Nhưng đó là khi Facebook ra đời tháng 2/2004.
Còn nay, Facebook phải xử lý mỗi ngày hàng tỷ lần nhấn 'likes' và hàng nghìn tỷ tin nhắn, nên họ đã có những trung tâm dữ liệu khổng lồ.
Theo BusinessInsider (tháng 4/2017) trung tâm dữ liệu chính của Facebook là ở Prineville, bang Oregon, Hoa Kỳ.
Tại đây, các máy chủ hiện đại nhất do Facebook tự thiết kế và xây dựng dùng số dây điện và dây cáp chuyên dụng dài tổng cộng 950 dặm.
Theo trang Cnet, Facebook nói nhờ thiết kế máy chủ riêng thay cho máy đi mua, từ 2010 hiệu năng của công tác truyền dữ liệu tăng 38%, cùng lúc chi phí giảm 25%.
Nhưng Facebook không đặt máy chủ ở quá nhiều nơi.
Cho đến nay, ngoài việc tăng diện tích và công suất của trung tâm Prineville, họ đã xây thêm các trạm xử lý dữ liệu tại Forest City (North Carolina), Fort Worth (Texas), Altoona (Iowa) và Los Lunas (New Mexico).
Như thế, các trung tâm máy chủ và kho dữ liệu chính của Facebook vẫn là ở Hoa Kỳ.
Châu Âu có hai trung tâm : Clonee (CH Ireland), và Lulea (Thụy Điển).
Ở Châu Á, cho đến nay, theo chính các thông tin do Facebook đưa ra, Singapore là nơi công ty này đặt trung tâm dữ liệu và máy chủ lớn nhất.
Lý do là họ muốn "phục vụ thị trường Châu Á, và vì Singapore là một trong hai cổng Internet nối với Trung Quốc".
Bên cạnh Singapore còn có Hong Kong.
Như thế, Facebook cũng không đi ra ngoài truyền thống của các công ty dùng tiếng Anh trong kinh doanh là chọn Singapore và Hong Kong để bước vào Châu Á.
Tin rằng Facebook sẽ đặt máy chủ ở Ấn Độ đã bị bác bỏ một cách lịch sự năm ngoái.
Nhưng với số người dùng Facebook ở Châu Á lên trên 500 triệu, có tin Facebook đang nói chuyện với Đài Loan để đặt thêm một trung tâm máy chủ tại đây.
Với các nơi còn lại, Facebook cũng như các đại công ty mạng thực ra không cần phải đặt máy chủ mà luôn có thể thuê POP (Points of Presence).
Tháng 4/2016, trang TheHindu.com đăng tin chính phủ Ấn Độ yêu cầu ba 'nhà khổng lồ', Facebook, Twitter và Google đặt máy chủ ở nước này.
Tuy nhiên, theo phóng viên Vijaita Singh, lý do chống khủng bố mà chính phủ Ấn Độ nêu ra để buộc các công ty trên đặt máy chủ ở Ấn Độ đã không được đáp ứng.
Đơn giản là để đặt máy chủ ở Ấn Độ, các công ty kia phải đăng ký tư cách pháp nhân địa phương như một công ty Ấn Độ, điều họ không làm.
Còn về yêu cầu "chống khủng bố", mạng Twitter xác nhận họ đã xóa một số tài khoản mà chính phủ Ấn Độ nói là có liên hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Nhưng Twitter từ chối bình luận vì sao họ không đặt máy chủ tại Ấn Độ.
Không phải cứ đòi là được
Có vẻ như là việc xây trung tâm dữ liệu là quyết định kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia mà một chính phủ không thể ép buộc được.
Để mời gọi các công ty đặt máy chủ thì quốc gia chủ nhà cần có cơ sở pháp lý tốt về bảo mật, nền tảng công nghệ cao, chính sách ưu đãi đầu tư.
Nước nhỏ như Ireland (4,7 triệu dân) không chỉ dùng tiếng Anh và luật theo hệ thống Anh Mỹ mà còn là cửa ngõ vào EU, đồng thời có chính sách thuế hấp dẫn.
Năm 2015, khi Facebook bỏ ra 200 triệu euro để xây thêm trung tâm dữ liệu tại Clonee, cách thủ đô Dublin có 30 phút chạy xe thì Microsoft cũng xin giấy phép xây thêm trung tâm dữ liệu thứ năm ở West Dublin.
Cùng lúc, Apple tuyên bố chi ra con số khổng lồ 850 triệu euro để xây một trung tâm dữ liệu tại Galloway, tỉnh Connacht, phía tây Ireland.
Từ lâu trước đó, Ireland đã được IBM chọn (năm 1996) làm nơi đặt trụ sở Châu Âu của họ, cũng nhờ môi trường chính sách ưu tiên đầu tư công nghệ rất thoáng.
Còn tại Thụy Điển, việc Facebook chọn Lulea có ba lý do : khí hậu, nguồn điện và nhân công, mà cộng lại cũng là để giảm chi phí.
Theo báo The Guardian (09/2015), vùng Norrland trong nửa năm có nhiệt độ thấp, nhiều khi xuống tới âm 25 độ C, giúp giảm đi nhiều chi phí làm lạnh máy móc.
Vùng này còn có thủy điện dư thừa vì các cơ sở làm giấy và gang thép đã đóng cửa, khiến Facebook tha hồ dùng nguồn điện "bằng một nhà máy luyện kim lớn".
Ngoài ra, Facebook xác nhận Thụy Điển là "nước đi đầu trong công nghệ thông tin Châu Âu" nên việc tuyển các chuyên gia ở Lulea thật dễ dàng.
***********************
Theo bản tiếng Anh của báo VnExpress hôm 18/11, có dẫn lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói : "Google và Youtube hợp tác với Bộ Thông tin và truyền thông hơn Facebook".
Hôm 17/11 tại phiên họp chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông cho biết Google đã "tuân thủ" trong việc gỡ bỏ hơn 5000 video "nội dung xấu, độc hại, bôi nhọ và làm xấu danh tính của nhiều lãnh đạo Việt Nam" trên Youtube.
Còn "Facebook tỏ ra kém hợp tác hơn", VnExpress English dẫn lời ông Tuấn.
