Những tháo gỡ mà nền kinh tế cần
Huy Đức, 06/04/2023
Các doanh nghiệp đang chờ đợi điều này. Hơn 2 năm qua, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam, nhiều nhà đầu tư Nhật, Hàn đã xây nhà máy mà không thể đi vào hoạt động vì không thể đáp ứng các đòi hỏi "trên trời" của Việt Nam về phòng cháy và chữa cháy [Phòng cháy chữa cháy].
Thông báo của Uỷ ban nhân dân phường An Khánh (Thành phố Hồ Chí Minh) bên ngoài một cửa hàng karaoke trên đường Trần Não tháng 3/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Kinh tế đang tăng trưởng thấp chưa từng có, Sài Gòn GDP chỉ tăng 0,7% và 5 tỉnh lớn có tăng trưởng âm. Hôm qua, xem tivi, thấy các chuyên gia đồng loạt đề nghị gấp rút mở "đầu tư công". Đầu tư công là cần thiết, giống như thiếu máu thì phải bơm Nhưng, đầu tư công chỉ là chữa triệu chứng, một nền kinh tế không thể phát triển bền vững nếu "dân doanh" không mạnh.
Nếu như, dưới thời Phan Văn Khải [vị thủ tướng kỹ trị tốt nhất của thể chế này, tính tới nay] đã có rất nhiều nỗ lực để loại bỏ các điều kiện kinh doanh. Người kế nhiệm ông, từ 2008-2014, đã làm phát sinh hơn 7000 điều kiện kinh doanh và nhiệm kỳ kế tiếp cho dù tuyên bố "Chính phủ kiến tạo" vẫn đi cùng bánh xe ấy. Các điều kiện kinh doanh tăng, phi lý như Phòng cháy chữa cháy là một ví dụ.
Hàng vạn doanh nghiệp không thể hoạt động và hoạt hợp pháp trong hai năm qua chỉ vì không thể đáp ứng những điều kiện này. Hàng vạn doanh nghiệp khác đang hoạt động hợp pháp và hoạt động tốt hàng chục năm qua, nếu đáp ứng điều kiện này, phải chi phí thêm nhiều tỷ đồng một cách không cần thiết.
Vẫn biết là Thủ tướng vẫn đang thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công nhưng đây mới là những giải pháp căn cơ để tạo ra tăng trưởng cho không chỉ trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà chính trị, trên tinh thần đổi mới, đã rất quyết đoán khi đưa ra các quyết định lớn và như một cỗ xe tăng che chắn cho đất nước thẳng tiến tới kinh tế thị trường. Thủ tướng Phan Văn Khải, một nhà kỹ trị, đã thiết lập hành lang pháp lý, gỡ bỏ triệt để các điều kiện kinh doanh vô lý [mà nền kinh tế thị trường không cần chỉ có tham nhũng cần].
Đất nước chỉ phát triển khi những người kế tục học được từ hai ông những điều căn cốt ấy.
Sinh thời, Thủ tướng Phan Văn Khải nói, "Khi chu kỳ kinh tế suy thoái, thiên tài làm thì GDP vẫn không tăng ; khi chu kỳ kinh tế lên, ai làm thì tăng trưởng vẫn rất là tích cực".
Hiện nay, Chính phủ đang ở trong chu kỳ bất lợi, nếu người đứng đầu chỉ nghĩ tới thành tích cá nhân sẽ chú trọng các liệu pháp sách lược [kê thuốc chữa triệu chứng] ; nếu người đứng đầu nghĩ tới đất nước, sẽ thiết lập những chính sách nền tảng, để khi kinh thế gượng dậy nó sẽ ở trên đà tăng trưởng liền [cho dù "huân chương" ấy sẽ rơi vào tay người khác].
Huy Đức
Thủ tướng yêu cầu gỡ khó quy định phòng cháy chữa cháy
Đức Minh, VnExpress, 06/04/2023
Bộ Công an, Xây dựng sẽ rà soát quy định phòng cháy chữa cháy để sửa đổi, đồng thời giảm mạnh thủ tục hành chính theo yêu cầu của Thủ tướng.
