Ngoại trưởng Vatican đến Việt Nam, một chuyến Tông du và những trở ngại về tự do tôn giáo
Chính quyền Việt Nam có thể thúc đẩy rất nhanh quá trình nâng cấp quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa thánh Vatican, và chuẩn bị cho một chuyến đi của Giáo hoàng Francis, nhưng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn luôn là một vấn đề lâu dài và sẽ không có nhiều tiến bộ trong thời gian tới.
Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, Bùi Thanh Sơn, đón Tổng Giám mục, Bộ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, Paul Gallagher (phải), tại Bộ ngoại giao ở Hà Nội, 9/4/2024.
Theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao Tòa thánh(Secretary for the Relation with States and Organization of the Holy See) đã đến thăm Việt Nam.
Chuyến công du của Ngài kéo dài 6 ngày, từ 9 đến 14/4/2024.
Trang tin của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết Tổng giám mục Gallagher sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chào thăm lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban tôn giáo Chính phủ.
Ngài cũng sẽ cử hành 3 thánh lễ tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn và đi thăm Bệnh viện Nhi trung ương. Trước khi kết thúc chuyến thăm, Ngài sẽ có một cuộc gặp chung với toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam (bao gồm ít nhất 27 Giám mục thuộc 27 Giáo phận tại Việt Nam)
Đây là chuyến thăm đầu tiên ở cấp oà o Tòa thánh Vatican đến Việt Nam.
"Chương mới" cho cả Vatican và Việt Nam
Việt Nam và Vatican chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ và cũng chưa có một Giáo hoàng nào đến thăm Việt Nam trong suốt chiều dàihơn 400 năm truyền giáo mặc dù rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã đến Vatican.
Kể từ khi những người cộng sản lên cầm quyền, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican cơ bản phụ thuộc vào phía Việt Nam. Ngay trong những thời kỳ Việt Nam bị cô lập nặng nề, chính quyền vẫn kiên quyết hạn chế tự do tôn giáo và tỏ ra lạnh nhạt với mọi mối quan hệ với Vatican.
Chính quyền coi "Vatican" như một thế lực tôn giáo "hắc ám", gắn liền các hoạt động truyền giáo với sự xâm lăng của ngoại bang hơn là một quốc gia hữu thần nhân ái. Các hoạt động tuyên truyền chống lại các tôn giáo nói chung, Công giáo nói riêng, rất đậm nét trong những sinh hoạt ở Miền Bắc Việt Nam kể từ 1954 và cả nước kể từ 1975.
Cá nhân tôi khi còn nhỏ đi học thường bị bạn bè "đọc vè nhạo báng Chúa" và thầy cô thì thuyết phục "bỏ đạo để vào đoàn". Rất nhiều người Công giáo tự nguyện hoặc buộc phải ghi "không" trong mục tôn giáo ở chứng minh nhân dân. Chính vì vậy, con số thống kê về số lượng người Công giáo ở Việt Nam giữa chính quyền và giáo hội có khác nhau.
Sau những nỗ lực kiểm soát hoàn toàn Giáo hội Công giáo theo mô hình Trung Quốc không thành công, chính quyền đã mềm mỏng và mở ra những kênh đối thoại mới với Vatican. Một Tổ công tác hỗn hợp của 2 bên được thành lập với khóa họp đầu tiên vào ngày 16/2/2009.
Trong suốt 14 năm với IX vòng họp nhưng vẫn không có những đột phá về ngoại giao cho đếncuộc gặp lần thứ X vào ngày 31/3/2023 tại Vatican do 2 thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng (Việt Nam) và Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì, đã có những tiến bộ vượt bậc. Đó là lúc hai bên đã nhất trí được về"Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh Vatican và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam".
Sau đó, vào ngày 31/2/2024, Tổng giám mục Mareck đã đến Hà Nội để bắt đầu nhận nhiệm vụ của mình. Chỉ sau 2 tháng hiện diện tại Việt Nam, Ngài đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan của Việt Nam để tổ chức chuyến đi cho Ngoại trưởng Vatican lần này.