Luật sư Võ An Đôn, một luật sư nổi tiếng với những vụ bào chữa miễn phí giúp phơi bày tình trạng công an đánh chết dân, có thể bị Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên kỷ luật vì những phát biểu chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Luật sư Võ An Đôn
Theo thông báo từ Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Phú Yên gửi ngày 17 tháng 8 cho luật sư Đôn được phổ biến trên mạng xã hội, luật sư Đôn đang bị xem xét kỷ luật vì trang Facebook Đôn An Võ của anh "có nhiều bài viết, clip nói xấu luật sư" cũng như những cuộc phỏng vấn giữa anh với "các đối tượng ở nước ngoài với các nội dung kích động, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước và luật sư Việt Nam".
Những phát biểu này "có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật luật sư, Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam và đạo đức nghề nghiệp luật sư", thông báo này nói tiếp.
Viết trong một thông điệp đăng trên Facebook với hình ảnh thông báo này đính kèm, luật sư Đôn khẳng định quyền tự do ngôn luận của mình và tố cáo Đoàn Luật sư chịu "sự chỉ đạo từ phía cơ quan nội chính và an ninh" để tìm cách làm anh im tiếng, "không cho nói sự thật".
"Luật sư có cái miệng để nói, nhưng không cho tôi nói sự thật về bản chất nghề nghiệp của mình để mọi người trong xã hội biết, thì làm sao nghề luật sư ở Việt Nam phát triển được" ? luật sư Đôn bức xúc.
Thông báo không nói rõ sẽ áp dụng hình thức kỷ luật nào đối với ông.
Trong một bài viết đăng ngày 6 tháng 7 trên Facebook, luật sư Đôn chỉ trích một quy định vừa ban hành của Liên đoàn luật sư Việt Nam cấm luật sư nói bậy trên mạng xã hội, điều mà anh nói là nhằm bịt miệng những cá nhân luật sư ít ỏi trong giới luật sư ở Việt Nam "dám lên mạng xã hội viết bài, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội được dư luận quan tâm".
"Họ sợ vì luật sư là thành phần tri thức ưu tú của xã hội, uy tín xã hội của luật sư rất lớn, luật sư nói lên sự thật và chỉ trích những chính sách sai lầm của chính quyền, cũng như việc làm sai trái của quan chức nhà nước", luật sư Đôn bình luận.
Trước đây, luật sư Đôn từng bị đe dọa kỷ luật và thu hồi chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ án "Năm công an đánh chết dân" mà anh phơi bày và dấn thân theo đuổi công lý từ năm 2014.
Luật sư Đôn được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền năm 2016 vì các hoạt động bảo vệ cho quyền con người, bất chấp rủi ro và đe dọa.
Giới chức chính quyền tại Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục lên tiếng và có những động thái đối phó với mạng xã hội như Facebook trong những ngày vừa qua.
Logo Facebook trên smart phone và laptop. Ảnh chụp ở London ngày 21 tháng 11 năm 2016. Photo : AFP
Có thể nói cư dân mạng tại Việt Nam những ngày qua dậy sóng, liên quan đến cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông với báo mạng Vietnamnet.vn, đăng tải vào ngày 10 tháng 8.
Điểm nổi bật trong cuộc phỏng vấn vừa nêu mà cộng đồng cư dân mạng chú ý và phản đối mạnh mẽ là ‘cảnh báo’ của ông Nguyễn Thanh Lâm rằng mặc dù mạng xã hội rất tiện ích trong việc biểu đạt quan điểm, nhưng không phải lúc nào cũng hữu ích và mang lại ích lợi cho xã hội, mà "sự dễ dãi và tiện ích đó đang dần làm tha hóa hành vi sống của mỗi con người".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận rất nhiều cư dân mạng cho rằng lời cảnh báo của giới chức Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước và Đảng lãnh đạo Việt Nam luôn coi truyền thông mạng xã hội như là "đối tượng bất đồng" của chế độ, với trưng dẫn mới nhất là các bản án nặng nề tổng cộng 19 năm tù giam đối với hai bà mẹ đơn thân, Trần Thị Nga và Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hơn chục người sử dụng mạng xã hội bị bắt giam theo các điều 88 và 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam trong vài tháng vừa qua.
Lên tiếng với RFA, Facebooker Le Vova đưa ra nhận xét về lời cảnh báo của ông Nguyễn Thanh Lâm :
"Cách đây khoảng 5-6 năm thì đã có những quan chức lãnh đạo của các cơ quan truyền thông Việt Nam từng phát ngôn là ‘mạng xã hội là những thông tin rác rưởi, không có giá trị gì cả’, mà đến bây giờ những ông như ông Nguyễn Thanh Lâm vẫn phát ngôn y hệt như thế vì công việc của họ là họ tiếp tục làm những nhiệm vụ nhồi sọ và tuyên truyền ngu dân".
Mặc dù vậy, cộng đồng cư dân mạng lấy làm thú vị khi theo dõi những cuộc đối đáp không trực tiếp qua trang Facebook cá nhân giữa ông Nguyễn Thanh Lâm với võ sư Đoàn Bảo Châu, sau khi vị võ sư này đăng tải chia sẻ nỗi lo của ông rằng ý kiến có phần tiêu cực của một quan chức truyền thông về mạng xã hội có thể dọn đường cho một chính sách đối xử không công bằng đối với mạng xã hội trong tương lai, trong khi võ sư Đoàn Bảo Châu khẳng định mạng xã hội là "một công cụ đóng góp rất lớn cho việc khai dân trí và kết nối những người dân thấp cổ bé họng những năm qua". Đồng quan điểm với võ sư Đoàn Bảo Châu, Blogger Nguyễn Lân Thắng cũng quả quyết mạng xã hội đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam :
"Thực tiễn xã hội ở Việt Nam quá bất công. Những vấn đề người ta gặp hàng ngày mà không chịu đựng được nữa, là một. Thứ hai nữa, mạng xã hội ở Việt Nam liên quan đến các hoạt động kinh tế và rất nhiều vấn đề mà chính bản thân những người đang phê phán mạng xã hội cũng đang phải sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho những nhu cầu và lợi ích của mình".
