Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2020

Biển Đông : Một liên minh chống Trung Quốc đang thành hình

Brahma Chella - Minh Anh

Bộ tứ đang tăng cường hợp tác chống Trung Quốc như thế nào ?

Brahma Chellaney, Nghiên cứu quốc tế, 26/10/2020

Bộ tứ (the Quad), một liên minh chiến lược lỏng lẻo của bốn nền dân chủ hàng đầu khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đang nhanh chóng củng cố trong năm nay để đối phó với chính sách đối ngoại hiếu chiến của Trung Quốc. Sau cuộc họp gần đây của các quan chức ngoại giao hàng đầu các nước thành viên tại Tokyo, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ hiện đang tích cực làm việc để thiết lập một cấu trúc an ninh đa phương mới cho khu vực. Ý tưởng không phải là tạo ra một phiên bản Châu Á của NATO mà là phát triển quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ dựa trên các giá trị và lợi ích chung, bao gồm pháp quyền, tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, thị trường tự do và thương mại tự do.

my0

Một buổi họp mặt giữa bốn thành viên của Bộ Tứ : Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc - Ảnh minh họa

Trung Quốc là một thách thức ngày càng tăng đối với tất cả các nguyên tắc này. Vào thời điểm thế giới đang phải vật lộn với đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc, chủ nghĩa bành trướng và hành vi bất hảo của họđã tạo động lực mới cho sự phát triển của Bộ tứ hướng tới một thỏa thuận an ninh chính thức cụ thể.

Tất nhiên, trọng tâm của Bộ tứ cũng mở rộng ra ngoài Trung Quốc, với mục tiêu là đảm bảo sự cân bằng quyền lực ổn định trong một "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do". Khái niệm đó lần đầu tiên được nêu rõ vào năm 2016 bởi Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Shinzo Abe và đã nhanh chóng trở thành trụ cột trong chiến lược khu vực của Mỹ.

Trong khi tất cả các đối tác của Bộ tứ đồng ý trên nguyên tắc về sự cần thiết của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do thì chính chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc đã thúc đẩy các hành động gần đây của họ. Trung Quốc đang buộc các cường quốc ở xa như Anh, Pháp và Đức cũng coi một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên luật lệ đóng vai trò trung tâm đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Ví dụ, Pháp vừa bổ nhiệm một đại sứ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau khi công bố một chiến lược mới khẳng định tầm quan trọng của khu vực này trong bất kỳ trật tự toàn cầu đa cực ổn định, dựa trên luật lệ nào. Và Đức, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, đã tìm cách phát triển một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho Liên minh Châu Âu. Trong hướng dẫn chính sách mới được phát hành gần đây của mình, EU kêu gọi có các biện pháp để đảm bảo rằng các quy tắc sẽ điều chỉnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chứ không phải cách tiếp cận "ai mạnh người đó đúng". Những diễn tiến này cho thấy trong những năm tới, các thành viên Bộ tứ sẽ ngày càng hợp tác với các đối tác châu Âu để thiết lập một nhóm chiến lược các quốc gia dân chủ có khả năng mang lại sự ổn định và cân bằng quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sau khi hầu như ngủ yên trong chín năm, Bộ tứ đã hồi sinh vào cuối năm 2017, nhưng chỉ thực sự có được động lực vào năm ngoái khi các cuộc tham vấn của họ được nâng lên cấp bộ trưởng ngoại giao. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong tháng này đã nói rằng "một khi chúng tôi đã thể chế hóa những gì đang làm, bốn nước chúng tôi cùng nhau có thể bắt đầu xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự, một kết cấu có thể chống lại thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đem lại cho tất cả chúng ta".

Tuy nhiên, tương lai của Bộ tứ phụ thuộc vào Ấn Độ, bởi ba cường quốc khác trong nhóm đã được ràng buộc với nhau bởi các liên minh an ninh song phương và ba bên. Australia và Nhật Bản đều nằm dưới sự bảo trợ an ninh (và hạt nhân) của Mỹ, trong khi Ấn Độ không chỉ có đường biên giới trên bộ rộng lớn với Trung Quốc mà còn phải tự mình đối đầu với sự xâm lược lãnh thổ của Trung Quốc, như những gì đang diễn ra hiện nay. Việc Trung Quốc lén lút chiếm đất ở vùng biên giới Ladakh ở cực bắc Ấn Độ vào đầu năm nay đã dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự lớn, làm tăng nguy cơ xảy ra các trận đánh cục bộ hoặc một cuộc chiến tranh biên giới khác như năm 1962.

