Hậu duệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Sinh ra ở Miền Nam trong gia đình có người thân bên này và cả bên kia, hoa mắt trong những trào lưu văn hóa phản chiến, tranh đấu, thích nhạc Trần Thiện Thanh nhưng cũng mê đắm Trịnh Công Sơn, tôi lơ mơ không chính kiến. Bị guồng máy tuyên truyền nhồi nhét, nhào nặn một thời gian dài tôi cũng tin những anh dép râu nón cối đã là người hùng giải phóng Miền Nam. Mãi khi tóc đã bạc, đã va chạm đến mòn mỏi với bao oan khiên trái khoáy ở xứ thiên đường tôi mới hiểu ra ý nghĩa cuộc chiến, nỗi đau của hàng triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh để cuối cùng trở thành "bên thua trận".
Nhân cách, phẩm chất của lớp người nặng mang tinh thần "Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm" chiến đấu bảo miền nam tự do.
Đọc hồi ký của một số cựu sĩ quan, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa như Phan Nhật Nam, Vương Mộng Long, Trần Hoài Thư… tôi mới thấm thía nhân cách, phẩm chất của lớp người nặng mang tinh thần "Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm" chiến đấu bảo miền nam tự do. Số phận nghiệt ngã, nói theo nghệ sĩ Viễn Châu là "trời không chiều lòng người dũng sĩ", quân đội ấy đã bị bức tử. Nhưng chính trong tình cảnh yếu thế của bên bại trận, nhân cách, danh dự của họ càng tỏa sáng.
Tôi từng chứng kiến những buổi đưa tang các cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ngay trong xã hội miền Nam cộng sản, những anh em đồng khóa, chung đơn vị dù xa xôi, tuổi tác, bệnh tật vẫn tụ về viếng thăm và cùng đứng thành hàng đưa tay chào kính quan tài theo quân cách dù quân ngũ đã rời xa từ lâu lắm.
Nhưng điều đáng nói hơn là thế hệ thứ hai, lớp hậu duệ quân lực Việt Nam Cộng Hòa sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong hòa bình lại càng tỏa sáng. Không kể đến thế hệ hậu duệ ở hải ngoại đã thành đạt trở thành tướng lĩnh, chính khách, nhà văn đoạt giải quốc tế v.v… Ngay tại Miền Nam bại trận, hậu duệ của cố đại tá Nguyễn Đình Bảo - người ở lại Charlie, hay nhiều người khác cũng thoát ra khỏi vòng kim cô về phân biệt lý lịch, thành phần chính trị để thành những chuyên gia khoa học hàng đầu.
Người ở lại Charlie – nhạc và lời Trần Thiện Thanh - Thiên hùng ca Người lính Mũ Đỏ - Trung tá Nguyễn Đình Bảo
Tuy nhiên có một người tôi kính phục, yêu quý vô bờ dù chưa một lần gặp mặt. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Liên, ái nữ của một cựu đại tá Biệt Động Quân. Chị không thành đạt, không chói sáng. Như cánh hoa mảnh mai bị vùi dập suốt 49 năm going bảo nhưng dũng khí, lòng thủy chung, sự hy sinh nhân ái của chị vẫn tươi nguyên, ngát hương,
Ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ làm tôi chú ý đến chị là slogan "Hậu duệ Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa" to tướng trên phần giới thiệu trang bìa fb cá nhân (1).
Chị dùng fb làm phương tiện giao tiếp với cộng đồng, kế tục cha anh tiếp tục thực hiện giá trị thiêng liêng Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm trong điều kiện mới, bằng ý chí "Can trường trong chiến bại", như đúc kết của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Dám công khai ngửa mặt xưng tên là dân Ngụy "cọp đầu rằn" giữa đất nước đầy rẫy những hầm bẫy 117, 331 sẵn sàng nuốt chửng người ta vào tù chỉ vì một câu nói hớ. Chỉ có người hâm hoặc gan cóc tía. Chị Kim Liên không hâm, chị không chỉ nói mà làm, làm hăng say, tận tụy, chu đáo, chức trách "hậu duệ Biệt Động Quân". Tù đày không xa lạ mà đeo đẳng đời, chị phải nuôi tù từ lúc thiếu niên đến lúc tuổi già.
Bốn mươi chín năm trước, sau tháng Tư đen, mới 15 tuổi cô nữ sinh Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long bị cướp mất nhà, cha đi tù cải tạo, cả gia đình dắt díu về Long An nương nhờ nhà cô ruột. Cô phải nghĩ học đi làm thuê kiếm sống tảo tần phụ mẹ nuôi em và thăm nuôi cha đang bị đày ải.
Năm 2012, lần lượt hai con trai bị bắt giam, bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên đơn thân độc mã vừa nuôi tù vừa dùng fb làm phương tiện đấu tranh chống chế độ độc tài đòi tự do, công lý cho con. Theo đó, Đinh Nguyên Kha bị bắt vì treo cờ vàng ở nơi công cộng và rải truyền đơn ở Cầu Vượt An Sương, chụp ảnh gởi cho trang "Nhật Ký Yêu Nước" đăng tải. Án sơ thẩm tuyên 8 năm tù về tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" nhưng do dư luận, sự đấu tranh kiên cường của bà mẹ "hậu duệ Biệt Động Quân" cấp phúc thẩm phải giảm xuống còn 4 năm. Nhưng chưa thỏa mản với mức án này, người ta dựng lên bản án cố ý gây thương tích bonus cho Kha thêm 2 năm tù. Mãi đến năm 2018, đúng ngày mãn hạn Kha mới đươc ra tù (2).
Sốt ruột vì em bị bắt oan, Đinh Nhật Uy đưa ý kiến trên fb cũng bị khởi tố, bắt giam vì tội tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Tòa tuyên 15 tháng tù treo nhưng thực tế Uy đã bị giam bốn tháng (3).
Tù tội của hai con trai không làm chị chùn bước. Chị lên tiếng đấu tranh mạnh mẻ đòi công lý cho con và còn kết nối, hổ trợ với gia đình các tù nhân lương tâm, các tù oan khác. Đặc biệt, cùng huyện với gia đình tử tù oan Hồ Duy Hải, chị Kim Liên kiên cường hổ trợ tinh thần, chia sẽ với gia đình Hải. Luôn đồng hành trong các lần thăm nuôi hàng tháng. Không chỉ lên tiếng đấu tranh trong nước, chị Kim Liên còn đi sang Úc, Mỹ, cùng các gia đình tù nhân lương tâm khác trình bày nguyện vọng với cơ quan ngoại giao, các tổ chức nhân quyền quốc tế. Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2013, chị Kim Liên cùng với Bác Trần Huỳnh (thân phụ của Trần Huỳnh Duy Thức), Bác Trâm (thân phụ Luật sư Lê Quốc Quân) đã tới trụ sở của Liên Hợp Quốc (4).
Cha bị tù 13 năm, hai con bi tù hơn 6 năm, những bản nặng nề ấy đè lên người phụ nữ mãnh mai, yếu ớt nhưng chị vẫn đứng vững, không khuất phục không cúi đầu. Khí tiết ấy được hun đúc từ thế hệ tiền nhân mà chị tự nguyện gánh vác trách nhiệm của người hậu duệ tiếp tục tranh đấu cho nước Việt Nam tự do, dân chủ. Trong một stt chị đã viết "Chỉ 2 tuần nữa là tới ngày 19/6. Ngày mà tui ko bao giờ quên, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vì trong đó đã có những cống hiến, hy sinh và gian khổ của Cha và Anh tui, cùng với những người bạn của họ" (5).
Đáng trân quý hơn nửa, chị Kim Liên đã dành cả phần đời còn lại của mình để chăm sóc vật chất, nâng đở tinh thần cho 13 thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trên địa bàn huyện Thủ Thừa quê chị, cả những gia đinh tù nhân lương tâm mà chị biết, trẻ em nghèo và người nghèo quanh thôn xóm.
Chị không phải là đại gia, cũng không có nguồn tài trợ từ trên trời rơi xuống. Chỉ với mảnh vườn nhỏ và ao cá cá rộng 2000m2 và sức lao động, sự khéo léo lòng kiên trì, chị tự làm ra sản phẩm cá khô, cá chà bông, bánh tét ra bán trên mạng lấy tiền, làm quà cho những người thân yêu, người nghèo khổ. Hàng năm vào dịp tết nguyên đán, ngày 30/4, ngày quân lực 19/6, tết trung thu chị đều cố gắng xoay trở để ít nhiều có quà cho những người này.
Chị không phải mạnh khỏe lại thêm tuổi tác, bị đau khớp, đau tim. Nhà chị nằm ven sông Vàm Cỏ ở ven Đồng Tháp Mười, mùa nước bị ngập, mùa khô bị mặn, chuyện nuôi cá cũng không dễ dàng. Ấy nhưng chị vẫn tần tảo vượt qua, vẫn chu đáo trọn vẹn những món quà nghĩa tình ngay trong lúc phong tỏa thắt ngặt của mùa covid.
Dễ thương nhất là tình cờ sinh nhật Đinh Nguyên Kha trùng với ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và ngày này năm 2021, chị Kim Liên đã có stt thật thà đến chạnh lòng :
"Happy birthday con trai Đinh Nguyên Kha, nay con đã 35 tuổi rồi hén.
Năm nay vì mưa hoài, nên 2 Má con mình buôn bán hơi bị ế.
Vì thế nên năm nay Mẹ không làm Sinh nhựt cho con.
Thôi thì Mẹ chúc mừng sinh nhựt con qua Facebook nghen.
Nhưng cái ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (19/6) này của các Anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, thì Mẹ không bao giờ quên con à !
Mẹ sẽ cố gắng gởi chút quà nông sản của Mẹ làm, để gởi tặng các Bác ,các Chú thương phế binh quê mình" (6).
Đặc biệt hơn nữa, tuy luống tuổi nhưng chị Kim Liên vẫn giử được giọng hát ngọt ngào thiên phú. Giọng hát mượt mà đài các di sản của một thời Việt Nam Cộng Hòa vàng son nhung lụa. Ngay giọng hát ấy chị cũng dành cho những cựu lính Cộng Hòa. Chị tự nguyện mỗi tuần hát một bài hát về lính tặng cho người lính vào mỗi cuối tuần. Khi nào bận, chị chân thành xin lỗi và hát trong ngày khác chứ không bỏ lỗi. Stt gần nhất của chị trên fb đã bộc bạch chân thành : "Dạ, xin chào Bà con !
Ngày mai Chủ nhật, tui mắc bận nguyên ngày, nên không thể hát tặng Bà con và các bạn nhạc Lính Việt Nam Cộng Hòa được.
Nên giờ tui xin hát gởi tặng trước bài hát : Tình Thư Của Lính, của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Xin mời Bà con cùng nghe.
P/S : Bà con và các bạn biết không ?
Mấy ngày nay tui đã bán thêm được 25kg khô rồi.
Mừng lắm Bà con.
Giờ chỉ còn bán thêm 15 ký nữa, là tui có đủ tiền lời, để tặng quà tới 13 Anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa xứ tui đó Bà con.
Bà con nhớ mua nông sản ủng hộ tui nhe !
Có sự ủng hộ là tui sẽ hát tặng cho Bà con và các bạn nghe nhạc Lính Việt Nam Cộng Hòa hoài hoài luôn á !" (7).
Kim Liên tên chị có nghĩa là sen vàng ! Bông Sen Vàng hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa ấy vẫn luôn rực sáng suốt 49 mùa giông bão trong vòm trời đen ngòm chuyên chế, độc tài. Đối chọi với sự tham lam quyền lực, ích kỷ cá nhân đến cùng cực, nghi kỵ, giả dối mị dân gấp trăm lần Tào Tháo của phe thắng cuộc, bị bền bỉ vun trồng, nuôi dưỡng giá trị tự do, trách nhiệm với những đồng đội thương tật, với đồng bào bị áp bức, nghèo khổ. Chị xứng đáng là hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa, đúc kết tinh anh của lòng nhân ái, khát vọng tự do, chí hy sinh, tình yêu thương chân thành, son sắt.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 21/06/2024
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng thuật lại không khí căng thẳng tột độ tại cuộc họp giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Phái đoàn Quốc hội Mỹ ở thời điểm cuối của Chiến tranh Việt Nam.
Dân biểu Bella Abzug đứng giữa Dân biểu Việt Nam Cộng Hòa Trương Thị Bích Diệp và Dân biểu Paul McCloskey
Mắt chớp chớp, gương mặt căng thẳng. Dường như ông đang cố gắng đè nén sự phẫn nộ để giữ bình tĩnh. Nhìn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong buổi họp hôm ấy, chúng tôi cảm nhận được sự chua cay của người lãnh đạo Miền Nam Việt Nam, một nước nghèo, thật nghèo - vì chiến tranh kéo dài mà phải nhờ vả đồng minh.
Sự xót xa đã lên cao độ sau trận chiến Phước Long, vì cho tới biến cố này, đã có nhiều giao tranh trong hai năm 1973-1974 sau Hiệp định Paris, nhưng quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm lại được tất cả những khu vực bị mất đi. Bây giờ - trong bối cảnh khả năng chiến đấu bị co cụm vì sắp hết phương tiện, một tỉnh đầu tiên bị mất, lại chỉ cách Sài Gòn có khoảng 100 cây số.
Như được ghi lại trong cuốn Bức Tử Việt Nam Cộng Hòa – Kissinger và 8 thủ đoạn nham hiểm của chính tác giả (Nguyễn Tiến Hưng) xuất bản nay mai, chính quyền Gerald Ford cũng như tất cả các nước đã ‘công nhận’ Hiệp định Paris kể cả Liên Hiệp Quốc đều phớt lờ, không có phản ứng gì cụ thể.
Tòa Bạch Ốc tuyên bố lơ mơ : "đang theo dõi tình hình một cách chặt chẽ", và gửi văn thư tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tố cáo Bắc Việt "vi phạm trắng trợn" hiệp định ngưng bắn. Chỉ có vậy.
Gói viện trợ 300 triệu USD
Ngày 24 và 25/1/1975, Tổng thống Thiệu gửi hai văn thư liên tục cho Tổng thống Ford nói tới tình trạng cạn kiệt đạn dược của quân đội Việt Nam Cộng Hòa vì – trong trận Phước Long - họ "phải đếm từng viên đạn trước sức mạnh hùng hậu của quân đội Bắc Việt để chiến đấu được lâu hơn".
Ông Ford yêu cầu Quốc hội vãn hồi số tiền 300 triệu USD bị Quốc hội cắt.
Một phái đoàn gồm 6 dân biểu lưỡng đảng được phái tới Sài Gòn để ‘thẩm định’ việc hoàn lại số tiền này.
Đang lúc xính vính, cực kỳ nguy hiểm, Miền Nam lại gặp thêm một bất hạnh nữa : Đa số người trong phái đoàn lại là những người có cả một quá trình chống chiến tranh, chống viện trợ, chống Chính phủ Miền Nam. Họ thuộc cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Như vậy mà lại được phái đi để "thẩm định" xem có nên hay không nên cắt giảm viện trợ "quân sự", cũng chẳng khác gì cử những người cả đời "ăn chay" đi thẩm định xem nên hay không nên cho mở thêm tiệm bán thịt !
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong một lần quay chương trình "Vấn đề và Giải pháp" (Issues and Answers) của truyền hình Mỹ
Xin kể ba người (trên sáu) làm thí dụ, chẳng hạn như :
Ông Paul Mc Closkey, Đảng Cộng hòa, dân biểu California, là người đã chống đối mạnh mẽ ông Nixon khi ông này ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 1972, chống Nixon trên căn bản một lập trường hoàn toàn chống chiến tranh Việt Nam. Nhưng Mc Closkey đã không thành công. Sau này, năm 2004, ông ủng hộ ông John Kerry thuộc Đảng Dân chủ, rồi trở thành Dân chủ luôn.
Bà Bella Savitzky Abzug, Đảng Dân chủ, dân biểu New York, có biệt danh là "Battling Bella" – "Bella hiếu chiến". Nhưng bà chỉ ‘hiếu chiến’ cho những lý tưởng mà bà hằng ôm ấp như ‘nữ quyền’, ‘quyền người đồng giới tính’, ‘hòa bình’ theo kiểu ‘make love not war’ của cuối thập niên 1960, ‘chống quân dịch’ và đặc biệt là cực lực chống Chiến tranh Việt Nam.
Ông Donald Fraser, Đảng Dân chủ, dân biểu Minnesota, một người ‘lý tưởng’, luôn chủ trương phải cắt hết viện trợ cho những quốc gia không tôn trọng ‘nhân quyền’ trong khối các nước không theo cộng sản, bất kể nước đó có ở trong tình trạng chiến tranh hay không.
Phái đoàn được ‘hướng dẫn’ bởi Dân biểu John Flynt thuộc Đảng Dân chủ, một cựu quân nhân, tương đối có thiện cảm với Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng ‘hướng dẫn’ hoàn toàn không có nghĩa là ‘trưởng phái đoàn’ vì các dân biểu đều ngang hàng với nhau trên vị thế, không ai hơn ai.
Người dân Nha Trang sơ tán vào đầu năm 1975
Khi biết được thành phần phái đoàn thì chuông báo động ở Sài Gòn đã rung lên. Mặc dù đang trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, toàn thể bộ máy chính phủ, quân đội, cảnh sát đã mất rất nhiều thời giờ và công sức, họp hành liên tục để bàn tính xem nên ứng xử như thế nào, rồi chuẩn bị cho cuộc viếng thăm. Yêu cầu của phái đoàn là phải để cho họ được tự do muốn đi đâu thì đi, muốn gặp ai thì gặp. Đây là một cái thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu đáp ứng yêu cầu này thì thật là nguy hiểm vì phái đoàn, với những thành viên có quá trình như kể trên, sẽ chỉ biết "vạch lá tìm sâu", sẽ lợi dụng cơ hội để chụp hình, ghi âm những cáo buộc họ đã được nghe về chính phủ, để chứng minh là lập trường trong quá khứ của họ là đúng. Nhưng đang ở vào thế kẹt, phía Việt Nam phải chấp nhận tất cả mọi yêu sách. Cả một chương trình linh động được sắp xếp. Và phái đoàn sẽ được tự do muốn làm gì thì làm, muốn gặp ai thì gặp, tuyên bố gì thì cứ việc tuyên bố. Kể cả được tự do đi "thanh tra" những "cấm địa" như cơ sở quân sự, khám Chí Hòa, "chuồng cọp Côn Sơn".
Tổng thống Thiệu còn nghĩ tới cả khía cạnh con người của bà Bella Abzug và nói với Ngoại trưởng Vương Văn Bắc trong một buổi họp : "Này ông Bắc, ông trông 'séduisant' (có sức quyến rũ), ông nên săn sóc bà Abzug giùm tôi".
Mọi người bật lên cười, bớt chút căng thẳng.
Cuộc họp căng thẳng
Vừa đáp xuống Tân Sơn Nhất, phái đoàn đã xé lẻ, mỗi người một ngả, đi gặp đủ mọi thành phần : chống chính phủ, phản chiến, nào bà Ngô Bá Thành, nào ông Huỳnh Tấn Mẫm, nào Cha Thanh, rồi vào khám Chí Hòa phỏng vấn "tù chính trị"...
Hầu hết các câu hỏi chỉ xoay quanh những vấn đề : tham nhũng, độc tài, lạm quyền của Chính phủ Thiệu, bằng chứng Miền Nam đã vi phạm Hiệp định đình chiến.
Phái đoàn không thiết tha gì tới những vi phạm Hiệp định đình chiến của Miền Bắc, thí dụ như vận chuyển quân đội, quân cụ, đạn dược vào Miền Nam. Dân biểu McCloskey còn cố ý tới Sài Gòn ngày 24/2, trước tất cả các thành viên khác, để yêu cầu được đi thăm các trại giam tù nhân chiến tranh.
Dân biểu Bella Abzug từ lâu đã có lập trường phản chiến. Trong ảnh : Bà Abzug (đang phát biểu) trong một sự kiện phản chiến tại Đồi Capitol thời Chiến tranh Việt Nam.
Trong một bữa cơm chiêu đãi do Thủ tướng Trần Thiện Khiêm mời, bà Abzug công khai bày tỏ thái độ. Khi chủ nhân mời khách nâng ly rượu chúc mừng, bà ngồi yên, không động đậy gì cả.
Sau khi đi thăm viếng các nơi, phái đoàn trở về Sài Gòn họp với Tổng thống Thiệu ngày thứ Sáu 28/2 để đúc kết tình hình. Chúng tôi cùng tham dự để ghi chép và giúp ông về Anh ngữ những khi cần.
