Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gián điệp : Phản gián Pháp phá vỡ mạng lưới tình báo Trung Quốc

Vụ thủ tiêu nhà báo đối lập Khashoggi đang làm rung chuyển hoàng gia Saudi Arabia, giá dầu hỏa tăng như phi tiễn, Mỹ-Nga sẵn sàng chạy đua võ trang là thời sự được bình luận rộng rãi trên báo chí Pháp ngày 23/10/2018.

spy1

Minh họa bài viết trên Le Figaro ngày 23/10/2018 về mạng lưới gián điệp Trung Quốc nhắm vào các công dân Pháp (Capture d'image lefigaro.fr)

Riêng Le Figaro dành nhiều trang tường thuật các phương pháp tiếp cận của mạng lưới gián điệp Trung Quốc, mua chuộc chuyên gia trẻ của Pháp phục vụ cho Bắc Kinh.

Le Figaro chạy một loạt tựa trên ba trang lớn : Bằng cách nào Trung Quốc dò xét Nhà nước, xí nghiệp của Pháp ? Chiến thuật của Trung Quốc đánh cắp di sản quốc gia và bí mật kinh tế của Pháp ? Phản gián và tình báo Pháp đối phó ra sao ? Sở mật vụ Anh, Đức, Mỹ hành động như thế nào trước kế hoạch gián điệp toàn cầu của bộ máy công an Trung Quốc ?

Theo điều tra của nhật báo cánh hữu, hơn 4.000 chuyên gia, công chức, tư chức của Pháp là mục tiêu địch vận của tình báo Trung Quốc qua các mạng xã hội. Chiến thuật "nhử mồi" rất đơn giản và qua từng bước một. Đầu tiên là được một nhân vật bí ẩn ở "Châu Á" tiếp cận xã giao, khen ngợi tài năng rồi mời đi nghỉ hè miễn phí ở một thiên đường du lịch xa xôi Châu Á, bàn về dự án "lập công ty hay nhóm nghiên cứu chiến lược với những nhân tài hàng đầu thế giới mà Trung Quốc, một nước đang phát triển rất cần".

Cách biệt Paris ồn ào, căng thẳng, hàng chục ngàn cây số, một công chức tuổi trẻ tài cao nào mà không tránh khỏi cạm bẫy ? Trung bình, một con mồi được hứa tiền thù lao ít nhất là 300.000 euro mỗi năm nếu chấp nhận "cộng tác" với Bắc Kinh. Một sinh viên Pháp mới ra trường, hoạt động tình nguyện trong một sứ quán Pháp tại Châu Á cho biết anh nhận được hàng chục mail qua Linkedin, từ hàng chục "văn phòng tuyển mộ và viện nghiên cứu Trung Quốc".

Chi tiết đáng chú ý là thông điệp giống nhau từ nội dung đến cách hành văn. Theo Le Figaro, trong Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan đặc trách tình báo có một lực lượng nhân sự khổng lồ gần 200.000 người (trong khi toàn thể nhân viên tình báo và phản gián của Pháp cộng lại chỉ có 10.000 người). Từ thành phố Trấn Giang, ở phía nam Thượng Hải, các điệp viên Trung Quốc núp dưới những tên giả để câu mồi. Đây là những cao thủ về giao tế, nam cũng như nữ đóng vai "người trẻ vui tính, học thức cao, tốt nghiệp đại học danh tiếng...". Qua tấm ảnh một phụ nữ xinh đẹp sang trọng, người mang bí danh Joan Li đã tiếp cận 324 cán bộ, công chức Pháp trước khi bị phản gián Pháp "nướng cháy".

Theo kết quả điều tra của phản gián Pháp, trong số 4.000 công dân bị Trung Quốc tiếp cận, hàng trăm người "đã rơi vào tiến trình hợp tác khá sâu". Để giúp cho những công dân qua khỏi "thời kỳ phạm tội vì ngây thơ", cơ quan phản gián Pháp quyết định "đánh mạnh" : ăn miếng trả miếng, bất chấp hậu quả.

Ngoài dụng ý đánh cắp công nghệ hay bắt chước sản phẩm, Trung Quốc còn "để mắt" đến bằng sáng chế của Tây phương. Trước chiến lược gài bẫy toàn cầu của tình báo Trung Quốc, từ năm 2015 các cơ quan phản gián Đức, Mỹ và Anh đã công khai báo động, tố cáo Bắc Kinh.

Đương nhiên, Trung Quốc lúc nào cũng phủ nhận. Khi vụ gián điệp ở Thụy Điển bị bại lộ vào năm 2005, một nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : "Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc làm cho nhiều người ganh ghét và nghĩ rằng Trung Quốc đánh cắp kiến thức của nước ngoài". Theo kết luận của Le Figaro : Lời thú nhận khéo léo này chứng tỏ chiến tranh gián điệp còn nhiều tương lai.

Vụ gián điệp Nga Skripal

Cũng trong hồ sơ gián điệp, trong bài "Skripal, tiểu thuyết gián điệp" Le Monde chọn nước Nga để đưa độc giả đến tận thành phố tên là Yaroslavl, cách Moskva 300 cây số về hướng đông bắc, gặp những bà con, thân nhân của của cựu đại tá tình báo quân đội Sergei Skripal, nạn nhân của một vụ đầu độc hồi tháng Ba tại Anh Quốc.

Đặc phái viên của Le Monde phác hoạ lại cuộc đời thăng trầm của cựu đại tá Skripal, thân phụ là sĩ quan pháo binh, từ thuở ấu thơ cho đến lúc gia nhập tình báo, hợp tác với phản gián Anh, bị bắt, được trao đổi rồi bị đầu độc. Nhân vật bị tổng thống Putin gọi là "thằng khốn kiếp" vẫn được thân nhân thương yêu.

Nghi án Saudi Arabia thủ tiêu Khashoggi

Hồ sơ chiếm tất cả các trang báo Pháp là nghi án chính quyền Saudi Arabia trực tiếp thủ tiêu nhà báo đối lập. Áp lực gia tăng, thái tử nối ngôi Mohammad bin Salman bị Thổ Nhĩ Kỳ điểm mặt, tựa của Les Echos. Làn sóng chấn động lan truyền khắp thế giới, Le Monde khẳng định : Donald Trump nghi Riyadh nói dối, cho dù MbS là "đồng minh rất quan trọng". Paris, Luân đôn, Berlin đòi Saudi Arabia phải làm sáng tỏ sự thật.

Trong bài xã luận "Khashoggi và sự khả tín của các nền dân chủ" Le Monde cho biết Ryadh phải sử dụng đến ngoại trưởng Al Joubeir, tham gia các chương trình phỏng vấn truyền hình, để tìm cách xoa dịu công luận, đổ lỗi cho một số cận thần che giấu thái tử. Đây là lần thứ hai nhân vật có tài hùng biện bay sang Mỹ để phục hồi uy tín hoàng gia đang bị tan nát. Lần thứ nhất là sau loạt khủng bố 11/09/2001 trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên theo Le Monde, chế độ Saudi Arabia không phải là kẻ duy nhất bị mất uy tín. Các nền dân chủ Tây phương cũng đứng trước vũng bùn. Trước hết là tổng thống Mỹ. Donald Trump tỏ ra lá mặt lá trái. Từ đầu, chủ nhân Nhà Trắng ưu tiên cho mối quan hệ tốt với Riyadh, cột trụ trong chiến lược Trung Đông của Mỹ, đối đầu với Iran. Donald Trump muốn dành một lối thoát cho thái tử nối ngôi, đổi lại những hợp đồng mua vũ khí 110 tỷ đôla.

Nhưng Quốc Hội Mỹ không chấp nhận như thế và dọa sẽ trừng phạt Riyad. Bộ trưởng Tài chính Mỹ đành phải bỏ ý định tham gia diễn đàn kinh tế do chính thái tử MbS tổ chức vào ngày 23/10 nhưng vẫn lên đường sang Riyadh để gặp chính quyền Saudi Arabia trong bối cảnh chỉ còn hai tuần là đến ngày lệnh trừng phạt Iran đi vào hiệu lực.

Trong khi đó, các nước Liên Âu tỏ ra cứng rắn hơn. Anh, Pháp, Đức đồng lòng yêu cầu Riyadh làm "sáng tỏ" vấn đề và dứt khoát bác bỏ giả thuyết của chế độ, theo đó, thái tử MbS không hay biết gì. Một khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận "kịch bản" giết người do toán đặc nhiệm của Riyadh gửi qua để thủ tiêu nhà báo đối lập ngay trong toà lãnh sự, thì lập trường nước đôi của Donald Trump không thể đứng vững được : không thể chỉ trừng phạt nước Nga vì chuyện đầu độc cựu điệp viên Skripal mà lại dung thứ cho Saudi Arabia ám sát một nhà đối lập lưu vong.

Dầu hỏa tăng giá

Trong bối cảnh Trung Đông bất trắc, giá dầu hỏa tiếp tục leo thang gây lo ngại cho kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ tìm cách tránh cho vàng đen lên giá, tựa của Le Monde. Nhưng Les Echos bi quan đưa ra ba lời giải thích vì sao giá một thùng dầu thô có thể lên đến 100 đôla, bởi vì không một cản lực nào chận lại được.

Thứ nhất là do tổ chức dầu hỏa thế giới OPEP, với thúc đẩy của Nga, quyết định giảm sản xuất để nâng giá. Thứ hai là do Mỹ cấm vận Iran và thứ ba là do tình hình năng lượng Mỹ : tiềm năng gia tăng khai thác dầu từ khí đá đã không còn nữa.

Hiệp ước INF

Tình hình thế giới càng bất trắc hơn vì quyết định của Nhà Trắng rút bỏ hiệp định tên lửa hạt nhân tầm trung ký với Moskva cách nay hơn 30 năm, vì điện Kremlin không tôn trọng, theo lập luận của Nhà Trắng. Le Figaro cho rằng thế giới đang ở trong tình trạng không khác gì chiến tranh lạnh : Trump và Putin đều sẵn sàng chạy đua vũ trang nguyên tử.

Hàng ngàn người nhập cư đi bộ vào Mỹ

Vào lúc các đại cường chỉ quan tâm đến vũ khí và chiến tranh thì cuộc sống bất an tiếp tục đẩy hàng trăm ngàn người đi tìm miền đất hứa. Với tựa "Đoàn lữ hành di dân nhắm hướng nước Mỹ đi tới", La Croix cũng như đặc phái viên của Le Figaro theo chân "7200 người Honduras nay đã tới Mexico và tiếp tục tiến về phía bắc", sau khi cảnh sát Mexico tháo dỡ rào cản. La Croix cho biết thêm, đoàn lữ hành còn phải đi bộ thêm 3200 km và sẽ đến biên giới Mỹ trong 27 ngày tới. Trong mùa bầu cử giữa kỳ, đón hay không đón di dân là một hệ quả chính trị đang được theo dõi. Đảng Dân chủ kỳ vọng vào lá phiếu của cử tri gốc Nam Mỹ nhưng thành phần này, cho đến các cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, đi bầu không đông : 27% so với 40% người da đen và 45,8% người da trắng. Phản ứng cứng rắn của tổng thống Donald Trump là chuyện dễ hiểu.

Brazil trong cơn bão tố chính trị

Cũng về thời sự Châu Mỹ Latinh, Libération thiên tả, dành một bài phóng sự dài để phân tích tương quan giữa phong trào Tin lành Phúc âm, phát triển mạnh lấn đất của Giáo hội Công giáo, và thế đang lên của phe chính trị bảo thủ mà đại diện là ứng cử viên tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Ung thư và nông phẩm hữu cơ

Trang khoa học trên Le Figaro cho độc giả một thông tin phấn khởi : nông phẩm không thuốc trừ sâu và phân hóa học mà Việt Nam gọi là nông phẩm "hữu cơ" được xác nhận là giúp tránh ung thư. Tạp chí y khoa Jama Internal Medecine, qua khảo sát 70.000 người trong 7 năm cho thấy nguy cơ bị ung thư giảm theo tỷ lệ nghịch với lượng thực phẩm "bio" tiêu dùng.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Vụ Khashoggi : Thế giới không thể chấp nhận "biệt đội tử thần" Saudi Arabia

Tất cả các nhật báo Pháp hôm 22/10/2018 đều tiếp tục đề cập đến vụ nhà báo đối lập người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại dã man.

khashoggi1

Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman trong một cuộc họp tại Ryad, ngày 26/11/2017. ©BANDAR AL-JALOUD/Saudi Royal Palace/AFP

Giáo sư Dominique Moïsi trong bài phân tích "Saudi Arabia và ảo vọng hiện đại hóa" đăng trên Les Echos nhận định, đối với phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ, thái tử Mohammad bin Salman (MbS) đại diện cho hy vọng về một vương quốc Ả Rập có thể giao du được. Nhưng vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại đã chứng tỏ điều ngược lại.

