá điện không tăng nữa không ?
Cần rạch ròi các khái niệm, giá điện, tiền điện phải trả và nhu cầu dùng điện. Lý giải không rõ ràng của Vương Đình Huệ, lảng sang thời điểm tăng giá nhằm bảo vệ cho quan chức, chứ không đứng về người tiêu dùng, mặc dù anh ta xuất thân từ con nhà nghèo.
Vương Đình Huệ còn bênh vực cho giá điện bậc thang, cho rằng biểu giá lũy tiến giúp người nghèo có lợi. Đây là sự nhập nhằng vì EVN chẳng cho người nghèo một đồng nào hết, nếu có cảm giác ấy thì là móc ở túi nggười dùng điện ở các mức thang cao bỏ sang mà thôi.
Nhưng thôi, những gì Vương Đình Huệ giải thích gì xung quanh giá điện còn nhiều điều phải nói lại. Trở lại chuyện Huệ đọc thơ để bênh vực cho EVN, tức là đưa thơ vào đời sống quan chức, người viết bài cũng xin có mấy câu vè :
Tháng ba đột ngột mưa rào
Để Vương Đình Huệ đi vào đi ra
Điện tăng dân chúng kêu la
Trong phòng lạnh, Huệ đi ra đi vào :
- "Năm nay thời tiết thế nào
Biết đâu hoa sữa nở vào tháng năm"
Cho nên cái sự điện tăng
Chẳng qua là tại cái thằng không mưa.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 25/05/2019
Ngày 20/5/2019, một nhóm lái xe đến Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài hỏi căn cứ pháp lý của việc thu phí ở đây. Việc này, dư luận quen gọi là đánh BOT bẩn.
Đề nghị 'xóa sổ' trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài - Báo Công An Nhân Dân
Sau một thời gian đôi co, công an đã bắt các anh chị em vào đồn công an huyện Sóc Sơn. Theo facebooker Nguyễn Trần Công, những người bị bắt gồm chị Huệ Như, chị Tiếp (quốc tịch Singgapore), anh Mạnh Hùng, anh Phạm Nam Hải, anh Thắng và một anh lái xe nữa chưa rõ danh tính.
Fbker này cho biết, chị Huệ bị đánh rất dã man. Hình ảnh cho thấy chị bị 4 tên lực lưỡng vây bắt. Sau khi được thả, chị Huệ Như và chị Tiếp đã live tream tố cáo hành đọng côn đồ của những kẻ bắt bớ, đánh đập các chị. Chị Huệ Như cho biết chị bị bọn chúng thúc gối vào bụng, vào sườn nhiều lần, bẻ vặn tay ra sau, rất đau đớn.
Lần gần đây nhất, vào ngày 11/5/2019, một số lái xe cũng đã đến trạm thu phí này yêu cầu trả lời câu hỏi tại sao hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên mà lại thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Những xe không hề đi tuyến đường tránh Vĩnh Yên đều bị thu phí vô lý ? Cũng theo fbker Nguyễn Trần Công thì Lien Tran, Phạm Dung, Trung Nguyễn Mode, Bùi Tiến, Sơn Bùi, Duc Trung Nguyen, Lê Hồ, Trung Hiếu, Lê Hải Hà, Thái Văn Hòa bị đấm cho chảy máu mặt, anh Văn, bạn anh Văn... gần 20 người đã bị bắt đưa đi.
Trước nữa, rất nhiều lần anh em lái xe đã tham gia đánh BOT bẩn này với chung một yêu cầu như thế. Tuy nhiên, những nhân viên làm việc ở trạm thu phí này không có câu trả lời thỏa đáng và trạm vẫn ngang ngược thu phí theo kiểu trấn lột.
Những ai chống lưng cho BOT bẩn ?
Một lẽ đương nhiên là không đi thì không phải trả phí. Vậy thì tại sao, trạm BOT trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài này vẫn ngang nhiên tồn tại, bắt bớ, đánh đập những lái xe đấu tranh đòi dời trạm ?
Tìm hiểu ra thì sai phạm này bắt đầu từ ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải.
Đầu tiên là liên tiếp các đề nghị của Công ty cổ phần BOT Vietracimex8 (3/6/2009), ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (19/6/2009), Bộ Tài chính (14/7/2009) (gửi Thủ tướng Chính phủ ?) về việc bàn giao Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Đáp lại, 22 ngày sau, Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5224/VPCP - KTN ngày 5/8/2009, do ông Văn Trọng Lý, Phó Chủ nhiệm Văn phòng ký, truyền đạt ý kiến của ông Hoàng Trung Hải, khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ông Hoàng Trung Hải "cho phép chuyển giao nguyên trạng Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (bao gồm cả Trạm chính và Trạm phụ) cho Công ty cổ phần BOT Vietracimex8 thu phí từ ngày 01/8/2009 để hoàn vốn cho Dự án Quốc lộ 2 đoạn tránh thánh (thành ?) phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc", và chỉ đạo cho Bộ giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính thực hiện việc bàn giao.
Như vậy, ông Hoàng Trung Hải là người có trách nhiệm cao nhất trong việc làm sai trái này.
Sau đó, ngày 17/1/2011, Bộ Tài chính ra công văn số 783/BTC-HCSN gửi Bộ Giao thông vận tải và Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 "thống nhất sử dụng tiền phí Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài để hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đoạn tránh Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 01/01/2011...".
