Mục tiêu công nghiệp hóa : Việt Nam tiếp tục giấc mơ ‘hóa rồng, hóa hổ’ (VOA, 11/01/2020)
Cách đây gần 1 thập kỷ, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020. Mục tiêu này được Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 vào năm 2011.
Múa rồng tại lễ hội Gò Đống Đa ở Hà Nội. Việt Nam đã không thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa và vẫn tiếp tục giấc mơ "trở thành con rồng Châu Á".
Trong 10 năm qua, quốc gia cộng sản của Đông Nam Á được thế giới ca ngợi với đà phát triển kinh tế mạnh trong nhiều năm liên tiếp và tiến từ một quốc gia có nền kinh tế dựa trên nông nghiệp sang một nền kinh tế phát triển bằng các hoạt động công nghiệp.
Nhưng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam cho tới thời điểm này không phải là một nước công nghiệp hóa.
"Mục tiêu đưa ra trước đây không rõ thế nào là một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Không có mục tiêu rõ ràng nên không ai xác định được là đạt được hay không và đến bây giờ thì không ai nói đến việc là đến năm 2020 Việt Nam (trở thành) nước công nhiệp hóa cả".
Giấc mơ về nền kinh tế công nghiệp hóa đã được các đại biểu quốc hội "thắp lên" rất nhiều lần tại các diễn đàn của cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ qua. Ở kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, "giấc mơ" này lại được nhắc tới khi một đại biểu của Phú Thọ nêu lên khát vọng đưa đất nước trở thành nền kinh tế công nghiệp trong khi trước đó nhiều đại biểu khẳng định mục tiêu hiện đại hóa đất nước vào năm 2020 đã thất bại.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã không còn đề cập đến mục tiêu này nữa, vì theo bà Lan, người từng là thư ký và phó chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mục tiêu "đề ra không có cơ sở" và "không có căn cứ".
Nhận định về những nguyên nhân vì sao Việt Nam không thể trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020, bà Lan, người từng tham gia nghiên cứu xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 cùng với Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng nền nông nhiệp vẫn chiếm một phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam trong khi năng suất lao động thấp mặc dù tỷ trọng công nghiệp có tăng lên trong những năm gần đây nhưng chưa cao như những nước khác.
"Những năm vừa qua, (Việt Nam) có tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn theo mô hình tăng trưởng trước đây là mang tính chất truyền thống nhiều hơn, tức là dựa vào lao động giá rẻ, dựa vào lao động tài nguyên thiên nhiên, rồi đổ rất nhiều vốn đầu tư vào cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Có nhiều nhân tố làm cho Việt Nam, dù là có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao về GDP, một phần là do xuất phát điểm thấp, chưa thể trở thành nước công nghiệp hóa được".
Bà Lan cho rằng Việt Nam chưa có tốc độ tăng trưởng cao hàng năm liên tục, như Hàn Quốc đã từng làm để trở thành nước công nghiệp hóa.
Báo các của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết kết quả tăng trưởng của Việt Nam dù tăng cao nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh để trở thành những "con rồng, con hổ" của Châu Á như Hàn Quốc hay Singapore. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7,14% trong 30 năm sau khi tiến hành ‘đổi mới’ (từ 1991-2020) trong khi Hàn Quốc tăng trưởng trung bình khoảng 8% một năm trong 4 thập niên từ 1961-2000.
Thay vào đó, bà Lan cho biết, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành "một nước thịnh vượng" vào năm 2030 và "đến năm đó phấn đấu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao".
Báo cáo Việt Nam 2035 của WB và chính phủ Việt Nam thực hiện nêu ra mục tiêu rằng Việt Nam phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại trong 15 năm nữa. Tuy nhiên, theo bà Lan để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam còn "vất vả lắm".
"Theo quan niệm của báo cáo, phải có công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 80-85% GDP và lực lượng lao động chủ yếu phải làm trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, cũng như những chỉ tiêu khác như là năng suất lao động, thu nhập đầu người, đô thị hóa và chỉ số phát triển con người".
Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm chưa tới 70% nền kinh tế Việt Nam, theo số liệu 2019 của Tổng cục thống kê.
Theo bà Lan, những chỉ tiêu nêu trên phải đồng bộ với nhau và phải đi cùng với việc bảo vệ môi trường và xây dựng một xã hội mang tính chất công bằng hơn để bớt đi sự phân cách xã hội.
Ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong những năm qua khi các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong số những thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới và vụ ô nhiễm ở vùng biển miền Trung do chất độc thải từ nhà máy thép Formosa.
Theo đánh giá của WB, sự phát triển và công nghiệp hóa nhanh chóng của Việt Nam đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Ngân hàng này cũng cho rằng, việc đô thị hóa và sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và dân số của Việt Nam đang gây ra sự tăng cao về những thánh thức ô nhiễm.
"Báo cáo Việt Nam 2035 : Hướng tới thịnh vượng, sáng táo, công bằng và dân chủ" nhấn mạnh đến thông điệp phải cải cách thể chế để phát triển kinh tế, theo bà Lan. Báo cáo này còn đề xuất Việt Nam đảm bảo bền vững môi trường cũng như tăng cường sự tham gia của người dân và sự kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.
*****************
Việt Nam kêu gọi sử dụng các nguồn tài nguyên sông Mekong công bằng và bền vững (RFA, 10/01/2020)
Việt Nam yêu cầu các quốc gia trong khu vực sông Mekong cùng hợp tác sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác một cách công bằng và bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán nặng năm 2016. Ảnh chụp tại tỉnh Sóc Trăng ngày 08/03/16. AFP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết như vừa nêu, tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 9/1, khi trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến những tác động khi Trung Quốc tiến hành chạy thử đập thủy điện Cảnh Hồng từ ngày 1 đến ngày 4/1.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh "Việt Nam tin rằng cùng với những lợi ích hợp pháp trong việc sử dụng nguồn nước sông Mekong cho sự phát triển thì các nước trong vùng phải có trách nhiệm tương hỗ trong việc sử dụng nguồn nước cũng như các nguồn tài nguyên khác một cách công bằng và bền vững nhằm đảm bảo các lợi ích cân bằng cho tất cả quốc gia vì sự thịnh vượng và sự phát triển bền vững trong khu vực".
Bà Lê Thị Thu Hằng còn cho biết Việt Nam luôn giám sát, nghiên cứu và đánh giá mọi hoạt động liên quan đến nguồn nước sông Mekong.
Trước đó, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc ra thông báo đập Cảnh Hồng sẽ giảm lượng xả từ 1.200-1.400 m3/s xuống 800-1.000 m3/s trong thời gian chạy thử nghiệm, từ 1-3/1/2020 và lượng xả nước sẽ tiếp tục giảm xuống còn 504-800 m3/s vào ngày 4/1, sau đó sẽ trở lại mức bình thường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, vào ngày 31/12 cảnh báo rằng việc chạy thử đập Cảnh Hồng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do nằm ở vùng hạ lưu.
Trong thời gian qua, giới khoa học Việt Nam cũng lên tiếng phản đối và cảnh báo Việt Nam đã ủng hộ Lào trong dự án xây đập thủy điện Luang Prabang, là đập thủy điện lớn nhất trong số 9 con đập dòng chính trên sông Mekong, được dự kiến khởi công vào tháng 7/2020.
Thông tin từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho biết Công ty quốc doanh PetroVietnam Power Corporation là nhà đầu tư chính trong dự án xây đập thủy điện Luang Prabang. Giới chuyên gia cho rằng quyết định đầu tư này của Chính phủ Việt Nam sẽ làm cho cuộc sống của 20 triệu cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề hơn.
******************
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang ông Triệu Tài Vinh bị kỷ luật bằng hình thức Khiển trách (RFA, 10/01/2020)
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 10/1 đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang vì liên quan đến vụ gian lận thi cử năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh - Courtesy of Hội Nhà Báo Tuyên Quang
Theo Bộ Chính trị, ông Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy về để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang ; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, xem xét, phát hiện, xử lý ; chấp hành không nghiêm quy định của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bộ Chính trị cũng kết luận trong sai phạm của ông Triệu Tài Vinh là có em gái vi phạm trong kỳ thi nêu trên. Sau khi phát hiện, ông Vinh đã né tránh trách nhiệm, vi phạm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định của Trung ương Đảng.
Trước đó, em gái ông Triệu Tài Vinh là bà Triệu Thị Giang – Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh bị kỷ luật khiển trách vì đã tự nhắn tin nhờ nâng điểm cho con ông Vinh thêm 5,4 điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
**********************
Hà Nội gỡ bỏ hơn 500 clips vi phạm pháp luật (RFA, 09/01/2020)
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội mới đây đưa ra đề xuất với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cần đề nghị xử lý 3 tài khoản Facebook và gỡ bỏ 505 clips trên Youtube có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam.
Ảnh minh họa. AFP
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của cơ quan này, diễn ra vào sáng ngày 9/1 và được truyền thông trong nước loan đi cùng ngày.
Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho biết trong năm 2020 sẽ phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông để gỡ bỏ các clip trên Youtube vi phạm pháp luật, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để đề ra những phương án chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái, chống âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, hồi tháng 6 năm 2019, cho biết Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clips xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của Cục này nhưng vẫn còn khoảng 55.000 video clips xấu độc khác trên YouTube.
****************
Thiếu tiền mặt ảnh hưởng tới đầu tư ở Việt Nam (VOA, 09/01/2020)
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt vốn đang ngăn cản khoảng 24 tỉ đô la có thể đầu tư vào nền kinh tế trị giá 250 tỉ đô la của Việt Nam, theo một cuộc nghiên cứu của PwC Việt Nam.
Nhân viên ngân hàng đếm đồng đô la Mỹ tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội ngày 16/5/2016.
Công ty dịch vụ tài chánh này phân tích 500 doanh nghiệp tại Việt Nam với lợi tức cao nhất được đưa lên sàn chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong ít nhất 4 năm qua. Các nhà phân tích của PwC Việt Nam cho biết "chu kỳ chuyển thành tiền mặt" của những công ty này đã gia tăng, có nghĩa là họ phải chờ đợi lâu hơn từ mốc bắt đầu chu kỳ kinh doanh, khi khởi sự đầu tư, cho đến khi đầu tư sinh lợi dưới hình thức doanh thu.