Đặt trọng tâm vào những giá trị mà mình bảo vệ hay lợi ích, vào đạo đức hay tính thực dụng ? Vụ sát hại ông Jamal Khashoggi là minh chứng cụ thể nhất cho thế lưỡng nan trong chính sách đối ngoại. Saudi Arabia không đơn thuần là một đất nước mà phương Tây bán vũ khí và mua dầu lửa. Đó là một quốc gia chủ chốt để tạo thăng bằng trong khu vực trước một Iran đầy tham vọng và Hồi giáo đang trỗi dậy trên thế giới, một đất nước lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ qua bắt đầu con đường cải cách.

Năm 1979, cách mạng Hồi giáo chiến thắng tại Iran, nhưng thất bại ở Saudi Arabia, sau mưu toan chiếm đóng thánh địa Mecca của một nhóm biệt kích. Trong gần 40 năm qua, các nhà lãnh đạo nước này, duờng như bị ám ảnh bởi sự kiện trên, có vẻ luôn sẵn sàng thỏa hiệp với các xu hướng Hồi giáo cực đoan nhất.

Lần đầu tiên, một thái tử trẻ tuổi là Mohammad bin Salman quyết định phá vỡ vòng vây đang kiềm tỏa Saudi Arabia. Phương Tây, nhất là Hoa Kỳ vui mừng, thế giới Hồi giáo Sunni tìm được một nhà lãnh đạo xứng tầm để đối phó với một Iran theo Hồi giáo Shia. Ai Cập thì đã tự đứng ra bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan là một đối tác phức tạp, nên đối với Donald Trump, MbS là một "món quà của Thượng Đế".

Đã hẳn là thái tử MbS không ngần ngại trước việc thường dân phải đổ máu ở Yemen, do sự yếu kém của quân đội nước mình. Vụ bắt cóc thủ tướng Lebanon, rồi vụ bắt giam các hoàng tử đã gây ấn tượng vì tính chất thô bạo, nhưng khi buộc các đại gia Saudi Arabia phải móc ví ra, vị thái tử trẻ muốn gởi đi thông điệp : đấu tranh chống tham nhũng là ưu tiên của chế độ.

Trong vụ Khashoggi, thông điệp cũng rất rõ ràng : dù là nhà ly khai hay chỉ là một người hay chỉ trích chế độ, từ nay số phận được dành cho họ đã rõ. Không thể mơ tưởng đến một cuộc cách mạng dân chủ trong thế giới Ả Rập, đừng nhầm lẫn cuộc cải cách từ bên trên với một cuộc cách mạng từ phía dưới.

Thủ tiêu nhà bình luận Mỹ tại một đất nước thù địch : Không đơn giản

Tuy nhiên, theo tác giả Dominique Moïsi, có lẽ do thiếu chín chắn, bốc đồng, ỷ lại vào mối quan hệ thân thiết với Donald Trump và con rể tổng thống Mỹ Jared Kushner, thái tử MbS đã đi quá xa. Người ta không thể "hô biến" một nhà báo nổi tiếng, tuy là người Saudi Arabia, nhưng là cây bút bình luận của Washington Post, tại một đất nước thù địch như Thổ Nhĩ Kỳ.

Tội ác tàn bạo này được thực hiện với đôi phần ngây thơ : làm thế nào mà họ không tính đến việc lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul được cài đầy micro và caméra gián điệp, giúp chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có thể theo dõi trực tiếp vụ ám sát ? Ông Erdogan đã cô lập được đối thủ Saudi Arabia, với thông điệp : "Tại Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bỏ tù các nhà báo, nhưng không sát hại và phân thây họ".

Hơn nữa, 17 năm sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, thế giới không sẵn sàng chấp nhận một "biệt đội tử thần" Saudi Arabia xuất hiện ở lãnh thổ nước khác. Thái tử MbS không chỉ tự cho mình đứng trên luật pháp, mà còn bất khả xâm phạm về mặt chiến lược và kinh tế. Nhưng ngày nay, Saudi Arabia cần đến Hoa Kỳ chứ không phải ngược lại. Washington nay độc lập về năng lượng nhờ nguồn dầu lửa và khí đá phiến, còn Riyadh hoàn toàn lệ thuộc vào vũ khí của Mỹ.

Theo Les Echos, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đã tạo ra hai nạn nhân cùng lúc là MbS và tiếp theo là Donald Trump. Vị thái tử vốn có vô số kẻ thù trong hoàng gia Saudi Arabia, có thể chống chọi được trước áp lực đòi ông ra đi ? Liệu MbS đang đưa đất nước vào tình trạng cô lập, dẫn đến hỗn loạn ? Dưới mắt nhiều nhà đầu tư, vị thái tử trẻ nay là một rủi ro lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không bình an vô sự sau vụ tai tiếng này. Trong chính sách đối với Saudi Arabia, ông đã "bỏ tất cả những quả trứng vào cùng một giỏ", khi tạo ra mối quan hệ cá nhân thân thiết với MbS.

Saudi Arabia gây bối rối cho đồng minh

Bài xã luận của La Croix nhấn mạnh, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cần phải được tố cáo mạnh mẽ. Sự lúng túng có thể nhận thấy rõ trong giới ngoại giao và kinh tế trên thế giới, tất cả đều cho rằng những giải thích của Riyadh là không phù hợp. Cái chết của ông Khashoggi mang dấu ấn của một chế độ tàn bạo.

Nhưng Saudi Arabia lại là người đối thoại không thể thiếu vắng ở Trung Đông, đang chiến đấu với Iran trên nhiều mặt trận từ Lebannon cho đến Yemen, Afghanistan. Quốc gia này còn là nhân tố kinh tế mang tính toàn cầu, thành viên của G20 và sở hữu năng lực tài chính khổng lồ nhờ vào nguồn lợi dầu khí. Đồng thời còn có được mạng lưới ảnh hưởng trong cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.

Tuy vậy, theo La Croix, bây giờ là lúc để nước Pháp, vốn có quan hệ đối tác chiến lược với Saudi Arabia, cần phải đòi hỏi nơi thái tử MbS sự minh bạch và tôn trọng nhân quyền.

Le Mondenói thêm, từ khi lên nắm quyền, thái tử Salman liên tục có những sai lầm, từ cuộc chiến đẫm máu tại Yemen, việc phong tỏa Qatar, cho đến sự can thiệp vào Bahrein, quan hệ với Israel, những thất bại ở Syria và Iraq, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và Canada… Vương quốc của MbS có nguy cơ trở thành gánh nặng cho các đồng minh, và vụ Khashoggi là cơ hội lớn cho các cường quốc khu vực khác như Iran.

La Croix nhận định, hội nghị kinh tế quan trọng sẽ diễn ra ngày mai 23/10 tại Riyadh có nguy cơ không thể trở thành "Davos của vùng sa mạc" như MbS mong muốn, do nhiều tập đoàn lớn và chính khách quan trọng vắng mặt. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, tổng thư ký Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, các nhà lãnh đạo Úc, Pháp không tham dự. Tuy vậy, chưa thấy nước nào hủy bỏ các hợp đồng quan trọng với Saudi Arabia.

Bắc Kinh dùng võ mồm để cứu thị trường chứng khoán

Liên quan đến Châu Á, trên lãnh vực kinh tế, Les Echos ghi nhận "Bắc Kinh dùng võ mồm để cứu thị trường chứng khoán". Cả Ngân hàng Trung ương lẫn cơ quan quản lý chứng khoán và các thành viên chính phủ đều vào cuộc nhằm cố gắng giảm bớt đà suy sụp của thị trường và tái lập lòng tin.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ngừng lao dốc kể từ tháng Giêng, vài giờ trước khi công bố tỉ lệ tăng trưởng tệ hại của quý III, Bắc Kinh đã dùng đến vũ khí hạng nặng trên truyền thông. Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Lưu Hạc cố gắng trấn an về cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, phát biểu trên Tân Hoa Xã là "tác động tâm lý nặng nề hơn thực tế". Ngân hàng Trung ương (PBOC) cho rằng "giá trị cổ phiếu hiện nay là quá thấp, tương phản với sự cải thiện căn bản về kinh tế". Còn Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc tố cáo các hoạt động "bất bình thường", "hoàn toàn tách rời" khỏi nền kinh tế Trung Quốc.

Đợt "võ mồm" này đã giúp chỉ số CSI 300 tăng được 2,97%. Nhưng liệu ngôn từ có đủ để đảo ngược xu hướng, khi chứng khoán từ đầu năm đến nay đã mất giá tới 22% ? Les Echos nhấn mạnh, GDP của Trung Quốc trong quý III thấp nhất kể từ 2009 đến nay, trong khi hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ còn gây ảnh hưởng lớn trong thời gian tới.

Việt Nam có thể được lợi nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Trong bài "Trump đảo lộn bản đồ sản xuất tại Châu Á", Le Monde cho biết chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy một số tập đoàn kỹ nghệ Nhật Bản di dời các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực.

Cụ thể là Toshiba Machine Co. từ tháng 10 chuyển sang lắp ráp tại Nhật và Thái Lan, nhà sản xuất máy công cụ Komatsu chuyển nhà máy đến Mexico, công ty Iris Ohyama cho sản xuất tại Hàn Quốc… Theo một cuộc điều tra của Nihon Keizai hồi tháng Chín, bước đầu đã có 22 tập đoàn Nhật dịch chuyển sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc, và nhiều công ty khác sẽ theo chân vì không ai biết được chiến tranh thương mại sẽ kéo dài đến bao giờ.

Nhiều nước hy vọng được hưởng lợi, như Thái Lan đang mong chờ "làn sóng công nghệ và đầu tư sẽ rời Trung Quốc". Còn Việt Nam, vốn rất lệ thuộc vào xuất khẩu, cũng có tâm lý tương tự. Theo phân tích của Natixis : "Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, có đến 8 mặt hàng liên quan đến mức thuế hải quan cao nhất mà Hoa Kỳ áp đặt cho Trung Quốc. Cùng với giá thành sản xuất tăng cao tại Trung Quốc, và nhờ vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có thể được lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung".

Tựa chính báo Pháp

Le Mondequan tâm đến việc "Phe Macron tìm cách sáng tạo như thế nào" : các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LRM) cố gắng tạo ra một nền tảng tư tưởng để chứng tỏ LRM không phải là đảng của cá nhân tổng thống Emmanuel Macron.

Cũng về chính trị, nhật báo Libération chạy tít lớn "Hệ thống Mélenchon". Trong khuôn khổ cuộc điều tra về tài chính liên quan đến cuộc vận động tranh cử 2017, tư pháp chú ý tới ba định chế do những nhân vật trung thành với lãnh tụ đảng Nước Pháp Bất Khuất điều hành.

Trên lãnh vực xã hội, La Croix đặt câu hỏi với bốn nhà sử học về ưu tiên dành cho môn học này, chạy tựa "Lịch sử nào được giảng dạy trong nhà trường ?". Về kinh tế, nhật báo Les Echos ghi nhận "Đánh thuế GAFA : Pháp lại tấn công". Le Figaro nhìn sang nước Mỹ, với tựa chính "Bầu cử giữa kỳ : Trump bị phe Dân chủ thách thức ngay tại thành trì của mình".

Thụy My

Published in Quốc tế

Nước Pháp và những cuộc truy lùng tội phạm chiến tranh

"Những ngày thế giới đấu tranh nhắm vào tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại" lần đầu tiên được Viện Công tố Paris tổ chức từ ngày 18/10/2018 tại Paris. Nhân dịp này, tuần báo L’Express giới thiệu bài viết "Nước Pháp truy lùng tội phạm chiến tranh bằng cách nào ?".

toipham1

Một bé gái giữa những căn nhà đổ nát tại Raqqa, Syria, ngày 12/10/2018. Làm sao xác định được tội ác của chế độ Assad ? Reuters

Năm 2012, Cơ quan trung ương đấu tranh nhắm vào các tội ác chống nhân loại, các vụ thảm sát và tội ác chiến tranh được thành lập với nhiệm vụ truy lùng những kẻ đã gây ra các vụ thảm sát, những tên đao phủ và những kẻ tra tấn, từ Châu Phi cho tới Trung Đông, nếu nạn nhân hoặc hung thủ là người Pháp hoặc thủ phạm đang có mặt tại Pháp. Cơ quan này cũng có nhiệm vụ truy tìm những kẻ đã gây ra các tội ác tại Pháp có liên quan đến sắc tộc, tôn giáo và khuynh hướng tính dục của các nạn nhân.

