"Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chủ yếu là Phật giáo và Công giáo, cũng như các tín ngưỡng đa dạng, phong phú, tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội - chính trị của Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng." Phát biểu này do Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đưa ra trong cuộc tiếp Đại sứ Jean Christophe Peaucelle, Cố vấn Bộ trưởng Châu Âu và Ngoại giao Pháp về các vấn đề tôn giáo ; hôm 04/7.
_ FB Người Thượng vì Công lý
Hai nhà quan sát về tự do tôn giáo và nhân quyền Việt Nam từ Pháp, ông Paramita Thành Đỗ, từ Đại học Phật giáo Linh Sơn Paris, và ông Menras André Marcel, cựu giáo chức, nhà làm phim tài liệu, đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do ý kiến bình luận về phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Paramita Thành Đỗ : Thật ra, những điều bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam phát biểu khi tiếp ông Jean Christophe Peaucelle, cố vấn Bộ trưởng Âu Châu về vấn đề Tôn giáo hôm 03/07/23 tại Hà nội rằng " Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do Tôn giáo và tín ngưỡng " theo tôi là không sai, nhưng hình như bà ấy chưa nói trọn vẹn và tôi xin giải thích ngay.
Câu trả lời của bà Thứ trưởng muốn được xem như trọn vẹn có thể phải nói rõ thêm là "Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền tự do Tôn giáo và tín ngưỡng theo định hướng xã hội chủ nghĩa", nghĩa là tự do trong khuôn khổ được ấn định thông qua sự quản lý của các Ủy ban Tôn giáo của đảng, chính phủ, và đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, một trong ba chân kiềng của chế độ là Đảng, Nhà nước và khối đoàn thể chính trị - xã hội nối dài – mà đây là Mặt trận Tổ quốc trong lĩnh vực liên quan này.
Menras André Marcel : Tôi cho rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam còn xa mới gọi là tạo điều kiện để cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng được thực thi mà không có hạn chế. Trải nghiệm cá nhân của tôi là những cuộc gặp gỡ ở vùng Tây Nguyên ở Việt Nam với những người dân Việt Nam là cư dân sắc tộc bản địa ở đó, đấy là những người có tín ngưỡng liên hệ với môi trường sống về mặt địa lý của họ, đặc biệt là với rừng, và họ đã bị bắt nạt bởi những cuộc tấn công văn hóa, kinh tế, chính trị, những hạn chế, bó buộc của công an, mà cuối cùng đã gây ra sự bùng nổ bạo lực ở những vùng đó, và tôi cũng gặp những người là giáo dân Công giáo Việt Nam, cá nhân tôi không phải là người theo Công giáo, nhưng tôi có những người bạn Công giáo, chẳng hạn như ở giáo phận tỉnh Hà Tĩnh, tôi đã được gặp Giám Mục Phalo Nguyễn Thái Hợp, Ngài đã giải thích với tôi rằng tất nhiên là có sự ‘tự do’ hành lễ, thờ phụng, nhưng tất cả những hoạt động ấy đều bị kiểm soát, theo dõi như những gì là nguy cơ có thể thoát khỏi sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, và nhà nước, Đảng Cộng sản ở Việt Nam do đó không hề có sự khoan dung, mà họ chỉ muốn độc quyền về tư tưởng và niềm tin. Do đó, không hề có việc tạo điều kiện thuận lợi thực sự cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng được thực hành.
Người dân đi lễ tại chùa Cầu Đông ở Hà Nội hôm 26/5/2021 (minh họa). AFP
RFA : Cũng vị Thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam tại buổi tiếp Đặc sứ, cố vấn của Chính phủ Pháp, được truyền thông Việt Nam trích lời, khẳng định "tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội - chính trị của Việt Nam", theo quý vị, tôn giáo nào ở Việt Nam có vai trò 'quan trọng' đó ?
Paramita Thành Đỗ : Theo tôi, trung thành và theo sát các phương cách đối phó với tôn giáo của Trung Quốc, Việt Nam cũng vậy, họ muốn quy hoạch, quản trị các hệ Tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo (hay đạo Islam), Đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo…, những ai từ chối sự can thiệp thô bạo của đảng cộng sản thì sẽ gặp các khó khăn với các quan chức địa phương và đôi khi còn bị vây hãm, khủng bố tinh thần, vật chất bởi cả những thế lực ‘xã hội đen’ mà nhà nước đứng nhìn không can thiệp như trường hợp ở Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng xảy ra với cố Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh.
Mặt khác, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước cưng chiều và cho phép thường thấy họ có các hoạt động đi lệch hướng các hoạt động tôn giáo truyền thống với mục đích là hạ thấp giá trị tôn giáo trong xã hội Việt Nam như truyền bá mê tín tệ hại, biến chùa chiền, nhà thờ thành các cơ sở kinh tài, Trung tâm du lịch tâm linh, kinh doanh cơ sở thờ phượng thu lợi cho quan chức địa phương.
Menras André Marcel : Để nêu nhận định về vấn đề này trong vài câu thì thật là khó, nhưng tôi thấy rằng các tôn giáo, như là Phật giáo, Công giáo, Tin lành v.v…, là đối tượng trong cuộc chiến nhằm tranh giành ảnh hưởng chính trị, bởi vì các chính quyền độc tài cho rằng tự do tôn giáo, tín ngưỡng là một hành vi mà có thể thoát ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền, và sự tự do ấy là một thứ quyền lực của các cá nhân và của các tôn giáo, cho nên người ta tìm mọi cách để kiểm soát. Thế nên đặc biệt như trường hợp của Việt Nam, chính quyền rất e ngại, không thích nguy cơ đó, và họ làm đủ mọi cách để kiểm soát, đồng thời đảng và chính quyền cộng sản cũng nỗ lực để có mặt khắp nơi trong các tổ chức tôn giáo, từ Phật giáo cho đến Công giáo v.v…
Nhưng họ dường như cho rằng Công giáo nguy hiểm hơn Phật giáo, nơi mà dường như họ có ít được hơn sự kiểm soát về mặt chính trị. Song mặt khác, tôi biết có những cán bộ, thậm chí những quan chức Cộng sản trung, cao có những niềm tin, tín ngưỡng mà họ tin vào những thế lực siêu nhiên, những thầy ngoại cảm, mà trong khía cạnh nào đó có thể bị một số người coi là ‘mê tín’, tin rằng những lực lượng siêu phàm ấy có thể giúp cho họ và gia đình của họ có thể tìm lại được hài cốt mất tích của những thành viên gia đình là liệt sỹ thuộc bên của chính quyền cộng sản mà đã thiệt mạng trong chiến tranh. Như thế, ngay với nhiều quan chức, cán bộ cộng sản, tín ngưỡng, tôn giáo vẫn là một thế giới linh thiêng, đầy tính chất cá nhân, mà khó ai có thể thoát khỏi, do đó đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng cũng có nghĩa là việc cố gắng cắt bỏ một phần tinh thần mà không thể tách rời của cá nhân trong xã hội, cộng đồng, đấy sẽ là một cuộc chiến bất khả chiến thắng, và Đảng Cộng sản theo tôi sẽ không bao giờ có thể xóa bỏ được trong đầu óc, tâm trí của mọi người tinh thần tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
RFA : Theo quý vị ở Việt Nam đã có tự do tôn giáo, tín ngưỡng thực sự chưa ? Có việc bắt bớ, tù đầy với những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, giáo sỹ, nhà tu hành, tín đồ v.v... hay không ? Hay đó chỉ là những người 'vi phạm pháp luật hình sự' thông thường, mà không có gì liên quan tới (quyền) tự do tôn giáo, tín ngưỡng ?
Paramita Thành Đỗ : Nếu nhìn theo hướng nhìn của Trung Quốc thì Việt Nam đã có tự do tôn giáo, một thứ tự do có định hướng, với các nhà chùa, nhà thờ được phép tổ chức lễ hội vui vẻ, ngay cả các hoạt động như chiêu hồn, cầu vong, Đạo Hồ Chí Minh ‘nhảy múa’, hoàn toàn ‘tự do’, các chức sắc sư sãi ‘quốc doanh’ được ra nước ngoài nhằm thực hiện nghị quyết 36 của đảng để thâu tóm các cơ sở tôn giáo của cộng đồng người Việt hải ngoại về tay đảng cộng sản.
Nhưng nếu chúng ta nhìn tự do tôn giáo theo nghĩa chính danh, nghĩa được hiểu theo Phương Tây là tự do không có định hướng và không bị nhà nước can thiệp thì Việt Nam là một nước mà tự do tín ngưỡng đang bị chà đạp thô bạo.
Chính quyền của đảng cộng sản loại bỏ, bỏ tù, bức hại cho những ai không theo họ, các chức sắc "cứng đầu" của mọi Tôn giáo đều có người vào tù nhiều năm. Đó chính là điều mà các tổ chức bảo vệ quyền tự do Tôn giáo muốn nói đến mà nhà nước Việt Nam không muốn nghe.
Menras André Marcel : Ngay tại Hà Tĩnh, tôi đã gặp gỡ rất nhiều gia đình nạn nhân của những thảm họa do phát triển công nghiệp với những quy mô quá đáng, gây ra những thảm họa như là thảm họa môi trường biển Formosa, tôi đã gặp gỡ nhiều thành viên gia đình, bạn bè của họ, và nhiều người bị theo dõi, bị hành hung, bị bắt giữ là những giáo dân Công giáo, nhiều người cho tôi biết rằng ngoài nguyên nhân những nạn nhân này và bè bạn của họ đấu tranh, họ chụp hình, họ đưa lên mạng, họ biểu tình v.v…, thì còn có một lý do, mà nhiều người cho rằng đó là họ là những thành viên của những cộng đồng Công giáo, một yếu tố mà có thể chính quyền của đảng cộng sản Việt Nam cảm thấy nguy hiểm vì hàm chứa những nguy cơ mà có thể thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền.
RFA : Quý vị đánh giá thế nào về sự theo dõi của Pháp nói riêng, và Liên Âu, phương Tây nói chung, về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, tác động đó nếu có thế nào, và có gì cần lưu ý, bổ sung, tăng cường hay không như một khuyến nghị thêm ?
Paramita Thành Đỗ : Phương Tây nói chung, Pháp nói riêng cũng biết rõ là chính phủ cộng sản Việt Nam, xưa nay, trước các câu hỏi về ba lãnh vực như : tự do tín ngưỡng, nhân quyền và tự do báo chí thì họ (chính quyền) đều lấp liếm, họ tránh né các câu hỏi trực tiếp và câu trả lời muôn đời vẫn là mỗi nước có đặc thù văn hóa, hoàn cảnh xã hội nên không thể dùng tiêu chuẩn Phương Tây để đánh giá các thành tựu của chính quyền cộng sản Việt Nam về các giá trị phổ quát này. Thế nhưng họ vẫn kiên trì, vẫn tạo áp lực và chỉ mong sao nhà cầm quyền Việt Nam dè dặt hơn, nương tay hơn như thể ‘vuốt mặt thì phải nể mũi’, chứ họ không mong gì Việt Nam có thay đổi hướng tiếp cận mang tính dân chủ khi Trung Quốc chưa thể khá hơn về phương diện này. Học trò Việt Nam không được phép qua mặt ông thầy Trung Quốc, theo góc nhìn của tôi.
Ảnh minh họa : một số hình ảnh về sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam năm 2022. RFA edited
‘Con ngựa thành Troy’ về tư tưởng và nội sợ của chính quyền
Menras André Marcel : Lịch sử, đặc biệt là lịch sử của Việt Nam, dạy chúng ta rằng tôn giáo thường đi trước và là cái cớ cho sự xuất hiện của súng ống. Các cường quốc nước ngoài đã sử dụng nó để mở rộng sự thống trị của họ. Và tôi hiểu chế độ cộng sản hiện nay sợ rằng tôn giáo sẽ can thiệp vào chế độ độc tài của nó như "con ngựa thành Troy" của một tư tưởng khác. Theo tôi, cần phải làm sao lưu ý với chính quyền Việt Nam rằng vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng không thể là một cái cớ để nhà nước, chính quyền can thiệp vào những vấn đề nội tâm của người dân, trái lại phải tạo điều kiện cho những người dân, những cá nhân được thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sự tự do, và vấn đề tự do này phải không được tách rời khỏi các quyền của con người, quyền dân sự, và tôi mong muốn vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng đó, khi chúng ta (phương Tây) đề cập, phải là thành tố hữu cơ, không tách rời của nhân quyền hơn là tự do tôn giáo tách biệt.
RFA : Có ý kiến nói rằng Phật giáo dường như đang trở thành một tôn giáo được ưa thích của chính quyền và đảng cộng sản tại Việt Nam, hay ít ra là với một bộ phận quan chức của chính quyền các cấp, có người còn đề cập từ ‘Quốc giáo’ của nhà nước VN, quý vị nghĩ gì về điều này, nếu điều đó là có cơ sở ?
Paramita Thành Đỗ : Những hiện tượng đầu tư vào các cơ sở tôn giáo thường được các quan chức chính quyền xem như sân sau của họ, nên ta thấy sự thất sủng của ông này bà kia kéo theo khó khăn của các sư thầy ‘quốc doanh’ của bên Phật giáo tại Việt nam. Ví dụ như sự ra đi hay thôi chức của một vài quan chức cấp cao trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước được cho là kéo theo các khó khăn về ‘thuế vụ’ và sự ‘rắc rối của sư thầy Thích Thái Trúc Minh ở chùa Ba Vàng, người được coi là 'sân sau' của một vài đương, cựu quan chức đảng, nhà nước, chính quyền cấp cao.
Đã có sự quản lý các cơ sở thờ phượng như một cơ sở kinh doanh mà sự kết nối với quan chức gốc to như một lá chắn cho sự tồn vong của cơ sở tôn giáo. Người dân cũng biết nhưng vì nhu cầu tâm linh, họ chọn giải pháp mũ ni che tai, không dám ăn nói để tránh phiền toái với các quan chức ở địa phương.
Menras André Marcel : Còn tôi đã bị sốc bởi những nhà tu hành Phật giáo ở Việt Nam thuộc các giáo hội, giáo đoàn được nhà nước thừa nhận, những người rất giàu sang, phú quý, có cuộc sống ‘tu hành’ hoàn toàn khác biệt so với tinh thần và đời sống của Đức Phật trước kia. Tôi cũng bị sốc vô cùng bởi những chùa chiền to lớn của nhiều ‘nhà tu hành’ thuộc giáo hội được nhà nước thừa nhận đó, những công trình tôn giáo chùa chiền đó của họ tốn hàng triệu, hàng chục triệu đô-la hay hơn thế để xây dựng, so với đời sống nghèo nàn, thống khổ của bao nhiêu người dân ở trong cộng đồng, xã hội, và ở ngay các vùng miền đó, thì một trời, một vực, và đã có biết bao nhiêu là trung tâm ‘Phật giáo’ như thế đã phát triển như những đại công ty kinh doanh tôn giáo, tín ngưỡng, kể cả lữ hành, du lịch quy mô siêu lớn để kiếm những khoản kinh phí, cúng dường… vô cùng quy mô để mà họ chi phí nội bộ với nhau… Do đó tôi không có bất cứ một sự kính trọng nào đối với những ‘tập đoàn’ tôn giáo mà được chính quyền thừa nhận đó như là những thế lực đầy ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị trong xã hội và trong đất nước ở Việt Nam.
