Trung Quốc dùng trí thông minh nhân tạo kiểm soát Biển Đông
Sau thành công chinh phục không gian, trị dân trong nước, Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo trong hàng loạt dự án đầy tham vọng, trên danh nghĩa nghiên cứu khoa học, nhưng thực chất là kiểm soát Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền hơn 80% diện tích.
Tàu tự hành của Trung Quốc tại Triển lãm Đại dương học Quốc tế Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. (Ảnh chụp ngày 23/10/2018)STR / AFP
Trong bài viết về Trí thông minh nhân tạo ở Biển Đông (Artificial Intelligence in the South China Sea) trên trang Global Risk Insights (28/12/2018), Jonathan Hall, chuyên gia phân tích rủi ro chính trị và an ninh chuyên về địa chính trị Á-Âu, lược lại những dự án ở Biển Đông được Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo, từ thăm dò dưới biển sâu, đầu tư quốc tế, cho đến hoạt động quân sự và an ninh mạng.
Lập căn cứ trí thông minh nhân tạo dưới đáy Biển Đông
Các nhà khoa học Trung Quốc lên kế hoạch lập một căn cứ đầu tiên trên thế giới do trí thông minh nhân tạo điều hành và nằm dưới biển sâu. Dự án mang tên Hades (từ chỉ địa ngục trong thần thoại Hy Lạp) được khởi động vào tháng 11/2018 tại Viện Khoa Học Trung Quốc sau chuyến thăm hồi tháng Tư của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Viện Nghiên cứu Hải dương ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Ông Tập đã kêu gọi các nhà khoa học, kỹ sư thực hiện một việc chưa từng có : "Không có con đường nào dưới đáy biển. Chúng ta không cần phải đuổi theo các nước khác, chúng ta tự làm đường".
Dự án trị giá khoảng 160 triệu đô la. Trên lý thuyết, khu phức hợp dưới đáy biển sẽ có nơi neo đậu cho các thiết bị lặn không người lái phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng hẳn Trung Quốc sẽ sử dụng căn cứ này phục vụ mục đích quân sự.
Khu vực đang được nghiên cứu là Rãnh Manila (Manila Trench), nơi duy nhất ở Biển Đông có độ sâu trên 5.000 mét. Nằm gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ Philippines vào năm 2012, Trung Quốc sẽ lấy cớ lập căn cứ nhân đạo để triển khai lực lượng mang lợi ích chiến lược ở khu vực này.
Nằm tại điểm giao nhau giữa khối lục địa Á-Âu và Châu Đại Dương, Rãnh Manila là địa điểm hoàn hảo để ghi lại hoạt động địa chấn. Ở một trong những vùng xảy ra động đất nhiều nhất thế giới, Trung Quốc lại càng có khả năng đẩy nhanh lịch trình "lợi cả đôi đường" : một mặt, theo dõi động đất và sóng thần nhằm giúp giới chuyên gia lập biện pháp khẩn cấp ở mỗi nước, mặt khác, tiến hành những chiến dịch đối kháng và theo dõi tầu bè nước ngoài.
Thiết bị lặn không người lái
Vẫn sau chuyến thăm vào tháng 04/2018 của ông Tập Cận Bình, Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc bắt đầu theo đuổi kế hoạch lập một đội tầu lặn tự hành, hay còn được gọi là "Phương tiện không người lái dưới nước" (Extra Large Underwater Unmanned Vehicles, XLUUV).
Những con tầu này có khả năng làm nhiệm vụ từ theo dõi cá voi đến hoạt động chống tầu sân bay. Tất cả hoạt động nhờ vào trí thông minh nhân tạo. Có thể vượt qua hàng nghìn hải lý, tùy thuộc vào kích cỡ của đội tầu mà Trung Quốc có thể xuất hiện ở khắp nơi trong khu vực. Khi di chuyển dưới đại dương, đội tầu ngầm tự hành này sẽ có khả năng hoạt động trên phạm vi rộng lớn, từ chiến tranh điện tử đến rà mìn (mine warfare), cũng như nhiều khả năng tấn công khác.
Chuyên gia Jonathan Hall không loại trừ khả năng một thiết bị ngầm tự động không người lái, bị mất kiểm soát, vì công nghệ trí thông minh nhân tạo vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nên có thể bắn vào tầu hải quân hoặc tầu dân sự. Trung Quốc có thể sẽ gây ra một cuộc tấn công quy mô nhỏ kiểu như vậy nhắm vào các tầu nước ngoài, sau đó tuyên bố tại nạn xảy ra ngoài ý muốn vì "sự cố công nghệ".
Phát triển hệ thống thiết bị tự động dưới lòng biển nằm trong chiến lược "Vạn lý trường thành dưới nước" của Trung Quốc. Dự án bao gồm cả một mạng lưới máy dò, được đặt ngầm trong khu vực Biển Đông, nhằm phục vụ cho quốc phòng. Lợi ích chiến lược chính của dự án này là nhằm phát hiện tầu ngầm của Mỹ, Nga, đồng thời loại bỏ lợi thế hiện nay của những nước này trong lĩnh vực hải quân.
Công nghệ "2 trong 1"
Theo Tổng công ty Đóng tầu Nhà nước Trung Quốc (China State Shipbuilding Corporation), cơ quan phụ trách dự án, một mục tiêu khác là cung cấp cho khách hàng "một giải pháp trọn gói về giám sát và thu thập dữ liệu môi trường dưới nước, theo dõi trực tiếp các mục tiêu trên mặt nước và dưới lòng biển, cảnh báo động đất, sóng thần và những thảm họa khác, cũng như những nghiên cứu hải dương".
Dự án có lợi cho tất cả các bên tham gia nhưng, một thực tế không được nêu lên, đó là lợi ích mang tính quyết định mà lực lượng hải quân Trung Quốc có thể được hưởng. Với hệ thống giám sát trực tiếp trên khắp Biển Đông, tiềm lực chiến thuật là gần như vô hạn.
Công nghệ trí thông minh nhân tạo còn được phát triển rộng hơn nhờ khả năng dễ dàng chuyển từ ứng dụng tư nhân sang ứng dụng quân sự. Nếu thuật toán lập trình được phát triển trong lĩnh vực dân sự có khả năng dễ dàng thích ứng trong ứng dụng quân sự, thì toàn bộ cộng đồng khởi nghiệp trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc cũng có thể tham gia vào quá trình phát triển các ứng dụng bảo mật của công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Lấy ví dụ thiết bị lặn không người lái, một thuật toán thông minh nhân tạo sẽ được sử dụng để điều khiển những con tàu đó khi chúng đi tìm tài nguyên và những dữ liệu khoa học hữu ích khác. Được thiết kế để kết hợp với nhau, thuật toán lập trình có thể dễ dàng giúp tìm ra thêm cách sử dụng trong khuôn khổ gọi là "kỹ thuật quần thể" (swarming techniques), có nghĩa là cho phép các thiết bị lặn không người lái hoạt động đồng bộ và thích ứng dễ dàng với mọi thay đổi trong môi trường chiến đấu. Những thuật toán như vậy đã tồn tại trong lĩnh vực tư nhân, quân đội chỉ cần thích ứng để có được khả năng sử dụng trọn vẹn trong các chiến dịch hải quân.
Thảo chính sách nhờ hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo
Những tiến bộ trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc là một ví dụ khác cho thấy rõ lợi ích kép của trí thông minh nhân tạo. Một bản mẫu (prototype), đang được thử nghiệm, cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo một hệ thống ngoại giao được trí thông minh nhân tạo hỗ trợ. Phiên bản này hiện đang được sử dụng để giảm tải cho các nhà hoạch định dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.
Với hơn 70 nước và khoảng 65% dân số thế giới liên quan đến dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc, rất nhiều yếu tố cần được cân nhắc khi đưa ra quyết định. Nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo giúp tổng hợp các dữ liệu và đưa ra những đề xuất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có lẽ đã thu được những lợi ích quan trọng về mặt hiệu quả và độ chính xác trong phán đoán.
Ngoài hữu ích cho đầu tư nước ngoài, hệ thống này đã được quân đội Trung Quốc sử dụng cho hoạt động quân sự.
Triển vọng của trí thông minh nhân tạo
Năm 1997, phần mềm Deep Blue của IMP đã đánh bại Garry Kassparov, kiện tướng cờ vua người Nga. Dù chưa phải là một công nghệ trí thông minh nhân tạo thực thụ, nhưng nó đã tổng hợp được vài nghìn cử động mỗi giây. Đây là một trong những thành công đầu tiên trong loạt thử nghiệm như vậy.
Năm 2016, phần mềm AlphaGo của Google đã đánh bại Lee Sedol, một trong những kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới. Chưa đầy một năm sau, Google công bố AlphaGo Zero. Trong khi phiên bản đầu AlphaGo học chơi cờ bằng cách phân tích các trận đấu giữa trí thông minh nhân tạo và con người, thì AlphaGo Zero tự chơi. Sau ba ngày, AlphaGo Zero đã có thể thắng phiên bản trước và khẳng định khả năng tự học của trí thông minh nhân tạo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố vào năm 2017 rằng "bất kỳ nước nào trở thành thủ lĩnh trong lĩnh vực này thì sẽ trở thành nước lãnh đạo thế giới". Dường như không nước nào chú ý đến lời phát biểu đó, trừ Trung Quốc.
RFI tiếng Việt
***********************
Trung Quốc lại cảnh báo về hiểm họa "cách mạng màu" (RFI, 18/01/2019)
Công an Trung Quốc phải cảnh giác trước các cuộc "cách mạng màu", hay các cuộc nổi dậy của quần chúng và coi việc bảo vệ hệ thống chính trị Trung Quốc là trọng tâm trong công việc của mình. Lời nhắc nhở này đã được bộ trưởng bộ Công An Trung Quốc Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) đưa ra ngày hôm 17/01/2019 và công bố trên trang mạng của bộ.
Robot tuần tra an ninh tại một khu dân cư ở Hohhot, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, ngày 18/01/2019. Reuters/Stringer
Phát biểu của lãnh đạo ngành Công An Trung Quốc được hãng tin Anh Reuters trích dẫn không có gì mới lạ, vẫn là phải bảo vệ vững chắc "quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa của đất nước", chống lại mọi âm mưu "xâm nhập và lật đổ của các thế lực thù địch nước ngoài…".
Theo Reuters, Đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu nay đã giao cho lực lượng Công An nhiệm vụ dập tắt mọi mầm mống của một phong trào xã hội hoặc chính trị. Tuy nhiên, nỗ lực đàn áp đã tăng lên dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, người đã cảnh báo rằng Bắc Kinh cần làm nhiều hơn để chống lại ảnh hưởng của Phương Tây vốn có thể làm suy yếu quyền cai trị của đảng.
"Cách mạng màu" là thuật ngữ được dùng để chỉ các cuộc nổi dậy của người dân tại một số nước Liên Xô cũ, chẳng hạn như ở Ukraina, vốn đã góp phần lật đổ các chế độ tồn tại lâu đời. Chế độ Bắc Kinh vẫn thường nêu các cuộc nổi dậy đó thành ví dụ để cảnh cáo người dân về tình hình rối loạn có thể xảy ra do lật đổ các chính phủ lâu đời.
Theo ghi nhận của Reuters, từ năm 2014 đến nay, ngân sách an ninh nội địa của Trung Quốc không được chính quyền tiết lộ, nhưng giới phân tích ước tính là đà chi tiêu tiếp tục tăng vọt, với việc xây dựng các công trình liên quan đến an ninh đã tăng gấp ba lần trong năm 2017 ở vùng Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn cư dân thuộc các sắc tộc thiểu số Hồi Giáo bị giam giữ trong các trại cải tạo.
Các tài liệu mua sắm của chính phủ Trung Quốc cho thấy là ngành Công An cũng đã tăng chi tiêu trên toàn Trung Quốc để mua các thiết bị công nghệ cao mới, như máy quét điện thoại chẳng hạn, để dùng trong việc giám sát dân chúng.
Mai Vân
*******************
Trung Quốc cảnh báo Canada không nên cấm công nghệ 5G của Hoa Vi (RFI, 18/01/2019)
Đại sứ Trung Quốc tại Canada hôm 17/01/2019 đã cảnh báo Ottawa là có thể bị trả đũa nếu cấm Hoa Vi (Huawei) cung cấp thiết bị cho mạng lưới 5G.
Ông Lư Sa (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Canada, phát biểu về dự án Con đường Tơ lụa mới tại đại học Carleton, Ottawa, ngày 14/12/2018. Reuters/Chris Wattie
Ông Lư Sa (Lu Shaye) tuyên bố như trên trong cuộc họp báo, nhưng không cho biết chi tiết, và đòi hỏi Canada nên có một "quyết định khôn ngoan". Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh, ngoại trưởng Canada - bà Chrystia Freeland vốn chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh - khi tham dự Diễn đàn Davos tuần tới không nên cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của các nước.
Theo ông Lư Sa, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đã bị Canada giam giữ trong điều kiện tệ hại. Ngược lại, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) nhà sáng lập Hoa Vi và là cha của bà Mạnh, nói rằng bà được Canada đối xử tử tế, và ngoại trưởng Canada hôm 17/01 hoan nghênh nhận xét của ông Nhậm.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada đã xấu hẳn đi sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi bị bắt tại Vancouver hôm 01/12/2018 theo yêu cầu của Hoa Kỳ vì nghi vấn vi phạm lệnh cấm vận với Iran.
Để trả đũa, Trung Quốc bắt giam hai công dân Canada, và mới đây đã kết án tử hình một người Canada vì cáo buộc buôn ma túy - án tử được tuyên nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tố cáo Bắc Kinh áp dụng tùy tiện án tử hình và kêu gọi sự trợ giúp của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.
Tại Hoa Kỳ hôm thứ Tư 16/1, một nhóm dân biểu lưỡng đảng đã đệ trình dự luật cấm các công ty Mỹ bán chip điện tử và các linh kiện khác cho Hoa Vi, ZTE và các công ty Trung Quốc khác vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Trường đại học danh tiếng Oxford của Anh ngày 18/01 loan báo ngưng nhận mọi tài trợ của Hoa Vi, do "quan ngại của công chúng".
Về tình hình kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 xuống đến mức thấp nhất kể từ 30 năm qua do thương chiến Mỹ-Trung và tiêu thụ nội địa sụt giảm. Con số chính thức sẽ được công bố vào đầu tuần tới, nhưng theo 13 nhà phân tích được AFP tham khảo, tỉ lệ tăng trưởng không quá 6,6%, và nợ cả công lẫn tư của Trung Quốc đã vượt quá 250% GDP.
Thụy My
******************
Đài Loan gia tăng theo dõi báo chí thân Trung Quốc (RFI, 18/01/2019)
Đài Bắc sẽ gia tăng điều tra các tờ báo thân Bắc Kinh đe dọa an ninh hải đảo và tung tin thất thiệt chống các nhà hoạt động chính trị có tinh thần độc lập với Trung Quốc. Một viên chức thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Đài Loan cho biết như trên.
Dân biểu đảng Dân Tiến La Chí Trình (Lo Chih Cheng) chụp ảnh với bài viết của hai tờ báo Hồng Kông, Tạ Công báo và Văn Hội báo, sau buổi họp báo tại Đài Bắc, ngày 18/01/2019. Reuters/Tyrone Siu
Theo bản tin Reuters ngày 18/01/2019, phó giám đốc một đơn vị an ninh tại Đài Bắc cho biết ưu tiên số một của an ninh hải đảo là theo dõi các hoạt động của "thế lực nước ngoài"thù địch với Đài Loan và kêu gọi dân chúng, truyền thông hợp tác giúp phát hiện các hành vi này.
Phản ứng trên đây của an ninh Đài Bắc phát xuất từ một số bài viết trên báo Hồng Kông có lập trường thân Trung Quốc. Cụ thể là Văn Hội báo, trong một bài phóng sự tiết lộ một số sinh hoạt của nhiều nhà hoạt động chống Trung Quốc trong tuần qua đã đến Đài Loan. Bên cạnh đó là Tạ Công báo, một tờ báo bình dân phản ảnh lập trường của Bắc Kinh, thường phê phán gay gắt các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và chính khách Đài Loan, tung tin thất thiệt, xâm phạm luật lệ Đài Loan, theo tố cáo của phát ngôn viên văn phòng tổng thống.
