Với nhiều người Việt Nam, Singapore ngày nay là một hình mẫu của phát triển hiện đại, thịnh vượng, tiện nghi và kỷ luật.
Có lãnh đạo Việt Nam muốn Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 'sánh vai' với Singapore.
Sir Thomas Stamford Raffles của Anh lập thương cảng Singapore đầu năm 1819 từ một làng chài
Điều này không lạ vì Singapore nay còn làm 'ông chủ cũ' Anh Quốc ngưỡng mộ.
Thăm Singapore đầu năm 2019, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói "Anh Quốc muốn học nhiều thứ từ Singapore".
Đảng Bảo thủ thì mơ Anh sau Brexit thành "Singapore của Biển Bắc", tự do, thịnh vượng và chỉ bỏ neo bên bờ Châu Âu mà không còn gắn kết với EU.
Thật là chuyện gió đổi chiều sau 200 năm.
Vì 28/1 vừa qua là dịp kỷ niệm ngày Sir Thomas Stamford Raffles lập thương cảng Singapore năm 1819 từ một làng chài.
Nhưng để hiểu về Singapore và tránh các ngộ nhận và rút ra bài học đúng, có lẽ cũng cần xem lại một số huyền thoại về đảo quốc này.
Huyền thoại 1 : Từ hòn đảo nghèo nàn thành đô thị hiện đại
Đây là huyền thoại do chính đảng Nhân dân Hành động cầm quyền ở Singapore không ngừng tô vẽ.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã rất khéo trong việc tạo ra 'story' độc đáo về nước ông "từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất" chỉ trong một hai thế hệ.
Đúng là khi tách khỏi Liên bang Malaysia để độc lập năm 1965 thì ngân quỹ quốc gia Singapore rất ít tiền.
Nhưng Singapore đã thừa hưởng toàn bộ cơ sở hạ tầng của một thương cảng "thuộc hàng giàu có bậc nhất thế giới" ngay từ thế kỷ 19, theo Britannica.
Năm 1867, Singapore chuyển quy chế từ một cảng tự do (free port) của chính quyền Bengal thuộc Anh sang quy chế thuộc địa (colony), do London trực trị.
Một đám rước của cộng đồng Hoa tại Singapore năm 1900
Các khoản thu hàng năm cứ dần tăng lên hàng chục lần kể từ năm 1824.
Cuối thế kỷ 19, Singapore đã là 'hòn ngọc Đông Nam Á' của London, với lãi ròng hàng năm 90 triệu đô la (1,7 tỷ ngày nay) với 220 nghìn dân.
Khu phố chính, các dinh thự, trường học, nhà thờ được xây theo mô hình Jackson thẳng tắp, đẹp đẽ.
Giữa thế kỷ 19, Hong Kong có nhiều dịch bệnh khiến Anh chọn Singapore làm nơi đóng hạm đội Châu Á.
Đến năm 1923, Anh đầu tư 60 triệu bảng vào quân cảng này và tới Thế Chiến 2 đã có 80 nghìn quân đóng ở Singapore.
Năm 1942, Nhật Bản thắng Anh, chiếm Singapore, đổi tên đảo thành Chiêu Nam và coi là phần lãnh thổ Nhật.
Một đô thị, hải cảng như thế không thể là hòn đảo 'nghèo nàn'.
Huyền thoại 2 : Singapore luôn là xứ sở của kỷ luật và đạo đức
Singapore từ thời Lý Quang Diệu đã tiếp quản luật Anh, giáo dục Anh và những giá trị khắc kỷ về hành chính của kỷ nguyên Victoria để lại, gồm cả hình phạt roi.
Đánh roi không phải hình phạt người Anh nhằm hạ nhục người bản địa mà luôn được dùng trong trường nội trú ở Anh cho cả con nhà quý tộc.
Ngày nay, Singapore vẫn trừng phạt các vi phạm hành chính rất nặng và xử tử dân buôn ma tuý.
Nhưng hòn đảo ban đầu lại phất lên nhờ thuốc phiện.
Jeevan Vasagar nhắc lại rằng trong thế kỷ 19, nguồn lợi buôn nha phiến vào Trung Quốc đem lại cho Singapore sự giàu có chưa từng thấy.
"Chừng 30-55% nguồn thu của chính quyền thuộc địa tại Singapore đến từ buôn nha phiến, và vô số dân buôn Trung Hoa làm trung gian cho người Anh cũng giàu lên nhanh chóng".
Bản thân Singapore thu nhận hàng vạn di dân từ Trung Hoa đến làm ăn, và đây là một xã hội xô bồ, năng động mà cũng đầy tệ nạn.
Jean Abshire trong cuốn Lịch sử Singapore mô tả thương cảng này 'vô luật lệ như nước Mỹ thuở chinh phục Viễn Tây' (lawless frontier).
Người Anh làm chủ nhưng các doanh nhân, dân phiêu lưu Armenia, Pháp, Do Thái, Mỹ... đều có mặt, cùng người Hoa, Mã Lai, Ấn... đến Singapore tìm vận may.
"Có một xã hội người Hoa hút thuốc phiện, đĩ điếm, cờ bạc, cướp biển và những tay lính thủy Anh say xỉn, bạo lực" và đủ các loại cò mồi, lừa đảo.
Người Hoa cũng thường xuyên dùng thuyền đem di dân nhập lập vào Singapore để tăng quân số cho dân làm thuê được các bang hội và băng đảng kiểm soát.
Huyền thoại 3 : Singapore phát triển nhờ các giá trị Châu Á
Hải quân Singapore duyệt đội danh dự ở quân cảng Changi
Sau khi nhận trao trả độc lập, Singapore không làm cách mạng đập bỏ 'quá khứ thực dân' theo trào lưu trong vùng khi đó.
Trái lại, ông Lý Quang Diệu đã tiếp nhận hoàn toàn di sản của Anh về luật pháp, kể cả luật giao thông, và nhất là hệ thống giáo dục, ngôn ngữ từ Anh Quốc.
Ông Lý Quang Diệu từng nói nhờ phổ cập tiếng Anh là Singapore liên kết được nhóm dân Hoa, Ấn và Mã Lai đã thành công kinh tế.
Tuy thế, là người tốt nghiệp Cambridge và LSE ở Anh ra, ông Lý lại nêu ra về giá trị Châu Á để tạo sự tự tin cho người Singapore.
Nhờ hệ thống toà án xử theo luật Anh mà Singapore có thể duy trì vai trò 'trọng tài' trong các thương vụ quốc tế.
Càng gần đây, lo ngại Trung Quốc lũng đoạn luật pháp Hong Kong lại khiến dân làm ăn tiếp tục tìm đến Singapore.
Huyền thoại 4 : Singapore là thương cảng độc đáo nhất Đông Nam Á
Hàng trăm năm trước khi người Anh tới, đảo Singapura đã là một điểm trung chuyển hàng hóa của các vương quốc mà nay thuộc về Malaysia hoặc Indonesia.
Người Singapore ngày nay cũng nhắc lại lịch sử không phải 200 năm mà là 700 năm của hòn đảo, từ thời kỳ văn hóa Ấn giáo và Hồi giáo.
Cuốn sách 'Singapore : A 700-Year History' của chính phủ công bố gần đây bác bỏ huyền thoại về "một làng chài vắng vẻ" khi Sir Stamford Raffes tới :
"Singapore khi đó đã là một bến cảng sôi động của vương quốc Hồi giáo Johor-Riau...".
Vai trò của người Anh là hiện đại hóa một truyền thống thương mại đã có trong lịch sử hải dương bên Eo biển Malacca.
Thậm chí lịch sử phát triển của Singapore không phải lúc này cũng "thuận buồm xuôi gió".
