Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thế giới vừa đánh dấu tròn 2 năm ngày Nga xua quân xâm lược Ukraine. Trước đây ngày 24/2 được xem là ngày Nga tấn công Ukraine và là chuyện của Châu Âu nhưng với những hậu quả và nhận thức bản chất của cuộc chiến, ngày 24/2 hiện được xem là ngày Nga tấn công Châu Âu và là vấn đề của thế giới. Biến cố khủng bố kinh hoàng nhằm vào thường dân Israel do Hamas gây ra và chiến dịch tấn công trả đũa tàn bạo của Israel vào Gaza đã phần nào làm giảm sự chú ý của dư luận vào cuộc chiến xâm lược của Nga. Bầu không khí trở nên ảm đạm hơn khi báo chí đưa tin về cuộc phản công của Ukraine mang nhiều quan điểm thất vọng. Dẫu vậy, các hoạt động vận động không ngừng nghỉ của nhiều nước dành cho Ukraine đã là điểm sáng trong những tháng vừa qua.

cuocchien1

Cuộc phản công của Ukraine đã không thành công như mong đợi.

Cuộc phản công mùa hè của Ukraine đã thất bại

Trái với nhận định của nhiều chuyên gia quân sự và địa chính trị cũng như mong muốn của hầu hết mọi người, cuộc phản công của Ukraine đã không thành công như mong đợi. Thành quả lớn nhất của Ukraine trong đợt phản công là chiếm được ngôi làng Robotine ở Zaporizhya nhưng hiện nay cũng đang bị quân Nga tấn công và có nguy cơ phải rút lui. Cuộc phản công lần này coi như đã thất bại và chịu thương vong lớn. Tình hình còn xấu hơn cho Ukraine khi họ đã phải rút lui ở thành phố Avdiivka sau nhiều tháng cầm cự. Đã có nhiều tiếng nói cả từ bên ngoài lẫn bên trong Ukraine tỏ ra bi quan trước tình trạng khó khăn trên chiến trường. Điều gì đang thật sự diễn ra và liệu rằng Ukraine có đang yếu đi còn Nga đang mạnh lên ?

Tình cảm và sự quan tâm của hầu hết chúng ta dành cho cuộc chiến vệ quốc chính nghĩa của người Ukraine đã luôn đưa đến niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho họ, có lẽ vì vậy mà chúng ta cảm thấy hụt hẫng khi phải chứng kiến tình hình xấu đi trên chiến trường. Nếu bình tĩnh quan sát và nhận định những nét quan trọng về tình hình ở cả hai phía, chúng ta sẽ thấy cuộc phản công của Ukraine thất bại không có gì ngạc nhiên.

Hãy nhìn lại các giai đoạn của cuộc chiến. Từ trước khi Putin ra lệnh tấn công, khi bóng ma chiến tranh đang ngày càng rõ hơn, hầu hết tất cả mọi người đều nêu ra câu hỏi Ukraine sẽ cầm cự được bao nhiêu ngày nếu Nga tấn công. Hầu hết câu trả lời là thất bại dường như chắc chắn dành cho Ukraine, ngay cả nguyên thủ các nước hàng đầu về quân sự và tình báo như tổng thống Joe Biden của Mỹ hay Emmanuel Macron của Pháp cũng tin như vậy ; bằng chứng là họ đều đã ngỏ ý muốn hỗ trợ tổng thống Zelensky di tản. Điều này là dễ hiểu vì tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch, quân Nga tự tin đến nỗi kế hoạch ban đầu của họ là sẽ chiếm được Kiev trong vài ngày. Quân và dân Ukraine đánh bật được đợt tấn công phủ đầu chớp nhoáng của Nga là một bất ngờ lớn cho cả thế giới, chỉ có lòng dũng cảm phi thường và quyết tâm không bỏ chạy trước Nga của quân dân Ukraine mới có thể lý giải được kỳ tích đó.

Sau chuyển biến ngoạn mục của những ngày đầu cuộc chiến, các nước phương Tây bừng tỉnh và tích cực viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine nhưng trong một thời gian rất dài họ đã tỏ ra dè dặt, thậm chí còn tranh cãi về việc sẽ cung cấp những vũ khí gì để tránh bị lôi kéo đối đầu trực tiếp với quân Nga. Những vũ khí quan trọng mà phía Ukraine cần đã luôn đến chậm hơn nhu cầu thực tế của chiến trường, ngay cả cuộc phản công được mong chờ cũng đã mất nhiều thời gian để có được những vũ khí cần thiết như xe tăng tấn công hiện đại hay pháo tầm xa. Sự chậm trễ này cùng với khó khăn trong khâu hậu cần để đưa vũ khí ra chiến trường đã khiến cuộc phản công diễn ra chậm hơn nhiều tháng tháng so với dự kiến. Điều này rất bất lợi cho Ukraine vì khoảng thời gian thuận lợi cho chiến dịch phản công đã ngắn lại thay vì dài hơn để họ đa dạng được phương án tác chiến trước khi mùa đông khắc nghiệt kéo đến. Quân Nga đã hưởng lợi từ sự kiện trên khi có thêm thời gian để gia cố tuyến phòng ngự. Với ba lớp kiên cố gồm chiến hào, hệ thống răng rồng và bãi mìn dày đặc, tuyến phòng ngự mang tên Surovikin của Nga đã tỏ ra hiệu quả và trở thành một thách thức lớn, ngay cả những đội quân thiện chiến và được trang bị vũ khí tốt như Anh hay Mỹ nếu gặp cũng phải chùn bước. Trong khi đó, không có máy bay chiến đấu đã khiến Ukraine gặp bất lợi khi để Nga chiếm ưu thế hoàn toàn trên không và dễ dàng gây tổn thất lớn cho các mũi tiến công của Ukraine.

Phần nhận định và tóm lược sơ sài về bối cảnh chiến dịch phản công mà tôi đề cập ở trên không phải để bao biện hay quy trách nhiệm về thất bại này của Ukraine cho bên nào mà là để chúng ta có góc nhìn rõ hơn về tương quan lực lượng của hai bên. Ukraine đã luôn là bên yếu hơn về quân lực so với Nga kể từ đầu cuộc chiến và hiện nay cũng vậy, chúng ta kỳ vọng về Ukraine là đúng nhưng cũng cần có cái nhìn công tâm hơn về nỗ lực của quân đội Ukraine. Có cái nhìn vượt thoát hơn chúng ta cũng sẽ nhận định được thêm những yếu tố có tính quyết định khác của cuộc chiến.

Des militaires ukrainiens sur une ligne de front dans la région de Donetsk tirent un obus

"Sáng kiến đạn pháo" của Cộng hòa Czech nhằm tăng khả năng cung cấp đạn pháo từ các nước ngoài Châu Âu.

Những khó khăn mà Ukraine đang đối mặt

Điều đáng lo hiện nay của Ukraine không phải là chiến dịch phản công đã thất bại mà là những vấn đề đang xảy ra nội bộ, các khoản viện trợ vũ khí đang trở nên khó khăn từ đồng minh và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở nhiều nước. Việc tổng thống Zelensky quyết định thay thế vị trí tổng tư lệnh quân đội cho thấy rạn nứt ít nhiều trong nội bộ Ukraine giữa lúc gặp bất lợi trên chiến trường. Khó khăn cũng đến với Ukraine khi gói viện trợ được mong chờ của Mỹ đang bị chặn lại ở Hạ viện. Gói viện trợ của EU hơn 50 tỷ Euro dù đã được thông qua nhưng trước đó cũng phải mất nhiều thời gian do gặp trở ngại từ Hungary. Các nước Châu Âu vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu chiến trường của Ukraine vì ngành công nghiệp vũ khí đã giảm quy mô sản xuất trong 30 năm qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trước tình thế đó, các nước đồng minh của Ukraine đã nhận ra là họ cần phải làm khác đi và cần cam kết mạnh mẽ hơn. Ngay từ những ngày đầu của năm 2024, đã có nhiều sáng kiến và hành động được đưa ra như : Hội nghị hòa bình cho Ukraine ; thành lập "liên minh pháo binh" thuộc nhóm liên lạc mở rộng Rammstein do Đức dẫn đầu ; "sáng kiến đạn pháo" của Cộng hòa Czech nhằm tăng khả năng cung cấp đạn pháo từ các nước ngoài Châu Âu. Không những vậy, trước những lo âu của Ukraine, các nước lớn còn ký thỏa thuận đảm bảo an ninh trong 10 năm dành cho Ukraine với khởi đầu là Anh, sau đó là các nước Pháp, Đức, Canada, Ý, Đan Mạch và mới đây là Hà Lan. Hội nghị G7 diễn ra đúng ngày 24/2 -tròn 2 năm diễn ra cuộc chiến- mang tính biểu tượng đã khẳng định "sẽ tiếp tục buộc Nga trả giá đắt cho cuộc chiến". Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất này đã đưa ra tuyên bố chung của hội nghị tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine. Hai nước dân chủ lớn ở Châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nhập cuộc với các khoản viện trợ quan trọng để giúp Ukraine gia tăng khả năng phòng thủ.

Các nước đồng minh dân chủ cũng đã rất sáng suốt khi dành hơn một nửa tổng giá trị các gói viện trợ cho tài chính và hỗ trợ nhân đạo để giúp Ukraine tái thiết lại đất nước ngay trong chiến tranh. Tính toán này rất quan trọng. Hàng ngày các thành phố vẫn bị tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công nhưng nỗ lực xây dựng và ổn định cuộc sống cho người dân Ukraine đã củng cố tinh thần bất khuất cho toàn xã hội. Đây là một thành công lớn vì đã tạo nên một hậu phương vững chắc, giúp binh sĩ của họ yên tâm hơn trên tiền tuyến. 

RUSSIA-LIFESTYLE-FEATURE

Nước Nga với trọng lượng kinh tế chỉ ở mức chưa tới 2% GDP của thế giới sẽ không thể cầm cự lâu dài trước khối các nước dân chủ -với trọng lượng kinh tế gấp 40 lần Nga- đứng sau hậu thuẫn Ukraine. Ảnh minh họa Các nhà thờ Chính Thống giáo trong Điện Kremli, Moskva, Nga

Nga có đang thoát hiểm và mạnh lên ?

Đã có không ít những tiếng nói bi quan khi cho rằng Nga không những đang chiến thắng về quân sự mà còn đang hồi phục về kinh tế. Họ viện dẫn rằng Nga đã chặn được đợt phản công của Ukraine, giành thêm được một chiến thắng ở thành phố Avdiivka và kinh tế Nga cũng đã khởi sắc khi đạt mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2023. Thông tin của các nhà bình luận này đưa ra không sai nhưng chúng ta cần nhận định đúng nội dung của sự kiện.

Đối với chiến thắng của Nga ở Avdiivka, đây là trận thắng tiếp theo của Nga sau khi chiếm được thị trấn Bakhmut vào tháng 5/2023, nghĩa là hai trận thắng này cách nhau hơn nửa năm. Mặc dù đã chiếm được các thành phố Bakhmut, Avdiivka và trước đó là Soledar nhưng đây chỉ là những thành phố nhỏ, đáng nói hơn, Nga đã phải chịu tổn thất rất lớn về nhân mạng và cũng mất một thời gian dài mới có được. Chiếm ưu thế về quân lực từ đầu cuộc chiến nhưng cho đến nay những gì Nga đạt được về quân sự trong hơn một năm qua lại rất khiêm tốn. Putin đã không còn ảo tưởng về sức mạnh quân sự của Nga khi từ bỏ mục tiêu chiếm toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Để có cớ rút về thế phòng thủ, ông ta tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhya dù chưa kiểm soát hết. Chiến thuật của Nga hiện nay không gì hơn là thực hiện khủng bố bằng cách dội tên lửa vào các mục tiêu dân sự, bên cạnh đó họ chọn tấn công vào các thành phố nhỏ với tổn thất kinh hoàng chỉ để có những chiến thắng biểu tượng nhằm xoa dịu áp lực nội bộ. 

Con số tăng trưởng GDP 3,6% năm 2023 của Nga được đưa ra từ Tổng cục Thống kê Nga (Rosstat) nhưng Rosstat là một cơ quan bị chi phối bởi chính quyền Putin và có lịch sử hoàn toàn không đáng tin. Rosstat đã nhận nhiều chỉ trích từ các nhà nghiên cứu vì không ít lần thao túng các số liệu thống kê kinh tế nhằm làm hài lòng Putin, đã có ít nhất hai người đứng đầu Rosstat bị Putin sa thải trước đó chỉ vì họ đưa ra các con số không hợp ý ông ta. 

Ngay từ khi cuộc chiến vừa nổ ra, ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận định rằng, nước Nga với trọng lượng kinh tế chỉ ở mức chưa tới 2% GDP của thế giới sẽ không thể cầm cự lâu dài trước khối các nước dân chủ -với trọng lượng kinh tế gấp 40 lần Nga- đứng sau hậu thuẫn Ukraine. Với một nền kinh tế phụ thuộc nặng vào ngoại thương, Nga đã nhanh chóng bộc lộ điểm yếu sau khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có. Sau một năm diễn ra cuộc chiến, nhóm nghiên cứu đại học Yale dẫn đầu bởi ông Jeffrey Sonnenfeld dẫn ra nhiều con số quan trọng : Đã có hơn 1.000 công ty đa quốc gia lớn rời khỏi Nga sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine ; tổng doanh thu nội địa của hơn 1000 công ty này tương đương với 40% GDP trước chiến tranh của Nga. Việc rút lui này cũng có tác động làm tê liệt niềm tin của giới tư bản toàn cầu và các công ty còn lại ở Nga vào kinh tế nước này. Một số lĩnh vực của nền kinh tế suy giảm đến 90% trong đó có ngành ôtô.