Trong số báo ngày 14/01, Tạ Công báo và Văn Hội báo đồng loạt đăng bài với hình ảnh đính kèm, tường thuật chi tiết các cuộc họp và sách mà hai thành viên nhóm sinh viên dân chủ Hồng Kông đứng đọc trong một nhà sách. Điều này là "chuyện khủng khiếp", theo nhận xét của một học sinh, là ngay Đài Loan mà dân chúng bị Bắc Kinh theo dõi 7 ngày trên 7.
Theo Reuters, tổng thống Thái Anh Văn cảnh báo công luận đề phòng chiến dịch tung tin giả của Trung Quốc khi Đài Loan bầu lại tổng thống trong hơn một năm nữa.
Một dân biểu của đảng Dân Tiến bài tỏ lo ngại : "Báo chí Hoa lục theo dõi, giám sát hoạt động tại Đài Loan, đây là một vấn đề cho an ninh quốc gia".
Tú Anh
Trung Quốc và hiểm họa một năm Hợi tồi tệ
Với tựa lớn trang bìa dịch nguyên văn thành "Trung Quốc : Thời tiết "xấu như heo" (Chine : Un temps de cochon)", tức là thời tiết cực kỳ tồi tệ, tuần báo Pháp Courrier International số ghi ngày 17-23/01/2019 đã dành hồ sơ chính của mình cho tình hình cường quốc Châu Á vào thời điểm đầu năm dương lịch 2019, lúc sắp bước vào năm Hợi âm lịch.
Trang bìa tuần báo Courrier International từ 17-23/01/2019 - với tựa chính "Trung Quốc : Thời tiết 'xấu như heo'" - Copie Ecran
Hình một con rồng đang phải đi dưới đất, người bị băng bó, hai chân trước phải chống nạng, nêu bật ý chính của hồ sơ, được tóm gọn trong tiểu tựa : "Lần đầu tiên Tập Cận Bình bị phản đối trong lúc chiến dịch đàn áp tiếp diễn và nền kinh tế đã đến lúc hụt hơi".
Trong bài xã luận mang tựa đề "Trung Quốc : Sau Mặt Trăng là thực tế trên Trái Đất", Courrier International đã nêu bật những hiểm nguy đang rình rập Trung Quốc trong năm nay
Mở đầu bài xã luận, Courrier International ghi nhận : Ngày 5/02, Trung Quốc sẽ bước vào năm Hợi, một năm có vẻ rất hoành tráng với sự kiện là ngày 1/10, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ mừng 70 năm Cách Mạng, một dịp để cho thấy sức mạnh đã tìm lại được. Và tháng Giêng đã bắt đầu với sự kiện Trung Quốc gởi được một con robot lên mặt khuất của Mặt trăng, một kỳ công được ghi lại cho thời nay và mai sau qua một bức ảnh toàn cảnh đã đi vòng quanh thế giới.
Thế nhưng một thời tiết kinh tế thất thường đang làm cho những giấc mơ đầu năm âm lịch của ông Tập Cận Bình ảm đạm đi.
Các động cơ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang hụt hơi. Tháng 12 vừa qua, xuất-nhập khẩu đã giảm sụt, gánh chịu những hậu quả đầu tiên của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Dấu hiệu của thời thế : Lượng xe hơi bán ra năm ngoái đã giảm, lần đầu tiên từ 12 năm qua.
Câu hỏi đặt ra là liệu con tàu Trung Quốc có thể chìm hay không ? Khi nổ ra khủng hoảng Châu Á năm 1997, hay khủng hoảng tài chánh năm 2008, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tránh được tình hình tồi tệ bằng cách bơm tiền, chi tiêu ồ ạt hoặc hiện đại hóa đất nước.
Theo Courrier International, là người độc đoán, không mấy thích cải cách, ông Tập Cận Bình giờ đang bị đẩy vào chân Vạn Lý Trường Thành. Người ta thường nói là năm nay con heo, mệnh thổ có hai đức tính : biết che chắn và bền bỉ. Tuần báo Pháp kết luận : "Đây là hai đức tính mà chủ tịch Trung Quốc sẽ cần đến để vượt qua một năm nguy hiểm".
Trung Quốc : Tăng trưởng năm 2018 có thể chỉ bằng số không
Về thực trạng của nền kinh tế Trung Quốc, trong bài viết mang tựa đề "Điềm dữ cho tăng trưởng", Courrier International đã giới thiệu bài nói chuyện của một giáo sư kinh tế và rất có uy tín tại Trung Quốc, đã không ngại bác bỏ con số về tăng trưởng trong năm 2018 đã được chính phủ thổi phồng lên thành 6,5%, để cho rằng tỷ lệ thực thụ chỉ ở mức tối đa là 1,67% mà thôi.
Trong bài diễn văn đọc ngày 16/12/2018 tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, giáo sư Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo), phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế của trường đại học này, nguyên trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Trung Quốc, đã nhấn mạnh rằng : "Sự kiện quan trọng nhất năm 2018 ở Trung Quốc là đà khựng lại của nền kinh tế".
Giáo sư Hướng tố cáo : "Cục Thống Kê Quốc Gia cho là tăng trưởng GDP đạt mức 6,5%, nhưng một báo cáo nội bộ của một nhóm nghiên cứu thuộc một tổ chức hàng đầu, đã đưa ra hai số liệu khác, ước tính đầu tiên cho thấy tăng trưởng đạt mức 1,67%, và con số thứ hai là một tỷ lệ tăng trưởng âm".
Đối với vị giáo sư này, trong năm 2018 Trung Quốc đã phạm ba sai lầm về mặt đánh giá nền kinh tế. Ngoài những sai lầm về mức độ của sự đình đốn kinh tế, còn có những đánh giá sai về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trên nền kinh tế.
Báo chí Trung Quốc, theo ông, đã quá lạc quan về cơ hội chiến thắng trước Washington, trong khi mà lúc này, hai bên đã xung đột với nhau trên vấn đề "giá trị", một cuộc xung đột vẫn "chưa tìm ra lối thoát".
Sai lầm thứ ba, theo ông, là đã đánh vào ngành tư doanh tại Trung Quốc khi luôn luôn nhắc đến ý thức hệ Mác-xít chính thống vốn chủ trương xóa bỏ khu vực tư nhân trong khi mà khu vực này chiếm khoảng 70% GDP.
Video ghi lại bài phát biểu của giáo sư Hướng Tùng Tộ, ngay lập tức được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, nhưng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt và chỉ còn lại trên YouTube - vốn bị cấm ở Trung Quốc – và đã có được 1,5 triệu lượt người xem. Một bản ghi chép lại bài nói chuyện của ông đã được đăng trên trang web Tân Thế Kỷ (Xinshiji) của Hồng Kông.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu
Kinh tế Trung Quốc cũng được tuần báo L’Obs chú ý trong hồ sơ chính nêu lên thành tựa lớn trang bìa dưới dạng câu hỏi : "Phải chăng sắp có một cuộc khủng hoảng mới ?" về tài chánh. Tuần báo Pháp như đã trả lời trong hàng tiểu tựa bên dưới : "10 lý do để lo ngại".
Trong số một chục lý do có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tạp chí L’Obs đã nêu lên cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, cộng thêm với tình trạng tại chính hai quốc gia này.
Mỹ đã kinh qua 114 tháng liên tiếp tăng trưởng, gần đạt mức kỷ lục 120 tháng từ năm 1991 đến năm 2001. Nhưng tình hình đó sẽ không kéo dài vô tận. Đó là chưa kể đến vấn đề nợ.
Trong lãnh vực nợ, Trung Quốc sẽ không thoát khỏi hiểm nguy. Tổng số nợ của Trung Quốc, từ 130% GDP năm 2008, giờ đã lên đến 260%.
Vào năm 2017, tình trạng nợ của thế giới đã đạt mức kỷ lục 184.000 tỷ đô la, cao hơn đến 40% so với trước giai đoạn khủng hoảng subprimes ở Mỹ.
Nguy cơ, theo L’Express, cũng đến từ tầm cỡ quá lớn của nhiều ngân hàng trên thế giới, nếu chẳng may các cơ sở này bị phá sản, thì các nước dựa vào các ngân hàng đó cũng bị khủng hoảng theo. Trên thế giới có 29 ngân hàng loại này, trong đó có 4 ngân hàng Pháp.
Ngoài ra, cũng vẫn có những "nhà bác học điên rồ của tài chính", luôn luôn sẵn sàng đầu cơ để trục lợi bằng cách sáng tạo ra những sản phẩm nguy hiểm, độc hại.
Nước Pháp không thể cai trị được ?
Trong lúc L’Obs lo âu vì tình hình tài chánh thế giới, đồng nghiệp L’Express thì lại quan ngại về tình hình chính trị nước Pháp, cũng với một câu hỏi đặt thành tựa lớn trang bìa : "Phải chăng Pháp là nước không thể cai trị ?", kèm theo hai tiểu tựa : "Uy lực của các mạng xã hội" và "Tổng thống trên miệng núi lửa".
Ngay trang bìa, tuần báo Pháp đã giới thiệu hồ sơ dài 14 trang về tình trạng nước Pháp, nơi mà mọi thứ đều xấu đi. L’Express nhận xét : "Uy quyền của giới lãnh đạo chính trị bị thoái hóa, trọng lượng ngày càng lớn của các mạng xã hội, xã hội bị phân mảnh, các cơ chế trung gian bị suy yếu và đối lập tơi tả… Điều hành đất nước vào lúc dư luận đang nổi giận quả là một việc còn hơn cả rắc rối".
Với phong trào Áo Vàng đang bùng lên, theo L’Express, "Chính phủ Macron đã thành nạn nhân của một cơn địa chấn mà những người tiền nhiệm đã thoát, và kể từ nay phải "cam chịu" và hành xử theo một số yếu tố vốn làm cho việc điều hành thêm gai góc. Trong số các yếu tố này, có sự vươn lên của các mạng xã hội, có chức năng giống như điểm hội tụ của dư luận bị kích động đến cùng cực".
Trong bài viết "Cuộc đời màu vàng là ở trên Facebook", L’Express ghi nhận tính chất quan trọng của mạng xã hội này trong phong trào Áo Vàng Pháp, và chính thông qua phương tiện đó mà những người biểu tình biết được thời gian và địa điểm tập hợp.
Vấn đề, theo L’Express là các mạng xã hội giờ đây đầy rẫy những thông tin thất thiệt, những mưu toan lũng đoạn dư luận, những luận điểm cực đoan, không còn là nơi để bảo vệ các quyền tự do nữa…
Nghệ thuật đàm phán trong mọi lãnh vực
Khi tất cả các đồng nghiệp chú ý đến những chủ đề nghiêm trọng, tuần báo Le Point lại có vẻ như chú ý một đề tài rất nhẹ nhàng. "Nghệ thuật thương thuyết" là tựa lớn trang bìa của tạp chí Pháp kèm theo ghi chú hóm hỉnh bên dưới : "Với người chủ của mình, với người hôn phối, với con cái, trong kinh doanh, trong chính trị (có hoặc không có những người Áo Vàng)".
Đối với Le Point, cái dở của người Pháp chính là không thấy rõ được khía cạnh tích cực của việc đàm phán thương thuyết, đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình hay ngoài xã hội.
Theo giáo sư khoa học chính trị Aurélien Colson tại trường Essec, phụ trách Viện Nghiên cứu và giảng dạy về Đàm Phán, người Pháp thường đồng hóa sự thỏa hiệp, kết quả tự nhiên của một cuộc đàm phán, với một hành vi nhượng bộ hay lùi bước. Tuy nhiên, ở những nước Châu Âu khác, ở Đức hay ở các nước Bắc Âu, đàm phán trái lại là một hoạt động cao cả gắn liền với lợi ích chung, góp phần nâng cao giá trị của những người tham gia.
Đối với Le Point, đàm phán có thể là thuốc giải độc cho bạo lực, cho phép giải quyết trong danh dự những xung đột vốn có trong bất kỳ xã hội loài người nào, từ những trắc trở trong cuộc sống hàng ngày, đến các xích mích ngoại giao giữa các quốc gia.
Theo tuần báo Pháp, bất kể mục tiêu hơn thua, bối cảnh, số lượng các bên tham gia, nghệ thuật đàm phán tốt đều tuân theo một số nguyên tắc được áp dụng trong mọi lĩnh vực. Lionel Bellenger, cựu giáo sư triết học, hiện giảng dạy môn đàm phán tại trường cao đẳng thương mại HEC xác định : "Đàm phán có vị trí trung tâm trong mọi quan hệ xã hội và đòi hỏi một số đức tính bất di bắt dịch nơi người tham gia, cho dù đó là đàm phán ngoại giao, đàm phán thương mại hay chỉ đơn thuần là việc tìm kiếm một thỏa hiệp trong hôn nhân".
Đức tính đầu tiên là biết lắng nghe, vì giải pháp cho vấn đề hầu như lúc nào cũng nằm trong những gì mà đối phương nói.
Đức tính thứ hai là tôn trọng đối phương. Tốt hơn hết là không nên tận dụng quá mức lợi thế mà mình đã giành được, bởi vì nếu đè bẹp đối thủ, ta có nguy cơ phải trả giá về sau về hành vi sỉ nhục đó.
Đức tính thiết yếu cuối cùng theo Lionel Bellenger là tính chất thực tế, biết thích nghi : "Đàm phán không phải là để chứng tỏ rằng mình đúng, mà là để có được sự đồng ý của đối phương. Đây là hai điều rất khác nhau".
Trọng Nghĩa
Quan chức công an Trung Quốc Lý Kinh Sinh nói rằng nước này là "một trong các quốc gia an toàn nhất thế giới".
Ông nói tội phạm liên quan tới súng đã giảm 27,6% trong năm 2018.
Lý Kinh Sing (Li Jingshen), Giám đốc Cục trật tự, Bộ An ninh công cộng Trung Quốc
Hãng tin chính thức của nhà nước, China News Service, chia sẻ một đoạn video ông Lý tuyên bố mức giảm, và video này đã được xem hơn 1 triệu lượt.
Vậy so sánh Trung Quốc với các nước khác thì thế nào, chúng ta có tin được vào các số liệu mà giới chức nước này nêu ra không ?
Các thành phố của Trung Quốc nhìn chung được coi là an toàn, nhưng các công dân bị giới chức theo dõi gắt gao
Tội phạm liên quan tới súng ở Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc nói từ 2012 đến 2017, mức phạm tội liên quan tới súng giảim 81,3%, từ 311 vụ xuống 58 vụ.
Các số liệu này liên quan tới toàn bộ các vụ phạm tội có mang theo hoặc có sử dụng súng, theo Tiến sĩ Xu Jianhua, một chuyên gia về tội phạm từ Đại học Macau.
"Nói về tội phạm có sử dụng súng thì Trung Quốc có thể là một trong các nước có tỷ lệ thấp nhất, bởi chính phủ có những hạn chế rất nghiêm ngặt đối với súng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các loại tội phạm khác cũng thấp", Tiến sĩ Xu nói.
Dữ liệu trên được nhiều chuyên gia xem xét một cách thận trọng.
Borge Bakken từ Đại học Quốc gia Australia, người nghiên cứu về tình trạng phạm tội ở Trung Quốc, thì chỉ trích mạnh mẽ.
"Có những lời dối trá, những lời dối trá trắng trợn, và những số liệu thống kê về tình trạng phạm tội ở Trung Quốc. Đó là sự tuyên truyền và dữ liệu sai được đưa ra từ từng đồn cảnh sát cho tới cấp cao nhất", ông nói.
Có những lý do khiến tỷ lệ phạm tội liên quan tới súng ở Trung Quốc thấp, ngay cả khi bản thân các số liệu đó cũng là không đáng tin cậy.
Tại Trung Quốc, cá nhân các công dân không được phép sở hữu súng, và chính phủ đã có chiến dịch nghiêm khắc nhằm tịch thu vũ khí.
