Việt Nam "làm đủ trò" trước phiên bỏ phiếu của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
RFA, 03/10/2022
Chính quyền Hà Nội được nói đang ráo riết tuyên tuyền, vận động bằng nhiều hình thức để có thể sở hữu chiếc vé trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025, được dự kiến bỏ phiếu vào ngày 11/10 sắp tới tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra vào ngày 9/9/2019 (hình minh hoạ)
Ráo riết vận động
Báo chí Nhà nước, cùng với cổng thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ Việt Nam, tháng vừa qua liên tục đưa nhiều bài viết ca ngợi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đồng thời đăng bài phản bác lại những cáo buộc mà cộng đồng Quốc tế lên án Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Có thể kể, trên Tạp chí Xây dựng Đảng hôm 30/9 có bài viết tựa đề "Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc". Hoặc, Mạng báo Vietnamplus có hai bài viết với tựa "Việt Nam chú trọng hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người" và "Việt Nam sẵn sàng đóng góp nhiều hơn cho công việc của Liên hợp quốc".
Mới nhất hôm 3/10, trên báo VOV thuộc Đài tiếng nói Việt Nam có bài "Việt Nam cam kết đóng góp tích cực khi trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc".
Không cần nêu cụ thể nội dung của những bài báo đó ca ngợi điều gì, tuy nhiên với những tựa đề khá "tô hồng", có thể thấy Chính phủ Việt Nam đang dùng truyền thông như "cánh tay phải" để ca ngợi vai trò, nhiệm vụ của Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và cả guồng máy chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, ủng hộ vai trò và hoạt động của Hội đồng Nhân quyền trên nguyên tắc bình đẳng, đối thoại và hợp tác xây dựng.
Song song với đó, Chính phủ Việt Nam vừa thông qua một đề án có tên gọi "Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam", được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành vào ngày 30/9.
Những động thái vừa nêu của Chính quyền Hà Nội diễn ra vào lúc chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến kỳ bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và năm nay Việt Nam đã một lần nữa tham gia ứng cử.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức BPSOS - một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam - nói với RFA rằng Hà Nội đang rất muốn giành được một ghế trong Hội đồng Nhân quyền, bởi vì :
"Trước hết, họ (chính quyền Việt Nam - PV) thể hiện được họ là một thành viên của Hội đồng nhân quyền, như vậy cũng là một dấu ấn rằng họ là một chế độ tôn trọng nhân quyền, "có làm sao thì người ta mới đối xử với mình như vậy". Đó là cái hình ảnh mà họ muốn trưng dẫn ra bên ngoài đặc biệt là với người dân ở trong nước"
Một ý kiến khác nhìn nhận về vấn đề của Việt Nam trong lần ứng cử này là Luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông cho rằng :
"Nhà nước Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với mục đích chính trị là chính, chứ họ sẽ không có bất kỳ một đóng góp nào trong việc bảo vệ nhân quyền cho chính người dân Việt Nam, cũng như là bảo vệ nhân quyền chung cho các dân tộc khác ở trên thế giới".
Tình hình nhân quyền không cải thiện
Việt Nam thông báo ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 4/2021.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đánh giá kể từ đó cho đến nay, tình hình nhân quyền Việt Nam không những không có cải thiện, mà thậm chí là còn tệ thêm đi. Ông giải thích :
"Đặc biệt là mới đây Việt Nam đã phải trải qua một cuộc khảo sát của Liên Hiệp Quốc về quyền của trẻ em, mà qua đó rất nhiều chứng cứ đã được trưng ra rằng Việt Nam đã vi phạm ngay cả quyền của trẻ em. Ví dụ như vụ ở "Thiền am bên bờ vũ trụ", các chú tiểu gần như là bị khủng bố, tinh thần rất nhiều lần.
Ngoài ra, ông Thắng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì đã xâm lược Ukraine, cũng là một tì vết trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Mới đây, trong báo cáo về nạn buôn người toàn cầu năm 2022 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 19/7/2022, Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước hạng ba, là hạng thấp nhất. Trước đó, trong Báo cáo nhân quyền năm 2021 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 12/4/2022 đánh giá Việt Nam là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ.
Hôm 17/9, tám tổ chức nhân quyền quốc tế gởi một thư ngỏ cho Đại diện Thường trực các Quốc gia thành viên của Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kêu gọi không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Khả năng Việt Nam trúng cử ?
