Hoàng Bách nói chuyện với Đinh Xuân Quân và Nguyễn Gia Kiểng
Phát ngôn viên Taliban sáng nay cho biết họ mong muốn các tòa đại sứ Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, mở cửa trở lại tại Kabul.
Đây là một sự thay đổi lớn trong chính phủ sắp đến của Taliban.
Mỹ nếu không là đồng minh thì cũng không phải là đối thủ.
Nguồn : Hoangbach Channel, 02/09/2021
Chuyến bay chở những binh sĩ Mỹ cuối cùng ở Afghanistan đã chính thức rời khỏi Kabul hôm 30/8/2021. Cuộc tháo chạy (trong 17 ngày) đánh dấu cho sự thất bại hoàn toàn của Mỹ sau 20 năm can thiệp quân sự vào quốc gia này. Sai lầm lớn của Mỹ là đã đem quân vào Afghanistan. Nếu chỉ để trả thù vụ khủng bố 11/9 thì Mỹ chỉ cần ném bom và đánh sập chính quyền Taliban là đủ. Để xây dựng được một chế độ dân chủ mất rất nhiều thời gian và kiên nhẫn, người Mỹ đã không ý thức được sự khó khăn đó. 20 năm can thiệp quân sự, mất hơn hai ngàn tỉ đô la và 2.400 binh sĩ, kết quả là số không.
Cả thế giới đều bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul do Mỹ hậu thuẫn, thậm chí ngay cả với Biden và tình báo Mỹ. Dù vậy cuộc chiến tại đây vẫn chưa chấm dứt và chưa ai có thể hình dung được tương lai của Afghanistan sẽ như thế nào. Cuộc giao tranh mới nhất giữa Taliban và Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRF) tại thung lũng Panjshir vừa kết thúc với thất bại thuộc về phe Taliban.
Thực tế, cuộc chiến tại Afghanistan đã ngã ngũ khi Mỹ ký hòa ước Doha (Qatar) với Taliban hồi tháng 2/2020 mà không có sự tham gia của chính phủ Afghanistan. Rõ ràng là Taliban không chiến thắng mà là Mỹ tự ý chịu thua, tự đầu hàng và đẩy gần 40 triệu người Afghanistan vào một tương lai đen tối. Chính quyền Kabul và nhân dân Afghanistan chỉ là nạn nhân mới nhất của tâm lý ích kỷ cố hữu "nước Mỹ trên hết" (America First) của người Mỹ. Trump đã tuyên án tử hình và Biden đã hành quyết chính quyền Ghani. Thể diện và uy tín của nước Mỹ và Biden suy giảm rất nhiều sau sự kiện bỏ rơi đồng minh này. Người Việt Nam có lẽ cảm nhận được sự đau khổ mà người dân Afghanistan đang phải gánh chịu hơn ai hết vì chính Mỹ cũng đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa như vậy 46 năm về trước. Người Việt cần rút ra những bài học gì từ sự kiện này?
Chính quyền Kabul và nhân dân Afghanistan chỉ là nạn nhân mới nhất của tâm lý ích kỷ cố hữu America First của người Mỹ. Trump đã tuyên án tử hình và Biden đã hành quyết chính quyền Ghani.
Phải tự lực, tự cường
Có lẽ tất cả mọi người Việt Nam đều đồng ý rằng chính người dân Afghanistan phải tự chiến đấu và xây dựng tương lai cho mình chứ không thể trông chờ vào Mỹ. Mỹ thích thì đến, không thích thì rút đi. Mỹ không có bổn phận và trách nhiệm xây dựng dân chủ cho Afghanistan. Mỹ thực dụng và thiếu kiên nhẫn.
Xây dựng dân chủ rất khó khăn và cần có thời gian, ít nhất là hai thế hệ. Muốn đất nước có dân chủ thì phải có những con người dân chủ và con người dân chủ không tự nhiên mà có. Trách nhiệm dân chủ hóa đất nước luôn thuộc về tầng lớp trí thức chính trị trong mỗi quốc gia. Tinh thần dân chủ cần phải được hướng dẫn và nuôi dưỡng trong vài thập niên. Ngay cả tại Việt Nam, gần 50 năm sau ngày 30/4/1975 thì tầng lớp trí thức chính trị cũng chỉ mới bắt đầu hình thành.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) ý thức được điều đó nên chúng tôi bắt đầu hành trình tranh đấu bằng việc cùng nhau vạch ra một lộ trình cho tổ chức. Dự án chính trị đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Các dự án tiếp theo và mới nhất là dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là sản phẩm của trí tuệ Việt Nam, một con đường mới cho Việt Nam. Chúng tôi có tham khảo và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh dân chủ trên khắp thế giới nhưng không sao chép hay dập khuôn một cách máy móc theo bất cứ mô hình nào.
Sau khi có được một dự án chính trị thì việc tiếp theo là xây dựng một đội ngũ nhân sự chính trị để thực hiện dự án chính trị đó. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và bao dung. Chúng tôi ý thức được rằng công việc này có thể mất vài thập niên nhưng đó là việc bắt buộc phải làm.
Tập Hợp luôn tự thân vận động, chúng tôi chưa nhận bất cứ một sự trợ giúp nào từ bất cứ một tổ chức nào ngoài sự đóng góp của các thành viên. Để xây dựng một đội ngũ nòng cốt thì tư tưởng chính trị quan trọng hơn tiền bạc. Chúng tôi cũng chưa có ý định tranh thủ sự ủng hộ của thế giới và các chính khách nước ngoài khi vẫn còn trong giai đoạn xây dựng tổ chức. Trong một lần thăm Mỹ ông Nguyễn Gia Kiểng được một người bạn đề nghị thu xếp một cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ khi đó là Obama nhưng ông đã từ chối vì cho rằng chẳng để làm gì cả và chỉ mất thì giờ cho cả đôi bên. Giai đoạn vận động dư luận quốc tế sẽ cần nhưng chưa phải lúc này.
Phải có dự án chính trị và đội ngũ chính trị
Làm gì cũng phải có kế hoạch và phương pháp. Xây dựng dân chủ cho Việt Nam là một dự án rất lớn vì nó sẽ làm thay đổi số phận của cả dân tộc. Dự án đó phân tích thực trạng của đất nước và đề nghị một giải pháp thay thế. Dự án chính trị của Tập Hợp giải thích đầy đủ lý do vì sao phải thay đổi và thay đổi như thế nào... Truyện thuyết cộng sản (hay giải pháp cộng sản) đã thất bại hoàn toàn tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Muốn thay đổi một truyện thuyết cũ thì phải có một truyện thuyết mới. Truyện thuyết mới vừa phải đẹp (vì đó là một giấc mơ) nhưng cũng vừa phải rõ ràng, cụ thể để ai cũng có thể hiểu và cảm nhận được sự khả thi của nó.