Các đại biểu sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh, lướt web trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 12/4/2016. Photo : AFP
Blogger Nguyễn Lân Thắng, Facebooker Le Vova và một số các cư dân mạng khắp các tỉnh, thành mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng mạng xã hội đã và đang tích cực góp phần cho sự tiến bộ của xã hội, như nhanh chóng cập nhật và phản ảnh những điều bất cập, tiêu cực, sai trái để chính quyền kịp thời chấn chỉnh, có thể kể đến dự án "nhận chìm bùn" của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở vùng biển Hòn Cau, Bình Thuận và trong sự kết nối của thế giới phẳng, mọi người có thể tự chủ để bày tỏ chính kiến, quan điểm, thảo luận hay phản biện cùng nhau trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, mà điển hình qua trường hợp vừa mới xảy ra trên Facebook giữa ông Nguyễn Thanh Lâm với võ sư Đoàn Bảo Châu.
RFA nêu vấn đề cộng đồng cư dân mạng dự đoán tình hình sử dụng mạng xã hội Facebook trong những ngày sắp tới như thế nào, khi Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với tập đoàn này để thuyết phục họ phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong việc sàn lọc và chặn thông tin mà Chính quyền Hà Nội cho là "thông tin sai phạm, xấu độc", qua cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm dành cho Vietnamnet.vn và chúng tôi được nghe là hầu hết cư dân mạng tin rằng điều này sẽ không thể thực hiện và Facebook đã từng không hợp tác với Trung Quốc như là một ví dụ.
Blogger Nguyễn Lân Thắng nói rằng về phía chính quyền Việt Nam dù đưa ra bất kỳ những biện pháp nào cũng không thể ngăn chặn được xu thế chung của thế giới :
"Dù có những động thái nào như đe dọa hay bắt bớ…thì tôi nghĩ cũng không thể nào ngăn được cơn sóng thần của mạng xã hội trong thời đại này mang đến để xua đi những bất công, giúp người dân có thể đấu tranh giành lại những quyền của mình".
Những ngày vừa qua, không chỉ cư dân mạng tai Việt Nam ồn ào về chuyện của Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, ông Nguyễn Thanh Lâm mà tại Thái Lan, cư dân mạng xứ Chùa Vàng cũng xôn xao trước thông tin Chính quyền Thái buộc tội xúi giục nổi loạn và tội phạm máy tính hai cựu bộ trưởng và một nhà báo kỳ cựu của nước này vào hôm mùng 9 tháng 8. Thông tin mới nhất liên quan đến mạng xã hội mà cư dân mạng ở Philippines ngạc nhiên đón nhận là hãng thông tấn AFP, vào ngày 10 tháng 8, trích lời của trợ lý Tổng thống Rodrigo Duterte rằng những người dùng mạng xã hội có hơn 5000 người theo dõi thuộc diện đủ tư cách để có thể nhận được thẻ báo chí đưa tin về đương kim tổng thống Phi.
Trước những diễn tiến mới nhất liên quan đến mạng xã hội Facebook tại các nước trong Hiệp Hội ASEAN, Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng ở khu vực Đông Nam Á tỏ ra phấn khởi vì chính quyền sở tại nhìn nhận phương tiện truyền thông mạng cũng như ảnh hưởng quan trọng của thể loại truyền thông này đối với quốc gia của họ.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 11/08/2017
Trang Thời báo Châu Á ngày 2/5 đã đăng tải một bài viết có tựa " Is Facebook putting profit before freedom in Southeast Asia ?" tạm dịch là "Facebook có đang đặt lợi nhuận lên trên tự do dân chủ ở Đông Nam Á ?"
Một nhóm người dân Ba Lan biểu tình trước trụ sở của facebook phản đối việc facebook chặn tài khoản theo yêu cầu của chính phủ hôm 5/11/2016. AFP photo
Trong mấy năm trở lại đây Facebook đã thu được khoản lợi nhuận lớn từ khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có thị trường quảng cáo trên mạng xã hội phát triển nhanh nhất trên thế giới. Hiện tại gần một nửa dân số Đông Nam Á sử dụng trang mạng xã hội này. Chỉ tính riêng quý III năm 2016, lợi tức Facebook thu được tại khu vực này tăng 59%, tương đương số tiền lên đến hơn 2 tỷ Mỹ kim.
Lợi nhuận cao đi liền với thách thức lớn mà Facebook phải đối mặt tại khu vực suốt nhiều năm vấn đề nhân quyền chưa bao giờ nguội lạnh.
Ngày 25/4, một công dân Thái tên Wuttisan Wongtalay đã phát trực tiếp trên Facebook cảnh ông này tự tay giết người con gái 11 tuổi rồi sau đó tự kết liễu đời mình. Đoạn video này được phát trên Facebook suốt 24 giờ và nhận được hàng triệu lượt xem trước khi bị Facebook gỡ xuống.
Một ngày sau đó, giám đốc chính sách toàn cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã gặp mặt bộ Thông tin truyền thông của Việt Nam để bàn thảo về việc gỡ bỏ những tài khoản mà Chính phủ Hà Nội cho là mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, tấn công thù địch, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Truyền thông Việt Nam lúc đó loan tin phía Facebook cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam gỡ bỏ những tài khoản này, nhấn mạnh sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam để tạo một môi trường Facebook lành mạnh.
Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với bà Monika Bickert để hỏi cụ thể hơn về thông tin trên nhưng phía đại diện truyền thông của Facebook cho biết không thể được.
Trước đó, hồi tháng 2, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngừng quảng cáo trên Facebook để gây áp lực buộc trang mạng xã hội này phải gỡ bỏ những bài đăng mà Việt Nam cho là "độc hại".
Theo pháp luật Việt Nam, tội danh tuyên truyền chống nhà nước, bao gồm cả việc tuyên truyền trên mạng xã hội, có thể bị phạt 20 năm tù giam. Nhà cầm quyền Việt Nam đã áp dụng điều luật 258 bộ Luật hình sự để bắt giữ và tuyên mức án nặng với những nhà đấu tranh dân chủ và các blogger vì tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia. Hầu hết những nhà hoạt động và blogger này đều sử dụng Facebook là phương tiện chính để bày tỏ quan điểm cá nhân của mình.
