Không biết có phải do Việt Nam mang số phận ‘lời nguyền địa lý’ gắn với Trung Quốc hay không, nhưng từ sâu thẳm bao đời lịch sử đến nay đã có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ giữa hai quốc gia này về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo…, và kể cả một cảnh đồng điệu dị thường của giới quan tham mang danh cộng sản vào thời đương đại : giống nhau đến từng sợi tóc từ lúc ‘ăn’ cho đến lúc hình hài đu đưa lủng lẳng dưới một sợi dây thừng.
Đinh La Thăng : ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’
Trong khi ở Trung Quốc, nhiều quan chức đã chọn phương thức tự sát chủ yếu là nhảy lầu và treo cổ, với địa điểm thường là nơi làm việc, nhà riêng, khách sạn hoặc ra ngoại ô ; thì điểm tương hợp là ở Việt Nam cũng đã xuất hiện phương thức nhảy lầu và đặc biệt là treo cổ.
‘Thà chết còn hơn ở tù’
Hiện tượng xảy ra hàng loạt và với tần suất ngày càng cao những cái chết treo cổ của cấp cán bộ ‘ruồi’ ở nhiều địa phương và trong nhiều ngành đang phản ánh cái tâm thế ‘thà chết còn hơn ở tù’ của nỗi hoảng sợ dẫn đến kinh hoàng trong huyết quản nhiều cán bộ từ cao xuống thấp.
2018 là năm đã xảy ra số vụ quan chức các cấp tìm đến sợi dây thừng nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó, khiến bản danh sách những ‘kẻ tuẫn tiết’ đến cuối năm 2018 có thể là phép cộng gộp cho con số của nhiều năm trước đây.
Đầu tháng 11 năm 2018, vụ ông Võ Phi Anh, mới có 54 tuổi và là Phó Tổng giám đốc Cienco 6 đơn vị thi công một số hạng mục thuộc công trình tuyến metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, chết trong tư thế treo cổ ở cầu thang văn phòng làm việc có thể xem là dấu ấn nổi bật của một phong trào quan chức tự sát bằng dây thừng ở nhiều tỉnh thành trong nửa cuối năm 2018.
Nếu dự án tuyến metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã rước về quá nhiều tai tiếng về nạn đội vốn khống và nghi vấn cao về tiêu cực của những quan chức phụ trách dự án này, thì phần lớn những cái chết treo cổ tiếp theo của quan chức đều ít nhiều liên đới những vụ việc bị nghi ngờ là tham nhũng.
Hàng loạt cái chết treo cổ khác gắn với những cái tên N.Q.V, 36 tuổi, là chuyên viên Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên ; Đỗ Văn Thơm (SN 1973) là cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Nhã Nam (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) ; Phạm Văn Dũng (35 tuổi, quê xã Ngọc Khê), kế toán xã Vân Am (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) ; Nguyễn Văn Hội, Phó trạm trưởng Trạm Quản lý nước và Công trình đô thị huyện Krông Chro (Gia Lai) ; Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) ; T.T.P. (37 tuổi, cán bộ địa chính xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm)…
Có đến hàng chục hoặc hơn những cái tên quan chức loại ‘ruồi’ đã rơi vào bản danh sách tử thần chỉ trong nửa cuối năm 2018. Những cái tên này lại ứng với phân bố địa lý khá rộng và khá đều từ vùng Tây Bắc đến miền Trung và Nam Bộ, bao gồm cả hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn.
Thật ra, câu chuyện trên đã dính màu tang tóc vào nửa đầu năm 2018.
Liên tiếp nửa đầu của năm 2018, đã có ba quan chức Việt Nam tìm đến cái chết một cách hết sức bất thường, mở màn cho phong trào tự sát quan chức của năm này.
Vào tháng Giêng năm 2018 có một trường hợp tự treo cổ là ông Nguyễn Hồng Lâm - Phó bí thư, Chủ tịch huyện Quốc Oai ở Hà Nội. Khi đó nước Hồ Gươm ở thành phố này bỗng dưng chuyển sang màu xanh sẫm.
Vào cuối tháng Tư, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Hưng Yên - ông Vũ Thanh Bình - bất ngờ nhảy từ tầng 2 của trụ sở làm việc xuống đất, nhưng may mắn không tử vong. Đó là thời điểm ông Bình bị công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành khám xét trụ sở.
Nhưng một cái chết mà đã gây chấn động ghê gớm trong ngành công an là Đại tá Võ Tuấn Dũng, Cục phó Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao (C50) của Bộ Công an được phát hiện ‘nằm chết’ và sau đó được Tổng cục Cảnh sát của bộ này thông báo là ‘đột tử’, mặc dù trước đó báo Môi trường và Đô thị đã thông tin là Đại tá Dũng ‘tự treo cổ’. Vụ này xảy ra vào đầu tháng Năm năm 2018.
Khác với vụ nhảy lầu của ông Vũ Thanh Bình nhưng thoát chết, Đại tá Võ Tuấn Dũng đã chết thật.
Trước đó, công an tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát Nhân Dân tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần làm việc với ông Võ Tuấn Dũng tại trụ sở của C50 tại Hà Nội, liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự bảo kê của tướng công an.
Giai đoạn 3 ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đã khởi đầu trong bầu không khí cứa cổ như thế.
Đàn áp dân nhưng lại sợ bị tù
Nếu vào năm 2019 và những năm sau đó xác nhận chính thức một làn sóng số đông quan chức tham nhũng tự sát ở Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng sẽ phải cám ơn Tập Cận Bình đã đưa ông lên hình ảnh ‘Người Cầm Lưỡi Hái Vĩ Đại’.
Bởi rất nhiều kinh nghiệm rất phong phú đã có từ chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ của Tập Cận Bình ở Trung Quốc, khởi động từ năm 2012 và khiến hiện ra hiệu ứng chết chóc từ năm 2013 cho đến tận giờ đây.
Thậm chí, có thể nêu ra cả một bản nghiên cứu đủ dài, đủ sâu và rợn người về ‘kinh nghiệm quan chức tự sát’ ở Trung Quốc.
Một tổ chức là Trung tâm thông tin nhân quyền dân chủ Trung Quốc tại Hồng Kông đã thống kê trong năm 2015, số quan chức chết do tự sát là 1500 người ; năm 2016 tăng lên 1700 người. Tuy chưa có con số thống kê cho năm 2017 và 2018 nhưng chắc chắn số quan chức tự sát vẫn trên đà ‘liên tục phát triển’.
Đối với nhiều vụ tự sát của quan chức ở Trung Quốc, mặc dù trong thông báo được phía chính quyền đưa ra để giải thích nguyên nhân quan chức tự sát luôn nói là "do áp lực quá nhiều" hoặc "do chứng trầm cảm", nhưng những lý do này không thể khiến công chúng tin cậy.
Chẳng hạn vào ngày 9/7/2014, Chủ nhiệm Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc, Lý Hải Hoa ngã từ phòng làm việc xuống và tử vong tại chỗ. Trùng hợp là, trong ngày hôm đó, Ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hồ Bắc sẽ dẫn ông Lý Hải Hoa đi để điều tra. Sau khi ông Lý nhảy lầu chết, Cục Công an thành phố Hiếu Cảm lên tiếng xác nhận, tại hiện trường ông có để lại di thư nói "bản thân mắc nhiều bệnh, thường xuyên cảm thấy khó chịu, nên chỉ có thể tự giải thoát".
Vụ Lý Hải Hoa ở Trung Quốc và cái chết ‘đột tử’ của Đại tá Võ Tuấn Dũng ở Bộ Công an Việt Nam có thể được xem là một sự đồng điệu về nguyên do tự sát và cách giải thích vờ vịt lẫn che giấu của các cơ quan chủ quản.
Nhưng trong dân chúng ở Trung Quốc lại luôn hiện ra nhiều đồn đoán được truyền tai nhau về nguyên do quan chức tự sát như "sợ tội tự sát", "giết người diệt khẩu" và "nhân quả báo ứng".
Trong dân chúng cũng đưa ra nhiều đồn đoán : "Đối với cái chết của những quan chức này, trên bề mặt dường như lấy cái chết để trốn tránh tội, nhưng nguyên nhân đằng sau có thể là vì để bảo vệ những tham quan có chức vị cao hơn ; hoặc là bị thế lực có quyền thế cao hơn bức ép ; hoặc là bị diệt khẩu, v.v".
Một nhà bình luận thời sự ở Trung Quốc là Hoành Hà cũng đưa ra phân tích về phong trào quan chức Trung Quốc tự sát, nguyên nhân bên trong chủ yếu cũng có thể do tự sát hoặc là do người khác ép buộc phải chết. Nếu nói là tự sát, nguyên nhân có thể nói là do áp lực chính trị lớn, ví dụ như bị điều tra, nhưng tình huống như thế không nhiều. Nguyên nhân tự sát như thế này vào thời Cách mạng Văn hóa có nhiều, bởi vì đa số là bị oan, nên trong tâm khó có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hiện nay đa số quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đều biết rõ bản thân mình có tội.
Một nguyên nhân nữa có thể là do chịu tội thay người khác. Các phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc được hình thành chủ yếu là sự kết hợp nhóm lợi ích, do đó quan chức không thể nào vì lợi ích mà đi tự sát để bảo vệ người khác. Vì vậy, nếu như tự sát vì chịu tội thay người khác, có thể là do bị lấy tính mạng của người nhà hoặc tiền đồ con cái ra uy hiếp, nên bắt buộc phải đi tự sát…
Có một quy định tương đồng giữa Luật Hình sự Trung Quốc và Luật Hình sự Việt Nam : "Trong trường hợp nghi phạm đã chết, cơ quan tư pháp phải ngừng quá trình điều tra trách nhiệm đối với người này, khóa tài liệu điều tra và hủy bỏ tiến trình xét xử".
Điều đó có nghĩa là cái chết của những người này sẽ chấm dứt các cáo buộc tham nhũng đối với họ, bảo vệ những người xung quanh và gia đình vẫn được sở hữu tài sản, cho dù chúng có nguồn gốc bất chính. Một số quan chức Trung Quốc bị nghi dính chàm đã nói trong thư tuyệt mệnh của mình rằng họ muốn chính quyền "tha thứ cho gia đình" của họ.
Theo kinh nghiệm ở Trung Quốc, các vụ việc tham nhũng trong nội bộ chính quyền Trung Quốc đều do Ủy ban Điều tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) xử lý. Các quan chức bị cáo buộc thường bị biệt giam để điều tra trước khi được bàn giao cho các cơ quan công tố. Công tố viên sau đó hỗ trợ công tác điều tra và ban hành cáo trạng. Tuy nhiên, "song quy" là một cơ chế nghiêm trị kỷ luật nội bộ, vì vậy chúng thường được bí mật thực hiện. Không có một luật lệ cụ thể nào quy định về thời gian tối đa để tiến hành "song quy".
Đã rất phổ biến triết lý này ở Trung Quốc : ‘đã bị CCDI bắt giam thì không thể không có tội, mà chỉ là tội nặng hay nhẹ’.
"Là những con người cứng rắn và hay chèn ép người dân, chính họ lại rất sợ những hình thức đối xử nghiêm khắc mà các cấp trên của họ thi hành" - một luật sư tỉnh Chiết Giang là ông Yuan Yulai phân tích về tâm lý chung của giới quan tham Trung Quốc.
Tâm lý trên đã hiện ra rõ mồn một ở Việt Nam kể từ lúc cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng phải thốt lên một triết lý để đời của riêng giới quan tham cộng sản : ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’.
Đinh La Thăng là một trong những quan chức cao cấp trực tiếp nhúng tay vào những vụ đàn áp người dân và đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền lẫn tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Và không thiếu nước mắt. Nước mắt lã chã tuôn rơi tại tòa của những quan chức công an quen thói vơ vét và đàn áp dân nhưng lại không đủ can đảm để tự tìm cho mình một sợi dây thừng đủ bền để treo nổi một khối lượng gần một tạ…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 31/12/2018
"Cứ điểm" Lê Thanh Hải vừa chính thức mất tuyến lô cốt quan trọng cuối cùng, khi "đệ ruột" của ông Hải là Tất Thành Cang đã bị Hội nghị Trung ương 9 cách chức trung ương ủy viên và phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng Mười Hai, 2018.
Đến nay, Lê Thanh Hải đã mất khá nhiều "đệ ruột". (Hình minh họa : VietnNamNet)
"Tôi còn anh còn, tôi chết anh chết"
Sau khi Lê Thanh Hải buộc phải rời khỏi vũ đài chính trị ngay trước đại hội 12 vào cuối năm 2015, nhân vật có giá nhất mà ông Hải "cài" lại là Tất Thành Cang. Vị trí của Cang khi đó tương đương với một quan chức cũng được xem là "đệ ruột" của Lê Thanh Hải là Nguyễn Văn Đua – phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu. Ngay sau khi Đua nghỉ, Cang đã được cho trám chỗ.