Ngày 23/2/2011, Bộ Tài chính ra thông tư số 23/2011/TT-BTC qui định về việc thu phí của trạm này và qui định cụ thể 5 mức phí cho 5 loại xe.
Như vậy, 4 bên : doanh nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Tài chính và ông Hoàng Trung Hải đã có sự phối hợp rất nhịp nhàng, thống nhất rất cao trong một việc làm vô lý đến trẻ con cũng biết là thu tiền nơi này để hoàn vốn cho dự án nơi khác. Vậy mà họ làm được và dám làm. Xem ra họ quá tự tin và quá coi thường mọi nguyên tắc của pháp luật và lẽ công bằng. Hoặc do lợi ích nhóm quá cao khiến họ nhắm mắt làm liều.
Không chỉ riêng BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài, theo báo chí thì cả nước có 16 trạm thu phí khác đặt sai vị trí, những xe không đi đường tránh vẫn phải trả phí cho BOT.
Vậy, trong những BOT đặt sai vị trí khác thì vai trò của ông Hoàng Trung Hải, Bộ Tài chính và Bộ GTVT như thế nào ? Hẳn là cũng đi theo bài bản tương tự BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài và cũng vô lý như thế.
Việc đặt BOT bẩn khắp nơi gây nên sự bất bình của lái xe. Khi bị phản ứng, đòi hỏi tính pháp lý và sự sòng phẳng thì công an can thiệp, bắt bớ, đánh đập hoặc bị khởi tố như lái xe Hà Văn Nam (SN 1981, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị bắt ngày 5/3/2019. Trước Nam đã có 6 người bị khởi tố : Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986), Nguyễn Quang Hùng (SN 1993), Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), Lê Văn Khiển (SN 1990), Vũ Văn Hà (SN 1990, cùng ở thị xã Chí Linh, Hải Dương) và Trần Quang Hải (SN 1991, ở Quế Võ). Tất cả đều bị cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng".
Như vậy, ngoài 4 bên vừa kể trên thì công an là bên thứ 5 đồng lõa trong việc cướp bằng BOT bẩn. Trong trường hợp bị khởi tố còn có bên thứ 6 là viện kiểm sát và bên thứ 7 là tòa án.
Đòi hỏi minh bạch không phải là hành vi "cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức"
Phạm Nam Hải là người đã tham gia hai vụ đòi hỏi cơ sở pháp luật của việc thu phí Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài trong 2 đợt gần đây vào ngày 11/5 và 20/5. Trong vụ ngày hôm qua, 20/5/2019, anh đấu tranh liên tục gần 3 giờ, từ 7h10’ đến 10h thì bị bắt về đồn công an Sóc Sơn. Tại đây, công an ép anh ký vào biên bản phạt hành chính số tiền 2 triệu 500 đồng. Nếu không ký thì bị thu giữ xe.
Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn căn cứ vào điểm h khoản 3 điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt :
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây :
...
h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức ;
...
Căn cứ để phạt Phạm Nam Hải hoàn toàn không đúng trong cả 2 ý của điểm h :
- Thứ nhất là việc đòi hỏi minh bạch trong việc thu phí không phải là hành vi gây rối, cản trở.
- Thứ hai là hoạt động thu phí ở Trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn cho dự án nơi khác không phải là hoạt động bình thường, ngược lại, đó là hoạt động phi pháp.
Vì vậy, Nguyễn Văn Quyền đã sai khi ra quyết định xử phạt Phạm Nam Hải. Đó là cái sai của kẻ thiếu lẽ phải, thừa cơ bắp lại được chế độ bảo kê để đàn áp công lý.
*
Việc thu phí một nơi để hoàn vốn cho một dự án khác, không đi đường cũng phải trả tiền là một sự cướp bóc trắng trợn và ngang ngược.
Như vậy, văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, các văn bản của Bộ Tài chính không phải là căn cứ pháp luật vì tính vi hiến đã rõ. Doanh nghiệp không thể dựa vào cái sai để biện hộ cho việc làm sai của mình.
Dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, trong việc đặt BOT bẩn khắp nơi, những người có liên quan được ăn chia bao nhiêu ? Một mình doanh nghiệp không thể tự tung tự tác được như thế. Cần xác định trách nhiệm của những cá nhân sai phạm. Trước hết phải giải thể ngay các BOT bẩn, đặt về đúng vị trí của nó. Phải thả tất cả những lái xe bị bắt và bị khởi tố, trả lại tiền cho những lái xe bị phạt hành chính vì hành vi của các họ là hợp pháp, hợp lý. Doanh nghiệp không được tiếp tục sai khiến công an và côn đồ đánh thuê, đàn áp, đánh đập những người đòi hỏi chính đáng và hợp pháp đối với hành vi phi pháp của trạm BOT.