Hiện tại Facebook đang tuân thủ đề nghị của chính quyền Thái Lan gỡ bỏ những nội dung được cho là mang tính xúc phạm gia đình Hoàng gia Thái. Đây cũng là một tội danh được xứ Chùa Vàng quy định rõ trong pháp luật và người vi phạm có thể bị xử đến 15 năm tù.
Năm ngoái, Facebook đã phát động chiến dịch Sáng kiến công dân dũng cảm trực tuyến nhằm nỗ lực chống lại những phát ngôn, tuyên truyền sự hận thù, Chủ nghĩa cực đoan trên truyền thông xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, số đông dư luận đã lên tiếng phản đối việc Facebook gỡ bỏ những bài đăng liên quan đến vấn đề chính trị, đặc biệt là những bài tranh luận về vấn đề nhập cư.
Tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam và Trung Quốc, hệ thống báo chí, truyền thông đều do Nhà nước quản lý và chỉ được phép đăng tải những nội dung mà Nhà nước cho phép. Chính vì vậy, nhiều người dân ở các quôc gia này cho rằng Facebook đã tạo điều kiện cho họ được quyền phát biểu những ý kiến bất đồng với quan điểm của nhà cầm quyền, và phần nào xóa mờ rào cản về tự do ngôn luận của người dân.
Tháng 5 năm ngoái, Việt Nam đã tạm thời chặn Facebook khi hàng loạt các cuộc biểu tình trên khắp cả nước nổi dậy yêu cầu đóng cửa nhà nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh xả thải làm cá chết nổi trắng xóa trên biển, hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Tuy nhiên bất chấp nỗ lực ngăn chặn của nhà cầm quyền, nhiều người dân vẫn tìm cách tiếp cận trang mạng xã hội này qua các phần mềm, chương trình khác nhau. Một số quốc gia khác như Thái Lan, Myanmar cũng từng chặn Facebook tạm thời khi xảy ra biểu tình hay bạo động.
Năm ngoái nhiều nguồn tin cho biết Facebook đang bí mật thiết kế một phần mềm cho phép bên thứ 3 kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải trên các nguồn cấp dữ liệu tin tức (news feeds). Phần mềm này được nói là "món quà" Facebook sẽ trao tặng cho Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc sẽ cho phép Facebook hoạt động trở lại. Xin được nhắc lại, chính phủ Bắc Kinh đã chính thức chặn Facebook kể từ năm 2009.
Nhiều nhà đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận lo ngại rằng nếu phần mềm này được thiết kế thành công và trao tặng cho Trung Quốc, các quốc gia Châu Á khác cũng đòi hỏi được tiếp cận công cụ kiểm duyệt này. Như vậy Facebook vô hình trung đang tự tách mình khỏi quá trình kiểm duyệt nội dung, thay vào đó tạo điều kiện cho chính phủ các quốc gia này dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến với họ.
Một phản ứng mới nhất từ Việt Nam đối với việc yêu cầu Facebook gỡ bỏ những nội dung bị cho là không phù hợp là ý kiến của một số cư dân mạng, như nhà hoạt động Nguyễn Quang A, về chia sẻ bài viết của Báo Nghệ An với nội dung về Linh mục Đặng Hữu Nam, người hướng dẫn dân xứ Phú Yên nơi ông phụ trách khiếu kiện Formosa. Theo đó thì Facebook cũng cần phải loại bỏ những status bôi nhọ cá nhân công dân khi được báo với cơ sở xác thực.
Giới đấu tranh dân chủ và tự do ngôn luận quan ngại rằng Facebook hiện đang đặt nguồn lợi nhuận từ Đông Nam Á lên trên quyền cơ bản của người dân bằng cách đáp ứng những yêu cầu của nhà cầm quyền để duy trì thị trường kinh doanh béo bở trong khu vực.
Lan Hương, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 03/05/2017
********************
Facebook mướn 3.000 người, chặn, xóa thông tin bạo lực (VOA, 04/05/2017)
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg hôm thứ Tư cho hay công ty sẽ mướn thêm 3.000 nhân viên trong năm tới để đáp ứng các bản tin về những thông tin không phù hợp trên truyền thông xã hội và đẩy nhanh việc xóa bỏ các video quay cảnh giết người, tự vẫn hay những hành động bạo lực khác.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng chiến dịch tuyển nhân viên này có thể được coi như một sự nhìn nhận của Facebook, rằng ít nhất cho tới bây giờ, phần mềm tự động cải thiện việc giám sát nội dung vẫn chưa đủ. Facebook Live, một dịch vụ cho phép bất kỳ người sử dụng nào phát sóng trực tiếp, đã gặp tai tiếng từ khi ra mắt hồi năm ngoái vì những video trực tiếp chiếu những cảnh bạo lực.
Trong một dòng tin tải lên trên Facebook, đồng sáng lập viên Facebook, Mark Zuckerberg, cho biết 3,000 nhân viên mới sẽ bổ sung đội ngũ 4.500 nhân viên hiện nay có nhiệm vụ rà soát các nội dung bị nghi là vi phạm các quy định sử dụng dịch vụ.
Tuần trước, cảnh sát cho hay một người cha ở Thái Lan đã truyền trực tiếp video cảnh ông tự tay giết con gái trên Facebook Live. Sau hơn một ngày đã có 370.000 lượt xem, trước khi Facebook gỡ video này. Các đoạn video khác từ những nơi như thành phố Chicago và Cleveland cũng gây sốc cho người xem với nhiều cảnh bạo lực.
Ông Zuckerberg nói :
"Chúng tôi đang làm việc để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc báo cáo các video loại này, nhờ đó chúng tôi có thể hành động sớm hơn - dù đó là đáp ứng nhanh khi một ai đó cần được giúp đỡ, hoặc để xóa bỏ nội dung xấu đó".
Facebook cho biết 3.000 nhân viên mới sẽ theo dõi tất cả nội dung trên Facebook, không chỉ các video truyền đi trực tiếp. Công ty không cho biết nơi làm việc của các nhân viên mới.
Chính quyền Trump chính thức điều hành nước Mỹ. Phong cách truyền thông không ngần ngại tung tin thất thiệt của tân tổng thống Hoa Kỳ trong suốt thời gian tranh cử khiến công luận, mà trước hết là báo giới chuyên nghiệp hết sức lo ngại.