"Chúng ta tiếp tục thấy lưu lượng tiền mặt bị hy sinh để đạt được những mục tiêu hàng đầu tại Việt Nam, không bền vững cho các doanh nghiệp trong dài hạn", ông Mohammad Mudasser, người đứng đầu khâu về quản lý vốn lưu động tại PwC Việt Nam, nói. "Quản lý vốn lưu động là một trách nhiệm liên hệ đến nhiều người", ông nói thêm.
Trong quá trình chuyển tiếp hiện nay, Việt Nam mở cửa cho các công ty nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước và gần đây nhất là các công ty khởi nghiệp.
Hy sinh tiền mặt cho các mục tiêu doanh thu thường có nghĩa là các công ty sẵn sàng đầu tư bằng tiền mặt sơ khởi, thường là mua hàng tồn kho để có thể bán sinh doanh thu. Tuy nhiên chu kỳ chuyển thành tiền mặt kéo dài cho thấy có một số điểm không hiệu quả, chẳng hạn như chờ đợi lâu hơn từ khi gởi hóa đơn đòi tiền khách hàng và thực sự thu tiền.
Dù không có chu kỳ kinh doanh hoàn hảo, cuộc nghiên cứu của PwC Việt Nam cho thấy các công ty ở Việt Nam có thể giải quyết một số điểm kém hiệu quả bằng cách mở khóa các tiềm năng thêm nữa trong nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng.
Trong năm 2018, Việt Nam có một trong những chu kỳ chuyển thành tiền mặt lâu nhất tại Châu Á, ở mức 67 ngày, tăng 2 ngày so với năm 2017, theo PwC Việt Nam, so với trung bình 58 ngày tại Châu Á, và đặc biệt 64 ngày tại nước láng giềng Thái Lan và 54 ngày tại Malaysia. Điều này có nghĩa là các nước khác tại Đông Nam Á có thể chuyển đầu tư thành tiền mặt sớm hơn Việt Nam.
Một trong những lý do các công ty không muốn có một chu kỳ lâu dài như vậy là làm cho họ dễ mắc nợ. Khi phải chờ đợi lâu để được khách hàng trả tiền thì một số công ty phải đi vay mượn để trang trải chi phí.
"Các công ty tăng trưởng nhanh cũng tăng nợ ngắn hạn cao hơn đáng kể, cho thấy những rủi ro trong việc tăng trưởng bền vững của những công ty này", PwC Việt Nam, một công ty tư vấn chuyện cung cấp dịch vụ về thuế và kế toán, nói trong một thông cáo báo chí.
Nếu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ gia tăng lãi suất trong năm tới, như một số nhà kinh tế dự đoán, các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể nối gót. Việc này sẽ gia tăng chi phí vay mượn của các công ty làm tăng khả năng mắc nợ cho họ và có thể hạn chế tiềm năng kinh tế.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ước tính tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 6,9% trong năm 2019 và sẽ tăng 6,8% trong năm 2020.
PwC Việt Nam nhìn vào hàng trong kho, chi phí, và những hóa đơn chưa được trả tiền của 500 công ty được phân tích. Dựa vào đó, PwC Việt Nam ước tính có 24 tỉ đô la "bị kẹt trong vốn lưu động thuần".
Tuy nhiên PwC ước lượng chỉ có một phần của số vốn này có thể được giải tỏa, tức 11 tỉ đô la, vì một số vốn phải nằm trong chu kỳ kinh doanh. Các nhà phân tích nói hàng tồn kho và những hóa đơn chưa được thanh toán, còn được xem như là những tài khoản có thể nhận được, là những đầu mối để cải thiện tính hiệu quả. Điều này có thể đưa đến tình trạng quá nhiều hàng tồn kho được giữ lại hoặc các công ty phải phải chờ rất lâu để được khách hàng trả tiền.
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải bị xem xét để kỷ luật (RFA, 09/12/2019)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải có những vi phạm trong thời gian làm Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó thủ tướng chính phủ khi chỉ đạo dự án Gang Thép Thái Nguyên II (TISCO II). Những vi phạm này cần phải xem xét kỷ luật.
Ông Hoàng Trung Hải chụp ngày 2/12/2016 - AFP - Ảnh minh họa
Đây là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đưa ra tại kỳ họp thứ 41 từ ngày 4 đến 6 tháng 12 vừa qua và được truyền thông trong nước loan đi vào ngày 9 tháng 12.
Theo đó thì ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.
Trong cùng vụ việc, các ông Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ, cùng là nguyên phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính PHủ ; ông Nguyễn Văn Tài, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành ; ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với dự án TISCO II.
Dự án TISCO II được phê duyệt vào năm 2005 với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng (tương đương hơn 240 triệu đô la Mỹ). Dự án này có 2 gói thầu chính : gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với giá trị thánh toán trên 220 tỷ đồng ; gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim được tổ chức đấu thầu và Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc MCC trúng thầu với giá hơn 160 triệu đô la Mỹ.
Theo kết luận thanh tra toàn diện về dự án TISCO II của Thanh tra Chính phủ Hà Nội thì TISCO điều chỉnh sai qui định từ 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng. Đến năm 2013 MCC và các nhà thầu dừng thi công dự án ; đến nay một số thiết bị gỉ sét, hư hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.
Vào tháng 4 năm nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an Việt Nam thông báo đã khởi tố vụ án về tội ‘vi phạm qui định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’. Thông báo được đưa ra khi điều tra mở rộng 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án TISCO II.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên là một trong 12 dự án ngàn tỷ bị cho là yếu kém của ngành Công thương Việt Nam đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
*******************
Đảng nhắm kỷ luật Hoàng Trung Hải vì thép Thái Nguyên ‘thiệt hại lớn’ (VOA, 09/12/2019)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo ông Hoàng Trung Hải có vi phạm, khuyết điểm “đến mức phải xem xét kỷ luật” vào thời gian ông nắm chức phó thủ tướng và đưa ra ý kiến chỉ đạo về Công ty Gang thép Thái Nguyên, trang Thông tin Chính phủ cho hay hôm 9/12.
Ảnh chụp ông Hoàng Trung Hải khi còn là phó thủ tướng, tháng 5/2011
Ông Hoàng Trung Hải là phó thủ tướng từ tháng 8/2007 đến tháng 4/2016. Sau đó, ông giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội từ đó đến nay. Ông cũng có chân trong Bộ Chính trị đầy quyền lực kể từ năm 2011 đến nay.
Cùng bị xem xét kỷ luật còn có Ban cán sự đảng Bộ Công thương, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam – là tập đoàn mẹ của Gang thép Thái Nguyên; và một số quan chức trong đó có ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được đưa ra sau cuộc họp từ ngày 4-6/12 ở Hà Nội.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói các ban và các quan chức kể trên đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng Công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước”.
Theo tìm hiểu của VOA, dự án TISCO II có quy mô đầu tư 8.104 tỷ đồng được Gang thép Thái Nguyên (gọi tắt là Tisco) thực hiện xây dựng từ năm 2008. Nhưng sau gần 10 năm xây dựng, hiện nhà máy rơi vào cảnh "đắp chiếu" cho đến nay. Trong khi đó, nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã bỏ dở dự án và rút về nước.
Việc xem xét kỷ luật các quan chức cao cấp bao gồm ông Hải và ông Hoàng là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng mạnh nhất từ trước đến nay do Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Chiến dịch của ông Trọng đã kéo dài gần 3 năm nay, kể từ khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản.
Không đưa ra dẫn chứng cụ thể, nhà báo có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm Lê Diễn Đức, hiện sống ở Mỹ, bình luận trên trang Facebook cá nhân hôm 9/12 rằng ông Trọng “chứng tỏ quá can đảm” khi “sờ gáy Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, người có đầy các mối quan hệ quyền lực.”
Theo Thông tin Chính phủ, trang Facebook chính thức của nhà nước Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên 15 quan chức khác cũng bị xem xét kỷ luật liên quan đến TISCO II, trong đó có Nguyễn Kim Sơn, Đặng Thúc Kháng, Mai Văn Tinh là các nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam; các nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, Đỗ Hữu Hào ; và hai nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ.
Hồi cuối tháng 4 năm nay, nhà chức trách gồm Bộ Công an và Viện Kiểm sát đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nhà và cơ quan của 5 người dính líu đến vụ TISCO II.
Đó là các ông Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam; Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc Công ty Tisco; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Tisco; và Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó tổng giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Tisco.
Những người này bị cáo buộc "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" căn cứ vào một điều khoản trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
***************
Ông Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) bị truy tố thêm tội lừa đảo (RFA, 09/12/2019)
Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ Đinh Ngọc Hệ - Nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn - tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Đinh Ngọc Hệ tại phiên xử hôm 30/7/2018. Ảnh chụp màn hình - RFA
Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng được truyền thông trong nước dẫn lại hôm 9/12/2019, kết luận rằng hành vi của ông Hệ phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo điểm a, khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Đinh Ngọc Hệ là người có vai trò chủ mưu và tổ chức.
Cụ thể ông Đinh Ngọc Hệ thành lập công ty riêng, rồi có hành vi giả chữ ký để thế chấp khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho Ngân hàng Thương mại Cổ Phần Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV0) nhằm chiếm đoạt tài sản. Khu đất này có giá trị chuyển nhượng thời điểm tháng 2/2010 là 535 tỷ đồng.
Ông Đinh Ngọc Hệ là cựu Thượng tá quân đội, cựu Phó Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng. Công ty này là chủ của nhiều dự án BOT trong cả nước, trong đó có dự án BOT cầu Việt Trì bị nhiều người dân phản đối.
Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 31/7/2018, ông Hệ bị tuyên án 12 năm tù giam, bao gồm 10 năm về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", và 2 năm tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức". Phiên phúc thẩm ngày 1/11/2018 giữ y án 12 năm.