Ngày 21/5/2019
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 22/05/2019 (nguyentuongthuy's blog)
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra là qui trình ngược. Thay vì việc đưa Lê Anh Hùng ra tòa thì cơ quan điều tra bắt anh đi giám định tâm thần để có thể đình chỉ điều tra. Đây không phải là việc làm "nhân đạo" nhằm tránh bỏ tù Lê Anh Hùng. Việc kết luận anh tâm thần rồi hè nhau đè anh ra tiêm thuốc không phải là đã kết thúc vụ án.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, đại diện cho Lê Anh Hùng, chia sẻ thông tin trên Facebook cá nhân của mình về thông tin anh Lê Anh Hùng rằng, các cán bộ điều tra cho biết sức khỏe của anh Hùng tốt, anh vừa qua một đợt tái giám định pháp y tâm thần từ ngày 1/4 theo quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần 2 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội
Tình trạng bi đát của Lê Anh Hùng hiện nay
Những thông tin về Lê Anh Hùng bị cưỡng bức điều trị tâm thần được gia đình (mẹ và em trai anh) đưa ra cho thấy anh đang ở trong tình thế rất bi đát và sự hành hạ của nhà chức trách đối với anh cũng rất độc ác, man rợ.
Khi anh tuyệt thực để phản đối việc cưỡng bức giám định tâm thần, họ đè anh ra truyền thức ăn qua đường mũi, miệng đến chảy máu. Ai cho phép họ can thiệp vào việc tuyệt thực của Lê Anh Hùng ? Ngoài cưỡng bức không cho tuyệt thực, anh còn bị cưỡng bức tiêm thuốc để "điều trị tâm thần".
Phải chăng nhà chức trách đã quá "trách nhiệm" với anh, tới mức can thiệp thô bạo vào việc anh tuyệt thực hay cưỡng bức chữa bệnh? Việc nhét thức ăn vào mồm, vào mũi, đè ra tiêm thuốc hăng hái quá mức là trách nhiệm hay là sự trả thù ? Kết quả của những "trách nhiệm" đó là hiện nay Lê Anh hùng gầy yếu, thần sắc phờ phạc, theo gia đình anh cho biết.
Lê Anh Hùng rất bức xúc và phẫn nộ khi bị đối xử tàn tệ. Anh nhờ tất cả anh chị em tranh đấu giúp để chấm dứt tình trạng cưỡng bức "điều trị tâm thần" đối với anh.
Ai cho phép họ cưỡng bức tiêm thuốc đòi "điều trị" anh ? Theo tìm hiểu thì để điều trị tâm thần, người ta dùng biện pháp tâm lý là chủ yếu. Ngoài ra có thể dùng thuốc uống. Thuốc tiêm chỉ dùng trong trường hợp thật đặc biệt. Tiêm thuốc sẽ biến người không tâm thần cũng trở thành tâm thần vàc ùng với ức chế sẽ mất đi sự sáng suốt, minh mẫn.
Lê Anh Hùng có tâm thần không ? Điều này đã có nhiều bài viết đề cập và chung một nhận định rất khó hiểu khi anh bị cho là tâm thần. Biểu hiện của sự minh mẫn của anh ở chỗ, anh là một cây viết nhạy bén, viết khỏe, là cộng tác viên của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ nhiều năm gần đây. Bài viết của anh chuẩn mực về ngôn ngữ, văn phạm và chính tả. Những ai từng giao tiếp với Lê Anh Hùng đều chung nhận xét, anh nói năng nhỏ nhẹ, mạch lạc, khiêm nhường, không to tiếng gây sự với ai bao giờ. Anh là người cha người chồng thương yêu vợ con và có lòng bao dung với những sai lầm của vợ. Lê Anh Hùng còn là dịch giả của những cuốn sách hoặc bài viết về kinh tế, thương mại, chính trị xã hội. Tôi cũng từng nhờ anh dịch giúp thư từ hay phiên dịch trực tiếp trong những buổi làm việc.
Không chỉ kết luận tâm thần mà xong
Công luận đều biết việc trong vòng 10 năm kể từ 2008 cho đến khi bị bắt, Lê Anh Hùng liên tục viết đơn tố cáo một số quan chức cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam như Hoàng Trung Hải, Nguyễn Tấn Dũng. Phải chăng, việc kết luận Hùng bị tâm thần nhằm vô hiệu hóa mọi nỗ lực đấu tranh của anh trong những năm qua và để lẩn tránh xử lý, trả lời đơn của anh ?
Tuy nhiên, nếu xem xét về góc độ pháp luật thì không phải cứ bị tâm thần là không bị xử lý hình sự.
Theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015, thì "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Nhưng Lê Anh Hùng bị bắt sau một loạt hành vi đứng ở nhiều nơi trên đường phố HN giương biểu ngữ đòi bắt Nguyễn Phú Trọng và Hoàng Trung Hải. Anh làm việc đó trong trạng thái hoàn toàn bình thường.
Theo khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015, thì "đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự".
Như vậy, cứ cho là Hùng bị tâm thần đi thì sau khi điều trị xong, họ có đưa anh ra tòa - điều mà anh mong muốn không ?
Đó là theo luật. Còn cứ theo lý lẽ thông thường mà suy thì người tâm thần không phải hành vi nào cũng sai. Ví dụ, những bài viết của Lê Anh Hùng chưa có bài nào bị bác bỏ vì thông tin sai hay lập luận lung tung. Lối cư xử của anh đối với mọi người và vợ con là những hành vi tử tế, không phải là hành vi sai. Do đó, cơ quan điều tra vẫn phải xác minh nội dung đơn tố cáo của anh, nếu không đúng có thể truy tố anh về tội vu khống. Hoặc hành vi anh giương biểu ngữ đòi bắt lãnh đạo cũng cần phải kết luận có phạm tội hay không và nếu có thì phạm vào tội gì ? Việc này, Lê Anh Hùng luôn xác định hoàn toàn chịu trách nhiệm và anh mong muốn được ra tòa để đối chất. Nhưng tại sao hơn chục năm nay, nhà chức trách vẫn lờ đi việc này. Không phải cứ tâm thần thì hành vi nào cũng sai hết.