Năm 2017, cơ quan này xử lý hơn 70 hồ sơ. Mùa thu năm nay, số hồ sơ mà họ đang sử lý nhiều hơn so với năm ngoái khoảng 20 vụ. Các hồ sơ liên quan đến Rwanda trong nhiều năm liền luôn chiếm số lượng nhiều nhất, năm nay tụt xuống hàng thứ 2 với 18 hồ sơ đang xử lý. Đứng đầu là Syria (25 vụ), đứng thứ ba là Trung Phi (17 hồ sơ).

Trên tường của trụ sở cơ quan điều tra về tội ác chống loài người, các vụ thảm sát và tội ác chiến tranh, những bức ảnh chụp các hàng rào thép gai, vũ khí, những khuôn mặt sưng vù, những em nhỏ bị sát hại … gợi cho người ta nhớ đến những cảnh tượng man rợ, tàn bạo trong quá khứ và cả ở hiện tại.

Một khó khăn lớn đặt là làm thế nào điều tra được các tội ác xảy ra cách nước Pháp hàng ngàn km, đôi khi là từ cách nay nhiều năm. Chẳng hạn, làm cách nào để xác định danh tính những kẻ đã tra tấn những người đối lập với chế độ của tổng thống Syria Bachar al-Assad khi chỉ dựa trên 54.000 tấm ảnh chụp thi thể của các nạn nhân đã bị hành quyết mà một cựu nhiếp ảnh gia của lực lượng an ninh quân sự Syria đã mang ra khỏi đất nước mình ? Một thẩm phán lãnh đạo đơn vị điều tra "Tội ác chống nhân loại" thuộc Viện Công tố Paris cho biết họ cần xác định trách nhiệm của từng cá nhân trong các tội ác mang tính tổ chức tập thể.

Tìm kiếm và phân tích các tài liệu và hồ sơ lưu trữ, tìm lại được các nhân chứng và những người may mắn thoát nạn, đó là công việc hàng ngày của nhân viên cơ quan chống tội ác chống loài người, các vụ thảm sát và tội ác chiến tranh. May mắn là các hiến binh, cảnh sát thuộc cơ quan này có thể dựa vào mạng xã hội, mạng internet, phần mềm nhận diện hình ảnh từ mọi nguồn như Youtube, các vidéo giám sát an ninh… và các tổ chức phi chính phủ.

Ngoài ra, còn phải kể tới các định chế chính thống như mạng lưới điều tra về các vụ thảm sát thuộc cơ quan Tư pháp Châu Âu (Eurojust), gồm các thẩm phán và nhà điều tra của Châu Âu, Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Na Uy ; cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) và cơ sở dữ liệu của Europol về "tội phạm quốc tế" hoặc M3I, cơ quan của Liên Hiệp Quốc chuyên về thu thập chứng cớ về cuộc xung đột ở Syria.

Từ năm 2015, Cơ quan bảo vệ di dân và những người vô quốc tịch đã báo động cơ quan Tư pháp Pháp về tình trạng một số di dân Syria, Iraq, Sri Lanka, Lybia, Tchéchènia… đến Pháp xin tị nạn trong khi những người này bị tình nghi là đã từng gây ra tội ác chiến tranh ở đất nước họ. Chỉ trong một năm qua, số hồ sơ đặc biệt được đóng dấu "1F" đã tăng vọt từ 10 lên tới khoảng 40 vụ.

Hồi năm 2017, một người Iraq, 30 tuổi, tên là Ahmed H. đã được nhà chức trách Pháp cấp quy chế tị nạn, nhưng sau này chính Cơ quan này, phối hợp với An ninh Nội địa Pháp, đã nghi là người này thuộc hàng ngũ chỉ huy của Daesh và đã tham gia vào một vụ thảm sát nhắm vào doanh trại quân đội Speicher, gần Tikrit, khiến 1.400 tân binh Iraq thiệt mạng.

Cú sốc Saudi Arabia

Một trong những đề tài được nhiều tuần báo Pháp quan tâm là "Cú sốc Saudi Arabia" liên quan đến cuộc khủng hoảng sau vụ nhà báo đối lập với chính quyền Riyadh, Jamal Khashoggi, mất tích khi tới tòa lãnh sự của Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ làm giấy tờ. Theo tuần báo Le Point, vụ mất tích của nhà báo Khashoggi gây hại cho các nỗ lực cởi mở của chế độ Riyadh.

Hoàng thái tử Mohammad Bin Salman, với biệt hiệu MBS, đã thể hiện là một người canh tân dẫn dắt Saudi Arabia tiến tới kỷ nguyên của những tiến bộ. Tuy nhiên, theo nhà báo Luc de Barochez, sự bốc đồng và tính hung hăng của vị thái tử 33 tuổi đã khiến Trung Đông vốn bất ổn lại càng thêm bất ổn. Luc de Barochez cũng cho rằng những hành động vô liêm sỉ của Mohammad Bin Salman đã mang lại cho vương quốc Saudi Arabia thêm nhiều rủi ro chính trị, quân sự và tài chính.

Chính quyền Riyadh bị nghi ngờ có dính líu đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích hôm 02/10/2018. Theo các nhà điều tra thổ Nhĩ Kỳ, nhà báo Khashoggi đã bị tra tấn, giết hại, thi thể bị chặt thành nhiều khúc ngay bên trong tòa lãnh sự. Trước khi xảy ra vụ việc này, Saudi Arabia đã có hàng loạt quyết định vừa tàn nhẫn, vừa vô nghĩa về ngoại giao.

Mặc dù Saudi Arabia là nước có ngân sách quân sự cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng cuộc chiến khốc liệt ở Yemen mà Saudi Arabia tiến hành nhắm vào phe nổi dậy Hồi giáo hệ Shia vốn đã rệu rã, nay bước sang tận năm thứ tư mà Riyadh vẫn chưa có cơ hội chiến thắng. Vụ Saudi Arabia áp đặt quyết định phong tỏa Qatar lại càng củng cố vị thế quốc tế của quốc gia nhỏ bé này. Vụ thủ tướng Lebanon Saad Hariri bị bắt cóc ở Riyadh cũng chỉ được giải quyết nhờ sự can thiệp của tổng thống Pháp.

Còn ngay tại Saudi Arabia, mặc dù thái tử MBS cho phụ nữ được quyền lái xe hơi, nhưng ông cũng đã cho bỏ tù nhiều nhà tranh đấu là phụ nữ. Trong khi chính quyền Riyadh đang nỗ lực thu hút đầu tư, việc thái tử cho giam giữ vài chục doanh nhân và thành viên hoàng tộc trong một khách sạn hạng sang suốt nhiều tuần lễ đã làm giảm lòng nhiệt tình các nhà đầu tư nước ngoài. Quyết định của thái tử Mohammad Bin Salman đưa hãng dầu lửa khổng lồ Aramco lên sàn chứng khoán để có thu hút tài chính cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế cũng đã thất bại.

Vụ việc xảy ra ở Istanbul làm phiền lòng những người đã từng hy vọng là thái tử MBS sẽ làm thay đổi sâu sắc Saudi Arabia, giải phóng nền kinh tế khỏi sự lệ thuộc vào chất đốt, đưa xã hội thoát ra khỏi sự gò bó bảo thủ và khyến khích chủ nghĩa Hồi giáo cởi mở, tự do, thay cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà Riyadh tuyên truyền suốt nhiều thập kỷ.

Thế nhưng, theo tuần báo Le Point, hoàng thái tử Mohammad Bin Salman cải tổ đất nước trước tiên là để củng cố chế độ quân chủ chuyên chế. MBS cuối cùng cũng chỉ là một nhà chuyên chế. Hình mẫu của MBS là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã cho bắt giam giám đốc Interpol và tổng thống Nga Vladimir Putin, người có liên quan tới kế hoạch ám sát cựu điệp viên Sergeil Skripal bằng vũ khí hóa học ở Anh Quốc.

Và cuối cùng, bước thụt lùi của Saudi Arabia là một sự sỉ nhục đối với Châu Âu, nhất là Pháp và Anh Quốc, hai nước ủng hộ Riyadh mạnh mẽ nhất trong số các nước Châu Âu. Cả hai nước đều khuyến khích phát triển thương mại với Saudi Arabia, với hy vọng có được những hợp đồng mang lại nhiều lợi nhuận. Paris và Luân Đôn đều nhắm mắt làm ngơ trước nhiều hành động của Riyadh, chẳng hạn vụ không quân Saudi Arabia đã ném bom một chiếc xe bus chở học sinh đi học, cướp đi mạng sống của 40 em nhỏ ở Yemen hôm 09/08.

Pháp và Anh cũng giữ yên lặng khi Riyadh hủy các hợp đồng với Đức, vì Berlin nhấn mạnh việc Riyadh phải tôn trọng nhân quyền, hay khi MBS cắt đứt quan hệ với Canada khi nước này kêu gọi Riyadh trả tự do cho hai nhà nhà đấu tranh dân chủ. Vì những chuyện này mà Pháp và Anh mất thể diện, nhưng không vì thế mà hai nước kiếm thêm được hợp đồng với Saudi Arabia.

Bài báo kết luận : Suốt hơn 70 năm qua, Saudi Arabia tạo dựng sức mạnh và sự phồn thịnh dựa trên 3 cột trụ : dầu lửa, đạo Hồi và nước Mỹ. Dầu lửa thì không thể khai thác mãi được, Hồi giáo thì đã bị tổ chức khủng bố al Qaeda làm cho rung chuyển. Còn sự ủng hộ của Hoa Kỳ, có được nhờ tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ kéo dài cho đến khi nào ?

Cải cách hưu trí và những điều người Pháp muốn

Trong tuần qua, cải cách hưu trí là một đề tài được nhiều báo Pháp quan tâm. Nghiệp đoàn CFDT của Pháp mới đây đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến về hưu trí. Trong bài viết có tiêu đề "Điều người Pháp muốn", tuần báo L’Obs giới thiệu phân tích của nhà kinh tế Annie Jolivet thuộc Trung tâm nghiên cứu về lao động và việc làm, theo đó các cuộc thăm dò ý kiến của nghiệp đoàn CFDT về chế độ hưu trí chưa bao thu hút được sự quan tâm của nhiều người đến như vậy (120.000 người trả lời). Điều đó cho thấy người dân Pháp rất quan tâm và lo lắng về chế độ hưu trí.

Đa phần những người ở tuổi 40 không chắc sẽ được hưởng lương hưu. Tỉ lệ lo ngại này thấp hơn ở những người sắp tới tuổi về hưu. Nhưng đối với những người ở tuổi 62-67, về hưu thường bị xem là "điều đáng sợ". Dù ở lứa tuổi nào thì đa phần số người được hỏi dự báo mức sống của họ khi về hưu sẽ kém đi. 65% cho rằng người hưu trí là người nghèo.

Những người lo ngại nhất về chế độ hưu trí là những người có nhiều vấn đề về sức khỏe, những người đã có thời gian thất nghiệp, ký hợp đồng ngắn hạn hay chỉ có việc làm tạm thời, những người vốn hay thất bại trong sự nghiệp, muốn giữ công việc lâu dài cho đến tuổi về hưu cũng là điều khó khăn.

Phụ nữ cũng lo lắng nhiều hơn nam giới về chế độ hưu trí. Để có thời gian chăm sóc gia đình, con cái, nhiều phụ nữ chỉ làm việc bán thời gian, xin nghỉ chế độ kéo dài để chăm sóc con nhỏ, nên họ sợ tiền trợ cấp hưu trí sau này sẽ thấp. Cứ ba phụ nữ thì có hai người cho rằng chế độ hưu trí dành nhiều ưu đãi hơn cho phụ nữ cũng là điều bình thường, bởi vì phụ nữ thường thiệt thòi hơn trong sự nghiệp so với nam giới. Khoảng 20% số nam giới được hỏi cũng đồng ý như vậy. Nhưng điều cần thiết nhất, theo nhiều người, là phải giảm sự bất bình đẳng nam - nữ trong lĩnh vực lao động.

