Các nhà hoạt động môi trường hàng đầu thế giới kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Ngụy Thị Khanh
Hơn 50 người từng đoạt giải thưởng danh giá nhất thế giới về môi trường kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bác đơn ứng cử của Việt Nam, do chính quyền Hà Nội đàn áp giới hoạt động nhân quyền trong nước.
Nhà hoạt động môi trường và chống năng lượng than Ngụy Thị Khanh trước một nhà máy than ở Việt Nam. © goldmanprize.org/
Theo nhật báo Anh The Guardian, trong một bức thư gởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm nay, 14/09/2022, 52 người từng đoạt Giải thưởng Môi trường Goldman, đến từ 41 quốc gia, kêu gọi Hội đồng bỏ phiếu bác đơn ứng cử của Việt Nam, do chính quyền Hà Nội trong năm nay đã bắt giam 4 nhà hoạt động môi trường với những cáo buộc về thuế.
Trong số những nhà hoạt động môi trường đang ngồi tù, có bà Ngụy Thị Khanh, người sáng lập Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) tại Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, bà Ngụy Thị Khanh, từng đoạt giải Goldman năm 2018, đã bị kết án tù 2 năm về tội trốn thuế, sau khi đã gây áp lực đòi chính quyền Việt Nam từ bỏ điện than, vốn bị xem là gây ô nhiễm môi trường nặng nề và khiến cho biến đổi khí hậu thêm trầm trọng. Trước đó, vào tháng 1/2022, luật sư về môi trường Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, đã lãnh án 5 năm tù cũng về tội trốn thuế
Các tác giả của bức thư nói trên nhắc lại rằng các Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Quyền tự do Hội họp và Lập hội đã từng cho rằng các luật "mơ hồ" về thuế của Việt Nam là "không tương hợp với các tiêu chuẩn về nhân quyền" và thường được sử dụng để bịt miệng các nhà hoạt động môi trường hàng đầu như bà Ngụy Thị Khanh hay ông Đặng Đình Bách.
Bức thư của những nhà hoạt động từng đoạt giải Goldman nhấn mạnh những gì đang diễn ra ở Việt Nam "chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", vì tại một số nước, các nhà hoạt động vì môi trường cũng bị chính phủ bắt giữ và kết án tù.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một cơ chế bao gồm đại diện của 47 quốc gia, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm. Riêng Việt Nam đang ứng cử cho nhiệm kỳ 2023-2025. Các tác giả bức thư nói trên yêu cầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bác đơn ứng cử của Việt Nam cho đến khi nào Hà Nội trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường đang bị giam, đồng thời sửa đổi các luật về thuế cho đúng với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
Thanh Phương
Các nhà hoạt động cho rằng việc bà Khanh bị bỏ tù là một bước lùi cho hoạt động chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam, và tạo ra nghi ngờ về cam kết của chính phủ trong việc giảm thải và hướng tới một chiến lược phát triển xanh.
Bà Ngụy Thị Khanh nhận giải Goldman Environmental Prize năm 2018. Hình do Goldman Environmental Prize cung cấp.
Việc bỏ tù một nhà hoạt động môi trường cao cấp Việt Nam vì trốn thuế đã tạo một hiệu ứng đáng sợ trong cộng đồng các tổ chức phi chính phủ của đất nước.
Một lãnh đạo tổ chức phi chính phủ, tên viết tắt là H.C. vì sợ bị rắc rối, cho biết họ đang xem xét đóng cửa tổ chức của mình : "Tôi nghĩ rằng các lãnh đạo của nhiều tổ chức phi chính phủ, và tất nhiên là đặc biệt là những người hoạt động vì môi trường, cũng đang nghĩ như vậy, và rất lo lắng và sợ hãi".
Những nhà hoạt động xã hội dân sự khác từ chối bình luận về việc này dù là ẩn danh.
Ngày 17 tháng 6, tòa án Hà Nội đã kết án bà Ngụy Thị Khanh hai năm tù vì tội trốn thuế. Bà Khanh được cho là nhà vận động môi trường nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Năm 2018, bà Khanh, người sáng lập Trung tâm Sáng tạo và Phát triển Xanh (GreenID) có trụ sở tại Hà Nội, đã trở thành người Việt Nam đầu tiên giành được Giải thưởng Môi trường Goldman. Bà đã được trao giải thưởng tù việc hợp tác với chính phủ Việt Nam trong Kế hoạch Phát triển Điện lần thứ bảy để giảm sự phụ thuộc vào điện than trong khi tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo theo kế hoạch.