Tin giả : Mối đe dọa lớn đối với truyền thông lương thiệnẢnh : Pixabay
Đối mặt với làn sóng vu khống, dối trá, bóp méo thông tin lan tràn trên internet, bùng phát đặc biệt trong những chiến dịch tranh cử của các lãnh đạo dân túy, các tập đoàn truyền thông internet lớn buộc phải chấp nhận vào cuộc. "Internet tung vũ khí chống tin tức bịa đặt (intox)" là tựa đề bài tổng thuật của Libération hôm nay 25/01/2017.
Kỷ nguyên "hậu sự thật" là cụm từ được từ điển Oxford bầu chọn làm "từ của năm 2016" trong bối cảnh nước Anh trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Vào lúc đó, tổng biên tập tờ The Guardian nêu nhận xét : "… Khi cử tri không còn tin tưởng vào truyền thông, tất cả mọi người rốt cục tin vào "sự thật" của riêng mình. Mà kết quả của điều này, như chúng ta thấy, có thể là hết sức tồi tệ".
Không khí "hậu sự thật", thời kỳ ngự trị của niềm tin vào tin tức giả mạo, tuyên truyền bịa đặt, còn trở nên hiển hiện hơn với cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Các nhà khổng lồ của thế giới mạng như Facebook và Google đã bị chỉ trích kịch liệt, ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống ngày 08/11/2016.
Chẳng hạn, tập đoàn Google đã để cho một bài viết bịa đặt đến từ một trang "fake news" (trang tin giả mạo) nằm ở vị trí số 2 trong danh sách các kết quả tìm kiếm của Google. Bài viết cho rằng ông Trump đã giành được nhiều phiếu của cử tri hơn bà Clinton (trong khi thực tế là ngược lại : Hillary Clinton được 2,9 triệu phiếu hơn). Về phần mình, ông chủ của Facebook chối bỏ mọi cáo buộc đã tiếp tay cho ứng cử viên Trump, để mặc thông tin không được kiểm chứng lan tràn trên mạng xã hội này, vốn được khoảng 1,5 tỉ lượt kết nối mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo Libération, chỉ một tuần sau khi ông Donal Trump đắc cử, hai tập đoàn internet Google và Facebook đã buộc phải thừa nhận mức độ nghiêm trọng của hiện tượng tin tức giả mạo. Kể từ giờ trở đi, hai nhà khổng lồ của internet liên tục tung ra nhiều biện pháp để loại trừ các trang mạng tung tin giả.
Google đã lập thêm mục "check facts" (kiểm chứng sự kiện), gắn liền với một số tin mới. Trên thực tế, các nỗ lực chống tin tức giả mạo đã được nhiều phương tiện truyền thông và cơ sở đại học tiến hành khá lâu trước các tập đoàn tin học lớn. Dự án "check facts" (do Đại học Duke, ở California, chủ trì) mà Google mới tham gia, đã ra mắt từ hơn một năm nay (Dự án này đã được hơn một trăm trang web sử dụng, theo Đại học Duke). Facebook cũng khởi sự trong phiên bản tiếng Anh các chức năng mới, cho phép người sử dụng thông báo về một bài viết bị nghi ngờ là "hoax" (tin bịa), để chuyển cho các cơ sở có nhiệm vụ kiểm định.
Tại Pháp, các báo lớn như Le Monde (với mục "Les Décodeurs") hay Libération ("Désintox")… cũng đã tham gia vào trào lưu này. Vẫn theo Libération, "cuộc tranh cử tổng thống Pháp trong hiện tại vẫn chưa rơi vào tình trạng "hậu sự thật", vốn rất phổ biến ở những nơi khác.
Không chỉ tấn công vào các bài viết loan tin bịa đặt, nhiều phương tiện truyền thông còn phát triển các plug-in cho phép nhận diện các trang mạng chuyên tung tin giả. Cách làm này tuy nhiên có nhược điểm là một thông tin thật có thể bị đánh giá là giả, nếu nó đến từ một trang mạng bịa đặt.
Nở rộ các dự án thẩm định tin thật/giả
Lật mặt nạ trong các mạng giả mạo là một hoạt động quan trọng của giới truyền thông, đặc biệt với sự ra đời của liên minh truyền thông First Draft, năm 2015, có nhiệm vụ khuyến khích việc kiểm chứng các thông tin ngay trên các mạng xã hội, với sự tham gia của những người dùng internet. Google News Lab là một trong những thành viên sáng lập của liên minh. Facebook và Twitter tham gia kể từ tháng 9/2016.
Thiết kế các công cụ thẩm định thông tin tự động cũng là mục tiêu của Châu Âu. Ủy Ban Châu Âu đã tài trợ cho dự án Pheme, được khởi sự từ năm 2014, với sự tham gia của nhiều trường đại học ở Châu Âu. Ý tưởng này nảy sinh trong bối cảnh nhiều tin đồn xuất hiện sau cuộc bạo động năm 2011 tại Luân Đôn. Các kết quả trắc nghiệm đầu tiên sẽ được công bố vào đầu tháng 03/2017.
Theo Libération, hiện trên thế giới khoảng 10 dự án thẩm định thông tin tự động như vậy. Vấn đề gây tranh luận hiện nay là, thiếu sự tham gia của các nhà báo có tay nghề, các công cụ thuật toán có thể để lại nhiều sai sót.
Mỹ : Đấu với Hạ Viện, Trump có thể chịu nhiều tổn thất
Về chính trị nước Mỹ, Libération cũng có một bài viết đáng chú ý khác : "Trump có thể chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến với Hạ Viện" của chuyên gia về Hoa Kỳ Elliot Brownlee.
Nhà sử học thuộc đại học California Santa Barbara nhận xét : Có nhiều dấu hiệu cho thấy giai đoạn Donald Trump ở thế thắng đang kết thúc, như cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trong hỗn loạn, đầu óc lẫn lộn của Trump và ê kíp, hay tỉ lệ được lòng dân giảm mạnh. Chuyên gia về kinh tế Mỹ dự đoán : Lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện Paul Ryan sẽ "giới hạn và điều chỉnh lại chương trình kinh tế của tân tổng thống". Rất nhiều khả năng là các dân biểu sẽ thông qua dự chi ngân sách của chương trình cơ sở hạ tầng của tân tổng thống, nhưng sẽ giới hạn các tham vọng của ông Trump…
Cơ hội cho hòa bình Syria : Sự thay đổi của Nga
Syria tiếp tục là tiêu điểm của chú ý của Le Monde, với bài xã luận "Syria, một cơ hội cho hòa bình tại Astana". Theo nhật báo Pháp, cần phải ghi nhận cuộc đàm phán tại thủ đô Kazakhastan, với sự bảo trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là khởi đầu cho một tiến trình thương lượng hòa bình, có thể dẫn đến chấm dứt 6 năm nội chiến tại quốc gia Trung Cận Đông này, sau ba nỗ lực thất bại tại Genève.