Mỹ phẩm dành cho phụ nữ ung thư vú

Trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, trong bài viết "Ung thư, làm thế nào để được thoải mái", tuần báo L’Express cho biết năm 2017 Pháp ghi nhận thêm 4.000 phụ nữ mắc bệnh ung thư vú, nhưng cho tới nay các thương hiệu mỹ phẩm lớn vẫn chần chừ chưa dám hướng trực tiếp tới nhóm khách hàng này. Rất may là còn có những doanh nghiệp mới, những nhà sản xuất nhỏ quan tâm cho ra mắt các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp hay các dòng mỹ phẩm đặc biệt phù hợp với các phụ nữ đã qua quá trình trị liệu ung thư.

Hồi đầu tháng 10, ở Bordeaux, rất nhiều phụ nữ sau phẫu thuật cắt bỏ khối u ở ngực đã tới Tuần lễ xăm hình "Rose Tattoo" để được các nghệ nhân xăm hình lên ngực để xóa vết sẹo hoặc làm đẹp bộ ngực đã qua phẫu thuật tái tạo. Các nghệ nhân tham gia tuần lễ xăm hình cho phụ nữ bị ung thư vú đều làm việc tình nguyện, không thu phí.

Còn hãng mỹ phẩm "Même" thì cho ra mắt dòng sản phẩm chăm sóc đặc biệt cho làn da, móng tay, mái tóc… của những phụ nữ phải trị liệu ung thư, giúp họ quyến rũ hơn. Chỉ trong vòng 1 năm, thương hiệu mỹ phẩm Memecosmetics đã gặt hái được nhiều thành công, mở rộng được mạng lưới phân phối sản phẩm : từ chỉ bán hàng trên mạng và có sản phẩm bán ở 300 hiệu thuốc, nay Memecosmetics đã có 1.500 điểm bán hàng.

Sáng kiến của những hãng mỹ phẩm nhỏ như Memecosmetics hay Ozalys đã có tác động nhất định đối với các hãng mỹ phẩm lớn trong việc chú ý hơn đến những phụ nữ không may mắc bệnh ung thư vú.

Trung Quốc : Thế hệ trẻ em nông thôn bị smartphone hủy hoại

Trong lĩnh vực xã hội, tuần báo Courrier International dịch và giới thiệu bài viết "Thế hệ trẻ em nông thôn bị smartphone hủy hoại" đăng trên tờ Trung Quốc Thanh niên báo (Zhongguo Qingnian Bao).

Tại Trung Quốc, khoảng 60-100 triệu trẻ em ở nông thôn sống xa cha mẹ. Họ rời làng quê ra thành phố kiếm sống, thường là ở những nơi rất xa. Trong thời đại công nghệ số, tương lai của các em dường như còn đen tối hơn vì thói quen sử dụng điện thoại di động không thể kềm chế.

Bài phóng sự được bắt đầu với câu chuyện về một thiếu niên học bậc phổ thông, sống ở nông thôn miền đông Trung Quốc cùng bà vì cha mẹ em đi làm ăn ở tận Bắc Kinh. Cậu bé hàng ngày mải miết chơi điện thoại di động, bất chấp những lời than vãn của bà. Bà em nói đã già, thậm chí là quá già nên không thể quản lý nổi em. Nghỉ hè, buổi sáng, mặt trời đã lên cao mà em vẫn nằm ườn trên giường chơi điện tử trên smartphone. Buổi trưa, ăn vội vàng vài miếng rồi cậu bé lại chơi điện tử. Đêm khuya, thậm chí đến 2-3 giờ sáng, cậu vẫn còn chơi điện thoại. Trả lời với phóng viên, cậu bé nói "Cháu còn biết làm việc gì khác ngoài chơi điện tử ?".

Đúng là rất khó để tìm được trò chơi gì hay ở trong làng, các em không có chỗ bơi lội, không được trèo cây, chẳng có hoạt động vui chơi nào khác, cũng không có lớp học phụ đạo. Ở Trung Quốc, trò chơi điện tử trực tuyến ngày càng hủy hoại cuộc sống của các thiếu niên, bởi nhiều em chơi không ngừng nghỉ và cho rằng thế mới là hợp thời.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Nguồn : RFI, 21/10/2018

Published in Video

Vụ Khashoggi : Thái tử Saudi Arabia tự hại thân (RFI, 19/10/2018)

Lần đầu tiên từ khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích khi vào Toà lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul ngày 02/10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump gần như nhìn nhận nạn nhân đã chết và đe dọa trừng phạt nghiêm khắc Riyahd. Vương triều dự tính bắt một viên tướng an ninh làm vật tế thần, nhưng theo truyền thông quốc tế, nghi can số một chính là thái tử Mohammad Bin Salman, một nhà lãnh đạo hai mặt.

sda1

Hoàng thái tử Mohammad Bin Salman trong chuyến thăm Madrir, ngày 12/04/2018. AFP/Oscar Del Pozo

Jamal Khashoggi không phải là người Saudi Arabia lưu vong đầu tiên bị ám sát. Ai cũng còn nhớ nhà đối lập Nassir Al Said biệt tích tại Lebanon vào năm 1997. Năm 2003, hoàng thân Sultan bin Turki bị bắt cóc ở Geneve. Năm 2015, một hoàng thân khác, Turki ben Badar Al Saoud, đang xin tị nạn tại Paris, đột nhiên biến mất.

Tháng 06/2017, thái tử Mohammad Bin Salman, biệt hiệu MBS, đương kim bộ trưởng quốc phòng mới 32 tuổi, đã được chọn làm người kế vị vua cha Salman, tạo ra một bầu không khí đổi mới. MBS tự cho mình là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, hiện đại, hứa hẹn canh tân chế độ phong kiến lạc hậu và đã không tiếc tiền quảng cáo đánh bóng hình ảnh này.

Biện pháp cụ thể của ông là cho phụ nữ quyền lái xe, xem bóng đá và tung ra nhiều đợt chống tham nhũng mà sự kiện gây tiếng vang lớn nhất là bắt hàng chục hoàng thân, hoàng tử bị cáo buộc tham ô. Tuy nhiên, thái tử Mohammad Bin Salman cũng không tha bất kỳ ai chống lại mình, điển hình qua các cuộc thanh trừng liên tục được phát động nhân danh bài trừ tham nhũng, theo nhận định của chuyên gia về Saudi Arabia, Clarence Rodriguez, của đài France 24, cũng như báo chí Anh Mỹ nhắc lại trong những ngày qua.

Tháng 12/2017, thiếu tướng Ali Al Qahtani, ủng hộ một hoàng tử đối nghịch với thái tử Mohammad Bin Salman, chết trong lúc bị câu lưu, cổ có dấu hiệu bị vặn gẫy. Tại Saudi Arabia, nhiều nhà họat động nhân quyền bị kết tội khủng bố, theo tố cáo của tổ chức Human Rights Watch.

Nhà báo Jamal Khashoggi phải lưu vong để tránh nhà tù. Tại Mỹ, trong mục "Ý kiến" của Washington Post, nhà báo Jamal Khashoggi liên tục chỉ trích thiên hướng độc tài, trấn áp của thái tử MBS. Ngay trong vụ bài trừ tham ô hồi đầu năm 2018 mà hàng chục hoàng tử bị nhốt trong khách sạn Ritz Carlton ở Riyahd, nhiều người bị đánh đập và phải ký giấy nợ với giám đốc cảnh sát thủ đô, thân cận của MBS. Kết quả là nhân vật này thu được hàng chục tỷ đôla cho dự án "Vision 2030".

Theo một nhà ngoại giao Pháp tại Riyahd, thái tử MBS là một người thô bạo mà chính tổng thống Emmanuel Macron và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã có cơ hội trải nghiệm "thực tế".

Tuy nhiên, nhân vật được chỉ định nắm vận mệnh Saudi Arabia cũng là một nhà lãnh đạo có viễn kiến và muốn canh tân thật sự : Hơn hai phần ba dân số Saudi Arabia là thành phần trẻ, chưa đến 30 tuổi. MBS tuyên bố cải cách cho thế hệ này và được giới trẻ ủng hộ. Rất nhiều doanh nhân và giới lãnh đạo chính trị thế giới cũng đổ xô về Saudi Arabia vì tin vào MBS, nhưng nay phải thất vọng vì thấy mình đánh giá sai lầm. Một bộ mặt khác của MBS xuất hiện đúng như Jamal Khashoggi cảnh báo từ hai năm nay.

Jamal Khashoggi có lẽ đã bị bịt miệng vì người ta không muốn nhà báo nói lên sự thật. "Sự thật, dân chủ và tự do" là ba mục tiêu quan trọng nhất đối với nhà báo Jamal Khashoggi, theo nhận định của Middle Est Eye, báo chuyên đề về thời sự Trung Đông.

Để tháo gọng kềm từ từ siết lại, triều đình Saudi Arabia dự tính quy trách nhiệm cho tướng Ahmed Assiri, một cố vấn của hoàng thái tử. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng khác có mặt trong toán ám sát bị Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện là Maher Abdulaziz Mutreb, cũng là một người thân cận của MBS.

Thái tử lần này có thoát được hay không ? Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao ? Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trao cho Liên Hiệp Quốc nhiệm vụ điều tra để tránh trường hợp "đổi chác" ở cấp chính phủ.

Tú Anh

*******************

Vụ Khashoggi đe dọa chiến lược của Mỹ tại Trung Đông (RFI, 18/10/2018)

Cái chết mờ ám của nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi đang thách thức bang giao giữa Washington với Riyahd, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông. Nhà Trắng tránh để mang tiếng là bao che cho Saudi Arabia bịt miệng một tiếng nói đối lập, nhưng cũng không thể làm phật lòng thái tử Mohammad Bin Salman, lá chủ bài của Hoa Kỳ để kềm tỏa ảnh hưởng của Iran trong vùng Vịnh. Về mặt kinh tế, dầu hỏa và những hợp đồng khổng lồ với Riyahd là hai yếu tố buộc chính quyền Trump phải thận trọng.

sda2

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo sang Riyahd trao đổi với thái tử Mohammad Bin Salman để giải quyết cuộc khủng hoảng về vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Reuters/Leah Millis/Pool

Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Saudi Arabia, nơi quyền lực thực sự được đặt trong tay thái tử Mohammad Bin Salman. Đành rằng Riyahd là một đồng minh lâu đời của Washington trong khu vực vùng Vịnh và nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp đứng về phía vương quốc dầu hỏa này, nhưng chính quyền Trump đã có những bước tiến rất xa và kỳ vọng nhiều vào Saudi Arabia để thực hiện một chiến lược "đầy tham vọng" ở Trung Đông.

Phải đợi nhiều ngày sau khi nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi mất tích, chính quyền Mỹ mới lên tiếng. Tổng thống Trump từng bực mình khi được báo chí hỏi về số phận của một cộng tác viên với tờ báo Washington Post và cho rằng, ông Khashoggi không phải là công dân Mỹ. Có điều, hơn hai tuần qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy là tiếng nói đối lập với chính quyền Riyahd này dường như đã bị "tra tấn và bị chặt đầu" trong tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó là hàng loạt bằng chứng cho thấy đằng sau cái chết mờ ám đó có bàn tay của thái tử Mohammad Bin Salman, nhân vật rất thân với cố vấn và cũng là con rể tổng thống Trump, Jared Kushner. Vụ việc lại càng gây bối rối cho Nhà Trắng khi mọi người phát hiện nhà báo Khashoggi sống lưu vong tại Hoa Kỳ và có thẻ thường trú của Mỹ. Chẳng đặng đừng, tổng thống Trump phải lên tiếng, nhất là khi ông chịu sức ép từ trong hàng ngũ của chính đảng Cộng hòa ở Quốc hội.

Dù nói sẽ "nghiêm phạt" Riyahd nếu chính quyền Saudi Arabia là thủ phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng tổng thống Trump báo trước là quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh truyền thống này tại Trung Đông vẫn rất tốt đẹp.

Theo giới quan sát có nhiều lý do để chính quyền Trump nhẹ tay với Riyahd.