Những nơi khác trên thế giới
Số liệu về tội phạm liên quan tới súng ở Châu Âu và Hoa Kỳ là những tư liệu có thể dễ dàng tiếp cận hơn nhiều so với số liệu từ Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ, trong 2017, có 314.931 vụ đươc ghi nhận gồm các tội ngộ sát, cướp, hành hung có liên quan tới súng, theo FBI.
Trong cùng năm, tại Anh và Đức, nếu tính cả các vụ dùng súng để đe dọa thì có 6.375 vụ và 8.935 vụ được cảnh sát ghi nhận tại hai nước này.
Các số liệu trên không thể đem so sánh trực tiếp với số liệu mà Trung Quốc đưa ra, nhưng có thể nhìn thấy dễ dàng là truyền thông Trung Quốc thích lấy các câu chuyện tội phạm ở Mỹ ra để chứng minh cho sự nguy hiểm tại các thành phố nước Mỹ.
Việc tổng hợp và báo cáo về các số liệu thống kê tội phạm là chủ để gây tranh cãi tại nhiều quốc gia.
Những số liệu khác nhau được đưa theo kiểu gì thì phụ thuộc vào việc công chúng sẵn lòng tới đâu trong việc trình báo với giới chức về các vụ tội phạm, cũng như vào việc định nghĩa về các hành vi tội phạm được thay đổi ra sao.
****************
Tường thuật về tội phạm mang tính bạo lực tại Trung Quốc
Hầu như ngày nào trong tuần báo chí lá cải do nhà nước kiểm soát tại Trung Quốc cũng đều nói về các vụ đâm dao, bắn súng và các vụ tấn công tình dục xảy ra tại các nước phương Tây.
Họ đặc biệt bị ám ảnh về tội phạm liên quan tới súng ở Hoa Kỳ.
Thông điệp ẩn dưới mà họ muốn đưa ra : Thế giới phương Tây không hề an toàn. Hồi tháng Bảy năm ngoái, Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington cảnh báo du khách Trung Quốc tới Mỹ hãy "tránh đi ra ngoài một mình vào ban đêm".
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo - Ảnh minh họa (AFP)
Bắc Kinh muốn bảo vệ công dân của mình, đúng vậy, nhưng họ cũng muốn tranh thủ khoa trương về các chính sách an ninh trong nước của mình. Các chính sách này nhằm bảo hộ công dân, tuy nhiên cũng lại là công cụ để duy trì quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản.
Tỷ lệ phạm tội trông có vẻ thấp bên trong Trung Quốc giúp chính phủ biện minh cho việc áp dụng một hệ thống theo dõi ngày càng dày đặc, không ai thoát được ở nước này.
Hồi 2015, giới chức Bắc Kinh công bố rằng mọi ngóc ngách trong thành phố đều bị theo dõi bởi hệ thống camera an ninh của cảnh sát. Và tới 2020, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói, nước này sẽ hoàn thành việc triển khai hệ thống camera theo dõi trên toàn quốc, với công nghệ nhận dạng mặt người.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường nói đến các vụ mà hệ thống theo dõi, được gọi là 'Shar Eyes', được áp dụng để chặn các vụ phạm tội.
Tháng Sáu năm ngoái, báo chí đăng chuyện có một cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra giữa hai người trong một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, liên quan tới tiền bạc. "Ngay khi một phụ nữ trẻ định rút dao ra thì cảnh sát đã tới nơi, ngăn chặn được một vụ lẽ ra đã thành một vụ tắm máu", một bài báo khi đó viết.
Cũng không ngạc nhiên gì khi một số công dân Trung Quốc nói với những người khác trên mạng xã hội rằng họ ưa đi nghỉ ở bên trong Trung Quốc hơn, bởi đó là "nơi an toàn".
Áp lực chính trị
Tại Trung Quốc, các nhà phân tích nói rằng ở các cấp bậc khác nhau trong chính quyền, các quan chức được khuyến khích tiến hành thay đổi các số liệu về tội phạm.
Cảnh sát báo về tình trạng phạm tội đầu tiên là ở mức thành phố cho tới mức tỉnh thành, rồi sau lên cấp quốc gia.
"Số liệu thống kê về tội phạm là rất quan trọng trong việc xác định thành tích hoạt động cảu cảnh sát và chính quyền địa phương - và các cơ quan khác nhau ở cấp địa phương sẽ điều chỉnh, sửa chữa số liệu", Tiến sĩ Xu hnói.
Nếu được coi là hoạt động tốt thì các viên chức địa phương sẽ có cơ hội được tăng lương, thăng chức nhiều hơn, ông nói thêm.
Số liệu thống kê về tình trạng tội phạm trên toàn quốc được tổng hợp từ các báo cáo của cảnh sát địa phương, và một số loại tội phạm chỉ được báo cáo nếu các vụ xảy ra ở mức độ nghiêm trọng.
Quảng Châu, một trong các thành phố chính của Trung Quốc
Cũng có những khác biệt giữa số các cuộc điện thoại gọi tới đường dây khẩn cấp với số liệu tội phạm được công bố chính thức, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Xu.
"Nếu bạn so sánh các vụ tội phạm được báo qua đường dây nóng, tất nhiên không phải là vụ nào cũng là tội phạm thật, nhưng bạn sẽ thấy trên 90% các cuộc điện thoại đó không được trình báo", ông nói.
Việc đưa tin về số liệu tội phạm của Trung Quốc có thể là điều khiến người ta đặt câu hỏi, nhưng nhìn chung các thành phố của nước này được đánh giá là khá an toàn, ít xảy ra tình trạng tội phạm mang tính bạo lực.
Celia Hatton
biên tập viên chuyên về vùng Châu Á- Thái Bình Dương của BBC, phân tích
AMTI : Dân quân biển Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh Biển Đông (RFI, 12/01/2019)
Căng thẳng tại Biển Đông gia tăng với việc nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, tăng cường bố trí các vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, đe dọa còn đến từ "dân quân biển", một lực lượng vốn ít được chú ý. Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) vừa tiến hành một cuộc điều tra công phu, với kết quả ban đầu cho thấy lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đang hiện diện ngày càng đông đảo và là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.
Tàu cá Trung Quốc hiện diện quy mô lớn ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông được xem là nhân tố gây bất ổn, theo đánh giá của Stratfor. (Ảnh : (ChinaFotoPress/Getty Images)
Hôm 09/01/2019, trong buổi khai trương dự án "Môi trường Đại dương và An Ninh Toàn cầu" của Trung Tâm CSIS, tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải đã trình bày về thực trạng "dân quân biển" ở Biển Đông, đặc biệt là dân quân biển Trung Quốc, dựa trên kết quả 6 tháng nghiên cứu trong năm 2018, với sự cộng tác của Vulcan’s Skylight Maritime Initiative. Nghiên cứu của AMTI được thực hiện với nhiều phương tiện như Bộ đo bức xạ hình ảnh hồng ngoại (Visible Infrared Imaging Radiometer Suite/VIIRS), Rađa khẩu độ tổng hợp (Synthetic Aperture Radar/SAR), Hệ thống nhận dạng tự động(Automatic Identification System/AIS).
Kết luận ban đầu được giám đốc AMTI Gregory Polling đưa ra là : các hoạt động của dân quân biển của Trung Quốc ở Biển Đông có quy mô quan trọng hơn nhiều so với những gì được biết. Sự hiện diện đông đảo của dân quân biển Trung Quốc, thường là các tàu cá vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia vào các hoạt động quân sự, đặc biệt là tại khu vực quần đảo Trường Sa, làm tăng khả năng va chạm giữa các tàu thuyền và nguy cơ đụng độ giữa lực lượng vũ trang các nước ven Biển Đông.
Giám đốc AMTI cho biết cụ thể là ngày càng có nhiều tàu cá mang danh khai thác hải sản, nhưng chỉ dành một phần thời gian cho hoạt động này, và được sử dụng như một phương tiện của lực lượng dân quân biển chính thức của Trung Quốc. Lãnh đạo AMTI kêu gọi các nước quan tâm thích đáng hơn đến vấn đề dân quân biển tại Biển Đông.
Nghị sĩ Philippines lên án Bắc Kinh
Ngày 11/01/2019, một nghị sĩ đối lập Philippines, ông Gary Alejeno, dựa trên các kết quả nghiên cứu mới của AMTI, đã lên án việc ngư dân Trung Quốc gia tăng các hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển Tây Philippines (tức Biển Đông), thuộc chủ quyền của Philippines. Đối với nghị sĩ Gary Alejeno, đây là những hành động "trộm cướp", đồng thời ông nhấn mạnh đến mối nguy dân quân biển Trung Quốc, một phương tiện mà Bắc Kinh sử dụng để thực thi chiến lược lấn chiếm từng bước một, để tiến đến khẳng định chủ quyền tại khu vực này.
Trọng Thành
**********************
Trung Quốc triển khai tên lửa sau khi tàu chiến Mỹ đi tuần ở Biển Đông (RFA, 12/01/2019)
Truyền hình Trung Quốc và tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 9/1 cho biết quân đội nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo chống tàu DF-26 đến khu vực sa mạc Gobi, và cao nguyên Tây Tạng ở vùng tây bắc nước này.
Hình minh hoạ. Tên lửa DF-26 của Trung Quốc ở cổng Quảng trường Thiên An Môn trong lễ duyệt binh ở Bắc Kinh hôm 3/9/2015 - AFP
Trước đó, vào ngày 7/1, Hoa Kỳ vừa điều tàu chiến USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý thuộc các đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Người phát ngôn của hạm đội, bà Rachel McMarr được CNBC dẫn lời cho biết Hoa Kỳ đang thực hiện họat động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và hoạt động này không nhắm đến một quốc gia nào hay đưa ra bất kỳ một tuyên bố chính trị nào. Đồng thời bà McMarr cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện những vụ tuần tra trong chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng tàu Mỹ đã xâm phạm vào vùng nước thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh nói rằng việc triển khai tên lửa DF-26 là một nhắc nhở rằng Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình.
Tên lửa DF-26 còn được mệnh danh là kẻ huỷ diệt Guam có tầm bắn khoảng 3.400 miles và vì vậy có thể đặt căn cứ không quân Andersen của Mỹ ở Guam vào vòng nguy hiểm.
Theo trang tin Stars and Stripes, hồi tháng trước, Phó Đô đốc Hải quân Trung Quốc Lou Yuan còn lên tiếng nói rằng việc đánh đắm một đôi tàu sân bay của Mỹ sẽ giải quyết được vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khi đó, một học giả thuộc Viện nghiên cứu Hải quân của Trung Quốc, Zhang Junshe, mới đây nói với hãng tin ABS - CBN rằng nếu có bất cứ xung đột nào xảy ra trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc thì Mỹ là nước phải chịu trách nhiệm.
****************
Trung Quốc "vi phạm" quyền miễn trừ ngoại giao của công dân Canada (RFI, 12/01/2019)
Ngày 11/01/2019, thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của một công dân Canada, ông Michael Kovrig, bị giam tại Trung Quốc từ một tháng nay vì bị nghi làm gián điệp.
Logo tập đoàn Huawei tại một trụ sở ở Ottawa, Canada. Reuters/Chris Wattie/File Photo
Là một nhân viên của Bộ Ngoại giao Canada, ông Kovrig đã xin nghỉ không ăn lương để cộng tác với một cơ quan tham vấn, International Crisis Group. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông ngày 10/12 năm ngoái, sau vụ bắt giữ tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei).
Cũng như đồng hương Canada Michael Spavor, bị bắt ở Trung Quốc ngày 12/12, ông Kovrig bị xem là đã có những hoạt động "đe dọa an ninh quốc gia", cụm từ mà Bắc Kinh thường sử dụng đối với những người bị tình nghi làm gián điệp.
Trong một cuộc họp báo hôm 11/01, thủ tướng Trudeau khẳng định Trung Quốc đang giam giữ trái phép hai công dân Canada, trong đó có một trường hợp đã không tôn trọng quyền miễn trừ ngoại giao, ám chỉ trường hợp của ông Michael Kovrig.
Theo Công ước Vienna, những người mang hộ chiếu ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao khi họ ở nước ngoài. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Trudeau cho thấy là ông Kovrig có mang theo hộ chiếu ngoại giao cho dù ông đang nghỉ không ăn lương.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định là vụ bắt giữ hai công dân Canada nói trên là không liên quan gì đến vụ Mạnh Vãn Châu, nhưng nhiều nhà quan sát xem đó là một biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh tỏ ra giận dữ khi thấy con gái của người sáng lập tập đoàn Hoa Vi bị bắt ở Canada.
Đầu tháng Hai tới, bà Mạnh Vãn Châu sẽ trình diện trước một thẩm phán để nghe quyết định về việc dẫn độ bà sang Mỹ. Ngành tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ giám đốc tài chính của Hoa Vi đồng lõa gian lận để lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay loan tin là tập đoàn Hoa Vi vừa thông báo sa thải nhân viên của tập đoàn này bị bắt tại Ba Lan hôm thứ Ba 08/01 vì tội làm gián điệp.
Thanh Phương
2019 : Năm khởi đầu chu kỳ xuống dốc của Trung Quốc ?
Áo Vàng trên Le Point, Thuế trên L’Express, Fake News trên L’Obs, Rác thải trên Courrier International…, tít chính trang bìa các tạp chí Pháp ra mắt trong tuần thứ hai của năm 2019 này rất đa dạng, với những chủ đề hoàn toàn khác nhau.
Với việc đưa rô-bốt Thỏ Ngọc 2 lên phần khuất của Mặt Trăng, Trung Quốc muốn khẳng định vị thế siêu cường công nghệ không gian. Ảnh chụp ngày 04/01/2019. China National Space Administration/CNS via Reuters
Đầu năm cũng là dịp để đưa ra các dự báo, và tuần báo Pháp Le Point đã có một phân tích đáng chú ý liên quan đến Trung Quốc, mà năm 2019 có thể là khởi điểm của một chu kỳ đi xuống.
Lấy ý từ thành công khoa học của Trung Quốc, liên quan đến việc đưa được một phi thuyền thăm dò đáp xuống mặt khuất của mặt trăng hôm mồng 3 tháng Giêng 2019 vừa qua, Le Point đặt tựa cho bài xã luận "Mặt khuất của Trung Quốc". Gọi là mặt khuất, nhưng ý của Le Point chính là mặt trái, mặt bị che giấu đằng sau bề mặt hào nhoáng.
Đối với Le Point, cho dù có bề ngoài uy phong đến đâu, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 70 tuổi vào năm nay, đang bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế hoạt động chậm lại, khiến cho chế độ độc tài thêm tàn nhẫn.
Tuần báo Pháp giải thích : Nhân dịp đầu năm này, Trung Quốc đã phô trương một hình ảnh đầy uy lực : Phóng được robot lên mặt khuất của mặt trăng và chứng tỏ tư cách gia nhập vào giới ưu tú công nghệ thế giới. Đe dọa dùng sức mạnh với Đài Loan để thống nhất lãnh thổ, cho thấy thái độ mất kiên nhẫn trước ý chí độc lập của đảo. Thử nghiệm một quả bom công phá bunker quy ước rất to, hay triển khai một loại hỏa tiễn hạt nhân mới xuyên lục địa, để bắn đi tín hiệu là khi cần Trung Quốc vẫn có khả năng quân sự để thực hiện tham vọng của mình.
Chiến lược lớn mà ông Tập Cận Bình muốn thực hiện là soán đoạt ngôi vị số 1 thế giới của Mỹ, mà không đối đầu quân sự, đúng với binh pháp Tôn Tử cách nay 25 thế kỷ, theo đó người tướng giỏi nhất là người quy phục được kẻ thù mà không cần chiến đấu.
Hai kỷ niệm : 70 năm chế độ cộng sản và 30 năm Thiên An Môn
Trong cuộc đấu cấp hành tinh này giữa chủ nghĩa chuyên chế Á Châu chống lại nền dân chủ tự do, năm 2019 là thời điểm rất nhạy cảm cho Trung Quốc.