Vận động mãi để hoàn lại "con số 300 triệu đô la định mệnh", Dinh Độc Lập hy vọng sau khi đúc kết tình hình và được hoàn toàn tự do trong các cuộc tiếp xúc, phái đoàn sẽ có ít nhất là một vài phát biểu có chút thiện cảm đối với Miền Nam, vì số tiền 300 triệu này là chỉ để đáp ứng nhu cầu cấp thời.
Dự tính phân bổ khoản viện trợ 300 triệu USD, khoản dành cho Lục quân
Như nước đổ lá khoai, mọi nỗ lực đều vô ích, diễn tiến buổi họp rất tiêu cực. Riêng chúng tôi, dù đã đoán trước là bầu không khí sẽ không được cởi mở, thân mật, nhưng không ngờ nó lại trở nên căng thẳng, hằn học đến thế.
Không thấy phái đoàn bình luận gì về nhu cầu viện trợ mà chỉ đặt những câu hỏi rất khiêu khích, cái khiêu khích của những người chỉ cố tìm những bằng cớ một chiều, để chứng minh là họ đã có một lập trường đúng trong quá khứ, không phải của những người đi tìm đâu là sự thật, chứ đừng nói tới việc tìm cách giúp một đồng minh đã cùng với Hoa Kỳ chiến đấu trong 20 năm :
– "Tại sao ông đã vi phạm Hiệp định Paris đang khi ông lại đặt điều kiện là Bắc Việt phải thi hành Hiệp định Paris ?"
– "Ông đã đòi Bắc Việt rút quân như một điều kiện điều đình, ông vẫn còn muốn viện trợ quân sự ?"
– "Ông muốn viện trợ kinh tế mãi sao ? Chừng bao lâu nữa ?"
Dự tính phân bổ khoản viện trợ 300 triệu USD, khoản dành cho Không quân
Tôi ghi lại từng chữ một phát biểu khác :
"Chúng tôi nghĩ rằng viện trợ Hoa Kỳ sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố, như việc thả tù binh chính trị, chống tham nhũng, việc thành lập một lực lượng thứ ba. Quý vị đã làm gì cho các vấn đề này ? Chúng tôi rất quan tâm".
Sau gần 50 năm rồi mà mỗi khi hồi tưởng tới cuộc họp này, bộ mặt căng thẳng của Tổng thống Thiệu vẫn còn hiện lên rõ ràng trong trí nhớ chúng tôi.
Bà Bella Abzug thì mặt đằng đằng sát khí. Bà dân biểu Millicent Fenwick (New Jersey) thì cứ tiếp tục phì phèo ống điếu ngay trong buổi họp và trước mặt một tổng thống.
Bữa tiệc cuối tại Dinh Độc Lập
Sáng hôm sau, Tổng thống Thiệu điện thoại cho chúng tôi thật sớm. Với một giọng đầy phẫn nộ, ông nói : "Mấy người phách lối này không có ngay đến cả một phép lịch sự tối thiểu đối với đồng minh. Anh soạn cho tôi mấy câu để tôi đọc trong bữa tiếp tân chiều nay".
Để giúp tôi có một khái niệm, ông gọi tôi vào văn phòng và cho tôi xem một phần của hồ sơ Dinh Độc Lập. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đọc một số tài liệu quan trọng này.
Chiều ngày 1/3, Dinh Độc Lập mở tiệc khoản đãi các vị "quốc khách" (tại Phòng Khánh tiết) vì hôm sau phái đoàn lên đường ra về. Dù có tin đồn là một số khách sẽ tẩy chay không đến dự, nhưng rồi tất cả mọi người trong phái đoàn đều đã đến đúng giờ. Tại bàn tiệc, nhân viên nghi lễ lại sắp xếp cho bà Abzug ngồi đối diện ngay với chúng tôi. Ngồi xuống rồi, mấy phút sau bà ta mới mở cái mũ thật bự trên đầu ra. Đội cái mũ này, bất cứ ở nơi nào, là "thói quen" hay "cách tạo dáng" đặc biệt của bà.
Đã nghiên cứu trước về con người này, chúng tôi tìm đủ cách làm cho bà ta thoải mái và có thái độ hòa nhã hơn. Nào là nói về những chuyến đi thăm Brooklyn (vùng phụ cận New York) nơi sinh trưởng của bà, nào là về đường Mott Street ở Phố Tàu New York vì bà thích ăn cơm Tàu. Phòng Hành chính Dinh Độc Lập còn đặt những món ăn hấp dẫn từ nhà hàng Bát Đạt ở Chợ Lớn cho bà thưởng thức.
Nhưng chẳng ăn thua gì. Bà ta chỉ nhoẻn miệng cười, rồi ngồi yên, làm như không nghe tôi nói gì.
Sau vài ly rượu vang dường như để cho mạnh giọng lên, Tổng thống Thiệu đứng lên đọc bài diễn văn vào lúc sắp kết thúc :
"Trong hai mươi năm qua, nhân dân Miền Nam đã được nghe đi nghe lại lời nói của năm vị tổng thống Hoa Kỳ, thuộc cả lưỡng Đảng.
Những lời đó đã được các vị dân biểu nước Mỹ liên tục ủng hộ, là Hoa Kỳ quyết tâm cung cấp cho Việt Nam Cộng Hòa đầy đủ viện trợ chừng nào họ còn sẵn sàng chống lại sự xâm lăng của cộng sản để bảo vệ tự do của họ.
Lời cam kết đó đã được nhắc lại một lần nữa trong dịp ký kết Hiệp định Paris.
Vấn đề giản dị là như thế này : 'Liệu những lời cam kết ấy của Hoa Kỳ có còn giá trị nào không ?'. Đó là thông điệp tôi muốn quý vị chuyển tới Đại hội thứ 94 của Quốc hội Hoa Kỳ".
Phòng Khánh tiết Dinh Độc Lập, nơi diễn ra buổi tiệc chiêu đãi đoàn Quốc hội Hoa Kỳ
Rồi dường như không kiềm chế nổi, ông đi ra ngoài bản văn đã soạn và nhấn mạnh từng chữ :
"Tôi xin phép được ngợi khen những người bạn đích thực của chúng tôi đang hiện diện ở đây về sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của họ. Tôi xin phép được nhắc lại ở đây ý nghĩa của một câu ngạn ngữ Việt Nam : Quà tặng đã quan trọng, nhưng cách tặng quà còn quan trọng hơn nhiều".
Chắc bà Abzug chẳng nghe thấy câu này vì bà dường như đã ngủ say trên bàn tiệc, sau mấy ngày ngược xuôi đi tìm chứng cớ chống viện trợ. Bà gục đầu xuống, cái cằm mỡ chạm tới ngực. Mặt bà đờ đẫn, chẳng còn để ý tới người chủ tiệc đang đứng nói gì.
Không khí buổi tiệc thật căng thẳng. Bỗng một cơn gió mạnh thổi thốc qua lớp cửa kính lớn mở ngỏ. Những ngọn nến trên các chúc đài cao bằng bạc trên bàn tiệc theo nhau phụt tắt. Nến rớt vung vãi. Gió tiếp tục thổi. Lớp màn cửa mỏng màu trắng (sau màn vàng) tung bay lất phất, trông như những lá cờ đầu hàng.
"Một điềm gở đấy", tôi ngoảnh mặt sang thì thầm với ông Philip Habib, Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Habib gật đầu như đồng ý.
Đó là quang cảnh bữa tiệc buổi chiều ngày 1/3/1975 tại Dinh Độc Lập. Tòa nhà này : từ khi Dinh Toàn quyền Đông Dương thời thuộc địa – gọi là Dinh Norodom - được Tổng thống Ngô Đình Diệm thu hồi và đổi thành Dinh Độc Lập thời Đệ nhất rồi tới Đệ nhị Cộng hòa, đã chứng kiến biết bao nhiêu biến cố, bao nhiêu buổi hội họp lịch sử, cùng với những buổi tiếp tân, những bữa tiệc chiêu đãi quan khách.
Dịp khoản đãi Phái đoàn Quốc hội Mỹ chiều thứ Bảy, ngày 1/3/1975, là bữa tiệc chót ở khuôn viên lịch sử này.
Đây cũng là cử chỉ trang trọng cuối cùng của Miền Nam Việt Nam đối với một nước đồng minh sau 20 năm kết nghĩa xương máu.
Qua đặc vụ, chắc chắn Bộ chính trị ở Hà Nội đã theo dõi sát sao cuộc viếng thăm của phái đoàn Quốc hội từ đầu cho đến cuối để quyết định xem có nên khởi động ngay tức khắc cuộc tổng tấn công Miền Nam hay không.
Về tới Washington, phái đoàn đã không đạt được đồng thuận nên Quốc hội vẫn quyết định cắt thêm 300 triệu đô la viện trợ quân sự. Và đây là tín hiệu bật đèn xanh rõ ràng nhất cho Miền Bắc, sau khi các tín hiệu khác đã liên tục nhấp nháy từ khi Phước Long thất thủ.
‘Chiến dịch Tây Nguyên’
‘Tây Nguyên’ là miền đồi núi mà Miền Nam gọi là Cao nguyên Trung phần. Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng ghi lại trong hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân (1977) thì "Việc chọn lựa địa điểm nào để mở màn chiến dịch này lại là một để tài tranh luận tại Hội nghị (của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương)". Nhưng sau cùng đã "chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp nơi năm 1975".
Chiến dịch này mang mật hiệu là "Chiến dịch 275".
Khi thái độ của phái đoàn Quốc hội Mỹ đã rõ rệt, Bắc Việt đợi cho họ rời khỏi Sài Gòn rồi mới bắt đầu khởi động. Hai ngày sau khi phái đoàn đã về tới Washington bình yên, sáng ngày 4/3/1975, quân đội Bắc Việt mới tiến quân để chốt lại Quốc lộ 19 giữa cao nguyên và vùng duyên hải.
Quân Việt Nam Cộng hòa vào năm 1975
Về địa thế thì trước đây người Pháp luôn quan niệm rằng : bên nào giữ được vùng cao nguyên thì giữ được vùng duyên hải Trung phần, và trong việc giữ cao nguyên thì bằng mọi giá phải giữ cho được Quốc lộ 19 giữa An Khê và đèo Mang Yang. Liên đoàn lưu động số 100 của Pháp (từng có kinh nghiệm ở chiến tranh Triều Tiên) đã bị tiêu diệt hoàn toàn ở nơi đây, rồi quân trú phòng ở Kontum cũng phải rút về Pleiku. Trong cuộc chiến 1965-1973, hoạt động của quân đội Bắc Việt cũng thường tập trung vào khu vực Kontum-Pleiku, nơi có những trận đẫm máu như Pleime, Ia Drang, Dakto.
Một tuần sau khi chốt Quốc lộ 19, ngày 10/3/1975, quân đội Bắc Việt khai hỏa ở Ban Mê Thuột vào lúc 2 giờ sáng.
Nơi đây, lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa chỉ có khoảng 3.000 quân đồn trú, trong đó phần lớn lại là thành phần hậu cần của sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, nghĩa là không phải hoàn toàn là thành phần tác chiến. Dù vậy, khi bị tấn công ào ạt, quân trú phòng vẫn chống trả mạnh mẽ, và ban ngày với sự yểm trở của không quân, đã phản kích quyết liệt. Tuy nhiên, trước sức mạnh áp đảo – với hơn 3 sư đoàn bộ binh và thiết giáp cùng với pháo binh yểm trợ, quân đội Bắc Việt đã làm chủ được thị xã Ban Mê Thuột vào lúc 11 giờ sáng ngày 11/3/1975.
Xem như vậy, đối với Việt Nam Cộng Hòa, cuộc họp nảy lửa Việt-Mỹ tại Dinh Độc Lập ngày 28/2/1975 quả là một hồi chuông báo tử vì đã phát đi tín hiệu bật đèn xanh thật rõ ràng.
Nguyễn Tiến Hưng
Nguồn : BBC, 27/02/2024
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng, sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn 'Khi Đồng minh Tháo chạy' và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh. Hiện ông định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.
"Henry Kissinger làm chính trị một cách rất phi luận lý".
Hoàng Đức Nhã
Lời giới thiệu : Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger, một nhân vật có quan hệ với Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn Hòa đàm chấm dứt chiến tranh ở Paris, Pháp, qua đời ngày 29/11/2023, thọ 100 tuổi.
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Nhã (sinh năm 1942), nguyên Bí thư, Tham vụ Báo chí của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời là Tổng trưởng Bộ Dân vận và Chiêu hồi năm 1973, hiện đang sinh sống tại Mỹ từ sau ngày 30/4/1975.
Ông Hoàng Đức Nhã đã có mặt trong các cuộc thảo luận gay go về Hiệp định Ba Lê tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phía Mỹ gồm các ông Henry Henry Kissinger, Đại tướng Alexander Haig và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker.
Nội dung bài phỏng vấn ông dưới đây được tôi thực hiện, ngay sau khi ông Kissinger ta thế, là nhắm làm sáng tỏ một thắc mắc của lịch sử rằng "Có phải Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ bỏ rơi để thất thủ năm 1975" ?
Phạm Trần
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong một lần trao tặng huân chương cho ông Hoàng Đức Nhã
Phạm Trần : Thưa ông Hoàng Đức Nhã, nhận xét của ông về cố Ngoại trưởng Henry Kissinger là con người thế nào : khôn khoan, thông minh hay mưu mẹo ?
Hoàng Đức Nhã : Theo tôi nhận xét, ông Kissinger tùy theo người nhận xét có kinh nghiệm cá nhân làm việc -như thương thuyết- trực tiếp với ông ta hay chỉ nghe người khác kể lại, hay đọc sách báo viết rất tốt hay rất xấu về ông ta.
Tôi có dịp làm việc trực tiếp với ông ta khi Tổng thống Thiệu và Hội đồng An ninh Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa họp với ông ta trong một vài giai đoạn của tiến trình đưa đến Hiệp định Ba Lê 1973, và trong những trường hợp rất gây cấn chỉ có Tổng thống và tôi đối đầu với ông Kissinger và Đại sứ Bunker.
Nhận xét của tôi đây là một nhân vật rất thông minh và thích đặt đối phương trong tình trạng bối rối khi phải ráng hiểu một lô dữ kiện liên quan đến vấn đề đang được bàn luận và những hậu quả cho Việt Nam Cộng Hòa nếu phải theo lâp luận của Mỹ. Ông Kissinger trình bày theo cách ông ta, cố cho thấy những điểm ông ta cho là rất tốt cho phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại phớt qua những điểm rất tai hại cho Việt Nam Cộng Hòa.
Ông ta là người muốn đạt được những gì ông ta dự tính bằng mọi cách, và nếu cần thì nịnh hót, xoa dịu, nói láo, hứa đủ điều, ép và đe dọa. Nói về những cuộc thương thuyết về Hiệp định hòa bình Ba Lê, ông ta lọt vào bẫy của Hà Nội và chấp nhận những điều họ muốn, và tin rằng sẽ ép Tổng thống Thiệu chấp nhận những điều kiện đó.
Theo tôi, ông Kissinger làm chánh trị một cách rất phi luân lý.
Theo tôi, ông Kissinger làm chánh trị một cách rất phi luân lý (Hoàng Đức Nhã).
Phạm Trần : Trong cuộc hòa đàm Ba Lê, ông đã từng có mặt trong các cuộc gặp tại Dinh Độc Lập giữa Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu và ông Kissinger, sau này với Tướng Alexander Haig, phụ tá của ông Kissinger, xin ông cho biết khi ấy Tổng thống Thiệu đạ bị áp lực chính trị từ phía Hoa Kỳ như thế nào ?
Hoàng Đức Nhã : Giai đoạn căng thẳng và nguy hiểm nhất trong tiến trình thương thuyết, từ đầu 1969 cho đến đầu tháng Giêng 1973, là bốn ngày trong tháng 10 năm 1972, 19 đến 23 tháng 10. Trong khoảng tời gian này Hoa Kỳ quyết tâm buộc Việt Nam Cộng Hòa chấp thuận bản thảo hiệp định mà phía Hà Nội thuyết phục Hoa Kỳ là tốt cho hai bên Việt Nam vì đó là sự sụp đổ của lập trường của Hà Nội cũng như là sẽ tạo một nền tảng tốt cho hai bên tại miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chánh trị của mình. Hoa Kỳ chấp nhận lập luận của Hà Nội mà không hề bàn với Việt Nam Cộng Hòa trước khi đồng ý với Hà Nội.
Giải pháp Hà Nội đưa ra và Hoa Kỳ vội chập thuận chỉ là một đầu hàng của Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Thiệu quyết tâm từ chối ngay cả khi Hoa Kỳ hăm dọa cắt đứt viện trợ. Sau khi ông Kissinger không thuyết phục và ép Tổng thống Thiệu được trong bốn ngày tháng 10 năm 1972 thì Tướng Alexander Haig qua Saigon và, trong nhiều phiên họp rất căng thẳng với Tổng thống Thiệu và tôi, cũng không thuyết phục được Tổng thống Thiệu, ngay cả khi đe dọa "lấy những biện pháp rất tàn bạo" đối với Tổng thống Thiệu và tôi.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao đổi với Cố vấn An ninh Hoa Kỳ Henry Kissinger
Phạm Trần : Có phải ông Henry Kissinger đã "qua mặt" (hay có phê bình nặng nề rằng "đâm sau lưng" ) Việt Nam Cộng hòa khi thảo luận "sau lưng" Tổng thống Thiệu về giải pháp chấm dứt chiến tranh với Trung Cộng và Chính quyền miền Bắc khi ấy là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ?
Hoàng Đức Nhã : Vì quá muốn có một thắng lợi để một phần giúp Tổng thống Nixon tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972, và mặt khác, muốn chứng tỏ cho các cấp lãnh đạo trong giới chánh trị và xã hội thượng lưu của Hoa Kỳ rằng ông ta làm được những gì mấy người khác chưa làm được cho nên ông Kissinger không muốn bị Việt Nam Cộng Hòa cản trở và không những đi sau lưng đồng minh Việt Nam Cộng Hòa mà còn tự định đoạt tương lai chánh trị của miền Nam nữa. Ông ta giấu điều này cho đến khi Hà Nội cho biết sẵn sàng ký và trao cho ông ta một bản thảo Hiệp định với rất nhiều điều kiện tai hại cho Việt Nam Cộng Hòa. Ông Kissinger chấp nhận ngay và bay qua Sài Gòn ép Tổng thống Thiệu chấp nhận khi Tổng thống Thiệu chưa hề được biết bản thảo Hiệp định này.
Phạm Trần : Thưa ông, có phải ông Henry Kissinger là người chỉ biết lo cho quyền lợi của Mỹ khi ông ta nói chuyện với đại diện miền Bắc ở Paris khi ấy là ông cố vấn Lê Đức Thọ, nhưng không điếm xỉa gì đến quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa trong các cuộc thượng lượng này ?
Hoàng Đức Nhã : Đúng thế. Chúng ta đều hiểu rằng một ông Ngoại trưởng của Hoa Kỳ phải phác họa và thi hành chánh sách ngoại giao để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trước hết. Ông Kissinger thì làm điều này bất chấp ước muốn của đồng minh và hậu quả tai hại cho đồng minh.
Như tôi trả lời trong câu hỏi trên, ông Kissinger bất cần những nguyên tắc thương thuyết – mà điều chính là tương lai chánh trị tại miền Nam phải do hai bên trong miền Nam quyết định – và tự quyết định khi thương thuyết với Hà Nội, và chỉ thông báo cho Việt Nam Cộng Hòa biết sau khi ông ta và Lê Đức Thọ phê chuẩn dự thảo Hiệp đình mà Việt Nam Cộng Hòa không hề được biết trước và cũng không có cơ hội để phê bình".
Phạm Trần : Trong các cuộc "đối mặt thảo luận trưc diện " tại dinh Độc lập với ông Kissinger, bên cạnh Tổng thống Thiệu, về Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973, ông có trở ngại gì với ông Henry Kissinger không, chẳng hạn như "bực tức", "cãi vã" hay "công khai phản đối áp lực của ông Kissinger" đối với vận mệnh Việt Nam Cộng Hòa ?
Hoàng Đức Nhã : Chúng tôi hành động rất lễ độ, đúng mức, như một nhà thương thuyết theo đúng căn bản của một cuộc thương thuyết. Chúng tôi không hề la lối, đập bàn, sỉ nhục hay chửi rủa ông Kissinger.