Thậm chí, mắt xích Tất Thành Cang còn trở nên xung yếu đến mức mang tính sống còn, trong bối cảnh "lò" của Nguyễn Phú Trọng bắt đầu lan đến Sài Gòn vào đầu năm 2018 và bắt đầu cháy mạnh vào cuối năm 2018, với một trong những mục tiêu chính là Lê Thanh Hải và phe cánh chính trị của "bố già" này.
Lê Thanh Hải – với tư cách là "cá mập" và từ nhiều năm qua được đồn đoán là một trong những quan chức cộng sản "mập" nhất ở Việt Nam, còn phải đối phó với chiến dịch "cá mập nuốt nhau" – gây ra bởi những nhóm quyền lực và lợi ích mới người Bắc trong cuộc xung sát ghê gớm cùng lòng tham ngút trời tại Sài Gòn – thủ phủ của rất nhiều mảnh đất vàng.
Nhưng trong gần năm 2018, nhiều khả năng Tất Thành Cang đã dùng vai trò phó bí thư thường trực thành ủy để che chắn cho Lê Thanh Hải khỏi những rủi ro chính trị và cả rủi ro mất tiền.
Vào thời còn là bí thư quận 2 (nơi có dự án khu đô thị Thủ Thiêm), và sau đó là phó chủ tịch thành phố phụ trách về đô thị, Tất Thành Cang đã trở thành cánh tay đắc lực của Lê Thanh Hải để quy hoạch và giải tỏa lố 160 hécta đất, cưỡng chế đẩy đuổi hàng chục ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ, dẫn đến nhiều cái chết của người dân bởi quá phẫn uất.
Còn Lê Thanh Hải – vào thời còn là chủ tịch thành phố, đã "dọn đường" cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Mối quan hệ Hải – Cang cũng bởi thế đã trở thành hữu cơ và gắn bó đến độ "tôi còn anh còn, tôi chết anh chết".
Tất Thành Cang đã bị Hội nghị Trung ương 9 cách chức trung ương ủy viên và phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng Mười Hai, 2018. (Hình minh họa : laodong)
Mất sạch "đệ ruột"
Đến nay, Lê Thanh Hải đã mất khá nhiều "đệ ruột", bao gồm những cái tên Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài – hai cựu phó chủ tịch thành phố đã bị khởi tố và tống giam, và bây giờ đến lượt Tất Thành Cang.
Cả Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài đều dính đậm vào những vụ bán đất vàng và tài sản công, liên quan đến một quan chức tình báo nổi tiếng gom đất vàng của Bộ Công An là Vũ "Nhôm" và những đại gia khác. Sau một thời gian chững lại với không ít hy vọng được "tại ngoại" hoặc thậm chí có thể "qua cầu", hai quan chức này đã phải tra tay vào còng. Không biết vô tình hay hữu ý, cảnh nạn này lại xảy ra ngay sau cái chết đầy nghi vấn của cựu bộ trưởng công an và đương kim chủ tịch nước là Trần Đại Quang.
Cho đến lúc này, không còn hoài nghi gì nữa, Nguyễn Phú Trọng đã mở màn chiến dịch "chống tham nhũng" của ông ta với giai đoạn 3 "đốt lò" ngay tại Sài Gòn – một cứ điểm của phe cánh chính trị Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng, và cuộc xung sát khó lửa này sẽ có thể tưng bừng trong nguyên năm 2019.
Chưa bao giờ trong triều đại gần hai chục năm trời thống trị Sài Gòn và nổi lên cầu vồng chính trường như một ngôi sao mập ú mang tên "Hai Đê" (Đất – Đô), phe nhóm chính trị của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu chủ tịch và cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải lại rớt xuống sát với mặt đất để gần với vực thẳm hơn bao giờ hết vào năm 2018 này.
Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những "tư bản đỏ" kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản "danh sách tử thần" của Nguyễn Phú Trọng: danh sách những quan chức mà nếu bị "mổ" theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể "thu hồi tài sản tham nhũng" từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm – một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của "bạn" của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.
Thời "Hậu Quang", với ngày càng nhiều tín hiệu và chỉ dấu về một cuộc tổng công kích lớn và hầu như không hoài nghi sẽ diễn ra của "Tổng Chủ" Nguyễn Phú Trọng vào Sài Gòn nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung mà gần như không còn gặp lực cản phá đáng kể nào. Tình cảnh của phe nhóm quan chức miền Nam vừa ăn ngập mặt vừa "thiếu lý luận" giờ đây có thể được mô tả như "thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ", hay nói trắng ra thì chẳng còn tồn tại phe nhóm nào – một hình ảnh tan rã và phân hủy tự nhiên lẫn cay đắng rất đặc trưng của hình thái chất thải so với thời oan liệt "còn bạc còn quyền còn đệ tử" của nó cách đây ba năm.
Những vụ bắt Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài và kỷ luật Tất Thành Cang mới chỉ là sự khởi đầu.
Ác giả ác báo – kẻ thứ hai phá chùa Liên Trì
Cả Đinh La Thăng và Tất Thành Cang (giữa) đều là tác giả của chiến dịch ủi sập chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào tháng Tám, 2012
Tuy Tất Thành Cang chưa bị bắt, nhưng với quá nhiều dấu hiệu ốc ý làm trái ở vụ bán 32 đất Nhà Bè, vụ 4 con đường Thủ Thiêm có giá thành xây dựng không tưởng đến 1.000 tỷ đồng mỗi km, và vụ mới nhất là tuyến Metro số 1 đội vốn đến hơn ba chục ngàn tỷ đồng, nhiều khả năng Tất Thành Cang sẽ không thể tránh được số kiếp lao lý.
Việc Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo "xử" Tất Thành Cang tại Hội nghị Trung ương 9 cho thấy quyết tâm rõ hơn và mạnh hơn của ông ta trong mục tiêu "xử" Lê Thanh Hải, dù chưa biết ông Trọng có chủ ý lấy lại công bằng cho hàng chục ngàn dân oan ở Thủ Thiêm hay không.
Một năm trước, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã phải chịu "hạn lớn" khi bí thư thành ủy khi đó là Đinh La Thăng bất ngờ bị loại khỏi Bộ Chính Trị, để đến cuối năm 2017 phải tra tay vào còng.
Không biết vô tình hay do trời đất sắp đặt, một năm sau đến lượt Tất Thành Cang.
Cần nói thêm, cả Đinh La Thăng và Tất Thành Cang đều là tác giả của chiến dịch ủi sập chùa Liên Trì thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào tháng Tám, 2012. Ác giả ác báo.
Cùng tham gia chiến dịch phá chùa Liên Trì là Trung tướng Lê Đông Phong – giám đốc Công An Thành phố Hồ Chí Minh và một số quan chức công an khác của thành phố và Quận 2.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 30/12/2018
Sau khi hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đã công bố xong báo cáo tài chính quý 3/2018 cùng một số thông tin về tình hình tài chính ngân hàng quý 4/2018, thị trường ngân hàng đã nảy nòi một nghịch lý rất lớn : theo nhận định chung, khối ngân hàng Việt đang có mùa vàng với lợi nhuận tăng khủng, nhưng không ít nhà băng lại xuất hiện xu hướng nợ xấu tăng vọt.
Bóng ma nợ xấu ám ảnh các Ngân hàng - Hình minh họa (VTC).
Nghịch lý lợi nhuận - nợ xấu
Theo báo nhà nước, báo cáo 9 tháng của các ngân hàng có diễn biến lạ : Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng.
Đơn cử : ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017 ; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017 ; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5% ; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so với đầu năm. Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Nợ xấu trong xu hướng chung đã giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Tuy vậy, vài chuyên gia nhà nước cho rằng đó không hẳn là kết quả tiêu cực bởi dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.
"Về tổng thể, hoạt động ngành ngân hàng nói chung giai đoạn này nợ xấu vẫn tiếp tục nhận về qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (Vietnam Asset Management Company-VAMC)" - một chuyên gia tài chính nhận xét…
Nhưng thực tế lại cho thấy cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.
VAMC đã ‘xử lý nợ xấu’ ra sao sau 5 năm ?
Về thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.
Vào năm 2018, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) đã trần tình với gương mặt có vẻ nhăn nhúm khổ sở : "VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này".
Lời trần tình trên mang hàm ý gì ?
Dù chỉ nêu vài số liệu nhỏ nhoi, nhưng cái cách trần tình của ông Nguyễn Tiến Đông đã một lần nữa, sau khoảng một tá lần thanh minh của những quan chức khác kể từ lúc VAMC được thành lập vào năm 2013, khẳng định một sự thật như đinh đóng cột : sau 5 năm hoạt động, VAMC đã hầu như không mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần bằng ‘tiền tươi thóc thật’, nghĩa là hầu như không dùng tiền mặt được ngân sách nhà nước cấp để mua nợ xấu, mà chỉ mua… trên giấy.
Trong thực tế, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.
Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ như trên đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.
Đến nay, các phương án "xử lý nợ xấu" của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu "giảm nợ xấu về 3%" vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.
Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.
2019 sẽ lãi ít, nợ xấu tăng vọt và phá sản ngân hàng ?
Tình trạng một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Với các ngân hàng này, rõ ràng quan niệm về lợi nhuận và hậu quả về nợ xấu là hai phạm trù tách rời mà chẳng dính dáng với nhau về mặt nhân quả và trách nhiệm.
Nhưng một phần lớn lợi nhuận của khối ngân hàng trong hai năm 2017 và 2018 lại đến từ những con sóng đầu cơ chứng khoán và bất động sản, trong đó giá nhiều cổ phiếu được ‘đánh lên’ gấp ba lần, còn mặt bằng giá bất đất nền cũng tăng ít nhất hai lần.
Mặt khác và theo quy luật, cứ vào thời gần cuối năm, các ngân hàng lại phải tăng tốc hoàn thành kế hoạch, đẩy mạnh các khoản đầu tư và cho vay tín dụng, trong đó phải chạy theo chỉ tiêu ‘tăng tốc đẩy tín dụng ra thị trường’ theo chỉ đạo của Thủ tướng Phúc, dẫn đến một số dự án, kế hoạch sinh lời cao, đem về lợi nhuận cao, nhưng đồng thời cũng đẩy rủi tăng cao, do đó nợ xấu tăng theo.
Ở chiều trái ngược, lợi nhuận ngân hàng thu từ khối doanh nghiệp là khá ít ỏi do đà suy thoái kinh tế ở Việt Nam vẫn chưa dừng lại sau 10 năm kéo lê cái thân hình bạc nhược của nó, còn chuyện làm ăn của các doanh nghiệp thì ngày càng trở nên bế tắc, mà minh chứng rõ ràng là tỷ lệ số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản vào năm 2018 cao hơn hẳn tỷ lệ số doanh nghiệp thành lập mới, và mức ‘cống hiến’ của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cho ngân sách nhà nước trong năm 2018 giảm hơn 2% so với dự toán quá tham lam, trong khi mức giảm sụt của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lên đến hơn 15%.
Chẳng có gì là vĩnh viễn, và lợi nhuận ngân hàng cũng thế. Điều gì sẽ xảy ra khi vào nửa cuối năm 2018, cả hai con sóng đầu cơ chứng khoán và bất động sản đều đã chững lại, và theo quy luật tất yếu có lên thì phải xuống, để sang năm 2019 và vài năm sau đó sẽ chứng kiến mặt bằng giá cổ phiếu lẫn đất nền suy giảm rồi lao dốc ?
Khi đó và rất cùng hoàn cảnh với ngân sách nhà nước bị tiêu hao một khoản thu lớn từ tiền thuế nhà đất, lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại đương nhiên sẽ bị giảm nhiều chứ không còn ‘mùa vàng bội thu’ như trước đó. Và một khi phần lợi nhuận mờ nhạt, phần nợ và nợ xấu sẽ trở nên nổi bật trên bức tranh lãi - lỗ. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải đau đầu tính toán việc làm sao thu hồi được các khoản nợ xấu, trong đó có hai khoản nợ lớn tồn tích vào hai năm 2017 và 2018 : tín dụng cho các nhà đầu tư cá nhân vay để đầu cơ chứng khoán và đầu cơ bất động sản.
Thậm chí nếu vào năm 2019 và những năm sau đó, ngành ngân hàng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng, dù chỉ ở quy mô vừa phải, cũng sẽ làm giảm đáng kể lợi nhuận ngân hàng và khiến phát sinh nợ xấu trầm trọng. Khi đó, sẽ không thể còn bài ca nghịch lý ‘Ngân hàng lãi lớn, nợ xấu vẫn tăng’.
Tương lai 2019 đang ập đến. Lãi ngân hàng nhiều khả năng sẽ ít hẳn, trong khi nợ xấu tăng vọt. Những ngân hàng đã cố che giấu nợ xấu trầm trọng trong những năm trước sẽ lao đến ngưỡng vỡ nợ và phá sản vào những năm sau đó.
Khi đó, phần lớn sẽ mang tính bi kịch. Bi kịch phá sản ngân hàng lại dẫn đến bi kịch tài chính và ngân sách quốc gia. Để rất có thể thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ và ‘mỗi tỉnh là một đầu tàu kinh tế’ - Nguyễn Xuân Phúc - một lần nữa phải cảm thán về ‘sụp đổ tài hóa quốc gia’ như lời ông ta thốt ra thành thật đến hiếm có vào mùa xuân năm 2017.
