Pháp thu hút nhiều đầu tư nước ngoài : Bước ngoặt thời tổng thống Macron
Hấp lực của nước Pháp đối với giới đầu tư nước ngoài là đề tài được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm bàn luận, nhân dịp vài trăm lãnh đạo chi nhánh Pháp của các doanh nghiệp nước ngoài họp tại Paris, để tổng kết về sức hút của Pháp trên trường quốc tế và đưa ra các đề xuất với chính phủ để nâng cao hơn nữa sức thu hút của Pháp.
Một nhà máy sản xuất insuline của tập đoàn Đan Mạch Novo Nordisk tại Chartres, Pháp. Ảnh chụp ngày 21/04/2016. Reuters/Guillaume Souvant/Pool/File Photo
Báo Le Figaro nhận định "Pháp chưa bao giờ có hình ảnh đẹp đến như vậy ở nước ngoài". Nước Pháp đã có "một bước ngoặt thực sự" kể từ khi Emmanuel Macron đắc cử tổng thống cách nay 18 tháng. Vào năm 2016, chỉ có 27% lãnh đạo chi nhánh Pháp của các doanh nghiệp nước ngoài nhận định công ty mẹ mang hình ảnh tích cực về nước Pháp, con số này tăng lên thành 44% vào năm 2017 và 67% trong năm 2018.
Còn báo kinh tế Les Echos cho biết "Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến Pháp". Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến do IPSOS thực hiện, 74% số doanh nghiệp nước ngoài cho rằng "nước Pháp hấp dẫn". Ba phần tư số người được hỏi đánh giá tích cực về giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. Nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao một số cải cách của tổng thống, chẳng hạn quy định giảm thuế doanh nghiệp.
Cơ quan tư vấn Thương mại và Đầu tư Pháp Business France cũng thực hiện một thăm dò ý kiến nhắm vào các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đang làm việc tại Pháp, theo đó 82% số người được hỏi nhận định "Pháp là một nước cần phải đầu tư vào", 83% đánh giá Pháp "bắt đầu nhiều cải cách để hiện đại hóa nền kinh tế".
Còn trong bài trả lời phỏng vấn của báo Les Echos, ông Christophe Le Courtier, tổng giám đốc Business France khẳng định Pháp đã trở lại cuộc đua thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đang "bám sát" Đức và có thể sắp "đuổi kịp" Anh Quốc, quốc gia hiện đang dẫn đầu Châu Âu về thu hút đầu tư nước ngoài. Với Brexit, làn sóng đầu tiên gồm các doanh nghiệp nước ngoài đã tới Pháp, tạo ra 3.000 - 4.000 việc làm.
Trong bài viết "Nước Pháp củng cố hấp lực ở nước ngoài", báo La Croix cũng nhấn mạnh là bối cảnh quốc tế cũng mang lại lợi thế cho nước Pháp : Brexit sẽ củng cố hình ảnh của Pháp trên trường quốc tế, khuynh hướng dân túy đang lên ở nhiều nước cho thấy ở Pháp có sự ổn định vốn đang trở nên hiếm hoi tại Châu Âu.
La Croix còn trích dẫn Business France theo đó, Pháp đang xây dựng hình ảnh dựa trên bốn cột trụ : nền kinh tế cởi mở, sự năng động trong sáng chế, văn hóa doanh nghiệp và một nền công nghiệp đang hướng tới các công nghệ mới.
Bạo lực : Năm đen tối đối với nữ giới
Vẫn liên quan đến nước Pháp, nhưng trên lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro nói về "Bạo lực : Năm đen tối đối với nữ giới". Số vụ trình báo tăng 23% trong năm 2018, nhưng trong giai đoạn 2007-2017, số phiên tòa xử các vụ hiếp dâm lại giảm tới 40%. Hai phần ba số vụ không được xét xử vì bị cho rằng không đủ chứng cớ.
Theo báo cáo ngày 21/11/2018 của nhóm công tác liên bộ về bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực và đấu tranh chống nạn buôn người (Miprof), năm 2017, tại Pháp, 93% số phụ nữ báo cáo bị bạo hành là nạn nhân của bạo lực trong gia đình. Còn theo số liệu của Viện Thống Kê Pháp (Insee), có 219.000 phụ nữ bị hành hạ về thể xác và tình dục, 3/4 số nạn nhân bị bạn đời bạo hành nhiều lần. Trong khi đó, theo Cảnh sát Pháp, 50% số nạn nhân bị hiếp dâm hoặc bị tấn công tình dục là trẻ vị thành niên, trong đó 80% là các em gái.
Nhưng từ tháng 10/2017, khi phòng trào #MeToo bắt đầu, số vụ tiết lộ với cảnh sát và qua đường dây nóng "Bạo lực - Phụ nữ - Thông tin" về bạo lực tình dục đã tăng. Trong quý 3/2017, số cuộc gọi báo về bạo lực tình dục ngoài gia đình đã tăng gấp đôi so với năm 2016.
Giáo dục : Tranh cãi về đề xuất tăng học phí đối với du học sinh nước ngoài tại Pháp
Trên lĩnh vực giáo dục, chuyên mục tranh luận và phân tích trên báo Le Monde dành nhiều bài viết để bàn luận đề xuất của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, liên quan tới việc tăng học phí đối với sinh viên ngoài Châu Âu du học tại Pháp.
Hiện nay, Pháp là nước thu hút du học sinh quốc tế nhiều thứ tư trên thế giới. Cũng như sinh viên Pháp, sinh viên các nước ngoài Châu Âu chỉ phải đóng phí ghi danh rất thấp : 170 euro/năm đối với sinh viên đại học, 243 euro cho một năm học thạc sĩ. Thế nhưng, mới đây, thủ tướng Pháp đã đề xuất tăng học phí lên thành 2.770 euro và 3.770 euro/năm. Đề xuất này gây nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Jean-Pascal Gayant, giáo sư Khoa học Kinh tế thuộc đại học Mans ủng hộ đề xuất của thủ tướng Pháp. Theo ông, việc học phí quá thấp khiến giáo dục đại học Pháp bị nhìn nhận là có chất lượng kém, đồng thời việc sinh viên ngoại quốc đóng phí ghi danh thấp trong khi sinh viên Pháp sang nhiều nước du học lại phải đóng học phí rất cao là bất công. Một bất công khác là chính sách cho sinh viên nước ngoài được hưởng học phí thấp đang đánh vào thuế của người dân Pháp. Giáo sư Gayant cho rằng chi phí thực sự để đào tạo một sinh viên phải là 10.000 euro/năm. Nguồn thu mới sẽ giúp cho các trường đại học của Pháp thực hiện tốt hơn công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Trong khi đó, nhà báo người Brazil thuộc kênh truyền hình Pháp France 24, Augusta Lunardi, từng là du học sinh tại Pháp, trong một bức thư gửi thủ tướng đã hỏi "Edouard Philippe, ông có biết thực tế cuộc sống của một sinh viên nước ngoài tại Pháp ?" và nhấn mạnh đến những khó khăn vất vả của du học sinh nước ngoài tại Pháp : thủ tục hành chính, việc thuê chỗ ở, tìm học bổng, tìm việc làm thêm… Phóng viên Lunardi dự báo việc tăng học phí sẽ ngăn cản hàng chục ngàn thanh niên nước ngoài đến Pháp học tập.
Còn nhà xã hội học Eric Fassin, giáo sư trường Paris VIII và triết gia Bertrand Guillarme thì cho rằng chính sách mới của chính phủ Pháp sẽ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các sinh viên nước ngoài. Thu hút con em các gia đình giàu tới Pháp học có cũng có nghĩa là "xua đuổi" các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vì 45% du học sinh nước ngoài tại Pháp tới từ Châu Phi.
Hai nhà nghiên cứu còn cho rằng cải cách học phí tạo sự bất bình đẳng giữa sinh viên nước ngoài và cả sự bất bình đẳng giữa các trường đại học. Cuối cùng, sự tăng học phí ban đầu chỉ nhắm sinh viên ngoại quốc, nhưng sau này chắc chắn sẽ được áp dụng cho cả sinh viên Pháp, đào sâu bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội. Hai tác giả kết luận bắt sinh viên đóng học phí cao có nghĩa là Nhà nước từ chối đầu tư cho tương lai.
Saudi Arabia : Các nhà đấu tranh nữ quyền dưới đòn tra tấn
Nhìn sang Trung Đông, trên trang Quốc Tế, báo Le Monde nói về "Các nhà đấu tranh nữ quyền Saudi Arabia dưới đòn tra tấn". Từ tháng 05 đến tháng 07/2018, ngay trước và sau khi hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman cho phép phụ nữ lái xe, một quyết định được nhiều người coi là biểu tượng của chương trình cải cách xã hội của vị thái tử trẻ tuổi, nhiều nhà tranh đấu cho nữ quyền nổi tiếng nhất, đi tiên phong trong lĩnh vực này tại Saudi Arabia lần lượt bị lực lượng an ninh bắt giam. Bốn trong số những người nhiều tuổi nhất đã được thả, chín người khác đang bị giam giữ trong nhà tù ở Djedda, miền tây nước này.
Trước đó, những nhà tiên phong về đấu tranh nữ quyền còn bị chính quyền Riyadh cấm phát biểu trên các phương tiện truyền thông. Đây được các nhà quan sát coi là biện pháp của chính quyền để phủ nhận vai trò của các nhà tranh đấu tranh trong "bước tiến lịch sử" tại Saudi Arabia, cản trở những người phụ nữ can đảm muốn "ngáng chân" chính quyền, và cũng là để đấu dịu với phe bảo thủ vốn khi đó đang khó chịu về quyết định của hoàng tộc cho phép phụ nữ lái xe.
Báo chí nhà nước Saudi Arabia gọi họ là những "kẻ phản bội", "tay sai cho các đại sứ quán nước ngoài". Trong khi đó, hồi tháng 10/2018, hoàng thái tử Bin Salman tố cáo các nhà tranh đấu này là "gián điệp", có liên hệ với cơ quan tình báo Iran và Qatar, hai nước mà Riyadh căm ghét nhất. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn không có nhà tranh đấu nào chính thức bị kết án.
Trong khi đó, ba nguồn tin thân cận với chín nhà đấu tranh đang bị giam giữ cho báo Le Monde biết là những người phụ nữ này bị đối xử rất tệ, không được luật sư bảo vệ, người nhà không được tới thăm, thậm chí họ còn bị đánh đập, chích điện, tấn công tình dục… Có người đã nghĩ tới tự sát.
Hồi đầu tháng 10/2018, phát biểu trước các nhà báo của Bloomberg, hoàng thái tử Bin Salman đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của hoàng tộc trong vụ lạm dụng quyền hạn để bắt giam các nhà đấu tranh nữ quyền, cũng tương tự như khi ông phủ nhận trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi trong tòa lãnh sự của Riyad tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Colombia : Hòa bình vẫn bị đe dọa
Liên quan đến Châu Mỹ, báo công giáo La Croix nói tới "Hòa bình chỉ là tương đối ở Colombia". Ngày 24/11/2018 là kỷ niệm tròn hai năm chính phủ Colombia và lực lượng vũ trang Farc ký thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, thông tín viên báo La Croix tại Colombia cho biết chưa bao giờ hòa bình tại quốc gia này có nguy cơ bị đe dọa như hiện nay. Bạo lực ở một số vùng lại bùng phát, sản xuất ma túy tăng mạnh và việc tái hòa nhập của các cựu du kích Farc gặp nhiều khó khăn.