Nhận định về việc Việt Nam sẽ có bao nhiêu cơ hội trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc như hồi năm 2014, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng cơ hội rất thấp. Ông giải thích :
"Nhưng mà năm nay, tôi thấy Việt Nam ít có cơ hội hơn kỳ trước. Bởi vì những kỳ trước là Việt Nam là độc diễn.
Nhưng mà năm nay thì lại khác, đã có sáu ứng viên cho khu vực Á Châu Thái Bình Dương và riêng Đông Nam Á thì Malaysia đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho đến năm 2024 lận. Không những vậy, rất có thể Thái Lan cũng sẽ công bố mình là ứng cử cho Hội đồng nhân quyền này…
Cho nên tôi nghĩ rằng năm nay Việt Nam sẽ phải "trần ai" lắm thì may ra mới vào được Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc".
Còn Luật sư Nguyễn Văn Đài thì cho rằng Việt Nam vẫn có khả năng giành được một vé trở thành thành viên chính thức của Hội đồng này và đó là điều, theo luật sư Đài, rất nguy hiểm :
"Đó là một điều rất nguy hiểm đối với người dân Việt Nam. Và hành vi đàn áp đối với các quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại ở… trong nước sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, nếu họ được vào Hội đồng Nhân quyền".
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng lại cho rằng, nếu Việt Nam trúng cử cũng có mặt lợi :
"Tôi nghĩ rằng nếu Việt Nam được vào thì cũng đặt Việt Nam vào một cái thế là phải làm gương tốt cho các quốc gia khác khi mình là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền. Và do đó, những vi phạm của họ sẽ được chiếu rọi bằng "đèn pha" của Liên Hiệp Quốc và họ không thể tránh né được".
Nguồn : RFA, 03/10/2022
***********************
Việt Nam có xứng đáng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ?
RFA, 30/09/2022
Hà Nội cho rằng các tổ chức, cá nhân tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo là thiếu thiện chí, lợi dụng chống phá, ngăn cản Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Thư ngỏ của tám tổ chức gửi Liên Hiệp Quốc. VNHR-AFP, RFA edited
Các nhà hoạt động nhân quyền nói gì về tuyên bố này của Chính phủ Việt Nam ? Trả lời RFA hôm 30/9 từ Đức Quốc, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, một cựu tù chính trị cho biết, Việt Nam đã từng trúng cử một nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc 2014-2016. Nhưng sau đó họ không tái cử, do năm 2015 và đầu năm 2016 Việt Nam vi phạm nhân quyền nhiều quá nên không dám ra tái cử. Tuy nhiên ông cho rằng lần này Việt Nam cũng không xứng đáng ứng cử vì tình trạng đàn áp nhân quyền tồi tệ. Ông nói tiếp :
"Việt Nam trong bốn năm trở lại đây đã bắt giữ rất nhiều những người bất đồng chính kiến, những người thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí. Hiện có khoảng hơn 100 người đã bị bắt và đang bị cầm tù. Những người đó dùng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình để vạch rõ những sai phạm của nhà nước cộng sản Việt Nam trong vấn đề tham nhũng, vi phạm nhân quyền và những vấn đề bất cập khác. chứ không có một ai chống đối cả. Họ chỉ nêu những vấn đề bình thường của xã hội và những điều đó hoàn toàn đúng sự thật. Phần lớn họ chỉ bình luận phân tích những vấn đề đã được báo chí nhà nước nêu lên, chứ họ không lấy những thông tin ở đâu đó, hay những thông tin không chính xác về nhà nước Cộng sản Việt Nam".
Theo Luật sư Đài, Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền là một sự sắp xếp, dàn xếp của các quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho nên chắc chắn họ sẽ trúng cử. Vì khu vực Châu Á chỉ đưa ra đủ số ứng cử viên tham gia Hội đồng Nhân quyền, họ không đưa ra số dư, cho nên việc Việt Nam được vào Hội đồng Nhân quyền là gần như chắc chắn, dù số phiếu không được cao như năm 2014. Khi đó Việt Nam được số phiếu gần như cao nhất, năm nay Luật sư Đài cho rằng Việt Nam sẽ có vừa đủ số phiếu để là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ông Đài nói tiếp :
"Nếu Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là một tin rất xấu. Nó sẽ làm cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kiêu ngạo hơn và họ sẽ gia tăng đàn áp nhân quyền trong nước. Việc họ trúng cử sẽ không giúp ích cho cải thiện tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong những năm vừa qua, đây là một điều không vui. Bởi vì trong chế độ độc tài, họ thường tìm mọi cách để lọt vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc, trong đó có Hội đồng Nhân quyền, để dùng cái đó tuyên truyền cho người dân trong nước rằng, việc người trong nước tố cáo họ vi phạm nhân quyền hay tố cáo với cộng đồng quốc tế về họ, là không chính xác đó là một điều không tốt".