Trên đây là ý kiến của hai nhà quan sát tự do tôn giáo và nhân quyền Việt Nam từ Pháp, chia sẻ với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng. Ông Thành Đỗ là nhà nghiên cứu và giảng dạy độc lập, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của đại học Phật giáo Linh Sơn tại Paris trong hơn 15 năm. Còn ông Menras André Marcel, người Pháp có song tịch Pháp – Việt, và còn được biết đến với tên trong tiếng Việt là Hồ Cương Quyết, là một nhà quan sát dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự và tôn giáo Việt Nam, ông là cựu giáo chức thuộc Bộ Giáo dục Pháp và là một nhà làm phim tài liệu độc lập.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 05/07/2023
Tham khảo :
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình gửi Quốc hội về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới
Hôm nay (16/05/2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố bản phúc trình hàng năm cho năm 2022 gửi Quốc hội về tình trạng tự do tôn giáo ở khoảng 200 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chính các cộng đồng bị bách hại ở Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho bản phúc trình
Ngoại trưởng Blinken khẳng định chủ trương của Hành Pháp Biden là lên tiếng và hành động mạnh mẽ để bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo cho mọi người ở mọi nơi. Chủ trương này được Hành pháp của Tổng thống Trump khởi xướng năm 2018.
Tiếp sau Ngoại trưởng Blinken, Đại sứ lưu động cho Tự do tôn giáo quốc tế Rashad Hussain trình bày khái quát nội dung của bản phúc trình. Ông cho biết là ngày càng nhiều quốc gia sát cánh với Hoa Kỳ trong nỗ lực đấu tranh cho tự do tôn giáo toàn cầu.
Trong phần báo cáo về Việt Nam, bản phúc trình nhận định là trong năm 2022 có sự cải thiện đối với các tổ chức tôn giáo nào được nhà nước công nhận ; trong khi đó, các cộng đồng và nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước tiếp tục đối mặt với hàng loạt sự vi phạm bởi chính quyền địa phương. Vì những vi phạm này, ngày 30 tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Blinken đã liệt Việt Nam vào Danh sách Theo dõi đặc biệt (Special Watch List-SWL).
Tình trạng vi phạm tự do tôn giáo được dẫn chứng thông qua nhiều hồ sơ như vụ đàn áp nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, chính sách xóa bỏ đạo Dương Văn Mình và Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, lệnh ép bỏ đạo nhắm vào các tín đồ Tin Lành người Hmong ở nhiều tỉnh miền Bắc và người Thương ở khu vực Tây Nguyên, lệnh tháo dỡ chùa Thiên Quang và Sơn Linh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, v.v.
Đại sứ Hussain ghi nhận các đóng góp quý báu và quan trọng của xã hội dân sự. Theo Ông, các nỗ lực từ phía chính quyền sẽ không đến đâu nếu không có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của nhiều thành phần trong xã hội dân sự.
Bản phúc trình nêu tên của tổ chức Boat People SOS (BPSOS) là nguồn đóng góp lượng thông tin đáng kể cho bản phúc trình.
"Chiếu theo các bản báo cáo của tổ chức NGO Boat People SOS, trong năm [2022] đã có ít ra 95 vụ vi phạm qua đó công an địa phương đã triệu tập, khảo tra, sách nhiễu hoặc đe dọa các tín đồ của các hội thánh không đăng ký Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Truyền Giảng Phúc Âm và Tin Lành Đề Ga", bản phúc trình viết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, tổng số vụ vi phạm do BPSOS báo cáo năm 2022 là gấp đôi con số này, bao gồm nhiều vụ ép bỏ đạo các tín đồ Tin Lành người Hmong, các vụ sách nhiễu và hiếp đáp tín đồ theo đạo Cao Đài gốc bởi thành viên của Chi Phái 1997, các đợt tấn công vào Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, việc ngăn cản hoặc đe dọa người trong nước để không tham gia các sự kiện quốc tế về tự do tôn giáo…
"Thực ra, chính các nhóm và các cộng đồng bị bách hại ở trong nước đã cung cấp thông tin cho các bản báo cáo này", Tiến sĩ Thắng giải thích.
Từ năm 2015 đến nay, BPSOS đã huấn luyện khoảng 2 nghìn thành viên của trên 200 nhóm và cộng đồng tôn giáo như vậy cách thu thập và phối kiểm thông tin cho các bản báo cáo vi phạm. Từ đó đến nay, gần 500 bản báo cáo, bao gồm hàng nghìn vụ vi phạm, đã được chuyển đến Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và nhiều định chế nhân quyền quốc tế.
"Bản phúc trình nêu khá nhiều vụ vi phạm tiêu biểu nhằm minh họa các hình thức đàn áp tôn giáo ở Việt Nam", Tiến sĩ Thắng nhận định. "Tuy nhiên, bản phúc trình có 2 khiếm khuyết đáng kể".
Theo ông, bản phúc trình có nói về hiện tượng một số tổ chức tôn giáo được phép hoạt động đã bị nhà nước biến thành công cụ trấn áp những nhóm tôn giáo độc lập, nhưng chưa đầy đủ.
Trong phần nói về Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, bản phúc trình cho biết cụ Lê Tùng Vân và 5 đệ tử bị xử án tù vì bị các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do nhà nước dựng lên năm 1981, cáo buộc đã xúc phạm một chức sắc của họ là ông Thích Nhật Từ và đã diễn giải sai Phật pháp. Tương tự, trong phần nói về đạo Cao Đài, bản phúc trình cho biết là người của Chi Phái Cao Đài 1997 do nhà nước dựng lên năm 1997 đã sách nhiễu các tín đồ theo đạo Cao Đài gốc với sự bảo kê của chính quyền địa phương.
"Trong thực tế tình trạng này phổ biến và nghiêm trọng hơn nhiều", Tiến sĩ Thắng giải thích. "Mục tiêu của chúng tôi năm nay là đưa tình trạng này ra ánh sáng, bắt đầu với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam".
Ngoài ra, tình trạng đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các lãnh đạo tôn giáo và những người đấu tranh cho tự do tôn giáo hiện đang ở ngoài Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong năm 2022. Theo Tiến sĩ Thắng, bản phúc trình hoàn toàn bỏ ngỏ vấn đề nghiêm trọng này.
"Tạo sự quan tâm quốc tế về vấn đề này cũng là trọng tâm ưu tiên của BPSOS trong năm nay", Tiến sĩ Thắng nói.
Tiến sĩ Thắng ở trong số 10 người đại diện các tổ chức xã hội dân sự được mời hiện diện tại buổi công bố bản phúc trình năm 2022 ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm nay.
Đúng 2 tuần trước đó, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã công bố bản phúc trình hàng năm của họ, qua đó đề nghị Bộ Ngoại giao đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern-CPC) vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống và tiếp diễn. Một phái đoàn của cơ quan này đang có mặt ở Việt Nam để thị sát tình trạng của các nhóm và tổ chức tôn giáo bị bách hại cũng như tiếp xúc các cơ quan hữu trách của chính quyền Việt Nam.
Thông tin liên quan :
Đọc bản phúc trình (tiếng Anh)
Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế : Việt Nam xứng đáng vào danh sách CPC
Tình trạng đàn áp tôn giáo Việt Nam được đưa đến Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế 2023
Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế (International Religious Freedom Summit, viết tắt IRF) 2023 được tổ chức lần thứ 3 tại Washington DC vào ngày 31/1–1/2/2023. Đây là sự kiện hàng đầu thế giới về tự do tôn giáo, bao gồm giới chức đại diện Liên minh quốc tế Tự do tôn giáo hay Niềm tin (hiện có 45 quốc gia tham gia), đại diện của mang lưới hơn 300 nhà lập pháp cho tự do tôn giáo ở 90 quốc gia, thành phần lãnh đạo của mạng lưới hơn môt nghìn các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo toàn cầu, dại diện cao cấp của trăm tổ chức tôn giáo và tổ chức quần chúng.
Đây chính là cơ hội để lên tiếng thay cho những cá nhân bị bức hại không thể lên tiếng, là cách góp phần cụ thể để bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt Nam
Mục đích của Hội nghị, như ghi trên website của IRF "Tạo ra một liên minh mạnh mẽ gồm các tổ chức hoạt động cùng nhau vì mục tiêu tự do tôn giáo trên toàn thế giới. Nâng cao nhận thức cộng đồng và sức mạnh chính trị cho phong trào tự do tôn giáo quốc tế".
Trong tổng số 1000 tham dự viên, đoàn người Việt xấp xỉ 50 người, có thể nói là một trong những phái đoàn thuộc loại đông nhất, đa dạng nhất, với sự có mặt của nhiều thành viên thuộc các tổ chức tôn giáo lớn cho tới nhiều nhóm tôn giáo độc lập khác nhau, dưới sự tổ chức của BPSOS (Boat People SOS) – một tổ chức xã hội dân sự chuyên hoạt động trong các lĩnh vực nhân quyền.
BPSOS cũng là thành viên chỉ đạo và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế từ năm 2021 cho đến nay.
Chúng tôi đã phỏng vấn từ xa một vài vị tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế lần này, đó là Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, hiện đang sống và làm việc tại Roma, Ý ; Mục sư Tin lành A Ga, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, hiện đang sống và làm việc tại North Carolina, Hoa Kỳ và quyền Chánh trị sự Bùi Văn Quan, hiện đang phục vụ tại Thánh thất Cao đài Tây Ninh Mountain View, Texas, Hoa Kỳ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế lần này, Hòa thượng Thích Trí Tuệ và Linh Mục Nguyễn Văn Khải sẽ lên tiếng cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Linh mục Phê rô Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là một diễn giả tại IRF Summit 2023
Hòa thượng Thích Trí Tuệ là viên chủ của 5 ngôi chùa ở Virgina, North Carolina và California. Hòa thượng cũng là đương kim Chủ tịch Hội đồng điều hành Tổng hội Phật giáo Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và Phó Chủ tịch Giáo hội Tăng già Phật giáo thế giới. Tiếc là Hòa thượng bị bận nên không thể trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Trả lời câu hỏi tại Hội nghị lần này ông sẽ nói về vấn đề gì và tại sao lại chọn chủ đề đó, Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải nói : "Tôi sẽ nói về thực trạng vi phạm nhân quyền, đặc biệt là vi phạm tự do tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam- trường hợp Giáo hội Công giáo. Tôi cũng đề cập đến các nạn nhân bị nhà cầm quyền đàn áp, cô lập, loại trừ, bắt bớ, giam cầm, điển hình là trường hợp anh Nguyễn Văn Hóa, một Kitô hữu ngoan đạo, một công dân có trách nhiệm, một chiến sĩ bảo vệ môi trường đã bị nhà cầm quyền bắt giam và kết án 7 năm tù".
Những vị khác, dù không có bài phát biểu chính thức tại cuộc họp khoáng đại, nhưng đều có những bài phát biểu tại phòng họp dành riêng cho đoàn người Việt hoặc đều có những vấn đề cấp thiết cần phải trình bày trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các dân biểu, nghị sĩ, giới chức của chính phủ Hoa Kỳ. Mục sư A Ga sẽ đề cập đến vấn đề Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên bị đàn áp nặng nề. Còn Quyền Chánh Trị sự Bùi Văn Quan thì cho biết : "Lần nầy tôi sẽ phát biểu với chủ đề Cao đài quốc doanh âm mưu chiếm dụng chủ quyền "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ". Việc nầy rất quan trọng đối với Cao đài 1926".
Kiểm soát, đàn áp tôn giáo là một chủ trương, chính sách xuyên suốt của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam bao nhiêu năm qua, chỉ những tổ chức tôn giáo nào nằm trong sự kiểm soát, khống chế của đảng và nhà nước thì được phép hoạt động, ví dụ như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), Giáo hội Công giáo (quản lý tại Việt Nam bởi Hội đồng Giám mục Việt Nam), một số Hội thánh Cao đài, Giáo hội Phật giáo Hòa hảo, v.v. Còn lại mọi tổ chức tôn giáo khác đều bị đàn áp, ngay cả những nhóm nhỏ như đạo Dương Văn Mình, Ân đàn Đại đạo – một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền Miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975, hay một nhóm tu tại gia như Thiền am bên bờ Vũ trụ…
Nhưng ngay cả một tổ chức tôn giáo lớn và lâu đời như Công giáo, là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Roma, với số giáo dân trên 7,2 triệu người (2022) thì mâu thuẫn, xung đột giữa Chính quyền và Công giáo vẫn diễn ra thường xuyên, với những vụ đàn áp đẫm máu.
Vắn tắt về "hồ sơ" đàn áp Công giáo ở Việt Nam trong bao nhiêu năm qua, Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải cho biết : "Công giáo Việt Nam bị đàn áp dã man, tàn bạo, thâm độc từ khi cộng sản lên nắm quyền. Đó là một câu chuyện dài. Tôi chỉ kể một số vụ đàn áp điển hình từ đầu năm 2007 đến nay, tức là ngay sau khi chính phủ Hoa Kỳ loại Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo vào cuối năm 2006.
Đó là các vụ đàn áp và/hoặc cướp đất tại Đồng Đinh, Đồng Chiêm, Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Con Cuông, Tam Tòa, Loan Lý, Bầu Sen, Mỹ Dụ, Mỹ Yên, Đông Yên, Đak-mot, Thủ Thiêm, Bình Thuận, Dòng Phaolo Hà Nội, Dòng Phaolo Vĩnh Long, Đan viện Thiên An, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm v.v.
Nếu ai theo dõi tình hình tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng thì thấy trong những thập niên trước đó, chẳng hạn trong giai đoạn 1987 đến năm 2007 hoàn toàn không có những vụ việc tương tự. Đấy là giai đoạn Hoa Kỳ còn cấm vận Việt Nam và còn xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo và còn có những biện pháp chế tài đi kèm.
