Thông tư 19 có tạo 'nơi trú ẩn' cho đồng nhân dân tệ ? (BBC, 07/09/2018)
Đang có một số 'băn khoăn cần lưu ý' trong dư luận liệu Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giúp tạo ra 'một nơi trú ẩn' cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung đang diễn ra, một nhà phân tích chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt.
Một thương nhân tại một khu chợ gần cửa khẩu Tân Thanh, ở biên giới phía Bắc của Việt Nam tại Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Quốc
Việt Nam nên thực hiện những gì mà 'hầu hết các nước đang thực hiện' và nên 'nhìn dài lâu chứ không nên đi vào dùng cái nhìn 'ngắn hạn' để cuối cùng tạo ra 'những thiệt hại rất dài lâu', một chuyên gia nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hợp Quốc nói với tọa đàm của BBC hôm 06/9/2018 từ Hoa Kỳ.
Băn khoăn, nghi vấn ?
Trước hết, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận về Thông tư 19 mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hôm 28/8/2018 :
"Đối với Trung Quốc, chúng ta (Việt Nam) đã có những thống kê rất là rõ ràng, chênh lệch đã được phản ánh trong thống kế của Hải quan Trung Quốc và thống kê Việt Nam, nó lên đến 20 tỷ đô-la, hoặc xung quanh 20 tỷ đô-la trong vòng rất nhiều năm.
"Như vậy, nếu anh mở ra, an ninh tiền tệ rất quan trọng, từ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ, lưu thông tiền tệ, rồi tỷ giá hối đoái trong bối cảnh đồng nhân dân tệ cũng đang phải chống đỡ rất vất vả trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Chúng ta đặt vấn đề một khi anh không quản lý được, hay không đảm bảo được an ninh tiền tệ, chắc chắn rằng những vấn đề khác bị ảnh hưởng, thí dụ như có thể có sức ép gì đó không, những việc khó khăn kinh tế mà có thể có sức ép nào không ? Chúng ta đặt những vấn đề đó để nghiên cứu một cách thấu đáo để lường trước được tính khả thi của Thông tư 19 này".
Một sạp hàng ở chợ biên giới Việt - Trung bên phía Việt Nam
Theo chuyên gia chính sách công này, còn một điểm nữa có thể bổ sung là có những nghi vấn gần đây trong dư luận về các giới đặt những vấn đề về chuyển hướng đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam trước áp lực của thương chiến Mỹ - Trung, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói tiếp :
"Nghi vấn đặt ra là liệu có những chuyển hướng đầu tư, hay chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam không ? Bởi vì Thông tư 19 này cho phép thanh toán không chỉ như trước kia là ở các ngân hàng, hay phải đặt ở những vùng biên giới, mà bây giờ cũng có thể ủy thác, có nghĩa là có những chi nhánh, kể cả trong nước, lẫn nước ngoài có thể được thanh toán qua những chi nhánh ở tại vùng biên, thì nó sẽ xảy ra những vấn đề.
"Vấn đề nữa đặt ra là liệu có hướng đó không ? Bởi vì người ta cho phép những thương gia, thậm chí những nhà đầu tư có thể thanh toán qua ngân hàng hoặc thông qua chi nhánh tính bằng nhân dân tệ, thì đó là một cái mà chúng ta cần hết sức lưu ý, bởi vì không chỉ buôn bán hàng nhỏ nữa, mà bây giờ qua các thương gia, thì lượng tiền hàng rất lớn, và như vậy thì khả năng chuyển hướng đầu tư của Trung Quốc sang vùng biên giới Việt Nam là có khả năng xảy ra.
"Để có những mục đích mà không chỉ như một số ý kiến bàn rằng có thể đây là 'một nơi trú ẩn' hay 'lánh nạn tạm thời' trong cuộc chiến này chăng, hay là có một ý đồ dài hơn nữa, đấy là những băn khoăn mà chúng ta (Việt Nam) cần lưu ý tới, tức là Thông tư này đặt ra rất nhiều vấn đề không chỉ là chính ngạch mà nó đặt ra rất nhiều vấn đề về an ninh tiền tệ, rồi về đối phó với cuộc chiến thương mại, rồi sự lan tỏa đối với nền kinh tế", Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nói với Bàn tròn thứ Năm.