Quy định về phòng cháy chữa cháy được doanh nghiệp nhìn nhận là bế tắc lớn thời gian qua. Hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh phản ánh việc siết đột ngột cùng nhiều quy định cứng nhắc về Phòng cháy chữa cháy khiến họ không xây, sử dụng được nhà xưởng hoặc thậm chí phải đóng cửa. Môi trường kinh doanh vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Tối 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ra công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tìm cách gỡ khó.
Công điện đánh giá việc triển khai mạnh công tác Phòng cháy chữa cháy đã giúp kiềm chế, giảm thiểu số vụ, thiệt hại do cháy nổ gây ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều công trình, cơ sở chưa đảm bảo điều kiện an toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất rủi ro, phải dừng hoạt động. Điều này làm gián đoạn việc đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Để đảm bảo vừa tuân thủ quy định Phòng cháy chữa cháy vừa không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì cùng Bộ Xây dựng rà soát lại chính sách, pháp luật Phòng cháy chữa cháy để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất lên cấp cao hơn để chỉnh sửa. Bộ Xây dựng được giao rà soát các quy định trong đầu tư xây dựng nhà, công trình sản xuất, kinh doanh.
Trước 30/4, các đơn vị chức năng phải phân loại theo nhóm công trình, cơ sở có vướng mắc sau kiểm tra để kịp thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khắc phục tổng thể vi phạm, thiếu sót Phòng cháy chữa cháy.
Cả hai bộ được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính.
Người đứng đầu tại các địa phương cũng được giao xử lý ngay những bất cập trong quản lý nhà nước cũng như xử lý dứt điểm những vi phạm Phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng theo thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Những khó khăn ngoài thẩm quyền, địa phương sẽ gửi kiến nghị lên Bộ Công an, Xây dựng để được hướng dẫn.
Trước đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới khi ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ với các đơn vị có quy mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp cũng cho hay dù gửi hồ sơ thiết kế cho cơ quan Phòng cháy chữa cháy đã lâu nhưng không được duyệt cũng không có phản hồi ; một số doanh nghiệp cũng bày tỏ mong nhận được hướng dẫn rõ liên quan đến việc kiểm định về sơn chống cháy để hoàn thiện hồ sơ.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, một số tiêu chuẩn, dù cũ hay mới, không thực tế hoặc rất khó thực thiện. Ví dụ, quy định về "Kết cấu chịu lực được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy" của Bộ Công an áp dụng theo tiêu chuẩn của Anh. Theo đó, các cột thép nhà xưởng phải bọc vật liệu chống cháy bằng vật liệu rỗng hoặc toàn bộ kết cấu thép phải sơn bằng loại sơn chống cháy, có chi phí cao trong khi thị trường Việt Nam chưa có loại sơn nào được cấp phép đủ điều kiện ; Hoặc theo quy định của Bộ Xây dựng, hệ thống ống gió điều hòa từ yêu cầu bọc amiăng thành bọc thạch cao chống cháy có chi phí đắt đỏ ; Hay những yêu cầu về khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn Phòng cháy chữa cháy tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp rất khó để đáp ứng.
Đức Minh
…và những bộ hồ sơ thẩm duyệt chất lượng phòng cháy trên giấy
Mấy hôm nay một tấm ảnh viral dữ dội trên mạng xã hội Việt Nam.
Facebook Đức Việt
Trong ảnh là Đỗ Đức Việt, chiến sĩ Phòng cháy chữa cháy Quận Cầu Giấy, Hà Nội do Việt đăng trên trang Facebook của mình.
Việt và hai người lính Phòng cháy chữa cháy nữa đã hy sinh trong trận đánh mới nhất của em : cứu cháy quán Karaoke cao 5 tầng, 1 tum, vào chiều tối 01/08/2022 tại Hà Nội. Đó là đội trưởng, thượng tá Đặng Anh Quân và chiến sĩ binh nhì Nguyễn Đình Phúc. Phúc mới 19 tuổi, Việt thì mới 24.