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng - Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS - Tổ chức Cứu người Vượt biển, thì Việt Nam có triển vọng thấp để đắc cử thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Trên trang thông tin chính chức của BPSOS, TS Thắng cho biết có 29 tổ chức và 10 cá nhân đã ký thư chung do BPSOS khởi xướng, kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên minh Quốc tế Tự do Tôn giáo hay Niềm tin nêu vấn đề này tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trước cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng 10 năm 2022.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) là một tổ chức trực thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này được ra đời ngày 15 tháng 3 năm 2006.
Báo cáo về tình hình nhân quyền của các nước trên thế giới trong năm 2021 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 12/4/2022 cho biết Việt Nam là một quốc gia độc tài, một đảng cầm quyền và cuộc bầu cử Quốc hội không tự do cũng không công bằng, có sự cạnh tranh hạn chế giữa các ứng cử viên do Đảng Cộng sản xét duyệt kỹ.
Theo báo cáo, công dân Việt Nam không có khả năng thay đổi chính phủ của họ một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng ; chính phủ tham nhũng nghiêm trọng và có những hạn chế đáng kể đối với quyền tự do hiệp hội của người lao động...
Ngoài ra, trong báo cáo còn nêu rõ những vấn đề nghiêm trọng với tính độc lập của cơ quan tư pháp tại Việt Nam ; can thiệp tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào quyền riêng tư ; hạn chế nghiêm trọng đối với tự do ngôn luận và phương tiện truyền thông, bao gồm việc bắt giữ và truy tố tùy tiện những người chỉ trích Chính phủ, kiểm duyệt và các luật về tội phỉ báng ; hạn chế nghiêm trọng về tự do internet ; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do hiệp hội ; hạn chế quyền tự do đi lại, bao gồm cả lệnh cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động...
Đại diện EU tại Đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU vào tháng 4/2022 cho rằng, các quy định trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam hạn chế việc đăng ký điểm nhóm, sinh hoạt tôn giáo EU cũng bày tỏ quan ngại về việc tín đồ Tin lành của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bị hạn chế hoạt động.
Tuy nhiên, báo chí Nhà nước Việt Nam lại cho rằng thông tin mà Hoa Kỳ và EU nêu lên là sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề dân tộc, tôn giáo do sử dụng thông tin của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức mà nhà cầm quyền CS cho là "phản động lưu vong chống phá Việt Nam" như Ủy ban Cứu người vượt biển – BPSOS...
Ngày 5/1/2021, ba nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam bị tuyên tổng cộng 37 năm tù giam với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". AFP.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chi Cộng sản, khi trả lời RFA từ Việt Nam hôm 30/9, nhận định :
"Nhà cầm quyền luôn nói họ không vi phạm nhân quyền, nhưng trên thực tế vi phạm rất nhiều. Tất cả những nhà quan sát, những người đấu tranh bị đàn áp đã lên tiếng cho thế giới biết sự thật ở Việt Nam là như thế. Khi đó thế giới căn cứ vào các tiêu chuẩn nhân quyền, nếu xác định Việt Nam vi phạm thì vị trí ứng cử của Việt Nam sẽ gặp khó khăn, đây là thực tế chắc chắn sẽ diễn ra, vì sự vi phạm liên tục và có hệ thống. Đối với chính quyền Việt Nam thì họ bảo là chống phá, còn những người nói lên sự thật thì họ nói đó là sự thật. Quốc tế phải căn cứ vào các tiêu chuẩn nhân quyền của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết, thì mới xác định được là có vi phạm hay không".
Với sự hỗ trợ của Khoa Luật Nhân quyền Quốc tế thuộc Trường Luật Berkeley, Đại học California - Hoa Kỳ, tám tổ chức nhân quyền vào ngày 13/9/2022 đã gửi thư chung cho Đại diện Thường trực của các Quốc gia thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi không nên bỏ phiếu cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, với lý do rằng "Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền".
Văn phòng Luật sư Vũ Đức Khanh tại Ottawa, Canada hôm 22/2/2021 đã ra thông cáo về việc Việt Nam "đại diện" ASEAN ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025. Thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây.