'Nên nghĩ dài hạn'
Đưa ra bình luận về Việt Nam cần làm gì để khắc phục những vấn đề có thể nảy sinh và đem lại thuận lợi sau khi Thông tư 19 đã được ban hành, Tiến sĩ Vũ Quang Việt từ New York nói :
"Tôi xin nói là Việt Nam nên thực hiện những gì mà hầu hết các nước đang thực hiện và nên nhìn dài lâu chứ không nên đi vào dùng vài cái ngắn hạn để cuối cùng tạo ra những thiệt hại rất dài lâu.
"Và điều quan trọng nhất bây giờ tôi nghĩ Việt Nam nên nhìn lại coi xem hiệu lực công quyền của Việt Nam đến đâu. Nên xem xét lại tất cả những khả năng và tăng cường khả năng áp dụng luật lệ một cách rất hợp pháp và đàng hoàng như thế nào, thay vì đi vào đưa những giải pháp rất ngắn hạn để rồi nó gây ra hậu quả dài lâu...
"Tôi cảm tưởng rất rõ là vấn đề nhân dân tệ này không phải chỉ ngắn hạn, mà Trung Quốc cơ bản muốn Việt Nam sử dụng đồng nhân dân tệ rộng rãi. Vấn đề nhân dân sử dụng nhân dân tệ để làm dự trữ mà bảo vệ đồng Việt Nam, thì đương nhiên nước nào cũng phải dùng, nếu có buôn bán với nhau thì phải có dự trữ. Chuyện dự trữ khác với chuyện dùng đồng tiền nước ngoài làm phương tiện thanh toán chính thức".
Ảnh minh họa
Bình luận về việc có hay không việc hình thành một 'nơi trú ẩn' nào đó cho đồng nhân dân tệ ở Việt Nam hay không, Tiến sĩ Vũ Quang Việt nói :
"Tôi nghĩ điều đó cũng có thể. Vấn đề chính là ở trong tương lai, thí dụ như Trung Quốc vì có thiếu hụt thương mại rất lớn, và nếu họ được phép họ có thể có rất nhiều đồng tiền Việt Nam trong tay họ, và họ sẽ muốn đánh bật thị trường chứng khoán của Việt Nam.
"Họ sẽ mua, tăng lên, rồi họ sẽ bật lại sau này, và họ sẽ dùng tiền đó để mua những đồng ngoại hối khác để tạo ra một cuộc chiến tranh rủi ro về tiền tệ, thì bấy giờ Việt Nam sẽ như thế nào ?" Tiến sĩ Vũ Quang Việt nói với Bàn tròn của BBC.
'Cần nâng cao nhận thức'
Ngay trước Bàn tròn thứ Năm, hôm 06/9/2018, từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore) khi trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu có vấn đề kinh tế - chính trị hay kinh tế - tài chính - công nghệ - thị trường nào đáng lưu ý khi quy định mới là Thông tư 19 đi vào đời sống hay không, nói :
"Hoạt động thương mại điện tử của Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, rất mạnh. Thị phần thương mại điện tử Trung Quốc ở Việt Nam tăng nhanh có thể nói hàng ngày, hàng tuần, có lúc hàng giờ.
"Alibaba, với việc mua thâu tóm LAZADA ở Việt Nam, đang có những bước nhảy xa trong thị trường thương mại điện tử và logistics ởViệt Nam. Kèm theo đó, là các phương thức thanh toán phi tiền mặt, phi ngân hàng trên nền Fintech như Aliexpress, Alipay… đang phát triển mạnh ởViệt Nam.
"Thực tế này làm cho ngườiViệt Nam, từ người tiêu dùng, cho đến Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý các dịch vụ tài chính phi ngân hàng, thanh toán trung gian - Fintech) cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về mọi tác động của hoạt động này từ Trung Quốc.
"Khi chúng ta chấm dứt nói về hệ sinh thái 4.0, bắt tay vào làm những việc thật cụ thể, mọi việc sẽ tốt hơn.
"Nhân đây, tôi muốn nói rằng Việt Nam cần cải cách sao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trở thành một ngân hàng trung ương thực thụ, có đầy đủ thẩm quyền độc lập, kiến thức tiền tệ, để mọi người có thể đảm bảo chắc rằng an ninh tiền tệ, an ninh quốc gia Việt Nam được giữ vững", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm.