Vào cuối năm ngoái, cũng theo nhóm nghiên cứu trên thì ngành năng lượng -trụ cột của nền kinh tế Nga- gặp khó khăn nghiêm trọng khi doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đã giảm một nửa. Giá trị các doanh nghiệp nhà nước Nga trong đó có Gazprom đã giảm 75%. Không những vậy, để phục vụ cho cỗ máy chiến tranh chính quyền Putin còn tiến hành tịch thu hoặc quốc hữu hoá các công ty tư nhân khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng triệu người đã rời bỏ đất nước mà phần đông trong số đó là những người có học vấn và tài sản, ước tính có đến 10% trong số họ là những người lao động trong ngành công nghệ mà Nga đang rất thiếu. Tư bản cũng đang tháo chạy khỏi Nga, đã có hơn 253 tỷ đô la vốn tư nhân rút lui trong khoảng thời gian kể từ đầu cuộc chiến đến tháng 6/2023. 

Chính quyền Putin có thể thao túng các con số và đưa ra bức tranh trái ngược với thực tế nhưng những tổ chức theo dõi thông qua kết quả từ hoạt động mua bán của các công ty nước ngoài với Nga đã cho thấy rằng, hầu như mọi lĩnh vực của nền kinh tế nước này đã sụp đổ.

cuocchien4

Người Ukraine có quyền tin rằng thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc không còn xa và họ sẽ làm tất cả để những hy sinh của những người đã nằm xuống không trở nên vô nghĩa.     

Bước vào năm thứ ba, cục diện sẽ ra sao ?

Nhiều ý kiến lo ngại về việc nước Mỹ chia rẽ sẽ khiến Ukraine bị bỏ rơi nhưng theo nhận định chủ quan của tôi, chúng ta không cần quá lo lắng. Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn là đa số trong Quốc hội bao gồm cả sự ủng hộ của không ít đảng viên Cộng hòa, gói viện trợ đã được thông qua ở Thượng Viện và chỉ bị chặn lại ở Hạ Viện bởi nhóm cực đoan ủng hộ Trump. Nhóm cực đoan này gây khó khăn cho gói viện trợ này vì lý do giản dị là họ muốn đập phá mọi thứ và gây trở ngại cho đảng Dân chủ, ai cũng hiểu điều này dù lý cớ họ đưa ra được ngụy trang dưới vỏ bọc bất đồng về vấn đề nhập cư. Tình trạng này ở Mỹ đã khiến các nước đồng minh còn lại của Ukraine gia tăng mức độ cam kết, hỗ trợ ngày càng thực chất hơn và quyết tâm hơn ở mỗi nước để đảm bảo cho Ukraine đi đến thắng lợi cuối cùng. Ở chiều ngược lại, sau khi chịu thiệt hại nặng nề về khí tài trong hơn hai năm qua, Nga hiện nay phải lệ thuộc vào nguồn vũ khí từ các nước nghèo như Triều Tiên và Iran. Bản thân hai nước này cũng không dám công khai hợp tác mà chỉ lén lút, mặc dù hậu quả là phải gánh chịu thêm các biện pháp trừng phạt. Nước Nga không những đang bị cô lập mà còn tuyệt vọng.

Bước vào năm thứ ba của cuộc chiến, những yếu tố quyết định kết quả cuộc chiến sẽ ngày càng rõ nét. Điều mà chúng ta có thể nhìn thấy là sau hai năm khốc liệt thì cả Ukraine lẫn Nga đều đang yếu đi và cùng gặp nhiều khó khăn, tổn thất về nhân mạng và khí tài của hai bên đã rất lớn. Điểm khác biệt là trong khi xã hội Ukraine đã thích nghi với thời chiến thì xã hội Nga kiệt quệ vì kinh tế đang sụp đổ. Tinh thần binh sĩ của hai bên đều mệt mỏi nhưng người lính Ukraine có ý chí và được tiếp thêm sức mạnh bởi lý tưởng bảo vệ tổ quốc, trong khi quân Nga -với thân phận của người bị cưỡng ép đi xâm lược- đã chỉ là sự chịu đựng. Một cách âm thầm nhưng hiệu quả, các hoạt động phá hoại cứ điểm hậu cần quân sự Nga của Ukraine đã đưa chiến tranh vào sâu trong đất Nga, trong đó có những nơi biểu tượng như thủ đô Moskva. Hàng trăm nghìn lính Nga đã chết một cách vô nghĩa trong hơn hai năm qua đã cho xã hội Nga thấy được bản chất phi nghĩa của cuộc chiến mà Putin không còn khả năng che đậy. 

Điều làm nên kỳ tích trong những ngày đầu kháng cự của cuộc chiến là ý chí của quân và dân Ukraine sẽ tiếp tục được duy trì chừng nào còn quân xâm lược Nga. Người Ukraine có quyền tin rằng thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc không còn xa và họ sẽ làm tất cả để những hy sinh của những người đã nằm xuống không trở nên vô nghĩa.                                  

Kỷ Nguyên

(06/03/2024)

Published in Quan điểm

Chiến tranh Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến các nước chuyên quyền

Mercy A. Kuo, Chi Phương, RFI, 27/02/2023

Sau một năm Nga xâm lược Ukraine, tác động của cuộc chiến đối với các nước theo chế độ chuyên quyền, Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, như thế nào ?

ukwar1

Tượng nhỏ bằng giấy được trưng bày tại lễ hội Fallas ở Valencia. Từ trái sang phải : Tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin. AFP-Jose Jordan

RFI xin trích dịch, giới thiệu bài phân tích của Raymond Kuo, nhà nghiên cứu về chính trị tại viện tư vấn RAND Corporation, tác giả của cuốn "Following the Leader" (2021) and "Contests of Initiative" (2021).

Mercy A. Kuo : Chiến tranh Ukraine có củng cố quyền lực cho các quốc gia chuyên quyền như Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên hay không ?

Raymond Kuo : Tôi không nghĩ rằng cuộc chiến mà Nga tiến hành ở Ukraine, củng cố quyền lực cho các nước chuyên quyền. Nếu có tác động nào, thì cuộc chiến này đã làm nổi bật mức độ nguy hiểm của các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, độc tài. Các chế độ lãnh đạo bởi các cá nhân độc tài như chế độ của Putin, thường bị bao phủ bởi sự thiếu thông tin và lối tư duy tập thể (groupthink), dẫn đến việc chính sách đối ngoại dễ thay đổi và xung đột quốc tế. Hành động của Nga đã làm suy giảm sức hấp dẫn của hình thái chính phủ chuyên chế, cũng như là uy tín và vị thế toàn cầu của Moskva.

Sự kháng cự của Ukraine đã đánh bại quân đội Nga, làm lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về chỉ huy và tác chiến của một lực lượng quân sự, từng được coi là hàng đầu. Moskva là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu nhưng nay lại cần những vũ khí đó cho lực lượng của mình. Điều này đã hạn chế một trong những công cụ ngoại giao chính của Nga và hiệu quả yếu kém của các loại vũ khí đó trên chiến trường đã khiến Ấn Độ hủy bỏ việc mua máy bay trực thăng Ka-3.

Mercy A. Kuo : Những hành động của 4 quốc gia Trung Quốc Nga, Iran, Bắc Triều Tiên đã làm tổn hại an ninh toàn cầu như thế nào ?

Raymond Kuo : Chiến tranh đã cho thấy là trật tự an ninh toàn cầu mong manh đến mức nào, thôi thúc các nước Châu Âu và Châu Á tăng cường quốc phòng và siết chặt các liên minh. Đáng chú ý là những đối tác lớn của Hoa Kỳ : Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hàn Quốc, Úc… đã gia tăng hợp tác chính sách để đối phó lại với Nga và Trung Quốc, gợi mở ra mối quan tâm lớn hơn đối với an ninh toàn cầu, bởi vì chế độ Nga và Trung Quốc-hai thách thức nổi bật nhất.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một hạn chế về mức độ áp dụng và hữu íchkhi xem xét dưới góc độ chế độ dân chủ so với chế độ chuyên quyền để hiểu tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Trong khi có ít nghi ngờ về cấu trúc chính trị trong chính sách của nước Nga, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định tiến hành cuộc chiến của Putin, việc vi phạm chủ quyền lãnh thổ dường như đã kích động phản ứng toàn cầu, chứ không nhất thiết là phải do mô hình chế độ.

Các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc hầu hết đều đã bỏ phiếu lên án hành động xâm lược của Nga và việc sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Có thể thấy một sự đa dạng về chế độ của các nước đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này : dân chủ, quân chủ chuyên chế, đảng cầm quyền chuyên chế… Đúng là những nước đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu phản đối những nghị quyết đó hầu như là các nước độc tài.

Nhưng các nước này cũng có xu hướng trở thành những nước bị tẩy chay, cô lập, do vậy chủ nghĩa xét lại, chứ không phải mô hình chế độ, là động cơ khiến họ có lập trường như vậy.

ukwar0

Sự kháng cự của Ukraine đã đánh bại quân đội Nga, làm lộ rõ những điểm yếu nghiêm trọng về chỉ huy và tác chiến của một lực lượng quân sự, từng được coi là hàng đầu. 

Mercy A. Kuo : Lãnh đạo của các nước này sử dụng chiến tranh Ukraine để thúc đẩy kế hoạch hành động của họ như thế nào ?

Raymond Kuo : Chiến tranh đã thắt chặt quan hệ giữa Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên. Moskva đã mua vũ khí từ Iran và Bắc Triều Tiên và triển khai ở Ukraine. Bình Nhưỡng đã ủng hộ Nga về mặt ngoại giao, ví dụ như bỏ phiếu phản đối hai nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc như đã nêu ở trên. Bắc Kinh cũng hỗ trợ Matcơva về mặt ngoại giao và đặc biệt là đã làm suy yếu các trừng phạt Nga từ Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản.

Hơn nữa cũng dễ hiểu là việc Washington dồn mối quan tâm vào Châu Âu và Đông Á đã tạo ra một mối lo ngại ở các khu vực khác về mức độ ưu tiên của các vùng này trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Điều này đã mang lại cơ hội cho Trung Quốc, gia tăng quan hệ, ví dụ với Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GGC).

Bốn quốc gia Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đã thống nhất đổ lỗi chiến tranh xảy ra (ít nhất là một phần) là do sự bành trướng của Hoa Kỳ và NATO. Lập luận này có thể đã tạo chút tiếng vang ở Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Tuy nhiên đại đa số các quốc gia trong số 28 nước ủng hộ Ukraine, mặc dù thậm chí có nhiều nước hơn, muốn đứng ngoài cuộc chiến.

Điều này có thể chỉ ra một hạn chế quan trọng đối với khả năng của các nước chuyên chế. Có một mối lo ngại và chính đáng về các chiến dịch xuyên tạc thông tin của 4 nước này. Tuy nhiên lý do Nga xâm lược Ukraine thường không được chấp nhận. Các quốc gia này có thể đạt được hiệu quả, làm trầm trọng thêm các chia rẽ vốn có giữa các phe phái trong một nền dân chủ mà họ nhắm tới. Nhưng cả bốn nước này đều gặp khó khăn trong việc thúc đẩy và kiểm soát các thông tin "tích cực" của chính các nước này. Điều này phản ánh hạn chế trong quyền lực mềm của 4 nước.

Mercy A. Kuo : Hoạt động của các nước chuyên quyền này thách thức và ảnh hưởng ra sao đến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ ?

Raymond Kuo : Nếu như Nga giành chiến thắng quyết định và nhanh chóng tại Ukraine, thì chúng ta có thể chứng kiến một sự chuyển hướng lớn ở nhiều nước đối với Moskva và có thể là cả với Bắc Kinh. Chiến thắng đó có thể củng cố quyền lực của Nga ở Châu Âu hoặc gần lục địa này, nâng cao uy tín của Nga và làm Hoa Kỳ bị bẽ mặt vì bất lực trong việc ngăn cản Nga xâm chiếm Ukraine. Điều này cũng có lẽ đã mở ra một cánh cửa rộng lớn đối với chủ nghĩa xét lại về lãnh thổ bởi vì các quốc gia đã nhận thấy rằng Hoa Kỳ ít có khả năng và/ hoặc ít sẵn sàng ngăn cản sự đã rồi (Nga xâm lược Ukraine). Một vài đối tác của Hoa Kỳ ở Châu Âu và Đông Á có thể sẽ tăng cường các chuẩn bị về mặt an ninh, giống như những gì mà họ đang làm hiện nay. Tuy nhiên, một số khác thì sẽ cố gắng thích nghi với Moskva và Bắc Kinh, làm suy yếu sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên là điều đó không phải là những gì đang xảy ra hiện nay. Nga, Trung Quốc, Iran, và Bắc Triều Tiên, nhìn chung, đang tuân theo chính sách đối ngoại đã có từ trước, nhưng các nước này phải đối mặt với một nhóm gồm các đối tác Châu Âu và Đông Á có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Đặc biệt là Moskva đã phải đối mặt với mọi thứ mà nước này muốn tránh đó là : NATO hồi sinh, Châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga, kinh tế và quân sự bị tàn phá. Sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moskva đã làm tổn hại đến mối quan hệ của Trung Quốc với Châu Âu. Châu lục này gần đây đã bắt đầu đánh giá lại lập trường của mình đối với tình hình an ninh ở Đông Á.

Thêm vào đó, 4 nước này đang phải đối mặt với những cơn gió thổi ngược khác. Một trong số đó là sự mất cân bằng trong nền kinh tế của Trung Quốc, đe doạ đến khả năng tiếp tục tài trợ cho các dự án hạ tầng lớn và mở rộng sức ảnh hưởng về kinh tế của nước này. Nhìn chung, chúng ta đang chứng kiến sự suy yếu trong các nỗ lực của các nước chuyên quyền để thách thức Hoa Kỳ, và sự ủng hộ mạnh mẽ ngoài mong đợi đối với các chuẩn mực làm nền tảng cho trật tự quốc tế, như là chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia.

Mercy A. Kuo : Làm sao có thể đánh giá tác động của các hành động chuyên quyền lôi kéo các nước Nam Bán Cầu chấp nhận giải pháp thay thế, đi theo chế độ quản trị phi tự do ?