Trước hết, phải kể đến yếu tố kinh tế, chính quyền Trump cần giữ quan hệ tốt với Saudi Arabia tránh để vương quốc dầu hỏa này dọa khóa van dầu, đẩy giá vàng đen lên cao làm phương hại tới kinh tế của nước Mỹ. Ngoài ra, như chính tổng thống Trump tuyên bố, ông không có ý định hủy bỏ những hợp đồng mua bán vũ khí của Riyahd, hay gây phương hại đến 110 tỷ đầu tư của Saudi Arabia vào Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng hơn cả là về phương diện chiến lược, Mỹ cần Saudi Arabia trong nhiều hồ sơ. Theo giải thích của chuyên gia về Trung Cận Đông, Simon Henderson, thuộc trung tâm nghiên cứu Washington Institute for Near East Policy, tổng thống Trump khó xử với Riyahd, bởi Saudi Arabia là một lá chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn của Donald Trump có những mối liên hệ trực tiếp và gần gũi với thái tử Mohammad Bin Salman. Theo giới phân tích, vũng vì cần Saudi Arabia mà Mỹ - và cả Châu Âu đều nhắm mắt làm ngơ để cho thái tử Mohammad Bin Salman rộng bề hành động, đặc biệt là qua chiến dịch quân sự tại Yemen.

Thậm chí Nhà Trắng còn xem Saudi Arabia, một nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni, là cột trụ trong chiến lược Trung Đông rộng lớn. Trong một bài báo trên Wall Street Journal, giáo sư Walter Russell Mead, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Mỹ, nhận định : Khi quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, tổng thống Trump và ban tham mưu của Nhà Trắng đánh cuộc trên một kịch bản. Đó là bóp ngạt kinh tế Iran, buộc Tehran phải tập trung tăng cường quân sự, triển khai tên lửa và hạt nhân. Khi đó Saudi Arabia và Israel, hai kẻ thù không đội trời chung của Tehran, sẽ là những cánh tay nối dài của Mỹ để "dạy cho Iran một bài học".

Chỉ khi đó, Washignton mới trở lại cuộc chơi, làm một công đôi việc. Một mặt ép Tehran để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân "cân bằng hơn", mặt khác sẽ mặc cả với Iran để giải quyết hồ sơ Syria. Bởi ai cũng biết, Iran cùng với Nga đang là hai điểm tựa chính của chế độ Damascus.

Có điều cái chết đột ngột của nhà báo Jamal Khashoggi đã làm đảo lộn những nước cờ của Washington tại Trung Đông. Ba tuần trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, bài toán của tổng thống Donald Trump càng thêm nan giải, khi những nhân vật được cho là thân cận với Nhà Trắng, chẳng hạn thượng nghị sĩ Lindsey Graham, không vòng vo tố cáo là hoàng tử Mohammad Bin Salman đã "ra lệnh ám sát Jamal Khashoggi trước mắt Hoa Kỳ". Vẫn theo ông Lindsey Graham, trong trường hợp đó, hoàng thái tử Mohammad Bin Salman "phải ra đi".

Thanh Hà

Published in Quốc tế

"Vụ cướp thế kỷ" 55 tỷ euro

Liên Hiệp Châu Âu bị một nhóm môi giới chứng khoán, các ngân hàng lớn "đánh cắp" 55 tỷ euro trong vòng 15 năm và nhiều tình tiết gay cấn trong vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị thủ tiêu là hai chủ đề chiếm nhiều trang báo Pháp ngày 19/10/2018.

cuop1

Vụ tẩu tán tài sản bắt nguồn từ Đức đã làm 11 quốc gia Châu Âu mất trắng gần 55 tỷ euros - Reuters/Regis Duvignau

"Từ một tiểu thuyết trinh thám tới phim kinh dị", Libération nhận định như trên về những thông tin rò rỉ liên quan tới vụ ông Khashoggi mất tích ngay giữa ban ngày, hôm 02/10/2018, tại tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một tờ báo thân chính quyền Ankara, nhà báo xấu số này đã bị hỏi cung, bị tra tấn. Người cầm bút để viết những bài báo chỉ trích vương triều Riyahd đã bị chặt nhiều ngón tay, rồi bị chặt đầu. Một bác sĩ pháp y đã xẻ thi thể nạn nhân ra từng mảnh ngay trong phòng làm việc của lãnh sự Saudi Arabia. Mọi chuyện diễn ra trong vòng 7 phút, theo tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ Yeni Safak, được Libération trích dẫn lại.

Trong một đoạn băng thu âm, người ta nghe thấy tiếng lãnh sự Saudi Arabia, Mohammed Al Otaibi, phản đối những tay đồ tể Riyahd gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ. Lập tức có tiếng nói đáp trả : "Im mồm, nếu muốn toàn mạng khi mày về nước".

An ninh Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện 15 người thuộc nhóm "đặc nhiệm" được lệnh thủ tiêu Khashoggi. Họ đều là bộ hạ thân tín của thái tử Mohammad Bin Salman và đã từng tháp tùng thái tử Saudi Arabia khi ông sang Luân Đôn và Paris. Thêm một tiết lộ gay cấn khác là một trong số 15 người thuộc nhóm "đặc nhiệm" nói trên vừa thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi ngày 18/10/2018.

Le Monde bồi thêm : "Cận vệ thân tín nhất của thái tử Mohammad Bin Salman tham gia toán đặc nhiệm" triệt hạ nhà báo Khashoggi. Tờ báo liệt kê tên tuổi, chức vụ của nhiều thành viên trong nhóm 15 người này và kết luận : "Khó có thể tin rằng, ngần ấy nhân vật cao cấp trong guồng máy an ninh Saudi Arabia được điều đến Istanbul mà không có chỉ thị từ trên cao".

Jamal Khashoggi là ai ?

Vào lúc mà cái tên Jamal Khashoggi đã được báo chí quốc tế nhắc tới nhiều từ hai tuần qua, cái chết mờ ám của ông gây bối rối cho cả từ Hoa Kỳ đến Liên Hiệp Châu Âu và đương nhiên là vương triều Riyahd, Le Figaro dành một bài báo dài giới thiệu với độc giả "người bạn của các ông hoàng Saudi Arabia đã trở nên quá nguy hiểm".

Jamal Khashoggi đã ba lần dùng cơm tối với trùm khủng bố Usama Bin Laden, người chủ mưu loạt tấn công 11 tháng 9 trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Hai gia đình Bin Laden và Khashoggi biết nhau rất rõ. Jamal một thời từng là bạn đồng hành của Usama. Dòng họ Bin Laden làm giàu trong ngành xây dựng, còn chú ruột của nhà báo Jamal là một nhà môi giới trong các thương vụ mua bán vũ khí giữa Saudi Arabia với Hoa Kỳ.

Ông nội của nhà báo Jamal Khashoggi là bác sĩ riêng của nhà vua Abdulaziz al Saud, người sáng lập ra vương quốc Saudi Arabia. Nhà báo vừa bị sát hại này trước đây từng lui tới hoàng cung, chơi thân với các ông hoàng của triều đại Al Saud và thậm chí đã từng cố vấn cho các hoàng thân.

Năm ngoái, khi hoàng thái tử Mohammad Bin Salman tiến hành cuộc thanh trừng ngay trong nội bộ hoàng cung, răn đe những tiếng nói chống đối, nhà báo Jamal Khashoggi thu xếp hành lý sang định cư tại Hoa Kỳ. Ở Washington, ông quen biết rất nhiều, từ giới truyền thông đến các chính khách và cả các nhân viên tình báo.

Tại Mỹ, Jamal Khashoggi vẫn thường xuyên lui tới với các nhà ngoại giao Saudi Arabia, đều đặn được nhắc nhở đừng quá nhiệt tình kêu gọi cải tổ và đòi dân chủ tại những vùng đất "không bao giờ chia sẻ quyền lực".

"Vụ cướp thế kỷ" 55 tỷ euro

Hồ sơ lớn thứ nhì trong ngày trên các báo Paris là vụ trốn thuế gây thiệt hại 55 tỷ euro cho Châu Âu trong vòng 15 năm. Nhật báo Le Monde đã cùng với 18 đối tác truyền thông khác điều tra về những "vụ lách thuế" tài tình. Đằng sau các vụ này là nhiều ngân hàng tên tuổi trên thế giới, là cả một đội ngũ các luật gia các quỹ đầu tư.

Tờ báo gọi đây là một vụ "cướp lớn", mà ở đó nạn nhân là các nhà nước Châu Âu. Số tiền bị đánh cắp là 55 tỷ euro và băng đảng chủ mưu thì gồm có các ngân hàng, các tay môi giới chứng khoán và các chuyên gia về luật thuế quan của Châu Âu. Cả một mạng lưới lừa đảo tinh vi hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật.

Mánh khóe lách thuế bị khám phá hồi năm 2011, khi mà cả khối euro đang điêu đứng vì khủng hoảng nợ công, thì một phòng thuế vụ của Đức liên tiếp nhận được thơ đòi sở thuế này phải hoàn lại một khoản tiền ngoài sức tưởng tượng của phòng thuế vụ. Thư đòi tiền là của một quỹ đầu tư nhưng đằng quỹ đó là một người sống ở Mỹ.

Le Monde giải thích về mánh lới khá tinh vi của những tay trốn thuế và đáng nói hơn cả là vào lúc Châu Âu bị đe dọa nổ tung vì khủng hoảng tài chính, các chính quyền phải tung ra hàng chục tỷ euro cứu nguy các ngân hàng, thì một số các ngân hàng có uy tín trên Lục Địa Già lại tiếp tay với kẻ bất lương, rút ruột Châu Âu 55 tỷ euro.

Đức bị thiệt hại khoảng từ 7 đến 12 tỷ euro trong vòng 7 năm, Pháp bị nhẹ hơn chỉ mất chừng 3 tỷ euro. Le Figaro trong phần trang kinh tế nói tới một "vụ cướp được tổ chức ở quy mô quốc tế" vì ngoài Pháp và Đức, Na Uy, Thụy Sĩ cũng trong tầm ngắm của kẻ bất lương.

La Croix trong bài xã luận nhấn mạnh rằng vụ gian lận này có "tổ chức" và số tiền 55 tỷ euro đã bị cướp đi trong lúc mà Châu Âu áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm lương hưu và trợ cấp xã hội của người nghèo. Còn một số những người giàu và rất giàu vô lương tâm thì mướn cả một đội ngũ các chuyên gia về thuế khóa để bòn rút của nhà nước.

Johnny Hallyday : Tình yêu quê hương tôi

Sự kiện văn hóa được các báo quan tâm trong ngày là cuốn album vừa được phát hành của cố danh ca Johnny Hallyday : "Mon Pays C'est l'Amour" - món quà cuối cùng ông dành tặng cho người hâm mộ.

Libération đưa sự kiện này lên trang bìa và nhận định, phát hành đĩa hát khi nghệ sĩ đã qua đời, một con gà đẻ trứng vàng đối với các nhà sản xuất.

Johnny Hallyday trước khi vĩnh viễn ra đi đã dành lại 10 ca khúc, gửi gấm vào album "Tình yêu quê hương tôi". La Croix chú trọng đến cuốn album thứ 51 của ông vua nhạc rock người Pháp này : đây là đĩa hát cuối cùng được Johnny Hallyday thu âm khi đã lâm bệnh, nhưng giọng hát vẫn khỏe và rực lửa như thủa nào. "Chắc chắn đây là đĩa hát bán chạy nhất trong năm 2018".

Johnny Hallyday không là người đầu tiên và cũng không là ca sĩ cuối cùng cho phát hành đĩa hát khi đã thành người thiên cổ.

Trước ông, từ Michael Jackson đến Jim Morrison từng để lại một chút gì để an ủi những người hâm mộ. Những cuốn album ra đời muộn màng đó theo một nhà báo được Libération trích dẫn, là một sự lưu luyến, là nguyện vọng của người nghệ sĩ được ở lại mãi mãi trong lòng người hâm mộ.

Nhưng trong thế giới các nhạc sĩ tài hoa đã đi vào thiên thu, David Bowie và Leonard Cohen là những ngoại lệ : cả hai cùng đã khéo léo đàm phán với tử thần, để cho ra đời những đĩa hát cuối cùng trước khi họ vĩnh viễn trở về với cát bụi.

Ban nhạc pop Hàn Quốc BTS, một Beatles thời đại Youtube

Cũng về âm nhạc, Le Figaro chú ý đến ban nhạc Pop nổi tiếng của Hàn Quốc BTS, trình diễn hai buổi tối nay và tối mai tại Paris, nhưng vé đã bán hết từ rất lâu.

17.000 vé bán hết trong vòng 9 phút. Tác giả bài báo gọi nhóm K-Pop này là "hiện tượng của các chương trình truyền hình thực tế đang làm mê hoặc cả thế giới". BTS là ban nhạc Beatles của Anh trong thập niên 1960.