Khi ông ta hăm dọa, Tổng thống Thiệu tỏ ra rất nghiêm chỉnh và trả lời một cách đúng nghi lễ rằng Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận bản thảo Hiệp định. Tổng thống Thiệu nhấn mạnh nhiều lần với ông Kissinger rằng xin ông ta trình lại Tổng thống Nixon rằng Việt Nam Cộng Hòa rất muốn có một hiệp định chân chính, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa nhưng không thể chấp nhận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger đã đồng ý với Lê Đức Thọ".
Ông Hoàng Đức Nhã - Ảnh minh họa
Phạm Trần : Ông có thể ghi lại những "phản ứng quyết liệt" của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong những lần nói chuyện tại Dinh Độc lập với phía Mỹ nói chung và riêng hai ông Kissinger và Tướng Alexander Haig về hòa đàm Paris ?
Hoàng Đức Nhã : Tổng thống Thiệu hành động rất bình tỉnh và không hề khóc lóc, đập bàn như một vài người viết lại trong sách của họ. Có hai trường hợp rất căng thẳng cho thấy cách Tổng thống Thiệu đối đầu với đe dọa của phía Hoa Kỳ.
Lần đầu là trong những ngày tháng 10 năm 1972 khi ông Kissinger hăm dọa một cách mĩa mai rằng " hai ông (Tổng thống Thiệu và tôi) không nên trở thành người tử đạo (you two should not try to be martyrs)" – Tổng thống Thiệu không trả lời và ngó qua tôi cũng như nói tôi trả lời đi. Tôi nói với ông Kissinger "chúng tôi không hề muốn trở thành người tử đạo. Chúng tôi chỉ là người ái quốc thi hành Hiến pháp một cách nghiêm chỉnh để bảo vệ quê hương chúng tôi". Ông Kissinger rất bực tức vì thấy tôi trả lời ông ta thay vì Tổng thống Thiệu.
Lần thứ hai là khi ông Alexander Haig qua Saigon vào đầu 11 năm 1972. Mục đích của ông ta là tiếp tục ép Tổng thống Thiệu chấp thuận bản thảo Hiệp định mà ông Kissinger không thuyết phục đươc. Khi Tổng thống Thiệu lập đi lập lại rằng Việt Nam Cộng Hòa không thể ký bản thảo Hiệp định này nếu không có những điều khoản rất quan trọng cho Việt Nam Cộng Hòa. Ông Haig rất bực tức, và với một giọng trầm và nét mặt giận dữ nói rằng Hao Kỳ "sẽ có những hành động rất táo bạo (brutal actions) đối với Việt Nam Cộng Hòa". Cũng như lần ông Kissinger đe dọa lần này Tổng thống Thiệu cũng ngó về tôi, và tôi nói với ông Haig rằng "hành động táo bạo hả? Chắc cũng táo bạo như trong tháng 11 năm 1963 chứ gì ?".
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu (bìa phải) trong một cuộc họp với Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin, người thứ nhì trong hình từ phải sang, đang nhìn vào ông.
Phạm Trần : Là người "trong cuộc", xin ông cho biết "có đúng" Chính quyền Mỹ đã bội ước bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa và để cho cho quân Cộng sản miền Bắc chiếm đóng ngày 30/4/1975 ?
Hoàng Đức Nhã : Đúng thế. Chánh phủ Hoa Kỳ đã bội hứa, giảm thiểu môt cách nhanh chóng viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả nhiều điều khoản trong Hiệp định cho phép Hoa Kỳ thay môt khẩu súng, một chiến cụ bị hư hại khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa dùng để chống lại những vi phạm của Bắc Việt. Hoa Kỳ đã không cần quan tâm đến số phận của miền Nam khi quan cộng sản Bắc Việt vẫn được viện trợ ồ ạt của Trung Cộng và Liên Xô sau khi bản Hiệp định được ký và Hoa Kỳ long trọng tuyên bố sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Theo tôi, lỗi lầm lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa là không hiểu được rằng Tổng thống của Hoa Kỳ không có quyền chỉ thị Quốc hội chấp thuận viện trợ do Hành pháp yêu cầu".
Nhà báo Phạm Trần - Ảnh minh họa
Phạm Trần : Nếu ông Richard Nixon không bị vụ Watergate làm mất chức Tổng thống thì liệu Việt Nam Cộng Hòa có tồn tại không ?
Hoàng Đức Nhã : "Theo tôi, vụ Watergate chỉ là một yếu tố đưa đến việc Bắc Việt tiến chiếm miền Nam. Nếu Tổng thống Nixon tồn tại và Quốc hội vẫn chống viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thì miền Nam cũng bị bỏ rơi.
Lý do chánh là sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1972 Quốc hội thứ 94 do đảng Dân chủ nắm đa số tại Hạ Viện và Thượng Viện. Họ đã sử dụng đa số đó để, một mặt làm áp lực tối đa lên Tổng thống Nixon buộc ông phải từ chức nếu không muốn bị luận tôi vì vụ Watergate, và mặt khác, rút khỏi miền Nam càng sớn càng tốt vì binh lính và tù binh chiến tranh của Hoa Kỳ đã trở về nước. Trong tinh thần đó đảng Dân chủ không chấp thuận viện trợ cho miền Nam bất chấp những trách nhiệm của Hoa Kỳ theo Hiệp định Ba Lê và những lời hứa của Tổng thống Nixon với Tổng thống Thiệu.
Phạm Trần : Xin cảm ơn ông.
Phạm Trần
(06/12/2023)
Phản đối đồng 2 đô-la Úc có hình ‘cờ vàng’ : chính trị hóa sự kiện lịch sử
Lynn Huỳnh, VNTB, 05/05/2023
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối vụ đồng 2 đô-la Úc có hình ‘cờ vàng’ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước tháng 4/1975.
Bộ đồng xu 2 đô-la Úc kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút quân khỏi miền nam Việt Nam. Trong dải cuống huy bao quanh hình trực thăng UH-1 có hình cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Bộ vật phẩm này do Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc sản xuất, chia thành hai loại. Phiên bản giới hạn gồm 5.000 bộ, được mạ vàng và bán với giá 80 đô-la Úc. Phiên bản thường có 80.000 bộ mạ bạc, giá 15 đô-la Úc. 1 đô-la Úc tương đương với 15.648 đồng Việt Nam.
Hà Nội phản đối
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng Việt Nam "lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối" hành động của Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc. Theo bà Hằng, Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc "đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh "cờ vàng", cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Úc".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết đã trao đổi với phía Úc và đề nghị "có hình thức dừng lưu hành các vật phẩm này và không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai".
Tôi cho rằng phía nhà nước Việt Nam, một lần nữa đã chính trị hóa với ít nhiều yếm thế đối với sự kiện lịch sử mang tính kỷ niệm.
Màu cờ vàng với 3 sọc đỏ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, lúc đó đây là biểu tượng của đại diện quốc gia là đồng minh của quân đội Úc. Quân đội Úc có mặt tại miền nam Việt Nam là vì màu cờ này, nên giờ kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút lui khỏi cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, họ ghi nhớ và tưởng niệm màu cờ này trong ký ức của kỷ vật thời chiến là điều hiển nhiên.
Lá cờ vàng 3 sọc đỏ của miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, cùng với trực thăng UH-1 là một kỷ vật thời chiến. Quân sử Việt Nam Cộng Hòa ghi nhận trong chiến tranh Việt Nam, có khoảng 7.000 trực thăng loại này từng được triển khai kể từ khi chiếc đầu tiên hạ cánh tại miền nam Việt Nam vào năm 1962. Các máy bay được sử dụng để vận chuyển binh lính và hàng hóa, sơ tán y tế, và tấn công từ trên không.
Khi cuộc chiến kết thúc vào tháng tư, 1975, phía quân đội Hà Nội về sau này đã công bố rằng họ thu được 50 chiếc UH-1 còn nguyên vẹn do Mỹ và quân đội Sài Gòn bỏ lại, sau đó những chiếc trực thăng này nhanh chóng được sửa chữa, hồi phục để đưa vào hoạt động. Trực thăng được sử dụng để tham gia nhiều loại nhiệm vụ gồm vận tải, chở khách, cứu thương, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, huấn luyện và chiến đấu.
Không lạ, vì Hà Nội cũng từng ‘lật kèo’
Trong quá khứ chính quyền Hà Nội từng ngăn cản những người lính Úc khi họ muốn được tưởng niệm về cuộc chiến này ngay tại xứ sở mà họ đã đổ xương máu.
Đó là câu chuyện của tháng 8/2016. Lễ kỷ niệm trận đánh Long Tân dự trù diễn ra ở di tích lịch sử Bia Thánh giá Long Tân, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 18/8/2016. Nhưng vào giờ chót, Việt Nam từ chối cho tổ chức sự kiện đánh dấu 50 năm ngày xảy ra trận đánh nhiều thương vong nhất của quân Úc trong chiến tranh Việt Nam.
Truyền thông Úc lúc đó đưa tin, sáng 18/8 giờ Úc, Bộ trưởng Cựu binh Úc Dan Tehan nói Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nói chuyện vào buổi tối. "Nhờ Thủ tướng Turnbull kêu gọi chính phủ Việt Nam bày tỏ cảm thông và nhân từ với các cựu binh và gia đình đến Việt Nam, chính phủ Việt Nam quyết định cho phép được đặt vòng hoa tại địa điểm", ông Tehan nói. "Việt Nam cũng sẽ cho phép các nhóm tối đa 100 người đến thăm địa điểm" – ông Tehan nói chính phủ Úc "rất biết ơn" chính phủ Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam vẫn giữ quyết định không cho phép tổ chức sự kiện theo quy mô ban đầu mà Úc mong muốn, Việt Nam trong ngày 17/8 đồng ý cho phép các nhóm nhỏ tối đa 100 người đến di tích lịch sử Bia Thánh giá Long Tân, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 18/8.
Úc nói việc tổ chức tưởng nhớ sự kiện đã là chủ đề thương lượng suốt 18 tháng giữa hai nước và Úc tỏ ý thất vọng khi Việt Nam đột ngột thay đổi quyết định vào cuối ngày thứ Ba 16/8. Tin tức lúc đó cũng cho biết đã có hơn 1.000 cựu binh Úc và gia đình đã đến Việt Nam để mong được dự buổi lễ này.
Thông cáo của Úc khi ấy viết rằng : "Các cựu binh Úc và gia đình đã dự định dự buổi lễ ở Long Tân, có sự kính trọng cả hai bên để tưởng nhớ và vinh danh sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong chiến tranh Việt Nam ở cả hai phía".
Hãy tôn trọng kỷ vật chiến tranh
Xem ra chặng đường nửa thế kỷ vẫn chưa đủ để Hà Nội tự tin về vị trí của mình khi hậu chiến đã lùi xa 48 năm rồi. Họ vẫn e ngại cả những kỷ vật thời chiến, chẳng hạn như lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa được thiết kế trong dải cuống huy bao quanh hình trực thăng UH-1 của bộ đồng xu 2 đô-la Úc kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút quân khỏi miền nam Việt Nam.
Royal Australian Mint, Xưởng đúc tiền Hoàng gia Úc, đã viết những dòng sau, khi phát hành hai đồng xu mới này :
"Khoảng 60.000 người Úc đã phục vụ tại Việt Nam. Hơn 500 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Đó là cam kết quân sự lớn nhất của Úc trong nửa sau của thế kỷ XX, và là một trong những giai đoạn gây chia rẽ nhất của đất nước.
Đồng xu kỷ niệm này tưởng nhớ đến chiến tranh Việt Nam vì những mất mát và thiệt hại mà cuộc chiến gây ra cho những người phục vụ, cũng như tác động của nó đối với nước Úc trong suốt một thập niên đầy biến động".
Xin hãy tôn trọng những biểu tượng của kỷ vật chiến tranh thời tao loạn.
Lynn Huỳnh
*************************
Việt Nam ‘can thiệp nội bộ’ Australia khi phản đối đồng xu có hình cờ vàng ba sọc đỏ ?
VOA, 05/05/2023
Một số người am hiểu luật pháp quốc tế cho rằng Hà Nội đã can thiệp vào công việc nội bộ của Australia khi lên tiếng phản đối nước này lưu hành đồng xu kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam có mang hình cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Như VOA đã đưa tin, vào ngày 4/5, một đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ trích hai cơ quan thuộc Kho bạc và Bưu chính Australia phát hành đồng xu có hình cờ vàng nhân dịp Canberra kỷ niệm 50 năm kết thúc tham chiến ở miền nam Việt Nam năm 1973.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói : "Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Australia đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh ‘cờ vàng’, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại".
Việt Nam đã đề nghị phía Australia "dừng lưu hành các vật phẩm này, đồng thời không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai", bà Hằng cho biết và nói thêm : "Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia".
Bình luận với VOA về động thái kể trên, luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền từng bị Việt Nam bỏ tù và trục xuất sang Đức, khẳng định rằng Việt Nam chắc chắn đã "can thiệp vào công việc nội bộ của Úc". Ông phân tích thêm :
"Lá cờ đó thuộc về Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Chế độ đó không còn nữa nhưng nó vẫn là di sản của cộng đồng người Việt ở Úc, Mỹ và một số nơi trên thế giới, và đã được một số bang ở Mỹ và Úc công nhận là di sản văn hóa. Việc Bưu chính và một công ty Úc đưa vào đồng xu để kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Úc, không liên quan gì đến Việt Nam".
Theo quan sát của VOA, đây cũng là quan điểm được không ít người bày tỏ trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một phó giáo sư-tiến sĩ có hơn 63.000 người theo dõi trên Facebook, viết trên trang cá nhân rằng bản thân bà "không có cảm tình đặc biệt gì với cờ vàng" song bà "khá ngạc nhiên" về lời phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà bà xem là "sự gay gắt… không cần thiết" này.
Lưu ý đến thực tế là chính quyền Việt Nam hiện nay, nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, không sở hữu cờ Việt Nam Cộng Hòa cũng như không liên quan gì đến tiền tệ của Australia, bà Ánh cho rằng quốc gia đó in gì lên tiền lưu niệm là quyền của họ.
Nữ phó giáo sư-tiến sĩ nhấn mạnh rằng "lịch sử là không thể bác bỏ" trước khi chỉ ra sự thật là Australia có tham chiến với Việt Nam Cộng Hòa trong quá khứ và bà đặt câu hỏi "họ kỷ niệm cựu chiến binh của họ có gì sai đâu ?"
Vẫn bà Ánh đề cập thêm rằng hiện nay có hàng trăm ngàn người gốc Việt sống ở Australia, chủ yếu là những người ra đi từ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nên theo bà, việc chính quyền Australia công nhận gốc gác của họ cũng là điều dễ hiểu.
"Ta có quyền gì mà cấm đoán một quốc gia có chủ quyền sử dụng một hình ảnh không thuộc sở hữu của mình ?" bà Ánh chất vấn.
Từ góc độ quan sát của mình, bà Ánh thấy rằng việc Hà Nội "cao giọng" như vậy "có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tốt đẹp" của quan hệ hai nước. Nhiều Facebooker khác cũng có chung quan điểm, theo quan sát của VOA.
Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài đưa ra nhận định : "Việc phát hành đồng xu đó trùng với thời điểm 30/4, cho nên có lẽ phía Việt Nam hơi vội vàng, hấp tấp, không chín chắn trong việc đưa ra phản ứng của mình, cho nên hoàn toàn không phù hợp, không đúng".
Một số Facebooker, trong đó có ông JB Nguyễn Hữu Vinh, có 66.000 người theo dõi, liên hệ việc Việt Nam vừa phản đối Australia về vật phẩm kỷ niệm chiến tranh với việc Trung Quốc có nhiều hoạt động, vật phẩm kỷ niệm cuộc chiến tranh đẫm máu với Việt Nam từ năm 1979 đến giữa những năm 1980, song Việt Nam lại không phản đối, lên án Trung Quốc.
Luật sư Đài chỉ ra sự khác biệt là ở chỗ Việt Nam và Trung Quốc "có quan hệ ý thức hệ" và Đảng cộng sản Việt Nam "chịu nhiều ơn huệ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ".
Khi Trung Quốc kỷ niệm cuộc chiến tranh 1979, thậm chí đưa ra thông tin sai lệch về cuộc chiến, Việt Nam "chỉ nhẫn nhịn chứ không dám phản đối", ông Đài nhận xét và nói thêm : "Khả năng phản đối của Việt Nam với Trung Quốc là không được, nếu phản đối Trung Quốc sẽ lĩnh hậu quả nhiều hơn".
Như tin của VOA đã đưa, cộng đồng người Việt tại Australia bày tỏ sự bất bình trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Một đại diện của Cộng đồng Người Việt Tự do ở Úc Châu nói với VOA rằng lời phản đối của Việt Nam thật "vô lý" và "có tính cách độc đoán".
***************************
Vụ đòi Úc rút đồng tiền có cờ vàng : "Việt Nam nên học cách ngoại giao văn minh !"
RFA, 05/05/2023
Bộ Ngoại giao Việt Nam đòi Chính phủ Úc phải dừng lưu hành đồng tiền lưu niệm 2 đô la có cờ Việt Nam Cộng Hòa, người Úc gốc Việt nói cách hành xử này không văn minh.
aussiecoinsandnotes
Công ty Royal Australian Mint hồi đầu tháng 4 phát hành hai đồng tiền có mệnh giá 2 đô la Úc có màu bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc rút khỏi chiến tranh Việt Nam, điều đặc biệt là hai đồng tiền này đều có in biểu tượng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 4/5, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đề nghị Úc dừng lưu hành các ấn phẩm có in hình "cờ vàng" và không để tái diễn các sự việc tương tự.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do tại tiểu bang Tây Úc ngày 5/5 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :
"Theo tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam phải nên học cách đối xử ngoại giao văn minh, thứ nhất người Úc ra đồng tiền đó để kỷ niệm một mốc thời gian của lịch sử.
Thời gian đó người Úc đến Việt Nam để giúp miền Nam chiến đấu với cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là quốc gia được các nước trên thế giới công nhận, nên bây giờ người Úc kỷ niệm thời điểm lịch sử đó không lẽ người ta lại trưng cờ đỏ sao vàng trong đó ?".
Theo ông Dũng, cơ quan ngoại giao của chính quyền Hà Nội cần bỏ tâm trạng tiểu nhân và thù hận, không phải cứ thấy cờ vàng ở đâu là sửng cồ lên. Ông nói :
"Theo suy nghĩ của tôi, họ chiếm miền Nam một cách bất hợp pháp, ngược với công pháp quốc tế cho nên họ mặc cảm tội lỗi và không muốn ai nhìn thấy thời điểm lịch sử đó nữa".
Theo Chính phủ Úc, có khoảng 60.000 binh lính nước này tham chiến ở miền Nam sát cánh với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh. Hơn 500 binh sĩ Úc tử trận, 2.400 lính bị thương trong cuộc chiến này.
Sự tham gia của Úc vào cuộc chiến chính thức kết thúc khi Tổng toàn quyền ra tuyên bố vào ngày 11/1/1973. Lực lượng chiến đấu duy nhất còn lại ở Việt Nam là một trung đội bảo vệ tòa Đại sứ Úc ở Sài Gòn, đã được rút vào tháng 6/1973.
Cùng năm đó, Úc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện năm 2009 và Đối tác Chiến lược năm 2018.
Ông Hoàng Ngọc Diêu, chuyên gia công nghệ thông tin hiện đang sống tại Sydney cho rằng, đề nghị của Việt Nam là không hợp lý :
"Nói là nước Úc đừng có tái diễn những chuyện trong quá khứ thì mình thấy là thái quá. Việt Nam là cái gì mà đòi hỏi một quốc gia khác phải làm như vậy ?!".
Theo ông, việc Việt Nam nêu chuyện Đối tác Chiến lược với Úc giống như một sự hăm dọa, một hành động không khôn ngoan và không lấy làm gì tốt đẹp với quốc gia khác.
Ông cho biết mặc dù Công ty Royal Australian Mint thuộc Chính phủ Úc nhưng hoạt động độc lập và chịu rất ít sự kiểm soát của nhà nước.
Ông nói truyền thông Úc không đả động gì đến phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong khi Công ty Royal Australia Mint đã bán hết số đồng xu có in cờ Việt Nam Cộng Hòa mà họ phát hành.
Ông có liên lạc với họ và được biết doanh nghiệp này không có kế hoạch cụ thể về việc phát hành thêm nhưng sẽ xem xét vì nhu cầu mua khá lớn.
Nhiều nhà đầu cơ đã mua đồng xu này và rao bán trên mạng với giá từ 1.000 đến 2.000 đô la Úc, ông nói.