********************
Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ chính trị kỷ luật ông Triệu Tài Vinh (RFA, 09/12/2018)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh, ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, nguyên bí thư tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó ủy ban này cũng có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Sơn - Phó bí thư tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Ông Triệu Tài Vinh và ông Nguyễn Văn Sơn (phải)- lãnh đạo tỉnh Hà Giang liên quan đến vụ gian lận thi cử Trung học phổ thông quốc gia 2018 - Courtesy of VnExpress - edited by RFA
Quyết định vừa nêu được đưa ra sau kỳ họp 41 diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/12 tại Hà Nội và được truyền thông loan tin ngày 9/12/2019.
Ông Triệu Tài Vinh và ông Nguyễn Văn Sơn bị thi hành kỷ luật vì có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Ủy ban Kiểm tra trung ương cho rằng với tính chất, mức độ là vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, do đó căn cứ quy định của đảng về xử lý đảng viên, Ủy ban Kiểm tra quyết định thi hành kỷ luật ông Sơn và đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh.
Theo truyền thông trong nước, tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định có107 thí sinh được nâng điểm. Trong đó có thí sinh Triệu Ngọc M. - con gái ông Triệu Tài Vinh.
Con gái ông Vinh có số điểm công bố lần thứ nhất là toán : 9,4 ; văn : 7,5 ; tiếng Anh : 10 điểm, đạt tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9. Sau khi chấm thẩm định, điểm thi của thí sinh này chỉ còn là toán : 6 ; văn 7,5 ; tiếng Anh 8 và tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5.
Công an xác định bà Triệu Thị Giang - Phó trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Giang, em gái ruột ông Triệu Tài Vinh, là người nhờ người khác nâng điểm cho cháu gái minh.
Bà Triệu Thị Giang đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang kỷ luật "khiển trách".
Còn bà Phạm Thị Hà – vợ ông Triệu Tài Vinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Giang, bị khiển trách "nghiêm túc rút kinh nghiệm".
*****************
Quảng Ngãi buộc quan chức bồi thường khi con đi du học bằng ngân sách không quay về (RFA, 09/12/2019)
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 9/12 xác nhận với truyền thông trong nước về việc các quan chức trong tỉnh cho con em đi du học bằng ngân sách nhà nước rồi ở lại phải bồi thường và số tiền bồi thường đến nay là gần 9 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. AFP
Các trường hợp liên quan được cho biết gồm con của nguyên và đương kim trưởng ban Tổ chức, trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch Thành phố Quảng Ngãi.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, ông Đoàn Dụng, phát biểu với truyền thông trong nước rằng, ngoài việc bồi thường hoàn toàn chi phí mà ngân sách đã chi trả trong quá trình học tập tại nước ngoài, các trường hợp vi phạm sau khi tốt nghiệp nhưng không chịu về tỉnh làm việc sẽ phải trả thêm 1 khoản với mức tương đương theo quy định đã ký cam kết trước đó.
Ngoài ra, ông Đoàn Dụng còn cho biết thêm, theo quy định thì sau khi tốt nghiệp 12 tháng nếu không về trình diện và làm việc thì mới bị xử lý và các trường hợp vi phạm nêu trên chỉ mới vừa hết thời gian hơn 12 tháng nên tiến hành xử lý chứ không có chuyện được bao che như dư luận phản ánh.
Vào ngày 29/5/2012 Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định 89 về đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giao đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đề án với mục tiêu thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong nước và đại học nước ngoài xếp loại giỏi, xuất sắc tiếp tục đi học sau đại học thì được hỗ trợ 100% kinh phí.
Tổng kinh phí thực hiện đề án này lên tới 150 tỷ đồng, trong đó kinh phí đào tạo sau đại học ở trong nước là 30 tỷ, đào tạo ở nước ngoài là hơn 118 tỷ đồng bao gồm 70 tiến sĩ, thạc sĩ. Kinh phí triển khai đề án là 1,5 tỷ đồng.
******************
Thượng tá công an kêu cứu sau gần 9 năm mất chức (RFA, 09/12/2019)
Thượng tá Nguyễn Quốc Văn, nguyên Trưởng công an huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng vừa lên tiếng kêu cứu sau gần 9 năm bị hoãn công tác không lý do.
Thượng tá Nguyễn Quốc Văn, nguyên Trưởng công an huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh chụp màn hình vietnamdaily.net.vn
Theo truyền thông trong nước loan tin ngày 9/12 thì trước đây vài ngày, lãnh đạo Công an Sóc Trăng mời ông Văn làm việc để thông báo nghỉ chờ hưu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Văn đã gửi đơn đến cơ quan chức năng để yêu cầu Tỉnh ủy và Công an tỉnh Sóc Trăng xem xét lại quyền lợi chính trị với quyền lợi cá nhân bị mất nhiều năm qua nhưng không thấy hồi âm.
Theo lời ông Văn, vào đầu năm 2011, do có dư luận liên quan đến vụ người nuôi cá tra đòi nợ Doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng ở huyện Vĩnh Châu, nay là thị xã Vĩnh Châu, nên Giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng khi đó là thiếu tướng Nguyễn Phúc Thảo ký quyết định số 12 (ngày 11/3/2011) về việc điều động ông Văn về tỉnh.
Đến ngày 28/12/2011, đại tá Đặng Hoàng Đa, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng ký quyết định số 4 về việc điều động, bổ nhiệm ông Văn giữ chức Chuyên viên Văn phòng Công an tỉnh Sóc Trăng. Quyết định này ghi có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ông Văn cho biết lúc đó các phòng trực thuộc Công an tỉnh Sóc Trăng không thiếu trưởng phòng nên lãnh đạo kêu ông chờ có cán bộ về hưu sẽ bố trí công tác mới cho ông.
Trong lúc chờ phân công nhiệm vụ mới thì tháng 9/2014, ông Đặng Hoàng Đa, sau khi thay ông Nguyễn Phúc Thảo, với tư cách là Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định cho ông Văn "thôi giữ chức Trưởng công an huyện Vĩnh Châu, đến nhận công tác tại Văn phòng Công an tỉnh Sóc Trăng kể từ ngày 11/3/2011".
Ngoài việc lùi ngày cho ông Văn thôi giữ chức vụ sau hơn 3 năm điều động công tác, quyết định số 1127 do ông Đa ký còn ghi : "Quyết định này thay thế quyết định số 12 ngày 11/3/2011".
Trao đổi với báo trong nước, trung tướng Nguyễn Phúc Thảo khẳng định quyết định mới của ông Đặng Hoàng Đa là sai.
Ông Huỳnh Văn Sum, Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết cơ quan chức năng đã có kết luận thượng tá Văn không sai phạm và thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, nhưng việc giải quyết quyền lợi thì thuộc về ngành công an.
Đồng thời biết sẽ trao đổi với lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng để yêu cầu sớm giải quyết vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Quốc Văn.
Ngôn từ chính trị làm xiếc và thủ đoạn của Tỉnh ủy Hà Giang qua vụ "gian lận thi cử"
Phùng Hoài Ngọc, VNTB, 05/10/2019
Một năm rưỡi đã trôi qua kể từ vụ gian lận thi cử lịch sử ở 3 tỉnh Tây Bắc xảy ra vẫn chưa khép lại.
Vụ "gian lận thi cử" ở Hà Giang : Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký giấy rút Triệu Tài Vinh bí thư Hà Giang về Hà Nội làm "Phó ban kinh tế trung ương".
Cả tỉnh ủy và trung ương loay hoay cách xử lý. Sao cho tổn ại ít nhất cho bộ mặt và uy tín của Đảng.
Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng đã ký giấy rút Triệu Tài Vinh bí thư Hà Giang về Hà Nội làm "Phó ban kinh tế trung ương".
Tuy vậy, việc ông Triệu dính bẩn cụ thể như thế nào, Tỉnh ủy Hà Giang giấu mãi bây giờ mới chịu hé lộ chút xíu khi thế cùng không thể che mãi.
1. Hi sinh vợ, cứu chồng, né xa cái tên ông Triệu
Báo Thanh Niên : "Bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang, vợ Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Triệu Tài Vinh, bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì để em chồng tác động nâng điểm cho con" (1).
Bà Hà được giới thiệu chức vụ chính quyền mà chưa kèm chức vụ Đảng mặc dù chắc chắn bà có, tối thiểu cũng là đảng ủy viên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ! Quán triệt quan điểm của Tỉnh ủy là nói sao cho giảm nhẹ tối đa mà.
Báo Dân Trí : "Vợ ông Triệu Tài Vinh bị kiểm điểm vì để em chồng "tác động nâng điểm thi cho con" (2).
Báo Pháp luật Việt Nam : "Tỉnh Hà Giang đã thành lập 36 đoàn kiểm tra để xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm. Tổng số cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm tính đến ngày 30-9 là 151 trường hợp" (3).
Vậy, nhân vật "em chồng của vợ ông Triệu" là ai, sao các báo còn mập mờ ỡm ờ ?
Chỉ có một tờ báo Vietnamnet, nêu tên "em chồng của vợ ông Triệu" là : "…số 6/42 Triệu Thị Giang, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Giang". Cô Triệu có trong danh sách Khiển trách 42 cán bộ đảng viên.
Bà Triệu Thị Giang bị kỷ luật khiển trách vì nhờ người nâng điểm cho cháu ruột, trong khi bà Hà (vợ ông Triệu Tài Vinh) phải "kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm" (4).
Phân tích quan điểm của Tỉnh ủy khi cung cấp thông tin cho báo chí.
Viết và nói làm sao để cho tránh bớt cái tên Triệu Tài Vinh bí thư, càng xa càng tốt, quan hệ họ hàng càng xa càng giảm tội ông Vinh.
Con gái ông Vinh, chuyển thành "con của vợ ông Vinh".
Em gái ruột ông Vinh, chuyển thành "em chồng của vợ ông Vinh".
Điều giống nhau ở các tựa đề hàng loạt báo chí quốc doanh là "vợ ông Triệu để cho em chồng tác động nâng điểm thi cho con".
Không trách các nhà báo, vì họ phải căn cứ theo ngôn từ của Tỉnh ủy Hà Giang, đâu dám viết đúng sự thật, đừng nói đến việc dám chất vấn vặn vẹo Tỉnh ủy.