Theo tin tức trên báo chí Việt Nam, quán karaoke đang đóng cửa sửa chữa. Đám cháy xuất phát từ tầng 3 (lầu 2) và lan lên dữ dội. Khói bốc cao hàng chục mét. Do ngôi nhà làm quán là kiểu hộp diêm nhỏ hẹp mặt tiền và bịt kín nên các chiến sĩ phải đục, cắt rách vách tôn phía trên mới đưa được vòi nước vào. Ba chiến sĩ vừa hy sinh đã cứu được tám người ra khỏi đám cháy. Khi họ quay lại để cứu ba người nữa thì bất ngờ vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà sập xuống cầu thang bộ khiến cả ba hy sinh.
Cũng như nhiều người khác, tôi xót thương khi nhìn khuôn mặt trẻ non tơ của Việt trong tấm ảnh. Nhưng tôi nhìn sâu hơn vào đôi ủng bảo hộ em đang mang dưới chân.
"Ủng bảo hộ của lực lượng chữa cháy ở nước ngoài họ lót một lá thép nằm ngang vào đế giày nên bảo vệ chân cực kỳ tốt. Công việc của anh em Phòng cháy chữa cháy đặc thù là vào những hiện trường cháy nổ, có rất nhiều mảnh vụn sắc nhọn, hóa chất, xăng dầu, cao su… nóng chảy nên rất dễ bị cắt vào bàn chân"-một sĩ quan Phòng cháy chữa cháy kỳ cựu kể riêng với tôi-" Còn ủng của mình chỉ như ủng thông thường (tôi search các trang bán trang phục bảo hộ Phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp thì thấy họ ghi mũi ủng có lót miếng thép bảo vệ mũi chân, không có lá thép lót toàn bộ đế giày như anh nói), có cái đế cao su dày hơn một chút, vô hiện trường không đủ bảo vệ. Các sếp còn cắt xén tiền bảo hộ của anh em nữa nên trang bị xuống tới anh em còn toàn đồ kém chất lượng thôi. Cái đó mình không nói công khai được nhưng trong ngành ai cũng biết. Lính chữa cháy nghèo, vất vả, công việc nguy hiểm. Có người ngoài giờ làm việc thì chạy xe ôm công nghệ, hay đi phụ bán quán kiếm thêm tiền…"
Tôi không kiểm chứng được việc trang bị bảo hộ cho anh em lính chữa cháy có bị cắt xén từ tận các sếp của họ hay không, nhưng việc bảo kê, vòi vĩnh, hù dọa doanh nghiệp để họ phải chạy lót tay là chuyện không mới mẻ gì trong hậu trường lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Thậm chí người ta còn nói rằng lính chữa cháy vào cứu cháy còn tranh thủ lục lấy tài sản mà gia chủ không kịp chạy.
Vụ cháy chung cư Carina ở Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm 2018 cũng phơi bày hàng loạt vấn đề về chất lượng Phòng cháy chữa cháy và trách nhiệm kiểm định của cơ quan Phòng cháy chữa cháy. Thời điểm đó dân mạng đã đào ra một tấm ảnh chụp bản kiểm định chất lượng Phòng cháy chữa cháy đạt chuẩn ở nhà xe chung cư. Vấn đề là ngày tháng kiểm định ghi trên đó vượt lên trước thời gian thực đến mấy tháng.
Vấn đề khác là kiểm định đều đặn và luôn luôn đạt yêu cầu nhưng lúc đám cháy bắt đầu, thiết bị Phòng cháy chữa cháy của chung cư câm tịt, không hề phát hiện ra, cho đến khi nó lan rộng và bùng phát đến nỗi lực lượng tại chỗ không thể dập tắt được nữa. Nguyên nhân khiến 13 người tử vong tại chung cư Carina cũng chính từ các hành lang thoát hiểm. Lẽ ra phải luôn luôn được đóng kín (để tránh khói lửa tràn vào nếu có cháy) thì rất nhiều tầng đã bị chính cư dân ở đây chặn bằng gạch đá để giữ cho cửa luôn mở, nhằm tiện cho họ khi đi bộ. Sai sót chết người này diễn ra thường xuyên và từ lâu nhưng công tác Phòng cháy chữa cháy ở chung cư Carina vẫn điềm nhiên được duyệt đạt chất lượng thẩm định.