Chính sự hung hăng này của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân chiến lược. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân xâm nhập vào dãy Himalaya đã buộc Ấn Độ phải có một vị thế đối đầu hơn. Giờ đây, có nhiều khả năng hơn bao giờ hết là Bộ tứ sẽ chuyển từ tham vấn và phối hợp sang trở thành một liên minh chiến lược trên thực tế đóng vai trò trung tâm trong một dàn xếp an ninh đa phương mới cho khu vực.

Kiến trúc mới này sẽ không có nhiều điểm tương đồng với hệ thống thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ, vốn dựa trên khuôn khổ trung tâm – vệ tinh, với Mỹ là "trục chính" và các đồng minh là "nan hoa". Ngày nay một dàn xếp như vậy sẽ không hiệu quả vì một lý do đơn giản là một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ sẽ không thể trở thành một nước kiểu như Nhật đối với Mỹ.

Đó là lý do tại sao Mỹ đang nỗ lực lôi kéo Ấn Độ tham gia một "liên minh mềm" mà không cần có bất kỳ nghĩa vụ hiệp ước nào. Nỗ lực này sẽ được thể hiện đầy đủ vào ngày 26-27/10 khi Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đến thăm New Delhi để tham vấn chung với các đồng cấp Ấn Độ. Nhiều khả năng cuộc gặp này sẽ kết thúc với việc Ấn Độ ký thỏa thuận cuối cùng trong số 4 thỏa thuận cơ bản mà Mỹ duy trì với các đối tác quốc phòng thân thiết khác. Theo các thỏa thuận này, cả hai quốc gia sẽ cam kết cung cấp quyền tiếp cận các cơ sở quân sự của nhau, đảm bảo thông tin liên lạc quân sự và chia sẻ dữ liệu không gian địa lý từ các vệ tinh và cảm biến trên không.

Hơn nữa, sau khi đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự song phương và ba bên với các đối tác Bộ tứ, Ấn Độ đã mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar vào tháng tới cùng với Mỹ và Nhật Bản. Đây làcuộc tập trận quân sự lần đầu tiên của Bộ tứ ; hay như tờ Thời báo Toàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐảngCộng sản Trung Quốc đã nói, "nó sẽ báo hiệu rằng liên minh quân sự Bộ tứ chính thức được thành lập".

Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn hiệu quả nhất khi nó thúc đẩy hợp tác với các nước khác để hướngtới các mục tiêu chiến lược chung. Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phá hoại các liên minh của Hoa Kỳ, chính quyền của ông đã xây dựng Bộ tứ thành một liên minh đầy hứa hẹn và đã nâng cấp quan hệ an ninh với các đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan và Ấn Độ.

Quan trọng hơn, việc Bộ tứ củng cố hợp tác là bằng chứng thêm cho thấy các chính sách hiếu chiến của chế độ Tập Cận Bình đang bắt đầu phản tác dụng. Quan điểm quốc tế về Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong năm nay. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc – vốn đang theo đuổi chính sách "ngoại giao chiến lang" – gần đây đã bác bỏ kế hoạch "vô nghĩa" của Pompeo trong việc xây dựng một liên minh quốc tế chống Trung Quốc. Bộ này tuyên bố : "Ông ấy sẽ không được chứng kiến ngày đó. Và những người kế nhiệm ông ấy cũng sẽ không được chứng kiến ngày đó, bởi vì ngày đó sẽ không bao giờ đến".

Nhưng ngày đó sắp đến. Bộ tứ từng chỉ đơn thuần là biểu tượng cho một nỗ lực quốc tế đang nổi lên nhằm thiết lập một sự kiểm soát âm thầm đối với quyền lực của Trung Quốc. Nếu các mối đe dọa gia tăng của Tập đối với Đài Loan dẫn đến hành động quân sự thì một đại liên minh quốc tế, với nòng cốt là Bộ tứ,

Brahma Chellaney 

Nguyên tác : "The Quad Sharpens Its Edges", Project Syndicate, 16/10/2020.

Phan Nguyên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/10/2020

Brahma Chellaney là Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi.

********************

Biển Đông : Nhiều nước không tranh chấp chủ quyền bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 25/10/2020

Hãng thông tấn Antara của Indonesia, ngày 24/10/2020 dẫn lời một quan chức bộ Ngoại Giao xác nhận rằng một số nước thành viên khối ASEAN không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc.

lienminh1

Ảnh tự liệu của không quân Philippines chụp ngày 21/04/2017 : Một đảo trong khu vực Trường Sa trong Biển Đông, đang có tranh chấp bị Trung Quốc chiếm giữ và cải tạo thành cơ sở quân sự.  AP - Francis Malasig

Hãng thông tấn Antara cho biết các quốc gia thành viên ASEAN và một số nước lớn đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong năm nay, Jakarta đã hai lần gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc là vào các ngày 26/5 và 12/6.