2. Đua theo tiếng cười dân mạng xã hội vang vang suốt mấy bữa nay
Họ chế ra những cách diễn đạt tương tự ngôn từ chánh trị của Tỉnh ủy Hà Giang, tôi cũng xin góp một tựa đề, cũng là tội danh của vợ ông Triệu Tài Vinh cựu bí thư Hà Giang, đương kim Phó ban Kinh tế Trung ương. Giúp ông né xa trách nhiệm gian lận thi cử.
"Bà Phạm Thị Hà phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh HG, vợ của ông Triệu Tài Vinh tác động để vợ của em rể ông Triệu nâng điểm thi 2018 cho cháu ngoại của bố vợ ông Triệu".
Chú thích : con gái ông Triệu chuyển thành "cháu ngoại của bố vợ ông Triệu".
Em gái ông Triệu : chuyển thành : "vợ của em rể ông Triệu".
Tất cả các nhân vật đều được xa cách hóa với cái tên họ Triệu. Từ bên nội được đẩy sang bên ngoại, bên chồng đẩy sang bên vợ, cách xa họ Triệu càng xa càng tốt nhá.
Tỉnh ủy đảng cộng sản tỉnh Hà Giang vá đương sự hài lòng không ?
Từ nay, ngành giáo dục cũng nên bổ sung vào Luật, chương gian lận thi cử thành chương "Tác động để nâng điểm".
3. Bổ sung chân dung Triệu Tài Vinh
Triệu Tài Vinh đổ tội cho Đảng, trong một Hội thảo của Tạp chí cộng sản gần đây.
Báo Thanh tra : "Ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ, bản thân ông không được quy hoạch công tác cán bộ cấp chiến lược, chỉ được bồi dưỡng 4 ngày làm Ủy viên Trung ương. Khi còn đi học ở nhà trường thì mình muốn nghỉ sớm nhưng khi đi ra làm rồi thì lại muốn đi học thêm", ông Vinh nói (5).
Vậy là, ông Triệu thú nhận mình lười học. Hime61 có quan chức đảng nào thiệt thà như thế.
Nhưng lại có đức tính "ham học" !
Chả hiểu ông muốn nói gì nữa ! ?
Báo tầm nhìn.net thuật lại hội thảo của Tạp chí Cộng sản :
Nhắc tới vai trò của người đứng đầu, nguyên Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh không ngần ngại nói tới lùm xùm liên quan tới ông về việc "cả họ làm quan" hay gian lận thi cử.
"Chúng tôi nói với nhau sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khi bước ra khỏi hội trường lại như ‘một tờ giấy trắng’, thoải mái với nhau. Thời trước đó, trong hội trường không nói nhưng ra khỏi hội trường lại xì xào", ông Vinh nhắc lại.
Tội ông Triệu tày trời, song, bước qua hội nghị, ông khoan khoái rằng nói xong thì "lại như tờ giấy trắng".
Ông Triệu oán trách Ban tổ chức trung ương Đảng :
"Tôi không được quy hoạch công tác cán bộ cấp chiến lược, chỉ được bồi dưỡng 4 ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng, tôi thấy rất ít", nguyên Bí thư Hà Giang chia sẻ.
Ông thẳng thắn đề cập đến những vụ việc lùm xùm của cá nhân mình khi giữ cương vị Bí thư Hà Giang.
"Có lẽ nhiều người nghĩ tới chuyện năm 2013, trên Facebook nói về việc cả gia đình làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử. Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó", ông Vinh chia sẻ (6).
Thiên hạ không hiểu ý ông "việc đó không sao" nghĩa là gì ?
- Là ông thừa nhận và đồng thời thách thức dư luận, thách thức cả trung ương Đảng chứ còn gì nữa" ?
Phùng Hoài Ngọc
Nguồn : VNTB, 05/10/2019
(3) https://plo.vn/thoi-su/gian-lan-diem-thi-vo-ong-trieu-tai-vinh-bi-yeu-cau-kiem-diem-861497.html
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/em-gai-ong-trieu-tai-vinh-bi-khien-trach-3990676.html
************************
Tỉnh ủy Hà Giang không dám xác định trách nhiệm của Triệu Tài Vinh ?
Nguyễn Tường Thụy, RFA, 04/10/2019
Cụm từ "cả họ làm quan" có lẽ xuất phát từ câu tục ngữ "Một người làm quan, cả họ được nhờ". Trong chuyện tạm gọi là "thời sự hiện đại" hình như nó bắt đầu từ vụ ông phó bí thư huyện Kim Thành (Hải Dương) bố trí cho em trai, con trai, con dâu và con gái đều làm quan đầu huyện cả.
Đến Triệu Tài Vinh, nguyên bí thư tỉnh Hà Giang (sau vụ gian lận thi cử Vinh được điều về Hà Nội làm phó ban kinh tế trung ương) thì việc cả họ làm quan nâng lên một qui mô mới. Ảnh : VTC
Nhưng đến Triệu Tài Vinh, nguyên bí thư tỉnh Hà Giang (sau vụ gian lận thi cử Vinh được điều về Hà Nội làm phó ban kinh tế trung ương) thì việc cả họ làm quan nâng lên một qui mô mới. Một "cây gia phả" về Triệu Tài Vinh cho thấy từ vợ đến anh em ruột, họ hàng của anh ta đều được sắp xếp nắm những chức vụ quan trọng trong tỉnh Hà Giang, những vị trí nhiều bổng lộc nhất. Bản thân Triệu Tài Vinh cũng nhờ vào gia thế của mình với ông bố là Triệu Đức Thanh, từng làm chủ tịch UB, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang. Nói như Nguyễn Thị Quyết Tâm, "con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc"
Khi công luận lên tiếng, Triệu Tài Vinh cãi biến rằng việc bổ nhiệm người nhà anh ta đều theo đúng qui trình, thậm chí còn "bị ép" làm lãnh đạo. Cứ làm như thể thiên hạ hết người tài, chỉ còn mỗi dòng họ anh ta.
*
Là quan đầu tỉnh, Triệu Tài Vinh hẳn đã nghiên cứu rất kỹ qui trình bổ nhiệm cán bộ để tìm cách đối phó nên khi bị chất vấn anh ta cãi trơn tru, cãi nhem nhẻm mà không hề biết ngượng. Một trong điều kiện để bổ nhiệm là đối tượng phải đủ tiêu chuẩn văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, thể hiện ở bằng cấp. Mà muốn có bằng cấp thì phải thi vào trường đã. Vì dốt cho nên việc thi vào đâu phải dễ mà cần phải phù phép. Vì vậy chưa qua vụ "cả họ làm quan" thì Triệu Tài Vinh đã dính dáng đến gian lận thi cử. Trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018, con gái của Triệu Tài Vinh được nâng khống lên 5,4 điểm.
Sự việc bại lộ, Vinh giả bộ ngơ ngác không biết ai đã nâng điểm cho con mình rồi đổ cho "thế lực thù địch" : "Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao ?".
Trong 3 tỉnh bị phát hiện gian lận trong kỳ thi Trung học phổ thông là Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang thì Hà Giang chậm trễ hơn cả trong việc điều tra, xử lý sai phạm. Mãi đến ngày 1/10/2019, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang mới ra thông báo sơ bộ về việc xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018. Theo đó, Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là vợ Triệu Tài Vinh chỉ bị "kiểm điểm sâu sắc" vì để "em chồng tác động nâng điểm thi cho con". Còn Triệu Thị Giang, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và đầu tư cũng chỉ bị khiển trách vì "nhờ người khác tác động, nâng điểm thi cho cháu ruột".
Việc chạy chọt, móc ngoặc để nâng điểm thi là hành vi gian lận trong thi cử, vi phạm pháp luật cần xử lý hình sự. Ấy thế mà liên quan tới việc nâng điểm thi cho con gái Triệu Tài Vinh chỉ có em gái bị khiển trách và vợ bị kiểm điểm, còn Triệu Tài Vinh thì vô can.
Đây là kết luận vô cùng coi thường dư luận.
Dân chúng không ngây thơ tới mức tin rằng, Triệu Tài Vinh không hề biết gì về việc nâng điểm cho con gái mình. Không có ai nâng điểm cho con Triệu Tài Vinh mà không báo công cho Vinh biết để nhận lại những ân huệ mà anh ta sẽ ban phát cho trong tương lai.
Không ai lại ngây thơ tin rằng vợ và em gái Triệu Tài Vinh khi "tác động" nâng điểm cho con Vinh mà lại "không dám" nói với chồng hoặc anh vì sợ oai Vinh, sợ Vinh không đồng ý vì Vinh "thanh liêm" quá. Nhưng cứ cho là như vậy đi thì ít nhất khi Vinh đã để người nhà lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm điều sai phạm thì anh ta vẫn phải chịu trách nhiệm. Anh ta không thể nhởn nhơ nói, chuyện này là vợ và em tôi làm, tôi không biết, lại còn đổ cho ai đó lập mưu làm hại anh ta.
Triệu Tài Vinh không những phải chịu trách nhiệm về vụ nâng điểm cho con mình mà với vai trò bí thư tỉnh ủy, anh ta còn phải chịu trách nhiệm về vụ gian lận thi cử ở Hà Giang trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018.
Những lời lẽ chống đỡ công luận của Triệu Tài Vinh trong vụ cả họ làm quan hay trong vụ gian lận thi cử không làm ai tin. Nó chỉ nói lên Triệu Tài Vinh và UB kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang coi thường dư luận, coi nhân dân là một đám ngu dốt, nói sao nghe vậy. Với việc cố tình bao che cho nhau, Triệu Tài Vinh có thể an toàn nhưng tai tiếng mà anh ta gây ra thì không bao giờ tắt trong dư luận ở tỉnh Hà Giang và trên cả nước.
Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang không đủ bằng chứng hay không đủ can đảm để xác định trách nhiệm của Triệu Tài Vinh trong vụ gian lận thi cử này ?
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 04/10/2019
*******************
Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ xem xét kiểm điểm ông Triệu Tài Vinh ? (RFA, 03/10/2019)
"Ông Triệu Tài Vinh là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý. Liên quan đến việc con ông được nâng điểm, khi nhận được báo cáo đầy đủ của Hà Giang, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ xem xét tổ chức kiểm điểm".
Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh Courtesy of Hội Nhà Báo Tuyên Quang
Đó là nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Báo Pháp Luật đăng tải hôm 2/10/2019.
Tin này được cho là khớp với Thông báo 307 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang hôm 1/10/2019. Theo thông báo, trong số 149 cán bộ, đảng viên cần xem xét xử lý do liên quan đến vụ gian lận điểm thi, có 12 trường hợp là đảng viên không thuộc Đảng bộ tỉnh, sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý.
Chia sẻ với báo chí trong nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang Lê Quang Minh cho biết trong 12 trường hợp vừa nói, có cả đảng viên của tỉnh Tuyên Quang nhưng có con tham gia thi tại Hà Giang.
Liên quan đến ông Triệu Tài Vinh, ông Lê Quang Minh từ chối bình luận với lý do "đây là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý".
Trước đó, liên quan đến vụ con được nâng điểm thi, em gái ông Triệu Tài Vinh đã bị kỷ luật khiển trách, vợ của ông Vinh bị kiểm điểm rút kinh nghiệm vì "để em chồng tác động nâng điểm cho con". Tuy nhiên, dư luận đang thắc mắc tiếp theo ông Vinh sẽ bị xử lý như thế nào ?
Vào năm 2018, khi có thông tin về việc tên con gái có trong danh sách nâng điểm, ông Triệu Tài Vinh nói với báo chí trong nước rằng ông không biết và không chỉ đạo việc này.
Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La là 3 địa phương xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Cụ thể, Hà Giang có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có nhiều thí sinh là con các quan chức, lãnh đạo của tỉnh này, bao gồm cả nguyên Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh.
*******************
Vì đâu tiếng Việt méo mó và ‘công lý’ là một gã hề ?
Minh Châu, VNTB, 03/10/2019
"Công Lý bận đi diễn hài rồi !" là câu nói dùng để ám chỉ ở Việt Nam, rất nhiều khi luật pháp không hướng đến công lý, mà chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích phe nhóm nào đó.
Em chồng của bà Hà gọi ông Vinh bằng gì ?
Sau quá nhiều bê bối, Triệu Tài Vinh đã được Bộ Chính trị 'bảo kê' cho làm Phó trưởng ban kinh tế trung ương
Bài trên báo Thanh Niên, ngay đoạn mở đầu, viết : "Bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, vợ Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Triệu Tài Vinh, bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì để em chồng tác động nâng điểm cho con" (1).
Bài trên báo Thanh Niên cho biết nội dung này nằm ở thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, phát đi ngày 1/10. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập 36 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh này.
Xét về mặt ngữ nghĩa tiếng Việt và Luật Hôn nhân - Gia đình, việc Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu kiểm điểm bà Phạm Thị Hà có các ý cần làm rõ : Thứ nhất, "để em chồng tác động nâng điểm cho con", có thể hiểu trước khi làm vợ theo đúng quy định pháp luật với ông Triệu Tài Vinh, bà Phạm Thị Hà từng có quan hệ hôn nhân với người đàn ông khác, hôn nhân này cũng được pháp luật công nhận, và hai người đã có một đứa con chung đang được xem là nằm trong danh sách của vụ án hình sự nâng điểm thi.
Thứ hai, nếu các nghi vấn ở điều thứ nhất là không đúng, đứa con này là con chung của bà Phạm Thị Hà với ông Triệu Tài Vinh, thì ‘em chồng’ phải là người có liên quan đến ông Triệu Tài Vinh. Có thể là bà Hà nhờ người em chồng này nâng điểm, và ông Triệu Tài Vinh không biết đến chuyện cậy nhờ đó.
Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp thứ hai, thì vẫn phải xem xét kỷ luật ông Triệu Tài Vinh. Lý do : Đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội… Đây là quy định thể hiện trong văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102 của Bộ Chính trị, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành.
Xét về góc độ xã hội, một người bình thường có vợ/ chồng, con trực tiếp phạm tội, thì đều phải chịu áp lực và sự phán xét từ dư luận xã hội. Khi đó, uy tín, hình ảnh, tiếng nói cá nhân bị giảm sút trong cộng đồng.
Nếu là đảng viên, về nguyên tắc, những áp lực phải chịu còn nặng nề hơn, nhất là những đảng viên có chức vụ quản lý, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức. Thực tế cho thấy có nhiều đảng viên có chức vụ có vợ/ chồng, con cái phạm tội, uy tín cá nhân giảm sút nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ghi nhận trên báo chí cho thấy chẳng có ai tự giác nhận trách nhiệm, từ chức, mà vẫn chạy chọt hoặc lặng lẽ ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’.
Ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, nhiệm kỳ từ tháng 10 năm 2010 đến 2 tháng 7 năm 2019 ; có nghĩa trong thời gian diễn ra vụ án nâng điểm cho con của bà Phạm Thị Hà, thì ông Triệu Tài Vinh là quan chức cao nhất tỉnh Hà Giang.
‘Công Lý bận đi tấu hài’ là giải thích dễ hiểu nhất cho thắc mắc : em chồng của bà Phạm Thị Hà gọi ông Triệu Tài Vinh bằng gì ?
Phe cánh quyền lực là đây chứ còn đâu nữa !
"Ông Võ Văn Thưởng : Không ai muốn kỷ luật, bỏ tù đồng chí, đồng đội" là tựa bài báo trên tờ Vietnamnet (2).
Mở đầu bài báo bằng câu trích phát biểu : "Không ai muốn xử lý kỷ luật, bỏ tù đồng chí, đồng đội của mình. Đây là việc rất khó khăn nhưng không thể không làm" - ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Các ‘đồng chí, đồng đội’ phe cánh quyền lực ấy của ông Võ Văn Thưởng là ai ? Câu trả lời rất dễ khi biết rằng ông hiện là ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Qua câu trích phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, "Không ai muốn xử lý kỷ luật, bỏ tù đồng chí, đồng đội của mình. Đây là việc rất khó khăn nhưng không thể không làm", cho thấy đến nay hệ thống pháp luật của Việt Nam tiếp tục lệ thuộc vào cảm tính trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của Bộ Chính trị.
Ông Thưởng còn nhấn mạnh : "Chưa có nhiệm kỳ nào chúng ta xử lý cán bộ sai phạm mạnh như nhiệm kỳ này". Điều đó ngoài hàm ý mấy nhiệm kỳ trước là ‘nhẹ nhàng’, còn nay thì nói theo cách của dân Nam bộ, cực chẳng đã Đảng mới phải mang tượng trưng vài đồng chí ‘đã bị lộ’ ra trước ‘Công Lý’ để hy vọng kiếm chút yên dân.
Gọi là vài đồng chí tượng trưng thôi. Còn nhiều đồng chí khác thì vẫn là đồng đội chí cốt của ông Võ Văn Thưởng ; như ở Thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Lê Thanh Hải, đồng chí Tất Thành Cang, và có thể thêm đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, khi ông bí thư này dung dưỡng nhiều sai phạm cướp bóc đất đai của thuộc cấp, mà vụ vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình là ví dụ.
Nếu ông thạc sĩ triết học Mác – Lênin Võ Văn Thưởng phân bua là mình không hề phe nhóm, thì ông ấy phải hiểu rõ là Hiến pháp do chính Đảng của ông biên ra, ghi hẳn hòi "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Ông sẽ chẳng phải nhỏ nước mắt quặn thắt đau xót hay khó khăn gì cả, bởi vì đó là chuyện của ‘nhân danh Công Lý’. Bất kỳ đảng viên nào kể cả tổng bí thư, nếu vi phạm pháp luật cũng phải nhận những mức án tương xứng, kể cả ‘tiêm thuốc’.
Thế nhưng dường như tiếng Việt đang rất ‘méo mó’ trong các phát ngôn của quan chức cấp cao như ông Võ Văn Thưởng ; cho tới tiếng Việt trong văn bản như thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, hôm 1/10 vừa rồi.
Minh Châu
Nguồn : VNTB, 03/10/2019
*******************
May là ông Triệu Tài Vinh chỉ học bốn… ngày !
Trân Văn, VOA, 02/10/2019
Cuối cùng, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang cũng thay mặt hệ thống chính trịở Hà Giang, công bố cách thức xử lý các đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019.
Ông Triệu Tài Vinh cho biết ông không được quy hoạch "cán bộ cấp chiến lược", chỉ được "bồi dưỡng bốn ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng".
Theo đó, có tới 151 đảng viên, dính líu đến chuyện sửa bài thi để nâng điểm, giúp các thí sinh mà học lực chẳng đâu vào đâu (có những trường hợp điểm thi ba môn chỉ 0,5) giành được chỗ chúng muốn trong hệ thống đại học công lập ở Việt Nam hồi năm ngoái.
Đáng lưu ý là sau 15 tháng "nâng lên, đặt xuống", Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang quyết định chỉ kỷ luật 46/151 cá nhân, trong đó, ba bị khai trừ ra khỏi đảng (cả ba đã bị khởi tố, đang bị xem xét trách nhiệm hình sự), một bị cảnh cáo và 42 bị khiển trách.
Tuy cũng dính líu đến chuyện sửa bài thi để nâng điểm nhưng chẳng rõ dựa vào tiêu chí nào, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng có 29/151 cá nhân mà vi phạm "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" ?
76/151 cá nhân còn lại thì có 12 phải chờ ý kiến từ Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, 57 đang tiếp tục xem xét, bốn đang chờ diễn biến mới (2/4 đang chờ phán quyết của tòa, 2/4 đang mắc bệnh hiểm nghèo...
***
Nhìn vào 29 trường hợp dù dính líu đến scandal gian lận điểm thi nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ cần "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm", người ta ắt sẽ hoang mang, không biết nên khóc hay cười !
Ngoài trường hợp bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), vợ ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh ủy, sau scandal gian lận điểm thi được điều động về Ban Kinh tế của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" vì để "em chồng tác động cho con được nâng điểm thi", còn có nhiều trường hợp khác rất đáng đểý nhưng do báo chí thông tin không đầy đủ, công chúng không biết để bàn (1)...