"Những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây rất đáng quan ngại. Chính phủ Việt Nam không ngừng hình sự hóa các hoạt động biểu đạt chính trị, bóp nghẹt tiếng nói của người dân và thẳng tay đàn áp các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, thiết lập cơ chế đối thoại nhân quyền (ví dụ như Đài Quan sát Nhân quyền Việt Nam) giữa Nhà nước và xã hội dân sự".- Luật sư Vũ Đức Khanh, nói với RFA qua tin nhắn vào thời điểm đó.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này từ Hà Nội vào lúc Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, cho rằng :
"Nhà nước cộng sản Việt Nam thường xuyên chống đối nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Họ vu cáo những người đã thực hiện tự do ngôn luận là vi phạm pháp luật, phạm tội chống phá nhà nước, đã bắt người ta chịu những án tù rất nặng. Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền khóa 2014-16 với mục đích chính là để tuyên truyền lừa bịp, rằng họ thực sự tôn trọng nhân quyền, rất mong muốn đóng góp cho hoạt động vì nhân quyền. Họ đã che giấu rất kín mục đích tuyên truyền, đã lừa được nhiều người ở trong nước và trên toàn thế giới, nhẹ dạ, cả tin vào những lời hoa mỹ của họ. Gần đây sự đàn áp nhân quyền ở Việt Nam càng tăng, bị vạch mặt, bị lên án ở nhiều nơi".
Chuyện Việt Nam lại đang vận động để gia nhập Hội đồng nhân quyền khóa 2023- 2025, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, có lẽ mục đích chính của họ lần này cũng là để tuyên truyền lừa bịp, nhưng họ vẫn che giấu mục đích đó mà phô trương những khẩu hiệu vì nhân quyền. Giáo sư Cống cho rằng những người thực tâm đấu tranh cho nhân quyền và tiến bộ xã hội không lạ gì thủ đoạn của chính quyền cộng sản.
Nguồn : RFA, 30/09/2022
Phải chăng nhân quyền ở Việt Nam cũng là một lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ, Châu Âu và nhiều nước khác ?
Đóng thuế. Đó là việc bình thường của công dân đối với đất nước. Nhưng ở Viêt Nam chuyện đó lại không bình thường chút nào. Nuôi hai hệ thống cai trị đất nước song trùng : hệ thống Đảng và Nhà nước. Bình quân 16 người dân phải nuôi 1 công an.
Người dân không chỉ chịu sưu cao, thuế nặng mà còn thường xuyên đối mặt với việc các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước tăng giá phi mã. Có chuyên gia kinh tế đã ví von người dân đã phải chịu đựng cảnh ngộ đó như một con vịt sống bị bịt mỏ vặt đến sạch lông không một tiếng kêu.
Việc tăng thuế, tăng giá ở Việt Nam không chỉ còn nằm trong lĩnh vực kinh tế mà đã trở thành một vần đề lớn thuộc lĩnh vực nhân quyền.
Từ Sài Gòn nhà báo Nguyễn Đình Ngọc đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành về chủ đề "Phải chăng nhân quyền ở Việt Nam cũng là một lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ, Châu Âu và nhiều nước khác ?". Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe
YouTube phỏng vấn nhà báo Nguyễn Đình Ngọc
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 11/05/2019
Tôn trọng lựa chọn của tù nhân lương tâm là thúc đẩy sự đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam
Khi ông Nguyễn Văn Đài đi tỵ nạn chính trị tại Đức – nhiều người bày tỏ sự vui mừng. Nhưng khi ông trả lời phỏng vấn BBC Vietnamese về ‘quá trình dài’ xin tỵ nạn, không ít người tỏ ra hụt hẫng, thậm chí phản ứng một cách tiêu cực.
Một phản ứng dễ dàng gặp nhất là tại sao Nguyễn Văn Đài lại chủ động xin tỵ nạn, trong khi ông là người sáng lập và đứng đầu tổ chức Hội Anh em dân chủ. Việc ông rời khỏi Việt Nam là tin mừng cho ông, nhưng những người đã tin và theo ông lại tiếp tục ở lại hưởng án tù nặng.
Đây là phản ứng thường thấy, khi mà sự hy vọng, thậm chí là kỳ vọng vào một cá nhân thu hút sự quan tâm của mọi người ở lại để làm biểu tượng dân chủ. Thậm chí, còn cao hơn là hình thành những Nelson Mandela và Suu Kyi tại Việt Nam (những người đã ngồi tù và bị giam lỏng hàng chục năm, trở thành cảm hứng đấu tranh dân chủ - nhân quyền cho những người ở trong và ngoài nước).
