Năm 2006, khi chỉ mới có tin bác Triết sắp trở thành chủ tịch nước (thôi) mà dư luận – trong cũng như ngoài nước – đã râm ran tán thưởng quá xá. Ký giả Karl D John (Asia Times) hăm hở đưa tin :
"Ông Nguyễn Minh Triết, 63 tuổi, một người miền Nam khác, đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước hôm thứ Ba… Và dư luận có một nhận thức rộng rãi rằng ông sẽ là người tích cực hơn người tiền nhiệm trước chức vụ này, đặc biệt trong việc thực hiện các cải cách kinh tế và luật pháp nhằm mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm nay" (1).
Theo nhận xét chung thì ông sẽ năng nổ hơn người tiền nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực cải tổ kinh tế và pháp luật, làm nền cho Việt Nam gia nhập tổ chức WTO trong năm nay".
Bác Quang, tiếc thay, không có được sự chào đón nồng nhiệt tương tự. Chả những thế, ông còn bị nhiều điều tiếng gièm pha hay dè bỉu :
– Lê Minh Nguyên : "Đầu tiên phải nói là ông ta sửa lại khai sinh để từ năm đúng là 1950 thành năm giả là 1956, một sự gian dối dễ chứng minh qua các văn bản hộ tịch và bằng cấp bị so le, nó nói lên tính toán tham vọng quyền lực của ông ta".
– Trần Hồng Tâm : "Ông Trần Đại Quang, sinh năm 1956, vẫn còn dưới 65 tuổi. Nhưng có người đã chứng minh rằng ông sinh năm 1950. Ông đã sửa số 0 thành số 6 trên giấy khai sinh. Sau khi bị tố giác, ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại nguyên quán làm ra một giấy khai sinh mới ‘hợp lệ’ hơn. Riêng tiêu chuẩn đầu tiên về tuổi tác ông đã để lại không ít tai tiếng".
– Bùi Thanh Hiếu : "Không ồn ào gây chú ý, bộ trưởng công an Trần Đại Quang leo lên chức Chủ tịch nước một cách êm thắm không gặp phải bất kỳ sự trở ngại nào. Con đường của Trần Đại Quang tiến thân trong ngành công an cũng khá suôn sẻ… Con đường của Quang đi chỉ gặp sóng gió duy nhất một lần đó là bị các đối thủ vạch ra chuyện Quang khai gian đến 6 tuổi".
Cả ba nhân vật̉ dẫn thượng – rõ ràng – đều là những người không đủ lượng bao dung. Họ đều để ý đến cái chi tiết rất nhỏ nhặt ("sửa số 0 thành số 6") trên tờ giấy khai sinh của bác Quang, rồi cứ thế mà vu vạ đó là việc làm thiếu lương thiện và vô cùng tai tiếng.
Tai tiếng (mẹ) gì ! Chớ có ai biết vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – Hồ Chí Minh – tên tuổi (chính xác) ra sao đâu mà toàn dân vẫn đời đời nhớ ơn bác Hồ vĩ đại đấy thôi. Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt là thiên hạ chỉ vì ganh ghét với cái chức vụ cao quí (Chủ tịch nước) của bác Quang nên mới cố vạch lá tìm sâu hay bới bèo ra bọ.
Riêng ông Nguyễn Gia Kiểng lại còn đi quá xa khi cho rằng "một chủ tịch nước như ông Trần Đại Quang khác gì một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam ?"
Ơ hay, sao lại thế nhỉ ? Về ngoại hình, bác Quang đâu có kém cạnh gì bác Triết. Còn về diện mạo thì trông đỡ tối tăm hơn bác Sang thấy rõ, đúng không ? Sao hai bác kia nhậm chức suôn sẻ, và hạ cánh an toàn mà bác Quang lại bị coi như là "một vết lọ nghẹ quẹt lên mặt dân tộc Việt Nam" – hả Giời ?
Ông Nguyễn Gia Kiểng còn nhất định cho rằng : "Trong nhà tù nhiều khi tù nhân phải trả tiền để ‘được’ còng bằng những chiếc còng không nhiễm trùng HIV. Dưới sự lãnh đạo của Trần Đại Quang công an cũng làm tiền trắng trợn hẳn hơn trước…".
"Trước" là hồi nào vậy cà ? Khi HIV chưa xuất hiện thì làm sao có cái vụ (tai tiếng) trả tiền để "được" đưa chân vào những cái còng không nhiễm trùng được chớ ? Ở giai đoạn này, Việt Nam còn dùng sổ gạo và tem phiếu và người dân chỉ cần vài điếu thuốc lá lẻ cũng đủ bôi trơn bộ máy ("Samit là nói ít hiểu nhiều, Ba Số Năm vừa nằm vừa ký") nên mấy ông Bộ trưởng Công an tiền nhiệm đỡ mang tiếng hơn ông Quang là chuyện tất nhiên.
Cũng như ông Nguyễn Gia Kiểng, nhiều người cứ nhất định cho rằng Bộ Công an dưới thời Trần Đại Quang tệ hại hơn thời trước rất nhiều :
– Các vụ ép cung, tra tấn, đánh người cho tới chết, xẩy ra thường xuyên trong đồn công an.
– Chuyện chạy án, chạy tiền để được phóng thích vào những đợt ân xá là hiện tượng phổ biến.
– Công an giả dạng côn đồ để đánh người, và vứt cứt đái hay mắm tôm vào nhà dân xẩy ra ở khắp mọi nơi.
May mắn là trong giới truyền thông vẫn còn những người sáng suốt nên những vấn nạn vừa nêu đã được nhìn nhận một cách khách quan hơn :
"Nhiều người tưởng rằng khoảng 5-6 năm gần đây mới rộ lên hiện tượng công an đánh chết dân, nhưng thật ra thì điều đó đã xảy ra hàng chục năm rồi, kể từ khi Đảng cộng sản cầm quyền. Thậm chí ngày trước công an đánh chết còn nhiều dân hơn ngày nay ấy chứ. Chẳng qua là đến bây giờ, một phần trong số những câu chuyện thương tâm ấy mới được đưa lên mặt báo và nhất là lên Facebook mà thôi. Con số 226 người chết trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ (ba năm 2011-2014) là con số trong một báo cáo của Bộ Công an và được báo chí trích đăng ; ngày trước, làm gì có chuyện Bộ Công an có những báo cáo như thế và báo chí công bố như thế".
Tôi vô cùng tâm đắc với nhận định vô tư và chính xác (thượng dẫn) của nhà báo Đoan Trang. Chả có gì bảo đảm được rằng dưới thời Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương, Lê Hồng Anh… những vụ "tự tử" trong đồn công an hay nạn ép cung, mớm cung, chạy án… lại ít hơn bây giờ. Chả qua là mọi việc đều được giấu kín như bưng nên mọi người không biết đấy thôi.
Trong số tất cả lời tố ghi trên chỉ có điều duy nhất xác thực là vấn nạn công an thường giả dạng côn đồ để vứt cứt đái, hay đổ nước hôi thối, vào nhà dân chúng. Hiện tượng này quả là hoàn toàn mới lạ, và mang đậm dấu ấn của cái thời mà ông Trần Đại Quang giữ chức vụ Bộ trưởng Công an.
Đây tuy là những hành vi bẩn thỉu và đê tiện nhưng (nói nào ngay) hoàn toàn không độc ác. Chả làm ai chết cả. Trần Đại Quang – ít nhất – cũng chưa bao giờ bị kết án là sát nhân (hãm hiếp người tình của lãnh tụ, lấy búa đập vào đầu nạn nhân, rồi vứt xác ra đường cho xe cán) như Trần Quốc Hoàn – Bộ trưởng Công an đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Ông Trần Đại Quang cũng không hề bị tai tiếng như hai ông Phạm Hùng và Mai Chí Thọ trong những vụ thu vàng bán bãi vượt biên, đẩy vô số người dân ra khỏi nước, khiến hàng triệu thuyền nhân đã chết chìm giữa biển khơi (2). Thời ông Quang phụ trách ngành công an tuy cũng có không ít thuyền nhân (những thuyền nhân mới, new boat people) hay còn gọi là "người rơm" nhưng số lượng những kẻ mất mạng giữa đường hay mất mát tài sản để chung chi cho những chuyến vượt biên đều không đáng kể – nếu so sánh với những đợt di tản của đám "thuyền nhân cũ" (ancient boat people) hồi cuối thế kỷ trước.
Những "điểm son" kể trên, tiếc thay, đã không được công luận biết đến. Thiên hạ, nếu không chê bai hay dè bỉu thì cũng chỉ nói đến việc đăng quang của vị tân chủ tịch nước, cũng chả khác chi với chuyện tái đắc cử chức vụ Tổng bí thư, với giọng điệu chán chường hay… huề vốn.
Xin đơn cử một thí dụ, đọc được trên trang FB của BBC :
"Ừ thì cơ mà ai lên làm thì đời sống Công Nhân vẫn vậy, như 20 năm qua cũng ko thay đổi được là bao nhiêu đáng kể. Vẫn ở cái nhà trọ chật hẹp, vẫn ko biết khi nào mới mua nổi nhà để an cư lạc nghiệp, vẫn bữa cơm ăn cho có để làm, vẫn nỗi lo con cái những hôm tăng ca cả hai vợ chồng thì ko biết ai đón gửi ai…
Còn Nông Dân vẫn vậy vẫn tự bơi với ruộng đồng, vẫn điệp khúc được mùa mất giá, vẫn mất mùa thì do thiên tai được mùa thì do tài tình lãnh đạo của Đảng, vẫn điệp khúc hàng ngoại giết chết hàng nội, vẫn điệp khúc Trung Quốc ko thu mua thì đành đổ bỏ.
Rồi giá xăng vẫn cao ngất ngưởng so với thế giới, học phí viện phí vẫn tăng, các loại thuế phí khác vẫn tăng ko hề giảm. Vẫn nỗi lo gánh nặng tiền học cho con, vẫn nỗi lo gánh nặng lỡ xui đi viện…
Đến bệnh viện, đến chốn công quyền vẫn phải xin xỏ, chầu chực, vẫn phải bôi trơn. Vẫn tham ô, tham nhũng, cái mặt Quan vẫn vác ngược khênh kiệu hạch sách nhân dân.Vẫn thực phẩm độc hại, vẫn mọi thứ còn nguyên.