Thực tế, có nhiều người phạm tội chạy giấy giám định tâm thần. Nhưng với Lê Anh Hùng, việc giám định tâm thần cho anh là điều anh kịch liệt. Đây là vụ án hết sức đặc biệt nên những gì diễn ra nó cũng khác thường.
Như vậy, theo luật thì vụ Lê Anh Hùng vẫn phải đưa ra tòa. Kết quả giám định tâm chỉ là một căn cứ để tòa quyết định có cần phải bắt buộc chữa bệnh hay không. Ngay cả kết quả giám định tâm thần, tòa cũng có quyền nghi ngờ và yêu cầu giám định lại nếu cẩn.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra là qui trình ngược. Thay vì việc đưa Lê Anh Hùng ra tòa thì cơ quan điều tra bắt anh đi giám định tâm thần để có thể đình chỉ điều tra. Đây không phải là việc làm "nhân đạo" nhằm tránh bỏ tù Lê Anh Hùng. Việc kết luận anh tâm thần rồi hè nhau đè anh ra tiêm thuốc không phải là đã kết thúc vụ án.
Chúng tôi đã viết bài về việc Lê Anh Hùng làm chủ "cuộc chơi" trong vụ này. Trong đó có nêu ra việc anh cố tình hành động để bị/được bắt. Phải chăng, nhà chức trách biết rõ ý định của Hùng nên tìm cách tránh việc đưa anh ra tòa. Nhưng vụ án chưa thể kết thúc.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 14/05/2019
Hòa giải hòa hợp dân tộc : cộng sản Việt Nam không thể chỉ kêu gọi suông !
Đừng làm cho nỗi đau của đồng bào miền Nam kéo dài thêm, cứa mãi, đau day dứt, dai dẳng như xẻo thịt bằng con dao cùn và lấy sự đau đớn ấy làm niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của mình.
Tác giả (phải), một cựu quân nhân miền Bắc và một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh Ngô Chí Thiềng
Vẫn cứ là "giải phóng miền Nam"
Hoạt động cuối cùng của đợt "kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước" là màn bắn pháo hoa tại 3 điểm ở Sài Gòn vào lúc 9 giờ tối ngày 30/4/2019 với mô tả "mãn nhãn", "thắp sáng bầu trời Thành phố Hồ Chí Minh".
Cụm từ "kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam" tràn ngập trên các trang báo mạng. Nếu gõ câu "kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước" vào google có thể tìm thấy ít nhất khoảng 160 tin bài. Chỉ có trang "Nhân dân" của đảng cộng sản Việt Nam thêm chữ "hoàn toàn" - giải phóng hoàn toàn miền Nam". Dùng chữ "hoàn toàn", hẳn họ quên mất rằng, ở thời điểm 30/4/1975, quần đảo Hoàng Sa thuộc miền Nam quản lý đã mất vào tay Trung quốc từ hơn 1 năm trước đó, mà những người lãnh đạo của Việt Nam dân chủ cộng hòa khi đó vẫn cứ tin là Trung Quốc "giải phóng và giữ hộ"
Còn nếu bỏ mấy chữ "giải phóng miền Nam" đi, gõ cụm từ "kỷ niệm 44 năm thống nhất đất nước" vào công cụ tìm kiếm thì chỉ thấy vài tin, nhưng là nói về màn bắn pháo hoa.
Như vậy, không có chuyện chính quyền Việt Nam tránh nói từ "giải phóng" trong dịp kỷ niệm 30/4 năm nay như một bài viết của RFA đã đặt dấu hỏi.
Đừng khoét thêm vào nỗi đau tháng Tư
Việc tuyên truyền, khuếch trương chiến thắng của bên thắng cuộc chỉ khoét sâu thêm vào nỗi đau của bên thua cuộc.
Phân tích kỹ thì bên thua cuộc không chỉ là miền Nam mà bao gồm tất cả những người phải chịu tổn thất trong chiến tranh. Với khái niệm này, bên thua cuộc còn bao gồm hàng triệu người lính miền Bắc và dân thường đã ngã xuống trong nỗi đau đớn của gia đình họ. Bên thua cuộc còn bao gồm những người kỳ vọng vào một đất nước thống nhất cường thịnh nhưng lòng tin ấy đã đổ vỡ
Tóm lại, bên thua cuộc là nhân dân Việt Nam, còn bên thắng cuộc là những người phát động chiến tranh, giành thắng lợi và hưởng lợi từ chiến thắng ấy.
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…
(Đá ơi – Thơ Nguyễn Duy)
44 năm đã quá đủ thời gian để nhìn nhận lại cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Người ta ngày càng rõ hơn các vấn đề như bản chất của cuộc chiến tranh, tại sao phe cộng sản thắng ? Đất nước thống nhất đem lại cho nhân dân những gì ? Có ý kiến đặt ngược vấn đề "ai giải phóng ai ?". Đây là một góc nhìn mới và nghiêm túc.