******************
Trung Quốc dùng tiền tệ để "nuốt" Việt Nam (CaliToday, 06/09/2018)
Ngày 28/8/2018 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 19/2018/TT-Ngân hàng nhà nước (gọi tắc là Thông tư 19) cho phép cư dân vùng biên giới Việt Nam- Trung Quốc có thể dùng tiền Việt Nam (VND) hoặc Nhân dân tệ (CNY) trong thanh tóan hàng hóa, dịch vụ. Vậy là giới quan tâm hiện tình Việt Nam một lần nữa lại phải lao vào cuộc chiến bảo vệ chủ quyền, lần này là cuộc chiến bảo vệ tiền tệ…
Tiền Trung Quốc - Ảnh minh họa
Theo giới quan tâm hiện tình Việt Nam nói chung mà cụ thể ở đây là những thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và nhóm Lão Mà Chưa An cho biết, vụ việc bắt nguồn từ ngày 12/9/2016 tại Bắc Kinh, Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc, do Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành ký trong đó Điều 8 quy định thanh toán bằng VND hay CNY, hay ngoại tệ chuyển đổi cho thương mại biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Ngày 28/8/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa Điều 8 của Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung nói trên bằng Thông tư số 19.
Còn theo báo đài Nhà nước Việt Nam cho biết, căn cứ vào nội dung của Thông tư 19 thì kể từ ngày 12/10/2018, thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, thương nhân, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc có thể dùng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ… với 3 phương thức thanh toán gồm :
- Thứ nhất, thanh toán qua ngân hàng qua các chi nhánh ngân hàng biên giới của hai nước việt-Trung.
- Thứ hai, thanh toán bằng VND tiền mặt hoặc CNY tiền mặt.
– Thứ ba, thanh toán phần chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ của thương nhân.
Ngay sau Thông tư 19 được các báo đài Việt Nam thông tin thì lập tức các thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và nhóm Lão Mà Chưa An vào ngày 31/8 đã ra tuyên bố "về quy định cho phép sử dụng Nhân dân Tệ". Theo đó, tuyên bố nêu việc Thông tư 19 cho phép sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi VND hoặc CNY trong thanh toán bằng tiền mặt và qua ngân hàng trong các hoạt động thương mại ở hai bên biên giới Việt-Trung kéo dài trên 1450 km sẽ có những hệ quả nhãn tiền và khôn lường đối với chủ quyền tiền tệ của Việt Nam, có thể dẫn đến việc Nhân dân tệ hóa nền kinh tế Việt Nam. Bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam một thời đã bị Đô la hoá, vàng hóa và đã mất rất nhiều công sức, tiền bạc để xóa bỏ. Với Thông tư 19, Ngân hàng Nhà Nước đã mở đường cho việc Nhân dân tệ hóa nền kinh tế Việt Nam, một việc mà lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải chống như đã chống đô-la hóa và vàng hóa.
Tiếp nữa, tuyên bố nêu việc sử dụng Nhân dân tệ trong giao thương, dù giới hạn ở khu vực biên giới Việt-Trung đã vi phạm nguyên tắc chủ quyền tiền tệ. Bởi theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được thanh toán bằng đồng tiền VND, nay tạo tiền lệ nguy hiểm về sự tồn tại mặc nhiên hai đơn vị tiền tệ song hành trên lãnh thổ Việt Nam. Đây còn là hành động xâm lấn và xâm phạm chủ quyền tiền tệ của Việt Nam, vô cùng nguy hại cho an ninh quốc gia.
Trước tình hình nghiêm trọng, các thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và nhóm Lão Mà Chưa An cùng các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự đồng lòng ký tên và tuyên bố :
- Thứ nhất, kịch liệt phản đối Thông tư số 19/2018/TT-Ngân hàng nhà nước (gọi tắc là Thông tư 19).
- Thứ hai, yêu cầu Bộ Tư pháp, Chính phủ ngay lập tức hủy bỏ Thông tư 19 vì quyền lợi của đất nước và dân tộc.
- Thứ ba, truy xét trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ông Lê Minh Hưng và mọi quan chức có liên quan đến việc soạn thảo và ban hành Thông tư 19, một văn bản vi phạm chủ quyền tiền tệ quốc gia của Việt Nam và có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Đồng thời qua đây người viết nhận thấy, từ mấy chục năm nay nền kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Trung Quốc, căn cứ vào những nội dung quy định tại Thông tư 19 cho phép thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, thương nhân, cư dân biên giới Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc có thể dùng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ… sẽ dễ dẫn đến việc Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hàng hóa xâm nhập sâu hơn vào nội địa Việt Nam từ những thuận lợi về tự do thanh toán tiền tệ, từ đó Việt Nam sẽ gặp thêm nhiều khó khăn không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt tài chính bởi lẽ xét thị trường tiền tệ thì VND yếu thế, giá trị nhỏ hơn CNY nên người dân sẽ nghiêng phần nhiều về việc sử dụng đồng CNY.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện nay Việt Nam đang nhập siêu rất nặng từ Trung Quốc. Nếu thanh toán bằng những đồng tiền khác thì Việt Nam còn có hy vọng để trả cho Trung Quốc, ví dụ Việt Nam có thể kiếm được đồng USD từ việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản…nhưng nếu chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân Tệ thì Việt Nam chỉ có một cách là vay của Ngân hàng Trung Quốc, tức là ngoài nhập siêu, Việt Nam còn phụ thuộc thêm về mặt tài chính đối với Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại, cần phải xem xét kỹ.