Vị chuyên gia công nghệ thông tin nói hoàn toàn không biết việc Úc phát hành đồng xu có in cờ Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi nhận được thông tin phản đối của Chính phủ Việt Nam.
"Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa cũ"
Phát ngôn nhân của Sở Đúc tiền Hoàng gia Úc (Royal Australian Mint) ngày 5/5 phản hồi email của RFA cho biết:
"Thiết kế của đồng xu phản ánh màu sắc của các dải huy chương nghĩa vụ được trao cho những người Úc từng phục vụ tại Việt Nam, bao gồm huy chương Phục vụ Việt Nam, được giới thiệu vào năm 1968. Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa cũ".
Phản ứng của Nhà nước Việt Nam có tác dụng ngược. Nhiều thế hệ trẻ ở Việt Nam không biết về lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên, bằng sự phản ứng dữ dội của Hà Nội giới trẻ sẽ tìm hiểu vì tò mò, ông Diêu nói.
"Trong 48 năm qua, khi mà đụng đến Việt Nam Cộng Hòa hay đụng đến lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhà cầm quyền Việt Nam luôn có phản ứng gay gắt, thậm chí thái quá.
Đối xử với một chế độ không còn tồn tại một cách đầy hiềm khích và nặng nề".
Theo ông, Hà Nội có tiêu chuẩn kép. Khi cộng đồng quốc tế lên án vi phạm nhân quyền, Việt Nam lại nói rằng đó là "chuyện nội bộ" nhưng lại phản ứng với việc Úc phát hành tiền xu - một việc hoàn toàn là chuyện nội bộ của một quốc gia xa xôi.
Những phản ứng vặt vãnh như vậy không mang lại gì ngoài biểu hiện yếu ớt và ti tiện của một chế độ độc tài và kém cỏi, ông Diêu kết luận.
Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc và Đại sứ quán Úc tại Hà Nội để đề nghị bình luận về phản ứng của Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo đài SBS tiếng Việt, quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, hay còn được gọi ngắn gọn là cờ vàng, được nhiều đơn vị hành chính trong cả nước Úc công nhận là lá cờ chính thức đại diện cho Cộng đồng Người Việt Tự do, cộng đồng người Việt tị nạn và con cháu của họ ở Úc.
Ngoài hai đồng tiền 2 đô la do Sở đúc tiền phát hành, Bưu chính Úc cũng phát hành các con tem có hình ảnh Huân chương Việt Nam với dải cờ vàng 3 sọc đỏ, khi xưa dùng để trao cho các quân nhân Úc và các thành viên của các tổ chức từ thiện được công nhận phục vụ tại miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.
Những giá trị văn hóa của Việt Nam Cộng Hòa như ‘tình thương’, ‘tự do’ và ‘dân chủ’ là ‘sức mạnh mềm’ mà chính thể này để lại sau khi sụp đổ và đã chứng tỏ sức sống bất chấp sự lấn át và bóp nghẹt của nền văn hóa cộng sản, một nhạc sĩ từ trong nước nói với VOA.
Cộng đồng Việt ở Mỹ trong một buổi lễ tưởng niệm Việt Nam Cộng Hòa
Đã 48 năm từ ngày chế độ Cộng hòa ở miền Nam sụp đổ trước quân cộng sản Bắc Việt vào ngày 30/4 năm 1975, ngày nay chính quyền trong nước phải nhắm mắt làm ngơ trước sự phổ biến của những bản nhạc vàng và sách vở của chế độ cũ, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh.
‘Nền tảng vững chắc’
"Giờ đây đã có những cuốn sách nằm trong danh mục hơn 500 tác giả bị cấm của miền Nam đã được bày bán công khai trên đường phố Sài Gòn", ông Khanh nói và nhận định rằng văn hóa của Việt Nam Cộng Hòa là ‘sức mạnh mềm’ đối với chính quyền cộng sản.
Bản thân nhạc sĩ này là bằng chứng sống của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa. Ông tiếp thu cả hai nền văn hóa, Cộng hòa trước năm 1975 và Cộng sản sau năm 1975, và đã chứng kiến sự đấu tranh, giằng xé của hai luồng tư tưởng sau ngày đất nước thống nhất.
Tuy nhiên, cuối cùng những giá trị của Việt Nam Cộng Hòa lại là ‘hành lang vững chắc’ giúp người nhạc sĩ này thoát khỏi những ảnh hưởng của nền văn hóa cộng sản mang tính tuyên truyền, ông cho biết.
Giải thích tại sao nền văn hóa nghệ thuật phát triển rực rỡ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông dẫn ra trường hợp của nhà văn Dương Thu Hương, người vừa được trao giải Cino-Del-Duca, tức Giải Toàn cầu 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris, mặc dù bà Hương là người của chế độ miền Bắc và chưa từng sống trong nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.
"Tại sao bà có thể thành danh khi đã rời khỏi đất nước và thậm chí còn không có căn cước của một quốc gia, sống cô đơn trên văn đàn thế giới ?" ông đặt vấn đề. "Bởi vì bà sống với tinh thần tự do và dân chủ".
"Khi nào người Việt còn giữ cho nhau tinh thần tự do và ý thức dân chủ thì lúc đó mọi thứ vẫn còn hy vọng", nhạc sĩ Tuấn Khanh nói.
Bên cạnh các giá trị tự do, dân chủ, người nhạc sĩ này còn chỉ ra các giá trị khác của Việt Nam Cộng Hòa là ‘gìn giữ cho tương lai, xây dựng thế hệ mới với tình thương và sự chia sẻ’ và ‘nền giáo dục phi chính trị’.
Hồi tưởng về nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa mà ông đã tiếp thu khi vào đại học, ông cho biết những giá trị đó ‘làm cho ông lớn lên’ nhưng đồng thời nó ‘khiến ông phải tồn tại một cách vất vả trong xã hội sau năm 1975’ vì ‘phải chống chọi một luồng văn hóa mới ập vào mình’.
"May mắn là tôi đã có được một cuộc đời được thừa hưởng di sản Việt Nam Cộng Hòa dù không bao nhiêu nhưng nó giúp tôi nhận ra được thế giới của mình, những ý nghĩa đúng đắn nhất và những giá trị của cuộc sống một người Việt Nam là như thế nào", ông bày tỏ.
Ông nói nhờ đó mà ông ‘đã nhìn nhận đất nước một cách tử tế hơn, đầy đủ hơn’ và ‘không thể bị thao túng bởi bất kỳ yếu tố chính trị nào trong giáo dục’.
"Nếu không có nền tảng mà tôi tiếp thu được từ Việt Nam Cộng Hòa thì hôm nay tôi đã là người chà đạp tổ tiên mình. Tôi đã mắng chửi triều Nguyễn, chỉ biết tôn trọng Quang Trung, coi Trương Vĩnh Ký là người phản động bán nước chẳng hạn", ông dẫn chứng.
‘Tuyên truyền giả dối’
Khi được hỏi tại sao không tiếp thu nền ‘văn hóa cách mạng’ sau năm 1975 như đã từng tiếp nhận nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói ‘có những cú sốc liên tục’ đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông.
Ông nói nhờ vào những sách vở của Việt Nam Cộng Hòa để lại và những gì mà ông đã học từ Việt Nam Cộng Hòa là ‘sự thật, lẽ phải’ mà ông đã từ từ ‘phủ nhận những tuyên truyền của Đảng Cộng sản’.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh chỉ ra ông đã đọc được những sự thật rằng ‘Karl Marx từng quan tâm đến Satan giáo, Lenin gần như là cuồng sát về cuối đời, hay Fidel Castro là một kẻ cuồng dâm và hoang tưởng’. "Nó rất khác với những mô tả của Đảng về những ‘lãnh tụ vĩ đại’ này", ông nói.
"Thoạt đầu tôi không tin đâu. Tôi phải đi tìm hiểu rất nhiều tư liệu trên báo chí. Đến lúc Internet mở ra, tôi tìm thấy những dữ liệu liên quan xác nhận những điều này là sự thật".
"Những cú sốc đó nó kéo dài và ngấm ngầm và phải nói rằng đó là quá trình tự thân mình đi tìm hiểu. Và tôi nghĩ không chỉ một mình tôi, hôm nay thế hệ trẻ hơn cũng đang tự thân tìm hiểu, thậm chí họ xuất thân từ những gia đình cách mạng như anh Nguyễn Lân Thắng chẳng hạn", ông nói thêm.
Từ đó, người nhạc sĩ này nhận ra ‘các lãnh đạo cộng sản không hoàn toàn tốt đẹp như những gì họ nói’. "Việt Nam Cộng Hòa không ngần ngại nói ra những cái xấu của xã hội hay của những người cầm quyền nhưng chính quyền cộng sản là một thế giới giống như cái bánh vẽ, chỉ có bề ngoài", ông giãi bày.
Ông cũng chỉ ra những điều mà khiến ông mất niềm tin và chế độ như ‘vẫn để cho dư luận viên gọi những người phía bên kia là ‘ngụy’ và ‘tiếp tục bao vây và canh giữ nghĩa trang quân đội Biên Hòa, khiến mọi người khó mà viếng thăm’.
‘Có những người thỏa hiệp’
Ông nói ông thuộc về lớp người ‘chọn sống theo những gì mình đã được dạy dỗ và giáo dục từ nền văn hóa tự do’. Lớp người này, theo lời ông, ‘thậm chí đã bị cô độc trong xã hội Việt Nam trong nửa thế kỷ qua’.
"Từ đó hình thành những nhà văn, nhà báo, thậm chí là họa sĩ, nghệ sĩ độc lập không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước bởi vì họ muốn được tự do theo ý thích của mình", ông cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông nói có những người giống như ông nhưng ‘chọn thỏa hiệp với chế độ’ và ‘nói theo tiếng nói của chính quyền’.
"Có những người bị chế độ thao túng. Cũng có những người khi phát biểu trước công chúng thì họ nói tiếng nói của chính quyền, nhưng vào những lúc riêng tư thì họ mới nói tiếng nói của chính mình", ông giải thích.
Bản thân ông lúc đầu cũng ‘chịu tác động rất nhiều khi tham gia hệ thống Đoàn Thanh niên Cộng sản’, nhạc sĩ Tuấn Khanh thừa nhận, và khi ông chứng kiến người này, người kia bị kết tội, ông đã tự đi tìm hiểu và nhận thấy ‘có sự sợ hãi đè nén khiến nhiều người không dám nói ra sự thật’.
"Có những người cũng tìm hiểu giống như tôi nhưng họ biết mà giữ trong lòng không nói ra", ông nói thêm và cho biết ‘đó là lựa chọn của mỗi người’.
Tuy nhiên, từ trường hợp của nhà văn Dương Thu Hương, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói có những người xuất thân từ miền bắc xã hội chủ nghĩa nhưng họ vẫn giữ bản chất của người Việt là ‘tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải’.
"Ngay cả trong cái nôi của nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn xuất hiện những con người tỉnh táo và nói lên tiếng nói của mình. Không phải là họ cô đơn mà chỉ là họ dám đứng lên để nói còn những người khác không dám nói thôi".
Nhìn về tương lai, ông nói nền giáo dục của chính quyền cộng sản ‘đã để lại di chứng rất lớn là những cuộc tranh luận không bao giờ dứt’. "Có những người không suy nghĩ mà chỉ nói theo truyền thông Nhà nước", ông nói.
"Nhưng mỗi ngày người ta lại nhận diện được sự thật nhiều hơn", ông nói thêm. "Chắc lâu lắm thì người Việt mới có thể chấp nhận lẫn nhau".
Nguồn : VOA, 03/05/2023
Sách về sự hình thành nền Cộng hòa ở Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt
Hai cuốn sách về lịch sử xây dựng nền Cộng hòa ở Việt Nam và quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại, do một nhóm chuyên gia ở Hòa Kỳ biên soạn vừa được giới thiệu vào trung tuần tháng ba.
Hai cuốn sách về lịch sử xây dựng nền Cộng hòa ở Việt Nam và quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại,
Tiến sĩ Vũ Tường, người đồng chủ biên hai cuốn sách này, nói với RFA rằng nhóm tác giả hy vọng các thế hệ sau sẽ được hiểu lịch sử một cách đúng đắn về vài trò của Việt Nam Cộng Hòa (Việt Nam Cộng Hòa) trong lịch sử đất nước.
"Việt Nam Cộng Hòa không phải xu hướng chính trị ngoại lai"
Cuốn sách đầu tiên có tên "Xây dựng một quốc gia cộng hòa ở Việt Nam từ năm 1920 - 1963" ("Building A Republican Nation In Vietnam, 1920-1963") do Tiến sĩ - Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khòa Chính trị học của Đại học Oregon, và Tiến sĩ - Giáo sư Trần Nữ-Anh của Khòa Lịch sử Đại học Connecticut, làm chủ biên.
Tiến sĩ Trần Nữ-Anh chia sẻ với RFA rằng trong cuốn sách này, nhóm tác giả muốn chứng minh rằng Việt Nam Cộng Hòa được tạo nên bởi những xu hướng chính trị Việt Nam chứ không phải những xu hướng chính trị ngoại lai :
"Từ lâu rồi, nhiều nhà trí thức, học giả, ký giả Tây phương cho rằng chủ nghĩa Cộng sản là chủ nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, còn chế độ Việt Nam Cộng Hòa là một chế độ vong bản làm tay sai cho Hòa Kỳ.
Chúng tôi hoàn toàn phủ nhận lập luận ấy. Chúng tôi cho rằng chủ nghĩa Cộng hòa (republicanism) đã thịnh hành trong giới trí thức và các tổ chức cách mạng thời Pháp thuộc từ đầu thế kỷ 20".
Tiến sĩ Trần Nữ-Anh lý giải, chủ nghĩa Cộng hòa tức là tư tưởng dân chủ, được ảnh hưởng bởi tư tưởng cách mạng Pháp và chủ nghĩa Tam Dân của nhà cách mạng Trung Hòa Tôn Dật Tiên. Mãi đến đầu thập niên 30 chủ nghĩa Cộng sản mới xuất hiện ở Việt Nam, rồi từ từ lấn át chủ nghĩa Cộng hòa, đưa đến sự phân hòa giữa hai chủ nghĩa trong thời kháng chiến chống Pháp.
Sau Hiệp định Geneve, chủ nghĩa Cộng hòa trở thành nền tảng chính trị cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam. Nói cách khác, chủ nghĩa Cộng hòa đã ảnh hưởng dân tộc Việt Nam không thua gì chủ nghĩa Cộng sản. Bà kết luận về cuốn sách này :
"Cuốn sách của chúng tôi rất có ý nghĩa với dân tộc Việt Nam ở hải ngoại. Ôn lại quá khứ chúng ta sẽ thấy rằng lịch sử chính trị Việt Nam có nhiều khuynh hướng đa dạng, nhiều đảng phái đoàn thể, chứ không có thuần nhất và đơn điệu.
Càng tìm hiểu về diễn tiến của chủ nghĩa Cộng hòa, chúng ta sẽ càng tự hào rằng dân tộc ta có truyền thống tư tưởng dân chủ từ lâu. Vậy chúng ta nên cố gắng phát huy truyền thống ấy và củng cố nền dân chủ ở hải ngoại. Đấy chính là ý nghĩa của cuốn sách".
Đồng chủ biên cuốn sách này, tiến sĩ Vũ Tường cho biết Chủ nghĩa Cộng hòa đã có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ 20 với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Các nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Thái Học, cho đến các nhà hoạt động văn hòa như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, và nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là những người cổ võ cho những khía cạnh khác nhau của chủ nghĩa Cộng hoà. Họ có công rất lớn trong việc đưa tư tưởng cộng hòa vào Việt Nam và xây dựng một nền tảng văn hòa và căn cước mới cho dân tộc - rất lâu trước khi chủ nghĩa cộng sản đến Việt Nam vào đầu thập niên 30. Cho đến năm 1945, những người Cộng sản thực ra chỉ là một thiểu số nhỏ trong phong trào giành độc lập và chấn hưng dân tộc, và cũng là thiểu số cực đoan nhất, có xu hướng bạo lực nhất :
"Sách của chúng tôi cho thấy những nhà hoạt động Cộng hòa khác với Cộng sản thế nào và tinh thần ái quốc của họ mạnh mẽ ra sao. Sách cho thấy Việt Nam Cộng Hòa thừa kế tinh thần Cộng hòa đã có từ rất lâu trước khi Mỹ can thiệp vào Việt Nam, cho thấy từ chính trị đến văn hòa giáo dục của nền Đệ nhất Cộng hòa đều hun đúc tinh thần quốc gia hình thành trong cuộc tranh đấu giành độc lập và chống lại cộng sản".
Lịch sử hình thành cộng đồng gốc Việt
Cuốn sách thứ hai là "Hướng tới xây dựng ngành học Người Mỹ gốc Việt - Lịch sử cộng đồng và ký ức" ("Toward A Framework For Vietnamese American Studies") do Tiến sĩ - Giáo sư Linda Ho Peché, Tiến sĩ - Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo và Tiến sĩ - Giáo sư Vũ Tường chủ biên.
Nói về cuốn sách này, Tiến sĩ Alex-Thai Dinh Vo cho biết đây là một nguồn tài liệu tuyệt vời để thiết kế các khòa học đại học về người Mỹ gốc Việt, hoặc làm tài liệu tham khảo cho các lớp sau đại học về ngành Hòa Kỳ học, Dân tộc học, Người Mỹ gốc Á, Lịch sử Việt Nam hiện đại, Chiến tranh Việt Nam, Người tỵ nạn, và Người di cư.
Cũng theo tiến sĩ Alex- Thai Dinh Vo, lịch sử và cộng đồng người Mỹ gốc Việt không thể được xem như một thực thể cô lập mà ngược lại là một sự nối liền trong lịch sử Việt Nam và lịch sử Hòa Kỳ. Có nghĩa, để nói lên lịch sử Việt Nam thì không thể không nói đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt (và cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung), từ những biến cố và chính sách đưa đẩy người Việt phải bỏ nước ra đi cho đến những nỗ lực bởi những người hiện đang sống ở nước ngoài nhằm giúp cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có khía cạnh kiều hối cũng như các nỗ lực vận động cho một Việt Nam tự do và dân chủ hơn. Với lịch sử Hòa Kỳ, cộng đồng Việt tuy có thể là một trong những cộng đồng trẻ nhất nhưng cũng là một trong những cộng đồng có nhiều đóng góp làm cho đất nước này phát triển và phong phú hơn.
Tiến sĩ Alex- Thai Dinh Vo cho rằng tuy đã gần 50 năm sau sự đổi đời bắt đầu từ sự biến cố 30 tháng Tư 1975, nhưng lịch sử Việt Nam của thế kỷ 20, lịch sử cuộc chiến Nam-Bắc, và lịch sử của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại vẫn chưa thật sự được nghiên cứu, hiểu rõ, và viết lại một cách tường tận và công bằng nhất có thể, bởi lịch sử được viết, ở Việt Nam hoặc ở Hòa Kỳ, đa số đều bị chi phối bởi thế lực chính trị của những người thắng cuộc và người có quyền lực.
Bởi thế, lịch sử về người Mỹ gốc Việt được viết ở Việt Nam và ở Hòa Kỳ đa phần dựa trên những luận điểm đầy phiến diện và lệch lạc ; rằng những người bỏ nước ra đi là những kẻ phản quốc, những con rối của đế quốc Mỹ, không có lập trường và lý tưởng, cũng như chính kiến và sự tự chủ, thành ra không có tính chính danh. Với những luận điểm ấy, các vấn đề về lịch sử và con người Việt Nam, trong đó có người Mỹ gốc việt, chỉ đơn thuần là các chủ thể (object) đa phần là để phân tích và phê phán Hòa Kỳ và những chính sách của Hòa Kỳ.
Với con số trên hai triệu người, người Mỹ gốc Việt là nhóm người tỵ nạn lớn nhất được tái định cư trong lịch sử Hòa Kỳ. Họ đang đóng góp nhiều vào sự phát triển xã hội, chính trị và kinh tế ở Hòa Kỳ và kể cả ở Việt Nam. Tiến sĩ Alex-Thai Dinh Vo nói :
"Bởi những lý do đó nên chúng tôi làm nên tập sách này, một nỗ lực tiên phong trong việc xây dựng một cách tiếp cận tổng thể để nghiên cứu, giảng dạy, và học hỏi về cộng đồng năng động này. Đây cũng là quyển sách đầu tiên làm cầu nối giữa học thuật về ngành Lịch sử Việt Nam hiện đại với học thuật về người Mỹ gốc Việt (ngành Chủng tộc học)".