Ở gần, Singapore vẫn phải cạnh tranh với ít nhất là ba thương cảng khác : Malacca, Penang, Batavia (Jakarta ngày nay).
Ở xa hơn, Singapore bị Calcutta và Hong Kong cạnh tranh mạnh và đã có lúc - giống như hiện nay - bị Hong Kong giành nguồn lợi từ giao thương với Trung Quốc.
Huyền thoại 5 : Singapore từng kém Sài Gòn
Như đã nói ở trên, Singapore từng đóng góp rất lớn cho thương mại của Đế quốc Anh tại Châu Á về lợi tức.
Nhưng nói là Singapore từng kém cả Sài Gòn thì không hoàn toàn đúng.
Hai đô thị này có hai vai trò khác nhau, tùy vào ông chủ thuộc địa thời đó.
Ban đầu, Singapore là thương cảng thuộc chính quyền Bengal của Anh và sau thêm nhiệm vụ làm quân cảng.
Còn Sài Gòn vốn là thủ phủ của Đông Dương từ 1887 đến 1902, nên có vai trò chính trị quan trọng hơn với Pháp.
Nhưng về độ trù phú, giàu có thì Singapore thuở ban đầu đã hơn Sài Gòn, như tường thuật của Phạm Phú Thứ ((1821-1882) viết trong Ký sự đi Tây (1863).
Số phận của Singapore lên xuống cùng kinh tế khu vực.
Cảng Sài Gòn năm 1950
Hai tiếp viên Shareen Loh và Lily Tian của Singapore Airlines trong chuyến bay của phi cơ Boeing 707 đầu tiên của hãng này đến sân bay Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn năm 1972
Năm 1842, Anh cho lập cảng Hong Kong, và thương mại của Singapore bị sụt giảm ngay.
Sau đó, việc Pháp lập ra hai cảng Sài Gòn và Hải Phòng ở Đông Dương cũng làm vị thế của Singapore tiếp tục giảm đi.
Singapore từ chỗ kiếm tiền nhờ buôn nha phiến và trà đã nhanh chóng tìm nguồn lợi kinh doanh ở các vùng xung quanh : Malaysia, Indonesia và thành công trở lại.
Sang đầu thế kỷ 20 Singapore thành cảng xuất khẩu thiếc và nông sản lớn nhất Đông Nam Á.
Sau này, khi xảy ra Chiến tranh Việt Nam, Singapore cũng kiếm lời nhờ làm dịch vụ cho quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam.
Còn cụ thể về câu nói của Lý Quang Diệu so sánh Singapore với Sài Gòn thì đã có nhiều diễn giải sai.
Ông Lý từng nói rằng, "Nếu ai đó nhìn vào Sài Gòn và Singapore năm 1954 thì người đó sẽ nghĩ Singapore hết thời rồi, chứ không phải Sài Gòn" (If one looked at Saigon and Singapore in 1954, one would have said Singapore was the goner, not Saigon).
Nhưng trên thực tế thì Singapore cuối cùng đã thành công, còn Việt Nam Cộng Hòa thì không, vì nhiều lý do.
Nguyên văn câu của ông Lý Quang Diệu vế này là "Saigon can do what Singapore did".
Đó là vào năm 1954, khi cuộc chiến chưa tàn phá Nam Việt Nam.
Còn tới 1974, Singapore đã có 2,3 triệu dân, đông hơn thủ đô Việt Nam Cộng Hòa Sài Gòn (325 nghìn), và có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Nam Việt Nam.
Sự thật mang tầm huyền thoại về Singapore là tính năng động và thực dụng của lãnh đạo đảo quốc, gió chiều nào cũng xoay buồm ra biển được.
Vẫn trong câu nói về Sài Gòn, ông Lý cả quyết, "Cứ tìm được nhóm người có năng lực là làm được" (If you can find the group of men who could do it).
Điều quan trọng nhất là con người.
Nguồn : BBC, 05/02/2019
Bạn đang làm gì và ở đâu vào thời điểm 10 năm về trước ? Năm 2009 Michael Jackson qua đời, Barack Obama đắc cử chức Tổng thống Mỹ và thế giới còn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm lợn.
Barack Obama đắc cử chức Tổng thống Mỹ vào thời điểm năm 2009.
Nhiều người trên thế giới chia sẻ trên các mạng xã hội hình ảnh của họ từ 10 năm trước kèm theo hashtag '10YearChallenge'.
Nhưng lướt qua tin kiểu "Ôi tôi thấy mình già đi nhiều quá", bạn sẽ chỉ thấy mình mà có thể chưa thấy thế giới hóa không thay đổi nhiều như bạn nghĩ.
Ông Nguyễn Phú Trọng năm 2009 (trái), khi ông giữ chức Chủ tịch Quốc hội, và ông bước vào năm 2019 với tư cách Tổng Bí thư - Chủ tịch nước.
Vẫn trụ lại
Nếu như bạn thức dậy sau một cơn hôn mê kéo dài hàng thập kỷ ở hàng chục quốc gia trên thế giới, bạn có thể sẽ vẫn được chào đón bởi một một số gương mặt quyền lực quen thuộc trên chính trường.
Những vị lãnh đạo thế giới vẫn còn tại vị sau một thập kỷ
Đây là những người còn trụ lại sau các cuộc đảo chính, những người viết lại hiến pháp, những người xây dựng liên minh và hơn hết là những người đã thắng cử 10 năm trước và giờ họ vẫn nắm quyền.
Mặc cho chính trường thế giới chứng kiến nhiều sự thay đổi to lớn trong một thập kỷ qua, những vị lãnh đạo này vẫn giữ trụ lại.
Ngược lại, Thụy Sĩ lại có tới mười đời tổng thống trong một thập kỷ qua. Đó là do hiến pháp đặc biệt của nước này giới hạn nhiệm kỳ tổng thống chỉ gói gọn trong vòng một năm.
Vẫn tiếp tục nóng
Nhiệt độ toàn cầu vẫn ngày càng tăng trong hơn một thập kỷ qua.
Chúng ta biết đến biến đổi khí hậu do con người tạo ra từ ít nhất một thế kỷ nay. Nhưng thái độ của chúng ta với vấn đề này vẫn gần như không thay đổi.
Biến đổi khí hậu sẽ tác động đến những người nghèo trước tiên và mạnh nhất, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới đã phải mất tới hơn 21 năm chỉ để đi đến một thỏa thuận dự kiến về việc hạn chế ảnh hưởng của nó.
Thỏa thuận COP24 được kí kết tại Ba Lan vào tháng 12/2018, là quy ước cụ thể đầu tiên để các chính phủ bắt đầu nỗ lực giảm lượng khí thải.
Nhưng trong 10 năm qua, có rất ít tiến bộ và thế giới tiếp tục trở nên nóng hơn và nóng hơn.
Năm 2009, Nasa cho biết nhiệt độ bề mặt toàn cầu là cao hơn 0,63C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1951/1980, còn đến năm 2017 đã tăng lên 0,90C.
Vẫn nghèo
Chênh lệch giàu nghèo vẫn tiếp tục gia tăng
Một điều đã thay đổi là ở thời điểm 10 năm về trước, những công ty giàu nhất trên thế giới thường là các công ty kinh doanh dầu mỏ và ngân hàng.
Đến năm 2018, trong danh sách các công ty giàu nhất trên thế giới theo tạp chí Financial Times Global 500 hầu hết thuôc về những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Google, Microsoft, Amazon và Tencent.
Tuy nhiên, một điều vẫn giữ nguyên là khoảng cách khổng lồ giữa những người giàu nhất và những người ngèo nhất.