Triển vọng về một chuyến tông du
Mục đích chuyến thăm của Ngoại trưởng Vatican lần này là để "tăng cường quan hệ" và chuẩn bị cho một chuyến đi ở cấp cao hơn. Có thể bước tiếp theo là chuyến viếng thăm của Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh (Cardinal Secretary of State of Vatican City) Pietro Parolin và/hoặc sau đó là một chuyến tông du của Giáo hoàng Francis.
Đây không chỉ là bước tiến về ngoại giao của Việt Nam mà cũng là một bước đi đặc biệt của Vatican khi thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia cộng sản vô thần ở Châu Á đang"chia sẻ tương lai chung" với Trung Quốc, một đất nước từ lâu đã cắt đứt quan hệ với Vatican và đặt Giáo hội Công giáo chính thống vào diện "hầm trú".
Vatican vẫn luôn luôn có chủ trương mong muốn tìm kiếm lợi ích cho các tín hữu của mình trên khắp thế giới và mong muốn về một chuyến thăm của Giáo hoàng đến Việt Nam là có thật khi Ngài nói : "Đó là vùng đất đáng để tới, nơi tôi rất cảm mến". Lời mời về một chuyến viếng thăm đã được đưa ra và Giáo hoàng đã nhận lời. Ngài còn nói mong muốn đến thăm Việt Nam"sớm nhất có thể".
Mặc dù cho đến nay, Tòa thánh và Việt Nam đều chưa chính thức loan báo về chuyến viếng thăm vào tháng 9 năm nay, nhưng Vatican đã thông báo về một chương trình đi thăm Đông Nam Á vào tháng 9 với ít nhất 3 điểm đến là Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea… và theoTổng giám mục Paul Gallagher thì Việt Nam có thể là nằm trong chuyến tông du của Ngài đến các quốc gia Châu Á này. Chuyến đi này của Ngoại trưởng là để "dọn đường" cho một chuyến Tông du trở thành hiện thực.
Những trở ngại còn đó
Còn đầy dẫy những trở ngại và hạn chế về tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Về tổng quan, Việt Nam vẫn là đất nước do một đảng cộng sản lãnh đạo với học thuyết Mác-Lênin làm chủ đạo. Những người cầm quyền đã một thời thường xuyên trích lời Karl Marx, coi tôn giáo là "thuốc phiện của nhân dân".
Người Công giáo vẫn được coi là "công dân hạng hai" khi họ không được tham gia vào một số ngành đặc biệt như : bảo mật, hàng không và công an. Riêng đối với ngành quân đội thì không bị cấm nhưng chỉ được phát triển đến một mức độ (ví dụ : không bao giờ được lên cấp tướng).
Các tổ chức tôn giáo, các giáo xứ hiện nay vẫn chưa được coi là một pháp nhân, không thể mở tài khoản, nhận và chuyển tiền. Giáo hội Công giáo vẫn bị giới hạn thực hành công việc bác ái, xã hội bao gồm cả giáo dục và y tế mặc dù luật pháp đã quy định. Hàng loạt hồ sơ tranh chấp đất đai trên khắp ba miền vẫn chưa được giải quyết.
Điều 55 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chỉ quy định một câu các tổ chức tôn giáo "được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật" nhưng không có hướng dẫn về điều này. Nghị định 162/2017/NĐ-CP dài dằng dặc hướng dẫn rất nhiều điều khoản của Luật, đặc biệt là thủ tục "xử lý vi phạm" và "giải tán" các tổ chức tôn giáo nhưng không có điều khoản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện Điều 55.
Sau một thời gian thực thi đầy vướng mắc, Chính phủ lại ban hànhNghị định 95/2017/NĐ-CP vừa mới có hiệu lực vào ngày 31/3/2024 để thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP nhưng cũng không đả động đến các hoạt động từ thiện, bác ái, giáo dục, y tế mà các tôn giáo mong muốn.
Nhiều người cho rằng việc chính quyền đưa Điều 55 vào Luật chỉ là để làm cảnh mà không hề mong muốn nó được thực hiện, tương tự như xây một chiếc cầu qua sông nhưng không xây đường lên cầu. Mục đích của việc xây cầu là để nói "chúng tôi có cầu" nhưng rõ ràng là không muốn để người dân đi qua đó.
