Hoa Vi – Donald Trump : 1-0 ?
Cuộc đọ sức công nghệ 5G giữa Mỹ và Trung Quốc chưa biết hồi nào chấm dứt. Hoa Kỳ từ đầu cuộc chiến luôn ở thế thượng phong. Nhưng với thời gian, thế cờ đang bị đảo ngược, lợi thế đang nghiêng về phía Trung Quốc.
Chưởng lý Richard Donoghue vùng phía đông New York, Hoa Kỳ, thông báo các trừng phạt nhắm vào tập đoàn Hoa Vi (Huawei), Washington, ngày 28/01/2019 - Reuters/Joshua Roberts
Với việc Cơ quan an ninh mạng Anh Quốc trong một báo cáo cho rằng trang thiết bị viễn thông 5G của Hoa Vi không mang một rủi ro nghiêm trọng nào, tổng thống Mỹ "Donald Trump đang thua một ván trong cuộc chiến chống Hoa Vi của Trung Quốc". Trong bài "Siêu điệp viên James Bond không ngán Trung Quốc", nhà báo Jean-Michel Bezat trên phụ trang kinh tế báo Le Monde giải thích vì sao.
Theo National Cyber Security Centre (NCSC) Anh Quốc, tập đoàn viễn thông hàng đầu chuyên cung cấp trang thiết bị viễn thông mà Hoa Kỳ cáo buộc là con ngựa thành Troy làm gián điệp cho Trung Quốc không mang tính đe dọa đến mức phải cấm hãng này gia nhập thị trường. Kết luận này khác hẳn với "những mối quan ngại sâu sắc" mà bộ trưởng quốc phòng Anh, Gavin Williamson đã bày tỏ hồi tháng 12/2018.
Luân Đôn tuyên bố có khả năng kiểm soát và giảm nhẹ các rủi ro gián điệp hay tấn công mạng có liên quan đến các trang thiết bị do tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi cung cấp trong việc triển khai mạng 5G, mang yếu tố quyết định cho tương lai nền kinh tế kỹ thuật số (xe ô tô tự vận hành, vật dụng có kết nối, nhà máy thời 4.0, các ứng dụng quân sự...)
Kết luận này được tờ báo Anh Financial Times tiết lộ hôm Chủ Nhật 17/02/2019. Đây quả là một cái tát dành cho ông Donald Trump hiện đang lao vào một cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung và Hoa Vi được xem như là biểu tượng của đế chế công nghệ Trung Quốc. Cú tát này còn mạnh mẽ hơn bởi vì Vương quốc Anh có tham gia vào liên minh Five Eyes, mà nước này chia sẻ các thông tin cực kỳ nhậy cảm với Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand.
Việc từ chối mọi kiểu báo động dọa dẫm trước đó đã được lãnh đạo cơ quan tình báo Anh Quốc (MI6) bày tỏ ngay tại Hội nghị An ninh Munich hôm thứ Sáu 15/02. Ông Alex Younger cho rằng vấn đề này "phức tạp hơn chuyện "ở trong hay ở ngoài". Theo ông, điều trước tiên là nên tự bảo đảm chất lượng các tiêu chuẩn (kể cả cho vấn đề an ninh), "một điều chẳng liên quan gì với các nước xuất xứ". Thứ nữa là nên tránh chỉ có một nhà cung cấp duy nhất, trong lúc tại Châu Âu cũng có nhiều nhà cung cấp khác nư Ericsson và Nokia hay Cisco của Mỹ.
Washington đang tiến hành một chiến dịch gây áp lực mạnh mẽ buộc Châu Âu cũng phải tẩy chay Hoa Vi. Sự cẩn trọng của Anh Quốc, vốn dĩ rất cảnh giác về vấn đề an ninh quốc gia, sẽ có một tác động mạnh đối với nhiều nước khác tại Châu lục già cỗi này hiện đang phân vân khó xử.
Theo tác giả, hiện có nhiều giải pháp kỹ thuật cho phép các cơ quan tình báo xâm nhập đến tận mã nguồn của Hoa Vi và nhiều đối thủ cạnh tranh của hãng này. Do vậy, các nước không thể bỏ qua các trang thiết bị của Hoa Vi, một tập đoàn đa quốc gia đã cắm rễ sâu tại Châu Âu từ hơn 10 năm qua, và tại Pháp là 16 năm. Mặt khác, cũng không nên kìm hãm việc triển khai mạng 5G, trong khi mà Châu Âu đã chậm bước so với Châu Á và Mỹ.
Hoa Vi đã mở một chiến dịch truyền thông để phản công. Chiến dịch này còn mạnh mẽ hơn khi mà ban lãnh đạo của hãng phê phán Hoa Kỳ sử dụng những phương pháp tồi tệ nhất và tuyên truyền thông tin giả (fake news). Ví dụ mới nhất Hoa Vi đưa ra là phát biểu của đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu. Ông Gordon Sondland dường như khẳng định rằng từ Bắc Kinh người ta có thể điều khiển, làm cho một xe ô tô tự hành đang chạy tại Châu Âu hay tại Mỹ lao ra ngoài đường và giết chết hành khách trong xe.
Bầu cử Nghị viện Liên Hiệp Châu Âu : các đảng chính thống thoái trào ?
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là diễn ra kỳ bầu cử Nghị viện Châu Âu. Trào lưu dân túy có xu hướng đang lên và có hy vọng chiếm được nhiều ghế ở Nghị viện. Tuy nhiên, Les Echos trên trang nhất lưu ý đến "những hạn chế của phe theo chủ nghĩa dân túy".
Theo các thăm dò mới nhất, cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc và những đảng hoài nghi Châu Âu có khả năng thu được 21% số ghế ở Nghị viện. Cục diện chính trường Châu Âu ít nhiều có những biến đổi. Tuy phe dân túy không thể ngăn chận được việc thông qua các dự luật nhưng thế mạnh của những lực lượng dân túy này cũng có thể tác động, ảnh hưởng lên nhiều định chế.
Quân thánh chiến : bài toán hóc búa cho Châu Âu
Làm thế nào xử lý số công dân tham gia thánh chiến ? Châu Âu đang vật vã tìm giải pháp là nhận định chính trên trang nhất của Le Figaro.
Tổng thống Donald Trump ngày thứ Bảy 16/02/2019 lên tiếng thúc ép các đồng minh Châu Âu phải cho hồi hương số quân thánh chiến phương Tây bị binh sĩ Kurdistan bắt giữ tại Syria để đưa ra xét xử ở trong nước, bằng không ông sẽ cho trả tự do.
Thái độ này của tổng thống Mỹ khiến Le Figaro, trong bài xã luận ngao ngán thốt lên "đồng minh gì mà lạ đời". Pháp, Đức và nhiều nước Châu Âu khác ngày thứ Hai 18/02 phải hội kiến để tìm kiếm một giải pháp ứng phó với các áp lực của Donald Trump và lực lượng Kurdistan tại Syria.
Le Figaro trích dẫn cảnh báo của một quan chức Kurdistan cho rằng số quân thánh chiến này chẳng khác gì như những "quả bom nổ chậm" và những nước có công dân tham gia thánh chiến phải gánh lấy trách nhiệm. Trong khi thành trì cuối cùng của quân thánh chiến Daesh đang bị tiêu diệt dần dần ở phía đông Syria, tư pháp của nhiều nước Châu Âu đang "rối trí" không biết xử lý ra sao với những kẻ mà Le Figaro gọi là "hồn ma". Tư pháp nước Pháp đang nghiên cứu nhiều kịch bản. Hiện tại Pháp chưa đáp trả các mệnh lệnh của Hoa Kỳ và duy trì chính sách tiếp nhận "theo từng trường hợp" theo như phát biểu của bộ trưởng tư pháp, bà Nicole Belloubet.
Châu Phi : Miếng mồi ngon cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ
Không hẹn mà nên, Châu Phi lại được hai tờ báo Les Echos và Libération cùng quan tâm đến. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phóng sự dài giải thích "Làm thế nào Trung Quốc chiếm ưu thế ở Châu Phi".
Tiền Trung Quốc đổ vào Châu Phi như thác chảy. Chính sách này của Bắc Kinh khiến nhiều định chế quốc tế và các nước phương Tây phải gióng chuông báo động. Nếu như trong những thập niên 1980-1990, việc nhiều nước giầu xóa nợ cho các nước Châu Phi dưới sự giám sát của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới đã cho phép rút ngắn lại tỷ lệ nợ từ 100% so với GDP xuống còn ở mức 30% vào năm 2013.
Thế nhưng, tỷ lệ mắc nợ này lại có xu hướng tăng lên trong vài năm gần đây. Tháng Giêng năm 2019, Ngân Hàng Thế Giới đưa ra con số báo động là 50% trong năm 2017. Còn theo IMF, khoảng 40% quốc gia có thu nhập thấp, chủ yếu là Châu Phi có mức nợ siêu cao. Tình hình Châu Phi có thể nói ngày càng trở nên xấu đi mà thủ phạm chính không ai khác là Trung Quốc, nguồn tài trợ chính cho Châu lục với những phương pháp cho vay đáng ngờ và mờ ám.
Tuy nhiên, chuyên gia Jean-Joseph Boillot, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IRIS trên Les Echos có giải thích rằng vì sao phương Tây không thể lên án Trung Quốc. "Trung Quốc chỉ sao chép lại những gì Pháp đã làm với Françafrique hay như Mỹ với vùng Châu Mỹ Latinh". Hàng tỷ đô la mà Trung Quốc đổ vào Châu Phi cho phép hỗ trợ tăng trưởng cho Châu lục. "Nhờ Trung Quốc, Châu Phi đã thoát cảnh lệ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu của mình".
Về phần mình, "Thổ Nhĩ Kỳ cũng hướng đến Châu Phi và xa hơn thế nữa". Theo Libération, trong những năm gần đây, Ankara không ngừng gia tăng sự hiện diện của mình tại Châu Phi trong nhiều lĩnh vực : thương mại, quốc phòng, hợp tác... Thổ Nhĩ Kỳ tạo dựng một "quyền lực mềm" riêng của mình được cho là cân bằng hơn so với "quyền lực mềm" của phương Tây và ít khắt khe hơn so với Saudi Arabia.
Theo giải thích của ông Sedat Ahmet Aybar, giáo sư trường đại học Aydin ở Istanbul, "lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Phi ngày càng trở nên mang tính chiến lược và Liên Hiệp Châu Phi cũng đã xem Thổ Nhĩ Kỳ như là một đối tác chiến lược". Trong vòng có 20 năm gần đây, trao đổi mậu dịch giữa hai bên đã tăng từ 100 triệu đô la lên thành 20 tỷ đô la trong năm 2018.
Đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn đứng phía sau, cách xa Trung Quốc hay Pháp, nhưng cường quốc kinh tế thứ 17 trên thế giới đang dần khẳng định như là tác nhân không thể thiếu tại Châu lục đen này.
Glyphosate và chứng bệnh ung thư máu
Trong lĩnh vực sức khỏe và môi trường, báo Le Monde thông báo "Glyphosate : Một nghiên cứu cho thấy rõ mức tăng nguy cơ mắc chứng Lymphoma".
Theo kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, rủi ro mắc chứng Lymphoma không Hodgkin NHL, một dạng ung thư máu tăng 41% đối với những người thường xuyên tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup do tập đoàn Monsanto chế tạo. Rủi ro mắc chứng ung thư máu tăng đối với những người thường xuyên phơi nhiễm không chỉ với chất Glyphosate mà cả với tất cả các sản phẩm được chế biến từ glyphosate trong điều kiện có sử dụng và phơi nhiễm thật sự.
Minh Anh
Mỹ từ chối giảm cấm vận hàng không Bắc Triều Tiên (RFI, 18/02/2019)
Hoa Kỳ bác bỏ yêu cầu của ICAO - Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc, giúp Bắc Triều Tiên cải thiện ngành hàng không dân dụng trong lúc Bình Nhưỡng muốn thu hút hàng không nước ngoài mở đường bay trực tiếp.
Ảnh minh họa các hoạt động trong ngành hàng không dân dụng. ISSOUF SANOGO / AFP
Thái độ của Washington được xem là chiến thuật gây sức ép trước thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un tại Hà Nội, theo các nguồn tin riêng của Reuters.