Trong số các vụ trên đây, theo tôi điển hình nhất là các vụ Thái Hà-Tòa Khâm Sứ và vụ Đông Yên, tức là vụ Formosa. Hai vụ này để lại nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài đối với môi trường, đối với đời sống của giáo dân, đặc biệt là đối với mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước. Vụ Đan viện Thiên An ở Huế cũng kéo dài và có nhiều bạo lực với nhiều tu sĩ bị đánh đập, trong đó có cha Bề trên Đan viện (Cha Antôn Nguyễn Huyền Đức) đã bị đầu độc và đã qua đời.
Còn vụ cha Trần Ngọc Thanh ở giáo xứ Đắc-Mốt Kon tum bị chém chết tháng 2/2022, ngay khi vụ việc xảy ra người ta đã đoán trước được rằng trước sau gì công an cũng sẽ kết luận kẻ thủ ác bị tâm thần. Kết cục sau gần một năm điều tra công an đã tuyên bố như vậy ! Điều đáng tiếc là ngay ở giáo phận Kontum, trước đó vài tháng cũng đã từng có một kẻ thủ ác vác dao đâm trọng thương cha Trần Văn Truyền và kẻ này cũng được Công an tuyên bố là bị tâm thần ! Nhưng người dân địa phương biết rõ kẻ thủ ác hành động theo sự kích động của công an địa phương với lý do thù ghét tôn giáo".
Trả lời về các vụ việc đàn áp nào đáng nêu lên nhất đối với đạo Cao đài, Chánh trị sự Bùi Văn Quan nói về "Bản án Cao đài" : "Năm 1978, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh đề xuất Bản án Cao đài cáo buộc những vị lãnh đạo cao cấp có công lập Đạo ban đầu, là phản quốc, làm tay sai cho Pháp, Anh, Mỹ, Nhật. Chủ yếu gây bất tín nhiệm của hơn 5 triệu tín đồ với những vị lãnh đạo.
Căn cứ vào bản án, họ bắt Chức sắc, Chức việc Ban trị sự và nhiều tín đồ đi tù cải tạo tư tưởng. Họ khủng bố tinh thần, đánh đập. Họ ra Nghị quyết 142 tịch thu các cơ sở thờ phượng và tài sản của đạo. Giải thể Hội thánh, đuổi Chức sắc hiến thân hành đạo về gia đình. Họ đưa cán bộ vào làm việc và quyết định mọi sự thăng cấp, trước hết phải qua sự chấp thuận của Đảng cộng sản Việt Nam. Đại hội nhơn sanh và đại hội Hội thánh đều có mặt cán bộ theo dõi v.v.
Vì vậy những môn đệ Cao đài phải kiên trì vận động đấu tranh với Chánh phủ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia yêu chuộng tự do nhân quyền và tín ngưỡng tôn giáo.
Thứ hai là việc vận động tranh đấu chống âm mưu Nghị quyết 36 tôn giáo vận, âm mưu chiếm chủ quyền căn cước danh xưng "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" của Đại Đạo.
Năm 2014, Cao đài quốc doanh hải ngoại, đăng ký với Bộ Thương mại Hoa Kỳ làm chủ quyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Năm 2015, Cơ quan quản lý bằng phát minh và thương hiệu thược Bộ Thương mại Hoa Kỳ cấp phép tâm cho Cao đài quốc doanh.
Chúng tôi và BPSOS phát hiện âm mưu này nên làm đơn khiếu nại với Bộ Thương mại Hoa Kỳ, và kết quả thành công. Bộ Thương mại đã hủy bỏ sự cầu chứng bất hợp pháp của tổ chức này. Nếu họ thành công chủ quyền danh xưng của Đại Đạo, thì trên thế giới không ai được quyền sử dụng, nếu không chấp nhận theo họ. Như vậy họ sẽ lảm chủ Đại Đạo trên toàn thế giới".
Mục sư A Ga, người thành lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở Tây Nguyên kể từ khi Hội thánh được thành lập, anh em trong nước chưa bao giờ yên ổn. Bản thân Mục sư A Ga vì bị đàn áp phải rời khỏi Việt Nam sang tỵ nạn tại Thái Lan năm 2013, nhưng năm 2017 công an Việt Nam phối hợp với công an Thái Lan đã bắt Mục sư và gia đình đưa về trại giam giữ để chuẩn bị trục xuất hồi hương, may mà có sự can thiệp vận động quốc tế nên sau khi ở trại 70 ngày, Mục sư và gia đình đã được đưa sang Philippines 6 tháng rồi ngày 25/9/2018 được đưa sang định cư tại Hoa Kỳ. Nhưng nhiều người khác thì không được may mắn như vậy.
Cho đến nay Hội thánh Tin lành Đấng Christ có khoảng 1.000 người ở 4 tỉnh là Gia Lai, Kontum, Dak Lak, Lâm Đồng, họ thường xuyên bị xách nhiễu, bắt bớ. Mọi cuộc tụ họp, tổ chức lễ Giáng sinh chỉ cần treo biểu ngữ tên Hội thánh Tin lành Đấng Christ là công an, lực lượng cảnh sát cơ động các kiểu ập đến tháo dỡ, phạt, bắt giam. Gần đây nhất chính quyền đã ngăn chặn không cho một số tín đồ đi dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á ở Bali, Indonesia. Như ông Y Sĩ Êban, một tín đồ đạo Tin lành ở Đăk Lăk, bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất cấm lên máy bay đi Indonesia vào ngày 6/11/2022. Sau đó họ đưa ông về Dak Lak, công an Dak Lak giam giữ 2 ngày, thẩm vấn, tra tấn, thu giữ hộ chiếu, thẻ căn cước, điện thoại, tiền… tới nay cũng không trả. Hay ông Nay Y Blang, một tín đổ đạo Tin lành ở Phú Yên trên đường vào Sài Gòn ngày 29/9/2022 để gặp phái đoàn Hoa Kỳ liền bị chặn lại, thẩm vấn, phạt tiền, khi ông không có tiền thì công an ban ngành từ xã tới huyện, cảnh sát cơ động ập tới nhà lục soát, lấy xe gắn máy của ông mang đi… Có những người như mục sư Y Nuen Ayun, người Ê đê ở Dak Lak bị tra tấn dã man suốt 9 ngày, có người như Mục sư A Đảo tỉnh Kon Tum, sau khi dự một hội nghị về tự do tôn giáo ở Đông Timor năm 2016 về thì bị bắt giam, kết án 5 năm tù. Sau khi được thả ra cuộc sống của ông cũng không được yên ổn, gia đình tan nát, ông bị buộc phải từ bỏ niềm tin tôn giáo, không được trở lại với Hội thánh Tin lành Đấng Christ hay liên lạc với các tổ chức nhân quyền bên ngoài, nếu không sẽ bị bắt tù lâu hơn, và vì quá sợ hãi ông đã làm theo…
Mục sư A Ga cũng thẳng thắn nhận xét, theo ông, đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số thường bị đàn áp mạnh hơn vì đa số đồng bào ít hiểu biết về luật pháp Việt Nam, luật quốc tế, về quyền con người nên khi Nhà nước gán tội cho họ thế nào thì họ chỉ biết như vậy.
Trong tháng 12/2022 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt (Special Watch List-SWL) vì những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo.
Cả ba người, từ Linh mục Nguyễn Văn Khải, Mục sư A Ga, quyền Chánh trị sự Bùi Văn Quan đều cho rằng Việt Nam lẽ ra phải bị đưa vào danh sách quan ngại đặc biệt (Countries of Particular Concern-CPC) và phải bị trừng phạt vì những chủ trương, chính sách đàn áp tôn giáo có hệ thống, xuyên suốt bao nhiêu năm. (Trước đây Việt Nam đã từng bị đưa vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo rồi lại được rút ra).
Linh mục Nguyễn Văn Khải nói : "Một cách hiển nhiên theo tôi thấy, từ cuối năm 2006 khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo và hủy bỏ các biện pháp chế tài về kinh tế, thương mại và chính trị, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các tôn giáo và gia tăng cướp bóc người dân. Thực tế cho thấy Hoa Kỳ và các nước Tây Phương càng nhượng bộ, thì cộng sản Việt Nam càng lấn tới. Thực tế cho thấy các biện pháp chế tài của Tây Phương đã làm cho cộng sản chùn tay đàn áp các tôn giáo. Một điều ai cũng thấy là những năm 1987 đến 2007 hầu như không nổ ra các vụ đàn áp các cộng đồng tôn giáo một cách hệ thống và thực tế cũng cho thấy trong 20 năm kia số tù nhân lương tâm bị bắt giam còn ít hơn nhiều số người bị bắt trong mấy năm gần đây. Tôi tiếc là các chính phủ Tây Phương quá nhân nhượng với Việt Nam và không còn đặt nặng vấn đề nhân quyền như là yếu tố tiên quyết trong quan hệ với Việt Nam".
Trả lời câu hỏi các linh mục, giáo dân trong và ngoài nước, các tổ chức nhân quyền cần phải làm gì để buộc nhà nước độc tài Việt Nam phải có những thay đổi cụ thể, rõ ràng hơn Linh mục Nguyễn Văn Khải : "Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam gắn liền với với đề dân chủ và dân quyền. Đấy không phải chỉ là chuyện của các linh mục và giáo dân công giáo. Đấy không phải là chuyện riêng của bất cứ tôn giáo nào. Đấy là chuyện của mọi người, mọi tổ chức, mọi tôn giáo ở Việt Nam.
Nếu mỗi công dân và mỗi tín đồ của các tôn giáo ở Việt Nam không ý thức về quyền và phẩm giá của mình mà trong đó quyền tự do tôn giáo là căn bản đồng thời gắng sức tranh đấu để bảo vệ những giá trị ấy thì bản thân mình sẽ mất đi cơ may sống đúng tư cách con người, còn tôn giáo của mình sẽ bị tha hóa và biến chất để trở thành một công cụ thống trị của bạo quyền mà thôi!
Chúng ta cũng cần ý thức rằng vấn đề dân chủ và quyền con người ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu. Cả thế giới sẽ không thực sự có hòa bình nếu còn một quốc gia độc tài và đàn áp dân lành. Vì vậy các tổ chức nhân quyền và nhất là các chính phủ dân chủ phải dấn thân hơn nữa. Trong lãnh vực này, tiếng nói và các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ có trọng lượng nhất. Nếu Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt những vi phạm nhân quyền của Việt Nam thì tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền sẽ được cải thiện ít nhiều.
Quyền Chánh trị sự Bùi Văn Quân : "Việt Nam được đưa vào thành viên Liên Hiệp Quốc, mục đích là khuyến khích Việt Nam nên thay đổi chế độ từ từ, nhưng họ vẫn ngoan cố. Đã đến lúc Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Hoa Kỳ, và các nước trên thế giới phải dùng Công pháp để trị. Nếu họ vẫn không thi hành, không thay đổi chánh sách, thì chế tài, đưa họ vào danh sách CPC".
Và đây chỉ là 3 đại diện trong số hàng chục tổ chức, nhóm tôn giáo của Việt Nam có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế 2023, và tổ chức, nhóm tôn giáo nào cũng có cả một "hồ sơ" dày để nói về quá trình đàn áp của nhà nước độc tài Việt Nam.
Những người đến tham dự Hội nghị lần này sẽ có cơ hội để tham gia vào những sự kiện, như Hội thảo về ngôn ngữ hận thù và kích động bạo lực ở Việt Nam, họp báo về tù nhân lương tâm tôn giáo Việt Nam, Hội thoại về tự do tôn giáo và tinh thần liên thông đa tôn giáo ở Việt Nam, trình bày về sự toa rập giữa chế độ cộng sản và công ty tư bản trong vụ nhiễm độc môi sinh ở 4 tỉnh trung phần năm 2016, tham gia Lễ cầu nguyện đa tôn giáo cho công lý và hòa bình v.v. Nhất là có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với các giới chức Hoa Kỳ, các lãnh đạo tôn giáo quốc tế đế đưa ra những vấn đề cụ thể về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
Đối với mỗi người đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế, họ đều ý thức đây chính là cơ hội để lên tiếng thay cho những cá nhân bị bức hại không thể lên tiếng, là cách góp phần cụ thể để bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Song Chi
Đàn áp tôn giáo ở Việt Nam được nêu tại Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế 2023
RFA, 01/02/2023
Vụ án Thiền am bên bờ Vũ trụ, các tín đồ Công giáo bị bắt vì phản đối Formosa hay Chính quyền "quốc doanh hóa" các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam là những vấn đề được giới hoạt động Việt Nam nêu ra tại Hội nghị Tự do tôn giáo Quốc tế 2023 (IRF Summit 2023).
Linh mục Nguyễn Văn Khải phát biểu về Tự do Tôn giáo Việt Nam tại Hội nghị IRF - RFA
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam bị đàn áp ra sao ?
"Chính quyền Việt Nam không tôn trọng sự thật và công lý. Rất nhiều các tín đồ Công giáo của chúng tôi đã bị bỏ tù. Đa phần trong số (họ) sống ở phía bắc, trong vụ Formosa năm 2016.
Rất nhiều tín đồ Công giáo sinh sống ở đó tìm kiếm công lý nhưng bị bắt và kết án nhiều năm trời, như Lê Đình Lượng, Nguyễn Năng Tĩnh hay Nguyễn Văn Hoá… cùng với khoảng hơn 60 tù nhân lương tâm khác đang bị giam giữ ở đất nước chúng tôi…"
Đó là lời phát biểu của Linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Khải, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, tại một phiên họp nằm trong khuôn khổ của IRF Summit 2023, được tổ chức vào hai ngày 31/1 và 1/2/2023 tại Washington DC, thủ đô Hoa Kỳ, với sự tham dự của hàng chục chức sắc, các nhà hoạt động và tổ chức quốc tế đấu tranh cho Tự do Tôn giáo.
Vị Linh mục hiện đang học tập và làm việc tại Roma nói thêm với RFA bên lề hội nghị :
"Tôi muốn nói cho quốc tế biết rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang vi phạm tự do tôn giáo.
Trước đây, họ (Chính quyền Việt Nam - PV) tìm cách tiêu diệt các tôn giáo, thế nhưng họ đã thất bại.
Vậy thì bây giờ, họ dùng các chính sách khác. Họ dựng nên các giáo hội quốc doanh, đặt người của họ vào trong ban lãnh đạo của các giáo hội.
Những giáo hội nào mà họ không thành công trong việc quốc doanh hóa thì họ sẽ đàn áp, khủng bố các chức sắc tôn giáo và họ sẽ tìm cách giải tán các giáo hội đó".
Linh mục Khải cũng cho biết Chính quyền đang can thiệp một cách quyết liệt và thô bạo vào nội bộ Giáo hội. Họ mua chuộc, đe dọa, gài bẫy các chức sắc tôn giáo để qua đó kiểm soát, khống chế các tín đồ Công giáo. Ông nói tiếp :
"Có sự can thiệp rất quyết liệt, mạnh mẽ và trơ trẽn của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền đã gửi hẳn các văn bản đến cho các bề trên và yêu cầu buộc các linh mục phải im tiếng.