Trước tiên họ sẽ mừng sinh nhật thứ 70 của nước Trung Hoa cộng sản vào ngày 01/10/2019, một tuổi thọ đã vượt Liên Xô, chỉ sống được 69 năm. Kế đến Trung Quốc sẽ phớt lờ kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp phong trào Thiên An Môn. Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn đứng vững sau vụ thảm sát đó, nhờ bảo đảm được cho tầng lớp trung lưu ngày càng đông một mức sống được tăng lên đều đặn. Nhưng kinh tế chậm lại đang đe dọa khế ước bất thành văn đó.
Cho dù chính phủ đã tung ra nhiều biện pháp kích thích, kinh tế Trung Quốc vẫn có nhiều yếu tố bất lợi : cải cách thiếu vắng, dân chúng già đi, bong bóng nợ phình to, gánh nặng của doanh nghiệp nhà nước gia tăng, chưa kể đến tệ nạn tham nhũng, thói chạy theo lợi nhuận của đảng viên, quân đội, và cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.
Tăng trưởng Trung Quốc năm 2018 thực ra chỉ là 1,67% ?
Giáo sư kinh tế Hướng Tùng Tộ (Xiang Songzuo), thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, trong tháng 12/2018 đã tỏ ý lo lắng trước việc thổi phồng quá đáng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Trong một tham luận, ông cho rằng thay vì 6,5% như chính quyền thông báo, mức tăng GDP "tối đa chỉ là khoảng 1,67%" cho năm 2018.
Le Point nhắc lại binh pháp Tôn Tử, theo đó "nghệ thuật chiến tranh là dựa trên sự lừa dối", và lời chỉ trích của giáo sư Hướng đã bị chính quyền nhanh chóng kiểm duyệt. Thế nhưng, trường hợp này đã chứng tỏ rằng có một sự phản kháng thường trực trong lòng Trung Quốc.
Ngoài ra, như tờ báo ghi nhận, kinh tế càng trì trệ thì đảng cộng sản càng siết chặt quyền kiểm soát nhắm vào người dân, sợ rằng phong trào Thiên An Môn tái diễn… Nhưng việc dùng đến vũ khí cưỡng chế lại tác hại đến phát triển kinh tế và đè nặng lên triển vọng tương lai.
Đối với tuần báo Pháp, phương Tây từng sai lầm khi cho rằng sau cái chết của Mao vào năm 1976, Trung Quốc sẽ mở cửa, sẽ tự do hóa. Ngày nay, họ cũng sẽ sai lầm như vậy nếu nghĩ rằng sự vươn lên của Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đà của 40 năm qua.
Le Point kết luận : Cho dù Tôn Tử có nhiều binh pháp đã được sử dụng thành công, nhưng việc chủ nghĩa chuyên chế có thắng được chủ nghĩa tự do hay không thì chưa có gì là chắc chắn.
Nga và Trung cố hồi sinh huyền thoại đế chế
Trung Quốc cùng với Nga cũng là chủ đề được tuần báo Courrier International bàn thảo trong bài xã luận mang tựa đề "Nga và Trung Quốc cố làm sống lại huyền thoại đế chế qua hai khái niệm "Thế Giới Nga" và "Giấc Mơ Trung Hoa"…
Nhận định của Courrier International rất gay gắt : Đã từ lâu, cả Moskva lẫn Bắc Kinh đều thấy rằng ý thức hệ cộng sản không còn làm ai mơ ước nữa. Do đó, cả hai ông Vladimir Putin - người đã được rèn luyện trong cơ quan tình báo KGB - và Tập Cận Bình - con trai của một anh hùng cách mạng thời Mao Trạch Đông, đã hiểu rằng để huy động quần chúng, không nên dựa vào giá trị dân chủ, mà phải kích động tinh thần dân tộc.
Hai nhân vật chuyên chế này không những biết cách kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của họ - Putin đã cai trị nước Nga từ năm 2000, còn ông Tập thì đã có thể giữ ghế lãnh đạo Trung Quốc suốt đời – mà còn biết sử dụng và lạm dụng những khái niệm mơ hồ và khẩu hiệu rỗng tuếch.
Thế nhưng dù là "Thế Giới Nga" của ông Putin, hay "Giấc Mơ Trung Hoa" của ông Tập, thì mục đích vẫn giống nhau : Đó là làm sống lại huyền thoại đế chế và vẽ nên một câu chuyện vĩ đại có thể làm cho công dân của họ quên đi những nỗi khổ cực trong cuộc sống hàng ngày.
Việc sát nhập Crimea năm 2014 đã giúp Putin tô son trở lại uy tín của mình. Nhưng việc Giáo hội Chính thống giáo Ukraine độc lập được thành lập ngày 05/01 với phép lành của thượng phụ Constantinople, bất chấp phản đối của thượng phụ Moskva… đã cho thấy thất bại của Putin trong việc mở rộng "Thế Giới Nga". Từ nhiều năm qua, Putin đã liên minh với thượng phụ Moskva trong mục tiêu để Giáo hội Chính thống giáo Nga bao trùm toàn bộ đế chế Liên Xô cũ.
Ở Trung Quốc, việc bành trướng lãnh thổ cũng nằm trong chương trình, được thể hiện trong phát biểu của ông Tập Cận Bình ngày 02/01, hứa hẹn thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc, và yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng, điều đó chỉ làm cho căng thẳng với Đài Bắc thêm gay gắt.
Đối với Courrier International, bước vào một năm nhạy cảm (với cuộc bầu cử tổng thống tại Ukraine, cùng với kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn và 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), hai điểm nóng đã bắt đầu nhấp nháy trên bản đồ thế giới.
Trang nhất các tuần báo
Le Point tiếp tục chú ý đến phong trào Áo Vàng tại Pháp, trong lúc L’Express thì quan tâm đến hồ sơ "Thuế thu tận gốc", một cải cách mới được áp dụng kể từ đầu năm nay.
Trái với hai đồng nghiệp vừa kể đã tập trung cho thời sự Pháp, L’Obs dành trang bìa cho một "chứng bệnh ung thư" đang lan rộng trên thế giới mang tên "Fake News – tức là tin thất thiệt", còn Courrier International thì đề cập đến hồ sơ gai góc là "Rác thải".
Riêng tuần báo Anh The Economist thì đã xoáy vào kỳ công chinh phục mặt trăng của Trung Quốc với hàng tít lớn trang bìa : "Trăng đỏ đang lên", bên trên một câu hỏi đầy lo ngại : "Phải chăng Trung Quốc sẽ thống trị khoa học ?".
Áo Vàng Pháp : Bao giờ thì dứt thù hằn ?
Thời sự nóng bỏng tại Pháp là phong trào Áo Vàng tiếp tục được báo chí theo dõi, với một hồ sơ lớn của tuần báo Le Point nêu bật thái độ bất bình trước tình trạng bạo động bùng lên mỗi thứ Bảy.
Trên trang nhất, trên nền một bức ảnh cho thấy một người biểu tình (nguyên là một cựu vô địch quyền anh) đang đấm vào mặt một cảnh sát dã chiến đầu đội mũ bảo hiểm, tay cầm khiên chắn, Le Point chạy tít đầy phẫn nộ "Áo Vàng : Bao giờ thì kết thúc đây !", kèm theo hai nhận định : "Nước Pháp bên miệng núi lửa" và "Cuộc Thảo luận toàn quốc : Bản hướng dẫn về những ý kiến sai lạc".
Đối với Le Point, nước Pháp quả là đang rơi vào tính trạng vô chính phủ. Và câu hỏi được đặt ra là các hành vi thể hiện sự thù hằn sẽ còn như thế nào nữa. Khi mô tả cảnh phá phách chiều 05/01 gần khu phố Saint-Germain ở Paris, nhà báo của Le Point rất ngán ngẩm :
"Chúng ta đang ở bên trong Paris, thế mà ta phải tự nhủ là bất kỳ cái gì cũng có thể xẩy ra, vì không khí hỗn loạn bao trùm. Nếu muốn đập tủ kính thì cứ đập và lấy đồ trong đó. Nếu muốn đốt xe thì cứ đốt và thản nhiên reo mừng về hành động của mình. Nếu muốn ném một khúc rào sắt chắn cây về phía cảnh sát thì cứ ném mà không bị bất kỳ trừng phạt nào…".
Những cáo buộc của Le Point nhắm vào những phần tử quá khích trong đoàn biểu tình Áo Vàng rất nhiều, và những hành vi bạo lực của những kẻ này thể hiện một ước muốn trả thù, chống lại một trật tự mà họ cho là bị áp đặt. Có điều là - bài viết lưu ý - :
"Trật tự mà những người biểu tình bạo động đó thách thức có đặc điểm là người cảnh sát đối diện với họ, chỉ có mức lương 2.200 euro mỗi tháng. Các phương tiện truyền thông mà những kẻ này đả phá, thì mang dáng dấp của một nhà báo viết thuê, đầu đội mũ bảo hộ chìa micro để phỏng vấn họ, và nhà báo này lương cao nhất cũng chỉ là 2.500 euro mỗi tháng. Còn giới tài chánh mà họ căm ghét, là nữ nhân viên của ngân hàng Société Générale chẳng hạn, với đồng lương vỏn vẹn 1.800 euro mỗi tháng, nhưng đã bị buộc phải nghỉ ở nhà vì nơi làm việc của cô đã người biểu tình đập phá.
Khi bị chất vấn về những điều trên, một người Áo Vàng đã bực tức trả lời : Chúng tôi rất tiếc cho họ. Tốt nhất là họ nên gia nhập hàng ngũ của chúng tôi".
Fake News – tin giả và những thuyết âm mưu
Cũng liên quan phần nào đến phong trào Áo Vàng, tuần báo L’Obs của Pháp trở lại với chủ đề tin thất thiệt trong một hồ sơ dài 14 trang. Trang bìa tờ báo chạy tít "Căn bệnh ung thư của Fake News", rồi đặt một câu hỏi : "Nó đã tấn công nền dân chủ như thế nào".
Tuần báo Pháp chua chát ghi nhận rằng cho đến nay, người ta có thể thấy đủ mọi thứ trên các mạng xã hội, cái tốt nhất cũng như cái tồi tệ nhất. Vấn đề là ngày nay, cái tồi tệ đang đe dọa cái tốt, cái giả đang qua mặt cái thật, lời nói dối lấn lướt thông tin thật đã được kiểm chứng.
Theo L’Obs, tin giả và những thuyết âm mưu đang "đầy rẫy trên các mạng xã hội" và tuần báo đã điều tra xem ai là người đã chế tạo các tin đồn thất thiệt, tìm hiểu các tin này lan truyền ra sao, và đề ra một số biện pháp ứng phó với tình trạng lũng đoạn thông tin có tổ chức này.
Lấy ví dụ về phong trào Áo Vàng và vụ khủng bố ở Strasbourg ngày 11 tháng 12 vừa qua, khiến nhiều người chết, với việc Daech gọi thủ phạm là chiến binh của họ, L’Obs đã nêu rõ một số luận điệu thất thiệt được loan truyền quanh sự kiện này.
"Trên Twitter, Marc cho rằng "Quả là khôn khéo để chặn phong trào Áo Vàng. Chơi hay đấy". Alfonso thì gọi sự kiện đó là "một âm mưu, một cuộc đảo chính" và chính quyền sẽ viện cớ để trấn áp biểu tình. Nhiều người khác thì nhìn thấy là có "bàn tay cơ quan tình báo". Maxime Nicole, biệt hiệu Fly Rider, một gương mặt cực đoan của phong trào Áo Vàng, cũng lên tiếng trên Facebook : "Phải hiểu là kẻ thực sự muốn khủng bố, thì sẽ không chỉ đợi có 3 người lảng vảng trên đường vào lúc 20 giờ để ra tay, mà sẽ đến giữa đại lộ Champs-Elysées khi có cả triệu người tại đó và kích nổ bom tự sát".
Một điểm đáng ngại được L’Obs nêu lên là sau những hình ảnh giả, Fake News, bây giờ đến lượt video thất thiệt, gọi là "deepfakes", tức là những video có vẻ rất thật, nhưng đã bị thao túng bằng những phần mềm tinh vi. Người ta có thể dàn dựng bất cứ chuyện gì, cho bất kỳ ai nói bất cứ cái gì. Để hạ nhục, bắt bí, thao túng đối phương, thì cái nguy hiểm nhất đang ở trước mặt chúng ta với những hậu quả chính trị dễ tưởng tượng ra.
Xưởng làm fake news ở Macedonia với 150 trang web thân Trump
L'Obs đã cử người đến làm phóng sự điều tra tại trong một "cơ xưởng làm fake news", ở thị trấn Vélès xứ Macedonia, nơi fakes news được sản xuất như theo dây chuyền công nghiệp. Phóng viên L’Obs ghi nhận : Bị tình nghi can dự vào cuộc bầu cử Mỹ, đất nước nhỏ bé này, do ảnh hưởng các nhóm thế lực thân Trump và thân Nga, đã trở thành vùng của những "sự thật được sản xuất hậu kỳ"
Vélès là một thị trấn rất nhỏ bé, chỉ có một dãy quán cà phê tập trung trên con lộ, hai bên là chung cư bằng bê tông. Dân cư tại đây rất ghét nhà báo đến soi mói thị trấn chỉ có 45.000 dân của họ. Thế nhưng Vélès có đến 150 trang web ủng hộ Donald Trump. Một người dân than rằng : "Các người đã giết chết con gà đẻ trứng vàng của chúng tôi". Dưới sức ép, Facebook đang truy lùng những trang đến từ Macedonia.
Thuế thu tận gốc : Lo ngại vô lý hay có cơ sở ?
Về một vấn đề được người Pháp rất quan tâm, L’Express tuần này đã dành nguyên một hồ sơ 12 trang cho biện pháp mới được áp dụng từ năm 2019 : "Thu thuế tận gốc" là tựa lớn ngay trang bìa tờ báo bên trên nhận định "Công cuộc cải cách căng thẳng".
Nhưng đây là một chủ đề đã được bàn thảo từ nhiều tháng qua, không có cái gì quá ‘sốt dẻo’. Tuần báo nhìn thấy là bối cảnh chính trị và xã hội rất căng thẳng, nhưng đến giờ mọi việc có vẻ êm xuôi, và truyền thông có vẻ bất an hơn là người Pháp, nếu tin vào các kết quả thăm dò dư luận.
Nhật Bản già đi nhanh chóng
L’Express nhìn sang Nhật Bản, trong một hồ sơ 20 trang, với ghi nhận đầu tiên : Nước Nhật già đi nhanh chóng.
Vào năm 2060, số người cao niên sẽ chiếm 40% dân chúng, theo các ước tính về dân số. Nhật sẽ chỉ còn 80 triệu dân so với 128 triệu hiện nay. Ít đi 40 triệu dân, một con số đáng ngạc nhiên. Ước tính này dựa trên tỷ lệ sinh đẻ rất thấp (1,44).
Tỷ lệ thất nghiệp 2,4% tại Nhật Bản đã xuống đến mức thấp nhất từ 25 năm nay. Nhưng số liệu này không phản ảnh sức khỏe tốt của kinh tế Nhật Bản, mà là sự thiếu nhân công lao động : cứ 140 việc làm thì chỉ tìm được 100 người xin việc.
Rác thải : Trung Quốc đóng cửa, Đông Nam Á lãnh hết
Tuần báo Pháp Courrier International đã dành hồ sơ lớn cho vấn đề xử lý rác thải đang được liệt vào diện một cuộc khủng hoảng thế giới. Ngay trang bìa, trên nền ảnh chụp rác thải chất thành núi, tờ báo chạy tựa lớn : "Rác : Một bài toán nhức đầu cấp thế giới", kèm theo một câu hỏi "Làm gì với rác do chúng ta thải ra khi mà Trung Quốc đã quyết định thôi không nhập nữa ?". Câu trả lời là một phóng sự điều tra dài của nhật báo Anh Financial Times được Courrier International trích dịch.
Theo đó, Trung Quốc không còn muốn làm thùng rác của thế giới nữa. Từ năm 2018, họ đã cấm nhập rác, và giờ đây thì Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận vật phế thải của các nước phát triển, trong điều kiện môi sinh và vệ sinh rất tồi tệ.