Hãy để ý chí được tự do, và tôn trọng sự tự do của chính những người đấu tranh. Ảnh minh họa : Danlambao
Quan điểm trên thực tế là ‘tham vọng hóa’ cá nhân đi quá mức, để rồi nhận lấy một sự thất vọng lớn. Mà nói như Facebooker Phan Nguyen, thì đó là sự ấu trĩ, ích kỷ và độc ác khi đòi hỏi những người tù nhân lương tâm phải ở hết hạn tù.
Facebooker Tiêu Sơn, một người lên án cực lực việc phản ứng thái quá về sự ra đi của Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, không lấy gì để so sánh những hy sinh, mất mát mà đa phần những an em đấu tranh trong nước phải chịu đựng. Và khi, ‘mình không ở trận tiền để trực diện chiến đấu, phải đối mặt với chết chóc, tù tội, khổ nạn cho bản thân họ và gia đình, thì cố gắng làm một hậu phương góp sức, "chia lửa" phần nào với họ’.
Quan điểm của Facebooker Tiêu Sơn nhận được sự đồng thuận của không ít người, và thực tế, câu chuyện ‘ra đi hay ở lại’ không phải là câu chuyện hiếm hoi đến bây giờ mới kể.
Trong một bài viết mang tên ‘Tôi đã trở lại’ trên RFA, luật sư Nguyễn Văn Đài bày tỏ những nỗi niềm xoay quanh quyết định tỵ nạn của mình, trong đó ông thẳng thắn bày tỏ : Trước khi tôi bị bắt ngày 16 tháng 12 năm 2015, tôi và gia đình tôi không bao giờ có ý định rời khỏi Việt Nam. Nhưng bản án 15 năm tù và 5 năm quản chế là quá dài. Tôi không bao giờ nhận tội, nên tôi sẽ phải ở đủ 15 năm trong tù và tôi không thể làm gì hay đóng góp gì cho đấu tranh nhân quyền và cũng không giúp đỡ được gì cho gia đình tôi.
Và việc ông rời khỏi Việt Nam, là ‘tìm kiếm cơ hội tốt nhất để vận động và đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.’
Đây có lẽ là mẫu số chung về mặt tâm tư, nguyện vọng của không ít tù nhân lương tâm, trong mặt phẳng của thời đại 4.0 hiện nay. Đó là chưa kể, đất nước này là của chung, và trách nhiệm là trách nhiệm chung. Bản thân đất nước phải gánh vác bởi tập thể người có ý thức về sự tồn vong của dân tộc, sự phát triển bền vững của quốc gia hơn là sự cậy nhờ một ‘Thánh thần’ hay ‘Minh quân’ để cùng nhau tập hợp xung quanh. Câu chuyện ‘mỗi người là một chiến sĩ’ trong mặt trận chống giặc dốt về nhân quyền luôn phải là tiền để hình thành nên một cốt cách sống đứng, mà ở nơi đó, mọi yếu tố của nó phải là sự tự thân vận động, tự lực cánh sinh, và ý thức của từng cá nhân một.
Một Trần Huỳnh Duy Thức kiên trì ngồi tù và chờ đợi vào sự công bằng pháp luật là quá đủ, và quá trình đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam phải luôn trong trạng thái vận động ngoài đời thực. Nếu tất cả đòi hỏi phải như #Thức, thì e rằng, sẽ chẳng thể đủ người để thúc đẩy cuộc đấu tranh như hiện nay. Bởi lẽ, tổng hòa chung của cuộc đấu tranh hiện nay, không phải là nhằm xóa bỏ chế độ, mà là đi tới một sự giải thiêng chế độ. Và ở đó, một người thoát ly ra khỏi nhà tù nhỏ, sự dụng ngòi bút, lý luận, hành vi của mình để đấu tranh luôn là điều mà nhiều người trông đợi.
Từ Cấn Thị Thiêu cho đến Tạ Phong Tần, từ Nguyễn Văn Đài cho đến Trần Huỳnh Duy Thức không khác nhau là mấy về mặt nhân cách, sự hy sinh và sự ngưỡng vọng.