Raymond Kuo : Tôi đã vẽ ra một bức tranh nhìn chung là tích cực về tác động toàn cầu của cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên có hai thứ có thể làm giảm các tác động tích cực đó. Đầu tiên, Ukraine vẫn chưa giành được một chiến thắng mang tính quyết định mặc dù có sự hỗ trợ không ngừng nghỉ từ bên ngoài, nhưng điều này có thể thay đổi.

Thứ hai, chiến tranh và các xu hướng lớn hơn, như là tôi đã đề cập ở trên, đã làm giảm đi phần nào sức hấp dẫn của các mô hình chế độ độc tài. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các nước khác, không nhất thiết phải cung cấp một giải pháp thay thế tích cực. Việc người ta muốn thoát khỏi một thứ gì đó thì vẫn chưa đủ mà phải được đưa ra cái gì đó để hướng mục tiêu tới đó. Đó là lý do tại sao mà tôi thấy rằng sự thay đổi trong nước được chính quyền Biden nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia là yếu tố quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất để đạt được. Nếu không có điều này, thì các quốc gia, đặc biệt là ở Nam Bán Cầu sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn, vì có ít lợi ích tích cực khi chọn phe.

Mercy A. Kuo

Nguyên tác : "Autocrats and the Ukraine War: China, Russia, Iran, North Korea - Insights from Raymond Kuo", The Diplomat, 21/02/2023.

Chi Phương bên dịch

Nguồn : RFI, 27/02/2023

************************

Chiến tranh Ukraine : Điều gì sẽ xẩy ra, từ Moskva đến Siberia, nếu Ukraine thắng lợi ?

Isabelle Lasserre, Đức Tâm, RFI, 27/02/2026

Kể từ đầu những năm 1990, hiếm khi nào nguy cơ tan rã Liên bang Nga lại lớn đến như vậy. Đó là nhận định của nhà báo Isabelle Lasserre, trong bài phân tích đăng trên báo Le Figaro, ngày 23/02/2023. Nỗi lo sợ hỗn loạn sẽ xẩy ra khi chế độ Vladimir Putn sụp đổ. Đó là kịch bản mà nhiều lãnh đạo phương Tây e ngại và cũng chính vì muốn tránh tái lập các sai lần của những người tiền nhiệm mà các nước phương Tây lưỡng lự cung cấp nhanh và nhiều vũ khí cho Ukraine.

cucdien2

Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu qua truyền hình trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/8/2022 tại New York. Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images

Ngay năm 1991, tổng thống Pháp François Mitterrand đã báo động nguy cơ hỗn loạn, mà theo ông, sẽ xẩy ra khi Liên Xô sụp đổ, cho dù lúc đó, quá trình sụp đổ đã bắt đầu. Ông Mitterrand nói rõ với lãnh đạo Liên Xô Gorbachev : "Việc Liên Bang Xô Viết tan rã sẽ là một thảm họa lịch sử đi ngược lại lợi ích của nước Pháp". Chính nhân danh mối lo ngại này mà vị tổng thống thuộc đảng Xã Hội Pháp đã tìm cách cứu Liên Xô. Cũng nhân danh mối lo này mà các lãnh đạo phương Tây, trong một thời gian rất dài, đã nhắm mắt làm ngơ trước các tội ác của Vladimir Putin và bây giờ thì họ đang mơ ước là hòa bình sẽ nhanh chóng tái lập. 

Đương nhiên, vẫn có các kịch bản về sự hỗn loạn. Một thất bại quân sự nghiêm trọng của Nga tại Ukraine có thể dẫn đến sự hỗn loạn về chính trị nội bộ, có thể làm tê liệt quyền lực ở Moskva. Nếu Vladimir Putin bị gạt ra khỏi bộ máy quyền lực, thì người thay thế hoặc những người thay thế có thể còn "tệ hại hơn". Trong mọi trường hợp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin là như vậy khi đối chiếu với Evgueni Prigogine, ông chủ vô luân thường trái đạo lý của công ty đánh thuê Wagner, hoặc Nikolai Patrushev, "diều hâu" trong Hội đồng An ninh Nga. Có nhiều tổ chức vũ trang, thường do những kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan lãnh đạo, ủng hộ tiến hành chiến tranh : Wagner, các tổ chức dân quân Chechnya của Kadyrov, quân đội chính quy, quân đội tư nhân đứng trên luật pháp… Tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn rập rình, trong trường hợp trống vắng quyền lực ở Moskva.

Tình trạng này cũng rập rình ở các vùng mà nguồn tài nguyên và nhân lực đã bị các lãnh đạo ở Moskva vắt kiệt và ở các vùng xa xôi của nước Nga, nơi cận kề với những nước láng giềng luôn có ý định thoát ra sự giám hộ phũ phàng và độc đoán của Kremlin. Kazakhstan bắt đầu giữ khoảng cách với Nga. Tadjikistan, Kirghizstan và Armenia đã ghi nhận sự vắng mặt của Nga trong các cuộc khủng hoảng hoặc xung đột gần đây làm rung chuyển các nước này. Đây là kịch bản đế chế Nga tan rã một lần nữa, một cái chết thứ hai của Liên Xô sau cái chết dang dở đầu tiên. Hoặc theo theo cách nói của nhà cựu ngoại giao Gerard Araud, "chiến tranh kế thừa Liên Xô lần hai".

Hiếm khi nào các nguy cơ tan rã lại lớn như vậy kể từ đầu những năm 1990. Cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski thường nói : "Không có Ukraine, nước Nga không còn là một đế chế". Phải chăng chủ nghĩa đế quốc Nga đang trôi dần vào hoàng hôn ? Một số người cho rằng, ngược lại, chính việc duy trì Vladimir Putin trong bộ máy quyền lực là mầm mống của tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, nội chiến ở nước Nga. Akhmed Zakayev, lãnh đạo chính phủ Chechnya lưu vong, nghĩ rằng, "nếu nước Nga sụp đổ, sẽ không xẩy ra chuyện gì cả". Trái lại, "chừng nào đế chế Nga còn tồn tại thì không ai tránh được mối đe dọa Nga".

Phần lớn các chuyên gia cho rằng việc duy trì Vladimir Putin trong bộ máy quyền lực, thắng lợi của Kremlin tại Ukraine hoặc tình trạng "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraine, là mối nguy gây ra tình trạng hỗn loạn còn lớn hơn cả việc sụp đổ quyền lực tại Nga. Chuyên gia Françoise Thom, trong một bài viết về Nga, cảnh báo, "chế độ Vladimir Putin tồn tại càng lâu thì nguy cơ hỗn loạn càng lớn : người ta có thể mường tượng được các toán lính ô hợp quen cướp phá và bạo lực kéo về nước Nga. Một thắng lợi nhanh chóng của Ukraine kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Putin có lợi cho phương Tây và cả nước Nga".

Một số người nêu kịch bản Bắc Triều Tiên đối với Nga. Một chế độ khép kín và biến thành pháo đài, duy trì đế chế và người dân sống tự cung tự cấp dưới sự lãnh đạo độc tài của Vladimir Putin, đến mức tạo thành một "cơ thể đông cứng", theo như cách gọi của Françoise Thom. Về phần mình, chuyên gia phân tích chính trị Bruno Tertrais không loại trừ kịch bản "Mordor – Quốc gia hắc ám", có nghĩa là "một đất nước đen tối, một vùng điêu tàn, ở đó, cái Ác đang chuẩn bị trả thù". Một "thời rối loạn" mới đánh dấu bằng việc nước Nga trở nên man dại, tội phạm và tiến trình chảy máu chất xám và di dân của tầng lớp trung lưu tiếp tục diễn ra. 

Tuy nhiên có một kịch bản lạc quan bao gồm việc Vladimir Putin ra đi. Đó là kịch bản của nhà đối lập, cựu vô địch cờ tướng thế giới Garry Kasparov. Không bác bỏ những nguy hiểm của tình trạng trống vắng quyền lực sau khi Putin ra đi, ví dụ, Ukraine lấy lại được Crimea, ông không tin là nước Nga sẽ tan rã. "Ví dụ Nam Tư là một ví dụ tồi. Tất cả sẽ phụ thuộc vào khả năng của một chính phủ mới trong việc quản lý quá trình chuyển giao quyền lực. Nước Nga đã biết đến các quy định dân chủ và có thể lại áp dụng các quy định này nếu như phương Tây giúp đỡ Nga soạn thảo một dự án. Cần biến đổi các quan hệ giữa trung tâm và các vùng".

Nhiều nhà đối lập, như ông Kasparov, đấu tranh cho việc tiến hành tản quyền của một nước Nga rộng lớn. Đó là trường hợp Leonid Gozman : Các xu hướng phân chia quyền lực tồn tại ở Nga là do việc cướp bóc một cách có hệ thống các nguồn tài nguyên của đất nước bởi phe nhóm vần vũ quanh điện Kremlin hơn là do các mưu mô của ngoại bang. Nếu các vùng được phép giữ lại các nguồn của cải mà họ tạo ra, lắp đặt hệ thống nước, khí đốt, họ sẽ đồng ý áp dụng các cải cách của tân chính phủ. Đây cũng là dự án của cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovski, hiện đang sống lưu vong sau 10 năm bị giam giữ trong nhà tù của chế độ Putin : Nếu Vladimir Putin nhanh chóng thua về quân sự, ông ta sẽ buộc phải rời bỏ quyền lực. Người kế nhiệm sẽ tái lập quan hệ với phương Tây hoặc đến lượt người này cũng sẽ bị lật đổ. Trong một đất nước rộng lớn như Nga, tùy theo từng vùng, dân chủ sẽ phải có những hình thái khác nhau. Người thuộc các vùng Châu Âu của Nga sẽ không có cái nhìn về dân chủ giống như người ở các vùng Trung Á. Nhưng trong mọi trường hợp, các nước Baltic đã thành công trong việc biến đổi các cơ quan an ninh của họ. Tại sao Nga không làm được ?

Đức Tâm

**************************

Cuộc chiến Ukraine làm biến đổi cục diện thế giới như thế nào ?

Trọng Thành, RFI, 15/02/2023

Ngày 24/02/2022 là tròn một năm ngày Nga mở màn cuộc tấn công Ukraine. Cuộc can thiệp quân sự, mà chính quyền Putin dự kiến tiến hành chớp nhoáng, rút cục đã kéo dài và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Hậu thuẫn mạnh mẽ của phương Tây đã giúp cho Ukraine kháng cự, nhưng các hệ quả của chiến tranh tại Ukraine vượt xa cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước láng giềng.

cucdien1

Đối đầu Mỹ-Trung gia tăng với cuộc chiến Ukraine © Reuters/Dado Ruvic

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc chiến Nga – Ukraine đã và đang "thay đổi cục diện địa chính trị toàn cầu". Hãng tin Pháp AFP có bài tổng hợp đáng chú ý về chủ đề này. Bài viết được đăng tải trên trang France 24 ngày 14/02/2023 nhấn mạnh đến cuộc chiến tranh tại Châu Âu đã một mặt làm gia tăng xung đột tại nhiều nơi, mặt khác "củng cố thế đối đầu giữa hai khối lớn", một bên với trung tâm là Hoa Kỳ, bên kia là Trung Quốc.

Đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực Mỹ-Trung

Hồi tháng 12/2022, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borrell thừa nhận thế giới đang bước vào cục diện "đa cực trong hỗn loạn", nơi "mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí", từ năng lượng, dữ liệu, cho đến cơ sở hạ tầng, di dân... Tất cả đều có thể biến thành vấn đề "địa chính trị", hay nói cách khác sự cạnh tranh, đối đầu giữa các khối, các nhóm, các liên minh.

Gần như tất cả các khu vực trên thế giới, từ Trung Á, vùng Kavkaz, bán đảo Balkan ở Châu Âu, Châu Phi, vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, vốn đã là các địa bàn đọ sức, tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc, Liên Âu, Hoa Kỳ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ (trên các phương diện đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thỏa thuận thương mại, quân sự, hay ngoại giao). Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga làm lung lay thế cân bằng vốn đã mong manh nói trên của các quan hệ quốc tế, và đặc biệt làm suy yếu vị thế của Nga tại khu vực ảnh hưởng truyền thống tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á, mang lại cho cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ một vị thế quan trọng hơn. 

Tuy nhiên, đối với một số chuyên gia, tình trạng "tái phối trí trong hỗn loạn" hiện nay chỉ mang tính chất quá độ, cuộc chiến tại Ukraine rút cục sẽ dẫn đến "sự suy yếu của Nga và của Châu Âu", và "hai bên hưởng lợi chủ yếu từ cục diện này có thể chính là Mỹ và Trung Quốc".

Chiến lược bắt cá hai tay của Bắc Kinh giai đoạn quá độ

Chiến lược bắt cá hai tay của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh tại Ukraine hiện tại là điểm nổi bật của cục diện quốc tế, đang dẫn đến việc củng cố thế lưỡng cực của thế giới. Bắc Kinh một mặt ủng hộ Moskva, nhưng mặt khác cố gắng "làm sao cho việc ủng hộ Nga ở mức độ chấp nhận được với phương Tây", để hai bên không trở thành thù địch. Quan hệ Trung – Nga đa chiều và phức tạp được nhiều chuyên gia tìm cách soi sáng. Chuyên gia về Châu Á Alice Ekman, Viện Nghiên cứu An ninh Liên Âu (EUISS), tác giả cuốn "Dernier vol pour Pékin" (Editions de L’Observatoire), vạch rõ việc Trung Quốc siết chặt quan hệ với Nga. Trao đổi mậu dịch Trung-Nga trong năm qua tăng hơn 30%, đạt mức kỷ lục 190 tỉ đô la.

Tuy siết chặt quan hệ kinh tế với Nga, Trung Quốc cũng chú ý giữ một khoảng cách đủ lớn để không tự biến thành địch thủ của phương Tây. Bắc Kinh không hậu thuẫn Moskva giống như các nước đồng minh và đối tác ủng hộ Kiev trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng Nga. Bắc Kinh không cung cấp cho Moskva nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự như mong muốn của Nga.