Chính vì vậy, hiện nay chỉ có duy nhất một "Trườngcao đẳng dạy nghề Hòa Bình thuộc giáo phận Xuân Lộc" là cơ sở giáo dục Công giáo và chỉ dừng ở mức dạy nghề cùng với sự hợp tác với đối tác Nhật Bản. Còn lại các tổ chức tôn giáo chỉ được dạy các lớp học tình thương cho trẻ em đường phố và vẫn luôn bị để ý, theo dõi. Chính quyền chưa bao giờ từ bỏ sự "nghi ngờ" đối với Công giáo.
Tóm lại, chính quyền Việt Nam có thể thúc đẩy rất nhanh quá trình nâng cấp quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa thánh Vatican, và chuẩn bị cho một chuyến đi của Giáo hoàng Francis, nhưng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn luôn là một vấn đề lâu dài và sẽ không có nhiều tiến bộ trong thời gian tới.
Những tiến bộ thực sự về tự do tôn giáo, nếu có, phải bắt đầu từ việc các lãnh đạo Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Duy vật biện chứng và Học thuyết Mác-Lê Nin. Đó là một điều không thể có được trong giai đoạn hiện nay, dù có hay không một chuyến đi của Giáo hoàng trong năm nay.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 10/04/2024
Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa Thánh Vatican tại nước Việt Nam cộng sản tỏ ý hy vọng về khả năng có quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và quốc gia ở Đông Nam Á, theo trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Tổng Giám mục Marek Zalewski trả lời phỏng vấn trên trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam, 8/2/2024.
"Niềm hy vọng của tôi, không chỉ hy vọng của cá nhân tôi mà còn là hy vọng của Tòa Thánh, là một ngày nào đó chúng ta có thể có quan hệ ngoại giao toàn diện với Việt Nam. Đây sẽ là một thành quả tuyệt vời và sẽ là một tin vui cho mọi người", Tổng Giám mục Marek Zalewski nói trong một cuộc phỏng vấn được đăng hôm 8/2 trên trang của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Ông Zalewski, người gốc Ba Lan, được Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm hôm 23/12 năm ngoái làm đại diện thường trú của Vatican ở Việt Nam, gần nửa thế kỷ sau khi những người cộng sản đánh bại Việt Nam Cộng Hòa ở miền nam năm 1975, làm chủ toàn bộ đất nước và cắt đứt quan hệ với Vatican.
Ghi nhận thực tế là hiện nay ông có thể hiện diện và mở văn phòng ở Hà Nội, Tổng Giám mục Zalewski tiên liệu rằng "các mối quan hệ sẽ càng vững mạnh hơn, tốt đẹp hơn và đáng tin hơn đối với Giáo hội, đối với chính phủ" và ông nói thêm: "Ở đây tôi phải nói lời cảm ơn, cảm ơn Chính phủ Việt Nam. Nhờ sự cởi mở và đón nhận của họ, chúng ta đã đạt được mức quan hệ mà ngay cả 10 năm trước cũng không thể có được", theo nội dung bài phỏng vấn.
Ông Zalewski cũng nói rằng giờ đây ông có thể làm việc với các giám mục vì lợi ích của Giáo hội tại Việt Nam.
Hiện tại, ông nghỉ trong một khách sạn ở thủ đô Hà Nội cho đến đạt được thỏa thuận với chính phủ Việt Nam về tư dinh chính thức của ông.
Trong cuộc phỏng vấn với bộ phận truyền thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông Zalewski cũng giải thích về quy chế ngoại giao của ông trong bối cảnh nước Việt Nam cộng sản và Tòa Thánh Vatican không có quan hệ ngoại giao:
"Khi hai nước có quan hệ ngoại giao toàn diện. Chúng tôi gọi là đại sứ hoặc sứ thần Tòa Thánh ... Trong trường hợp của tôi ở Việt Nam, tôi được gọi là Đại diện Tòa Thánh thường trú vì chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh vẫn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Đây là lý do tôi ở đây, không phải tư cách là nhà ngoại giao với quyền miễn trừ và đặc quyền ngoại giao. Nhưng văn phòng của tôi thường trú tại Hà Nội nên thực tế tôi làm việc và được coi là Sứ thần Tòa Thánh".