Sự dịch chuyển này đã làm giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam ước tính khoảng 115 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam đã phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất ở Đông Nam Á.
Bà Khanh cũng là người đồng sáng lập Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam và là thành viên hội đồng quản trị của Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam (VNGO-EVFTA).
Khánh Linh được truyền thông Việt Nam tung hô sau khi giành được giải thưởng Goldman. Năm 2019, GreenID được bầu chọn nhận giải thưởng Dự án Đột phá Khí hậu.
Bản án của bà Khanh không được truyền thông trong nước công bố trong gần một tuần, vụ bắt giam bà Khanh trước đó nhiều tháng cũng không được báo chí nhà nước đưa tin cho đến khi chuyện đã rồi. Vụ bắt giữ bà đã tạo những làn sóng chấn động trong giới xã hội dân sự Việt Nam.
"Tôi rất ngạc nhiên", M.Y. (không phải tên viết thật), người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn và cũng yêu cầu ẩn danh để nói chuyện tự do về chủ đề này. "Tôi gặp chị Khanh nhiều lần trước đây… chị ấy luôn rất lịch sự, rất hào phóng và thẳng thắn. Cá nhân tôi không tin rằng chị ấy có thể bị bắt vì trốn thuế. Chị bị bắt vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1, nhưng tới tháng 2 mới được đưa tin hạn chế về ‘vi phạm’ của chị ấy".
Mặc dù vụ án đã không được truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin nhiều, bản án chỉ được đưa tin sau khi Bộ Ngoại giao bác bỏ tuyên bố rằng bà Khanh đã bị bắt giam vì vận động chống sử dụng than trong một cuộc họp báo, nhưng lại thu hút được sự chú ý của quốc tế.
Chính phủ Hoa Kỳ và Canada, cũng như Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức khí hậu quốc tế nổi tiếng đã kêu gọi thả bà Khanh.
Điều này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam cam kết đưa lượng khí thải ròng bằng không vào năm 2050 tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 năm ngoái. Chính phủ Việt Nam cũng đang chật vật với Kế hoạch Phát triển Điện lực 10 năm tiếp theo, dự kiến sẽ được phát hành vào năm 2021 nhưng vẫn chưa được hoàn thành một phần do bất đồng về cách thức giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bao nhiêu năng lượng tái tạo để lập kế hoạch.
Bà Ngụy Thị Khanh. Hình do Giải thưởng Môi trường Goldman cung cấp.
M.Y cho biết việc bà Khanh bị bắt giam khiến cho người ta nghi nghờ cam kết này.
"Điều này chắc chắn sẽ không giúp Việt Nam hướng tới một tương lai bền vững ; làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của chính phủ đối với một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo và xanh", M.Y. cho biết. "Nhưng tôi tin rằng người dân được truyền cảm hứng từ công việc của chị Khanh, và do đó họ sẽ tiếp tục công việc của chị. Chuyện sẽ không dừng lại ở đó".
Công việc như vậy sẽ không dễ dàng, người đứng đầu NGO nhận biết rằng tâm trạng trong không gian của các NGO là "dữ dội".
"Đó là một bước lùi cho các hoạt động về biến đổi khí hậu ở Việt Nam", M.Y. nói. "Chị Khanh rất được kính trọng trong ngành ; chị ấy rất trực tinh, nhưng cũng rất cẩn thận với lời nói và hành động của mình. Nếu một người như vậy có thể bị bắt, chúng tôi không biết điều gì có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng tôi, do đó có lời nhắc nhở ‘hãy cẩn thận, đừng làm hoặc nói bất cứ điều gì để tạo sự chú ý.’"
Bản án trốn thuế của bà Khanh diễn ra sau khi một số nhà hoạt động khí hậu khác bị bỏ tù vào đầu năm nay vì tội gian lận thuế, mặc dù không có chi tiết nào về cáo buộc trốn thuế bị cáo buộc của họ được công bố.
H.C, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ, cho biết họ cũng sợ rằng các nhà tài trợ quốc tế có thể ngần ngại tài trợ cho các tổ chức ở Việt Nam để tránh những rắc rối pháp lý tiềm ẩn cho cả họ và các đối tác trong nước, mặc dù cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân trong nước.
"Tôi đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng tổ chức phi chính phủ của mình với một đội ngũ tận tâm và chúng tôi tự hào đã đạt được nhiều kết quả tích cực", H.C. cho biết. "Tôi không bao giờ bỏ cuộc, nhưng tất cả những hoang tưởng và rắc rối mà chúng tôi gặp phải trong vài tháng qua khiến tôi nghĩ rằng không đáng như vậy. Đó là một kết thúc đáng buồn, bởi vì tôi tin rằng Việt Nam vẫn cần được hỗ trợ rất nhiều để giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội".