Chỉ có một dự án chính trị như vậy mới đoàn kết và động viên được mọi người, trước là tầng lớp trí thức và sau đó là toàn thể người dân Việt Nam. Khi người dân hiểu, tin tưởng vào lộ trình đó thì họ mới dấn thân bằng tất cả sự cố gắng và quyết tâm. Afghanistan không thiếu những trí thức Tây học, có bằng cấp và hiểu biết cao. Người dân Afghanistan cũng không hèn nhát hay tồi tệ như chúng ta nghĩ. Vấn đề là họ không có đội ngũ, không có quyết tâm vì không có dự án chính trị. Ông cựu bộ trưởng Bộ Truyền thông Afghanistan, Sayed Sadaat đang tị nạn tại Đức và làm nghề giao hàng (shipper) ở Leipzig là một ví dụ. Ông chia sẻ rằng ông từng có cơ hội để tham nhũng và giàu có nhưng ông đã không làm vậy, ông cố gắng sống lương thiện và làm tất cả vì tương lai đất nước nhưng ông thất bại vì ông chỉ là một thiểu số cô đơn.
Chính quyền Kabul là kết hợp lỏng lẻo của những người vì quyền lợi cá nhân thay vì một tập thể của những con người có tinh thần quốc gia. Muốn có lý tưởng và tinh thần quốc gia thì phải có một dự án tương lai chung, đây điều mà trong suốt 20 năm những người kế tiếp nhau cầm quyền tại Kabul đều không có để đề nghị với nhân dân Afghanistan và chính quyền Mỹ cũng không nghĩ tới việc thúc giục và giúp đỡ họ để có. Không có dự án chính trị thì không thể có lý tưởng và đội ngũ nòng cốt. Lý tưởng đó là sức mạnh chính của họ, các phương tiện tài chính và quân sự chỉ là thứ yếu. Trong khi đó, trước mặt họ là tổ chức Taliban có một lý tưởng và một dự án tương lai cho Afghanistan, dù là một lý tưởng và một dự án lỗi thời. Vì thế họ phải thua và Taliban phải thắng.
Sở dĩ Tập Hợp vẫn tồn tại và phát triển trong khi các tổ chức khác gần như đã tan rã vì chúng tôi có một dự án chính trị. Dự án đó là chất keo để gắn kết các thành viên của tổ chức, dự án đó cho chúng tôi một lý tưởng cao đẹp để dấn thân, dự án đó cho chúng tôi một niềm tin rằng cùng nhau chúng ta sẽ thay đổi được số phận dân tộc Việt Nam, dự án đó mang lại cho chúng tôi quyết tâm thay đổi lịch sử thay vì chịu đựng lịch sử.
Dự án chính trị là thứ không thể thiếu của một tổ chức chính trị. Căn cứ vào những đề nghị trong đó mà người dân Việt Nam có thể hình dung được tương lai của chính mình và của đất nước.
Phải có kiến thức và can đảm
Bất cứ nghề nghiệp gì cũng cần phải học để có kiến thức. Chính trị là một lĩnh vực quan trọng và là một công việc khó khăn. Chính trị là bộ môn tổng hợp của nhiều bộ môn. Chính trị quyết định mọi vấn đề của cuộc sống. Một quyết định chính trị sai có thể gây hại cho hàng triệu người. Chính sách ‘ngăn sông cấm chợ’ để chống đại dịch Covid-19 của chính quyền Việt Nam là một ví dụ. Muốn có những quyết định chính trị đúng đắn thì phải có kiến thức và muốn có kiến thức thì phải học hỏi không ngừng. Có kiến thức sẽ có can đảm để lấy những quyết định đúng. Chính trị là việc chung, là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân chứ không phải cho bản thân vì vậy cái gì có lợi cho người dân thì người làm chính trị dứt khoát phải làm. Trong chính trị luôn có những quyết định rất khó khăn vì có những quyết định đúng (về lâu dài) nhưng lại đi ngược với mong muốn (trước mắt) của người dân.
Ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn thường nhắc nhở anh em chúng tôi rằng, trong chính trị đừng có tính toán thiệt hơn cho bản thân và tổ chức mình mà thấy cái gì đúng, cái gì cần và cái gì có lợi cho đất nước thì cứ thế mà làm. Ông luôn hành động như vậy và chúng tôi cũng sẽ hành động như vậy. Một vài ví dụ :
- Trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Kiểng đã phản bác thẳng thừng, không khoan nhượng văn hóa Khổng giáo, trong đó có văn hóa tôn thờ bạo lực của người Việt qua hình tượng "anh hùng dân tộc" Nguyễn Huệ. Ông biết sẽ phải đón nhận nhiều công kích, thậm chí mạt sát của không ít người Việt nhưng ông vẫn làm vì ông cho rằng nếu không thay đổi và đoạn tuyệt với thứ văn hóa độc hại đó thì dân tộc Việt Nam sẽ không có tương lai.
- Ông Nguyễn Gia Kiểng có lẽ là chính trị gia duy nhất của Việt Nam có các hoạt động tại Mỹ mà không dùng cờ vàng. Mặc dù ông là cựu viên chức của Việt Nam Cộng Hòa nhưng ông cho rằng cờ vàng là một biểu tượng của quá khứ còn Tập Hợp là đại diện cho một tương lai mới của Việt Nam. Ông đã vấp phải sự phản đối dữ dội lúc ban đầu nhưng rồi mọi người dần dần chấp nhận tư kiến đó của ông.
- Ba lập trường căn bản của Tập Hợp là ‘đấu tranh bất bạo động’ trên tinh thần ‘hòa giải và hòa hợp dân tộc’ để xây dựng một nước Việt Nam ‘dân chủ đa nguyên’ đã bị phản đối gay gắt lúc ban đầu nhưng đến nay thì hầu như mọi người đã đồng ý và chia sẻ với lập trường của chúng tôi.
- Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên lên tiếng chỉ trích Donald Trump từ khi ông ta mới ra tranh cử tổng thống Mỹ vì chúng tôi cho rằng người làm chính trị bắt buộc phải có kiến thức và đạo đức chính trị. Trump không có cả hai. Dù bị tấn công dữ dội nhưng rồi chúng tôi cũng đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều người.