Có lẽ trong hiện thực xã hội mục ruỗng và bế tắc hiện nay, trước tương lai mù mịt của đất nước, phe thắng cuộc không còn gì hơn là bấu víu vào quá khứ mà người ta gọi là ăn mày dĩ vãng. Oái oăm thay, quá khứ ấy càng vén lên, càng đánh thức nó dậy thì càng bất lợi cho họ. Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Chỉ cần đặt ra mấy câu hỏi mà ai cũng trả lời được là sẽ rõ vấn đề :
- Bên nào đem quân vượt vĩ tuyến 17 vào miền Nam ?
- Gọi là chống Mỹ xâm lược, tại sao khi quân đội Mỹ chưa tham chiến hoặc sau khi họ rút quân, chiến tranh vẫn tiếp diễn ?
- Tại sao miền Nam cần phải giải phóng và giải phóng khỏi cái gì ?
- Tỉ lệ tử sĩ trong chiến tranh (tạm lấy số liệu của wikipedia) giữa phe cộng sản Việt Nam & đồng minh / Việt Nam Cộng Hòa / Mỹ & đồng minh là 13,2/4,7/1 nói lên điều gì ? Có phải đấy là cách để làm nên chiến thắng của phe cộng sản ?
v.v...
Việc khuếch trương chiến thắng, sỉ nhục bên bại trận là môt sai lầm mà bên thắng cuộc cố tình không nhận ra do bản chất kiêu ngạo của họ. Nó không có tác dụng gì trong việc nâng cao tầm vóc cho họ mà chỉ làm tổn thương cho phía bên kia, duy trì và khoét sâu sự hận thù. Trong khi luôn miệng kêu gọi hòa giải, hòa hợp dân tộc thì 44 năm qua, cứ vào dịp 30/4, họ lại tưng bừng kỷ niệm chiến thắng, xoáy vào nỗi đau tháng Tư của đồng bào phải chịu tổn thất trong chiến tranh.
Là bên thắng cuộc, họ không những không có lòng khoan dung, cao thượng mà vẫn còn đó sự căm thù chế độ Việt Nam Cộng Hòa mặc dù nó đã đi vào quá khứ. Xóa sổ một chính thể, hàng triệu đồng bào bỏ chạy khỏi đất nước, hàng trăm nghìn người bỏ xác nơi biển cả, sa vào tay hải tặc, đày đọa hàng trăm nghìn cán binh Việt Nam Cộng Hòa trong các trại cải tạo chưa đủ làm họ thỏa mãn sao ? Không thể tưởng tượng được, chỉ từ cử chỉ cầm lá cờ Việt Nam bé xíu vẫy của tổng thống Mỹ khi sang thăm Hà Nội mà ông thủ tướng lập tức nghĩ ngay đến "bọn phản động lưu vong người Việt", và tưởng tượng ra "bọn" này "rã rời chân tay".
Năm 2005, kỷ niệm 60 năm quốc khánh, ông Võ Văn Kiệt phát biểu :
"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu"...
Phát biểu của ông Kiệt được nhắc lại với tần suất rất cao mỗi khi nói về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Cho đến nay, không có một lãnh đạo cấp cao nào nói ra được một ý tương tự. Tiếc rằng, vì quan điểm tiến bộ, cởi mở của ông mà sau đó ông bị đồng chí của mình nghi kỵ, cảnh giác. Đã có những ý kiến nghi ngờ rằng cái chết của ông có uẩn khúc.
Lối cư xử với bên bại trận ở Việt Nam, làm người ta nghĩ đến cách giải quyết trong quan hệ Mỹ - Nhật sau khi Nhật Bản đầu hàng, để có được một nước Nhật ngày nay. Xa hơn nữa là cách giải quyết trong nội bộ nước Mỹ khi Liên bang miền Bắc chiến thắng trong cuộc nội chiến cách đây 1,5 thế kỷ để có một siêu cường Hoa Kỳ ngày nay. Nó khác hẳn với tư duy hẹp hòi, thiển cận và những hành động trả thù hèn hạ sau cuộc nội chiến kéo dài 20 năm ở Việt Nam của bên thắng cuộc và dai dẳng đến tận bây giờ.
Không thể chỉ kêu gọi suông
Về vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, trái bóng luôn ở chân nhà nước cộng sản Việt Nam, đơn giản vì họ là bên thắng cuộc, ngoài ra họ là bên phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Họ có đủ quyền hành, lực lượng để chủ động trong việc ấy.
Cho đến nay, 44 năm đã qua, vết thương chiến tranh vẫn còn đó : hòa giải và hòa hợp dân tộc là một bắt buộc và trái bóng đang ở chân nhà nước cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa (Life)
Để hòa giải và hòa hợp dân tộc, cần phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ kêu gọi suông. Người ta nhìn vào hành động để biết nhà cầm quyền có thực tâm hòa giải không.
Những hành động cụ thể cần phải làm, trước hết cần dùng một tên gọi chính xác cho cuộc chiến tranh 1955 – 1975. Nếu ngại những từ "nhạy cảm" như "thôn tính", "cưỡng chiếm", có thể gọi là cuộc nội chiến hay chiến tranh Nam Bắc, chứ không gọi là "cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" hay chiến tranh "giải phóng miền Nam". Cần loại bỏ vĩnh viễn những cụm từ "giải phóng miền Nam", "đế quốc Mỹ và tay sai", "ngụy quân ngụy quyền" ra khỏi đời sống xã hội. Phải bỏ ngày 30/4 ra khỏi ngày nghỉ lễ.