Không đòi hỏi phải ngồi tù, không chế trách phải đi tỵ nạn, mỗi người một lý do, nhưng nếu hiểu những khó khăn mà tù nhân lương tâm ở Việt Nam phải đối diện, thì đó cũng là cách giúp đỡ hết sức thiết thực đối với phong trào đòi dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam. Và đó cũng là cách nghĩ nhằm xóa bỏ luận điệu xuyên tạc rằng, những người đấu tranh nhân quyền - dân chủ hoạt động chỉ để đi nước ngoài mà phía an ninh, chính quyền lẫn dư luận viên hay áp đặt.
Hãy để ý chí được tự do, và tôn trọng sự tự do của chính những người đấu tranh. Không phán xét họ, vì họ đã hy sinh quá nhiều trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn, khúc trắc hiện nay…
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 06/07/2018
Vậy là Hội nghị APEC 2017 họp tại Đà Nẵng đã bế mạc không một chữ nhân quyền nào được nhắc tới. Ngoại trừ một mẩu tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau có đề cập vấn đề nhân quyền nhưng là trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Việt Nam mà lại là ở Hà Nội chứ không phải Đà Nẵng, nơi đang diễn ra Hội nghị.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau có đề cập vấn đề nhân quyền nhưng là trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Việt Nam
Trước thềm Hội nghị
Ngày 7/11/2017, 17 hội nhóm Xã hội Dân sự và đảng phái chính trị trong và ngoài nước đã ký tên vào một bức thư gửi các nhà lãnh đạo APEC đề nghị lưu tâm đến tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của quốc gia chủ nhà (Việt Nam), thúc đẩy Việt Nam ngưng ngay đàn áp đối với giới đấu tranh ôn hòa.
Ngày 9/11/2017, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam cũng gửi Thư Ngỏ đến 21 quốc gia tham dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng yêu cầu gây áp lực đối với Hà Nội chấm dứt cuộc khủng bố Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam.
Những người quan tâm đến dân chủ hy vọng bà Melania, phu nhân tổng thống Mỹ sẽ có mặt ở Đà Nẵng để can thiệp cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trả tự do theo nguyện vọng của bé Nguyễn Bảo Nguyên, con gái của chị Quỳnh, hoặc ít ra cũng hy vọng có hồi âm của Đệ nhất phu nhân nước Mỹ nhưng những điều đó đã không xảy ra.
Thư của cháu Nguyễn Bảo Nguyên cũng như hai bức thư trên chỉ như như những viên đá ném xuống ao bèo.
Ngày 8/11/2017, báo Lao động đăng một bản tin : Thủ tướng Canada Justin Trudeau đăng trên mạng twitter : "Chúng tôi đang trên đường tới Hà Nội để bắt đầu một tuần bận rộn tại Việt Nam và Philippines, tập trung vào APEC, thương mại…".
Đã tưởng vị thủ tướng dễ mến này không đoái hoài gì đến số phận con người khi sang Việt Nam. May thay, có người vào tận trang twitter của ông để đọc nguyên văn bằng tiếng Anh và phát hiện ra báo Lao động khi dịch "bỏ sót" cụm từ "và thúc đẩy quyền con người" nên "nỗi oan"của Thủ tướng Canada được giải tỏa.
Cuối cùng thì hai chữ nhân quyền chỉ được nêu lên ở cuộc gặp riêng với phía Việt Nam như đã nói ở trên, chứ không phải ở APEC.
Ông Trump không mặn mà với nhân quyền ở Việt Nam
Giới quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam đều dễ nhận thấy, từ ngày ông Trump lên làm tổng thống Mỹ thì tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ hơn. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có 25 người hoạt động xã hội dân sự bị bắt để khởi tố. Trong tuần lễ APEC, rất nhiều người được cho là "ngòi nổ" của các cuộc biểu tình bị canh chặn tại nhà 24/24 giờ. Đặc biệt, trong hai ngày 11 và 12/11 khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc ra Hà Nội để thăm chính thức Việt Nam, tình hình canh giữ căng thẳng hơn, hẳn là đề phòng biểu tình đả đảo Tập và không loại trừ đề phòng... hoan nghênh Trump. Ngoài ra, giấy triệu tập lần 1, lần 2, lần 3 tới tấp gửi đến nhiều người đang bị canh giữ tại gia.
Còn nhớ cách đây đúng 2 năm, vào tháng 11/2015, khi Tập Cận Bình sang Việt Nam tình hình canh chặn không căng thẳng như lần này nên đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình chống Tập trong các ngày 4 và 5/11/2015 ở Hà Nội và Sài Gòn.