Trong hai năm qua, 350 nhà đấu tranh xã hội đã bị sát hại, con số cao chưa từng có. Nhưng các cuộc điều tra của Tư pháp vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu phương tiện hoặc vì chính quyền không quyết tâm giải quyết. Ở các vùng nông thôn, một cuộc chiến vô hình và lặng lẽ vẫn đang tiếp diễn, bạo lực tăng mạnh, nhất là ở các khu vực mà lực lượng du kích Farc đã rút lui. Một nhà xã hội học ở Medellin cho biết xung đột với Farc đã chấm dứt, nhưng các nhóm du kích khác và các cuộc xung đột khác lại nảy sinh và ngày càng được củng cố. Nguy cơ hậu xung đột, có thể còn nhiều bạo lực hơn cả trong cuộc chiến với du kích Farc, là có thật.
Tại vùng Catatumbo, sát biên giới với Venezuela, hai nhóm du kích ELN và EPL đang đối đầu trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát vùng sản xuất ma túy. Theo Liên Hiệp Quốc, 9.000 người đã phải chuyển đến nơi khác. Và bạo lực dường như còn lâu mới được giải quyết, vì nạn buôn bán ma túy chưa bao giờ nở rộ như hiện nay. Theo Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (ONUDC), Colombia vẫn là quốc gia chính điều chế cocain trên thế giới và trong năm 2017, tỉ lệ trồng cây thuốc phiện ở nước này tăng 17%.
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Báo Le Monde quan tâm đến cải cách giáo dục tại Pháp và đặt câu hỏi "Các chương trình học mới sẽ vẽ lại hình ảnh trường trung học phổ thông như thế nào ?". Báo Le Figaro lại hướng độc giả đến "Sinh thái : một vấn đề nan giải cho chiến lược của tổng thống Macron". Còn báo La Croix chạy tít "Nghệ thuật Châu Phi, con đường trở về", để nói tới việc nước Pháp đang bàn luận về việc trả lại cho Châu Phi hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật Pháp đang giữ.
Nhìn rộng ra Châu Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tít "Bruxelles siết chặt quả đấm thép với Ý"về ngân sách.Trong khi đó, báo Libération hướng sang Trung Đông qua hàng tít lớn "Syria và Iraq : cuộc tàn sát dân thường", trên nền bức ảnh chụp những túi lớn chứa thi thể các nạn nhân.
Thùy Dương
Châu Á báo hiệu một sự đổi mới trong các mối liên minh
Nhật Bản và Ấn Độ thông báo muốn thành lập một "Mặt trận dân chủ thống nhất" để đối phó với các tham vọng đế chế của Trung Quốc. Trong khi đó, nội bộ phương Tây lại chia rẽ sâu sắc, đặc biệt là từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống nước Mỹ. Báo Les Echos ngày 19/11/2018 có bài nhận định đề tựa "Châu Á báo hiệu một sự đổi mới các mối liên minh lớn" của tác giả Dominique de Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Yamanakako village, thành phố Yamanashi, Nhật Bản, 28/10/2018.Mandatory credit Kyodo/via Reuters
Mở đầu bài viết tác giả đặt câu hỏi : Phải chăng các mối liên minh ngày nay được coi trọng ở phía đông trong thế giới Ấn Độ - Thái Bình Dương hơn là ở phía tây trong không gian xuyên Đại Tây Dương ?
Mối liên minh Nhật - Ấn này khiến người ta liên tưởng đến trục Pháp - Đức, được hình thành trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và đã trở thành một biểu tượng của sự hòa giải giữa các dân tộc Châu Âu sau Đệ Nhị Thế Chiến, một trong những giá trị cơ bản làm nền tảng cho việc thành lập Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO, để đối phó với mối họa Liên Xô.
Tác giả nhận thấy trong mối quan hệ Ấn - Nhật, có nhiều điểm khác biệt rất lớn và một điểm tương đồng cơ bản với mối quan hệ Pháp - Đức. Cả hai nước Ấn Độ và Nhật Bản không có cùng một nền văn hóa, một tôn giáo và những bi kịch chung. Nhưng cả hai quốc gia Châu Á này lại có cùng một điểm chung cơ bản : Đó là có sự đối xử bình đẳng trong quan hệ, bên cạnh đó là cảm nhận chung về mối đe dọa Trung Quốc.
Nhật Bản - cường quốc kinh tế thứ ba trên thế giới - đương nhiên là một nền dân chủ tự do cổ điển với dân số ngày càng già cỗi. Ấn Độ là một anh chàng "khổng lồ" về dân số đang trên đà qua mặt Trung Quốc về số người. Đất nước Nam Á này còn là một quốc gia "dân chủ phi tự do" với mức độ tham nhũng cao ngất ngưởng, và cũng không nhìn nhận Nhà nước pháp quyền giống như tại Trung Quốc.
Nhưng điều có thể hợp nhất cả hai nước chính là nỗi sợ Trung Quốc. Cảm giác này đã giúp cho hai bên vượt lên trên những khác biệt, để có thể đối xử bình đẳng với nhau. Để đối trọng với Trung Quốc, hai nước Nhật Bản và Ấn Độ có thể dựa vào các nền dân chủ khác trong khu vực như Úc, Indonesia. Đặc biệt là, không như trường hợp Pháp - Đức, Hoa Kỳ can dự rất nhiều vào khu vực Châu Á.
Từ mối liên minh Nhật - Ấn, tác giả nhìn lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Châu Âu. Hoa Kỳ chưa bao giờ xem xét mối đe dọa Nga, cũng như là mối bận tâm của Châu Âu, một cách nghiêm túc. Chỉ đến khi Châu Âu gần đây tuyên bố muốn thành lập một quân đội riêng thì đến lúc này ông Donald Trump mới có những phản ứng khó chịu.
Tác giả lưu ý : Nước Mỹ đầy mâu thuẫn. Washington luôn khẳng định "Châu Âu phải tăng chi cho quốc phòng". Nhưng trên thực tế Mỹ chưa bao giờ muốn rằng cột trụ an ninh Châu Âu được đặt bên cạnh hay trong khối NATO. Chưa bao giờ Mỹ nhìn đối tác Châu Âu một cách "bằng vai phải lứa" như là cách thức các đồng minh Châu Á mới như Nhật Bản và Ấn Độ hiện nay đang đối xử với nhau.
APEC thất bại vì Mỹ và Trung Quốc ?
Thượng đỉnh APEC lần đầu tiên kết thúc không có thông cáo chung. Les Echos cho rằng "Bắc Kinh và Washington đã làm cho APEC thất bại".
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử APEC, 21 lãnh đạo quốc gia và các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương ra về mà không có thông cáo chung. Hội nghị được khép lại bằng bài diễn văn bế mạc của thủ tướng Papua New Guinea (PNG).
Trước đó, cảnh sát đã được triển khai, sau việc phái đoàn Trung Quốc đã cố tìm cách đi vào văn phòng ngoại trưởng PNG, dường như nhằm mục đích tác động đến việc soạn thảo thông cáo chung.
Tuy nhiên, theo Les Echos, chính sự đối đầu Mỹ - Trung, đang có tranh chấp về thương mại, là nguyên nhân chủ yếu của việc không ra được thông cáo chung. Theo nguồn tin AFP được Les Echos trích dẫn, Hoa Kỳ đã thúc giục nhiều nước trước đó là sẽ chỉ chấp nhận một thông cáo có gắn kết việc lên án Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế và kêu gọi cải cách sâu rộng. Một đòi hỏi mà Trung Quốc không thể chấp nhận.
Cuba - Brazil : Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt
Cũng trong lĩnh vực ngoại giao, báo Le Monde cho biết "Mệt mỏi trước những lời chỉ trích, Cuba cho triệu hồi bác sĩ tại Brazil".
Một thảm họa y tế cho người dân Brazil. Chính quyền La Havana vừa thông báo rút 8.332 bác sĩ Cuba đang hoạt động tại các vùng hẻo lánh nhất của Brazil trong khuôn khổ chương trình "Mais Medicos" (nhiều bác sĩ hơn) do Tổ chức Y tế liên Mỹ tài trợ. Thông báo này có thể làm cho 28 triệu người dân Brazil phải đối mặt ngay với nguy cơ không được hưởng các hỗ trợ y tế.
Nguyên nhân của sự "chia tay" này do những lời lẽ chỉ trích tân tổng thống đắc cử Jair Bolsonaro, (nhưng chưa nhậm chức). Ông nghi ngờ về năng lực và bằng cấp bác sĩ Cuba, cho là họ có những hành vi "man rợ". Ông lên án chính quyền La Havana làm giầu trên mồ hôi nước mắt của những bác sĩ này.
Và đương nhiên chính quyền Sao Paolo không phải đợi lâu. Chán ngấy trước những lời lẽ không mấy "thiện cảm", Cuba ngày thứ Tư 14/11 thông báo ngưng tham gia chương trình "Mais Medicos".
Pháp dự trù tăng phí nhập học du học sinh nước ngoài
Le Figaro và Les Echos hôm nay cùng thông báo "Lệ phí nhập học sẽ tăng đối với sinh viên nước ngoài".
Thủ tướng chính phủ hôm nay thông báo một loạt các biện pháp để "gia tăng" sự hấp dẫn của Pháp trong lĩnh vực đào tạo đại học. Trong số này có giải pháp tăng lệ phí nhập học, từ 170 lên 3.400 euro ở bậc đại học.
Một sự nghịch lý ? Chính phủ Pháp thẩm định chi phí đào tạo đại học cho một sinh viên hiện nay tốn đến 10.200 euro. Mức phí mới này chiếm khoảng 1/3 chi phí đào tạo. Nghiệp đoàn sinh viên Unef phản đối cho rằng mức tăng này có nguy cơ làm cho nhiều cơ sở đào tạo sẽ bị đóng cửa.
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Anne-Lucie Wack, chủ tịch Hội các trường đào tạo giới tinh hoa CGE (Conférence des grandes écoles), mức phí gần như cho không hiện nay "không cho thấy rõ được một tín hiệu về chất lượng". Mức phí mới này vẫn còn thấp hơn nhiều so với một số cơ sở đào tạo khác trên thế giới như MIT, Stanford hay Imperial College, trong khi Pháp là quốc gia thứ 4 đón nhiều sinh viên nước ngoài.
Les Echos cho biết để bù đắp cho mức tăng lệ phí, chính phủ Edouard Philippe cũng dự tính tăng mức cấp học bổng và sẽ trao quyền tự quản cho các trường đại học.
Bên cạnh đó, chính phủ Pháp cũng dự tính nới lỏng điều kiện cấp visa du học, như làm thủ tục trên mạng và rút ngắn thời hạn cấp xét hồ sơ.
Trang nhất báo Pháp : Phong trào Áo vàng
Cuộc biểu tình của phong trào tự phát "áo an toàn giao thông mầu vàng", diễn ra cuối tuần qua, hầu như chiếm trang nhất các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày hôm nay 19/11/2018.
Khoảng 2.000 cuộc biểu tình quy tụ gần 300.000 người đã diễn ra trên khắp nước Pháp hôm thứ Bảy 17/11 nhằm phản đối tăng giá xăng dầu và sức mua giảm. Dù mục đích ban đầu là biểu tình ôn hòa, nhưng cuộc xuống đường cũng đã không tránh được nhiều sự cố đáng tiếc : Một người biểu tình bị chết và hơn 400 người bị thương.