Các ông ấy chẳng ai buồn hứa với Dân khi tôi làm Cán Bộ tôi sẽ làm gì để giải quyết bớt vấn đề của nhân dân bức xúc bấy lâu nay. Các ông vẫn cứ đọc cái mớ lý thuyết suông, vẫn nói suông... Những bài chính trị mà chúng tôi cũng thuộc…"
Rõ ràng toàn là những đòi hỏi quá đáng và … quá quắt. Ngay đến bác Hồ mà còn không bảo vệ được cả vợ lẫn con, bác Tôn cũng chỉ có mỗi một việc làm là… sửa xe đạp cho nó qua ngày đoạn tháng thì bác Quang biết làm sao hơn và làm gì khác được ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : VNTB, 15/09/2022
(1) Nguyên văn tiếng Anh : "Nguyen Minh Triet, 63, another southerner, was confirmed as president by the National Assembly on Tuesday… And there is a widespread perception he will be more active than his predecessor, particularly in implementing economic and legal reforms that pave the way for Vietnam’s accession to the World Trade Organization (WTO) this year".
(2) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People
- Jacqueline Desbarats and Karl Jackson ("Vietnam 1975-1982 : The Cruel Peace", in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65.000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985 Dept. of State Bulletin article on Vietnam.
- Orange County Register (29 April 2001) : 1 million sent to camps and 165.000 died.
- Northwest Asian Weekly (5 July 1996) : 150.000-175.000 camp prisoners unaccounted for.
+ Estimates for the number of Boat People who died :
+ Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees : 250.000 boat people died at sea ; 929.600 reached asylum
+ The 20 July 1986 San Diego Union-Tribune cites the UN Refugee Commission : 200.000 to 250.000 boat people had died at sea since 1975.
+ The 3 Aug 1979 Washington Post cites the Australian immigration minister’s estimate that 200.000 refugees had died at sea since 1975.
Also : "Some estimates have said that around half of those who set out do not survive".
- The 1991 Information Please Almanac cites unspecified "US Officials" that 100.000 boat people died fleeing Vietnam.
- Encarta estimates that 0,5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75.000.
- Nayan Chanda, Brother Enemy (1986) : 1/4 M Chinese refugees in two years, 30.000 to 40.000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars : 1945-1990 (1991))
- Rummel :
+ Vietnamese democide : 1.040.000 (1975-87)
* Executions : 100.000
* Camp Deaths : 95.000
* Forced Labor : 48.000
* Democides in Cambodia : 460.000
* Democides in Laos : 87.000
* Vietnamese Boat People : 500.000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)
Đám tang ông Phùng Quang Thanh không được tổng bí thư đến viếng, và không được cho an táng tại nghĩa trang Mai Dịch là một tín hiệu không hay. Một con người từng là ủy viên bộ chính trị mà bị an táng một nơi lạc lõng thì thế nào cũng bị người đời dèm pha. Chính vì thế, để lấy lại uy tín thì chỉ có thể xây lăng tẩm đồ sộ mới gỡ gạt được.
Thi hài ông Phùng Quang Thanh được an táng vào chiều 15/9/2021 tại nghĩa trang xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, ở Hà Nội.
Về tiền thì gia đình ông Phùng Quang Thanh không thiếu, vậy nên việc xây một khu lăng tẩm to đùng để che đậy những đối xử tệ bác của Đảng cộng sản dành cho ông Thanh là cần thiết. Đó thuộc về danh dự của một gia tộc.
Việc thi hài ông cựu bộ trưởng quốc phòng không an táng ở nghĩa trang Mai Dịch, mà chôn ở nghĩa trang xã thì rõ ràng đây là sự sỉ nhục ghê gớm đối với ông cựu bộ trưởng thất sủng. Với xe làm đường, xe rải nhựa hoành tráng, hứa hẹn một khu lăng mộ đồ sộ giống cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Báo đảng cho hay, lễ tang theo nghi thức cấp Nhà nước đối với ông Phùng Quang Thanh, cựu bộ trưởng Quốc phòng, sẽ diễn ra hôm 15 tháng 9. Theo đó, thi hài ông này được an táng vào chiều cùng ngày tại nghĩa trang xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, ở Hà Nội.
Những ngày cuối đời Phùng Quang Thanh bị bạc đãi nhưng khi chết được hưởng tang lễ theo nghi thức cấp Nhà nước – đạo đức giả quá lộ liễu không ?
Ông Thanh, hưởng thọ 72 tuổi, vốn là ủy viên Bộ Chính trị và mang hàm đại tướng, nên đủ tiêu chuẩn để có một suất mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch, nơi chuyên chôn cán bộ cấp cao. Có lẽ do sợ dư luận dị nghị và rút kinh nghiệm về những lần đưa tin về hậu sự của ông Võ Nguyên Giáp và Trần Đại Quang, truyền thông nhà nước không cho biết chi tiết về quy mô nơi xây mộ tướng Phùng Quang Thanh.
Báo đảng trước đó cho hay, ông Phùng Quang Thanh, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, qua đời tại nhà riêng sau một thời gian mắc bạo bệnh. Đáng lưu ý, trong lúc truyền thông nhà nước dành nhiều mỹ từ ca ngợi binh nghiệp của vị cựu bộ trưởng, công luận nhắc lại những phát ngôn gây tranh cãi và di sản không đáng tự hào, phong tướng cho hàng trăm người của ông này khi còn tại vị.
Lăng mộ ông Trần Đại Quang
Chết muốn nằm lăng
Càng lên ngôi cao thì càng muốn biến mình thành vua, thành chúa như ngày xưa. Đấy là một trong những sự thất bại của chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam. Ngay cả một ông quan thất sủng cũng muốn khi chết cũng nằm trong lăng như lãnh tụ cộng sản thì đủ hiểu bệnh quan liêu của quan chức cộng sản còn nặng nề hơn quan chức thời phong kiến. Tương phản với các bài ca ngợi trên báo đảng, Phùng Quang Thanh trong mắt công luận là vị bộ trưởng Quốc phòng thân Trung Quốc. Dù có xây lăng mộ hoành tráng thì con người ông cũng chẳng có giá trị gì trong lòng dân.
Nghi thức lễ an táng thì rất long trọng, tuy nhiên về thực chất thì đó chỉ là hình thức. Nếu không tổ chức long trọng thì lời đồn về một ông tướng thất sủng lại bùng lên, đó là điều mà gia đình ông Phùng Quang Thanh không muốn. Và với lăng mộ thật to thì không ai lại nghĩ Phùng Quang Thanh là ông tướng thất sủng. Đó là hình thức che đậy, gia đình ông cựu Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đã dùng tiền để che đậy cái ô danh.
Ông Thanh vốn là ủy viên Bộ Chính trị hai khóa X, XI và mang hàm đại tướng, nên đủ tiêu chuẩn để có một suất mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch, nơi chuyên chôn cán bộ cấp cao của cộng sảnVN. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông Thanh bị từ chối nằm cùng đồng chí, đồng đội trong lúc một suất ở Mai Dịch lâu nay vốn là niềm tự hào của nhiều gia đình quan chức, Đảng viên ở Hà Nội.
Phải bằng Trần Đại Quang mới được ?
Ông Trần Đại Quang là người đi sau mà đến đích trước. Về phần sự nghiệp chính trị, ông Trần Đại Quang vào Bộ Chính Trị sau ông Phùng Quang Thanh một khóa, tuy nhiên ông Trần Đại Quang thì lại vào tứ trụ còn ông Phùng Quang Thanh thì không. Khi leo lên được chức chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang đã là người thành công hơn ông Phùng Quang Thanh. Tuy nhiên sau đó, ông Trần Đại Quang lại chầu Diêm Vương sớm hơn. Đấy lại là lần đến đích sớm hơn của ông Quang nhưng là cái đích mà ai cũng tránh.
Ông Trần Đại Quang khi chết là đương kim chủ tịch nước, chức vị cao hơn ông Phùng Quang Thanh. Và gia đình ông Quang cũng xây khu lăng mộ cho ông Quang đến 5,5 ha. Ông Phùng Quang Thanh cũng sẽ được xấy lăng, nhưng chưa biết xây lớn hơn hay nhỏ hơn lăng của ông Trần Đại Quang. Theo nguồn tin riêng cho biết, thì lăng mộ dự kiến cho ông Phùng Quang Thanh là 2,5 ha, ít hơn một nửa so với lăng ông Trần Đại Quang. Đấy là cái thua thứ nhất, tuy nhiên về quy mô công trình thì như thế nào nên chưa thể khẳng định lăng ông Phùng Quang Thanh nhỏ hơn lăng ông Trần Đại Quang. Biết đâu diện tích xây dựng thì nhỏ nhưng công trình thì hoành tráng hơn thì sao ?
Có lẽ do sợ dư luận dị nghị và rút kinh nghiệm về những lần đưa tin về hậu sự của Võ Nguyên Giáp và Trần Đại Quang, truyền thông nhà nước không cho biết chi tiết về quy mô nơi xây mộ Phùng Quang Thanh.
Khu lăng mộ cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang – Mai Linh Kết nối 365
Theo nguồn tin cho biết, đó là nghĩa trang riêng của gia đình ông Phùng Quang Thanh, nằm cạnh nghĩa trang của xã, đã được xây dựng trước đây nhiều năm, rất to và đẹp. Cứ như là gia đình ông Phùng Quang Thanh đã chuẩn bị xây lăng cho ông Thanh từ lâu.
Chọn lựa của ông Thanh được cho là cạnh tranh với ông Trần Đại Quang, gia đình ông này từ chối chuyện hậu sự ở Mai Dịch để xây lăng mộ riêng.
Lãng phí tiền dân
Thực ra những lăng mộ to như vậy chỉ là làm cho dân mất đất canh tác, tốn tiền dân vô ích. Luật pháp có quy định về diện tích dành cho mộ rồi, chỉ chừng 3 m2. Tuy nhiên nhà nước cộng sản thì vẫn dẫm đạp trên luật mà đi. Mộ Trần Đại Quang có chiều dài của khu mộ dọc theo con mương kè đá trên dưới 600 mét, còn chiều rộng kéo từ bờ mương đến phần tiếp giáp ruộng lúa thì khoảng 100 mét. Tính khiêm tốn thì khu mộ Chủ tịch nước rộng khoảng 55.000 mét vuông. Tức là 5 héc ta rưỡi.
Một người sống trong lòng dân, thì thậm chí chẳng cần phải có mộ. Người dân thường chỉ cần ba mét vuông. Một vị chủ tịch nước, nếu nhân số đó với 100 lần, tức là khoảng 300 mét vuông, đã là một con số kinh hoàng. Nhất là vị chủ tịch nước ấy từng thề suốt đời phấn đấu cho lý tưởng Cộng sản, chiến đấu, hy sinh cho nhân loại, cho giai cấp cần lao, không màng vinh hoa, bổng lộc ! Sống đã thế, chết về với cát bụi lại càng phải giản dị. Sống đã hy sinh vì dân, lo trước dân, hưởng sau dân, thì chết đi lẽ nào, như những lời đồn đại, chỉ vì ngôi mộ mà khiến hàng trăm người dân, vĩnh viễn qua các đời, không có đất cấy trồng.