Tổng Giám mục Zalewski từng là Sứ thần tại Singapore vào năm 2018. Vị đại diện của Vatican cho hay ông đã thực hiện 36 chuyến viếng thăm mục vụ tới 27 giáo phận ở Việt Nam trong 5 năm qua từ ở Singapore, khi đó với tư cách là đại diện không thường trú của Giáo Hoàng trong quan hệ với Việt Nam.
Một số trích đoạn phỏng vấn Tổng Giám mục Zalewski được trích đăng trên trang web của Liên hiệp Thông tấn xã Công giáo Á Châu (UCANews). Trang này nhận xét rằng Việt Nam thời gian qua đã thực hiện các cải cách, trong đó có việc quốc gia này hợp tác với các chính phủ và tổ chức phương Tây.
The UCANews, mối quan hệ "tế nhị" giữa Vatican với Việt Nam phần nào được xem là một hình mẫu cho mối quan hệ của Vatican với nước cộng sản láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc, quốc gia này đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh vào năm 1951.
UCANews dẫn số liệu của chính phủ cho hay Giáo hội Công giáo tại Việt Nam có 7 triệu thành viên, trong đó có 8.000 linh mục và 41 giám mục.
Có khoảng 3.000 giáo xứ Công giáo, khoảng 7.700 cơ sở do Giáo hội điều hành và 11 chủng viện trong nước.
An Tôn
Nguồn : VOA, 09/02/2024
Vatican bổ nhiệm đại diện đầu tiên ở Việt Nam
Thu Hằng, RFI, 24/12/2023
Hai ngày trước lễ Giáng sinh, Tòa thánh đã bổ nhiệm đại diện đầu tiên ở Việt Nam. Đây là bước tiếp theo trong thỏa thuận về Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam được hai bên ký ngày 27/07/2023 nhân chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng.
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân Phạm Thị Thanh Tâm tại sân San Damaso, Vatican, để gặp giáo hoàng Francis ngày 27/07/2023. AP - Gregorio Borgia
Theo trang Vatican, ngày 23/12, tổng giám mục Ba Lan Marek Zalewski, 60 tuổi, tổng giám mục Hiệu tòa Africa, hiện là sứ thần Tòa thánh ở Singapore kiêm đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam, đã được giáo hoàng Francis bổ nhiệm chức vụ mới.
Trang Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết tổng giám mục Marek Zalewski sinh ngày 02/02/1963 tại Augustów, thuộc giáo phận Łomża, Ba Lan. Học triết học tại Đại chủng viện Łomża (1983-1985) và thần học tại Đại chủng viện Firenze, Ý (1985-1989). Ngoài tiếng mẹ đẻ, tổng giám mục Zalewski còn thông thạo tiếng Ý và tiếng Anh và cũng sử dụng tiếng Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Trong năm 2023, Việt Nam và Tòa Thánh đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương. Thỏa thuận về "Quy chế Hoạt động của đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam" được ký tháng 07 cũng là bước tiếp theo của khóa họp thứ 10 của Tổ công tác hỗn hợp diễn ra ngày 31/03 tại Vatican. Tổ công tác này được thành lập năm 2008 với khóa họp đầu tiên ngày 16-17/02/2009.
Trong các cuộc gặp giữa chủ tịch nước Việt Nam và giáo hoàng Francis, tiếp theo là với hồng y thư ký Vatican Pietro Parolin, hai bên đã đánh giá cao những tiến bộ quan trọng đạt được trong mối quan hệ song phương và những đóng góp tích cực của cộng đồng công giáo Việt Nam.
Đến tháng 09, giáo hoàng Francis đã gửi thư đến Giáo Hội Việt Nam, kêu gọi các tín hữu sống đúng tinh thần của "tín hữu tốt và công dân tốt", thể hiện tình yêu Thiên Chúa "không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và văn hóa".