Trước một phong trào tự phát rầm rộ như vậy, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết "Edouard Philippe buộc phải lên tiếng". Le Figaro, tờ báo thiên hữu nhận thấy "Chính phủ đang tìm lời giải đáp". Còn nhật báo cánh tả Libération chơi chữ "Macron đi ngược chiều". Riêng nhật báo công giáo La Croix thì đặt câu hỏi "Áo vàng và Bây giờ thì sao ?"
Bởi vì với quy mô tham gia đông đảo hôm thứ Bảy, nhiều trục đường lớn bị phong tỏa, phong trào áo vàng không chính thức và không có tổ chức này được xem như là đã thành công. Nhưng sau đó thì sao ? Tương lai của phong trào được cho là bất định.
Minh Anh
Brigitte Macron, "quyền lực mềm" bổ trợ tổng thống Pháp
Không có vị trí "Đệ nhất phu nhân" chính thức như tại Mỹ, nhưng bà Brigitte Macron thường xuất hiện bên chồng trong những sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, bà có thời gian biểu độc lập với lịch làm việc của tổng thống Pháp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte đến dự dạ tiệc tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018. Reuters/Brian Snyder
Tuần báo L’Express (14-20/11/2018) dành riêng mục "Hồ sơ" để nói về "Vai trò của Brigitte Macron".
Điểm tín nhiệm của bà Brigitte Macron cao hơn cả người chồng là tổng thống Pháp. Theo một thăm dò của Harris Interactive, công bố trong tạp chí VSD, 62% người được hỏi cho rằng bà là một quân chủ bài cho tổng thống Macron. Khắp nơi bà đến, mọi người thường xuyên nói với đệ nhất phu nhân : "Hãy nói với chồng bà…" (Dites à votre mari…) với mong muốn bà truyền tải thông điệp đến tổng thống. Bà hài hước cho rằng đây sẽ là tiêu đề của cuốn hồi ký nếu một ngày nào đó bà bắt tay vào viết.
Ba lĩnh vực được Brigitte Macron quan tâm nhất là người tàn tật, sức khỏe tinh thần và bạo lực đối với trẻ em. Nhưng bà không muốn làm phiền bất kỳ Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực mà bà quan tâm, cũng như chính người chồng của mình. Vì vậy, bà có lịch làm việc riêng, do chính bà lập nên dựa trên thư từ nhận được (khoảng 73.000 thư hàng năm), và chỉ công bố một tháng sau đó.
Có nghĩa là mọi hoạt động của Brigitte Macron đều nằm ngoài ống kính truyền thông. L’Express liệt kê nhiều trường hợp, qua lời kể của những người trong cuộc, như bà đến thăm trẻ em được điều trị ở bệnh viện nhi Necker, không máy quay phim, không micro thu âm, thậm chí nhiếp ảnh gia của bệnh viện cũng không được mời ; gặp trẻ bị tự kỷ ở bệnh viện Rouen ; hoạt động thể thao của trẻ em, hỗ trợ nhiều hiệp hội giúp đỡ trẻ em tàn tật…
Khắp nơi bà đến, mọi người đều giữ những hình ảnh đẹp về phu nhân tổng thống Pháp, "một người rất tự nhiên, rất thẳng thắn và có thể cười đùa được với bà". Tuy nhiên, bà tránh những vụ liên quan đến tư pháp, dù nạn nhân có thể là một em nhỏ, vì không muốn tác động đến quá trình điều tra.
Với người chồng được bầu làm tổng thống Pháp, Brigitte Macron lo lắng cho ông nên bà luôn nói thẳng, thể hiện rõ bất đồng. Khi tổng thống Pháp so sánh chế độ thực dân là "một tội ác chống nhân loại", bà nói thẳng phát biểu của tổng thống "là điều ngốc" ; bà không vỗ tay khi tổng thống Pháp gay gắt phát biểu hôm 24/07/2018 với vẻ thách thức công luận trong cơn bão cố vấn an ninh riêng Alexandre Benalla lạm quyền… Cuộc khủng hoảng chính trị, tiếp theo là Bộ trưởng nội vụ Collomb từ chức, gây sóng gió trong gia đình tổng thống. Theo một số nguồn tin, Brigitte Macron tức giận, từ chối theo tổng thống Pháp đến Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín, lớn tiếng với ông.
Khi tổng thống phạm một sai lầm, những người thân cận tìm cách "nắn lại" phát biểu của tổng thống, nhưng Brigitte Macron không vòng vo, luôn dùng những từ rất đơn giản : "Không được !" (Ça ne va pas !). Quan điểm của bà rất quan trọng đối với tổng thống Pháp. Thỉnh thoảng, trong một số bữa tối của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), bà đến dự, quan sát, lắng nghe và đưa ra ý kiến. Bà luôn là người đọc lại diễn văn của tổng thống.
Bà khoanh "không gian riêng" dành cho gia đình, nhưng cũng là người trau chuốt hình ảnh của một cặp vợ chồng tổng thống hiện đại với những buổi "paparazzi thỏa thuận" chụp hình vợ chồng tổng thống tay trong tay, tươi cười, đi dạo ở Touquet, Honfleur, Biarritz, La Mongie…
Brigitte Macron : Đệ nhất phu nhân đặc biệt
Trả lời tuần báo L’Express, nhà văn kiêm nhà báo Bertrand Meyer-Stabley, tác giả cuốn Những phu nhân của điện Elysée (Les Dames de l’Elysée, dự kiến phát hành tháng 05/2019), nhận xét Brigitte Macron có vẻ hạnh phúc ở phủ tổng thống vì không phải đệ nhất phu nhân nào cũng cảm thấy thoải mái với cuộc sống trong điện Elysée.
Đó chính là nhờ khả năng luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh của bà. Gia đình Macron luôn thu hút sự tò mò từ truyền thông và công chúng, vì khoảng cách tuổi tác, vì trang phục, hình dáng mảnh khảnh của đệ nhất phu nhân. Báo chí Anh viết nhiều bài về Brigitte hơn cả về Emmanuel.
Bà biết cách cân bằng cuộc sống giữa công và tư : Tất cả chiều thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần, bà luôn giành thời gian cho gia đình và các cháu. Để giữ được thân hình gọn gàng, bà theo chế độ ăn nhiều rau quả, bà tập xe đạp trong phòng mỗi ngày một giờ, tập cơ và đôi khi với chiếc mũ len to trùm đầu, bà dắt chú chó cưng rảo bước đi dạo bên ngoài điện Elysée.
Theo L'Express, Brigitte Macron là phần bổ trợ cho tổng thống Pháp : giữa một bên toát vẻ tự nhiên, thân ái với bên kia luôn nghiêm trang, hơi có vẻ lạnh lẽo. Nhà văn Bertrand Meyer-Stabley cho rằng Brigitte Macron là một đệ nhất phu nhân có một không hai, một nhân vật hoàn toàn khác trong đời sống chính trị Pháp.
Sức mua của người dân Pháp : Ai thiệt ? Ai được ?
Tương tự L’Express, thời sự Pháp là sự kiện chính của hai tuần báo Le Point và L’Obs. L’Obs đặt câu hỏi trên trang nhất : "Sức mua : Ai mất ? Ai được ?" cùng với hình ảnh tổng thống Pháp tay cầm vòi bơm xăng, nhằm nhắc đến phong trào "áo phản quang vàng" (gilet jaune) phản đối tăng thuế xăng dầu, diễn ra trên khắp nước Pháp vào thứ Bẩy 17/11.
Ngoài chân dung và nhận định của 9 người, từ chủ doanh nghiệp đến người nghỉ hưu, nhân viên, L'Obs đăng thống kê của Viện Chính sách Công, bộ Tài Chính Pháp, về tác động của các biện pháp của chính phủ đối với thu nhập sau khi đã đóng thuế và trừ các khoản đóng góp xã hội.
Theo đó, với việc tăng thuế xăng dầu và thuốc lá, giảm hệ số của một số loại trợ cấp, 23% hộ gia đình nghèo nhất (khoảng 14.266 euro/năm/người độc thân - hơn 29.958 euro/năm/gia đình có hai con) là những người bị thiệt. Sức mua của tầng lớp trung lưu tăng thêm 1% nhờ giảm thuế gia cư và một số đóng góp của người lao động.
Sức mua của khoảng 21% người giầu hơn (thu nhập hơn 29.920 euro/năm/người độc thân - hơn 62.850 euro/năm/gia đình) bị giảm nhẹ, chưa đến 1% do không nằm trong diện được giảm thuế gia cư và đối với người nghỉ hưu là dó tăng mức đóng góp xã hội phổ quát và giảm phụ cấp. Được lợi nhất là 1% số người giầu nhất Pháp (thu nhập 140.397 euro/năm/người độc thân - 294.833 euro/năm/gia đình) với sức mua tăng hơn 6%.
Theo nhà xã hội học Alexis Spire, "những người biểu tình (vào thứ Bẩy 17/11) có cảm giác bị lãng quên". Chính phủ đã không dự đoán được làn sóng giận dữ này vì đối tượng được hưởng giảm thuế gia cư và chịu mức tăng thuế xăng dầu không giống nhau. Trên thực tế, người nghèo không phải nộp thuế gia cư, và giờ chịu thêm mức tăng thuế xăng dầu nên dĩ nhiên, sức mua của họ giảm.
An ninh Pháp : Những điều mà các Bộ trưởng nội vụ không dám nói
Le Point đề cập đến tình hình an ninh tại Pháp : mafia, Hồi Giáo cực đoan, buôn bán ma túy… "Những điều mà các bộ trưởng nội vụ không dám nói".
Khi trao đổi với thủ tướng Edouard Philippe ngày 03/10/2018, Bộ trưởng nội vụ lúc đó là Gerard Collomb phải thừa nhận : "Luật của những kẻ mạnh hơn được áp đặt, đó là những kẻ buôn bán ma túy, Hồi Giáo cực đoan". Phát biểu này, với những từ đã rất được cân nhắc, cho thấy phần nào tình trạng bạo lực tại Pháp, đặc biệt là ở miền Nam và sự thất bại trên thực tế, dù "chống các băng đảng ma túy là mục tiêu ưu tiên của lực lượng cảnh sát", theo quốc vụ khanh Laurent Nunez, trợ lý của Bộ trưởng nội vụ Christophe Castaner.
Phóng sự của Le Point lần lượt đề cập đến những tuyến vận chuyển ma túy để thâm nhập vào các thành phố cỡ trung, hầu hết trên khắp nước Pháp, trừ miền trung, dầy đặc ở miền bắc, quanh vùng Paris và ở miền nam. Hàng năm, tại Pháp, lượng tiêu thụ cocain dao động từ 8,7 đến 21 tấn và khoảng 300 tấn canabis.
Ma túy được đưa vào Pháp qua đường biển, như vụ phát hiện 752 kg cocain chứa, giấu trong các túi thể thao, gửi từ Nam Phi, ở cảng Le Havre (tây bắc) ngày 14/09. Hiện tượng mới là vận chuyển cocain qua đường hàng không từ Guyane, tỉnh hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ, qua các túi nhỏ nén chặt và được nuốt vào dạ dầy.
Tình trạng tội phạm thứ hai mà cảnh sát phải đối mặt là mafia đến từ miền nam Balkan, đặc biệt là Albania. Trả lời tuần báo Le Point, một chuyên gia về tình trạng tội phạm có tổ chức, nhận xét : "Rất nhiều băng đảng tội phạm có tổ chức gốc Đông Âu xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp nước Pháp", chủ yếu ăn trộm, buôn bán ma túy, mại dâm, giúp nhập cư bất hợp pháp… Từ năm 2011, số người Albanian thụ án trong các nhà tù tại Pháp đã tăng hơn 600%.