Phải nói không với chế độ tổng thống
Chúng tôi vẫn dành những tình cảm quí mến cho ông Biden vì ông là người có đạo đức và kiến thức chính trị nhưng chúng tôi cũng chỉ trích việc ông phản bội đồng minh khi bỏ chạy một cách hổ thẹn tại Afghanistan. Chúng tôi tin là ông Biden hiểu rõ những tác hại của việc rút quân một cách vội vã tại Afghanistan nhưng có lẽ ông không thể làm khác, dù gì thì ông cũng là một tổng thống Mỹ.
Nước Mỹ đang chia rẽ hơn bao giờ hết, bóng ma của chủ nghĩa Trump vẫn đang đè nặng lên Biden và đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử sắp tới. Chính Trump đã ký hòa ước Doha, biếu không Afghanistan cho Taliban nhưng giờ đây Trump lại quay sang công kích Biden dữ dội. Theo chúng tôi thì Biden bỏ rơi Afghanistan không phải là hành động dũng cảm mà là ngược lại. Mục đích duy nhất của Biden là để kiếm phiếu trong kỳ bầu cử tới vì 2/3 dân Mỹ muốn rút quân khỏi Afghanistan.
Chế độ tổng thống sớm muộn cũng dẫn đến chủ nghĩa dân túy. Biden dù từng trải nhưng muốn hay không cũng phải mị dân. Khẩu hiệu "đưa người lính Mỹ trở về nhà" luôn được ủng hộ và ăn khách. Thực tế tình hình tại Afghanistan không có gì nghiêm trọng, Biden có thể giải thích điều đó cho dân chúng Mỹ một cách dễ dàng rằng việc Mỹ ở lại Afghanistan không tốn kém nhiều về tiền bạc và không thiệt hại về nhân mạng. Afghanistan không còn là điểm nóng trên thế giới và cũng không còn là mối bận tâm hàng đầu của dư luận Mỹ. Khẩu hiệu tranh cử mà mong muốn của Biden là "nước Mỹ trở lại" nhưng hành động trên thực tế là "nước Mỹ co cụm lại" (America alone).
Chế độ tổng thống khiến các tổng thống Mỹ luôn lấy những quyết định sai lầm, Biden không là ngoại lệ. Không thể đòi hỏi sự dũng cảm ở một cá nhân trong những tình huống đặc biệt. Nếu trong một thể chế đại nghị thì những quyết định quan trọng luôn được bàn thảo kỹ lưỡng trong nội bộ đảng cầm quyền và quyết định sau cùng luôn thuộc về tập thể. Chính vì quyết định tập thể nên nó luôn có sự chính xác, dũng cảm và đồng thuận cao. Sự thất bại của chính quyền Kabul cũng đến từ việc họ du nhập mô hình tổng thống chế của Mỹ một cách máy móc.
Là một nước chưa có truyền thống dân chủ, Việt Nam phải nói không một cách dứt khoát với mô hình tổng thống chế. Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021 dù có nhiều điểm khác nhau nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Điều quan trọng và cấp thiết trong lúc này là rút ra những bài học cho Việt Nam trong tương lai. Nếu trí thức Việt Nam không chịu hiểu và thay đổi tư duy thì cơ hội đến rồi đi, đất nước sẽ mãi đắm chìm trong nghèo khổ và tụt hậu.
Việt Hoàng
(2/9/2021)
Chỉ cần thay đổi vài cái tên địa phương, ngày tháng là ta được xem một cuốn phim mới (nhưng đã cũ), chiếu lần đầu tiên khoảng cuối tháng Tư năm 1975 và tiếp tục chiếu đi chiếu lại khi báo chí nhắc đến một quốc gia đồng minh của Huê Kỳ đã bị… xóa sổ. Cũng những cư dân hốt hoảng bơ vơ tìm đường chạy trốn làn "sóng đỏ" cuồn cuộn kéo đến khi miền Nam Việt Nam bị bức tử. Cũng những khuôn mặt mệt mỏi, những ánh mắt thất thần… Bốn mươi sáu (46) năm trước, cuộn phim ấy thu hình tại miền Nam Việt Nam, năm nay cũng bấy nhiêu hình ảnh được thu hình và trình chiếu nhưng từ A Phú Hãn (Afghanistan).
Cuốn phim mới (nhưng đã cũ), chiếu lần đầu tiên khoảng cuối tháng Tư năm 1975 và tiếp tục chiếu đi chiếu lại khi báo chí nhắc đến một quốc gia đồng minh của Huê Kỳ đã bị… xóa sổ.
Ông tổng thống (đời thứ 46 của Huê Kỳ) Joe Biden đăng đàn trấn an dư luận biểu rằng mọi sự đã xảy ra như dự định, chỉ có chút xíu bất ngờ (!) là dân quân Taliban nhanh tay nhanh chân hơn quân đội Huê Kỳ nên việc rút lui kéo theo sự hỗn loạn. Người Việt còn kéo nhau ra biển chạy đi tị nạn chứ dân A Phú Hãn thì biết chạy đi đâu ? Pakistan hay các nước lân cận là nơi chính phủ địa phương (âm thầm) ủng hộ đám Taliban ?
Dù ta hiểu và chấp nhận rằng người Huê Kỳ không thể và không nên tiếp tục đổ tiền bạc và quân đội vào miền đất xa xôi kia, bất kể mục đích hay quyền lợi của đất nước là những gì. "Bốn trào vua" qua hai mươi năm dài mà vẫn chưa xong thì thêm một vài năm nữa cũng vô ích mà thôi. Trước người Mỹ, người Nga cũng sa lầy tại A Phú Hãn một thời gian dài rồi đành rút quân về, và sau đó Liên Bang Sô Viết sụp đổ tan tành. Chẳng biết họ có "được" cái chi không và mất mát những gì ? Riêng dân Huê Kỳ thì đang tổng kết sự tổn thất nhân mạng, những vết thương thân thể và tinh thần của các thương phế binh sống sót trở về chưa kể số tiền kếch xù tiêu xài vào cuộc chiến tranh ấy. Mất cả chì lẫn chài như thế nên rút quân về chỉ là chuyện ngày tháng nhưng cung cách lui quân nọ quả là tệ hại, hệ thống tình báo của Huê Kỳ chẳng lẽ lại kém cỏi như thế nên bị dân quân Taliban cho vào tròng ?
Dán mắt vào các chương trình truyền hình mà phe ta tức mình quá xá ! Bỏ ngỏ cửa ngõ vào thủ đô Kabul, chẳng ai đuổi mà rút quân ùn ùn để rồi phải quay lại mà vớt vát di tản công dân và những người cộng tác cần được bảo vệ ?
Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021 là một cuốn phim dài có cùng một kịch bản
Ngày trước phe ta đọc được một bài báo, không nhớ tên tác giả, so sánh giữa người Tàu, người Pháp và người Mỹ trong cách đối xử với "đồng minh" qua câu chuyện chàng trai tặng người đẹp một cái "bầu… tâm sự". Họ giải quyết món nợ "ân tình" đó ra sao ? Đại khái là tác giả mô tả tính cách người Hoa thì đem cô gái về làm nàng hầu, người Pháp thì đưa nàng đi phá thai, còn người Mỹ thì… bỏ chạy y hệt như Sở Khanh trong Truyện Kiều ! Nửa thế kỷ trước, Huê Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa như thế nào thì bây giờ cũng quăng cái gánh A Phú Hãn giữa đường y như thế ! Là một người gốc Việt, phe ta không khỏi ngậm ngùi và rất cảm thông cho những người tị nạn Afghanistan ấy.
Khi người Mỹ rút quân sau hòa đàm Paris năm 1973 thì miền Nam Việt Nam giữ được đất nước trên dưới hai năm. Lần này cuộc hòa đàm Doha tháng Hai năm 2020 chưa nguội, ngày "chót" là 31 tháng Năm 2021, dân A Phú Hãn "giữ" được đất nước vài tháng ! Với 300 ngàn quân và mấy trăm tỷ bạc tiếp liệu trong túi mà chẳng thấy người A Phú Hãn tranh giành chi với dân quân Taliban ? Họ chẳng có lý do gì để chống giữ, quân cũng như dân im hơi lặng tiếng kể cả ông tổng thống mất biệt tăm tích khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul.
Có lẽ còn quá sớm để thẩm định cái "giá" của cuộc chiến tranh này ? Nhưng sơ sơ, hai mươi (20) năm chiến tranh với 2,4 ngàn tử sĩ và cả ngàn tỷ bạc (trillion) của cải đổ vào miền đất ấy, Huê Kỳ "được" cái chi ? Cư dân A Phú Hãn "được" những gì ? Một thế hệ người trẻ địa phương được "nếm" mùi dân chủ kiểu Âu Mỹ ? Phụ nữ địa phương được đi học, đi làm ngoài xã hội trong một thời gian, rồi… chấm dứt ngang xương ? Ta có hy vọng gì không với sự thay đổi ấy ? Việc "trồng người" ngắn ngủi và thế hệ non trẻ kia có thể tự trưởng thành trong cổ tục tôn giáo hủ lậu hay sẽ bị bóp nghẹt trong trứng nước ? Mạng ảo có giúp bầu trời sắp khép chặt ở A Phú Hãn hé mở chút nào không ? Hay cư dân A Phú Hãn cũng chịu trận như các thế hệ cư dân Hoa lục trẻ bị ép chặt vào khuôn phép như ông bà /cha mẹ họ ?
Phe ta coi những khúc phim thời sự mấy ngày qua mà chạnh lòng lắm. Chạnh lòng nhớ đến những ngày tháng Tư năm nào và thấm thía một phần nỗi lo âu, bàng hoàng của dân tộc mình (mặc dù phe ta thuộc hàng sinh sau đẻ muộn, nhưng cũng đủ tư duy để học và hiểu được lịch sử ngày trước của dân tộc mình). Buồn bực vì cảm nhận được nỗi bất lực của mình như một công dân Huê Kỳ, cũng đóng thuế, đi làm và góp tay xây dựng đất nước này nhưng chẳng mảy may ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của chính phủ. Vừa ý thì bỏ phiếu tiếp, không ưng thì bỏ phiếu cho đảng đối lập. Chỉ có vậy nên cám cảnh cái nỗi tháo chạy của kẻ… "sở khanh" ! Buồn bực chán rồi phe ta tẩn mẩn tìm hiểu về dân quân Taliban cũng như đã nhiều lần tò mò tìm kiếm dữ kiện về người cộng sản Bắc Việt và đồng minh của họ. Những yếu tố nào khiến dân quân Taliban thắng cuộc chiến tranh dài, dai dẳng 20 năm ?
Một chút về dân quân Taliban : Tổ chức này xuất phát từ miền nam A Phú Hãn, do Mullah Mohammed Omar lãnh đạo. Ông này thuộc bộ tộc Pashtun, đứng dậy cầm đầu nhóm dân quân đuổi đánh người Nga thành công năm 1989. Năm 1994, Mullah Omar thành lập nhóm Taliban tại Kandahar với một con số 50 người theo chân để chống lại sự thối nát tham nhũng của chính phủ địa phương đương thời tại A Phú Hãn, sau khi người Nga rút quân.
Tổ chức Taliban do Mullah Mohammed Omar sáng lập và lãnh đạo. Lúc thành lập họ chỉ có 50 thành viên. Họ đã chiến thắng chính quyền Kabul thân Nga rồi thân Mỹ với rất nhiều phương tiện vì họ có tổ chức và một dự án chính trị (dù lỗi thời).
Chính quyền bất tài nên cư dân chán ghét và nổi loạn ; họ theo Taliban để chống đối ; nhờ đó dân quân Taliban chiếm được Kandahar rồi chiếm luôn thủ đô Kabul vào năm 1996. Chiếm được đất nước, Taliban nhanh chóng áp dụng Sharia Laws ; một đạo luật khắt khe dựa theo kinh thánh Qr’an (của Hồi giáo) để điều hành đất nước. Phụ nữ ra đường phải che hết mặt mũi, thân thể từ đầu đến chân ; trẻ em gái không được đi học, cấm xem tivi, ca hát… Chuyện A Phú Hãn và Taliban chẳng mấy ai trên thế giới để tâm cho đến khi họ chứa chấp nhóm khủng bố Al-Qaeda của lãnh tụ Osama bin Laden tấn công Huê Kỳ trong trận "September 11th, 2001". Hẳn dân quân Taliban bất bình vì Huê Kỳ đổ quân vào Iraq năm xưa (Desert Storm) để bảo vệ quyền lợi dầu lửa ở Trung Đông nên họ ủng hộ phe đối lập ?