Ngày 30/4 là một biến cố lịch sử. Chỉ nên tổ chức những buổi hội thảo tự do không định hướng, không kén chọn thành phần để làm rõ hơn mọi khía cạnh cuộc chiến tranh 1955 - 1975, giai đoạn đau thương và đen tối nhất của lịch sử dân tộc.
Cần chấm dứt việc gây khó dễ khi xét lý lịch đi học, đi làm đối với con cháu quân cán binh Việt Nam Cộng Hòa. Phải loại bỏ sự phân biệt đối xử đối với những người có liên quan đến chế độ cũ. Không được gây cản trở mọi hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ những người có liên quan đến chế độ cũ, ví dụ hoạt động tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa được nhà thờ Kỳ Đồng tổ chức hàng năm. Các nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa cần được chăm sóc chu đáo như những nghĩa trang liệt sĩ khác.
Đừng làm cho nỗi đau của đồng bào miền Nam kéo dài thêm, cứa mãi, đau day dứt, dai dẳng như xẻo thịt bằng con dao cùn và lấy sự đau đớn ấy làm niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của mình.
Những người được coi là thắng cuộc liệu có biết họ đang thua cuộc. Có trong tay cả một đất nước để rồi không biết làm thế nào để "đất nước đứng lên". Họ đang đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện với những thách thức về lý luận, về phương pháp, về lòng tin, về sự thối nát của hệ thống chính trị và phải tìm cách thoát khỏi bế tắc. Việc thực tâm hòa giải bằng những việc làm cụ thể cũng là một cách khai thông bế tắc ấy.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 03/05/2019
Trưa ngày 27/02/2019, Tại Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với tổng thống Mỹ. Trước sự đón tiếp nồng nhiệt, của cán bộ và các cháu học sinh tại đây, tổng thống Mỹ cầm một lá cờ Việt Nam vẫy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng chính phủ trưa 27/2. Ảnh : Ngọc Thành (ngoisao.net)
Đây là một cử chỉ rất bình thường trong ngoại giao. Việc tổng thống Mỹ vẫy cờ Việt Nam chỉ có thể nói lên sự đáp lại tình cảm nồng hậu mà khách dành cho mình, thế thôi.
Xin nhắc lại một chuyện cũ làm ví dụ : Năm 1978, Đặng Tiều Bình sang thăm Nhật, y cúi rạp mình chào cờ Nhật. Đấy là một cử chỉ ngoại giao. Hình ảnh này bị báo chí Việt Nam khi đó chửi không tiếc lời. Về phía Nhật Bản, họ không lấy đó để nói rằng, Nhật đã khuất phục được Trung Quốc.
Vậy mà cử chỉ ông Trump vẫy cờ Việt Nam lại được khuếch trương như là một thắng lợi của Việt Nam, là sự đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên quốc tế.
Trong buổi tiếp xúc của ông Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc vừa qua, ông Phúc khoe :
"Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên cao thế này, lên khỏi đầu ổng, bà con có thấy hình ảnh đó không ? Đó là gì ? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn".
Tôi bàng hoàng khi nghe câu nói này từ một người đứng đầu chính phủ. Đấy không phải là câu nói của một chính khách. Về hình thức, câu nói khá dông dài, đã "rã rời chân tay" lại còn "luôn" nữa. "... luôn" là mẫu câu của lớp trẻ thường nói với nhau bây giờ, chứ không phải là ngôn ngữ văn phạm, kiểu như "kinh sợ luôn", "không biết gì luôn"... Tôi không dùng mẫu câu này khi nói hay viết vì nó không phù hợp với lứa tuổi và tính cách của mình.
Về nội dung lại rất phi chính trị. Ông gọi những đồng bào tị nạn không đồng thái độ chính trị là "bọn phản động, lưu vong người Việt". Điều này đẩy thêm sự xa cách của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bộ phận mà nhà nước Việt Nam vẫn coi là "khúc ruột ngàn dặm". Không thể dùng từ "phản động", "lưu vong" đối với đồng bào vì trốn chạy chế độ hoặc vì mưu sinh mà phải bỏ quê hương ra đi. Nó gây nên sự xúc phạm, tổn thương ghê gớm đối với họ.
Tiếc rằng, câu nói đó lại phát ngôn từ một chính khách chứ không phải từ một dư luận viên mới vào nghề.
Chi tiết ông Tump vẫy cờ Việt Nam có mấy ai để ý, quan tâm mà phải "rã rời chân tay" ? Hẳn là khi thấy ông Trump vẫy cờ Việt Nam và khuếch trương việc này thì người ta không quên rằng Trump đã từng kêu gọi thế giới chống lại chủ nghĩa xã hội hồi tháng 9 năm ngoái :
"Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người".
Nhắc lại để thấy rằng, khi Trump cầm cờ Việt Nam vẫy thì ông ta có mặn mà với nó không.
Xem ra bệnh tự sướng của đảng đã quá nặng.