Le Monde cũng ghi nhận có nhiều dấu hiệu cho thấy Moskva đã thay đổi thái độ. Trước hết, đối với phe nổi dậy, nhiều nhóm nổi dậy cứng rắn, như Jaich al-Islam và Fatah al-Cham, cũng được mời tham gia vào cuộc đàm phán. Điều đáng ngạc nhiên hơn là Nga đã buộc đồng minh Syria phải ngồi cùng bàn với các thủ lĩnh nổi dậy, trong buổi khai mạc đàm phán ngày 23/1. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng nổ tại nước này.
Chính quyền Bachar al-Assad miễn cưỡng chấp nhận việc này, trong khi đó, đại diện của ông Assad vẫn tiếp tục gọi các thủ lĩnh nổi dậy, được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mời, là "quân khủng bố".
Theo Le Monde, tiến trình hòa đàm tại Astana có một chút cơ may để đi đến thành công, vì những quốc gia bảo trợ có phương tiện để gây áp lực lên chính quyền Damas. Chính quyền Nga không ngừng nhắc lại rằng, không có sự can thiệp của Moskva, chế độ Assad đã gần như đứng trước bờ vực sụp đổ.
Khó khăn trong tiến trình này là Iran cho rằng Nga đã "dành quá nhiều quà tặng cho đồng minh mới Thổ Nhĩ Kỳ", Teheran thúc đẩy chính quyền Assad tỏ ra cương quyết không nhân nhượng, kể cả về chính trị và quân sự, với tham vọng "giải phóng toàn bộ lãnh thổ", mà tổn thất hứa hẹn sẽ vô cùng lớn. Le Monde nhấn mạnh là các nước phương Tây và Ả Rập, bị tách ra khỏi bàn đàm phán, "cần phải ủng hộ Nga trong các nỗ lực ngoại giao hiện tại, đang tỏ ra là ít thô bạo và đơn phương, hơn là các can thiệp quân sự trước đây của Moskva".
Trung Quốc : Siêu cường lo không nuôi nổi mình
Báo Les Echos hôm nay dành nhiều bài viết cho chủ đề Trung Quốc đang ở thế thượng phong tại Châu Á : "Thương mại : Trump để ngỏ không gian trống cho Trung Quốc tại Châu Á", "Trung Quốc, siêu cường quân sự đang nổi lên", nhưng cũng chú ý đến việc "Nuôi sống 1,4 tỉ dân, một thách thức lớn với Tập Cận Bình".
Bài viết nhấn mạnh đến một loạt khó khăn đối với quốc gia đông dân nhất thế giới. Diện tích đất trồng nông nghiệp sụt giảm mạnh, do đô thị hóa, và mức độ lãng phí rất lớn là hai trong số các nguyên nhân chính khiến Trung Quốc khó tự túc được lương thực, thực phẩm.
Dân số Trung Quốc chiếm 19% dân số toàn cầu, nhưng diện tích trồng cây nông nghiệp chỉ là 8%. Nạn đất nông nghiệp bị mất khiến tình trạng này trầm trọng hơn. Kể từ năm 2004, Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu về lương thực, thực phẩm. Mục tiêu của Trung Quốc hiện nay là làm chủ được các sản phẩm lương thực "chiến lược" : gạo, lúa mì và đậu tương.
Nạn lãng phí thực phẩm một phần xuất phát từ tập quán phô trương trong ẩm thực, rất phổ biến tại Trung Quốc. Tại các hàng quán, các món ăn được gọi ra ê hề thường với mục đích thể hiện sự giàu sang của chủ nhân.
Để có đủ nguồn thực phẩm, Trung Quốc đang tìm cách mua nhiều diện tích trồng trọt ở nước ngoài, ở Châu Á, ở Nga hay tận Châu Phi hay Mỹ Latinh. Các nỗ lực của Trung Quốc bị nhiều người đánh giá là tham vọng "thực dân mới".
Vẫn về Trung Quốc, báo Les Echos có bài "Không có tự do ngôn luận, không có tự do thương mại", nhấn mạnh đến tính chất tương phản giữa diễn văn của chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Davos mới, ca ngợi tự do mậu dịch, với thực tế đàn áp khốc liệt tại Trung Quốc nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, người có quan điểm khác với chính quyền.
Pháp : Tranh luận giữa hai ứng viên Xã Hội hứa hẹn căng thẳng
Về thời sự nước Pháp, cuộc đọ sức nhằm chọn ra ứng cử viên tổng thống của liên minh đảng Xã Hội mở rộng, giữa hai ứng cử viên cánh tả lọt vào vòng hai cựu thủ tướng Valls và cựu bộ trưởng Hamon, trong cuộc tranh luận trên truyền hình tối nay, là chủ đề trang nhất của nhiều báo.
Tờ báo đối lập thiên hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Hamon – Valls : Cuộc tranh luận để thanh lý nhiệm kỳ 5 năm của đảng Xã Hội". Xã luận của Le Figaro chạy tựa "Sự lựa chọn giữa hai khả năng đều tệ như nhau".
Báo Le Monde thì mô tả nỗ lực của ứng cử viên Hamon, đang trên đà thắng, tập hợp lực lượng để loại đối thủ cựu thủ tướng. Theo Le Monde, ông Benoit Hamon chuẩn bị cho một cuộc tranh luận trên truyền hình rất quyết liệt, với đối thủ Manuel Valls. Một trong các chủ đề bất đồng lớn là vấn đề "thu nhập tối thiểu của công dân". Le Figaro cũng khẳng định, cuộc tranh luận trên truyền hình "hứa hẹn sẽ quyết liệt, vì khác biệt giữa hai bên là quan trọng, về kinh tế, về các chủ đề xã hội cũng như trên nhiều lĩnh vực khác".