Ông Damos Dumoli Agusman, tổng cục trưởng Luật Quốc tế và Thỏa thuận, trực thuộc bộ Ngoại Giao Indonesia, trong buổi họp báo trực tuyến hôm thứ Sáu 22/10 tuyên bố : "Điều này có nghĩa là những quốc gia nói với Liên Hiệp Quốc rằng chúng tôi không muốn có bất kỳ một sự vi phạm nào đối với UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển) và không muốn UNCLOS bị thu hẹp hay trở nên mập mờ".

Vẫn theo vị quan chức ngoại giao Indonesia này, với các công hàm trên, yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ có tranh chấp ở Biển Đông "vẫn sẽ bị xem là bất hợp pháp cho dù Bắc Kinh tiếp tục lên tiếng bác bỏ. Hơn nữa, các công hàm này không phải là một lập luận chính trị nhưng có một lập luận pháp lý được chứng minh bằng luật pháp quốc tế".

Theo nhận định của hãng tin Indonesia, cuộc chiến công hàm mà ông Agusman nhắc đến cho thấy rõ một cuộc xung đột về lập luận pháp lý giữa các nước có và không có đòi hỏi chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông cũng như là các bên có tham gia UNCLOS.

Trong năm 2020, Trung Quốc đã 6 lần gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc xác quyết yêu sách lãnh hải ở Biển Đông. Những công hàm còn nhằm đáp trả văn kiện của Malaysia đệ trình lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Giới hạn Thềm lục địa ngày 12/12/20219.

Nhiều nước lớn cũng tham gia vào làn sóng bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc. Ngày 16/09/2020, phái đoàn thường trực của Vương Quốc Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đại diện cho chính phủ Anh, Pháp và Đức đã gởi một công hàm ngoại giao ghi rõ :

"Pháp, Đức và Anh, với tư cách là các bên có tham gia UNCLOS 1992, muốn nhấn mạnh đến lập trường pháp lý của mình, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động không bị cản trở ở những vùng biển, nhất là các quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như là quyền quá cảnh vô hại, theo như quy định của UNCLOS, đặc biệt là ở vùng Biển Đông".

Minh Anh

*********************

Mỹ-Ấn : Washington thúc giục New Delhi liên kết chống Bắc Kinh

Tú Anh, RFI, 25/10/2020

Một tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, hai cột trụ trong bộ máy an ninh, quốc phòng của tổng thống Donald Trump đến New Delhi để cùng Ấn Độ thảo luận một chính sách chống ảnh hưởng Trung Quốc trên toàn cầu, theo AFP.

lienminh2

Ngoại trưởng Mike Pompeo (trái) và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper, trong một cuộc họp báo tại Washington, Mỹ, ngày 21/09/2020.  AP - Patrick Semansky

Ngày 26/10/2020, ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper sẽ lên đường sang Ấn Độ. Ngày hôm sau tại New Delhi, hai bộ trưởng Hoa Kỳ sẽ có cuộc họp về an ninh với hai đồng nhiệm Ấn Độ, theo công thức được gọi là 2+2. Sau đó, ngoại trưởng Mỹ sẽ bay qua Sri lanka, Maldives và Indonesia, tất cả đều ở trong trận thế đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Xung khắc đổ máu ở biên giới Ấn-Trung, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nguồn cội đại dịch Covid-19, chính sách độc đoán của Bắc Kinh tại biển Đông, Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan càng làm cho Hoa Kỳ năng nổ hơn tìm cách cô lập Trung Quốc, theo AFP.

Đối với Ấn Độ, cuộc họp 2+2 Mỹ- Ấn diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đối đầu với hai mối đe dọa cùng lúc : với Trung Quốc ở Ladakh và với Pakistan ở Cachemire

Tuần trước, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Stephen Biegun đã đến NewDelhi với thông điệp lên án Trung Quốc "là mối hiểm nguy mà không ai dám nói". Washington sẽ ủng hộ quyền lợi Ấn Độ trong khu vực, xây dựng một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do.

Hội họp Mỹ-Ấn tại New Delhi được tổ chức sau một cuộc họp khác tại Tokyo hồi đầu tháng 10 trong nhóm "Quad" còn gọi là Bộ tứ Kim cương gồm bốn nền dân chủ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, mà giới quan sát gọi là đối trọng quân sự trước tham vọng bành trướng thế lực của Trung Quốc.

Cũng theo AFP, trên đường về nước, ngoại trưởng Mỹ sẽ lần lượt đến Sri Lanka, Maldives và Indonesia để khuyến cáo các quốc đảo trong vùng cứng rắn với Trung Quốc.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Brahma Chella, Phan Nguyên, Minh Anh
Read 899 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)