Bản tin của Reuters ngày 18/02/2019 cho biết theo đề nghị của Bình Nhưỡng, ICAO sẵn sàng giúp Bắc Triều Tiên cải thiện hệ thống máy bay dân dụng, đào tạo nhân viên phi hành dân sự, và quân sự. Bắc Triều Tiên cũng muốn được sử dụng bản đồ không lưu do Mỹ sản xuất.
Tổ chức ICAO, trụ sở tại Montreal, Canada, với 192 nước thành viên, đang hợp tác với Bắc Triều Tiên để mở một đường bay mới, đi qua không phận liên Triều.
Vì sợ tên lửa, máy bay quốc tế, phục vụ đường bay giữa Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu phải tránh không phận Bắc Triều Tiên. Nếu không phận Bắc Triều Tiên an toàn, các đường bay trực tiếp sẽ giúp tiết kiệm thời giờ và nhiên liệu. Bắc Triều Tiên cũng có cơ hội hòa đồng vào hàng không quốc tế và cải thiện thu nhập ngoại tệ.
Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ mọi yêu cầu và nỗ lực của ICAO. Nguyên nhân sâu xa là Hoa Kỳ muốn "nắm trong tay mọi lá bài", duy trì cấm vận để gây sức ép với Bình Nhưỡng nhân thượng đỉnh Trump-Kim vào ngày 27 và 28/02/2019 tới đây tại Hà Nội.
Do tính nhạy cảm của hồ sơ, một nguồn tin xin dấu tên cho biết chiến thuật của Mỹ là buộc Bắc Triều Tiên phải có nhượng bộ cụ thể trước khi được tưởng thưởng.
Được Reuters đặt câu hỏi kiểm chứng, phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc từ chối bình luận. Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cho tới sáng ngày 18/02/2019 chưa có phản ứng.
Tú Anh
*******************
Thượng đỉnh Mỹ-Triều : Thế nào là thành công của Donald Trump ? (RFI, 18/02/2019)
Thượng đỉnh Mỹ-Triều vào hai ngày 27 và 28/02/2019 tại Hà Nội có khả năng kết thúc với một thỏa thuận cho phép hai bên cùng tuyên bố hài lòng. Thế nào là thành công ? Một chuyên gia quốc phòng Mỹ, đề ra một số tiêu chuẩn đo lường. Công luận Hàn Quốc lo ngại phải chăng thật tâm Donald Trump chỉ quan tâm đến an ninh nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) họp báo chung với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, hình ảnh sẽ lại được trông thấy tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo
Daniel De Petris, chuyên gia của viện nghiên cứu quốc phòng Mỹ Defense Priorities đưa ra một số tiêu chí mà ông gọi là khuôn thước để đánh giá và dự đóan kết quả thượng đỉnh : Bắc Triều Tiên sẽ hứa vãn hồi hòa bình nhưng không có cam kết cụ thể phi hạt nhân hóa.
Nước Mỹ trước đã
Chuyên gia quốc phòng Mỹ cho rằng không nên ảo vọng trông chờ Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong bài phân tích đăng trên trang mạng của đài truyền hình Fox News, cơ quan truyền thông bảo thủ được chủ nhân Nhà Trắng ưa thích, Daniel De Petris lý giải : "Chúng ta cần theo những tiêu chuẩn hoàn toàn khác để đánh giá thế nào là đàm phán thành công. Mục tiêu chính trị tối thượng của Hoa Kỳ đối với Bắc Triều Tiên không phải là phi hạt nhân hóa, mà là hòa bình, an ninh và tương lai có thể dự báo được tại bán đảo Triều Tiên".
Daniel De Petris còn xác quyết là thượng đỉnh Trump - Kim lần hai "chỉ có thể thành công nếu về phía Mỹ, tổng thống Donald Trump không tập trung trên hồ sơ hạt nhân mà chỉ nhấn mạnh đến việc Bình Nhưỡng cần thiết lập chế độ chính trị tôn trọng an ninh, hòa bình và thân thiện hơn cũng như có thái độ dễ tiên đoán hơn". Cụ thể là "nếu Donald Trump rời Việt Nam với một thỏa thuận, theo đó Kim Jong-un cam kết lật qua trang sử 70 năm xung khắc hận thù với Mỹ thì xem như tổng thống đạt được thành quả mà các tổng thống tiền nhiệm không làm được".
Bắc Triều Tiên có thể sẽ đồng ý thực hiện một số biện pháp "phi hạt nhân hóa một phần nào đó và có thể đảo ngược" khi thấy cần thiết. Trong tình hình hiện nay, không có chuyện Bình Nhưỡng nhượng bộ nhiều hơn.
Kim Jong-un, theo chuyên gia Mỹ, trừ phi "điên khùng" mới không thấy Bắc Triều Tiên thất thế, nghèo, kém phát triển so với những nước hùng mạnh chung quanh. Do vậy, không có lý do gì mà sau khi tốn kém hàng chục tỷ đô la và hai đời lãnh đạo để nghiên cứu, chế tạo, cải tiến, phát triển bom hạt nhân và tên lửa để rồi đổi ý và "dẹp hết".
Để củng cố lập luận của mình, Daniel De Petris cho là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng cùng quyết tâm chính trị hòa giải với miền bắc để vãn hồi hòa bình cho đất nước và an ninh khu vực.
Công luận Hàn Quốc lo âu, Bình Nhưỡng phấn khởi
Tuy nhiên, nếu tổng thống Mỹ chỉ bằng lòng với kết quả chính trị, để yên cho Bình Nhưỡng nắm trong tay kho vũ khí chiến lược thì điều này có làm cho đồng minh Seoul an tâm hay không ?
Theo bình luận của hãng tin Yohap, các lập luận của chuyên gia Daniel De Petris dường như để biện minh trước cho thái độ nhượng bộ của tổng thống Mỹ tại thượng đỉnh theo kịch bản : Donald Trump công nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, đổi lại, an ninh của Mỹ không bị đe dọa.
Nếu tại Hà Nội, tổng thống Mỹ không đạt được kết quả cụ thể về kho vũ khí của Bắc Triều Tiên, thì đây sẽ là kịch bản xấu nhất, là cơn "ác mộng" đối với Seoul, theo Yonhap.
Trong khi đó, các cơ quan tuyên truyền của Bình Nhưỡng trong ngày 18/02/2019 đồng loạt kêu gọi dân chúng chuẩn bị đón chờ "diễn tiến mới, một bước ngoặt lịch sử oai hùng".
Tú Anh
"Các vệ tinh cũ" của Nga đang trỗi dậy
Phong trào Áo Vàng tại Pháp tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, trong đó có nạn bài Do Thái, sau ngày hành động thứ 14, và tròn ba tháng khởi phát. Tổng thống Mỹ tấn công vào xe hơi Châu Âu. Bê bối lạm dụng tình dục gây khủng hoảng chưa từng có với Giáo hội Công giáo. Bùng nổ dân số : một vấn đề lớn của nhân loại.
Bản đồ Cộng đồng các Quốc gia độc Lập do Nga lãnh đạo (năm 2018).Wikipedia
Trên đây là một số tựa lớn trang nhất các báo Pháp hôm nay, 18/02/2019. Trước hết xin giới thiệu một phân tích đáng chú ý, trên Le Monde, về tình trạng Nga ngày càng mất ảnh hưởng đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Hội nghị an ninh quốc tế tại Munich diễn ra trong 3 ngày cuối tuần qua chứng kiến sự chia rẽ chưa từng có giữa chính quyền Mỹ với Châu Âu, mà tiêu biểu là Đức, trong lúc Nga và Trung Quốc tìm cách khoét sâu vào mối bất hòa. Nga càng ngày càng trở thành mối đe dọa với Liên Âu, đặc biệt sau việc Moskva và Washington đình chỉ Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF), mở ra viễn cảnh chạy đua vũ trang mới. Phương Tây nói chung và Liên Hiệp Châu Âu nói riêng dường như đang ở thế bị động. Tuy nhiên, nhìn về phía nước Nga, tình hình cũng hoàn toàn không phải là tươi sáng, xét về xu thế địa chính trị trung hạn và dài hạn.
Hồ sơ mang tựa đề "Nước Nga mất kiểm soát với các vệ tinh cũ" trên Le Monde điểm lại một xu thế diễn ra từ năm 1991 và tiếp tục khẳng định cho đến nay. Đó là ngày càng có nhiều quốc gia Liên Xô cũ hoặc ngả hẳn sang phương Tây theo mô hình dân chủ, hoặc tìm kiếm một vị trí độc lập hơn, hay chí ít cũng giữ một khoảng cách với Moskva.
Mondavia, Kirghizistan, Armenia, Uzbekistan... đang dân chủ hóa
Không có quốc gia nào trong khối CIS, trừ Nga, chính thức công nhận việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Nhiều "đồng minh" thân thiết của Nga trước đây đang tìm cách phát triển quan hệ với các khối khác, để thoát khỏi sự thao túng của Nga. Tại Uzbekistan, chính quyền của ông Chavkat Mirziyoyev, cầm quyền từ năm 2016, sau khi nhà độc tài Karimov qua đời, đã thực hiện một chính sách ngoại giao đa phương hóa chưa từng có, khiến Nga lo ngại.
Moskva theo dõi sát cuộc bầu cử Quốc hội tại Mondavia, sẽ diễn ra ngày 24/02, như một trắc nghiệm cho thấy "phe thân Nga" và "phe thân phương Tây", ai mạnh hơn ai. Để quyến rũ cử tri Mondovia, điện Kremlin vừa có chính sách giảm nhẹ quy định về giấy tờ đối với khoảng 170.000 người nhập cư gốc Mondavia, đang ở trong điều kiện bấp bênh, với thời hạn có thể áp dụng là… vào tháng 3/2019. Tức sau ngày bầu cử Quốc hội Mondavia.
Nga không đưa ra được một mô hình hấp dẫn
Trên thực tế, chính quyền Nga đã có một dự án lớn nhằm hội nhập một số nước Liên Xô cũ với Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (UEEA), dựa trên mô hình một thị trường chung của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, cộng đồng 5 quốc gia Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan và Nga đã không phát triển được, bởi mỗi bên đều bám chặt lấy chủ quyền quốc gia. Cạnh tranh với Trung Quốc tại vùng Trung Á và đe dọa trừng phạt Mỹ cũng là những nhân tố gây trở ngại khác.
Theo chuyên gia Pháp Laurent Chamontin, thất bại của cộng đồng mà Nga muốn xây dựng, trước hết là do Moskva không đề xuất ra một mô hình nào khác hơn là một hệ thống chủ yếu dựa trên sự tái phân phối các nguồn lợi từ dầu mỏ, với sự kiểm soát của Nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn, trong lúc chính quyền tiếp tục bị nạn tham nhũng, độc tài chi phối. Trong tình trạng này, nước Nga không thể trở thành đầu tầu để dẫn dắt toàn khối.
Việc Nga vẫn tiếp tục giữ một vai trò chi phối đối với nhiều nước Liên Xô cũ xuất phát từ sức mạnh quân sự và khả năng bảo đảm an ninh của Nga. Năm 2002, sáu nước – Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan, Nga và Tadjikistan – thành lập một tổ chức hợp tác về an ninh. Nhưng đoàn kết giữa các quốc gia này cũng có giới hạn. Bản thân Armenia, một thành viên của khối, đã công khai chỉ trích Nga bán vũ khí cho Azerbaidjian, một nước cộng hòa Liên Xô cũ, có tranh chấp lãnh thổ với Erevan. Năm 2018, Kazakhstan không ủng hộ dự thảo nghị quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an, lên án cuộc tấn công của liên quân Mỹ, Anh, Pháp trừng phạt chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Thái độ bất hợp tác của láng giềng Kazakhstan khiến Moskva giận dữ.
Tiếng Nga thoái lùi : Sự giải thể của đế chế Xô Viết là một quá trình dài
Một vấn đề quan trọng khác được Le Monde nêu lên để cho thấy ảnh hưởng của Nga tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở phía tây và phía nam, là sự thoái lùi của tiếng Nga.
Tại Kirghizistan, kể từ năm 2017, 47 tổ chức dân sự và đảng phái đối lập yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý để cổ vũ tiếng Kirghiz là ngôn ngữ quốc gia duy nhất. Kazakhstan cũng quyết định thay thế ký tự truyền thống theo hệ Slave bằng hệ ký tự La tinh.