Tình trạng bạo lực giữa các băng đảng thanh thiếu niên cũng khiến cảnh sát đau đầu. Chỉ vì ánh nhìn, bảo vệ danh tiếng, đố kỵ, vì một cô gái… là những nguyên nhân chủ yếu của các vụ ẩu đả, đâm chém nhau. Năm 2017, chỉ có một người chết trong các vụ ẩu đả, con số này lên đến 10 người chỉ tính đến cuối tháng 10/2018.
Một thế giới bị chia rẽ qua lễ kỷ niệm 11/11 tại Paris
Trở lại sự kiện lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I tại Paris, xã luận của Washington Post, được Courrier international trích dịch, nhận định : "Ngày 11/11 : Biểu tượng của một thế giới bị chia rẽ" qua hình ảnh một tổng thống Mỹ đến Khải Hoàn Môn riêng lẻ, một tổng thống Nga đến trễ trong khi những khách mời còn lại cùng đi xe ca đến Champs-Elysées và cùng đi bộ trên đại lộ, tiến về Khải Hoàn Môn. Với New York Times, "Macron-Trump : Mối tình đã hết".
Mối nguy hiểm thực sự của trí thông minh nhân tạo
Trí thông minh nhân tạo dịch sách, vẽ tranh… nhưng ẩn sau là những mối nguy hiểm nghiêm trọng. Chủ đề này được cả L’Obs và L’Express cùng quan tâm.
Trả lời phỏng vấn của L’Obs, nhà nghiên cứu Canada Yoshua Bengio, người tiên phong của deep learning (Học sâu), bày tỏ quan ngại về vai trò của trí thông minh nhân tạo trong các lĩnh vực kiểm soát xã hội (camera theo dõi được áp dụng ở Trung Quốc, vũ khí (thiết bị bay không người lái), làm tăng thất nghiệp (robot thay thế con người)… Theo ông, "mỗi người trong chúng ta cần phải suy nghĩ để luật rừng không được áp dụng".
L’Express đề cập đến lo ngại của các chính phủ, ngân hàng và truyền thông trước tình trạng rất nhiều video bị chỉnh sửa không đúng sự thật nhờ trí thông minh nhân tạo, tràn lan trên internet. Theo L’Express, đây có thể là những vũ khí mới gây bất ổn chính trị.
Thu Hằng
Chủ nghĩa dân tộc bừng dậy, tương lai thế giới bất trắc
Chiếc ghế của thủ tướng Anh Theresa May bị đe dọa, nước Anh có nguy cơ tay trắng ly thân với Châu Âu, tổng thống Pháp "sám hối", nước Pháp nín thở chờ ngày "Thứ Bảy đen" với làn sóng áo vàng chống tăng thuế xăng dầu.
Chủ nghĩa dân tộc bừng dậy, tương lai thế giới bất trắc
Nhưng tình trạng bất trắc của Anh hay Pháp sẽ không thấm gì so với hiểm nguy sinh tử đe dọa toàn cầu kể từ sau Thế Chiến II : làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng dậy tứ phương với những Donald Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin "lớn nhỏ".
Báo chí Pháp có cùng một trạng thái bất an. "Brexit, một thỏa thuận bị la ó", tựa của La Croix. "Hàng loạt bộ trưởng Anh từ chức, Theresa May cực lực bảo vệ thỏa hiệp", tựa của Les Echos, một thỏa hiệp mà Le Monde gọi là "tốt nhất trong bối cảnh hai bên đều bại".
Macron đối mặt với một phong trào xã hội khó lường
Trong khi tại Luân Đôn, chính phủ Anh bị rung chuyển thì nước Pháp có thể bị tê liệt trong ngày Thứ Bảy 17/11/2018 . Macron đối mặt với một phong trào công dân chưa từng có, kêu gọi phong tỏa các trục giao thông chống tăng thuế xăng dầu, theo tờ Les Echos. Nhật báo kinh tế nhắc lại là trong suốt tuần, chính phủ tìm cách giải tỏa cơn giận của một bộ phận đông đảo dân chúng không tin vào lời phân trần của hành pháp, cần chuyển đổi qua năng lượng sạch.
Les Echos không nghĩ rằng cơn giận của phong trào "áo vàng"- màu áo an toàn giao thông - của người phát động biểu tình, sẽ giảm, bởi vì họ không tin vào tổng thống, bởi vì Emmanuel Macron không phải là một người yêu môi trường. Trong bối cảnh các đảng chính trị cực tả và cực hữu nhập cuộc để gây thêm khó khăn cho điện Elysée, bài bình luận của La Croix chỉ trích thái độ vô tâm của những kẻ lợi dụng thời cơ. Theo nhật báo Công giáo, phong trào tranh đấu chống tăng giá xăng thể hiện một nỗi bất bình của dân chúng khi có bất công.
Trong lịch sử, đó là tiền đề của cách mạng 1789 khởi đầu là chống sưu cao thuế nặng. Nhưng trong vụ tăng giá xăng, tổng thống Macron đã có lý khi lưu ý là phong trào này được những tổ chức chính trị có quan điểm đối chọi nhau về kinh tế ủng hộ. Một phe, thuộc tả phái luôn đòi tăng chi tiêu Nhà nước. Phe kia, thiên hữu thì chống tăng thuế.
Vậy tại sao họ cùng xuống đường ủng hộ biểu tình ? Chẳng qua là vì các phe này muốn kiếm phiếu cho năm tới. Trong khi đó, chính sách bớt sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm, khuyến khích người dân bỏ xe dùng dầu diesel và đòi hỏi chống nhiên liệu lên giá đều là hai ý nguyện chính đáng như nhau. Có điều nổi giận là chuyện ngay bây giờ, còn bảo vệ môi trường là lợi ích chung cho tương lai.
Khẩn cấp thỏa mãn nguyện vọng nhất thời của người dân là bổn phận của chính phủ nhưng để tiếp tục thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, nỗ lực thuyết phục dân chúng. Dù sao đi nữa thì người dân Pháp vẫn có cơ hội biểu hiện bất bình qua lá phiếu. Còn những toan tính chính trị, khai thác cơn giận nhất thời của dân chúng, của một số đảng phái cực hữu và cực tả rõ ràng là không thật tâm phục vụ đất nước, nhật báo công giáo kết luận.
Trump, Tập, Putin và các lãnh tụ nuôi mộng bá quyền
Giới chính trị Pháp đánh nhau vì những chuyện không đâu như bão tố trong ly nước, không thấy cuồng phong đang nổi dậy ở tứ phương. Đó là nội dung bài bình luận "Chủ nghĩa dân tộc thức giấc" trên Libération.
Trước hết, với bài phân tích "Macron trên đường sám hối" nhật báo cánh tả tỏ ra thông cảm nhưng nghiêm khắc với chủ nhân điện Elysée.
Cũng như Le Monde, sau khi tổng thống Pháp, trả lời phỏng vấn từ hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles de Gaulle chiều Thứ Tư nhìn nhận khuyết điểm, tự phê bình là chưa có "tôn trọng nguyện vọng dân chúng một cách đúng nghĩa". Trên Libération, cây bút bình luận uy tín Alain Duhamel cảnh báo giới chính trị về mối đe dọa thực sự của làn sóng cực hữu vì nó đã thức giấc khắp địa cầu sau giấc ngủ dài từ 1945, qua các giai đoạn từ chiến tranh lạnh, hòa bình lạnh cho đến những cố gắng thỏa hiệp tìm một thế giới đa cực. Giờ đây đã đến thời điểm chủ nghĩa dân tộc trở lại trong thế mạnh.
Trước hết, theo tác giả, đứng đầu danh sách là Donald Trump. Tổng thống thứ 45 của Mỹ với chủ trương "Nước Mỹ trước hết" đã công khai tuyên bố "tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc".
Nhưng Donald Trump không phải là người duy nhất phất ngọn cờ "chủ nghĩa dân tộc". Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc từng bước xây dựng một thế lực bành trướng bá quyền, tăng cường quân sự, thao túng các nước Châu Á và đẩy quân cờ sang các Châu lục khác.
Vladimir Putin, tuy không có thực lực như Tập Cận Bình, nhưng cũng biểu lộ tham vọng đế quốc tương tự : nuốt gọn bán đảo Crimea, ngắm nghé phần lãnh thổ còn lại của Ukraine, hù dọa Gruzia và ba nước trong vùng Baltic.
Trong khu vực Trung Cận Đông, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những thế lực cấp vùng cũng phô trương sức mạnh với láng giềng, làm như là đế quốc Ba Tư và Ottoman sắp hồi sinh đến nơi.
Trong bàn cờ này, Châu Âu bị bao vây bởi những lân bang hiếu chiến, những tổ chức Hồi giáo khủng bố. Một thế giới bất ổn, hận thù, kinh tế biến động, quân sự hiếu chiến, chính trị độc tài. Một thế giới nguy hiểm và bất trắc do những kẻ mộng du lãnh đạo.
Thế mà Châu Âu cũng không tránh được làn sóng dân tộc chủ nghĩa nội bộ, càng ngày càng thô bạo. Thay vì luận tội, tác giả đặt một số câu hỏi : Brexit là gì nếu không phải là một dạng dân tộc chủ nghĩa ích kỷ ? Liên đoàn nước Ý và đảng 5 sao là gì nếu không phải là một thể loại "quốc gia cực đoan" ? Làm sao định nghĩa được chính sách bài ngoại của Ba Lan, Hungary, hai nạn nhân của Đức quốc xã và Cộng sản nếu không phải là mưu toan trả thù ? Hai dân tộc Đông Âu được ngưỡng mộ như những anh hùng yêu nước giờ đây làm Châu Âu lo ngại vì xu hướng bài ngoại. Nước Đức cho dù vẫn còn vết thương lịch sử phát-xít, cho dù có nỗ lực tột cùng để xây dựng một Nhà nước thượng tôn pháp luật, thế mà đảng cực hữu AfD cũng vươn lên được. Tại nước Pháp, tuy bất tài, nhưng Marine Le Pen cũng vào được vòng chung kết bầu cử tổng thống năm 2017.
Trong bối cảnh này, theo Alain Duhamel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhìn đúng, nói đúng trong bài diễn văn tưởng niệm nạn nhân 100 năm Thế Chiến I kết thúc, trước hơn 60 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có những người theo chủ nghĩa dân tộc. Tổng thống Pháp muốn huy động lực lượng đối phó với mối đe dọa thực sự này nhưng "lính" của ông còn bao nhiêu trong nước Pháp chia rẽ, bất đồng hơn bao giờ hết ? Và các đồng minh ở đâu khi mà các xu hướng chính trị tranh cãi nhau vì những chuyện không đâu ?
Sri Lanka trong cảnh "Rắn hai đầu"
Về thời sự Châu Á, Le Figaro có bài viết đề tựa "Sri Lanka : Đất nước có hai thủ tướng". Đời sống chính trị tại Sri Lanka bị tê liệt từ ba tuần nay sau việc tổng thống Sirisena bất ngờ thay thủ tướng Ranil Wickremesinghe bởi ông Mahinda Rajapaksa, cựu tổng thống Sri Lanka từ năm 200-2015.
Theo nhận định của Christophe Jaffrelot, giáo sư trường Khoa học Chính trị Paris-Sciences Po, chuyên gia về Nam Á, được Le Figaro trích dẫn, vụ việc để lại hai hậu quả nặng nề.