Số liệu của Ngân Hàng Thế Giới đưa ra cho thấy mỗi năm có đến hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới. Và từ khi có quy định sàng lọc rác trong những năm 1980, thì việc xử lý rác được rao bán như giải pháp sinh thái cho số rác ngày càng lớn được thải ra, và đó cũng là một công việc kinh doanh trị giá 175 tỷ euro trên toàn cầu…
Cho đến ngày 31/12/2017, Trung Quốc còn là "trung tâm" xử lý rác thải quốc tế. Nhưng vào năm 2018 thì tất cả đã thay đổi, Trung Quốc quyết định không nhận vật liệu để xử lý, với lý do là phần lớn vật liệu này "bẩn" hay nguy hiểm, và là một mối đe dọa cho môi trường.
Chính sách mới của Trung Quốc nghiêm ngặt đến nỗi mà những người trong ngành nghĩ là sẽ không thể được áp dụng. Thực tế rất khác : Trung Quốc và Hồng Kông, vẫn còn mua đến 60% rác thải nhựa từ các nước khối G7 vào 6 tháng đầu năm 2017, thì một năm sau chỉ còn nhập có 10%.
Financial Times đã lần theo dấu vết rác plastic và giấy cũ mà nhóm G7 xuất khẩu, và thấy rằng sau quyết định của Trung Quốc, số lượng chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á đã tăng vọt.
Trong vòng vài tháng, Malaysia đã trở thành quốc gia nhập rác thải nhựa hàng đầu với khối lượng cao gấp đôi lượng nhập của Trung Quốc và Hồng Kông. Từ giữa sáu tháng đầu 2017 và sáu tháng đầu 2018, lượng rác nhựa nhập vào Việt Nam cũng đã tăng gấp đôi, và tăng vọt 56% ở Indonesia, nhưng ngoạn mục nhất là Thái Lan, với mức tăng 1.370%.
Trọng Nghĩa
Tân Cương : Hãng Mỹ hủy hợp đồng với nhà cung cấp Trung Quốc (RFI, 11/01/2019)
Một tập đoàn Mỹ trong ngành may mặc quần áo thể thao sẽ cắt đứt quan hệ với một nhà cung cấp Trung Quốc, do quan ngại về khả năng đối tác này sử dụng lao động cưỡng bức trong các trại cải tạo ở vùng Tân Cương, nơi chế độ Bắc Kinh giam giữ người Hồi Giáo, đại bộ phận là người Duy Ngô Nhĩ.
Một hãng may tại Tân Cương. Ảnh minh họa. Reuters/Ben Blanchard
Theo AFP, ngày 09/01/2019, tập đoàn Badger Sportswear ở Bắc Carolina cho biết sẽ ngưng mua quần áo từ công ty Trung Quốc Hòa Điền Thái Đạt (Hetian Taida), mà cơ sở sản xuất đặt ở Tân Cương. Hãng Mỹ giải thích : "Trong bối cảnh có nhiều lo ngại và trong mục tiêu loại bỏ mọi nghi kỵ về dây chuyền cung ứng hàng hóa (...) chúng tôi sẽ không nhận bất kỳ sản phẩm nào đến từ Hòa Điền Thái Đạt hay miền tây bắc Trung Quốc".
Vấn đề Tân Cương đang nổi cộm với việc quốc tế lên án các trại cải tạo cầm giữ đến cả triệu người Hồi Giáo trong những điều kiện tồi tệ. Theo gia đình các nạn nhân và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, những người bị giam đã bị cưỡng bức lao động.
Bắc Kinh luôn phản bác những cáo buộc trên, khẳng định rằng đấy chỉ là những trung tâm "huấn nghệ", để giúp những người này từ bỏ thái độ cực đoan và hội nhập vào xã hội.
Nhật báo Mỹ The New York Times vào tháng 12/2018 cho biết tập đoàn Badger đã nhận một container T-shirt do Hòa Điền Thái Đạt sản xuất. Vấn đề là chính đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã xác nhận rằng công ty này đã sử dụng "những người lao động" trong các trại "cải huấn" dành cho tù nhân người Hồi Giáo.
Cho dù những nhà điều tra độc lập cũng như của chính tập đoàn Badger đều xác nhận rằng hãng Mỹ không vi phạm "nguyên tắc đạo đức trong sản xuất", nhưng hãng này vẫn hủy hợp đồng với đối tác Trung Quốc, vì "các thông tin mà Hòa Điền Thái Đạt cung cấp về cơ sở sản xuất quá mơ hồ".
Bắc Kinh dĩ nhiên đã có phản ứng gay gắt : Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm qua đã cảnh cáo rằng, "nếu ngưng hợp tác thương mại với đối tác Trung Quốc vì những lý do trên, thì tập đoàn Mỹ chỉ gây ra thảm kịch cho chính mình mà thôi". Ông Lục Khảng đồng thời tái khẳng định rằng các trại "huấn nghệ" ở Tân Cương không cưỡng bức lao động.
Mai Vân
******************
Doanh nhân Trung Quốc có quan hệ với Hoa Vi bị bắt ở Ba Lan (RFI tiếng Việt, 11/01/2019)
Theo truyền thông Ba Lan, một doanh nhân Trung Quốc có liên hệ với tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) ở Ba Lan vừa bị bắt, vì nghi ngờ làm gián điệp. Cùng bị bắt với doanh nhân Trung Quốc có một công dân Ba Lan.
Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo
Một số giới chức cao cấp Ba Lan hôm 11/01/2019 cho hay nhân vật này bị bắt hôm thứ Ba 08/01/2019. Một công dân Ba Lan cùng bị bắt với người được cho là có quan hệ với Hoa Vi. Cả hai bị tình nghi "làm gián điệp" cho Trung Quốc chống lại Warsawa.
Vẫn theo báo chí Ba Lan, công dân Piotr D. vừa bị bắt từng là một sĩ quan an ninh, chuyên gia trong lĩnh vực an toàn mạng. Người phát ngôn ngành phản gián của bộ Nội Vụ Ba Lan thì cho biết ông Piotr D. từng làm việc cho nhiều cơ quan nhà nước Ba Lan.
AFP đã liên lạc với tập đoàn Hoa Vi để hỏi có đúng người bị bắt là lãnh đạo một chi nhánh của tập đoàn hay không, nhưng không được xác nhận. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi đến AFP một thông báo cho biết Bắc Kinh "rất quan ngại" về vụ việc này, đồng thời yêu cầu quốc gia sở tại xử lý một cách không thiên vị hồ sơ nói trên, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Vụ một nhân vật có liên hệ với Hoa Vi bị bắt tại Ba Lan tuần này xảy ra chưa đầy một tháng rưỡi sau vụ một lãnh đạo Hoa Vi, bà Mạng Vãn Chu (Meng Wanzhou) – con gái của người sáng lập Hoa Vi - bị bắt tại Canada, theo yêu cầu của tư pháp Mỹ. Vụ việc khiến quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Kể từ vụ Mạnh Vãn Chu, 13 công dân Canada bị bắt giữ, trong đó có 8 người được trả tự do.
Tập đoàn Hoa Vi, do một cựu kỹ sư quân đội Trung Quốc sáng lập, bị chính quyền nhiều nước như Mỹ, Úc và Úc, nghi ngờ hoạt động gián điệp. Ba quốc gia nói trên cấm Hoa Vi tham gia xây dựng mạng lưới internet tốc độ cao 5G. Ba Lan là một trong các quốc gia Châu Âu đang sẵn sàng để Hoa Vi tham gia vào mạng 5G ở nước mình.
Trọng Thành
******************
Ba Lan bắt một quan chức Huawei người TQ vì 'tình nghi gián điệp' (BBC, 11/01/2019)
An ninh Ba Lan bắt một quan chức đại diện tập đoàn Huawei ở nước này vì 'nghi vấn gián điệp', theo truyền thông Châu Âu sáng hôm 11/01/2019.
Truyền hình quốc gia Ba Lan chạy tin 'Gián điệp đã trong tay Cục An ninh Quốc gia'
Một cựu nhân viên của chính Cục An ninh Quốc gia (ABW) là người Ba Lan cũng bị bắt trong cùng vụ việc.
Tin này được Phó Giám đốc Cục An ninh ABW, Maciej Wasik xác nhận với báo chí.
Theo Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan (TVP), người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh, giám đốc một bộ phận của tập đoàn Huawei tại Ba Lan.
Người Ba Lan bị bắt là Piotr D. cựu nhân viên an ninh cao cấp và hiện đang làm việc trong ngành viễn thông.
Đài TVP đưa tin "Piotr D" rời ABW sau khi có cáo buộc tham nhũng, nhưng ông ta chưa bao giờ bị truy tố.
Bộ Nội vụ Ba Lan cho hay hai người này bị bắt hôm 8/1 và đã bị tòa ra lệnh tạm giam ba tháng chờ điều tra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng họ "hết sức lo ngại" về vụ bắt người này.
TVP đưa tin Cục An ninh Quốc gia khám văn phòng Huawei ở Ba Lan, cũng như văn phòng của Orange Polska nơi ông "Piotr D" được cho là đang làm việc.
Có tên là Stanislaw
Đài báo Ba Lan trong ngày 11/01 liên tiếp đăng bài về vụ 'bắt gián điệp'.
Theo các thông tin đã đăng tải đó, ông Vương Vệ Tinh dùng tên Ba Lan là Stanislaw.
Được biết ông học ngành ngôn ngữ Ba Lan ở Bắc Kinh và nói thạo tiếng này, và từng làm việc trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk cho đến 2011.
Còn ông Piotr D. từng làm trong Học viện Kỹ thuật Quân sự Ba Lan ở Warsaw.
Cả hai ông Stanislaw Vương Vệ Tinh và Piotr D. đều không nhận tội khi bị bắt.
Công tố viên Ba Lan nêu cáo buộc họ "cộng tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh Trung Quốc" và có hành vi "chống lại nước Cộng hòa Ba Lan".
Nếu bị kết án, họ có thể nhận 10 năm tù giam.
Trong một thông cáo, Huawei nói hãng "tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định ở các quốc gia mà hãng hoạt động, và chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên tuân thủ luật lệ và quy định ở những nước họ làm việc".
Hãng dịch vụ viễn thông Orange nói trong một thông cáo rằng an ninh Ba Lan đã thu thập thông tin có liên quan đến một nhân viên, nhưng hãng không rõ liệu cuộc điều tra có liên quan tới công việc chuyên môn của nhân viên đó hay không.
Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Cục An ninh Ba Lan, nói với BBC rằng nhà riêng của cả hai người đàn ông đều đã bị lục soát trong cuộc điều tra.
Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G cho nhiều nước
Năm ngoái, Orange Polska cộng tác với Huawei để triển khai mạng mobile 5G ở Ba Lan.
New Zealand, Australia và Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào phát triển mạng 5G của họ.
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể dùng Huawei để do thám các quốc gia đối thủ.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc hãng này có liên hệ bí mật với chính phủ Trung Quốc.
Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada hồi tháng 12 năm ngoái vì cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran.
Tin mới nhận nói Cộng hòa Czech cũng vừa ra lệnh cấm dùng thiết bị 5G của Huawei và một số nhà bình luận tại Ba Lan viết trên báo chí nước này về nhu cầu "làm tương tự", sau vụ "bắt gián điệp" tuần này.
*******************
Những vấn đề Mỹ và Trung Quốc sẽ không bao giờ thỏa hiệp (BBC, 10/01/2019)
Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc với những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên một thỏa thuận cụ thể giữa hai bên dường như là vẫn đang ngoài tầm với.
Những vấn đề phức tạp chính giữa hai bên bao gồm : sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường
Có rất ít những chi tiết mấu chốt được rút ra từ cuộc đàm phán chỉ ra mức độ khó khăn mà Washington và Bắc Kinh sẽ phải phải đối mặt trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề phức tạp.
Những vấn đề chính giữa hai bên bao gồm : sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường, cùng với đó là tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
Nếu không có sự thay đổi căn bản về cấu trúc nền kinh tế từ phía Trung Quốc, cả hai sẽ khó tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề này.
1. Sở hữu trí tuệ
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp Mỹ và buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc.
Các công ty Mỹ thì cho rằng chính quyền Trung Quốc luôn thiên vị và đưa ra những quy tắc có lợi cho doanh nghiệp địa phương .
Phía Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.
"Không có điều luật nào ở Trung Quốc nói rằng bạn phải giao tài sản trí tuệ của mình cho các công ty Trung Quốc", Tiến sỹ Trương Huy Đào (Wang Huiyao), Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hóa, nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc.
"Nhưng chính phủ cũng cảm nhận được mối lo ngại từ phía Mỹ và có ý định sẽ trừng phạt những loại vi phạm này, nếu chúng thực sự xảy ra".
Để giải quyết mối lo ngại này, Bắc Kinh đã thành lập một tòa án về sở hữu trí tuệ và đang soạn thảo điều luật khiến giới chức Trung Quốc khó khăn hơn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ của họ cho Trung Quốc.
Tuy nhiên các luật sư phía Mỹ chỉ ra rằng bộ máy tư pháp của Trung Quốc nằm dưới sự điều hành của Đảng Cộng sản, và như thế các quyết định về pháp lý sẽ được đưa ra theo cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn, đặc biệt là khi có sự tham gia của một doanh nghiệp nhà nước.
Ông Trump luôn phàn nàn về các hoạt động giao dịch của Trung Quốc kể từ khi ông nắm quyền năm 2016
2. Tiếp cận thị trường
Thành công của nền kinh tế Trung Quốc có được dựa trên cách tiếp cận mục tiêu, trung tâm và được thiết kế nhằm có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước.
Điều này hoàn toàn trái ngược với cách vận hành của các công ty Mỹ.
Mỹ cho rằng Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước một cách không công bằng, cho họ những khoản vay lãi suất thấp và giúp đỡ những doanh nghiệp này cạnh tranh với các công ty nước ngoài một số ngành như hàng không vũ trụ, sản xuất chip điện tử và ô tô điện - đưa họ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ.
Phía Mỹ cho rằng ngay cả các công ty tư nhân Trung Quốc cũng có được những lợi thế, bởi vì các công ty nước ngoài khi cố gắng cạnh tranh ở Trung Quốc không có được những mối quan hệ hay quy mô đủ mạnh trong một thị trường khép kín, nơi mà họ cần những đối tác địa phương để hoạt động.
Trung Quốc đã hứa sẽ mở cửa thêm nhiều lĩnh vực kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài, nhưng điều này là vô nghĩa trừ khi họ cho phép các công ty của mình hoạt động độc lập.
Một nữ công nhân Trung Quốc
3. Kế hoạch "Made in China 2025"
Lộ trình phát triển công nghiệp của Trung Quốc có lẽ là trở ngại lớn nhất cho hai bên.
"Made in China 2025" mang đến nhiều mối lo cho phía Mỹ và Mỹ coi kế họach này của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp đối với vị thế của Mỹ trong những ngành như hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và 5G.
"Những gì phía Mỹ muốn là thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc", Christopher Balding, cựu giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cho hay.
"Họ muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia 'bình thường' theo định hướng thị trường. Tuy nhiên Trung Quốc lại không muốn điều đó".
Cả hai quốc gia đều đang gặp nhiều khó khăn từ chiến tranh thương mại và dự báo về tăng trưởng toàn cầu của hai bên cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, cả hai đang cố gắng tìm ra một thỏa thuận mà họ "có thể hợp tác cùng", như Wilbur Ross đã nói.
Nhưng đừng nhầm lẫn - ngay cả khi họ đi đến một thỏa thuận, cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này vẫn còn đó.
Tháng Mười Hai năm ngoái, 22 phụ nữ đang có bầu ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, vượt biên sang Trung Quốc bán đứa con chưa sinh của họ, theo báo chí trong nước thuật lời giám đốc công an tỉnh. Đầu tháng Giêng, 2019, một người Tàu và ba người Việt bị bắt ở Sài Gòn khi đang mưu tính đưa sáu phụ nữ Hà Nội qua Campuchia để cấy giống. Họ sẽ đẻ con thay cho dân Trung Quốc.