Chia sẻ cặn kẽ hơn về nội dung cuốn sách này, Giáo sư Alex-Thai Dinh Vo cho biết cách tiếp cận của nhóm tác giả là lần theo lịch sử của cộng đồng này từ xã hội sôi động và nền văn hòa phong phú của miền Nam Việt Nam tự do (tức trước năm 1975).
Điển hình, các chương từ một đến bốn, bàn sâu về các hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và cộng hòa, mạng lưới xã hội dân sự, xu hướng văn học và tri thức, và sự tinh tế về văn hòa và nghệ thuật đã ảnh hưởng đến cuộc sống của con người trong thời Việt Nam Cộng hòa (1955-1975), nhiều năm trước khi người Việt định cự tại Hòa Kỳ. Hiểu được nền tảng lịch sử, xã hội, và văn hòa này giúp chúng ta hiểu vì sao người Mỹ gốc Việt, dù hiện đang sống ở một xứ sở khác, nhưng luôn tâm niệm và nỗ lực cho việc đòi hỏi tự do và dân chủ cho Việt Nam cũng như việc duy trì những di sản từ thời Việt Nam Cộng Hòa.
Từ chương năm đến chín, đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống và sự hình thành của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, bao gồm các chủ đề như quan hệ với các chủng tộc khác, hoạt động kinh doanh của phụ nữ, và đời sống chính trị với các hoạt động ở địa phương, trên phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia. Chương bảy với tựa "Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt : Tiến Hòa Từ Cơ Sở, 1981–2020", chú trọng vào vấn đề vận động chính trị của người Mỹ gốc Việt.
Chương 10 đến 14 tìm hiểu cách thức sáng tạo ra và lưu truyền trí nhớ và bản sắc tập thể trong cộng đồng. Chương 12, tựa "Ký ức về Chiến tranh và Di cư : Lập bản đồ các đường viền ký ức người Việt hải ngoại", cho ta thấy một tổng quan về cách thức và lý do tại sao người Mỹ gốc Việt và các đối tác của họ ở cộng đồng hải ngoại nhớ đến hai sự kiện quan trọng trong tiếng Việt đương đại lịch sử : chiến tranh và di cư. Chương cho thấy sự đa dạng và phức tạp của ký ức người tị nạn cũng như ý nghĩa của nó. Chương 14, tựa "Việc lưu giữ và sản xuất kiến thức của người di cư : Lịch sử truyền khẩu và đóng góp lưu trữ", cung cấp tổng quan về những nỗ lực cộng đồng hiện tại và những thách thức và thành công họ đã phải đối mặt khi làm việc với các tổ chức lưu trữ, trường đại học và thư viện.
Tiến sĩ Vũ Tường hy vọng qua hai quyển sách vừa được giới thiệu, người đọc sẽ có cách nhìn mới, đúng đắn hơn về lịch sử Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam, và về người Mỹ gốc Việt, sẽ được nhìn nhận rộng rãi và giảng dạy trong nhà trường :
"Chúng tôi mong rằng thế hệ trẻ người Mỹ, dù gốc Việt hay không, sẽ không phải học những bài giảng sai trái rằng những người Cộng sản là đại diện duy nhất cho phong trào ái quốc giành độc lập cho Việt Nam, rằng con đường Cộng sản là con đường tất yếu và đúng đắn nhất để Việt Nam có thể giành được độc lập, rằng Việt Nam Cộng Hòa là một sản phẩm của chủ nghĩa chống cộng của Mỹ và là một chế độ do ngoại bang áp đặt, rằng chiến tranh Việt Nam là giữa "Đế quốc Mỹ" và nhân dân Việt Nam do Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản đại diện, rằng cộng đồng người Việt tự do là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Việt Nam, rằng lịch sử của họ chỉ bắt đầu từ năm 1975".
Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch đón Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu năm 1969 ở Đài Bắc. Taiwan Today, Bộ Ngoại giao Đài Loan
RFA : Đối với cuộc chiến Việt Nam, nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam tất nhiên chỉ quan tâm đến bên thắng cuộc, tức là Bắc Việt Nam. Hầu hết các nhà sử học quốc tế cũng vậy. Nhưng các nghiên cứu của ông phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử của phía Việt Nam Cộng Hòa. Tại sao hầu hết các nhà nghiên cứu tập trung vào người chiến thắng ? Điều gì khiến ông khác biệt với hầu hết các nhà nghiên cứu khác ?
Jay Veith : Vâng, bạn nói đúng. Hầu hết các nhà nghiên cứu Mỹ quan tâm đến việc thảo luận về phía Bắc Việt Nam. Điều đó không có gì khó hiểu. Ở đây có hai nhóm học giả. Những người nghiên cứu chiến lược thì muốn hiểu động cơ, suy nghĩ và chiến lược của phía thù địch. Nhóm thứ hai là các học giả chống chiến tranh. Những học giả phản chiến này đã cố gắng vẽ ra hình ảnh một Miền Nam Việt Nam độc tài, một quốc gia yếu kém tham nhũng, và không đáng để chúng ta ủng hộ. Rốt cục, nếu Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa không đáng để chúng ta tiếp tục hỗ trợ thì họ cũng không đáng để chúng ta nghiên cứu. Vâng, nhiều năm trước, khi tôi viết cuốn "Black April" (Tháng Tư Đen), tôi đã nhận ra rằng bức chân dung lịch sử về Miền Nam Việt Nam là sai.
Và không chỉ là bức tranh đó sai. Vấn đề là không ai đã từng cố gắng sửa nó. Nên cả hai cuốn sách, "Black April" (Tháng Tư Đen) viết về lịch sử quân sự, và "Drawn Sword in a Distant Land" (Tuốt kiếm viễn chinh) viết về lịch sử chính trị, kinh tế và xã hội Miền Nam Việt Nam, đều cố gắng thể hiện sự thăng trầm của Việt Nam Cộng Hòa, cả mặt tốt lẫn mặt xấu.
Là một sử gia, bạn phải cho thấy được cả hai mặt tốt và xấu của Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai đều phải khách quan. Bạn không thể chỉ nói, ồ, Việt Nam Cộng Hòa chỉ toàn là kẻ xấu, toàn là những kẻ hèn nhát, hay họ chỉ là những tên tham nhũng, trong khi đó lại không nói đến sự thực là, họ đã tiến hành cải cách ruộng đất một cách văn minh, họ đã cố gắng thực hiện các nguyên tắc dân chủ.
Vì vậy, tôi đã cố gắng làm thế nào để làm rõ được những thành tích của những con người đó, và cả những gì họ đã thất bại.
RFA : Luận án tiến sĩ của ông có nghiên cứu theo hướng đó không ?
Jay Veith : Luận án tiến sĩ sử học của tôi nghiên cứu về con đường Việt Nam Cộng Hòa xây dựng nền dân chủ trong chiến tranh. Đó là nền tảng thực sự để tôi triển khai thành sách "Drawn Sword in a Distant Land".
Cuốn sách "Drawn Sword in a Distant Land" (tạm dịch : "Tuốt kiếm viễn chinh") của Tiến sĩ George J. Veith, xuất bản bởi Encounter Books năm 2021. Ảnh : RFA
RFA : Xin ông cho biết nội dung trung tâm của "Drawn Sword in a Distant Land".
Jay Veith : Cuốn sách này cố gắng chỉ ra Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cố gắng xây dựng và tạo ra một nền dân chủ như thế nào sau cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Diệm, cùng lúc với việc phải chiến đấu trong chiến tranh.
Xây dựng dân chủ trong thời bình đã khó, xây dựng dân chủ trong thời chiến tranh càng khó hơn. Và xây dựng dân chủ trong khi phải chống đỡ cuộc chiến tổng lực từ những người Cộng sản thì lại gần như là bất khả thi. Nhưng ông ấy đã làm được một số điều khá tuyệt vời. Và vì vậy tôi muốn chỉ ra những thành công và thất bại của ông ấy khi cố gắng xây dựng nền dân chủ. Đó là nội dung luận án tiến sĩ của tôi.
RFA : Hy vọng cuốn sách đó sẽ được dịch sang tiếng Việt.
Jay Veith : Vâng, "Black April" đã có bản tiếng Việt. Chúng tôi cũng vừa hoàn thành bản dịch cho "Drawn Sword in a Distant Land" sẽ ra mắt trong vài tháng nữa.
Chúng tôi phát hành nhiều ngàn bản tiếng Việt của "Tháng Tư Đen" và tất cả đều nhanh chóng cháy hàng. Nhà xuất bản đang cố gắng tái bản nhưng hiện tại việc in lại sách hơi khó. Như vậy chúng ta đã có bản tiếng Việt của "Tháng Tư Đen".
RFA : Trong cuốn sách, ông đã phỏng vấn rất nhiều nhân chứng của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng làm sao ông tìm được họ ? Làm thế nào để ông thuyết phục họ cho phỏng vấn ?
Jay Veith : Chà, đó là một câu hỏi rất thú vị. Nhiều người trong số họ không muốn nói về quá khứ. Họ thậm chí còn miễn cưỡng hơn khi nói chuyện với một người Mỹ vì họ nghĩ rằng người này có thể nghĩ xấu về họ.
Khi thực hiện các cuộc phỏng vấn cho cuốn "Tháng Tư Đen", tôi bắt đầu gặp gỡ và làm quen ngày càng nhiều với những người cao cấp của Miền Nam Việt Nam và thậm chí cả những người hiện đang lãnh đạo các cộng đồng dân sự miền Nam Việt Nam. Tôi đã thuyết phục được họ rằng tôi là người mà họ nên nói chuyện và nên kể những câu chuyện của mình.
Nhiều người đã rất vui khi nói chuyện với tôi. Họ chưa từng được phỏng vấn trước đây, chưa từng có ai hỏi về tiểu sử của họ. Vì vậy tôi đã có thể biết được nhiều bí mật hấp dẫn mà đối với giới nghiên cứu sử chúng tôi vẫn còn là một bí ẩn về những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Vâng, có một số người không muốn nói chuyện. Họ không muốn khơi lại quá khứ hoặc muốn chôn kín ký ức về những gì đã xảy ra nhưng tôi có thể nói rằng có lẽ 70% những người tôi phỏng vấn đều rất hữu ích. Họ rất quan tâm đến việc kể lại câu chuyện từ khía cạnh của họ. Tôi cố gắng nói với họ, và lặp lại điều này nhiều lần trong các bài phát biểu, là nghiên cứu lịch sử cần đa chiều, nếu bạn không kể câu chuyện của mình, nếu bạn không kể cho thế giới biết bạn đã làm gì, tại sao bạn lựa chọn như vậy, thì sau khi bạn chết, một chiều khác của lịch sử sẽ ra đi mãi mãi. Đó mới là lúc những người cộng sản sẽ thực sự chiến thắng vì họ đã xuất bản một lượng tài liệu khổng lồ. Đối với tôi lúc bắt đầu viết sử, điều quan trọng là phải thực sự viết những câu chuyện về miền Nam Việt Nam thời chiến từ điểm nhìn của họ, ngay bây giờ, trước khi quá muộn, và tôi đã dành 20 năm qua để thực hiện điều đó.
RFA : Trong lúc phỏng vấn những nhân chứng Việt Nam Cộng Hòa, có những câu chuyện gì làm ông xúc động ? Tôi có đọc về 5 vị tướng của Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết ngày 30 tháng 4. Ông có phỏng vấn ai biết về những người đó không ?
Jay Veith : Những vị tướng đó rất nổi tiếng, và nhiều người đã viết về họ. Đó không phải là một bí ẩn lớn. Những câu chuyện khiến tôi xúc động không phải là về những vụ tuẫn tiết của các tướng lĩnh. Tôi xúc động hơn khi nghe câu chuyện về một số đơn vị quân đội đã tiếp tục chiến đấu trong những ngày cuối cùng.
Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi là về đội Biệt cách dù 81. Có lẽ đó là một trong những đơn vị ưu tú nhất trong quân đội miền Nam Việt Nam. Tôi thích câu chuyện họ hành quân trong ngày nhận lệnh đầu hàng. Họ hành quân một cách trang nghiêm xuống đường cao tốc để đầu hàng, rồi khi họ bị chặn lại, họ không đồng ý tháo bỏ quân phục và hạ vũ khí. Và những người lính Bắc Việt đồng ý để họ đi. Những câu chuyện như thế này đối với tôi quan trọng hơn những câu chuyện nổi tiếng khác. Những câu chuyện về cuộc tuẫn tiết của các vị tướng tất nhiên là những câu chuyện rất bi tráng nhưng với tôi, có những câu chuyện khác của những người lính bình thường cũng quan trọng và bi tráng không kém.
5 vị tướng của Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết ngày 30 tháng 4 - Ảnh minh họa
RFA : Cuốn sách "Drawn Sword in a Distant Land" (Tuốt kiếm viễn chinh, 2012) của ông dành nhiều nghiên cứu về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tại sao ông quan tâm đến nhân vật lịch sử này ?
Jay Veith : Lúc tôi viết cuốn sách đó, trong các nghiên cứu sử Việt Nam hiện đại trên thế giới, đã có khoảng bảy tám cuốn sách khảo cứu về Tổng thống Diệm nhưng chưa có cuốn nào nghiên cứu về Tổng thống Thiệu.
Không có khảo cứu, nhưng những gì viết về ông ấy thường là, ồ, ông ta độc tài, ông ta tham nhũng, ông ta là thế này thế kia. Khi tôi viết xong "Black April" ("Tháng Tư Đen",) gần như ngay lập tức tôi bắt đầu phỏng vấn một số người đã từng phục vụ trong các cấp rất cao của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Và họ bắt đầu kể cho tôi một hình ảnh rất khác về Tổng thống Thiệu. Tôi càng nghiên cứu thì càng thấy rõ ông là một người rất tận tâm xây dựng đất nước và cố gắng làm những điều tốt nhất cho người dân của mình.
Trong chính trị có một vấn đề là, với bất kỳ lãnh đạo nào, ví dụ một ngày họ ra mười quyết định, ngày nay nhìn lại ta thấy có thể sẽ chỉ đúng được sáu, bảy, tám cái là giỏi rồi. Họ có thể sai hai, ba quyết định nào đó. Chúng ta không nhất thiết phải gọi họ là tham nhũng hay độc tài nếu bằng chứng không chắc chắn.
Nhà nghiên cứu chỉ nên đơn giản nói, ví dụ, Tổng thống Thiệu đã nói là sẽ làm việc này việc kia nhưng ông ta không làm hoặc làm sai, hay là ông ấy đã làm việc này việc kia, trong đó việc này là sai, việc kia là đúng. Bạn phải nói cả hai mặt của những câu chuyện, của những con người lịch sử, thay vì phán xét họ bằng nhãn quan chính trị.
RFA : Vâng, và những nghiên cứu của ông đã trình bày vấn đề theo cách đó.
Jay Veith : Vâng, tôi đã cố gắng làm điều đó. Việc còn lại là những độc giả như các bạn đánh giá xem công trình tôi làm có thành công hay không.
RFA : Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giống và khác tổng thống tiền nhiệm của nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm như thế nào về vai trò lịch sử, tầm nhìn đối với tương lai của miền Nam Việt Nam và vai trò lãnh đạo ?
Jay Veith : Tôi không nghĩ rằng hai người này giống nhau. Họ là những người rất, rất khác nhau. Ý kiến cá nhân của tôi khác với một số nhà nghiên cứu Mỹ và một số học giả người Việt ở chỗ, theo tôi, Tổng thống Diệm ở thời của mình là người đang cố gắng đưa Miền Nam Việt Nam thoát khỏi quá khứ của những di sản hậu thuộc địa, nào là nạn cát cứ, nào là văn hóa, giáo dục, kinh tế… Trong khi đó Tổng thống Thiệu là người cố gắng xây dựng Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia hiện đại. Và con đường của ông Thiệu là xây dựng từ dưới lên, trong khi Tổng thống Diệm là xây dựng từ trên xuống. Ông Diệm kiểm soát mọi thứ theo kiểu nhà lãnh đạo chỉ cho dân biết họ phải làm gì.
Tổng thống Thiệu khác Tổng thống Diệm. Ông ấy muốn xây dựng Miền Nam Việt Nam từ một cơ sở, bằng cách tạo ra cái nền tảng, cái mà ông ấy gọi là "xã hội sở hữu". "Xã hội sở hữu" là nơi những người dưới đáy, những người nông dân dưới đáy, những người làm việc trong các nhà máy có thể tạo ra ước mơ của chính họ, tạo ra cuộc sống của chính họ. Các chính sách kinh tế, xã hội của ông đã cố gắng xây dựng đất nước theo cách đó.
Ông ấy cố gắng khắc sâu dân chủ, ông ấy cố gắng tạo ra một nền kinh tế định hướng thị trường. Ông ấy cố gắng xây dựng các định chế thu hút mọi người trở thành nhà đầu tư trong nước, đơn giản vì họ muốn chứ không phải vì ai đó bảo họ làm như vậy. Đối với tôi, Tổng thống Thiệu đang cố gắng xây dựng một đất nước hiện đại với kỹ thuật hiện đại. Tổng thống Diệm đang cố gắng xây dựng một đất nước bằng những kỹ thuật cũ kỹ trong quá khứ.
RFA : Vậy theo ông, Tổng thống Thiệu ở Nam Việt Nam có điểm gì giống với Tổng thống Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Tổng thống Park Chung-hee ở Hàn Quốc trong cùng thời kỳ ? Họ có một số khác biệt và tương đồng ?
Jay Veith : Chà, họ đã rất thân thiết với nhau. Tổng thống Thiệu rõ ràng xem họ như những người anh. Tôi thấy ông ấy muốn bắt chước thành công kinh tế của họ nhưng không nghĩ rằng phong cách quản trị mà họ áp dụng là phù hợp với Việt Nam, đặc biệt bởi vì Nam Việt Nam là một quốc gia bị chiến tranh.
Vâng, có một số điều ở hai vị lãnh đạo Đài Loan và Nam Triều Tiên mà Tổng thống Thiệu rất thích. Ông đồng ý với họ về quan điểm đối với chủ nghĩa cộng sản và tinh thần chống cộng. Nhưng ông ấy có một cái nhìn rất khác về cách thực hiện cụ thể con đường đó ở Việt Nam. Dù sao ông ấy cũng là người Việt Nam. Đầu tiên, bạn phải nhớ rằng ông ấy không phải người Trung Quốc hay Hàn Quốc, ông ấy hiểu đất nước của mình và thấy sự khác biệt về văn hóa, kinh tế và địa lý giữa ba nước như thế nào.
RFA : Ông có nghĩ rằng Nam Việt Nam dưới thời Tổng thống Thiệu đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan trong các chiến lược phát triển không ?
Jay Veith : Chà, đó là một câu hỏi khó trả lời. Hai quốc gia này đã có rất nhiều trao đổi ở hầu hết các lĩnh vực. Đài Loan đã hỗ trợ Nam Việt Nam nhiều nhất có thể cả trong lĩnh vực tình báo và hỗ trợ trong lĩnh vực tuyên truyền. Đài Loan đã giúp đỡ Nam Việt Nam phát triển nông nghiệp, nông thôn và những thứ tương tự. Nhưng tôi không nghĩ rằng Tổng thống Thiệu đã cố gắng sao chép nhiều thứ từ Đài Loan. Tôi thấy chính sách của ông ấy quan tâm hơn đến việc bắt chước những gì người Mỹ đang làm, bởi vì người Mỹ có tiền và có phương tiện để hỗ trợ cho các dự án đó.
RFA : Trong sách "Tuốt kiếm viễn chinh", ông nhấn mạnh rằng Nam Việt Nam dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cố gắng xây dựng nền dân chủ. Ông có thể nói một cách khái quát rằng miền Nam Việt Nam đã cố gắng xây dựng nền dân chủ như thế nào không ? Họ có đạt được thành tựu gì trong khi vẫn phải chống đỡ một cuộc chiến tổng lực từ miền Bắc Việt Nam không ?
Jay Veith : Cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ trên thực tế là hai nhà lãnh đạo chủ chốt đã chuyển đổi đất nước từ chế độ quân phiệt giai đoạn 1963 - 1967 sang chế độ dân chủ. Đây là điều rất quan trọng. Cả hai người đã đóng những vai trò khác nhau nhưng họ cùng nhau quản trị quá trình chuyển đổi từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ, theo kiểu các lý thuyết dân chủ đã nói.
Tuy vậy, Nam Việt Nam chưa bao giờ đạt được một nền dân chủ ổn định. Nền dân chủ đã đến rất gần, nhưng vào thời điểm đó, chiến tranh kết thúc với phần thất bại thuộc về họ.