Điều này chỉ báo rằng những người lãnh đạo Cộng sản hiện nay trí tuệ rất thấp, nhân cách văn hóa không có gì nên mới hành xử như vậy. Không chỉ riêng vụ ông Trần Đại Quang, mà chế độ này, cái nền văn hóa cộng sản này nó thúc đẩy người ta càng đi tới cái siêu phong kiến.
Càng lên ngôi cao thì càng muốn biến mình thành vua, thành chúa như ngày xưa. Điều này để lại tiếng xấu, gieo vào trong lòng người hình ảnh xấu. Đấy là một trong những sự thất bại của chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam. Nó không tạo dựng được những con người của văn hóa, văn minh, hiện đại, dân chủ mà nó đưa con người đi tới thụt lùi, thoái hóa, trở về với vua chúa phong kiến độc tài độc quyền, tàn ác ngày xưa.
Đây là một nghịch lý trong xã hội Việt Nam hiện nay. Một bên thì lãnh đạo, những người tự nhận là "đầy tớ của nhân dân" nhưng lại chễm chệ như vua chúa, còn một bên là số đông người dân vẫn còn nghèo khổ, không đủ ăn, và trẻ em nhiều nơi không được tới trường.
Trong những ngày dịch Covid 19 quần thảo dữ dội, dân chết đến vạn rưỡi và hàng ngàng trẻ em mồ côi, hàng triệu dân nghèo không có tiền cho ngày hai bữa. Ấy vậy mà quan to xây lăng tẩm thì có thể nói, không còn gì khốn nạn bằng.
Nguyễn Duy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 18/09/2021
Khi Đại tướng Quân đội Nhân Dân Việt Nam mất, báo chí rầm rộ đưa tin, và ngày giỗ đầu của ông Đại tướng (4/10), đã được báo chí truyền tin một cách trân trọng. Trong khi báo chí nước ngoài nhân dịp đó đánh giá lại di sản mà ông Đại tướng để lại.
Đại tướng - Chủ tịch nước Trần Đại Quang lúc sinh thời
Tương tự, hai trường hợp tiếp theo được báo chí đưa tin và nhân dịp lễ giỗ đầu để tưởng nhớ là ông Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và ông Sáu Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), với ngôn từ ‘nhớ thương’.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai nguyên Thủ tướng là người xác lập những nền móng cơ bản cho việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và đưa nền kinh tế Việt Nam vào một phần quỹ đạo phát triển của kinh tế thế giới. Tính chất ‘hữu ích’ của những quyết định từ ba nhân vật này được cho là góp phần khép cửa chiến tranh và mở cửa nền kinh tế, từng bước đưa quốc gia thoát nghèo.
Chính vì vậy, ngôn ngữ ‘Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân’ phần nào phản ánh đúng vị trí của chính họ.
Giỗ đầu – nghi thức người Việt nhằm tưởng nhớ đến người đã qua đời, thể hiện sự thương xót và thành kính của người đang sống với người đã khuất.
Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất vào ngày 21/9/2018. Nhưng điều kỳ lạ là trong ngày giỗ đầu của người từng đứng đầu Bộ Công an, đứng đầu Văn phòng Chủ tịch nước lại không hề được báo chí nhắc đến.
Không có bất kỳ một ‘giỗ đầu Đại tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang’ nào trên báo chí chính thống. Chỉ có ‘giỗ đầu’ do VOA, RFA, hay trang fanpage Việt Tân ghi lại chuyến thăm của nhà văn Tạ Duy Anh trong bài viết ‘đi xem mộ Trần Đại Quang’. Và mục đích chuyến đi không phải là để ‘viếng’, mà thuần túy chi là ‘xem mộ’, và để ‘thỏa mãn vì đã xác minh được một sự thật’.
Nén hương trầm cho người mất từng một thời thét ra lửa giờ đây chỉ còn quanh quẩn người trong gia đình. Những ‘đồng chí’ từng một thời trong bộ máy chính quyền dường như đã tìm cách quên nhanh người đã khuất, và sự tồn tại qua nhắc lại với ngôn ngữ thương cảm trên báo chí đã không còn nữa, kể từ sau ngày hạ huyệt.
Tương tự như ‘Đại tướng Trần Đại Quang’, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ngoài những tin cũ về ‘quốc tang trong 2 ngày’, về ‘hình ảnh xúc động tại lễ tang’, thì tuyệt đối, đã không thấy bất kỳ một tin bài nào được đăng trang trọng trên báo chính thống về ‘giỗ đầu’ của ông.
Hai con người, hai thế hệ nhưng lại cùng một số phận. Và khi người dân nhắc đến, họ thường nghĩ về sự tham nhũng và bạo quyền. Dù rằng, ‘chết là hết’, nhưng những vết nhơ trong thời kỳ lãnh đạo và chỉ đạo vẫn còn tồn tại, trong sự chỉ trích của người đời.
Quyền cao – chức trọng giờ đây cũng chỉ là một khái niệm mang tính hời hợt và lụi tàn, trong khi vinh danh và nhắc lại bằng sự thương cảm trở nên đáng giá.
Khi xã hội càng phát triển, các luồng thông tin ngày càng đa chiều, thì những nhà lãnh đạo cộng sản càng trở nên khó khăn hơn khi thực hiện ‘thần thoại hóa’ cuộc đời của mình, và tự tìm cách ngự phong thần thánh đối với bản thân mình. Bởi người dân đã có nhận định của họ, thương cảm của họ, không phải bằng những bài viết tuyên truyền chính thống, mà chính là những suy nghĩ độc lập dựa trên đánh giá thực tế những gì mà những nhà lãnh đạo đã làm được cho nước, cho dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, hai lãnh đạo Chính phủ là ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải xác lập cơ sở trong nền kinh tế Việt Nam với tốc độ phát triển bình quân 7% năm. Và hiện tại, người dân kỳ vọng một lãnh đạo thế hệ mới phải mở bằng được nền kinh tế thị trường đầy đủ và xác lập dân quyền trong nước và quyền tự chủ quốc gia. Ba yếu tố làm nên sự tự chủ và thịnh vượng bền vững cho quốc gia Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng, người đang giữ liền hai chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước – đảng đang là một con người như vậy. Ông chịu nhiều sự chỉ trích về sự ‘cổ hủ, giáo điều’, nhưng cũng không ít khen tặng về ‘quyết tâm chống tham nhũng và làm sạch đảng’. Thế nhưng, tương lai của đất nước này lại không nằm ở ‘chỉnh đốn đảng’, mà lại nằm ở đổi mới đảng, trong đó, triệt thoái quyền lực độc tài để trị tha hóa quyền lực ; xác lập nền kinh tế thị trường đầy đủ để trị ‘lỗ theo kế hoạch’, và dân quyền hóa để xác lập quyền giám sát và làm chủ nhân dân.
Đó không chỉ là tầm nhìn bền vững cho quốc gia, giúp chống lại tệ tham nhũng, quan liêu và sự trì trệ trong phát triển kinh tế, mà nó còn đưa ông Nguyễn Phú Trọng vào ngôi đền, nơi mà người dân có thể tưởng niệm ông vào mỗi dịp giỗ về.
‘Dân không thờ sai ai bao giờ’, hay ‘dân không chọn thờ nhầm người bao giờ’ nếu như người đó tạo được dấu ấn cho chính quốc gia, dân tộc này thay vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của chính đảng. Bởi lẽ, cho đến nay, quan điểm ‘Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác’ chỉ là một câu nằm ở cõi mộng.
Do vậy, khi thuế phí gia tăng trong tương lai – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; khi người công nhân phải ăn bữa cơm không dành cho người – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; khi quốc gia bị lâm nguy vì chính quyền Trung Quốc – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; khi Việt Nam mất cơ hội nâng cấp quan hệ với Mỹ - đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; và khi quốc gia mất cơ hội vàng trong phát triển kinh tế - con người và xã hội thì đó hoàn toàn là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang ‘cai trị’ quốc gia trong thời điểm mà thách thức và cơ hội đang xen nhau, và lựa chọn của ông sẽ đánh dấu việc, Việt Nam sẽ tồi tệ hay tốt đẹp lên.
Bài học ‘giỗ đầu’ của Đại tướng Trần Đại Quang và Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn còn đó, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự lắng nghe ?
An Viên
Nguồn : VNTB, 04/10/2019
Ngoài hai cựu tướng xuất hiện tại tòa với tư cách bị cáo trong vụ xử hơn 90 người liên quan tới đường dây đánh bạc nghìn tỷ trong những ngày vừa qua, hai tướng đã lìa trần cũng được nêu tên.
Báo trong nước né tên ông Trần Đại Quang trong phiên tòa xử vụ đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh minh họa : Bộ trưởng công an Trần Đại Quang và tướng Phan Văn Vĩnh (giữa, phía sau) trong một cuộc tiếp xúc cán bộ công an và an ninh
Một trong hai tướng đã chẳng "còn mình" dù đảng vẫn còn được nhắc tại tòa là ông Trần Đại Quang, người đã qua đời cách đây ít lâu trong vai trò chủ tịch nước. Với mấy ông tướng trong vụ này và nhiều ông quan cướp ngày khác, câu "còn đảng còn tiền" có lẽ hợp hơn.
Trang VnExpress thuật lại lời khai của ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch hội đồng quản trị công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao CNC, công ty bình phong của Bộ Công an :
"Một lãnh đạo Bộ Công an từng nói cảnh sát công nghệ cao nếu không có lực lượng như chúng mày thì không hoạt động tốt, thế mà hôm qua anh Hóa nói như vậy, thật đáng buồn".
Thực ra nguyên văn lời khai của ông Dương nhằm phản bác lại cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa mà chính VnExpress có đăng tải video là :
"Anh Hóa [cựu cục trưởng cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao] cũng đã có những bút phê và thường xuyên nói với tôi là cần phải hoạt động bí mật. Thế nhưng mà đó là những điều tôi thấy anh Hóa phủ nhận.
"Sau đó những năm 2013, 2014 đều có những cuộc hội thảo. Anh Hóa đi đến đâu, kể cả báo cáo lãnh đạo, đều giới thiệu tôi với lãnh đạo cấp trên.
"Thời đó tôi nhớ, lúc bấy giờ anh Trần Đại Quang là bộ trưởng công an, tôi và cô Hồng [cựu tổng giám đốc CNC] có đi dự một số hội thảo anh Hóa giới thiệu.