Sau nỗi xót xa vì cái chết của ba người lính Phòng cháy chữa cháy, dư luận bắt đầu nhắc đến trách nhiệm của những người thanh tra, kiểm tra Phòng cháy chữa cháy ở doanh nghiệp. Họ là sếp của các cơ quan Phòng cháy chữa cháy địa phương. Nhưng, dưới tên người thân, đồng thời họ cũng là chủ các cửa hàng bán đồ phòng hộ, thiết bị Phòng cháy chữa cháy và thường kiêm luôn dịch vụ bao chạy hồ sơ Phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp.
Theo quy định thì hồ sơ này doanh nghiệp tự làm, không tốn đồng nào.
Nhưng…
Chung cư Cartina ở Thành phố Hồ Chí Minh nơi xảy ra vụ cháy khiến 13 người chết hồi năm 2018. AFP
Theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản hướng dẫn, chủ các cơ sở, dự án, công trình thuộc diện quản lý về Phòng cháy chữa cháy (gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh, trụ sở làm việc, công trình công cộng, công trình độc lập, khu chung cư…) phải tuân thủ một quy trình xin phép và thẩm duyệt về Phòng cháy chữa cháy hết sức chi tiết và chuyên môn. Yêu cầu này là cần thiết, nhưng đáng nói là nó vô cùng rườm rà, với vô số thứ hồ sơ, bản vẽ, xác nhận… của đủ ban bệ ba bề bốn bên. Nói trắng ra, doanh nghiệp không thể tự mình hoàn tất hồ sơ này được.
Ví dụ, chủ cơ sở phải có :
- Hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác.
- Phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
- Phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Một số công trình phải được chấp thuận địa điểm của Phòng cháy chữa cháy trước khi xây dựng.
Chủ các phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về Phòng cháy chữa cháy cũng phải lập hồ sơ chi tiết và được thẩm duyệt tương tự, với các yêu cầu đòi hỏi chuyên môn rất cao.
Nhưng, như thế nào là phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở ? Doanh nghiệp làm sao mà biết viết phương án chữa cháy, thoát nạn, hay quy trình kỹ thuật an toàn về Phòng cháy chữa cháy ? Phương án này phải đạt những yêu cầu gì thì mới được phê duyệt ?
Những vụ cháy khó cứu, hoặc có nhiều người thương vong hay xảy ra ở các cơ sở karaoke trong nội thành, với đặc thù nhỏ hẹp, cao tầng, bịt kín, đường xung quanh nhỏ và đông người, nhiều vật liệu trang trí dễ cháy… Luật pháp Việt Nam đặt ra quy định vô cùng chi tiết về Phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở karaoke, tỉ dụ chiều cao thông thủy, chiều rộng thông thủy, bề rộng bậc thang và lối thoát nạn.v.v và được cơ quan Công an Phòng cháy chữa cháy kiểm tra định kỳ, cấp giấy chứng nhận. Thế nhưng khi các vụ cháy xảy ra thì dân tình mới té ngửa với thực tế các quán karaoke xây dựng bất chấp, hầu như đều bịt kín mít bằng tôn, các phòng hát nhỏ hẹp, đầy vật liệu dễ cháy như len tường (phào chỉ), vách ngăn tạm bằng thạch cao và nhiều nơi không có lối thoát nạn.