Sau hàng chục năm trời tồn tại một cách bất hợp pháp, hoặc đạp trên đầu pháp luật, thách thức dư luận xã hội và gây nỗi thống khổ cho sân bay dân sự bằng nạn kẹt giao thông kinh hoàng cả dưới đất lẫn trên trời, phải đến cuối năm 2018 số phận của sân golf Tân Sơn Nhất đã được định đoạt,
Máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet đậu tại Tân Sơn Nhất.
Một văn bản ‘lạ’ của Sở Quy hoạch và kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
Nhưng thật trớ trêu và cay đắng, bản án số phận đó không phải được phán quyết bởi áp lực chưa đủ lớn của một xã hội mà có đến hàng triệu người xuống đường diễu hành ăn mừng chức vô địch của đội tuyển bóng đá quốc gia nhưng lại không muốn hoặc không dám bước qua ngưỡng cửa nhà mình để tham gia vào những cuộc biểu tình đòi quyền sống, mà vẫn phụ thuộc phần lớn và chỉ được quyết định vào những cuộc điều đình, hoặc một thỏa thuận ngầm giữa các nhóm lợi ích với nhau.
4 tháng sau quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Bộ Giao thông và vận tải, vào đầu tháng 12 năm 2018 Sở Quy hoạch và kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh bỗng có một động thái lạ : cơ quan này gửi một văn bản cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất khỏi quy hoạch của thành phố. Văn bản này lấy cơ sở là quyết định hồi tháng 8 năm 2018 của Bộ Giao thông và vận tải về điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phần diện tích sân golf sẽ được làm nhà ga, khu hangar và một phần cây xanh hồ điều tiết.
Đề xuất loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất chỉ có thể được ‘cho phép’ hiện ra với tín hiệu bật đèn xanh từ Bộ Quốc phòng - cơ quan chủ quản của chính sách kinh tế quốc phòng kiêm hoạt động kinh doanh sân golf Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông và vận tải - cơ quan được xem là tồn tại một nhóm lợi ích giao thông khổng lồ mà đã không ít lần ‘trùm mền’ cả Bộ Chính trị, và từ chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc.
Kẻ nào "bảo kê" sân golf Tân Sơn Nhất ?
Dù diện tích đủ để thiết lập một sân bay khổng lồ với hơn 3.000 ha thời Việt Nam Cộng Hòa để lại, nhưng từ sau 1975 sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thẳng tay lấn chiếm diện tích bừa bãi khi đại gia nhóm lợi ích quân đội đã chiếm 157 ha đất vàng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh - người mà giờ đây đang ngự trị ở Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - bị xem là thủ phạm chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất từ hàng chục năm qua. Dự án sân golf Tân Sơn Nhất cũng do tập đoàn này làm chủ đầu tư. Tập đoàn này còn tai tiếng với loạt scandal như : xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam ; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép ; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác ; lọt danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài chính với số tiền nợ lên tới 34,8 tỷ đồng…. Theo nhà báo Nguyễn Đình Ấm là người có thâm niên trong ngành hàng không và hiện nay là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm "đầu độc" người dân Sài Gòn bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không hề bị truy cứu trách nhiệm.
Từ tháng 7 năm 2017 khi bị dư luận phản ứng dữ dội về thực tồn sân golf Tân Sơn Nhất gây ra nạn kẹt cứng ở sân bay dân sự cùng tên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy vai trò "bảo kê" cho sân golf Tân Sơn Nhất đã cấp tập được chuyển từ một số quan chức Bộ Quốc phòng sang một số quan chức Bộ Giao thông và vận tải.
Bộ trưởng Giao thông và vận tải vào thời đó là ông Trương Quang Nghĩa, hiện là bí thư Đà Nẵng sau khi bí thư cũ là Nguyễn Xuân Anh bị ‘văng’ sau cuộc đấu đá sinh tử thất bại với Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch thành phố này và được xem là ‘người thân’ của Thủ tướng Phúc.
Trương Quang Nghĩa là quan chức khư khư giữ quan điểm ‘chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam’ (tức toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định - một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn), mà không phải là phía Bắc (nơi ngự trị sân golf Tân Sơn Nhất).
Trương Quang Nghĩa cũng là người bị nghi ngờ lớn về mối quan hệ chằng chịt và sâu đậm với các nhóm lợi ích ODA và giao thông ở Bộ Giao thông và vận tải.
Từ năm 2017 đến nay, đường vào sân bay Tân Sơn Nhất đang trở nên nỗi kinh hoàng với tất cả hành khách. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào sân bay là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay.
Vào đầu năm 2018, trước bầu không khí búa rìu dư luận ngày càng sắc bén và nguy hiểm chính trị, ông Trương Quang Nghĩa có thể đã phải chọn lựa "giải pháp tình thế" là xin trung ương cho chuyển về Đà Nẵng làm bí thư thành ủy như một cách "hạ cánh an toàn".
Nhưng thay thế cho ông Nghĩa lại là một nhân vật mà đã gây tai tiếng đủ lớn về nạn "bảo kê BOT" chỉ vài tháng sau khi nhậm chức Bộ trưởng Giao thông và vận tải : ông Nguyễn Văn Thể.
Cùng lúc với việc để mặc cho các trạm BOT tha hồ ‘hút máu’ lái xe và doanh nghiệp mà đã khiến gây ra một phong trào phản đối rộng khắp từ Bắc chí Nam, tân bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn kế thừa nhiệm vụ "thuê tư vấn ngoại" của cựu Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tức thuê Công ty tư vấn ADP-I của Pháp.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, ADP-I đã công bố đánh giá "mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam". Nhưng ngay lập tức, công bố này bị dư luận xã hội phản ứng và nghi ngờ là tổ chức tư vấn này "đi đêm" với Bộ Giao thông và vận tải.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó ?
Trong khi đó, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Nhưng nếu làm theo phương án trên, ai sẽ đền bù cho nhóm lợi ích quân đội về tất cả chi phí nổi lẫn "ngầm" mà nhóm này đã bỏ ra ?
Mắc nghẹn ‘cặp đôi hoàn hảo’
Hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành có một mối ‘tham duyên’ sâu kín. Không phải bỗng dưng mà từ năm 2015, các nhóm lợi ích ODA, giao thông và chính sách đã ‘hiệp đồng tác chiến’ một cách bài bản trên hai mặt trận thủ tục hành chính và truyền thông nhằm tống tiễn càng nhanh càng tốt trọng điểm sân bay từ Tân Sơn Nhất về Long Thành như mô hình ‘cặp đôi hoàn hảo’.
Trong thâm ý lẫn tham ý của các nhóm lợi ích, dự án sân bay Long Thành không chỉ nhằm "nuốt gọn" 18 tỷ USD đầu tư với phần lớn trong số đó dự kiến là vốn vay ODA, mà còn được khuếch trương tính tầm cỡ "khu vực châu Á" của nó để giúp giới quan chức đang "kẹt hàng" có điều kiện bán đất giá cao.
Trước đây vào thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và vào lúc ODA vẫn còn được giới quan chức tham nhũng Việt xem là ‘bò sữa’ và ‘tiền từ trên trời rơi xuống’, ý đồ này đã được hoạch định theo chiêu thức vay nguồn ODA ưu đãi để xây dựng sân bay Long Thành, đồng thời "đánh lên" bất động sản quanh khu vực này để giới quan chức dễ dàng "thoát hàng". Một khi đã chuyển được ga hàng không chính về Long Thành, toàn bộ 800 ha đất vàng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có thể rơi vào tay nhóm đặc quyền đặc lợi.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Từ tháng 7 năm 2017, các nguồn vốn vay ODA ưu đãi hầu như đã đóng cửa với Việt Nam. Với các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển Á châu, Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA của quốc tế với mặt bằng lãi suất tăng gấp ba lần trong lúc thời gian ân hạn giảm đi một nửa.
Trong tình thế quá khốn khó, Chính phủ lại không dám bảo lãnh cho vay. Nếu những năm trước số bảo lãnh cho vay lên đến 4-5 tỷ USD, thì năm 2017 chỉ còn khoảng 700 triệu USD. Với dự toán "vẽ" của sân bay Long Thành lên đến hơn 18 tỷ USD, cho dù chính phủ có bảo lãnh vay thì "quota" 700 triệu USD cũng chẳng làm được trò trống gì.
Từ năm 2017 đến nay, trong khi nguồn ODA từ quốc tế bị siết lại thì khu vực sân bay Tân Sơn Nhất lại "đổ đốn’ đến mức kẹt cả dưới đất lẫn trên trời, khiến phát sinh làn sóng bức xúc trong kỳ họp quốc hội tháng 5- 6 năm 2017 đòi sân golf Tân Sơn Nhất phải trả lại 157 ha cho sân bay cùng tên.
Ý đồ thực hiện "cặp đôi hoàn hảo" của hai nhóm lợi ích ODA và giao thông dành cho hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành ngày càng phải đối mặt với nguy cơ phá sản thấy rõ.
Chiến dịch "dời Tân Sơn Nhất về Long Thành" của các nhóm lợi ích cũng bởi thế càng thêm đổ bể.
Chỉ đến lúc này mới hiện ra một văn bản ‘lạ’ của Sở Quy hoạch và kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất khỏi quy hoạch của thành phố.
Ăn không được thì phải nhả.
Trong khi đó và nếu không vay được ngoại tệ, tương lai của sân bay Long Thành vẫn chỉ là… bản vẽ. Vô số đất đai của giới đại gia và quan chức vẫn không cách nào hóa phép thành tiền hay ngoại tệ để tẩu tán ra nước ngoài…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 25/12/2018
Sài Gòn : Động thái ‘lạ’ của Sở Quy hoạch và kiến trúc
Bốn tháng sau quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất của Bộ Giao thông và vận tải, vào đầu tháng Mười Hai, 2018 Sở Quy hoạch và kiến trúc bỗng có một động thái lạ : cơ quan này gửi một văn bản cho Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn đề nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất khỏi quy hoạch của thành phố. Văn bản này lấy cơ sở là quyết định hồi tháng Tám, 2018 của Bộ Giao thông và vận tải về điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Phần diện tích sân golf sẽ được làm nhà ga, khu hangar và một phần cây xanh hồ điều tiết.
Sân bay Tân Sơn Nhất (Hình : Getty Images)
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Sở Quy hoạch và kiến trúc có "dũng khí" đến thế khi dám nêu ra một đề xuất như vậy, dù cơ quan này bị coi là đã từng giấu biến nhiều tài liệu quy hoạch giải tỏa đất đai mà không thông báo cho người dân biết, đặc biệt cơ quan này còn dính dáng không nhỏ về trách nhiệm đối với phi vụ tấm bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bị biến mất cực kỳ đáng nghi ngờ mà cho tới nay các cơ quan công quyền luôn "sẽ tìm kiếm" nhưng tìm mãi vẫn không ra.
Thậm chí đề xuất loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất còn được công khai cho báo chí và dư luận xã hội biết. Sẽ là một điều dối trá nếu cho rằng nhiều người tin rằng Sở Quy hoạch và kiến trúc, hoặc chính quyền ở Sài Gòn tự thân làm hoặc tự động chỉ đạo làm cái việc "nhạy cảm" còn hơn cả ăn gan trời đó, khi những cơ quan này đã câm lặng trong suốt hàng chục năm trời kể từ khi đại gia Dương Công Minh thẳng tay chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân dụng Tân Sơn Nhất để làm sân golf, gây ô nhiễm kinh khủng và hóa kiếp cảnh nạn tắc kẹt cả dưới đất lẫn trên trời ở sân bay dân dụng hiện hữu.
Đề xuất loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất chỉ có thể được "cho phép" hiện ra với tín hiệu bật đèn xanh từ Bộ Quốc Phòng – cơ quan chủ quản của chính sách kinh tế quốc phòng kiêm hoạt động kinh doanh sân golf Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông và vận tải – cơ quan được xem là tồn tại một nhóm lợi ích giao thông khổng lồ mà đã không ít lần ‘trùm mền’ cả Bộ Chính trị, và từ chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc.
Toàn cảnh sân bay Tân Sơn Nhất. (Hình : baoxaydung.com.vn)
Sân bay thời Việt Nam Cộng Hòa bị phá nát ra sao ?
Dù diện tích đủ để thiết lập một sân bay khổng lồ với hơn 3,000 ha thời Việt Nam Cộng Hòa để lại, nhưng từ sau 1975 sân bay Tân Sơn Nhất đã bị thẳng tay lấn chiếm diện tích bừa bãi khi đại gia nhóm lợi ích quân đội đã chiếm 157 ha đất vàng làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư.
Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh – người mà giờ đây đang ngự trị ở Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – bị xem là thủ phạm chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất từ hàng chục năm qua. Dự án sân golf Tân Sơn Nhất cũng do tập đoàn này làm chủ đầu tư. Tập đoàn này còn tai tiếng với loạt scandal như : xây không phép sân tập golf và nhà hàng Him Lam ; tự ý lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, xây vượt tầng trái phép ; coi thường pháp luật, ngang nhiên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khác ; lọt danh sách đen cưỡng chế nợ của Bộ Tài Chính với số tiền nợ lên tới 34.8 tỷ đồng… Theo nhà báo Nguyễn Đình Ấm là người có thâm niên trong ngành hàng không và hiện nay là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, thậm chí chủ tập đoàn này còn nhẫn tâm "đầu độc" người dân Sài Gòn bằng 200 tấn thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm nhưng vẫn không hề bị truy cứu trách nhiệm.
Vào năm 2015, khi sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu rơi vào tình thế bế tắc giao thông, phía quân đội mà cụ thể là viên đại tướng bị coi là "thân Trung Quốc" Phùng Quang Thanh cùng con ruột là đại tá Phùng Quang Hải đã không một lần nhượng bộ đòi hỏi của làn sóng dư luận về thu hồi diện tích sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi đó, Đại tá Phùng Quang Hải chính là "chủ" một doanh nghiệp lớn trong quân đội mà được biết đã chiếm được rất nhiều khu đất vàng ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có đất ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Quay quắt Nguyễn Xuân Phúc
Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam".
Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn "đi hàng hai", vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng "xử lý sân golf trong sân bay".
Nhưng 8 tháng sau đó, ông Phúc đột ngột "trở cờ".
Tháng Ba, 2018, không hiểu vì lý do "nể nang", "nhạy cảm" hay còn là "nhiệm vụ chính trị", cú "trở cờ" của ông Phúc té ra lại không khác gì cơ chế động não của Trương Quang Nghĩa khi "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam", cho dù rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Quyết định "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam" của Thủ tướng Phúc vào tháng Ba, 2018 như thể vừa bất chấp vừa thách thức làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện, bất chấp hình ảnh chình ình của sân golf Tân Sơn Nhất là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của "con tin sân bay Tân Sơn Nhất".
Nhưng dù vì lý do gì, quyết định trên của Thủ tướng Phúc đang khiến ông ta bị nghi ngờ đã "bắt tay" với nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và cả nhóm lợi ích sân bay Long Thành.
Chưa hết. Quyết định trên cũng "kiến tạo" một gót chân Asin toang hoác trên cung đường chính trị của ông Phúc – một tử huyệt mà rất dễ bị bất cứ đối thủ chính trị nào khoan chọc tung tóe vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai ngắn hạn hay cùng lắm là trung hạn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bẵng đi một thời gian, vụ việc "sân golf trong sân bay" lắng dần theo lối nửa chìm xuồng nửa không. Tuy nhiên, vẫn có những phản ứng đáng kể xuất phát từ nội bộ đảng cầm quyền, để gần đây mới hiện ra động thái lạ của Sở Quy hoạch và kiến trúc khi cơ quan này gửi một văn bản cho Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn đề nghị loại bỏ sân golf Tân Sơn Nhất khỏi quy hoạch của thành phố.
Đào đâu ra tiền để giải tỏa ‘phía Nam ?’
Nhưng nhiều người hiểu rằng nguồn cơn thực chất mà đã khiến nhóm lợi ích phải đành từ bỏ sân golf Tân Sơn Nhất là những cuộc thỏa thuận ngầm giấu giữa các nhóm lợi ích đã không thể đạt được kết quả như "nguyện vọng" : sau một thời gian đủ dài tính toán nhiều phương án, sau vài ba lần thay đổi kế hoạch từ "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam" đến "mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc lẫn phía Nam", rốt cuộc Thủ tướng Phúc và dàn quan chức cấp tướng của "Bộ sân golf" đã có thể nhận ra là cho dù họ có thể, và trong thực tế là sẵn sàng vượt qua sức ép không đáng kể của dư luận xã hội, có thể dùng Ban Tuyên Giáo Trung Ương làm vòng kim cô để siết bức hơn 800 tờ báo nhà nước theo cách "cho sủa mới được sủa" và có thể giữ riệt sân golf Tân Sơn Nhất còn hơn giữ bàn thờ, nhưng phần chi phí dùng để ‘mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam’ là cao như núi, cao đến mức không biết tìm đâu ra, và trong thực tế là vô phương tìm kiếm…
Rất nhiều khả năng là nếu chọn mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, chính quyền sẽ phải "đụng tường" khi đối mặt với một khu vực dân cư khổng lồ và các nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp… của nhiều đại gia, trong đó không thiếu đại gia quân đội thuộc các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Vào năm 2017, một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD. Nhưng trong thực tế, kinh phí bồi thường có thể còn cao gấp nhiều lần so với con số đó. Một dấu hỏi cực lớn là trong bối cảnh cạn kiệt và hàng năm phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ đô la, ngân sách sẽ tìm đâu ra số tiền đó để bồi thường ?
Không thể kham nổi núi kinh phí giải tỏa khu vực phía Nam của sân bay Tân Sơn Nhất, đến lúc này Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông và vận tải đành phải từ bỏ một sân golf Tân Sơn Nhất lời chưa thấy chỉ thấy lỗ để lấy đất "phát triển sân bay dân dụng" và cũng được tiếng là chính phủ "đã lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của nhân dân".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 23/12/2018
Một hiện tượng tiền tệ và có thể mang cả tính chính trị rất đáng mổ xẻ và truy xét về nguồn cơn thật sự của nó đã hiện ra : trong hai năm 2017 và 2018, Ngân hàng thế giới đã làm thay phần việc của các cơ quan Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng nhà nước… ở Việt Nam trong việc công bố kết quả kiều hối về Việt Nam mỗi năm.
‘Việt Nam nhận 15,9 tỷ USD kiều hối năm 2018’ ? Hình minh họa.
Ngân hàng thế giới làm thay cho Việt Nam ?
Trong lúc các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Việt Nam vẫn như cấm khẩu trong cả hai năm trên, thì Ngân hàng thế giới đều đặn công bố "Năm 2017, kiều hối gửi về Việt Nam đạt 13,8 tỷ đô la, tăng 16% so với năm 2016 và cũng đã là mức cao kỷ lục của đất nước" và "Việt Nam đã nhận tổng cộng 15,9 tỷ đô la kiều hối trong năm 2018".
Ngay lập tức, các tờ báo đảng và ‘thân đảng’ ở Việt Nam dẫn tin từ Ngân hàng thế giới để khoa trương thành tích nhờ có nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách nhân văn nhân bản của đảng và nhà nước ta mà Việt Nam đã thu hút được ngày càng nhiều kiều hối từ ‘khúc ruột ngàn dặm’ hay từ ‘kiều bào ta’.
Tuy nhiên, công bố của Ngân hàng thế giới về lượng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 lại chỉ thuần túy là con số tổng nhưng đã không kèm theo bất kỳ một liệt kê chi tiết nào cần có về cơ cấu khu vực và quốc gia trên thế giới gửi kiều hối về Việt Nam, cơ cấu khu vực và ngành nghề ở Việt Nam nhận kiều hối, phương pháp tính kiều hối của Ngân hàng thế giới…
Trong thực tế, số liệu của Ngân hàng thế giới về kết quả kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 là rất đáng nghi ngờ về tính chính xác, nếu không muốn nói là đáng nghi ngờ về tính trung thực.
Phản biện với Ngân hàng thế giới
Từ nhiều năm qua, một thống kê của Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên xác định về cơ cấu địa phương tiếp nhận kiều hối : Sài Gòn thường nhận khoảng 60% trong tổng số kiều hối về Việt Nam.
Vào năm 2017 khi các cơ quan Việt Nam không chịu công bố con số tổng kiều hối trên bình diện quốc gia, chỉ duy nhất Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả kiều hối về Sài Gòn là khoảng 5,2 tỷ USD.
Khi năm 2018 đã gần trôi qua, trong khi các cơ quan Việt Nam vẫn im bặt mà không chịu công bố bất cứ con số kiều hối tổng nào, thì cũng lại Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra con số kiều hối mà Sài Gòn dự kiến thu hút trong năm 2018 là khoảng 5,2 tỷ USD.
Như vậy nếu căn cứ vào con số 5,2 tỷ USD của Sài Gòn và tỷ lệ 60% mà Sài Gòn thường chiếm trong tổng lượng kiều hối của cả Việt Nam, con số tổng kiều hối về Việt Nam trong hai năm 2017 và 2018 chỉ vào khoảng 8,5 tỷ USD chứ không thể lên đến 13,8 tỷ USD cho năm 2017 và 15,9 tỷ USD cho năm 2018 như Ngân hàng thế giới công bố.
Nhưng con số 8,5 tỷ USD trên vẫn có thể là lạc quan, bởi phản ánh chung của báo chí và giới chuyên gia tài chính là trong những năm gần đây, kiều hối đổ về Việt Nam có khuynh hướng ngày càng tập trung về Sài Gòn - nơi có hàng triệu gia đình có thân nhân ở nước ngoài, chủ yếu từ thị trường Hoa Kỳ (chiếm 55-60% tổng kiều hối từ các nước gửi về Việt Nam), trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác. Nếu tỷ lệ kiều hối về Sài Gòn vượt trên 60% nhưng vẫn giữ giá trị tuyệt đối là khoảng 5,2 tỷ USD thì dĩ nhiên con số tổng kiều hối quốc gia sẽ phải giảm dưới mức 8,5 tỷ USD.
Nhưng vì sao các cơ quan Việt Nam cố giấu diếm công bố về kiều hối của vào năm 2017 và 2018 ? Tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và năm 2018 là bao nhiêu ? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ thu được từ "kiều bào ta ?" Liệu đã xảy ra một "sự cố" đủ lớn mà đã khiến chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối trong hai năm 2017 và 2018 ?
Cạn kiệt ngoại tệ !
Trong liên tiếp 23 năm trước năm 2016, dòng kiều hối về Việt Nam đã tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 140 USD triệu năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012 ; 11 tỷ USD năm 2013 ; 12 tỷ USD năm 2014, và hơn 13,2 tỷ USD năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại Châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Những con số thống kê đầy lạc quan của chính quyền cho biết trong giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP. Mức tăng trung bình liên tục của lượng kiều hối những năm gần đây là 10 đến 15%/năm.
Hẳn nhiên, kiều hối là một nguồn quan trọng đã giúp duy trì "máu" để chính quyền Việt Nam vẫn có thể tạm ung dung về "đà tăng trưởng kinh tế không ngừng", đồng thời khi cần thiết có thể gia tăng in tiền mặt để "gom" USD trôi nổi từ dân chúng, đặc biệt từ các gia đình được thân nhân ở nước ngoài gửi ngoại tệ về, giúp bổ sung kho dự trữ ngoại hối và có thêm ngoại tệ để dễ bề trả số nợ nước ngoài đang lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Nhưng sau hơn hai chục năm duy trì xu hướng tăng liên tục, hiện tượng rất đáng chú ý là vào năm 2016, lần đầu tiên dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm rất mạnh và báo hiệu về dòng kiều hối này có thể đảo chiều trong những năm tới.
Năm 2016 thực sự là một cú sốc dành cho chính thể cầm quyền tại Việt Nam : lượng kiều hối trong năm đó chỉ còn có 9 tỷ USD, sụt giảm rất mạnh - đến 30% - so với lượng kiều hối của năm 2015.
Nếu vào thời hoàng kim của kinh tế Việt Nam vào những năm 2006-2007, kiều hối có giảm cũng khó có tác động tiêu cực đến nền kinh tế này. Nhưng khi kinh tế Việt Nam đã trải qua 10 năm suy thoái liên tiếp tính từ năm 2008, bất cứ một sự giảm sút nào về luồng tài chính ngoại vận cũng khiến nền kinh tế phải chịu thêm áp lực khủng hoảng.
Với hơn 4 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối vào năm 2016, GDP danh nghĩa của Việt Nam đã bị giảm khoảng 1,5% trong năm đó và cũng giảm theo tỷ lệ đó trong những năm sau.
Một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 - 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi đô la ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho "kiều bào ta" yên tâm gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ Châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng 7 năm 2017, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Khi kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
Sẽ không ngạc nhiên khi từ năm 2016 trở đi bắt đầu một chu kỳ suy giảm đáng kể của dòng kiều hối của "kiều bào ta" về miền đất đã chìm trong cơn suy thoái kinh tế năm thứ 10 liên tiếp, tràn ngập bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, và nhiều nguy cơ sắp rơi vào cuộc khủng hoảng không lối thoát.
Một nguồn giấu tên cho biết ngân sách Việt Nam sẽ sớm rơi vào cạn kiệt ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Thời điểm cạn kiệt gần nhất là vào cuối năm 2019.
Vào cuối năm 2018, một lần nữa chính sách vừa ngấm ngầm vừa công khai về ‘tìm cách huy động vàng và ngoại tệ’ trong dân lại được chính phủ ‘kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc thúc giục Ngân hàng nhà nước. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia được tuyên truyền đạt hơn 60 tỷ USD đang nhanh chóng rơi vào cảnh cạn kiệt.