"Sau đó anh Trần Đại Quang có nói "lực lượng cảnh sát công nghệ cao nếu như không có những công ty như chúng mày thì sẽ rất khó mà thực hiện được".
"Đó là những lời động viên, khích lệ với chúng tôi nên chúng tôi rất cố gắng".
Không rõ vì lý do gì cố Đại tướng và cố chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ còn là "một lãnh đạo Bộ Công an".
Tướng Ngọ
VnExpress cũng không nhắc tới tên tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng công an đã qua đời từ vài năm trước và cũng bị cáo buộc tham nhũng triệu đô, mà chỉ nói "một thứ trưởng Bộ Công an" dù ông Dương nhắc tới tên ông Ngọ không chỉ một lần trong lời khai của mình trước tòa :
"Tôi nhớ thời điểm đó đầu tiên là chú Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Bộ Công an [giới thiệu tôi]. Thời điểm đó tôi đang làm doanh nghiệp về đầu tư… Sau một số lần trao đổi, anh Hóa có nói với tôi là hiện nay theo quyết định 450, C50, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có chức năng là phải có công ty bình phong để hoạt động nghiệp vụ.
"Anh ấy trao đổi với tôi và sau đó có một lần tôi nhớ tôi và anh Hóa lên báo cáo chú Ngọ và chú ấy đồng ý là chú ấy giới thiệu tôi để phụ trách công ty bình phong đó".
Như vậy ông Dương được một tướng công an giới thiệu và thậm chí cả bộ trưởng công an lúc bấy giờ còn ghi nhận đóng góp của công ty bình phong CNC.
Sau những lời khai của ông Dương, cựu thiếu tướng Hóa đã công khai xin lỗi và nói do sức khoẻ kém nên ông khai nhầm.
Tướng Vĩnh bỏ tiền tỷ mua đồ có giá 200 triệu
Còn đối với cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, người được cho là bảo kê cho CNC khi giữ chức tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát cho tới tháng 4/2017, ông Dương khai đã biếu tướng Vĩnh lúc hai tỷ, lúc 200.000 đô la mỗi tháng. Ông Vĩnh đương nhiên phủ nhận chuyện này. Ông thậm chí cũng không nhận từng được "biếu" hàng chục ngàn đô mỗi dịp Tết hay được tặng đồng hồ Rolex mà ông nói đã bị mất khi tháo ra để trong nhà vệ sinh ở một hội thảo.
Điều hài hước là không hiểu vì lý do gì ông Vĩnh nghĩ rằng đồng hồ Rolex trị giá những hơn một tỷ đồng. Ông nói ông mua lại đồng hồ từ ông Dương và đã trả 1,1 tỷ đồng. Thực tế người ta đã nói cho ông biết ngay tại tòa đồng hồ đó chỉ có giá chừng 200 triệu đồng. Dù ông Vĩnh nói "mua bán là chuyện bình thường của cuộc sống", việc một tướng công an trả đắt gấp năm lần để mua lại đồng hồ của người dưới quyền là chuyện nhảm nhí.
Cựu tướng công an cũng khai lương ông chỉ chừng 20 triệu đồng mỗi tháng, còn lương giáo viên của vợ ông khoảng 7-8 triệu đồng nữa. Khi được hỏi gia đình có kinh doanh gì không, ông trả lời : "Dạ không. Trừ có bị cáo là… cây cảnh". Ông nói ông có những cây cảnh trị giá 10 tỷ đồng. Vậy là sau buôn chổi đót và nuôi lợn, các quan to giờ còn kinh doanh cây cảnh để kiếm tiền mua đồng hồ Rolex. Thật là sang chảnh.
Nhiều bị cáo ra tòa đều nhớ nhớ quên quên và đề nghị hội đồng xét xử xem lại văn bản họ đã khai trước đó với cơ quan điều tra. Có vẻ họ có nhiều phiên bản khác nhau về cùng một sự việc nên không nhớ đã khai phiên bản nào và khi nào khai đúng, khi nào khai sai.
Hiện hai cựu tướng đều mới chỉ bị xử vì tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Người ta cũng nói chưa chứng minh được hai cựu tướng có hưởng lợi bất chính hay không. Thật đáng thương cho mấy tướng chỉ có làm mà chẳng có ăn. Mua đồng hồ phải trả đắt gấp mấy lần giá thị trường mà còn bị nghi là nhận hối lộ. Nỗi oan Thị Màu này rồi ai sẽ minh oan cho họ đây.
Nguyễn Hùng
Vụ Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Bộ trưởng công an Trần Đại Quang trao Quyết định và gắn Kỷ niệm chương cho ""đồng chí" Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, 20/08/2015.
Lẽ ra, một quan chức cao cấp ‘ăn bẩn’ và ‘ăn nhiều’ như cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã phải tra tay vào còng từ lâu, chứ không phải chờ đến tháng Mười Một năm 2018 mới chính thức bị Bộ Công an bị bắt.
Ngày 10/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai theo Điều 229, Bộ luật hình sự năm 2015, xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ; ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với năm bị can, trong đó cựu Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố thêm tội.
Đến ngày 19/11/2018, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Tín về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Như vậy, Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh. Trước đó vào ngày 18/9/2018, ông Tín đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an - khởi tố vụ án hình sự để điều tra Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại (điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một dấu hỏi lớn bật ra : vì sao đã bị khởi tố từ ngày 18/9 nhưng phải đến hai tháng sau Nguyễn Hữu Tín mới bị bắt ?
Không biết vô tình hay hữu ý, thời điểm ngày 18/9 trên lại xảy ra chỉ ít ngày trước cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của quan chức chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nhưng hoàn toàn không vô tình, vụ khởi tố đầu tiên đối với Nguyễn Hữu Tín là sự liên đới mật thiết việc ông Tín đã tiếp tay cho Vũ ‘Nhôm’ mua với giá rẻ mạt nhiều lô đất vàng ở Sài Gòn. Vũ ‘Nhôm’ - hay người còn có tên là Trần Đại Vũ - lại được rất nhiều du luận cho rằng có mối quan hệ ruột rà với Trần Đại Quang.
Cũng có dư luận cho rằng vụ khởi tố Nguyễn Hữu Tín là giọt nước tràn ly khiến Trần Đại Quang ‘lên máu’và ‘đi’ luôn.
Dù chưa có bất kỳ cơ quan chính quyền nào xác nhận hay phản ứng đối với các luồng du luận trên, nhưng điều hiển nhiên là chính vào lúc này Nguyễn Hữu Tín đã không còn ‘bức tường’ nào che chắn cho ông ta. Trong khi đó, cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra của Bộ Công an đã thuộc về người của Nguyễn Phú Trọng kể từ tháng tám năm 2018.
Vụ Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Nhưng dĩ nhiên thiên tiểu thuyết ly kỳ này còn lâu mới hết. Mà chỉ mới lật ra vài trang đầu…
Một cách thiết thân nhất, vụ khởi tố và bắt Nguyễn Hữu Tín đang và sẽ móc xích với nhân vật được xem là ‘bố già’ ở Sài Gòn : Lê Thanh Hải.
‘Điểm sáng’ rõ nhất trong phần lớn thời gian công tác của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.
Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 - một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín và có thể sắp tới cả Tất Thành Cang - đương kim phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Tài - cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh… rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn ? Hay vào một ngày đẹp trời nào đó, ông ta sẽ phải nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’ mà còn phải thốt lên như Đinh La Thăng đã từng : "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !".
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 20/11/2018
Trần Đại Quang là biến cố chủ tịch nước đầu tiên chết khi đang đương chức trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.
‘Trọng Ngân bạc Phúc, Sản tất vong’. Ảnh minh họa
Từ biến cố ‘Quang chết’…
‘Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’ là biến động chính trị xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, khi người chết còn chưa đủ thời gian ‘mở cửa mả’ thì ghế trống đã được lấp đầy bởi người sống tổng bí thư.
Hai biến cố chính trị trên lại tiếp liền nhau, gắn bó với nhau như một thể hữu cơ và như được một bàn tay của tạo hóa sắp đặt, tạo nên một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.
Hiện tượng trên lại xảy ra trong bối cảnh Đảng cộng sản Việt Nam bị nhiều dư luận cả trong lẫn ngoài nội bộ xem là ‘nát như tương’, yếu chưa từng thấy sau 73 năm nắm quyền kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945.
73 năm lại là tuổi thọ của Đảng cộng sản Liên Xô, tính từ Cách mạng tháng Mười năm 1917 cho đến khi Liên Xô chính thức tan rã vào năm 1990.
Trước khi tan rã, Liên Xô đã trải qua một thời kỳ bất ổn lớn về nhân sự lãnh đạo.
Lại chợt hồi tưởng về Yuri Andropov và Konstantin Chernenko - những nhà lãnh đạo đã quá cố trước khi Liên Xô tan rã… Sau cái chết của hai tổng bí thư này là thời kỳ của một Gorbachev với hai chính sách ‘Đổi Mới’ và ‘Cải Tổ’ mà đã dẫn đến sự chấm dứt của Nhà nước liên bang Xô viết.
Còn Việt Nam thì sao ? Sau 73 năm tuổi thọ của Đảng cộng sản Việt Nam, cái chết của Trần Đại Quang và tiếp biến ‘Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’ phải chăng là một tín hiệu, hoặc vượt trên mọi xác phàm vật lý là một điềm báo hoang dại và dữ dội, cho một thời kỳ mới đầy biến động và biến cố sẽ xảy đến chăng bao lâu nữa ?
Ngẫm lại đêm đen Nguyễn Bá Thanh
Cái chết của Trần Đại Quang là sự ra đi vĩnh hằng thứ hai, hơn ba năm sau cái chết của Nguyễn Bá Thanh - khi đó đương chức Trưởng ban Nội chính trung ương.
Bi kịch của Trần Đại Quang bắt đầu vào mùa hè năm 2017 và kết thúc cũng vào mùa hè một năm sau đó.
Nguyễn Bá Thanh cũng bắt đầu bi kịch của ông ta vào một mùa hè - hè năm 2014. Sau khi từ bỏ cái ghế bí thư Đà Nẵng mà được xem là "vua không ngai" ở thủ phủ miền Trung, Nguyễn Bá Thanh đã được Tổng bí thư Trọng kỳ vọng sẽ bổ sung vào Bộ Chính Trị và đầy hứa hẹn trở thành một tay kiếm lạnh lùng và thiên vị trong cuộc chiến "chống tham nhũng." Nhưng do cái chết đọng lại quá nhiều nghi vấn của ông Thanh, khi đó ông Trọng đã chưa thể tiến hành được kế hoạch "đốt lò" mà chỉ có thể hoạt náo từ giữa năm 2016 cho đến nay.
