Làm lại cuộc đời sau khi thoát khỏi địa ngục Bắc Triều Tiên (RFI, 07/07/2017)
Những người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc làm thế nào để hội nhập vào cuộc sống mới. Đặc phái viên Le Figaro tại Hàn Quốc mô tả lại một cảnh có vẻ bình thường trong một nhà hàng ở Seoul.
Cầu Hữu Nghị trên sông Áp Lục nối liền thành phố Bắc Triều Tiên Sinuiju và Đan Đông Trung Quốc. Ảnh ngày 05/07/2017. NICOLAS ASFOURI / AFP
Kang Hun, 19 tuổi, ngồi vào bàn ăn với cha mẹ. Người cha nói với giọng trịnh trọng, đầy tự hào : "Chúng ta đã vượt được một chặng đường dài". Đi ăn ở nhà hàng ở thủ đô, với sự tự do vừa có được và thưởng thức các món ăn – đó là niềm vui sướng tuyệt vời của gia đình Bắc Triều Tiên này, đang tị nạn tại Hàn Quốc.
Hai năm rưỡi sau khi đào thoát, câu chuyện được họ kể lại bên bàn ăn. Anh thanh niên Hun nhanh nhẹn xơi món mì lạnh, rồi lại "tấn công" vào dĩa hoành thánh. Chàng trai gốc gác ở Hyesan, cực bắc Triều Tiên kể lại : "Chúng tôi vượt qua biên giới tháng 12/2014. Mẹ tôi làm nhân viên phục vụ một nhà hàng bên Trung Quốc ( Bình Nhưỡng cho phép điều này). Bà giúp cha tôi và tôi sang đó nhờ một người môi giới vượt biên. Ngạc nhiên đầu tiên đối với tôi khi đặt chân lên đất Trung Quốc là nước nóng – chúng tôi không hề có được tại Bắc Triều Tiên. Và đường sá nữa, tại thành phố tôi sinh sống (có khoảng 192.000 dân năm 2008), chỉ có duy nhất một tên đường !"
Đối với gia đình họ Kang, năm này qua năm nọ họ càng cảm thấy nhất thiết phải chạy trốn chế độ độc tài Bình Nhưỡng. Nhưng mong ước được sống khấm khá hơn bên ngoài đất nước khép kín mới là ngòi nổ. "Cha tôi đã quá chán khi không có quyền được hạnh phúc. Khi xem một bộ phim Hàn Quốc, ông nói với chúng tôi, ở Hàn Quốc, khi làm việc thì mình có thể có xe hơi riêng".
Các bộ phim truyền hình nhiều tập cùng với nhạc pop Hàn Quốc trong những năm gần đây thực sự làm người dân phương bắc tỉnh thức. Được lén nhập vào, đôi khi được các máy bay không người lái thả xuống, các bộ phim và chương trình ca nhạc được tải qua các USB đã đóng góp vào việc giúp cho những người dân Bắc Triều Tiên bị bưng bít phần nào thấy được thế giới bên ngoài là như thế nào. Một loại kho tàng Alibaba theo kiểu Hàn Quốc. Họ xem những văn hóa phẩm này qua notel, một loại đầu đọc sản xuất tại Trung Quốc. Chàng thanh niên nhìn nhận : "Tôi có được là nhờ bạn bè. Nhưng nếu bị phát hiện, chúng tôi sẽ bị bỏ tù".
Để bỏ trốn khỏi địa ngục và sống với "giấc mơ Hàn Quốc", việc đến được Trung Quốc – đồng minh của Bình Nhưỡng – là giai đoạn đầu tiên mà gia đình họ Kang đã may mắn lọt qua. Hun nhớ lại : "Một khi đã đặt chân lên đất Trung Quốc, chúng tôi đi xe đò suốt một tuần lễ, vượt quãng đường trên 2.500 km để đến được Việt Nam. Trên đường đi, chúng tôi phải giả làm người bệnh, tại mỗi trạm kiểm soát phải giả vờ ói mửa để khỏi phải trình ra tấm hộ chiếu mà tất nhiên chúng tôi không có".
Một mánh khóe đã mang lại kết quả, cho đến khi một cảnh sát Việt Nam đưa cho họ coi hai lá cờ, một của Bắc Triều Tiên và một của Hàn Quốc, yêu cầu chọn lựa. "Cha tôi đã chọn lá cờ Bắc Triều Tiên, tưởng rằng như vậy là tốt. Ai ngờ chúng tôi bị bắt và gởi trả về Trung Quốc. Một lần nữa cả nhà phải ráng tìm ra một người môi giới khác để lại vượt biên". Họ thật là may mắn, vì chỉ có 10% số người tị nạn bị câu lưu tại Trung Quốc là trốn thoát được. Hun kể tiếp : "Từ Việt Nam, chúng tôi sang Lào và vào đại sứ quán Hàn Quốc xin tị nạn".
Cũng như gia đình họ Kang, khoảng 30.000 người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc (29.464 người vào tháng 9/2016, trong đó có 40% trẻ em và thanh niên, theo bộ Thống Nhất Hàn Quốc). Nhưng có cùng chủng tộc và nói gần như cùng một ngôn ngữ vẫn chưa đủ để hội nhập – tại Hàn Quốc, người ta sử dụng nhiều từ tiếng Anh mà người Bắc Triều Tiên chưa từng nghe thấy trong đời. Sống ở Hàn Quốc đối với họ, là từ thế kỷ 19 nhảy thẳng sang thế kỷ 21. Một bước "đại nhảy vọt" mà những người đào thoát vẫn mơ tưởng, nhưng họ không làm chủ được cả kỹ năng sống lẫn đặc thù văn hóa.
Để học cách "sống sót", những người đào tị được tiếp đón trong một "trại cải tạo" được giữ an ninh hết sức nghiêm ngặt, trong vòng 12 tuần lễ, sau khi được cơ quan tình báo phỏng vấn để biết chắc họ không phải là gián điệp.
Tại trung tâm Hanawon do chính quyền quản lý từ năm 1999, nằm cách Seoul một giờ xe chạy, những người tị nạn được trợ giúp về tâm lý và học hỏi cách vận hành của một xã hội tiêu thụ, như việc mua quần áo hoặc cách sử dụng các máy bán hàng tự động. Tiếp theo là những buổi học về lịch sử Triều Tiên, những khám phá về nhân quyền và dân chủ. Một kiểu "tái lập trình" cần thiết cho cuộc sống mới.
Hun nhớ lại : "Trong nhà trường Bắc Triều Tiên, người ta dạy chúng tôi là Kim Jong-un lúc mới 11 tuổi đã tự điều khiển được xe tăng, và tự khám phá cách lập chương trình bắn pháo hoa ! Tôi nghi rằng đó là giả dối, nhưng chỉ cần nói ra ngoài miệng là đủ để ăn một trận đòn đích đáng, cho dù là con nít".
Sau ba tháng "thanh lọc" tại Hanawon, những người tị nạn hòa nhập vào đời sống Hàn Quốc. Họ được cho nhập quốc tịch, và được chính phủ trợ cấp từ 10 đến 28 triệu won (7.700 đến 21.000 euro), và 320.000 won (khoảng 250 euro) mỗi tháng trong vòng 5 năm. Một số được các tổ chức phi chính phủ đỡ đầu, giúp đối mặt với cuộc sống mới và một giai đoạn chuyển đổi thường là khó khăn, vất vả.
Young Ja-kim, tổng giám đốc Liên minh công dân vì nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (NKHR), chuyên giúp đỡ những người tị nạn từ lúc vượt biên giới cho đến khi hội nhập được vào Hàn Quốc, giải thích : "Một trong những khó khăn lớn nhất cho việc hội nhập đối với thanh niên và người lớn là sự phân biệt đối xử, chẳng hạn họ thường bị nhìn chòng chọc vào mặt trên các phương tiện giao thông công cộng".
Giờ đây, Hun đã thành công trong việc được coi gần như là người tại chỗ. Trong bộ đồng phục học sinh trung học, anh cho biết : "Tôi phải mất đến hai năm để nói được giọng miền nam. Nhà trường đã giúp tôi rất nhiều". Những người nào không "nhập vai" được đành phải đóng giả làm Joseonjok, tức kiều dân Triều Tiên sống tại Trung Quốc, để khỏi bị phân biệt đối xử.
Yuna Chu, thành viên đội ngũ giảng dạy của NKHR giải thích : "Người Hàn Quốc khó phân biệt được giữa chế độ Bắc Triều Tiên với người dân, và càng tỏ ra thù địch hơn mỗi lần Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn". Mẹ ruột của Hun thường xuyên khóc khi đi làm về, vì bị các đồng nghiệp là nhân viên chạy bàn cáo buộc "lấy cắp" thức ăn mà khách bỏ lại, trong khi họ cũng làm y như vậy. Nếu không thù ghét, thì người Hàn Quốc cũng tỏ ra dửng dưng, hay không quan tâm đến mục tiêu thống nhất đất nước, nhất là thế hệ trẻ.
Dean Ouellette, giám đốc đối ngoại của trường đại học Kyungnam ghi nhận : "Việc giới trẻ không quan tâm đến quan hệ liên Triều là rất rõ. Đó là một trong những thách thức chính của chính phủ Moon Jae In". Chỉ có truyền hình thực tế và một số chương trình được theo dõi nhiều như "Now On My Way to Meet You" hay "Good Life" là đóng góp được vào việc phổ biến số phận người tị nạn, giúp họ không còn là đối tượng hiếu kỳ.
Kang Hun thì không cảm thấy bị kỳ thị, dù vậy anh cũng thích chơi với các bạn Bắc Triều Tiên hơn. Yuna Chu nói : "Rào cản văn hóa rất quan trọng. Họ không có những sở thích chung, và khó thể tham gia thảo luận". Hiệp hội tổ chức các kỳ thực tập để cố lấp đầy khoảng cách văn hóa này.
Các thanh niên tị nạn được miễn thi vào đại học, chính quyền dành cho họ những chỗ trong các trường danh giá nhất Seoul. Nhưng tỉ lệ sinh viên bỏ học cao, cũng như những ca trầm cảm. Tỉ lệ tự tử khá cao trong số những người tị nạn : cứ bảy ca tử vong thì có một trường hợp tự sát.
Young Ja-kim nói : "Những người tị nạn trẻ tuổi thường bị đa chấn thương. Họ sống trong một xã hội mà mỗi người buộc lòng phải che giấu cảm xúc thật, nhưng những xúc cảm ấy lại trỗi dậy ở đây, đôi khi trở thành ung thư hay thái độ bất thường. Một số từng chứng kiến những vụ hành quyết công khai, số khác phải bán dâm trong các trại cải tạo, nhưng họ không nói ra. Nhiều người bị kích động khi nghe tiếng còi hụ, vì tại Trung Quốc, họ phải chạy trốn công an truy lùng. Chúng tôi gặp trường hợp một thanh niên khẳng định muốn giết tất cả mọi người khi cảm thấy bị stress, và biết được rằng anh này đã bị một người lính Việt Nam chĩa súng vào người trong lúc chạy trốn".
Việc chăm sóc những người này rất tế nhị. Bà Young nhìn nhận : "Họ sợ bị coi là người mắc bệnh tâm thần, và nếu nhập viện họ sẽ bị mất đi nguồn thu nhập ít ỏi, không thể gởi tiền về cho thân nhân còn ở Bắc Triều Tiên".
Hun để lại bạn bè và ông bà ở bên ấy, vì "quá già không thể đi xa". Về mặt chính thức thì Bình Nhưỡng coi anh và gia đình đang ở Trung Quốc – một điều tạm chấp nhận được đối với chế độ, còn nếu biết anh ở Hàn Quốc thì sẽ không nương tay. Hai năm rưỡi sau khi đến Seoul, anh công khai chỉ trích Kim Jong-un, nhưng cũng không giấu giếm sự ngờ vực đối với quy trình dân chủ. "Tôi luôn ngạc nhiên trước thói quen biểu tình ở đây. Tôi cảm thấy những người biểu tình thiếu tôn trọng lực lượng an ninh. Nếu là ở Bắc Triều Tiên, thì họ đã bị bắn hạ tại chỗ".