Hàng loạt cú bắt và phạt tiền đối với người đổi USD và cơ sở kinh doanh đổi USD trong những tháng cuối năm 2018 tại Cần Thơ và Nghệ An cho thấy các cơ quan ‘có trách nhiệm’ đang cố làm nhiều cách để buộc người dân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương mại phải bán lại ngoại tệ theo ‘giá nội bộ’ cho ngân hàng nhà nước để chính phủ có thêm ngoại tệ trả nợ cho nước nước ngoài.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/12/2018
Phần 1
Phá 15.000 tỷ đồng = án treo !
Khi Đặng Thanh Bình - quan chức cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước - không giấu được cái nhếch môi mãn nguyện lúc được Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi hình phạt tù 3 năm sang 3 năm tù treo với lý do 'cao tuổi' vào ngày 5/12/2018, mạng xã hội đã sôi sục phản ứng : không thể nói gì hơn về một bản án bất công ghê gớm trong một 'nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa' khi kẻ gây thiệt hại đến 15.000 tỷ đồng thì được hưởng án treo, còn những đứa trẻ tuổi vị thành niên chỉ vì ăn cắp vào ổ bánh mì thì lại bị một chế độ - bị nhiều người dân tố cáo 'có một rừng luật nhưng chỉ tồn tại luật rừng' - giáng xuống đầu hàng chục năm tù giam.
Ông Đặng Thanh Bình nghe tuyên án chiều 2/7/2018. (Ảnh chụp màn hình từ Tuổi Trẻ)
Ngay cả một tờ báo nhà nước là Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải rút tít 'Tòa sai khi cho cựu phó thống đốc hưởng án treo' khi Hội đồng xét xử (Hội đồng xét xử) 'vận dụng' Luật Người cao tuổi.
Theo mổ xẻ của Luật sư Trịnh Văn Hiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam, điều kiện cho người bị kết án phạt tù, được hưởng án treo được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm, phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo hướng dẫn này thì tình tiết người cao tuổi không phải là cơ sở xem xét cho hưởng án treo…
Luật Người cao tuổi cũng không có quy định nào nói về việc người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên hưởng án treo. Trong khi điểm o khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự quy định : Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên và được coi là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… Hội đồng xét xử có quyền cho các bị cáo hưởng án treo nhưng phải dựa vào các quy định của Bộ luật hình sự, việc tòa vận dụng thêm Luật Người cao tuổi để cho hưởng án treo là sai.
Trước đó, phiên tòa xử sai phạm của Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước do Đặng Thanh Bình phụ trách (đặt tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank, sau là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam VNCB) dù liên đới mật thiết đến sai phạm của Phạm Công Danh của Ngân hàng Xây Dựng mà Danh đã phải nhận án tù giam vài chục năm trời, nhưng ngay cả bản án sơ thẩm 3 năm tù giam đối với Đặng Thanh Bình vẫn là quá nhẹ so với tội trạng mà quan chức này đã tàn phá trên quê hương của y.
Đặng Thanh Bình được thế lực nào bảo kê ?
Bản án mà về thực chất là 'trả tự do ngay tại tòa' cho Đặng Thanh Bình xảy ra trong bối cảnh chiến dịch 'đốt lò' của quan chức vừa trở thành chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng - đang một lần nữa được tuyên rao 'chống tham nhũng không có vùng cấm'. Theo đó trong năm 2018, khá nhiều quan chức như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ 'Nhôm', Út 'Trọc', Phạm Công Danh, Trầm Bê, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa… đã phải nhận án từ 'vừa nặng' đến' mút mùa'.
Bản án với lý do giảm nhẹ hiếm có 'cao tuổi' đối với Đặng Thanh Bình xảy ra trong bối cảnh tại phiên tòa này, đại diện Ngân hàng nhà nước 'nêu ý kiến đề nghị không xử lý hình sự nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình'.
Nhưng trong thực tế pháp đình ở Việt Nam, không thể xảy ra một nghịch lý theo kiểu Đặng Thanh Bình, nếu không có một sự bảo kê đủ mạnh, nếu không muốn nói là một lực bảo kê từ những cấp rất cao mà có thể chi phối và thậm chí thao túng cả các cơ quan tư pháp như viện kiểm sát và tòa án trung ương.
Thế lực nào và những quan chức cao cấp đã bảo kê cho Đặng Thanh Bình ?
Thế lực đó có móc xích gì với 'đại diện Ngân hàng nhà nước nêu ý kiến đề nghị không xử lý hình sự nguyên phó Thống đốc Đặng Thanh Bình " ?
Lê Minh Hưng - con trai của cựu bộ trưởng công an Lê Minh Hương, đương kim thống đốc Ngân hàng nhà nước và là quan chức chưa bao giờ dám thừa nhận về những sai phạm tày đình của hoạt động giám sát các tổ chức tín dụng dưới thời Đặng Thanh Bình - có phải là cái tên cần được gạch đậm bên dưới về những dấu hiệu bảo kê lộ liễu trên ?
Nhưng trên tất cả, dư luận xã hội đang dồn nghi ngờ vào Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương của 'Tổng chủ' Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng ông Trọng thể hiện mối ưu ái 'phe ta' đối với Đặng Thanh Bình ?
Hay còn một cái bóng khác đang thấp thoáng sau tấm màn chính trị và cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xử Đặng Thanh Bình : Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước, đang nghiễm nhiên là ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương ?
'Tổ hợp' Nguyễn Văn Bình - Đặng Thanh Bình
Vào tháng Tám năm 2017, có một hiện tượng đáng chú ý và cần mổ xẻ trong đời sống chính trị và "chống tham nhũng" bất thần sôi sục ở Việt Nam : trùng với thời điểm đại gia Trầm Bê - nhân vật được dư luận đặt cho biệt hiệu "tay hòm chìa khóa" của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là thủ tướng - bị Bộ Công an bắt vào đầu tháng Tám ấy, một số tờ báo nhà nước, trong đó đặc biệt là những "mũi xung kích" Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tổ Quốc… đã đặt thẳng vấn đề trách nhiệm của cơ quan Ngân hàng nhà nước trong mối liên quan mật thiết với các đại án ngân hàng như Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước mỗi năm tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra lớn, bé và có quyền chủ động công bố về sai phạm liên quan của các ngân hàng, các cá nhân liên quan. Cơ quan này được phụ trách bởi một chánh thanh tra được xem là "người của Thống đốc Bình". Thế nhưng từ sau vụ Bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) - một đại gia ngân hàng - bị công an bắt giam vào năm 2012, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước đã không phát hiện hay xử phạt được vụ việc thất thoát lớn nào tại Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu - những ngân hàng mà vào năm 2015 Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo "mua lại với giá 0 đồng", nhưng bị rất nhiều dư luận nghi ngờ rằng ông Bình đã tìm cách rút rỉa một số tiền lớn của ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để cứu 3 ngân hàng sắp sụp đổ này.
Mặc dù dư luận nghi ngờ trên đã lan cả vào kiến nghị của một số đại biểu quốc hội từ năm 2015, nhưng cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ giải đáp minh bạch nào từ phía Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Nếu chỉ riêng đại án Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng đã "nuốt " đến hơn 6 ngàn tỷ đồng, có thể mường tượng con số mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình dùng để "mua lại với giá 0 đồng" của 3 ngân hàng đại án có thể lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Và nếu trò ma quái này được chứng minh là có thật thì sau Thống đốc Bình, nhân vật mà nay là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên phải chịu trách nhiệm vì khi đó đã chưa hề có ý định 'trở về làm người tử tế'.
Chỉ đến phiên tòa xét xử cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào đầu năm 2018, lần đầu tiên một con số mà Ngân hàng nhà nước đã dùng để 'mua giá 0 đồng' trong chiến dịch cứu vãn 3 ngân hàng trên mới được ông Thăng khai ra : khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhưng đây là chỉ là một phần chứ không phải tất cả số tiền dùng để 'mua giá 0 đồng'. Tuy nhiên từ khi lời khai đó hiện ra cho đến nay, giới quan chức Ngân hàng nhà nước và cá nhân cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn câm như hến.
Nguyễn Văn Bình lại được xem là "cánh tay mặt " của Nguyễn Tấn Dũng thời còn là thủ tướng. Ông Bình còn kinh hoàng hơn hẳn Trầm Bê về "thành tích " thao túng thị trường tín dụng, tiền tệ, vàng và các phi vụ thâu tóm ngân hàng.
******************
Phần 2
'Hồ sơ X'
Vào khoảng thời gian năm 2015 và trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, đã có nhiều tin tức không chính thức cho biết Nguyễn Văn Bình bị điều tra và sẽ phải rời khỏi chức vụ thống đốc Ngân hàng nhà nước, kể cả triển vọng có thể bị pháp luật sờ gáy. Trùng với thời gian này, Nguyễn Văn Bình bỗng dưng… biến mất. Người ta không còn thấy nhân vật này xuất hiện khá dày đặc như trước đó trong các cuộc họp, hội thảo được công khai của Ngân hàng nhà nước và ở các bộ ngành và địa phương. Những phương án nhân sự 'bê xê tê' cho đại hội 12 được tiết lộ cũng hầu như không đả động gì đến cái tên Nguyễn Văn Bình.
Ông Đặng Thanh Bình, từng là phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nghỉ hưu năm 2015.
Thế nhưng tại đại hội 12, một sự lộn ngược đã tạo ra cái hố khác biệt ghê gớm đến mức khó tưởng tượng giữa Nguyễn Văn Bình và 'ông chủ' Nguyễn Tấn Dũng : trong khi 'đồng chí X' như từ trên trời rơi xuống khi phải ngậm ngùi 'trở về làm người tử tế', thì 'Bình Ruồi' - cái tên mà dân gian đặt cho viên thống đốc mắn số kia, quả thực đã rời nhiệm sở Ngân hàng nhà nước nhưng không phải theo chân chủ cũ về vườn, mà được 'đá lên' tận Bộ Chính trị. Lý giải về hiện tượng chính trị kỳ lạ và ngược đời này, một số dư luận cho rằng chỉ bằng cung cách 'trở cờ' vào trước đại hội 12 và có lẽ đã phải dâng hiến cho Nguyễn Phú Trọng một 'hồ sơ X' nào đó - gồm nhiều tài liệu đắt giá về hoạt động tài chính bí mật của giới tài phiệt ngân hàng và quan chức chính phủ, Nguyễn Văn Bình mới thoát khỏi 'án tử' để được 'bế' vào cái ghế trưởng ban kinh tế trung ương, cho dù đây chỉ là một chức vụ vô thực quyền và nói chung là vô thưởng vô phạt, hoặc theo cách nói sính dùng thời đó của Tổng bí thư Trọng là 'nhốt quyền lực vào lồng'.
'Hồ sơ X' trên, nếu quả có tồn tại và xứng đáng như một trong những 'bí mật nhà nước' lớn nhất trong nền chính trị Việt Nam đương đại, ắt phải chứa đựng nhiều chi tiết và giá trị đến mức đủ cho Nguyễn Phú Trọng có cơ sở chỉ đạo bắt một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là đại gia ngân hàng Trầm Bê vào tháng Tám năm 2017, cùng một kẻ được cho là tay hòa chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng là Trần Bắc Hà hơn một năm sau đó. Nếu không muốn nói là bộ hồ sơ này còn là cái chìa khóa mở tung cánh cửa vào thẳng tổ hợp tài chính Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng - con gái Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí đến cả 'gót chân Asin' của Nguyễn Tấn Dũng.
Hẳn là mối quan hệ mật thiết đến mức hữu cơ giữa Nguyễn Văn Bình và Đặng Thanh Bình có thể là cơ sở để Nguyễn Phú Trọng 'vẫn có vùng cấm' trong sự nghiệp được hô hào là 'chống tham nhũng' của ông ta.
Bởi một sự thật đơn giản là nếu xử nghiêm theo nguyên tắc 'đúng người đúng tội' đối với Đặng Thanh Bình, đương kim ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình cũng không thể thoát vòng lao lý.
Nếu đúng vậy, một lần nữa ông Trọng lại chỉ 'chống tham nhũng một bên' hay chỉ chăm chăm đốt 'củi rừng' chứ không phải 'củi nhà'.
Dấu hỏi lớn về Nguyễn Phú Trọng
Cho tới nay, bất chấp chiến dịch tấn công "đốt lò" thậm chí đã được cả quốc tế biết đến, người ta vẫn tự hỏi liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng," hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi hay sẽ không bao giờ ? Hay ông Trọng chỉ "chống tham nhũng một bên" nhằm thanh trừng nhân sự và thu hồi một phần tài sản tham nhũng nhằm kéo được ngày nào hay ngày nấy chế độ độc đảng của ông ta ?
Bởi tới nay vẫn có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho việc ông Trọng "chống tham nhũng cả phe ta."