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông Nga tại nhiều quốc gia cũng bị thu hẹp. Một ví dụ như, tại Moldavia, trong kênh truyền hình hàng đầu tiếng Nga, rất được đông người xem, các buổi phát thanh chính trị do chính quyền Nga hậu thuẫn hoặc bị xóa bỏ, hoặc bị đẩy vào giờ muộn hơn. Tại nhiều nước khác, ngày càng có nhiều người đòi hỏi các phương tiện truyền thông quốc gia. Belarus cũng vừa chấp nhận một kênh truyền hình cáp tiếng Ukraine.
Theo nhà quan sát kỳ cựu Andrei Kortounov về tình hình nước Nga và các khu vực vệ tinh, tiến trình giải thể của Cộng hòa liên bang Xô Viết hiện vẫn đang tiếp diễn. Sự chấm dứt của Nhà nước Liên Xô năm 1991 thực ra chỉ là một quyết định từ bên trên, ít có ảnh hưởng ngay lập tức đến toàn bộ các xã hội. Andrei Kortounov khẳng định, giống như với các đế chế khác, sự biến mất của Liên Xô đòi hỏi nhiều thời gian. Những biến động hiện nay trong các khu vực vệ tinh của Moskva sẽ còn kéo dài, và là một mối lo thường trực của điện Kremlin.
Hội nghị Munich : Merkel đơn độc bảo vệ chủ nghĩa đa phương
Trở lại với hội nghị an ninh quốc tế tại Munich, Les Echos có bài đáng chú ý, mô tả tình trạng đơn độc của thủ tướng Đức Angela Merkel, người dám đối đầu với tổng thống Mỹ. Đối lại các lời lẽ đe dọa, hống hách của tổng thống Mỹ là thái độ ôn hòa, cổ vũ đối thoại của thủ tướng Đức. Phát biểu ủng hộ chủ nghĩa đa phương quốc tế của bà Merkel đã được đông đảo cử tọa nhiệt liệt đứng lên hoan nghênh. Một trong những người ngồi, để tỏ thái độ phản đối là Ivanka Trump, con gái của tổng thống Mỹ.
Merkel trực diện phản đối chính sách nâng thuế chống xe hơi Đức của tổng thống Mỹ, khi nêu bật lên việc nhà máy xe hơi lớn nhất của hãng Đức BMW nằm tại Mỹ. Thủ tướng Đức cũng bảo vệ dự án xây dựng đường dẫn khí đốt từ Nga, và tuyên bố sẵn sàng mở cửa cho khí đốt từ Mỹ.
Bài "An ninh : Phương Tây bị chia rẽ trước Moskva và Bắc Kinh" của Les Echos thì nhấn mạnh đến tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ phương Tây, chưa từng có kể từ năm 1963, thời điểm hội nghị ra đời. Trong cuộc hội nghị này, với sự tham gia của 35 nguyên thủ và thủ tướng, các lãnh đạo Nga, Trung liên tục xoáy vào các bất đồng nội bộ giữa Mỹ và Châu Âu.
Báo Le Figaro cũng một nhận định là bà Merkel đơn độc, đồng thời chú ý đến sự vắng mặt đáng tiếc của tổng thống Pháp, vốn được coi là cặp bài trùng – đầu tàu của Châu Âu, cùng với thủ tướng Đức.
Đóng góp Pháp và Đức cho Châu Âu : Hiện chưa có thảo luận sòng phẳng
Về chiến lược an ninh của Châu Âu và NATO nói chung, báo Le Monde có bài phỏng vấn chuyên gia Daniel Schwarzer, người đứng đầu một trung tâm chính trị đối ngoại của Đức (DGAT). Theo vị chuyên gia này, Pháp và Đức cần phải thừa nhận là cả hai quốc gia này đều đã được hưởng lợi nhiều từ Châu Âu, nhiều hơn so với những gì mà hai nước đóng góp cho Châu Âu. Pháp và Đức cần đóng góp nhiều hơn nữa cho nền an ninh chung của Châu Âu, cho khu vực đồng euro.
Theo nhà chính trị học, cho đến nay chưa có các cuộc thảo luận thực sự sòng phẳng về vấn đề này. Và cùng với các vấn đề riêng của Châu Âu là những thách thức chung mang tính toàn cầu, về an ninh hay biến đổi khí hậu, mà Pháp, Đức hay bất cứ quốc gia Châu Âu nào khác cũng có thể tìm thấy những lợi ích chung, như được sống trong một thế giới ổn định, chuẩn mực quốc tế được tôn trọng, và các xung đột được giải quyết một cách hòa bình. Và để có được những điều đó, cần phải có các đóng góp phù hợp.
Thương thuyết Mỹ - Trung vòng 4 : Khác biệt còn quá lớn
Đàm phán Mỹ - Trung bước sang vòng thứ tư, chuẩn bị diễn ra, là một chủ đề thời sự trọng tâm. Le Monde có bài nhận định là trước vòng đàm phán này, đòi hỏi của cả hai bên đều vẫn còn quá cách biệt.
Trước hôm thứ Sáu, báo chí dự kiến kết luận đàm phán sơ bộ sẽ được thông báo, nhưng rốt cục điều này đã không xảy ra. Về mặt chính thức, chính quyền Bắc Kinh tỏ lạc quan một cách thận trọng, thế nhưng trên thực tế, nhiều nhà bình luận Trung Quốc – không kể những người dân tộc chủ nghĩa - khẳng định đòi hỏi của phía Mỹ là quá đáng.
Le Monde dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Victor Gao, chuyên gia quan hệ quốc tế, được coi là thân cận với Bắc Kinh, cho rằng với các đòi hỏi trong đàm phán – Trung Quốc phải cải cách triệt để nhiều lĩnh vực – thì điều cơ bản là Mỹ muốn bắt chẹt Trung Quốc, không muốn dân Trung Quốc được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, như điều mà tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố. Cuộc chiến chống lại tập đoàn Hoa Vi cũng bị coi là xuất phát từ thái độ kỳ thị của Washington. Theo Le Monde, trong bối cảnh này, ít có khả năng Trung Quốc sẽ có các nhân nhượng quan trọng.
Hoa Vi phản công
Trong khi đó, Les Echos cho biết tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi vừa mở cuộc phản công để tái chinh phục thị trường. Đại diện của tập đoàn Hoa Vi tại Bruxelles, Abrahim Liu, đã tổ chức hồi tuần trước một dạ tiệc lớn, sang trọng, mời giới lãnh đạo nhiều định chế Châu Âu, nhằm thuyết phục Châu Âu là Hoa Vi và Châu Âu có nhiều lợi ích chung. Đại diện Hoa Vi trực diện phản kích các luận điểm của đại sứ Mỹ tại Châu Âu về hiểm họa của Hoa Vi. Cũng trên Les Echos, đại diện Hoa Vi tại Pháp trả lời phỏng vấn. Bài viết mang tựa đề "Không có bất cứ lý do gì để loại trừ Hoa Vi khỏi mạng truyền thông 5G".
Ba tháng "Áo Vàng" : Ba chìa khóa giúp hóa giải khủng hoảng
Thứ Bảy vừa qua là tròn ba tháng phong trào Áo Vàng tại Pháp. Nhật báo công giáo La Croix dành đến một nửa số báo cho chủ đề này. La Croix chạy tít trang nhất "Điều mà cuộc khủng hoảng này nói về chúng ta". Bài xã luận của La Croix, mang tựa "Tâm trạng", khẳng định là phong trào có xu hướng thoái lùi, với mức độ người tham gia giảm mạnh hôm thứ Bảy trước là một bằng chứng. Đa số người Pháp hiện tại không còn ủng hộ Áo Vàng như trước. Những hành động phá phách, những lời lẽ thù hận của nhiều người biểu tình Áo Vàng khiến phong trào ngày càng xa rời với động lực đầu tiên.
Tuy nhiên, theo La Croix sẽ quá vội vã khi khẳng định phong trào này sẽ chóng tàn, bởi nó bắt nguồn từ những thay đổi sâu xa trong xã hội Pháp nói riêng, cũng như đa số các xã hội công nghiệp nói chung. Không thể trông chờ một số biện pháp mầu nhiệm ngắn hạn để giải quyết, cũng như chỉ nhờ riêng vào những quyết định của tổng thống.
Trong số báo này, La Croix muốn tìm cách soi sáng những nỗi khổ tâm của nhiều người Pháp – nguồn gốc của khủng hoảng, đồng thời vạch ra một số hướng đi để thoát khỏi tình trạng hiện nay. Theo La Croix, có ba chìa khóa giúp hóa giải, nhằm mang lại hy vọng, giảm bớt tâm trạng lo hãi. Thứ nhất là đánh giá đúng mức các thành công, thay vì chỉ tập trung lên án các thất bại, thứ hai là chấp nhận sự thay đổi, và thứ ba là cổ vũ cho văn hóa tìm thỏa hiệp.
Trong bài "Chúng ta đang sống một cuộc khủng hoảng liên quan đến lời nói, hơn là khủng hoảng kinh tế", bài đầu tiên của loạt bài này (dài 9 trang), trả lời La Croix, nhà phân tâm học Jean-Pierre Winter nhấn mạnh đến khát vọng được biểu đạt vô cùng mãnh liệt của một bộ phận đông đảo dân chúng, nhưng không có chỗ thể hiện, là một trong những nguồn gốc dẫn đến cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Xin giới thiệu tựa của một số bài viết khác trong hồ sơ đặc biệt của La Croix về khủng hoảng Áo Vàng, một cuộc khủng hoảng phức tạp cần được soi sáng bằng cái nhìn đa chiều : "Áo Vàng : Thời điểm bước ngoặt", "Áo Vàng đại diện cho một phần giấc mơ của Cách mạng Pháp", "Một hình thức cá nhân chủ nghĩa cực đoan", "Những người Áo Vàng, sản phẩm của những rạn nứt trong xã hội Pháp".
Trọng Thành
Trung Quốc lầm lũi trỗi dậy, phương Tây bất lực đứng nhìn
Trung Quốc trên đà chinh phục thế giới ; Làm thế nào Donald Trump tái định hình thế giới ; Venezuela – Giờ của sự thật và Đồng tính – Chuyện thâm cung bí sử tại Vatican. Trên đây là những hồ sơ chính trên trang nhất các tuần báo Pháp số ra từ ngày 14/02 đến 20/02/2019.
Hình minh họa bài viết trên L'Obs. Ảnh chụp màn hình
Trung Quốc chinh phục thế giới bằng cách nào là hồ sơ lớn trên tạp chí L'Obs tuần này. Đã qua rồi cái thời phương Tây "làm mưa làm gió". Thế kỷ XXI này là thời của "Giấc mộng Trung Hoa". Giai đoạn "ẩn mình chờ thời" đã hết, Trung Quốc giờ không muốn là công xưởng của thế giới mà phải là bá chủ toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 là cơ hội vàng. Phương Tây gần như sụp quỵ, Trung Quốc tự tin cho rằng giờ là lúc để có thể và phải lấy lại vị trí trung tâm mà nước này cho rằng đó là chính chỗ đứng của họ.
Việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc còn thúc đẩy nhanh hơn nữa sự thay đổi chiến lược đó, đồng thời gióng hồi chuông cảnh báo "đại hồi sinh một nước Trung Hoa". Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không còn giới hạn ở vùng Biển Đông mà bao trùm khắp các Châu lục, trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế, quân sự, chính trị và cả trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tham vọng này của Bắc Kinh được thể hiện rõ từ việc đi chiếm và quân sự hóa nhiều đảo của các nước láng giềng ở Biển Đông ; tung tiền mua các cảng biển chiến lược trên thế giới ; hiện đại hóa quân đội với các loại vũ khí tối tân nhất ; đưa tầu thăm dò thám hiểm không gian hay như tìm cách áp đặt luật chơi trên trường quốc tế (gây áp lực tại các định chế quốc tế hay thành lập các định chế riêng của mình...).
Ván cờ vây Trung Quốc : Phương Tây trong thế bí
Trung Quốc như chiếc xe ủi đất lầm lũi tiến từng bước. Điều làm cho tuần báo Pháp này lo sợ chính là cách thức Trung Quốc tiến hành. Không ầm ĩ, không gây chiến tranh và chiến lược tiến từng quân tốt giúp cho nước này tránh được mọi cuộc đối đầu trực diện. L'Obs trích dẫn một số phân tích của hai chuyên gia Pháp, Sophie Boisseau du Rocher và Emmanuel Dubois de Prisque.