Người thanh niên cũng chẳng hoan nghênh chủ trương cởi mở với Bắc Triều Tiên của tân tổng thống Moon Jae In. Nhưng anh rất muốn được nhận vào trung tâm quốc gia dành cho các nhà ngoại giao ở Seoul, như một cách cảm ơn vị đại sứ Hàn Quốc đã giúp anh đào thoát. Hun mỉm cười : "Ông ấy hứa rằng nếu tôi trở thành một nhà ngoại giao, ông sẽ mời tôi ăn tối".
Thụy My
******************
Trung Quốc : Bị tù bốn năm rưỡi vì viết hồi ký về Thiên An Môn (RFI, 07/07/2017)
Một nhà tranh đấu Trung Quốc hôm 07/07/2017 bị kết án bốn năm rưỡi tù giam vì những bài viết nói về vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, một đề tài cấm kỵ tại Trung Quốc.
Ông Lưu Thiếu Minh (Liu Shaoming).@amnesty international
Ông Lưu Thiếu Minh (Liu Shaoming), nguyên là công nhân nhà máy, bị bắt giam từ tháng 05/2015 sau khi viết hồi ký kể về những trải nghiệm của mình trong các cuộc biểu tình Thiên An Môn, trên một trang web thông tin tiếng Hoa đặt tại Mỹ. Hôm nay ông bị tòa án Quảng Đông kết án bốn năm rưỡi tù giam.
Luật sư của ông là Ngô Khôi Minh (Wu Kuiming) nói với AFP : "Ông Lưu Thiếu Minh bị cáo buộc tội "xúi giục nổi dậy". Bằng cớ được trưng ra là những bài đăng trên mạng mà ông đã viết ra để nhắc nhở đến sự kiện Thiên An Môn". Được biết nhà hoạt động này sẽ kháng cáo.
Bắc Kinh luôn muốn bóp nghẹt mọi cuộc tranh luận về vụ thảm sát các sinh viên biểu tình đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, thường xuyên quản thúc hoặc bỏ tù các nhà đấu tranh.
Phong trào dân chủ do giới sinh viên khởi xướng năm 1989 với mục tiêu chống tham nhũng và đòi hỏi mở rộng các quyền dân chủ, đã kéo dài suốt một tháng rưỡi trên quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền Trung Quốc huy động quân đội dùng vũ lực để đàn áp dã man người biểu tình, làm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người thiệt mạng. Vào thời điểm đó, ông Lưu Thiếu Minh đã đến thủ đô Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình.
Ông William Nee, nhà nghiên cứu thuộc Amnesty International nhận định : "Đó là một tù nhân lương tâm, cần phải được trả tự do ngay lập tức. Việc ông Lưu Thiếu Minh thực hiện quyền tự do ngôn luận theo pháp luật lại là cáo buộc duy nhất đối với ông".
Thụy My
Trung Quốc mời bác sĩ nước ngoài đến chữa trị cho Lưu Hiểu Ba (RFI, 05/07/2017)
Dưới sức ép của quốc tế, Trung Quốc vào hôm 05/07/2017 đã lên tiếng mời các bác sĩ ngoại quốc đến Trung Quốc để chăm sóc cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba (Liu Xiao Bo), giải Nobel Hòa Bình, vừa được cho ra khỏi tù vì bị bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Biểu tình đòi trả tự do hoàn toàn cho nhà văn Lưu Hiểu Ba trước cơ quan đại diện Hoa Lục tại Hồng Kông, 05/07/2017. Ảnh : Anthony WALLACE / AFP
Trong một thông báo, thành phố Thẩm Dương ở miền đông bắc Trung Quốc, cho biết là bệnh viện thành phố, nơi nhà ly khai được đưa vào để trị bệnh sau khi ra tù, "đã quyết định mời các chuyên gia về ung thư gan nổi tiếng nhất thế giới, của Mỹ, Đức và các nước khác, đến Trung Quốc" để chẩn đoán cho ông Lưu Hiểu Ba. Chính quyền Thẩm Dương còn xác định rằng lời mời được đưa ra "theo yêu cầu của gia đình ông Lưu Hiểu Ba".
Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, các bác sĩ nước ngoài được khuyến khích làm việc cùng với các đối tác Trung Quốc, nhưng chính quyền trước mắt không cho biết là có những ai đã được mời, hay đã nhận lời mời đến Trung Quốc.
Bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 về tội "phản nghịch", ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, vừa được ra tù sau khi bị chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn cuối hồi tháng Năm vừa qua.
Kể từ khi thông tin về bệnh tình của ông được loan báo, một số nước phương Tây - trong đó có Hoa Kỳ, Pháp và Đức - cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ và thân nhân nhà bất đồng chính kiến đã tuyên bố tại Bắc Kinh rằng giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba phải được phép ra nước ngoài để điều trị.
Việc mời các bác sĩ nước ngoài trùng hợp với chuyến công du nước Đức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 vào ngày thứ Sáu tới đây tại Hambourg.
Cùng với Washington và Paris, Berlin hôm thứ Hai đã bày tỏ "hy vọng rằng ông Lưu Hiểu Ba sẽ nhận được tất cả sự hỗ trợ y tế cần thiết". Đức đồng thời cho rằng một "giải pháp nhân đạo" cho trường hợp này "phải là ưu tiên số một".
Patrick Poon, một nhà nghiên cứu làm việc cho tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng khi đề nghị mời bác sĩ nước ngoài đến Trung Quốc chữa trị cho ông Lưu Hiểu Ba, chính quyền Trung Quốc như muốn giải tỏa áp lực quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Poon, bản thân ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông đã cho biết rõ rằng mục tiêu của họ là phải rời khỏi Trung Quốc để được chữa bệnh ở nước ngoài.
Trọng Nghĩa
*******************
Đức hối thúc Trung Quốc cho Lưu Hiểu Ba đi nước ngoài chữa bệnh (VOA, 04/07/2017)
Đức hôm thứ Hai hối thúc Trung Quốc cho phép ông Lưu Hiểu Ba được đi nước ngoài để chữa bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhắc lại những lời kêu gọi tương tự từ Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ.
Hình ảnh xuất hiện trên mạng vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu Hiểu Ba dường như đang trong tình trạng ổn định.
Trung Quốc nói rằng nhà bất đồng chính kiến này bị bệnh quá nặng không rời khỏi đất nước được, nhưng hôm thứ Hai bạn của ông Lưu và nhà bất đồng chính kiến Hồ Gia nói một đoạn video xuất hiện trên YouTube vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu dường như đang trong tình trạng ổn định.
"Chúng tôi hoan nghênh việc ông Lưu Hiểu Ba được phóng thích để được điều trị y tế", phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert nói, lưu ý về tin tức cho biết có những yêu cầu để hai vợ chồng ông Lưu được đi nước ngoài. "Chính phủ tin rằng trong tình thế khó khăn như vậy, một giải pháp nhân đạo cho ông Lưu Hiểu Ba nên là ưu tiên hàng đầu".
Ông Lưu là nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền, bị bắt sau khi viết Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 cho chiến dịch đấu tranh của ông vì dân chủ và nhân quyền.
Có được thông tin đáng tin cậy, độc lập về tình trạng của ông Lưu và mong muốn đi nước ngoài của ông là điều khó khăn, vì ông và vợ, Lưu Hà, đã bị chính quyền cô lập nên bạn bè và giới truyền thông không thể tiếp cận.
Dù hai vợ chồng chưa công khai bày tỏ ý muốn ra nước ngoài, bạn bè của họ tin rằng họ muốn đi, dựa trên những điều mà trước đây bà Lưu Hà đã cho bạn bè của bà biết.
Ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù về tội "kích động lật đổ quyền hành nhà nước". Luật này thường bị nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để làm im tiếng những nhà bất đồng chính kiến.
Căng thẳng tại Biển Đông với việc Trung Quốc không ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa không chỉ khiến các láng giềng Châu Á hay Hoa Kỳ lo ngại. Sức mạnh trên biển của Trung Quốc có tham vọng vượt khỏi các vùng nước bao quanh quốc gia này gây lo ngại cho cả Châu Âu.
Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế gây lo ngại. Trong ảnh, tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan 981, hoạt động hồi đầu năm 2014, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh chụp màn hình thanhnien.com
Trong bài viết "Cần làm gì trước sức mạnh hải quân Trung Quốc ?" (Que faire de la puissance navale chinoise ?), đăng ngày 03/07/2017, nhà chính trị học Pháp Mathieu Duchatel (1), nhấn mạnh đến mối đe dọa lớn về dài hạn mà Châu Âu cần phải đối mặt. Đó là ỷ vào sức mạnh hải quân và hàng hải, Trung Quốc có thể "trực tiếp thách thức hơn nữa" hệ thống luật pháp quốc tế về biển. Tăng cường hợp tác hải quân với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực cách tân công nghệ hàng hải, được tác giả đề xuất như các biện pháp để hóa giải mối đe dọa này. RFI giới thiệu góc nhìn của nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel.
Ỷ sức mạnh, thách thức luật pháp quốc tế
Nhà chính trị học Mathieu Duchatel nhấn mạnh "kịch bản tồi tệ nhất đối với Châu Âu" là một nước Trung Hoa ngày càng dựa vào sức mạnh hải quân bất chấp luật pháp quốc tế về biển, không cần chú ý đến hợp tác quốc tế. Điều này đặc biệt thấy rõ với phán quyết của một tòa án quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, đưa ra hồi tháng 7/2016. Vụ kiện được coi là một thắng lợi của Manila được đông đảo các nước trên thế giới ủng hộ.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của European Council on Foreign Relations lưu ý, thay vì coi phán quyết này là "một yếu tố quan trọng" bảo đảm sự ổn định quốc tế, thì Bắc Kinh lại ngày càng có xu hướng coi luật pháp quốc tế về biển như là "một công cụ thống trị của phương Tây". "Việc Trung Quốc quyết định không công nhận phán quyết của tòa để lại một tình thế nguyên trạng gây khó xử cho tất cả các bên".
Nhà chính trị học giải thích : Thái độ của Trung Quốc phơi bày sự "rạn nứt quốc tế" (clivage international) trong việc giải thích công ước Montego Bay, tức Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, gọi tắt là UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Seas). Tác giả khẳng định là lờ đi mối rạn nứt này không phải là giải pháp, bởi vấn đề không những sẽ trở lại, mà có thể còn trở nên "nghiêm trọng hơn", với "những thách thức trực tiếp hơn của Bắc Kinh đối với luật pháp quốc tế về biển".
Châu Âu đã chứng kiến các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa tại Trường Sa, Biển Đông, kể từ năm 2015, nguy cơ đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và liên quân Mỹ-Nhật. Trong tình hình này, nhận xét có thể rút ra là trong hiện tại Châu Âu rất khó mang lại "một ảnh hưởng tích cực đối với vấn đề an ninh hàng hải Châu Á".
Tàu sân bay – bề nổi của tham vọng Trung Quốc
Hậu thuẫn cho thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là sức mạnh hải quân mà nước này đang có kế hoạch phát triển, trước hết là các tàu sân bay. Theo nhà chính trị học Pháp, Châu Âu không nên "giả đò ngạc nhiên", trong năm năm nữa, khi một trong các tàu sân bay của quân đội Trung Quốc thả neo tại Djibouti (Đông Phi), nơi Bắc Kinh đang xây dựng một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Trong hiện tại, rất ít có khả năng Trung Quốc tiến hành một cuộc không kích tại vùng Vịnh hay miền đông Châu Phi. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể, nếu một quốc gia yêu cầu Trung Quốc can thiệp để giành lại một phần lãnh thổ, như kiểu chính quyền Syria cầu viện Nga, hay việc tham gia vào một chiến dịch của liên quân quốc tế, được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm. Việc sở hữu tàu sân bay cho phép Trung Quốc dễ dàng thực hiện mục tiêu này.