Như vậy là cùng với những vấn đề thời sự "nóng bỏng" ở Việt Nam hiện tại, giới quan tâm hiện tình Việt Nam nói chung một mặt vừa phải đấu tranh ngăn chặn dự thảo Luật Đặc khu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia thì nay phải đấu tranh thêm về chủ quyền tiền tệ quốc gia.
Quê Hương
*****************
Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên) là bằng chứng mới nhất, rõ nhất về việc Trung Quốc đã muốn thì phải chiều, bất kể chuyện chiều theo ý muốn của Trung Quốc nguy hại như thế nào cho vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, độc lập - tự chủ về kinh tế - xã hội và xa hơn nữa là chính trị…
Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên.
Để cảm nhận một cách rõ ràng "Trung Quốc đã muốn thì phải chiều" xin cùng xem lại sự kiện, ý kiến về việc có nên cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cách nay ba năm rưỡi…
***
Tháng 1 năm 2015, ngay sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân dân tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam, thông qua báo giới, mạng xã hội, doanh giới, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam đã đồng loạt phân tích - cảnh báo hàng loạt hậu quả theo sau việc chấp nhận đề nghị này.
Lúc ấy, một trong những người khuyến cáo chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không nên gật đầu với đề nghị cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam là ông Cao Sỹ Kiêm – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Kiêm nhấn mạnh : Cho dù mối quan hệ giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất rộng nhưng vì sức cạnh tranh và khả năng quản lý thị trường của Việt Nam còn kém, việc từ chối hay cho phép sử dụng Yuan ở Việt Nam sẽ dẫn tới hệ quả là kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc ít hay nhiều.
Khi được đề nghị bình luận về nhận định của ông Lê Đăng Doanh (một chuyên gia kinh tế - người cho rằng đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC, vi phạm chủ quyền của Việt Nam), ông Kiêm cho rằng, chủ quyền của Việt Nam có bị xâm hại hay không là do Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh đã đủ lớn, hợp thức hóa việc sử dụng Yuan bằng các quy định mà có thể kiểm soát chặt chẽ thì sẽ bảo vệ được chủ quyền. Ngược lại, không giữ được độc lập về kinh tế, độc lập trong việc quản lý chính sách thì chủ quyền sẽ bị xâm hại (1).
Không chỉ có ông Doanh, ông Kiêm, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cũng tin rằng, chấp nhận sử dụng Yuan để thanh toán các giao dịch thương mại tại Việt Nam sẽ đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ đối mặt với hai nguy cơ : Gia tăng rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam vì Yuan chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Mặt khác, nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, ở vị thế yếu hơn về thương mại, doanh giới Việt Nam sẽ phải vay Yuan từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về hàng hóa mà còn lệ thuộc cả về tài chính.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), khẳng định nguyên tắc, thanh toán cho các giao dịch trên lãnh thổ của quốc gia nào phải sử dụng tiền tệ của quốc gia đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng làm đủ cách để loại bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tại sao lại có thể chấp nhận cho sử dụng Yuan trên lãnh thổ Việt Nam ( ?) (2). Tương tự, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế khác – ví von, nội tệ cũng như quốc kỳ, cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cũng như cho phép treo cờ Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam (3).
Bên ngoài Việt Nam, sau khi phân tích lợi – hại nếu chấp nhận đề nghị cho phép dùng Yuan thanh toán trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam mà phần bất lợi Việt Nam gánh hết, ông Vũ Quang Việt – một chuyên gia kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc – nhận định, không quốc gia nào muốn có nền kinh tế độc lập, lại xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa, dù nó là đồng Yuan hay Mỹ kim. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng người dân không còn tin nội tệ và muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá.