Thậm chí, khoảng cách này còn lớn hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Một báo cáo được công bố bởi Hạ viện Anh cho thấy, từ năm 2008 đến 2017, khối tài sản của 1% những người giàu nhất thế giới tăng 6% mỗi năm trong khi khối tài sản của 99% còn lại chỉ tăng 3% mỗi năm.
Báo cáo ước tính rằng 1% người giàu nhất có thể nắm giữ tới 64% tài sản của thế giới vào năm 2030.
Vẫn bất bình đẳng
Bất bình đẳng nữ giới vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới
Cho dù có nhiều người lên tiếng ủng hộ phong trào nữ quyền năm 2018, thực tế cuộc sống hàng ngày của nhiều phụ nữ vẫn chẳng mấy thay đổi.
Đúng là một cố chuyện đã khác. "Upskirting" (Chụp hình nhạy cảm nữ giới mà chưa được sự đồng ý) cuối cùng cũng bị quy là một loại hình tội phạm theo điều luật của Vương quốc Anh.
Hàn Quốc đóng một trong những trang web khiêu dâm lớn nhất hay đăng những video nhạy cảm của nữ giới được quay bằng những camera ẩn.
Ả Rập Saudi cũng đã cho phép khán giả nữ được tới sân xem những trận bóng đá và thậm chí còn cấp giấy phép lái xe cho họ.
Và đúng là phụ nữ Ấn Độ cuối cùng cũng giành được quyền để vào một số ngôi đền linh thiêng như nam giới.
Nhưng phụ nữ vẫn đang bị hãm hiếp tập thể và làm nhục tại Ấn Độ.
Phá thai vẫn có thể khiến phụ nữ phải đi tù ở El Salvador. Và nơi nguy hiểm nhất cho phụ nữ trên toàn thế giới vẫn là nhà của họ.
Bất bình đẳng cải thiện chậm đến mức Diễn dàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) ước tính sẽ mất tới 202 năm để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ giới.
Những lãnh đạo vẫn trụ lại sau 10 năm
Hàng trên cùng từ trái sang phải theo ảnh giữa bài : Teodoro Obiang Nguema Mbasogo (Guinea Xích đạo) ; Emomalii Rahmon (Tajikistan) ; Isaias Afwerki (Eritrea) ; Alexander Lukashenko (Belarus) ; Faure Gnassingbé (Togo) ; Angela Merkel (Đức) ; Ilham Aliyev (Azerbaijan) ; Pierre Nkurunziza (Burundi) ; Evo Morales (Bolivia).
Hàng giữa từ trái sang phải theo ảnh : Paul Biya (Cameroon) ; Joseph Kabila (DRC) ; Benjamin Netanyahu (Israel) ; Mahmoud Abbas (Palestine) ; Nurultan Nazarbayev (Kazakhstan) ; Abdelaziz Bouteflika (Algeria) ; Paul Kagame (Rwanda) ; Yoweri Museveni (Uganda) ; Omar Al-Bashir (Sudan).
Hàng dưới cùng từ trái sang phải theo ảnh : Ali Bongo Ondimba (Gabon) ; Idriss Déby (Chad) ; Vladimir Putin (Nga) ; Denis Sassou Nguesso (Congo) ; Recep Tayyip Erdoğan (Thổ Nhĩ Kỳ) ; Ismaïl Omar Guelleh (Djibouti) ; Bashar Al-Assad (Syria) ; Gurbanguly Berdimuhamedow (Turkmenistan).
Còn tại Việt Nam, giáo sư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2009 mới chỉ giữ chức Chủ tịch Quốc hội nhưng ông bước vào năm 2019 với tư cách Tổng Bí thư - Chủ tịch nước dù đã ở tuổi ngoài 70.
Ở Trung Quốc, tháng 10/2009, Hội nghị Trung ương của đảng cộng sản cầm quyền khép lại với chỉ dấu ông Tập Cận Bình sẽ kế vị Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2012.
Tuy thế, vào năm 2009, ông Tập mới chỉ giữ chức Phó Chủ tịch nước.
Nguồn : BBC, 21/01/2019
Trong mấy năm vừa qua, khu vực đường tàu chạy qua phố cổ Hà Nội đã trở thành điểm đến yêu thích cho du khách, đặc biệt là những ai thích chụp selfie và nếm trải 'cảm giác mạnh'.
Nhiều khách nước ngoài thích chụp hình trên đường tàu Hà Nội
Được người Pháp bắt đầu xây dựng từ những năm 1880, các chuyến tàu chạy trên đường ray khổ một mét vận hành trên nhiều tuyến để chở hành khách và hàng hóa.
Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều phần của tuyến đường sắt Bắc - Nam đã bị bom Mỹ phá hủy.
Ngày nay, tàu hỏa vẫn là một phương tiện giao thông có giá rẻ được nhiều người dùng.
Đường tàu phố cổ Hà Nội : khách du lịch đổ tới chụp hình
Mặc dù lên hình đẹp, khu vực này khá là nguy hiểm : mỗi khi các chuyến tàu lăn bánh qua con phố hẹp, khách du lịch phải vội vàng dạt ra hai bên để được an toàn.
Nhưng đối với nhiều người, cảm giác mạnh khi tránh đoàn tàu chạy nhanh chính là sự hấp dẫn.
"Tôi chưa bao giờ thấy chuyện như thế này cả. Cảm giác vừa tuyệt lại vừa sợ, tôi hơi bị ngợp vì ở sát chuyến tàu đến vậy", Michelle Richards, khách du lịch từ Australia nói với hãng tin AFP.
Khách du lịch đến thăm quan đường tàu chạy qua khu phố cổ ở Hà Nội
Bao bọc bởi những ngôi nhà và quán cà phê san sát, đây là nơi các nhiếp ảnh gia du lịch có cơ hội nắm bắt vẻ quyến rũ độc đáo của đường tàu.
Cuộc sống của người dân diễn ra sát ngay đường tàu.
Đây cũng là cơ hội kinh doanh tốt cho các quán cà phê tạm đã mọc lên hai bên đường.
Đối với người dân sống ở khu vực này, cuộc sống hàng ngày vẫn diễn ra như thường nhật, ngay bên cạnh và thậm chí trên cả đường ray khi tàu không chạy qua.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 26/10/2018
Cơ quan Điều tra Môi trường Vương quốc Anh (EIA) nói Việt Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm của hoạt động buôn lậu ngà voi.
Tang vật buôn lậu ngà voi bị tịch thu ở Việt Nam - Ảnh EIA
Báo cáo của EIA được đưa ra vào tháng trước như lời cảnh báo cho Hà Nội trước thềm Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái phép diễn ra tại London vào tuần này.
EIA nói 56 tấn ngà voi đã bị bắt giữ tại Việt Nam và 20 tấn ngà voi "có liên quan tới Việt Nam" bị thu giữ tại các quốc gia khác kể từ năm 2009.
"Việc không có bất kỳ hành động có ý nghĩa nào chống lại các mạng lưới và đối tượng tội phạm đã được xác định đã dẫn tới tình trạng các băng nhóm tội phạm quốc tế người Việt đang hoạt động tự do ở khắp châu Phi và vào Việt Nam cũng như các quốc gia láng giềng.
"Ngà voi, sừng tê giác và tê tê đang được đưa trái phép vào Việt Nam với tốc độ đáng báo động, đẩy nhanh tốc độ suy giảm của các quần thể voi, tê tê, và tê giác vốn đã đang trong tình trạng nguy cấp", EIA nói trong báo cáo này.
Các băng nhóm người Việt được mô tả là "có nhiều chiêu trò hơn" băng nhóm tội phạm người Trung Quốc khi vận chuyển hàng hóa trên nhiều tuyến bao gồm đường không, đường biển và đường bộ.