Theo hai tác giả của tập sách "La Chine e(s)t le monde" (Trung Quốc là/và thế giới), lấy cảm hứng từ thuật cờ vây, Trung Quốc đẩy các con tốt "đi từng bước một sao cho không mang lại cảm giác bị tấn công", không làm dấy lên một sự phản đối, "cho đến cái ngày mà người ta phát hiện ra, thì lực bất tòng tâm, những con tốt đó đã dệt thành một mạng lưới".
Cứ như một ván cờ vây, đi quân bài nhưng không cho thấy rõ ý đồ để rồi sau đó dồn đối thủ vào thế bí. Chiến lược này đã được Trung Quốc áp dụng khôn khéo, làm lóa mắt đối tác bằng những đề xuất hấp dẫn "đôi bên cùng có lợi", để rồi đi đến "một sự hợp tác đôi khi bị ép buộc, được mở rộng đến mức tạo ra sự lệ thuộc". Đến lúc này, đối tác bất hạnh đó buộc phải tuân theo những đòi hỏi từ phía Trung Quốc, bằng không sẽ bị mất hết những quyền lợi từ "người anh em bằng hữu" khổng lồ này.
Khác với Putin, một đối thủ đáng gờm về cờ vua, luôn tìm cách phá tan các định chế Liên Hiệp Châu Âu, vô địch cờ vây Trung Quốc chỉ muốn làm suy yếu ý chí chung bằng tỉa dần từng chiếc cánh, tấn công vào các nước ở ngoại vi của Liên Âu.
Mục tiêu hàng đầu của chiến lược này là làm thế nào làm chủ nhanh nhất các công nghệ tiên tiến của phương Tây để trở thành cường quốc khoa học công nghệ 2025, mừng 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc và nhất là trở thành "trung tâm của thế giới" về chính trị và văn hóa vào năm 2050 nhân dịp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tròn 100 tuổi.
Và để có được điều này, Trung Quốc muốn được nhìn nhận như là một siêu cường tử tế, được trang bị một cơ chế còn cao hơn cả của các nền dân chủ và có khả năng mang lại tăng trưởng và ổn định : Cơ chế đãi ngộ nhân tài. Nhưng để có thể thực hiện điều này, Trung Quốc đã không ngần ngại mở rộng hầu bao, huy động đến một đội ngũ cộng tác viên quốc tế có tiếng nói quan trọng, chiêu dụ từ các lãnh đạo chính trị, giới trí thức, giới doanh nhân, giới nhà báo trên thế giới.
Mỉa mai thay trong đội ngũ "siêu sao" này có các cựu lãnh đạo từ Đông cho đến Tây Âu như cựu thủ tướng Anh Cameron, cựu phó thủ tướng Đức Philipp Rosler, các cựu thủ tướng Pháp Dominique Villepin và Jean-Pierre Raffarin hay như cựu thủ tướng Ý, cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Romano Prodi... Những người này lần lượt được Trung Quốc mời về chủ trì các quỹ đầu tư, các định chế tài chính do Bắc Kinh lập nên.
Cuối cùng, L'Obs chua chát nhận định sau nhiều thập niên bị lóa mắt trước các lợi ích kinh tế và nuôi ảo tưởng Trung Quốc chuyển đổi mô hình, trước hiểm họa bành trướng Trung Quốc, phương Tây trong đó có Hoa Kỳ và Châu Âu mới giật mình tỉnh ngộ, lao vào đề phòng mà vụ Hoa Vi là một ví dụ điển hình. Câu hỏi đặt ra : Phải chăng là đã quá trễ ?
Venezuela : Ván cờ bại của Trung Quốc ?
Thế nhưng, không phải ván cờ nào, Trung Quốc cũng đều ghi điểm. Tại Châu Mỹ Latinh, Bắc Kinh giờ đang "vò đầu bứt tóc" với người bạn đồng minh vướng víu Maduro.
Trong số loạt bài viết về Venezuela mà tuần báo Courrier International lược dịch lại từ các báo nước ngoài, đáng chú ý nhất là bài viết trên tờ South China Morning Post với tựa đề "Bắc Kinh đặt cược nhầm vào con ngựa tồi". Một cuộc cược tồi trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị.
Ngựa tồi là vì từ lâu nay, bất chấp việc Trung Quốc liên tục bơm dưỡng khí, 62 tỷ đô la trong vòng 10 năm (2007-2017), chiếm đến 53% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc trong toàn khu vực Châu Mỹ Latinh, nhưng "đối tác phát triển chiến lược" (2001), rồi "đối tác chiến lược toàn diện" (2014) Venezuela này vẫn không tài nào vực dậy được nền kinh tế đất nước.
Tiền đổ vào nhiều nhưng thu lợi chẳng được bao nhiêu. Rất nhiều dự án trong tổng số 790 chương trình đầu tư đã gặp thất bại. Caracas vật vã hoàn nợ một phần cho Bắc Kinh bất chấp các thỏa thuận cho phép trả nợ bằng dầu.
Cuộc cược tồi vì Bắc Kinh đã kỳ vọng nhiều vào Venezuela khi nghĩ rằng đất nước Nam Mỹ có một vị trí địa lý thuận lợi và mang tư tưởng chống đế quốc Mỹ, và như vậy Bắc Kinh có thể dùng để làm đối trọng cũng như là mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong vùng sân sau của Hoa Kỳ. Chỉ có điều Trung Quốc đã đặt nhầm cược vào chế độ nổi tiếng tham nhũng và bất tài, khiến hàng triệu người dân phải bỏ xứ ra đi.
Sự ủng hộ đó đang khiến Bắc Kinh trả giá đắt trên bình diện ngoại giao. Hầu hết các nước trong nhóm Lima – 14 nước Châu Mỹ Latinh đều nhìn nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời. Trong bối cảnh này, nếu cứ tiếp tục ủng hộ Maduro, Bắc Kinh có nguy cơ mất nhiều hơn là được. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao Trung Quốc có vẻ giữ khoảng cách và cố gắng tỏ ra trung lập.
Cuộc khủng hoảng Venezuela làm lộ rõ những hạn chế về ưu thế và khả năng quản lý các rủi ro chính trị trong các chiến lược đầu tư của Trung Quốc ở Châu Mỹ Latinh và nhiều nước đang phát triển khác. South China Morning Post cho rằng đây quả là một cái tát dành cho Trung Quốc trước những tham vọng mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Tóm lại, như câu nói của tỷ phú người Mỹ Jean-Paul Getty, "nếu bạn nợ 100 đô la ở ngân hàng, đó là chuyện của bạn. Nhưng nếu bạn nợ ngân hàng đến 100 triệu đô la, thì đấy lại là vấn đề của ngân hàng". Bài xã luận của Courrier International khẳng định Venezuela kể từ giờ là một bài toán hóc búa dành cho Trung Quốc với câu hỏi : Làm thế nào lấy lại 62 tỷ đô la ?
Donald Trump : Lật đổ trật tự cũ
Cũng liên quan đến địa chính trị, L’Express có câu hỏi lớn "Trump tái tạo lại thế giới như thế nào ?". Tuần báo Pháp cố gắng giải mã hiện tượng Trump và nhận định : nếu như ban đầu người ta chế giễu những phát biểu thóa mạ, khiêu khích, chỉ trích những hiểu biết kém cỏi về quan hệ quốc tế của vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, giờ đây, mọi người lại tỏ ra lo ngại ông ta.
Chủ trương, cách hành xử của nguyên thủ Mỹ đã làm chao đảo, lung lay trật tự quốc tế hiện tại, nhưng ông lại không giúp tạo dựng được một sự cân bằng mới trên phạm vi toàn cầu.
Để giải thích "hiện tượng Trump", người ta hay mỉa mai rằng Trump mang tư duy kinh doanh, làm ăn áp dụng vào quan hệ quốc tế, coi quan hệ giữa các nước là một dạng hợp đồng… Thế nhưng, thực ra, tất cả những yếu tố này vẽ lên một bức tranh khá phức tạp, phản ánh được suy nghĩ phổ biến trong công luận Mỹ. Tổng thống Trump chỉ nêu ra câu hỏi thay cho người dân Mỹ : Tại sao Hoa Kỳ lại tiếp tục đóng vai trò bá quyền trên toàn thế giới nếu như điều này chỉ gây tốn kém và không mang lại nhiều lợi lộc gì ?
Nói một cách khác, việc có được sức mạnh quân sự số một thế giới, với ngân sách quốc phòng hàng năm bằng một phần ba tổng chi cho quốc phòng của toàn thế giới, thì nuớc Mỹ phải có được nhiều lợi thế quan trọng hơn. Như vậy, đối với Trump, cần phải tái lập một sự cân bằng mới giữa sức mạnh quân sự và những mối lợi mà nước Mỹ được hưởng.
Đối với L’Express, để làm việc này, Trump là người có tài, là "nghệ nhân" : hoán đổi vị trí, từ người khổng lồ trở thành một nạn nhân nhỏ bé. Ví dụ, ngày 17/01/2019, khi phát biểu tại bộ Quốc Phòng Mỹ về chiến lược phòng thủ chống tên lửa mới của Hoa Kỳ, nguyên thủ Mỹ lại một lần nữa kêu gọi các đồng minh tăng đóng góp cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương với một lập luận chưa từng thấy. Ông nói : các vị phải thay đổi nhịp độ và phải chi thêm. Chúng tôi không thể trở thành những kẻ đần độn trong con mắt người khác . Không thể như thế được. Chúng tôi không muốn bị đối xử như vậy.
Về phương pháp, Trump chủ trương đả phá đa phương, đẩy mạnh quan hệ song phương, và thông qua kênh này để "toàn cầu hóa" các lợi ích của Hoa Kỳ. Một nhà ngoại giao kỳ cựu của Pháp thừa nhận : không thể thuyết phục được Trump thông qua các phương pháp ngoại giao truyền thống. Nói tóm lại, theo L’Express, thay vì tái tạo thế giới mới, Trump lại đóng góp "mạnh mẽ" vào việc phá hủy thế giới hiện tại.
Tòa Thánh Vatican sắp đón bão dữ "Đồng tính"
Trong lĩnh vực xã hội, tuần báo Le Point dự báo một cơn bão lớn sắp diễn ra trong lòng tòa thánh Vatican. Tai tiếng "ấu dâm" vẫn còn chưa tạm lắng, giáo hoàng Francis tới đây phải đương đầu với cơn bão "đồng tính". Với việc ra mắt tập sách "Sodoma", nhà báo điều tra Frédéric Martel mô tả một "mạng lưới chức sắc đồng tính" thật sự trên thượng tầng Giáo hội.
"Sodoma" do nhà xuất bản Robert Laffont phát hành, được dịch đồng thời ra tám thứ tiếng. Đây là kết quả của một cuộc điều tra trong vòng 4 năm. Tập sách này tường thuật cặn kẽ, kể cả những gì được cho là "dâm dục" nhất, làm thế nào Vatican trở thành thành trì "đồng tính" và làm thế nào "những người của giáo xứ", theo như cách nói một cách cay nghiệt của tác giả, lại trên tuyến đầu của điều mà Frédéric Martel gọi là "cuộc thập tự chinh chống người đồng tính" của Giáo Hội. Le Point lưu ý tập sách này sẽ là một cú sốc mạnh cho tòa thánh.
Việt Nam : Già trước khi được hưởng thụ
Cũng trong lĩnh vực xã hội, tuần báo Courrier lược dịch bài viết trên tờ Asia Times cho rằng "Việt Nam : Một đất nước già trước khi trở nên giầu có".
Tờ báo Hồng Kông này chỉ trích sự yếu kém của hệ thống y tế Việt Nam. Bất chấp các nỗ lực của nhà nước nhằm mở rộng hệ thống an sinh xã hội, nhưng đến cuối năm 2018, vẫn còn có đến 13% dân số (những người lao động không chính thức) tức khoảng hơn 10 triệu người vẫn không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Song song đó, Việt Nam có nhịp độ lão hóa nhanh nhất Châu Á. Năm 2018, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã gióng chuông báo động trong một báo cáo cho rằng "Việt Nam có nguy cơ già trước khi trở nên giầu có". Bởi vì, chi phí dành cho chăm sóc người già là một bài toán nan giải. Theo như một báo cáo mới đây, chỉ có 30% số người trên 60 tuổi là được hưởng lương hưu của nhà nước và chưa tới 10% số người trên 60 tuổi đó là có một sổ tiết kiệm.