Chẳng hạn trường hợp bà Nguyễn Thị Lan Anh (Chánh án Tòa án Hà Giang). Con bà Anh cũng là một trong những đứa trẻ được sửa bài thi để nâng điểm nhưng theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, Chánh án Tòa án Hà Giang chỉ cần "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" khi "để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con" là có thể tiếp tục nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ đạo xét xử đủ thứ !
Tương tự, bà Vương Ngọc Hà (Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội của Hà Giang) không bị kỷ luật vì mẹ bà mới là người… "tác động" sửa bài thi – nâng điểm cho con bà. Các ông : Đỗ Tiến Dũng (Phó Giám đốc Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Linh (Chánh Thanh tra Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Châu (Chỉ huy phó Biên phòng Hà Giang) tỉnh không bị kỷ luật vì con của họ được sửa bài thi - nâng điểm là do "tác động" của… vợ họ !..
***
Không nên đối chiếu danh sách đảng viên bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang quyết định áp dụng kỷ luật đảng, với danh sách đảng viên "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" vì nguy hại cho… não !
Tại sao cùng nhờ "tác động" của "người khác" để con được sửa bài thi – nâng điểm nhưng ông Nguyễn Trung Tuyến (bảo vệ), bà Nguyễn Thị Sáu (kế toán), bà Nguyễn Thị Thu Hà (nhân viên Văn phòng), ông Nguyễn Văn Hà (nhân viên Ban Tài chính Bộ Chỉ huy quân sự Hà Giang), ông Nguyễn Trung Thành (sĩ quan cảnh sát thuần túy, không có chức vụ),… lại bị "khiển trách", còn những đảng viên giữ trọng trách thì không ?
Tại sao bà Phạm Thị Hà (phu nhân ông Triệu Tài Vinh) "để em chồng tác động nâng điểm cho con" thì "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm", còn ông Vàng Mí Chỏ (Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đồng Văn) "nhờ chị dâu tác động nâng điểm cho con" thì "vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm" thành ra bị "khiển trách" ? Chẳng lẽ chị dâu nguy hiểm hơn em chồng ?
Dường như khi xem xét để xác định có kỷ luật những đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm thi hay không, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang cố ý phân định giữa "nhờ" và "để" nhằm tách bạch giữa… chủ động và… thụ động.
Việc phân định giữa "nhờ người khác tác động" với "để người khác tác động", rồi quyết đinh "nhờ" thì phải xử lý kỷ luật còn "để" thì được miễn trừ trách nhiệm, chỉ cần "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" là… xong, dựa trên những tiêu chí nào ?
Chưa kể nếu "nhờ" thật sự là chủ động thì chỉ "khiển trách", thậm chí "cảnh cáo" rồi… thôi, có thỏa đáng không ? Nếu không (vì chủ động rõ ràng là cố tình phạm pháp) thì lẽ nào lại tha… mẹ, mẹ vợ, chị dâu, em chồng các viên chức lãnh đạo ? Tha như thế thì còn gì là "pháp chế xã hội chủ nghĩa", còn gì là "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật ? Làm sao có thể "xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" ?
***
Sau một thời gian dài "im hơi, lặng tiếng", tuần trước, ông Triệu Tài Vinh "xuất đầu lộ diện". Nhân dịp tái ngộ công chúng qua hội thảo về "Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới" do Tạp chí Cộng sản tổ chức, ông Vinh nhắc lại những scandal liên quan tới ông : Cả họ làm quan (vợ, em trai, em gái, em dâu, em rể, bà con nội ngoại chia nhau nắm giữ vai trò lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp ở Hà Giang). Gian lận thi cử (cả con gái lẫn cháu cùng "bị" sửa bài thi, nâng điểm),… - kèm lời khuyên các đồng chí của ông là "phải đối mặt với thực tế, vượt qua".
Ông Vinh được mời làm diễn giả tại hội thảo vừa kể vì từng là Bí thư tỉnh Hà Giang trong chín năm. Theo ông Vinh : "Chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt" (2) ! Cho dù ngay sau đó có khá nhiều người dè bỉu tuyên bố vừa kể nhưng quyết định xử lý 151 đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019 mà Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy hà Giang mới công bố cho thấy, rõ ràng "sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt", nếu không, cách xử lý không thể như đã thấy !
Bàn về "Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới", ông Vinh tâm tình : Ông không được quy hoạch "cán bộ cấp chiến lược", chỉ được "bồi dưỡng bốn ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng" (3). Ông Vinh bảo rằng, sau khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Bí thư Hà Giang, ông nhận ra giữa "lý luận và thực tiễn có khoảng cách" nên muốn được học thêm ! Tuy ông Vinh tỏ ra rất tự hào về "hệ thống chính trị" ở Hà Giang, xem đó như một sản phẩm do công của ông nhưng với thực tế mà công chúng đã thấy, đã biết về Hà Giang, có lẽ ông Vinh không nên… "học thêm", dù chỉ một ngày !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/10/2019
Chú thích
******************
Vợ ông Triệu Tài Vinh bị kiểm điểm liên quan vụ nâng điểm thi cho con
RFA, 02/10/2019
Vợ của ông Triệu Tài Vinh, là bà Phạm Thị Hà, hiện là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang, bị yêu cầu kiểm điểm "vì để em chồng tác động nâng điểm cho con". Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 2/10.
Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh - Courtesy vnn
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này, cơ quan chức năng đã kỷ luật 151 trường hợp. Ngoài ông Trần Quý Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đã bị kỷ luật cảnh cáo và đang tiến hành việc thi hành kỷ luật Đảng, thì còn 149 trường hợp được tiến hành kiểm tra, xem xét xử lý.
Ngoài ra theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, có 29 trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm, nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật, phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trong số này, đáng lưu ý là bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, là vợ nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh.
Theo Ủy ban Kiểm tra, bà Hà đã "để em chồng tác động cho con được nâng điểm thi", sai phạm chưa tới mức bị xử lý kỷ luật, mà chỉ yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Vào năm 2018, khi có thông tin về việc tên con gái có trong danh sách nâng điểm, ông Triệu Tài Vinh nói với báo chí trong nước rằng ông không biết và không chỉ đạo việc này.
Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La là 3 địa phương xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Cụ thể, Hà Giang có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có nhiều thí sinh là con các quan chức, lãnh đạo của tỉnh này, bao gồm cả nguyên Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh.
May là ông Triệu Tài Vinh chỉ học bốn… ngày !
Trân Văn, VOA, 02/10/2019
Cuối cùng, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang cũng thay mặt hệ thống chính trị ở Hà Giang, công bố cách thức xử lý các đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019.
Ông Triệu Tài Vinh cho biết ông không được quy hoạch "cán bộ cấp chiến lược", chỉ được "bồi dưỡng bốn ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng".
Theo đó, có tới 151 đảng viên, dính líu đến chuyện sửa bài thi để nâng điểm, giúp các thí sinh mà học lực chẳng đâu vào đâu (có những trường hợp điểm thi ba môn chỉ 0,5) giành được chỗ chúng muốn trong hệ thống đại học công lập ở Việt Nam hồi năm ngoái.
Đáng lưu ý là sau 15 tháng "nâng lên, đặt xuống", Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang quyết định chỉ kỷ luật 46/151 cá nhân, trong đó, ba bị khai trừ ra khỏi đảng (cả ba đã bị khởi tố, đang bị xem xét trách nhiệm hình sự), một bị cảnh cáo và 42 bị khiển trách.
Tuy cũng dính líu đến chuyện sửa bài thi để nâng điểm nhưng chẳng rõ dựa vào tiêu chí nào, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng có 29/151 cá nhân mà vi phạm "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" ?
76/151 cá nhân còn lại thì có 12 phải chờ ý kiến từ Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, 57 đang tiếp tục xem xét, bốn đang chờ diễn biến mới (2/4 đang chờ phán quyết của tòa, 2/4 đang mắc bệnh hiểm nghèo...
***
Nhìn vào 29 trường hợp dù dính líu đến scandal gian lận điểm thi nhưng Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ cần "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm", người ta ắt sẽ hoang mang, không biết nên khóc hay cười !
Ngoài trường hợp bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), vợ ông Triệu Tài Vinh (cựu Bí thư Tỉnh ủy, sau scandal gian lận điểm thi được điều động về Ban Kinh tế của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" vì để "em chồng tác động cho con được nâng điểm thi", còn có nhiều trường hợp khác rất đáng để ý nhưng do báo chí thông tin không đầy đủ, công chúng không biết để bàn (1)...
Chẳng hạn trường hợp bà Nguyễn Thị Lan Anh (Chánh án Tòa án Hà Giang). Con bà Anh cũng là một trong những đứa trẻ được sửa bài thi để nâng điểm nhưng theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, Chánh án Tòa án Hà Giang chỉ cần "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" khi "để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con" là có thể tiếp tục nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ đạo xét xử đủ thứ !
Tương tự, bà Vương Ngọc Hà (Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội của Hà Giang) không bị kỷ luật vì mẹ bà mới là người… "tác động" sửa bài thi – nâng điểm cho con bà. Các ông : Đỗ Tiến Dũng (Phó Giám đốc Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Linh (Chánh Thanh tra Công an Hà Giang), Nguyễn Ngọc Châu (Chỉ huy phó Biên phòng Hà Giang) tỉnh không bị kỷ luật vì con của họ được sửa bài thi - nâng điểm là do "tác động" của… vợ họ !..
***
Không nên đối chiếu danh sách đảng viên bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang quyết định áp dụng kỷ luật đảng, với danh sách đảng viên "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" vì nguy hại cho… não !
Tại sao cùng nhờ "tác động" của "người khác" để con được sửa bài thi – nâng điểm nhưng ông Nguyễn Trung Tuyến (bảo vệ), bà Nguyễn Thị Sáu (kế toán), bà Nguyễn Thị Thu Hà (nhân viên Văn phòng), ông Nguyễn Văn Hà (nhân viên Ban Tài chính Bộ Chỉ huy quân sự Hà Giang), ông Nguyễn Trung Thành (sĩ quan cảnh sát thuần túy, không có chức vụ),… lại bị "khiển trách", còn những đảng viên giữ trọng trách thì không ?