Thứ nhất, cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa công khai thân Trung Quốc. Trong suốt 10 năm lãnh đạo đất nước, Rajapaksa đã được Bắc Kinh cung cấp vũ khí để dập tắt phong trào du kích Tamoul (năm 2009), tài trợ đầu tư và được cấp nhiều khoản tín dụng mà đất nước giờ không thể hoàn trả.
Việc cựu tổng thống trở lại cầm quyền sẽ là một tin vui cho Trung Quốc, đang có tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các chương trình hỗ trợ vốn như tại Pakistan, Maldives…
Thứ hai, Rajapaksa là một nhân vật chuyên chế, nổi tiếng tham nhũng, trấn áp báo giới và luôn tìm cách cản trở mọi yêu cầu xét xử những người có liên quan đến tội ác chiến tranh trong suốt thời gian xảy ra xung đột với phe Tamoul. Khi bổ nhiệm Rajapaksa làm thủ tướng chính phủ, tổng thống Sirisena đang làm dấy lên nỗi lo thụt lùi tự do và Nhà nước Pháp quyền.
Bị bãi nhiệm bất công, ông Ranil Wickremesinghe từ chối rời bỏ vị trí. Cuộc chiến ngoài đường phố giờ lan sang cả nghị trường. Mỗi bên đều cố tìm kiếm các liên minh để có được đa số. Nhiều tin đồn thổi dấy lên cho rằng nhiều nghị sĩ được đút lót đến hàng nghìn đô la. Cựu tổng thống trưng dụng các dân biểu đối thủ bằng cách hứa hẹn các vị trí bộ trưởng.
Theo Le Figaro, ngay cả khi bộ đôi tân – cựu tổng thống có thể tồn tại, Sri Lanka vẫn rơi vào bất định do bởi mối hợp tác phản tự nhiên này. Tờ báo nhắc lại Sirisena từng là bộ trưởng dưới thời tổng thống Mahinda Rajapaksa trước khi lên cầm quyền lãnh đạo đất nước khi liên kết với phe đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015.
Sau chiến thắng, tổng thống Sri Lanka từng tiết lộ rằng ông rất có thể sẽ bị những người thân cận của Mahinda Rajapaksa ám sát nếu như ông thất cử. Sirisena cũng biết rất rõ tân thủ tướng mới của ông là một nhân vật nguy hiểm, không dung thứ.
Nhất là, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và đảng của cựu tổng thống Rajapaksa giành được nhiều thắng lợi tại nhiều địa phương hồi tháng 2/2018, việc thay thế thủ tướng gần như là cấp thiết.
Hồi hương : Nỗi khiếp hãi của người Rohingya
Còn tại Bangladesh, báo Le Monde giải thích vì sao "Người Rohingya sợ bị hồi hương về Miến Điện". Chính quyền Dhaka hiện đang tìm cách cưỡng ép những người tị nạn Rohingya đến Bangladesh từ năm 2017 về nước.
Người tị nạn Rohingya tại Bangladesh sợ bị đưa về nước đến mức 98% trong số 2000 người nằm trong danh sách đầu tiên bỏ trốn khỏi các trại tị nạn.
Chương trình hồi hương người Rohingya đã được hai nước ký kết từ tháng 11/2017, dự kiến bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2018, nhưng đã phải hoãn lại vì cùng một lý do : Dù rất muốn trở về quê hương, bang Rakhine, phía tây Miến Điện, nhưng người tị nạn Rohingya vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với binh sĩ hay cộng đồng Phật giáo Miến Điện.
Đặc biệt, Le Monde chỉ trích thái độ mập mờ của hai chính phủ Miến Điện và Bangladesh. Một mặt, chính quyền Naypiydaw muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế là không hề tồn tại một kế hoạch "thanh trừng sắc tộc" nào trước đó như cáo buộc của Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, chính quyền địa phương bang Rakhine vốn dĩ từ lâu thù ghét những người Hồi giáo, nhất là phe quân đội và cảnh sát.
Mặt khác, phía chính quyền Bangladesh cũng có thái độ không nhất quán trong việc giúp đỡ hàng trăm nghìn người tị nạn. Chính quyền nước này đã cho triển khai cảnh sát và quân đội đến các trại tị nạn, tìm mọi cách kể cả bằng vũ lực ép buộc người Rohingya phải hồi hương. Theo lời thuật của nhiều người tị nạn, tình hình tại một số trại "rất căng thẳng" trước các chiến dịch kiểm tra nhân thân của cảnh sát. Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng báo động về mối nguy hiểm của những chiến dịch cảnh sát này.
Tú Anh
Đông Nam Á trong trận thương chiến Mỹ-Trung
Le Figarohôm 14/11/2018 nhận định "Đông Nam Á muốn vượt qua cuộc đối địch Mỹ-Trung" : mười nước ASEAN vừa lệ thuộc vào Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh ; và cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là mối lợi tình cờ cho Việt Nam.
Dây chuyền lắp ráp xe gắn máy tại Hải Phòng, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 03/11/2018. Reuters/Kham
Các cường quốc đều muốn gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại khu vực thuộc loại năng động nhất thế giới, có 647 triệu người tiêu dùng. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có thể gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại Singapore (tuy Donald Trump và Tập Cận Bình không tham dự, còn Châu Âu lại vắng mặt).
Mười nước thành viên ASEAN theo dõi cuộc song đấu giữa hai đối tác kinh tế chủ chốt Washington và Bắc Kinh với tâm trạng lo ngại xen lẫn hy vọng. Theo báo cáo của HSBC, có đến 86% chủ doanh nghiệp trong khu vực tin vào triển vọng thương mại, cao hơn mức bình quân thế giới.
Việc Mỹ áp thuế vào hàng Trung Quốc có thể làm tăng nhanh tốc độ dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang Đông Nam Á – một hiện tượng đã diễn ra từ nhiều năm qua trong ngành dệt may và điện tử, do lương công nhân Trung Quốc tăng lên. Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng của Natixis nhận định : "ASEAN rõ ràng có lợi trong cuộc chiến thương mại. Nhu cầu của Mỹ về hàng tiêu dùng thông dụng sẽ không giảm sút".
Đặc biệt đối với Việt Nam, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, có đến 8 mặt hàng cùng loại với đối thủ Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế. Đây là mối lợi bất ngờ cho Việt Nam, thu hút được hàng loạt đầu tư trực tiếp nước ngoài trong đó có những tên tuổi lớn như Samsung. Một số nước khác cũng đang hy vọng trong trung hạn, như nhận xét của Tony Cripps, tổng giám đốc HSBC ở Singapore : "Chuyển đổi một chuỗi sản xuất quy mô cần có thời gian. Nếu căng thẳng tiếp tục, Thái Lan hay Malaysia cũng sẽ được quan tâm".
Tuy nhiên bên cạnh đó chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng đến ASEAN, khi nhu cầu của Trung Quốc giảm xuống – nhà kinh tế Trinh Nguyen của Natixis dự báo. Kịch bản này gây lo ngại cho nước chủ nhà Singapore. Sự hội nhập của khu vực bị Donald Trump bỏ rơi từ sau khi rút khỏi TPP hãy còn phải chờ đợi : kết luận về hiệp định tự do mậu dịch RCEP do Trung Quốc chủ xướng đã được dời lại sang năm 2019.
Thế giới đảo điên, Trung Quốc thủ lợi ?
Cũng liên quan đến Châu Á, La Croix đặt câu hỏi với nhà sử học người Anh Peter Frankopan : "Phải chăng Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất về tình trạng đảo lộn của thế giới ngày nay ?". Trong cuốn sách vừa xuất bản mang tên "Con đường tơ lụa mới, một thế giới mới xuất hiện", ông Frankopan cho rằng tương lai thế giới sẽ được vẽ lại theo những gì diễn ra dọc con đường này.
Nhà sử học nhấn mạnh đến vai trò của khu vực nằm giữa phía đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương. Trung Đông, Nga và Trung Á tập trung 70% trữ lượng dầu lửa và 65% khí đốt của thế giới, phân nửa số lượng lúa mì và 85% sản lượng toàn cầu về gạo. Về nguyên liệu, Trung Quốc và Nga chiếm ba phần tư sản lượng silicium, cần thiết cho vi điện tử và chất bán dẫn, riêng Trung Quốc sản xuất trên 80% đất hiếm dùng cho pin và máy tính xách tay. Theo Peter Frankopan, chúng ta đang sống trong thế kỷ của Châu Á.
Trung Quốc đã chuẩn bị cho kỷ nguyên này với sách lược "Một vành đai, một con đường". Hiểu rằng đầu tư vào kinh tế sẽ mang lại những lợi ích về chính trị, Bắc Kinh đang ve vãn những người bạn mới, không chỉ ở Châu Á và Châu Phi, mà còn tại Châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên câu hỏi vẫn đặt ra về cách thức Trung Quốc giải quyết những khó khăn trong các dự án hạ tầng lớn thuộc Con đường tơ lụa mới, và nợ nần quá cao của một số nước liên quan. Thách thức khác đối với Trung Quốc là tình trạng lão hóa dân số và bong bóng tín dụng.
Donald Trump thích dùng cây gậy thay vì củ cà rốt
Hoa Kỳ đã trễ tràng nhận ra thực tế thế giới đang thay đổi, và chính sách của Mỹ khá rối rắm, nếu không nói là phản tác dụng. Việc cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao đã làm giảm đi tính chuyên nghiệp, và cảm tình của thế giới đối với nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump muốn bảo vệ lợi ích của Mỹ, nhưng ông sử dụng cây gậy thường xuyên hơn củ cà rốt. Washington dùng các biện pháp trừng phạt và thuế quan, kể cả đối với bạn cũ và đồng minh ; rút khỏi các thỏa ước quốc tế như hiệp ước nguyên tử Iran, hiệp ước khí hậu Paris, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thay vì đóng vai trò tích cực trong lãnh vực an ninh và thương mại thế giới.
Hoa Kỳ cũng nhận lấy rủi ro khi coi Saudi Arabia là trụ cột trong chính sách Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan nay nghiêng sang Nga và Trung Quốc ; còn tại Syria, bộ ba Nga, Iran và Thổ qua mặt Mỹ trong các cuộc đàm phán hòa bình. Moskva cũng quay lại đóng vai trò trung gian hòa giải giữa chính quyền Afghanistan và phe Taliban.
Ngược lại, Washington coi Trung Quốc, Nga và Iran là những "nhân tố gây bất ổn". Nhà sử học Peter Frankopan bày tỏ hy vọng sự đối địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không chuyển thành đối đầu quân sự, nhưng ông nhấn mạnh, lịch sử cho thấy chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng.
Tân Cương, "quần đảo ngục tù" của người Duy Ngô Nhĩ
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde tố cáo "Quần đảo ngục tù mới của người Duy Ngô Nhĩ". Tân Cương nay trở thành "Quần đảo Gulag" (hay "Quần đảo ngục tù") - tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nga Soljenitsyne – nhưng là một gulag kỹ thuật cao, chỉ dành riêng cho một sắc tộc.