Cả Thanh và Quang đều có ‘độ trễ’ từ thời điểm phát bệnh đến lúc về với cát bụi là khoảng một năm.
Nếu cái chết của Nguyễn Bá Thanh bị xem là đầy "ma quái", thì sự báo tử của Trần Đại Quang cũng bị phủ đầy áng nghi ngờ trong một thuyết âm mưu nhưng lại hàm chứa những chân đứng khoa học.
Một lần nữa hãy lùi một chút về dĩ vãng ba năm trước.
Nửa năm sau cái chết của Nguyễn Bá Thanh, vào mùa hè năm 2015 khi chiến dịch chạy đua vào Bộ Chính trị đảng cầm quyền khóa 12 ở Việt Nam chính thức lao vào giai đoạn căng biến, chính trường quốc gia này thình lình phát hiện sự biến mất của một ủy viên Bộ Chính trị có khuynh hướng hướng "thân Trung" : Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Trong suốt mùa hè đó, cái tên "tướng chữa bệnh" đã bắt chết với một Phùng Quang Thanh còn sống sờ sờ và gây ra một làn sóng hiếu kỳ, ngờ vực cùng dự cảm nguy biến về một âm mưu kinh khủng nào đó đã hình thành - một thứ "đảo chính cung đình" - ngay trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền.
Kể từ vụ Phùng Quang Thanh từ một bệnh viện Pháp trở về Hà Nội vào mùa hè năm 2015 và sau đó bị xem là "cấm cố" ở một nơi nào đó trong "Thành", "phe cánh chính trị" đã trở nên một thứ ma túy đê mê thấm vào đến tận tủy sống một số chính khách này nhưng cũng là nỗi run sợ đến mất ngủ mất ăn của một số chính khách khác.
Ngay sau vụ Phùng Quang Thanh là cuộc chiến của Tổng bí thư Trọng với ứng cử viên tổng bí thư ‘bất cứ ai trừ Dũng’. Một cuộc ‘xung sát’ thuộc loại ghê gớm nhất trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.
Dường như mùa hè năm 2015, khi bầu không khí "toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12" đang có bề tái hiện vào mùa hè năm 2018. Những gì đã được khởi đi từ vụ Phùng Quang Thanh mang mùi vị "đảo chính" vào mùa hè năm 2015 có vẻ đang trở lại cái hương vị ngất người của nó vào một thời điểm nào đó của năm 2019.
Soi lại mùa hè 2018 : họ là ai ?
Trong ba năm, từ 2012 đến 2015, cứ nửa đầu năm chính trị tương đối bình lặng thì nửa cuối mỗi năm đó lại sôi trào đấu đá nội bộ trong đảng. Nhưng vào giai đoạn 2015-2018, tính chất căng thẳng của xung đột nội bộ đã không còn cho phép cái nửa đầu năm êm dịu nữa, mà thay vào đó là sự chuẩn bị âm thầm, và sắc máu hơn nữa là xảy ra một số sự biến chính trị ngay vào nửa đầu năm.
Tháng Sáu năm 2018, ở phía Nam Việt Nam đã bất thần nổ ra cuộc biểu tình cực lớn phản đối Luật Đặc Khu. Lòng dân phẫn uất là lý do quá dễ hiểu trong một chế độ đang lao thẳng vào bóng đêm. Nhưng vẫn còn một lý do khác : sau cuộc biểu tình trên và đặc biệt sau trận bạo loạn ở Phan Thiết, ngày càng nhiều dư luận cho rằng đã có một bàn tay bí ẩn nào đó, của một thế lực bí ẩn nào đó trong nội bộ đảng, hậu thuẫn cho cuộc biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn và bảo kê cho những kẻ bịt mặt đốt phá ở Phan Thiết.
Khả năng lớn nhất đang ngày càng được xác nghiệm là thế lực đó phải liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn "mượn" người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình "áo đỏ - áo vàng" ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức…
Vào thời gian trên, Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải chế độ của ông ta, đã bị thách thức quyền lực một cách công khai. Cũng khi đó, hình như vài lá bài tẩy đã được lật ngửa…
Sau đó ít tháng, Trần Đại Quang đột ngột chết. Nhiều người tham gia vào cuộc biểu tình tháng Sáu năm 2018 tại Bình Thuận đã bị đưa ra xét xử với mức án tù vừa phải. Tuy nhiên, người ta không nhận ra một gương mặt đấu tranh dân chủ nhân quyền nào trong số những người bị xét xử đó. Vậy họ là ai ?
Và cái chết Trần Đại Quang có dẫn đến ‘3 năm khủng hoảng một lần’ như một quy luật riêng có trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam ?
Có thể lắm, và như một thứ điềm báo.
Quy luật 3 năm ?
Vào đầu năm 2015, ngay sau cái chết của Nguyễn Bá Thanh là dấu ấn Hội nghị trung ương 10 diễn ra chậm bất thường đến một tháng rưỡi so với kế hoạch, đánh dấu vị trí số một của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 12’, trong khi Tổng bí thư đương nhiệm là Nguyễn Phú Trọng chỉ xếp thứ 8 - theo nhiều nguồn tin không chính thức.
Tháng Mười năm 2018, ngay cái chết của Trần Đại Quang cùng lúc là sự thăng hoa và được báo đảng tung hứng là ‘thời điểm chín muồi’ của Nguyễn Phú Trọng : không chỉ trở thành nguyên thủ quốc gia mà còn được xem là người tập trung quyền lực cao độ nhất kể từ thời Lê Duẩn những năm 60 của thế kỷ XX.
Một năm sau khi bất ngờ đứng đầu bảng tổng sắp ‘thăm dò uy tín tổng bí thư’, Nguyễn Tấn Dũng đột ngột rớt đài trong tâm trạng đau đớn đến mức chỉ còn muốn ‘trở về làm người tử tế’.
Còn Nguyễn Phú Trọng ?
Ông Trọng đã quyết định sẽ tổ chức Hội nghị trung ương 9 vào tháng Mười Hai năm 2018 để ‘bỏ phiếu về uy tín Bộ Chính trị và Ban Bí thư’. Trong tình thế ‘độc cô cầu bại’ vào lúc này, hầu như chắc chắn chắn cái tên Nguyễn Phú Trọng sẽ nhảy lên vị trí số một về ‘uy tín tổng bí thư và chủ tịch nước’.
Nhưng hai bàn tay như thể bắt ấn trừ tà của Nguyễn Phú Trọng vào cái ngày ông ta đi dọc theo quan tài của Trần Đại Quang phải chăng cho thấy Trọng, xét cho cùng, cũng chỉ là một nhà chính trị không thoát khỏi nỗi ám ảnh của thói mê tín dị đoan - tư tưởng hoàn toàn trái ngược với triết lý vô thần trong chủ nghĩa Mác - Lê mà Trọng vẫn rao giảng ?
Hẳn phải có những vi diệu hay kinh động nào đó trong thế giới tâm linh mà chẳng một chóp bu vô thần nào dám bỏ qua.
Chẳng phải tự nhiên từ tháng Tám năm 2017 khi Trần Đại Quang bị phát hiện ‘biến mất’ lần đầu tiên cho đến khi ông ta thực sự biến mất vĩnh viễn, dân gian đương đại đã xôn xao truyền khẩu một lời sấm được cho là của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm 500 năm về trước : "Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt ; trọng ngân bạc phúc, sản tất vong" - như một cái gì đó đang ứng nghiệm với thời nay, dù có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Vế đầu lời sấm của Trạng Trình, thật kỳ lạ và kinh hãi, đã ứng nghiệm với Trần Đại Quang.
Chỉ còn vế sau. Và người dân đang nhân cách hóa cho vế sau đó theo đúng tôn ti trật tự trong thế ‘tam trụ’ mới của Đảng cộng sản Việt Nam :
‘Trọng Ngân bạc Phúc, Sản tất vong’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/11/2018
Trong vài ngày, hai đại tang, quốc táng. Đại tang đối với Đảng, bởi vì đối với dân, đó là những tin mừng. Chỉ cần vào mạng xã hội sẽ thấy cái vui mừng ấy nổ như pháo, như champagne.
Trong một xứ có một ngày vui, có vạn ngày buồn, người ta tìm mọi cách để vui. Vui không được với trái banh, vì tranh giải túc cầu bị loại, người ta tìm cái vui trong việc lãnh tụ chầu trời. Trăm hoa khôi hài đua nở, và, trong chính trị cũng như ở ngoài đời, khôi hài là võ khí lợi hại nhất, hữu hiệu nhất.
Trong một xứ có một ngày vui, có vạn ngày buồn, người ta tìm mọi cách để vui.
Một quốc gia người dân chúng vui mừng nghe tin lãnh tụ chết, người ta dễ tưởng tượng thực trạng cũng như tương lai của đất nước đó thế nào.
Đó là những tiếng cười tuyệt vọng, bởi vì với một chế độ độc tài, tập đoàn cầm quyền được đào tạo như nhau, được huấn luyện như nhau, suy nghĩ như nhau, canh chừng nhau, chia chác với nhau, anh này chết, anh khác sẽ lên. Sẽ làm cùng một trò hề độc ác, man rợ, tai hại. Anh nào nghĩ khác, làm khác sẽ bị nghiền nát.
Vấn đề là thay cả cuốn sách, không phải thay vài trang.
Nên vui hay buồn ?
Biết vậy, nhưng vui được thì cứ vui. Hay, mượn chữ của Phan Khôi, "nắng được thì cứ nắng". Diễu cợt được thì cứ diễu cợt. Khôi hài là một hình thức lễ phép của sự tuyệt vọng (L’humour est la politesse du désespoir) (1).
Nghĩ đi, thấy lãnh tụ chết cũng vui. Nghĩ lại, chưa chắc đã là tin mừng. Vì một anh lãnh tụ chết, sẽ xây nghĩa trang bao la, dân hết đất trồng trọt, cắm dùi, sẽ nhăn răng chết theo. Và mỗi lần một anh anh chết, giá xăng lại tăng vọt.
Tuy vậy, không phải cả nước vui mừng. Đám tang ông Quang đã có nhiều người khóc.
Ngoài gia đình, hay những lâu la đã hưởng ơn mưa móc, hay các đồng chí phải đóng kịch buồn rầu, người ta không hiểu khóc vì lý do gì. Ông Quang khi là Bộ trưởng Công an đã hành hạ, tra tấn, giết hại bao nhiêu người, đã nâng cao "phong trào dân đến đồn Công an tự tử". Có cảm tình với đương sự, bởi vì nghe nói ông chống Trung Quốc, bị đầu độc vì muốn thoát Trung ? Nếu chuyện đó có thật, cái chống Tàu của ông nó cũng không đến nỗi hung hăng lắm, vì ông vẫn ngậm miệng ăn tiền cho tới chết.