Khi Taliban từ chối lời yêu cầu của Huê Kỳ, không chịu bắt giữ và trao Osama bin Laden thì Huê Kỳ, dưới thời của ông tổng thống "Bush Con", đổ quân vào A Phú Hãn, đuổi Taliban đi và chiếm đất nước này như đã đổ quân và chiếm Iraq. Thua trận, Mullah Omar và quân đội Taliban rút qua Pakistan tạm trú và tiếp tục chiến đấu (du kích) để giành lại đất đai. Cứ giằng co như thế suốt hai mươi năm qua, bốn đời tổng thống, bốn nội các Huê Kỳ cả Cộng hòa lẫn Dân chủ. Cuối cùng Huê Kỳ rút được chân khỏi Iraq nhưng vẫn sa lầy tại A Phú Hãn cho đến khi ký kết với Taliban để rút quân "êm thắm". Ngày "hẹn" của ông Trump là 31 tháng Năm 2021, nhưng ông tổng thống kế vị chưa nóng ghế nên việc rút quân về còn chậm chạp (nội các mới, kế sách mới nên việc áp dụng còn lọng cọng ?). Huê Kỳ đành "hẹn" tiếp đến ngày 31 tháng Tám mới rút quân ; "chậm chạp" như thế mà vẫn không tránh được việc tháo chạy hỗn loạn mấy ngày qua !
Ù té bỏ chạy như thế nên ta chẳng thấy cảnh hạ cờ để ông đại sứ mang về, hình tượng của việc chấm dứt mối bang giao giữa hai quốc gia : Huê Kỳ và A Phú Hãn ; mảnh đất tòa đại sứ trên đất khách đứng bơ vơ không còn là "lãnh thổ" của Huê Kỳ nữa ? Giải thích thế nào cũng chẳng bớt ê chề, tủi lòng, nhục nhã, nhất là những chiến binh sống sót trở về ! Trách cứ ai bây giờ ? Mấy ông tổng thống chỉ nhìn gần 4 năm trước mũi ? Chính sách đối ngoại bất nhất hay nguồn lợi /mục đích (cũ) không còn giá trị ? Quân khủng bố (chống Huê Kỳ) lan tràn khắp nơi, A Phú Hãn hết giá trị ? Dầu thô, khí đốt thiên nhiên vùng Trung Đông không còn hấp dẫn như xưa, mua xa không được thì ta về khai thác đất nhà hay hàng xóm Canada sát bên cạnh… mà xài cho rẻ ?
Chẳng biết các bộ óc tham mưu tài năng cùng nội các tính toán ra sao mà mách nước cho ông tổng thống rút quân. Vừa xoay lưng đã phải quay lại vớt vát, 5.000 quân nhảy dù Huê Kỳ trấn đóng phi trường Kabul để di tản nhân viên và công dân, những người không kịp tháo chạy ? Ấy là những người đã đến được phi trường, còn những người trong thành phố thì sao ? Đường phố đầy dẫy dân quân Taliban, mấy ai dám chưng giấy tờ chứng minh tui là người Huê Kỳ /nhân viên của chính phủ Huê Kỳ ?
Xem đi xem lại cuốn phim A Phú Hãn, phe ta thấy ra vài điều : Tiền đầy túi mà không biết tiêu xài thì cũng vứt đi ? Thực hiện một dự án mà không biết rõ mục đích là những gì, các yếu tố định nghĩa như thế nào là thành công thì bao nhiêu năm cũng chẳng đi đến đâu. Nhưng một điều xem ra rõ ràng hơn cả là niềm tin tôn giáo, truyền thống địa phương và niềm hãnh diện dân tộc. Người A Phú Hãn cũng như các gốc dân nặng truyền thống Hồi giáo không ưa chuộng chủ nghĩa "tự do" kiểu Huê Kỳ, mua (hàng) thì họ bán, đưa bạc thì họ cầm chứ không bao giờ là người bạn "đồng minh" thực sự !
Tường Huy
(29/08/2021)
Một cái nhìn về Afghanistan
Afghanistan chưa bao giờ là một quốc gia thống nhất và đúng nghĩa. Họ sống thành các bộ lạc, rải rác trên một lãnh thổ rộng lớn và không chia sẻ với nhau "một tình cảm, một không gian liên đới và một dự án tương lai chung". Các bộ lạc thường xuyên xung đột với nhau và thậm chí ngay trong nội bộ của mình. Cũng chưa có một chính quyền nào, từ trước đến nay, tại Afghanistan kiểm soát được hoàn toàn lãnh thổ. Các đế quốc hùng mạnh nhất trên thế giới, sau khi chinh phục được Afghanistan một thời gian đều phải bỏ cuộc vì thế có câu "Afghanistan là nghĩa trang của các đế quốc".
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan thì dư luận thế giới nói chung và của Mỹ nói riêng đều cho rằng Taliban sớm muộn sẽ đánh bại chính quyền dân chủ Kabul và kiểm soát đất nước. Quả thật, trong thời gian qua Taliban đã tấn công nhiều khu vực do Kabul kiểm soát và họ tuyên bố đã kiểm soát được 85% lãnh thổ.
Trái với dư luận, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho rằng ngay cả khi Taliban kiểm soát được 2/3 lãnh thổ thì cũng không có chuyện chính quyền Kabul sụp đổ vì Afghanistan rộng lớn và thưa người, cư dân sống chủ yếu ở vùng Đông Bắc. Chính quyền Kabul đủ sức để giữ lại khu vực này. Người Mỹ tuy rút khỏi Afghanistan nhưng không hoàn toàn bỏ rơi như Việt Nam Cộng Hòa hồi 1975. Mỹ vẫn viện trợ quân sự và kinh tế cho Kabul.
Chắc chắn sẽ có đụng độ giữa Taliban và chính quyền Kabul, có thể hàng chục nghìn người dân Afghanistan sẽ chết vì chiến tranh nhưng sau một thời gian tình hình sẽ ổn định. Taliban hiện đang rất mạnh nhưng theo thời gian, thế lực sẽ yếu dần. Quá khứ hung bạo của họ khiến người dân lo sợ và xa lánh chứ không ủng hộ như ngày trước. Taliban ý thức được điều đó và sẽ bớt quá khích. Afghanistan sẽ trải qua nhiều thảm kịch đau lòng nhưng sẽ không sụp đổ.