Trong khi Mỹ có vẻ bỏ rơi nhân quyền ở Việt Nam thì từ giữa năm 2016, Liên mình Châu Âu (EU) lại quan tâm nhiều hơn. Dấu hiệu dễ nhận ra hơn cả là các nước EU đặt vấn đề dứt khoát nhân quyền phải gắn với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Phải chăng Mỹ "chuyển giao" thiên chức này cho EU hay EU tự giác nhận lấy trách nhiệm ấy hay chỉ là ngẫu nhiên. Dù sao thì giới dân chủ ở Việt Nam vẫn muốn cả thế giới ủng hộ họ.
Quyền trông cậy hoàn toàn hợp lý
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam rõ ràng phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cường quốc dân chủ, trước hết là Hoa Kỳ. Cái mà được coi là cải thiện nhân quyền ở Việt Nam chẳng qua là bất đắc dĩ. Trước đây, mỗi khi thương thuyết về một vấn đề nào đó thường có những tù nhân lương tâm được trả tự do trước thời hạn hoặc sau đó, việc đàn áp, bắt bớ có giảm đi phần nào mà người ta gọi là "đổi chác". Việc 4 người được trả tự do trước thời hạn nhưng lại phải tị nạn bên Mỹ, Đặng Xuân Diệu sang Pháp hay Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên v.v… được trả tự do trước thời hạn hay giảm án tù là nằm trong những chương trình "đổi chác" như thế. Nhưng từ khi ông Trump làm tổng thống Mỹ, xu hướng bắt bớ, đàn áp ở Việt Nam gia tăng , thậm chí như thể đàn áp, bắt bớ "bù" vào thời gian do còn nể nang Mỹ mà có phần nhẹ tay hơn.
Trước tình hình này, giới dân chủ tỏ ra thất vọng hay trách cứ. Thế nhưng họ lại vấp phải sự phản bác của những người, tiếc rằng được coi là ủng hộ dân chủ, nhân quyền cho rằng giới dân chủ không có quyền đòi hỏi, trông chờ ở Mỹ, phải dựa vào sức mình là chính. Thậm chí còn nói họ (giới đấu tranh dân chủ) khoác trách nhiệm cho Mỹ.
Tôi cho rằng, những người này chỉ nghe, hiểu lõm bõm rồi phán như thể đúng rồi, không đặt mình vào vị trí những người đấu tranh nhưng muốn thể hiện sự hiểu biết của mình.
Không ai tự cho mình quyền đòi hỏi. Nhưng những người đấu tranh ở Việt Nam có quyền trông chờ vào các quốc gia dân chủ không ? Tôi cho là có, và điều đó rất bình thường.
Xây dựng một nền dân chủ ở Việt Nam cần rất nhiều yếu tố, động lực. Sứ mạng ấy không thể chỉ đặt lên vai những người hoạt động dân chủ, vốn đã ít ỏi mà cánh cửa nhà tù luôn luôn rình rập sát lưng họ. Ngoài những người hoạt động dân chủ, cần phải có sự thức tỉnh của toàn dân, của lực lượng tiến bộ trong đảng, trong các cơ quan nhà nước, trong lực lượng quân đội, công an và sự hỗ trợ của quốc tế.
Người hoạt động dân chủ không đòi hỏi ai nhưng họ có quyền kêu gọi, đề nghị, hy vọng, miễn là không nằm đắp chăn để trông chờ. Một cá nhân, một gia đình, một lực lượng xã hội hay một quốc gia không ai có thể nói tôi không cần ai cả.
Thế nào là quyền lợi của nước Mỹ ?
Vị thế của nước Mỹ có được như hiện nay không chỉ là nước Mỹ giàu có. Giá trị của Mỹ còn ở vai trò của nước Mỹ trong việc đảm bảo trật tự thế giới, trong việc chăm sóc, bảo vệ nhân quyền ở các quốc gia… đặc biệt là những nước mà nền dân chủ còn sơ khai. Nếu chỉ giỏi đi buôn thôi thì không làm nên giá trị (như đang có) của nước Mỹ.
Các phát biểu của ông Trump cho thấy thông điệp của ông là ông hành động vì quyền lợi của Nước Mỹ. Điều đó đúng. Nhưng chẳng lẽ những người tiền nhiệm của ông không vì quyền lợi của nước Mỹ ?
Vấn đề đặt ra là hiểu như thế nào là quyền lợi của nước Mỹ ?