Nga vùng vẫy tránh rớt xuống vị thế "chư hầu"

Theo chuyên gia Agathe Demarais, giám đốc trung tâm phân tích rủi ro kinh tế EUI của tập đoàn truyền thông Anh quốc The Economist, Trung Quốc ở thế thượng phong trong quan hệ với Nga, Bắc Kinh có thể nhận được những gì mình cần, nhưng Moskva thì không. Cái giá phải trả với Nga là, đánh đổi lấy sự đồng thuận "về ý thức hệ" với Trung Quốc, Nga bị buộc phải chấp nhận thua thiệt về kinh tế.

Tuy nhiên, thế yếu tương đối của Nga trong quan hệ với Trung Quốc cũng được Moskva điều chỉnh với nỗ lực mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong các quan hệ kinh tế, chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Trung Đông, Iran, Châu Phi, để tránh bị biến thành chư hầu của Trung Quốc "về mặt kinh tế và chiến lược", theo ghi nhận của chuyên gia chính trị quốc tế Pierre Razoux.

Xét về nhiều mặt, cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga đẩy nhanh thế giới đến thế lưỡng cực, với một bên có trung tâm là Mỹ, bên kia là Trung Quốc. Trong xu thế này, vị thế của Liên Âu đang còn là một dấu hỏi lớn. Bài tổng hợp của AFP đặt câu hỏi : "cuộc chiến này liệu có cho phép Liên Hiệp Châu Âu khẳng định như một tác nhân chủ chốt hay đẩy Liên Âu xuống hàng nhân vật phụ", một trợ thủ của Washington. Hiện tại đây là một vấn đề còn để ngỏ.

Vị thế của Liên Âu - câu hỏi để ngỏ

Theo một giới chức cao cấp của Liên Âu, từng tham gia vào các quyết định lớn của Liên Hiệp ngay từ đầu chiến tranh, Liên Hiệp đã chứng tỏ "khả năng kháng cự, khả năng phản ứng rất nhanh chóng", trong việc hậu thuẫn Ukraine về quân sự, tiếp đón người tị nạn, giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga… Liên Âu đã đáp ứng được các đòi hỏi của tình thế trong hiện tại, nhưng việc Liên Âu có chuẩn bị cho tương lai của mình và vị trí trên bàn cờ thế giới hay không vẫn là câu hỏi lớn để ngỏ. Chuyên gia Agathe Demarais đặt câu hỏi : liệu Liên Âu sẽ trở thành "một khối thứ ba" hay đi theo Hoa Kỳ ?

Hiện tại Liên Âu dồn lực cùng với nước Mỹ và các đồng minh đối tác khác, ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trong cuộc kháng chiến, nhưng rõ ràng quan hệ mật thiết với Mỹ sẽ không thể tiếp tục như với chính quyền Biden hiện nay. Liên Âu buộc phải chuẩn bị cho kịch bản phe cực đoan trong đảng Cộng hòa có quan điểm nước Mỹ trên hết như kiểu Donald Trump lên nắm quyền, thay đổi lớn có thể sẽ sớm xảy ra trong một hoặc hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

Cuộc chiến tại Ukraine - bước đệm cho chiến tranh khốc liệt hơn ở Châu Á

Nếu như Châu Âu là tâm điểm của xung đột toàn cầu trong thời điểm hiện tại với cuộc chiến tranh tại Ukraine, thế đối đầu chủ yếu của thế giới trong thời gian tới sẽ là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc chiến tại Ukraine được xem như một bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tương lai hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn.

Theo tướng James Bierman - tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, trong một phát biểu trên báo Anh Financial Times mới đây, cuộc chiến chống xâm lăng Nga của người Ukraine hiện tại cho phép chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Tướng Mỹ James Bierman cho biết rõ là ngay từ năm 2014, Mỹ đã chuẩn bị cho xung đột tương lai, huấn luyện quân đội Ukraine, dự trữ các phương tiện… Và đây là điều Hoa Kỳ đang làm cùng với Nhật Bản, Philippines hay các đồng minh, đối tác khác.

Tóm lại cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga tại Ukraine được Hoa Kỳ và các đồng minh coi như một bước đệm quan trọng để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với tâm điểm là Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh khẳng định nếu cần sẽ dùng sức mạnh để "thu hồi".

Khởi đầu cho "sự cáo chung của thị trường toàn cầu" ?

Bên cạnh phương diện quân sự, các trừng phạt kinh tế quyết liệt của phương Tây chống Nga – do cuộc xâm lăng Ukraine – cũng đang làm định hình một tình thế quốc tế hoàn toàn khác trước. Lãnh đạo tập đoàn năng lượng Pháp Total Energies Patrick Pouyanné nói đến "sự cáo chung của thị trường toàn cầu". Việc khối G7 áp giá trần đối với dầu mỏ để siết chặt trừng phạt Nga là một trong những biện pháp không thể có trước đó đối với nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi : phải chăng tiến trình toàn cầu hóa đã đem lại sự thịnh vượng cho thế giới từ hàng chục năm qua sắp cáo chung ? Theo chuyên gia Agathe Demarais, xu thế thị trường toàn cầu bị "xé nhỏ" vốn đã bắt đầu trước chiến tranh Ukraine, nhưng đại dịch Covid và cuộc chiến tại Ukraine đã làm "tăng tốc" xu thế này.

Nghèo đói gia tăng – hậu quả địa chính trị khó lường

Hậu quả trực tiếp của chiến tranh Ukraine là giá cả thực phẩm, năng lượng để sưởi, để có ánh sáng, các nhu cầu căn bản của xã hội con người, tăng vọt. Và tác động của thực trạng này đến các khối nước khác nhau là rất khác biệt. Khó khăn thêm chồng chất với khối các nước nghèo. Đây cũng là một hệ quả lớn và khó lường khác về địa chính trị của cuộc chiến tranh tại Ukraine. Theo một nghiên cứu của Quỹ Friedrich Ebert (Đức), các phong trào phản kháng liên quan đến "các dịch vụ thiết yếu và nhu yếu phẩm" đang trỗi dậy chưa từng có ở nhiều nơi trong năm 2022 vừa qua.

Trọng Thành

Published in Diễn đàn

uk1

Lực lượng du kích Ukraine thời hiện đại đang âm thầm làm việc để phá hoại chiến dịch chiếm đóng của Nga.

Trên một con phố đông đúc ở trung tâm Kyiv, một người đàn ông cao lớn mặc áo hoodie màu đen đang đứng bên ngoài một quán cà phê, miệng phì phèo điếu thuốc lá điện tử một cách đầy giận dữ. Người đàn ông ở độ tuổi ngoài 40, trông không có gì nổi bật này chưa bao giờ trả lời phỏng vấn – và vì lý do chính đáng. Chức danh chính thức của ông, người đứng đầu Ủy ban Cựu Chiến binh, nghe như chức danh của một công chức hiền lành, nhưng Mykhailo – cái tên giả được bài báo này sử dụng nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn cho ông – chắc chắn không làm những việc như tổ chức diễu hành hay trang trí sự kiện.

Công việc của ông là hỗ trợ những người đang bí mật chiến đấu cho Ukraine sau chiến tuyến của kẻ thù. Mykhailo là một trong những chiến lược gia và nhà điều hành chính của lực lượng du kích Ukraine bên trong vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng. "Nếu họ giết tôi, vẫn còn nhiều người khác có thể thay thế tôi", ông nói với vẻ lãnh đạm. "Chúng tôi đã phải thích nghi và trở nên sáng tạo hơn. Họ có thể mạnh, nhưng chúng tôi biết dùng cái đầu của mình".

Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, các hội cựu chiến binh từng ít hoạt động đã nhanh chóng trở thành huyết mạch cho phong trào kháng chiến của Ukraine bên trong những lãnh thổ bị chiếm đóng. Mạng lưới của họ chủ yếu dựa vào các tình nguyện viên tận tụy, những người mà theo Mykhailo, đã có mặt nhiều tháng trước khi Nga chính thức tấn công vào tháng 2. "Ngay từ năm 2014, chúng tôi đã nói rằng người Nga sẽ không dừng lại ở những khu vực đó. Vì vậy, theo một cách nào đó, đất nước đã có sự chuẩn bị", ông nói. "Các cựu binh năm 2014 là một phần trong sự chuẩn bị này, bây giờ hầu hết họ đã trở lại quân đội. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho những người ở những khu vực mà chúng tôi biết sẽ bị tấn công từ sớm. Ngay cả trong các trường học, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý cho bọn trẻ".

Ban đầu, các chính trị gia đã phớt lờ cảnh báo từ các thành viên quân đội và các cơ quan an ninh Ukraine, quyết định chọn cách tiếp cận "chờ và xem" đối với các cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga.

Sau một số cuộc vận động hành lang thành công của những người như Mykhailo, vào tháng 7/2021, chính phủ Ukraine đã thông qua Luật về Các Nguyên tắc Cơ bản của Kháng chiến Quốc gia, được thiết kế để tối đa hóa vai trò của dân thường trong việc bảo vệ đất nước Ukraine. Đạo luật cho phép thành lập các nhóm dân quân bảo vệ lãnh thổ, đồng thời kết nối các nhóm dân thường này với bộ máy quân sự và an ninh rộng lớn hơn của Ukraine. Tính đến tháng 2 vừa qua, các trung tâm phân phối tạm thời đã được thành lập cho những người chưa nhận được vũ khí và chưa được huấn luyện bài bản, nhằm giúp dân thường bảo vệ khu dân cư của mình trên khắp đất nước.

uk2

Một người đàn ông nhặt củi trong lúc các sĩ quan SBU thẩm vấn một người đàn ông khác ở gần chiến tuyến của Nga ở tỉnh Kharkiv, Ukraine, ngày 27/10.

Mykhailo nói rằng, đối với người Ukraine, sau cú sốc ban đầu trước các cuộc tấn công ngày 24/02, các mạng lưới phòng thủ dân sự địa phương đã bắt đầu kết nối với nhau. "Vào ngày đầu tiên, mọi người đã bị sốc khi thấy tên lửa rơi, và vì mục tiêu của chúng không chính xác nên mọi thứ đều bị bắn trúng. Sau hai ngày đầu tiên bị sốc, chúng tôi nhận ra rằng mình phải phản kháng. Và mọi người bắt đầu tập hợp theo nhóm của họ", ông nói.

Ban đầu, những nhà điều hành như Mykhailo – nhiều người trong số đó là cựu quân nhân có kinh nghiệm ở vùng Donetsk và Luhansk, hiện đang cộng tác với quân đội và cơ quan an ninh của Ukraine ở Kyiv – tập trung vào việc điều phối luồng thông tin. Họ được giao nhiệm vụ tìm ra thứ gì đang bị tấn công, những nơi cần có vũ khí và cách đưa chúng đến đó. Ở những khu vực bị chiếm đóng như Sumy và Kharkiv, nơi giao tranh nổ ra ngay trên đường phố với lực lượng Nga, mạng lưới phòng thủ dân sự đã chống trả chủ yếu nhờ vào các cựu binh, những người thậm chí vẫn còn mang vết thương của những lần ra quân trước đó. "Họ biết cách sử dụng vũ khí, chẳng hạn như súng phóng lựu chống tăng (RPGs) hoặc những thứ tương tự. Họ được đào tạo trong quân đội Liên Xô, vì vậy họ biết những chiến thuật của Nga. Chúng tôi đã tạo ra các mạng lưới, kết nối mọi người với nhau, nhưng họ thường sử dụng các mối liên hệ của riêng mình. Cả gia đình đều tham gia vào lực lượng", Mykhailo nói.

uk3

Một sĩ quan SBU tại trạm kiểm soát bên ngoài Kyiv, ngày 28/10.

Nhưng thành viên của lực lượng du kích không chỉ có các cựu quân nhân. Mykhailo cho biết các công chức, bưu tá, và thậm chí cả thợ săn đều đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh du kích ở Ukraine. "Những người biết về rừng rậm muốn giúp chúng tôi. Một số làm việc trong ngành lâm nghiệp ; những người khác chuyên đi bắt bọn săn trộm. Kiến thức về đất rừng của họ là vô cùng quý giá, vì vậy chúng tôi đã làm việc với họ, tìm ra những cách thức mới để truyền thông tin về hoạt động của Nga và để xem liệu các hoạt động của chúng tôi trong khu vực của họ có thành công hay không", ông nói.

Một câu chuyện đáng chú ý là về Kaban, một chú chó săn được sử dụng phục vụ kháng chiến. Khi Nga tấn công Kyiv, quân đội Ukraine bắt đầu nhận ra mình đang ở thế yếu, nên họ đã tìm cách tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại vùng Kyiv, quân đội Ukraine bắt đầu lên kế hoạch làm ngập các con sông để ngăn lính Nga xây dựng những cây cầu tạm. Trong một lần cần nâng mực nước sông lên đáng kể, quân Ukraine đã đánh sập một con đập, nhưng họ không có cách nào để kiểm tra xem đòn tấn công của mình có mang lại kết quả như mong muốn hay không.

Một thợ săn địa phương đã đề nghị sử dụng Kaban, chú chó được trang bị máy ảnh GoPro đã đi vào lãnh thổ do Nga chiếm đóng, mang về những thước phim có giá trị, mà sau đó được gửi qua mạng bí mật tới Kyiv. Làm thế nào mà chủ của Kaban có thể tìm lại được nó từ lãnh thổ của kẻ thù ? "Người chủ đã huýt sáo gọi nó", Mykhailo cười. Nhờ có Kaban, lực lượng an ninh Ukraine đã có thể xác nhận nhiệm vụ của họ đã thành công.

Quân du kích đã sử dụng bất kỳ tài nguyên nào sẵn có trong lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong một nhiệm vụ, vũ khí do lính biên phòng kiểm soát đã được vận chuyển đến các khu vực được chỉ định để người dân địa phương có thể tiếp nhận. Trong khi đó, những phụ nữ phát lương hưu của Ukraine bên trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã bắt đầu thu thập thông tin về các động thái của Nga. Ngay cả khi đã phát hết tiền, những phụ nữ này vẫn tiếp tục đi từ nhà này sang nhà khác, giả vờ tiếp tục phát lương hưu.