Theo Le Monde, việc buộc cả triệu người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo, nằm trong giấc mơ muôn thuở là Hán hóa vùng đất rộng lớn này, biến một dân tộc nói tiếng Thổ và theo đạo Hồi thành những công dân Trung Quốc "yêu nước" qua quá trình tẩy não quen thuộc của cộng sản. Trại viên phải tự kiểm điểm, ca ngợi sự khoan hồng của đảng trước mỗi bữa ăn…
Đây cũng là quan điểm đồng hóa của Hồ Liên Hiệp (Hu Lianhe), lý thuyết gia được Tập Cận Bình đặt vào vị trí quan trọng trong Mặt trận Tổ quốc. "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập là cứu cánh để biện minh cho mọi phương tiện. Nhưng công cuộc khủng bố này của Nhà nước Trung Quốc, dù chưa cụ thể thấy máu đổ, cho thấy Bắc Kinh khó thể chính danh khi nắm lấy quyền lãnh đạo Tân Cương, không cho vùng đất này được tự trị.
Thành công và hạn chế của phe Dân chủ Mỹ
Về cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Hoa Kỳ, Le Monde phân tích về "Sự thành công và hạn chế của phe Dân chủ", hiện đang bị giằng co giữa cánh tả và cánh trung. Tuy chiến thắng trong cuộc đua vào Hạ Viện, nhưng các ứng viên cánh tả chỉ giành được lợi thế tại các đơn vị bầu cử không mấy quan trọng.
Dân chủ nay có được đa số tương đối trong Hạ Viện, và giành được thêm bảy ghế thống đốc, trong bối cảnh lý ra phải có lợi cho ông Donald Trump : kinh tế phát triển mạnh và không có cuộc khủng hoảng quốc tế quan trọng nào. Tuy nhiên "làn sóng xanh" không đạt được như mong đợi, Dân chủ thất thế tại các vùng nông thôn.
Những khuôn mặt hàng đầu trong cuộc bầu cử 2018 đều thuộc cánh tả mà Bernie Sander của năm 2016 là biểu tượng, họ chiến thắng nhưng tại các địa phương xưa nay vẫn bầu cho Dân chủ. Cánh tả này không lật đổ được một ghế nào ở Hạ Viện, mà chính phe ôn hòa của Tân Liên minh Dân chủ mới giành được thắng lợi tại 23/29 đơn vị nơi họ ra tranh cử.
Yemen trong tình trạng tuyệt vọng
Libérationnhìn sang Trung Đông, kêu gọi "Hãy nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Yemen". Sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi, phương Tây gây áp lực với Riyad, để kết thúc một cuộc chiến đã kéo dài bốn năm trong sự thờ ơ của mọi người.
Tờ báo bày tỏ mong muốn "Yemen, giờ là lúc khởi đầu cho hồi kết của cuộc chiến ?". Cảng Hodeida, nơi thực phẩm và thuốc men từ bên ngoài đưa vào Yemen đang bị phong tỏa, khiến có nguy cơ xảy ra nạn đói.
Vốn là quốc gia nghèo nhất trong thế giới Ả Rập, phải nhập khẩu 90% thực phẩm, hiện nay có đến 22/28 triệu người Yemen phải sống nhờ viện trợ quốc tế. Nhiều trung tâm y tế không còn hoạt động, y bác sĩ không được trả lương từ tháng 8/2016. Yemen ba năm qua không có ngân sách, đồng tiền quốc gia mất giá 50%, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Hiện nay trên 420.000 trẻ em Yemen bị suy dinh dưỡng, và tuy nạn đói chưa diễn ra, nhưng tình hình chung được đánh giá là thảm họa.
Tình báo kinh tế, giá xăng… : Tựa chính báo Pháp
Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích Pháp nặng nề chưa từng thấy, Le Figaro hôm nay báo động "Hoa Kỳ đã dọ thám các công ty của chúng ta như thế nào". Tờ báo tiết lộ một báo cáo của cơ quan tình báo Pháp, cảnh báo về các phương pháp tấn công dữ dội của người Mỹ, cho rằng Paris vẫn còn ngây thơ trước tình báo kinh tế.
Về chính trị trong nước, Le Monde nhận định "Tổng thống Pháp Macron lo ngại cử tri của mình sẽ bỏ sang phe Sinh thái" trong cuộc bầu cử Châu Âu sắp tới. La Croix dành trang nhất cho "Chiếc áo gilet phẫn nộ" : Chính phủ Pháp hôm nay loan báo các biện pháp để giảm nhẹ tác động của việc tăng giá xăng, trong lúc phong trào "Gilet vàng" (tức những chiếc áo dạ quang) chuẩn bị xuống đường rầm rộ vào thứ Bảy này để phản đối.
Les Echoschạy tựa lớn "Brexit : Bà May đặt cược vào kế hoạch ly dị" với Châu Âu. Sau nhiều tháng thương lượng, các bên đã đạt được một thỏa thuận về kỹ thuật, và các bộ trưởng Anh hôm nay cho ý kiến đồng ý hay không.
Thụy My
Trái Đất gồng mình cõng 10 tỉ dân năm 2050
Tính đến ngày 01/11/2018, thế giới có 7,1 tỉ dân. Trong 30 năm nữa, con số này sẽ là 10 tỉ và đến năm 2100 sẽ có khoảng 12 tỉ dân. Các nhà khoa học rung chuông báo động.
Tuần hành của nhóm The Forgotten Solution với trang phục giả cây cối, tham gia phong trào Vùng lên vì Khí hậu/Rise For Climate, 8/9/2018, San Francisco, California. Amy Osborne / AFP
Nhật báo kinh tế Les Echos (13/11/2018), trích số liệu trên trang chủ của Viện Nghiên cứu Dân số Pháp (Ined), theo đó mỗi giây có 2,7 công dân mới, mỗi năm dân số thế giới tăng thêm 89 triệu người (150 triệu sinh ra và 61 triệu người qua đời).
Liệu Trái Đất có đủ sức gánh vác 10 tỉ dân vào năm 2050 ? Ký chung một bài viết trên Le Monde, khoảng 20 nhà khoa học và chủ doanh nghiệp, cùng rung hồi chuông báo động và kêu gọi "kìm hãm mức tăng dân số". Theo họ, đây là nguyên nhân làm đảo lộn môi trường và khí hậu và "kéo hành tinh chúng ta đến thảm họa thực sự". Khuyến cáo được đưa ra là cần tài trợ các chương trình kế hoạch hoá gia đình và tránh thai, đặc biệt là ở Châu Phi.
Dù có nhiều chương trình hành động được khuyến cáo để hạn chế hiện tượng Trái Đất nóng lên (dùng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, ô tô hybrid chạy xăng điện...), nhưng theo hai nhà khoa học Seth Wynes và Kimberly Nicholas, thuộc đại học Lund (Thụy Điển), "bớt một đứa con là giải pháp tốt nhất cho môi trường". Khuyến cáo này từng bị chỉ trích, nhưng một lần nữa lại trở thành chủ đề thời sự sau khi AFP đăng lại một biểu đồ về hiện tượng này nhân dịp khối GIEC công bố một báo cáo mới về biến đổi khí hậu vào tháng 10/2018.
Câu hỏi đặt ra : "Trái Đất có khả năng chứa bao nhiêu người ?". Ngay từ năm 1679, nhà nghiên cứu tiên phong người Hà Lan về sinh học tế bào, Antoni van Leeuwenhoek, cho rằng không quá 13,4 tỉ. Từ đó, nhiều nghiên cứu khác đưa ra số liệu mới : từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ. Năm 2017, trong một diễn đàn chung trên tạp chí BioScience, 15.000 nhà khoa học từ 184 nước khẳng định khả năng tiếp nhận của Trái Đất đã đạt đến giới hạn, nhưng không đưa ra con số cụ thể, đồng thời kêu gọi "xác định lâu dài tổng dân số (mà Trái Đất) có thể chịu được".
Thực vậy, một cá nhân tiêu thụ càng nhiều nguồn tài nguyên thì họ chừa lại càng ít cho những người khác. Hiện tại, nhân loại cần đến 1,5 Trái Đất để hưởng được các dịch vụ của thiên nhiên, với mức tiêu thụ hiện nay. Vì vậy, hàng năm, tổ chức Global Footprint Network công bố "ngày vượt giới hạn", có nghĩa là ngày nhân loại đã tiêu thụ hết tài nguyên mà Trái Đất có thể tái tạo trong một năm. Trong thập niên 1970, mốc này là ngày 29/12, đến năm 2018, ngay từ ngày 01/08, nhân loại bắt đầu ăn lạm vào nguồn tài nguyên.
Thay đổi cách sống
Nhà nghiên cứu Jacques Véron, Viện Nghiên cứu Dân số (Ined), nhấn mạnh : "Giảm bớt bất bình đẳng là thách thức lớn nhất của dân số tương lai". Thực vậy, 80 quốc gia thiếu nước, 1/5 dân số thế giới không có nguồn nước sạch và một tỉ con người không đủ ăn.
Một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Mỹ Union of Concerned Scientists công bố tháng 10/2017 chỉ đích danh 90 công ty chính chuyên sản xuất dầu lửa, khí đốt, than và xi măng gây ra 57% lượng khí CO2 trong khí quyển, một nửa của mức tăng nhiệt độ trên thế giới và khoảng 30% mức tăng của mực nước biển so với năm 1880.
Một nguyên nhân khác được tổ chức Grain công bố là do "các tập đoàn công nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm sữa". Theo tổ chức phi chính phủ này, 20 tập đoàn lớn nhất -trong lĩnh vực trên - phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn cả toàn nước Đức cộng lại. Theo khuyến nghị của Grain, "nếu muốn nuôi sống cả hành tinh mà vẫn chống biến đổi khí hậu, thì thế giới phải nhanh chóng đầu tư vào việc chuyển hướng sang các hệ thống cung cấp thực phẩm dựa trên các nhà sản xuất nhỏ, nông nghiệp sinh thái và các chợ địa phương".
Tổng thống Pháp : "Chủ nghĩa dân tộc phản bội lòng yêu nước"
Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề bất đồng giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Khí hậu Paris COP 21 để phục vụ cho chính sách "Nước Mỹ trên hết - American First".
Ngoài khí hậu, hai bên bờ Đại Tây Dương còn bất đồng về Iran, Thương Mại, Israel-Palestin, an ninh Châu Âu…, tất cả thể hiện sự co cụm của chính quyền Mỹ, sự khác biệt trong cách nhìn về các giá trị, về chủ nghĩa đa phương và quan hệ quốc tế.
Lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I tại Paris là dịp để tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ sự khác biệt giữa "chủ nghĩa dân tộc" và "tinh thần yêu nước". Ông Macron khẳng định "tinh thần yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc", "chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lòng yêu nước".
Theo bài xã luận "Một mặt trận mong manh chống chủ nghĩa dân tộc" của Le Monde, thông điệp này trước hết là nhằm vào những công dân Pháp ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, nhưng cũng trực tiếp nhắm vào tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, chính Châu Âu cũng đang bị chia rẽ và đối đầu với làn sóng dân túy. Một nước Anh muốn rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chủ yếu vì vấn đề tiếp nhận người nhập cư ; nhiều chính phủ Châu Âu do các đảng dân tộc chủ nghĩa điều hành, hoặc bị suy yếu vì các liên minh mong manh.
Vụ ám sát Khashoggi : Công cụ chiến lược của Ankara để hạ thấp Riyadh
Từ một tháng nay, vụ ám sát nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán của nước này ở Istanbul trở thành công cụ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ để làm suy yếu uy tín của vương quốc Hồi giáo này, một trong những đối thủ cạnh tranh của Ankara trong khu vực.