Tàu sân bay vừa được dùng để giành ưu thế trong chiến tranh trên biển, cũng như là điểm tựa cho sức mạnh không quân, nhưng đồng thời cũng là một vũ khí răn đe, và phương tiện gây áp lực về ngoại giao. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc coi tàu sân bay là "phương tiện gần nhất với binh pháp của Tôn Tử (Sun Tzu), cho phép khuất phục đối phương mà không cần chiến tranh". Cụ thể là, Bắc Kinh có thể tổ chức rầm rộ một cuộc sơ tán thường dân Trung Quốc khỏi một khu vực nguy hiểm tại một quốc gia khác, với sự hỗ trợ của một nhóm tàu chiến, với tàu sân bay làm trụ cột.
Theo nhà nghiên cứu Mathieu Duchatel, kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã công khai nói đến "các chiến dịch quân sự không phải là chiến tranh", nhằm phục vụ cho "các lợi ích ở nước ngoài" của Trung Quốc, trong đó có việc bảo vệ kiều dân và đầu tư Trung Quốc.
Hải quân : Trọng tâm trong chiến lược toàn cầu
Ông Mathieu Duchatel nhấn mạnh là các tàu sân bay chỉ là bề nổi của sức mạnh hải quân mà Trung Quốc đang phát triển. Truyền thông Trung Quốc coi đây là biểu tượng của uy lực. Tuy nhiên, đây chỉ một phần "không đáng kể" trong các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc cho ngành đóng tàu và các khoa học và công nghệ về biển.
Năm 2012, tại Đại hội 18 của đảng Cộng Sản, Bắc Kinh chính thức đưa việc phát triển "sức mạnh hải quân qui mô lớn" vào hàng các mục tiêu chiến lược quốc gia. Trong Đại hội thứ 19, mùa thu năm nay, chắc chắn mục tiêu này sẽ được tái khẳng định. Hải quân sẽ tiếp tục được coi như một "phương tiện chính" để bảo đảm an ninh cho "giai đoạn toàn cầu kinh tế mới" của Trung Quốc, với đặc điểm là đầu tư mạnh ra nước ngoài.
Chiến lược quân sự chính thức của Trung Quốc được công bố năm 2015 coi các đại dương như lĩnh vực trọng yếu về an ninh, cũng như không gian và tin học. Chiến lược này đưa ra khái niệm "bảo vệ các vùng biển xa" (open seas protection), phối hợp với "phòng ngự biển gần" (offshore defense), vốn là trục chính trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh cho đến lúc đó.
Nhà chính trị học Pháp đặt ra một loạt câu hỏi về chiến lược quân sự của Trung Quốc trong tương lai, mà Châu Âu cần hiểu rõ. Bắc Kinh sẽ ưu tiên phát triển sức mạnh quân sự trên biển hay trên bộ ? Chiến lược "biển xa" liệu có trở thành "chủ trương chính" của hải quân Trung Quốc ? Liệu Trung Quốc sẽ ưu tiên tàu ngầm nguyên tử trong hệ thống răn đe hạt nhân nói chung ? Phải chăng mục tiêu bảo vệ Con đường Tơ lựa trên biển sẽ quyết định đường hướng phát triển của hải quân Trung Quốc ? Và đặc biệt là vấn đề mối liên hệ giữa chiến lược Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc và các căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông hiện nay.
***
Để hóa giải những thách thức của Trung Quốc, nhà chính trị học Mathieu Duchatel ủng hộ việc Liên Hiệp Châu Âu gia tăng các hợp tác về hải quân với Bắc Kinh. Hiện tại các hợp tác mới chỉ giới hạn trong một số cuộc diễn tập chống hải tặc quy mô nhỏ tại vùng vịnh Aden, hay việc hộ tống các đoàn tàu biển của Chương Trình Lương Thực Liên Hiệp Quốc tới Somalia. Theo tác giả, Bruxelles hiện đã có kế hoạch nâng cấp các hợp tác.
Bên cạnh việc hợp tác hải quân, công nghệ đóng tàu và hàng hải nói chung của Trung Quốc cũng là "một thách thức kinh tế" đối với Châu Âu. Công nghệ hàng hải là một trong 10 lĩnh vực ưu tiên của chương trình "Made in China 2025", nhằm đưa Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới trong một số lĩnh vực then chốt.
Tác giả cảnh báo là trong hiện tại, nhiều người vẫn còn "khinh rẻ" trình độ công nghệ của Trung Quốc, nhưng về dài hạn Châu Âu rất có thể sẽ phải cạnh tranh với Bắc Kinh trong hàng loạt lĩnh vực như xuất khẩu tàu chiến, tàu du lịch hạng sang, công nghệ thăm dò, khai thác đáy biển. Các tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này buộc Châu Âu phải có các chính sách hỗ trợ "cạnh tranh công nghiệp" một cách thích đáng.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 05/07/2017
Ngoại giao phục vụ cho lợi ích dân tộc là điều dễ hiểu, nhưng đừng để lợi ích dân tộc mình lấn lướt lợi ích của các dân tộc, quốc gia khác.
Ngày 3/7, báo Financial Times bản chữ Hán đăng bài phân tích về chính sách ngoại giao Trung Quốc của nhà nghiên cứu độc lập Đặng Duật Văn, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí Học tập, thuộc Trường Đảng trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bài viết gây chú ý với tiêu đề "9 vấn đề phản tư về nền ngoại giao Trung Quốc". Financial Times tóm lược nội dung bài viết này như sau :
Ngoại giao Trung Quốc khiến người khác sợ chứ không nể. Muốn thay đổi hiện trạng này, cần phải sửa đổi một cách có hệ thống, từ tư tưởng cho đến thực tiễn ngoại giao [1].
Nhận thấy rằng đây là một bài phân tích về nền ngoại giao Trung Quốc từ chính một nhà nghiên cứu độc lập Trung Quốc, chúng tôi xin giới thiệu ở đây và sẽ có đôi lời bình luận phía dưới.
Vì bài viết khá dài, chúng tôi dẫn lại nguyên văn một số nội dung có liên quan đến cấu trúc an ninh khu vực Đông Á, Biển Đông và lược dịch hoặc bỏ qua các nội dung khác ít liên quan.
Ông Đặng Duật Văn viết :
"Ngoại giao căn bản được quyết định bởi thực lực. Nhưng điều này không có nghĩa là, cứ có thực lực thì có thể làm tốt công tác ngoại giao.
Ở đây còn vấn đề phải vận dụng thực lực như thế nào, nó liên quan đến tư tưởng, chiến lược và sách lược ngoại giao.
Những năm gần đây cùng với sự gia tăng sức mạnh quốc gia, phong cách ngoại giao Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi, từ chỗ tương đối bảo thủ trước đây, trở nên tích cực và tiến bộ.
Ông Đặng Duật Văn, ảnh : Nhân Dân nhật báo.
Tuy nhiên sự tích cực và tiến bộ ấy lại chưa mang đến những hiệu quả rõ rệt như mong muốn ban đầu. Ngược lại, ở mức độ nào đó nó làm cho môi trường tổng thể của Trung Quốc trở nên xấu đi.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân thế giới bên ngoài chưa thể thích nghi với sự gia tăng thực lực của Trung Quốc, nhưng phần lớn là do bản thân Trung Quốc gây ra.
Nói một cách đơn giản, ấn tượng mà nền ngoại giao Trung Quốc tạo ra với người khác là sợ chứ không nể.
Khiến người khác sợ rất dễ, vì thực lực của anh hiển bày ra đó, người ta tự nhiên sẽ sợ anh, như trẻ con sợ người lớn.
Đó là một phản ứng tự nhiên nảy sinh bởi thực lực quốc gia.
Nhưng đồng thời với nỗi sợ, việc để người khác nể anh, tôn trọng anh hay ngưỡng mộ anh là việc rất khó.
Mỹ là bá chủ toàn cầu. Nói một cách tương đối, nước Mỹ đã xử lý rất tốt mối quan hệ giữa "sợ và nể", khiến cả thế giới vừa sợ vừa nể họ.
Ngoại giao Trung Quốc muốn đạt đến cấp độ này, cần phải có sự thay đổi một cách hệ thống từ tư tưởng cho đến thực tiễn, đặc biệt là điều chỉnh căn bản 9 vấn đề dưới đây :
1. Thay đổi tư duy và tâm lý đối đầu trong ngoại giao với Hoa Kỳ, "nắn thẳng" quan hệ Trung - Mỹ
Quan hệ Trung - Mỹ nếu không phải là mối quan hệ quan trọng nhất trong thế giới hiện nay, thì cũng là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất.
Nhưng tầm quan trọng của nó khác nhau đối với mỗi bên. Trung Quốc cần Hoa Kỳ nhiều hơn là Mỹ cần Trung Quốc.
Do đó khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình mới nói rằng :
Trung Quốc và Hoa Kỳ có hàng ngàn lý do để phát triển quan hệ, không có lý do nào để phá hỏng mối quan hệ này.
Tiếc rằng trong chính sách với Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn luôn luôn xa rời tuyên bố ấy, xử lý quan hệ với nước Mỹ bằng tư duy và tâm thái đối đầu, đặc biệt là trong một số vấn đề mang tính nhạy cảm.
Là một siêu cường toàn cầu, việc Mỹ cảnh giác với bất kỳ hành động nào có thể thách thức địa vị này của Mỹ là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Trung Quốc là một nước lớn đang lên và khác hẳn với chế độ xã hội Mỹ.
Khách quan mà nói, Bắc Kinh dễ bị Washington xem là đối tượng thách thức mình, nhưng bản thân Trung Quốc tuyệt đối không nên có ý đồ thách thức quyền bá chủ của Mỹ.
Vì một khi đã có ý đồ này, thì ngay trong tư duy và hành động sẽ xuất hiện xu hướng, cứ cái gì liên quan đến Mỹ là chống lại.
Điều này không có nghĩa là Trung Quốc chỉ biết bám vào nước Mỹ.
Cái gì là lợi ích quốc gia của mình, đương nhiên Trung Quốc phải giữ, cái gì cần nói "không" thì phải nói "không".
Tuy nhiên Trung Quốc phải thể hiện một cách có lý, có tình, có kiềm chế, phù hợp với chuẩn mực của luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đồng thời, lúc nào không nên nhấn mạnh thì chớ nhấn mạnh, phải biết thỏa hiệp và nhượng bộ.
Một nền ngoại giao chỉ thích "giễu võ dương oai" rốt ruộc chỉ mang lại tai hại cho chính mình, chứ không có lợi ích gì.
Đó không chỉ nên là một sự vận dụng sách lược khi thực lực quốc gia chưa mạnh, không đối đầu với Mỹ cần trở thành chiến lược quốc gia và duy trì dài hạn.
Cho dù khi đã có đủ thực lực, Trung Quốc cũng chớ nên có ý đồ thách thức và thay đổi trật tự toàn cầu do Mỹ bảo trợ hiện nay.
Trong quan hệ ngoại giao với Mỹ, làm sao để hợp tác lớn hơn đấu tranh, làm tốt những gì "anh hai" có thể làm, giả sử Trung Quốc là "anh hai" (còn Mỹ là "anh cả").
Chỉ khi nào có một chiến lược rõ ràng, thì khi đó Trung Quốc mới không bị mất phương hướng trong xử lý các vấn đề cụ thể.
Đây là điểm đầu tiên nền ngoại giao Trung Quốc cần phản tư và sửa đổi một cách có hệ thống.
2. Thay đổi chính sách ngoại giao thù Nhật, ghét Hàn thành hòa với Nhật Bản và hữu nghị với Hàn Quốc
Cục diện Trung - Nhật cùng cường thịnh chưa từng xuất hiện ở Đông Á. Điều này khiến cho hai bên không thể thích ứng với đối phương.
Với Trung Quốc mà nói, vì các nguyên nhân lịch sử và thực tiễn, hơn 10 năm qua, chính sách ngoại giao của Trung Quốc với Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tâm lý thù Nhật và nói xấu Nhật.