Những chiếc xe máy bị cháy rụi ở tầng hầm chung cư Cartina, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/3/2018. AFP
Là vì những điểm mập mờ, không định lượng rõ ràng mà chỉ rặt định tính như "phù hợp với", "được phê duyệt" "được thẩm định"… đầy rẫy trong luật. Đó chính là những cái bẫy cài sẵn nhằm tạo dư địa cho bên có thẩm quyền tha hồ nhũng nhiễu. Thậm chí, chẳng cần họ nhũng nhiễu, doanh nghiệp cũng phải tự động tìm đến cửa nộp tiền và năn nỉ xin làm giúp hồ sơ phương án Phòng cháy chữa cháy. Nếu không, gần như không thể hoàn tất hồ sơ theo đúng yêu cầu, được thẩm duyệt và nghiệm thu đúng hẹn để mà xây dựng và hoạt động.
Có rất nhiều công ty cung cấp thiết bị bảo hộ và phương tiện Phòng cháy chữa cháy. Trên trang web của họ thường có dòng quảng cáo như sau :
"Hồ sơ phòng cháy chữa cháy là một loại hồ sơ bắt buộc cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (…).
Trách nhiệm của cơ sở là phải tự tìm hiểu và xây dựng hồ sơ, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sẽ kiểm tra, phê duyệt, yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ bổ sung nếu làm sai, xử phạt nếu không lập theo quy định.
Trong hồ sơ phòng cháy chữa cháy, thành phần quan trọng nhất là phương án chữa cháy của cơ sở. Phương án phải được xây dựng theo đúng quy định thì mới được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chấp nhận.
Nếu bạn đang hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực bắt buộc về Phòng cháy chữa cháy và gặp khó khăn trong việc hoàn thành cũng như cách làm hồ sơ phòng cháy chữa cháy, có thể liên hệ… để được tư vấn, hỗ trợ".
Dịch vụ này bảo đảm cho việc hoàn tất hồ sơ, lấy giấy chứng nhận nhân viên đã hoàn tất khóa huấn luyện nghiệp vụ Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo yêu cầu do cơ quan Phòng cháy chữa cháy tổ chức, đón tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra, lấy giấy xác nhận.., tóm tắt là từ A đến Z.
Nhưng, khi khách hàng đồng ý mua thì phần nhiều là các hồ sơ này sẽ chỉ được hoàn tất trên giấy. Doanh nghiệp không cần tốn tiền đưa nhân viên đi huấn luyện thật, cũng không cần phải nhất nhất tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt khác về Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Tháng 12/2015, Báo Tuổi trẻ đăng hai bài điều tra về một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an quận Bình Tân "thẳng thắn" đòi tiền làm hồ sơ phương án Phòng cháy chữa cháy cho một doanh nghiệp với giá 3 triệu-3,5 triệu đồng.
Khi doanh nghiệp tìm cách từ chối thì người này nổi nóng và nói huỵch toẹt "Nếu anh không làm được thì nhờ dịch vụ làm (…) chậm trễ tôi đi học, người khác về quản lý ráng chịu nha (…) bây giờ anh không làm, ít nữa người ta được quyền xử phạt anh. Bị dí anh đừng nói ông B. (tên của cảnh sát này) không chịu giao hồ sơ".
Xui cho anh này là bị doanh nghiệp cứng cựa nên gài bẫy ghi âm, thu hình lại toàn bộ quá trình sách nhiễu, không chối chạy vào đâu được. Nhưng thực tế thì nạn vòi vĩnh nhan nhản. "Cán bộ đề nghị cung cấp thiết bị Phòng cháy chữa cháy nhưng không làm việc tại cơ quan Phòng cháy chữa cháy như quy định, giá thì cao hơn thị trường. Doanh nghiệp phải đi lại 4-5 lần, cá biệt có doanh nghiệp đi lại đến 10 lần mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Các khách sạn phản ánh Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy "kiểm tra quá nhiều" (Báo Dân Trí tháng 9/2019, vụ việc ở Thừa Thiên-Huế).
Chả thế mà tuy không nổi đình nổi đám như các vụ "đòi bánh mì" của (rất nhiều) cảnh sát giao thông, nhưng độ sâu của tình trạng này bên Phòng cháy chữa cháy chỉ có hơn chứ không kém. Hơn ở sự êm ái, kín kẽ, chủ động của đối tượng, sự thường xuyên của dịch vụ và số tiền.