"Họ có vai trò vô giá", Mykhailo trầm ngâm. Bởi vì những kênh này đã bị người Nga phát hiện, nên Mykhailo có thể nói về chúng, nhưng ông cho biết vẫn còn nhiều phương pháp mới đang được sử dụng hàng ngày. Ông nói, "Rất nhiều thành viên của chúng tôi đã bị giết hoặc bị tra tấn, nhưng họ vẫn tiếp tục tình nguyện, những người bà, người chị, người mẹ của chúng tôi".

Igor, 46 tuổi, đến từ vùng Kherson mới được giải phóng gần đây, là một phần trong mạng lưới du kích của Mykhailo cho đến khi việc quay phim các hoạt động của Nga đã khiến ông bị kẻ thù giam giữ trong thời gian ngắn – nhưng cuối cùng vẫn may mắn trốn thoát. "Tôi bắt đầu quay phim người Nga và vũ khí của họ bằng điện thoại của mình. Cuối cùng, họ phát hiện ai đó trong làng của tôi đã quay phim, thế là họ cho đóng cửa các trạm kiểm soát và bắt đầu kiểm tra điện thoại của chúng tôi. Tôi đã xóa đoạn phim mình quay, nhưng không xóa dữ liệu trong thùng rác. Khi họ kiểm tra, họ tìm thấy những bức ảnh và cố gắng đưa tôi đi. Rất nhiều người vây quanh họ, và một số người thân của tôi đã cho họ tiền và thuốc lá", ông kể lại.

Igor đã mất một khoảng thời gian để tìm được một mạng đáng tin cậy để gửi video đi, nhưng sau đó, khi các thành viên trong gia đình biết về các hoạt động của ông, họ đã đề nghị giúp đỡ, kể cả người cha làm nghề nuôi ong của ông.

uk4

Các sĩ quan SBU thẩm vấn một người đàn ông bị hàng xóm báo cáo ở gần Kupiansk, tỉnh Kharkiv, vào ngày 27/10.

"Lúc đầu, tôi không biết nên gửi tọa độ cho ai, nên đã gửi thông tin về văn phòng chính quyền tỉnh Mykolaiv, nhưng sau đó, tôi tìm được một người thân từng chiến đấu hồi năm 2014, anh ấy có mạng lưới tốt hơn nhiều. Khi người ta bắt đầu oanh tạc Mykolaiv từ Kherson, cha tôi cảm thấy rất buồn và cũng muốn giúp đỡ. Ông chuyên nuôi ong, vì vậy ông sẽ gửi cho chúng tôi những tin nhắn được "mã hóa" về nơi mà ông giữ bầy ong của gia đình, và liệu ong ở đó có nhiều không, những thông tin kiểu như thế. Chỉ có mình chúng tôi biết địa điểm. Có một lần, chúng tôi cần quan sát khu vực bên cạnh dòng sông – ngay cả các vệ tinh cũng không thể quan sát khu vực đó. Chúng tôi giả vờ đi câu cá và đã có thể báo cáo về khu vực đó", ông nói.

Ở cấp độ lập kế hoạch, Mykhailo hợp tác chặt chẽ với cơ quan an ninh chính thống của Ukraine, SBU, chuyên phụ trách các phong trào chống nổi dậy tại Ukraine. Các nhân viên SBU được chính phủ Ukraine giao nhiệm vụ chính thức là xác định vị trí của Nga bên trong Ukraine, săn lùng các điệp viên Nga trong hàng ngũ của Ukraine, và vẽ ra bức tranh toàn cảnh về cách đối thủ của họ hoạt động bên trong lãnh thổ Ukraine. Từ việc xác định vị trí một kho vũ khí của Nga bên trong Kyiv, đến việc phát hiện ra một đầu bếp Ukraine đã bán tọa độ và thời gian dùng bữa của doanh trại quân đội ở Rivne với giá 300 đô la, cơ quan an ninh của Ukraine liên tục cảnh giác với quân nổi dậy Nga đang ở trong đất nước họ. "Đôi khi người ta làm vì tiền, nhưng số tiền đó quá nhỏ", Olek, một sĩ quan SBU, nói với chúng tôi ở tỉnh Kharkiv, khi đang thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo gần biên giới với Nga.

uk5

Một khu vực bị phá hủy của Kupiansk, thị trấn từng chứng kiến giao tranh ác liệt giữa lực lượng Ukraine và Nga hồi tháng 9, ngày 27/10.

Mykhailo thừa nhận, "Rất nhiều người của chúng tôi đã bị bắt. Ở một số ngôi làng, người Nga đến từng nhà và tra tấn người dân để buộc họ tiết lộ về mạng lưới của mình. Đôi khi, lính Nga nắm sẵn trong tay danh sách các cựu binh. Ở Kherson, họ đã lấy cơ sở dữ liệu chứa thông tin của tất cả nhân viên chính phủ, đặc biệt là bất kỳ ai có lương hưu quân đội". Khi được hỏi về việc các thị trưởng Ukraine nói rằng quân du kích đang đầu hàng để tránh thương vong cho dân thường, Mykhailo khẳng định, "Họ đang nói dối. Đó là câu chuyện mà FSB [Cơ quan An ninh Liên bang Nga] tạo ra".

Trong lúc SBU và các sĩ quan tình báo Ukraine bắt đầu công việc chống nổi dậy ở Kherson mới được giải phóng gần đây, Mykhailo vẫn tiếp tục làm việc với các nhóm du kích bên trong lãnh thổ do Nga chiếm đóng. Họ liên tục điều chỉnh chiến thuật của mình để vượt qua những thách thức mới và khai thác những điểm yếu của Nga. "Putin rõ ràng đã không đọc sách lịch sử, nếu không thì ông ta đã biết về chiến tranh du kích của chúng tôi", ông nói. "Stalin đã nếm trải điều đó rất rõ".

Norma Costello Vera Mironova

Nguyên tác : "Ukraine Has a Secret Resistance Operating Behind Russian Lines", Foreign Policy, 21/11/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/11/2022

Norma Costello là một nhà báo tự do đến từ Ireland. Vera Mironova là nghiên cứu viên khách mời tại Đại học Harvard.

Published in Diễn đàn

"Chân lý đứng về phía chúng ta và chân lý là sức mạnh !" Vladimir Putin bùng nổ trước micro trên Quảng trường Đỏ vào tuần trước, sau một buổi lễ lớn mà trong đó ông tuyên bố bốn vùng lớn lãnh thổ Ukraine thuộc về Nga.

cuocchien1

Trong tháng rồi, quân đội Ukraine đã đẩy lùi quân Nga và tái chiếm nhiều vùng lãnh thổ

"Thắng lợi sẽ thuộc về chúng ta". Nhưng thực tế, mọi thứ có vẻ rất khác.

Ngay cả khi Tổng thống Nga ký hiệp ước sáp nhập bất hợp pháp tại Điện Kremlin, lực lượng Ukraine vẫn tiến vào các khu vực mà ông vừa thôn tính.

Hàng trăm nghìn trai tráng đã trốn khỏi Nga thay vì nhập ngũ đi chiến đấu cho một cuộc chiến kéo dài.

Và mọi thứ trên chiến trường đang diễn ra tồi tệ đến nỗi Putin và những thân tín của ông giờ đang phải điều chỉnh lại những gì họ từng tuyên bố là "phi phát xít hóa" Ukraine và bảo vệ những người nói tiếng Nga trong một cuộc chiến sống còn chống lại toàn bộ "tập thể" phương Tây.

Đó là sự thật và không có gì đứng về phía Nga.

Nạn nhân chính hệ thống của mình

"Ông ta đang ở trong vùng mù. Có vẻ như ông ta không thực sự nhìn thấy những gì đang xảy ra", biên tập viên của Riddle Russia, Anton Barbashin, lập luận về tổng thống Nga.

Giống như nhiều người khác, nhà phân tích chính trị này tin rằng ông Putin đã hoàn toàn mất cảnh giác trước sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây dành cho Kyiv, cũng như sự phản kháng quyết liệt của Ukraine đối với việc xâm lược.

Khi bước sang tuổi 70 hôm nay (ngày 7/10), sau hơn 20 năm cầm quyền, có vẻ như nhà lãnh đạo Nga đã trở thành nạn nhân của chính hệ thống của mình. Phong cách chuyên quyền của Putin đang ngáng chân ông ta tiếp cận với tình báo chuẩn xác.

Tatyana Stanovaya, người đứng đầu công ty phân tích R.Politik, giải thích : "Bạn không thể hoài nghi ý tưởng của ông ta".

"Tất cả những ai làm việc với Putin đều biết bức tranh của ông ấy về thế giới và Ukraine. Họ biết những kỳ vọng của ông ấy. Họ không thể cung cấp cho ông ấy những thông tin mâu thuẫn với tầm nhìn của ông ấy. Đó là cách mọi thứ hoạt động".

Bài phát biểu mới nhất của Tổng thống Nga, được đưa ra dưới những chiếc đèn chùm mạ vàng của Điện Kremlin, tái hiện lại tầm nhìn của ông về một trật tự thế giới mới.

Bài phát biểu nói về một nước Nga hùng mạnh, một phương Tây co rúm buộc phải học hỏi sự kính trọng và Kyiv một lần nữa, phải khuất phục trước Moscow.

Để đạt được điều đó, Ukraine là chiến trường được ông Putin lựa chọn.

Ngay cả khi tham vọng của ông ta có vẻ hão huyền nhất, Putin có vẻ sẽ không thu lại những tham vọng này.

"Nhiều tính toán lớn mà Điện Kremlin đang thực hiện đã không thành công và có vẻ như Putin không có Kế hoạch B nào, ngoài việc tiếp tục đẩy người lên chiến tuyến và hy vọng rằng những chênh lệch số lượng sẽ ngăn Ukraine tiến xa hơn", Anton Barbashin nhận định.

Chiêu quân miễn cưỡng

Việc "đẩy người lên tiền tuyến" đã là một sự thay đổi đáng kể.

Vladimir Putin tiếp tục gọi cuộc xâm lược của mình là một "hoạt động quân sự đặc biệt" - coi là có giới hạn về phạm vi và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

Nhiều người Nga đã có thể chấp nhận điều đó - thậm chí ủng hộ - khi mà nó không ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Nhưng việc huy động quân dự bị đã biến một cái gì đó xa vời và trừu tượng thành một nguy cơ rất sát sườn và mang tính cá nhân.

Các chính trị gia trong nước đang đuối sức trong một cuộc chạy đua theo kiểu Liên Xô để vượt mức hạn ngạch của mình, kêu gọi càng nhiều quân dự bị càng tốt.

Anton Barbashin nói : "Đây là khoảnh khắc định hình. Đối với đa số người Nga, cuộc chiến chỉ mới bắt đầu vài tuần trước".

"Trong những tháng đầu tiên, những người tử trận chủ yếu đến từ các vùng ngoại vi và các trung tâm nhỏ hơn. Nhưng việc huy động cuối cùng sẽ thay đổi điều đó, khi quan tài sẽ được đưa về Moscow và St Petersburg".

Tình trạng 'đơn giản là khủng khiếp'

Lệnh động viên đã tạo ra hàng loạt bàn tán trên mạng xã hội từ các bà vợ và mẹ của những tân binh - những người không vội chạy đến biên giới khi lệnh động viên được phát động.

Một số bài viết của họ - và video do chính những người đàn ông thực hiện - tiết lộ tình trạng tồi tệ : thực phẩm nghèo nàn, vũ khí cũ kĩ và thiếu nguồn cung y tế cơ bản. Những người phụ nữ thảo luận về việc gửi băng vệ sinh miếng để lót giày và băng vệ sinh dạng que để băng bó vết thương cho họ.

Thống đốc khu vực Kursk đã mô tả tình trạng ở một số đơn vị quân đội "đơn giản là khủng khiếp", thậm chí là thiếu đồng phục.

Những tiết lộ như vậy đã dội bom vào một trong những tuyên bố đầy tự hào nhất của Vladimir Putin : rằng ông đã xây dựng lại quân đội Nga thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp mà ở đó những công dân yêu nước sẽ muốn phục vụ.

Nhưng hiện tại, hầu hết vợ của các tân binh dường như tập trung vào việc ủng hộ quân đội của họ.

"Chúng ta đang ở giai đoạn mà một bộ phận đáng kể trong xã hội Nga vẫn tin rằng 'Nga là một cường quốc đối đầu NATO ở Ukraine' và gửi băng vệ sinh, tất và bàn chải đánh răng cho những người được huy động là một dấu hiệu của lòng yêu nước", Anton Barbashin viết trong một bài đăng trên Twitter trong tuần này.

Kiểm duyệt sụp đổ

Nhưng tình trạng lộn xộn trong việc huy động quân dự bị và sự lúng túng về quân sự của Nga đang khiến nhiều nhân vật nổi tiếng hơn phải lên tiếng.

Những người theo chủ nghĩa tự do lên án cuộc xâm lược Ukraine, họ đã bị bắt và nhiều người vẫn ngồi sau song sắt.

Thậm chí họ gọi nó là một cuộc chiến là phi pháp.

Tuy nhiên, trong giới "pro-Kremlin" (ủng hộ Điện Kremlin), từ này giờ đã trở nên phổ biến, cũng đã chỉ trích gay gắt đối với bộ chỉ huy quân sự của Nga.

Nghị sĩ Andrei Kartapolov là người mới đây nhất trong tuần này thúc giục Bộ Quốc phòng "ngừng dối trá" về những khó khăn của Nga, bởi vì "người dân của chúng tôi còn lâu mới ngu muội".

cuocchien2

Nhiều người Nga đã chạy trốn qua biên giới với Kazakhstan khi có lệnh bắt đầu nhập ngũ trong hai tuần qua

Margarita Simonyan, biên tập viên kênh truyền hình RT, trích dẫn thói hành quyết các tướng lĩnh "hèn nhát" và "bất tài" của Stalin.

Nhưng không có câu hỏi công khai nào về cuộc xâm lược, chứ đừng nói đến Vladimir Putin.

Margarita Simonyan gọi ông ta là "lãnh tụ" và ánh mắt trở nên đờ đẫn khi nói về việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine như một thành tựu lịch sử.