Trong bài viết : "Đối mặt với Riyadh, Erdogan tìm cách trục lợi về vụ Khashoggi", Le Figaro đánh giá đó là "một cuộc chiến truyền thông thực thụ, nếu không phải nhằm loại thái tử kế nghiệp Mohammad bin Salman, thì ít nhất cũng nhằm sỉ nhục người đang điều hành Saudi Arabia". Thậm chí, đây là "cơ hội mơ ước để cố tăng cường ảnh hưởng trong vùng của Thổ Nhĩ Kỳ", theo nhận xét của ông Didier Billion, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS).
Ẩn sau vụ Khashoggi là cuộc chiến quyền lợi giữa hai nước, vốn vẫn tranh giành nhau vị trí thủ lĩnh trong thế giới Hồi giáo : Thổ Nhĩ Kỹ, gần với phong trào Liên hội Huynh đệ Hồi giáo, trong khi vương quốc Saudi Arabia, cái nôi của chủ nghĩa Wahhabi, đi theo con đường chuyên chế.
Vụ ám sát nhà báo Khashoggi cho thấy sự bất lực của Saudi Arabia trong việc nắm rõ tình hình thế giới ngày nay và không có khả năng dự đoán hậu quả do hành động nghiêm trọng đó gây ra. Thêm vào đó, Riyadh chọn nhầm đất để hành động, ra tay ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ, một đối thủ đáng gờm và nhà báo Khashoggi là một người bạn của Thổ Nhĩ Kỳ, sắp kết hôn với một công dân của nước này.
Chiến lược của Ankara đã mang lại hiệu quả sau khi Riyadh, từ bác bỏ, đã phải thừa nhận. Dù hy vọng loại bỏ hoàng thái tử Mohammad bin Salman vẫn xa vời, nhưng, theo trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), "Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lợi dụng được tình thế để tước một số khu vực khỏi tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia hoặc dỡ bỏ cấm vận đối với Qatar hoặc ngừng cuộc chiến tại Yemen".
Chính phủ Pháp đối mặt với phong trào phản đối tăng thuế xăng dầu
Đây là chủ đề trên trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp. Thứ Bẩy đen tối 17/11, chính phủ sẽ phải đối mặt với sự bất bình của người sử dụng ô tô. Phong trào tự phát, bắt đầu từ lời kêu gọi của một phụ nữ trẻ ở tỉnh Seine-et-Marne, được thể hiện qua chiếc áo phản quang an toàn (gilet jaune) đặt phía trước, dưới kính chắn gió của ô tô.
Vậy "‘Áo gilet vàng’ là ai ?", Libération đặt câu hỏi trên trang nhất cùng với hình ảnh chiếc áo phản quang chiếm trọn trang. Phong trào chặn nhiều trục đường được dự kiến diễn ra trên quy mô lớn, vì vậy, theo Le Figaro : "Đối mặt với áo gilet vàng, tổng thống Macron tìm cách tránh đỡ". Tương tự, Le Monde cũng cho rằng "Phong trào áo gilet vàng khiến chính phủ lo ngại".
Theo chính phủ, tăng thuế xăng dầu nhằm thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm bớt phụ thuộc vào ô tô và sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tác động nhất do tăng thuế xăng dầu. Nhật báo kinh tế Les Echos đăng biểu đồ về sự phân chia thuế xăng dầu. Theo thẩm định cho năm 2019, trên tổng số 37 tỉ euro thuế, 17 tỉ sẽ thuộc về Nhà nước, 12,3 tỉ thuốc về các địa phương, 7,2 tỉ dành cho chuyển đổi năng lượng và 1,2 tỉ cho Cơ quan Cơ sở hạ tầng.
Xã luận của Libération lại nhận thấy đằng sau phong trào phản đối này còn là cuộc chiến đấu không gian (thay vì cuộc đấu tranh giai cấp), giữa người dân sống ở ngoại ô, nông thôn với các trung tâm thành phố. Những người sống ở vùng xa có cảm giác bị người thành thị coi thường và bị chính quyền bỏ rơi.
Le Monde cho biết "các nghiệp đoàn tỏ ra ngờ vực và giữ khoảng cách với phong trào phản đối". Tương tự, "Phong trào ngày 17/11 chia rẽ các đảng phái chính trị", theo La Croix. Chỉ riêng phe cực hữu là hùa theo sự bất bình của người dân, theo Libération.
Pháp : "Mỹ phẩm trộn" nằm trong tầm ngắm
Tự chế mỹ phẩm đang là trào lưu mới tại Pháp, theo kiểu "do it yourself". Trước tiên, xuất hiện trên internet, sau đó nhiều điểm bán nguyên liệu bio đã được mở (Aroma-Zone, MyCosmetik, La Compagnie des Sens, Waan…), song song với một số cửa hàng bán máy tự chế tạo mỹ phẩm.
Tuy nhiên, theo nhật báo Les Echos, phong trào tự chế mỹ phẩm (theo hướng dẫn được kèm theo) bắt đầu khiến các nhà sản xuất truyền thống lo ngại, vì những doanh nghiệp cạnh tranh mới không theo các quy định trong ngành này. Theo Cơ quan An toàn Dược phẩm và sản phẩm Y tế Pháp (ANSM), các sản phẩm được bán kèm với cách pha chế, cũng phải tuân thủ quy định về mỹ phẩm, giống như một sản phẩm đã hoàn thiện.
Thu Hằng
Paris mừng 100 năm Thế Chiến chấm dứt, nhưng lo cho Hòa bình
Các báo Pháp số ra đầu tuần, ngày 12/11/2018, dành nhiều bài vở cho lễ kỉ niệm 100 năm chấm dứt Thế Chiến I hôm qua, 11/11 tại Paris, được sự tham gia của khoảng 80 nguyên thủ và thủ tướng.
Paris mừng 100 năm chấm dứt Thế Chiến, nhưng lo cho Hòa bình. Trong ảnh, người tham dự chờ khai mạc Diễn đàn Paris về Hòa bình, 11/11/2018. Reuters/Gonzalo Fuentes
Le Figaro chạy tít trang nhất "Lời hiệu triệu vì Hòa bình của tổng thống Pháp". Les Echos có bài nhận định : "Paris mừng 100 năm Thế Chiến chấm dứt, nhưng lo cho Hòa bình". Nhật báo kinh tế Pháp nhận xét : "kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua mang nặng ý nghĩa biểu tượng", một mặt đây là thời điểm hồi tưởng về quá khứ chiến tranh, vinh danh những người lính đã ngã xuống, mặt khác, để củng cố tiến trình hòa giải Pháp – Đức, và hướng đến tương lai.
Một dấu hiệu nữa cho hòa giải Pháp – Đức. Les Echos nhắc lại sự kiện hôm thứ Bảy, 9/11. Lần đầu tiên, kể từ sau Thế Chiến II, một lãnh đạo Đức đã đến khoảnh rừng Compiègne, địa điểm lịch sử nơi các tướng lĩnh đế chế Đức ký thỏa thuận đầu hàng quân đội đồng minh năm 1918. Còn hôm qua, vào lúc Paris chìm trong mưa, trước 84 lãnh đạo các nước, các cựu chiến binh và thân nhân, tổng thống Emmanuel Macron đã có một bài diễn văn dài 20 phút chứa đầy các bài học lịch sử rút ra từ quá khứ đau thương và nhiều sai lầm này, thể hiện quyết tâm chiến đấu cho hòa bình, không chấp nhận "bạo lực", "thái độ co cụm" và "sự nô dịch".
"Biểu tượng rực sáng" hay "thời khắc đoàn kết cuối cùng" ?
Les Echos đặc biệt chú ý đến thái độ lo ngại lộ rõ cho tương lai của Hòa bình, trước hết thể hiện qua một nhận định của tổng thống Pháp, chiều qua, trong bài diễn văn khai mạc Diễn Đàn Paris vì Hòa bình. Macron nói : "Có một điều đầy bất trắc, đó là điều này (tức cuộc tập hợp tưởng niệm hôm Chủ Nhật 11/11/2018 Paris) sẽ được đánh giá như là một biểu tượng rực sáng, hay một thời điểm đoàn kết cuối cùng (của cộng đồng quốc tế), trước khi thế giới rơi vào một cuộc hỗn loạn mới. Tương lai ra sao sẽ phụ thuộc vào chúng ta".
Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cùng chia sẻ lo ngại này. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ đích danh hiểm họa hàng đầu, đó là "sự mù quáng và thái độ ngậm tăm" của lãnh đạo nhiều nước, trong lúc thể chế pháp quyền, các nguyên tắc dân chủ, bị đe dọa khắp nơi, thông tin bị thao túng, chủ nghĩa dân tộc, cực đoan tôn giáo trỗi dậy. Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến tình hình tại Yemen trong chiến tranh, được coi là "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất", 222 xung đột vũ trang trong năm 2017 và 65 triệu người phải tị nạn, sơ tán trên khắp thế giới.
Cũng như nhiều chính trị gia khác, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh rằng cơ chế đa phương trong hợp tác quốc tế "không chỉ là một hy vọng" cho thế giới, mà là "điều vô cùng cần thiết". Theo Les Echos, nhân dịp Trung Quốc đảm nhiệm ghế chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, đại sứ Pháp François Delattre nhắc lại là : Lịch sử cho thấy quan hệ quốc tế theo kiểu "các vùng ảnh hưởng" báo hiệu các hậu quả hết sức tồi tệ, mà trong thế giới đa cực hiện nay, viễn cảnh này chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, nếu không duy trì được "cơ chế đa phương".
Theo Les Echos có một dấu hiệu tích cực. Đó là việc tổng thống Nga Vladimir Putin cho truyền thông Nga biết Moskva sẵn sàng đối thoại toàn diện với Washington về vấn đề Hiệp Ước Tên Lửa Tầm Trung (INF) Nga-Mỹ, vốn bị tổng thống Mỹ đe dọa rút khỏi.
Về cuộc tưởng niệm một thế kỷ kết thúc Đại Chiến Thứ Nhất, tờ báo thiên hữu Le Figaro có bài "tổng thống Pháp cố gắng đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh của Hòa bình".
"Những bóng ma xưa"
"Emmanuel Macron một mình. Đối diện là cử tọa toàn thế giới". Theo Le Figaro, tổng thống muốn sử dụng buổi lễ tưởng niệm 70 triệu chiến binh trong Đệ Nhất Thế Chiến (trong đó có hơn 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương) và việc làm sống lại hồi ức về cuộc xung đột khủng khiếp này, để nhấn mạnh đến các thách thức mà thế giới chúng ta hiện đang phải đương đầu.
Tổng thống Pháp đối lập chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa dân tộc, điều mà theo ông sẽ dẫn đến thảm họa. Trong diễn văn của Emmanuel Macron có đoạn văn nhiều hình ảnh : "Những bóng ma xưa đang trỗi dậy, sẵn sàng thực thi các mục tiêu chất chóc, gây hỗn loạn của chúng. Nhiều hệ tư tưởng mới đang nhào nặn các tôn giáo, cổ vũ cho sự phổ biến chủ nghĩa ngu dân. Lịch sử đôi khi đe dọa sẽ trở lại dòng chảy bi kịch của nó, phá hỏng di sản hòa bình mà chúng ta vẫn tin tưởng là đã được xác lập một cách vững chắc, nhờ xương máu của các thế hệ tiền bối".
Thái độ "thờ ơ" của Donald Trump
Trong cử tọa của tổng thống Pháp, có nguyên thủ Mỹ Donald Trump. Thông điệp lên án chủ nghĩa dân tộc của Emmanuel Macron trực tiếp nhắm đến tổng thống Mỹ, nhưng không chỉ có ông Trump.