Năm 2018, số trẻ ra đời ở Trung Quốc đã giảm bớt 15% so với năm trước, mặc dù Đảng cộng sản đã xóa bỏ lệnh cấm sinh hơn một con từ năm 2015 để tăng dân số. Trong hình là một đứa bé mới sinh tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. (Hình : China Photos/Getty Images)
Có lẽ ông Tập Cận Bình không đặt ra những kế hoạch "mua bào thai" này. Nhưng cả hai sự kiện trên cho thấy một mối lo lớn của giới lãnh đạo Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang lo sẽ thiếu người ! Trong 80 năm nữa, nước Tàu có thể chỉ còn 500 triệu dân, theo tính toán của các chuyên gia về dân số học người Trung Quốc.
Hôm thứ Ba vừa rồi, ông Hà Á Phúc (何亚福), một chuyên gia nhân khẩu (人口专家) Trung Quốc đã báo động trên tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times, 环球时报) rằng số trẻ ra đời mỗi năm đang đi xuống. Trong năm ngoái, số trẻ ra đời ở Trung Quốc đã giảm bớt 15% so với năm trước, mặc dù Đảng cộng sản đã xóa bỏ lệnh cấm sinh hơn một con từ năm 2015 để tăng dân số.
Sau khi được phép sinh hai con, dân Tàu có hăm hở lo việc truyền giống ! Năm 2016 số trẻ sơ sinh đã lên tới 17,86 triệu, cao hơn con số 16,55 triệu năm 2015. Nhưng họ chỉ hăng hái được một năm, mặc dù nhà nước khuyến khích. Trong năm 2018, số trẻ mới ra đời chưa tới 15 triệu, so với con số 17,23 triệu năm 2017.
Nhà kinh tế Hoa Xương Xuân (华昌春), trong công ty chứng khoán Cử Nam Quốc Thái (莒南国泰证券), đã viết một bài nghiên cứu vấn đề này. Ông lo rằng theo đà số trẻ sơ sinh ra đời mỗi năm giảm 20% như hai năm qua, dân số nước Tàu sẽ sụt giảm, với những hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Ông lo Trung Quốc đang trên đà sụt giảm dân số !
Hậu quả của tình trạng số sinh giảm bớt sẽ thấy rõ trong vài chục năm tới. Số người làm việc, gọi là lực lượng lao động, thuộc lớp tuổi từ 20 đến 60 ở Trung Quốc sẽ giảm dần. Trong khi đó, số người già trên 60, 65 tuổi ngày càng cao hơn, nhờ các điều kiện vệ sinh, y tế tốt hơn thế hệ trước.
Dân càng trẻ thì kinh tế càng dễ phát triển. Nhìn lại thập niên 1980, tuổi trung vị (median) ở nước Tàu là 20 tuổi, trung vị tức là có một nửa số dân cao hơn, một nửa thấp hơn tuổi 20. Cùng năm 1980, tuổi trung vị ở Mỹ là 30 tuổi. Lúc đó dân Tàu trẻ hơn dân Mỹ. Kinh tế Trung Quốc bộc phát từ năm 1980 phản ảnh chính sách theo gót tư bản của Đặng Tiểu Bình, nhưng một phần cũng nhờ lực lượng lao động trẻ trung được tung vào thị trường nhân dụng. Nước Tàu đã chạy đuổi theo kinh tế nước Mỹ trong 30 năm, càng ngày càng bám sát gần hơn, nhờ nhân lực trẻ trung đó.
Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị ở Mỹ là 38, trong khi ở bên Tàu lại lên tới 40 tuổi. Dân Mỹ bắt đầu trẻ hơn dân lục địa Trung Hoa. Tình trạng này còn tiếp tục, Mỹ đang dần dần chiếm ưu thế trên mặt dân số. Đến năm 2030 và 2050, tuổi trung vị ở Tàu sẽ là 46 và 56 tuổi ; già hơn so vớ ở Mỹ sẽ là 40 và 44 tuổi.
Trong tương lai, đối thủ kinh tế của Mỹ sẽ không phải nước Tàu mà là nước Ấn Độ ; nếu chúng ta nhìn vào dân số trẻ trung của nước Á Châu lớn này. Năm 1980, tuổi trung vị người Ấn là 20, giống như bên Trung Quốc. Nhưng đến năm 2018, tuổi trung vị của Ấn Độ chỉ là 28 tuổi, và sẽ lên tới 32 tuổi năm 2030, 40 tuổi năm 2050. Dân số trẻ thì khả năng kinh doanh còn mạnh, nhiều phát minh, sáng kiến hơn. Ngay bây giờ, nước Mỹ nên lo trước, đối thủ kinh tế trong tương lai sẽ là nước Ấn Độ chứ không phải nước Tàu.
Tình trạng nhân khẩu ở nước Tàu hiện nay giống như Nhật Bản đầu thập niên 1990. Khi đó, dân số Nhật bắt đầu "già" nhanh chóng, cũng vì sanh con ít mà người già sống lâu hơn. Năm 2015, ở nước Tàu có 10% dân trên 65 tuổi, đến năm 2050 sẽ tăng lên thành gần 37%. Có thể so sánh với nước Mỹ ; năm 2015 người trên 65 tuổi chiếm 14.6% dân số ; đến năm 2050 cũng chỉ chiếm 23.2%. Ấn Độ vẫn là nước dân trẻ nhất. Năm 2015 có 5.6 dân số già trên 65 tuổi, đến năm 2050 cũng chỉ có 14.2% già như vậy.
Giáo sư Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian, 易富贤), một nhà dân số học (hay nhân khẩu học) Trung Quốc, giáo sư Đại Học Trung Nam và University of Wisconsin-Madison, đã viết cuốn "Big Country with an Empty Nest" (Nước lớn không trẻ con) ; ông tính rằng nếu sinh xuất Trung Quốc giữ bình ổn ở tỷ lệ cứ mười phụ nữ sanh 12 đứa con trong đời, bình quân mỗi người sanh 1,2 con, thì cũng khiến dân số nước Tàu giảm bớt. Tới năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ chỉ còn 1 tỷ 70 triệu người ; tới năm 2100 sẽ chỉ còn 480 triệu !
Khi tỷ lệ số người làm việc giảm mà số người già tăng, vấn đề phụng dưỡng các người trên 65 tuổi sẽ trở thành một gánh nặng cho cả xã hội. Theo ông Dịch Phú Hiền, năm 2015, ở Trung Quốc, để nuôi một người trên 65 tuổi thì có bảy người trong lớp tuổi lao động, từ 20 đến 64 tuổi, đang làm việc. Vì số người già tăng lên trong khi số người trong tuổi lao động giảm, tới năm 2030 sẽ chỉ có 3,6 người trong tuổi 20-64 làm việc nuôi một người già hơn ; và con số này sẽ giảm chỉ còn 1,7 người vào năm 2050.
Phần lớn những người cần được phụng dưỡng là phụ nữ vì các bà sống thọ hơn các ông, trung bình 6 đến 7 tuổi. Vì hệ thống an sinh xã hội còn chưa vững chãi như ở các nước tiên tiến, phụ nữ lớn tuổi ở nước Tàu là nạn nhân chính của tình trạng dân số sụt giảm, mà nguyên nhân chính là chủ trương mỗi gia đình chỉ được có một con của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Dân đông thì sẽ tiêu thụ nhiều, sẽ thúc đẩy sản xuất. Hiện nay, vì toàn bộ kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng, dân Trung Quốc đã giảm số tiền tiêu. Người dân lo trước cảnh kinh tế bấp bênh nên dè sẻn hơn. Giá nhà cửa lên cao khiến họ càng bớt các món chi tiêu khác. Năm 2017 số tiêu thụ tăng đã đóng góp ba phần tư vào số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, năm 2018 xuống chỉ còn hai phần ba, theo Bộ Thương Mại ở Bắc Kinh. Nếu dân số tiếp tục giảm, tiêu thụ sẽ giảm theo, một động lực thúc đẩy kinh tế sẽ mất đà.
Trước những dự báo dân số như trên, người Việt Nam sẽ không phải lo lắng quá trước đà đi lên của kinh tế Trung Quốc ; không lo họ sẽ đè bẹp nước mình. Sức bành trướng của nước Tàu tăng mạnh trong 30 năm qua, hiện đang giảm tốc. Nếu có những người Trung Hoa qua Việt Nam hay Campuchia mướn người đẻ giúp thì cũng không khiến cho dân số nước Tàu đứng vững, tránh khỏi cảnh sụt giảm.
Nhưng đó cũng không chắc chắn là một tin mừng cho dân tộc Việt Nam. Dân nước mình trẻ hơn, nhưng không có gì bảo đảm rằng lực lượng lao động của mình được dùng đúng, đưa tới hiệu quả kinh tế.
Các bà bầu gốc Nghệ An qua Tàu bán bào thai của họ với giá từ 40 triệu đến 50 triệu đồng (nếu sanh con trai, khoảng 1.700 USD đến 2.100 USD) và 70 triệu đến 80 triệu đồng (con gái, khoảng 3.000 USD đến 3.400 USD). Với số tiền đó, họ sống được mấy tuần, mấy tháng ? Tiêu hết tiền rồi thì sao ? Lại nỗ lực mang bầu tiếp để xuất khẩu bào thai chăng ? Nếu người Việt cũng chỉ đóng vai làm thuê, sinh đẻ thuê cho người phương Bắc, thì đời đời sẽ không ngóc đầu lên nổi !
Chính quyền hiện nay đang bắt, phạt những phụ nữ đáng thương sinh sống bằng cách này. Nhưng muốn chấm dứt cảnh thê thảm đó thì phải làm gì, ông Nguyễn Phú Trọng đã tính chưa ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 04/01/2019
Quân đội Trung Quốc "lên gân" nhân dịp đầu năm 2019 RFI, 02/01/2019)
Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ chỉ giảm nhẹ, đặc biệt vào cuối năm 2018 với cuộc hưu chiến thương mại, tờ báo chính thức của Quân Đội Trung Quốc vào đúng ngày đầu năm 01/01/2019 hôm qua đã ra một bài xã luận khẳng định ưu tiên hàng đầu của lực lượng võ trang Trung Quốc trong năm mới. Đó là tăng cường rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Quân đội Trung Quốc làm lễ thượng cờ trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày đầu năm mới 01/01/2019. Reuters/Stringer
Theo một số nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) trích dẫn, đây là một động thái khác thường, có mục tiêu phô trương thanh thế để thị uy.
Bài xã luận của tờ báo nêu bật ưu tiên số một : "Chúng ta cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt trong một cuộc chiến và tăng cường năng lực toàn diện của binh lính nhằm ứng phó với các tình trạng khẩn cấp… bảo đảm sao cho có thể chiến thắng trước các thách thức".
Những ưu tiên khác được tờ báo nêu lên là lên kế hoạch thấu đáo, thực hiện nghiêm chỉnh để phát triển, cải tiến và đổi mới quân đội, và xây dựng đảng vững mạnh trong hàng ngũ quân đội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy việc nâng cao năng lực tác chiến của quân đội từ khi ông lên nắm quyền năm 2012. Đối với giới quan sát, việc tăng cường rèn luyện đồng nghĩa với phô trương sức mạnh, và việc nêu bật ưu tiên này ngay vào đầu năm có thể là dấu hiệu cho thấy đó là một phần quan trọng trong kế hoạch năm 2019.
Một cựu trung tá quân đội Trung Quốc, hiện là chuyên gia phân tích quân sự tại Nam Xương (tỉnh Giang Tây) đã giải thích với tờ SCMP rằng trong suốt 20 năm trước ngày ông giải ngũ vào năm 2004, việc luyện tập để sẵn sàng tác chiến luôn là một trong những công việc hàng đầu của quân đội. Tuy nhiên, điểm khác thường năm nay là việc luyện tập để chuẩn bị cho chiến tranh được nêu bật ngay đầu năm.
Đối với chuyên gia này, điều đó có nghĩa là ưu tiên đó trở thành kế hoạch toàn năm, cho dù ý định thực sự đằng sau động thái đó trước mắt chưa được rõ.
Theo cựu thứ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Lâm Trung Bân (Lin Chong Pin), mục tiêu của Quân Đội Trung Quốc không ngoài việc phô trương sức mạnh để thị uy : "Đặt ưu tiên cho việc rèn luyện và chuẩn bị cho chiến tranh chỉ là một động thái thị uy để thúc đẩy sức mạnh ngoại giao mà quân đội Trung Quốc thường làm trong 4 thập niên qua, cho dù chưa hề đánh một nước khác trong thời gian đó".
Quan sát viên này ghi nhận : "Động thái này được đưa ra vào lúc mà Hoa Kỳ tăng sức ép lên Trung Quốc với một loạt chiến dịch quân sự. Nhưng tôi chắc chắn 100% là quân đội Trung Quốc sẽ không tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, dù ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan".
Diều hâu Trung Quốc đòi đánh chìm tàu sân bay Mỹ
Một trong những đối tượng mà Bắc Kinh nhắm đến trong việc thị uy chính là Mỹ. Theo cựu chuẩn đô đốc La Viện (Lou Yuan), một nhân vật nổi tiếng diều hâu trong giới chuyên gia quân sự Trung Quốc, thì muốn thắng Mỹ, chỉ cần đánh chìm hai tàu sân bay của Hoa Kỳ, với 5.000 người trên mỗi chiếc.
Trang thông tin Úc news.com.au đã trích dẫn hãng tin Đài Loan CAN cho biết trong tham luận ngày 20/12 tại một hội nghị ở Thâm Quyến (Trung Quốc), nhà bình luận quân sự này khẳng định rằng tử huyệt của Mỹ chính là tàu sân bay, và các tên lửa hành trình. Đạn đạo chống hạm mới của Trung Quốc có thể tấn công các hàng không mẫu hạm Mỹ kể cả khi nằm giữa một hệ thống phòng thủ chặt chẽ.
Đối với ông La Viện, "những gì Mỹ lo sợ nhất là thương vong" và khi hai tàu sân bay Mỹ bị đánh chìm, điều đó có nghĩa là 10.000 người làm việc trên tàu sẽ thiệt mạng, "chúng ta sẽ thấy người Mỹ sợ hãi như thế nào".
Trọng Nghĩa
*****************
Tập Cận Bình dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực (RFI, 02/01/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài diễn văn hôm nay, 02/01/2019, tuyên bố việc Đài Loan độc lập sẽ dẫn đến "thảm họa". Ông Tập cổ vũ cho sự "thống nhất" một cách hòa bình, nhưng đồng thời cảnh cáo không loại trừ việc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan.
Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh cáo Đài Loan trong bài diễn văn ngày 02/01/2019. AFP/POOL/Mark Schiefelbein
Song song đó, tờ Giải Phóng Quân Báo vừa công bố các mục tiêu cho năm 2019, kêu gọi "chuẩn bị chiến tranh". Từ Thượng Hải, thông tín viên Angélique Forget tường trình :
"Tăng cường huấn luyện và chỉnh đốn thái độ binh lính để có thể sẵn sàng trong trường hợp xung đột : quân đội Trung Quốc giương oai diễu võ trong chương trình năm mới đầy tính hiếu chiến. Tờ báo chính thức của Giải phóng quân Trung Quốc viết : "Chuẩn bị chiến tranh trở thành điều căn bản, đây phải là hướng chính".
Trong khi căng thẳng không ngừng tăng lên với láng giềng Đài Loan, kế hoạch này như một lời cảnh báo cho những ý định độc lập của hòn đảo. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục cho máy bay và tàu chiến quần thảo xung quanh Đài Loan. Và cách đây vài ngày, chính quân đội Trung Quốc đã cảnh cáo chính quyền Đài Bắc là sẽ rơi vào ngõ cụt nếu cố gắng ngăn trở việc thống nhất với Hoa lục.
Trong bài diễn văn đọc sáng nay tại Bắc Kinh, vị chủ tịch đầy quyền lực Tập Cận Bình đồng thời là chủ tịch Quân ủy Trung ương đã răn đe : "Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng vũ lực để chống lại các lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan".