**********************
Chính quyền Việt Nam lo sợ hoạt động môi trường đi quá xa ?
VOA, 22/07/2022
Việc chính quyền Việt Nam tăng cường trấn áp các nhà hoạt động môi trường mặc dù luôn cam kết các mục tiêu môi trường tham vọng khiến các nhà quan sát đặt dấu hỏi về động cơ đằng sau : lo ngại về phong trào dân sự quá lớn mạnh hay tác động từ các nhóm lợi ích ?
Bà Ngụy Thị Khanh đã vận động cho năng lượng bền vững và giảm phát thải carbon ở Việt Nam
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (tức GreenID) hôm 17/6 đã bị một tòa án ở Hà Nội tuyên án 24 tháng tù về tội ‘Trốn thuế’ theo Điều 200 Bộ luật Hình sự. Trước khi bị bắt, bà Khanh là một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng quốc tế, từng được trao Giải thưởng Môi trường Goldman danh giá, vốn đã tranh đấu cho năng lượng bền vững và giảm phát thải ở Việt Nam.
Việc kết án tù bà Khanh là hành động trấn áp mới nhất của chính quyền Đảng Cộng sản nhằm vào các nhà hoạt động môi trường. Tất cả đều dưới tội danh ‘Trốn thuế’ mà các nhà chỉ trích cho là ‘dàn dựng’.
Đầu năm nay, các ông Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương, tương ứng là chủ tịch hội đồng khoa học và giám đốc của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC), bị tuyên án lần lượt là 4 năm và 2,5 năm tù. Trong khi đó, ông Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD), đã chịu mức án tù 5 năm trong một phiên xử ở Hà Nội hồi cuối tháng Một.
Các vụ bắt bớ này mâu thuẫn với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu. Thủ tướng Phạm Minh Chính từng hứa tại hội nghị COP 26 ở Glasgow rằng Việt Nam sẽ hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon với phát thải ròng bằng 0 cho đến năm 2050 và sẽ từ bỏ nhiệt điện than cho đến năm 2040.
‘Hoạt động bình thường’
VOA đã liên hệ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh và được ông Trần Đình Sính, phó giám đốc và là người tiếp quản sau khi bà Khanh bị bắt, cho biết rằng ‘việc của bà Khanh là việc trốn thuế cá nhân và không liên quan gì đến GreenID’.
"Hiện tại chúng tôi vẫn hoạt động bình thường", ông Sính khẳng định.
Tuy nhiên, David Hutt, một nhà báo chuyên theo dõi Việt Nam, trong một bài viết trên tờ Diplomat hôm 14/7 nhận định rằng ‘Đảng Cộng sản ở Việt Nam cam kết hành động vì môi trường – nhưng việc đó phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng’.
Do đó, ông lập luận rằng sở dĩ các nhà hoạt động môi trường nổi bật như bà Ngụy Thị Khanh bị bắt là vì Đảng Cộng sản ở Việt Nam lo sợ rằng các yêu sách ban đầu về môi trường sẽ đi quá xa đến mức đòi hòi những thay đổi về chế độ.
Ông nêu ra hai cách giải thích khả dĩ : một là là chính quyền chỉ muốn bịt miệng những người chỉ trích trong hành động trấn áp càng quyết liệt kể từ năm 2016 ; hai là chính quyền không thực sự quan tâm đến hành động môi trường. Nhưng theo ông cả hai giả thiết này ‘đều không thuyết phục’.
Theo giải thích của nhà báo này thì chính quyền Việt Nam đã nhiều lần khẳng định rằng những bản án này không ‘liên quan gì đến hoạt động môi trường’. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là ‘điểm sáng trên bản đồ toàn vết đen’ ở Đông Nam Á về hành động ứng phó biến đổi khí hậu khi là một trong 10 nước sản xuất năng lượng mặt trời hàng đầu thế giới.
Thay vào đó, David Hutt cho rằng mặc dù chỉ thuần về môi trường nhưng hành động này có thể là ‘mối đe dọa chính trị lớn nhất đối với Đảng Cộng sản’.
"Một phần là vì các nhà bảo vệ môi trường phần nào không bị chỉ trích. Không giống phong trào vận động dân chủ, Đảng Cộng sản không thể chỉ nói rằng họ muốn lật đổ chế độ ; đa số chỉ đang vận động hành lang để kêu gọi cải cách trong chế độ hiện tại", ông phân tích trong bài viết có nhan đề ‘Chủ nghĩa Lenin sinh thái của Việt Nam’.