Nỗ lực trong việc tìm tranh đấu cho hòa bình trên trường quốc tế, nhưng theo Le Figaro, vị thế của tổng thống Pháp bị đe dọa ngay trong nước. Trả lời báo giới, tổng thống Pháp cho biết ông không bị ám ảnh bởi các thăm dò dư luận. Những kết quả gần đây cho thấy tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng Nước Cộng Hòa tiến bước ! (LaREM) của tổng thống Pháp hiện thấp hơn số người ủng hộ phong trào cực hữu dân tộc chủ nghĩa RN của bà Le Pen.
Về cuộc tưởng niệm hôm qua, Libération đặc biệt chú ý đến sự tương phản giữa tổng thống Pháp "long trọng" và tổng thống Mỹ "cô độc". Trong lúc tổng thống Pháp đọc bài diễn văn, Libération quan sát thấy ông Donald Trump có "cái nhìn trống rỗng", "dẩu môi hờn dỗi" và "tỏ ra hết sức thờ ơ". Trong suốt chuyến công du Pháp, tổng thống Mỹ giữ khoảng cách với tất cả. Ông Trump không tham gia đoàn lãnh đạo các nước đi bộ hướng về Khải Hoàn Môn, trước giờ tưởng niệm. Việc tổng thống Mỹ và tổng thống Nga cùng đến sau cho thấy thái độ của hai nhà lãnh đạo này đối với quan hệ đa phương, mà quốc tế đang mong muốn xây dựng.
Ngược lại là hình ảnh tổng thống Pháp và thủ tướng Đức không rời nhau trong suốt hai ngày cuối tuần, mở đầu với chuyến đi đến khoảnh rừng Compiègne (nơi Đức ký thỏa thuận hạ vũ khí năm xưa), để khánh thành một bảng kỷ niệm mới mang dòng chữ ngợi ca "giá trị của hòa giải", ngợi ca "những đóng góp vì Châu Âu, vì hòa bình", được đặt không xa dòng chữ lên án "đế chế Đức" năm xưa.
Châu Âu cần "bứt phá"
Vẫn về nỗ lực vì hòa bình của tổng thống Pháp, Le Figaro có bài xã luận "Bên kia các biểu tượng", với nhận định là "việc đưa ra các biểu tượng dù mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ là không đủ". Điều quan trọng là phải có "một hành động bứt phá". Le Figaro nhấn mạnh là các cân bằng chiến lược trên thế giới cần phải được thiết kế lại, trong bối cảnh nước Mỹ của Donald Trump quyết định rút khỏi "trật tự thế giới mà Hoa Kỳ vốn là thế lực bảo trợ". Đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu cần bước vào tuổi trưởng thành, và bảo đảm được khả năng tự vệ.
Tại Châu Âu, hy vọng tập trung vào sự hợp tác của cặp Pháp-Đức, tuy nhiên, theo Le Figaro, "cặp đôi Paris-Berlin hiện đang trong giai đoạn tê liệt".
Lo ngại chính trị Đức tê liệt
"Pháp lo ngại cho tình hình chính trị Đức bị tê liệt" là một bài khác trên Les Echos. Ngày 18/11 tới, tổng thống Pháp sẽ đến Berlin, vừa để cổ vũ cho quan hệ song phương, nhưng cũng để "gây áp lực" nhằm hối thúc phía Đức "có các bước tiến quyết định", nhằm thực thi những cam kết vì Châu Âu, được hai bên nhất trí tại thượng đỉnh Meseberg, tháng 6/2018, vừa qua.
Theo Les Echos, Paris có lý do để lo ngại, vì các ứng cử viên vào chức chủ tịch đảng cầm quyền CDU, kế nhiệm thủ tướng Merkel, được coi là không mấy nhiệt huyết với các vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu, ngược lại, mỗi lần nhắc đến Châu Âu là dịp để họ đưa ra các chỉ trích.
Các lãnh đạo chủ chốt ủng hộ dự án Châu Âu đều đứng trước áp lực phải đẩy nhanh một số lĩnh vực hợp tác trọng yếu của khối, trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tháng 5/2019, đặc biệt trong các vấn đề : đánh thuế các tập đoàn tin học lớn, tăng cường quản lý biên giới bên ngoài của khối và thúc đẩy dự án xây dựng một lực lượng phòng vệ Châu Âu.
Les Echos có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp. Theo ông Bruno Lemaire, Berlin "chỉ còn vài tuần lễ nữa để quyết định". Bộ trưởng Pháp cảnh báo là, trong lĩnh vực thuế đánh vào các tập đoàn tin học lớn, nếu không có một quyết định thống nhất của Châu Âu, mỗi quốc gia sẽ mạnh ai nấy làm, thị trường chung Châu Âu sẽ trở nên mớ bòng bong.
La Croix nhìn quan hệ Pháp-Đức lạc quan hơn. Xã luận tờ báo công giáo, mang tựa đề "Xây dựng hòa bình", phấn khởi với việc chủ tịch hai Nghị Viện Pháp và Đức vừa thống nhất lập ra một nghị viện Pháp-Đức, nhằm phối hợp tốt hơn các hợp tác giữa các dân biểu hai nước.
Nhiều lý do để cảnh giác với Mỹ
Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý về quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ với tựa đề "Đồng minh Hoa Kỳ, tuy không chắc chắn, nhưng vẫn luôn cam kết vì Châu Âu".
Bên cạnh việc nhấn mạnh đến các gắn bó về chiến lược và về thương mại của Mỹ với Liên Hiệp Châu Âu, Le Figaro cũng lưu ý một số lý do khiến các nước Châu Âu phải hết sức cảnh giác trước việc Washington đơn phương đưa ra các quyết định hệ trọng, ảnh hưởng đến nền tảng an ninh của Liên Âu, mà không tham khảo ý kiến của các đồng minh.
Hai ví dụ được nêu ra là việc chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và thứ hai là tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp Ước Tên Lửa Tầm Trung INF với Nga. Theo chuyên gia Corentin Brustlein, Viện IFRI, hiện tại "không có lý do gì để sợ là Hoa Kỳ không thực thi cam kết bảo vệ Châu Âu trước một hành động xâm lược có thể xảy ra từ Nga", nhưng ông cảnh báo là có những mối đe dọa khác ít nguy hiểm hơn, nhưng có nhiều khả năng xảy ra hơn là đe dọa xâm lược.
Le Figaro cũng dẫn lại phát biểu của tổng thống Pháp, với hãng tin CNN hôm qua, theo đó, Emmanuel Macron tuyên bố thẳng là "không muốn thấy các nước Châu Âu tăng ngân sách quốc phòng, để mua vũ khí Mỹ". Phụ trương Le Monde thì có bài thông báo về tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Âu dậm chân tại chỗ.
Trang nhất các báo : Một số tựa khác
Chạy đua vũ trang tin học là chủ đề trang nhất của Libération hôm nay. Libération chạy tựa "Tin tặc : Cuộc chiến tranh lạnh mới", cho biết các đàm phán quốc tế dậm chân tại chỗ, trong lúc nhiều quốc gia gia tăng chạy đua vũ trang tin học.
Thị trường xe hơi Trung Quốc sụt giảm khiến giới đầu tư quốc tế lo ngại là tựa lớn trang nhất của Les Echos. Với 28,7 triệu xe bán ra năm ngoái, Trung Quốc chiếm một phần ba thị trường xe hơi thế giới, tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ 30 năm nay, thị trường xe Trung Quốc sụt giảm. Les Echos có bài xã luận "Lá phổi Trung Quốc" nhấn mạnh đến vai trò trụ cột của kinh tế Trung Quốc với thế giới, với dự đoán trong những năm tới, các cường quốc kinh tế sẽ còn phải đối mặt với các cạnh tranh quyết liệt hơn từ Trung Quốc. Cũng về Trung Quốc, Le Figaro có bài cho biết Bắc Kinh gần đây liên tục tấn công vào giới bảo vệ người lao động.
Chủ đề chính của báo La Croix hôm nay là cuộc bầu cử do lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine tổ chức, với tựa đề "Vùng ly khai miền đông Ukraine hết ảo tưởng". Phóng sự của tờ báo công giáo cho biết nhiều người dân trước đây tin tưởng vào nước Cộng hòa tự phong Donetsk, nay không nhìn thấy tương lai. Bị cấm vận và phong tỏa từ phía Ukraine, vùng ly khai đang kiệt quệ về kinh tế. Còn theo Le Figaro, cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống tại hai nước Cộng Hòa tự phong này (Donetsk và Lugansk) là nhằm củng cố quyền lực của Moskva tại khu vực ly khai thân Nga.
Trọng Thành
Tại Điện Elysée, một ngày trước đại lễ kỷ niệm 100 năm Thế Chiến I kết thúc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Mỹ Donald Trump có cơ hội giải tỏa một xung khắc xảy ra 24 giờ trước. Phản ứng về đề nghị của Macron thành lập quân đội Châu Âu, độc lập với Mỹ, trước mối đe dọa của Nga và Trung Quốc, chủ nhân Nhà Trắng nổi giận chỉ trích Pháp "vô ơn".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tổng thống Mỹ Donald Trump tại điện Elysée, ngày 10/11/2018. Reuters/Vincent Kessler Thành phố X IMAGES OF THE DAY
Trong ba tiếng đồng hồ diện kiến vào sáng 10/11/2018, lãnh đạo Mỹ-Pháp cho biết đã bàn thảo về nhiều hồ sơ quốc tế, từ chiến tranh Yemen, Syria, tình hình Châu Phi cho đến khí hậu, nhưng chủ đề chính vẫn là an ninh và phòng thủ Châu Âu.
Sau nghi thức đón tiếp, tổng thống Pháp lập tức đánh lá bài hạ nhiệt, biện minh rõ ý định của mình theo hướng chờ đợi của Donald Trump :
"Thật phi lý nếu chỉ để cho Hoa Kỳ một mình gánh vác công cuộc bản vệ an ninh cho Châu Âu. Do vậy, đã đến lúc quân nhân của các nước Châu Âu phải tham gia, góp phần chia sẻ gánh nặng. Khi tổng thống Trump muốn bảo vệ một tiểu bang Hoa Kỳ, ông đâu có kêu gọi Pháp, Đức hay một chính phủ Châu Âu nào đó tài trợ. Do vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta cần đầu tư thêm (cho an ninh Châu Âu) và đó là điều mà Pháp đang làm".
Giải thích của tổng thống Pháp nhằm hóa giải lời khuyến cáo của tổng thống Mỹ trên Twitter ngày hôm trước (09/11), ngay khi Air Force One đáp xuống Paris : Châu Âu có lẽ nên chia sẻ gánh nặng của Mỹ trong NATO (thay vì) thành lập quân đội riêng để tự vệ chống Mỹ, Trung Quốc và Nga .
Cuộc thảo luận đối chiếu quan điểm tay đôi kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Điện Elysée cũng ra thông cáo khẳng định "quân đội Châu Âu" mà tổng thống Macron đề nghị thành lập, không vì mục tiêu "chống Mỹ" như đã bị diễn dịch sai lầm.
Theo AFP, những minh xác trên đây có lẽ đã xoa dịu được chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông cảnh báo : Mỹ sẵn sàng giúp nhưng những nước được giúp phải đóng góp. Đó là chuyện công bình.
Sau cuộc hội kiến, hai tổng thống Pháp-Mỹ cùng với hai phu nhân dùng bữa trưa tại điện Elysée.
Tú Anh