Nói nào ngay, đó là một dịch vụ bắt buộc phải có và cần thiết cho xã hội. Nhưng, nếu quy định cụ thể các yêu cầu để cho bất cứ ai/tổ chức nào đáp ứng đủ điều kiện thì đều có thể cung cấp, còn cơ quan Phòng cháy chữa cháy chỉ kiểm tra và làm thủ tục công nhận thay vì giao cho cơ quan này toàn quyền thẩm định và xét duyệt như hiện nay, thì đó sẽ là môi trường lành mạnh, hạn chế rất nhiều tình trạng vòi vĩnh, sách nhiễu.
Song, "minh bạch" là từ tối kỵ với tư duy quản lý của Việt Nam.
Có cấm thì mới có chạy. Có chạy thì mới có ăn ! Đó là cẩm nang, là tôn chỉ mục đích của nghề làm lãnh đạo, không loại trừ ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề đặc biệt mang tính chất nhân đạo như cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ. Là người lính, anh có thể vô tư và trong sáng. Nhưng khi đã lên làm lãnh đạo, thụ động và chủ động bị cuốn vào guồng quay kiếm tiền của những lãnh đạo khác thì có lẽ chỉ có một số ít cá nhân có bản lĩnh và khả năng đứng ngoài vòng vây tiền tài này. Vì cơ chế nó sinh ra thế. Vì cơ chế đó có thể nghiền nát những ai đơn độc đi ngược lại nó.
Xin mãi mãi biết ơn và ghi khắc sự hy sinh không gì kể xiết của những người lính dũng cảm như thượng tá Đặng Anh Quân, trung úy Đỗ Đức Việt và binh nhì Nguyễn Đình Phúc. Nhưng đừng để những hy sinh ấy trở thành tấm lá chắn cho những sự trục lợi được nuôi dưỡng bằng chính luật pháp.
Lê Dân
Nguồn : RFA, 04/08/2022
Tham khảo :
https://luatvietnam.vn/an-ninh-trat-tu/thong-tu-147-2020-tt-bca-bao-dam-an-toan-pccc-tai-quan-karaoke-va-vu-truong-196894-d1.html
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhieu-doanh-nghiep-to-bi-sach-nhieu-goi-y-nop-tien-khi-lam-thu-tuc-pccc-20190917121006131.htm
https://tuoitre.vn/voi-vinh-lam-dich-vu-phuong-an-phong-chay-chua-chay-1016002.htm
RFA, 01/08/2022
Người nổ súng tại tiệm vàng ở Chợ Đông Ba, thành phố Huế vào trưa ngày 31/7 là cán bộ Trại giam Bình Điền. Người này được cho biết có tên Ngô Văn Quốc, sinh năm 1984 và ngụ tại Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Ảhh chụp màn hình video trên Facebook/ RFA edit
Công an Tỉnh Thừa Thiên- Huế xác nhận như vừa nêu vào ngày 1/8 và được truyền thông Nhà nước loan đi.
Tin nêu rõ vào khoảng 12 :40’ ngày 31/7, xảy ra vụ nổ súng tại Chợ Đông Ba. Một người trong trang phục công an dùng súng AK xông vào hai tiệm vàng Hoàng Đức và Thắng Lợi bắn chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm và bắn năm phát vào tủ kính đựng vàng, lấy vàng vứt ra đường hô lớn ‘vàng cho người nghèo’. Sau đó người này đi bộ đến khu vực cầu Gia Hội.
Công an tỉnh và Công an Thành phố Huế đã huy động lực lượng đến tại hiện trường và cho phong tỏa khu vực. Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự thuộc Công an tỉnh và một số công an khác tiếp cận nghi phạm và được người này yêu cầu cho gặp trực tiếp Phó Giám đốc Công an tỉnh Đặng Ngọc Sơn. Yêu cầu này được đáp ứng và đến 14 giờ cùng ngày, cán bộ Ngô Văn Quốc đồng ý giao nộp súng và về trụ sở công an để làm việc.