Nếu như tiền tiết kiệm có thể giúp cải thiện thu nhập của người già, việc tăng lương hưu sẽ là một khoản chi rất lớn, nhiều tỷ đô la đối với chính phủ. Vẫn theo IMF, nếu cứ tiếp tục đà tăng như hiện nay, quỹ cho lương hưu có thể sẽ làm tăng mức chi tiêu công của tổng sản phẩm nội địa thêm 8 điểm từ đây đến năm 2050. Một mức tăng quá nhanh so với bất kỳ nước nào trong số 12 quốc gia Châu Á được khảo cứu.
Minh Anh
Khí hậu : Tuổi trẻ đứng dậy nắm lấy vận mệnh tương lai
Sinh viên học sinh Châu Âu phát động chiến dịch bảo vệ môi trường. Quyển sách điều tra gây chấn động Tòa thánh Vatican. Airbus A 380 thông báo hồi kết cuộc. Trên đây là những sự kiện lớn trên báo Pháp hôm nay.
Ảnh minh họa - Một cuộc tuần hành bảo vệ khí hậu ở Paris, ngày 13/10/2018.® Reuters/Philippe Wojazer
Thứ Sáu 15/02/2019 là ngày học sinh, sinh viên Pháp xuống đường tham gia vào một phong trào bãi khóa khắp thế giới buộc nhà nước hành động đối phó khẩn cấp bảo vệ môi trường.
Chống biến đổi khí hậu, giới trẻ lên tuyến đầu. Từ Châu Âu đến Úc, cuộc phản công của giới trẻ bảo vệ môi trường. Tre già, măng mọc, sinh viên, học sinh dấn thân vào cuộc kháng chiến thế kỷ không cần sự tiếp tay của người lớn và công đoàn. Đó là tựa lớn của báo chí hôm nay.
Le Monde, với tựa "khi tuổi trẻ dấn thân vì khí hậu", cho biết mục tiêu đi tới của phong trào là đòi hỏi chính phủ phải có hành động cụ thể hơn, quy mô hơn chống nhiệt độ trái đất gia tăng. Vào lúc 14 giờ hôm nay, tại Paris và hơn 40 thành phố lớn, sinh viên, học sinh hẹn nhau xuống đường. Le Monde xem đây là một bài học là giới trẻ muốn dạy cho chính phủ. Thế hệ sinh viên ưu tú của các trường danh tiếng nhất của Pháp tham gia với bản kiến nghị-tuyên ngôn : Những ước mơ bằng cấp, địa vị trong một xã hội hài hòa không còn nữa trong một tương lai bất trắc do chiến tranh, nạn đói và làn sóng di dân đe dọa.
Trong cuộc tranh đấu vì tương lai sống còn, học sinh, sinh viên Pháp không đơn độc. Trái lại là đằng khác. Một mạng lưới mang tên "Tập hợp giáo chức vì tương lai hành tinh" huy động hơn một triệu giáo viên từ bậc mẫu giáo đến giáo sư đại học, tiếp tay với thế hệ học sinh, với niềm tin tạo thành một phong trào tranh đấu không còn phân biệt thầy trò, gia thế.
La Croix "đưa" phong trào môi trường tại Pháp vào cuộc tranh đấu chung của Châu Âu mà ngọn đuốc đầu tiên được đốt cháy lên tại Thụy Điển : nữ sinh 15 tuổi Greta Thunberg cứ trưa thứ Sáu lại ra ngồi biểu tình trước Quốc hội. Theo nhật báo công giáo, nếu giới lãnh đạo chính trị Pháp không đáp ứng sau cuộc biểu tình ngày hôm nay, học sinh, sinh viên Pháp sẽ tiến thêm một bước : bất phục tùng công dân, cụ thể là bãi khóa, không đi học. Nói cách khác, "giới trẻ Pháp tham gia kháng chiến", theo nhận định của La Croix. Chính phủ Pháp không dám xem thường phong trào hành động vì môi trường của sinh viên, học sinh và 4 tổ chức phi chính phủ, tác giả bản kiến nghị thu được 2,1 triệu chữ ký.
Trong bài xã luận "Giải pháp cuối cùng", Libération phân tích vì sao nhân loại có quyền hy vọng vào thế hệ trẻ dấn thân : Nơi có hiểm nguy cũng là nơi xuất hiện cứu tinh.
Nhật báo cánh tả dành trang bìa và 6 trang trong giới thiệu cuộc đấu tranh của giới trẻ khắp địa cầu từ Pháp, Anh, Bỉ, đến Thụy Điển, Úc. Bên cạnh cô học sinh Thụy Điển Greta Thunberg, tấm gương Colombia là một bài học cho các chính phủ. Năm 2015, tòa án tối cao Bogota ra phán quyết ủng hộ đơn kiện của 25 học sinh và buộc chính phủ chấm dứt nạn phá rừng.
Theo Libération, giới trẻ đứng trước ba điều bất hạnh : giáo dục nhút nhát không dạy các bộ môn cốt lõi của thế kỷ 21 như khí hậu, môi trường và đa dạng sinh thái. Hệ thống chính trị thiển cận chỉ giải quyết mối đe dọa khí hậu bằng biện pháp tình thế hơn là có một chiến lược khẩn cấp và lâu dài. Hệ thống thông tin báo chí tập trung vào thời sự giật gân và thường hay xếp các dữ kiện đáng báo động cho tương lai nhân loại xuống hàng thứ yếu.
Trong bài diễn văn từ giả khi hết nhiệm kỳ vào năm 2017, tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo : không nhìn nhận Trái đất bị đe dọa diệt vong là phản bội thế hệ mai sau. Thế hệ cầm quyền hiện nay phải ý thức được nguy cơ này và phải hành động tức khắc vì chỉ còn hai năm nữa, nguy cơ diệt vong sẽ không thế đảo ngược.
Phong trào bất phục tùng công dân của giới trẻ Châu Âu, từ 15 đến 25 tuổi, theo Libération, thể hiện rõ thái độ nhút nhát, tê liệt hay mù lòa của giới lãnh đạo chính trị và doanh nhân. Cùng lúc, phong trào tranh đấu này cũng là chiếc phao cứu hộ, phương án cuối cùng, cứu tinh của nhân loại, giống như triết gia, thi sĩ Đức Friedrich Hölderlin (hậu bán thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19) nhận định : Nơi nào xảy ra tai họa thì nơi đó có cứu tinh.
Sodoma, quyển sách tiết lộ "thực trạng đồng tính luyến ái" trong giới tu sĩ ở thượng tầng Giáo hội Công giáo sắp phát hành vào tuần tới (ngày 21/02), đúng vào lúc tại Vatican diễn ra một cuộc họp về hiện tượng "ấu dâm" do Giáo hoàng triệu tập, tất cả chủ tịch Hội đồng Giám mục trên thế giới phải về tham dự. Bị chê trách về thái độ thụ động của hàng giáo phẩm trong tai tiếng lạm dụng tình dục, Vatican rất có thể phải đối phó với những phê phán là "đạo đức giả" trong quan điểm chính thống về tình dục.
Theo Le Monde, tác giả cuộc điều tra là Frédéric Martel, một nhà báo điều tra người Pháp. Trong vòng bốn năm, ông tìm hiểu vấn đề nhạy cảm này qua những cuộc phỏng vấn trong Vatican và các nước Châu Mỹ tổng cộng "1.500 người". Theo tác giả, chuyện tai tiếng ấu dâm bị che giấu vì tố cáo tức là tố cáo chính mình. Im lặng là tự bảo vệ.
Quyển sách "Sodoma" mô tả Giáo hoàng Francis là một nhà lãnh đạo "biết thông cảm với giới đồng tính luyến ái", không đạo đức giả, trái hẳn với hai vị tiền nhiệm vốn cố gắng bao che cho các vị giám mục bê bối hoặc im lặng thụ động trước tội lạm dụng tình dục của một bộ phận linh mục. Theo Le Monde, "kích thước đồng tính" có thể là chìa khóa để tìm hiểu lịch sử Giáo hội vì sao trong những thập niên gần đây có lập trường rất bảo thủ về tình dục, bị tai tiếng về tài chính cũng như bao dung với một số chế độ độc tài.
La Croix, cũng rất nhức nhối về tai tiếng trong Giáo hội, dành nhiều trang cho hội thảo cấp cao về lạm dụng tình dục kéo dài trong bốn ngày kể từ 21/02. Nhật báo công giáo điểm qua tên tuổi 5 vị giám mục được Giáo hoàng Francis tin cậy trong quá trình chống nạn ấu dâm, sẽ là cột trụ điều hành bốn ngày "thượng đỉnh" đầu tiên này.
Về thời sự Đông Nam Á, nhiều nhà hoạt động Thái Lan chống chế độ quân chủ bị truy sát đến tận đường cùng. Hậu duệ của phong trào cộng sản Thái ước mơ chạy qua Châu Âu tị nạn. Đó là nội dung bài phóng sự của Libération : Tội khi quân bị truy đuổi đến tận Lào.
Hai xác chết trôi trên sông Mekong, hai thi thể bị đánh bầm dập không thể nhận diện, ruột gan bị lấy ra để dồn nhét xi-măng. Cho dù sát thủ đã thận trọng phi tang xác nạn nhân, nhưng vào tháng 12/2018, thi hài của họ cũng nổi lên dạt vào một khu làng chài sát biên giới Lào. Xét nghiệm ADN cho thấy đây là hai nhà ly khai, chống chế độ quân chủ Thái Lan, trốn sang Lào sau vụ đảo chính quân sự, trước khi mất tích vào giữa tháng 12 cùng với thủ lĩnh. Thủ lĩnh của họ là nhà ly khai có tiếng tăm hơn : Surachai Danwattanusorn, nguyên là lãnh đạo Đảng Cộng sản Thái Lan trong thập niên 1980.
Theo nhật báo cánh tả Pháp, hiện có vài chục nhà hoạt động muốn thành lập chế độ Cộng hòa, đa số là nhà báo, nhạc sĩ tiếp tục tranh đấu nhưng phải ẩn mình tại Lào. Một số may mắn được quy chế tị nạn chính trị định cư tại Pháp. Đa số sống xa thủ đô, nơi tập trung các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và bảo vệ nhân quyền. Các tổ chức quốc tế này lại không dám làm phật lòng nước chủ nhà nên cũng đành nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng trấn áp của chế độ quân sự nhân danh bảo vệ hoàng gia.
Airbus A380, khủng long của ngành hàng không quốc tế, viên kim cương của tập đoàn hàng không Airbus, Châu Âu, sẽ ngưng sản xuất kể từ 2021 trong sự thất vọng não nề của công ty, nhân viên và công luận. Vì sao nên nỗi ?
"Thất bại lịch sử" là tựa của Le Figaro. "Đoạn kết của khủng long hàng không sau 12 năm hoạt động" là tựa của Les Echos kèm theo giải thích : việc Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất bỏ đơn đặt hàng, chuyển qua mua A330 và A350 đã ký bản án tử hình cho A380. Trong bài phân tích vì sao A380, có sức chở hơn 800 hành khách lại không hấp dẫn các công ty hàng không dân dụng, Les Echos liệt kê nhiều lý do : tốn xăng và chi phí bảo trì, số phi trường, đường bay hạn chế , máy bay hai động cơ tiện dụng hơn, vừa túi tiền các hãng hàng không giá rẻ hơn máy bay bốn động cơ… Le Monde kết luận chua chát, gọi đó là hồi kết của một đại ảo vọng.
Thể dục, thể thao đều đặn thường xuyên là liều thuốc ngừa bệnh hiệu nghiệm nhất. Đó là kết quả kiểm chứng khoa học vừa được công bố.
Với tựa "thể thao hiệu nghiệm như thuốc", Le Figaro công bố kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu y tế và khoa học Pháp Inserm. Sau hai năm nghiên cứu, với 1800 chương trình khoa học chuẩn bị cho xu hướng lão hóa tại Pháp, Inserm cho biết nếu tập luyện ba lần mỗi tuần và kiên nhẫn lâu dài, 10 loại bệnh kinh niên như tiểu đường loại 2, suyễn, béo phì, suy tim có thể được cải thiện đến 25%.
Tiếng vọng kinh hoàng của Liên Xô
Trong phần điểm sách cuối tuần, Le Monde giới thiệu một loạt tài liệu về chế độ Liên bang Xô-Viết của các sử gia, nhân chứng : tất cả là những bản cáo trạng đánh tan huyền thoại đại chiến vì tổ quốc của Moskva. Xin đơn cử vài ý chính : Hồng quân hoàn toàn thiếu chuẩn bị, sĩ quan tham ô, bất tài, bộ tư lệnh vô cảm trước thiệt hại nhân mạng, nạn cướp bóc, hãm hiếp lan rộng, nạn nhân đầu tiên là các nữ quân nhân Liên Xô tăng cường cho các đơn vị, tiếp theo là phụ nữ Đức. Thế chiến thứ hai là địa ngục của người tự cho mình là "Xô-Viết" : 27 triệu nạn nhân, trong đó 3,4 triệu chết ở Leningrad vì quân Đức, nhưng cũng vì lạnh và đói.