Trước thái độ thiếu thành thật của Nhật Bản trong vấn đề lịch sử xâm lược, hay trong cách xử lý tranh chấp Điếu Ngư / Senkaku, đương nhiên Trung Quốc phải phê phán và bác bỏ.
Tuy nhiên đừng để vấn đề lịch sử biến quan hệ ngoại giao Trung - Nhật thành con tin, ảnh hưởng đến đại cục quan hệ song phương.
Càng không nên thực hiện chính sách sai lầm thù Nhật ngay cả trong giáo dục.
Trong việc xử lý tranh chấp Điếu Ngư / Senkaku cũng thế, cần thực hiện theo tư duy hai trục, tức là rút nó ra xử lý độc lập, không để nó lái quan hệ song phương và ảnh hưởng đến những lĩnh vực hợp tác khác.
Quan hệ Trung - Nhật nên lấy hòa làm chủ, chứ không phải gia tăng thù hận nhau.
So với Nhật Bản, Trung Quốc càng cần xây dựng quan hệ đối ngoại tốt với Hàn Quốc.
Vấn đề Hàn Quốc đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trên lãnh thổ hiện nay đang đẩy quan hệ Trung - Hàn lao dốc. Thực trạng bất thường này cần được thay đổi.
THAAD tuy có hại đối với Trung Quốc, nhưng cái hại này nếu đem so với đại cục quan hệ Trung - Hàn và lợi ích tổng thể của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên lẫn khu vực Đông Bắc Á, nó vẫn xếp thứ hai.
Do đó không nên để THAAD ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Trung - Hàn.
Bắc Kinh có thể phản đối THAAD, nhưng không nên sử dụng các thủ đoạn kinh tế, đặc biệt là tránh cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dùng quần chúng cực đoan để trừng phạt Hàn Quốc.
Làm như vậy chỉ khiến Trung Quốc mất láng giềng.
Bắc Kinh nên tiếp tục chính sách hữu hảo với Seoul như trước khi có THAAD, làm sâu sắc hợp tác kinh tế thương mại, giao lưu nhân văn và quân sự an ninh song phương.
3. Thay đổi thái độ dung túng Triều Tiên, tăng cường chế tài trừng phạt
Ngược với quan hệ hữu nghị hợp tác với Hàn Quốc, Trung Quốc nên sử dụng các biện pháp chế tài trừng phạt nghiêm khắc với Triều Tiên, buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Vài năm qua, thái độ và chính sách của Trung Quốc với Triều Tiên đã dần thoát khỏi sự thống trị bởi ý thức hệ và tình hữu nghị vốn đã hư hoại, dần trở nên thiết thực hơn, nhưng vẫn chưa thay đổi triệt để.
Chính sách ngoại giao với Triều Tiên chưa hoàn toàn xuất phát từ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi nhân tố ý thức hệ và địa chính trị còn rơi rớt.
Thái độ dung túng của Trung Quốc với Triều Tiên biểu hiện ở chỗ, vì lo Triều Tiên nội loạn hoặc sụp đổ mà còn ngần ngại, thậm chí chống lưng cho Bình Nhưỡng trong việc thực hiện các chế tài đối với Triều Tiên.
Chỉ nên chống đỡ cho Triều Tiên ở một mức độ nhất định.
Nhưng vấn đề là chính quyền Triều Tiên không phải một chính quyền tai tiếng thông thường, mà hơn thế, thực tế chứng minh rằng, sự giúp đỡ và chống lưng của Trung Quốc mấy chục năm qua vừa chẳng giúp Triều Tiên thay đổi tốt lên, mà còn làm tổn hại lợi ích Trung Quốc.
Trung Quốc đã trở nên vô cùng bị động.
Chính sách này căn bản không có hy vọng thay đổi, cải thiện, mà chỉ có cách không ngừng tăng áp lực mới có thể buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, cải thiện đời sống và hiện thực nhân quyền tại quốc gia này.
4. Không nên quá gần Moscow
Trong lịch sử Trung Quốc cận hiện đại, có hai quốc gia ảnh hưởng lớn nhất đến Trung Quốc, một là Mỹ và hai là Nga.
So với ảnh hưởng tích cực của Mỹ đối với Trung Quốc, thì ảnh hưởng của Nga mang màu sắc tiêu cực nhiều hơn.
Bắt đầu từ thế kỷ này, do cùng chung nhu cầu chống Mỹ, Trung - Nga nhanh chóng xích lại gần nhau.
Nhất là mấy chục năm gần đây, hai nước ngày một gần gũi và hình thành mối quan hệ "chuẩn đồng minh".
Trung - Nga "ôm lấy nhau" chỉ được xem là sự vận dụng sách lược cùng chống lại Mỹ.
Nhưng với Trung Quốc mà nói, chớ nên coi đó là chiến lược, biến quan hệ Nga - Trung thành đồng minh hay "chuẩn đồng minh" để cùng chống Mỹ.
Ở đây không bàn đến vấn đề lịch sử, chỉ suy xét từ thực tiễn cũng có thể thấy rằng, cái Trung Quốc được nhiều hơn cái Trung Quốc mất trong quan hệ Trung - Nga, nếu duy trì "cái ôm ấm áp" hiện nay.
Lợi ích chung Trung - Nga thua xa lợi ích chung Trung - Mỹ.
Do đó, Trung Quốc cần ý thức rằng, kết thành đồng minh chiến lược với Nga là lợi bất cập hại. Duy trì quan hệ hiện nay là thượng sách.
5. Thay đổi nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ nước khác để trở thành nước lớn toàn cầu có trách nhiệm
...Đương nhiên, từ bỏ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ nước khác ở đây không phải cổ súy Trung Quốc : thích can thiệp vào nước nào thì can thiệp, hoặc mượn cớ can thiệp để hành xử bá quyền.
Mà đó là trong cộng đồng quốc tế liên tục nảy sinh những bất bình, bất công, Trung Quốc phải dám đứng ra bảo vệ chính nghĩa.
Ví dụ như với Triều Tiên hay Syria, Trung Quốc không thể lấy lý do không can thiệp công việc nội bộ, để dung túng cho các hành vi bạo lực chống lại loài người.
6. Thay đổi chính sách ngoại giao ý thức hệ, xóa bỏ chủ nghĩa dân tộc cực đoan
...Ngoài vấn đề ý thức hệ, cùng với sự gia tăng sức mạnh, ngoại giao Trung Quốc ngày càng thể hiện màu sắc chủ nghĩa dân túy.
Ngoại giao phục vụ cho lợi ích dân tộc là điều dễ hiểu, nhưng đừng để lợi ích dân tộc mình lấn lướt lợi ích của các dân tộc, quốc gia khác.
Càng không được nhân danh lợi ích dân tộc để theo đuổi chính sách ngoại giao cường quyền, cưỡng bách.
Trên thực tế, lợi ích của dân tộc Trung Quốc ở mức độ rất lớn đã bị biến thành cái cớ phục vụ cho các tập đoàn lợi ích.
Do đó ở đây ngoại giao dân túy có thể xem như một biến thể của ngoại giao ý thức hệ, hai yếu tố này rất khó tách rời.
7. Thay đổi chính sách dồn Đài Loan vào chân tường, đừng vì xoáy vào nguyên tắc "một nước Trung Quốc" mà khai chiến ngoại giao với Đài Loan.
8. Cần thay đổi thái độ không đàm phán, không tiếp xúc với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, bởi điều đó chỉ thúc đẩy độc lập ở Tây Tạng.
9. Thay đổi tham vọng độc chiếm Biển Đông, thừa nhận hiện trạng, gác tranh chấp cùng khai thác, bảo vệ hòa bình và tự do hàng hải ở Biển Đông
Từ khi Philippines tiến hành vụ kiện trọng tài Biển Đông và nhận được Phán quyết, Trung Quốc ngày càng trở nên bị động hơn trên Biển Đông.
Chỉ vì chính phủ mới tại Philippines thay đổi chính sách đương đầu với Trung Quốc của chính quyền tiền nhiệm, tình hình Biển Đông mới không tiếp tục xấu đi.
Nhưng trên phương diện pháp lý, trạng thái bị động của Trung Quốc vẫn không thay đổi.
Khách quan mà nói, ngoài việc dùng vũ lực, Trung Quốc không thể thu hồi (chiếm) trọn Biển Đông.
Một cuộc tập trận bắn đạn thật Trung Quốc thực hiện trên Biển Đông, ảnh : Thời báo Hoàn Cầu.
Do đó với các nước có yêu sách, phương thức giải quyết tranh chấp có tính đến lợi ích của các bên một cách hợp lý, đó là thừa nhận hiện trạng, gác tranh chấp và cùng khai thác tài nguyên, bảo vệ hòa bình ở Biển Đông.
Là nước lớn nhất và thực lực mạnh nhất ở Biển Đông, về lý mà nói Trung Quốc nên khởi xướng xây dựng một cộng đồng cùng khai thác các tài nguyên dầu khí ở Biển Đông và thiết lập tỉ lệ ăn chia theo mức độ đóng góp của các bên.
Trước đây do những rào cản kỹ thuật, các quốc gia trong khu vực không thể hợp tác với nhau mà phải hợp tác với các công ty, doanh nghiệp đến từ các nước ngoài khu vực, làm cho cục diện Biển Đông trở nên phức tạp.
Hiện tại Trung Quốc đã có đủ trình độ kỹ thuật để thăm dò khai thác dầu khí biển sâu, các bên ở Biển Đông hoàn toàn có thể xây dựng một cộng đồng cùng khai thác.
Ngoai ra, để đảm bảo an toàn trên biển, dẹp nạn cướp biển và bảo vệ tự do hàng hải, Trung Quốc cũng có thể dẫn đầu các bên yêu sách, thiết lập một cơ chế và đội ngũ thực thi pháp luật đảm bảo an ninh trên Biển Đông.
Một khi cơ chế và lực lượng này được thành lập, các nước ngoài khu vực không có cách nào can thiệp vào tự do hàng hải ở Biển Đông, từ đó giảm thiểu tối đa các tranh chấp.
Tóm lại, trên cơ sở thừa nhận lợi ích của các bên yêu sách ở Biển Đông, bắt đầu từ hợp tác năng lượng và kinh tế, dần mở rộng sang lĩnh vực an ninh, chính trị ;
Xây dựng cơ chế, thiết lập một cộng đồng chung lợi ích ở Biển Đông thông qua các điều ước để các bên đều hưởng lợi mới khiến họ không sợ Trung Quốc.
Như vậy mới có thể thực sự gác lại các tranh chấp chủ quyền, biến Biển Đông thành vùng biển của hòa bình và hợp tác.
Hòa bình, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông chính là bức bình phong lớn nhất bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Mục tiêu cuối cùng của việc Trung Quốc tranh chủ quyền chẳng phải là điều đó sao ?".
Câu sau vả câu trước
Chúng tôi cho rằng, bình luận của ông Đặng Duật Văn về chính sách ngoại giao của Trung Quốc khiến nước khác "sợ chứ không nể" có thể nhận được sự đồng tình của nhiều người.
Nhưng thực tế theo quan sát của người viết, chúng tôi cho rằng người ta dè chừng, cảnh giác với Trung Quốc nhiều hơn là "sợ".
Còn Trung Quốc chưa khiến các nước khác nể phục là hoàn toàn đúng với thực tế.
Chuyện một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc "nói thẳng vào mặt" người đứng đầu ngành ngoại giao Singapore rằng :
"Trung Quốc là nước lớn, còn các nước Đông Nam Á là nước nhỏ, đó là thực tế" hiển nhiên đã để lại "dấu ấn khó quên" cho một nền ngoại giao thiếu chuyên nghiệp.
Nhận xét của ông Đặng Duật Văn về chủ nghĩa dân túy đang có xu hướng lái chính sách đối ngoại của Trung Quốc có lẽ cũng được không ít quan điểm đồng tình.