Ông Việt đưa ra hàng loạt dẫn chứng từ thực tế (chẳng hạn cho phép mỗi người dân ở biên giới, mỗi ngày được mang lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hai triệu đồng vào Việt Nam), cáo buộc chính quyền Việt Nam đang tự cho phép mình mất chủ quyền về tiền tệ ở vùng biên giới, biến các tỉnh này thành vùng đầu tầu giúp Trung Quốc tấn công, xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ông Việt nêu thắc mắc, phải chăng những chính sách kiểu đó là lý do khiến Việt Nam không kiểm soát được hoạt động nhập cảng từ Trung Quốc cũng như chất lượng hàng nhập cảng từ Trung Quốc ?
Tiếp tục mở rộng theo đề nghị của phía Trung Quốc là mở rộng khả năng Yuan đuổi đồng nội tệ ra khỏi thị trường Việt Nam và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành nền kinh tế Việt Nam và chính trị ở Việt Nam. Ông Việt khuyên chính quyền Việt Nam nên xem lại chính sách tiền tệ và thương mại với Trung Quốc ở khu vực biên giới, thực hiện mậu dịch qua ngân hàng bằng đồng tiền chuyển đổi được trên thị trường thế giới, còn nếu không thì dựa trên việc thành lập qua ngân hàng một quĩ chuyển đổi giữa đồng Việt Nam và Yuan, bên Việt Nam có thể mua hàng bằng đồng Việt và bên Trung Quốc có thể mua hàng bằng Yuan, phần còn lại được giải quyết bằng đồng chuyển đổi, đó mới là hợp tác nhằm có biện pháp phù hợp cân bằng thương mại giữa hai quốc gia (4).
Ngoài chuyện giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế, hồi tháng 1 năm 2015, báo giới Việt Nam còn dẫn ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc để chứng minh, chính họ cũng không mặn mà với đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc VINAMIT – một doanh nghiệp có nhiều đối tác thương mại ở Trung Quốc, cho biết, hầu hết hợp đồng giữa hai bên đều chọn ngoại tệ thứ ba là Mỹ kim làm phương tiện thanh toán. Nếu chuyển sang thanh toán bằng Yuan thì thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn vì phải trả thêm 0,5% phí chuyển đổi từ Mỹ kim sang Yuan. Ông Viên lưu ý, năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 29 tỉ Mỹ kim, cứ tính 0.5% khoản này sẽ thấy. Đó cũng là điều mà Giám đốc một ngân hàng thương mại chuyên mở L/C (thư tín dụng) cho các doanh nghiệp Việt Nam có giao thương với Trung Quốc bảo với tờ Thanh Niên rằng, bởi các giao dịch với Trung Quốc thường quy đổi thành Mỹ kim, giao dịch bằng Yuan chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các đồng tiền khác nên chắc chắn không doanh nghiệp Việt Nam nào mặn mà với ý tưởng dùng Yuan thanh toán thương mại…
Tháng 1 năm 2015, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, gọi đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) là một đề nghị kỳ quặc, phi lý, thiếu khả thi vì Yuan là loại tiền tệ mà Trung Quốc tìm mọi cách vẫn chưa thể quốc tế hóa và tất nhiên không thể chấp nhận vì gật đầu là chấp nhận bị khống chế, lệ thuộc (6)…
***
Tháng 1 năm 2015, ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR từng tỏ ra rất lạc quan trước đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC bởi đó chỉ là một đề nghị và đâu phải đề nghị nào cũng "hợp lý", "có hiểu biết". Chưa kể về mặt kỹ thuật, Việt Nam và Trung Quốc chưa có Hiệp định Hoán đổi tiền tệ (Swap Agreement), giao dịch trực tiếp của tư nhân trong thương mại tại biên giới là phạm pháp, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ lắc đầu, Ngân hàng Nhà nước không thể đồng ý. Cứ theo nhận định của ông Thành thì đề nghị đó không thể chấp nhận vì gật đầu sẽ giúp "hệ thống ngân hàng Trung Quốc bùng nổ tại Việt Nam". Nếu tỷ trọng vốn của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam lớn hơn sẽ "tác động tiêu cực đến an ninh tài chính, an ninh tiền tệ của Việt Nam".
Chưa kể với tỷ trọng thương mại chiếm 10% xuất khẩu và 25% nhập khẩu, rổ dự trữ thanh toán sẽ phải giảm tỷ trọng Mỹ kim và thêm vào đó tỷ trọng Yuan – làm phức tạp hơn cho quản lý trong bối cảnh trình độ quản lý tiền tệ của Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra sẽ không bao giờ dẹp được giao dịch trực tiếp qua biên mậu, và theo đó, những vấn đề như nhập siêu, quản lý chất lượng hàng hóa sẽ không thể cải thiện được…
Ông Thành quả là chủ quan, mà chẳng phải chỉ có ông Thành… Ba năm đủ để phân tích, khuyến cáo, cảnh báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam, góp ý của doanh giới hóa… bùn. Tháng 1 năm nay, chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP "Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới". Đúng tám tháng sau, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN "Hướng dẫn về Quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc", theo đó, sử dụng Yuan để thanh toán trực tiếp cho các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và ủy thác thanh toán qua hệ thống ngân hàng sẽ có hiệu lực vào tháng tới.