Tôi còn được đọc một văn bản gửi đến cho một vị giám mục để yêu cầu một linh mục phải im tiếng và chuyển linh mục đó đi nơi khác. Hơn nữa là buộc linh mục đó phải thôi hết các chức vụ, nhưng mà vị giám mục đó đã không làm theo lời của chính quyền thì tôi thấy rằng vị giám mục đó khôn ngoan".
Cũng tại hội nghị, Bà Tanya, một người đấu tranh cho Tự do tôn giáo, mang câu chuyện "chưa có hồi kết" liên quan đến các thành viên của cơ sở tu tại gia đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam cầm tù - Thiềm am bên bờ Vũ hay còn có tên Tịnh thất Bồng Lai.
Bà Tanya, nói vụ việc xảy ra ở Thiền am bên bờ Vũ trụ, Chính quyền Việt Nam không chỉ vi phạm quyền tự do tôn giáo, mà còn vi phạm cả quyền trẻ em, quyền của người lớn tuổi… :
"Tại sao tôi phải đem cái chuyện này ra thế giới ? Vì họ (các thành viên của Thiền am - PV) đại diện cho những người lớn tuổi, đại diện cho những trẻ em, những người phụ nữ.
Họ rất nổi tiếng. Bất cứ một đạo nào tu tại gia thì Chính phủ, công an không kiểm soát được, mà sau lưng Thiền am thì lại được cả triệu người yêu thích. Các quốc gia Cộng sản như Việt Nam không cho phép chuyện này được xảy ra".
Tìm sự "lên tiếng" của quốc tế
Bà Đinh Ngọc Tuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị BPSOS, chia sẻ rằng mỗi năm, phái đoàn Việt Nam cố gắng, bền bỉ tham gia vào Hội nghị Tự do Tôn giáo Quốc tế với mục đích là để cho cộng đồng quốc tế không quên vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với các tổ chức, chính phủ các nước tạo áp lực để Chính quyền Việt Nam buộc phải tôn trọng các hoạt động của các tổ chức tôn giáo độc lập. Bà Tuyết nói tiếp :
"Vận động cho Tự do tôn giáo là một con đường lâu dài. Sự nỗ lực của mình có thể chưa thấy được kết quả ngắn hạn, nhưng về tương lai lâu dài thì sẽ có.
Chẳng hạn như trong những năm mà mình bền bỉ vận động thì Chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua những dự luật như Magnitsky, để chế tài những người đàn áp tự do nhân quyền tại Việt Nam".
Đến với Hội nghị lần này, bà Tuyết nhấn mạnh, ngoài vận động cho Việt Nam, bà còn muốn kết nối, hợp tác làm việc với nhiều tổ chức hoạt động về tôn giáo quốc tế. Từ đó, thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.
Có 70 tổ chức tham dự hội nghị năm nay, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng và giới chức lãnh đạo quốc tế như Chủ tịch Quốc hội Đài loan, Thủ tướng Cộng hoà Slovakia, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, lãnh đạo khối thiểu số trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, và nhiều lãnh đạo của các giáo hội khắp thế giới.
Đoàn Việt Nam có gần 30 nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam và hải ngoại tham gia hội nghị. Mục tiêu của họ là tiếp tục nêu lên những vấn đề vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền Việt Nam và trên hết là nỗ lực cho thế giới biết ở Việt Nam có tự do tôn giáo thực sự hay không…
RFA, 01/02/2023
RFA, 06/06/2022
Với dự thảo nghị định mới nếu được thông qua thì các tổ chức tôn giáo sẽ bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng nếu vi phạm.
Ảnh chụp màn hình video
Cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam hôm 3 tháng 6 đăng tải thông tin Bộ Nội vụ nước này đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân về dự thảo của một nghị định mới.
Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là văn bản quy phạm pháp luật mới nhất trong lĩnh vực tôn giáo ở Việt Nam, hiện đang trong quá trình xây dựng.
Đúng như tên gọi, nghị định này được tạo ra nhằm cho phép nhà nước xứ phạt hành chính (phạt tiền), đối với các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực tôn giáo nhằm cụ thể hóa Luật Tín ngưỡng Tôn giáo ban hành năm 2016.
Theo nội dung của nghị định này thì rất nhiều hành vi được thực hiện ở cả mức độ cá nhân, lẫn tổ chức đều có thể bị cho là vi phạm hành chính, và có thể bị xử phạt.
Một điều đáng lưu tâm nữa đó là nhiều điều khoản của nghị định này có nội dung không rõ ràng, và khó định nghĩa.
Đơn cử, điều 6 của văn bản này quy định một cá nhân có thể bị phạt ba triệu đồng nếu "lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc dưới mọi hình thức" đường lối của nhà nước.
Hoạt động của các tổ chức tôn giáo cũng bị kiểm soát gắt gao, từ việc đăng ký hoạt động, tấn phong và điều chuyển chức sắc, tổ chức đào tạo, cho đến cử người đi học ở nước ngoài đều phải được sự đồng ý của nhà nước.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do dưới điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, một luật sư nhân quyền ở Việt Nam bình luận về bản dự thảo nghị định trên như sau :
"Nội dung của dự thảo của Nghị định có rất nhiều nội dung mơ hồ chưa được định nghĩa, cụ thể, hành vi nào lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ; hành vi nào trục lợi ; hành vi nào là hành vi chia rẽ dân tộc ; hành vi nào là xâm hại đạo đức xã hội ?
Việc để ngỏ các định nghĩa trên sẽ khiến cho người thực thi công vụ tuỳ ý diễn giải, xử phạt người dân một cách tuỳ tiện mang tính áp đặt".
Ngoài ra, vị luật sư này cũng bình luận về quy định yêu cầu các tôn giáo phải đăng ký thì mới được phép hoạt động, và các quy định can thiệp vào hoạt động nội bộ của các tổ chức tôn giáo :
"Việc quy định sinh hoạt tôn giáo phải đăng ký chính quyền sẽ dẫn tới tình trạng xin cho, gây khó khăn cho việc thực hành quyền tự do tôn giáo.
Còn việc tổ chức, phong phẩm, suy cử chức sắc trong tôn giáo vốn dĩ là hoạt động nội bộ của mỗi tôn giáo, chính quyền lại nhúng tay vào can thiệp là thể hiện sự lạm quyền, xâm phạm quyền tự do tôn giáo".
Sau cùng, luật sư này cho rằng chính quyền Việt Nam "đang muốn bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo, và muốn các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo chỉ được hoạt động theo ý muốn của nhà cầm quyền", thông qua việc ban hành nghị định mới.
Dự thảo Nghị định cũng giao thẩm quyền xử phạt cho cấp thấp nhất là chiến sĩ công an, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, thanh tra viên trong lĩnh vực tôn giáo hay Ban Tôn giáo Chính phủ.
Chúng tôi cũng phỏng vấn ông Lê Quang Hiển, Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý và là thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, một tổ chức của các tôn giáo độc lập không được Nhà nước công nhận.
Ông cho rằng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo này được đưa ra để nhắm đến các tôn giáo độc lập, không chịu sự quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên ông Hiển cũng cho biết là sẽ không tuân thủ các quy định mà ông cho là mang tính đàn áp này :
"Các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam, cũng như là đối với các tôn giáo độc lập không theo hệ thống quốc doanh của nhà nước, thì dù nhà nước cho ra (luật-PV) như thế nào nhưng mà chúng tôi là người có niềm tin tôn giáo, chúng tôi không tuân thủ những gì mà nhà nước nói.
Chúng tôi chỉ làm theo lẽ phải và lương tâm của mình thôi, theo cái đức tin của mình, từ hồi trước tới bây giờ.
Chúng tôi bất chấp tất cả, dù nhà nước muốn đối xử như thế nào cũng được. Nếu mà nhà nước đối xử quá nghiệt ngã thì thế giới sẽ thấy rằng nước Việt Nam không có tự do tôn giáo, những gì nhà nước nói hoàn toàn không đúng sự thật, không tự do tôn giáo, không nhân quyền gì hết".
Chính quyền Việt Nam đến nay vẫn bị cáo buộc là có các chính sách đàn áp tôn giáo.
Ủy Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) hồi tháng 2 năm nay là năm thứ 15 liên tiếp đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì những vi phạm một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo.
Hôm 2 tháng 6, trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhân dịp công bố phúc trình tự do tôn giáo năm 2021, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo độc lập.
Nguồn : RFA, 06/06/2022
***********************
Linh mục Đinh Hữu Thoại, RFA, 06/06/2022
Hôm 2 tháng 6 vừa qua, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo thường niên Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, trong đó Việt Nam được nhắc đến là một quốc gia mà luật pháp cho phép chính phủ siết chặt việc kiểm soát các hoạt động tôn giáo dù quyền tự do tôn giáo và niềm tin được Hiến pháp bảo đảm.
Facebook Hứa Phi
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn một số chức sắc tôn giáo về báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong phần nói về Việt Nam để thông tin cho bạn đọc về vấn đề thực hành tôn giáo ở mảnh đất hình chữ S.
Linh mục Đinh Hữu Thoại thuộc Dòng Chúa Cứu thế cho biết :
"Đúng như bản báo cáo đã nhận định : ‘Hiến pháp nước này (Việt Nam) qui định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng trong khi đó Luật Tín ngưỡng-Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.’
Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo 2016 hiện hành kiểm soát đáng kể tôn giáo. Cụ thể khi đăng ký hay thay đổi nơi sinh hoạt tôn giáo tập trung, chúng tôi gặp rắc rối ở khái niệm ‘Tổ chức Tôn giáo.’ Trong quy định nó đòi phải có ‘văn bản chấp thuận của tổ chức tôn giáo’ mà định nghĩa về tổ chức tôn giáo thì mỗi nơi mỗi kiểu.
Có nơi thì coi Giáo hội Công giáo Việt Nam là tổ chức tôn giáo. Có nơi xem giáo xứ là tổ chức tôn giáo hay ít là ‘tổ chức tôn giáo trực thuộc’ thì họ coi việc đăng ký hay thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thuộc thẩm quyền của linh mục chánh xứ. Còn nếu họ cứng nhắc, chỉ xem giáo phận mới là tổ chức tôn giáo, thì họ đòi văn bản của Đức Giám mục, cho dù vị này ở tận Toà Giám mục chứ không ở tại địa phương.
Riêng đối với những tổ chức/nhóm tôn giáo không đăng ký hay không được đăng ký thì còn bị gây khó dễ nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, Cao Đài Chân truyền hay các nhóm Tin lành không chấp nhận sự can thiệp của nhà cầm quyền đều bị bách hại trong mọi sinh hoạt tôn giáo của họ".
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc đến việc nhà nước Việt Nam từ chối trả lại những bệnh viện, phòng khám, trường học mà chính quyền địa phương lấy từ Giáo hội Công giáo nhiều năm trước đây. Khi được hỏi về việc này, linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết :
"Giáo hội Công giáo và các Dòng tu tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trưng thu, chiếm dụng, mượn nhưng không trả hàng trăm cơ sở là các tu viện, trường học, nhà thương, trại mồ côi … từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 ở miền Nam.
Các chủ sở hữu của các cơ sở này liên tục yêu cầu trả lại theo lẽ công bằng và theo luật pháp văn minh, nhưng con số các cơ sở được trả lại rất ít.
Có một nghịch lý đang diễn ra hiện nay, đó là nhà cầm quyền tự cho mình cái quyền cấp đất cho các cơ sở tôn giáo, dù đất đó do chính các tôn giáo bỏ tiền ra mua, nhưng phải làm thủ tục trả lại quyền sử dụng đất, sau đó nhà nước cấp đất đó cho tôn giáo.
Nhưng tại sao nhà nước lại không dùng quyền của họ để lấy lại các cơ sở tôn giáo bị trưng dụng trả lại cho chủ sở hữu, mà cứ để vấn đề này kéo dài chưa biết lúc nào kết thúc".
Theo linh mục Dòng Chúa Cứu thế này thì báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn thiếu khi không đề cập đến vấn đề tự do đi lại của nhiều chức sắc tôn giáo. Ông nói :
"…Một số chức sắc tôn giáo, trong đó có bản thân tôi, bị cấm xuất cảnh trái pháp luật. Các chức sắc này không hề được pháp luật bảo vệ mà ngang nhiên bị công an tuỳ tiện ra quyết định cấm xuất cảnh không có thời hạn.
Bản thân tôi bị cấm xuất cảnh từ năm 2010 tới nay, tức gần 12 năm mà không hề có dấu hiệu họ trả lại hộ chiếu cùng với quyền tự do đi lại của tôi".
Ông Hứa Phi, Chánh trị sự Cao Đài Chân truyền, cho biết ông bị tịch thu hộ chiếu từ năm 2014 và vẫn chưa được cấp lại, khiến ông không thể ra nước ngoài để tham dự hội nghị tự do tôn giáo khu vực Đông Nam Á.
Ông nói những nhóm tôn giáo độc lập đều bị chính phủ Việt Nam hạn chế về quyền thực hành tự do tôn giáo, và chính phủ yêu cầu phải đăng ký mới được tự do hành đạo. Các nhóm tôn giáo đều có lịch sử lâu đời, nhưng vẫn bị chính quyền gây khó khăn trong việc hành đạo.
Ông cho biết nhiều tổ chức tôn giáo và người theo đạo bị bách hại trong những ngày lễ của tôn giáo đó, và công an địa phương luôn theo dõi sát sao việc di chuyển của ông trong những ngày lễ của đạo Cao Đài, khiến ông không thể tự do đi thực hiện việc hành đạo ở một số địa phương trong nước.
Thêm nữa, ông Hứa Phi và nhiều chức sắc của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam bị ngăn cản trong việc tiếp xúc với phái đoàn ngoại giao nước ngoài khi họ đến tìm hiểu về tự do tôn giáo ở khu vực.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ đại diện của Đại Sứ quán nước này ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự ở thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên nêu quan ngại về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam với các quan chức chính phủ Hà Nội vả đảng Cộng sản Việt Nam.
Linh mục Đinh Hữu Thoại cũng cho biết, cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia văn minh cần sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép lên nhà nước Việt Nam để buộc Hà Nội phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo.
Chúng tôi gửi email đến Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ với đề nghị bình luận của hai cơ quan này về báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng không được trả lời ngay.
Nguồn : RFA, 06/06/2022
**********************
VOA, 03/06/2022
Phát biểu khi công bố báo cáo tự do tôn giáo 2021 hôm 2/6/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo độc lập.