"Không có phong trào chính trị phản chiến", Tatyana Stanovaya chỉ ra, đặc biệt là trong một bầu không khí chính trị đàn áp.

"Mặc dù những người chống lại cuộc huy động cũng đang chọn cách trốn thoát. Một số cố gắng rời khỏi đất nước, những người khác đang lẩn trốn. Nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ nỗ lực tạo ra sự phản kháng chính trị nào".

Bà nói, điều này có thể thay đổi nếu Nga tiếp tục thua và miễn cưỡng huy động thêm quân. "Putin phải mang lại một số thắng lợi".

'Thánh' chiến với phương Tây

Ngay cả Tổng thống Putin cũng ám chỉ về vấn đề này trong tuần này, mô tả tình hình ở các khu vực được sáp nhập là "bất ổn".

Nhưng có một sự thúc đẩy to lớn trong việc đổ lỗi cho sự thất bại của Nga lên đầu "tập thể" phương Tây đang hậu thuẫn cho Ukraine.

Những người dẫn chương trình của các kênh truyền thông nhà nước hiện đang mô tả việc chiếm đất ở Ukraine là một điều gì đó to tát hơn, dường như đang thúc đẩy quốc gia này tham gia một cuộc chiến quy mô lớn hơn.

"Đó là cuộc chiến của chúng ta với chủ nghĩa Satan thuần túy", Vladimir Solovyov nói với người xem tuần này.

"Đây không phải là về Ukraine. Mục đích của phương Tây rất rõ ràng. Thay đổi chế độ và đánh bại Nga, để Nga không còn tồn tại", ông nói.

Đó là "chân lý" mà Vladimir Putin tin tưởng và đó là lý do tại sao thời điểm yếu đuối khách quan này đối với nước Nga cũng là thời điểm rủi ro.

"Cuộc chiến này là sống còn đối với Nga và vì vậy đối với Putin, chiến thắng là điều có thể xảy ra", Tatyana Stanovaya lập luận.

Và "ông ấy có vũ khí hạt nhân", bà nói thẳng thừng.

"Tôi nghĩ ông ấy hy vọng rằng ở một mức độ leo thang hạt nhân nào đó, phương Tây sẽ rời bỏ Ukraine".

Bà Tatyana Stanovaya không phải là người duy nhất lưu ý giọng điệu quyết liệt hơn, gần như là đấng cứu tinh của Putin.

Anton Barbashin nói : "Có cảm giác như đây là điều mà ông ấy thực sự tin tưởng : rằng đây là sự chống trả cuối cùng của Đế chế Nga, một cuộc chiến toàn diện với phương Tây", Anton Barbashin nói.

"Chúng ta đang gần đến đích, dù Nga có làm được hay không".

Tất nhiên, đó cũng là "chân lý" mà Vladimir Putin giờ đây cần phương Tây tin tưởng hơn bao giờ hết.

Sarah Rainsford, Phóng viên BBC Đông Âu

Nguồn : BBC, 07/10/2022

Published in Diễn đàn

+ Tại sao Putin gấp rút trưng cầu dân ý 4 khu vực lãnh thổ của Ukraine : Luhansk, Donetsk, Zaporizhhia, Kherson, rồi sau đó tuyên bố 4 khu vực nầy là lãnh thổ Nga ?

+ Cả thế giới lên án hành động của Putin, kể cả Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

+ Có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và NATO sau những lời đe dọa của Putin hay không ?

+ Kết quả của cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ như thế nào và tương lai nào cho chế độ Putin ?

+ Nội tình chính trị Nga bị rối loạn, dân bỏ nước ra đi..

Đây là những chủ đề chính trong cuộc thảo luận giữa và ông Hoàng Bách và ông Nguyễn Gia Kiểng. Xin mời quý vị cùng đón nghe.

Hoàng Bách nói chuyện với Nguyễn Gia Kiểng

Nguồn : Người Việt Channel, 01/10/2022

 

Published in Video

Ngoài nỗi lo về kinh tế, chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn, Việt Nam càng bị lún sâu vào các "tiêu chuẩn kép" mà rồi đây, Hà Nội sẽ chưa biết sẽ "trang trải" với Kyiv như thế nào cho phải đạo.

cuocchien1

Người dân dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Ukraine và kỷ niệm 6 tháng Nga xâm lược Ukraine. Buổi lễ ở Tel Aviv, Israel hôm 24/8/2022 - AFP

Việt Nam tiếp tục lạc lõng

Nhân kỷ niệm 31 năm Ngày độc lập Ukraine, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi điện mừng tới Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ Ngoại giao Ukraine. Tờ "Tuổi trẻ" đưa tin vào lúc 20 :01 tối 24/8 (1). Nội dung các bức điện không được tiết lộ, chắc chắn là vì câu chữ quá nhạt nhẽo, chỉ mang tính hình thức, "gửi cho có". Tin tức về "điện mừng" của Lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ được công bố vào cuối ngày Quốc khánh (!). Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quốc tế đã nồng nhiệt bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và tái khẳng định sự ủng hộ của họ vào Ngày Lễ Độc lập của Kyiv.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh quốc sẽ sát cánh với Ukraine trong thời gian lâu dài, đồng thời bảo đảm thêm về việc cung cấp mọi hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và quân sự. Boris Johnson thăm Tổng thống Zelensky tại thủ đô Kyiv đúng vào Ngày Độc lập. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen nói rằng Châu Âu đồng hành cùng Ukraine không chỉ hôm nay mà còn về lâu dài. Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Roberta Metsola cho biết, EU sẽ không ngừng ủng hộ nền độc lập của Ukraine và cuộc chiến đấu dũng cảm chống lại sự xâm lược bất hợp pháp của Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng trái tim của đất nước ông đang hướng về Ukraine ngày hôm nay, khi nước này kỷ niệm Ngày Độc lập trong một "hoàn cảnh khủng khiếp" (2). 

Ông Olaf Scholz cùng với các nhà lãnh đạo từ khắp Châu Âu chúc Ukraine có một Ngày Độc lập vui vẻ. Họ bao gồm các tổng thống Phần Lan, Latvia, Lithuania và Moldova và các bộ trưởng ngoại giao từ Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết sự ủng hộ của ông vẫn "dứt khoát và kiên định", vì nó bắt nguồn từ niềm tin rằng luật pháp quốc tế phải được ưu tiên để bảo vệ chủ quyền của tất cả các quốc gia. Chính quyền Biden có kế hoạch công bố gói viện trợ quân sự trị giá ba tỷ USD cho Ukraine trong tuần này, các quan chức Mỹ nói với Associated Press hôm 23/8. 10,6 tỷ USD là số tiền mà Chính quyền Biden đã cam kết trong suốt 19 gói viện trợ quân sự kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chưa kể gói dự kiến ​​s được công b trong tuần này. Từ khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, Mỹ đã cung cấp 12,6 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho chính phủ Ukraine (3). 

Nỗi lo "cơm áo" lấn lướt

Có lẽ duy nhất chỉ có tờ "Tuổi trẻ" là có bài kỷ niệm đất nước hoa hướng dương mừng Quốc khánh với câu hỏi, khi nào thì chiến tranh chấm dứt. Cuộc chiến đã gây ra những thay đổi lớn cho Kyiv, Moscow và cả Việt Nam nữa. Nhưng khi nào nó chấm dứt thì tới nay vẫn là câu hỏi khó trả lời (4). Nỗi lo "cơm áo" lớn nhất của Việt Nam là việc loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT đã tạo ra cơn ác mộng cho các doanh nghiệp trong nước, những nhà xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm sang Nga. Hiện nay việc thực hiện và nhận thanh toán từ các đơn vị Nga đang gặp khó khăn thực sự. Trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đang tăng trưởng ổn định, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Việt Nam xuất khẩu nhiều loại sản phẩm sang Nga và thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,9 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020. Chiến tranh khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Một số hãng tàu Việt Nam đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Nga do sợ bị trừng phạt. Đặc biệt, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Nga hoặc Ukraine phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trực tiếp do chiến tranh gây ra, trong khi ngành hàng không Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng do chi phí dầu tăng cao chuyển đến tay người tiêu dùng.

Ngành du lịch của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Nga là nguồn khách du lịch quốc tế lớn thứ sáu trước đại dịch Covid-19, nhưng các lệnh trừng phạt đã khiến nhiều người Nga lo lắng về việc không thể tiếp cận nguồn tiền nếu họ đi du lịch nước ngoài. Đây là điều sẽ tác động tiêu cực đến việc Việt Nam mở cửa trở lại với khách du lịch quốc tế vào tháng trước. Cuộc chiến gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá đối với nhiều mặt hàng như dầu, khí đốt và ngũ cốc, trong đó Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất. Do đó, lạm phát sẽ gia tăng và các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhưng không có khả năng tăng giá bán để bù đắp chi phí nguyên liệu tăng sẽ gặp khó khăn. Rủi ro lạm phát có khả năng làm chậm lại tiến trình đầu tư vốn vào nền kinh tế Việt Nam (5).

Bị kẹt giữa các "tiêu chuẩn kép"

Ngoài nỗi lo kinh tế, chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn, Việt Nam càng bị lún sâu vào các "tiêu chuẩn kép" mà rồi đây, Hà Nội chưa biết sẽ "trang trải" với Kyiv như thế nào cho phải đạo. Trên mạng xã hội, Facebooker Lê Xuân Nghĩa không hiểu nổi một bộ phận lớn người Việt nhân danh điều gì để xúc phạm dân tộc và đất nước Ukraine đang phải vật lộn với cuộc chiến vệ quốc ? Ông Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi : Tại sao Việt Nam thì "chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nhưng lại đòi Ukraine nên đầu hàng Nga sớm và nên theo Nga để "người dân đỡ phải chết chóc" ? Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phép rời Thủ đô để đi kháng chiến, nhằm bảo toàn lực lượng. Ukraine thì không có quyền ấy. Chưa đi tản cư đã bị phê là "hèn nhát" ? (6)

Nhưng có lẽ thất thố lớn nhất là Thiếu tướng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược từ Bộ Công An Lê Văn Cương đã đăng đàn diễn thuyết về các sự kiện liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Chất lượng dự đoán của ông "gây nổ lớn" trên các trang mạng. Ngày 17/02/2022, trả lời báo Dân Việt, Thiếu tướng Cương cho biết, ông ủng hộ và tin rằng, Tổng thống Putin sẽ không động binh với Ukraine. Trên thực tế 7 ngày sau, sáng ngày 24/02, Nga tấn công Ukraine mà không hề tuyên chiến. Chưa hết, trả lời báo Nghệ An, ông Cương còn lên tiếng rằng, Nga sẽ không xâm lược và không cướp đất của Ukraine, Nga sẽ không sa lầy sâu vào cuộc chiến, quân Nga sẽ thắng nhanh và kết thúc chiến tranh cuối tháng 3, thực chất, Nga đã phải rút lui khỏi Kiev và cuộc chiến vẫn khốc liệt trong những ngày này (7).

Phản cảm nhất là khi tướng Cương lên án Tổng thống Ukraine Zelensky mắc các trọng tội. "Người đứng đầu quốc gia mà mắc 3 trọng tội như vậy thì không thể tồn tại được", tướng Cương đánh giá tiếp, Zelensky là "thằng hề 43 tuổi" thì "làm sao đọ được với nguyên sĩ quan KGB Putin 70 tuổi" ? Lượng Phạm Văn tung ngay một cái "tuýt" : Tôi không nghĩ Tổng thống Ukraine Zelensky là "một thằng hề". Ông ấy là Tổng thống của một quốc gia... Tôi kính trọng ông ấy bởi lòng dũng cảm, không rời khỏi đất nước, để chiến đấu chống lại quân xâm lược" (8). 

Đạo lý gì đây hả trời ? Các tướng nói không ngượng hay sao ấy ? Khi một đất nước mà một bộ phận dân tình và các bậc tự nhận là "có tiếng nói định hướng dư luận" (KOL) mà lại tráo trở, xảo ngôn, chà đạp lên chân lý và lẽ phải, đất nước đó khó mà nhận được sự tôn trọng của thế giới. Có ai trả lời được câu hỏi trên đây ? Đó là kết quả của giáo dục, tuyên truyền một chiều làm cho trí não bị tê liệt, nhìn một chiều mãi rồi quen, mất đi khả năng lật ngược vấn đề xem xét cho kỹ để nhận thức đúng đắn sự vật ? Tự huyễn hoặc, bị lừa gạt mà vẫn tiếp tục sai lầm... Ban đầu chỉ một số ít tin vào tuyên truyền, nhưng rồi bị nhồi sọ lâu ngày, mất niềm tin và hùa theo tâm lý đám đông (9).

Tình hình tồi tệ đến mức, một vài tờ báo chính thống trong nước đã buộc phải đính chính lại các loại tướng như Lê Văn Cương, Lê Thế Mậu… Cho dù sau đó, những bài này đã bị "delete". Tờ "Người Lao Động" ra hôm 25/2 có bài : "Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định Nga chưa đạt được bất kỳ mục tiêu lớn nào ở Ukraine trong ngày đầu ra quân nhưng đã tổn thất 450 binh sĩ, tính đến ngày 25/2". Báo "Thanh niên hôm 18/3 "giật tít" : "Ukraine phản công, đà tiến của Nga bị chặn". Đà tiến quân của Nga được cho là đình trệ trên mọi mặt trận, trong khi Ukraine bắt đầu tổ chức phản công. Chưa hết, AFP đưa tin Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 17/3 cáo buộc Nga hôm 16/3 đánh bom rạp hát ở Thành phố Mariupol, nơi hơn 1.000 người bao gồm trẻ em, đang ẩn náu (10).