Nước Mỹ giàu và mạnh. Tiềm năng đó ngoài phục vụ cho chính bản thân nước Mỹ còn được dùng vào việc đảm bảo trât tự thế giới, giúp đỡ các nước khác phát triển… để thế giới nhìn vào phải nể nang.
Nước Mỹ đầy đủ nhân quyền. Nếu Mỹ giúp các nước khác cải thiện được nhân quyền, làm cho nhân quyền trở thành giá trị phổ quát trên thế giới, để nhân dân các nước khác cũng được sống bình đẳng, bác ái như nhân dân Mỹ thì thế giới phải chịu ơn.
Chiến tranh Thế giới thứ 2 không đe dọa đến Mỹ, nhưng Nước Mỹ đã tham chiến, hy sinh 325 nghìn quân nhân góp phần quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, chấm dứt chiến tranh.
Nước Mỹ đi đầu trong nhiệm vụ chống khủng bố. Không ai khác, chính Nước Mỹ tấn công vào tổ chức khủng bố al-Qaeda, tiêu diệt Osama bin Laden tại sào huyệt của nó.
Nước Mỹ có mặt ở nhiều điểm nóng của thế giới nhưng Nước Mỹ không có tham vọng lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào.
v.v…
Có thể nêu thêm nhiều ví dụ. Những việc làm đó đã tạo nên vị thế của Nước Mỹ, khẳng định vai trò của Nước Mỹ.
Cái sự hơn nhau là ở chỗ đó. Thiên hạ nể Mỹ là ở chỗ đó cho nên Mỹ "nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ".
Đó là chuyện Mỹ và quốc tế. Còn chuyện cá nhân và xã hội thì sao ?
Trong cuộc sống thường nhật người ta cư xử với nhau theo đạo lý. Không ai có quyền yêu cầu người đầy đủ, thừa thãi phải chia của cho người nghèo nhưng nếu không cư xử đúng đạo lý, anh ta sẽ bị chê trách. Tục ngữ Việt Nam chẳng có câu "Lá lành đùm lá rách", "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" đó sao.
Sự giàu có của một người chưa làm nên uy tín của họ. Nhưng nếu họ bỏ ra một phần của cải vì người khác thì mới tạo ra vai trò của họ, người khác phải nể trọng. Người khỏe mạnh không vì ai thì họ chỉ là người có sức khỏe. Nhưng nếu biết bênh vực kẻ yếu thì họ là hiệp sĩ, trong con mắt của người khác, họ được nể trọng. Còn nếu không làm gì cho ai thì cũng bình thường như những người khác mà thôi.
Nếu chị em Hai Bà Trưng mà "quen thói nữ nhi thường tình" (chữ của Trần Hưng Đạo), chỉ biết chăm lo cho gia đình mình mà không dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân Đông Hán thì làm gì Hai Bà được nhớ đến ngày nay để ông Trump biết mà nêu danh ở diễn đàn APEC ?
Đưa ra vài ví dụ trên để giải thích vì sao ở Việt Nam trước đây và hiện nay vẫn có những người dấn thân, chấp nhận tù đày vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Nếu họ chỉ làm việc và sống như những người an phận thì ai biết đến họ, làm sao họ có vị thế, vai trò trong xã hội.
Phong trào dân chủ ở Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Không có một ai sức yếu bị đe dọa trước bạo lực lại không cần người khác tiếp sức. Mong chờ vào sự hỗ trợ, tiếp sức từ lực lượng khác là một điều chính đáng. Nếu Mỹ bỏ rơi nhân quyền ở Việt Nam thì theo sự phát triển tất yếu của thời đại, Việt Nam vẫn sẽ có dân chủ, có điều muộn hơn, gian nan vất vả hơn và hy sinh nhiều hơn mà thôi.
Chưa có một tổng thống Mỹ nào lại không vì nước Mỹ. Có điều, hiểu như thế nào là vì nước Mỹ của ông Trump có thể khác những người tiền nhiệm.
Dù sao, tôi vẫn yêu nước Mỹ. Chính sách của ông Trump có thể làm tăng trưởng kinh tế cho Mỹ nhưng cũng có thể làm mờ đi phần nào vị thế của Nước Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn thay thế Mỹ chỉ là một giấc mơ hão huyền. Với cương vị của mình, ông Trump có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò của nước Mỹ trong nhiệm kỳ của ông nhưng tôi biết phân biệt một tổng thống Mỹ và nước Mỹ. Hai khái niệm này không đồng nhất.
13/11/2017
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 14/11/2017 (nguyentuongthuy's blog)