Và còn điều này, nói đi thì phải nói lại : Khi ông Nguyễn Xuân Phúc hồ hởi khoe ông Trump vẫy cờ Việt Nam thì ông lại quên rằng, cùng lúc, ông cũng đứng cạnh Trump và vẫy cờ... Mỹ. Phân tích kỹ hơn thì thấy hai cử chỉ này không hoàn toàn như nhau mà mức độ về ý nghĩa có khác nhau. Việc ông Trump vẫy cờ Việt Nam tại Việt Nam đâu có ý nghĩa bằng ông Phúc vẫy cờ Mỹ ngay tại thủ đô của Việt Nam.
Việc ông Trump vẫy cờ Việt Nam, theo ông Phúc, làm cho "bọn phản động, lưu vong người Việt" "rã rời chân tay luôn" thì việc ông cầm cờ Mỹ vẫy thì làm cho ai "rã rời chân tay" ? Có phải là bọn suốt ngày chửi Mỹ, lên án chủ nghĩa tư bản, bài xích giá trị dân chủ Mỹ không thưa ông ? Sắp tới, kỷ niệm ngày 30/4, chắc "đế quốc Mỹ xâm lược" sẽ được bọn này lôi ra chửi tiếp. Nếu định chửi tiếp thì cũng nên nhớ, ông thủ tướng đã cầm cờ Mỹ vẫy rồi đấy nhé.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 25/04/2019
Cư dân mạng đang kháo nhau rất sôi nổi về sức khỏe "tổng tịch" Nguyễn Phú Trọng. Người thì bảo cảm nắng qua loa, người thì bảo nặng, có người lại khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng đã "chuyển sang từ trần", không biết thế nào. Còn báo chí chính thống không một lời hé răng, chỉ biết kiên trì đợi lệnh để đăng theo một bản tin mẫu.
Dư luận gần như có sự thống nhất rằng, tai nạn của tổng Trọng ắt là do Ba X ra tay.
Tuy nhiên, bàn về nguyên nhân, dư luận gần như có sự thống nhất rằng, tai nạn của tổng Trọng ắt là do Ba X ra tay. Sự khẳng định này căn cứ vào mối thù sâu sắc giữa Ba X và ông tổng mà người nào quan tâm đến thế cuộc đều biết. Tự nhiên, Ba X được ca ngợi biết nuôi chí báo thù "quân tử trả thù 10 năm cũng không muộn", thậm chí còn so sánh Ba X với Gia Cát Lượng, một nhà chính trị quân sự lỗi lạc của Trung Hoa thời Tam Quốc.
Lẽ thường với lãnh đạo cấp cao đang mang trọng trách mà được cất đi gánh nặng lúc về hưu thì đó là một sự mong đợi. Đây chính là lúc đầu óc được thanh thản, nghỉ ngơi dưỡng già. Hàng ngày yên tâm vui thú cảnh điền viên bên gia đình, tìm đến bạn cũ để hàn huyên, làm những công việc thường nhật như Obama đi chợ mua rau chẳng hạn. Ông nào có đam mê và năng khiếu thì viết hồi ký.
*
Nhưng lãnh đạo ta không phải thế. Về hưu rồi nhưng vẫn "buông rèm chấp chính", vẫn muốn phủ bóng của mình lên những người kế nhiệm, vẫn muốn chi phối chính trường. Dĩ nhiên, ông nào chết lúc đương nhiệm thì không có chuyện này. Đây là căn bệnh ham quyền lực của lãnh đạo thường thấy ở những nước cộng sản. Vì vậy, lần đầu có lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu, phải sinh ra Hội đồng cố vấn cho các ông ấy ngồi để hiện diện, như những thái thượng hoàng, đáp ứng nhu cầu làm "lãnh tụ suốt đời". Thành lập Hội đồng cố vấn là theo mô hình của Ủy ban cố vấn bên Trung Quốc ra đời năm 1982 (Tàu sao Ta vậy). Hội đồng này ở ta sinh ra năm 1986, ban đầu gồm 3 ông : Thọ, Chinh, Đồng. Nghe kể, có ông làm cố vấn, biết Bộ Chính trị họp nhưng không mời ông, thế là ông đeo kính đen (vì đã lòa), chống batoong đến. Mấy ông Bộ Chính trị sợ xanh mắt. Cũng có ông có sĩ diện nhưng nói dỗi : Người ta có "vấn" đâu mà "cố".
Hội đồng cố vấn tồn tại được 4 khóa, đến đại hội 9, năm 2001 thì bỏ. Tại Đại hội này, Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu phế truất ông Phiêu, mặc dù Bộ Chính trị đã đồng ý để lại. Lịch sử còn ghi nhận việc Ban chấp hành trung ương chống lại quyết định của Bộ Chính trị ít nhất 1 lần nữa ở Hội nghị trung ương 6 (khóa 11) : Bộ Chính trị đòi kỷ luật ông Dũng nhưng bị Ban chấp hành trung ương bác.
Ông Phiêu bị loại, đòi bỏ Hội đồng cố vấn, tức là bỏ luôn chức cố vấn (sẽ có) của mình và của mấy ông khác, theo kiểu tôi nghỉ anh cũng nghỉ. Vậy là từ đấy, mấy ông lãnh đạo hưu là hưu, không còn chức gì nữa. Mấy chuyện này nghe cánh nhà báo nói, không rõ thực hư thế nào.