Các tuyến đường buôn lậu ngà voi - Ảnh EIA
Một người bị cáo buộc là "thủ lĩnh" trong đường dây tội phạm được dẫn lời kể lại việc băng nhóm của mình sử dụng một thiết bị giám sát vệ tinh GPS để theo dõi một chuyến hàng sừng tê giác từ Mozambique về Việt Nam qua Doha.
EIA nói tham nhũng "có mặt trong toàn bộ dây chuyền buôn bán" và hầu hết các thành viên cấp cao của các băng nhóm người Việt đều khoe khoang rằng mối quan hệ với các quan chức tham nhũng giúp họ chuyển trót lọt các lô ngà voi.
Hầu hết các chuyến hàng được đưa từ Mozambique về Malaysia và rồi được đưa qua Lào và sau đó đưa vào Việt Nam bằng đường bộ. Ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê được tiêu thụ tại Việt Nam hoặc được chuyển tiếp để bán qua Trung Quốc tại đường biên giới phía bắc.
Cuộc điều tra bí mật được tiến hành trong hai năm của EIA nói về sự tồn tại của một mạng lưới buôn bán ngà voi phức tạp do các đối tượng người Việt cầm đầu và mới chỉ nêu tên được một số đối tượng tuy có rất nhiều các đối tượng có liên quan khác.
Ít nhất một trong số những người bị cáo buộc bị ghi hình mô tả hoạt động buôn lậu ngà voi là "lãi hơn ma túy".
EIA ước tính, từ năm 2015 những đối tượng buôn bán ngà voi được xác định trong cuộc điều tra này có liên quan tới các vụ thu giữ tổng cộng 6,3 tấn ngà voi và 299kg sừng tê giác và có ít nhất 22 vụ vận chuyển ngà voi trót lọt từ châu Phi, với khối lượng ước tính khoảng 19 tấn và doanh thu tiềm năng 14 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 01/2016 đến tháng 11/2017.
Báo cáo của EIA được đưa ra sau hai năm kể từ khi Việt Nam đăng cai Hội nghị Quốc tế về Buôn bán Động vật hoang dã tại Hà Nội.
Với báo cáo khá chi tiết, EIA khuyến nghị nhà chức trách Việt Nam điều tra và khởi tố các đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng cho phép hoạt động buôn lậu động vật hoang dã diễn ra ở Việt Nam, bao gồm tại các điểm nhập cảnh và xuất cảnh cho ngà voi như sân bay, bến cảng và cửa khẩu đường bộ.
Tổ chức có trụ sở tại London này nhấn mạnh về nhu cầu hợp tác giữa các cơ quan dựa trên thông tin tình báo để phá vỡ và bắt giữ các mạng lưới buôn bán ngà voi có tổ chức và cải thiện hợp tác quốc tế như thông qua dẫn độ, và điều tra hoạt động buôn bán ngà voi và động vật hoang dã bất hợp pháp thông qua mạng xã hội như WeChat, Zalo và Facebook.
Dư luận Việt Nam mới đây ồn ào về hai bài viết trên báo nhà nước, mà họ cho là điển hình của lối viết báo 'theo chỉ đạo'.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25/9.
Đó là hai bài viết về hai lãnh đạo quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump, đăng trên báo Tuổi Trẻ, và về cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, trên báo Phụ nữ.
'Sự đơn độc của ông Trump'
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ với tiêu đề "Ông Trump đơn độc tại Liên Hiệp Quốc" ngày 27/9 ngay lập tức gặp phải phản ứng từ cộng đồng mạng
Bài viết trên báo Tuổi Trẻ nhận nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng
"Phát biểu không giống ai tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn độc và hứng chịu phản ứng gay gắt từ nhiều phía", bài viết có đoạn.
Tác giả bình luận rằng bài phát biểu thứ hai của ông Trump trong phiên họp "được cho là đã 'vả thẳng' vào trật tự thế giới". Và rằng "Như thể đang phát biểu trước quần chúng cả nước chứ không phải các nguyên thủ quốc gia, ông Trump khẳng định nước Mỹ đã trở thành "một quốc gia mạnh mẽ, an toàn và giàu có hơn" kể từ khi ông nắm quyền".
Để chứng minh ông Trump 'đơn độc', tác giả bài báo đưa ra hai ví dụ : Tổng thống Pháp chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump và Tổng thống Iran chỉ trích lệnh trừng phạt kinh tế của ông Trump.
Để minh họa, bài báo đăng tấm ảnh ông Trump đang ngồi một mình trên ghế.
Facebooker Bùi Thanh Tuấn Anh Vỹ viết : "cái quan trọng là ổng nói và làm được những gì. Em đã thấy ông ta như một thanh nam châm mà thế giới đang bị hút vào. Ông ta không hề đơn độc như báo Tuổi Trẻ nói".
Một người tên Dinh Bac thì cho rằng "thời hạn ba tháng [đình bản] hết không phải đương nhiên Tuổi Trẻ Online sẽ có lại, phải nịnh một chút chứ... thông cảm cho người ta, chết cũng làm ma xứ này !".
Facebooker Thanh Sơn bình luận : "Truyền thông Việt Nam ngày càng lộ rõ bộ mặt tiêu cực. Xuyên tạc, nói sai sự thật cũng như bưng bít. Những hình ảnh của lãnh đạo Việt Nam bị phản đối khi ra nước ngoài thì không thấy. Ngẫm mà bái phục truyền thông Việt Nam".
Người có tên Phong Hoàng Thanh cho rằng "viết báo theo chỉ đạo thì chỉ có vậy" còn Ngọc Tú Đoàn Nguyễn thì nói "Buồn cho người cầm bút".
Một số tài khoản Facebook khác, như Huân Cao Tưởng, tỏ ra thất vọng về tờ báo từng được cho là uy tín nhất Việt Nam : "Tuổi trẻ thế nào, thì ra cũng chỉ tầm thế này".
Trong khi đó, Nguyên Tống Dân nói "người dân giờ đọc và nghe tiếng Anh lõm bõm rồi Tuổi trẻ ạ. Không phải thời thích nói gì thì nói nữa đâu".
Một số người khác tỏ ra rất bất bình, như một tài khoản tên Việt Hoàng, với đề nghị "tờ này [báo giấy] cũng nên đình bản như Tuổi trẻ online thôi".
Luật sư Lê Công Định, trong một bài viết trên Facebook cá nhân, bình luận rằng dẫu ông Trump có 'đơn độc' tại Liên Hiệp Quốc như Tuổi Trẻ viết, thì "tư tưởng loại bỏ dứt khoát chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội của ông được toàn dân Việt Nam đồng thuận và cảm kích".
Hồi tháng Bảy, báo Tuổi Trẻ Online bị Bộ Thông tin và Truyền thông đình bản ba tháng do đăng phát ngôn của cố chủ tịch Trần Đại Quang về luật Biểu tình, dù sau đó đã sửa nội dung.
Hôm thứ Ba 25/9, Tổng thống Donald Trump vừa có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nơi ông nhắc đến những thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được "chỉ trong chưa đầy hai năm", sự cần thiết phải thay đổi hệ thống thương mại thế giới và tình hình khủng hoảng ở Venezuela mà theo ông là do chủ nghĩa xã hội gây ra.
Ông Trump nói rằng "Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người".
Bài phát biểu của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
'Đèn đom đóm của ông Quang'
Cách đó khoảng một tuần, cư dân mạng cũng phản ứng với bài viết trên báo Phụ nữ Việt Nam nhan đề "Vĩnh biệt cậu học trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học", đăng tải sau ngay khi cố chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Bài viết có đoạn : "Trong mắt người thân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một học trò siêng năng từ tấm bé. Gia đình khó khăn, cậu học trò ấy từng phải bắt đóm đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu…".