Trang thông tin Vatican nhắc lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh bị cắt đứt năm 1975, sau đó được cải thiện kể từ thập niên 1990. Năm 2011, giáo hoàng Benedicto XVI đã bổ nhiệm tổng giám mục Leopoldo Girelli làm đại diện Tòa thánh không thường trú, đóng tại Singapore.
Thu Hằng
*************************
Tổng Giám mục Zalewski được bổ nhiệm làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.
RFA, 23/12/2023
Tổng Giám mục Marek Zalewski, 60 tuổi, người Ba Lan, cũng là Sứ thần tại Singapore, được bổ nhiệm làm đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.
Tổng Giám mục Marek Zalewski (phải) trong buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Francis - Vatican Media
Hôm 27/7, trong chuyến thăm tới Vatican của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tòa Thánh và Chính phủ Việt Nam đã đạt được Thỏa thuận về tư cách của Đại diện Giáo hoàng thường trú và Văn phòng Đại diện Giáo hoàng thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Thông tin trên được đăng tải trên website của Hội đồng giám mục Việt Nam và vaticannews.va trong ngày 23/12.
Cụ thể, trong ngày 23/12/2023, vào lúc 12g Vatican, tức 18g Việt Nam cùng ngày, Tòa Thánh Vatican công bố Giáo Hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski, Tổng Giám Mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia), hiện đang là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.
Trong cùng ngày, Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, gửi thư đến Cộng đoàn Dân Chúa loan báo tin về Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam.
Tổng Giám mục Marek Zalewski sinh ngày 2/2/1963 tại Augustów, thuộc giáo phận Łomża, Ba Lan. Học triết học tại Đại chủng viện Łomża (1983-1985) và Thần học tại Đại chủng viện Firenze, Italia (1985-1989). Ngày 27/05/1989 ông được thụ phong linh mục tại Nhà thờ chính tòa Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Łomża.
Từ tháng Bảy năm 1995, Linh mục Marek Zalewski bắt đầu tham gia ngành ngoại giao của Tòa Thánh và trải qua nhiều sứ vụ gồm tòa Sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Trung Phi (1995-98) ; Phái đoàn ngoại giao tại Liên hiệp quốc, New York (1998-2001) ; Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Anh (2001-2004) ; Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Đức (2004-2008) ; Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Thái Lan (2008-2011) ; Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Singapore (2011-2012) ; Tòa Sứ thần Tòa thánh tại Malaysia (2012-2014).
Ngoài tiếng mẹ đẻ, Tổng Giám mục Zalewski còn thông thạo tiếng Ý và tiếng Anh. Ngoài ra ông cũng sử dụng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.
Việt Nam đã cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản tiếp quản đất nước vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Chính quyền khi đó coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam có lịch sử quá gần gũi với cựu thực dân Pháp.
RFA, 13/12/2023
Một bước tiến quan trọng giữa hai nước
Việt Nam và Vatican sẽ có một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương với việc đúc kết một thỏa thuận, mà theo đó Hà Nội chấp nhận cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam, theo một quan chức cao cấp của Vatican và một nhà ngoại giao ở Hà Nội theo dõi sát hồ sơ này.
Những người hành hương từ Việt Nam rước tượng Đức Mẹ trong buổi cầu nguyện do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 08/10/2016. Reuters - Tony Gentile
Theo hãng tin Anh Reuters hôm nay, 17/07/2023, thỏa thuận có thể sẽ được thông báo nhân chuyến viếng thăm Vatican trong tháng này của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong chuyến thăm Tòa Thánh, theo dự kiến, ông Võ Văn Thưởng sẽ được giáo hoàng Phanxicô tiếp. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một chủ tịch nước của Việt Nam với lãnh đạo Giáo hội Công Giáo kể từ chuyến thăm của ông Trần Đại Quang vào năm 2016. Một quan chức cao cấp của Vatican nói với Reuters : " Chúng tôi hy vọng thỏa thuận này sẽ đánh dấu một bước ngoặt (trong quan hệ với Việt Nam).