Hôm 2/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam 2021 trong đó ghi nhận sự sách nhiễu liên tục của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo độc lập và các nhóm không được nhà nước công nhận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu với sự hiện diện của Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain.
"Ở Việt Nam, chính quyền sách nhiễu các thành viên của các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký".
Báo cáo viết về Việt Nam cóđoạn : "Trong suốt năm qua, chính quyền Việt Nam không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào".
"Một số thành viên của một số nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng một số chính quyền địa phương và chính quyền tỉnh đã sử dụng việc không tuân thủ các thủ tục đăng ký bắt buộc để trì hoãn, gây khó khăn vàđàn áp các hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính quyền đối với vai trò lãnh đạo của các chức sắc, giảng dạy giáo lý, và các hoạt động khác", báo cáo viết.
Báo cáo cũng ghi nhận việc chính quyền đã"điều động" các thành viên thuộc các nhóm tôn giáo được công nhận gây ra các vụ hỗn chiến nhằm trấn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến vụ chính quyền ở Tuyên Quang bắt giam 56 tín đồđạo Dương Văn Mình vào tháng 12/2021 khi các tín đồ tụ tập cho tang lễ của nhà sáng lập đạo này mà lý do chính quyền đưa ra là họđã"tụ tập đông người", "vi phạm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19".
Báo cáo cũng đề cập vụ 21 tín hữu Tin lành ởĐăk Lăk bị câu lưu từ ngày 16-18/7 hay 3 chức sắc Cao Đài độc lập ở Tiền Giang bị câu lưu và thẩm vấn hàng giờ vào tháng 9 vì các hoạt động tôn giáo của họ.
Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về báo cáo mới này của phía Hoa Kỳ.
Trước đó, Hà Nội nói rằng các báo cáo của Hoa Kỳ"đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".
Ngoại trưởng Mỹ lên án chính quyền Việt Nam sách nhiễu tín đồ tôn giáo thuộc nhóm chưa đăng ký
Youtube, VOA, 03/06/2022
Phát biểu khi công bố báo cáo tự do tôn giáo 2021 hôm 2/6/2022, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo độc lập.
Hôm 2/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam 2021 trong đó ghi nhận sự sách nhiễu liên tục của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo độc lập và các nhóm không được nhà nước công nhận.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu với sự hiện diện của Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Rashad Hussain. "Ở Việt Nam, chính quyền sách nhiễu các thành viên của các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký".
Báo cáo viết về Việt Nam có đoạn : "Trong suốt năm qua, chính quyền Việt Nam không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào".
"Một số thành viên của một số nhóm tôn giáo tiếp tục báo cáo rằng một số chính quyền địa phương và chính quyền tỉnh đã sử dụng việc không tuân thủ các thủ tục đăng ký bắt buộc để trì hoãn, gây khó khăn và đàn áp các hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính quyền đối với vai trò lãnh đạo của các chức sắc, giảng dạy giáo lý, và các hoạt động khác", báo cáo viết.
Báo cáo cũng ghi nhận việc chính quyền đã "điều động" các thành viên thuộc các nhóm tôn giáo được công nhận gây ra các vụ hỗn chiến nhằm trấn áp hoạt động của các nhóm chưa đăng ký.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến vụ chính quyền ở Tuyên Quang bắt giam 56 tín đồ đạo Dương Văn Mình vào tháng 12/2021 khi các tín đồ tụ tập cho tang lễ của nhà sáng lập đạo này mà lý do chính quyền đưa ra là họ đã "tụ tập đông người", "vi phạm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19". Báo cáo cũng đề cập vụ 21 tín hữu Tin lành ở Đăk Lăk bị câu lưu từ ngày 16-18/7 hay 3 chức sắc Cao Đài độc lập ở Tiền Giang bị câu lưu và thẩm vấn hàng giờ vào tháng 9 vì các hoạt động tôn giáo của họ. Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về báo cáo mới này của phía Hoa Kỳ. Trước đó, Hà Nội nói rằng các báo cáo của Hoa Kỳ "đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam". ---
*******************
VOA, 03/06/2022
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích luật pháp Việt Nam đang cho phép Chính phủ siết chặt việc kiểm soát các hoạt động tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng dù các quyền này được Hiến pháp đảm bảo.
AFP
Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 2/6 nêu rõ Hiến pháp nước này qui định mọi cá nhân đều có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng; trong khi đó Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo lại cho phép Chính phủ Hà Nội quyền kiểm soát đáng kể đối với các thực hành tôn giáo theo những điều khoản mơ hồ với lý do an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu ra những vụ việc cụ thể tại những địa phương khác nhau liên quan tình hình tôn giáo- tín ngưỡng ở Việt Nam trong năm qua.
Đơn cử, vào tháng 12 năm ngoái, giới chức ở tỉnh Tuyên Quang bắt giữ ít nhất 56 người H’mong theo đạo Dương Văn Mình khi họ đến dự tang lễ của người sáng lập với cùng tên.
Hồi tháng 9/2021, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang triệu tập các chức sắc Cạo Đài không theo phái Nhà nước để thẩm vấn họ về hoạt động thực hành tín ngưỡng.
Vào ngày 16/7/2021, Công an tỉnh Đắk Lắk ở Tây Nguyên bắt giữ ít nhất 21 người. Số này thuộc hai giáo phái Tin Lành lâu nay bị chính quyền nhắm đến. Trước khi bị bắt họ có tham gia khóa huấn luyện về xã hội dân sự do một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ hướng dẫn.
Từ tháng sáu đến tháng 10/2021, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà nước tường trình việc cơ quan chức năng và nhóm do Nhà nước lập nên đã nại lý do cần xây chùa mới ủng hộ việc phá An Hòa Tự đã 100 năm tuổi, thay vì trùng tu lại. Đây là một trong những ngôi của do Đức Huỳnh Phú Sổ sáng lập đạo xây dựng nên.
Báo cáo dẫn tường trình của tổ chức BPSOS cho thấy trong năm 2021, Công an tại Phú Yên và Đắk Lắk đã thẩm vấn ít nhất 30 người thuộc các giáo phái Tin Lành chưa được cho đăng ký.
Các nhóm Tin Lành và giáo hội Công giáo tiếp tục cho biết những giới hạn và mơ hồ về pháp lý đối với các cơ sở y tế, giáo dục do các tôn giáo vận hành khác hẳn những tuyên bố của chính phủ rằng Nhà nước hoan nghênh sự tham gia của các nhóm tôn giáo vào lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện.
Đại diện giáo hội Công giáo cho biết Chính phủ từ chối trả lại những bệnh viện, phòng khám, trường học bị trưng thu vào những năm 1945 và 1975.
Báo cáo nêu rõ đại diện của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên nêu quan ngại về quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam với các quan chức chính phủ Hà Nội vả đảng cộng sản Việt Nam.
Đại diện phía Hoa Kỳ nhấn mạnh sự thiết yếu của tiến bộ về các quyền tự do tôn giáo và nhân quyền của Hà Nội trong việc tăng tiến mối quan hệ song phương Mỹ- Việt.
Báo cáo tự do tôn giáo 2022 của Ủy ban tự do tôn giáo Hoa Kỳ công bố hôm 25/4 cho thấy giới chức chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các cộng đồng tôn giáo độc lập.
Để có cái nhìn kỹ hơn về tự do tôn giáo ở Việt Nam, chúng tôi mời quý vị theo dõi buổi hội luận sau với các khách mời : Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng – Tổng Giám đốc BPSOS, Vũ Quốc Dụng – Giám đốc điều hành tổ chức VETO (Mạng Lưới của Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền), bà H'Biap Krong, nhà hoạt động nhân quyền, người có kinh nghiệm theo dõi tình hình tự do tôn giáo của các cộng đồng Tây Nguyên, ông Trần Minh Nhật nhà hoạt động người công giáo.
Đài Á Châu Tự Do RFA trụ sở tại thủ đô Washington Hoa Kỳ, cung cấp thông tin đa dạng, chính xác, trung thực về các vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội, đời sống tại Việt Nam và trên Thế Giới.
Trường Sơn thực hiện
Nguồn : RFA, 04/05/2022
Cứ mỗi lần có quốc tế hay Hoa Kỳ chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo của dân thì Tuyên giáo đảng lại ra lệnh cho báo, đài phản bác và kết án các cá nhân hay tổ chức chỉ trích Việt Nam đã xuyên tạc, bịa đặt và có âm mưu chống đảng và nhân dân Việt Nam.
Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thể hiện qua các lễ hội - Lễ hội Quan Thế Âm - Ngũ Hành Sơn - Non Nước Thành phố Đà Nẵng - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, càng chống chế thì càng bị hạch tội te tua và bị vạch mặt chỉ tên nhiều hơn, vì những gì nhà nước phủ nhận thì lại đúng trong thực tế.
Quyền và phản quyền
Trước hết, quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam đã được quy định ở điều 70 trong Hiến pháp năm 2013 như sau :
- "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
- Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước".
Nếu cứ thi hành đúng theo Hiến pháp thì làm gì có chuyện quốc tế và Hoa Kỳ phải mất công theo dõi và lên tiếng chỉ trích Việt Nam từ năm này qua năm khác ?
Các tôn giáo ở Việt Nam cũng chẳng phải lên tiếng đòi được tự do hành đạo. Giản dị là như vậy, không cần phải đôi co để gây sự với nhau. Nhưng tại sao mâu thuẫn vẫn kéo dài giữa Nhà nước và các tôn giáo ?
Bởi vì Hiến pháp thì viết một đường mà khi thi hành thì Nhà nước lại bịa ra luật để ngồi lên Hiến pháp với những điều khoản cho phép Nhà nước hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt người theo đạo, đồng thời can thiệp vào việc đều hành nội bộ và bổ nhiệm các chức sắc trong đạo.
Vì vậy, trong Báo cáo năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã viết : "Pháp luật quy định sự kiểm soát đáng kể của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo và có những quy định mập mờ cho phép hạn chế tự do tôn giáo vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội".
Bằng chứng là : "Luật Tín ngưỡng - tôn giáo, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2018, vẫn duy trì một quy trình đăng ký và công nhận các nhóm tôn giáo gồm nhiều bước. Các chức sắc tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm chưa được công nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cho biết chính quyền có nhiều hình thức sách nhiễu – bao gồm việc hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, hạn chế đi lại, thu giữ hoặc hủy hoại tài sản – và từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và/hoặc các yêu cầu xin phép khác. Vào tháng 8, Rah Lan Hip bị tuyên phạt 7 năm tù sau khi bị kết tội "phá hoại chính sách đoàn kết" khi ông này khích lệ các tín đồ đạo Tin lành Đề Ga người dân tộc thiểu số chống lại việc chính quyền gây sức ép buộc họ bỏ đạo".
Báo cáo cũng cho biết ở Việt Nam : "Tiếp tục có các báo cáo về tình trạng các tín đồ tôn giáo bị nhà chức trách sách nhiễu ở Tây Nguyên, đặc biệt là thành viên Hội thánh Tin lành đấng Christ, và ở Tây Bắc đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo và Công giáo La Mã người H’mong, cũng như đối với các nhóm Công giáo và Tin lành ở các tỉnh Nghệ An và Tuyên Quang. Các tín đồ tôn giáo cho biết nhà chức trách địa phương hoặc cấp tỉnh thực hiện phần lớn các vụ sách nhiễu. Nhìn chung, thành viên của các nhóm đã được công nhận hoặc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký có thể hoạt động tôn giáo mà ít bị chính quyền can thiệp hơn, mặc dù một số nhóm đã được công nhận, trong đó có Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sinh hoạt tập trung ở một số tỉnh, bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang và Hòa Bình".
Trong khi : "Các nhóm khác đang làm thủ tục xin đăng ký chính thức, bao gồm Hội thánh Tin lành Trưởng lão liên hiệp và Liên hữu Tin Lành Baptist Việt Nam, cũng cho biết họ gặp khó khăn trong sinh hoạt tập trung ở một số tỉnh. Thành viên các nhóm tôn giáo nói rằng một số chính quyền địa phương và cấp tỉnh sử dụng hệ thống các quy định pháp lý của địa phương và trung ương để trì hoãn, phủ nhận tính hợp pháp và trấn áp hoạt động tôn giáo của các nhóm chống lại sự quản lý chặt chẽ của chính phủ về cơ cấu lãnh đạo, chương trình đào tạo, các cuộc hội họp và các hoạt động khác của họ".
Nhà nước phản ứng
Để phản bác chỉ trích của Bộ Ngoại giao Mỹ và các tôn giáo, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phê bình báo cáo "vẫn còn một số đánh giá không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam" (Tin Bộ Ngoại giao, ngày 4/7/2019).
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói : "Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân".
Bà Hằng khoe với báo chí ở Hà Nội : "95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số ; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự".
Bà còn nói : "Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đối thoại với Hoa Kỳ trong vấn đề này để thu hẹp khác biệt, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích nhân dân hai nước".
Trước đó, vào ngày 29/4/2019, Ủy hội Quốc tế Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo Thế giới cũng đã công bố báo cáo tự do tôn giáo, đánh giá Việt Nam vẫn là một nước thiếu tự do tôn giáo và cần phải được đưa trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC (Country of Particular Concern) . Nên biết, nếu bị cho vào CPC, Việt Nam sẽ bị trừng phạt về kinh tế, kể cả bị ngăn cấm không được hưởng quy chế ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF, International Money Fund).
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từng đưa Việt Nam vào CPC trước khi rút Việt Nam khỏi danh sách vào năm 2006, vì Hà Nội đã điều chỉnh chính sách.
Cái loa quân đội
Phụ họa với Bộ Ngoại giao Việt Nam, báo Quân đội nhân dân viết : "Thực tế hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cho thấy rõ ràng chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam là : Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân ; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, cũng như các nước khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân" (Quân đội nhân dân, ngày 30/11/2020).
Việt như thế rõ ràng báo Quân đội nhân dân đã vu khống các tôn giáo, nhất là các tôn giáo không chịu để cho Nhà nước kiểm soát hay gây khó khăn cho tín đồ. Cần nói rõ không có bất cứ tôn giáo nào ở Việt Nam đã "phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác", vì những việc làm này đi ngược lại với tín lý của mỗi tôn giáo.
Bằng chứng chỉ có nhà nước đã chủ động chống các tôn giáo khi các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng hay có hành động chống đàn áp của Nhà nước. Nhà nước đã phạt tù, biệt cư, hay quản chế nhiều tu sĩ thuộc các tôn giáo từ thập niên 1970 đến nay.