Các tác giả không ca ngợi chiến tranh một cách mê muội, tuyên truyền, mà thuật lại với ngòi bút của người nghệ sĩ và thức tỉnh. Công trình nghiên cứu mang tên "Tiếng vọng kinh hoàng trong đời sống người xô-viết", tác giả là giám đốc nghiên cứu CNRS, Nicolas Werth.
Tú Anh
Liên Hiệp Châu Âu tăng cường tự vệ trước Trung Quốc háu ăn
Sự kiện Nghị Viện Châu Âu chuẩn bị thông qua ngày 14/02/2019 các quy định mới về đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp, được nhiều tờ báo chú ý. Nếu nhật báo kinh tế Les Echos nhận thấy là "Châu Âu tăng tốc trên vấn đề giám sát đầu tư ngoại quốc", thì tờ báo công giáo La Croix nêu rõ mục đích của Châu Âu : "Tự vệ tốt hơn trước thói ăn tham của Trung Quốc".
Nghị Viện Châu Âu chuẩn bị thông qua các quy định mới về đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp "Tự vệ tốt hơn trước thói ăn tham của Trung Quốc". Ảnh minh họa
Đối với Les Echos, văn bản mà Nghị Viện Châu Âu phê duyệt chỉ nhằm thiết lập một nguyên tắc cảnh giác, nhưng thể hiện một thay đổi suy nghĩ đáng chú ý của Liên Hiệp Châu Âu, một bước tiến dù khiêm tốn, nhưng lại là một cử chỉ quan trọng trên phương diện chính trị.
Tờ báo Pháp đã trích lời nghị sĩ Châu Âu Franck Proust, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của các quy định mới này, cho rằng Châu Âu rốt cuộc đang cố "tìm lại thời gian đã mất" trong một lãnh vực mà các cường quốc thế giới khác đã biết cảnh giác từ lâu.
Dù các quy định mới này bao trùm mọi đầu tư nước ngoài vào Châu Âu, Les Echos xác định rằng chính các hoạt động trong thời gian qua của Trung Quốc nhằm thâu tóm công nghệ mới của Liên Hiệp Châu Âu là chất xúc tác thúc đẩy phản ứng của Châu Âu.
Bài báo trích một nguồn tin từ Nghị Viện Châu Âu nhận định rằng với kế hoạch "Made in China 2025", phô bày tham vọng trở thành cường quốc công nghệ và sau vụ mua lại hãng chế tạo robot Kuka của Đức, "Trung Quốc đã trở thành một chất xúc tác và góp phần đẩy nhanh tiến độ thương thuyết" giữa các nước trong Liên Hiệp để tìm cách đối phó.
Theo nhật báo Pháp, chính sự thay đổi thái độ của Đức, trước đây rất miễn cưỡng trong việc giám sát đầu tư ngoại quốc, đã đóng vai trò quyết định. Vào lúc này, hiện chỉ có 14 trong số 28 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu là có cơ chế quốc gia nhằm giám sát đầu tư nước ngoài. Quy định mới của Châu Âu sẽ thúc đẩy tất cả các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hệ thống kiểm tra của mình.
Đối với Ủy Ban Châu Âu, việc đề cao cảnh giác đối với Trung Quốc không nên được thực hiện bằng cách hy sinh chính sách cạnh tranh, mà bằng cách yêu cầu Trung Quốc phải áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong mối quan hệ song phương.
Nhật báo La Croix cũng xem việc Liên Hiệp Châu Âu tăng cường giám sát đầu tư ngoại quốc chính là một biện pháp tự vệ chống lại thói háu ăn của Trung Quốc
Đối với La Croix, sự gia tăng của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Liên Âu đã khiến cho ngày càng có nhiều chính trị gia nhận thấy là không nên thụ động, mà không can thiệp.
Xu hướng kiên quyết đặc biệt tăng mạnh vào năm 2016, khi Kuka, một nhà sản xuất robot công nghiệp của Đức, bị công ty Trung Quốc Midea mua lại. Berlin ngay sau đó đã nhận thấy rằng mình cần có phương tiện đối phó, điều mà hai nước Pháp và Ý đã có từ trước đó.
Trang nhất các báo
Trong tình hình không có thời sự nào nổi bật, trang nhất các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay 14/02/2019 rất đa dạng.
Vấn đề xã hội đã được cả Le Figaro lẫn La Croix quan tâm, nhưng trong lúc Le Figaro chú ý đến nạn nghiện màn hình nơi trẻ em Pháp, thì La Croix lại tập trung nói về thị trấn nhỏ Bernay ở Pháp đang đấu tranh để bệnh viện phụ sản của họ không bị đóng cửa.
Le Monde, Les Echos và Libération đều quan tâm đến chính trị Pháp, nhưng Le Monde tìm hiểu hậu thuẫn của giới chủ nhân Pháp đối với tổng thống Macron, Les Echos khẳng định là chính phủ Macron sẽ không tăng thuế, còn Libération nêu bật khả năng chính quyền tái lập các sắc thuế "bảo vệ môi trường" từng bị gác bỏ dưới sức ép của phong trào Áo Vàng.
Áo Vàng làm số lượng các vụ phạm pháp nhẹ tăng vọt
Tác hại của phong trào Áo Vàng cũng được các báo chú ý. Tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa : "Áo Vàng : Tình trạng phạm pháp ‘nhẹ’ bùng nổ trong ba tháng gần đây". Les Echos cũng ghi nhận : "Hóa đơn phải trả nặng nề vì Áo Vàng".
Bài viết của tờ Le Figaro cho biết là trong 12 tháng qua (từ tháng 2 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019), các vụ đốt phá tài sản công cộng và tư nhân đã tăng 6,7% lên đến 39.474 vụ, và nếu chỉ tính riêng ba tháng gần đây nhất, từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 1 năm 2019, giai đoạn bao trùm hầu hết các cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng, thì số vụ cố tình phóng hỏa đã bùng nổ, tăng 45,2%, từ 8.982 vụ lên 13.042. Riêng tại Paris, nơi liên tục phải chịu những cuộc biểu tình Áo Vàng, tỷ lệ tăng trong ba tháng gần đây là 295% !
Song song với các vụ phóng hỏa, các vụ đập phá, hủy hoại tài sản công công hay tư nhân cũng tăng vọt, tăng 51,8% trong 12 tháng qua, và 233% riêng trong ba tháng gần đây !
Số liệu liên quan đến cảnh sát cũng phản ánh đà bùng nổ các vụ phạm phép nhẹ. Đã có 63.590 vụ khiêu khích và có hành vi bạo lực đối với nhân viên công lực trong một năm qua, tăng 11,2%. Tỷ lệ này là 36% trong ba tháng cuối năm. Lượng vũ khí bị cấm bị thu giữ cũng tăng 12,3%.
Trên bình diện tài chánh, theo hiệp hội các đại biểu dân cử tại các đô thị Pháp, sau 13 tuần bị phá hoại dưới đủ mọi hình thức, mức độ thiệt hại do phong trào Áo Vàng gây ra được ước tính "từ 20 đến 25 triệu euro" liên quan đến 20 thành phố hàng đầu của Pháp.
Đó mới chỉ là các thiệt hại liên quan đến các tài sản công cộng. Trên cấp độ cả nước, theo ước tính của Bộ Kinh tế Pháp, cuộc khủng hoảng Áo Vàng đã làm mất 0,1 điểm tăng trưởng ở Pháp trong qúy IV năm 2018.
Sắc thuế - bị khai tử vì Áo Vàng - nay đang được hồi sinh
Liên quan ít nhiều đến phong trào Áo Vàng, Libération hôm nay đã dành trang nhất cho hồ sơ môi trường, với khuôn mặt đen trắng của tổng thống Pháp Macron như xuất hiện bên trên một đám khói đen, trên một phông nền màu xanh lá. Bên dưới là câu hỏi : Phải chăng sắc thuế ban đầu (liên quan đến sinh thái) đang quay trở lại ?
Theo ghi nhận của Libération, sắc thuế mất lòng dân mang tên chính thức là khoản "đóng góp vì khí hậu, năng lượng", gọi nôm na là thuế carbone - yếu tố đã kích hoạt cuộc khủng hoảng Áo Vàng - vẫn đang được thúc đẩy dù đã bị tạm gác trong thời gian qua.
Nhật báo Pháp tiết lộ : "trong những ngày gần đây, ba thành viên của chính phủ và hàng chục dân biểu đang cố gắng khôi phục sắc thuế môi trường của Pháp, bị chính quyền đóng băng vào tháng 12, do áp lực của phong trào Áo Vàng".
Đối với dân biểu Matthieu Orphelin, một người thân cận với cựu bộ trưởng môi trường Nicolas Hulot, vấn đề là phải tìm ra những loại thuế sinh thái khác, vì dẫu sao vấn đề tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu luôn luôn là một điều cấp thiết.
Côn trùng đang âm thầm biến mất trên Trái đất
Không hẹn mà gặp, dù dành tựa lớn trang nhất để giải thích "Vì sao tổng thống Pháp Macron vẫn được giới chủ nhân ủng hộ", nhật báo Le Monde đã đặt trọng tâm cho vấn đề môi trường với bức ảnh màu chụp một con bọ ngựa, làm nền cho tựa lớn thứ hai : Sự biến mất vô hình của các loài côn trùng.
Le Monde đã giới thiệu một công trình nghiên cứu mới, xác nhận rằng, tiếp theo một số loài động vật có vú, hay chim chóc, các loài côn trùng cũng đang biến mất mà ít ai để ý tới. Đây là kết luận đáng buồn của một công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Úc thực hiện, và được công bố vào Chủ nhật tuần trước.
Theo nghiên cứu này : "bướm, bọ cánh cứng, chuồn chuồn, kiến, ong, phù du, v.v... tất cả những loài côn trùng này đều có thể sẽ biến mất trong vòng một thế kỷ". Hệ quả, theo ghi nhận của Le Monde, là một sự sụp đổ thảm khốc của tất cả các hệ sinh thái tự nhiên.
Tính ra, 40% các loài côn trùng đang suy giảm về số lượng. Từ 30 năm nay, tổng sinh khối của côn trùng đã giảm 2,5% mỗi năm. Tốc độ tuyệt chủng của chúng nhanh gấp tám lần so với động vật có vú, chim và bò sát.
Tại sao côn trùng biến mất ? Đó là vì con người, với các hoạt động đô thị hóa, nạn phá rừng và ô nhiễm. Nhưng, đặc biệt tai hại là hiện tượng thâm canh trong nông nghiệp trong nửa thế kỷ qua, với việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu, nhất là loại neonicotinoid trong vòng 20 năm gần đây.
Báo động về hiện tượng trẻ nhỏ nghiện màn hình
Một vấn đề xã hội nhức nhối của thời hiện đại đã được nhật báo Le Figaro đưa lên trang nhất với một lời báo động được nêu lên thành tựa lớn : "Các nguy cơ đến từ nạn nghiện màn hình ở trẻ em".
Theo Le Figaro tình hình đang rất đáng lo ngại : "Từ các em bé siêu quậy ở nhà trẻ, học sinh mẫu giáo không chịu trả lời khi được điểm danh hoặc không thể cầm bút, cho đến những đứa trẻ không tài nào tập trung được vào bất kỳ việc gì, các học sinh thụ động hoàn toàn trong lớp...", câu hỏi đặt ra là : phải chăng nguyên nhân đến từ các màn hình đủ loại.
Theo các chuyên gia chăm sóc trẻ nhỏ thì quả đúng là như vậy. Bên cạnh đó còn có yếu tố gia đình, với thái độ đôi khi là vô tâm quá đáng của một số bậc cha mẹ, để cho đưa trẻ muốn làm gì thì làm.
Le Figaro đã nhắc tới cuộc điều tra Elfe vào đầu năm 2019, thực hiện nơi một nhóm bao gồm hơn 10.000 trẻ em, nhấn mạnh rằng "trình độ học vấn của cha mẹ càng thấp, trẻ em càng tiếp xúc với màn hình nhiều hơn".