Cho tới giờ này vẫn còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả ; Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh bị xem là tội đồ tiếp tay cho thảm họa môi trường Formosa ; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng tài nguyên môi trường liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa ; Trịnh Văn Chiến - Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch ; một bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ với thành tích điều hành dưới cả mức tệ hại nhưng vẫn không bị cách chức, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là "cánh hẩu" với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Bất chấp vụ "trảm" Đinh La Thăng và xử đường dây bảo kê đánh bạc công nghệ cao ở Bộ Công an đã phần nào gây được tiếng vang trong công luận, lôi kéo được sự ủng hộ của một số người dân và khiến nhiều người thỏa mãn tâm lý "cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột," vẫn còn nhiều dư luận chê trách Nguyễn Phú Trọng về thái độ nể nang và thỏa hiệp của ông ta đối với giới quan chức "phe ta."
Một trong những dẫn chứng mang tính bằng chứng được dư luận trưng ra là vào cuối năm 2017, Thứ trưởng công an Lê Quý Vương đã nói thẳng với báo chí là "chống tham nhũng thời kỳ trước" - mà được dư luận hiểu là chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng chỉ nhắm vào "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng" mà không phải là "thời kỳ này." Thêm một lần nữa, ông Trọng mất điểm trong con mắt đánh giá khách quan và công tâm của người dân.
Sau dẫn chứng trên còn lộ ra một bằng chứng sống động hơn nhiều : vào năm 2018, Trương Minh Tuấn - quan chức phải miễn cưỡng rời khỏi cái ghế bộ trưởng thông tin và truyền thông béo bở - được ông Trọng gấp rút và đặc cách chỉ định ngồi vào ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương khi âm mưu ăn cắp tiền gần 9 ngàn tỷ đồng từ phi vụ 'MobiFone mua AVG' còn chưa hoàn tất cái bi kịch lịch sử của nó.
Tình cảm ưu ái của Nguyễn Phú Trọng dành cho Trương Minh Tuấn là khá rõ, khác hẳn với trường hợp Đinh La Thăng, dù Trương Minh Tuấn 'ứng' với Đinh La Thăng bởi tính chất 'rất nghiêm trọng' trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đó là nguồn cơn vì sao mà sau hai năm rưỡi phát động cuộc chiến 'chống tham nhũng', Nguyễn Phú Trọng vẫn bị những cựu thần và tướng lĩnh lão thành - giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến - chỉ trích nặng nề vì đã không xử nghiêm Trương Minh Tuấn và những quan chức khác thuộc 'phe đảng' để cân xứng và công bằng với các vụ xử 'phe Nguyễn Tấn Dũng'.
Scandal cựu phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình dù dính đậm trách nhiệm hình sự vụ làm thiệt hại đến 15.000 tỷ đồng nhưng vẫn được 'trả tự do ngay tại tòa' đã thêm một lần nữa, trong nhiều lần, khiến bùng lên làn sóng nghi ngờ về thái độ thiếu công tâm, hoặc còn lâu mới được xem là công bằng, của Nguyễn Phú Trọng trong công tác 'chỉ đạo án'. Ngay từ trước khi ông Trọng còn chưa là 'tổng chủ', có ít nhất hai cơ quan viện kiểm sát trung ương và tòa án trung ương đã răm rắp làm theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương. Còn khi đã làm 'vua' từ tháng 10 năm 2018, Nguyễn Phú Trọng không thể không biết và không thể không liên đới trách nhiệm về chỉ đạo án và cú trả tự do bất chấp pháp luật cho Đặng Thanh Bình.
Làn sóng chỉ trích trên, dù vẫn trong giai đoạn mang tính nội bộ mà chưa đi vào thời kỳ được công bố trên báo chí, đã và sẽ khiến 'uy tín' của Nguyễn Phú Trọng bị lao dốc không ít, chưa kể ước mơ tái hiện hình ảnh cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với 'Đổi Mới' ba chục năm về trước và 'lưu truyền sử xanh' của ông Trọng trong tương lai rất có thể sẽ tan vỡ như bong bóng xà phòng trong khi lịch sử vẫn còn đang ngái ngủ.
Không biết có phải dụng ý ‘kỷ niệm’ tròn một năm ngày Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ ‘ra đi tìm đường cứu nước’ khi bầu tâm huyết đó đã bị dẫn độ từ Singapore về Việt Nam hay không, vào trung tuần tháng 12 năm 2018 tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khởi tố hai thứ trưởng Bộ Công an là tướng Bùi Văn Thành và một tướng khác có tên đệm trùng với đảng chính trị đối lập Việt Tân ở hải ngoại mà chính quyền và công an Việt Nam căm thù đến tận xương tủy.
Hai tướng công an Bùi Văn Thành (trái) và Trần Việt Tân (phải).
‘Kỷ niệm’ một năm
Nhưng khác hẳn vụ truy bắt Vũ ‘nhôm’ tháng 12/2017 - 1/2018 mà khi đó người phát ngôn của Bộ Công an là Thiếu tướng Lương Tam Quang thậm chí còn ‘thề’ với phóng viên là ‘chưa có thông tin gì’ về vụ này, một điểm mang tính ‘cách mạng’ của quy trình "khởi tố để điều tra dấu hiệu phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân là trang tin điện tử của Bộ Công an vào lần này đã ‘chủ động thông tin’ với lý do bắt : hai quan chức này nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ liên quan Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm. Ông Thành bị khởi tố do những sai phạm khi làm Cục trưởng và ông Tân khi làm Tổng cục trưởng.
Nhưng rất có thể lý do trên chỉ mang tính danh nghĩa và/hoặc mang tính kỹ thuật trong chiến thuật điều tra và tố tụng hình sự, trong khi nguồn cơn thực chất của vụ khởi tố trên còn thâm sâu và ‘nhạy cảm chính trị’ hơn.
Bàn tay bí ẩn nào ?
Bắt đầu từ tháng Tư năm 2017 và lan sang những tháng sau đó, một bàn tay bí ẩn đã tung lên mạng xã hội hàng loạt văn bản đóng dấu ‘MẬT’ và kể cả ‘TUYỆT MẬT’, mang danh nghĩa Bộ Công an liên hệ với nhiều cơ quan và tổ chức, chủ yếu với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu Công ty Nova 79 của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘nhôm’) là ‘công ty bình phong’. Dựa vào những văn bản này, Vũ ‘nhôm’ đã tiến hành các phi vụ làm ăn mua rẻ bán đắt liên quan đến nhiều khu ‘đất vàng’ ở Đà Nẵng, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ ‘nhôm’ đã gom được một số lớn bất động sản đắt giá và được đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam với tài sản vừa bất động sản vừa cổ phiếu và tiền mặt có thể lên đến 50.000 tỷ đồng Việt (khoảng 2,3 tỷ USD), và đương nhiên phải chịu chung chi cho cấp trên không ít.
Theo các văn bản được công bố trên mạng xã hội, hai quan chức Bộ Công an ký tên nhiều nhất vào các văn bản của bộ này giới thiệu cho Vũ ‘nhôm’ đi ‘quan hệ’ là Thượng tướng, thứ trưởng Trần Việt Tân và Trung tướng, thứ trưởng Bùi Văn Thành.
Một số dư luận cho rằng số văn bản mà các ‘tham tướng’ đã nhúng bút lên đến 12 công văn, trong số đó còn có cả chữ ký của một thứ trưởng công an đang được Nguyễn Phú Trọng - nhân vật đã ‘tự cơ cấu’ vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng 10 năm 2016 và dù chỉ là ủy viên của tổ chức này nhưng luôn nghiễm nhiên ngồi ghế giữa trong các cuộc họp của Thường vụ đảng ủy công an trung ương - rất sủng ái và thậm chí còn có hơi hướng được cải tổ thay cho bộ trưởng đương nhiệm là Tô Lâm.
Cho tới nay, không ai biết bàn tay bí ẩn nào đã tung các văn bản có chữ ký của hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân lên mạng xã hội, cho dù hầu hết dư luận đều khẳng định rằng không thể có ‘thế lực thù địch’ nào sở hữu nhiều tài liệu bí mật quốc gia đến thế, mà chắc chắn phải là một bàn tay, nếu không muốn nói là cả một thế lực chính trị đủ mạnh đằng sau bàn tay đó, đã tiến hành phi vụ này.
Không ít người đã nghĩ đến ‘tác giả’ của phi vụ trên chính là Tổng cục 2, tức Tổng cục Tình báo quân đội, hoặc nếu không phải danh chính ngôn thuận đại diện cho cơ quan này thì cái bàn tay bí ẩn đó cũng thuộc về một nhóm nào đó của tổng cục này.
Mặc dù vào thời gian các văn bản này được tung lên, một số dư luận viên (không biết thuộc phe phái chính trị nào) đã nhảy dựng lên mà tố cáo đó là những văn bản giả, nhưng cũng cho tới nay, Bộ Công an hoàn toàn không có bất kỳ phản ứng (công khai) nào trước những văn bản được cho là của bộ này tung ra trên mạng xã hội. Và không những không hề phản ứng, kể từ tháng 7 năm 2018 Bộ Công an còn như thể chứng thực cho những văn bản trên bằng cách gật đầu trước ý chỉ của Thường trực Ban bí thư và Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ kỷ luật đảng và giáng chức hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, để khởi tố 5 tháng sau đó.
Thông điệp kỷ luật quân đội để ‘đốt’ công an
Vụ kỷ luật hai tướng Thành và Tân diễn ra cùng với vụ kỷ luật hai ‘tham tướng’ quân đội là Thượng tướng Phương Minh Hòa và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, còn vụ kỷ luật tướng quân đội xảy ra sau vụ bắt Út 'trọc' và trong chiến dịch "làm sạch quân đội" của Nguyễn Phú Trọng.
Ý đồ và cũng là một thông điệp khi đó của Nguyễn Phú Trọng đã hiện dần theo thời gian và được chứng thực đến gần đây, đặc biệt sau cái chết của Trần Đại Quang : thi hành kỷ luật tướng quân đội để "đốt" tiếp tướng công an. Hoặc hiểu một cách bình dân hơn : tướng quân đội mà còn bị tống vào "lò" thì các loại tướng lĩnh tham nhũng ở Bộ Công an càng chẳng có lý do gì để thoát tội.
Trong những tháng đầu năm 2018, đã có hai viên tướng công an bị khởi tố và tống giam là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - cục trưởng Cục Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao của Bộ Công an, và Trung tướng Phan Văn Vĩnh - cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, từng một thời là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Thanh Hóa. Vụ án này không những liên đới trực tiếp đến câu chuyện "công an bảo kê đường dây đánh bạc công nghệ cao", mà vào thời gian đó còn có thông tin cho biết máy chủ của đường dây này "nằm sát Bộ Công an". Cuối năm 2018, cả hai viên tướng này đều phải nhận mức án gần một chục năm tù giam cho mỗi kẻ.
Cũng trong những tháng đầu năm 2018, còn có một viên tướng khác - Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu - bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Cùng bị bắt với tướng Tuấn trong đợt này là Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, cũng về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước".
Đến tháng 7 năm 2018, Bộ Chính trị họp kín và kết luận về ‘đồng chí Bùi Văn Thành’, trong đó có một nội dung dù được nêu mơ hồ nhưng rất gạch dưới là "vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an", còn ‘đồng chí Trần Việt Tân’ thì "ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành công an".
Có thể cho rằng nội dung trên là chỉ dấu lộ diện đầu tiên, để khi khớp nối với việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tung ra lệnh khởi tố Phan Văn Anh Vũ về hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" vào tháng 12 năm 2018 - một động thái lạ, cả hai viên tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân rất có thể đã trở thành những cái đỉnh còn thiếu của một đa giác nhiều đỉnh mà phe đảng đang săn tìm ẩn số còn lại.
Nếu vào tháng 4 năm 2018 là lúc Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu - bị bắt về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", mới chỉ xuất hiện tam giác với ba đỉnh là Phan Hữu Tuấn - Nguyễn Hữu Bách - Phan Văn Anh Vũ, thì sau khi hai viên tướng thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân chính thức bị khởi tố tuy chưa bị bắt vào tháng 12 năm 2018, vụ "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" ở bộ này đã xuất hiện ít nhất một đa giác với 5 đỉnh : Bùi Văn Thành - Trần Việt Tân - Phan Hữu Tuấn - Nguyễn Hữu Bách - Phan Văn Anh Vũ.
Tướng tình báo Phan Hữu Tuấn làm lộ ‘bí mật nhà nước’ nào ?
Đa giác 5 đỉnh
Tất cả đều là người của Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Tổng cục này đã bị xóa sổ trong đề án ‘tái cơ cấu Bộ Công an’ mà về thực chất là một chiến dịch ‘thay máu’ bộ này diễn ra vào tháng 3 năm 2018 - một thắng lợi lớn của Nguyễn Phú Trọng mà khi đó còn là tổng bí thư chưa giành được chức chủ tịch nước. Trong khi đó, các tổng cục và đặc biệt là Tổng cục Tình báo quân đội của Bộ Quốc phòng vẫn ‘ung dung tự tại’.
Dấu hỏi lớn là "bí mật nhà nước" nào đã bị cố ý làm lộ bởi ba quan chức trên ?