Nhiều ý kiến bình luận rằng dù để tỏ lòng thương tiếc vị chủ tịch nước thì tác giả bài báo cũng không nên viết 'phi thực tế' như vậy vì có thể làm ảnh hưởng thanh danh chủ tịch.
…bắt đóm đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu
Luật sư Lê Ngọc Luân bình luận trên Facebook cá nhân rằng "Nếu là người thân, tôi sẽ đề nghị gỡ bài báo dưới đây".
Ông Luân giải thích : "Thú thật, ngày xưa tôi nghe ba mẹ nói bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng học sẽ giỏi và tôi cũng tin nên bắt bỏ vào trứng khiến nó chết vì thở thông nổi. Sau này lớn lên mới biết đó chỉ là câu chuyện dân gian khích lệ sự hiếu học mà thôi".
"Chỉ trách tại sao người cầm bút lại có thể viết ra những dòng như thế. Họ không biết thẹn lòng mình hay sao ?"
Nhà báo Nguyễn Như Phong thì đặt câu hỏi về 'tư duy của nhà báo' ngày nay. "Hình như người viết không biết phân tích, đánh giá độ thực hư của câu chuyện kể".
"Tại sao chuyện ca ngợi những tấm gương hiếu học có từ thời xửa thời xưa mà ví dụ hay được dẫn nhất là "bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn", hoặc luyện viết chữ Hán đến nỗi " lõm viên gạch lát sân"... nay dám "gán" vào cho Chủ tịch Trần Đại Quang ?".
"Phải hiểu đó là những giai thoại. Và chuyện người ta kể chủ tịch bắt đom đóm làm đèn cũng chỉ nên coi là giai thoại".
Ông Phong cũng kể kinh nghiệm cá nhân thời đi sơ tán, khi ông học lớp Năm, từng bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng nhưng "thật thất vọng vì ánh sáng lập lòe xanh nhợt của con đom đóm chẳng xuyên qua được vỏ trứng để đủ làm thành 'ngọn đèn'.
"Ca ngợi Chủ tịch nước hiếu học thì thiếu gì dẫn chứng, thiếu gì chi tiết... Còn lấy chuyện bắt đom đóm làm đèn, chỉ làm tổn hại thanh danh chủ tịch mà thôi", nhà báo Nguyễn Thanh Phong kết luận bài viết trên Facebook cá nhân.
Nhiều Facebooker khác cũng chia sẻ kinh nghiệm 'bắt đom đóm' tương tự. Như cây bút Hằng Thanh viết hồi bé từng bắt đom đóm cho vào lọ thủy tinh nhưng 'không sáng', dù thử nghiệm nhiều lần.
"Dạo này xuất hiện thứ báo chí thiệt là kinh dị khiến người được viết cũng lạy cả nón", Facebooker này viết.
Cầu kỳ hơn, Facebooker có một bài phân tích dài về độ sáng, đặc tính sinh học và mùa xuất hiện của đom đóm.
Văn Song Nguyễn tính toán và cho rằng để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 60W sẽ cần 28.622 con đom đóm !
Hơn nữa, ánh sáng của đom đóm "không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của nó. Nên cái đèn đom đóm sẽ nhấp nháy liên tục. Mà nó lại nằm trong vỏ trứng thì không đủ sáng liên tục được...".
"Đom đóm chỉ xuất hiện vào mùa hè... Mà mùa hè thì xưa nay học sinh nghỉ học".
Tuy nhiên cũng có lác đác một vài ý kiến ủng hộ, cho rằng việc học bằng đèn đom đóm là có thật.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến viết trên Facebook rằng ở quên thời xưa trẻ em nào cũng quen với việc bắt đom đóm làm đèn và ai "không tin đèn đom đóm có thể đọc sách, kể cũng là một sự thiệt thòi".
Cây bút Thinh Nguyen cũng chia sẻ rằng bản thân đã từng ngồi học bằng ánh sáng đom đóm những ngày nhà hết dầu, và những người phản đối chuyện này "hầu hết là những người chưa trải qua thời kỳ đó".
'Không kiểm duyệt' nhưng có 'định hướng'
Không phải ngẫu nhiên mà dư luận cho rằng truyền thông Việt Nam 'viết theo chỉ đạo'.
Để kiểm duyệt thông tin trên mạng internet, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã xây dựng một đội ngũ hàng ngàn người gọi là Lực lượng 47 để đối phó với những "quan điểm sai lầm" và "tuyên truyền chống nhà nước".
Theo một báo cáo của tổ chức Freedom House năm 2016, môi trường truyền thông của Việt Nam là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất ở Châu Á, nơi Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát mọi kênh truyền thông và có 'quy chế hoạt động' cho các toàn soạn báo.
"Đảng Cộng sản thường xem các phương tiện truyền thông như một công cụ để quảng bá chính sách của đảng và nhà nước, và chính quyền thường can thiệp trực tiếp vào nội dung".
"Các cuộc kêu gọi cải cách dân chủ và tự do tôn giáo, các bài báo về tham nhũng của quan chức cấp cao, về tranh chấp quyền sử dụng đất và chỉ trích mối quan hệ với Trung Quốc là những vấn đề phổ biến nhất để bị kiểm duyệt hoặc trừng phạt".
"Trước nguy cơ bị sa thải hoặc mắc vào các vấn đề về pháp lý, nhiều nhà báo đã thực hiện "tự kiểm duyệt", báo cáo của Freedom House cho hay.
Chính quyền Việt Nam bác bỏ những điều này.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ngày 17/11/2017, ông Tuấn nói : "Tôi khẳng định Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí", theo VnExpress.
Tuy nhiên ông cũng cho hay rằng Ban Tuyên giáo Trung ương "thực hiện công tác định hướng báo chí theo điều lệ, nghị quyết của Đảng ; theo Hiến pháp và quy định pháp luật liên quan".
Nguồn : BBC tiếng Việt
Hai người Nga, ông Alexander Petrov và Ruslan Boshirov xác nhận họ bay sang Anh chỉ để đến thăm Salisbury rồi về ngay.
Cảnh sát Đô thành London - Metropolitan Police - cung cấp các hình chụp CCTV về hai người Nga Alexander Petrov và Ruslan Boshirov tại hiện trường Thành phố Salisbury
Trả lời truyền hình Nga RT hôm 13/09, cả hai bác bỏ cáo buộc là có dính líu đến vụ dùng chất độc thần kinh Novichok để tấn công ông Sergei Skripal và con gái.
Hai người mang tên Alexander Petrov và Ruslan Boshirov nói họ không phải sĩ quan tình báo quân đội Nga (GRU) mà làm nghề bán chất dinh dưỡng thể thao.
Họ xác nhận đúng là họ có đến thành phố Salisbury, và thậm chí có thể đi qua ngõ nhà ông Skripal nhưng không biết nó ở đâu.
Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã nói hôm 05/09 rằng hai người đàn ông : Alexander Petrov (trái) và Ruslan Boshirov "là nhân viên tình báo quân đội GRU" của Nga
Cảnh sát Anh đã công bố các hình ảnh của hai người Nga này khi tới sân bay, ra ga tàu hỏa và đến Salisbury.
Phía Anh cho rằng Alexander Petrov và Ruslan Boshirov là hai cái tên giả.
Cách giải thích của hai người Nga là họ yêu quý thành phố vùng Tây Nam Anh nên đến thăm di tích ở đây.
Nhưng họ đã không thăm các di tích nổi tiếng của vùng này như đền đá Stonehenge, điểm thờ của người cổ đại là Old Sarum.