Pháp : Thất nghiệp 2016 giảm hơn 100.000 người
Báo Les Echos đặc biệt chú ý đến thống kê mới, về lệ thất nghiệp tại Pháp đã sụt giảm trong năm 2016, lần đầu tiên kể từ 9 năm nay. Ít hơn 107.400 người tìm việc làm toàn phần so với cùng kỳ năm trước. Khác với ghi nhận của Les Echos, báo Le Figaro chú ý đến mặt trái của con số này, khi so với nhiệm kỳ của tổng thống đảng Xã Hội. Đó là số lượng người thất nghiệp tăng 600.000 so với thời kỳ ông Hollande nhậm chức tổng thống năm 2012.
Hai kỷ lục của công trái Xanh Pháp
Về môi trường, theo Les Echos, nước Pháp đã có "một thành công hết sức lớn" trong việc phát hành công trái Xanh, với 7 tỉ euro phát hành trong vòng 22 năm. Đây là loạt công trái Xanh đầu tiên của nước Pháp.
Hai kỷ lục thế giới của công trái Xanh Pháp : Số lượng tín dụng và thời hạn trả nợ. Nước Pháp được coi là quốc gia đầu tiên trên thế giới phát hành công trái Xanh, với mức vốn lớn. Nhu cầu công trái Xanh Pháp lên đến 23 tỉ euro, vượt xa mọi dự kiến ban đầu.
Giá điện Xanh ở Pháp giảm mạnh
Cũng về năng lượng Xanh của Pháp, một nghiên cứu mới đây của Ademe (Cơ quan môi trường và quản lý năng lượng Pháp) cho thấy, giá năng lượng Xanh của Pháp đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, cả trong lĩnh vực điện và năng lượng dùng để sưởi. Cụ thể là giá điện gió hiện tại có thể sánh ngang với điện sản xuất từ khí đốt. Dự báo, giá điện mặt trời từ nay đến năm 2025 sẽ còn giảm 35%, giá điện gió từ 10 đến 15%.
Trọng Thành
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành thông tư 38, yêu cầu chủ các trang mạng như Facebook, Youtube... phải chặn thông tin xấu độc.
Bộ Thông tin và truyền thông vừa ban hành thông tư 38 về Quản lý thông tin xuyên biên giới, yêu cầu chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ Thông tin và truyền thông để chặn thông tin xấu độc. Nếu không hợp tác, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ "chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết".
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử được VietnamNet dẫn lời nói rằng các hoạt động cung cấp thông tin qua môi trường internet sẽ bị quản lý "chặt chẽ hơn," áp dụng cho cả cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Ông Quang, thạc sĩ ngành báo chí ở Mỹ và từng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, nhấn mạng rằng chủ các trang web, mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Youtube… phải có nghĩa vụ hợp tác với bộ Thông tin và truyền thông để chặn thông tin xấu độc. Bộ Thông tin và truyền thông sẽ phối hợp cùng các chủ các trang này để xác định các nội dung cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập.
Việt Nam cho rằng các thông tin xấu độc sẽ bị ngăn chặn là "các thông tin gây nhiễu loạn, sai, xuyên tạc, bịa đặt gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí đe doạ đến lợi ích quốc gia".
Tuy nhiên, ông Quang cũng nhận định rằng trên thực tế việc phối hợp này "khó" thực hiện vì "môi trường internet phức tạp" trong khi các "tất cả các điều khoản pháp luật quy định cũng chỉ là trên giấy tờ". Điều quan trọng theo ông Quang, là "sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước".
Bà Đào Thùy Linh, công ty T&A Ogilvy tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện truyền thông cho Facebook tại Việt Nam trả lời qua email cho VOA ngày 17/1 rằng vào thời điểm này, Facebook Việt Nam không có bất kỳ ý kiến hoặc thông tin gì để chia sẻ về thông tư 38 của Bộ Thông tin và truyền thông.
Trao đổi với VOA Việt ngữ, anh Nguyễn Tiến Trung, thạc sĩ công nghệ thông tin tại Pháp, đồng thời là cựu tù nhân chính trị hiện vẫn đang bị quản chế tại Sài Gòn, nói rằng thông tư 38 chẳng những vi hiến mà còn cho thấy Đảng Cộng sản luôn lo lắng và sợ hãi về việc bị mất quyền lực. Theo thạc sĩ Trung, nhà cầm quyền Việt Nam không ngừng bắt bớ, đàn áp và tạo sự sợ hãi trong người dân và luôn tìm cách trấn áp phản kháng xã hội.
"Bản thân thông tư 38 này rõ ràng đã vi phạm điều 25 của hiến pháp trong đó công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân".
Theo ông Nguyễn Tiến Trung, từ trước đến nay Việt Nam đã ban hành nhiều luật lệ để trấn áp quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân, chẳng hạn như Nghị định 75 và các điều 88, 258 mà ông cho là phi lý. Thế nhưng, ban hành thêm một thông tư tương tự khác "sẽ không làm chùn bước người dân" :
"Nhưng rõ ràng theo tôi quan sát thì ngày càng nhiều người dân đã không còn sợ hãi và họ lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Có thêm thông tư 38 cũng không làm người dân sợ hãi hay im lặng trước bất công xã hội. Đây là điều không thể trên thế giới mạng Internet hiện nay. Rõ ràng là nhà cầm quyền đang loay hoay đạp xe đạp chạy theo nền văn minh Internet mà chạy theo tốc độ ánh sáng".
Theo ông Trung, chính phủ Việt Nam quản lý mạng Internet ở trong nước, và nếu họ muốn, họ có thể chặn các trang mạng xã hội bằng cách chặn băng thông như Trung Quốc đang thực hiện. Khi đó người dân sẽ chuyển sang dùng các trang mạng xã hội khác mà ban quản trị của mạng đó không hợp tác với chính quyền. Do đó thông tư 38 sẽ không hạn chế được việc tiếp cận thông tin của người dân trong tương lai.