Tuy Hội đồng cố vấn giải thể nhưng việc buông rèm chấp chính vẫn có trên thực tế mà Ba X cũng không ngoại lệ. Việc thao túng chính trường sau khi nghỉ là có thật và các ông làm được đến đâu, tùy theo uy tín và thực lực của mình. Vì vậy, mấy ông đương chức không thể coi thường, sơ hở tí có thể mấy cụ cho "biết thế nào là lễ độ" ngay. Tới mức tự tin, thế lực như ông Trọng cũng vẫn phải gặp nguyên lãnh đạo cấp cao để xin ý kiến.
*
Trở lại với Ba X. Như đã nói, "sự cố" về sức khỏe của ông Trọng tại Kiên Giang vừa qua, dư luận cho là do Ba X chủ mưu. Có mấy lý do để người ta nghi ngờ việc này : Một là mối thâm thù giữa Ba X với ông Trọng, hai là tuy quê gốc ở Cà Mau nhưng Ba X công tác và thành danh từ Kiên Giang, nhà thờ họ cũng ở Kiên Giang nên nơi đây được coi là đất của Ba X, ba là con Ba X đang là người quyền lực nhất vùng đất này.
Vì vậy, dư luận cho rằng Ba X chủ mưu vụ gây nên "sự cố" về sức khỏe của Trọng có vẻ rất logic. Một kịch bản được đưa ra dựa theo các sự việc đã xảy ra để khớp lại và cho rằng đã thực hiện quá hoàn hảo :
Theo đó, người của Ba X nhử cho tổng Trọng về Kiên Giang bằng cách xin thành lập thành phố Phú Quốc để bắt ông ta vào dẹp, gọi là kế "điệu hổ ly sơn". Bố trí vào thăm xưởng đông lạnh trước rồi để ông Trọng đầu trần ra trời nắng 37 độ, không cho ai che ô, lịch làm việc lại dày đặc nên đột quỵ là điều không tránh khỏi. Đến cả những người khiêng cáng cũng được bố trí công phu, sắp xếp tỉ mỉ. Nghĩa là, một kịch bản hết sức hoàn hảo và được thực hiện chính xác đến từng chi tiết.
Ở một đất nước có quá nhiều bí mật, sức khỏe lãnh đạo cũng trở thành bí mật quốc gia thì biệc bàn tán, xì xào là điều không tránh khỏi. Nghe bàn về kịch bản cũng vui vui, thể hiện khả năng phân tích và trí tưởng tượng của mỗi người. Nhưng tôi không cho rằng, Ba X có thể làm được điều đó. Tại Hội nghị 6 (khóa 11), Sang và Trọng từng cay đắng gạt nước mắt vì không kỷ luật được Ba X nhưng đến Đại hội 12, Ba X cay đắng còn hơn thế, buộc phải rời chính trường. Tại đại hội này, ông ta phải "xếp giáo quy hàng" một cách ngoan ngoãn, về làm "người tử tế".
Ba X rời chính trường không được như những lãnh đạo khác mà bị loại như một kẻ thua cuộc. Uy tín của ông ta không còn gì, bị kết tội tàn phá đất nước, làm kiệt quệ nền kinh tế. Nạn tham nhũng dưới thời Ba X là chưa từng có. "Củi" do Ba X tạo nên cung cấp cho tổng Trọng một khối lượng nhiên liệu khổng lồ mà vài đời tổng bí thư như ông Trọng đốt cũng không hết.
Có điều, do quá chán ngán chế độ, lo đất nước rơi vào tay Trung Quốc nên người ta mong có một sự thay đổi. Không hy vọng được vào một sự thay đổi có trật tự theo hướng dân chủ, người ta trông vào một cuộc chính biến, rồi muốn ra sao thì ra, dẫu sao cũng là một sự thay đổi trong khi không khí xã hội quá ngột ngạt. Vì Ba X là đối thủ của tổng Trọng và Ba X cũng khó mà thoát việc bị cho vào lò nên người ta thường trông vào ông ta. Mỗi khi có một biến cố, như thêm những đàn em bị bắt, họ hay nhắc đến Ba X như là một sự trông chờ, khuyến khích hay cảnh báo.
Nhưng Ba X lại là người chỉ có tài phá chứ không phải là người có tài trí, bản lĩnh. Uy tín của ông ta một thời chỉ là từ sự ban ơn mưa móc, lấy của đất nước chia nhau, chứ không phải là uy tín của người vì dân vì nước. Vì vậy quân của ông ta cũng chỉ là đám xôi thịt, gió chiều nào che chiều ấy, lại hèn nhát, cứ ra tòa là khóc tu tu thì lấy đâu ra kẻ dám làm, dám hy sinh vì nghĩa.
Vì vậy, khó có thể tin rằng, Ba X lập mưu hãm hại tổng Trọng và đã thành công. Hình như, người ta đánh giá quá cao Ba X, đồng nghĩa với việc tổng Trọng quá chủ quan, mất cảnh giác.
Nếu ông Trọng có bị sao thì có lẽ đấy chỉ là sự may rủi, rủi về phía này thì may cho bên kia. Mọi người bàn tán, phân tích, tưởng tượng cũng chẳng chết ai. Có hay không một kế hoạch ám hại tổng Trọng, chẳng có cơ sở nào khẳng định hay bác bỏ.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : VNTB, 23/04/2019