Vào cuối tháng 12 năm 2017, vào lúc Vũ "nhôm" - tức Thượng tá công an Phan Văn Anh Vũ đào tẩu và bị phát lệnh truy nã quốc tế, có một chi tiết "lạ" : trong khi báo chí nhà nước ồn ào đưa tin về rất nhiều dự án đất đai và nhà công sản mà Phan Văn Anh Vũ đã trục lợi chính sách để có được và làm giàu bất chính, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an lại tung ra lệnh truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ và khởi tố Vũ do có hành vi "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".
Nếu quả thực Phan Văn Anh Vũ có tài liệu bí mật và chủ ý làm lộ tài liệu bí mật ấy, tài liệu này có thể được chỉ đạo cung cấp bởi các tướng Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân, Phan Hữu Tuấn, còn cán bộ Nguyễn Hữu Bách là người trực tiếp chuyển giao tài liệu.
Có thể là tài liệu nào ?
Vào thời gian Phan Văn Anh Vũ bị truy nã, đã xuất hiện một luồng dư luận cho rằng Vũ có trong tay danh sách màng lưới tình báo viên cùng danh sách các công ty bình phong và công ty sân sau của ngành công an đang hoạt động ở trong và ngoài nước. Nếu bản danh sách này bị lộ ra thì đó sẽ là một chấn động không chỉ đối nội mà còn đối ngoại và mang tầm cỡ quốc tế, khiến không chỉ Tổng cục Tình báo mà cả Bộ Công an cũng "đi đứt".
Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy có một danh sách như thế được công khai hóa trên mạng xã hội hay được đề cập bởi báo chí quốc tế.
Trong khi đó, thực tế có thể hình dung ngay là trong tay Vũ "nhôm" rất có thể đã nắm được những tài liệu mà khiến nhiều quan chức đang mất ngủ có thể là những tài liệu mang tính bằng chứng về mối quan hệ ngầm trong giới quan chức lãnh đạo, những phi vụ "xămxônai" (cách gọi loại vali samsonite chứa đầy đô la) mà các quan chức "lại quả" cho nhau, hoặc những hình ảnh sống động về giới quan chức đã thác loạn với gái trên giường… Những tài liệu và bằng chứng này chắc hẳn là nhiều hoặc rất nhiều mà Vũ "nhôm" đã khai báo với cơ quan điều tra kể từ khi bị dẫn độ từ Singapore về Việt Nam vào đầu tháng Giêng năm 2018 đến nay.
Nhưng có lẽ "bí mật nhà nước" được hình dung bị lộ lọt rõ hơn cả là "Báo cáo tin tình báo".
Một chi tiết liên quan vụ Vũ "nhôm" nhưng có vẻ ít được dư luận chú ý là chỉ ít ngày sau khi Vũ "nhôm" bị đặt vào lệnh truy nã, trên mạng xã hội bất thần hiện ra một tài liệu mang tên "Báo cáo tin tình báo". Không biết tài liệu này có tính xác cứ nào hay không và nếu có thì xác cứ đến mức độ nào, nhưng địa chỉ được cho là phát hành nó là Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) - Bộ Quốc phòng, ký tên Trung tướng Phạm Ngọc Hùng - Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo.
Bản "Báo cáo tin tình báo" trên dài đến 4 trang, đặc biệt đề cập về Vũ "nhôm" và "phe cánh chính trị" không chỉ ở Đà Nẵng mà còn lên đến "trung ương", cùng mối quan hệ của Vũ "nhôm" với một số nhân vật và quan chức khác.
Nếu đọc kỹ bản báo cáo trên thì có thể nhận ra một số "biện pháp nghiệp vụ" mà cơ quan được cho là Tổng cục 2 quân đội đã áp dụng để theo dõi Vũ "nhôm".
Vậy phía quân đội đã phản ứng thế nào với tài liệu hiếm có trên ?
Thông thường, việc xuất hiện một tài liệu nghiệp vụ chuyên sâu cùng độ bảo mật cao như vậy là một sự kiện "động trời" trong ngành tình báo, phải khiến cho đương sự là Tổng cục 2 "nhảy nhổm lên", để ngay lập tức có hành động "phản bác các luận điệu sai trái" trên mạng xã hội, nhất là khi Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã khoe khoang về "lực lượng 47" có đến 10.000 dư luận viên vào cuối năm 2017.
Nhưng rất lạ lùng là cho tới nay, đã nhiều tháng trôi qua kể từ thời điểm hiện ra "Báo cáo tin tình báo" trên, người ta vẫn chưa thấy Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo hay có công bố nào để phản bác tính vô xác cứ của tài liệu này.
Mà như vậy, ngày càng xác cứ rằng "Báo cáo tin tình báo" trên là có thực.
Phải chăng Phan Văn Anh Vũ và những quan chức Tổng cục tình báo Bộ Công an đã chủ đích tung tài liệu trên lên mạng xã hội để "chơi lại" Tổng cục 2 quân đội ?
Thông điệp ‘hồi tố’ ?
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau sự kiện ‘chủ tịch nước Trần Đại Quang chẳng may qua đời dù đã được tận tình cứu chữa’, hàng loạt vụ việc mà trước đó tưởng như bế tắc và chìm xuồng như vụ Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, vụ ‘thế lực và đường dây nào bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài’, và mới đây nhất là vụ Trần Bắc Hà, mới được hồi tố. Nguyễn Hữu Tín chính thức bị bắt, người đầu tiên trong ‘đường dây Trịnh Xuân Thanh’ là Đường Hùng Cường cũng đã bị bắt, sau đó là trùm tài phiệt kiêm ‘chính khách’ lưu manh Trần Bắc Hà, rồi đến cựu phó chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài, và bây giờ là là hai thứ trưởng công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân.
17 năm sau vụ một thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Quốc Huy bị bắt và phải nhận án tù vì bảo kê cho đường dây đánh bạc của Năm Cam ở Sài Gòn, vụ khởi tố Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân là lần thứ hai mà cấp thứ trưởng Bộ Công an ‘thọ nạn’.
Cả Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân lại đều là hai quan chức được phong tướng dưới thời ‘Anh Ba X’, tức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng công an Trần Đại Quang.
Chẳng khó khăn lắm để hình dung ra một logic: vào năm 2001 là cái thời mà nạn tham nhũng chỉ bằng một phần nhỏ so với hiện nay mà Bùi Quốc Huy còn phải đi tù, chẳng có lý gì hai ‘tham tướng’ Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân lại được ‘tại ngoại hầu tra’. Việc chính thức tra tay vào còng của hai quan chức này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Nếu vụ ‘bắt Trần Bắc Hà’ vào cuối tháng 11 năm 2018 đã chuyển một thông điệp lớn đến trước cửa nhà ‘Anh Ba X’ rằng cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không an toàn hay không thể yên phận ‘làm người tử tế’, vụ khởi tố Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cũng có thể phát ra một thông điệp khác : đã đến thời mà không ít ‘tham tướng’ của ‘cánh Nguyễn Tấn Dũng’ và ‘dây Trần Đại Quang’ bị ‘hồi tố’.
Thông điệp trên, nếu quả có thực, đang phù hợp với những đồn đoán có thực lâu nay về mối quan hệ được xem là ‘hữu cơ’ giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng.
Một hệ quả chắc chắn đang và sẽ xảy ra là vào thời ‘Hậu Quang’, một phần lớn, nếu không nói là toàn bộ ê kip trước đây từ thời Trần Đại Quang còn là bộ trưởng công an sẽ được đặt trên ‘đầu ruồi’ của Văn phòng chủ tịch nước. Tất cả những kẻ nào chưa kịp ‘ra đi tìm đường cứu nước’ đã và sẽ phải chịu chung số phận tê tái, nhẹ thì mất sạch theo cách ‘quan nhất thời dân vạn đại’, nặng dĩ nhiên khó tránh họa ‘cẩu đầu trảm’.
Phạm Chí Dũng
Số kiếp của ‘con tàu đắm’ Vinashin vẫn chưa hết thời mạt vận của nó. Lại thêm vài quan chức lãnh đạo của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đi thẳng từ ‘nhà tù lớn’ vào ‘nhà tù nhỏ’.
Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Dương Chí Dũng và bộ sậu Đại công ty Vinashin - Ảnh minh họa
Trương Văn Tuyến - cựu Tổng giám đốc Vinashin, và Phạm Thanh Sơn - Phó tổng giám đốc SBIC (tập đoàn được đổi tên từ Vinashin), đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam vào ngày 10/12/2018 để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank (đồng phạm với Trần Đức Chính, Kế toán trưởng Tập đoàn Vinashin).
Một lần nữa, vụ án Ngân hàng Oceanbank và Hà Văn Thắm được khơi lại, nhưng đã chuyển sang giai đoạn 2.
Có thể xem vụ bắt Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn là đợt bắt bớ thứ ba dành cho giới quan chức lãnh đạo ‘con tàu đắm’.
"Mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng"
Vào tháng Giêng năm 2018, chỉ vài ngày sau khi kết thúc phiên tòa "Thăng - Thanh" và vào lúc một phiên tòa khác xử Trịnh Xuân Thanh tội "tham ô" gần chấm dứt, chiếc xe thùng cảnh sát của Tổng bí thư Trọng lại tiếp tục đỗ xịch trước cửa nhà Nguyễn Ngọc Sự - cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin.
Vào thời điểm đó, vụ khởi tố và tống giam đối với cựu quan chức Nguyễn Ngọc Sự đã đặt ra một dấu hỏi lớn về nước đi mới của Nguyễn Phú Trọng trên bàn cờ ‘đốt lò’ : vì sao vụ án Vinashin đã trôi qua đến 7 năm với vụ xử "Phạm Thanh Bình và đồng bọn", nhưng đến lúc đó được "xới lại" ? Việc bắt Nguyễn Ngọc Sự chỉ đơn thuần là phạm trù cá nhân đối với ông Sự hay còn mang ẩn ý muốn nhắm đến một "cái ô" nào đã che chắn cho ông Sự ?
Thêm vào đó, mặc dù vụ án "Phạm Thanh Bình và đồng bọn" đã trôi qua từ lâu và ông Bình đã phải nhận một mức án vài chục năm tù giam, nhưng vào tháng Tám năm 2017, việc Viện Kiểm sát Phú Yên bất ngờ phê chuẩn lệnh khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Bình đã phát ra tín hiệu về vụ Vinashin chưa kết thúc mà vẫn còn cái hậu của nó.
Tháng Tám năm 2017 cũng là thời điểm mà ông Trọng - khi đó mới chỉ là tổng bí thư chứ chưa giành được chức chủ tịch nước - đã phát ra một quyết tâm để đời : ‘Lò đã nóng thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy !’.
Cái hậu nào ? Và củi nào ?
Một chi tiết đáng mổ xẻ là khi đưa tin về vụ bắt Nguyễn Ngọc Sự, bản tin của báo Bảo Vệ Pháp Luật có đoạn "Trước đó, ngày 9/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1868/QĐ-TTg, điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tại PVN, ông Sự là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính của cả tập đoàn. Tháng 8/2017, ông Sự đã nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy".
Bảo Vệ Pháp Luật là tờ báo phát ngôn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - một cơ quan tư pháp mà trước đó được phụ trách bởi Trần Quốc Vượng - quan chức được xem là ‘đệ ruột’ của Tổng bí thư Trọng, và từ đó tới nay cơ quan này vẫn phát huy truyền thống ‘thân đảng’ chứ không phải ‘thân chính phủ’.
Cách đưa tin và có vẻ nhấn mạnh về "Thủ tướng Chính phủ" của báo Bảo Vệ Pháp Luật là khá đặc biệt, bởi thông thường báo chí Việt Nam khi đưa tin về quá tình của các nhân vật này kia thì chỉ viết ‘ông/bà được bổ nhiệm/trở thành…" mà không cần nêu rõ là ai bổ nhiệm.
Ở Việt Nam, nhiều người cũng biết rằng "Thủ tướng Chính phủ" vào năm 2012 là Nguyễn Tấn Dũng.
Đến khi đó và một lần nữa, "mọi nẻo đường đều dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là quan chức cao cấp bị xem là phải chịu trách nhiệm về "quả đấm thép" mà sau đó đã trở thành "con tàu đắm" Vinashin.
Nguyễn Tấn Dũng đã ‘cứu’ Vinashin như thế nào ?
Vào thời Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2,5% GDP vào thời gian đó. Chẳng có cách gì trả nợ nổi, Vinashin đã trở thành một vụ án mang tầm cỡ quốc gia với thật nhiều quan chức tham nhũng và vô trách nhiệm. Nhưng phán quyết của tòa án đã chỉ dừng ở chính giới lãnh đạo Vinashin mà không có bất kỳ quan chức chính phủ nào phải trả giá.
Vào năm 2005, Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo chính phủ Việt Nam tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7,125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.
Vào năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng lại chỉ đạo chính phủ Việt Nam phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6,75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền "tái cơ cấu Vinashin". Doanh nghiệp được mệnh danh là "con tàu đắm" này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.