Những tu sĩ Phật giáo bị tù nổi tiếng như 2 tăng thống Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, học giả Thích Tuệ Sỹ ; 2 linh mục Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi của Công giáo ; và một số mục sư Tin lành, tu sĩ của Cao Đài, Hòa Hảo, hay các lãnh đạo tôn giáo của đồng bào các sắc tộc bị khống chế, gây khó khăn khi hành đạo là những nhân chứng sống của chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Từ Ấn Quang đến Formosa
Tiêu biểu cho chính sách đàn áp không chối cãi được là Đảng đã bức tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Phật giáo Ấn Quang), từ sau ngày 30/4/1975, cho đến ngày Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ qua đời ngày 22/2/2020.
Lý do Giáo hội này bị cho vào sổ đen, bị kiểm soát và bị ngăn cấm hoạt động vì các tu sĩ lãnh đạo nhất quyết không giải thể để gia nhập tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Nhà nước.
Đối với Giáo hội Công giáo, tuy chỉ có trên 7 triệu tín đồ trong tổng số ngót 100 triệu dân, nhưng vì có liên hệ trực thuộc với Tòa thánh Vatican, lãnh đạo bởi vị Giáo hoàng, nên có ảnh hưởng lớn trong các sinh hoạt đạo và đời.
Vì vậy, khi xảy ra biến cố công ty Formosa Hà Tĩnh xả chất thải hóa học bất hợp pháp làm chết cá, hủy hoại môi trường sinh thái biển trên diện tích rộng dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung, từ tháng 4 năm 2016, thì Giám mục địa phận Vinh, khi ấy là Nguyễn Thái Hợp đã đứng lên tranh đấu đòi Formosa phải bồi thường đầy đủ cho dân. Hoạt động quốc tế nổi bật nhất của Ngài là khi ông đơn phương vận động quốc tế kiện Công ty Formosa Đài Loan để đòi công lý cho dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Về sau có thêm Nghệ An vì chất độc đã lan tới phá hủy sinh thái làm nhiều gia đình làm nghề nước mắm lâm cảnh đói nghèo.
Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp tại đại bản doanh của Formosa ở Đài Loan để bày tỏ thái độ thay mặt cho người dân Việt (03/08/2017). Courtesy of Pham Quang Long FB
Phái đoàn của Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã sang tận Đài Loan điều tra và đi Châu Âu và Hoa Kỳ vận động chống Formosa, trong khi phía Nhà nước Việt Nam không hề có hành động buộc tội Formosa. Chủ sơ hữu của Formosa Hà Tĩnh, có tên chính thức là Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Ha Tinh Steel Corporation - FHS), chi nhánh của Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan đã bồi thường 500 triệu đô la, một khoản tiền nhỏ nhoi như muối bỏ biển so với thiệt hại lâu dài của dân.
Tuy nhiên những thiệt hại vô lường của hàng triệu dân miền Trung đã không được Nhà nước hỗ trợ đòi Formosa đền bù thêm cho dân. Ngược lại, Đảng cộng sản Việt Nam đã có nhiều hành động bất hợp tác với nhóm Giám mục Nguyễn Thái Hợp, vì Formosa Hà Tĩnh là chi nhánh của Tập đoàn Nhựa Formosa Đài Loan được Nhà nước Việt Nam dành cho nhiều đặc quyền mà những công ty Việt Nam và nước ngoài khác không có.
Nhà nước cộng sản Việt Nam cũng không muốn các nhà khoa học và chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam điều tra thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Ngược lại chỉ sau một ít cuộc điều tra và thử nghiệm nước, bởi các chuyên gia trong nước, theo tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam nhưng chưa hề được quốc tế công nhận, Chính phủ đã vội vã tuyên bố "nước biển an toàn".
Tuy nhiên, người dân không tin và vẫn sợ đi đánh bắt hay ăn hải sản trong một thời gian dài. Nhiều nơi, phần đông cư dân công giáo thuộc Giáo phận Vinh đã biểu tình đòi Formosa bồi thường nhiều hơn, kể cả cho những nạn nhận phụ thuộc vào nghề biển như buôn bán, chuyển vận, v.v.
Nhưng Nhà nước lại coi những cuộc biểu tình hay mít tinh hòa bình và công chính này là nhằm chống Đảng, chống Nhà nước do các thế lực thù địch xúi bẩy. Công an và lực lượng an ninh, dân phòng đã được nhà nước sử dụng chống các cuộc tập hợp biểu tình, hội thảo đòi công lý.
Bằng chứng đã được Bách khoa Toàn thư mở (Wikipedia) ghi lại : "Ngày 13 tháng 5 năm 2016, Giám mục Nguyễn Thái Hợp viết thư chung nói về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung, trong đó kêu gọi người Công giáo có trách nhiệm với quê hương, đất nước và các thế hệ tương lai bằng các hành động thiết thực như : không phá hoại môi trường, không sản xuất thực phẩm, nên chôn cất, không trao đổi, giao dịch cá chết, hợp tác tìm ra thủ phạm vụ việc, giúp đỡ những nạn nhân đang lâm cảnh khó khăn... Thư này cũng cho rằng các nhà chức trách đã tránh né công bố nguyên nhân và thủ phạm hơn một tháng".
Phản ứng trước "thư chung", đài Truyền hình Việt Nam (VTV), theo Wikipedia, đã : "Đánh giá thư chung của Giám mục Nguyễn Thái Hợp : "Giám mục Vinh đã ra bản Thư Chung diễn tả sự việc một cách thiếu khách quan, thổi phồng gây hoang mang và dùng những lời lẽ kích động giáo dân".
Và theo nhận định của VTV, Thư Chung của Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp là một trong những "Bình luận mang tính quy kết, suy đoán một chiều về nguyên nhân sự cố, dẫn dắt dư luận theo hướng nguyên nhân đã rõ, chính quyền đang tìm cách bao che. Đây là thủ đoạn hướng lái dư luận biến sự cố ngoài ý muốn trở thành cái cớ chống phá, công kích chính quyền…".
Vào ngày 22/12/2018, Tòa thánh Vatican tách Giáo phận Vinh làm hai, thành lập Địa phận mới tại Hà Tĩnh và bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Thái Hợp làm Giám mục tiên khởi. Cho đến nay, sau 5 năm tranh đấu, vụ kiện Formosa vẫn chưa có kết quả như trông đợi vì thiếu hợp tác của Nhà nước Việt Nam.
Do đó, vụ Formosa Hà Tĩnh là một bằng chứng khác cho thấy Nhà nước đã không đứng về phía dân để giúp đòi Formosa bồi thường. Trong trường hợp này, đa phần nạn nhân là con chiên của hai Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh.
Trong thời gian thảm họa, tất cả báo, đài nhà nước, do Tuyên giáo chỉ đạo cũng không dám điều tra, viết bài bênh vực quyền lợi cho dân. Ngược lại báo, đài địa phương, đặc biệt của Công an Nghệ An, và tại các địa bàn bị ô nhiễm, đã chỉ trích các cuộc đấu tranh đòi Formosa bồi thường công bằng do các linh mục Công giáo chủ động là gây rối, làm xáo trộn đời sống của người dân.
Khoe cái mã ngoài
Trong thời gian có khủng hoảng Formosa, việc hành đạo của nhiều giáo dân đã bị ảnh hưởng do hậu quả của thảm họa môi trường gây ra. Nhiều bà con ở xa nơi thờ phượng đã bị sa sút kinh tế và không có phương tiện đi lễ, tập hợp đọc kinh như khi chưa xẩy ra vụ Formosa.
Đại diện Hội đồng Liên tôn Mỹ gốc Việt gặp phái đoàn Bộ Ngoại giao Mỹ tại Santa Ana, California, ngày 26/03/2019 để trình bày hiện trạng sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam và yêu cầu Hoa Kỳ giúp đòi tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam
Vậy mà báo Quân đội nhân dân vẫn muối mặt để khoe : "Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo… Cụ thể, chức sắc và tín đồ thuộc các tôn giáo đều được tự do sinh hoạt, tự do thực hành các lễ nghi tôn giáo, biểu hiện đức tin, được tạo điều kiện tốt nhất để mở mang cơ sở vật chất, tu sửa nơi thờ tự và mở mang, phát triển quan hệ giao lưu quốc tế... Số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam cũng không ngừng gia tăng trong những năm gần đây" (Quân đội nhân dân, ngày 30/11/2020).
Bài viết tiếp tục phản bác những cáo buộc Việt Nam không có tự do tôn giáo của các chính phủ phương Tây và của các tổ chức tôn giáo quốc tế. Báo Quân đội nhân dân nói rằng : "Trong các báo cáo tự do tôn giáo của một số nước lại đề cập đến Việt Nam với những thông tin sai lệch, vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền "tự do tôn giáo" của người dân. Họ cho rằng Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều tôn giáo, thậm chí có hành động đàn áp một số tín đồ tôn giáo. Bên cạnh đó, còn một bộ phận nhỏ chức sắc, tín đồ của một số tôn giáo cho rằng họ không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ; rêu rao rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, Nhà nước Việt Nam xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của giáo hội"…
Báo của Bộ Quốc phòng Việt Nam kết luận : "Thực chất đây không chỉ là những nhận thức sai lệch, mà xuất phát từ âm mưu, mục đích chính trị, nhằm lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta và chính quyền các cấp… Ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam".
Vậy đâu là sự thật ?
Trước hết, theo Hội đồng Liên tôn trong nước thì "Tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam gia tăng nghiêm trọng".
Đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam gặp Tổng Lãnh sự Canada và Hoa Kỳ tại chùa Giác Hoa ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn ngày 19/03/2018
Hội đồng này, gồm đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (khuynh hướng Ấn Quang), Phật giáo Hòa hảo thuần túy, Cao Đài chân truyền, Tin lành và Công giáo, đã đưa ra 5 điểm Tuyên cáo, hồi tháng 01 năm 2020, về tình hình tôn giáo như sau :
1. Đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân, đặc biệt là các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội ; phải trả tự do ngay lập tức tất cả tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ bất công hoặc bị quản chế một cách phi lý.
2. Đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền cai trị đất nước cho toàn dân bằng một cuộc bầu cử thật sự tự do, dân chủ và công bằng được quốc tế giám sát.
3. Kêu gọi các đảng viên, cán bộ Cộng Sản hãy thức tỉnh vì vận mệnh của Đất Nước, hãy đứng về phía Nhân Dân.
4. Kêu gọi đồng Bào trong và ngoài nước liên kết chặt chẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm tranh đấu cho một chế độ dân chủ tự do, phồn vinh an lạc, bảo vệ được sự vẹn toàn lãnh thổ của Tổ quốc.
5. Thỉnh cầu công luận quốc tế và chính phủ các nước tự do dân chủ trên thế giới hỗ trợ cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó, Hội dồng Liên tôn Việt Nam hải ngoại cũng đã cực lực lên án : "Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thi hành chính sách nhằm triệt hạ các tôn giáo, liên tục bắt nhiều cấp lãnh đạo của các tôn giáo từ trung ương đến các địa phương đi tù, khiến hàng ngàn người chết thảm. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã chiếm đoạt hầu hết các cơ sở tôn giáo cho đến nay vẫn chưa hoàn trả. Các tài liệu giáo lý của các tôn giáo bị cấm phổ biến và ngăn cấm tổ chức các sinh hoạt lễ đạo. Tình trạng các tôn giáo tại Việt Nam vẫn liên tục bị đàn áp trong nhiều thập niên qua".
Quyết nghị tố cáo : "Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho các cán bộ đảng viên len lỏi và xâm nhập vào các tôn giáo, bắt tay với những tín đồ phản đạo để thành lập ra những giáo hội quốc doanh được nhà nước công nhận và sinh hoạt dưới sự điều khiển của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Sau khi kế hoạch đảng hóa các tôn giáo hoàn tất, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ cho phép các tôn giáo quốc doanh hoạt động trở lại".
Cuối cùng, Hội động kết luận : "Với bản chất vô thần độc tài đảng trị của cộng sản Việt Nam họ tăng cường việc đàn áp các tôn giáo, đánh đập bắt giam các nhà yêu nước, các nhà báo dám nói lên sự thật, đặc biệt họ nhắm vào tổ chức tôn giáo nào không chịu tham gia vào tổ chức tôn giáo quốc doanh do họ điều khiển" (theo Quyết nghị ngày 26/6/2020).
Sáu tổ chức tôn giáo ký tên bản Quyết nghị gồm :
- Cao Đài : Chánh trị sự Hà Vũ Băng, Hiền tài dự phòng Ngô Thiện Đức
- Công Giáo : Linh mục Mai Khải Hoàn, Linh mục Trần Công Nghị, Linh mục Phạm Ngọc Hùng
- Phật Giáo : Hòa thượng Thích Minh Nguyện, Hòa thượng Thích Chơn Thành, Hòa thượng Thích Minh Tuyên
- Chính Thống Giáo : Giáo sĩ J. Mai Biên
- Phật Giáo Hòa Hảo : Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, Đồng đạo Trang Văn Mến
- Tin Lành : Mục sư Matthew Lê Minh, Mục sư David Đoàn, Mục sư Nguyễn Minh Quang
Người bị quản chế lên tiếng
Để biết thêm những mánh lới đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, người viết bài này (Phạm Trần) đã phỏng vấn riêng một cấp lãnh đạo tôn giáo đang bị quản chế và ông đã được thông tin về những giả tạo có tự do tôn giáo ở Việt Nam, như sau :
1. Nếu hiểu tự do tôn giáo là quyền được xây dựng nơi thờ phượng, tổ chức lễ hội và chức sắc tôn giáo được đi ra nước ngoài (hội họp, thăm viếng, học hành...) thì quả thật ở Việt Nam đang có thứ tự do tôn giáo đó. Nhưng có điều kiện : thứ tự do đó chỉ dành cho những tôn giáo, cộng đồng tôn giáo và chức sắc tôn giáo không có vấn đề với Nhà nước (tức là chưa bao giờ lên tiếng mạnh mẽ cho dân chủ, nhân quyền và cho tự do tôn giáo đích thật...). Nhiều cha Dòng Chúa Cứu Thế trước đây bị cấm xuất ngoại chẳng hạn, hoặc một số chức sắc có thành tích đấu tranh ở hải ngoại bị cấm nhập cảnh Việt Nam.