Hai tuần trước Quốc khánh lần thứ 73 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam công khai báo động về khả năng biểu tình vào dịp 2 tháng 9. Song song với khuyến cáo được phát cho từng gia đình, lực lượng vũ trang rùng rùng chuyển động – nhanh chóng bày ra quyết tâm đè bẹp, trừng trị thẳng tay tất cả các hành động phản kháng ôn hòa. Đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi quốc gia thống nhất, Quốc khánh của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trôi qua trong tình trạng các lực lượng vũ trang" được đặt vào tình huống "sẵn sàng chiến đấu" trên toàn lãnh thổ.
Có một điểm mà tới giờ này, những người quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam vẫn chưa tìm được câu trả lời cho thắc mắc : Hệ thống công quyền Việt Nam dựa vào đâu để dự đoán sẽ có biểu tình trên diện rộng vào dịp Quốc khánh ? Nếu xem mạng xã hội là một thứ phong vũ biểu và so diễn biến trên mạng xã hội trong nửa đầu tháng 6 năm nay (thời điểm hệ thống chính trị Việt Nam thúc ép Quốc hội Việt Nam thông qua luật đặc khu) với nửa cuối tháng 8 vừa qua thì rõ ràng những dấu hiệu cho thấy khả năng bùng phát biểu tình, bạo động trên diện rộng vào dịp Quốc khánh rất mờ nhạt. Liệu chuỗi hành động báo động – quảng bá quyết tâm – biểu diễn năng lực trấn áp của hệ thống công quyền Việt Nam có liên quan đến Thông tư 19/2018/TT-NHNN không, khi "răn đe" vẫn được xem như một giải pháp hữu hiệu để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam ?
Cách nay ba năm rưỡi, đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam - từng làm dư luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc đã muốn thì Việt Nam phải chiều ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/09/2018
Chú thích
(4) https://www.diendan.org/viet-nam/thanh-toan-bang-nhan-dan-te-o-noi-dia-viet-nam
(5) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info
(6) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info
Vì sao ngày tựu trường mỗi này một nhạt dần ? (VNTB, 05/09/2018)
"Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều...". Hàng năm, những câu văn trong trẻo ấy của Lý Lan nhằm ngày khai giảng lại trào lên trong lòng mỗi học sinh. Do nhiều lý do, niềm hân hoan trong mùa tựu trường dấu yêu ấy mỗi ngày một nhạt dần.
Vì sao ngày tựu trường mỗi này một nhạt dần ?
Năm nay, từ tháng 8, nghĩa là trước ngày khai giảng (5 tháng 9) cỡ gần 1 tháng, làng học thuật Việt Nam lại xảy ra một câu chuyện ngán ngẩm. Ấy là Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn của nhiều người rồi tổng hợp lại thành một công trình duy nhất của mình đem đi nộp. Công trình ấy thậm chí còn đạo văn của một người trình độ sinh viên. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng (một trí thức lớn, thuộc ban biên tập báo Bauxite) là người đã tố cáo ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn không thể chối cãi. Dù có đau đớn mấy cho những người có học vị giáo sư-phó giáo sư thì cũng phải tỉa một chiếc lá đã hỏng để bảo tồn hàng nghìn chiếc lá xanh còn lại trên cái cây để cho chiếc cây ấy được sống.
Vẫn là chuyện của làng ngôn ngữ học, người ta cho làm sống dậy vụ đạo văn kinh điển của Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Phải nói rằng Trần Ngọc Thêm đạo văn ở trình độ cao hơn Nguyễn Đức Tồn, nhưng cây kim trong bọc thì cũng có ngày lòi ra. Một nhà thơ, đồng thời là nhà văn hóa tầm cỡ, ông Trần Mạnh Hảo chỉ ra những bằng chứng cho thấy Trần Ngọc Thêm đã đạo văn của nguyên lão nước Việt là triết gia-linh mục Lương Kim Định.