Đến năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam phải tìm cách phát hành 1 tỷ USD trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn "thành công" như hai lần trước đó. Đây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên quyết liệt hơn hẳn trên cung đường "lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng".
Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch "phát hành 3 tỷ USD trái phiếu đặc biệt ra quốc tế". Nhưng đến giữa năm 2016 thì kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.
Từ ‘quả đấm thép’ đến ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’
Đến cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Tài Chính lại một lần nữa "tố" : dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng, trong khi ‘con tàu đắm’ này tiếp tục cơn ác mộng lâu năm của nó khi tiếp tục lỗ đến 5.000 tỉ -7.000 tỉ đồng mỗi năm.
Sang năm 2018, Vinashin tiếp tục kéo chìm nền ngân sách đã cạn kiệt của chế độ cầm quyền khi lỗ gần 3.000 tỷ đồng.
Nhưng tình trạng hiểm nghèo ấn tượng hơn cả là tổng công ty này vẫn đang nợ tới 81,7 tỉ đồng tiền lương và 316 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội.
Sau một con giáp, món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là "tân chính phủ" của người vẫn còn bị một số dư luận xem là "tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc".
Lấy đâu ra số tiền 63 ngàn tỷ đồng để trả nợ cho Vinashin trong 10 năm tới ? Hay lại xuất ngân sách để ‘đổ vỏ’ ?
Tình thế hiện thời là vô cùng bế tắc đối với ‘quả đấm thép’ (từ ngữ mà thủ tướng trước đây là Nguyễn Tấn Dũng đã dùng để vinh danh Vinashin). Còn ‘kẻ đổ vỏ vĩ đại’ - một biệt danh mà dân gian đặt cho thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc - hẳn đang không kém bế tắc khi không biết làm cách nào để kiếm tiền trả nợ cho hậu quả để lại bởi thủ tướng Dũng.
Vinashin, Nguyễn Tấn Dũng và con tàu chế độ
Tình cảnh vẫn như cũ, vẫn hoàn cám cảnh. Vẫn không một khoản nợ đáng kể nào của Vinashin được xử lý. Tất cả vẫn nguyên trạng bế tắc.
Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến Nguyễn Phú Trọng không thể bỏ qua một chứng cứ rõ như ban ngày và mang tính lịch sử như Vinashin, để vào lúc này và khi cơ hội mở ra chưa từng có vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’ nhằm mở rộng vụ Oceanbank hay bất kỳ một vụ án nào khác có liên đới trách nhiệm của thủ tướng tiền nhiệm, nhưng không phải với hy vọng quá lớn về sẽ làm cho ‘con tàu đắm’ khỏi chìm, mà muốn kiến tạo hình ảnh một con tàu sắp đắm khác - ‘con tàu’ mà vì nó ông Trọng đã phải nuốt lệ căm hận tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012.
Sau vụ trùm mafia tài phiệt và lưu manh Trần Bắc Hà - kẻ được xem là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng - bị bắt vào cuối tháng 11 năm 2018, cú đánh bồi vào giới cựu lãnh đạo Vinashin lại tiếp thêm một mồi lửa vào cái lò đang dần nóng lên của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng bất chấp cố gắng truy xét quá khứ lẫn truy thu tài sản tham nhũng của những người phe đảng cùng cái gật đầu của một thủ tướng mà đã quá mệt mỏi với cảnh ‘đổ vỏ’, tương lai của nền ngân sách độc đảng và của cả chế độ đính kèm sẽ là một hình ảnh khá tương đồng với "con tàu đắm" Vinashin hiện hồn cách đây hơn một con giáp.
Từ Nguyễn Hữu Tín đến Nguyễn Thành Tài
Một sự trùng hợp có phần kỳ lạ đã xảy ra trong chiến dịch ‘đốt lò’ và giai đoạn 3 ‘Nam tiến’ của Nguyễn Phú Trọng. Ngày 8 tháng Mười Hai năm 2018, thêm một ‘đệ ruột’ của ‘bố già’ Lê Thanh Hải là cựu phó chủ tịch thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị khởi tố và tống giam vì tội danh mà về danh nghĩa là ‘vi phạm quản lý đất đai,’ nhưng thực chất rất có thể Tài đã ‘ăn bẩn’ trong ít nhất việc duyệt bán một khu đất vàng cho doanh nghiệp mà không qua đấu giá.
Nguyễn Thành Tài là 'thanh củi' mới nhất trong chiến dịch Nam tiến 'đốt lò' lần 3. (Hình : Soha)
Đúng một năm trước, cũng vào ngày 8 Tháng Mười Hai, là Đinh La Thăng – quan chức vừa bị mất chức ủy viên bộ chính trị nhưng vẫn còn ghế ủy viên trung ương – đã phải tra tay vào còng mà không thể đi họp lớp cũ ở Ba Vì trong một buổi sáng đẹp trời.
Nếu ‘căn’ theo số mệnh lên voi xuống chó của Đinh La Thăng, Nguyễn Thành Tài và cái ngày 8 Tháng Mười Hai tai nghiệt đó sẽ không thể tránh được triển vọng bị truy tố và phải nhận một bản án, nếu không đến 31 năm tù giam như Thăng, thì chí ít cũng phải một phần ba con số ấy.
Tính đến nay, Nguyễn Thành Tài là cái tên thứ hai sau một quan chức đồng cấp khác – cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín – mà đã khiến ‘Anh Hai Nhựt’ (Lê Thanh Hải) mất đứt hai ‘đệ ruột’.
Ngày 19/11/2018, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Tín về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trước đó vào ngày 18/9/2018, ông Tín đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự, nhưng chưa bị bắt mà ‘tại ngoại hầu tra’.
Như vậy, Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh – một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải. Tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Một dấu hỏi lớn bật ra. Vì sao đã bị khởi tố từ ngày 18/9 nhưng phải đến hai tháng sau Nguyễn Hữu Tín mới bị bắt, trong khi lẽ ra một quan chức cao cấp ‘ăn bẩn’ và ‘ăn nhiều’ như Tín đã phải tra tay vào còng từ lâu ?
Dấu hỏi tương tự có thể khớp vào trường hợp Nguyễn Thành Tài. Bị Thanh tra chính phủ kết luận về hành vi sai phạm liên quan đến khu đất vàng từ giữa năm 2018, nhưng vì sao cho đến nay Tài mới chính thức bị công an bắt ?
‘Anh Ba’
Không biết vô tình hay hữu ý, hai vụ Bộ Công an bắt Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài lại xảy ra chỉ ít ngày sau cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Bằng chứng rõ nhất để củng cố cho giả thiết ‘biến động quyền lực và hồi tố thời hậu Quang’ là vụ Trần Bắc Hà đã bị bắt tại Campuchia.
Cho tới nay, ‘Anh Ba X’ Nguyễn Tấn Dũng đã bị mất hai ‘tướng’ rất đắc lực là Trầm Bê và Trần Bắc Hà.
So với Trầm Bê, Trần Bắc Hà có ‘giá’ hơn, bởi nếu Trầm Bê chỉ là một đại gia ngân hàng và mang bản tính khá hiền khi chịu bỏ khá nhiều tiền xây chùa chiền và làm công đức, thì Trần Bắc Hà lại là một tay tài phiệt lưu manh theo đúng nghĩa, thao túng giới ngân hàng và doanh nghiệp theo dạng côn đồ, thậm chí Hà còn ngông cuồng đến mức dám cho tay chân ‘thỉnh,’ mà thực chất là hành vi ăn cướp, một tượng phật 500 năm tuổi trong một ngôi chùa ở Lào để mang về Việt Nam.
Không chỉ có thế, Trần Bắc Hà còn thao túng cả chính giới Việt Nam, qua mặt nhiều quan chức cấp ủy viên trung ương và cả ủy viên bộ chính trị, để Hà được xem là ‘dưới một người (Nguyễn Tấn Dũng) nhưng trên vạn người’. Trần Bắc Hà được cho là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng.
Cộng với những đồn đoán về mối quan hệ được xem là ‘hữu cơ’ giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng, vụ bắt Trần Bắc Hà đã chuyển một thông điệp lớn đến trước cửa nhà ‘Anh Ba X’ : cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hề an toàn. Hơi nóng hầm hập của ‘lò’ cứ ngày lại ngày càng làm đinh ốc cửa nhà ông Dũng muốn bật tung ra.
Vào năm 2017 và lan sang cả năm 2018, có hai cái tên trong gia đình Nguyễn Tấn Dũng đã bị ‘điểm danh’ là Nguyễn Thanh Phượng (Ngân hàng Bản Việt) và Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư tỉnh Kiên Giang). Chỉ chưa biết là đến khi nào hai quan chức này bị ‘lên thớt’.
Vào Tháng Mười Hai năm 2018, cùng với tin ngoài lề về vụ hai vợ chồng Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và là ‘đệ ruột’ giá trị nhất được Lê Thanh Hải cài cắm trong cơ quan này – kéo nhau ra một tòa án địa phương để ly hôn, người ta cũng chứng kiến một động tác được xem là ‘tẩu tán tài sản’ khi Công ty chứng khoán Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Savimex.
‘Anh Hai’
Khá tương đồng với tình cảnh của Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải đã mất hai thủ hạ thân tín là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài.
Với việc những đàn em của Lê Thanh Hải là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài bị bắt, Tất Thành Cang có thể bị bắt, số phận Lê Thanh Hải "gia tộc Lê Thanh Hải" đang lộ ra những dấu hiệu khá rõ về sự sụp đổ trong một ngày không còn xa nữa, để cá nhân Lê Thanh Hải gần như chắc chắn phải được kết thúc như một công đoạn đầu tiên để dẫn tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa kể hàng loạt thân nhân của Lê Thanh Hải bị ‘điểm danh’.
Kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’ là Lê Tấn Hùng – Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột của Lê Thanh Hải. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã "chi khống 13,3 tỉ đồng" – một dấu hiệu hầu như chắc chắn là nếu không ‘biết điều’, Lê Tấn Hùng sẽ đi thẳng vào nhà giam.
Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là ông Lê Trương Hải Hiếu – Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 – bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công khai thi hành kỷ luật. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu "đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức". Ban Thường vụ Quận ủy Quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Lê Trương Hải Hiếu bằng hình thức khiển trách.
Ngày 20 tháng Mười Một năm 2018, ‘báo đảng’ Thanh Niên đăng bài về Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Trương Thị Hiền như một cách ‘tôn vinh’ Ngày nhà giáo Việt Nam. "Có dấu hiệu ‘thông đồng’ gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh" – báo Thanh Niên giật tít như thế và còn chú thích rằng bà Trương Thị Hiền là phu nhân của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sau đó đoạn chú thích này đã biến mất, còn tựa đề được đổi thành "Hủy bỏ kết quả đấu thầu tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh".
Với trường hợp Trương Thị Hiền, cho đến nay đảng đã đụng chạm đến hầu hết những người thân của Lê Thanh Hải, thít chặt hơn nữa vòng vây đối với cựu quan chức cao cấp có tục danh ‘Hải Heo’.
Lê Thanh Hải từng được một số dư luận đồn đoán là "một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam". Đặc biệt là mối quan hệ "đặc biệt" giữa ông Hải và bà Trương Mỹ Lan của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Lê Thanh Hải cũng từ lâu bị xem là ‘tội phạm’ ghê gớm trong vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc.
‘Kỷ niệm’ ngày 8 Tháng Mười Hai ?
Vào thời gian này và đặc biệt sau cái chết của Trần Đại Quang, những nước cờ tuần tự và có vẻ khá chắc chắn của Nguyễn Phú Trọng đang áp sát cựu bí thư Lê Thanh Hải, tương tự những nước đi của ông Trọng đối với "gia tộc Nguyễn Tấn Dũng".
Chỉ sau sự kiện ‘chủ tịch nước Trần Đại Quang chẳng may qua đời dù đã được tận tình cứu chữa,’ hàng loạt vụ việc mà trước đó tưởng như bế tắc và chìm xuồng như vụ Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, vụ ‘thế lực và đường dây nào bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài,’ và mới đây nhất là vụ Trần Bắc Hà, mới được hồi tố. Nguyễn Hữu Tín chính thức bị bắt rồi người đầu tiên trong ‘đường dây Trịnh Xuân Thanh’ là Đường Hùng Cường cũng vừa bị bắt, còn bây giờ là Trần Bắc Hà và Nguyễn Thành Tài.
Đã rất rõ là bàn cờ giai đoạn 3 của ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang đánh thẳng vào Sài Gòn, trước khi tiến tới một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắt máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch ‘đốt lò’. Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào ‘lò’ và làm ‘bạn chăn kiến’ với Đinh La Thăng.
Không loại trừ khả năng chính Nguyễn Phú Trọng, một thâm nho Bắc Hà, đã chọn ngày 8 Tháng Mười Hai năm 2018 cho bắt Nguyễn Thành Tài để ‘kỷ niệm’ ngày bắt Đinh La Thăng và như một hàm ý : lịch sử lặp lại vụ Đinh La Thăng và mở màn cho một giai đoạn ‘đốt lò’ nóng bỏng mới.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 13/12/2018