Hai người đàn ông Nga đã 'ngại trời tuyết' nên không đến thăm di chỉ cự thạch Stonehenge
Họ chỉ vào thăm Thánh đường Salisbury, và ông Boshirov giải thích vì sao :
"Đây là thánh đường Gothic không chỉ nổi tiếng ở Châu Âu mà trên toàn thế giới, có tháp cao 123 mét, có chiếc đồng hồ rất nổi tiếng".
Alexander Petrov (trái) và Ruslan Boshirov trả lời truyền hình Nga RT hôm 13/09.
Trong cuộc phỏng vấn video hơn 20 phút được phát trên đài truyền hình RT của Nga, hai người đàn ông tỏ ra hồi hộp, theo báo Anh.
Ngạc nhiên về tình yêu Salisbury
Nhưng câu chuyện của họ, được chính quyền Nga quảng bá rộng rãi để bác bỏ cáo buộc phía Anh đưa ra, cũng đặt ra không ít câu hỏi.
Một số tờ báo tiếng Anh và trang mạng xã hội cũng tỏ ra ngạc nhiên về tình yêu đặc biệt của là hai người đàn ông sống ở ngoại ô Moscow với một thành phố Anh.
Cả hai nói họ chỉ đến Salisbury mà không thăm bất cứ nơi nào ở Anh.
Lịch trình chuyến thăm
Theo BBC News thì lịch trình chuyến thăm ngắn ngủi là như sau :
Họ bay tới sân bay Gatwick vào 15:00 ngày thứ Sáu 02/03/2018, rồi đi tàu về khách sạn ở London.
Ngày hôm sau, cả hai đi ngay đến Salisbury bằng xe lửa lần đầu, ở lại từ 14:25 đến 16:11, theo CCTV của Anh, rồi lên tàu về London.
Nắm đấm cửa nhà ông Skripal 'dính lượng hóa chất cao', theo cảnh sát Anh
Ngày hôm sau, Chủ Nhật 04/03, họ lại đi xe lửa tới Salisbury và xuống bến tàu lúc 11:48.
CCTV cho thấy khoảng 11:58 họ đến gần căn nhà của cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.
Sau đó, theo lời kể của chính hai ông Alexander Petrov và Ruslan Boshirov, họ vào thăm Thánh đường Salisbury.
Vào lúc 13:50 cùng ngày họ đã có mặt ở ga xe lửa để quay về London, rồi ra sân bay để về Nga chuyến chập tối.
Chuyến về, họ bay bằng hàng không Aeroflot từ Heathrow, chứ không phải từ phi trường Gatwick như lúc bay đến.
Hai người cũng giải thích trên truyền hình rằng dù họ hâm mộ Salisbury từ bé, nhờ đọc về nó trong sách, họ đã cắt ngắn chuyến thăm "vì thời tiết xấu".
Chuyện hai người đàn ông Nga "ngại đi bộ trời tuyết" dù đã bỏ tiền bay từ Moscow tới Anh thăm nơi yêu thích đang là đề tài đàm tiếu trên mạng xã hội.
Alexander Petrov và Ruslan Boshirov không trả lời câu hỏi của RT họ có là đôi đồng tính nam hay không mà luôn đi cạnh nhau khi sang Anh Quốc.
Anh Quốc không thể dẫn độ hai người này, chính thức bị cho là nghi phạm sát nhân bất thành, vì Nga không bao giờ trục xuất công dân của họ.
Tuy thế, nếu hai ông Alexander Petrov và Ruslan Boshirov sang Châu Âu, họ có thể bị bắt và trao nộp cho Anh.
Hôm 4/03, ông Sergei Skripal và con gái Yulia từ Moscow sang thăm ông phải nhập viện sau khi dính chất độc thần kinh Novichok.
Họ được phát hiện đã gục xuống ở ghế tại công viên thành phố Salisbury.
Chính phủ Anh tuyên bố Nga đứng sau vụ đầu độc.
Ông Sergei Skripal và con gái Yulia trước khi bị trúng chất độc thần kinh ở Salisbury, thành phố yên lặng vùng Wiltshire của Anh
Hai người trong nhà Skripal đã bình phục nhưng hai người Anh, Charlie Rowley và Dawn Sturgess, bị ngất vì dính chất Novichok trong nhà riêng ở Amesbury, gần Salisbury.
Bà Dawn Sturgess đã chết sau đó.
Thứ trưởng Ben Wallace chuyên về an ninh nói trên kênh BBC Radio 4 hôm 06/09/2018 rằng "chung cuộc thì Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công tại Salisbury" bằng chất độc thần kinh Novichok.
Chính quyền Nga đã bác bỏ hoàn toàn chuyện này.
Chính quyền ngăn giới hoạt động trước 2/9 (BBC, 31/08/2018)
Chính quyền nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đang lo ngăn chặn biểu tình mà họ gọi là 'tụ tập đông người' dịp Quốc Khánh 2/9.
Các khẩu hiệu về biển đảo thu hút nhiều giới trẻ hoàn toàn không phải là những nhà hoạt động thường bị nhà chức trách 'hỏi thăm' trong dịp chống giàn khoan Trung Quốc hồi 2014 ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nơi ở của một số nhà hoạt động được an ninh Việt Nam canh gác nghiêm ngặt trước 2/9.
Cùng lúc, chính quyền chỉ đạo cho công an các thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác "đảm bảo an ninh, trật tự trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9".
Các văn bản công bố ở Hà Nội nói công an thành phố này có nhiệm vụ "chống hoạt động tập trung đông người, tuần hành, biểu tình trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố, nhất là trong dịp 2/9.
Từ Sài Gòn, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC hôm 31/8 là an ninh đã "đặt chốt" trước nhà của bà từ trưa :
Chính quyền ở Việt Nam kêu gọi tăng cường lực lượng an ninh để ngăn 'tụ tập đông người' ngày Quốc Khánh 2/9
"Những ngày có xảy ra biểu tình hay xét xử những người bất đồng chính kiến thì công an mặc thường phục vẫn đến canh nhà tôi. Thường họ đi theo nhóm từ 4-5 người. Lúc cao điểm khi đang biểu tình hay xử án thì lên đến hàng chục người".
"Nếu họ cho phép tôi đi ra khỏi nhà thì sẽ cử 2 -4 người đi theo canh phòng. Có dịp họ còn cử hàng chục người gồm an ninh, dân phòng, thậm chí cả người của Hội phụ nữ tới canh gác cả ngày, chia ca kíp".
Bà Sương Quỳnh đã từng tham gia các vụ biểu tình phản đối Trung Quốc, Formosa, ủng hộ Trường Sa, Hoàng Sa, kêu gọi thả tù nhân lương tâm.
Cũng từ Sài Gòn, nhà văn Nguyễn Viện, cho hay ông được trưởng công an phường trực tiếp 'mời cà phê' hôm 30/8.
"Cách làm việc thân thiện. Họ nhờ 'giúp' bằng cách không ra khỏi nhà vào hôm 2/9 và 4/9".
Cũng tương tự, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm nói ông được cán bộ PA67 của Bộ Công an 'mời cà phê' hôm 30/8 tại Sài Gòn để 'hỏi han'.
"Họ hỏi tôi mùng 2/9 có kế hoạch gì ? Có đi ra đường không ? Họ khuyên tôi không nên đi ra ngoài hôm 2/9 coi chừng bị 'hốt' và nói "Những bài ông viết, những việc ông làm bọn tôi đều biết", ông cho BBC Tiếng Việt từ Bangkok hay.
Ngăn ngừa, tuyên truyền và vận động
Giới chức ở nhiều địa phương cũng tăng cường biện pháp tuyên truyền khác như đi phát tờ rơi, đi vận động từng nhà.