Ông Đỗ Mười, xuất thân từ người hoạn lợn, đã thiến cả nước, miền Bắc trước, miền Nam sau. Trong mười năm làm Thủ tướng, Tổng bí thư, với những chiến dịch đánh tư sản tàn khốc, dã man, đần độn, ông ta đã làm tiêu tan tiềm lực quốc gia, tan nát hàng triệu gia đình, đưa hàng trăm ngàn người đến vùng kinh tế mới để hoặc bỏ mạng, hoặc trốn về thân tàn ma dại, đã đẩy hàng triệu người xuống thuyền vượt biển tìm đường sống, một phần ba bỏ mình trên biển cả.
Ngày đưa tang ông Quang, có người khóc. Đưa ông Đỗ Mười, học sinh bị lùa ra đứng hai bên đường, không khóc, nhưng cũng phải đóng vai buồn rầu cho đúng quy trình, mặc dù chẳng biết ông ta là ai.
Những hung thần đó, vẫn có những người khóc, mặc dù ngày nay, thời đại Internet, dân không ngoan hơn, hay bớt ngu hơn. Không còn cảnh vật vã than khóc hơn cả khi cha chết, như trong những đám tang Staline, Mao, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành…
Người ta, nhất là người Tây Phương, thường ngạc nhiên, đúng ra là ngỡ ngàng, trước cảnh than khóc lãnh tụ ở những xứ cộng sản.
Phải đọc một tác giả Bắc Hàn, mới hiểu được hiện tượng đó.
"Truyện La scène (Màn kịch), trong tuyển tập truyện ngắn Tố cáo (La dénonciation) của Bandi, mô tả không khí xã hội những ngày dân Bắc Hàn để tang Kim lãnh tụ. Trong buổi họp phường khóm, công an phường cảnh cáo : "Ngay trong hàng ngũ cán bộ cũng có những tên đáng bắn bỏ (vì không bày tỏ đủ lòng thương tiếc Đại lãnh tụ kính yêu)… Chúng ta phải khuyến cáo cán bộ cảnh giác hơn nữa : hàng ngàn con mắt, hàng ngàn lỗ tai, hàng ngàn nắm tay vũ bão phải tích cực canh chừng hơn nữa, phải như vậy mới bảo đảm sẽ không có tên nào dám lầm lỗi".
Mọi người thi đua tới bàn thờ tưởng niệm lãnh tụ. Người ta biết công an đứng ghi tên từng người. "Dân chúng tới than khóc ít nhất một lần mỗi ngày. Dần dần trở thành một thông lệ được mọi người tuân theo, và con số những người tới sáng, trưa, chiều, tối càng ngày càng đông". Cả nước vật vã khóc, kể cả những người bị chế độ hành hạ thân tài ma dại. Tác giả viết mỗi người đóng một vai kịch, sống trong da thịt vai kịch (se glisser dans la peau du personnage) đến nỗi trở thành nhân vật, những giọt nước mắt trào ra, tự nhiên. Mỗi người mang tới bàn thờ lãnh tụ một bông hoa. Hậu quả là hoa trong vườn, trong công viên bị hái sạch, thiên hạ, kể cả học sinh nhỏ tuổi phải leo lên núi kiếm hoa, nhiều người rơi xuống hang núi chết, nhiều người bị rắn độc cắn bỏ mạng. Cán bộ phường : "Các người tưởng rằng như vậy là đủ trung thành à ? Tưởng rằng hái tất cả hoa trong thành phố để kính dâng hương hồn Đại Lãnh Tụ, tưởng rằng leo lên núi hái hoa có thể rớt xuống hang hay bị rắn độc cắn là đủ à ? Trong giai đoạn bi thảm này, dù chúng ta có than khóc đến chết, vẫn không đủ để bày tỏ nỗi đau buồn đã mất người cha chung của dân tộc" (2).
Trong số những người vật vã than khóc, có những người khóc thật, vì được nhồi sọ từ nhỏ, tin rằng mình sống, ăn, ngủ, hít thở khí trời là nhờ lãnh tụ. Cũng có, rất nhiều người, than khóc vì bị lây. Giữa một đám đông, cá nhân không còn nữa, người ta suy nghĩ, phản ứng như đám đông. Y khoa gọi đó là hiện tượng "mimétisme".
Mimétisme, nơi súc vật : thay lông, đổi mầu để lẫn vào cảnh vật chung quanh ; nơi con người : lập lại một cách máy móc, vô thức những hành động, thái độ của những người chung quanh. Trong cả hai trường hợp, đó là một phản ứng để sống còn
Từ vô thần tới Niết Bàn
Như tất cả những người cộng sản, các ông Trần Đại Quang, Đỗ Mười đều hãnh diện khoe trong lý lịch là vô thần, nhưng khi chết, đột nhiên thấy cần Phật hơn là Marx.
Nơi chín suối, Phật hình như có thẩm quyền hơn Đảng, Phật là Tổng bí thư. Hối lộ, phải hối lộ đúng chỗ. Bèn vội vàng, khẩn cấp quy y. Bèn vội vàng triệu tập hàng ngàn sư sãi quốc doanh tụng kinh, gõ mõ. Vẫn cái chiến lược lấy thịt đè người. Trước cửa Phật, cũng dàn quân như công an chống biểu tình, nghĩ nếu tương quan lực lượng càng ngả về phe ta, Phật càng phải nhượng bộ sớm, vội vàng mở cửa Niết Bàn. Tội càng nặng, lực lượng sư sãi càng đông, tụng kinh, gõ mõ càng lớn để áp đảo tinh thần đối phương.
Tội càng nặng, lực lượng sư sãi càng đông, tụng kinh, gõ mõ càng lớn để áp đảo tinh thần đối phương.
Vẫn cái chiến thuật nói láo, theo đúng lời dạy của Lenin : một sự dối trá nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ trở thành sự thực. Các dư luận viên đã áp dụng chiến thuật đó với dân. Các sư quốc doanh áp dụng chiến thuật đó với Phật. Một thượng toạ Thích Cầu Siêu hớn hở loan tin, cũng đáng tin cậy như tin trên báo Đảng : Chủ tịch Trần Đại Quang đã về tới Niết Bàn.
Sau giai thoại đồng chí Chủ tịch thuở nhỏ bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học bài, người ta tưởng nghệ thuật điếu đóm đã tới tột đỉnh. Nhưng không, vẫn có những thằng cha muốn đi xa hơn nữa. Thích Minh Hiển, một thượng tọa quốc doanh khác, làm lobby cho cựu Tổng bí thư nơi cửa Phật, tuyên bố ngon lành : "Cụ Đỗ Mười có đủ đức tính của một Bồ Tát thị hiện". Nói chắc nịch, như phát ngôn viên chính thức của Đức Phật, sau khi đã xét hồ sơ.
"Cụ Đỗ Mười có đủ đức tính của một Bồ Tát thị hiện".
Hai ông trùm một đảng cướp lăn ra chết, cả nước phải để tang. Hiện tượng quái dị đó phải trách ai ? Đảng cướp lộng hành hay một dân tộc thụ động, cam chịu ?
Lòng dân, ý Trời
Bộ Ngoại giao kiêu hãnh loan tin : nhiều nước gởi điện chia buồn với nhân dân Việt Nam và gia đình cựu Tổng bí thư Đỗ Mười.
Tò mò, muốn biết "nhiều nước "là những nước nào ? Trả lời : Trung Quốc, Lào và Campuchia. Thấy thiêu thiếu. Nếu có thêm Bắc Hàn và Cuba, có thể khẳng định ít nhất 100% nhân dân thế giới đã tiếc thương Bồ tát.
Nước nào tiếc thương nhiều nhất ? Tàu. Trung Quốc vô cùng thương tiếc "một đồng chí, và một người bạn thân thiết nhất của Đảng và nhân dân Trung Hoa".
Trung Quốc có thể an tâm. Đồng chí này chết, đồng chí khác lên thay. Cái chức "bạn thân thiết nhất của Đảng và nhân dân Trung Hoa", nhiều đứa sẵn sàng giết nhau để tranh giành cho kỳ được. Chưa bao giờ, phong trào khoe khoang những hành động và thành quả của tình hữu nghị Hoa Việt lên cao hơn như những ngày gần đây.
Nhìn cảnh vua quan mặt mũi rầu rĩ tiễn đưa các đồng chí ra đi, viết (hay chép lại) những lời ai điếu thống thiết trên sổ vàng, người ta không thể không nghĩ tới đám tang của những godfathers trong cuốn phim về mafia của Coppola. Và một câu nói của một nhà văn Pháp : những con cá sấu chưa dự đám tang lãnh tụ, sẽ không biết khóc.
Bây giờ đang là mùa lãnh tụ băng hà, các godfathers khi xếp hàng thắp hương phúng điếu cũng nên thận trọng, nhìn trước nhìn sau. Ngày xưa, trong truyện Tàu, mỗi lần các quan chức tiếp nhau, bao giờ cũng mời khách ngồi dựa lưng vào tường. Ra cái điều là mình không có ý xấu, không tính chuyện thích khách, đâm vào lưng khi khách ngồi nhậu.
Ông Quang ngỏm, bác Trọng lên thay thế, kiêm nhiệm. 100 % Bộ chính trị đã đề cử bác. Ít nhất 100% Đại biểu sẽ bỏ phiếu cho bác, theo ý nguyện của ít nhất 100% nhân dân. Con số 100% hơi khả nghi, vì trong số gần 100 triệu người Việt, có hai người không đồng ý.
Người thứ nhất là tác giả bài này, từ đầu vẫn ủng hộ ông Quang Lùn thuộc nhóm Cờ Đỏ.
Người thứ hai là chính bác Trọng. Bác không hề hay biết chuyện đề cử này, rất ngạc nhiên, rất bức xúc, rất ngần ngại. Bác đã từng tuyên bố "Vừa là Tổng bí thư, vừa là Chủ tịch nước, ai sẽ là người kiểm soát ?". Rất ngần ngại, nhưng cuối cùng, đành phải nhận lời, ý dân không thể từ chối. "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", như lời Mạnh Tử
Như vậy, phải nói rõ là không phải hoàn toàn "một chăm phần chăm". Nhưng không sao. Thiếu một, hai người, nhưng có thêm một phiếu, quan trọng không kém : Trời. Thủ tướng Phúc, người ban chức "top" thế giới cho cả nước, khám phá ra chuyện đề cử bác Trọng "trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người".