Afghanistan có thể sẽ trải qua nhiều thảm kịch nhưng sẽ đứng vững trước Taliban
Taliban không có đồng minh trong khu vực ngoại trừ Pakistan. Iran tuy ủng hộ Taliban nhưng lại khác biệt về tôn giáo, Iran theo phái Shia trong khi Taliban theo phái Sunni. Cả Pakistan và Iran đều không muốn Taliban cầm quyền. Nga và Trung Quốc đều đang có vấn đề về Hồi giáo nên sẽ không muốn Taliban cầm quyền vì Taliban là một chế độ Hồi giáo toàn nguyên. Trung Quốc có khu vực Tân Cương bất ổn và chung đường biên giới với Afghanistan nên rất lo lắng. Mỹ vừa rút là Trung Quốc đã vội vàng mời Taliban đến Bắc Kinh đàm phán. Dù cả hai đều cần nhau nhưng mối quan hệ này khá phức tạp vì Taliban chỉ dựa trên quyền lợi kinh tế nên thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Taliban có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Ấn Độ, một cường quốc trong khu vực cũng có vấn đề với Hồi giáo ở khu vực tự trị Kashmir và Pakistan nên không hề muốn Taliban cầm quyền. Như vậy dù là một quốc gia trung tâm của vùng Trung Á, nằm giữa ngã tư Đông và Tây nhưng không có hàng xóm nào muốn Taliban lên cầm quyền.
Nhiều người Việt Nam "đồng tình" với việc rút quân của Mỹ và chê bai người Afghanistan không biết tự lo cho mình. Điều đó không sai nhưng nên có một cái nhìn bao dung hơn. Rõ ràng là dân trí người dân nơi đây rất thấp, thấp hơn cả Việt Nam hồi trước năm 1975. Thậm chí ông Đinh Xuân Quân, một diễn giả thường xuyên trên kênh Hoàng Bách Channel, người đã có nhiều năm làm việc tại đây còn cho rằng Afghanistan đang sống ở thời Trung cổ. Chúng ta thất vọng cho người Afghanistan cũng như thế giới thất vọng cho chúng ta vì cho đến tận bây giờ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ.
Do chiến tranh và điều kiện sống khắc nghiệt nên tuổi thọ của người dân Afghanistan rất thấp: 2/3 dân số dưới 30 tuổi. Sau 20 năm người Mỹ có mặt ở đây thì có thể thấy được là hơn 50% người dân Afghanistan đã lớn lên và trưởng thành dưới chế độ dân chủ, dù chưa hoàn thiện. Một thế hệ trí thức Afghanistan mới đang hình thành. Họ được tiếp xúc với thế giới văn minh và được thông tin đầy đủ chứ không bị bưng bít như trước đây. Nếu nước Mỹ kiên nhẫn ở lại thêm 10 năm nữa hoặc chính quyền Kabul giữ được ổn định trong khoảng thời gian đó thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Afghanistan sẽ trở thành một nước dân chủ trong khu vực.
Hậu quả nào từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan ?
Trong bài trước chúng tôi đã phân tích, tổn thất của Mỹ sau 20 năm ở Afghanistan rất thấp. 2.400 người lính đã tử thương, trung bình mỗi năm là 120 người nhưng phần lớn họ tử thương trong giai đoạn đầu. Cuộc chiến của Mỹ tại đây đã kết thúc vào năm 2014. Mỹ vẫn còn vài nghìn quân, có nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Afghanistan chứ không tham chiến. Mấy năm qua, mỗi năm chỉ có hơn chục lính Mỹ tử thương, chủ yếu vì tai nạn. Số tiền mà Mỹ chi cho Afghanistan là 2.000 tỉ USD trong 20 năm qua nhưng hiện tại chỉ còn vài tỉ mỗi năm, một con số không đáng kể so với ngân sách quốc phòng Mỹ hàng năm lên đến gần 800 tỉ USD (1).
Như vậy cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến này là rất thấp và không đáng kể. Cuộc tháo chạy của Mỹ khỏi Afghanistan vì thế không phải do vấn đề tiền bạc hay mất mát về nhân sự. Mỹ bỏ chạy vì đã mất hết ý chí và do những bất ổn bên trong nội bộ. Việc rút quân một cách vội vã trong âm thầm, không cả bàn giao các căn cứ quân sự cho Kabul cũng khiến Mỹ mất thể diện và uy tín. Việc Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan đã đánh dấu một biến cố quan trọng: Từ nay vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ của Mỹ đã hoàn toàn chấm dứt.
Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã thực sự chấm dứt sau sự kiện tháo chạy khỏi Afghanistan.
Ngay cả việc Mỹ phải dùng lính đánh thuê tại Afghanistan thay vì quân chính qui cũng phản ánh sự xuống cấp của lục quân Mỹ. Những người lính đánh thuê này không có lý tưởng, tinh thần hy sinh và thậm chí là cả sự huấn luyện cần phải có. Họ chỉ biết chiến đấu vì tiền và vì thế đã xảy ra trường hợp các công ty đánh thuê trả tiền cho Taliban để không phải giao chiến. Chiến tranh là điều không ai muốn nhưng nếu chiến tranh là để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa và thiết lập hòa bình thì phải chấp nhận hy sinh chứ không thể dùng lính đánh thuê thay thế cho quân đội.
Việc Mỹ chấm dứt vai trò lãnh đạo thế giới có lợi hay hại ?
Trong thời gian tranh cử, Joe Biden có viết một bài báo với nội dung là "Tại sao nước Mỹ cần trở lại lãnh đạo thế giới ?". Việc làm lãnh đạo thế giới mang lại cho Mỹ rất nhiều đặc quyền, đặc lợi. Bằng chứng là nước nào cũng muốn trở thành bá chủ thế giới. Một ví dụ nữa là sự ổn định và độc tôn của đồng đô-la. Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có quyền in tiền một cách thoải mái và lạm phát thì chia đều cho cả thế giới. Tuy nhiên đa số người dân Mỹ không muốn điều đó. Họ muốn "nước Mỹ trước hết" và "nước Mỹ một mình" (America First và America Alone). Nhiều người Mỹ gốc Việt cũng nghĩ như vậy. Họ cho rằng Mỹ không phải lo chuyện bao đồng hay làm sen đầm quốc tế.
Như vậy, một mặt Mỹ không còn muốn làm lãnh đạo thế giới mặt khác Mỹ cũng không còn khả năng đó. Từ sau Chiến tranh thế giới hai, Mỹ đã gây nhiều thiệt hại cho phong trào dân chủ. Mỹ đã từng bỏ rơi đồng minh như Việt Nam Cộng Hòa, Đài Loan rồi Iraq, Syria, người Kurd, và bây giờ là Afghanistan. Nhiều nước trên thế giới nhận ra rằng Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy.