Tuy nhiên ông khuyên lãnh đạo Trung Quốc "nên an phận với vị thế anh hai, để Hoa Kỳ làm anh cả" có lẽ chỉ phản ánh nhận thức, đánh giá của tác giả Đặng Duật Văn về thực trạng, tương quan lực lượng Trung - Mỹ chứ không phải mục tiêu tối hậu.
Nói cách khác, theo ông Văn, vẫn chưa đến lúc Trung Quốc xưng bá thiên hạ, chứ không phải Trung Quốc không muốn / không nên bá chủ thiên hạ.
Phần bình luận của ông Đặng Duật Văn về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông cùng một số khuyến nghị đến Trung Nam Hải có lẽ là minh chứng rõ ràng cho lối tư duy "câu sau vả câu trước".
Theo chúng tôi, lập luận quan điểm của ông Đặng Duật Văn về Biển Đông ít nhất cho thấy 3 điều đáng chú ý.
Thứ nhất, ông Đặng Duật Văn không hiểu gì về luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã quy định rất rõ ràng phạm vi các vùng biển cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước.
Chính vì không hiểu gì, nên ông mới cổ súy xóa nhòa ranh giới các vùng biển được thiết lập theo Công ước, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp để rồi đòi "gác tranh chấp, cùng khai thác".
Nói cách khác, ông Văn đang cổ súy thực hiện yêu sách đường lưỡi bò phi lý bằng chiêu "gác tranh chấp, cùng khai thác", nhưng lại nhân danh bảo vệ luật pháp, công lý.
Thứ hai, ông Đặng Duật Văn bác bỏ xu hướng chủ nghĩa dân túy đang lèo lái giới hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc bằng chính những lập luận và ý tưởng mang đầy màu sắc dân túy trong vấn đề Biển Đông.
Biển Đông không phải ao tù của Trung Quốc để mà đòi "thu hồi". Nó cũng không phải lãnh địa riêng của Trung Quốc để mà đòi đuổi các nước ngoài khu vực ra khỏi đây.
Nếu chỉ dừng lại ở nhận định này, và đừng lấy chuyện Biển Đông ra làm thí dụ thì có lẽ ông Đặng Duật Văn đã vượt lên được những yêu sách tầm thường, bậy bạ và vi phạm luật pháp quốc tế :
"Ngoại giao phục vụ cho lợi ích dân tộc là điều dễ hiểu, nhưng đừng để lợi ích dân tộc mình lấn lướt lợi ích của các dân tộc, quốc gia khác.
Càng không được nhân danh lợi ích dân tộc để theo đuổi chính sách ngoại giao cường quyền, cưỡng bách"..
Nhưng bình luận của ông về Biển Đông đã cho thấy hai khả năng :
Một là ông không hiểu gì về bản chất các tranh chấp pháp lý mà phần lớn do Trung Quốc tạo ra, cũng như cơ chế giải quyết nó một cách hòa bình, văn minh dựa trên luật pháp quốc tế đương đại.
Do đó, những bình luận của ông về Biển Đông chỉ là những tiếng nói từ vô thức tự động phát ra, do bị nhồi nhét bởi những tuyên truyền sai sự thật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đến nay ông vẫn chưa tự vượt qua được, cho dù bản thân là một nhà "nghiên cứu độc lập".
Hai là, tư cách "nhà nghiên cứu độc lập" phải chăng chỉ là cái vỏ để che mắt thế gian, giúp ông tuyên truyền cho yêu sách đường lưỡi bò cho có vẻ khách quan, độc lập với yêu sách của nhà nước Trung Quốc ?
Chúng tôi cho rằng, trong quan hệ đời thường giữa người với người, hay rộng hơn là quan hệ giữa các quốc gia với nhau, điều đáng sợ không nằm ở hành vi giễu võ dương oai của ai đó, mà là sự dối trá, giả tạo.
Thứ ba, Biển Đông là nơi diễn ra sự tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược, địa quân sự gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ông Đặng Duật Văn cổ súy Trung Quốc phải biết "phận làm em" trong quan hệ với Mỹ, nhưng phải biết tìm cách vừa dụ vừa ép các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực, làm sao để họ "vừa sợ vừa nể" Trung Quốc như với Hoa Kỳ.
Rõ ràng điều này chỉ thể hiện tư duy luẩn quẩn, mềm nắn rắn buông trong quan hệ quốc tế.
Nhân loại văn minh và những người dân Trung Quốc tiến bộ ắt hẳn không bao giờ chấp nhận tư duy học đòi kẻ cả như vậy.
Tuy đây là tiếng nói của cá nhân một học giả, nhưng nó cũng phần nào phản ánh não trạng của "một bộ phận không nhỏ" giới nghiên cứu Trung Quốc đương đại, trong đó có cả những "nhà nghiên cứu độc lập" như ông Đặng Duật Văn.
Có thể ông Văn không nhận tiền ngân sách chi trả cho những bài viết "nghiên cứu độc lập" như vậy, hay nói cách khác ông độc lập về tài chính.
Nhưng rõ ràng ông đang lệ thuộc về tư duy, tự biến mình thành công cụ cho những gì cổ hủ, lạc hậu, đi ngược với xu thế văn minh của loài người khi bàn về quan hệ quốc tế.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[1] http://www.ftchinese.com/story/001073219 ?full=y
Trung Quốc hạ thủy tàu chiến lớn nhất Châu Á (VOA, 28/06/2017)
Hải quân Trung Quốc vừa hạ thủy tàu chiến tối tân nhất do Bắc Kinh chế tạo giữa lúc tăng cường cạnh tranh với các cường quốc hải quân khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.
********************
Trung Quốc ra mắt tàu chiến mới nhằm tăng sức mạnh quân sự (BBC, 29/06/2017)
Trung Quốc ra mắt tàu chiến mới nhằm tăng sức mạnh quân sự
Trung Quốc hôm thứ Tư vừa cho ra mắt một tàu chiến loại mới, được đóng trong nước, là nỗ lực mới nhất trong việc hiện đại hóa quân sự, truyền thông nước này nói.
Việc ra mắt được thực hiện sau khi Trung Quốc 'trình làng' chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do nước này tự đóng, hồi tháng Tư.
Giữa lúc căng thẳng tại Biển Đông đang tiếp diễn, Bắc Kinh có quan điểm ngày càng quyết liệt về vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Chiếc tàu khu trục mới 10.000 tấn của Trung Quốc sẽ trải qua một quá trình vận hành thử nghiệm nghiêm ngặt.
Chiếc tàu chiến "được trang bị các vũ khí đối không, chống hỏa tiễn, chống tàu và chống tàu ngầm", Tân Hoa Xã nói.
Theo Hoàn cầu Thời báo, loại tàu này được cho là thuộc kiểu tàu khu trục đầu tiên 055, được phát triển, kế thừa từ loại khu trục nhỏ hơn là 052D.
Bảo vệ 'chủ quyền'
Bắc Kinh đã tái xác quyết "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với các vùng trên Biển Đông sau khi chính quyền ông Trump nói sẽ ngăn chặn việc Trung Quốc chiếm lãnh thổ trong khu vực.
Hoa Kỳ đã lặp đi lặp lại việc gửi tàu và phi cơ quân sự tới gần các hòn đảo có tranh chấp, và gọi đó là hoạt động "tự do đi lại" nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tới các tuyến đường biển và đường không then chốt. Cả hai bên cáo buộc lẫn nhau về việc "quân sự hóa" Biển Đông.
Các nước có tranh chấp từ hàng trăm năm nay đã cãi cọ về vấn đề lãnh thổ tại vùng biển quan trọng này, nhưng căng thẳng liên tục gia tăng trong những năm gần đây.
Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền từng phần. Trung Quốc đã củng cố các yêu sách của mình bằng việc mở rộng xây dựng bồi đắp đảo và tiến hành tuần tra trên biển.
Chiếc khu trục hạm mới ra mắt được coi như một dấu mốc quan trọng nữa sau vụ hạ thủy hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên hồi tháng Tư, cũng là chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì của Trung Quốc sau chiếc mua lại của Ukraine.
Tăng chi phí quân sự
Do nền kinh tế phát triển, Trung Quốc đã tiến hành hiện đại hóa các lực lượng có vũ trang của mình.
Trong tháng Ba, nước này tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 7% trong năm nay, là năm thứ hai liên tiếp đặt mức dưới 10% sau gần 20 năm liên tục tăng ở tỷ lệ cao hơn.
Ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh tuy vậy vẫn nhỏ hơn so với Mỹ.
Trong lúc Trung Quốc có kế hoạch chi khoảng 1,3% tổng sản phẩm kinh tế ước tính trong năm 2017 cho quốc phòng, thì Mỹ chi khoảng 3%.
Do kinh tế Mỹ lớn hơn, nên quy ra tiền đô la thì sự khác biệt giữa chi phí của hai nước là rất lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề xuất tăng 10% ngân sách quốc phòng.
**********************
Hoa Kỳ gọi đảo nhận tạo của Trung Quốc là "giả" (RFA, 28/06/2017)
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, vào ngày 28 tháng 6 lại lên tiếng chỉ trích những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp lên tại khu vực Biển Đông trong thời gian vừa qua, rồi bố trí các căn cứ quân sự trên đó.
Đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông - AFP
Trong bài diễn văn tại Trung Tâm Chính sách Chiến lược Australia ở Brisbane, đô đốc Harry Harris, cho rằng những đảo nhân tạo mà Trung Quốc cho bồi đắp ra như thế là những ‘đảo giả’. Ông này nhắc đến thực tế người ta đang dùng từ ‘tin giả’ để nhắc nhở mọi người cần cảnh giác với những ‘đảo giả’ tại khu vực Biển Đông mà Bắc Kinh dựng lên. Theo ông này thì những con người thực không nên tin vào những đảo giả.
Đô đốc Harry Harris nói rõ Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự làm xói mòn trật tự quốc tế đặt trên căn bản luật pháp. Ông này tố cáo Bắc Kinh tiến hành xây dựng sức mạnh chiến đấu và lợi thế vị trí khi cố khẳng định chủ quyền trên thực địa tại khu vực Biển Đông.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói thêm là Washington sẽ không để những lĩnh vực mà hai phía cùng chia sẻ bị đơn phương khép lại. Những lĩnh vực mà hai phía còn bất đồng không thể bị tác động bởi những tiến triển từ những lĩnh vực khác. Đô đốc Harry Harris nói rằng trong lĩnh vực nào hai phía có thể hợp tác thì hợp tác, nhưng vẫn phải sẵn sàng đối đầu trong lĩnh vực nào phải cứng rắn.
Mỹ cương quyết chống lại biện pháp sử dụng cưỡng ép và hăm dọa để thực hiện các tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh vạch ra bao trọn gần 90% vùng biển này. Đường 9 đoạn này bị Tòa Trọng tài Thường trực PCA vào tháng 7 năm 2017 tuyên không có giá trị cả về mặt pháp lý cũng như lịch sử.
Ngoài Trung Quốc, còn các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực Biển Đông.
************************
Đô đốc Mỹ đả kích 'đảo giả' của Trung Quốc (VOA, 28/06/2017)
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris, tố cáo Bắc Kinh nâng cao khả năng chiến đấu và lợi thế địa lý nhằm khẳng định chủ quyền tại biển Đông đầy tranh chấp.
Tàu xưa nay là bậc thầy trong việc sử dụng những chiến thuật kiểu như "tằm ăn dâu", đặt người ta trước sự đã rồi. Cứ nhìn lại trước năm 1974, Trung Quốc rõ ràng một thước đất cắm dùi trên Biển Đông cũng không có, nhờ bắt được thời cơ vàng tiến đánh rồi cướp được Hoàng Sa của Việt Nam rồi từ đó có thế tiến dần, vừa xây vừa chiếm, đến bây giờ Biển Đông đã gần như trở thành "ao nhà" của họ.
Đối với Việt Nam hay các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, Bắc Kinh đều chơi cái trò "luộc ếch".