Ở giai đoạn đầu, ông ấy rất nỗ lực thực hành dân chủ. Ông ấy giúp tạo ra một Hiến pháp thực sự cho đến việc tổ chức các cuộc bầu cử, xây dựng Luật báo chí tự do năm 1969 rồi luật về đảng phái chính trị. Ông ấy đã dân chủ hơn rất nhiều so với ông Diệm. Tuy nhiên, ông Thiệu không có tư tưởng tự do hiểu theo nghĩa nền dân chủ thuần túy ngày nay. Ông ta tin vào nền dân chủ có kiểm soát. Đây thực sự không phải là nền dân chủ thuần túy mà là một hệ thống hỗn hợp giữa dân chủ và kiểm soát.
Vào những năm cuối cuộc chiến, khi các cuộc tấn công từ Miền Bắc trở nên khốc liệt hơn, Tổng thống Thiệu đã thay đổi và trở nên độc đoán. Ông ấy đã nỗ lực hơn để thắt chặt các biện pháp an ninh, một phần là do chiến tranh trở nên ác liệt hơn. Ông ta mong hòa bình. Nếu hòa bình đến ông ấy sẽ mở rộng dân chủ ra nhiều hơn. Nhưng hòa bình đã không đến. Vì vậy, ông ta cố gắng chống lại kẻ thù bằng cách siết chặt nội bộ Việt Nam Cộng Hòa nhiều hơn.
RFA : RFA cảm ơn Tiến sĩ George Jay Veith đã dành cho RFA cuộc phỏng vấn này.
Nguồn : RFA, 03/03/2023
Các số liệu nghiên cứu chỉ ra nhiều lầm tưởng, từ cả hai phía.
Tình hình về ruộng đất, quyền sở hữu đất đai, công bằng xã hội liên quan đến đất đai trong thời kỳ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại là một trong những đề tài có nhiều ý kiến trái chiều nhất liên quan đến chế độ cũ này.
Đối với chính quyền và các nhóm ủng hộ chế độ Việt Nam hiện hành, dễ hiểu khi họ có ngàn lời để chê bai và chỉ trích cách tiếp cận về quyền sở hữu và quản trị đất đai của miền Nam Việt Nam – nhắm vào bất bình đẳng và thực tế tích tụ ruộng đất kinh hoàng tại vùng đất màu mỡ này.
Ngược lại, những người từng sống, còn hoài niệm hoặc có cảm tình với Việt Nam Cộng Hòa đôi khi cũng lại dành hơi nhiều lời có cánh cho những thành tựu của chính quyền này, dẫn chứng qua sự vượt trội về sản lượng và năng suất sản xuất nông nghiệp của miền Nam Việt Nam so với Bắc Việt.
Với bài viết này, người viết không đặt ra mục tiêu phân tích chi tiết về số liệu và đưa ra các đánh giá chính sách liên quan đến chủ trương đất đai của Việt Nam Cộng Hòa. Mục tiêu của bài là chỉ ra một số lầm tưởng phổ biến trong các bài viết phổ thông, các trang mạng xã hội, chứng minh ngắn gọn sai sót của chúng thông qua những tài liệu học thuật chính thống trong cùng thời kỳ, và về cùng chủ đề.
Ngô Đình Diệm luôn được tụng xưng là một lãnh tụ, một "người tài" của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Vị trí và tiếng nói chính trị của ông được xem như là đại diện của 20 năm tồn tại của chính quyền miền Nam Việt Nam. Nếu ở miền Bắc người ta tôn thờ Hồ Chí Minh thì tại miền Nam, những người có cảm tình với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đều tôn xưng Ngô Đình Diệm. Song nếu bạn là một người nông dân bình thường sống trong những năm 1954 cho đến tận 1968, chính sách đất đai của Ngô Đình Diệm chắc chắn không thể hấp dẫn hay thu hút được bạn.
Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa, người khởi xướng chương trình "Cải cách điền địa". Ảnh chụp tại Sài Gòn năm 1957. Nguồn : Keystone/ Getty Images.
Trước tiên, những con số sẽ chỉ ra thực trạng bất bình đẳng về đất đai ngay sau diễn biến 1954.
Theo các số liệu thống kê được đăng tải trên Far Eastern Survey, thuộc Viện nghiên cứu Hoa Kỳ về Thái Bình Dương, miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó có dân số 4,5 triệu, nhưng chỉ có 255.000 người (5,6%) thật sự sở hữu đất đai. Tệ hơn nữa, có đến 184.000 người trong số đó chỉ có dưới 5 ha đất, dẫn đến thực tế là 71,7% số người có đất chỉ sở hữu khoảng 12,5% tổng diện tích đất canh tác. Phần lớn đất còn lại nằm trong tay một nhóm nhỏ.
Một nửa số người có đất không trực tiếp canh tác đất mà cho thuê lại để nhận tô, nghĩa là làm địa chủ. Số lượng đại địa chủ (những người sở hữu lên đến hơn 10 ha đất) và phần đất màu mỡ mà họ nắm giữ có thể khác nhau ở từng địa phương, song đều nằm ở mức đa số đáng quan ngại. Ví dụ, tại Chợ Lớn, đại địa chủ nắm 50,6% diện tích đất. Tại Bạc Liêu, đại địa chủ nắm đến trên 89,5% diện tích đất.
Trái phiếu chương trình "Cải cách điền địa" vào thời Việt Nam Cộng Hòa. Ảnh : Viet Stamp.
Những thống kê này khiến cho giới quan chức Hoa Kỳ, mà cụ thể là Tổng thống Eisenhower phải lo lắng. Ông đích thân viết thư gửi cho Ngô Đình Diệm và khẩn khoản yêu cầu ông này đẩy mạnh những cuộc cải cách đất đai mang tính chất sống còn (indispensable reforms). Ông khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ tài chính trực tiếp cho miền Nam Việt Nam mà không cần thông qua Pháp. Song những nỗ lực hỗ trợ này không được người đồng cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đón nhận nồng hậu.
Luật Khoa đã từng đăng tải bài viết"Cải Cách Ruộng Đất, Cải Cách Điền Địa và Người Cày Có Ruộng" cách đây hơn bốn năm để phân tích một cách khái quát về ba cuộc cải cách ruộng đất trên dải đất hình chữ S trong vòng 20 năm nội chiến. Trong đó, tác giả bài viết đã bình luận rằng "Cải cách điền địa không nhằm vào việc thực sự cải tổ hệ thống đất đai tại miền Nam Việt Nam mà chỉ là giải pháp tình thế loại trừ ảnh hưởng kinh tế của giới đại điền chủ và tranh thủ sự ủng hộ chính trị của di dân miền Bắc Việt Nam sau những sai lầm của Cải cách ruộng đất".
Thật đúng như vậy, ngoại trừ việc phân bổ ruộng đất và các vùng đất mới cho nhóm Công giáo tị nạn từ miền Bắc, tác động của Cải cách điền địa đối với nông dân và tá điền miền Nam gần như là không tồn tại. Ba trụ cột chính sách được đưa ra là (1) giảm tô và kiểm soát thỏa thuận tá điền, (2) tái phân phối đất đai và (3) chương trình tín dụng dành cho tá điền – tất cả đều không đạt được bất kỳ thành tựu nổi bật nào.
Để nói về lý do, người viết có lẽ sẽ cần một loạt bài chi tiết để chỉ ra những sai lầm chính sách của Ngô Đình Diệm. Ví dụ như việc chính quyền ông Diệm đưa ra hạn mức sở hữu 100 ha đối với các đại điền chủ. Mục đích thật sự của chính sách này không phải là tạo ra nguồn ruộng đất dư thừa dùng cho việc tái phân phối, mà là nhằm kiểm soát quyền lực của nhóm chính trị Nam Kỳ. Điều này lại làm lợi cho nhóm Trung Kỳ và các chính khách tinh hoa Bắc Kỳ (do không có điền chủ nào ở Trung Kỳ sở hữu hơn 100 ha, và quy định này lại trở thành lợi ích kinh tế – chính trị của họ).
Đến cuối cùng, tất cả ba mục tiêu mà Cải cách điền địa đề ra đều không hiệu quả hoặc không thể đạt được, trong khi bất bình đẳng đất đai vẫn ở con số cao ngất ngưởng. Hệ số Gini của Việt Nam Cộng Hòa (Gini coefficient một loại chỉ số đo lường bất bình đẳng dựa trên phân phối thu nhập trong quần chúng) chỉ giảm được 0,04 điểm phần trăm, từ 0,84 vào năm 1955 xuống còn 0,80 vào năm 1966.
Nguyễn Văn Thiệu (nắm quyền tổng thống từ năm 1967 đến 1975) không phải là một nhân vật ưa thích của những người có cảm tình lẫn ghét bỏ Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy, ông ít khi được xem trọng trong các đối thoại liên quan đến chính trị trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Song đối với chương trình cải cách đất đai mang tên "Người cày có ruộng", Nguyễn Văn Thiệu xứng đáng được vinh danh là một trong những lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có thể tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất vừa hiệu quả, vừa không đẫm máu.
Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, công bố chương trình "Người cày có ruộng". Ảnh : Người Việt.
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Hoa Kỳ đã bắt đầu rục rịch muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam, và các chính khách hiểu chuyện tại miền Nam Việt Nam, như Nguyễn Văn Thiệu, biết rằng cách duy nhất để duy trì sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa là phải dựa vào sự ủng hộ của nông dân, những người chiếm đến 80% dân số miền Nam Việt Nam thời kỳ này.
Chương trình "Người cày có ruộng" do Nguyễn Văn Thiệu và các nhà kinh tế dưới quyền thiết kế được các nhà khoa học quốc tế thừa nhận một thành công lớn. Mục tiêu chính của nó là (1) xóa bỏ hoàn toàn chế độ sản xuất nông nghiệp tá điền, (2) bảo vệ quyền tư hữu đất đai, (3) xây dựng kinh tế quốc gia dựa trên mô hình sở hữu của các nông trang vừa và nhỏ.
Có hai lý do chủ yếu dẫn đến thành công của chương trình.
Một là, chương trình thật sự mong muốn cải tổ hệ thống quyền sở hữu đất đai tại miền Nam Việt Nam.
Sau khi đặt ra hạn mức sở hữu của các "cựu" địa chủ, lượng đất thu hồi (có bồi thường thông qua tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ) sẽ được giao lại cho nông dân hoàn toàn miễn phí, thay vì phải mua lại theo thời hạn như chương trình của Ngô Đình Diệm. Trong đó, tá điền đang lĩnh canh sẽ nhận được ưu đãi về thủ tục và ưu tiên chờ so với những người khác.
Những thay đổi này khiến cho lượng đất được giao và được canh tác trên thực tế tăng theo cấp số nhân, theo nghiên cứu của giáo sư Roy L. Prosterman thuộc Đại học Washington. Giáo sư Prosterman cũng là người sáng lập của Viện Nghiên cứu Phát triển Nông thôn rất nổi tiếng.
Thống kê về kết quả tái phân bổ đất đai từ năm 1968-1969 tại miền Nam Việt Nam. Nguồn : nghiên cứu "Land-to-the-Tiller in South Vietnam : The Tables Turn" của Roy L. Prosterman.
Theo bảng thống kê, chỉ trong vòng hai năm ngắn ngủi ngay sau Mậu Thân, có đến 240.000 mẫu đất (tức lên đến gần 100.000 ha đất) được phân phối lại cho người cày, tá điền và các nông dân ít ruộng đất.
Lý do thành công thứ hai là năng lực, sự quyết đoán và bền bỉ của bản thân ông Nguyễn Văn Thiệu đối với chương trình.
Cũng trong nghiên cứu của Giáo sư Prosterman ở trên, Thiệu được ghi nhận là phải đối mặt với hàng loạt các áp lực liên quan đến các nhóm lợi ích thuộc phe điền chủ và đại điền chủ, đồng thời áp lực từ nhóm đối lập vốn không muốn ông này nhận được quá nhiều sự ủng hộ từ quần chúng.
Ông là người đầu tiên can thiệp vào quá trình "tái thu tô" của giới địa chủ chạy trốn trước và trong năm 1968 đối với những vùng vừa bình ổn (những khu vực vừa đánh bật Việt Cộng, hay Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam). Từ đó, chính quyền Thiệu chấp nhận tạm thời quyền sinh sống và làm ăn của rất nhiều nông dân đang canh tác, chuẩn bị cho một cuộc cải cách sâu rộng.
Chương trình Người cày có ruộng cũng chính thức giới hạn hạn mức điền địa cho những người "trực tiếp canh tác" là 15 ha tại Nam phần và 5 ha tại Trung phần. Ông cũng loại trừ khái niệm và quyền giữ "đất hương quả", vốn là một lỗ hổng pháp lý trong luật pháp thời Ngô Đình Diệm, để bảo đảm quá trình tái phân phối ruộng đất không bị ảnh hưởng. Hàng loạt các lãnh đạo và bộ trưởng liên quan đến việc soạn thảo dự thảo Luật Người cày có ruộng cũng bị sa thải khi phát hiện ra rằng họ cố tình cài cắm nhiều điều khoản để bảo vệ quyền lợi của các nhóm lợi ích.
Một ấn phẩm do Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Úc thực hiện vào tháng 3/1971 để quảng bá các thành quả của chương trình "Người cày có ruộng". Ảnh : Viet Stamp.
Cho đến năm 1973, cùng lúc với thời điểm Hoa Kỳ rút quân lực chính quy khỏi Việt Nam, 2,7 triệu mẫu đất đã được phân phối cho hơn 800.000 hộ tá điền. Chế độ sản xuất nông nghiệp tá điền hoàn toàn được loại bỏ.
Cho đến thời điểm năm 1975, chỉ tính tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 70% dân số nông thôn đã thuộc nhóm thu nhập trung bình, sở hữu hơn 80% đất và hơn 60% nông cụ (bao gồm cả các loại nông cụ hiện đại như máy cày, máy tuốt lúa). Đây chính là cái gai "tư hữu – tư bản" mà chính quyền tiếp quản và chính quyền của nhà nước cộng sản thống nhất không thể nhổ tận gốc, dẫn đến sự thất bại nghiêm trọng của mô hình sản xuất tập thể được áp đặt ngay sau đó.
Người cày có ruộng, vì vậy, không thể được xem là một thất bại chính sách.
Một trong những luận điểm phổ biến nhất để phản bác tính chính danh của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là vai trò và sự thất bại của nó trong việc cải thiện bất bình đẳng xã hội, mà quan trọng nhất là bất bình đẳng về đất đai.
Luận điểm này được chính truyền thông phương Tây đề xuất, khẳng định và tuyên truyền một cách mạnh mẽ. Theo đó, cả Hoa Kỳ lẫn chính quyền Sài Gòn đều thiếu hiểu biết và cố chấp trong việc kiểm soát và giải quyết triệt để nhu cầu cùng quyền lợi chính đáng của nông dân và người lao động. Đó là lý do chủ yếu khiến các nhóm dân cư, mà đặc biệt là dân sống tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xem trọng vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (hay gọi ngắn là Việt Cộng).
Lập luận này được phân tích chi tiết trong quyển "The Economics of Insurgency in the Mekong Delta of Vietnam" của tác giả Robert L. Sansom. Nó đi xa đến mức khẳng định rằng Việt Cộng là một trong những lực lượng giúp mang đến và duy trì những thay đổi kinh tế, xã hội tích cực cho vùng đồng bằng này, đặc biệt tại những vùng mà chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không thể kiểm soát.
Tờ bướm của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa quảng bá chương trình "Người cày có ruộng ". Ảnh : Viet Stamp.
Tuy nhiên, cho dù chấp nhận những quan điểm và luận cứ trên, rằng sự ủng hộ của giới nông dân, tá điền, những người cùng khổ dành cho phe cộng sản là căn nguyên cho sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, ta cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng có điều bất thường về thành quả nông nghiệp và đất đai của vùng đất trù phú này ngay sau 1975.
Sống trong môi trường chính trị cộng sản mà nhiều người cho rằng nông dân miền Nam luôn hy vọng và ủng hộ, vì sao năng suất sản xuất lúa nước giảm lần lượt 13,2% và đến 19,7% trong các năm 1977 và 1978 ?
Theo thống kê chính thức từ nghiên cứu do Giáo sư Võ Tòng Xuân, một trong những cây đa của ngành nông nghiệp Việt Nam đương đại, kết hợp với Prabhu L. Pingali từ Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế thực hiện, ngay sau khi thống nhất đất nước, tổng sản lượng lúa giảm đến 7 triệu tấn, và giảm dần đều mỗi năm 6 triệu tấn trong một thời gian đáng báo động.
Không chỉ vậy, những cải cách về đất đai và kinh tế lao động tập thể mà Hà Nội áp dụng tại khu vực này được ghi nhận là chỉ làm căng thẳng hơn tình trạng bất bình đẳng về quyền và lợi ích, làm bùng nổ tranh cãi và bất ổn chính trị.
Điểm thú vị ở đây là, nếu chúng ta cáo buộc chính quyền miền Nam Việt Nam đã không bảo đảm được đời sống, quyền tiếp cận đất đai và bảo vệ bình đẳng xã hội dành cho nông dân, tá điền ; vì sao những người này trong giai đoạn sau 1975 lại phản đối một cơ chế đất tập thể rõ ràng bình đẳng hơn và đại đồng hơn ?
Về mặt số liệu, có thể khẳng định rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã giải tỏa hoàn toàn những cáo buộc về bất bình đẳng về đất đai và sản xuất nông nghiệp ở miền Nam Việt Nam, như phân tích trong "Hiểu lầm 2" ở trên.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phát hành vé số đặc biệt, xổ ngày 30/4/1970, nhân chương trình "Người cày có ruộng". Ảnh : Viet Stamp.
Cụ thể, từ năm 1970 cho đến năm 1973, cùng giai đoạn Hoa Kỳ rút quân lực chính quy khỏi Việt Nam, 2,7 triệu mẫu đất đã được phân phối cho hơn 800.000 hộ tá điền. Chế độ sản xuất nông nghiệp tá điền hoàn toàn được loại bỏ. Thiệu được khen ngợi là chính thức xây dựng thành công nền nông nghiệp trung lưu đồng thời bảo vệ sở hữu tư nhân.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cứ điểm của các đại điền chủ và trùm đất đai toàn Việt Nam suốt hơn mấy thế kỷ, 70% dân số nông thôn đã thuộc nhóm thu nhập trung bình, sở hữu hơn 80% đất và hơn 60% nông cụ.
Không chỉ vậy, tiêu chuẩn về cái gọi là tá điền, trung nông, phú nông cũng hoàn toàn vượt trội so với cái mà chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc xây dựng.
Ví dụ, theo phân tích của Minh‐Tam T. Bui và Arayah Preechametta, nếu chương trình "Người cày có ruộng" xác định người sở hữu từ 1 đến 3 ha đất là "bần cố nông", cũng những người này sẽ bị cáo buộc là "địa chủ trung lưu" trong hệ thống chính trị sau 1975.
Bảng so sánh sự khác biệt trong cách thức phân loại các chủ đất giữa hai hệ thống, "Người cày có ruộng" của Việt Nam Cộng Hòa và hệ thống chính trị sau 1975. Nguồn : Nghiên cứu "Land Inequality or Productivity : What Mattered in Southern Vietnam after 1975 ?".
Như vậy, có thể khẳng định rằng trước 1975, chế độ tá điền đã bị bãi bỏ, công bình đất đai đã được thiết lập tại miền Nam Việt Nam, và người nông dân cũng đã trải nghiệm niềm hạnh phúc của "Người cày có ruộng" trong ít nhất 5 năm.
Nghiên cứu chi tiết của Charles Stuart Callison, một trong số ít các tác giả phương Tây gắn bó với chính sách cải cách đất đai của Việt Nam Cộng Hòa, khẳng định rằng sự ủng hộ của các nhóm dân cư như nông dân, tá điền và người sinh sống tại vùng nông thôn miền Nam Việt Nam dành cho phe nổi dậy Việt Cộng đã giảm rõ rệt.
Ông chỉ ra sức mạnh quân sự cũng như nền tảng ủng hộ quần chúng của Việt Cộng đã không còn như xưa, đặc biệt sau trận Tết Mậu Thân 1968. Nguyễn Văn Thiệu ở một mức độ nào đó đã chiến thắng cuộc chiến du kích và nổi dậy với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sự kiện Sài Gòn thất thủ, vì vậy, có nhiều cơ sở để được xem là một thất bại quân sự thuần túy của một đội quân bị tiêu giảm nhiều nguồn tài lực hỗ trợ so với trước đó, cùng với những sai lầm chiến thuật khác ; thay vì là một thất bại về dân vận và nền tảng ủng hộ đại chúng như nhiều tài liệu và nhà quan sát phân tích.