Tại sao bà Phạm Thị Hà (phu nhân ông Triệu Tài Vinh) "để em chồng tác động nâng điểm cho con" thì "chưa đến mức bị xử lý kỷ luật", chỉ phải "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm", còn ông Vàng Mí Chỏ (Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đồng Văn) "nhờ chị dâu tác động nâng điểm cho con" thì "vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm" thành ra bị "khiển trách" ? Chẳng lẽ chị dâu nguy hiểm hơn em chồng ?
Dường như khi xem xét để xác định có kỷ luật những đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm thi hay không, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Hà Giang cố ý phân định giữa "nhờ" và "để" nhằm tách bạch giữa… chủ động và… thụ động.
Việc phân định giữa "nhờ người khác tác động" với "để người khác tác động", rồi quyết đinh "nhờ" thì phải xử lý kỷ luật còn "để" thì được miễn trừ trách nhiệm, chỉ cần "kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm" là… xong, dựa trên những tiêu chí nào ?
Chưa kể nếu "nhờ" thật sự là chủ động thì chỉ "khiển trách", thậm chí "cảnh cáo" rồi… thôi, có thỏa đáng không ? Nếu không (vì chủ động rõ ràng là cố tình phạm pháp) thì lẽ nào lại tha… mẹ, mẹ vợ, chị dâu, em chồng các viên chức lãnh đạo ? Tha như thế thì còn gì là "pháp chế xã hội chủ nghĩa", còn gì là "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật ? Làm sao có thể "xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" ?
***
Sau một thời gian dài "im hơi, lặng tiếng", tuần trước, ông Triệu Tài Vinh "xuất đầu lộ diện". Nhân dịp tái ngộ công chúng qua hội thảo về "Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới" do Tạp chí Cộng sản tổ chức, ông Vinh nhắc lại những scandal liên quan tới ông : Cả họ làm quan (vợ, em trai, em gái, em dâu, em rể, bà con nội ngoại chia nhau nắm giữ vai trò lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp ở Hà Giang). Gian lận thi cử (cả con gái lẫn cháu cùng "bị" sửa bài thi, nâng điểm),… - kèm lời khuyên các đồng chí của ông là "phải đối mặt với thực tế, vượt qua".
Ông Vinh được mời làm diễn giả tại hội thảo vừa kể vì từng là Bí thư tỉnh Hà Giang trong chín năm. Theo ông Vinh : "Chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt" (2) ! Cho dù ngay sau đó có khá nhiều người dè bỉu tuyên bố vừa kể nhưng quyết định xử lý 151 đảng viên dính líu đến scandal gian lận điểm trong kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2019 mà Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy hà Giang mới công bố cho thấy, rõ ràng "sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt", nếu không, cách xử lý không thể như đã thấy !
Bàn về "Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng trong điều kiện mới", ông Vinh tâm tình : Ông không được quy hoạch "cán bộ cấp chiến lược", chỉ được "bồi dưỡng bốn ngày làm Ủy viên Trung ương Đảng" (3). Ông Vinh bảo rằng, sau khi đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Bí thư Hà Giang, ông nhận ra giữa "lý luận và thực tiễn có khoảng cách" nên muốn được học thêm ! Tuy ông Vinh tỏ ra rất tự hào về "hệ thống chính trị" ở Hà Giang, xem đó như một sản phẩm do công của ông nhưng với thực tế mà công chúng đã thấy, đã biết về Hà Giang, có lẽ ông Vinh không nên… "học thêm", dù chỉ một ngày !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/10/2019
Chú thích
******************
Vợ ông Triệu Tài Vinh bị kiểm điểm liên quan vụ nâng điểm thi cho con
RFA, 02/10/2019
Vợ của ông Triệu Tài Vinh, là bà Phạm Thị Hà, hiện là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang, bị yêu cầu kiểm điểm "vì để em chồng tác động nâng điểm cho con". Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 2/10.
Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh - Courtesy vnn
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này, cơ quan chức năng đã kỷ luật 151 trường hợp. Ngoài ông Trần Quý Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Vũ Văn Sử - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đã bị kỷ luật cảnh cáo và đang tiến hành việc thi hành kỷ luật Đảng, thì còn 149 trường hợp được tiến hành kiểm tra, xem xét xử lý.
Ngoài ra theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, có 29 trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm, nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật, phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Trong số này, đáng lưu ý là bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, là vợ nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh.
Theo Ủy ban Kiểm tra, bà Hà đã "để em chồng tác động cho con được nâng điểm thi", sai phạm chưa tới mức bị xử lý kỷ luật, mà chỉ yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Vào năm 2018, khi có thông tin về việc tên con gái có trong danh sách nâng điểm, ông Triệu Tài Vinh nói với báo chí trong nước rằng ông không biết và không chỉ đạo việc này.
Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La là 3 địa phương xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018. Cụ thể, Hà Giang có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có nhiều thí sinh là con các quan chức, lãnh đạo của tỉnh này, bao gồm cả nguyên Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh.
Việc ông Triệu Tài Vinh nhận quyết định thuyên chuyển về làm phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, thôi chức bí thư Hà Giang, khiến dư luận nhớ lại một số nhân vật từng ‘nhúng chàm’ và bị chuyển về cơ quan này.
Ông Triệu Tài Vinh, nguyên bí thư tỉnh Hà Giang, hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Courtesy of nguoiduatin
Ý kiến khác biệt về việc thuyên chuyển ông Triệu Tài Vinh
Ông Triệu Tài Vinh là người liên quan đến hai vụ tai tiếng đình đám ở Hà Giang. Thứ nhất gia đình ông có đến gần chục người giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các cơ quan công quyền ở tỉnh Hà Giang ; thứ hai là vụ gian lận thi tốt nghiệp Trung học Phổ Thông năm 2018 tại tỉnh Hà Giang, trong đó con gái ông Vinh là một thí sinh được nâng điểm.
Vào ngày 2 tháng 7 năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ và công bố quyết định bổ nhiệm ông Triệu Tài Vinh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang - giữ chức phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nhận xét về biện pháp thuyên chuyển này :
"Thứ nhất, động thái đảng đưa ông ta từ Bí thư tỉnh ủy Hà Giang về Ban kinh tế trung ương cho thấy đáng lẽ ra Triệu Tài Vinh đã phải bị kỷ luật, bị cách chức, nhưng tôi cho rằng ông ta có thể đã chạy chọt các ban đảng và được bố trí về trung ương, dù về một chỗ gọi là ‘ngồi chơi xơi nước’. Thứ hai, có thể đó là ý đồ của Nguyễn Phú Trọng ‘nhốt quyền lực vào lồng’, nơi từng nhốt Đinh La Thăng".
Trong khi đó nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp nhận định rằng việc thuyên chuyển ông Triệu Tài Vinh là việc cần làm vì đến đại hội đảng thì người ta phải thay bí thư. Việc thuyên chuyển này không liên quan gì đến việc ông Vinh sẽ bị kỷ luật, chỉ có điều đưa ông Vinh về Ban Kinh tế Trung ương vì không có chỗ nào cho ông ấy về cả. Ông nói :
"Ông Vinh làm đến khóa thứ hai rồi, mà trước đó còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Bây giờ đến lúc phải chuyển ông ấy đi chỗ khác để người khác lên làm bí thư. Đấy là cái chính trong sự sắp xếp của họ. Người ta sẽ đưa ông Cường là chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh về làm Bí thư để rồi ông Cường sẽ vào Ban chấp hành trung ương khóa 13".
Theo ông Hà Hoàng Hợp thì tỉnh Hà Giang là một tỉnh quan trọng của Việt Nam vì có đường biên giới dài với Trung Quốc, cần phải có người lãnh đạo giữ được chủ quyền trong mối quan hệ hòa hảo. Bây giờ là lúc thích hợp để chuyển ông Vinh về và chuyển ông Cường lên thay thế. Đó là điều quan trọng.
Một người có nhận định tương đối khác ông Phạm Chí Dũng và ông Hà Hoàng Hợp, là nhà báo Nguyễn An Dân. Theo nhà báo này thì việc thuyên chuyển này là bước đầu của việc kỷ luật ông Triệu Tài Vinh :
"Việc gia tộc họ Triệu bao thầu gần hết các cơ quan chính quyền ở Hà Giang khiến người dân chỉ trích, lên án. Đặc biệt ông Nguyễn Phú Trọng rất ghét chủ nghĩa thân hữu trong đảng, nên tôi nghĩ ông Vinh sẽ bị xử lý. Tuy nhiên để tránh biến động ở địa phương thì bước đầu họ chuyển ông Vinh về Trung ương là hợp lý".
Ban Kinh tế Trung ương : Nơi tạm dung ?
Theo một số nhà quan sát thì Ban kinh tế Trung ương là ban vô thưởng vô phạt, ban dôi dư và trở thành ban trung chuyển cho những cán bộ sắp về hưu, bị kỷ luật hoặc sắp ‘vô lò’. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đưa ra ví dụ :
"Trước nay có nhiều quan chức bị kỷ luật hoặc không lên chức được nữa thì chuyển về Ban kinh tế Trung ương chờ về hưu. Gần nhất là trường hợp Đinh La Thăng là cựu ủy viên Bộ chính trị, đưa thẳng về làm Phó Ban kinh tế Trung ương rồi vô thẳng nhà đá. Trước đó thì có Trương Tấn Sang, bí thư thành ủy TPHCM từng bị kỷ luật rồi đưa về làm trưởng Ban kinh tế trung ương. Sau đó nhờ vào một ‘may mắn’ nào đó Trương Tấn Sang trở thành thường trực ban bí thư".
Ban Kinh tế Trung ương cũng là một ban có nhiều phó ban nhất, lúc cao điểm có tới 12 phó ban nhờ trào lưu luân chuyển cán bộ trước đại hội 12.
Một trường hợp cũng được dư luận chú ý khi được luân chuyển và giữ luôn chức Trưởng ban tới hôm nay là ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Năm 2012, Global Finance đưa ông Bình vào danh sách 20 thống đốc ngân hàng có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới. Ông Bình được đồn đoán là cánh tay mặt đắc lực của ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Việt Nam.