Đối với số vàng bị lấy vứt ra ngoài và một số người dân nhặt được, cơ quan chức năng yêu cầu ai lấy phải giao nộp lại với cảnh báo nếu không sẽ bị xử lý về tội ‘chiếm giữ tài sản trái phép’.
Ngay vào chiều ngày 1/8, Ủy Ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên- Huế tiến hành lễ trao tặng khen thưởng đột xuất cho bốn tập thể và chín cá nhân trong vụ bắt giữ được người nổ súng Ngô Văn Quốc.
***********************
RFA, 01/08/2022
Ba cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ) thuộc Công an Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội ngày 1/8 tử vong khi làm nhiệm vụ trong vụ cháy tại tầng sáu quán Karaoke ISIS đang trong quá trình sửa chữa. Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày.
- Người Đưa Tin
Theo đó, danh tính ba nạn nhân là Đặng Anh Quân- đội trưởng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ ; Đỗ Đức Việt- cán bộ và Nguyễn Đình Phúc- chiến sĩ nghĩa vụ.
Tin cho biết hỏa hoạn xảy ra vào lúc 13 :06’. Tổ cứu hỏa của Công an Quận Cầu Giấy sau khi hướng dẫn đưa được tám người ra ngoài an toàn, nhưng khi họ trở lại và đang đi lên tầng trên để làm nhiệm vụ thì cầu thang bị sập, đường vòi chữa cháy bị đứt, trần nhà sập đè chết ba người.
Cơ quan chức năng đưa ra kết luận ban đầu vụ cháy xảy ra vào khi công việc hàn xì để sửa chữa quán Karaoke ISIS đang được tiến hành.
Lửa vẫn còn rừng rực ở Hà Tĩnh, rồi Nghệ An. Diện tích rừng đã thành tro ở hai tỉnh này được ước đoán ít nhất cũng khoảng 40 héc ta và con số này sẽ còn thay đổi. Tính đến cuối ngày 30 tháng 6, đã có một người chết cháy khi cứu khoảnh rừng mà chính quyền xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An giao cho gia đình bà chăm sóc (1)...
Cháy rừng ở Hà Tĩnh. Photo Báo Hà Tĩnh
Cho dù số người được huy động dập lửa tính bằng ngàn nhưng nhiệt độ cao, địa thế khu vực hiểm trở, bất tiện cho việc chữa cháy nên hàng ngàn, hàng ngàn lính cứu hỏa, bộ đội, công an, dân chúng vẫn bất lực trong việc dẫn nước dập lửa, ngăn lửa lan rộng. Chẳng riêng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế cũng trong tình trạng tương tự (2).
Cháy rừng ở Việt Nam không phải là chuyện lạ, bất lực trước lửa cũng không lạ, dập lửa, ngăn cháy rừng trời nóng như thiêu chỉ bằng sức người, thiếu hoàn toàn các phương tiện chữa lửa cần thiết thì làm sao đạt được hiệu quả mong đợi. Giống như những lần trước, từ các viên chức đến dân chúng đang cầu… trời mưa !
Trên mạng xã hội, người thì bất bình khi sát những cánh rừng thông phủ từ chân lên đỉnh ngọn Hồng Lĩnh là các khu dân cư, hàng quán, cây xăng,… qui hoạch như thế thì làm sao có thể ngăn ngừa thảm họa (3) ? Nhiều người thở dài khi nhìn lính cứu hỏa, bộ đội, công an, dân chúng địa phương chỉ loay hoay chặn lửa với đôi tay trần, xe cứu hỏa làm sao leo núi, bao nhiêu cây số ống dẫn nước mới đủ dập một biển lửa ? Rất nhiều người dẫn lại chuyện Binh đoàn 18 từng khoe cách nay đúng một năm : Điều động trực thăng sang Indonesia để hỗ trợ chống cháy rừng ở đó (4) - và thắc mắc, rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã cháy suốt ba ngày, tại sao quân đội không điều động trực thăng hỗ trợ đồng bào ?