Có tác giả đã muốn tìm nguồn gốc của tình trạng " tiêu chuẩn kép" do đâu mà có ? Phải chăng, trong thời Chiến tranh lạnh, Việt Nam là quốc gia thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, núp dưới bóng của Liên Xô và Trung Quốc. Chính vì vậy, cho tới nay, thể chế chính trị của Việt Nam cũng mang "các gen" độc tài như Nga và Trung Quốc vậy. Tuy nhiên, khác với Nga và Trung Quốc, khi quyền lực tập trung chủ yếu vào một cá nhân duy nhất, ở Nga là Tổng thống Putin và ở Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình, Việt Nam không có nhân vật nào đủ sức mạnh nắm quyền lực tuyệt đối như Putin và Tập. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam vẫn là độc đảng, quyền lãnh đạo tuyệt đối tất cả mọi mặt thuộc về Đảng Cộng sản. Thể chế độc tài với sự cai trị tuyệt đối đó đã bộc lộ ra nhiều căn bệnh trầm kha. Ngoài tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới, căn bệnh "tiêu chuẩn kép" cũng từ đấy mà ra. Chính vì có chung thể chế độc tài, cho nên Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi "các bóng xám" của ông Putin cũng như của ông Tập, mặc dầu về kinh tế lại muốn "hội nhập" để hướng về Mỹ và phương Tây (11).

Triệu Quốc Thước

Nguồn : RFA, 25/08/2022

Tham khảo :

1. https://tuoitre.vn/lanh-dao-viet-nam-gui-dien-mung-ngay-doc-lap-ukraine-20220824194246161.htm

2. https://www.bbc.com/vietnamese/world-62633073

3. https://www.forbes.com/sites/brianbushard/2022/08/23/biden-reportedly-plans-3-billion-ukraine-arms-package-as-war-reaches-6-month-mark/?sh=2ba773ae6083

4. https://tuoitre.vn/ukraine-mung-quoc-khanh-voi-cau-hoi-lon-20220823223221224.htm

5. https://thediplomat.com/2022/04/how-the-russia-ukraine-war-is-impacting-vietnams-economy/

6. https://www.facebook.com/permalink.?story_fbid=pfbid0cNcdxRNWitujKgeKpMChEXYnxEUEVmN2Vg4bA27n65FFUHT4um1N5KmZUodYK1pwl&id=100013539074783

7. https://danviet.vn/thieu-tuong-le-van-cuong-tong-thong-putin-da-co-nhung-tinh-toan-cua-rieng-minh-20220222210747739.htm

8. https://we2045.org/video-tuong-cuong-phan-tich-sai-lam-goi-tong-thong-ukraine-la-thang-he-43-tuoi.html

9. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0cNcdxRNWitujKgeKpMChEXYnxEUEVmN2Vg4bA27n65FFUHT4um1N5KmZUodYK1pwl&id=100013539074783

10. https://thanhnien.vn/ukraine-phan-cong-da-tien-cua-nga-bi chan. post1439633.?utm_source=likr&utm_medium=web_notification&utm_campaign=Ukraine%20ph%E1%BA%A3n%20c%C3%B4ng,%20%C4%91%C3%A0%20ti%E1%BA%BFn%20c%E1%BB%A7a%20Nga%20b%E1%BB%8B%20ch%E1%BA%B7n2022-03-18&utm_content=

11. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ukraine-s-lesson-for-a-democracy-in-vn-04302022151241.html

Published in Diễn đàn

Cuộc chiến này là cuộc chiến căn cước. Putin xâm lăng vì phủ nhận chủ quyền của Ukraine trong khi người Ukraine chiến đấu để bảo vệ căn cước dân tộc của mình như họ đã từng chiến đấu trong suốt dòng lịch sử. Đây là cuộc chiến đấu giữa một đạo quân và một dân tộc. Điều khác là lần này họ được thế giới ủng hộ và cũng được sự chuyên chở của cả một làn sóng dân chủ. Họ chỉ có thể thắng.

Cuộc chiến tranh Ukraine đã bước vào một giai đoạn mới. Với mặt trận Kherson Ukraine đã chuyển từ thế thủ sang thế công trong khi quân Nga đã lùi từ thế công về thế thủ. Quân Ukraine liên tục mạnh lên trong khi quân Nga ngày càng bối rối. Đây là lúc để nhận định những gì nên được chú ý nhất trong cuộc chiến này.

uk2

Cư dân Kherson cầm biểu ngữ "Kherson thuộc Ukraine" trong một cuộc mít tinh chống lại sự chiếm đóng của Nga vào ngày 20/03/2022. Ảnh : Olexandr Chornyi Associated Press

Thắng bại đã rõ ràng

Điểm đầu tiên cần được nhận định là mặt trận Kherson sẽ quyết định số phận cuộc chiến.

Từ gần hai tháng qua, sau khi chiếm được Severodonetsk và Lysychansk, hai thành phố kế cận nhau tại tỉnh Luhansk, quân Nga hầu như không còn tiến công nữa.

Luhansk và Donetsk là hai tỉnh thuộc vùng Donbass phía Đông Ukraine giáp ranh với nước Nga, nơi có nhiều người gốc Nga và tiếng Nga thông dụng hơn tiếng Ukraine. Năm 2014 các lực lượng thân Nga với sự hỗ trợ của quân đội Nga nổi dậy chiếm cứ bán đảo Crimea và khoảng một nửa vùng Donbass. Quân đội Ukraine vào lúc đó gần như không có sức mạnh nào để có thể phản kháng. Bán đảo Crimea lập tức được sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý dàn dựng, hai khu ly khai tại Donbass tiếp tục tấn công để chiếm trọn vùng này. Như vậy tại đây Nga đã có sẵn lực lượng và cũng có hậu thuẫn địa phương. Mặt khác quân đội Ukraine dần dần được tổ chức và mạnh lên nhờ cuộc nội chiến này. Một cách âm thầm từ năm 2014 Mỹ và Châu Âu cũng đã giúp Ukraine tăng cường lực lượng để tự vệ. Thực lực và tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine sau 8 năm thử thách đã là một bất ngờ rất lớn cho Putin khi ông ta phát động cuộc xâm lược, bắt đầu từ ngày 24 tháng 2.

Trước sự ngạc nhiên của cả thế giới, Ukraine sau khi đã đẩy lùi được cuộc tấn công ồ ạt phía Bắc của quân Nga với mục tiêu chiếm thủ đô Kiev, lật đổ chính quyền Zelensky và thiết lập một chính quyền tay sai. Sau đó Ukraine đã không quyết tâm giữ vùng Donbass mà chỉ ngăn chặn quân Nga được chừng nào hay chừng đó để tập trung cố gắng phản công ở phía Nam, trước hết là chiếm lại thành phố Kherson. Họ hoàn toàn có lý vì miền Nam và Kherson có tầm quan trọng chiến lược hơn hẳn.

Kherson là chặng đường bắt buộc để quân Nga có thể chiếm miền Nam Ukraine, khiến Ukraine mất bờ biển, trở thành một nước lục địa không thể xuất khẩu ngũ cốc –nguồn lợi chính của Ukraine- và bắt buộc phải lệ thuộc vào Nga. Không những thế, nếu chiếm hết được bờ biển phía Nam Nga còn tiếp nối được với Moldavia nơi họ đã chiếm đã chiếm được vùng Trasnistria và đồn trú khoảng 3.000 quân. Quan trọng hơn, tỉnh Kherson, mà thủ phủ là thành phố Kherson, còn tiếp giáp và kiểm soát đường vào lục địa của bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm được của Ukraine và ngang nhiên sáp nhập vào Nga năm 2014. Chính vì thế mà ngay từ đầu Nga đã dồn quân đánh chiếm được Kherson nhưng sau đó phải khựng lại trước sự chống trả quyết liệt của quân đội Ukraine. Hiện nay Quân đoàn 3 của Nga đang đóng giữ Kherson. Mất Kherson, hay đúng hơn không giữ được Kherson, có nghĩa là mộng chinh phục miền Nam Ukraine của Putin không những tan tành mà Nga còn có thể mất luôn bán đảo Crimea bởi vì đối với thế giới Crimea vẫn là một phần của Ukraine bị chiếm đóng trái phép. Sau đó vùng đất Transnistria mà Nga chiếm đóng của Moldavia cũng sẽ rơi vào tình trạng cô lập tuyệt vọng.

uk1

Bản đồ chiến trường Ukraine tháng 8/2022 - Ảnh minh họa

Thực tế là Nga đang thua tại Kherson. Thành phố Kherson có đặc điểm là ở phía Bắc sông Dniepr nối liền với phần còn lại của tỉnh Kherson chủ yếu bằng hai cây cầu Antonovski (ở ngoại ô Kherson) và Nova Kakhova (cách Kherson khoảng 50 km). Cầu lớn và quan trọng nhất là cầu Antonovski. Quân đội Ukraine nhờ có giàn pháo Himars, chính xác và có tầm xa 80 km, đã bắn phá khiến cầu Antonovski này không còn sử dụng được nữa. Cầu Nova Kakhova vì đồng thời cũng là một đập nước quan trọng cho Ukraine nên không thể bị phá hủy mà không gây tai họa lớn nhưng cũng đã trở thành rất khó sử dụng và ngày càng khó sử dụng hơn. Đường tiếp liệu của Quân đoàn 3 của Nga đang chiếm đóng Kherson gần như đã bị chặn và có mọi triển vọng sẽ bị chặn hẳn trong tương lai gần. Quân Ukraine cũng đã tái chiếm được khoảng 50 làng chung quanh và đã tiến đến sát thành phố Kherson. Ngay tại Crimea họ cũng bắt đầu phản công bằng các toán đặc công gây cho quân Nga những thiệt hại rất lớn. Putin bị đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rút quân khỏi Kherson là thú nhận thất bại, điều mà Putin không thể làm bởi vì ông ta không ngừng tuyên bố với nhân dân Nga là sẽ chiến thắng, nhưng nếu không rút thì Quân đoàn 3 sớm muộn cũng sẽ bị tiêu diệt và hậu quả còn bi đát hơn. Cuối cùng Putin có vẻ đã chọn giải pháp liều lĩnh là đem viện binh tới cứu Kherson. Hiện nay theo các nguồn tin từ hiện trường, Nga đã đem thêm 22.000 quân tới Kherson. Như vậy lực lượng Nga tại đây hiện nay là khoảng 50.000 người. Ukraine cũng đang tăng cường lực lượng với quyết tâm đánh bại quân Nga. Các cấp chỉ huy Ukraine tin rằng họ có thể lấy lại được thành phố Kherson một cách khá nhanh chóng. Họ có lý do để tin như vậy nhưng giải phóng được Kherson là một chuyện, giải phóng phần còn lại của tỉnh Kherson ỏ bên kia bờ sông Dniepr là chuyện khó hơn nhiều. Quân Ukraine sẽ phải chủ yếu tấn công từ Odessa.

Đàng nào thì Kherson cũng sẽ quyết định số phận của cuộc chiến Ukraine, giống như trận Verdun đã quyết định số phận của Thế Chiến I năm 1918. Mặt trận Kherson sẽ rất khốc liệt. Ukraine có mọi triển vọng sẽ thắng vì quân Ukraine ngày càng mạnh hơn và được trang bị hơn trong khi Nga ngày càng gặp khó khăn về mọi mặt và yếu đi như mọi nghiên cứu nghiêm chỉnh chứng tỏ. Hơn nữa Nga còn có vấn đề tiếp vận cực kỳ nan giải. Một câu hỏi đang được đặt ra trong lúc này là uy tín của Putin đối với người Nga còn kéo dài được bao lâu nữa ; nhiều dấu hiệu cho thấy là người Nga ngày càng nhận ra rằng cuộc chiến này là một sai lầm bi đát. Một câu hỏi khác là Mỹ và Châu Âu còn kiên nhẫn giúp Ukraine được bao lâu nữa ; câu hỏi bắt đầu được đặt ra dù cho tới nay quyết tâm của Mỹ và Châu Au chưa hề bị lay chuyển.

Putin muốn gì và đã được gì ?

Gần sáu tháng xung đột đã chứng tỏ Putin không có tầm nhìn và chiến lược nào cả.

Khởi đầu cuộc chiến xâm lược Putin tuyên bố đây chỉ là một cuộc "hành quân đặc biệt", ông ta tin rằng có thể đánh gục chính quyền Kiev trong một vài ngày để dựng lên một chính quyền bù nhìn tay sai. Nhưng thực tế đã trái hẳn, quân Nga đã phải tháo chạy khỏi mặt trận phía Bắc sau khi thiệt hại nặng. Quân Ukraine đã mạnh hơn ông ta tưởng và ngày càng mạnh hơn trong khi quân Nga ngày càng bối rối.

Putin tuyên bố mục tiêu của cuộc xâm lăng này là để ngăn chặn sự bành trướng của NATO và Liên Hiệp Châu Âu, trước hết là không cho Ukraine gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Kết quả là NATO đã mạnh hơn hẳn, tiếp nhận thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, hai nước từ trước đến nay vẫn chủ trương trung lập. Liên Hiệp Châu Âu chính thức nhận đơn xin gia nhập của Ukraine và Moldavia.

Putin hy vọng sự chia rẽ trong nội bộ NATO, trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, trong nội bộ nước Mỹ và giữa Châu Âu và Mỹ sẽ càng nghiêm trọng hơn trước thử thách của cuộc xâm lăng này và Nga sẽ không gặp phản ứng đáng kể nào. Kết quả đã ngước hẳn, NATO, Mỹ và Châu Âu đã đoàn kết như bao giờ thấy trong một quyết tâm chung là đánh bại Putin.

Cái giá mà Putin bắt nước Nga phải trả đã rất kinh khủng. Nước Nga hoàn toàn bị cô lập, bị nhìn như một nước côn đồ và phải chịu đựng những biện pháp trừng phạt về cả kinh tế lẫn chính trị như chưa bao giờ thấy.

Theo chính quyền Ukraine, hơn 40.000 quân Nga đã thiệt mạng, khoảng 120.000 binh sĩ Nga đã bị thương. Theo giới chức quân sự Mỹ và Anh số quân Nga chết và bị thương là từ 80.000 đến 100.000 người, nghĩa là gần một nửa lực lượng ban đầu đã bị loại khỏi vòng chiến. Nga đã phải tuyển quân từ các nhà tù và phải sử dụng một số lượng lính đánh thuê ngày càng đông. Một quân đội như vậy có giá trị gì ?