Trọng Nghĩa
Đầu tư của Trung Quốc : Pháp bị giằng xé giữa thèm muốn và lo âu
Làm thế nào cân bằng giữa việc nhận đầu tư của Trung Quốc với việc bảo vệ chủ quyền công nghệ của đất nước ? Một phương trình khó cho nước Pháp. Phụ trang kinh tế báo Le Monde ngày 12/02/2019 có hàng tít đáng chú ý : "Đối mặt với Trung Quốc, nước Pháp diễn trò đi dây thăng bằng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tiếp thủ tướng Pháp Edouard Philippe, tại Bắc Kinh, ngày 25/06/2018Fred Dufour/Pool via Reuters
Đầu tiên hết, nhật báo dẫn nhận định của bà Agatha Kratz, thuộc văn phòng cố vấn độc lập Rhodium Group giải thích vì sao Trung Quốc thích đầu tư vào Pháp và các nước Châu Âu. Ngoài việc tìm kiếm các kỹ nghệ và tài năng, "nước Pháp cũng như Châu Âu còn là một sân chơi hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc hơn cả Hoa Kỳ vì nước này những năm gần đây khép chặt cánh cửa với các nhà đầu tư Trung Quốc bằng cách tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư".
Các số liệu thống kê đưa ra cho thấy trong năm 2018, đầu tư của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ đất nông nghiệp, chuỗi khách sạn, các ruộng nho, các hãng công nghệ đã lên đến 1,8 tỷ đô la, chiếm khoảng 86% sức tăng trưởng trong một năm. Le Monde nhìn nhận một cách công bằng rằng một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư là để cho phát triển tại chỗ. Nhiều dự án đầu tư ăn nên làm ra nhưng số khác gặp cũng không ít thất bại.
Thế nhưng, đầu tư của Trung Quốc đặt nước Pháp và nhiều nước Châu Âu trước một thách thức khác đáng lo hơn : Vấn đề chủ quyền công nghệ. Việc Trung Quốc nay đã trở thành một cường quốc trong nhiều lĩnh vực chiến lược đang làm chao đảo nền kinh tế thế giới và khiến nhiều nước lo lắng quan ngại trên bình diện an ninh quốc gia. Mà ví dụ điển hình chính là lĩnh vực viễn thông và tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Vi.
Cuộc đối đầu chưa từng có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến số phận của Hoa Vi bắt đầu từ mùa thu năm 2018, vì Washington nghi ngờ tập đoàn này cài những cánh cổng bí mật để theo dõi nhiều nước có lợi cho Bắc Kinh, đã đặt Pháp và nhiều nước Châu Âu trong thế khó xử.
Tuy nhiên, trước tầm mức của vụ việc và không như Hoa Kỳ cùng với một số nước khác đã có các biện pháp cứng rắn, nước Pháp đã chọn một giải pháp ngoại giao. Theo đó, Paris tăng cường các quy định kiểm soát và cho phép dùng các thiết bị cũng như là phần mềm của Hoa Vi để trang bị cho việc phủ sóng mạng 5G tương lai.
Vì sao Paris lại có một quyết định chiến lược như vậy ? Le Monde đưa ra 3 lý do để giải thích : Thứ nhất trên bình diện ngoại giao. Chính phủ Pháp không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh khi sập cửa với một trong những ngành công nghệ mũi nhọn nước này.
Thứ hai, về mặt kinh tế, đầu tư của Hoa Vi trên đất Pháp từ năm 2003 đã tạo ra không ít việc làm. Chi nhánh Hoa Vi tại Pháp tuyển dụng hơn 1.000 lao động nằm rải rác tại 5 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, Hoa Vi còn là khách hàng lớn của khoảng 280 nhà cung cấp trang thiết bị khác của nước Pháp.
Việc gạt Hoa Vi ra khỏi kế hoạch phủ sóng 5G có nguy cơ gánh lấy nhiều tác động. Nước Pháp khó có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Nokia và Ericsson, đồng thời người tiêu dùng có nguy cơ phải trả giá cao cho những trang thiết bị mà chúng có thể sẽ đè nặng lên khả năng đầu tư cho việc phủ sóng.
Cuối cùng, quyết định gạt Hoa Vi có thể dẫn đến việc chậm trễ phát triển mạng 5G do các nhà khai thác mạng sẽ phải sửa đổi danh sách các nhà cung cấp trang thiết bị. Và sự chậm trễ này có nguy cơ tác động đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp trên bình diện quốc tế, để lại một sân trống cho Hoa Kỳ hay Trung Quốc trong khi mà mạng 5G hứa hẹn một cuộc cách mạng cho nền công nghiệp nhờ vào tốc độ truyền dữ liệu và thời gian phản ứng cực kỳ nhanh chóng.
Le Monde cảnh báo, trong lúc chính phủ chờ các nghị sĩ thông qua một dự thảo luật mới, Hoa Kỳ đang tăng cường các cuộc vận động hành lang tại Châu Âu nhằm gạt Hoa Vi hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi 5G. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu không ngần ngại đe dọa rằng những nước nào vẫn tiếp tục đi theo Hoa Vi, có thể sẽ phải gánh lấy nhiều bất lợi trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ trong tương lai. Tóm lại, "nước Pháp trong thế lưỡng nan trước những thèm khát của Trung Quốc" như tựa đề bài viết.
Brexit : 45 ngày phập phồng
Còn có 45 ngày nữa là Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu. Phụ san kinh tế Le Figaro đưa tít lớn "Brexit : Mù mờ vẫn tồn tại, lo lắng ngày càng lớn".
Một bầu không khí đang bao trùm lên giới doanh nhân Anh Quốc. "Nền kinh tế nước Anh trong "vùng nguy hiểm" khi chỉ còn có 45 ngày nữa diễn ra Brexit" Le Figaro nhận xét. Sức tăng trưởng kinh tế trong quý IV năm qua đã giảm mạnh và thậm chí có dấu hiệu suy thoái trong tháng 12/2018. Các doanh nghiệp Anh Quốc lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại trong khi mà các chính khách vẫn đang tiếp tục đối đầu nhau.
Về điểm này, Les Echos cho biết thêm là "Thủ tướng May thử vận với chiến lược chạy nước rút».Thủ tướng Anh tiến hành song song hai cuộc đàm phán, một bên với Liên Hiệp Châu Âu và bên kia với các đảng đối lập về cách thức rời Liên Âu. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế này tỏ ra bi quan không hy vọng rằng bà May có thể đạt được một bước tiến nào.
Catalunya : Những người ủng hộ độc lập trên ghế bị cáo
Cũng tại Châu Âu, một hồ sơ lớn khác được nhiều báo Pháp nói đến là việc chính quyền Tây Ban Nha đưa ra xét xử các lãnh đạo đảng chủ trương độc lập cho vùng Catalunya. La Croix trên trang nhất đề tựa : "Catalunya, một phiên xử và nhiều chia rẽ".
Ngày thứ Ba, 12/02/2019, Tây Ban Nha chính thức mở phiên xử mười hai lãnh đạo vùng Catalunya vì những vai trò của họ trong mưu toan đòi ly khai năm 2017.
Libération có bài phân tích đề tựa : "Catalunya, một phiên xử thay cho một tiến trình". Thông tín viên nhật báo ghi nhận phiên xử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, phe hữu và cực hữu lên án thủ tướng chính phủ Pedro Sanchez tìm kiếm một thỏa hiệp với các phe đòi ly khai ở Catalunya.
Algeria : Quyền lực hóa thạch
Thời sự Bắc Phi đáng chú ý nhất là thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống mãn nhiệm Algeria, ông Abdelaziz Bouteflika. Nay đã 81 tuổi và sức khỏe yếu kém, ông hầu như vắng bóng trên chính trường quốc tế và hiếm xuất hiện trước công chúng trong nước. Nhưng điều đó không hề cản trở ông tiếp tục ra tranh cử tổng thống sau 20 năm cầm quyền.
Le Monde trên trang nhất chạy hàng tít lớn "Tại Algeria : Bouteflika tranh cử tổng thống tại một đất nước không chút ảo tưởng". Thông báo ông ra tranh cử không gây ngạc nhiên cho thấy có sự chia rẽ trong đảng cầm quyền, không có khả năng tìm được người kế thừa như nhận định của Les Echos.
Bài xã luận của Le Monde còn mỉa mai cho rằng việc ông Bouteflika muốn tiếp tục cầm quyền chẳng khác gì với một thứ "quyền lực bị hóa thạch". Một tin chẳng lành cho đất nước. Bởi vì, quyền lực hóa thạch đó đã cho thấy rõ có sự đứt đoạn giữa thượng tầng lãnh đạo với xã hội đang sống trong hai hình thức khác nhau.
Trên thượng tầng, tổng thống Bouteflika, sống bao bọc bởi một phe mờ ám đến mức các nhà quan sát không tài nào giải mã tiến triển được, đành phải bám lấy hình ảnh một thế hệ của đảng FLN thắng lợi từ cuộc chiến giành độc lập.
Ngoài xã hội, người dân phần lớn vẫn còn bị chấn thương tâm lý bởi cuộc nội chiến khủng khiếp trong những năm 1990 nhưng lại rất kiên nhẫn. Một cách nào đó, có thể nói rằng họ chấp nhận đánh đổi việc thực thi một số quyền để có được một sự bảo đảm tối thiểu về mặt xã hội có được từ nguồn khai thác khí ga dồi dào của đất nước.
Thế nhưng, thỏa ước này không tồn tại vĩnh viễn. Hố sâu ngăn cách giới trẻ khao khát được "tung hoành" và một quyền lực lỗi thời không tìm thấy một đường hướng nào khác ngoài tình trạng trì trệ bất động ngày càng được mở rộng.
Minh Anh
Trang nhất các báo Pháp hôm 1/02/2019 chú ý nhiều đến nhiều vấn đề thời sự trong nước : Thảo luận toàn quốc tìm lối thoát khủng hoảng Áo Vàng, cải cách giáo dục, hay cải cách hệ thống kiểm soát thuế để thiết lập niềm tin giữa chính quyền với doanh nghiệp. Về thời sự quốc tế, nổi bật nhất là hợp tác quốc phòng Pháp – Úc bước sang giai đoạn mới, sau khi hai bên ký kết hợp đồng 12 tàu ngầm chiến đấu. Các vũ khí mới giúp cho Úc có ưu thế quân sự so với Trung Quốc, đặc biệt tại vùng Biển Đông.
Pháp – Úc bước sang giai đoạn mới, sau khi hai bên ký kết hợp đồng 12 tàu ngầm chiến đấu. Economie Matin
Theo bài "Pháp và Úc khảm vào đá một thỏa thuận trong ngành tầu ngầm", sau gần ba năm đàm phán, Canberra hôm nay, 11/02/2019, chính thức ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp, do hãng Naval Group sản xuất, với tổng trị giá 50 tỉ đô la. Hợp đồng dày 1.400 trang, quy định một cách rất chi tiết hàng loạt lĩnh vực, như bản quyền công nghiệp, bảo hành, trao đổi công nghệ, cung ứng nguyên liệu hay các quy định về phạt…, cho phép hai bên tránh được các hiểu lầm trong thời hạn hợp đồng kéo dài 50 năm. Paris cũng cam kết sẽ hỗ trợ tập đoàn Naval Group trong hợp đồng đóng tầu ngầm cho Úc.
Hợp đồng nói trên được xác định là bất di bất dịch, bất kể biến động chính trị tại Úc. Toàn bộ 12 tàu ngầm sẽ được lắp đặt trên đất Úc, cho phép tạo thêm 3.000 công ăn việc làm tại chỗ. Khoảng 1.100 doanh nghiệp vừa và nhỏ của phía Úc có thể tham gia sản xuất thiết bị. Chiếc đầu tiên dự kiến hạ thủy vào năm 2032. Tiếp theo đó, cứ hai năm một lần Úc sẽ có thêm một tàu ngầm do Pháp chế tạo.
Đối với Naval Group, việc ký kết hợp đồng với Úc mang lại niềm tự hào lớn cho tập đoàn. Theo một số giới chức của Naval Group, hợp đồng tầu ngầm này sẽ mang lại cho Hải quân Úc ưu thế tại vùng biển Đông Nam Á.