"Nhưng cuộc biểu tình phản đối Formosa xả thải hồi năm 2016 cho thấy, các yêu sách có thể nhanh chóng leo thang vượt ra ngoài các vấn đề môi trường", ông viết thêm và chỉ ra khẩu hiệu trong cuộc biểu tình này đã khiến chính quyền lo ngại : ‘Cá cần nước sạch. Dân cần minh bạch’.
Mức độ lan tỏa
Mặt khác, phong trào môi trường khác với các phong trào dân chủ khác ở mức độ lan tỏa khắp xã hội của nó, ông cho biết.
"Các nhóm ủng hộ dân chủ công khai như Khối 8406 và Anh em Dân chủ ra đời rồi cáo chung. Ở nông thôn, phong trào đòi quyền lợi đất đai bùng nổ hơn, như đã thấy trong vụ Đồng Tâm hồi đầu năm 2020, vốn sẽ gây chú ý nhiều hơn nếu dịch Covid-19 không bùng phát. Ở các đô thị, phong trào công đoàn độc lập đang gia tăng. Tầng lớp trung lưu và giới học thức đang tranh đấu cho nhà nước pháp quyền thực sự và quyền sở hữu tư nhân. Nhưng những phong trào này là rất manh mún", ông chỉ ra nhược điểm của phong trào đấu tranh khác để so sánh với phong trào môi trường.
Trong khi đó, phong trào môi trường ‘xuyên qua nhiều tầng lớp – cả nông dân nghèo lẫn tỷ phú đều bị tác động bởi bởi biến đổi khí hậu như nhau – cũng như tác động đến nhiều vùng và các thế hệ. Và nó đã tạo ra chiếc cầu nối mới giữa các nhà hoạt động cá nhân, công chúng và các nhóm xã hội dân sự đang manh nha, theo phân tích của nhà báo David Hutt.
Khi thay đổi môi trường có tác động phổ quát đến tất cả mọi người trong xã hội, thì ‘đương nhiên sẽ có nhiều điểm bất đồng hơn giữa những gì Đảng và người dân cho là con đường đúng đắn để giải quyết vấn đề’, ông lập luận, mặc dù Đảng cũng ‘có lo ngại sâu sắc về những vấn đề môi trường’.
"Đảng cộng sản cam kết ứng phó biến đổi khí hậu nhưng phải tuân theo sự lãnh đạo của họ. Họ cần ý kiến chuyên gia (đôi khi là áp lực công khai từ các nhà hoạt động) nhưng không tán thành tất cả những chỉ trích, nhất là khi chỉ trích đó là từ xã hội dân sự. Đó là việc chủ yếu đi từ trên xuống. Họ không muốn người dân đặt ra các chỉ tiêu hành động cho họ", ông viết.
"Suy cho cùng, người dân có thể đòi chính quyền hành động khí hậu cứng rắn hơn và nhanh hơn so với Đảng muốn, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế chung. Nếu cho người dân quá nhiều tiếng nói thì họ có thể bắt đầu yêu sách những thay đổi khác".
Lợi ích nhóm ?
Tuy nhiên, có thể có dấu hiệu của lợi ích nhóm và ảnh hưởng từ Trung Quốc trong các bản án này, một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với VOA với điều kiện giấu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Nhà quan sát này chỉ ra rằng nhiệt điện than và thủy điện ở Việt Nam đã phát triển quá nóng trong thời gian dài kể từ thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Khi chính phủ Việt Nam có cam kết quốc tế về tiêu chuẩn năng lượng sạch, cùng với làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào điện gió, điện mặt trời, không thể tránh khỏi đụng tới lợi ích nhóm của các doanh nghiệp cùng các quan chức đang dính líu quyền lợi với nhiệt điện than hay thủy điện", nhà quan sát này nói.
Trong lĩnh vực thủy điện, nhà quan sát này chỉ ra việc không có chế tài chặt chẽ về trồng lại rừng bị phá và thiếu ràng buộc pháp lý nghiêm ngặt về việc tích, xả nước vốn gây hại do đời sống và sản xuất của người dân. Nhờ đó, những người vi phạm ‘hiếm khi bị buộc bồi thường thích đáng’.
Còn việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhà quan sát này cho biết gặp trở ngại và có thể là 'do tranh chấp quyền lợi’. Ông chỉ ra việc Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) viện lý do ‘hệ thống truyền tải điện không theo kịp’ để cản trở phát triển năng lượng tái tạo.