Việc Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới theo chúng tôi là một điều tốt. Nhóm G7 cộng 4 (gồm Úc, Ấn, Hàn và Nam Phi) vừa họp thượng đỉnh tại Anh Quốc (tháng 6/2021) đã hóa thân từ một câu lạc bộ kinh tế - tài chính của các nước phát triển thành một Liên minh chính trị - dân chủ. Lần đầu tiên G7 đã chính thức lên tiếng và bày tỏ lập trường về chính trị khi mạnh mẽ lên án Nga và Trung Quốc.
Dù sức mạnh của Mỹ vẫn đứng đầu thế giới nhưng từ nay trở đi Mỹ không còn đơn phương quyết định mọi chuyện của thế giới. Mỹ chỉ là một tiếng nói trong tập thể các nước dân chủ. Nhóm G7 sẽ thay thế cho vai trò của Mỹ. Thế giới cần Mỹ và Mỹ cũng cần thế giới. Mỹ sẽ rút về phía sau và hậu thuẫn tối đa cho liên minh dân chủ. Mỹ vẫn có trách nhiệm và khả năng bảo vệ hòa bình thế giới bằng việc ngăn chặn sự gây hấn của Nga và Trung Quốc bằng sức mạnh vô đối của lực lượng không quân và hải quân.
Chiến tranh là điều không ai muốn và có lẽ nó sẽ không xảy ra nữa, dù vậy việc chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh cũng là cách để bảo vệ hòa bình. Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ không còn và cũng không cần thiết nữa. Việc từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam. Chúng tôi sẽ trở lại chủ đề này trong một bài viết khác.
Việt Hoàng
(6/8/2021)
(1) Việt Hoàng, "Hai quyết định gây thất vọng của Joe Biden", Thông Luận, 26/04/2021
1. Mỹ rút quân khỏi Afghanistan
Afghanistan là một quốc gia Hồi giáo nằm ở cả Trung và Nam Á, có diện tích hơn 650.000 km vuông (gấp đôi Việt Nam) nhưng dân số chỉ hơn 30 triệu người. Afghanistan là quốc gia có nhiều đồi núi, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, bao gồm nhiều sắc tộc trong đó sắc tộc lớn nhất là Pashtun chỉ chiếm 42% dân số. Thế kỷ thứ 3, Afghanistan đã từng bị sát nhập vào Ấn Độ và trở thành một nước Phật giáo.
Afghanistan là một quốc gia nghèo và lạc hậu nhất thế giới, nhưng lại sản xuất đến 90% lượng thuốc phiện trên toàn cầu. Trong lịch sử, Afghanistan chưa bao giờ là một quốc gia thống nhất, và từng bị nhiều đế quốc xâm lược như Ba Tư, Ấn Độ, Mông Cổ, Anh, Liên Xô (1978-1988), Mỹ không tính vì không có ý định chiếm đóng lâu dài.
Sau khi Liên Xô rút đi thì Afghanistan bị nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban nổi dậy chiếm quyền kiểm soát đất nước. Taliban đã áp đặt và thực thi bộ luật Sharia hà khắc và ủng hộ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo như Al-Qaeda của Bin Laden.
Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 do Al-Qaeda thực hiện làm chết gần 3.000 người ở New York, chính quyền Mỹ đã lấy quyết định đem quân vào Afghanistan nhằm mục đích tiêu diệt khủng bố và lật đổ chính quyền Taliban. Ngoài ra Mỹ còn cam kết thiết lập và xây dựng một nhà nước dân chủ tại đây với tên gọi "Tự do bền vững".
Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan chính thức kết thúc vào ngày 28/12/2014. Tuy nhiên vẫn còn vài nghìn quân Mỹ và lính NATO ở lại để đào tạo và cố vấn cho chính phủ Afghanistan. Số tiền gần 2.000 tỉ USD mà Mỹ chi cho cuộc chiến và 2.448 lính Mỹ tử trận chủ yếu là ở giai đoạn này. Năm 2019 chỉ có 22 lính Mỹ thiệt mạng, năm 2020 con số đó chỉ còn 10. Đa số họ bị tử nạn chứ không phải do chiến đấu với quân Taliban. Tính trung bình mỗi năm Mỹ mất khoảng 125 lính tại đây. Một con số để so sánh, mỗi năm nước Mỹ có 20.000 người chết vì súng đạn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 9/11/2021
Mục tiêu của Mỹ là tiêu diệt Taliban vẫn chưa hoàn thành, hiện nay Taliban vẫn kiểm soát được gần một nửa lãnh thổ. Sở dĩ Taliban vẫn mạnh, một phần là do được Nga cung cấp vũ khí (trước đây Mỹ và NATO cũng từng cung cấp vũ khí cho phe du kích để đánh Liên Xô) và do địa hình của Afghanistan rất phức tạp.
2. Vì sao Joe Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan ?
Lý do mà ông Biden đưa ra để biện luận cho việc rút quân tại Afghanistan là chính phủ Mỹ cần tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc và do cuộc chiến đã kéo dài quá lâu. Cả hai lý do này hoàn toàn không thuyết phục. Mỹ đóng quân ở Châu Âu, Nhật, Hàn... hơn 70 năm nay nhưng có rút đâu. Số quân của Mỹ tại Afghanistan rất nhỏ và chi phí là không đáng kể so với 850 căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp thế giới và hơn 700 tỉ USD chi cho quốc phòng mỗi năm. Sự có mặt của Mỹ trên khắp thế giới là để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ và nhất là để bảo vệ đồng đôla Mỹ. Nên biết Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể in tiền thoải mái mà không sợ lạm phát. Đúng ra là có lạm phát nhưng sự lạm phát đó đã được chia đều cho cả thế giới.
Quân số 2.500 lính Mỹ đóng tại Afghanistan là rất nhỏ nhưng có tác dụng lớn là duy trì sự hiện diện và răn đe của Mỹ tại khu vực Trung Đông, một khu vực bất ổn và nguy hiểm nhất trên thế giới. Việc rút quân làm Mỹ mất uy tín rất lớn. Đừng quên là 80% người dân Afghanistan ủng hộ việc Mỹ đem quân vào lật đổ Taliban năm 2001 cũng như sự hiện diện của người Mỹ tại đây. Các nước đang cạnh tranh và có ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông như Nga, Trung Quốc và Iran sẽ vui mừng khi biết Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Trong quá khứ, Mỹ đã từng bỏ rơi đồng minh như Việt Nam Cộng Hòa, Đài Loan rồi Iraq, Syria, người Kurd, và bây giờ là Afghanistan. Nhiều nước trên thế giới sẽ thấy Mỹ là một đồng minh không đáng tin cậy. Đây là một mất mát lớn cho uy tín của nước Mỹ.