Ông Tập Cận Bình cho rằng việc thống nhất theo chính sách "Một đất nước, hai chế độ" sẽ "bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc của đồng bào Đài Loan". Chủ tịch Trung Quốc gợi ý cho thảo luận rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội, nhưng với điều kiện tiên quyết là phải công nhận nguyên tắc "chỉ có một nước Trung Hoa".
Phát biểu ngay sau bài diễn văn của ông Tập, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định đảo quốc không thể chấp nhận đề nghị trên, nhấn mạnh việc thương lượng phải trên cơ sở giữa hai chính phủ với nhau. Trong diễn văn đầu năm mới hôm qua, bà cũng đề nghị Bắc Kinh giải quyết bất đồng một cách hòa bình, và tôn trọng những giá trị dân chủ của Đài Loan.
Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông bình luận : "Ông Tập tuyên bố :' Chúng tôi sẵn sàng thương lượng, nhưng trước hết quý vị phải đầu hàng đi !' Như thế thì chẳng đối thoại với ai được». Dân biểu Hồng Kông Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) nhận định : "Trung Quốc đang nuốt chửng Hồng Kông trong mọi lãnh vực, nhưng lại giải thích rằng Hồng Kông là mẫu mực tuyệt vời cho Đài Loan. Đó là một trò đùa !".
Thụy My
*******************
Tập Cận Bình nói Đài Loan 'phải và sẽ' hợp nhất với Trung Quốc (BBC, 02/01/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân Đài Loan chấp nhận rằng họ 'phải và sẽ' hợp nhất với Trung Quốc.
Quân đội Đài Loan diễu hành - Hình minh họa
Trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm kể từ khi cải thiện mối quan hệ với Đài Loan, ông Tập nhắc lại lời kêu gọi thống nhất ôn hòa với Bắc Kinh trên cơ sở một quốc gia hai thể chế. Tuy nhiên, ông nói Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực.
Trong khi Đài Loan tự trị và độc lập trên thực tế, Bắc Kinh coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết cả hai bên là một phần một đại gia đình Trung Quốc và rằng nền độc lập của Đài Loan là "một dòng chảy ngược lịch sử và là ngõ cụt".
Người dân Đài Loan "phải hiểu rằng độc lập sẽ chỉ mang lại khó khăn", ông Tập nói và thêm rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hình thức hành động nào thúc đẩy nền độc lập của Đài Loan.
Ông cũng nhấn mạnh rằng quan hệ với Đài Loan là "một phần chính trị nội bộ của Trung Quốc" và rằng "sự can thiệp của nước ngoài là không thể chấp nhận được".
Bắc Kinh "bảo lưu lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết chống lại các lực lượng bên ngoài can thiệp vào việc thống nhất hòa bình", ông nói.
Một ngày trước bài phát biểu của ông Tập, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng Bắc Kinh nên chấp nhận sự tồn tại của Đài Loan và sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết mâu thuẫn với hòn đảo này.
Trung Quốc nên "tôn trọng sự kiên quyết của 23 triệu người về tự do và dân chủ, và phải sử dụng hòa bình, công bằng để xử lý sự khác biệt của chúng tôi", bà nói thêm.
Vào tháng 11, đảng chính trị của bà Thái Văn Anh đã vấp phải một thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử khu vực được Bắc Kinh coi là một đòn giáng mạnh vào lập trường ly khai của bà.
Vấn đề vì đâu ?
Đài Loan là một nền dân chủ tự trị và trên thực tế đã hoạt động như một quốc gia độc lập kể từ năm 1950, khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bị lực lượng cộng sản đánh đuổi ở Đại lục và chạy sang hòn đảo này.
Tuy nhiên, Trung Quốc coi hòn đảo này là một tỉnh ly khai - không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa của nó - một ngày nào đó sẽ được hợp nhất hoàn toàn với đất liền.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán đối với các yêu sách của mình.
Ví dụ, Trung Quốc khẳng định rằng các quốc gia khác chỉ có thể có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hoặc Đài Loan chứ không phải cả hai.
Bắc Kinh đã giành được ngày càng nhiều trong số các đồng minh quốc tế ít ỏi của Đài Bắc, những nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này và thay vào đó thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng buộc các hãng hàng không và khách sạn nước ngoài liệt kê Đài Loan là một phần của Trung Quốc trên trang web của họ.
****************
Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong (VOA, 02/01/2019)
Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường ở Hong Kong hôm 1/1 để đòi dân chủ, các quyền cơ bản và thậm chí là độc lập khỏi Trung Quốc trong bối cảnh họ phải đối mặt với sự đàn áp gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các quyền tự do địa phương.
Cuộc biểu tình đầu Năm Mới thu hút đông đảo người dân Hong Kong
Trong năm qua, Mỹ và Anh đã bày tỏ quan ngại về một số vụ việc mà họ cho rằng đã phá hoại lòng tin về tự do và tự trị của Hong Kong dưới sự cai trị của Trung Quốc.
Những vụ việc này bao gồm bỏ tù các nhà hoạt động, cấm các đảng phái chính trị cổ súy độc lập và trục xuất trên thực tế một nhà báo phương Tây và ngăn cản các nhà hoạt động dân chủ ra ứng cử.
Cuộc biểu tình vào năm mới cũng bao gồm lời kêu gọi khởi động lại các cuộc cải cách dân chủ đã bị ngưng trệ và đấu tranh với ‘đàn áp chính trị’ của Bắc Kinh.
"Nhìn lại một năm trôi qua, đó là một năm rất tồi tệ… Pháp trị ở Hong Kong đang thụt lùi", Jimmy Sham, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, cho biết.
Những nhà tổ chức cho biết cuộc tuần hành có 5.500 người tham gia – điều chỉnh lại con số ước tính lúc đầu là 5.800 người trong khi cảnh sát nói rằng có 3.200 xuống đường vào lúc cao điểm của cuộc tuần hành.
Mặc dù chính quyền Hong Kong đã đàn áp quyết liệt phong trào đòi độc lập, điều này không hề ngăn khoảng 100 nhà hoạt động đòi độc lập tham gia cuộc tuần hành. Họ trương những biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu đòi Hong Kong tách ra khỏi Trung Quốc.
Trung Quốc xem Hong Kong là phần lãnh thổ không thể tách rời của họ và lên án ‘những kẻ ly khai’ là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, ngay cả khi phong trào đòi độc lập không giành được nhiều sự ủng hộ của người dân.
"Chính quyền sẽ tiếp tục đàn áp phong trào độc lập của Hong Kong, nhưng phong trào sẽ ngày càng lớn mạnh", Baggio Leung, một lãnh đạo phong trào độc lập, nói và cho biết một số thành viên trong nhóm của ông đã bị các băng đảng ‘tam hoàng’ quấy phá trước khi cuộc tuần hành diễn ra.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ vào năm ngoái, chính quyền Hong Kong đã cấm Đảng Dân tộc Hong Kong với lý do an ninh quốc gia vì lập trường đòi độc lập của đảng này.
Nhà báo phương Tây Victor Mallet trên thực tế đã bị trục xuất khỏi Hong Kong chẳng lâu sau khi ông có cuộc trò chuyện với lãnh đạo Đảng Dân tộc Hong Kong tại một câu lạc bộ báo chí.
Việc từ chối cấp thị thực cho Mallet mà cho đến nay chính quyền Hong Kong vẫn không đưa ra lời giải thích, đã bị một số chính phủ nước ngoài chỉ trích.
Một số người biểu tình còn đem theo chân dung của Theresa Cheng, quan chức tư pháp cao nhất của đặc khu, với dòng chữ ‘Truy nã’ để lên án quyết định của bà này ngưng một cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Lương Chấn Anh, cựu đặc khu trưởng và là người thân Bắc Kinh, mà không đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
"Tôi lo ngại rằng áp lực sẽ tiếp tục", ông Joseph Cheng, một nhà vận động nhân quyền kỳ cựu và là một giáo sư về hưu vốn đang gây quỹ ‘công lý’ cho những nhà hoạt động phải chịu chi phí pháp lý cao ngất cho một số phiên tòa.
"Chúng tôi sẽ đối mặt với một vài năm rất khó khăn, nhưng chúng tôi phải kiên định… Không giống như trong đại lục, ít nhất chúng tôi còn có quyền phản đối", ông Cheng nói.
********************
Dân Hồng Kông tuần hành đòi dân chủ (RFI, 02/01/2019)
Khoảng vài nghìn người dân Hồng Kông đã xuống đường đúng ngày đầu năm 01/01/2019 để yêu cầu được hưởng một nền dân chủ toàn vẹn, tôn trọng những quyền cơ bản và thậm chí là độc lập với Trung Quốc. Nhiều người biểu tình cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang bóp nghẹt các quyền tự do ở Hồng Kông.
Cuộc tuần hành đầu năm đòi dân chủ ở Hồng Kông ngày 01/01/2019. Reuters/Tyrone Siu
Theo thống kê của các nhà tổ chức, cuộc tuần hành đầu năm mới đã thu hút khoảng 5.800 người nhằm yêu cầu khôi phục các biện pháp cải cách dân chủ và phản đối "hành động trấn áp chính trị" của Bắc Kinh.
Ông Jimmy Sham, một nhà đồng tổ chức cuộc tuần hành, nhận xét : "Nếu nhìn lại năm vừa qua, đó là một năm rất xấu. Nhà nước pháp quyền bị thụt lùi ở Hồng Kông".
Hãng tin Reuters cho biết hàng trăm nhà đấu tranh vì độc lập cho Hồng Kông đã tham gia đoàn tuần hành bất chấp các biện pháp ngăn chặn của chính quyền. Trong đoàn người biểu tình xuất hiện nhiều băng-rôn, khẩu hiệu ủng hộ ly khai.
Đối với Bắc Kinh, Hồng Kông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và "toàn vẹn lãnh thổ quốc gia" đang bị hoạt động của "các nhà ly khai" Hồng Kông đe dọa, dù phong trào đấu tranh đòi độc lập cho Hồng Kông không thực sự được ủng hộ rộng rãi trong dân chúng.
Thu Hằng
Dù có những bất đồng xoay quanh vấn đề chủ quyền, tuy nhiên, Hà Nội vẫn coi Trung Quốc như hình mẫu trong phát triển kinh tế và tập trung xây dựng quyền lực chính trị trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Các đoàn lãnh đạo bộ ngành Việt Nam được cử sang thăm, làm việc và học tập những thành tựu kinh tế - thương mại - đầu tư của Trung Quốc. Thậm chí vào năm 2018, một nhóm nhà báo được Bộ Khoa học & Đầu tư tài trợ sang thăm Thâm Quyến và Thượng Hải, nhằm củng cố truyền thông về sự hiệu quả của đặc khu kinh tế khi áp dụng tại Việt Nam.
Sách "Paper Tiger : Inside the Real China" của Xu Zhiyuan, dịch giả Michelle Deeter và Nicky Harman
Trung Quốc cũng được coi là một nước Cộng sản kiểu mẫu, nơi mà nhiều quốc gia ít ỏi còn theo đuổi thể chế này dõi mắt và đặt niềm tin lẫn hy vọng cho sự vươn lên chủ nghĩa xã hội, sau sự sụp đổ của anh cả Liên Xô.
Sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, từ một công xưởng của thế giới trở thành một quốc gia tiệm cận công nghệ thông minh (AI) cũng đảm bảo sự chính danh cho nền chuyên chuyến nước này, đứng đầu là ông Tập Cận Bình
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Trung Quốc có thực sự là siêu cường như cách mà mọi người (đặc biệt là những nước cộng sản) đang nghĩ ?
Ryan Avent – một nhà báo của Washington Post trong một bài viết mổ xẻ về vấn đề này đã cho thấy, bất chấp những nỗ lực trong phát triển kinh tế, cũng như việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phải đang căng não, khi hứa hẹn về một sự cải thiện mức sống cho hàng triệu người, 1/5 dân số Trung Quốc vẫn trong tình trạng đói nghèo, thậm chí là nghèo hơn cả nhóm dân ở vùng Hạ Sahara thuộc Châu Phi.
Trung Quốc từng có thời điểm trỗi dậy không dè chừng, nay trở nên mỏng manh hơn sau cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Sự nhượng bộ liên tục và những tổn thương nền kinh tế sau hàng loạt sự sụp đổ của nhóm đầu sỏ công nghệ Bắc Kinh đã cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ giống như… con hổ giấy.
Những gì thế giới thấy ở Trung Quốc ngày hôm nay, không đi từ nguồn lực chất xám hay một thể chế tạo nguồn cho chất xám phát triển, mà ngược lại, nó chỉ đơn thuần là sự bảo hộ đối với các doanh nghiệp nội địa lớn trong nước ; ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ ; trợ cấp công nghiệp. Trung Quốc trở thành hiện thân của một đất nước tham gia nhiều Công ước quốc tế về thương mại và đầu tư, nhưng cũng là quốc gia phá vỡ các niềm tin vào quy tắc của các công ước thương mại quốc tế nhiều nhất, tinh vi nhất.
Trung Quốc, tiệm cận nền công nghiệp ảo (AI), đơn giản vì thể chế này bảo hộ một nền công nghiệp copy (nhái).
Nền kinh tế của Trung Quốc chưa bao giờ thực sự bền vững, nó là một bức họa đầy khoa trương nhưng lố bịch. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm hơn ½ kể từ năm 2007 và ngày càng phụ thuộc vào nguồn nợ không bền vững. Biểu đồ nhân khẩu học theo xu hướng lao động đang giảm, và dự kiến giảm 25 triệu người vào năm 2030. Năng suất lao động của quốc gia này cũng không được đánh giá cao.
Kể cả trong giai đoạn mà nền kinh tế bùng nổ, nhiều người nhầm tưởng Trung Quốc hóa rồng, tuy nhiên, sự bùng nổ này lại dựa vào nguồn đầu tư vốn, chứ không phải dựa trên sự hiệu quả trong sử dụng nguồn lực tại chỗ. Trung Quốc nhái công nghệ và kỹ thuật hơn là tự lực tạo ra nó. Và nền kinh tế hoàn toàn phi thị trường khi mà cánh tay của nhà nước liên tục can thiệp vào và điều tiết một nền kinh tế bất kham dựa trên các tập đoàn nhà nước lớn.
Vậy Trung Quốc có giống Liên Xô không ? Có vẻ giống, khi mà các nhóm công ty tư nhân chưa bao giờ được ưu đãi, và ngay cả trong thời đại Tập Cận Bình, cũng chưa thể khiến cho nguồn đầu tư mới vào các công ty nhà nước giảm đi. Nhưng có vẻ, Tập Cận Bình, người từng hứa cải cách thị trường, lại rất giỏi trong lĩnh vực rao giảng kinh viện về quyền lực tuyệt đối, cũng như bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng chính kiến.
Tất cả những điều trên gợi nhớ một nhà nước Liên Xô trong giai đoạn cuối, thời điểm mà mệnh lệnh chính trị được coi là số 1 trong điều hành kinh tế, nợ chồng chất, vốn đầu tư thấp, năng suất kém….
Và một sự bùng nổ chính trị đã kết thúc tất cả.
Trung Quốc có thể bị loại bỏ cuộc cạnh tranh quyền lực mềm hoặc hoặc một vị thế cường quốc mà nước này đang theo đuổi với nền kinh tế đầy bất ổn nêu trên. Và như vậy, bản chất của Trung Quốc nào có phải là một cường quốc, nói theo khẩu ngữ của NXB Sự thật (Việt Nam), thì Trung Quốc là "con hổ giấy" và nó đang "giãy chết".
Vậy hà cớ gì phải theo đuổi một "cường quốc tự phong" như vậy, trong khi có thể tự cường thay đổi và cải cách (thể chế kinh tế, chính trị, xã hội) trên cơ sở tự do hóa ?
Việt Nam thực sự muốn vậy không ? Điều này phụ thuộc rất nhiều về "quyền lợi quốc gia" được các lãnh đạo Hà Nội đặt ở đâu trong lựa chọn tồn tại và phát triển.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 02/01/2018
2018 : Năm Trung Quốc tăng tốc triển khai lực lượng ở Biển Đông (RFI, 27/12/2018)
Tổng kết tình hình Biển Đông trong năm, ông Greg Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington mới đây đã nhấn mạnh : 2018 chính là năm Trung Quốc bước vào một 'giai đoạn' mới trong việc quân sự hóa Biển Đông, đặc biệt là việc triển khai thiết bị quân sự và tàu thuyền đến các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp và xây dựng gần như xong tại quần đảo Trường Sa.