"Chỉ có những tổ chức phi chính phủ về môi trường mới có đủ ý thức, kiến thức chuyên môn cùng sự hỗ trợ quốc tế mới có thể phát hiện những bất hợp lý, khuất tất trong tranh chấp quyền lợi trong lĩnh vực này", nhà quan sát này khẳng định. "Đó phải là những tổ chức như của bà Khanh, một trường hợp hiếm hoi rất sắc sảo về chuyên môn và dũng cảm trong tranh đấu".
Bên cạnh đó, tác động của Trung Quốc cũng không thể không xét đến, cũng theo lời nhà quan sát này, vì nước này ‘chiếm số lượng nhà máy nhiệt điện than lớn nhất ở Việt Nam’. Ông chỉ ra những tiêu cực trong làm ăn với Trung Quốc từ khâu đấu thầu, nhập trang thiết bị (lạc hậu, không đồng bộ, giá đắt) cho tới vận hành…
"Trung Quốc từ nhiều năm đã chủ động trong lĩnh vực năng lượng sạch, tất nhiên họ không muốn Việt Nam cầm đèn chạy trước ô tô", nhà quan sát này nói thêm. "Họ còn cần Việt Nam làm bãi rác công nghiệp lạc hậu cho mình".
Nguồn : VOA, 22/07/2022
Anh Vũ, RFI, 20/06/2022
Một ngày sau khi nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng tại Việt Nam Ngụy Thị Khanh bị chính quyền Việt Nam kết án 2 năm tù vì tội "trốn thuế" hôm 19/06/2022, Hoa Kỳ đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về bản án đối với nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng quốc tế.
Ảnh minh họa : Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price nhân một cuộc họp báo tại Washington DC (Hoa Kỳ), ngày 23/02/2022. AP - Tom Brenner
Hãng tin AFP dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Mỹ ra hôm qua tuyên bố : " Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh, người đã được quốc tế công nhận về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường khác đang bị cầm tù, những người đã làm việc vì lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam".
Bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, là giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tư vấn về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, cung cấp nước sạch.
AFP nhắc lại trung tâm của bà Ngụy Thị Khanh đã thuyết phục thành công chính phủ cam kết cắt giảm 20 megawatts điện sản xuất từ than đá trong kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030.
Những hoạt động và đóng góp của bà trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, bà là người Việt Nam duy nhất được trao giải Goldman, giải thưởng cao nhất thế giới cho những những nhà bảo vệ môi trường.
Tháng Hai năm nay, chính quyền Việt Nam bất ngờ khởi tố bắt giam bà Khanh vì tội "trốn thuế". Ngày 18/06, tòa tuyên án bà Ngụy Thị Khanh 2 năm tù.
Anh Vũ
************************
Anh Vũ, RFI, 18/06/2022
AFP hôm 18/06/2022, dẫn thông báo của tổ chức phi chính phủ Green ID-Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết bà Ngụy Thị Khanh, lãnh đạo của tổ chức và là nhà bảo vệ môi sinh nổi tiếng quốc tế đã bị chính quyền kết án 2 năm tù giam vì tội trốn thuế.
Bà Ngụy Thị Khanh, một trong số tiếng nói hiếm hoi trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vừa bị kết án 2 năm tù với tội danh "trốn thuế" ở Việt Nam. AFP
Một đại diện tòa án của Việt Nam cũng xác nhận thông tin trên với AFP, nhưng không cho biết thêm chi tiết nào khác. Bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, đã bị khởi tố và bắt giam hồi tháng Hai năm nay với cáo buộc "trốn thuế".
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh Green ID do bà sáng lập là một tổ chức phi chính phủ được biết đến ở Việt Nam trong các hoạt động hạn chế và loại trừ năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Bà Khanh rất nổi tiếng trong giới bảo vệ môi trường quốc tế.
Năm 2018, bà Khanh là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Môi trường Goldman, giải thưởng lớn nhất thế giới dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở. Báo chí tại Việt Nam đã có lúc ca tụng bà như là "anh hùng môi trường" trong các nỗ lực kết nối mạng lưới môi trường, từ năng lượng xanh đến ô nhiễm không khí. Nhưng không lâu sau đó bà lại trở thành mục tiêu tấn công của truyền thông chính thức cũng như mạng xã hội với những cáo buộc trốn thuế.
Trung tâm của bà nhận định với AFP : "Nhìn vào những đóng góp của bà cho xã hội Việt Nam và việc làm của bà, thì bản án đối với bà Khanh là quá khắc nghiệt". Ông Michael Sutton, giám đốc điều hành Giải thưởng Môi trường Goldman, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Khanh.
Anh Vũ