Ưu thế vượt trội của tầu ngầm Pháp
Bài viết "Căn cứ Hải quân Cherbourg hoạt động hết công suất" của Les Echos giải thích lý do khiến Pháp giành thắng lợi trong hợp đồng này trước hai đối thủ nặng ký khác, Đức và Nhật. Theo Les Echos, với ba tầu ngầm hạt nhân tấn công Barracuda đang được chế tạo tại cơ sở đóng tàu Cherbourg (được dùng làm nguyên mẫu cho 12 chiếc tầu hợp đồng với Úc), Paris đã cho Canberra thấy ưu thế vượt trội về tốc độ, về khả năng ít gây tiếng ồn, cũng như thời gian hoạt động độc lập dưới nước. Tàu ngầm mà Pháp dự kiến đóng cho Úc cũng cần đến một tổ lái ít người hơn, 4 thành viên so với khoảng 15 người cho tầu Rubis thế hệ trước.
Bài "Pháp – Úc : Mối quan hệ chiến lược tại Thái Bình Dương" của Les Echos nhấn mạnh : hiện tại Úc đã trở thành đồng minh mật thiết nhất của Pháp tại khu vực Thái Bình Dương. Việc Pháp giúp Úc chế tạo tầu ngầm là một trong các phương tiện để tăng sức mạnh quân sự, nhằm cân bằng lại đà quân sự hóa hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh thách thức liên minh chiến lược do Hoa Kỳ đứng đầu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, như nhận định của nhà phân tích Malcolm Davis, tại Australian Strategic Policy Institute.
Sức mạnh gia tăng của Trung Quốc chính là nhân tố khiến Pháp và Úc xích gần nhau. Vẫn theo nhà phân tích Úc Malcom Davis, Pháp có thể sẽ giữ một vai trò lớn hơn hiện nay tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong trường hợp có các khủng hoảng lớn, ví dụ như "một xung đột quân sự tại Đài Loan, ở Biển Đông, hay trên bán đảo Triều Tiên, Úc có thể yêu cầu Pháp hỗ trợ, trong một hoạt động quân sự hỗn hợp". Hiện tại, Hoa Kỳ đã có nhiều đồng minh quân sự trong khu vực, như Nhật Bản và Hàn Quốc, và quan hệ đối tác đang được siết chặt với Philippines, Ấn Độ, Singapore và Việt Nam.
Mỹ-Trung : Washington có thể gia hạn, nếu đàm phán tiến triển
Đàm phán Mỹ - Trung nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến về thuế đang bước vào giai đoạn cuối là đề tài thời sự quốc tế trọng tâm khác. Theo Les Echos, sau giai đoạn tạm nghỉ nhân dịp Năm mới âm lịch cổ truyền, Hoa Kỳ và Trung Quốc bước vào vòng đàm phán mới, khai mạc hôm nay 11/02 tại Bắc Kinh. Tham gia phái đoàn Mỹ trong đợt đàm phán này có bộ trưởng Thương mại Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hạn chót cho một thỏa thuận, theo quy ước giữa hai bên, là ngày 02/03. Nếu không thỏa hiệp được với nhau, Washington đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, từ 10% hiện nay lên 25%.
Cho dù Washington và Bắc Kinh đã nhấn mạnh là có nhiều tiến bộ đạt được trong đàm phán trong chuyến công du Mỹ của phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), cách nay 2 tuần, chính quyền Mỹ trong những ngày gần đây liên tục khẳng định còn nhiều việc phải làm.
Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng nhân nhượng đối với việc mở cửa hơn thị trường Trung Quốc cho hàng hóa Mỹ, nhưng một trong những điểm bế tắc chính trong đàm phán là việc Mỹ đòi hỏi Trung Quốc phải tiến hành "các cải cách thực sự về cơ cấu", cho phép chấm dứt các hoạt động cạnh tranh thương mại bất chính, đặc biệt là chấm dứt cưỡng bức chuyển giao công nghệ, giảm bớt tỉ trọng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
"Cơ chế kiểm soát" : Chủ đề hết sức nhạy cảm với Bắc Kinh
Chính quyền Mỹ yêu cầu Bắc Kinh phải thiết lập "một cơ chế kiểm soát thường xuyên" đối với các cam kết mà Bắc Kinh có thể đưa ra trong lĩnh vực này. Nhưng đây là điều mà chế độ cộng sản Trung Quốc coi là một "chủ đề hết sức nhạy cảm". Theo một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, và cố vấn của chính quyền, thì đòi hỏi này thách thức trực tiếp chủ quyền của Trung Quốc.
Báo chí Hoa Kỳ cho hay Washington có thể chấp nhận kéo dài hạn chót đàm phán, nếu các thương lượng đạt tiến bộ trong tuần này. Hôm thứ Năm tuần trước, để gây áp lực lên Bắc Kinh, tổng thống Mỹ tuyên bố không có dự kiến gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 01/03. Tuyên bố của tổng thống Mỹ làm tắt ngấm hy vọng là hai bên có thể đạt đồng thuận đúng thời điểm dự kiến.
Venezuela : Kế hoạch tái thiết khổng lồ, nếu "chuyển tiếp chính trị"
Về điểm nóng Venezuela, bế tắc vẫn tiếp tục trong vấn đề chuyển hàng cứu trợ nhân đạo quốc tế, do bất đồng giữa tổng thống Maduros và tổng thống tự phong tạm quyền Guaido, được sự công nhận của khoảng 40 quốc gia. Theo Le Monde, chính quyền Maduro vẫn tiếp tục phủ nhận trách nhiệm của mình trong cuộc khủng hoảng vô cùng trầm trọng hiện nay, đoạn tuyệt viện trợ nhân đạo quốc tế, đưa quân đội ra biên giới để ngăn hàng viện trợ. Một bộ phận đối lập đề nghị can thiệp vũ trang để đưa viện trợ nhân đạo đến với người dân.
Cũng về Venezuela, Le Monde có bài phân tích về "kế hoạch tái thiết khổng lồ", một khi có "chuyển tiếp chính trị". Hiện tại, tình cảnh của người dân Venezuela rất thê thảm : lương tháng tối thiểu tại Venezuela chỉ đủ mua một cân thịt. Đồng tiền quốc gia mất giá hơn 10.000 lần hồi năm ngoái.
Theo một giới chính tài chính quốc tế, giai đoạn hỗ trợ quốc tế đầu tiên phải là viện trợ nhân đạo ồ ạt. Tiếp theo đó, các định chế tài chính quốc tế cần cho Venezuela vay khoảng 60 tỉ đô la để vực dậy nền kinh tế, đặc biệt để chấm dứt tình trạng thiếu ngoại tệ, buộc chính quyền phải in tiền hàng loạt - nguồn gốc lạm phát siêu tốc những năm gần đây. Giữ ổn định giá trị của đồng tiền Venezuela là một ưu tiên.
Theo Le Monde, Venezuela và các đối tác cần tái khởi động nhanh chóng các ngành công nghiệp chiến lược, vốn bị tham nhũng và tình trạng thiếu đầu tư làm tê liệt.
Tấn công hang ổ cuối cùng của Daesh
Về thời sự Trung Cận Đông, Le Figaro chú ý đến cuộc tấn công vào hang ổ cuối cùng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, sát biên giới về Iraq. Lực lượng Daesh bị kẹp giữa một bên là quân đội Iraq ở phía đông và quân đội Syria ở phía tây. Tuy nhiên, lực lượng chính tham gia vào cuộc tấn công này là Lực Lượng Dân Chủ Syria (FSD), tức liên minh vũ trang với người Kurdistan là trụ cột.
Theo Le Figaro, các chiến binh Daesh quyết bám trụ hang ổ cuối cùng, với diện tích chỉ chưa đầy 10 km², trên một địa hình bằng phẳng. Chiến dịch được khởi sự hôm thứ Bảy, tuần trước, dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng từ một đến hai tuần.
40 năm cách mạng : Iran "kỷ niệm buồn"
Cũng về Trung Đông, Le Monde có bài xã luận "Iran : Dịp kỷ niệm buồn" nói đến dịp 40 năm ngày cách mạng Hồi giáo 1979, lật đổ chế độ quân chủ thân phương Tây. Le Monde tóm lược tình hình tại Iran hiện nay như sau : 40 năm sau cách mạng, xã hội Iran hiện nay trẻ hơn, giàu có hơn, đa nguyên hơn, và khát khao mở cửa ra với bên ngoài. Tuy nhiên, nhóm bảo thủ tại Iran cự tuyệt thay đổi chính trị. Thay đổi chính trị với Iran hiện nay bị coi là điều "hoàn toàn không thể được".
Nền kinh tế nước này đang lao vực, đặc biệt với các trừng phạt kinh tế của Mỹ. Các nước Châu Âu, cho dù vẫn ủng hộ Iran để giữ Tehran lại với thỏa thuận hạt nhân, nhưng hoàn toàn không ảo tưởng về bản chất của chế độ Hồi giáo này. Theo Le Monde, đối với chính quyền Teheran, để thoát khỏi thế bế tắc hiện nay, chỉ có con đường duy nhất là đối thoại một cách sáng suốt. Đây chính là điều mà Liên Âu chủ trương.
"Áo Vàng" Pháp : Cực hữu và cực tả đột ngột đổi thái độ
Về thời sự nước Pháp, phong trào Áo Vàng tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo. Les Echos ghi nhận phe cực hữu và cực tả vừa có một thay đổi lập trường bất ngờ, sau vụ một ngôi nhà của chủ tịch Quốc hội bị một số phần tử cực đoan phóng hỏa.
Chuyên mục "Mỗi ngày một sự kiện" của Les Echos ghi nhận là toàn bộ các lãnh đạo đối lập, đặc biệt là lãnh đạo hai đảng cựu hữu và cực tả, Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon, đã đồng loạt lên án vụ nhà của chủ tịch Richard Ferrand tại tỉnh Bretagne bị phóng hỏa cuối tuần trước, bởi một số thành phần có liên quan đến "phong trào Áo Vàng". Lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng cầm quyền LREM ngay lập tức hoan nghênh thiện chí của đối lập.
Theo Les Echos, sự thay đổi thái độ được đánh giá là bất ngờ nói trên thật ra xuất phát từ chỗ người dân Pháp ngày càng không chấp nhận tình trạng bạo lực diễn ra bên lề các cuộc biểu tình "Áo Vàng", bất chấp việc chính phủ đã chấp nhận đối thoại toàn quốc để tìm giải pháp. Theo một điều tra của Eurotrack được Les Echos công bố, tỉ lệ cử tri ủng hộ hai phong trào cực hữu và cực tả nói trên chỉ còn là 12% (với đảng Tập Hợp Quốc Gia của bà Le Pen) và 8% (với đảng Nước Pháp Bất Khuất của ông Mélenchon). Sự ủng hộ của người dân với đối lập sụt giảm, trong lúc uy tín của chính quyền Macron tăng cao trở lại, sau khi cuộc đối thoại "trực tiếp" với cử tri được thiết lập, và Thảo luận toàn quốc theo chủ trương của tổng thống Macron - diễn ra từ một tháng nay - có thể khép lại với một cuộc trưng cầu dân ý, vốn là nguyện vọng của đông đảo cử tri.
Thảo luận toàn quốc : Lo ngại và hy vọng
Về phần mình, Le Figaro - với bài xã luận "Đằng sau cuộc Thảo luận toàn quốc" - tỏ ra lo ngại về cuộc đối thoại trực tiếp giữa tổng thống Macron với dân chúng, theo phong cách của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Ghi nhận hình ảnh của tổng thống Pháp được cải thiện đáng kể sau các cuộc đối thoại cởi mở này, thế nhưng Le Figaro cũng nhấn mạnh đến việc ông Macron đang dành quá nhiều thời gian cho cuộc thảo luận, trong lúc hàng loạt hồ sơ hệ trọng của chính quyền hiện vẫn đang chờ tổng thống giải quyết, từ nợ công đến khủng hoảng nhập cư…
Vẫn về cuộc Thảo luận toàn quốc, xã luận La Croix với tựa "Lối thoát" đặt rất nhiều hy vọng vào tổng thống Macron, trong việc tìm được lối ra cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài ba tháng nay. Nối lại với các mục tiêu đầy tham vọng trong thời gian tranh cử - một dự án vốn thuyết phục được đông đảo người Pháp, duy trì các định hướng cải cách như đã vạch ra, đây là điều La Croix khẳng định là cần thiết. Nhưng theo nhật báo Pháp, "điều tiên quyết" hiện nay giúp tổng thống nhận được hậu thuẫn của cử tri chính là một "thái độ công minh".
Trọng Thành