Cần lưu ý rằng Trần Ngọc Thêm có chân trong Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, tức là một hội đồng có quyền cho hay không cho một người được chức giáo sư. Thượng bất chính, hạ tắc loạn (cấp trên không công chính thì dưới trở thành bè lũ vô luật pháp). Vậy, nếu người có quyền ban chứng chỉ giáo sư còn là giáo sư rởm với những công trình rởm, thì người tiếp theo đệ đơn còn có chút vinh dự nào không, nếu đơn ấy được nhận ? Hay là , đem tất cả học hàm-học vị mà đốt đi, một giả thuyết không thể. Cho nên, tình trạng của nền học thuật Việt Nam đang tồi tệ hơn cả thời chưa có hệ thống trường đại học, tức là tình trạng thời phong kiến của triều đình Nguyễn. Đạo mất trước, nước mất sau.
Đó là chuyện ở bậc đào tạo đại học và sau đại học. Câu chuyện ở bậc dưới, trong nhà trường phổ thông thì còn tồi tệ hơn thế nữa. Hết chuyện hiệu trưởng hiệu phó trường này thu phí cắt cổ đối với học sinh nghèo( ở rất nhiều địa phương), lại đến chuyện thầy giáo dâm ô học sinh nam (câu chuyện đã xảy ra ở trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên). Trước một đống hổ lốn như thế, phụ huynh thì không biết có nên cho con đi học nữa hay không, rồi cuối cùng cũng phải cho đi học vì chẳng lẽ lại để ở nhà ? Còn học sinh, khi các em biết đọc sớm và đọc được những tệ nạn trong nền giáo dục hiện nay, liệu các em còn sự hồn nhiên trong sáng để đến trường nữa hay không ?
Từ thượng tuần tháng 8 năm nay, hầu hết các trường đã tổ chức dạy và học, để sau đó hai tuần mới tổ chức lễ khai giảng. Chuyện ngược đời này được ví như đưa một đoàn quân ra chiến trường đánh nhau một chặp, sau đó quay lại đại bản doanh để làm lễ ra quân, xong xuôi lại ra chiến trường đánh nhau chặp thứ hai. Thầy hiệu trưởng thì làm ra vẻ hào hứng để đánh trống khai giảng, cô hiệu phó thì làm ra vẻ xúc động đọc diễn văn đầu năm. Học sinh ngồi xếp hàng bên dưới thì cũng giơ là cờ cầm tay vẫy qua vẫy lại để giả vờ hào hứng để cho người lớn vui lòng. Tất cả cứ như là đang diễn để tỏ ra cho những người xung quanh thấy là mình đang bận rộn, trong khi thực ra họ chẳng làm nên một việc gì cho đến nơi đến chốn. Người hiểu chuyện thì lắc đầu ngán ngẩm cho sự học nước nhà đang mỗi ngày một nhạt.
Kiều Phong
*********************
Tiền Trung Quốc được lưu hành trên đất Việt : Ai hưởng lợi ? (Người Việt, 04/08/2018)
Hôm 28 tháng Tám năm 2018, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Cộng sản Việt Nam ban hành thông tư số 19/2018, có nội dung hướng dẫn việc "Quản lý ngoại hối" trong hoạt động thương mại tại biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, sẽ có hiệu lực từ ngày 12 tháng Mười, 2018 tới đây.
Đồng Nguyên (Yuan) hay Nhân Dân Tệ (CNY) sẽ được lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam. Trong hình là cảnh đếm tiền Trung Quốc tại ngân hàng Thượng Hải. Tờ 100 Nhân Dân Tệ đổi được 14,6 USD. (Hình : Getty Images)
Theo đó, "các thương nhân, cư dân có hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước, sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm đồng bạc Việt Nam hoặc ‘Nhân Dân Tệ’ và ngoại tệ tự do chuyển đổi…"
Tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại ban hành thông tư này, chỉ đơn thuần là về tài chánh tiền tệ hay vì mục đích chính trị ? Việt Nam hay Trung Quốc, ai có lợi trong việc này ?
Theo thông tin do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund) mới phổ biến, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam vào 2017, thay thế vị trí mà Mỹ chiếm giữ trong suốt 15 năm qua.
Hàng hóa của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc gồm than đá, than cốc, than bánh, trái cây, rau, dầu hỏa và các sản phẩm chế tạo từ dầu hỏa, nguyên liệu dệt sợi và vải, dụng cụ truyền thông và âm thanh, máy điện và vật gia dụng trong nhà, quặng kim loại và kim loại phế thải, bàn và gỗ, máy móc văn phòng và điều hành số liệu và giầy dép,…
Trả lời phỏng vấn của Nhật báo Người Việt, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói rằng "Về dài, kinh tế Việt Nam càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc".