Không quân Trung Quốc luyện tập bắn đạn thật ở Biển Đông Ảnh do báo Japan Times chụp lại trên truyền hình Trung Quốc. (Capture d'image www.japantimes.co.jp)
Trang mạng Rappler của Philippines ngày 26/12/2018 trích dẫn các ý kiến được giám đốc AMTI nêu bật trong bài thuyết trình ngày 07/12 tại một diễn đàn do hai trung tâm nghiên cứu Philippines Stratbase và Viện Albert del Rosario tổ chức.
Theo chuyên gia hàng đầu về Biển Đông này, lo ngại về những hoạt động trên không và trên biển của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông đã có từ trước đây, nhưng năm 2018 quả là năm Bắc Kinh tiến hành giai đoạn ba của tiến trình quân sự hóa, có thể mệnh danh là giai đoạn ‘triển khai’.
Đối với ông Poling, trong 6 tháng đầu năm, đà tăng cường lực lượng của quân đội Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa đã diễn ra đều đặn, khá nhanh chóng, đặc biệt là tại ba thực thể : Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, chuyên gia Poling cũng nêu lên những hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, một quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ từ năm 1974 từ tay Việt Nam.
Công việc triển khai lực lượng Trung Quốc xuống Biển Đông được thấy trước tiên qua việc chuyển thiết bị quân sự đến các tiền đồn mà họ đã xây dựng.
Chuyên gia Poling đã liệt kê một số sự kiện như vụ máy bay vận tải quân sự lần đầu tiên hạ cánh trên Đá Vành Khăn, thiết bị gây nhiễu tiên tiến được lắp đặt trên Đá Vành Khăn và Đá Chữ Thập. Đáng ngại hơn cả là việc bố trí các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa hành trình chống hạm trên một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.
Còn tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng một cấu trúc được trang bị pin mặt trời và một vòm radar ở đảo Bông Bay.
Ngoài các cơ sở cố định, trong năm 2018, tàu hải quân Trung Quốc liên tục đến cặp bến các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trong lúc lực lượng dân quân biển Trung Quốc được tăng cường trong khu vực.
Ảnh vệ tinh chụp vào tháng 8 chẳng hạn, cho thấy khoảng 200 tàu bán quân sự của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh Đá Xu Bi. Với chiều dài năm mươi mốt mét, các tàu này lớn hơn hầu hết tàu của các cơ quan chấp pháp biển của các nước Đông Nam Á khác.
Đối với ông Poling, sẽ là một sai lầm khi cho rằng các chiếc tàu đó chỉ có vai trò thứ yếu trong kho vũ khí của Trung Quốc, vì cho đến nay, nhiệm vụ gần như là duy nhất của lực lượng dân quân biển là hù dọa các láng giềng, ngoài ra không thấy có công việc nào khác.
Theo ông Poling, việc có đông đảo tàu dân quân biển Trung Quốc tại khu vực Đá Xu Bi có thể được giải thích bằng vị trí của tiền đồn này, gần đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát. Tàu Trung Quốc từ Xu Bi thường xuyên đến gần vùng biển quanh đảo Thị Tứ, chủ yếu là để đe dọa các tàu của Philippines đến tiếp tế cho dân cư và binh lính trên đảo Thị Tứ.
Hiện nay, Trung Quốc chưa thấy đưa chiến đấu cơ xuống đóng căn cứ thường trực ở Biển Đông, nhưng theo ông Poling, với các nhà chứa máy bay đã hoàn thành trên ba thực thể Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, việc triển khai chắc chắn sẽ diễn ra trong nay mai.
Giám đốc AMTI ghi nhận là Trung Quốc đã xây tổng cộng 72 nhà chứa phi cơ trên các đảo họ chiếm giữ tại Trường Sa, và "các nhà chứa này được xây đâu phải là với mục đích để trống".
Trọng Nghĩa
*******************
Trung Quốc công bố dự luật chống cưỡng bức chuyển giao công nghệ (RFI, 27/12/2018)
Hôm 27/12/2018, Trung Quốc công bố dự thảo về việc cấm cưỡng bức doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Đây là một trong những đòi hỏi chủ yếu mà Hoa Kỳ buộc Bắc Kinh phải đáp ứng, để chấm dứt cuộc chiến thương mại song phương.
Ảnh minh họa : Mô-típ mê cung do máy tính thiết kế. Siegfried Forster / RFI
Theo Reuters, toàn bộ dư luật gồm 39 điều khoản đã được Ủy Ban Thường Vụ Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tức cơ quan cao cấp nhất của Quốc hội Trung Quốc, công bố. Trong văn bản dự thảo có đoạn nói rõ : "Các cơ quan chính quyền và nhân viên chính quyền không được phép sử dụng các biện pháp hành chính để cưỡng bức chuyển giao công nghệ".Hãng tin Reuters nhận định văn bản này có lập trường cứng rắn hơn rất nhiều về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hơn hẳn so với một tuyên bố tương tự về chủ đề này, hồi năm 2015.
Cho dù Bắc Kinh liên tục phủ nhận việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ, dự luật nói trên cho thấy chính quyền Trung Quốc dường như sẵn sàng mạnh tay hơn với các hoạt động bất chính này, để đáp ứng đòi hỏi của Mỹ. Một khi được thông qua, luật này sẽ thay thế ba luật đã có, điều chỉnh lĩnh vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Dự luật được đưa ra lấy ý kiến công luận từ nay đến 24/02. Theo một số đại biểu Quốc hội Trung Quốc, được Tân Hoa xã trích dẫn, dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu "sớm nhất có thể". Một ủy viên Ủy Ban Thường Vụ của Quốc hội Trung Quốc thậm chí cho rằng dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu ngay tại cuộc họp của Quốc hội Trung Quốc đầu tháng Ba.
Tuy nhiên, một số chuyên gia về luật và nhà tư vấn thương mại tỏ ý nghi ngờ về các biện pháp mà dư luật được đưa ra nhằm bảo vệ các lợi ích của doanh nghiệp nước ngoài, do sự thiếu vắng Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Theo ông Dan Harris, phó giám đốc văn phòng luật Harris Bricken, ở Seattle, luật pháp Trung Quốc chỉ là trên giấy tờ, thực tế có thể hoàn toàn khác. Vị chuyên gia này cho rằng lịch sử 10 năm qua là bằng chứng rõ nhất cho thấy những gì sẽ diễn ra trong tương lai : "10 năm trước, Trung Quốc tuyên bố muốn mở cửa, nhưng sau đó quá trình này đã chấm dứt cách nay 5 năm".
Trọng Thành
*********************
Trung Quốc : Lãnh tụ sinh viên mác-xít bị bắt trong ngày sinh nhật Mao (RFI, 26/12/2018)
Khưu Chiêm Huyên (Qiu Zhanxuan), lãnh tụ sinh viên mác-xít nổi tiếng hôm nay 26/12/2018 bị công an Trung Quốc bắt giữ trước cổng trường, ngay trong ngày kỷ niệm 125 năm sinh nhật Mao Trạch Đông.
Một lối vào cửa Đại học Bắc Kinh. Wikimedia commons
Một sinh viên chứng kiến cho AFP biết, Khưu Chiêm Huyên, chủ tịch hội sinh viên mác-xít của trường đại học Bắc Kinh đã bị bảy, tám người đẩy vào một chiếc xe hơi màu đen. Anh phản đối kịch liệt, nói rằng không hề phạm luật. Nhóm người bắt sinh viên này đã chìa cho xem giấy tờ của công an khi bị những người xung quanh chất vấn.
Sinh viên Khưu Chiêm Huyên bị bắt lúc đang chuẩn bị tham dự buổi lễ tưởng niệm Mao Trạch Đông do anh tổ chức, tuy hôm qua đã được một người có trách nhiệm trong trường cảnh cáo. Nhân chứng nói rằng không thể hiểu được vì sao kỷ niệm 125 ngày sinh Mao chủ tịch mà lại bị cấm. Các thông tin của hội sinh viên mác-xít bị xóa, tài khoản WeChat bị phong tỏa.
Trường đại học Bắc Kinh và bộ Công An Trung Quốc từ chối trả lời các hãng tin Reuters, AFP về vụ này.
Báo chí không nói đến sinh nhật Mao
Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm gần đây cố giữ khoảng cách với di sản của Mao Trạch Đông, qua đời năm 1976. Ngày sinh nhật Mao không được nhắc đến trên tất cả các báo in tại Hoa lục hôm nay.
Là ngôi trường danh giá nhất Trung Quốc, đại học Bắc Kinh có lịch sử hoạt động lâu dài, với các cựu sinh viên đã đóng vai trò chủ chốt trong phong trào biểu tình đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên dưới thời Tập Cận Bình, các hoạt động sinh viên đã bị dẹp bỏ.
Hồi tháng Tám, công an đã bố ráp nhiều trường đại học, một số sinh viên bị đánh đập và tịch thu điện thoại vì đã ủng hộ phong trào công nhân đấu tranh. Nhóm Jasic Workers Solidarity xuất hiện vào mùa hè này, gồm các sinh viên cố giúp thành lập công đoàn độc lập tại Jasic Technology, một công ty ở Quảng Đông.
Trước đó vào tháng Tư, đại học Bắc Kinh cố bịt miệng một sinh viên khác là Yue Xin, đồng tác giả một bản kiến nghị đòi vạch rõ các vụ lạm dụng tình dục trong nhà trường.
Thụy My
***************
Trump muốn đẩy 2 tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi khỏi thị trường Mỹ (RFI, 27/12/2018)
Theo hãng tin Reuters hôm nay, 27/12/2018, chính quyền Mỹ dự định kể từ đầu năm 2019 sẽ cấm các doanh nghiệp nước này mua thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất. Mặc dù không bị chỉ đích danh, nhưng chắc chắn hai tập đoàn Hoa Vi (Huawei) và ZTE sẽ là đối tượng của lệnh cấm này.
Ảnh minh họa : Logo tập đoàn Hoa Vi (Huawei) tại văn phòng ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 06/12/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo
Reuters cho biết tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến sẽ ra một sắc lệnh ngay từ đầu tháng tới, cấm các doanh nghiệp nước này sử dụng thiết bị viễn thông do các tập đoàn nước ngoài sản xuất, vì đe dọa an ninh quốc gia.
Sắc lệnh sắp được thông qua đã được chuẩn bị từ 8 tháng nay. Báo The Wall Street Journal là cơ quan truyền thông đầu tiên thông báo về sắc lệnh này, ngay từ tháng 5/2018. Cho dù tên của Hoa Vi và ZTE rất ít có khả năng được trực tiếp nêu ra trong sắc lệnh, nhưng các giới chức của bộ Thương Mại Mỹ cho biết hai tập đoàn Trung Quốc chính là đích ngắm của sắc lệnh này.
Sắc lệnh nói trên – hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn tất – viện ra luật International Emergency Economic Powers Act của Mỹ, ra đời năm 1977, cho phép tổng thống ban hành các biện pháp đặc biệt về thương mại, trong tình trạng "khẩn cấp quốc gia", để đối phó với các đe dọa đặc biệt từ nước ngoài.
Mua sắm thiết bị viễn thông thế hệ mới là một vấn đề mang tính thời sự tại Mỹ vào thời điểm mà nhiều doanh nghiệp điện thoại di động Hoa Kỳ đã tìm kiếm các đối tác để tham gia xây dựng các mạng internet không dây 5G.
Riêng về phía Nhà nước, hồi tháng 8/2018, Washington đã ra một luật về quốc phòng, cấm các cơ quan chính quyền sử dụng linh kiện của Hoa Vi và ZTE, do nghi ngờ có thể bị Trung Quốc sử dụng làm phương tiện phục vụ cho các hoạt động gián điệp. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Hai tập đoàn Trung Quốc ZTE và Hoa Vi nằm trong tầm ngắm của tư pháp Mỹ từ lâu. Kể mùa hè vừa qua, công ty ZTE đã bị đặt dưới sự giám sát của tư pháp Mỹ trong 10 năm, để bảo đảm công ty tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ trong lĩnh vực xuất khẩu. Lãnh đạo tài chính của tập đoàn Hoa Vi bị Canada bắt giữ, theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12/2018, để điều tra về vụ công ty này lách lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Hiện bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) đang được tại ngoại, chờ tư pháp Canada xem xét yêu cầu dẫn độ của Washington.
Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Úc, Anh, Đức hay Pháp cũng bắt đầu chủ trương không để các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực công nghệ thông tin chiến lược, đặc biệt là mạng 5G.
Trọng Thành
******************
Bộ trưởng Quốc phòng Anh quan ngại về việc sử dụng mạng 5G của Huawei (BBC, 27/12/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Anh "quan ngại rất sâu sắc" về việc công ty Huawei của Trung Quốc đang liên quan đến việc nâng cấp mạng di động ở Anh.
Một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật. Reuters
Những bình luận của ông Gavin Williamson được đưa ra sau khi một số quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng các sản phẩm mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại an ninh bảo mật.
Người đứng đầu Lực lượng tình báo Anh (MI6) cũng cho biết Anh phải đối mặt với các quyết định về quyền sở hữu công nghệ của Trung Quốc.
Anh Quốc cho biết Trung Quốc đứng sau các tin tặc nhắm vào các bí mật thương mại. Trong khi đó, Huawei phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính quyền Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, ông Williamson được tờ Times dẫn lời nói rằng : "Tôi có những quan ngại rất sâu sắc về việc Huawei cung cấp mạng 5G ở Anh. Đây là điều chúng ta phải xem xét rất kỹ".
Úc, New Zealand và Hoa Kỳ đã hạn chế sử dụng công nghệ mạng di động 5G của Huawei và ông Williamson cho biết Vương quốc Anh sẽ học hỏi ví dụ từ các nước trên.
"Chúng ta phải nhận ra sự thật như đã được tiết lộ gần đây, rằng nhà nước Trung Quốc đôi khi hành động với ý đồ xấu", ông nói thêm.
Huawei được thành lập bởi một cựu sĩ quan trong Quân đội Giải phóng Nhân dân nhưng công ty này phủ nhận có bất kỳ mối quan hệ nào với chính phủ Trung Quốc, ngoài việc tuân thủ luật thuế.
Công ty đã mạnh mẽ phủ nhận bất kỳ thông tin nào cho rằng họ đang gây ra một mối đe dọa an ninh.
Đầu tháng này, giám đốc MI6 Alex Younger cho biết Vương quốc Anh cần "quyết định chúng ta sẽ thoải mái với quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các công nghệ này tới mức độ nào".
Công ty truyền thông BT của Anh cho biết họ đã loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng 3G và 4G và cam kết không sử dụng các sản phẩm của Huawei trong các phần chính của mạng di động 5G.
'Các cuộc xâm nhập mạng'
Tuần này, tin xác nhận cho hay thiết bị của Huawei đã bị gỡ bở khỏi một hệ thống liên lạc đang được phát triển cho dịch vụ khẩn cấp của Vương quốc Anh, nhưng không rõ lý do vì sao.
Hôm 20/12, Hoa Kỳ đã truy tố hai người đàn ông Trung Quốc bị buộc tội hack mạng máy tính của các công ty phương Tây và các cơ quan chính phủ, và cáo buộc Bắc Kinh có hành vi gián điệp trên mạng.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt mô tả hành vi của những người này như "một trong những cuộc xâm nhập mạng nghiêm trọng và lan rộng nhất nhắm vào Vương quốc Anh và các đồng minh được phát hiện từ trước cho đến nay".
Bộ Ngoại giao cho biết tin tặc thay mặt Bộ Công an Trung Quốc đang đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty ở Châu Âu, Châu Á và Mỹ.
Giới chức cho biết các hoạt động của mạng lưới tin tặc này rất sâu rộng và "đe dọa" tăng trưởng kinh tế ở Anh Quốc và nền kinh tế toàn cầu.