Giới chức chính quyền tại Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục lên tiếng và có những động thái đối phó với mạng xã hội như Facebook trong những ngày vừa qua.
Logo Facebook trên smart phone và laptop. Ảnh chụp ở London ngày 21 tháng 11 năm 2016. Photo : AFP
Cư dân mạng dậy sóng
Có thể nói cư dân mạng tại Việt Nam những ngày qua dậy sóng, liên quan đến cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và truyền thông với báo mạng Vietnamnet.vn, đăng tải vào ngày 10 tháng 8.
Điểm nổi bật trong cuộc phỏng vấn vừa nêu mà cộng đồng cư dân mạng chú ý và phản đối mạnh mẽ là ‘cảnh báo’ của ông Nguyễn Thanh Lâm rằng mặc dù mạng xã hội rất tiện ích trong việc biểu đạt quan điểm, nhưng không phải lúc nào cũng hữu ích và mang lại ích lợi cho xã hội, mà "sự dễ dãi và tiện ích đó đang dần làm tha hóa hành vi sống của mỗi con người".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận rất nhiều cư dân mạng cho rằng lời cảnh báo của giới chức Bộ Thông tin và truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm thể hiện rõ chủ trương của Nhà nước và Đảng lãnh đạo Việt Nam luôn coi truyền thông mạng xã hội như là "đối tượng bất đồng" của chế độ, với trưng dẫn mới nhất là các bản án nặng nề tổng cộng 19 năm tù giam đối với hai bà mẹ đơn thân, Trần Thị Nga và Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hơn chục người sử dụng mạng xã hội bị bắt giam theo các điều 88 và 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam trong vài tháng vừa qua.
Lên tiếng với RFA, Facebooker Le Vova đưa ra nhận xét về lời cảnh báo của ông Nguyễn Thanh Lâm :
"Cách đây khoảng 5-6 năm thì đã có những quan chức lãnh đạo của các cơ quan truyền thông Việt Nam từng phát ngôn là ‘mạng xã hội là những thông tin rác rưởi, không có giá trị gì cả’, mà đến bây giờ những ông như ông Nguyễn Thanh Lâm vẫn phát ngôn y hệt như thế vì công việc của họ là họ tiếp tục làm những nhiệm vụ nhồi sọ và tuyên truyền ngu dân".
Mặc dù vậy, cộng đồng cư dân mạng lấy làm thú vị khi theo dõi những cuộc đối đáp không trực tiếp qua trang Facebook cá nhân giữa ông Nguyễn Thanh Lâm với võ sư Đoàn Bảo Châu, sau khi vị võ sư này đăng tải chia sẻ nỗi lo của ông rằng ý kiến có phần tiêu cực của một quan chức truyền thông về mạng xã hội có thể dọn đường cho một chính sách đối xử không công bằng đối với mạng xã hội trong tương lai, trong khi võ sư Đoàn Bảo Châu khẳng định mạng xã hội là "một công cụ đóng góp rất lớn cho việc khai dân trí và kết nối những người dân thấp cổ bé họng những năm qua". Đồng quan điểm với võ sư Đoàn Bảo Châu, Blogger Nguyễn Lân Thắng cũng quả quyết mạng xã hội đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam :
"Thực tiễn xã hội ở Việt Nam quá bất công. Những vấn đề người ta gặp hàng ngày mà không chịu đựng được nữa, là một. Thứ hai nữa, mạng xã hội ở Việt Nam liên quan đến các hoạt động kinh tế và rất nhiều vấn đề mà chính bản thân những người đang phê phán mạng xã hội cũng đang phải sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho những nhu cầu và lợi ích của mình".
Truyền thông mạng phát triển
Các đại biểu sử dụng điện thoại thông minh để chụp ảnh, lướt web trong một phiên họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 12/4/2016. Photo : AFP
Blogger Nguyễn Lân Thắng, Facebooker Le Vova và một số các cư dân mạng khắp các tỉnh, thành mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng mạng xã hội đã và đang tích cực góp phần cho sự tiến bộ của xã hội, như nhanh chóng cập nhật và phản ảnh những điều bất cập, tiêu cực, sai trái để chính quyền kịp thời chấn chỉnh, có thể kể đến dự án "nhận chìm bùn" của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở vùng biển Hòn Cau, Bình Thuận và trong sự kết nối của thế giới phẳng, mọi người có thể tự chủ để bày tỏ chính kiến, quan điểm, thảo luận hay phản biện cùng nhau trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, mà điển hình qua trường hợp vừa mới xảy ra trên Facebook giữa ông Nguyễn Thanh Lâm với võ sư Đoàn Bảo Châu.
RFA nêu vấn đề cộng đồng cư dân mạng dự đoán tình hình sử dụng mạng xã hội Facebook trong những ngày sắp tới như thế nào, khi Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với tập đoàn này để thuyết phục họ phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn trong việc sàn lọc và chặn thông tin mà Chính quyền Hà Nội cho là "thông tin sai phạm, xấu độc", qua cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Lâm dành cho Vietnamnet.vn và chúng tôi được nghe là hầu hết cư dân mạng tin rằng điều này sẽ không thể thực hiện và Facebook đã từng không hợp tác với Trung Quốc như là một ví dụ.
Blogger Nguyễn Lân Thắng nói rằng về phía chính quyền Việt Nam dù đưa ra bất kỳ những biện pháp nào cũng không thể ngăn chặn được xu thế chung của thế giới :
"Dù có những động thái nào như đe dọa hay bắt bớ…thì tôi nghĩ cũng không thể nào ngăn được cơn sóng thần của mạng xã hội trong thời đại này mang đến để xua đi những bất công, giúp người dân có thể đấu tranh giành lại những quyền của mình".
Những ngày vừa qua, không chỉ cư dân mạng tai Việt Nam ồn ào về chuyện của Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, ông Nguyễn Thanh Lâm mà tại Thái Lan, cư dân mạng xứ Chùa Vàng cũng xôn xao trước thông tin Chính quyền Thái buộc tội xúi giục nổi loạn và tội phạm máy tính hai cựu bộ trưởng và một nhà báo kỳ cựu của nước này vào hôm mùng 9 tháng 8. Thông tin mới nhất liên quan đến mạng xã hội mà cư dân mạng ở Philippines ngạc nhiên đón nhận là hãng thông tấn AFP, vào ngày 10 tháng 8, trích lời của trợ lý Tổng thống Rodrigo Duterte rằng những người dùng mạng xã hội có hơn 5000 người theo dõi thuộc diện đủ tư cách để có thể nhận được thẻ báo chí đưa tin về đương kim tổng thống Phi.
Trước những diễn tiến mới nhất liên quan đến mạng xã hội Facebook tại các nước trong Hiệp Hội ASEAN, Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng ở khu vực Đông Nam Á tỏ ra phấn khởi vì chính quyền sở tại nhìn nhận phương tiện truyền thông mạng cũng như ảnh hưởng quan trọng của thể loại truyền thông này đối với quốc gia của họ.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 11/08/2017