Vô thần, nhưng khi cần vào Niết Bàn sớm để chiếm chỗ tốt, vồ nhà mặt tiền, không ngần ngại ra lệnh cho sư sãi quốc doanh tụng kinh loạn cào cào, khi cần thắng cử, không ngần ngại lôi Trời đi bỏ phiếu.
Mồ cao, mả đẹp
Mồ mả ông Quang xây hoành tráng, rực rỡ trên 2.000 thước vuông, gấp hàng trăm, hàng ngàn lần nơi an nghỉ của De Gaulle, Kennedy, Kohn là quốc trưởng, thủ tướng của những nước nhược tiểu, nghèo đói.
Mồ ông Đỗ Mười nhỏ hơn, trên 1.000 thước vuông, bởi vì ông được báo Đảng ca tụng là người sống giản dị, gần dân, tiết kiệm từng xu cho công quỹ. Giai thoại : khi đi thăm dân, ông từ chối không uống bia, vì "uống bia là uống dollars".
Mỗi người có một cái thú. Cái thú nho nhỏ của các đầy tớ dân là khi sống, mặc dù rất thanh liêm, thích cất những cái lều thật lớn, khi chết, xây mả to tổ bố. Muốn đời đời thiên hạ chiêm ngưỡng, nhớ ơn công đức của mình. Mặc dù là những người kiến thức bao la, nhờ vỏ trứng, đom đóm, các đỉnh cao trí tuệ loài người chắc chưa đọc những câu danh ngôn về cái sống, cái chết.
Mark Twain : hãy ăn ở làm sao để ngày đưa tang, ngay cả nhân viên nhà đòn cũng nhỏ lệ.
André Malraux : Ngôi mộ đẹp nhất là những kỷ niệm tốt đẹp để lại cho thiên hạ.
Ngạn ngữ Tàu : Đám tang người quyền thế không thiếu gì cả, chỉ thiếu người thực sự tiếc thương.
Paris 07/10/18
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com, 08/10/2018
(1) L’humour est la politesse du désespoir. Câu này, người ta gán cho Hugo, Wilde, Valéry, Vian, Churchill…, thực ra là của Chris Marher
(2) Trích từ "Văn chương phản kháng Bắc Hàn" trên tuthuc-paris-blog.com
Năm 1992 ông Francis Fukuyama một học giả nặng ký của những đại học danh tiếng như Yale, Harvard của Mỹ đã viết 1 bài luận mang tựa đề : The End of History ? (Lịch sử cáo chung ?) đăng trên tạp san National Interest. Tại sao cáo chung ? Thời điểm đó chiến tranh lạnh chấm dứt bằng sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Sô Viết. Nước Trung Hoa cộng sản do Đặng Tiểu Bình dẫn đầu quỵ lụy phương Tây, ngã theo kinh tế thị trường dắt Việt Nam cộng sản theo cái gọi là 'Đổi Mới' có nghĩa là họ không chơi kiểu cộng sản nữa mà làm kinh tế tư bản.
Sự thật lịch sử đã không như vậy kể từ 1992 tới bây giờ.
Francis Fukuyama trong phút giây hồ hởi đã cho rằng lịch sử nhân loại từ đây chỉ có tư tưởng tự do dân chủ của Tây phương là độc tôn ngự trị cho mãi về sau. Những chủ nghĩa vớ vẩn khác đi vào sọt rác của lịch sử.
Ước gì ông nói đúng. Sự thật lịch sử đã không như vậy kể từ 1992 tới bây giờ. Chủ nghĩa cộng sản bắt nguồn từ cuộc cách mạng Nga lật đổ Nga Hoàng Nicholas đệ nhị 1917 có mục đích tối hậu là xóa bỏ biên giới quốc gia, giải phóng mọi tư tưởng dân tộc để sống trong "Thế giới đại đồng" (Global communism) không phân biệt biên giới, điển hình là người Tàu cũng như người Việt; xóa biên giới cho khoẻ. Ngoài ra cộng sản chủ nghĩa khuyến khích người cùng chủng tộc tự giết lẫn nhau mới là có đạo đức cách mạng. Người ngoại quốc giết mình là xấu. Tự tay người Việt giết người Việt tốt hơn. Bịnh hoạn như vậy. Tư tưởng bỏ đi biên giới quốc gia đã được đa số người Việt Nam trong thế kỷ 20 ủng hộ cuồng nhiệt. Ngoài Bắc theo nhiều nhứt. Trong Nam đám Nam kỳ cộng sản cũng theo nhưng có phần ít hơn, khoảng 100.000 người.
Bức tường Bá Linh sụp đổ, Trung Quốc hòa hoãn theo tư bản thì tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton thấy không còn gì phải lo nên phát động chủ nghĩa 'Toàn cầu hóa' (Globalisation). Toàn cầu hóa này khuyến khích mọi hoạt động kinh tế không giới hạn biên giới quốc gia, không phân biết ý thức hệ, miễn sao làm ra tiền và tăng sản xuất, theo kinh tế thị trường.
Toàn cầu hóa là bước tiếp nối của Thế giới đại đồng nhưng nghiêng theo tư bản. Thời đó người Mỹ cho rằng kinh tế thị trường làm cho người Tàu giàu lên thì họ tự nhiên chọn dân chủ tự do và cộng sản chủ nghĩa sẽ chết. Sự thật ngược lại. Toàn cầu hóa đã nuôi dưỡng Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục giàu mạnh, bóp nghẹt tự do và chỉ có giai cấp con cháu cách mạng đảng viên trở nên giàu có vô cùng tận trên xương máu của người dân. Bất công, tham nhũng và đồi trụy, ung thối đầy ra. Người Mỹ không quan tâm chuyện đó.
Người Mỹ dưới quyền ông Tổng thống Donald Trump quan tâm hơn nữa là vị trí siêu cường của Huê kỳ bị Trung Quốc đe dọa lấn lướt. Mối đe dọa này hiện hữu trên 10 năm trước khi ông Trump thắng cử. Giờ đây câu chuyện khá buồn về thí nghiệm 'Toàn cầu Hóa' đã cáo chung. Nó đã chết. Mỹ đang đánh mạnh vào yết hầu của Trung Quốc bằng thương chiến đi đôi với thách thức quân sự chánh trị. Từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 tín dụng thứ cấp đến nay Trung Quốc phát triển nhờ vào vay nợ. Xuất cảng không còn nhiều mà tùy thuộc vào xây dựng mấy chục thành phố chu vi to tát chỉ để bỏ hoang. 10 năm mắc nợ đó không ngóc lên được thì con đường trước mắt chỉ có bi đát hơn thôi. Bắc Kinh vẫn có thể tung ra tỉ này theo tỉ kia cứu công ty sản xuất cho không bị thất nghiệp nhưng sản xuất bán cho ai ? Thế giới đại đồng chấm dứt năm 1991. Toàn cầu hóa mậu dịch, là tiếp nối của thế giới đại đồng năm xưa cũng đã cáo chung năm 2018 này. Thế giới đang bước vào cuộc đổi thay lịch sử.
Trung Quốc họp nhứt đã lâu, có lẽ đang bước vào chu kỳ tan rã và thay đổi triều đại như lịch sử của họ đã nhiều lần chứng minh. 'Thế lớn trong thiên hạ hợp lâu se tan, tan lâu sẽ hợp'.
Lịch sử cũng chứng minh mỗi lần Trung Hoa thay đổi triều đại thì bên nước Việt Nam cũng thay đổi triều đại mà thôi. Sự đó có liên quan tới tinh thần, hoặc huyền bí tôi không biết. Bên Tàu có Tống, bên Ta có Lý. Tống sụp thì Lý vong nhường cho Trần đối diện với Mông-Nguyên. Nguyên sụp thay bằng Minh thì bên Ta có Lê. Minh sụp thay bằng Thanh thì bên Ta Lê sụp thay bằng Nguyễn. Năm 1949 Mao Trạch Đông lên ngôi trời đưa tới nước Nam bị bại vong nhường cho chế độ cộng sản thân Tàu hiện nay đồng hành với Trung Quốc. Ngày mai người nước Đại Nam sẽ thấy những tia sáng ló dạng của bình minh thay đổi khi Toàn cầu hóa cáo chung. Dù cáo chung nhưng lịch sử vẫn tiếp diễn theo chiều hướng tốt hơn.
Bỉnh chúc vô minh Quang tự diệt
Trọng Ngân bạc Phúc : Sản tắc vong'
(sấm Trạng Trình)
Võ Thanh Liêm
(01/10/2018)
Tuần này, đom đóm trở thành một trong những chủ đề nóng trên mạng xã hội.
Loại côn trùng có khả năng phát sáng vào ban đêm ấy được thiên hạ quan tâm, bàn luận rôm rả vì là một phần trong thân thế - sự nghiệp của ông Trần Đại Quang.
Đám tang ông Trần Đại Quang.
Hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam đã dành khá nhiều thời gian, công sức để khắc họa "tài năng, đức độ" của ông Quang như một cách cân bằng thông tin với mạng xã hội đang tràn ngập những dè bỉu, chỉ trích, cáo buộc ông Quang.
Với bối cảnh xã hội như hiện nay, khắc họa "tài năng, đức độ" cố Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam rõ ràng là không dễ dàng chút nào. Dường như thiếu… bột nên chuyện gột thành… hồ của hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam về "tài năng, đức độ" của ông Quang sượng đủ chỗ. Một trong những chỗ sượng tới mức sống sượng là tình tiết quảng bá ông Quang "thông minh, siêng học từ nhỏ", từng "bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn học đến khuya" .
Không may cho hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, ở thời điểm này, mạng xã hội đã trở thành đại chúng, sự khinh bỉ, chán ngán giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã vượt ngưỡng nên tụng ca thường mang lại đại họa.
Ngay sau khi tờ Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh đăng bài "Vĩnh biệt cậu trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học", có những facebooker như Trương Văn lập tức lên tiếng lưu ý : Đom đóm không sáng liên tục, sau mỗi bốn giây mới sáng nửa giây. Văn dẫn một nghiên cứu của E. Newton Harvey và Kenneth P. Stevens vào năm 1928, theo đó, độ sáng của mỗi con đom đóm chỉ có 0.0006 lumens (lumen – đơn vị đo độ sáng). Để có thể đọc được gì đó, mắt một người bình thường cần độ sáng tối thiểu là 450 lumens. Nghĩa là cần 750.000 con đom đóm sáng cùng một lúc trong nửa giây. Muốn duy trì liên tục độ sáng ở mức 450 lumens, cần phải có 8 lần số đom đóm thay phiên nhau phát sáng, nói cách khác cần tới sáu triệu con đom đóm.