Bà Phạm Thị Tuất ở phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) được dẫn lời trên báo Quân đội Nhân Dân ngày 28/8, nói trong những lần họp tổ dân phố, cán bộ thường tuyên truyền cho dân đọc thông tin "từ những trang báo chính thống thay vì tin tức trên mạng xã hội để hạn chế tối đa việc niềm tin nhầm chỗ, nghe theo lời xúi giục của những phần tử phản động, cơ hội".
Tài liệu tuyên truyền được tổ dân phố phát từng nhà trước 2/9
Trần Văn Quang, 16 tuổi, ở phường Phú Tài, Thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) thì nói, cũng trên tờ báo này, rằng vào 10/6 - thời điểm xảy ra biểu tình ở nhiều nơi trên cả nước và bạo động ở Bình Thuận - em được thuê ném đá vào công an với giá 200 ngàn đồng",'ném bom xăng thì được từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng".
Bài báo cũng nói về lòng yêu nước và kêu gọi cảnh giác với "mọi âm mưu thủ đoạn thâm độc của thế lực thù địch".
Hệ thống viễn thông nhiều địa phương đã vào cuộc để phục vụ tuyên truyền dịp 2/9.
VNPT tại Long An nhắn tin cho người dân "không nghe xúi giục, kích động của đối tượng xấu', làm 'ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương".
Tại Vĩnh Yên, báo tỉnh đăng hình công an kiểm tra xe máy ngoài đường, để "bảo đảm an ninh trật tự dịp Quốc khánh 2/9".
Hôm 27/8, chủ tịch UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, yêu cầu công an không để xảy ra tình trạng "tụ tập đông người, quá khích dịp lễ Quốc khánh".
Biểu tình các dịp cuối tuần
Các vụ biểu tình tự tổ chức đã xảy ra nhiều lần, thường vào cuối tuần, từ nhiều năm qua ở Việt Nam, như phản đối Giàn khoan HD981 của Trung Quốc hồi 2014.
Trong tháng 6 năm nay, có thêm các cuộc biểu tình ở các đô thị lớn phản đối hai luật An ninh mạng và Đặc khu kinh tế.
Một đánh giá hồi tháng 6/2018 của Viện Lowy tại Úc về các vụ việc đó viết :
"Đa số công chúng tin rằng tham nhũng trong bộ máy công quyền là kinh niên ở Việt Nam. Dù chiến dịch chống tham nhũng được ủng hộ rộng rãi, điều này khó tạm thu hút niềm tin trong công chúng về các chính sách mới nhất".
Ngoài ra, yếu tố phản đối Trung Quốc về biển đảo hoặc các vấn đề khác thường xuất hiện trong các cuộc xuống đường ở Việt Nam những năm qua.
Cùng lúc, luật biểu tình đã bị trì hoãn nhiều lần cũng khiến khác biệt quan điểm chỉ có cách thể hiện qua tuần hành bất chấp lệnh cấm ngoài đường phố.
Vào cuối tháng 8, một nhóm nhân sĩ ở Việt Nam nói họ dự kiến công bố bản kiến nghị chính phủ về việc bỏ vĩnh viễn Luật đặc khu kinh tế và Thông tư 19 cho phép lưu hành đồng nhân dân tệ ở các tỉnh giáp Trung Quốc.
Ngoài ra, có một số lời kêu gọi biểu tình lan truyền mạng xã hội mà không rõ mục đích đến từ người Việt ở hải ngoại, theo một nhà hoạt động tại Sài Gòn.
Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh 11 tháng 5/2016. Yếu tố phản đối Trung Quốc về biển đảo thường xuất hiện trong các cuộc xuống đường ở Việt Nam những năm qua
Tuy nhiên, theo ông Dương Đại Triều Lâm thì kêu gọi từ giới hoạt động hay từ bên ngoài không phải là yếu tố chính.
"Nhận thức của người dân nay cũng đã khác. Ví dụ như ngày 10/6 vừa qua, các nhà hoạt động mà chính quyền đã 'quen mặt', đều bị canh gác gắt gao, không thể ra khỏi nhà, nhưng biểu tình vẫn diễn ra ở khắp nơi", ông Dương Đại Triều Lâm nói với BBC.
*******************
Việt-Trung : Có nặng đồng cân 'nhân dân tệ ? (BBC, 31/08/2018)
BBC Tiếng Việt nhận được nhiều ý kiến về quyết định dùng tiền Trung Quốc trong giao dịch bình thường ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam.
Graffiti nghệ thuật ở Thượng Hải hình Mao Trạch Đông đeo kính là dấu 'yuan' - tiền của Trung Quốc
Một số ý kiến trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt :
"Kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc thì phải phụ thuộc vào tiền tệ của nó là đúng rồi... Không chỉ mấy tỉnh phía Bắc mà sau này cả đất nước luôn đó chứ. Nguy hiểm hơn là nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà Trung Quốc thua thê thảm thì kinh tế Việt Nam cũng khủng hoảng luôn".
Tử Ấn Thiên
"Như vậy nếu Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc và nhận về nhân dân tệ thì lấy đâu đô la để trả nợ quốc tế ?".
Nguyễn Nguyên
"Tiền Trung Quốc bắt đầu được tự do lưu hành ở biên giới rồi không lâu nữa nó sẽ thay tiền Việt Nam... Đây cũng là một phần chia lửa với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ".
Van Phuc Nguyen
Có câu hỏi nếu Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc và nhận về nhân dân tệ thì lấy đâu đô la để trả nợ quốc tế ?
Ý kiến của một số nhà nghiên cứu và kinh tế gia không nêu tên :
Lo ngại 'Trung Quốc hóa' tiền Việt :
"Vụ Việt Nam chính thức cho dùng tiền nhân dân tệ các tỉnh biên giới sẽ chính thức 'Trung hóa' tiền tệ Việt Nam và mở cửa chính thức cho hàng Trung Quốc ồ ạt tuồn sang. Và từ đây, hai hậu quả sắp tới là doanh nghiệp Việt Nam bị bóp nghẹt, và Hoa Kỳ sẽ trả đũa giới hạn hàng Việt Nam lẫn hàng Trung Quốc trá hình trốn sang Mỹ. Ảnh hưởng lên kinh tế Việt Nam sẽ vô cùng khốc liệt, khó đoán trước chính xác".
Phụ thuộc chính sách tiền tệ :
"Đúng là Trung Quốc đang muốn thế giới dùng nhân dân tệ (RMB) làm dự trữ ngoại tệ, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chấp nhận điều này. Nhưng dùng làm dự trữ khác hẳn việc dùng ngoại tệ với tư cách là đồng tiền thanh toán trong nội bộ nền kinh tế.
Vì vậy mà nhiều nước đã bị đô la hóa hay Việt Nam có thể bị nhân dân tệ hóa. Dù thế nào thì khi để chuyện này xảy ra nước sở tại sẽ mất một phần hay hoàn toàn quyền điều hành chính sách tiền tệ.
Điển hình là tình trạng của Hy Lạp vì đã dùng đồng euro nên không thể có chính sách nhằm giảm giá trị đồng nội tệ, để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu. Khi giá đồng nội tệ giảm, giá hàng bằng ngoại tệ giảm nên dễ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Việc này còn tác dụng đến việc tăng giá nói chung và như thế giảm chi tiêu trong nước. Lương thực tế sẽ giảm. Còn như hiện nay chính phủ muốn giảm chi tiêu công, họ phải thải người, hoặc giảm lương, rất khó làm.