Về thiệt hại vũ khí của Nga, các ước lượng của Ukraine, Mỹ và Anh không khác nhau bao nhiêu. Tất cả đều đồng ý rằng Nga đã mất khoảng 2.000 xe tăng, 4.000 xe bọc thép, 1.000 khẩu pháo, trên 200 máy bay, trên 200 giàn phóng tên lửa và gần 200 giàn pháo phòng không. Kho vũ khí của Nga còn lại bao nhiêu ? Điều chắc chắn là Nga không có khả năng sản xuất vũ khí một cách nhanh chóng và vũ khí của Nga về phẩm chất thua xa những vũ khí mà Ukraine nhận được ngày càng nhiều.

Về mặt kinh tế, một nghiên cứu của Đại học Yale cho thấy chính quyền Putin đã ngụy tạo các con số, thậm chí sửa đổi cả các con số đã được công bố trước chiến tranh để cố che giấu những thiệt hại năng nề do các biện pháp trừng phạt. Nhưng làm sao có thể bịa đặt ra những số liệu trong thời đại truyền thông này ? Người ta vẫn có thể cộng tổng số xuất khẩu của các nước khác sang Nga để biết rằng nhập khẩu của Nga đã giảm hơn 50% so với trước chiến tranh.

Và cũng có những sự kiện không thể phủ nhận. Thí dụ như hơn 1000 công ty nước ngoài sử dụng trên 12% lực lượng lao động Nga đã bỏ ra đi. Tác dụng dây chuyền sẽ khiến ít nhất ba lần số công nhân của các công ty khác không thể làm việc. Như vậy gần một nửa số công nhân Nga phải bị thất nghiệp, thất nghiệp chính thức hoặc thất nghiệp kỹ thuật. Một thí dụ khác là 86% số lượng khí đốt xuất khẩu của Nga bán sang Châu Âu. Lượng khí đốt này hiện đã giảm 60% và sẽ xuống gần số không vào cuối năm. Nga không thể bán khí đốt sang Trung Quốc hay Ấn Độ như nhiều người nghĩ. Khí đốt cần đường dẫn và đường dẫn cần nhiều năm để xây dựng. Dầu của Nga không còn bán sang Châu Âu và các nước dân chủ nữa, một phần được bán sang Trung Quốc và Ấn Độ nhưng hai nước này hiện nay mới chỉ có sức tiêu thụ giới hạn và còn đòi Nga giảm giá 35 USD mỗi ba-rin, nghĩa là hơn 35% (giá mỗi ba-rin hiện nay là 93 USD trên thị trường). Kết luận của nhóm nghiên cứu Đại học Yale rất thuyết phục : kinh tế Nga đã thiệt hại rất nặng, đã lùi ít nhất ba thập niên.

Tóm lại cuộc xâm lược này đã có tác dụng ngược hẳn lại với những gì mà Putin mong đợi, ông ta đã thất bại trong mọi địa hạt, trên mọi phương diện và theo mọi tiêu chuẩn.

Nhìn lại nước Nga và Putin

Sau những trình bày rất tóm tắt trên đây, chúng ta có thể nhìn lại những những nét đậm của nước Nga và Putin.

Trước hết Putin không điên như nhiều người nghĩ. Ông ta có những lý do khá chính xác dù không chính đáng để quyết định xâm lăng Ukraine và cũng có những dữ kiện làm cơ sở cho những lý do đó. Đừng quên rằng Putin nguyên là một sĩ quan tình báo đã nhẩy vọt qua các cấp bậc để nhanh chóng trở thành bá chủ nước Nga. Một người như vậy chắc chắn phải rất xuất chúng, nhất là biết thu thập và sử dụng các dữ kiện.

Putin lo sợ vì Ukraine đang ngày càng mạnh lên về quân sự và ngày càng dứt khoát dân chủ hóa, ngày càng là một đe dọa cho chế độ độc tài Nga, do đó phải ra tay ngay bây giờ trước khi quá trễ. Về điểm này Putin hoàn toàn đúng.

Putin thấy rằng nước Mỹ đã quá chia rẽ và mất ý chí, một cố gắng nhỏ như yểm trợ Afghanistan mà cũng không làm được, phải bỏ chạy để mất hết thể diện trước thế giới ; NATO đã quá rã rượi, bị tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá là lỗi thời và tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho là đã chết lâm sàng ; Liên Hiệp Châu Âu lủng củng, nước Anh vừa rút ra, Ba Lan và Hung đang có những đảng cầm quyền dân túy. Nếu có thời điểm nào thuận lợi nhất để xâm chiếm Ukraine mà không sợ Mỹ và Châu Âu phản ứng mạnh thì chính là lúc này. Trên điểm này Putin cũng hoàn toàn có lý.

Putin cũng tin rằng với lực lượng hùng hậu –hơn 200.000 quân, hơn 10.000 xe tăng và xe bọc thép, hơn 1.000 máy bay và trực thăng v.v.- Nga có thể tấn công thần tốc, đánh gục chính quyền Zelensky của Ukraine trong một vài ngày. Sự thực đã trái ngược hẳn nhưng niềm tin của Putin có cơ sở, bằng cớ là cả tổng thống Mỹ lẫn tổng thống Pháp cũng tin như thế và phần lớn các chính quyền trên thế giới cũng tin như họ. Cả Mỹ và Pháp đều đề nghị cho Zelensky tỵ nạn nếu bỏ chạy. Phản ứng của chính quyền và nhân dân Ukraine đã là một bất ngờ cho cả thế giới, không riêng gì Putin.

Những câu hỏi thực sự cần được đặt ra sâu xa hơn nhiều. Đó là tại sao Putin lại sợ Ukraine mạnh lên và trở thành một nước dân chủ đúng nghĩa ? Tại sao ông ta lại thấy cần phải xâm lăng Ukraine ? Và tại sao ông ta lại có thể ngang ngược tự cho mình quyền đem quân xâm chiếm một nước khác bất chấp cả đạo đức và luật pháp quốc tế, làm chết hàng trăm nghìn người và khiến hàng chục triệu người phải tản cư, mất nhà cửa và tài sản ? Những câu hỏi này liên quan tới lịch sử, đạo đức, tư tưởng và tầm nhìn xa về tương lai thế giới, nhưng đó là những phạm trù mà những bạo chúa, những nhà độc tài và những tay điệp viên, tình báo như Putin không biết tới và không quan tâm.

Lich sử nước Nga rất phức tạp nhưng một cách tổng hợp có thể nói là từ ngàn xưa Nga và các nước lân cận vẫn là một thế giới riêng, xa xôi, bao la, băng giá và tách biệt với phần còn lại của thế giới. Trong vùng đất đó, các sắc dân cướp phá và thống trị lẫn nhau, chiến tranh và bạo lực là quy luật tự nhiên và duy nhất. Đế quốc Nga đã được thành lâp từ thế kỷ 14 bởi một băng đảng cướp Viking mới đầu chiếm đóng và thống trị Kiev và vùng phụ cận từ thế kỷ 10, đến thế kỷ 14 bỏ đi vì bị chống đối từ cả trong lẫn ngoài và đến lập nghiệp tại Moskva rồi dần dần bành trướng ra và mạnh lên. Do điều kiện địa lý khắc nghiệt, đế quốc Nga gần như bất khả xâm phạm. Các mưu toan chính phục dù là Napoleon thế kỷ 19, Hitler thế kỷ 20 hay Ba Lan trước đó đều thảm bại vì lý do thời tiết. Có một câu nói đùa rằng Nga có hai vị tướng đại tài bách chiến bách thắng là Giêng (January) và Hai (February). Sự an toàn đó và tập quán bạo lực của vùng đã khiến các vua chúa Nga thoải mái cai trị bằng bàn tay sắt. Tất cả các Nga Hoàng đều là những bạo chúa và được đánh giá qua những thành tích chiến tranh và chinh phục. Những Nga Hoàng được tôn vinh nhất – Ivan Kinh Khủng, Peter Đại Đế, Catherine Đại Đế và gần đây Stalin- cũng là những bạo chúa hung ác nhất. Họ có thể học hỏi những kỹ thuật của Phương Tây, như Peter Đại Đế, nhưng không bao giờ chấp nhận văn hóa Phương Tây. Họ không chỉ bác bỏ mà còn thù ghét dân chủ. Họ không hề bị nhân dân lên án về những tội ác bởi vì trong cấu trúc tâm lý của xã hội Nga chủ quyền, nhân quyền và nhân đạo hoàn toàn vắng mặt. Chúng chỉ mới ló dạng một cách yếu ớt gần đây. Cho tới nay Nga vẫn là một ngoại lệ, một thế giới riêng.

Putin không ngu xuẩn như nhiều người nghĩ, trái lại ông ta rất thông minh, nhưng ông ta là một sản phẩm và một tù nhân của lịch sử Nga. Putin muốn để tên lại trong lịch sử như một đại anh hùng đã khôi phục lại sự vĩ đại của Đế Quốc Nga và Liên Bang Xô Viết. Chính vì thế mà cho đến nay ông ta vẫn được đa số người Nga tôn sùng. Người Nga sau hàng ngàn năm bị ép buộc phải tôn sùng bạo lực và chiến tranh đã mắc tâm lý tôn sùng bạo lực và chiến tranh. Sai lầm chết người của Putin là không biết rằng thế giới đã thay đổi, ngoại lệ Nga phải chấm dứt và dù muốn hay không nước Nga cũng phải cố gắng để thích nghi.

Cuộc chiến dù chưa kết thúc nhưng sự thắng bại đã rõ ràng. Ukraine sẽ thắng và quả quyết xây dựng dân chủ. Nga sẽ thảm bại, bằng cách này hay cách khác Putin sẽ bị đào thải, chế độ độc tài sẽ sụp đổ và phần đất đóng kín với thế giới sẽ vĩnh viễn mở ra. Kết quả nổi bật nhất của cuộc chiến này là thành trì kiên cố nhất, cho tới nay bất khả xâm phạm, của độc tài chuyên chế sẽ thất thủ. Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ tràn tới Nga.

Ngoại lệ Ukraine

Nếu Đế quốc Nga là một ngoại lệ trong lịch sử thế giới thì Ukraine cũng là một ngoại lệ trong vùng chịu ảnh hưởng Nga. Được mô tả trong vài truyện tích Hy Lạp như là một thiên đường trên mặt đất, vùng đất Ukraine đặc biệt phì nhiêu và dồi dào lương thực nên con người ở đây không cần cướp bóc và giết nhau để sống. Thành phố Kiev được thành lập rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 6, và cư dân sinh sống với nhau trong hòa bình. Nhưng cũng chính vì có lương thực dồi dào mà Ukraine nhanh chóng trở thành mồi ngon cho các thế lực hiếu chiến bên ngoài. Từ thế kỷ 10 họ bị đảng cướp Viking chinh phục và thống trị. Từ thế kỷ 14, khi đảng Viking này bỏ đi, họ bị Lithuania rồi Ba Lan thống trị và bóc lột. Sau cùng, từ thế kỷ 18, là Đế quốc Nga. Lịch sử của Ukraine là lịch sử đau thương của một dân tộc luôn luôn bị chiếm đóng và phải chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng cũng vì thế mà hơn mọi dân tộc Đông Âu người Ukraine có tinh thần dân tộc của những con người cùng chia sẻ một số phận và cùng mong muốn tự do. Ukraine là nước duy nhất trong vùng có tinh thần dân chủ rất sớm, chính vì vậy mà Ukraine đã có thể có những cuộc cách mạng dân chủ Màu Cam năm 2004 và Maidan năm 2014. Trong suốt mười thế kỷ người Ukraine đã chiến đấu rất quyết liệt để giành lại chủ quyền. Chỉ riêng trong 27 năm của nửa đầu thế kỷ 20, từ 1918 đến 1945, họ đã ba lần nổi dậy chống Liên Xô đòi độc lập và khoảng 15 triệu người Ukraine, một nửa dân số vào lúc đó, đã thiệt mạng, 3 triệu người khác đã bị Stalin lưu đày sang Siberia. Trái với khẳng định bá quyền hồ đồ của Putin, Ukraine không hề là một phần của Nga. Quan hệ giữa hai nước chỉ là quan hệ thù địch và cũng không dài, trong đó Nga thống trị và đàn áp rất dã man còn Ukraine là nạn nhân đau khổ.

Bất ngờ lớn đã khiến cả thế giới sửng sốt là sự chống trả anh dũng của Ukraine, nhưng nếu nhìn lại lịch sử quan hệ Nga - Ukraine thì người ta không mấy ngạc nhiên. Người Ukraine không bao giờ tháo chạy trước quân Nga, bởi vì khi họ đối diện với Nga thì sự căm thù và phẫn nộ còn lớn hơn nỗi sợ, kể cả cái chết.

Cuộc chiến này là cuộc chiến căn cước

Putin xâm lăng vì phủ nhận chủ quyền của Ukraine trong khi người Ukraine chiến đấu để bảo vệ căn cước dân tộc của mình như họ đã từng chiến đấu trong suốt dòng lịch sử. Đây là cuộc chiến đấu giữa một đạo quân và một dân tộc. Điều khác là lần này họ được thế giới ủng hộ và cũng được sự chuyên chở của cả một làn sóng dân chủ. Họ chỉ có thể thắng. Ukraine sẽ khẳng định dứt khoát là một quốc gia có đầy đủ chủ quyền. Một nước dân chủ lớn sẽ được thành hình trên phần đất Liên Xô cũ kéo theo trong một tương lai không xa Kazackhstan.

Cuộc chiến Ukraine sẽ thay đổi hẳn bối cảnh thế giới. Giờ này còn quá sớm để nói trật tự thế giới mới sẽ như thế nào. Điều chúng ta có thể quả quyết là trật tự đó sẽ là trật tự dân chủ và các chế độ độc tài không chịu thích nghi kịp thời sẽ có số phận rất bi đát bởi vì đà tiến hóa của lịch sử luôn luôn rất tàn nhẫn với những kẻ ngoan cố chống lại nó.

Nguyễn Gia Kiểng

(18/08/2022)

Published in Quan điểm