Sự suy tàn của hai biểu tượng một thời rực rỡ.
"Trong các vở cải lương, khán giả chỉ muốn nghe phần hát, vọng cổ. Nhiều nghệ sĩ phô trương độ dài của hơi thở bằng cách hát hàng trăm từ trong một hơi, nhưng không thể hiện được nội dung gì.
Hành vi, cử chỉ của người diễn thường sáo rỗng hoặc theo thói quen, họ thậm chí còn không cố gắng thể hiện cảm xúc nhân vật hay bối cảnh thực tế.
Mặt khác, họ trưng bày sự xa hoa sặc sỡ của các bộ quần áo mới của đoàn hát, họ phô trương vẻ trẻ đẹp của dàn diễn viên, nhưng khi diễn thì không làm gì hơn là để lộ vài phần cơ thể để chọc cười rẻ tiền […]".
Hoàng Như Mai, một học giả nhà nước có tiếng, bình luận như vậy trong bài viết "Sân khấu các tỉnh phía Nam trong mười năm qua", thuộc quyển "Mười năm xây dựng nền văn hóa mới, con người mới tại miền Nam (1975-1985)" (*). Đây là một dạng báo cáo tổng kết quen thuộc trong mọi lĩnh vực để đánh giá liệu con người của vùng đất mới bị chinh phạt đã có những "tiến bộ" gì để bắt kịp với văn hóa chủ nghĩa xã hội hay chưa.
Trớ trêu hơn, Hoàng Như Mai vẫn thường được tụng xưng là "người thầy giáo", "người đóng góp lớn" cho sự "phát triển" của cải lương miền Nam.
Góc nhìn của ông cho thấy phần nào góc nhìn của nhà nước Việt Nam nói chung đối với cải lương, cũng như cách tiếp cận của họ với bộ môn nghệ thuật này.
Cải lương vẫn thường bị các trí thức cộng sản phê phán là một hình thức sân khấu lai căng, thừa mứa và ủy mị. Nhưng mặt khác, họ cũng nhận thấy ở cải lương khả năng thao túng cảm tình đám đông để xây dựng tính cách xã hội chủ nghĩa.
Sự lo ngại của Đảng Cộng sản trước năng lực tạo nên bản sắc danh tính riêng ngoài danh tính xã hội chủ nghĩa và tính trung hòa lịch sử của cải lương trước các lực lượng ngoại bang từ Trung Quốc, Pháp đến Hoa Kỳ lý giải phần nào mong muốn kiềm chế và "cải tổ" cải lương ngay sau 1975.
Rạp Hưng Đạo, nơi từng được xem là "thánh địa" của cải lương ở Sài Gòn trước 1975, nay trở thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, một công trình xây lỗi. Ảnh : Tom Robinson (trên), Báo Người Lao Động, Báo Pháp Luật (dưới).
Khác với hình ảnh huy hoàng, danh giá ; khác với tiếng tăm và khả năng làm giàu của các đoàn cải lương trong thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, cải lương đương đại đã đi đến thời khắc cuối cùng của nó. Cải lương giờ đây chỉ có thể sống lang bạt ở các viện bảo tàng và các chương trình bảo tồn di sản, thay vì đóng góp tích cực vào việc định hình danh tính, tâm tư và ý chí riêng của một cộng đồng dân cư như nó đã từng.
Cái kết của cải lương và Việt Nam Cộng Hòa, dù khác thời điểm, nhưng cùng chung đâu đó đều là câu chuyện về sự suy tàn của một cộng đồng từng phát triển rực rỡ.
Khái niệm "cải lương " trong tiếng Việt khó hiểu hơn là thuật ngữ tiếng Anh tương đương của nó. Trong tiếng Anh, cải lương được gọi là "reformed opera" hoặc "renovated theatre", chỉ một hình thức hát kịch sân khấu cải cách. Nhưng cải cách từ đâu ?
Có ba nguồn ảnh hưởng chính của cải lương.
Trước tiên, dễ nhận thấy và dễ hiểu, là từ hát bội của Trung Quốc.
Hát bội được cho là phát triển tại Việt Nam từ sau khi Trần Hưng Đạo đánh bại lực lượng quân Nguyên giai đoạn 1228 – 1330. Trong số các tù binh nhà Trần bắt được, có một nghệ sĩ người Hoa theo hình thức hát bội (zaju) tên là Lý Nguyên Cát được giữ lại để dạy và phát triển hình thức nghệ thuật này tại Việt Nam.
Trong nhiều thế kỷ sau đó, hát bội tiếp tục phát triển tại Việt Nam với sự nhập khẩu của nghệ thuật hát bội từ Trung Quốc. Hình thức nghệ thuật này tương tác với văn hóa Chăm (vốn trở thành một phần của Việt Nam vào thế kỷ 15) và tạo nên một số biến thể địa phương mới như "hát nam".
Cải lương vay mượn phong cách sân khấu, sự khoa trương thậm xưng của diễn xuất, cảm xúc, và sự nhấn mạnh vào hình thể của hát bội để tạo nên diện mạo của mình.
Sân khấu cải lương đoàn Thanh Minh Thanh Nga theo phương châm "thực và đẹp, khác hẳn với hát bội". Trong hình là tuồng "Tình sử Dương Quý Phi". Ảnh : Huỳnh Công Minh/Màn Ảnh Sân Khấu.
Về âm nhạc, cải lương sử dụng nguồn âm nhạc và ngôn ngữ thuần túy Nam Bộ.
Được biết đến với tên gọi "nhạc tài tử", hoặc trước đó là "ca ra bộ", âm nhạc trong cải lương có gốc là kiểu hát kịch có cử chỉ – một cách kể chuyện với âm nhạc. Ca ra bộ được người Pháp ghi nhận đã xuất hiện trong nhiều buổi gây quỹ địa phương hoặc trong các chương trình tạp kỹ tại Nam Kỳ từ đầu những năm 1900.
Cuối cùng, lối dẫn chuyện và phong cách kịch nói thì rõ ràng là chịu ảnh hưởng của chính kịch Pháp, từ kinh nghiệm dàn dựng sân khấu (hậu đài lẫn tiền đài), cách trang điểm, bối cảnh và kỹ thuật dẫn chuyện.
Một phân đoạn trong vở cải lương "Con gái chị Hằng" năm 1961. Bối cảnh và sân khấu đặc biệt mang phong cách Pháp. Ảnh : Huỳnh Công Minh/ Màn Ảnh Sân Khấu.
Cùng lúc đó, các sản phẩm âm nhạc cải lương là sự kết hợp liên hồi của ngôn ngữ, nhạc cụ và bối cảnh Tây – Hoa – Ta.
Ta thử lấy ví dụ về bài vọng cổ Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu, tác phẩm được sáng tác vào năm 1918. Ngôn ngữ trong tiêu đề và lời ca vừa đậm tính Hoa, vừa đậm tính Việt. Trong khi đó, nhạc cụ được sử dụng thì vô cùng đa dạng, với sáo, tiêu, đàn tranh, đàn bầu cho đến guitar và violin.
Theo cách nói của Vương Hồng Sển trong quyển "Hồi ký 50 năm mê hát", cải lương là cách con người Nam Bộ chôn giấu niềm yêu nước trong những năm tháng thuộc địa, nhưng cũng đồng thời là cách để thỏa hiệp và tìm niềm vui trong xã hội mới.
Đâu đó, chúng ta cũng thấy trong Việt Nam Cộng Hòa sự pha trộn, thỏa hiệp cũ – mới của cải lương.
Chúng ta thường được nghe rao giảng rằng chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới có tính chính danh lịch sử sau Đệ nhị thế chiến, nhưng thực tế thì không hề đơn giản như vậy.
Hiệp định Sơ bộ Pháp – Việt (Franco – Vietnam Agreement 1946, hay Ho – Sainteny Agreement) xác định rõ Pháp thừa nhận chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc (VNDCCH) có tư cách là một nền cộng hòa độc lập thuộc Liên bang Đông Dương (Indochinese Federation), một thành viên không thể tách rời của Liên Hiệp Pháp (French Union). Tuy nhiên, hiệp định này cũng chỉ giới hạn chủ quyền của VNDCCH tại Bắc kỳ (Tonkin) ; phần còn lại gồm Trung kỳ (Annam) và đặc biệt là Nam kỳ (CochinChina) thì vẫn còn danh nghĩa thuộc địa của Pháp.
Ai vi phạm Hiệp định Sơ bộ là một câu chuyện mà cả hai phía đều cáo buộc nhau, nhưng rõ ràng đến cuối cùng, VNDCCH vẫn thừa nhận mình chỉ có thẩm quyền khu vực phía Bắc, và từ bỏ nỗ lực đại diện cho một Việt Nam thống nhất, ít nhất là trên phương diện công pháp quốc tế.
Trung Kỳ và Nam Kỳ, vì vậy, vẫn còn mang danh nghĩa thuộc địa của Pháp.
Vì thế khó này, ở Nam Kỳ, con đường đấu tranh đòi độc lập chủ yếu phải thông qua con đường chính trị và thỏa hiệp. Trong đó, không thể xem nhẹ những nỗ lực của các gương mặt như Nguyễn Văn Xuân hay cựu hoàng Bảo Đại.
Cựu hoàng Bảo Đại rời Điện Elysée, Pháp, tháng 2/1948 sau một cuộc họp. Ảnh : Getty Images.
Kết tinh của quá trình này là Hiệp định Elysee (Elysee Accords) năm 1949. Đây là tập hợp của nhiều thư trao đổi giữa Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol.
Hiệp định thừa nhận một số điểm cơ bản như :
(i) danh nghĩa thuộc địa của Nam Kỳ sẽ phải bị xóa bỏ (và đã được Quốc hội Pháp trầy trật thông qua sau đó) ;
(ii) lần đầu tiên Pháp đồng ý thống nhất cả ba kỳ với tên gọi chung là Việt Nam ;
(iii) chấp thuận trao lại chủ quyền (như dân sự, kinh tế, tư pháp, hành chính…) cho một chính phủ thống nhất đại diện cả ba miền. Tuy nhiên, các vấn đề về tài chính và quân sự vẫn còn phụ thuộc vào Pháp, lý giải bằng mối quan hệ với Liên hiệp Pháp.
Từ đó, Quốc gia Việt Nam (State of Vietnam) cũng có tính chính danh hình thức không kém cạnh so với VNDCCH, đặc biệt theo góc nhìn công pháp quốc tế.
Cái chết của Việt Nam Cộng Hòa là hệ quả lộn xộn của địa chính trị quốc tế khó lường trước, nhưng cái chết của cải lương là một kết quả có thể dự báo.
Nhiều người cho rằng cải lương tự thân nó đã lỗi thời, không còn hấp dẫn, không thể cạnh tranh thì tự nhiên phải chết.
Nhưng nếu vậy thì điều gì xảy ra trước 1975, lúc cải lương vẫn có dư đất sống giữa thời điểm nhạc Âu – Mỹ đã rất phổ biến tại miền Nam, và hàng loạt thể loại nhạc Việt và các tác giả Tây hóa cũng đã được công chúng đón nhận ? Nếu phải chết, tại sao cải lương không chết dần từ lúc đó ?
Rạp Nguyễn Văn Hảo giới thiệu chương trình của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga, Sài Gòn, đầu xuân 1961. Ảnh tư liệu của Ngành Mai/Người Việt.
Văn hóa, đến cuối cùng, tồn tại dựa vào cộng đồng gầy dựng và nuôi dưỡng nó.
Từ công cuộc "cải cách văn hóa" nhằm "tái xây dựng" miền Nam với việc cấm nhạc vàng, cấm tác phẩm văn chương và sách vở nổi tiếng trong giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa, đẩy hàng triệu cư dân thành thị về các khu kinh tế mới và trại cải tạo, rồi kế đó là cuộc trốn chạy lịch sử của hàng trăm ngàn cư dân miền Nam Việt Nam, nền tảng văn hóa và cộng đồng văn hóa của vùng đất khốn khổ này hoàn toàn đứt gãy.
Trong bối cảnh đó, sự thù ghét của các nhà văn hóa cộng sản dành cho cải lương còn rõ hơn ban ngày.
Các tác giả như Trần Hữu Tá, Trà Linh, Hòa Lục Bình khá đồng thanh trong việc phê phán và chê bai cải lương trong một loạt các tác phẩm đả kích, mà khét tiếng nhất phải kể đếnVăn hóa – Văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy.
Từ việc gọi cải lương là công cụ để "đồi trụy hóa" con người cho đến việc cáo buộc cải lương là chỉ dấu của một nền văn hóa thực dân lai căng dị bản, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa xã hội chủ nghĩa từ lâu đã xem cải lương là tội đồ.
Một lần nữa, theo cách nói của Hoàng Như Mai, cải lương là điển hình mô tả những gì "rẻ tiền, dơ bẩn và tội lỗi" của xã hội tư sản mại bản, là một sản phẩm văn hóa "giả nhái", "vô giá trị".
Sau năm 1975, với cộng đồng thưởng thức đã tan rã, và với những người "làm văn hóa" thù hận cải lương đến cực đỉnh, cải lương mất đi cả nền tảng văn hóa lẫn cơ hội chính sách để sống một cách đúng nghĩa.
***
Đây có thể là một nhận định khiến người nghe cải lương gần bốn thập niên trở lại đây phật lòng, nhưng cải lương sau 1975 không còn chút sức sống tự thân nào.
Tinh thần không còn. Con người không còn.
Tác giả không còn. Khán giả không còn.
Với công cuộc quốc hữu hóa cải lương và các đoàn diễn, sự áp đặt của những danh hiệu như "nghệ sĩ ưu tú", "nghệ sĩ nhân dân", cùng với sự thù ghét cải lương sẵn có của các nhà hoạch định văn hóa, hình thức kịch nghệ độc đáo một thời đã bị thao túng và trở thành công cụ để nhà cầm quyền sử dụng, cho đến khi nào hết dùng được thì thôi.
Riêng cái hạn dùng, có lẽ đã đến từ vài thập niên trước.
Võ Văn Quản
Nguồn : Luật Khoa, 20/04/2021
(*) Nhận định của Hoàng Như Mai được dịch lại từ tiếng Anh sang tiếng Việt, theo trích dẫn trong nghiên cứu A Personal Sorrow : "Cải Lương" and the Politics of North and South Vietnam của tác giả Khai Thu Nguyen, đăng trên tạp chí Asian Theatre Journal năm 2012. Người viết không tìm được bản gốc của tác phẩm tiếng Việt được trích dẫn.
Rạng sáng ngày 30/01/1968, những quả tên lửa đầu tiên của lực lượng cộng sản bất ngờ đánh vào các tỉnh lỵ trên khắp miền Nam Việt Nam. Rất nhanh sau đó, một cuộc tấn công trên bộ nổ ra trên khắp cả nước, và đến sáng hôm sau, phần lớn các đô thị miền Nam đã bị bao vây, bao gồm Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Chỉ huy Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và thậm chí cả Đại sứ quán Mỹ. Trên các tờ báo địa phương, "Năm của Cát" (Year of Sand) – theo hình ảnh các bao cát chặn trước cửa nhà hay cửa sổ – đã thực sự bắt đầu.
Một gia đình chạy trốn chiến sự ở Sài Gòn năm 1968. Ảnh Tim / Corbis, qua Getty Images
Tại Mỹ, đợt tấn công, được gọi là trận Tết Mậu Thân, thường được nhớ đến như một bước ngoặt tâm lý, thời điểm mà Tổng thống Johnson được cho là đã đánh mất niềm tin của phát thanh viên đài CBS, Walter Cronkite – và nói rộng hơn, là niềm tin của toàn thể công chúng Mỹ. Thật vậy, dù phe Cộng sản bị tổn thất đáng kể về nhân lực và tinh thần, mâu thuẫn giữa những lời hứa hão huyền của giới chức Mỹ và hình ảnh cuộc tấn công đẫm máu xuất hiện trên truyền hình đã chẳng bao giờ được hóa giải. Tuy nhiên, tác động chính trị của Tết Mậu Thân lên Việt Nam Cộng Hòa cũng giữ vai trò quan trọng không kém trong việc xác định kết quả sau cùng của cuộc chiến.
Một cựu chiến binh miền Nam Việt Nam bị thương tập tễnh trên chiếc nạng với thức ăn nhặt được từ các cơ sở bỏ hoang của Hoa Kỳ sau khi di tản khỏi Sài Gòn, ngày 29 tháng 4 năm 1975. AP (The Fall of Saigon, 1975) - Ảnh minh họa
Vẫn thường bị coi là chế độ phụ thuộc vào Mỹ, miền Nam Việt Nam là nơi sinh sống của hàng triệu người chống cộng nhiệt thành nhưng chia rẽ bè phái, chủ yếu tập trung ở các trung tâm đô thị và các tỉnh lỵ. Đáp lại cú sốc Mậu Thân, họ đã tạm gác lại cuộc cãi vã trước đây và cùng nhau tập hợp trong một sự đoàn kết hiếm có. Đáng tiếc là nguồn năng lượng tích cực ấy lại bị lãng phí một cách vội vàng. Thay vào đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng thâu tóm quyền lực, làm tổn hại đến cơ sở hiến pháp cho tính chính danh của ông, và khiến ngay cả những người chống cộng tận tâm nhất cũng phải tuyệt vọng. Sự quyết tâm dâng cao sau Tết Mậu Thân đã chẳng thể chống lại nỗi hoài nghi, cùng lúc đó, niềm tin và cam kết của quân đội cũng dần bị xói mòn.
Kết quả là, khoảnh khắc vốn dĩ đã có thể là bước ngoặt cho đất nước lại trở thành khởi đầu của một kết thúc. Vào ngày chính phủ cuối cùng phải đầu hàng xe tăng Cộng sản trong tháng 04/1975, số phận chính trị của miền Nam đã được định xong.
Khi nhìn lại, Việt Nam Cộng Hòa có lẽ là một thử nghiệm chính trị thất bại. Nhưng sau Tết Mậu Thân, những người ủng hộ chính thể này đã nhận ra sự cấp bách mới. Bất chấp bạo lực tàn khốc, phản ứng của người dân miền Nam đối với các đợt tấn công Mậu Thân thể hiện đỉnh cao chủ nghĩa dân tộc chống Cộng trong cả nước.
Lần đầu tiên được đưa lên tiền tuyến trong cuộc chiến, các nhà quan sát chính trị chống cộng ở thành thị đã bắt đầu hành động và đã vượt qua mọi chia rẽ sâu sắc về chính trị, vùng miền và tôn giáo. Họ chuyển nguồn năng lượng mới của mình vào một loạt các nhóm bảo trợ, gồm Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội và Mặt trận Cứu quốc (hay "Liên Minh", "Liên đoàn"). Hành động tập thể chưa từng có này được thúc đẩy bởi một nhận thức rõ ràng rằng từng phe phái ở miền Nam, nếu hoạt động riêng rẽ, sẽ không thể tự đối đầu với bộ máy chính trị Cộng sản.
Ngoài những biểu hiện lạ thường của một tình đồng chí thân thiết, tình trạng sau Tết Mậu Thân còn thổi bùng sức sống cho hệ thống hiến pháp mới của miền Nam, mà cho đến lúc đó vẫn còn bị phê phán sau cuộc bầu cử tổng thống gian lận diễn ra một năm trước. Khi đất nước quay cuồng trong đổ máu, các thể chế non trẻ như Quốc hội vừa được hồi sinh đã giúp lên kế hoạch chi tiết cho hợp tác chính trị, đồng thời thành lập một diễn đàn cho những người theo chủ nghĩa lập hiến cộng hòa, những người mà bất kể quan điểm về chế độ quân quản của họ là gì, cũng không nhìn thấy tương lai của mình dưới sự thống trị của Cộng sản.
Phẫn nộ vì bạo lực, những người chỉ trích chính phủ lâu năm bất ngờ dồn dập tố cáo đợt tấn công của Cộng sản. Ngay cả khối Phật giáo Ấn Quang, với hai cuộc nổi dậy từng khiến chính phủ miền Nam phải quy phục vào năm 1963 và 1966, giờ đây quay sang ủng hộ hệ thống hiến pháp mới. Kinh hoàng trước vụ thảm sát ở miền Trung, phe Ấn Quang nhanh chóng xóa bỏ mọi liên hệ với những người Cộng sản. Mặc dù chẳng hề ủng hộ quân đội miền Nam, các lãnh đạo tôn giáo này vẫn quyết định nắm lấy cơ hội dưới chế độ còn đang bấp bênh của Sài Gòn, vốn bị họ đánh giá là kém hơn nhiều so với Hà Nội trong việc thực hiện khát vọng chuyên chế của mình.