Một chiến thuật khác cũng rất hay được Trung Quốc sử dụng đó là "luộc ếch". Ai cũng biết chuyện luộc ếch, nếu luộc nước sôi ngay từ đầu thì con ếch đã nhảy ngay ra ngoài, nhưng nếu nước nóng dần dần, con ếch không cảm thấy cho đến khi nước sôi muốn nhảy ra thì không còn kịp nữa… Mọi việc đối với Việt Nam hay các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, Bắc Kinh đều chơi cái trò như vậy.
Còn nhớ tháng 11 năm 2007, khi Trung Quốc tuyên bố thành lập một đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo tranh chấp với Việt Nam : Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa), Sài Gòn, Hà Nội rần rần biểu tình, lần đầu tiên là vào ngày 9/12/2007. Đây là cuộc biểu tình tự phát có sự tham gia của đông đảo giới học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ trí thức đầu tiên sau bao nhiêu năm hầu như không có những hoạt động như vậy kể từ biến cố tháng 4/1975, chỉ trừ những cuộc biểu tình do chính nhà nước tổ chức có mục đích tuyên truyền chính trị. Sau đó cứ Chủ Nhật hàng tuần lại diễn ra biểu tình cho tới khi bị đàn áp. Người Việt nước ngoài cũng lên tiếng, khí thế, ở nơi này nơi khác, để ủng hộ người trong nước.
Và tất nhiên nhà cầm quyền phải ngăn chặn ngay, đặc biệt là tại Sài Gòn, nơi vốn có truyền thống đấu tranh của sinh viên, học sinh, trí thức trước năm 1975 mà nhà nước này quá biết rõ bởi chính họ đã lợi dụng lòng yêu nước, phản đối chiến tranh và sự ngây thơ chính trị của một số người dân Sài Gòn lúc đó.
Khi tàu Trung Quốc lần thứ 3 ngang nhiên cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào ngày 30/11/2012, những lời kêu gọi biểu tình đã nổ ra trên mạng trong tháng 12/2012, nhưng những đợt biểu tình lần này chỉ có thể diễn ra tại Hà Nội còn Sài Gòn hoàn toàn bị khống chế. Còn nhớ lời kêu gọi từ trang web Nhật ký yêu nước.
Một lần khác khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, nhà nước cộng sản Việt Nam lên tiếng phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm. Lần đó người Việt cũng xuống đường biểu tình mạnh mẽ.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra trong tháng 5 năm 2014 tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam : Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa… Tại đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia. Người Việt ở nước ngoài cũng sôi nổi tiếp sức.
Nhưng rồi tinh thần của mọi người cứ nguội dần, những cuộc biểu tình thưa vắng dần, một phần do sự đàn áp càng ngày càng mạnh của nhà nước cộng sản. Một phần do nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.
Ngày 20/6 vừa qua, báo Thanh Niên vừa đưa tin Trung Quốc lại kéo giàn khoan Hải Dương-981 xuống Biển Đông chưa kịp bao lâu thì lẳng lặng rút bài xuống. Người dân chỉ còn có thể đọc thấy tin tức này trên những báo, đài bên ngoài như RFA, VOA… để biết rằng Trung Quốc lại điều dàn khoan Hải Dương HD-981 đi xuống khu vực thuộc vùng biển ngoài khơi cửa vịnh Bắc Bộ, nơi chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Còn chúng nó làm gì, tình hình diễn biến ra sao, người dân hoàn toàn không rõ. Giả dụ bây giờ Trung Quốc có bất thình lình đánh úp lấy nốt những đảo còn lại ở Trường Sa cũng chẳng ai hay, nếu báo đài nước ngoài không nói không viết !
Trên facebook sáng nay, Chủ Nhật 25/6/2017 có đưa tin, hình ảnh một số bạn trẻ ở Sài Gòn phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam và lập tức bị công an đàn áp, có người bị bắt về đồn, có người bị đám công an đội lốt côn đồ đánh đập man rợ, tóe máu… Tất nhiên, cuộc biểu tình nhanh chóng bị dập tắt. Nỗ lực lên tiếng của những con người yêu nước thật đáng quý.
Nhưng nỗi buồn đọng lại trong lòng tất cả chúng ta là gì ?
Đó là từ năm 2007 khi nổ ra cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lần đầu tiên tại Sài Gòn, Hà Nội cho đến nay, phong trào dân sự, phong trào dân chủ ở Việt Nam vẫn chưa thật sự lớn mạnh hơn. Các hoạt động biểu tình, phản đối Trung Quốc hay phản đối những chính sách cụ thể của nhà nước Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức tự phát, từ những nhóm lẻ khác nhau, chưa thể tập họp thành một phong trào mạnh mẽ, có sự chuẩn bị đối phó lâu dài.
Chỉ cần nhìn qua phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên Hongkong năm 2014, còn gọi là "cách mạng dù" bao gồm những cuộc biểu tình, phản biểu tình và những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, và có những gương mặt thủ lĩnh thực sự, là chúng ta thấy. Vậy mà "cách mạng dù" ở Hongkong còn không thành công nổi ! Nhưng chí ít nó cũng đã gây tiếng vang trên thế giới, khiến thế giới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của tuổi trẻ Hongkong.
Việt Nam chưa có được những phong trào như vậy, ngược lại, theo thời gian những cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc (khoan nói đến phản đối nhà nước cộng sản Việt Nam, đòi tự do, dân chủ, đòi thay đổi thể chế) cứ ngày càng thưa thớt, chỉ dăm chục, một trăm con người quan tâm đến chuyện bọn Tàu đang làm gì ngoài kia trên biển của ta, còn lại hơn 90 triệu con người vẫn sống bình thường "mọi chuyện đã có nhà nước lo".
Chiến thuật "luộc ếch" đã bắt đầu phát huy hiệu quả, cũng như mọi chiến thuật "tằm ăn dâu", "bất chiến tự nhiên thành" khác mà Trung Quốc đã áp dụng từ trước tới nay đối với Việt Nam.
Đó là chưa nói đến những nguyên nhân khác. Thời thế đã khác. Thế và lực của Hà Nội, ngày càng yếu, uy tín của chính quyền này trong mắt dân và trên trường quốc tế, ngày càng giảm sút.
Hà Nội từ lâu đã ở trong thế cô đơn tuyệt vọng khi đối đầu với Bắc Kinh, nay càng tuyệt vọng. Nhìn quanh không có một mống đồng minh, bạn bè nào. Mỹ thì đang thời của Donald Trump chỉ lo "American first", Trump cũng chả quan tâm gì mấy đến chuyện nhân quyền thành ra chính quyền cộng sản Việt Nam khỏi chơi trò du dây được nữa, khỏi hy vọng nếu có chuyện gì Hoa Kỳ còn lên tiếng cho.
Còn nếu đánh nhau ? Thua là cái chắc. Không chỉ thua về tài chính, tiềm lực vũ khí, tài trí của những người lãnh đạo (nhìn mấy cái mặt của các vị Trọng, Quang, Phúc, Ngân thì bản lãnh đâu mà đọ lại với Tập Cận Bình, với Lý Khắc Cường ?), mà thua vì tinh thần chiến đấu không còn. Xưa đánh Mỹ ít nhất những người cộng sản cũng còn có tinh thần, có cái lý tưởng (mà họ tin là đúng), có sự hậu thuẫn hùng hậu của Liên Xô, Trung Quốc và cả khối xã hội chủ nghĩa phía sau. Nay có ai, lý tưởng cũng không còn. Nay từ quan chức cho tới quân đội cả một đám chỉ lo vơ vét, làm giàu, tài sản "khủng" nên sợ mất, sợ chết hơn bao giờ hết, tinh thần đâu mà đánh nhau ?
Dân Việt Nam bao giờ cũng yêu nước, nhưng liệu bây giờ người dân có sẵn sàng lên đường hy sinh xương máu cho một đảng cầm quyền bán nước buôn dân, một chế độ hèn với giặc ác với dân ?
Trong bao nhiêu năm qua, một mặt Bắc Kinh tung tiền của mua chuộc đám quan chức Việt làm cho họ hèn yếu đi, đổ đủ thức chất độc lẫn thực phẩm, hàng hóa độc hại vào Việt Nam vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa đầu độc sức khỏe người Việt Nam, làm cho người Việt bịnh hoạn, yếu sức ; mặt khác, Trung Quốc ráo riết, quyết liệt "rào lưới", bao vây Việt Nam, từ ngoài biển khơi cho tới trên bờ, từ Nam ra Bắc chỗ nào cũng nhung nhúc người Hoa, vị trí đắc địa, quan trọng nào các công ty của Trung Quốc cũng cài cắm hết rồi, đánh nhau một cái, từ trên biển đánh vào, từ trong bờ tản ra, trên cao nguyên úp xuống… Đảng cộng sản Việt Nam còn trụ được bao lâu ?
Chẳng lẽ số phận Việt Nam lại nghiệt ngã đến thế. Chẳng lẽ giang sơn này ông cha ta nghìn năm nay đổ máu xây dựng và giữ gìn để cuối cùng đảng cộng sản phá nát, hai tay dâng cho Tàu mà người dân chịu được ?
Chẳng lẽ hơn 90 triệu con người chấp nhận làm những con ếch bị luộc chín ?
Khai mạc lễ hội thịt chó ở Trung Quốc (RFA, 21/06/2017)
Lễ hội thịt chó tại thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây miền Nam Trung Quốc vẫn được khai mạc vào ngày 21 tháng 6, mặc dù trước đó có tin đồn là chính quyền sẽ cấm do sự chống đối của các nhóm bảo vệ động vật trong và ngoài nước.
Chợ bán thịt chó tại Yulin, phía nam Quảng Tây của Trung Quốc vào ngày 21 tháng 6 năm 2017. AFP
Người ta thấy có nhiều cảnh sát xuất hiện trong thành phố, và năm nay mỗi sạp chỉ được quyền treo hai con chó mà thôi.
Theo các nhóm bảo vệ động vật thì đây là thỏa thuận họ đạt được với những người bán hàng.
Tuy nhiên người ta vẫn có thể tìm được thêm nhiều thịt chó trong thành phố. Một chủ nhà hàng nói rằng công việc làm ăn lúc nào cũng khấm khá vào dịp lễ hội, và thực khách hay yêu cầu món thịt chó, và lúc nào cũng có.
Theo thống kê thì có khoảng vài ngàn con chó bị thịt trong lễ hội Ngọc Lâm được tổ chức hằng năm vào ngày hạ chí, với nhiều món thịt chó kèm theo niềm tin dân gian rằng nó có nhiều vị ngon lành và bồi bổ sức khỏe.
Ăn thịt chó là một tập quán ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam, Hàn Quốc… Tại Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội Quốc tế Nhân bản (HIS) thì có khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu chú cẩu bị giết thịt hàng năm phục vụ thực khách Hoa Lục và nước ngoài đến thưởng thức.
********************
Trung Quốc : Lễ hội thịt chó vẫn tưng bừng, dù bị lên án (RFI, 21/06/2017)
Những con chó được thui vàng rượm bày trên quầy, thịt chó nấu ra-gu, thịt chó xào lăn… Lễ hội thịt chó nổi tiếng nhất ở Trung Quốc hôm nay 21/06/2017 tưng bừng diễn ra dù trước đó có tin là bị cấm, do các cư dân nhất quyết bảo vệ truyền thống.
Hội thịt chó tại Quảng Tây, Trung Quốc, 2014. REUTERS/Stringer
Lễ hội ẩm thực này hàng năm đều diễn ra tại thành phố Ngọc Lâm (Yulin) ở tỉnh Quảng Tây, vào tiết hạ chí ; gây phẫn nộ trên thế giới và ngay tại Trung Quốc.
Hiệp hội Mỹ Humane Society International (HSI) tháng trước khẳng định chính quyền Trung Quốc sẽ cấm việc bán thịt chó trong dịp lễ hội 2017. Nhưng hôm nay tại Ngọc Lâm, những hàng thịt vẫn bày ra những tảng thịt chó, xào nấu trong những chiếc chảo lớn. Và những người bán trưng ra những con chó vừa bị giết thịt và thui vàng, chặt ra từng mảnh, với những chiếc đuôi dựng đứng và răng nanh còn đẫm máu.