Sức mạnh của Mỹ không chỉ ở số lượng vũ khí và quân đội mà còn là sức mạnh mềm đến từ niềm tin của các nước trên thế giới. Các giá trị phổ quát về nhân quyền và tự do được Mỹ xiển dương và bảo vệ góp phần xây dựng nên sức mạnh mềm cho nước Mỹ. Việc Mỹ bỏ chạy khỏi Afghanistan khiến chúng ta nhớ lại việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa năm 1975 đã gây ra một thảm họa nhân đạo cho người dân Miền Nam Việt Nam sau đó.
3. Joe Biden giảm số lượng di dân vào Mỹ
Không hề có khủng hoảng di dân ở biên giới Mỹ như các dân biểu đảng Cộng hòa la lối... Ảnh minh họa di dân xếp hàng xin vào biên giới Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ
Ngoài quyết định rút quân đáng buồn này ra thì Biden còn một quyết định khác cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận và ngay trong nội bộ đảng Dân chủ đó là việc Nhà Trắng vừa mới công bố quyết định giữ nguyên số lượng người tị nạn được nhận vào Mỹ năm nay ở mức thấp nhất như dưới thời Donald Trump là 15.000 người. Trước đó, trong thời gian tranh cử Biden từng hứa con số nhập cư sẽ là 62.500 người trong năm 2021 và có thể nâng lên 125.000 người trong năm tiếp theo.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc thì có hơn 80 triệu người tị nạn trên toàn thế giới, trong đó 85% muốn tị nạn ở các nước phát triển. Tại biên giới EU luôn có khoảng 500 - 600.000 người chờ xin được tị nạn. Tại biên giới Mỹ - Mexico vào lúc cao điểm nhất có hơn 170.000 người di cư. Bình thường con số này chỉ khoảng 15.000 người. Hoàn toàn không có chuyện khủng hoảng di dân ở biên giới như đảng Cộng hòa la lối. Năm 2015, Đức với gần 84 triệu dân đã tiếp nhận hơn 1,1 triệu người tị nạn sau khủng hoảng tại Syria và họ đã giải quyết mọi việc rất êm đẹp và ổn thỏa.
Vì sao ông Biden phải lấy hai quyết định đáng buồn đó ? Câu trả lời là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 sắp tới. Biden cần tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri bảo thủ trong đảng Cộng hòa nếu không muốn mất Hạ viện và cả Thượng viện. Phe đa số của đảng Dân chủ tại hai viện đều rất mong manh. Cuộc "nội chiến" giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn gay gắt khiến họ luôn chống đối bất cứ một kế hoạch nào của đảng kia đưa ra. Người dân Mỹ hiểu biết về chính trị khá sơ sài nên họ chỉ nghe theo lời các dân biểu của họ. 74 triệu phiếu bầu cho Donald Trump năm 2020 là một sức ép rất lớn đối với Joe Biden. Nếu mất Hạ viện và Thượng viện thì Biden sẽ bị trói tay, không thể làm gì được.
Chế độ chính trị theo mô hình tổng thống của Mỹ ngày càng bộc lộ rõ những nhược điểm. Các tổng thống đều phải lấy những quyết định dân túy để lấy lòng cử tri. Biden đã phải làm những việc mà chắc chắn ông ấy không muốn như cắt giảm số người tị nạn vào Mỹ và rút quân khỏi Afghanistan.
4. Tương lai nào cho Afghanistan ?
Tình hình tại Afghanistan sẽ ra sao sau khi Mỹ rút đi ? Hy vọng sẽ không đến nỗi tồi tệ như Việt Nam Cộng Hòa vì chính phủ Kabul vẫn nhận được vũ khí và hậu thuẫn của Mỹ. Mặt khác Taliban cũng chưa chắc đã giành được chiến thắng bằng giải pháp quân sự. Có thể họ sẽ dùng phương pháp ngoại giao hoặc đối thoại để chiếm ưu thế và giành chính quyền. Taliban cũng sẽ rút kinh nghiệm, không dung dưỡng các nhóm khủng bố để Mỹ có lý do quay lại. Nhóm khủng bố Al - Qaeda hiện nay cũng đã rất yếu.
Tuy nhiên đó là phương án không có gì chắc chắn vì Taliban vốn là một tổ chức khủng bố, họ quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề thay vì đối thoại. Nếu Taliban quyết định dùng giải pháp bạo lực để kiểm soát đất nước thì Afghanistan sẽ tiếp tục rơi vào một cuộc nội chiến vô tiền khoáng hậu như suốt chiều dài lịch sử của nó. Vụ đánh bom mới nhất do Taliban gây ra tại một khách sạn ở Pakistan, sát biên giới với Afghanistan (hôm 21/4/2021), nơi đại sứ Trung Quốc đang lưu trú là một báo hiệu xấu cho tương lai của Afghanistan và khu vực.
Taliban đánh bom tại một khách sạn ở Pakistan nơi có đại sứ Trung Quốc lưu trú hôm 21/4/2021 - Ảnh minh họa France24
Nếu Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan thì có thể họ sẽ gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc. Mặc dù biên giới giữa hai nước chỉ có 76 km nhưng lại giáp với khu vực Tân Cương đầy bất ổn. Không rõ Taliban sẽ giúp những người đồng đạo Tân Cương như thế nào nhưng nếu muốn thì họ sẽ khiến Bắc Kinh mất ngủ.
Thế giới đã thay đổi và nước Mỹ cũng đã thay đổi. Uy tín, hình ảnh và sức mạnh mềm của nước Mỹ xây dựng trong hàng trăm năm đã bị tiêu xài hoang phí dưới thời Donald Trump và sẽ tiếp tục suy giảm. Dự trữ ngoại hối của thế giới bằng đồng USD đang giảm, hiện tại chỉ còn 59% trong khi đó cách đây 10 năm con số đó là 75%. Đồng Euro tăng từ 5% lên 25% và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chỉ là 1%. Mỹ đang từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới. Từ nay trở Mỹ sẽ đảm nhiệm vai trò thứ nhất trong số những đối tác ngang hàng chứ không còn đơn phương quyết định mọi việc như trước nữa.
Việt Hoàng
(26/04/2021)
+ Mỹ đã gởi quân tham gia vào cuộc chiến Afghanistan vào ngày 7/10/2001.
+ Suốt 20 năm, 2.312 người Mỹ đã hy sinh, trên 20.000 bi thương.
+ Tổng thống Biden nói "Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, một cuộc chiến không có hồi kết".