Vì sao ban nhạc thường chỉ hát bằng tiếng Hàn này lại có sức thu hút ngang ngửa với những Justin Bieber, hay Lady Gaga với hơn 16 triệu followers trên các mạng xã hội và 9 triệu đĩa hát đã bắn khắp năm Châu ? Đâu là bí quyết của ban nhạc với 7 chàng thanh niên này, để đến nỗi, BTS trở thành lá chủ bài của chính quyền Hàn Quốc trên con đường chinh phục thế giới bằng quyền lực mềm và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công du nước Pháp trong bốn ngày đã mời BTS tháp tùng ?

Theo tác giả bài báo trên Le Figaro, câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này khá đơn giản : ở thời đại kỹ thuật số, BTS hoạt động như một chương trình truyền hình thực tế, không lúc nào rời xa cộng đồng những người hâm mộ đến nửa bước. BTS chia sẻ với tất cả những thanh thiếu niên khắp năm Châu những vui buồn, những hy vọng và lo âu của tuổi trẻ.

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Tham vọng của ngành đóng tầu Trung Quốc khiến quốc tế lo ngại

Trong bài viết "Tại Trung Quốc, các tập đoàn đóng tầu chạy hết công suất", nhật báo kinh tế Les Echos nói về tham vọng quân sự hàng hải của Bắc Kinh, đằng sau hai tập toàn lớn là CSSC và CSIC, để đạt tầm thế giới.

thamvong1

Tầu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 11/12/2016 ở biển Bột Hải (Bohai). Reuters/Stringer

Hải quân Trung Quốc có tham vọng trở thành một trụ cột mới của quốc gia, thông qua cuộc tập trận rầm rộ hồi tháng 04/2018 mà chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện với tư cách tổng tư lệnh tối cao. Cuối tuần qua, một lần nữa, Hải quân Trung Quốc khẳng định tham vọng này khi diễn tập chung với Malaysia và Thái Lan tại eo biển Malacca.

Và đằng sau tham vọng này, theo Les Echos, là cả một ngành công nghiệp được huy động, đặc biệt là hai tập đoàn đóng tầu của Nhà nước : CSSC (China State Shipbuilding Corporation, miền nam Trung Quốc ) - chuyên về hoạt động dân sự và CSIC(China Shipbuilding Industry Corporation, đông bắc Trung Quốc) - chủ yếu thiên về hàng hải quốc phòng. Chủ ý của Bắc Kinh là để cả hai tập đoàn hoạt động song song nhằm thúc đẩy cạnh tranh giữa hai bên và như vậy, sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Năm 2017, tổng doanh thu của cả hai tập đoàn tương đương 65 tỉ euro, trong đó 18,7 tỉ thuộc lĩnh vực đóng tầu dân sự và quân sự. Chỉ trong vòng 15 năm, vị thế của các xưởng đóng tầu của Trung Quốc đã tăng một cách kinh ngạc, hiện đang ngấp nghé vị trí hàng đầu thế giới của các tập đoàn Hàn Quốc (Daewoo, Samsung và Hyundai).

CSSC hiện trở thành xưởng đóng tầu dân sự lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hyundai. Có vẻ như nhiều nhà quan sát đã lầm khi cho rằng "Trung Quốc phải mất nhiều năm để có thể đóng được các loại tầu phức tạp", theo ông Philippe Louis-Dreyfus, chủ tịch hội đồng giám sát tập đoàn Louis-Dreyfus Armateurs. Hợp đồng giữa Carnival và CSSC năm 2017 là một bằng chứng với 2 tầu du hành lớn (croisière), cùng với 7 tầu chở chất đốt lỏng dung lượng 170.000 m3 cho công ty MOL của Nhật Bản.

Dĩ nhiên, trong lĩnh vực hàng hải quốc phòng, Nhà nước Trung Quốc vẫn là khách hàng chính nhằm phục vụ tham vọng gia tăng sức mạnh quân sự trong khu vực và trên trường quốc tế. Hai tập đoàn đóng tầu Trung Quốc cũng nhận được nhiều hợp đồng về trang thiết bị hàng hải đòi hỏi trình độ cao hơn, như hợp đồng cung cấp 3 tầu ngầm với Thái Lan và 4 tầu tuần tra cho Malaysia đều được ký vào năm 2017. Cũng nhờ được Nhà Nước ủng hộ mạnh mẽ, các tập đoàn này còn đưa ra những lời chào hàng hấp dẫn trên khắp thế giới, từ Brazil, Achentina đến Pakistan hay thậm chí cả Ba Lan.

Các nhà đóng tầu Châu Âu bắt đầu cảm thấy sức ép của Trung Quốc. Chỉ cách đây ít lâu, họ còn là bá chủ ngành xuất khẩu tầu chiến, giờ thời thế đã thay đổi. Một nhà công nghiệp cho rằng "trình độ của các nhà đóng tầu Trung Quốc được nâng cấp sẽ giúp họ cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn Châu Âu trong tương lai gần".

Đe dọa này sẽ thành hiện thực khi chính phủ Trung Quốc đang có ý định hợp nhất hai tập đoàn CSIC và CSSC nhằm chiếm lĩnh vị trí số 1 thế giới. Nếu dự án thành hiện thực, tập đoàn hợp nhất của Trung Quốc sẽ đạt gấp hai lần doanh thu của cả ba tập đoàn Hàn Quốc Hyundai Heavy Industries, Daewoo Shipbuilding và Samsung Heavy Industries.

Hoạt động độc lập để bớt phụ thuộc vào nước ngoài

Như vậy, tham vọng của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Trả lời Les Echos, nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel, trợ lý giám đốc chương trình Châu Á, Viện European Council on Foreign Relations, đánh giá : "Chưa bao giờ Trung Quốc lại gần sát đến một ngành công nghiệp độc lập như vậy".

Sau cuộc khủng hoảng vịnh Đài Loan 1995-1996, Trung Quốc đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp vũ khí để giảm dần phụ thuộc vào các hệ thống của Nga. Trung Quốc hiện chỉ phụ thuộc vào nước ngoài để nuôi dưỡng chiến lược canh tân của họ, thông qua chuyển giao công nghệ. Để quân đội Trung Quốc đạt được "tầm cỡ thế giới" vào năm 2050, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ : "công nghệ là khả năng chiến đấu trung tâm".

Bắc Kinh hiện hài lòng về những gì họ tự sản xuất được : tầu hộ tống, tầu khu trục… Giờ họ nhắm đến đến việc sản xuất tầu sân bay trực thăng và những thế hệ tầu ngầm hạt nhân mới. Không chỉ dừng trong khu vực, Trung Quốc muốn bảo vệ lợi ích ở nước ngoài và chinh phục các thị trường mới.

Bắc Triều Tiên kêu cứu vì bệnh lao

Bệnh lao đang hoành hành tại Bắc Triều Tiên. Đây là chủ đề chính của một bộ phim tài liệu mà đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Hein Sara Seok được phép ghi hình tại quốc gia khép kín nhất thế giới. Qua đó, Bình Nhưỡng thừa nhận cần trợ giúp nhân đạo khẩn cấp và hy vọng Liên Hiệp Quốc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Theo tường thuật của nhật báo công giáo La Croix, bộ phim được mở đầu với hình ảnh của một người đàn ông gần như không còn đủ sức để thở, nhọc nhằn lê từng bước và được cô con gái, cũng mắc bệnh lao, vác trên vai để đưa đến một trung tâm điều trị bệnh lao của hội Eugene-Bell. Hội từ thiện của Mỹ có 13 trung tâm điều trị tại Bắc Triều Tiên và chăm sóc khoảng 1.500 bệnh nhân mắc bệnh lao với chi phí điều trị là 5.000 euro cho mỗi đợt điều trị kéo dài 18 tháng. Tuy nhiên, số bệnh nhân được hội Eugene-Bell điều trị chỉ chiếm 20% tổng số bệnh nhân tại Bắc Triều Tiên (7.500 người) và những người không được điều trị chỉ nằm chờ chết.

Khi cho phép quay những cảnh này, dường như Bắc Triều Tiên đang thay đổi chiến lược, chủ ý cho thế giới biết tình hình nhân đạo khó khăn, và trở nên nghiêm trọng hơn do những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc năm 2016.

Từ vài tháng qua, tình hình nhân đạo khẩn cấp được nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ đánh động vì họ không được quyền đến Bắc Triều Tiên từ năm 2016. 40% người dân thiếu ăn và 25% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Bản thân nhiều tổ chức của Liên Hiệp Quốc (PAM, Unicef) cũng gặp khó khăn trong việc quyên góp dù vấn đề nhân đạo không nằm trong danh sách trừng phạt đơn phương, hoặc của Liên Hiệp Quốc.

Brexit : Đàm phán đi vào ngõ cụt

Chỉ chưa đầy sáu tháng là đến ngày Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, vậy mà, cả hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận chung hậu Brexit sau thượng đỉnh đầy trắc trở ngày 17/10/2018.

Đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) với Cộng Hòa Ireland hoặc một liên minh hải quan tạm thời vẫn là trở ngại chính. Do không muốn mất liên minh của đảng DUP, một đảng nhỏ Bắc Ireland, thủ tướng Anh Theresa May từ chối lập "lưới an ninh" tạm thời do phía Liên Hiệp Châu đề xuất.

Nhật báo Le Monde đăng bài phóng sự "Tại Bắc Ireland, bài toán nan giải của Brexit", đề cập đến những băn khoăn của người dân Anh Quốc sống dọc đường biên và nỗi lo tình trạng bất ổn trở lại. Họ có lý vì theo Le Monde, "chỉ còn chưa đầy sáu tháng, lo ngại về các cuộc đàm phán gặp thất bại vẫn rất rõ nét". Le Figaro đưa tin "Brexit : một thượng đỉnh bị "no deal" (không có thỏa thuận) ám ảnh". Les Echos cùng chung nhận định : "Tại Bruxelles, các nước Châu Âu trước ngõ cụt Brexit".

Vẫn theo Les Echos, Đức chuẩn bị tinh thần cho vụ ly dị với Anh không đạt được thỏa thuận. Liên hiệp các doanh nghiệp ngành thương mại Đức cho biết kịch bản này sẽ tiêu tốn vài tỉ euro cho các doanh nghiệp nước này.

Tổng thống Pháp Macron thừa nhận "vụng về"

Hai tuần chờ đợi để có được chính phủ mới, với 8 tân bộ trưởng, tổng thống Emmanuel Macron đã trấn an công luận Pháp trong bài phát biểu tại điện Elysée và được truyền hình tối 16/10/2018.

Một số nhật báo đã trở lại chủ đề này, ví dụ theo Le Monde, tổng thống Macron thừa nhận một số vụng về. Xã luận của Le Figaro khẳng định vở kịch dài về cải tổ nội các cho thấy "sự trục trặc" bên trong. Trong bài phát biểu, tổng thống Macron vừa muốn trấn an, nhưng lại thể hiện băn khoăn, lo lắng. Ông cũng khẳng định đã lắng nghe những lời chỉ trích, nhưng bài xã luận của Le Figaro đặt câu hỏi là ông Macron nghe ai ? Nguyên thủ Pháp phải nhanh chóng tìm được cách để kết nối với người dân và ông chỉ còn một giải pháp duy nhất : đó là hành động.

Nạn ấu dâm : Khi nào Giáo hội Pháp mới ăn năn ?

Nhiều nhân vật nổi tiếng người Pháp và người Công giáo đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nghị viện về tình trạng ấu dâm trong Giáo hội Pháp. Tuy nhiên, lời kêu gọi đã bị các thượng nghị sĩ của Ủy ban Luật pháp bác bỏ. Đây là chủ đề trên trang nhất và mục "Sự kiện" của nhật báo Libération.

Theo xã luận của Libération, Pháp đã bỏ lỡ cơ hội để thể hiện đã sẵn sàng dỡ bỏ lớp lá chắn nặng nề buộc các nạn nhân im lặng. Lý do được đưa ra là không được dùng Giáo hội làm vật tế thần vì lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên cũng xảy ra trong các hiệp hội thể thao, trường học và những nơi khác. Đúng là Giáo hội không phải là nơi duy nhất liên quan đến vấn nạn này, nhưng tại sao Giáo hội lại không đứng ra làm gương ? Lý do thứ hai là không nên chính trị hóa và gây tranh luận một chủ đề vô cùng tế nhị.