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày bối cảnh là các nguyên nhân, rồi mới nói về hậu quả. Với ông, đây chỉ là một quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm bình thường hóa một điều bất thường – và bất lợi cho Việt Nam, ông nhấn mạnh.
Kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nhận định :
"Thuần về kinh doanh, nhiều người Việt giao dịch với Trung Quốc tại biên giới đã dùng đồng Nguyên của Trung Quốc trong trao đổi vì doanh lợi và tiện lợi, chứ không nghĩ xa hơn. Nhưng hiện tượng cục bộ đó thu hẹp và không có ý nghĩa chính trị cho tới khi nhà nước Việt Nam ban thông tư chính thức hóa việc lưu hành tiền Trung Quốc trên đất Việt".
Nói về bối cảnh sâu xa vì là nguyên do của tình trạng ông Nghĩa gọi là bất thường, ông nêu ra nhận định thuộc lãnh vực "vĩ mô" hay chánh sách quốc gia.
"Sách lược công nghiệp hóa Việt Nam của lãnh đạo Hà Nội có hại cho Việt Nam nhưng có lợi cho Trung Quốc. Lý do là qua chiến lược đó, Việt Nam tiếp nhận trang bị lỗi thời đã bị Trung Quốc đào thải vì hủy hoại môi sinh, Việt Nam lại còn nhận đầu tư của Trung Quốc vào các khu vực địa dư chiến lược cho an ninh quốc gia, và các dự án xây dựng hay năng lượng thiếu phẩm chất mà thừa tai họa".
Hàng hóa từ Trung Quốc chờ xuất cảng qua cửa khẩu Móng Cái của Việt Nam. (Hình : Getty Images)
Theo ông Nghĩa, giới lãnh đạo Hà Nội không thể không biết tình trạng bất cập đó từ nhiều năm qua để sửa sai nhưng vẫn tiếp tục vì mối quan hệ giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Nay Bắc Kinh thúc giục Hà Nội hợp thức hóa việc sử dụng đồng Nguyên tại Việt Nam vì một số tỉnh tiếp giáp Việt Nam cần hoàn tất việc xây dựng bảy "khu vực mậu biên" – là mậu dịch tại biên giới. Lý do nằm trong trận thương chiến vừa bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
"Bắc Kinh muốn tuồn hàng cho Việt Nam dán nhãn ‘Made in Vietnam’ để bán ra ngoài khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia thấy ra chính sách thương mại bất chính của Trung Quốc. Việc sử dụng tiền Tàu trên đất Việt sẽ giúp cho mục tiêu gian trá đó".
Được hỏi về hậu quả của quyết định này, ông Nghĩa nêu ra nhiều nhận xét.
"Thứ nhất, Việt Nam bị đẩy sâu hơn vào tình trạng lệ thuộc Trung Quốc đã quá nặng.
Thứ hai, Bắc Kinh thành công khi tạo ra hình ảnh Việt Nam là một đồng chí và bạn hàng số một trong Hiệp Hội ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á và cho thấy đồng Nguyên của họ trở thành một "ngoại tệ phổ biến" trong ngoặc kép.
Thứ ba, Trung Quốc có thể lũng đoạn hệ thống hối đoái hay ngoại hối của Việt Nam với khí cụ mới là đồng Nguyên do Bắc Kinh chứ không do thị trường tự do quyết định về trị giá. Thứ tư, thế giới bên ngoài không thể không biết chuyện đó vì báo chí quốc tế đã nói từ lâu, cho nên Việt Nam dễ bị các nước trừng phạt về mậu dịch khi bán hàng Tầu dưới nhãn Việt".
Khi được hỏi đánh giá thế nào về phản ứng của người dân Việt Nam về việc này, ông Nguyễn Xuân Nghĩa tỏ vẻ bi quan. Ông không nghĩ người dân Việt Nam sẽ phản ứng dữ dội, bởi nhiều người không biết chuyện đồng nhân dân tệ được lưu hành ở Việt Nam. Nếu biết, cũng không nhiều người dân dự đoán được việc này sẽ ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam, trừ khi báo chí phân tích rõ ràng sự lợi hại.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa kết luận rằng Hà Nội đã cân nhắc từ lâu và quyết định trôi sâu hơn vào vòng lệ thuộc Trung Quốc vì chính trị mới thực sự chi phối chính sách kinh tế.
Trúc Linh