Việt Nam hiện có trên 7,2 triệu giáo dân (số liệu năm 2022), chiếm khoảng 7,2% dân số, đứng hàng thứ 5 Châu Á về số lượng giáo dân. Hà Nội đã cắt đứt bang giao với Vatican sau khi kết thúc chiến tranh năm 1975 và đến năm 1976 đã trục xuất sứ thần của Tòa Thánh ở Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam vẫn là một trong số hiếm hoi các quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Vatican.
Tuy chưa bình thường hóa bang giao, nhưng vào năm 2011, Hà Nội đã cho phép Vatican bổ nhiệm một đại diện không thường trú ở Việt Nam, đó là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli . Vị đại diện không thường trú hiện nay là Tổng giám mục Marek Zalewski, sứ thần của Tòa Thánh ở Singapore. Vì là không thường trú cho nên mỗi lần mở các chuyến thăm mục vụ đến Việt Nam, đức cha Zalewski đều phải xin phép chính phủ Hà Nội.
Từ nhiều năm qua, Tòa Thánh vẫn liên tục yêu cầu Hà Nội chấp nhận cho bổ nhiệm một đại diện thường trú và mãi đến năm 2022, hai bên mới đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc về vấn đề này. Vào cuối tháng 3 vừa qua, trong cuộc họp lần thứ 10 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Tòa Thánh tại Vatican, hai bên "đã thảo luận và cơ bản nhất trí về Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam", theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Việc bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam có thể dẫn đến việc tái lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Vatican. Nhưng theo nhận định của hãng tin Reuters, tiến trình bình thường bang giao song phương sẽ còn mất nhiều năm. Nên nhớ rằng "Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican" đã bắt đầu họp từ năm 2009, nhưng mãi đến năm ngoái mới đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về vấn đề bổ nhiệm đại diện thường trú của Vatican.
Một trong những vấn đề vẫn gây cản trở cho việc bình thường hóa bang giao Việt Nam-Vatican, đó là việc bổ nhiệm các giám mục. Theo thỏa thuận giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, việc đề xuất giám mục là quyền của Tòa Thánh, Nhà nước Việt Nam không có quyền đề cử ứng viên, nhưng có quyền từ chối hoặc là chấp thuận.
Thanh Phương
Giáo hoàng Francis mới đây gửi lời chúc các lãnh đạo và người dân Việt Nam một mùa Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc khi ông gặp Đại sứ Việt Nam tại Italy, ông Dương Hải Hưng, tại Thánh lễ Giáng sinh ở Đền thờ Thánh Phêrô.
Giáo hoàng Francis ban phép lành toàn xá vào dịp lễ Giáng sinh từ Đền thờ Thánh Phêrô, Vatican, vào ngày 25/12/2022.
Tại buổi tiếp, Trưởng đoàn ngoại giao Việt Nam đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Giáo hoàng, TTXVN tường thuật.
Đại sứ Việt Nam cũng trình bày với Giáo hoàng về việc các lãnh đạo Việt Nam đã đến thăm, chúc mừng cộng đồng Công giáo Việt Nam vào dịp Lễ Giáng sinh 2022, đồng thời ghi nhận những đóng góp tích cực của người Công giáo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Việt Nam.
Đáp lại, Giáo hoàng Francis bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Ông mong muốn quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Vào tháng 4 năm nay, Việt Nam và Vatican đã quyết định đẩy mạnh hợp tác và đồng ý nâng cấp mối quan hệ đang dần được cải thiện giữa hai bên nhân chuyến công du của một phái đoàn Toà thánh đến Việt Nam. Trong thông cáo công bố ngày 22/04/2022, Vatican cho biết Tòa thánh sẽ có một văn phòng đại diện thường trú tại Hà Nội "trong một tương lai gần".
Việc nâng quan hệ lên cấp đại diện thường trú tại Roma và Hà Nội là bước cuối cùng trước khi tiến tới bang giao toàn diện với đại sứ đặt tại mỗi nước, vốn là mục tiêu của các cuộc đàm phán đã được khởi sự từ năm 2009.
Sau năm 1975, Việt Nam đã cắt đứt quan hệ với Vatican.
Cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam hiện khoảng hơn 7,2 triệu người, chiếm tỉ lệ 7,21% dân số Việt Nam.
Nguồn : VOA, 30/12/2022