Tại quán của ông Yang, khách hàng gọi món mì để điểm tâm, nhưng đòi thịt chó vào bữa trưa. "Trong dịp lễ hội, doanh số của chúng tôi tăng gấp 9 lần. Yên tâm, lúc nào cũng có hàng". Ông Yang nói, với hy vọng mỗi ngày bán được sáu con chó.
Theo các hiệp hội bảo vệ súc vật, chính quyền rốt cuộc đã thỏa hiệp được với những người bán, cho phép họ bày bán mỗi quầy hai con chó. Nhưng một số hàng có vẻ vượt hẳn quota này.
Bà Irene Feng, thuộc tổ chức phi chính phủ Animals Asia, nói với AFP : "Dường như nhà nước không cấm hẳn việc buôn bán thịt chó. Nhưng lễ hội có vẻ ít quy mô hơn năm ngoái, với số chó bị giết trong kỹ nghệ tàn bạo này ít hơn trước".
Hàng năm, trên 10.000 con chó bị giết trong dịp lễ hội Ngọc Lâm, trong những điều kiện bị các nhà bảo vệ súc vật lên án : một số bị đập chết, số khác bị nhúng nước sôi cạo lông lúc còn sống.
Nhiều công an đứng canh hôm nay bên ngoài khu chợ thịt chó của thành phố để tránh mọi sự cố. Theo Liu Zhong, chủ một quầy thảo dược, thì công an "theo dõi sát" các hoạt động của chợ thịt chó Ngọc Lâm. Nhưng người ta bán lén trực tiếp tại nhà hay tại những địa điểm khác.
Ông Liu cho biết : "Chỉ cần kín đáo hơn một chút" so với năm ngoái. Ông không ăn thịt chó từ hơn mười năm nay, và sở hữu bảy con chó làm bạn. Một số chủ quán đã thay đổi bảng hiệu, xóa đi chữ "thịt chó" để thay bằng "thịt đặc sản". Một quán bình dân thì dán một tờ giấy màu vàng che đi chữ "cẩu". Người bán đặt những tảng thịt chó giữa những loại thịt thông dụng khác như lưỡi bò, chân giò, móng giò.
Khoảng 10 triệu đến 20 triệu con chó mỗi năm bị giết thịt tại Trung Quốc, theo Humane Society International. Việc ăn thịt chó không phải là bất hợp pháp, nhưng là thiểu số và ngày càng bị chống đối.
Nhưng đối với Li Yongwei, một cư dân Ngọc Lâm, ăn thịt chó chẳng có gì lạ. Người này hỏi : "Giữa thịt chó và thịt gà, bò hay heo khác nhau chỗ nào ?" Theo ông : "Đây là truyền thống địa phương, không thể áp đặt được. Cũng như không thể ép buộc người khác theo đạo Thiên Chúa, đạo Phật hay đạo Hồi. Người ta ăn gì mặc kệ người ta".
Chen Bing, một nhân viên văn phòng 25 tuổi khẳng định chính quyền chẳng bao giờ ngăn cản được lễ hội này. "Già trẻ lớn bé, ngay cả các em bé ở đây đều ăn thịt chó. Đó là truyền thống. Ngọc Lâm không có gì đặc biệt, chỉ có lễ hội thịt chó mới làm cho thành phố trở nên nổi tiếng".
Thụy My
*********************
Dù bị phê phán, hội thịt chó Quảng Tây vẫn đông người (BBC, 21/06/2017)
Lễ hội thịt chó vốn gây nhiều tranh cãi bắt đầu diễn ra tại thành phố Ngọc Lâm, Trung Quốc, dù có tin trước đó nói sự kiện này đã bị hủy bỏ hoặc giảm quy mô tổ chức trong năm nay.
Thói quen ăn thịt chó có tại Trung Quốc từ khoảng 500 năm trước
Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm Lệ Chi Cẩu Nhục Tiết được tổ chức hàng năm tại tỉnh Quảng Tây.
Hồi đầu năm, các nhà vận động Mỹ nói rằng những người bán thịt đã được giới chức yêu cầu không bán thịt chó nữa.
Tuy nhiên, các chủ sạp nói với BBC rằng họ không nghe giới chức nói gì. Hôm 15/5, các viên chức thành phố xác nhận là không có lệnh cấm.
Thịt chó vẫn được bày bán ?
Hôm thứ Tư, các tường thuật từ Ngọc Lâm nói rằng các con chó đã bị giết chết vẫn thấy được treo móc trên các sạp hàng ở chợ Động Khẩu, là chợ lớn nhất thành phố.
Cũng có những tường thuật nói cảnh sát hiện diện dày đặc trên đường phố.
Một nhà hoạt động tại đây nói với BBC rằng bà đã bị cảnh sát chặn, không cho vào chợ Dashichang, nơi bà tin là người ta đem bán chó sống.
Trong những năm trước, đã có những vụ ẩu đả giữa các chủ sạp hàng và các nhà hoạt động tìm cách cứu chó khỏi bị giết mổ.
Thành phố Ngọc Lâm không phải là nơi tiêu thụ thịt chó lớn nhất tỉnh Quảng Tây. Chỉ từ khi nơi đây tổ chức lễ hội thịt chó, từ khoảng 10 năm trước, thành phố mới thu hút sự chú ý trong nước cũng như quốc tế.
Ăn thịt chó có gì sai ?
Chuyện này liên quan tới các cáo buộc về đối xử tàn nhẫn với động vật, và về việc kêu gọi thay đổi thái độ đối với chó ở Trung Quốc.
Cư dân địa phương và những người bán thịt chó nói rằng chó được giết mổ một cách nhân đạo, và việc ăn thịt chó không hề tàn nhẫn gì hơn so với ăn bò, heo hay gà.
Ăn thịt chó là một thói quen truyền thống tại Trung Quốc, Nam Hàn và một số nước Châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Những người ưa món này tỏ ra không hài lòng và nói người nước ngoài đang can thiệp vào các truyền thống địa phương.
Trong văn hóa Trung Quốc, thịt chó được cho là bổ dưỡng trong những tháng hè nóng nực.
Ngay cả nhiều người không ăn thịt chó cũng bảo vệ việc này, nếu như chó không phải là bị bắt trộm hay giết một cách dã man.
Nhưng những người chỉ trích nói rằng chó được chuyển từ các thành phố khác trong các lồng cũi chật chội tới nơi tổ chức lễ hội, và bị giết một cách tàn nhẫn. Các nhà hoạt động cũng nói rằng có nhiều con chó đã bị bắt trộm.
Những người phản đối lễ hội kéo đến từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước Trung Quốc. Số lượng chó cưng được nuôi ở nước này tăng vọt trong các năm gần đây, với số lượng đăng ký lên tới 62 triệu con.
Điều này làm người dân dần thay đổi thái độ đối với việc ăn thịt chó.
Tại sao năm nay lại thành chuyện ?
Hồi tháng Năm, các nhà hoạt động Mỹ nói rằng đã có ban hành lệnh cấm bán thịt chó. Nhưng không phải là với lễ hội này.
Chính quyền Ngọc Lâm lặp đi lặp lại rằng họ không chính thức tổ chức lễ hội, cho nên không thể cấm. Ăn thịt chó không phải là việc bất hợp pháp tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương không hài lòng về việc tin tức được đăng tải trên khắp mặt báo hàng năm.
Hồi 2016, họ đã cấm việc giết mổ chó nơi công cộng, nhằm đáp ứng đòi hỏi của các cuộc biểu tình.
Năm nay, các tường thuật nói đã xảy ra ít các vụ giết mổ công khai hơn, tuy nhiên quy mô tổ chức lễ hội hiện vẫn chưa rõ là ở mức nào.
Các nhà hoạt động ước tính vào những năm cao điểm có khoảng 10 ngàn con chó và mèo bị giết và ăn thịt trong thời gian 10 ngày lễ hội.
Trump hạn chế thuê lao động nước ngoài trình độ cao, Ấn Độ lo lắng
Ấn Độ là nơi cung cấp nhiều lao động trình độ cao cho thị trường Mỹ. Trong ảnh, ông Joe Biden, phó tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước tới thăm một viện công nghệ Ấn Độ (The Indian Institute of Technology) ở Mumbai. Reuters
Nhằm thúc đẩy tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, tân tổng thống Donald Trump tiếp tục tăng cường chính sách bảo hộ. Dự thảo sắc lệnh này kèm theo một dự luật mới đã khiến New Delhi lo ngại, vì Ấn Độ là sẽ nước bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tạp chí Thế Giới Đó Đây giới thiệu.
Donald Trump đang chuẩn bị ra một sắc lệnh hạn chế cấp visa cho người lao động nước ngoài có trình độ cao trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới. Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis giải thích :
Visa Mỹ có tên gọi H1B là sợi dây kết nối các lĩnh vực công nghệ mới của Ấn Độ với Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của nền công nghiệp Ấn Độ. Nhờ loại visa này mà gần 300.000 kỹ sư Ấn Độ được sang Mỹ làm việc trong các công ty tin học của Hoa Kỳ.
Chính quyền Washington mới lại muốn thay thế nguồn nhân lực này bằng người Mỹ. Bên cạnh dự thảo sắc lệnh của tổng thống theo đó việc cấp visa H1B sẽ trở nên phức tạp hơn, còn có một dự luật quy định số lương tối thiểu để được cấp visa H1B sẽ phải tăng gấp đôi. Dự thảo sắc lệnh và dự luật này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ cử nhân viên sang làm việc tại Hoa Kỳ. Còn trên sàn chứng khoán Bombay, kể từ hôm thứ Ba, cổ phiếu của các công ty này đều sụt giảm.
Nhưng, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng có thể bị thiệt hại. Ông Shivendra Singh, phó chủ tịch Nasscom - Hiệp hội các công ty tin học của Ấn Độ, giải thích : "Bộ trưởng Lao Động Mỹ đã ra một báo cáo liên quan tới công việc trong các lĩnh vực khoa học mà không thể tuyển dụng nhân lực vào năm 2018. Và một nửa trong số đó là các vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tất cả các doanh nghiệp, cho dù là của Hoa Kỳ hay của Ấn Độ, đều phải bù đắp thiếu hụt này bằng cách tuyển dụng nhân công nước ngoài ngắn hạn".
Phó chủ tịch hội tin học Ấn Độ nhận xét, nếu ra điều kiện là mức lương tối thiểu của họ phải cao hơn nữa thì họ mới được nhập cảnh, thì điều đó cũng chẳng thay đổi được gì cả. Bởi vì phía Mỹ không thể tuyển dụng tại chỗ các nhân công Mỹ có trình độ cao,chỉ trong ngày một ngày hai".
Chính phủ Ấn Độ cũng đã phản ứng và tỏ ra lo ngại về chính quyền mới của Hoa Kỳ.
Thái Lan : Dự luật "độc tài" về kiểm soát truyền thông
Cũng liên quan tới các dự thảo luật, nhưng tại Thái Lan, tập đoàn quân sự cầm quyền mới đây đã soạn thảo một dự luật mới nhằm kiểm soát ngành truyền thông. Nhưng tất cả các hiệp hội nhà báo đều phản đối dự luật này vì nó sẽ làm mất tự do báo chí.
Thông tín viên RFI Arnaud Dubus từ Bangkok giải thích :
Dự luật này, theo cách nói của tập đoàn quân sự cầm quyền ở Thái Lan, là nhằm đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá công việc của các phóng viên và để đảm bảo trật tự xã hội. Tập đoàn quân sự đánh giá là công tác tự kiểm duyệt của các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông đã thất bại, nên chính phủ phải đứng ra kiểm duyệt. Dự luật này sẽ cho phép triển khai hội đồng kiểm duyệt gồm đại diện của báo chí, truyền thông và các quan chức cao cấp của chính phủ Thái Lan.
