Phó Chủ tịch Trung Quốc : Thế giới ‘không thể tách khỏi’ Bắc Kinh (VOA, 08/07/2019)
Hôm 8/7, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nói rằng Trung Quốc và phần còn lại của thế giới "phải cùng tồn tại".
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phát biểu hôm 8/7/2019 tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở ĐH Thanh Hoa ở thủ đô Bắc Kinh.
Reuters nhận định rằng phát biểu của ông Vương gián tiếp nhắm vào Mỹ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách giải quyết cuộc thương chiến căng thẳng với Hoa Kỳ.
"Sự phát triển của Trung Quốc sẽ không thể tách khỏi thế giới. Sự phát triển của thế giới cũng sẽ không thể tách khỏi Trung Quốc", ông Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Đại học Thanh Hoa ở thủ đô Bắc Kinh, theo Reuters.
"Các nước lớn phải đảm nhận trách nhiệm của mình và làm gương, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và ổn định toàn cầu, và mở rộng con đường phát triển chung", ông Vương nói thêm.
Trang South China Morning Post trích lời ông Vương Kỳ Sơn nói rằng Bắc Kinh nên tiếp tục cam kết với tiến trình toàn cầu hóa kinh tế bất chấp những thách thức từ cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Ông Vương cũng cảnh báo về "chủ nghĩa bảo hộ dưới danh nghĩa an ninh quốc gia", dù không trực tiếp nhắc đến Mỹ, và kêu gọi các cường quốc đóng góp nhiều hơn vào hòa bình, ổn định thế giới.
Cũng tại diễn đàn này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói rằng Hoa Kỳ không nên đổ lỗi cho Trung Quốc về những vấn đề mà Washington đang gặp phải.
"Xem Trung Quốc là kẻ thù không phải là một hành động hợp lý", Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích lời ông Lạc nói.
Ông Lạc nói thêm rằng Trung Quốc sẽ không dựng lên "những bức tường cao" hay "tự tách khỏi bất kỳ quốc gia nào".
*******************
Nepal hủy lễ mừng sinh nhật Đạt Lai Lạt Ma do áp lực của Trung Quốc (RFI, 08/07/2019)
Lễ mừng sinh nhật 84 tuổi của Đạt Lai Lạt Ma tại Nepal đã bị chính quyền nước này hủy bỏ, dưới sức ép của Trung Quốc. Một nguồn tin chính thức từ Katmandou hôm qua 07/07/2019 cho AFP biết như trên.
Ảnh tư liệu : Người Tây Tạng tại Kathmandu, Nepal, kỷ niệm cuộc nổi dậy ngày 10/03/1959 (Ảnh chụp ngày 10/03/2012) Reuters/Rajendra Chitrakar
Ông Krishna Bahadur Katuwal, một quan chức Nepal nói với hãng tin Pháp : "Chính quyền không cho phép vì có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh. Cũng có thể là không có chuyện gì xảy ra, nhưng chúng tôi phải thận trọng trước khả năng diễn ra những hành động không hay, thậm chí là tự thiêu".
Cảnh sát được tăng cường đông đảo hôm thứ Bảy tại các khu vực người Tây Tạng sinh sống, nhất là tại một tu viện nơi dự kiến tổ chức lễ sinh nhật.
Một thành viên trong ban tổ chức cho biết : "Đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhưng rốt cuộc lại không được phép tổ chức. Chính quyền ngày càng tỏ ra cứng rắn với chúng tôi". Cuối cùng lễ mừng sinh nhật nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng chỉ diễn ra trong vòng thân mật.
Việc hủy bỏ lễ sinh nhật Đạt Lai Lạt Ma là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc đối với Nepal, nơi lâu nay cộng đồng 20.000 người Tây Tạng vẫn sống bình an. Dưới áp lực của Bắc Kinh, chính quyền cộng sản Katmandou gần đây đã tỏ ra khắt khe hơn với cộng đồng lưu vong này, hầu hết trong số họ đã chạy trốn khỏi Tây Tạng sau vụ nổi dậy ngày 10/03/1959.
Trung Quốc năm ngoái đã đầu tư 60 triệu đô la vào cơ sở hạ tầng của nước láng giềng nghèo khó Nepal, gồm thủy điện, đường sá…Tháng 5/2017, Nepal tham gia dự án "Một vành đai, một con đường" đầy tham vọng của Bắc Kinh.
Thụy My
*****************
Ấn Độ điều tra thép nhập khẩu từ Việt Nam (RFA, 08/07/2019)
Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ vào ngày 3 tháng 7 đã mở cuộc điều tra đối với sản phẩm thép cuộn không gỉ cán phẳng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Ấn độ điều tra các sản phẩm thép cuộn chống gỉ can phẳng của Việt Nam (Ảnh minh họa) Photo :trav.gov.vn
Tin tức của Phòng thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc điều tra của DGTR xuất phát từ việc khiếu kiện của Hiệp hội sản xuất thép không gỉ và một số công ty sản xuất của Ấn Độ đối với mặt hàng thép cuộn không gỉ cán phẳng mang mã HS : 7219 và 7220. Theo đó, Hiệp hội Sản xuất thép Ấn Độ cho rằng sản phẩm thép nhập khẩu đã nhận được các khoản thuế ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ xuất khẩu nên đã gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ.
Việc điều tra sẽ xem xét thép nhập vào Ấn Độ trong 12 tháng từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019.
Theo Vietnamnet, Cục phòng vệ Thương mại Việt Nam đã yêu cầu các công ty sản xuất thép trong nước cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc này gửi đến DGTR trong vòng 40 ngày kể từ 3 tháng 7. Nếu trong thời hạn qui định, DGTR không nhận được thông tin bổ sung từ phía Việt Nam, DGTR sẽ sử dụng các dữ liệu bất lợi có sẵn để tính mức thuế chống trợ cấp.
14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng nằm trong diện điều tra này gồm Trung Quốc, Nam Hàn, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Mỹ, Thái Lan, Nam Phi, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hong Kong. Singapore, Mexico và Malaysia.
Đây là lần thứ 3 trong năm nay, sản phẩm thép Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá. Vụ việc gần đây nhất là vào ngày 3 tháng 7, Hoa Kỳ đã nâng mức thuế lên đến hơn 450% đối với mặt hàng thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong tháng 5/2018. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã đánh thuế chống bán phá giá 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% lên sản phẩm thép cán nguội sản xuất ở Việt Nam nhưng sử dụng vật liệu từ Trung Quốc.