Paris và vùng Ile-de-France làm sạch nước sông Marne và sông Seine

Ngày 18/10/2018, thành phố Paris và chính phủ Pháp công bố 26 địa điểm được dự kiến cải tạo thành nơi bơi lội được trong khuôn khổ dự án Grand Paris (Paris mở rộng). Tổng chi phí cho dự án là 1,2 tỉ euro.

Theo Les Echos, "Paris mở rộng : sông Marne sẽ được làm sạch để bơi lội được vào năm 2022 và sông Seine vào năm 2025". Thế Vận Hội 2024 là động lực giúp đẩy nhanh dự án trên.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Mỹ-Trung : Chiến tranh thương mại mới chỉ là khởi đầu

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đã kéo dài từ cả tháng qua, nhưng luôn là đề tài nóng của báo chí. Với nhật báo kinh tế Les Echos, cuộc chiến này mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Tờ báo có bài phân tích "vì sao chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mới chỉ bắt đầu".

trade0

Đọ sức Mỹ - Trung mới chỉ ở điểm khởi đầu. Reuters/Jason Lee

Les Echos nhắc lại sự kiện hôm 4/10 vừa qua, tại Washington, phó tổng thống Mỹ Mike Pence có bài diễn văn với những cáo buộc Trung Quốc nặng nề chưa từng có ở một quan chức cao cấp Mỹ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ cách đây 4 thập kỷ.

Trong bài diễn văn kéo dài 40 phút này, phó tổng thống Mỹ công kích Bắc Kinh đủ mặt, từ cạnh tranh buôn bán không trung thực, đánh cắp sở hữu trí tuệ, bành trướng ngoại giao và chơi trò quân sự "nguy hiểm" trên Biển Đông. Thậm chí ông Mike Pence còn ủng hộ Đài Loan mà ông cho đó là mô hình dân chủ, "con đường tốt nhất cho mọi người Trung Quốc". Rồi ông Pence lên án Trung Quốc đang xây dựng một kiểu "Nhà nước giám sát bất hợp pháp", tụt hậu nghiêm trọng về tự do công dân. Cuối cùng, phó tổng thống Mỹ tố cáo Trung Quốc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Bề ngoài Bắc Kinh chỉ phản ứng bằng đánh giá những cáo buộc của nhân vật số hai nước Mỹ này là "lố bịch", nhưng theo tác giả bài báo thì bên trong Trung Nam Hải, trung tâm quyền lực của Bắc Kinh, các lãnh đạo Trung Quốc không khỏi đỏ mặt tức giận.

Tờ báo nhận xét : "Chưa bao giờ Trung Quốc bị tấn công công khai theo kiểu thế này. Một đòn tấn công trực diện, từ mọi góc độ. Với Bắc Kinh, chắc chắn là từ giờ Washington đang tìm cách kiềm chế để Trung Quốc không vươn lên thành cường quốc thống trị thế kỷ 21. Vì thế cần phải chuẩn bị cho một cuộc đọ sức lâu dài".

Les Echos phân tích : "Hoa Kỳ có lý do để lo sợ Trung Quốc. Không chỉ vì người khổng lồ Châu Á này nổi lên thành cường quốc kinh tế thế giới trong vòng 30 năm nay, đang góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, mà còn bởi tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó".

Les Echos nhấn mạnh : "Trung Quốc muốn có mọi thuộc tính của một siêu cường, đồng thời liên tục đưa ra các ý tưởng kiến kinh tế, quân sự chính trị và tư tưởng. Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, xây dựng hạm đội hải quân ngày càng đồ sộ, đầu tư hàng tỷ đô la vào trí thông minh nhân tạo, mơ ước biến mình từ một nước gây ô nhiễm nhất hành tinh thành cường quốc xanh mẫu mực, rồi họ lao vào cuộc chạy đua chính phục các vì sao".

Dù là lĩnh vực nào, cách làm của Trung Quốc vẫn là một : "tung tiền lớn vào những nơi mà cuộc chơi còn bỏ ngỏ và ấn định chiến lược với lịch trình cụ thể". Như đến năm 2049 , Trung Quốc phải là nước thống lĩnh mọi lĩnh vực. Từ nay đến đó, Trung Quốc không chỉ đuổi kịp mà còn phải vượt Mỹ. Cách đây một năm, Tập Cận Bình, trong Đại hội đảng 19, đã đặt mục tiêu đến năm 2050, nước Trung Quốc "xã hội chủ nghĩa hiện đại" vươn lên "hàng đầu thế giới".

Les Echos dẫn nhận định của Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu của Harvard Kennedy School : "Có một tâm lý chung ở Washington là Trung Quốc không thể tiếp tục vi phạm mọi quy định quốc tế được nữa".

Trong khi đó, Graham Allison, giáo sư đại học Harvard, giải thích, nhìn vào lịch sử từ cổ chí kim thì thấy mỗi khi xuất hiện một cường quốc mới nổi lên đối chọi lại một cường quốc đã có, thì chiến tranh thường phải nổ ra. Từ quan sát đó để thấy, "cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chỉ là điều ít tệ hại nhất", Les Echos kết luận.

Saudi Arabia : Nghi án giết người, Mỹ cũng bị cuốn theo

Một thời sự quốc tế khác cũng đang được dư luận theo dõi sát. Đó là nghi án nhà báo Saudi Arabia Khashoggi bị thủ tiêu tại tòa lãnh sự nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những diễn biến mới.

Nhật báo Libération chạy tựa "Vụ Khashoggi : Riyadh bị cáo buộc và bị dồn vào đường cùng".Theo tờ báo, sau khi từ chối sự việc hiển nhiên suốt 15 ngày qua, Saudi Arabia dường như cuối cùng rồi cũng buộc phải thừa nhận việc nhà báo bị tra tấn, sát hại rồi bị chặt thành từng mảnh trong tòa lãnh sự ở Istanbul. Vương quốc vùng Vịnh này đang tiến hành thương lượng với Thổ Nhĩ Kỳ còn Washington cũng muốn tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng để giảm nhẹ trách nhiệm cho Riyadh. Libération nhấn mạnh, dù có thú nhận vụ giết người để giảm nhẹ trách nhiệm cho các quan chức lớn của Saudi Arabia, nhưng vụ việc vẫn không thể khép lại đơn giản.

Vụ việc không chỉ liên quan đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia mà còn dính dáng đến Hoa Kỳ, đồng minh lớn của Saudi Arabia, và nhất là hiện Riyadh đang có hợp đồng mua vũ khí Mỹ tới 110 tỷ đô la. Đó là chưa kể trong chuyến thăm Saudi Arabia của tổng thống Trump hồi tháng 5/2017, hai nước đã ký các thỏa thuận làm ăn lên tới 380 tỷ đô la. Libération ghi nhận : "Về mặt ngoại giao, buộc phải lên án nghi án sát hại Jamal Khashoggi, nhưng tổng thống Mỹ muốn để cửa thoát cho Riyadh".

Để thấy rõ tầm mức quan trọng của vụ việc đối với Washington, tổng thống Donald Trump đã khẩn cấp cử ngoại trưởng Mike Pompeo đến Riyadh, ngày hôm qua (16/10), để gặp nhà vua Salmane và hoàng tử kế vị Mohamed ben Salmane, người đang thực sự lãnh đạo Saudi Arabia. Song song đó, ông Trump cũng có những phát ngôn bóng gió nhằm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Vụ án xảy ra ở cách nước Mỹ cả ngàn cây số, tưởng chỉ liên quan đến hai nước Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, thế mà giờ đây trở thành câu chuyện tế nhị và nhạy cảm đối với nước Mỹ của tổng thống Trump.

Canada hợp pháp hóa cần sa

Nhìn qua Châu Mỹ với sự kiện trong ngày, nhật báo La Croix đưa tin : "Canada hợp pháp hóa mua bán và tiêu thụ cần sa".

Tờ báo viết :"ngày 17/10 đánh dấu một kỷ nguyên mới ở Canada. Đất nước của chiếc lá cây phong đường, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, sau Uruguay, hợp pháp hóa cần sa".

Tờ báo trích dẫn thông kê chính thức của Canada cho thấy những con số đang ngạc nhiên về chuyện tiêu thụ cần sa ở đất nước này : Năm 2018, có 4,9 triệu dân Canada trên 15 tuổi dùng cần sa. Hơn một nửa trong số này sử dụng thường xuyên hàng tuần. Trong tỉnh Québec, 41% người ở độ tuổi từ 18-25 hút cần sa. Từ đầu năm đến nay, người Canada có thể đã chi khoảng 3,8 tỷ euro cho nhu cầu hút sách, chiếm khoảng 10% chi cho y tế.

Đó là những con số có thể lý giải phần nào quyết định trên cuả Ottawa. Dường như chính quyền đã nhìn thấy ở thị trường cần sa này một nguồn thu thuế không nhỏ, thêm vào đó là mục đích thu hút thêm du khách nước ngoài ?

Một vấn đề được đặt ra chưa có câu trả lời là liệu người ta có được tự do hút cần sa khi lái xe, như hút thuốc lá bình thường. Bởi cần sa thì lại đặc biệt nguy hiểm cho lái xe.

Pháp cải tổ chính phủ, vẫn lại thất vọng

Thời sự chính trị nước Pháp chiếm dung lượng lớn của các tờ báo ra hôm nay với thông báo cải tổ nội các chính phủ Pháp.

Sau nhiều ngày phấp phỏng chờ đợi, cuối cùng hôm qua (16/10), tổng thống Pháp cũng đã chốt được thành phần chính phủ gồm 8 bộ trưởng và quốc vụ khanh mới. Mong chờ từ nhiều ngày, nhưng các báo đều tỏ ra thất vọng với sự thay đổi nhân sự chính phủ, bởi tổng thống Emmanuel Macron ngay sau đó ít giờ đã lên truyền hình khẳng định không thay đổi đường hướng cải cách đang theo đuổi, cho dù đang bị các đảng phái đối lập chỉ trích mạnh mẽ, dân chúng thì đang thất vọng.

Các báo hầu như đều tập trung bày tỏ thái độ thất vọng vào cá nhân tổng thống Macron. Không thấy được một sự thay đổi nào trong tương lai nước Pháp sau cuộc cải tổ chính phủ lần này. Điều quan trọng hơn cả là phải thay đổi chính con người, cung cách lãnh đạo của tổng thống, như nhật báo Les Echos kết luận : "điểm yếu nhìn thấy ở ông không phải là đường lối đang tiến hành mà là bản thân ông và cách quan hệ của ông với người dân Pháp. Đó mới là điểm phải thay đổi, nếu còn có thể".

Cậy dân biểu chống người thi hành công vụ

Một sự kiện chính trị nội bộ khác của Pháp xuất hiện trên nhiều báo, đó là lãnh đạo đảng đối lập Nước Pháp Bất Khuất – France Insoumise, ông Jean-Luc Mélanchon, hôm qua đối mặt với lực lượng giữ gìn trật tự. Lý do là theo yêu cầu của Viện Công Tố Paris, Cơ quan Trung ương Chống tham nhũng và vi phạm tài chính thuế đã tiến hành khám xét văn phòng của đảng France Insoumise. Các nhà điều tra muốn thu thập các bằng chứng liên quan đến các tố cáo lạm dụng ảnh hưởng, lạm chi và gian lận thuế. Ông Jean-Luc Mélanchon đã chống đối lại quyết liệt những người thi hành công vụ, viện cớ mình là dân biểu. Nhưng hành động của ông đã bị các báo lên án mạnh mẽ, thậm chí coi hành vi phản kháng đó là vi phạm pháp luật, bởi đơn giản tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Xã luận của Libération viết : "Phản ứng của lãnh đạo France Insoumise là mang bản chất cực đoan và không chính đáng". Bao năm nay, tư pháp vẫn sờ tới không chỉ có ông Mélanchon mà nhiều đảng phái khác cũng như nhiều nhân vật tên tuổi như cự thủ tướng François Fillon và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy… "Các nhà điều tra đã có nghi ngờ thì (việc tiếp theo là) cần phải xác minh hoặc phủ nhận điều đó. Cuộc điều tra là hợp pháp. Là dân biểu thì phải hiểu được luật pháp áp dụng cho mọi người, dù đó là dân biểu hay công dân…"

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc giấu đầu hở đuôi

Về thời sự Châu Á, vụ Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ là đề tài được báo Libération quan tâm. Tờ báo cho biết "Người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc thừa nhận có các trại giáo dục". Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc luôn phủ nhận mạnh mẽ sự tồn tại của các trại bí mật giam giữ người Hồi giáo ở Tân Cương, mặc dù nhiều tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông nước ngoài đã thu thập được nhiều chứng cớ. Tuy nhiên, trong tuần qua, Đảng cộng sản Trung Quốc đột nhiên thay đổi thái độ.

tran1

Cảnh sát Trung Quốc giám sát an ninh trước cửa một đền thờ Hồi giáo của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 26/06/2017. Johannes EISELE / AFP

Bắc Kinh tìm cách thanh minh việc giam giữ khoảng 1 triệu người, chủ yếu thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và đề xuất sửa đổi bổ sung luật "chống chủ nghĩa cực đoan". Các văn bản sửa đổi này nhằm hợp pháp hóa việc sử dụng "các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp" để "giáo dục và cải đổi" những người bị ảnh hưởng bởi "hệ tư tưởng cực đoan" và để tạo cho họ "cơ hội có việc làm".