Điều gây nhiều tranh cãi nhất là hội đồng này sẽ cấp giấy phép hành nghề cho tất cả phóng viên và sẽ rút giấy phép của một phóng viên, nếu người này bị hội đồng đánh giá là thiếu đạo đức nghề nghiệp hoặc làm mất trật tự xã hội. Hai khái niệm này đều rất mơ hồ và rất có thể sẽ bị hiểu sai lệch đi.
30 hiệp hội nhà báo của Thái Lan đều coi là dự luật này xâm phạm tự do báo chí, vốn được Hiến Pháp Thái Lan bảo vệ. Tuy nhiên, tập đoàn quân sự cầm quyền cho biết họ sẽ không thay đổi bất cứ một chữ nào trong dự luật. Và vì Quốc Hội là do tập đoàn quân sự bổ nhiệm, nên chắc chắn dự luật này được Quốc Hội phê chuẩn. Tất cả các hiệp hội nhà báo cho biết là nếu điều này xảy ra, họ sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại đạo luật mới, mà họ gọi là "độc tài".
Nhật Bản : Nhà tù, nơi "an hưởng" tuổi già
Tại Nhật Bản, nơi người cao tuổi chiếm 25% dân số thì tỉ lệ tù nhân cao tuổi ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chính thức, nếu vào năm 2000, chỉ có 5% tù nhân trên 65 tuổi thì con số này tăng đã lên tới 20% vào năm 2015.
Nhiều người cao tuổi ở Nhật thích cuộc sống an toàn trong nhà tù, nơi họ được ăn uống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, hơn là cuộc sống tự do, nhưng đầy bắt trắc bên ngoài. Chính vì thế, nhiều người già cố tình vi phạm pháp luật để "được" phạt tù.
Chính điều này đã khiến công việc của quản giáo tại nhiều nhà tù giờ đây giống với công việc của y tá. Ở Fuchu, nhà tù cho nam giới lớn nhất đất nước, quản giáo không sợ tù nhân bỏ trốn. Nhiệm vụ của quản giáo chủ yếu là… thay bỉm cho những tù nhân già yếu và giúp họ tắm gội. Ông Shinsuke Nishioka, một quan chức của bộ Tư Pháp thì giải thích là nhiều tù nhân cao tuổi nặng tai, họ không nghe rõ hiệu lệnh, và họ thường xuyên phải đi vệ sinh. Điều này gây khó khăn cho ban quản lý trại giam. Các nhà tù phải có nhiều quản giáo hơn nữa.
Trước tình trạng này, chính phủ Nhật đã quyết định từ tháng 04/2017, sẽ tăng cường nhân lực cho 50% trên tổng số 70 trại giam trên toàn đất nước, đồng thời tăng cường đội ngũ huấn luyện thể thao cho tù nhân cao tuổi.
Ô nhiễm không khí : "mặt hàng xuất khẩu mới" của Trung Quốc
Để đảm bảo cam kết giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Bắc Kinh đã yêu cầu cắt giảm sản lượng than trong nước. Năm 2016, sản lượng than của Trung Quốc đã giảm tới 9%. Tuy nhiên, nhập khẩu than của nước này lại tăng 25%. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc khai thác ngày càng ít than, nhưng lại nhập khẩu ngày càng nhiều, đặc biệt từ Mông Cổ : một cách "xuất khẩu" ô nhiễm không khí ra nước ngoài.
Mới đây, Bắc Kinh đã ký với Ulan Bator thỏa thuận, theo đó Mông Cổ thúc đẩy sản xuất than đá và xuất khẩu sang Trung Quốc với giá tăng gấp đôi. Từ 4 năm nay, giá than đá của Mông Cổ xuất sang Trung Quốc rẻ chỉ bằng 1/3, 1/4 giá than trên trị trường thế giới. Để có tiền trả nợ vào mùa xuân, Mông Cổ không thể từ chối đề nghị của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nhập than đá từ Úc, nhưng với một chiến thuật hoàn toàn khác, thông qua việc mua các mỏ than của Úc. Công ty than đá lớn của Trung Quốc Yanzhou Coal đã mua cổ phần của công ty Rio Tinto và trở thành nhà khai thác than đá lớn nhất nước Úc.
Trung Quốc : "Thuê bạn gái" về quê ăn Tết
Tết Nguyên Đán là dịp để 300 triệu người Trung Quốc đi làm ăn xa ở thành phố trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Nhưng đối với nhiều người độc thân, đây cũng là dịp phải đối mặt với sức ép lập gia đình từ cha mẹ. Theo một cuộc thăm dò mới đây, 60% nam giới và 50% phụ nữ bị gia đình gây sức ép để có người yêu và kết hôn. Một số người không ngần ngại tìm đến trung tâm môi giới để "thuê người yêu" về quê ăn Tết. Phần lớn các "cặp đôi giả vờ" chọn gói "Dịch vụ Xanh" (lü se fuwu). Có nghĩa là : trong kỳ nghỉ đến ở nhà bố mẹ, nhưng không ngủ cùng phòng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt kể lại :
Trong mắt bố mẹ, Cao Nhạc có một vấn đề cần khắc phục hay lập tức. Cao Nhạc là người Bắc Kinh, 32 tuổi, khá đẹp trai, nhưng vẫn chưa có bạn gái. Và mỗi năm, ngày Tết lại làm Cao Nhạc sợ đến toát mồ hôi hột.
Cao Nhạc chia sẻ : "Từ năm tôi 25 tuổi, nhất là vào dịp lễ Tết, bố mẹ tôi luôn hỏi tôi vẫn chưa có bạn gái à. Càng nhiều tuổi, tôi càng cảm thấy sức ép. Bố mẹ tôi thấy mất thể diện trước người thân và bạn bè. Vì thế, mỗi lần gia đình tụ họp, tôi thường tìm cách lẩn tránh".
Nhiều người tìm cách đối phó rất độc đáo. Họ tìm đến dịch vụ "Cho thuê người độc thân" của anh Vương Kiến Hoa. Anh Vương giải thích : "Giá thuê bạn gái trung bình là 67 euro/ngày, nhưng tới dịp Tết, giá tăng ít nhất là gấp đôi. Chúng tôi ký hợp đồng với nhiều điều khoản : gặp gỡ bố mẹ, gia đình, bạn bè. Vào dịp Tết, nhu cầu thuê bạn gái rất cao, chỉ riêng công ty chúng tôi đã cung gấp dịch vụ cho thuê bạn gái cho hàng ngàn người.
Pháp : sức mua thực phẩm giảm kỷ lục
Một cuộc khảo sát mới đây của Nielsen cho thấy tại Pháp, tổng chi tiêu cho thực phẩm và các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc nhà cửa năm 2016 đã tăng 0,9 %, đạt 103,6 tỉ euro. Nhưng, nếu tính theo đầu người, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, lượng thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc, vệ sinh nhà cửa mà người dân Pháp mua sắm đã giảm (- 1,2 %) và số tiền mua sắm cũng giảm (- 0,6 %).
Mặc dù mức giảm không quá cao, nhưng nó cũng cho thấy người Pháp, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đã thay đổi thói quen chi tiêu, mua sắm hàng ngày. Tuy nhiên, không phải là do các gia đình ăn uống ít đi hay giảm lãng phí thức ăn, mà chủ yếu là do họ đang còn rất nhiều đồ ăn thức uống dự trữ trong kho, nên không cần mua thêm nhiều thực phẩm.
Hiện tượng này liên quan chủ yếu đến các loại hàng hóa có hạn sử dụng dài như sữa (- 8 %), nước uống đóng chai (- 3 %), nước uống có ga (- 5 %), đường (- 6 %) cũng các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc nhà cửa.
Thêm vào đó, họ ngày càng ít đi các siêu thị lớn ở xa. Thay vào đó, họ chọn các cửa hàng nhỏ gần nhà. Đây cũng là một cách để kiểm soát việc mua sắm. Giá cả giảm không thúc đẩy người Pháp mua sắm nhiều hơn về lượng, nhưng họ chuyển sang xu hướng mua sắm các sản phẩm đắt tiền hơn, sạch hơn và an toàn hơn.
Thùy Dương
Tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ đậu gần biển Đông (RFA, 01/02/2017)
Tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương hôm 24/12/2016. AFP photo
Hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc và cũng là chiếc do nước này tự đóng đầu tiên sẽ được neo đậu ở một vị trí gần Biển Đông.
Mạng báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn nguồn từ một tài khoản mạng xã hội thuộc Nhân dân Nhật báo ấn phẩm ở nước ngoài cho biết như vừa nêu.
Theo đó chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc dự kiến mang tên Sơn Đông sẽ được neo đậu tại một tỉnh ở miền nam Hoa Lục. Mục đích được nói nhằm giải quyết tình trạng mà Bắc Kinh cho là phức tạp ở Biển Đông, và Trung Quốc gọi là Nam Hải.
Cũng theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng thì chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc đã ‘định hình’ sau hai năm chín tháng gấp rút xây dựng.
Báo này dẫn nguồn có được hôm qua từ hai kênh truyền hình và truyền thanh tỉnh Sơn Đông về tin này. Tuy nhiên thông tin không cho biết thời điểm hoàn thành cũng như những chi tiết liên quan khác về chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc.
Một số nguồn tin báo chí Hoa Lục lại loan tin có thể chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm nay và chính thức được đưa vào biên chế của hải quân Hoa lục vào năm 2019.
Trước đây, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết công tác xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai được tiến hành tại nhà máy đóng tàu ở cảng Đại Liên, mạn đông bắc Hoa Lục.
Trung Quốc hiện có một chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất mang tên Liêu Ninh. Đây là một tàu sân bay được nâng cấp từ chiếc tàu mua lại của Ukraine vào năm 1998.
Vào tháng giêng vừa qua hàng không mẫu hạm Liêu Ninh dẫn đầu một đoàn tàu chiến của Trung Quốc thực hiện cuộc diễn tập thử vũ khí và trang thiết bị quân sự tại khu vực Biển Đông.
Trước khi vào Biển Đông, vào tháng 12 năm ngoài, đoàn tàu chiến này đi qua vùng biển phía nam Nhật Bản, sau đó xuôi xuống miền đông và nam đảo quốc Đài Loan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đó là hoạt động diễn tập thường kỳ phù hợp với luật pháp quốc tế. Phía Đài Loan thông báo cho huy động quân đội theo dõi sát diễn tiến của đoàn tàu chiến Hoa Lục đó.
Nhận định trên mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng hôm qua cho rằng còn nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể đạt được hoạt động tương tự như của hải quân Hoa Kỳ đang được triển khai trong nhiều thập niên qua.
****************
Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ neo đậu gần Biển Đông (RFI, 01/12/2017)
Căn cứ hải quân Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh : STR / AFP
Theo báo chí Trung Quốc hôm nay, 01/02/2017, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, hoàn toàn do Trung Quốc đóng, sẽ neo đậu tại một căn cứ ở một tỉnh miền Nam, gần Biển Đông, để có thể xử lý "những tình huống phức tạp" ở vùng biển đang tranh chấp này. Chính quyền Bắc Kinh chưa chính thức loan báo, nhưng theo báo chí Trung Quốc, chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ được mang tên Sơn Đông (Shandong), một tỉnh bờ biển phía Đông Trung Quốc.
Hôm qua, một kênh truyền hình ở Sơn Đông loan tin là chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai đã "định hình" sau 2 năm, 9 tháng được đóng. Tuy nhiên, đài này không cho biết là khi nào chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ được hoàn tất. Báo chí Trung Quốc trước đây có nêu khả năng là chiếc Sơn Đông sẽ được hoàn tất trong sáu tháng đầu năm 2017 và sẽ chính thức tham gia hải quân Trung Quốc vào năm 2019.
Việc đặt căn cứ của tàu Sơn Đông ở vùng bờ biển phía Nam của Trung Quốc sẽ giúp nâng cao tiềm năng quân sự của nước này ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo và cũng là nơi mà căng thẳng với Mỹ đang gia tăng, nhất là kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.
Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, hiện neo đậu tại Thanh Đảo (Qingdao), một cảng ở tỉnh Sơn Đông, gần với Nhật và Hàn Quốc.
Thanh Phương