Ông Trung không nghĩ rằng các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook sẽ hợp tác với chính quyền Việt Nam theo yêu cầu của thông tư 38 bởi vì thị trường quảng cáo trên mạng xã hội ở Việt Nam không mấy đáng kể, và nếu Facebook hợp tác thì rất nhiều trong số 30 triệu người dùng Facebook Việt Nam sẽ lên án và tẩy chay họ.
"Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên thế giới như Facebook hay YouTube họ biết rõ về luật quốc tế. Tôi không nghĩ họ sẽ hợp tác cái yêu cầu vô lý và vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Kể cả Trung Quốc có tiềm lực kinh tế và công nghệ vượt trội cũng phải chọn cách ngăn chặn các trang mạng nước ngoài".
Các chuyên gia về mạng truyền xã hội cũng đồng tình với ý kiến này, họ cho rằng Thông tư 38 chỉ mang tính quản lý hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chứ khó có hiệu lực với các hãng có trụ sở ở nước ngoài. Trên thực tế Facebook, Google, hay YouTube không đặt máy chủ trong lãnh thổ Việt nam và cũng chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam.
Nguồn : VietnamNet, VOA Interview, CafeF.vn
Facebook là trang mạng được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam - Ảnh minh họa
Sau đêm diễn thành công của mình, Nguyễn Thanh Nhật Minh bị loại ngay khỏi cuộc thi 'Sing My Song' vì bị cáo buộc là 'phản động' do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm 'chống phá nhà nước.'
Tháng 11/2016, một sân chơi ca nhạc mang tên Hát bài của Tôi - Sing My Song ra mắt khán giả Việt và được nhiều người yêu thích. Đây là chương trình dành cho các nhạc sĩ trẻ sáng tác và hát ca khúc của mình. Do tính chất thúc đẩy sự sáng tạo, "Sing My Song" đã đem lại một luồng gió mới cho nền âm nhạc Việt với rất nhiều ca khúc hay, độc đáo, thể hiện tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng phát sóng, tập 5 mới ra mắt ngày Chủ nhật (17/12/2016) vừa rồi thì ngay lập tức bị gỡ xuống khỏi trang mạng Youtube, bởi có phần trình diễn của thí sinh Nguyễn Thanh Nhật Minh. Sau đêm diễn thành công của mình, chàng nhạc sĩ trẻ sinh năm 1988 này bị loại ngay khỏi cuộc thi vì bị cáo buộc là "phản động" do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm "chống phá nhà nước". Cụ thể là Nhật Minh lên tiếng bảo vệ blogger Mẹ Nấm và Luật sư Lê Công Định sau khi những người này bị bắt vì có hành vi gọi là "tuyên truyền chống nhà nước" cũng như bày tỏ nỗi bất bình với các sự kiện chính trị trong nước. Trường hợp của Nhật Minh khiến toàn bộ ê kíp chương trình phải hoãn và duyệt lại hồ sơ của tất cả các thí sinh. Hiện nay, một thí sinh thứ hai cũng có nguy cơ bị loại khỏi chương trình với lý do tương tự.
Từ trước đến nay, mỗi khi ngồi ngẫm lại các hoạt động nghệ thuật của Việt Nam, tôi luôn đặt câu hỏi về sự xuống cấp của thị hiếu về âm nhạc, văn học… của người Việt từ những năm "Đổi mới". Nếu như ngày trước chúng ta có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng cùng các nhà thơ, nhà văn khác để lại cho kho tàng văn học Việt những kiệt tác khi luôn trăn trở sâu sắc về con người, xã hội thì nay, dạo quanh các nhà sách, chỉ thấy nhan nhản những truyện ngôn tình rẻ tiền không khơi gợi được một ý niệm nào. Mới đây trong chương trình "Hà Trần hát Trần Tiến", nhiều khán giả bất ngờ được nghe nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự về "tiền vận như con chó lang thang rách rưới ở Hà Nội". Ông kể rằng viết nhạc ở đâu thì bị cấm ở đó. "‘Giai điệu tổ quốc’ bị cấm, ‘Đôi mắt hình viên đạn’ bị cấm, ‘Thành phố trẻ’ bị cấm, ‘Vết chân tròn trên cát’ bị cấm… cứ viết bài gì là bị cấm bài đó". Bởi thời đó hình ảnh của tình yêu, của sự trẻ trung hay thậm chí là nỗi buồn đều mang tính nhạy cảm trong giai đoạn quyết định "vận mệnh sống còn của đất nước".
Thời xưa, ta thôi không nhắc lại nữa. Nhưng đã trôi qua hàng thập kỷ, nhưng cái thứ "vận mệnh đất nước" to tát kia vẫn được đem ra để làm bình phong cho một chế độ phi nhân. Tôi cũng nhận ra rằng tinh hoa nghệ thuật Việt không hề mất đi, nhưng buộc phải vận hành theo một cách khác. Nhạc sĩ Trần Tiến khi xưa đã chọn cách trốn chạy vì chính những "đứa con tinh thần" của ông, còn bây giờ, hầu hết những người thuộc thế hệ của tôi chọn cách im lặng. Các tuyệt tác được viết từ nỗi trăn trở, phiền muộn cũng như ước mơ, khát vọng chỉ như đốm lửa âm ỉ lặng lẽ cháy. Những tên tay sai chính trị như thú săn mồi khát máu luôn tìm cách bóp nghẹt những kẻ dám ngáng cản đường, và sự phẫn nộ điên cuồng ấy càng thể hiện sự bất an về nỗi sợ sẽ bị đánh bại trong tương lai.
Chính trị và nghệ thuật thực chất luôn vừa có thể củng cố sức mạnh của nhau lại vừa có thể hủy diệt nhau. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là con người sống trong xã hội ấy phản ứng với hệ thống chính trị và nghệ thuật như thế nào. Rõ ràng Việt Nam không thể "sánh vai với các cường quốc năm châu" nổi khi nhiều nhân tài đất nước bị bịt mồm và đối xử vô nhân đạo khi họ bất đồng ý kiến với bộ máy nhà nước. Thay vào đó, chúng ta đang phải sống trong một thể chế độc tài, tàn nhẫn cùng thứ nghệ thuật giải trí tàn úa, rẻ tiền, mà ở đó tài năng và sự nỗ lực chỉ là một con số không tròn trĩnh.
Hoàng Giang
Nguồn : VOA, 03/01/2017