Lưu ý của Trương Văn cũng là lưu ý của nhiều người khác, trong đó có cả những facebooker là bác sĩ nhãn khoa như Nguyen Tien Phuc. Phuc nhắc thêm, phải có "hảo công phu" mới bắt được đủ lượng đom đóm cần thiết để đọc, chưa kể lấy đâu ra đủ lượng vỏ trứng để chứa số đom đóm ấy ?
Trước những dẫn chứng khoa học và phân tích cặn kẽ như đã kể, có không ít facebooker đùa như Nguyen Phuong Anh : Đom đóm nước ta khác, chúng sáng rực rỡ và muôn năm ! Hoặc như Ngoc Hiêp Nguyên : Hồi bác Quang còn nhỏ, đom đóm rất nhiều và rất to mỗi con nặng khoảng nửa ký, độ sáng bằng đèn bốn cục phin của Trung Quốc. Chỉ cần hai con là đủ học suốt đêm. Nghe nói cụ Nguyễn Đình Chiễu vì dùng nhiều, bốn hay năm con gì đó để học bài nhưng độ sáng quá cao nên bị mù. Hồi xưa đom đóm sáng ghê lắm ! Thiệt đó !.. Cũng đã có những facebooker như Trần VirJo thẳng tuột, không vòng vo : Mùa đom đóm là mùa hè, mùa đ… có thằng đ… nào đi học trừ khi dốt quá phải học phụ đạo.
Đom đóm cũng là lý do khiến nhiều facebooker như Nguyễn Thành Phương, thân hữu của Nguyen Tien Phuc, nửa đùa, nửa thật, đầy ngậm ngùi : Xưa có những siêu nhân như anh Tám – cháy đùng đùng mà vẫn tìm được đúng đường chạy vào kho xăng, chị Sáu… bị bắn nát ngực vẫn hát, rồi những anh Bảy, anh Mười… Giờ có thêm vài… thánh đom đóm cũng vui. Lạ là một dân tộc tộc toàn… siêu nhân như thế sao cứ khổ hoài vậy ?
Quang Nguyễn, một thân hữu khác của Nguyen Tien Phuc, trấn an những người bi quan như Nguyễn Thành Phương : Bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để trang trí thôi. Trong đầu đã có tư tưởng Mác Lê soi sáng thì mấy cái bóng tối lẻ tẻ có gì đáng để không đọc được. Một khi đã sáng mắt, sáng lòng thì làm gì có đêm đen nào ngăn cản được mình.
***
Giữa trận bão dư luận về đom đóm, có không ít facebooker chỉ trích báo giới như Nguyễn Hữu Phúc : Lỗi là do bọn viết báo chứ không phải của người đã khuất !
Tuy nhiên quy trách như thế dường như chưa sòng phẳng.
Tác giả "Vĩnh biệt cậu trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học" đăng trên tờ Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/9/2018, viết rất rõ, nguồn gốc chuyện ông Quang "bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn học đến khuya" là chuyện do "nhà báo Vũ Thanh Hương – Phó Ban An ninh thế giới của Báo Công an nhân dân - kể sau khi có cơ hội dùng bữa cơm thân mật cùng gia đình ông Trần Đại Quang hồi 2011 khi ông Quang còn là Thứ trưởng Bộ Công an". Từ 2011 đến khi đột tử hồi hạ tuần tháng này, đã có bao giờ ông Quang phủ nhận huyền thoại tạo ra hào quang ấy cho mình như đã từng phủ nhận ông ủng hộ Luật Biểu tình, khiến tờ Tuổi Trẻ phải đình bản ấn bản trực tuyến trong ba tháng đâu.
Đâu phải chỉ có ông Quang dùng côn trùng tạo dựng huyền thoại, xây đài vinh quang. Cũng năm 2011, thông qua hệ thống truyền thông chính thức, mẹ ông Vương Đình Huệ, thủ thỉ, thưở còn thơ, ông Huệ cũng… bắt đom đóm bỏ vào vỏ cà rỗng để làm đèn, học hành. Khi ấy, ông Huệ mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, giờ - không biết đom đóm góp bao nhiêu phần trăm trong việc nâng ông lên thành Phó Thủ tướng, đưa ông vào Bộ Chính trị.
Những câu chuyện dã sử về một Mạc Đĩnh Chi, một Nguyễn Hiền,… dùng đom đóm làm đèn để dùi mài kinh sử, cứu nước, giúp đời, vốn chỉ nhằm khyến khích hậu sinh chăm chỉ học hành, nay, ở thế kỷ 21 đã mang màu sắc khác, khi được tô vẽ như thật, sự tô vẽ có chủ đích và chắc chắn không phải là chủ trương của "bọn viết báo". Ai chẳng biết thân phân "bọn viết báo" xứ này ra sao. Thành ra đâu phải tự nhiên mà có những facebooker như Khải Trần cho rằng : Nên lấy đom đóm làm linh vật cho ngành giáo dục. Hoặc Huy Vũ Đình đề nghị : Dựng một tượng đài đom đó để suy tôn những con vật nhỏ bé đã soi đường cho những thiên tài của đất nước.
Thiên Hạ Luận
Nguồn : VOA, 28/09/2018
Theo vietnamnet.vn, tối 22/09/2018, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, tăng ni 2 trường Hạ gồm chùa Yên Vệ (huyện Yên Khánh) và chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn) đã đồng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cầu siêu cho hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Quang cảnh buổi lễ dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cầu siêu cho hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Ninh Bình ngày 22/09/2018.
Tham dự lễ dâng hương và tụng kinh cầu siêu cho Chủ tịch nước có hàng nghìn tăng ni, tín đồ Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình.
Sau lễ dâng hương, các tăng ni, phật tử cùng nhau tụng kinh cầu siêu cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang siêu sinh tịnh cảnh.
Sáng nay, tại chùa Bái Đính, hàng trăm phật tử cũng đã đến dự lễ tụng kinh, cầu nguyện để hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang được vãn sinh tịnh độ.
Trong khi đó, báo Sài Gòn Giải Phóng online, vào ngày 25/09 viết : Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, chủ lễ tưởng niệm đã ôn lại công đức và những đóng góp to lớn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Phật pháp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Các nhà sư cầu nguyện cho ông Trần Đại Quang ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/9.
Báo này cũng đã phỏng vấn Hòa Thượng Thích Trí Quảng, vốn là người Củ Chi, một đảng viên lão thành của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông ca ngợi công lao của Trần Đại Quang Quang, để biện minh cho việc "cầu siêu" cho Tướng Quang như sau : "…Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất, tôi và giới tăng ni, đồng bào phật tử Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng đau buồn về sự mất mát này… Một đóng góp rất quan trọng của chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Phật giáo và dân tộc…", đó là việc ông giúp đúc tượng Phật cho chùa Việt Nam Quốc Tự Quận 10.
Báo Người Việt ngày 23/09/2018 có viết :
"Khi hình ảnh về lễ cầu siêu cho ông Quang được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều blogger đặt câu hỏi tại sao một quan chức thuộc "tứ trụ" của cộng sản Việt Nam vốn theo thuyết vô thần, phủ nhận, bài trừ tôn giáo mà đến khi chết lại có lễ cầu siêu theo đạo Phật".
Rồi báo này trả lời :
"Sự thực khi còn sống, ông Quang được ghi nhận có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng tại các chùa chiền ở Việt Nam cũng như nước ngoài".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương,
phát biểu chúc mừng Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân đại lễ Phật đản ngày 21/05/2016 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Trên STBN.TV ngày 24/09/2018, Chân Tâm cũng đã lặp lại một luân điệu tương tự.
Thật sự đây cũng chỉ là nhai lại luận điệu ngụy biện của Thích Trí Quảng mà thôi.
Tất cả chỉ là một lời biện minh vụng về cho Phật giáo quốc doanh ở trong nước bằng cách đánh lận giữa tuyên truyền và lòng "mộ đạo" của người Phật tử.
Ở trong nước, hiện nay có đến 90% cơ sở Phật giáo là công cụ phục vụ chế độ, đa số các chùa lớn đều do "Sư Công An" trù trì. Do đó, thái độ "ngưỡng mộ" và yểm trợ Phật Giáo của tướng Trần Đại Quang chỉ là một hình thức tuyên truyền nhằm chiêu dụ Phật tử đứng về phía Đảng cộng sản Việt Nam. Trên nguyên tắc, với tư cách là một đảng viên cao cấp và là một nhà lãnh đạo cộng sản không công nhận tôn giáo, ông không có quyền làm như vậy, nhưng Đảng đã bảo ông làm để chiêu dụ Phật Giáo. Việc tổ chức cầu siêu long trọng cho tướng Quang cũng nằm trong thủ đoạn dó.
Khi biện minh cho việc Phật giáo quốc doanh ở trong nước tổ chức "cầu siêu" long trọng cho tướng Trần Đại Quang, các Phật tử ở hải ngoại đã đẩy Phật Giáo trong nước ngày càng dính chặt với Đảng cộng sản Việt Nam hơn, trong khi đó nhiều tổ chức dân sự đang đứng lên đòi hỏi dân chủ và nhân quyền.
Năm 1964, khi bị Phật Giáo biểu tình đòi hạ bệ, tướng Nguyễn Khánh đã "hối lộ" cho Phật Giáo một khu đất rộng 45.000 m2 ở đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn, và 10 triệu đồng để xây Việt Nam Quốc Tự. "Công đức" này lớn hơn "công đức" của Trần Đại Quang nhiều, nhưng khi tướng Khánh qua đời, có Giáo hội Phật giáo nào "cầu siêu" đâu ?
Ngày 22/09/2018 Văn phòng Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc đã đưa ra tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, trong đó Tổng thống Trump đã nói :
"Chủ tịch Trần Đại Quang là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ. Ông đã ân cần đón tiếp tôi trong chuyến thăm cấp nhà nước lịch sử của tôi đến Hà Nội vào tháng 11/2017. Tôi cám ơn ông về cam kết của cá nhân ông nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam".
Donald Trump i tờ rít về chính trị và cộng sản, nên ông nói như thế là chuyện không lạ. Ông ta không chỉ mê Trần Đại Quang mà còn mê cả Putin, Tập Cận Bình và Kim Jong-un nữa ! Với ông tên cộng sản khát máu nào cũng "tuyệt vời" cả.
Nhưng nhiều người Việt vốn là nạn nhân của cộng sản và đang đi tỵ nạn cộng sản, lại dùng nguỵ biện để biện minh cho việc Phật giáo quốc doanh ở trong nước đẩy Phật giáo về phía Đảng cộng sản Việt Nam chặt chẽ hơn. Đó là một hành động khó chấp nhận được.
Lữ Giang
(26/09/2018)
Quang cảnh buổi lễ dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cầu siêu cho hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Ninh Bình ngày 22/09/2018.