Để đạt được điều đó, năm 1970, nhóm Ấn Quang đã hành động bằng cách ủng hộ và thắng thế trong cuộc bầu cử Thượng viện, giành được một phần ba số ghế đang tranh chấp. Đáng chú ý hơn, khi tình hình chính trị xấu đi trong những năm sau đó, phe Ấn Quang cũng không chủ động thách thức nhà nước, ngay cả khi các đảng trung thành truyền thống phải xuống đường trong giận dữ. Khả năng kiềm chế bất ngờ của khối Phật giáo này là một yếu tố then chốt, nhưng lại thường bị bỏ qua, trong việc kéo dài sự tồn tại của miền Nam Việt Nam, và là biểu tượng cho tiềm năng bị lãng phí của hệ thống hiến pháp.
Trong khi đó, được cổ vũ bởi tinh thần quyết tâm và đoàn kết sau Mậu Thân, xã hội dân sự đô thị ở miền Nam đã khẩn thiết yêu cầu nhà nước tận dụng tinh thần ấy bằng cách thực hiện những cải cách cần thiết.
Phan Quang Đán, một nhà lãnh đạo đối lập được ngưỡng mộ vì đã dũng cảm chịu đựng sự tra tấn của chính phủ, là một trong số nhiều người nhanh chóng lên tiếng về những khả năng mới được tìm thấy. Ông tuyên bố Mậu Thân là "cơ hội to lớn để biến một chiến thắng quân sự tạm thời thành một thắng lợi chính trị quyết định – nếu chính quyền miền Nam biết nắm bắt và tiến lên nhanh chóng, tái cấu trúc quân đội và chính quyền, quét sạch tham nhũng, thực hiện cải cách ruộng đất, huy động sự tham gia tích cực của quần chúng và đạt được sự thống nhất quốc gia".
Chắc chắn đây là một nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, như phó tổng thống xuất thân quân đội Nguyễn Cao Kỳ nhận xét trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hồi tháng 03/1968, "Tôi biết rằng họ" – cư dân Sài Gòn – "vẫn không ưa gì chúng tôi, nhưng chí ít tôi cũng chắc chắn rằng họ ghét Cộng sản".
Tuy nhiên, ẩn sau lời lẽ hoa mỹ đặc trưng của Kỳ là một sự thật khó chịu cho các tướng lĩnh cầm quyền của Sài Gòn : Làn sóng giận dữ chống Cộng sau Tết Mậu Thân cũng chẳng thể đảm bảo cho lòng trung thành đối với chế độ quân sự đã từng bị phê phán rất nhiều.
Chẳng hạn, hãy xem xét sự kiện ở cố đô Huế, nơi tin tức về vụ thảm sát của Cộng sản đã làm phẫn nộ và thôi thúc người dân miền Nam. Tuy rằng nỗi đau của Huế vẫn là biểu tượng cho sự tàn bạo của lực lượng Cộng sản, các phản ứng vào thời điểm đó thường mang nhiều sắc thái và nhiều mặt. Được sáng tác sau vụ thảm sát, "Bài ca dành cho những xác người" của Trịnh Công Sơn nhấn mạnh nỗi buồn tập thể hơn là sự đổ lỗi, trong khi cuốn "Giải khăn sô cho Huế" của tiểu thuyết gia Nhã Ca lại gây tranh cãi vì đã giao cho toàn dân tộc trách nhiệm chấm dứt đổ máu.
Trong khi đó, người dân thành phố Huế tức giận không chỉ bởi những vụ bắt cóc và hành quyết của Cộng sản – mà còn bởi hỏa lực bừa bãi của Mỹ. Họ dành sự khinh miệt đặc biệt cho quân đội miền Nam, những kẻ vội vã bỏ chạy khi vừa thấy dấu hiệu rắc rối và rồi quay trở lại cướp phá những gì còn lại khi chiến sự không còn.
Xét về mặt này thì Huế không phải là ví dụ điển hình. Bỏ chạy rồi quay lại cướp bóc là một mô hình lặp đi lặp lại trong hàng ngũ Việt Nam Cộng Hòa, những người lặp lại kịch bản như ở Huế tại Sóc Trăng, Đà Lạt và Vĩnh Long, cũng như nhiều tỉnh lỵ khác. Quân đồn trú tại Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên, thậm chí còn biến mất trước khi súng kịp nổ ra. Lực lượng tiếp viện cuối cùng đã đến, nhưng chỉ sau khi phe Cộng sản đã rời đi. Ấy thế nhưng quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn tổ chức một nghi lễ ăn mừng chiến thắng thật hào nhoáng, sau đó là cuộc cướp phá toàn diện thị trấn. Một người dân địa phương rầu rĩ, "Quân đội không đánh bại được Cộng sản, họ đánh bại chúng tôi".
Phản ứng đối với quân Mỹ cũng chẳng khá hơn. Với hy vọng đánh bật sự kháng cự của Cộng sản, không quân và pháo binh Mỹ đã san bằng thành phố Nha Trang. Ngoài ra, đã có hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy chỉ riêng ở Quận 8 của Sài Gòn, trong khi khoảng 20.000 cư dân sống tại tỉnh Gia Định gần đó đã lâm vào cảnh mất nhà cửa chỉ vài tuần sau chiến dịch.
Các đợt tấn công trên toàn quốc đã thúc đẩy phản ứng chống Mỹ ngày càng mạnh mẽ. Đầu thập niên 1970, những viên chức người Mỹ thường xuyên phải đối mặt với các cuộc đụng độ trên đường phố và dần dần phải chuyển về những căn cứ xa xôi. Suốt thời gian đó, những người Việt Nam theo thuyết âm mưu đã tung tin đồn C.I.A. thông đồng với các cuộc tấn công của Cộng sản, lấy lý do nhằm đẩy nhanh việc rút quân của Mỹ. Đáp lại, Hạ viện Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức trình đơn khiếu nại, và các cơ quan ngôn luận của chính phủ như tờ Công Chúng (The Public) lên tiếng cáo buộc người Mỹ đã phá hủy Huế.
Cú sốc ban đầu khơi dậy quyết tâm mới ở nhiều thành phố, nhưng lại giáng một đòn tâm lý nặng nề lên hầu hết các vùng nông thôn. Chứng kiến sự hèn nhát của quân đội, cảnh quân đội lợi dụng sự khốn khổ của dân và việc quân đội thường chẳng tài nào có thể chống lại các đợt tấn công ban đầu, những người dân nông thôn hoàn toàn mất niềm tin vào khả năng cũng như mong muốn bảo vệ họ của nhà nước.
Hơn nữa, trái ngược với quan điểm cho rằng Mậu Thân đánh dấu một thất bại không thể cứu vãn đối với phe Cộng sản miền Nam, tình hình sau đó thật ra khá suôn sẻ. Trong phần lớn năm 1968, Cộng sản đã củng cố vị trí của mình tại nhiều vùng đất rộng lớn ở nông thôn, kìm chân bộ binh Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa trong các căn cứ và các thành phố. Tổn thất ban đầu được bù đắp nhờ lực lượng tiếp viện ngày một đông từ miền Bắc, bất chấp cái giá phải trả là gia tăng căng thẳng vùng miền trong hàng ngũ. Sang năm tiếp theo, sau một cuộc phản công của Mỹ– trong đó hỏa lực đã được sử dụng bừa bãi và dân thường phải hứng chịu thương vong nặng nề – cán cân quân sự đã dần thay đổi, và thậm chí cả khi đó, hành động rút lui của Cộng sản vẫn mang tính chiến thuật.
Khi thấy tinh thần dân chúng ngày càng suy yếu sau những lời hứa chiến thắng hão huyền của họ, lực lượng Cộng sản đã tăng cường sử dụng "cây gậy", bắt giữ và ám sát những người dám đứng về phía chế độ Sài Gòn. Nhưng họ cũng cẩn thận sử dụng cả "cà rốt". Ví dụ, ở tỉnh Phước Tuy, cán bộ đã đến từng nhà để hỏi han về các loại thuốc men cần thiết, sau đó họ đi mua ở chợ đen rồi đem phân phát cho dân chúng.
Một phần nhờ những nỗ lực như vậy, mạng lưới chính trị của Cộng sản mới tồn tại nguyên vẹn ngay cả khi tinh thần quân đội bị xuống thấp. Thu nhập của người dân miền Nam thời bấy giờ chỉ đủ để trang trải 30% chi phí sinh hoạt, nhưng việc thu thuế của Cộng sản vẫn tiếp tục tăng nhanh. Sau Mậu Thân, theo báo cáo của C.I.A., Cộng sản vẫn có thể "huy động ngay từ nội bộ miền Nam hầu hết nguồn quỹ và vật tư phi quân sự cần thiết để hỗ trợ cuộc kháng chiến của mình". Việt Cộng "nắm giữ quyền kiểm soát đáng kể đối với việc sản xuất, chế biến và vận chuyển nhiều mặt hàng thiết yếu cho nền kinh tế miền Nam", trong khi "hệ thống thuế của họ lấy nguồn thu từ hầu hết mọi phân khúc của nền kinh tế miền Nam". Ngay cả các đồn điền cao su của hãng Michelin, Pháp, nằm ở tỉnh gần nhất về phía tây Sài Gòn, cũng có các khoản thanh toán định kỳ cho lực lượng Cộng sản.
Nhiều năm sau Mậu Thân, sự hiện diện của Cộng sản xung quanh thủ đô Sài Gòn vẫn rất đáng gờm. Tại tỉnh Long An ở phía nam Sài Gòn, tình báo Mỹ thừa nhận rằng gần một nửa số ủy ban cách mạng cấp thôn của Cộng sản vẫn đang hoạt động với hiệu quả tương tự như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Việt Cộng tiếp tục "có thể tổ chức lớp học bình thường ở một số khu vực nhất định và thậm chí còn tổ chức các buổi biểu diễn công cộng".
Lún sâu trong trận chiến chính trị mà họ dần thua cuộc, chính phủ miền Nam thừa nhận rằng cần phải tiến hành cải cách sâu rộng nếu họ muốn có cơ hội thu hút đa số người dân bất mãn ở nông thôn. Nhưng như thường lệ, tiến độ tiếp tục bị trì hoãn suốt nhiều năm do đấu đá chính trị nội bộ kéo dài.
Đối thủ không đội trời chung của Tổng thống Thiệu, Phó Tổng thống Kỳ hào nhoáng, đã nhanh tay sử dụng Mậu Thân làm bàn đạp để lật ngược thế cờ. Kỳ buộc tội Thiệu không chịu hành động, hứa hẹn chính mình sẽ có những phản ứng quyết liệt hơn, bao gồm cả việc giải phóng miền Bắc bằng vũ lực. Tuy nhiên, ở hậu trường, ông lại cố gắng tìm kiếm hậu thuẫn cho một cuộc đảo chính quân sự. Khi tin về âm mưu của Kỳ đến tai Đại sứ quán Mỹ, ông liền bị triệu tập để khiển trách ; vị phó đại sứ, Samuel Berger, thậm chí đã đập bàn vì quá tức giận.
Nhận được hậu thuẫn của Mỹ, Thiệu lặng lẽ loại trừ những lãnh đạo quân đội vẫn trung thành với Kỳ, trong đó gồm cả một số chỉ huy có năng lực nhất của quân đội.
Hoang tưởng và cô độc, Thiệu liên tiếp tấn công các đối thủ, cả thật lẫn tưởng tượng, trong đó có Trần Ngọc Châu, một chuyên gia về chống nổi dậy. Tuy nhiên, vụ bắt giữ Châu một cách vi hiến đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội trong Quốc hội, và để trả đũa, Quốc hội đã tìm cách trì hoãn chương trình Cải cách ruộng đất của Thiệu suốt hơn một năm.
Thiệu chính là động lực thúc đẩy sáng kiến mang tên "Người Cày có Ruộng", xóa bỏ quan ngại của người Mỹ nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Văn Thân. Dù những người ủng hộ miền Nam luôn xem cải cách ruộng đất là liều thuốc cho việc chính phủ không được lòng dân, kết quả lúc đó lại hoàn toàn trái ngược.
Bước đột phá xuất phát từ việc Sài Gòn thừa nhận những nỗ lực phân chia đất đai mà Cộng sản đã thực hiện trên khắp miền Nam suốt nhiều năm, thậm chí hàng chục năm trước đó. Để tránh nảy sinh hận thù khi những địa chủ vắng mặt quay lại đòi đất bị trưng dụng, chính phủ đã trao quyền sở hữu hợp pháp cho nhóm người được hưởng lợi từ các chiến dịch cải cách ruộng đất trước đây của Cộng sản.
Bất chấp việc nghe có vẻ là một chính sách, cách tiếp cận này đã khiến những người trung thành với chính phủ miền Nam ở nông thôn phẫn nộ, họ cáo buộc nhà nước phản bội vì đã tưởng thưởng cho những kẻ ủng hộ địch. Các cựu binh, những người buộc phải chấp nhận việc đất của mình bị trưng thu, cũng chẳng vui vẻ gì trước tin này.
Tệ hơn nữa, việc triển khai chính sách diễn ra rất chậm, không đồng đều và bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Nhiều năm sau đó, nông dân vẫn phải tiếp tục trả tiền thuê cho mảnh đất mà cả chính phủ lẫn các địa chủ cũ đã ngó lơ không thông báo cho họ biết rằng họ đang nắm quyền sở hữu. Những người tị nạn phàn nàn rằng phần đất họ được chia hoặc là không thể tiếp cận, hoặc không an toàn bởi vì quân đội chẳng quan tâm đến việc bảo vệ an ninh. Các cộng đồng sinh sống ở miền Trung khô cằn của Việt Nam thì than phiền về việc định giá đất dựa trên vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ hơn. Các khoản vay cần thiết nhằm mua các thiết bị nông nghiệp thường xuyên bị các quan chức địa phương vô đạo đức bòn rút, trong khi nhóm dân tộc thiểu số tuyệt vọng trước sự xâm lấn có hệ thống của người Kinh.
Dù cải cách ruộng đất là một nỗ lực đáng hoan nghênh và đã đạt được một số thành công nhất định, nó không thể làm giảm bớt ảnh hưởng của Cộng sản, cũng không thể giảm bớt tình trạng lạm phát và tham nhũng đang tăng vọt. Ở những khu vực mà Cộng sản từng kiểm soát, tác động chỉ là trên lý thuyết chứ không phải thực tế, bởi nông dân được trao quyền sở hữu những vùng đất mà họ cho rằng mình vốn dĩ đã sở hữu từ lâu. Có lẽ, địa chủ vắng mặt là những người được hưởng lợi nhiều nhất, nhận khoản bồi thường hào phóng từ Mỹ cho những tài sản mà họ có rất ít khả năng sẽ giành lại được.
Trong khi đó, quay trở lại các trung tâm đô thị, tinh thần đoàn kết bùng nổ sau Tết Mậu Thân đã nhường chỗ cho sự tức giận khi mức sống giảm mạnh và tham nhũng lan tràn. Các liên minh tôn giáo như Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội được chính phủ hậu thuẫn trên danh nghĩa – dù thực tế họ chẳng được chính phủ quan tâm, chứ đừng nói là tài trợ – bắt đầu sa vào nhiều âm mưu và tranh cãi, trong khi các thành viên ở tỉnh lỵ xa xôi vẫn tiếp tục chờ đợi sự lãnh đạo từ thủ đô trong vô vọng. Sau này, thư ký riêng của Tổng thống Thiệu tiết lộ, nguồn trợ cấp bí mật của C.I.A cho Mặt trận đã bị các quan chức cấp cao bỏ túi để sử dụng vào mục đích cá nhân. Thiếu vắng sự ủng hộ của chính quyền, triển vọng về một mặt trận thống nhất chính trị nhanh chóng chết yểu.
Sau khi tái đắc cử vì các đối thủ của ông rút lui nhằm tỏ ý phản đối, Tổng thống Thiệu lại bận rộn chuẩn bị phương tiện chính trị hẹp của riêng mình : "Đảng Dân chủ". Trên thực tế, đảng này là bất cứ thứ gì ngoại trừ dân chủ, chủ trương tham gia nghĩa vụ dân sự là bắt buộc, trong khi các đơn vị quân sự bí mật của nó bị so sánh theo hướng bất lợi với Đảng Cộng sản. Nhưng Thiệu, người từ lâu đã chán ngán mọi chống đối dành cho chương trình nghị sự của mình, đã hình dung Đảng Dân chủ như một phương tiện để ràng buộc những người chống Cộng với nhau. Thông qua hàng loạt sắc lệnh tìm cách cấm bất kỳ đảng nào khác hoạt động, ông ép buộc mọi viên chức và sĩ quan quân đội phải gia nhập hàng ngũ của Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, thay vì tập hợp toàn thể xã hội miền Nam cùng ủng hộ ông cầm quyền, như điều mà Thiệu mù quáng tin tưởng, Đảng Dân chủ ngày càng xa lánh những người chống cộng – nhóm quyết giữ vững lòng trung thành với đảng cũ của họ. Các sắc lệnh về đảng phái chính trị cũng giáng một đòn chí mạng vào Thượng viện, lúc ấy đang là thể chế chính trị độc lập cuối cùng của miền Nam. Một thế hệ chính trị gia nhiệt thành đã giành được nhiều ghế thượng nghị sĩ vào năm 1967, nhưng đến năm 1973, khi Thiệu thay thế Thượng viện bằng bộ máy chính trị gia do chính ông ta lựa chọn, khả năng phản kháng của thể chế này đã bị phá vỡ.
Thời điểm đêm trước khi Thượng viện bị thay thế vào năm 1973, một nhà quan sát đã ghi lại nhận xét đầy thất vọng của một thượng nghị sĩ sắp ra đi : "Thử nghiệm chủ nghĩa hợp hiến được đưa ra hồi năm 1967 nay trở thành công cốc". Vị thượng nghị sĩ này đã rất ngạc nhiên vào năm 1967, "trước số lượng những cá nhân đủ tiêu chuẩn đã hăng hái tham gia thử nghiệm bằng cách tranh cử vào Thượng viện năm đó … Những người tốt này giờ lại phải lui về ở ẩn", ông kết luận, "âm thầm chờ đợi một biến động mới trước khi tham gia một lần nữa".
Trong những năm cuối của cuộc chiến, ngay cả các nhóm Công giáo gốc Bắc chống cộng dữ dội, từ lâu đã là những người ủng hộ trung thành nhất của chính phủ miền Nam, cũng đã mất niềm tin vào khả năng của Việt Nam Cộng Hòa trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng cấp quốc gia. Nỗi sợ hãi tràn lan này hoàn toàn trái ngược với nguồn năng lượng dồi dào đã từng tiếp thêm sinh lực cho miền Nam sau Mậu Thân. Và nó đã gây thiệt hại cho quân đội, khi từng cá nhân thuộc mọi cấp bậc trong quân ngũ đều mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo thiếu khả năng của đất nước. Đã chẳng còn tính kỷ luật và sự tự tin nào trong mùa xuân năm 1975, khi quân đội được trang bị hiện đại của miền Nam một lần nữa quỵ gối ngay trong những đợt giao tranh đầu tiên với Cộng sản, và chính những người lính trên đường thoát thân đã dẫn dắt dân thường điên cuồng tháo chạy.
Tuy nhiên, niềm tin vào khái niệm về một miền Nam phi Cộng sản vẫn luôn tồn tại, dù luôn phân tán và vô tổ chức. Dù tốt xấu thế nào, chính quyền miền Nam không đơn thuần là một con rối, và như một thế hệ chính khách người Mỹ đã phát hiện ra, quyền kiểm soát hầu bao ở Sài Gòn không hề ảnh hưởng đến quyền kiểm soát chính trị tại đây. Hơn bất kỳ quyết định nào ở Washington, chính sự thất bại của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong việc đoàn kết và truyền cảm hứng cho các cử tri chủ chốt, và trong việc đảm bảo cơ sở vững chắc ở nông thôn, đã khiến họ bị đánh bại.
Sean Fear
Nguyên tác : How South Vietnam Defeated Itself , The New York Times, 23/02/2018
Nguyễn Thị Kim Phụng dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/02/2021
Sean Fear là giảng viên lịch sử quốc tế tại Đại học Leeds.