2. Nếu hiểu tự do tôn giáo là tôn giáo đúng với bản chất của mình là nhà giáo dục lương tâm xã hội, là tiếng nói của công lý và sự thật, thì :
a. phải hoàn toàn độc lập trong việc tổ chức cộng đồng mình (ví dụ đào tạo, bầu bán, chọn lựa, sai phái, đặt để chức sắc của mình, phân định ranh giới hoạt động của mình - như bên Công giáo là lập Giáo phận - mà không bị Nhà nước can thiệp, bị nhà nước kiểm soát và phải xin phép, trong thực tế, linh mục nào được chọn làm giám mục thì phải có sự đồng ý của thủ tướng, còn chủng sinh nào được chọn làm linh mục thì Giám mục phải báo cáo trước với nhà cầm quyền tỉnh) ;
b. phải được tự do rao truyền giáo lý một cách công khai, trên các phương tiện truyền thông xã hội (ví dụ báo giấy, truyền thanh, truyền hình, thậm chí trên các kênh của Nhà nước - vì các kênh này xây dựng được nhờ tiền đóng thuế của người dân, trong đó có các tín đồ - hay trên internet (mà không bị nhà nước dựng tường lửa) hay qua sách vở (có nhà in, nhà xuất bản riêng) ;
c. phải được tự do lập trường tư để dạy giới trẻ từ mẫu giáo đến đại học (y như trước năm 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa) và trong các trường tư đó, có thể dạy giáo lý của tôn giáo mình (thực tế tại Việt Nam lúc này là các tôn giáo chỉ được mở trường mẫu giáo) ;
d. các giáo dân/tín đồ (không phải chức sắc) có quyền tham gia chính quyền ở mọi cấp bậc lãnh đạo (thực tế hiện nay, chỉ có đảng viên cộng sản nằm trong bộ máy cai trị).
e. phải có quyền sở hữu đất đai để xây cất các cơ sở tôn giáo của mình (trong thực tế, mọi người dân và mọi tập thể, kể cả tập thể tôn giáo, chỉ có quyền sử dụng đất mà thôi).
Vị lãnh đạo tôn giáo này kết luận : "Nếu hiểu tự do tôn giáo là như thế (y như tại các nước dân chủ, văn minh) thì hiện giờ không có tự do tôn giáo tại Việt Nam".
Đó là tất cả sự thật về điều được gọi là "có tự do tôn giáo ở Việt Nam". Vì chỉ có người trong cuộc mới biết trong chăn có rận hay không.
Do đó tất cả những gì mà Nhà nước hay báo đài của Đảng khoe ở Việt Nam có tự do mọi thứ thì phải hiểu tự do không phải là thứ cho không, dù Hiến pháp đã quy định : "các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật" (khoản 1, Điều 14).
Bẫy của tự do mà các tôn giáo và tín đồ phải trả là sợi dây thòng lọng mang tên "pháp luật" của điều này. Nó cho phép Nhà nước có quyền cướp quyền dân mà không bị lên án vi phạm Hiến pháp.
Phạm Trần
(23/02/2021)
Việt Nam phản ứng báo cáo tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (RFA, 12/06/2020)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 11/6 khi trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến phản ứng của Việt Nam đối với Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 2019 nói rằng chính sách nhất quán của Hà Nội là tôn trọng và bảo đảm quyền tôn giáo, tín ngưỡng của công dân. Cho biết thêm điều này được nêu rõ trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như được bảo đảm trong thực tế.
Đại diện Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào sáng ngày 18/9/2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn. Courtesy FB Linh mục Paul Lộc
Báo trong nước trích phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội. Theo đó bà Lê Thị thu Hằng nhấn mạnh rằng trong báo cáo về tình hình tôn giáo của Hoa Kỳ ở Việt Nam vẫn còn thông tin không chính xác và chưa được xác minh.
Theo lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, chính phủ Hà Nội đã liên tục nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về tôn giáo và tín ngưỡng, bao gồm phê duyệt Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo cũng như các nghị định hướng dẫn thực hiện.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam hiện có 43 tổ chức của 16 tôn giáo được công nhận và chứng nhận, với 55.000 chức sắc, 26 triệu tín đồ, hoặc 27% dân số quốc gia, 29.000 nơi thờ cúng và hơn 8.000 lễ hội tôn giáo hàng năm.
Bà Hằng nói thêm rằng nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức ở dải đất chữ S, điển hình như kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành, Ngày Vesak của Liên Hợp Quốc vào tháng 5 năm 2019 và Tổng hội dòng Đa Minh thế giới 2019.
Vẫn theo lời bà, Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, thảo luận với Mỹ về các vấn đề quan tâm chung với tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, bao gồm cả đối thoại nhân quyền hàng năm. Từ đó góp phần thúc đẩy toàn diện Quan hệ đối tác giữa hai nước.
******************
Chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tôn giáo, tín ngưỡng (baochinhphu.vn, 11/06/2020)
Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh minh họa
Ngày 11/6, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2019 vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ : Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được đảm bảo, tôn trọng trên thực tế.
Thời gian vừa qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân.
Đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện Kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
“Chúng tôi ghi nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin thiếu khách quan, không chính xác và chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam”, bà Hằng khẳng định.
Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Thùy Dung
********************
Báo cáo tự do tôn giáo 2020 của Hoa Kỳ 'thiếu khách quan' và 'sai lệch' về Việt Nam (baoquocte.vn, 08/05/2020)
Báo cáo Tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020 vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020 của Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.
Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự; 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân.
Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…
Chúng tôi ghi nhận việc Báo cáo Tình hình tự do tôn giáo thế giới 2020 của Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế đã đề cập những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.
Bảo Chi
Bà Bùi Thị Kim Phượng và ông Nguyễn Bắc Truyển - Ảnh minh họa
Tháng Ba 2019, bà Bùi Thị Kim Phượng, một tín đồ Phật giáo Hòa hảo Việt Nam, sửa soạn lên máy bay sang Hoa Kỳ để tham dự một loạt những buổi họp về tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo ngày càng tồi tệ ở Việt Nam. Nhưng bà Phượng bị nhân viên an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất chặn lại và buộc phải quay về. Tội của bà là : kết hôn với Nguyễn Bắc Truyển, một tù nhân lương tâm và người hoạt động cho tự do tôn giáo nổi bật.
Nguyễn Bắc Truyển thành lập hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, một tổ chức chuyên giúp đỡ các tù nhân lương tâm và gia đình. Trong nhiều năm, ông Truyển đã tư vấn và vận động, chủ yếu cho các đồng đạo Phật giáo Hòa hảo. Thế nhưng vào tháng 7 năm 2017, ông đã bị chính quyền Việt Nam bắt cóc. Chín tháng sau, ông bị xét xử với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Sau phiên tòa diễn ra chỉ trong chưa đầy một ngày, ông Truyển đã bị kết án 11 năm tù.
Thông qua Dự án Bảo vệ Tự do của Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos của Quốc hội và Dự án Tù nhân Lương tâm & Tôn giáo của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (United States Commission on International Religious Freedom - USCIRF), chúng tôi đang vận động cho việc trả tự do cho ông Truyển.
USCIRF đang vận động cho việc trả tự do cho ông Truyển.
Bản án của ông Nguyễn Bắc Truyển đánh dấu một giai đoạn đáng lo ngại cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Số tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Nhà cầm quyền được cho là đang trả thù các Kitô hữu người H’mông và người Thượng vì họ không chịu từ bỏ tôn giáo của họ. Tín đồ Phật giáo Hòa hảo độc lập, Cao Đài và Phật tử Khmer Krom bị đe dọa, quấy nhiễu và tấn công khi tham dự các nghi lễ tôn giáo. Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo năm 2016 đã áp đặt những trở ngại quan liêu đáng kể trong việc thiết lập những cơ sở thờ phượng mới và yêu cầu tất cả các nhóm tôn giáo phải đăng ký với chính phủ, và còn những điều kiện khác ; nhiều người đã từ chối tuân thủ những ràng buộc này vì lo lắng cho sự độc lập của họ.
Chúng tôi thừa nhận rằng chính phủ Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong năm qua. Các tổ chức tôn giáo có đăng ký đã được phép tổ chức những lễ hội lớn ở nơi công cộng. Những cuộc tấn công của các nhóm có liên quan với nhà nước đối với các cộng đồng Công giáo có vẻ như đã giảm so với những năm trước. Nhà nước đã điều tra sự lạm dụng các quan chức địa phương trong việc chống lại cộng đồng tôn giáo.
Thế nhưng, việc ông Truyển vẫn còn đang tiếp tục bị giam giữ - trong tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi và với những hạn chế nghiêm trọng, hà khắc đối với việc thăm nuôi và nhận thực phẩm và vật tư y tế - là trái với những quyền con người cơ bản về tự do thờ phượng. Việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Truyển là điều cần thiết để chứng minh cam kết về tự do tôn giáo mà chính phủ Việt Nam đã hứa hẹn.
Nếu như chính phủ Việt Nam không trả tự do cho ông Truyển và có những hành động để ngăn chặn các hành vi vi phạm tự do tôn giáo đang diễn ra, chúng tôi mạnh mẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam một Quốc gia cần quan tâm đặc biệt theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao và USAID nên cung cấp kinh phí cho các chương trình tại Việt Nam nhằm giáo dục các giới chức địa phương về tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Sau cùng, chúng tôi kêu gọi tất cả các giới chức chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm các thành viên của Quốc hội, liên tục nêu mối quan tâm về tự do tôn giáo trong các cuộc họp với quan chức Việt Nam.
Kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được khôi phục, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc trong 25 năm qua. Những vi phạm liên tục về tự do tôn giáo và việc giam giữ ông Nguyễn Bắc Truyển đang gây trở ngại cho một mối quan hệ thậm chí còn gần gũi hơn. Trả tự do cho ông ông Nguyễn Bắc Truyển là một mục tiêu quan trọng cho con đường hướng về phía trước.
Anurima Bhargava, Harley Rouda
Nguyên tác : The rising cost of religious freedom in Vietnam, The Hill, 24/04/2020
Nguồn : VNTB, 27/04/2020
-------------------
Anurima Bhargava là ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.
Harley Rouda là Dân biểu đại diện cho Quận 48 của California.
Chính phủ Hà Nội tuyên bố với thế giới rằng quyền tự do tín ngưỡng- tôn giáo của người dân luôn được tôn trọng. Minh chứng được đưa ra là tại những thành phố lớn số chùa chiền, nhà thờ được tu sửa, xây dựng mới khá nhiều và mỗi dịp lễ tôn giáo đông đảo tín đồ tham dự…
Ông Bùi Văn Trung trong phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 9/2/2018. Courtesy of baoangiang.com.vn
Tuy nhiên ngoài bề nổi của những giáo hội phải nương theo Nhà nước để tồn tại thì những hội thánh không chấp nhận sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động tộn giáo của họ tiếp tục gặp muôn vàn khó khăn ; đặc biệt do chính quyền địa phương gây nên.
Năm qua, thành viên và tín đồ thuộc các tổ chức tôn giáo không được Hà Nội thừa nhận như Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Khối Nhơn sanh Cao đài Chơn truyền, Phật giáo Hòa hảo Thuần túy, Cộng đồng Thiên Chúa giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên – Montagnards, Hội thánh tin lành Đấng Christ, Hội thánh Lutheran… thường xuyên bị chính quyền đe dọa, cản trở việc hành đạo.
Một vị mục sư dấu tên chia sẻ với RFA nhận định của ông như sau :
Trong năm vừa qua, tình hình tự do tôn giáo Việt Nam rất tồi tệ. Không có quyền tự do cho anh em ở trong nước, đặc biệt là ở Tây Nguyên. Tất cả những anh em cộng đồng sắc tộc của chúng tôi tại Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn, bắt bớ vì hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Tôn giáo nào (chính quyền) có thể giám sát được thì tôn giáo đó được tự do một chút. Còn tôn giáo nào không giám sát được thì (chính quyền) luôn luôn cảnh giác, đến từng nhà anh em để hù dọa, bảo anh em phải từ bỏ hội Thánh đó.
Một số báo cáo quốc tế từng nêu rõ chính quyền địa phương Việt Nam thường yêu cầu những người sắc tộc thiểu số phải từ bỏ niềm tin Thiên Chúa giáo ; nếu không sẽ bị buộc phải rời làng quê.
Những người Thượng Tây Nguyên bỏ trốn từ Việt Nam sang Campuchia tìm quy chế tỵ nạn hôm 22/7/2004. AP
Thầy truyền đạo Y Jon Ayun, từng ngụ tại buôn Puăn B, xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lắk, và nay phải trốn sang Thái Lan vì không muốn tiếp tục bị bách hại xác nhận :
Từ năm 2013, tôi đã gia nhập phái Tin lành Đấng Christ, và từ đó đến bây giờ họ liên tục mời miếc. Vào năm 2013, họ đánh đập tôi rất dã man. Tới ngày 14 tháng 10 vừa qua họ mời tôi họp dân, và nói là phái Tin lành Đấng Christ này chống phá đảng, nhà nước. Họ muốn trục xuất hai anh em mình ra khỏi buôn làng.
Ông Y Jon Ayun cho biết gương của một mục sư tên A Đào hiện đang bị ở tù khiến ông không dám có ý nghĩ trở về lại Việt Nam.
Các dịp lễ như Giáng Sinh thường là lúc chính quyền gây khó dễ cho các tín đồ. Mục sư Tin lành Y Khen Bdap, ngụ tại buôn Ea khit, huyện Cư Kuiñ, tỉnh Đắk Lắk thuật lại vụ việc xảy ra với Hội thánh của ông như sau :
Ngày 24/12/2018, vào khoảng 3 giờ 45 sau khi làm lều xong, Hội thánh chuẩn bị thờ phượng Chúa thì lượng lực chính quyền xã và nhiều ban ngành, trong đó có 5 chiếc ô tô và hơn 30 xe honda gồm hơn 50 người xông vào ồ ạt bao vây Hội thánh. Họ gọi tôi và nói tôi vi phạm pháp luật, nghiêm cấm tuyệt đối không được thờ phượng Chúa, không được tụ tập đông người, bắt ép tôi ký vào biên bản nhưng tôi không ký.
Vào sáng 25/12, lực lượng an ninh thường phục nói trên được nói lại tiếp tục xuất hiện và bắt ông Y Khen Bdap phải ký giấy tờ buộc ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mục sư Y Khen Bdap bày tỏ lo lắng không biết sắp tới chính quyền sẽ làm những gì và ông cầu cứu :
Hội thánh chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp. Nếu không có ai giúp đỡ, Hội thánh chúng tôi sẽ chết trong tay của chúng.
Một bản phúc trình dài 25 trang được công bố vào ngày 3/5 do Tổ chức Nhân quyền Montagnards (MHRO) và Nhóm Vận động bãi bỏ tra tấn tại Việt Nam (CAT-VN) nhấn mạnh cơ quan chức năng Việt Nam tiếp tục bách hại nặng nề những tín đồ Thiên Chúa giáo người sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên - Montagnards. Nhóm người này được nói bị đối xử như kẻ thù ngay tại quê nhà của họ.
Những tín đồ nếu thực hành tôn giáo của họ một cách độc lập hoặc chống lại biện pháp cưỡng chế đất đai, thì sẽ bị kết tội ‘làm gián điệp’ hay ‘muốn lật đổ chính quyền.’