Ngoài ra, khi kinh tế bị khủng hoảng, nếu chỉ có nội tệ là đồng được phép thanh toán trên thị trường, Ngân hàng trung ương có thể có tiền, kể cả in thêm ra để can thiệp cứu nguy nền kinh tế, kể cả đưa ra chính sách tín dụng như lãi suất để điều hành nền kinh tế".
Một nền kinh tế chỉ dùng đồng tiền nước ngoài, hay euro, hay USD sẽ mất hoàn toàn quyền chủ động về chính sách tiền tệ và tín dụng. Nếu cho phép đồng ngoại tệ thì sẽ mất một phần tùy theo sức mạnh của đồng nước ngoài".
Hiện nay đồng nhân dân tệ đang mạnh hơn đồng tiền Việt Nam thì tất nhiên tiền Viết sẽ có vấn đề.
Nói chung là không nước nào lại muốn để một nước khác xâm phạm như thế trừ khi nước đó rất nhỏ và lại có quan hệ lớn và mật thiết với nước lớn bên cạnh.
Ngoài ra, làm sao để nhân dân tệ không tràn vào các vùng khác của Việt Nam ? Không lẽ phải xóa cửa khẩu hiện nay để mang cửa khẩu mới vào sâu nội địa Vn để kiểm soát".
Chính phủ Việt Nam tự chọn cách mất nguồn thu :
"Dùng VND trong nước thì chính phủ Việt Nam được một nguồn lợi - ngồi không mà có tiền thu nhập vào - đó là seignorage, tức là tiền Ngân hàng Nhà nước thu vào do tăng trưởng GDP hàng năm, trung bình khoảng 3-4% của GDP một nước.
Vì thế tôi không thấy lý do gì mà lại đem nguồn thu nhập của mình dâng cho người khác, ngoài chuyện mất chủ quyền và mất một công cụ quan trọng trong chính sách kinh tế.
Đáng lẽ ra Việt Nam phải bảo vệ quyền lợi seignorage của mình bằng cách cấm trong nước, kể cả các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, không được dùng nhân dân tệ hay tiền của bất kỳ nước nào khác ngoại trừ tiền Việt Nam. Nếu chuyện này đã xảy ra thì phải ngăn cấm lại.
Tôi thấy ở Việt Nam hay thổi phồng vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Theo thiển ý, Trung Quốc sẽ không có lựa chọn gì khác hơn là sẽ theo sự áp buộc của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại đang xảy ra.
Điều này sẽ làm chậm lại bá đồ của Trung Quốc trong việc thực hiện mục tiêu 2025 và Việt Nam phải nhân cơ hội nầy thoát ra bớt ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách cải tổ kinh tế và nhất là tăng nhanh hội nhập thế giới đặc biệt là các nước Âu Mỹ".
Sắp có hiệu lực :
Theo một thông tư của Chính phủ Việt Nam vừa công bố thì từ ngày 12/10/2018, "các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới dùng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc nhân dân tệ (CNY) trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ".
"Phương thức thanh toán bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bằng VND hoặc CNY tiền mặt".
Lần đầu tiên trong 30 năm, sinh viên từ các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc liên kết với công nhân nhà máy để lập nghiệp đoàn ở vùng duyên hải nhưng đã bị chính quyền chặn lại.
Hôm 24/8, cảnh sát mặc trang phục chống bạo động bố giáp một căn hộ gần Thâm Quyến nơi nhóm ủng hộ công nhân đang tụ họp.
Sáng thứ Sáu 24/8, cảnh sát chống bạo động bố ráp một căn hộ ở Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) nơi gần 50 sinh viên và công nhân nhà máy tụ họp để thành lập liên đoàn lao động độc lập.
Ở Trung Quốc, các nghiệp đoàn độc lập bị cấm sau vụ biểu tình Thiên An Môn năm 1989.
Các sinh viên bị bắt giữ hầu hết đến từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Nam Ninh và Đại học Nhân Dân, còn công nhân đến từ nhà máy sản xuất thiết bị hàn Jasic Technology ở Thâm Quyến.
Ba công nhân là Lan Zhiwei, Yu Kailong và Yu Weiye bị giam giữ, những người trước đó đang hưởng án treo sau một vụ cảnh sát bắt giữ nhiều người.
Vụ bắt giữ này được cho là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trung Quốc để đàn áp phong trào lao động đang lên ở tỉnh Quảng Đông.
Phong trào này bắt đầu nổi lên từ tháng trước khi công nhân nhà máy Jasic Technology bị đuổi việc khi họ tìm cách lập nghiệp đoàn.
Bất đồng về quyền lao động giữa lãnh đạo công ty và công nhân nhà máy Jasic Technology bắt đầu từ hồi tháng Năm.
Làm lại cuộc cách mạng cánh tả ?
Tới tháng Bảy, hàng chục sinh viên được truyền cảm hứng từ chủ nghĩa Mao đã xuống Thâm Quyến để ủng hộ các yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.
Những đảng viên Cộng sản lâu năm theo chủ nghĩa Mao cũng tham gia phong trào và chỉ trích khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo trong xã hội Trung Quốc, tờ AsiaNews đưa tin.
Hãng tin Anh Reuters cho hay hôm 27/7, cảnh sát Trung Quốc bắt giữ 29 người, trong đó có một số công nhân bị đuổi việc, người thân và những người ủng hộ họ.
Hiện mười bốn người vẫn đang bị giam giữ.
Nhiều sinh viên đại học tham gia một nhóm ủng hộ bảo vệ quyền của người lao động.
Các cuộc biểu tình của công nhân và sinh viên bị ngăn cản bởi các vụ cảnh sát bắt người và các nhóm du côn ẩn danh đánh người biểu tình.
Sinh viên và các nhà hoạt động dùng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của họ và tìm sự đoàn kết, ủng hộ từ người dân.
Từ tuần trước, tất cả các bài viết và chat trên mạng xã hội nhằm tổ chức biểu tình bị chính quyền chặn và cấm.
Công đoàn chính thức của Trung Quốc thường đứng về phía quản lý công ty và việc vận động cho quyền lao động là một thách thức cho Đảng Cộng sản.
Tờ AsiaNews.it trích lời ông Cai Chongguo, phó giám đốc Bản tin Lao động Trung Quốc, nói rằng phong trào đấu tranh "đã làm chấn động cơ sở tư tưởng và tính chính thống của chế độ hiện hành" trong lúc người dân Trung Quốc đang ngày một bức xúc vì khoảng cách ngày một lớn giữa người nghèo và giới giàu có nhiều tiền và nắm quyền chính trị ở nước này.
Kể từ thời Khai phóng, dù kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng các vấn đề xã hội to lớn ở Trung Quốc cũng khiến một phái, gọi là 'tân tả' trong trí thức Trung Quốc lên tiếng nhắc lại vấn đề công bằng xã hội.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nhóm đông đảo sinh viên và trí thức trẻ vào cuộc vì công nhân.
Đại học Phục Đán ngày nay - hình minh họa
Trước Thế chiến 2, chính Đảng Cộng sản Trung Quốc liên tục dùng khẩu hiệu công bằng xã hội để vận động công nhân các vùng duyên hải vào Công hội đỏ.
Nhưng sang thời gần đây, ý thức hệ cộng sản bị thuyết thực dụng 'Mèo trắng mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột' của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình làm nhạt màu đi.
Chính quyền Trung Quốc sau đó đưa ra thuyết Ba Đại diện cho rằng các nhà tư bản cũng là lực lượng 'tiến bộ' dẫn dắt xã hội.
Gần đây nhất, lý thuyết gia Vương Hộ Ninh lại nói rằng vì bối cảnh "đặc thù Trung Hoa" nên xã hội vẫn cần "chính trị tập trung" trong khi "kinh tế tăng trưởng nhanh chóng".