Theo nhiều tường thuật và các cuộc điều tra, hiện có khoảng 10% dân số thuộc các sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi trong vùng Tân Cương bị cầm giữ trong các trung tâm giam giữ trái phép. Các vệ tinh đã ghi được hình ảnh về các trung tâm này. Lấy cớ là đấu tranh chống khủng bố, chính quyền Trung Quốc tùy tiện bắt giữ công dân ở mọi lứa tuổi và bắt ép họ học "tư tưởng Tập Cận Bình".

Mọi biểu hiện về niềm tin tôn giáo, tôn trọng truyền thống địa phương hoặc có liên hệ với người nước ngoài đều có thể bị coi là dấu hiệu "cực đoan hóa" và "có thiện cảm với khủng bố". Chỉ cần có một hành động kiểu như đặt tên con là Medina, Mohammed, để râu dài, có nhiều dao, không chỉnh đồng hồ theo giờ Bắc Kinh, từ chối nghe đài phát thanh Nhà nước … là đủ để một người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giam.

Với luật chống tập tục kiêng cữ được coi là hợp quy theo đạo Hồi, được thông qua hôm thứ Hai tuần trước, danh sách những điều mà chính quyền cấm đoán vốn đã dài nay còn nhiều hơn nữa. Các quan chức đảng viên ở tỉnh Tân Cương còn nhận được lệnh tuyên thệ trên mạng xã hội là tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lê, giương cao ngọn cờ và đấu tranh đến cùng chống "halal", vì "halal" dễ khiến người ta "sa vào chủ nghĩa cực đoan tôn giáo".

Đúng là trong những năm gần đây, nhiều nhóm người Duy Ngô Nhĩ đã tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố, hàng trăm người Trung Quốc theo đạo Hồi đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria, nhưng phần lớn các vụ bắt giữ ở Tân Cương lại liên quan đến các công dân bình thường. Khi những người này bị bắt đột ngột, con cái họ bị tách ra khỏi cha mẹ và bị gửi vào trại trẻ mồ côi. Từ nhiều ngày nay, có nhiều nguồn tin khẳng định những hàng loạt người Hồi giáo bị giam giữ đã bị đưa đến các nhà tù ở các vùng xa xôi, hẻo lánh khác ở Trung Quốc, bằng tàu lửa hoặc máy bay.

Hôm thứ Bảy vừa qua, một trong những quan chức cấp cao nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc, khi tới thăm Tân Cương, đã phát biểu bênh vực tiến trình "Hán hóa" là nhằm "khuyến khích tình đoàn kết giữa các sắc tộc và sự hòa hợp tôn giáo". Tuy nhiên, theo Libération, một trong những mục tiêu của tiến trình này là triệt tiêu ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ, vốn gần giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và có chữ viết theo ký tự Ả Rập.

Về phản ứng của quốc tế, Libération cho biết các nước và các tổ chức quốc tế đã giữ im lặng trong suốt nhiều tháng, nhất là vì các biện pháp kiểm duyệt và răn đe người Duy Ngô Nhĩ khiến các chính phủ và tổ chức không kiểm chứng được thông tin. Lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa các trại giam nói trên là vào tháng 08/2018. Hôm thứ Sáu tuần trước, các nghị sĩ Hoa Kỳ cũng ra một báo cáo dài về "sự trấn áp chưa từng có" nhắm vào sắc tộc Hồi giáo thiểu số ở Trung Quốc. Theo họ, sự trấn áp này có thể trở thành "tội ác chống nhân loại".

Pháp : Ai là người còn có thể nói sự thật với tổng thống Pháp ?

Về thời sự nước Pháp, báo Le Monde quan tâm đến tổng thống Macron và chơi chữ qua hàng tựa "Macron trên giàn thiêu của tính kiêu ngạo". Trong bài viết này, Le Monde đặt câu hỏi "Giờ đây ai là người còn có thể nói sự thật với tổng thống Pháp ?". Sau 15 tháng bước vào điện Elysée, ông Macron bị nhiều người chỉ trích về sự xa cách, thiếu lắng nghe và cả về phong cách ngạo mạn.

Từ khi có nhiều khó khăn nảy sinh, chẳng hạn tăng trưởng chững lại, vụ tai tiếng Benalla, những phát biểu vụng về bị coi là dấu hiệu của sự ngạo mạn và việc bộ trưởng môi trường và bộ trưởng nội vụ liên tiếp từ chức, người ta liên tục nghe thấy những lời chỉ trích : "Tổng thống không còn nghe ai nữa", "Điện Elysée đã khiến ông ấy trở nên xa cách", "Ai còn dám nói với ông ấy sự thật ?".

Le Monde cho biết những người tiếp xúc hàng ngày với tổng thống Pháp thừa nhận ông Macron, người trước đây không có thói quen nổi nóng, nay lại rất dễ bị kích động. Dường như vị tổng thống trẻ đã mệt mỏi sau một năm rưỡi ở điện Elysée. Tổng thống liên tục công du nước ngoài. Một trong số những người bạn của Macron cho biết tổng thống ngủ rất ít, tới nửa đêm vẫn liên tục gửi tin nhắn và sửa các bài diễn văn. Như vậy là rất mệt mỏi, kể cả với người chưa tới 40 tuổi. Và khi người ta kiệt sức, người ta rất dễ làm những điều ngu ngốc.

Ông Gérard Collomb, một nhân vật vốn thân cận với tổng thống và mới từ chức bộ trưởng nội vụ, cho biết mặc dù trong các cuộc họp, ông Macron vẫn rất tập trung, nhưng đáng tiếc là cuộc tranh luận trong các buổi họp thường bị cắt ngang bởi dàn cố vấn vô cùng đặc biệt của tổng thống, những người đã đưa ông Macron tới chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống 2017. Họ là những người còn trẻ, rất thông minh, giỏi công nghệ và thạo tiếng Anh, nhưng thiếu kinh nghiệm.

Một chính trị gia lấy làm tiếc là hiện quyền lực tập trung trong tay bốn người là tổng thống Macron, chánh văn phòng điện Elysée, thủ tướng Edouard Philippe và chánh văn phòng phủ thủ tướng. Tổng thống Macron than phiền là thiếu các bộ trưởng "đủ trọng lượng" trong chính phủ, nhưng trên thực tế, hầu như không bộ trưởng nào được quyền tự quyết, tất cả đều do tổng thống quyết định.

Trong chiến dịch tranh cử và trong những tháng đầu sau khi đắc cử, phong cách của ông Macron đã thuyết phục được người Pháp, nhưng những tháng gần đây, phong cách này lại bị công chúng cho là đã biến thành sự ngạo nghễ mang lại nhiều bất lợi cho vị tổng thống trẻ.

Nhà báo Khashoggi mất tích, tiếng tăm của Saudi Arabia bị ảnh hưởng

Về thời sự quốc tế, Les Echos quan tâm đến vụ mất tích của nhà báo đối lập Saudi Arabia, Jamel Khashoggi, sau khi ông tới tòa lãnh sự của Riyadhh tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để làm giấy tờ hôm 02/10/2018. Les Echos nhận định "Vụ nhà báo Khashoggi mất tích, danh tiếng của Saudi Arabia suy giảm".

Vụ Khashoggi đã gây ra những căng thẳng nghiêm trọng giữa phương Tây với chính quyền Riyadh, vốn đang bị nghi là ra lệnh tra tấn và sát hại nhà báo Khashoggi bên trong tòa lãnh sự. Nhưng theo báo Les Echos, giới doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn chính phủ các nước. Nhiều tập đoàn lớn giữ khoảng cách với Riyadh.

Ông Ernest Moniz, cựu bộ trưởng năng lượng Mỹ, từ chối tham gia Neom, một dự án xây dựng một thành phố thông minh của tương lai bên bờ Biển Đỏ, với giá 500 tỉ đô la. Richard Branson, ông chủ của tập đoàn Virgin cũng thông báo ngưng thảo luận với chính quyền Riyadh. Chủ tịch - tổng giám đốc Uber, Dara Khosrowshahi, cũng mới loan báo sẽ không tham gia thượng đỉnh về công nghệ Future Investment Initiative lần thứ 2, dự kiến được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 25/10/2018 tại Riyadh. Chính Richard Branson là người đưa ra ý tưởng tổ chức Future Investment Initiative.

Nhiều chủ tịch - tổng giám đốc của các tập đoàn khác như Viacom, HP… cũng từ chối tham gia. Một số lãnh đạo khác nói sẽ "liệu tình hình". Nhiều phương tiện truyền thông danh tiếng của các nước nói tiếng Anh như The Economist, Los Angeles Times, New York Times, Viacom, CNN… tuyên bố tẩy chay hội nghị.

Báo Les Echos dẫn lời một chuyên gia kinh tế cho biết nhiều chủ doanh nghiệp hiện phải cân nhắc nguy cơ danh tiếng của công ty bị ảnh hưởng xấu nếu duy trì liên hệ với một chế độ như Riyadh, so với tầm quan trọng của thị trường Saudi Arabia. Hôm qua, vào đầu phiên sáng, giao dịch trên sàn chứng khoán Riyadh đã sụt giảm 7%.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng, chỉ tỏ ra giữ khoảng cách chứ chưa hủy các dự án đầu tư. Sự thận trọng cũng thể hiện trong cả lĩnh vực ngoại giao. Tổng thống Mỹ dù dọa sẽ "trừng phạt nghiêm khắc" đồng minh Saudi Arabia nếu có đủ bằng chứng cho thấy Riyadh đã ra lệnh giết hại nhà báo đối lập, nhưng cũng chần chừ không muốn ngưng thương vụ bán vũ khí với giá 110 tỉ đô la cho Riyadh. Chủ nhân Nhà Trắng muốn ưu tiên các phương án hành động khác, nhưng không nói rõ chi tiết.

Trang nhất các báo Pháp

Báo kinh tế Les Echos nói về "Châu Âu : thời khắc của sự thật", với ba bài viết ở các trang trong về Liên Hiệp Châu Âu : "Brexit : Niềm hy vọng cuối cùng về thỏa thuận với Luân Đôn","Ý dưới áp lực trước khi giới thiệu dự thảo ngân sách" và "Một thất bại lịch sử cho các đồng minh của Merkel ở Bayern".

Le Monde quan tâm đặc biệt tới dự thảo ngân sách của Ý. Cũng giống như các nước khác thuộc khu vực đồng tiền chung Châu Âu, ngày 15/10/2018, Ý phải đệ trình dự thảo ngân sách cho năm 2019 lên Ủy ban Châu Âu. Nếu thiếu hụt ngân sách của Ý vẫn được dự tính ở mức 2,4% GDP, Bruxelles có thể sẽ phải yêu cầu chính phủ của thủ tướng Jiuseppe Conte giải thích. Le Monde cũng dành bài xã luận nói về "Sự trở lại của mối rủi ro Ý". Hiện nợ của Ý chiếm 3,5% GDP, so với tỉ lệ 1,5% cách nay 6 tháng. Tổng nợ của Ý hiện là 2.300 tỉ euro.

Về thời sự nước Pháp, báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Cải tổ nội các : Macron sẽ ra quân chủ bài Blanquer ?". Ông Jean-Michel Blanquer là bộ trưởng Giáo Dục Pháp, một trong những bộ trưởng quan trọng đối với Macron. Theo dự kiến, đầu tuần này chính phủ sẽ thông báo nội các mới.

Cũng liên quan đến nước Pháp, báo Libération chú ý đến "Khả năng chi tiêu : một ngân sách cần thay đổi". Bắt đầu từ hôm nay 15/10, dự luật tài chính 2019 bắt đầu được thảo luận tại Hạ Viện theo hướng có lợi hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Nguồn : RFI, 14/10/2018

Published in Video