Đã có khá nhiều người bình luận, trực thăng vốn là một trong những phương tiện hữu hiệu để dập những đám cháy lớn trên diện rộng, ở những tình huống xe cứu hỏa không thể phát huy tác dụng chẳng hạn như cháy ở trên cao, địa hình hiểm trở, cháy rừng. Người sử dụng Internet chia sẻ với nhau những video clip về hoạt động của các loại trực thăng. Trực thăng thường dùng gàu, lấy và tải vài tấn nước (5), trực thăng chuyên dụng hút nước từ sông, rạch, hồ, ao… rồi bay đến đám cháy, xả từ trên cao xuống vài khối nước (6). Dù là trực thăng thường hay chuyên dụng, thời gian lấy nước, xả nước xuống khu vực đang cháy cũng chỉ một vài phút - rất hiệu quả, tại sao Việt Nam không sắm ?
Nếu thử tìm thông tin về đầu tư vào trực thăng nhằm phòng và chữa cháy, có thể thấy hồi đầu tháng trước, lực lượng cứu hỏa của Ý vừa đặt mua thêm năm trực thăng chữa cháy. Chi phí trọn gói cho hợp đồng sẽ được thực hiện năm nay và năm tới này là 75 triệu Euro, bao gồm cả trực thăng lẫn huấn luyện phi công, kỹ thuật viên, các phương tiện đi kèm và bảo trì (7). Chia đều, số tiền phải trả cho sắm - tổ chức vận hành mỗi trực thăng chữa cháy khoảng 15 triệu Euro, qui ra tiền đồng khoảng 400 tỉ. Nếu tính tổng chi phí cho cả gói (phi đội năm trực thăng) thì tổng mức đầu tư chừng 2.000 tỉ đồng Việt Nam. Khoản tiền này rõ ràng không nhỏ nhưng cũng chẳng phải là quá lớn.
Vấn đề nằm ở chỗ, tại Việt Nam, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương vừa có thể phóng tay, liên tục chi từ vài trăm đến cả ngàn tỉ để dựng các… cổng chào, các trung tâm hành chính sang trọng, các tượng đài, khu tưởng niệm từ… "bác" đến… Fidel Castro, vừa liên tục rót vào các dự án vô bổ, chuyển cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vài chục ngàn tỉ tới hàng trăm ngàn tỉ, bất kể sau đó, tất cả trở thành giấy lộn, thậm chí tạo thêm nợ nần nhưng không nghĩ tới và cũng chẳng có bất kỳ kế hoạch nào để sắm những phương tiện thật sự cần thiết trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản công dân, tài nguyên quốc gia như trực thăng chữa cháy.
Chẳng phải bây giờ rừng mới cháy. Rừng đã cháy, đang cháy và sẽ còn cháy. Phòng cháy - chữa cháy rừng có lẽ vẫn chỉ là những con người chẳng may sinh ra, lớn lên, cư trú trong những khu vực có rừng bị cháy tự xoay sở với nhau rồi… thôi. Sau khi bỏ một khoản tiền chắc chắn là rất lớn để tu bổ toàn bộ "Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh" (8), tháng trước, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Hà Tĩnh - nơi rừng từng cháy nhiều lần và đang cháy rừng rực - tổ chức trọng thể "Lễ báo công với bác Hồ" (9). Với những gì thiên hạ đã biết về Hà Tĩnh, "Lễ báo công với bác Hồ" tiếp tục góp thêm một trong hài kịch mà người ta không thể nào cười.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/07/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/mot-phu-nu-tu-vong-khi-chua-chay-rung-o-nghe-an-20190630174714424.htm
(3) https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/1247449025437506
(5) https://www.youtube.com/watch ?v=cQ04w1gDFdI
(6) https://www.youtube.com/watch ?v=P3SjRZtnIIg
(7) https://helihub.com/2019/06/19/italian-national-fire-corps-orders-five-more-aw139s/
(9) https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-tinh-to-chuc-le-bao-cong-voi-bac-ho-20190515145027296.htm