Điển hình như vụ Mục sư Tin lành Đinh Diêm thuộc Hội thánh Lutheran không được Hà Nội thừa nhận ở Quảng Ngãi vào hôm 12/7 bị tòa án tỉnh này tuyên án 16 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.’
Hoặc như vụ bốn gia đình người H’Mông có tổng cộng 24 thành viên vừa cải đạo sang Thiên Chúa giáo đã bị tấn công khiến 4 người phải nhập viện vào hôm 19/3, theo Tổ chức nhân dân và các quốc gia không có được đại diện – UNPO.
Tín đồ Phật giáo Hòa hảo Bùi Văn Trung - Courtesy FB Đạo Tràng Út Trung
Đối với Phật giáo Hòa hảo không theo Ban trị sự do chính phủ Hà Nội lập nên, ông Nguyễn Văn Điểm, Cư sĩ Phật giáo Hòa hảo Truyền thống, cho biết cảm nhận của ông trong năm qua.
Nhìn chung thì cũng có phần bị hạn chế về vấn đề tự do tôn giáo tại vì có nhiều anh em cũng bị khó khăn. Những đám tiệc trong làng Đạo cũng bị ngăn cản này nọ.
Thực tế cho thấy các vụ đàn áp, bắt bớ và bỏ tù các tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy vẫn đang diễn ra. Hôm 24/5, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên y án sơ thẩm cho 6 tín đồ Phật giáo Hòa hảo thuần túy với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 và 257 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này. Ông nói thêm :
Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình.
Cư sĩ Nguyễn Văn Điểm nhận định về phản ứng của người dân khi bị đàn áp.
Đối với lối sống của người nông dân thì thật ra những bức xúc có lời qua tiếng lại, nhưng đó là sự việc bình thường. Mình thấy con kiến mình đạp nó còn ngo ngoe mà.
Tình trạng các chức sắc tôn giáo không theo phái nhà nước lập nên lâu nay bị sách nhiễu, thậm chí hành hung vẫn được ghi nhận trong năm qua.
Đáng chú ý là trường hợp của ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, bị đánh đập vào hôm 22/6 trước khi ông được mời gặp viên chức đại sứ quán Úc.
Chánh trị sự Hứa Phi sau khi bị đánh và cắt râu hôm 22/6/2018 FB Hứa Phi
Ông Hứa Phi từ trước đến nay từng nhiều lần bị đánh đập nặng nề mỗi khi ông tiếp xúc với giới ngoại giao nước ngoài. Nhà sản xuất cà phê của ông ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng đã bị đốt cháy vào cuối tháng 11 năm nay.
Ông Hứa Phi trả lời phỏng vấn với RFA hôm 29/11 cho biết từ đầu năm ông đã nhận được 12 giấy triệu tập của công an với cáo buộc ‘có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật cho bên ngoài, xúc phạm dân tộc Việt Nam.’
Một điển hình khác là linh mục Đặng Hữu Nam, người từng mạnh mẽ thay mặt giáo dân lên tiếng phản đối vụ ô nhiễm biển do Formosa gây ra, trong năm qua đã bị thuyên chuyển phụ trách giáo xứ, và bị chính quyền tỉnh Nghệ An liên tục tổ chức hội nghị đòi trục xuất ông khỏi địa phương. Bản thân ông cho biết thường xuyên bị côn đồ đột nhập vào giáo xứ để đe dọa. Linh mục Đặng Hữu Nam nói với chúng tôi.
Ở đâu mà các linh mục lên tiếng cho công lý, sự thật thì ở đó chắc chắn sẽ có đàn áp, ngăn cản, thậm chí việc dâng lễ thôi cũng đã khó khăn.
Bên cạnh đó, việc cưỡng chế, di dời các cơ sở tôn giáo không theo phái nhà nước với lý do phát triển đô thị, văn hóa cũng vẫn được ghi nhận trong năm 2018. Sáng 9/11, Chùa An Cư tại phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng đã bị lực lượng chức năng địa phương cưỡng chế. Thượng Tọa Thích Thiện Phúc, vị trụ trì Chùa An Cư, phải miễn cưỡng giao Chùa cho đoàn cưỡng chế để về Huế xin tá túc.
Trả lời phỏng vấn hôm 9/11, Thượng Tọa Thích Thiện Phúc nhấn mạnh với chúng tôi lý do cưỡng chế là vì chùa An Cư thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống nhất không được Chính quyền Việt Nam công nhận. Ông nói :
Biết và đọc được ý nghĩ của họ là họ sẽ tìm cách phá tất cả các cơ sở của Giáo Hội Việt Nam Thống nhất. Họ không muốn tồn tại. Các thành viên của Giáo Hội Việt Nam Thống nhất thì bị họ đàn áp khốc liệt.
Ngoài ra, các vụ tranh chấp đất đai giữa cơ sở tôn giáo với chính quyền vẫn được ghi nhận trong năm 2018. Nổi bật là trường hợp Đan Viện Thiên An ở Huế, vụ cưỡng chế đất Nhà Dòng của Dòng Thánh Phaolô ở Hà Nội, tranh chấp công trình số 29 Phố giữa Tổng Giáo Phận Hà Nội và Ủy Ban Nhân Dân Quận Hoàn Kiếm.
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Nhiều cá nhân và các tổ chức trong và ngoài đã từng lên tiếng phản đối vì cho rằng Luật này thể hiện biện pháp đàn áp tự do tôn giáo một cách tinh vi hơn.
Trong một bài phỏng vấn với RFA hồi tháng 3, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn Giáo, từng nhận định Việt Nam là một trong năm quốc gia có số lượng thông báo vi phạm tự do tôn giáo cao nhất trên thế giới trong suốt thập niên qua.
Tiến sĩ Admed Shaheed cho hay tự do tôn giáo tín ngưỡng là nền tảng của nhân quyền và không thể bắt đầu với sự thừa nhận của nhà nước.
Phúc trình của ông nhấn mạnh bất cứ ai cũng đều có quyền tự do tôn giáo, và sự thừa nhận của nhà nước chỉ là quy trình giúp bảo vệ quyền này chứ không thể ngược lại.
https://youtu.be/RVxaYVhgg4M
RFA tiếng Việt, 27/12/2018
Nhà hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang và hai tác giả khác không muốn nêu tên vừa cho ra một báo cáo mang tên Đánh giá Luật tín ngưỡng, Tôn giáo 2016, và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (gọi tắt là báo cáo).
Bìa Báo cáo Tự do tín ngưỡng và tôn giáo tại Việt Nam, 2017. Courtesy of Pham Doan Trang
Báo cáo dài 41 trang, được chia làm 82 mục ngắn gọn để độc giả tiện theo dõi. Trọng tâm của báo cáo được chia làm bốn phần, tương đương với bốn biện pháp mà nhà nước cộng sản Việt Nam sử dụng để đối phó với các tôn giáo.
Thứ nhất là sử dụng các điều luật, những qui định, để cho các tổ chức tôn giáo phải xin phép hoạt động, nếu không sẽ bị xem là bất hợp pháp.
Thứ hai là sử dụng bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, để tấn công khích bác các tổ chức tôn giáo.
Thứ ba là chia để trị, tức là dùng những tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm soát để chống lại các tổ chức tôn giáo được dân chúng tự thành lập.
Thứ tư là đàn áp bằng sức mạnh bạo lực.
Khi thực hiện báo cáo này, các tác giả đã có tiếp xúc với các chức sắc tôn giáo thuộc các giáo hội tôn giáo độc lập, như các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo truyền thống tại vùng Tây Nam bộ, cô Nguyễn Huyền Trang của Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn, các ông Trần Minh Nhật, Lê Văn Sơn, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, là các tù nhân lương tâm từng bị cầm tù vì lý do tôn giáo, Linh mục Nguyễn Đình Thục tại Nghệ An, để ghi nhận những vụ đàn áp, khích bác mà họ đã và đang hứng chịu.
Các tác giả cho rằng từ khi Đảng Cộng sản bắt đầu nắm quyền từ năm 1945 đến nay, thì đạo luật về tôn giáo của Chính phủ Hồ Chí Minh, vào năm 1945 là cởi mở hơn cả, nhưng sau đó những qui định, những bộ luật tiếp theo đều thể hiện một tinh thần chống lại tôn giáo, theo một nguyên tắc của ý thức hệ cộng sản đó là cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, một điều không tốt.
Ý thức hệ đó không những được các cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản thường xuyên loan tải, mà còn được đưa vào các chương trình giáo dục từ cấp phổ thông lên đến đại học.
Một trong những ví dụ mà các tác giả đưa ra để chứng minh việc chính quyền sử dụng luật lệ để cản trở hoạt động tôn giáo là một mặt cho phép các tôn giáo được mở trường dạy học, nhưng lại viện dẫn những tiêu chuẩn trong luật giáo dục để không thực hiện được.
Vấn đề chiếm nhiều thời lượng nhất của báo cáo là vấn đề đàn áp bằng vũ lực, trong đó vai trò quan trọng nhất là những nhân viên an ninh tôn giáo.
Vai trò An ninh tôn giáo
Chúng tôi đặt câu hỏi với cô Phạm Đoan Trang rằng liệu thực sự có tồn tại một lực lượng gọi là an ninh tôn giáo hay không ? Cô Đoan Trang nói rằng chưa bao giờ Đảng Cộng sản công khai rằng họ có những nhân viên an ninh tôn giáo, nhưng họ có công khai những vị sĩ quan công an giữ vai trò cố vấn về tôn giáo trong Bộ Công An, ví dụ như các ông Phạm Dũng, Nguyễn Văn Hưởng, đã từng giữ vai trò này, và nay là ông Vũ Chiến Thắng.
Cô Đoan Trang cho rằng thậm chí có những nhân viên an ninh khác nhau cho từng tổ chức tôn giáo khác nhau :
"Những người đó ai cũng nhẵn mặt, đó là những người đi theo dõi các tôn giáo phương Tây như Tin lành, và Công giáo. Còn bên Phật giáo cũng có, tại các chùa, phần lớn là ở Hà Nội, Sư nhận ra công an, công an nhận ra Sư".
Trong đạo luật mới nhất của Việt Nam là Đạo luật về tôn giáo được Quốc hội phê chuẩn vào năm 2016, không thấy đề cập tới an ninh tôn giáo. Quốc hội Việt Nam do Đảng Cộng sản thống trị hoàn toàn với hơn 90% thành viên là đảng viên Đảng Cộng sản.
Khi được hỏi nhận định tổng quát về đạo luật mới nhất này, cô Đoan Trang nói tiếp :
"Họ luật hóa những gì họ đã làm, nhưng vẫn lờ đi chuyện an ninh tôn giáo, họ cứ lờ đi, làm như trên đời này chưa từng tồn tại những lực lượng đi kiểm soát tôn giáo, an ninh tôn giáo, một lực lượng hoạt động rất mạnh. Rồi gần đây lại xuất hiện dư luận viên, chuyên đi phá tôn giáo. Thế thì lực lượng chống tôn giáo nó rõ ràng như vậy, mạnh như vậy, nhưng chưa bao giờ được nói trong luật cả, họ luật hóa cái gì ấy chứ không luật hóa chuyện ấy. Tức là họ không hề đả động gì đến chuyện có một lực lượng lớn đi đàn áp tôn giáo".
Không có tiến bộ thực sự trong tự do tôn giáo ở Việt Nam
Việt Nam cũng đã cho phép các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc vào đánh giá tình hình tự do tôn giáo, nhưng theo các tác giả của báo cáo này thì những nhận xét của các quan sát viên đó, hoặc không được công bố hoặc chỉ được công bố một phần, là những nhận xét mang tính tích cực về tình hình tôn giáo tại Việt Nam mà thôi.
Nhận xét chung về sự tiến triển của tự do tôn giáo tại Việt Nam trong vài thập kỷ qua, cô Đoan Trang nói với chúng tôi :
"Những năm gần đây, chúng ta thấy dường như vấn đề tự do tôn giáo được quan tâm hơn, quyền của người theo đạo được quan tâm hơn, chẳng hạn chúng ta nghe nói đến chuyện ngày Giáng sinh hay Phật đản, lãnh đạo thành phố hay đến tặng hoa, bắt tay chúc mừng, rồi trong Quốc hội xuất hiện các nhà sư, người ta tưởng là tự do tôn giáo được quan tâm nhiều hơn, được cải thiện hơn, nhưng mà tôi nghĩ là không phải, chưa bao giờ cả".
Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu có đề cập đến ba Ban chỉ đạo là Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, được cho là lập ra để kiểm soát những vấn đề sắc tộc và tôn giáo tại ba vùng đặc biệt nói trên.
Trong kỳ họp của trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ sáu vừa qua, ba Ban chỉ đạo này đã bị giải tán. Chúng tôi hỏi cô Đoan Trang liệu đó có phải là tín hiệu cho thấy việc kiểm soát tôn giáo đã được nới lõng hay không, cô trả lời rằng không có gì thay đổi cả :
"Tôi không nghĩ thế, xóa hay không xóa nó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, không phản ánh gì cả. Luật thì họ nói họ bỏ ba cái ban, trong thực tế họ thi hành bằng cách dùng hẳn một lực lượng dư luận viên đông đảo, rồi an ninh tôn giáo hoạt động dữ dội thì họ chả nói gì đến cả".
Câu hỏi tương tự cũng đã được chúng tôi đề cập đến với nhà báo Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn, ngay sau khi Hội nghị trung ương sáu kết thúc, ông trả lời rằng lý do của việc xóa bỏ ba ban chỉ đạo đó là vấn đề tài chính, không còn ngân sách cho các ban này hoạt động nữa.
Chúng tôi kết thúc cuộc trao đổi với cô Đoan Trang với câu hỏi rằng nhóm nghiên cứu của cô có gửi báo cáo này đến các cơ quan chức trách của Việt Nam hay không, cô trả lời rằng cô và một số bạn bè đã từng gửi một báo cáo về môi trường đến các cơ quan của Quốc hội Việt Nam, nhưng được đón nhận hết sức lạnh nhạt. Lần này, cô tiếp lời là báo cáo sẽ không được gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng sẽ được đưa lên mạng, thì nó cũng có một sức mạnh lan tỏa lớn đến với mọi người.
Chúng tôi đã gửi bản báo cáo này đến ông Dương Ngọc Tấn, Phó Ban Tôn giáo của Chính phủ Việt Nam, qua đường email, với lời đề nghị bình luận. Chúng tôi nhận được một email trả lời rằng đã nhận được báo cáo, nhưng không có lời bình luận nào.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 08/11/2017
Báo cáo về tự do tín ngưỡng và tôn giáo, Phạm Đoan Trang, 2017.