Tháng 4 năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng "về vườn", ông Bình lọt vào Bộ Chính trị, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tháng 4/2007, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thành Văn phòng Trung ương Đảng.
Ngày 28/12/2012, Ban Kinh tế Trung ương được thành lập trở lại và ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nhà báo Nguyễn An Dân đưa ra nhận xét :
"Ban kinh tế trung ương được lập ra với vai trò cố vấn cho đảng, có mục đích phải giữ cái đuôi XHCN trong kinh tế thị trường".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng trong nhiều năm qua ban này không có một thành quả, một sản phẩm thực chất nào có thể thay đổi nền kinh tế Việt Nam mà cứ khư khư giữ cái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông giải thích :
"Về mặt thực chất thì các bộ kinh tế chuyên ngành như Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Ngân hàng nhà nước và những bộ chuyên ngành khác đều đã làm những công việc chuyên môn về kinh tế rồi, cho nên Ban kinh tế trung ương chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho đảng về định hướng chiến lược kinh tế".
Ông Hà Hoàng Hợp thì lại đưa ra quan điểm trái ngược khi ông cho rằng Ban Kinh tế Trung ương là quan trọng, nó từng bị bãi bỏ cách đây hai khóa nhưng người ta lại tái lập nó.
"Trong cơ cấu của một đảng cầm quyền xưa nay không có ban đấy nhưng sau này đảng tạo ra ban này vì họ nghĩ đang phải nắm cả đường lối kinh tế, nên ban này làm đường lối chính sách trước rồi mới đến chính phủ. Theo tôi thì đây không phải là ban chỉ để những ai bị kỷ luật rồi về".
Nhận định của ông Hà Hoàng Hợp phù hợp với điều vẫn đang xảy ra tại Việt Nam nơi mà đảng cộng sản nắm toàn quyền. Theo cách nói thông thường thì quyền sinh - sát nằm trong tay đảng và ai được sống thì sống và thăng chức ; còn ai phải chết thì mất tất cả ; dù theo nhận định của giới quan sát có những vị quan chức có những sai phạm nhãn tiền nhưng vẫn chưa hề hấn gì !
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 03/07/2019
Với vụ gian lận điểm ở Hà Giang đang nóng, Bí thư tỉnh Triệu Tài Vinh là ông quan được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong ngày 19/7.
Bộ trưởng Giáo Dục họp báo về vụ nâng điểm thi ở Hà Giang, 17 tháng Bảy.
Ông Triệu Tài Vinh đứng ở vị trí thứ hai và thứ tám trong danh sách 10 cụm từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất hôm thứ Năm tuần này.
Trong diễn biến mới nhất, công an Hà Giang đã khởi tố và bắt giam ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng khả thí và quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vì lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi sửa điểm trên 300 bài thi của hơn 100 thí sinh ở Hà Giang.
Trong số các thí sinh được sửa điểm có con gái ông Triệu Tài Vinh mà cụ thể là điểm môn toán bị hạ từ 9,4 xuống 6 và ngoại ngữ giảm từ 10 xuống 8 sau khi chấm lại theo Dân Trí. Trang tin này cũngdẫn lời ông Triệu Tài Vinh : “Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao ?”
Trong khi đó báo Người lao động cũng nói lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã có công văn yêu cầu các cấp dưới trong tỉnh phải “[t]uyệt đối tin tưởng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.” Cấp dưới cũng được yêu cầu phải “[l]àm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên, người thân trong gia đình không tham gia tuyên truyền, bình luận, chia sẻ các thông tin trái chiều, sai lệch, không chính thức trên các trang mạng xã hội, các thiết bị điện thoại, điện tử, internet…”
Trong những ngày qua những người dùng mạng xã hội chia sẻ lạiphỏng vấn của VietNamNet được thực hiện từ năm 2016 với em trai Bí thư Triệu Tài Vinh, ông Triệu Tài Phong, Bí thư huyện Quang Bình cũng ở Hà Giang, về chuyện cả nhà làm quan mà anh ông cũng đã giải thích.
“Dư luận chỉ là dư luận, cá nhân tôi chẳng thấy nó có gì liên quan cả,” ông Phong nói trong phỏng vấn cách đây hai năm. “Nếu bảo có tức thì có tức đôi chút vì nó không đúng sự thật. Chúng tôi đi từ cơ sở, phải lăn lộn từ cơ sở mới làm được. Cũng phải học thì mới làm được chứ đâu phải tự nhiên làm được đâu.”
Khi đó ông Phong cũng xác nhận : “Nhà tôi có 5 anh em ruột, cùng làm trong cơ quan nhà nước. Gia đình dù là dân tộc thiểu số [dân tộc Dao] nhưng sinh ra trong gia đình cán bộ, không phải là nông dân. Con gia đình cán bộ thì chắc là ở đâu cũng được học hành, còn học cái gì, làm cái gì thì có thể (mỗi gia đình) có sự khác nhau.”
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 20/07/2018
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang lại lọt vào tâm của một trận bão : Thiên hạ mới phát giác con gái ông nằm trong nhóm 114 thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 được ông Vũ Công Lương, Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở Giáo dục tỉnh Hà Giang, sửa điểm đểđiểm tất cả các môn mà những thí sinh này đã thi đều cao ngất.
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh Hà Giang - Hình minh họa.
Vụ sửa – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang khiến dân chúng phẫn nộ vì ngoài việc được công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học, điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học còn là cơ sở để xét tuyển vào đại học. 114 thí sinh mà bài thi nhiều môn vốn chỉ đạt 0,75 điểm hay 1 điểm, 1,2 điểm được nâng lên thành 8,75 điểm, 9 điểm, thậm chí 9,5 điểm sẽgạt hàng trăm đứa trẻ xứng đáng hơn nhiều khỏi các đại học mà chúng và gia đình chúng mong ước.
Vụ sửa - nâng điểm vừa kể bùng lên thành scandal sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo tuyên bố, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 “ tổ chức đúng kế hoạch, bảo đảm nghiêm túc, khách quan, an toàn”. Giờ, công chúng không chỉ đòi Bộ Giáo dục – Đào tạo thanh tra thêm hoạt động khảo thí ở Sơn La mà còn thúc cơ quan này thanh tra hoạt động khảo thí trên toàn quốc trong những năm vừa qua.
Cho đến giờ này, trừ con gái ông Vinh, người ta chưa biết 113 thí sinh còn lại đã được sửa – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang là con, cháu những ai. Tuy “đứng mũi chịu sào” song ông Vinh rất tự tin. Thông qua báo chí, ông Vinh nhắn nhủ với công chúng rằng, ông không biết gì về việc con gái ông “bị” nâng điểm. Ông Vinh còn nêu ra giả định, chuyện nâng điểm cho con gái ông có thể là một âm mưu, nhằm “đưa lãnh đạo vào tròng”.
Liệu có bao người tin con gái ông Vinh “bị” chứ không phải được nâng điểm và có thể có cái gọi là âm mưu nhằm đưa ông Vinh “vào tròng” ? Xem phản ứng của dân chúng cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội ắt ai cũng thấy là chẳng có bao nhiêu người đồng tình với cách lý giải của ông Vinh. Ở Việt Nam có một thực tế là những viên chức như ông Vinh thích sao thì… nói vậy chứ không cần dân tin.
Cách nay ba năm, ông Vinh từng khuấy động dư luận khi bị tố giác, không chỉ gia đình mà cả gia tộc ông Vinh đang chia nhau nắm giữ những vị trí chủ chốt của nhiều ngành, thuộc đủ mọi cấp ở Hà Giang : Bà Phạm Thị Hà – vợ ông Vinh là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Ông Vinh có ba em trai thì một người là Bí thư huyện Quang Bình (Triệu Tài Phong), một người là Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì (Triệu Sơn An), một người là cán bộ lãnh đạo Sở Bưu chính - Viễn thông Hà Giang (Triệu Tài Tân). Địa vị xã hội của em gái ông Vinh - bà Triệu Thị Giang – cũng không nhỏ. Bà Giang là một cán bộ lãnh đạo của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hà Giang, chồng bà Giang - ông Mạc Văn Cường - em rể ông Vinh thì giữ chức vụ Phó Công an thành phố Hà Giang… Đó là chưa kể nhiều người khác trong gia tộc của ông Vinh, bà con của Bí thư tỉnh đangchia nhau làm lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp khác ở Hà Giang.
Dẫu thời điểm ấy ông Vinh khẳng định, “không cảm thấy vui khi những người trong gia đình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo”, tuy nhiên vì “tình cảm thua nguyên tắc”, thành ra không thể ngăn cản việc thân nhân trở thành cán bộ chủ chốt, lãnh đạo nhiều ngành, nhiều cấp “đúng quy định của Đảng, Nhà nước”... nhưng chẳng ai tin.
Công chúng không chỉ không tin cá nhân ông Vinh mà còn mỉa mai cả hệ thống công quyền Việt Nam vì chỗ nào cũng thấy cảnh gia đình, gia tộc chia nhau “phục vụ cách mạng” ở đủ mọi ngành, mọi cấp như gia đình, gia tộc ông Vinh. Do sự bất bình càng lúc càng tăng, năm ngoái, chính phủ Việt Nam phải tổ chứcthanh tra “bổ nhiệm người nhà”.
Cho dù Hà Giang là 1/11 địa phương được xem là “nóng” bởi hiện tượng “bổ nhiệm người nhà” và giữa năm ngoái, Bộ Nội vụ của chính phủ Việt Nam tuyên bố đã “khắc phục những sai sót trong việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, đồng thời đã xem xét, xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan” song ông Vinh vẫn yên vị !
Trở lại với vụ sửa – nâng điểm cho 114 thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2018 ở Hà Giang, ông Vinh cho rằng : “Các cháu không có lỗi gì cả. Con tôi năm nay thi tốt nghiệp như thế này không phải lỗi của cháu, không phải lỗi của tôi. Báo chí cần định hướng tốt để dư luận có cái nhìn tốt nhất, con lãnh đạo nói chung chất lượng học có đúng như thế không mới là quan trọng”. Ông Vinh cũng đã thề sẽ “xử lý nghiêm”. Công chúng có tin hay không cũng chẳng sao.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/07/2018