Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

21/10/2019

Điểm báo Pháp - Hồng Kông đang sống những ngày tự do cuối cùng ?

RFI tiếng Việt

Phải chăng Hồng Kông đang sống những ngày tự do cuối cùng ?

Cuộc đình công bất ngờ trong ngành xe lửa Pháp SNCF từ thứ Sáu tuần trước, gây trở ngại đáng kể cho đông đảo người Pháp nhân dịp nghỉ lễ Chư Thánh (Toussaint), là chủ đề được hầu hết các báo hôm 21/10/2019 đưa lên trang nhất. Bên cạnh đó, trở ngại mới trong tiến trình Brexit tại Anh và các cuộc biểu tình rầm rộ của phe đòi độc lập cho vùng Catalunya tại Tây Ban Nha, là hai chủ đề quốc tế được quan tâm.

tudo1

Cảnh tượng ở một khu phố trong Hồng Kông ngày 21/10/2019. Reuters/Kim Kyung-Hoon

Về Châu Á, rất đáng chú ý là nhận định rất bi quan của giáo sư Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp Ifri trên báo Les Echos theo đó "Hồng Kông đang sống những ngày tự do cuối cùng".

Mở đầu bài nhận định mang tựa đề "Hồng Kông : Giờ của Trung Quốc sắp điểm", giáo sư Moisi đã đặt ngay câu hỏi : "Phải chăng chúng ta đang sống những ngày cuối cùng của Hồng Kông, với tư cách là một đô thị thế giới nằm tại Châu Á, nơi mà luật pháp vẫn còn ngự trị ? Câu hỏi được đặt ra là vì vùng lãnh thổ tự do đó đang ngày càng cảm thấy tính chất Trung Quốc của mình ít đi, càng lúc càng thấy mình đơn độc trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm duy trì bản sắc của chính mình".

Đối với ông Moisi, chỉ mới đây thội, khi tìm kiếm tự do, sáng tạo, tức là tìm nguồn dưỡng khí, người phương Tây đã đến trú ẩn tại vùng lãnh thổ này, vào dịp cuối tuần, để thoát khỏi bầu không khí "trật tự" ở Singapore hoặc Thượng Hải nơi họ phải làm việc. Ngày nay, thì những công dân giàu có của Hồng Kông tìm cách mở tài khoản ngân hàng ở Singapore.

Trước đây, khi đi phà để đi đến Hồng Kông, người ta thấy mùi Hồng Kông gợi lên mùi của các kênh đào của thành phố ý Venise. Ngày nay, thành phố dường như bị ám mùi khói cay mà cảnh sát tung ra một cách không kềm chế.

Theo giáo sư Moisi, sự gia tăng của bạo lực, sự bất lực của chính quyền Hồng Kông trong việc khôi phục trật tự, sau khi cố tình gieo rắc rối loạn bằng cách mưu toan thay đổi hiện trạng, chẳng phải là khúc dạo đầu cho hành động của Bắc Kinh, dùng võ lực trực tiếp chiếm lại vùng lãnh thổ này hay sao ?

Đối với chuyên gia Pháp, làm sao mà một chế độ chuyên chế như của ông Tập Cận Bình có thể chấp nhận một cuộc nổi dậy, mà với thời gian, đã trở thành một cuộc cách mạng ? Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày người dân Hồng Kông có dấu hiệu chế nhạo thêm vị hoàng đế cộng sản cuối cùng bằng cách thách thức tính hợp pháp của chính quyền thành phố.

Tại Bắc Kinh, chính phủ có thể bắn tin cho rằng chỉ có số phận của Đài Loan mới thực sự làm họ lo lắng, nhưng đó chỉ là một động thái lừa bịp. Trung Quốc đang chuẩn bị trả thù khi thời cơ đến. Giờ đây, lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân đã trôi qua, thời cơ này đang đến gần mà không ai có thể cưỡng lại.

Đình công ngành hỏa xa, dân Pháp lại nếm mùi khổ sở

Cuộc đình công không báo trước của công nhân đường sắt Pháp đã xuất hiện trên trang nhất, dạng tựa lớn trên ba tờ báo Le Figaro, Les Echos La Croix, và dưới một tựa đậm nhỏ trên Le Monde.

Dưới hàng tựa : "Đình công tại công ty SNCF : Cú lấn lướt của các công đoàn", tờ báo cánh hữu Pháp Le Figaro không tránh khỏi bất bình hộ cho các hành khách sử dụng xe lửa tại Pháp.

Theo tờ báo, những người này từng tưởng lầm là đã chạm đỉnh khổ sở vào mùa xuân năm ngoái 2018, với chuỗi đình công kéo dài ba tháng của ngành đường sắt. Thế nhưng họ đã lầm. Phát động một cách bất ngờ hôm thứ Sáu tuần trước, cuộc đình công được rất nhiều tài xế xe lửa của công ty hỏa xa SNCF tham gia, đã đẩy biết bao hành khách vào tình cảnh khốn khổ, đúng vào lúc mọi người đổ xô đi nghỉ nhân dịp lễ Chư Thánh.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành tựa chính trang nhất cho cuộc đình công, nhưng nhận định rằng đây là tiếng chuông "Báo động về mặt xã hội trước kế hoạch cải tổ hưu bổng". Theo tờ báo, ngày hôm nay, tình trạng lưu thông trên các tuyến đường sắt chính tại Pháp sẽ trở lại bình thường.

Les Echos ghi nhận là sau khi đình công bộc phát, nhiều công đoàn đã cố gắng thuyết phục những người tham gia là nên làm việc trở lại vì biết rằng cuộc đình công này hết sức mất lòng dân, đặc biệt là đối với tầng lớp bình dân vì hầu như tất cả các tuyến xe lửa giá hạ đều bị hủy bỏ hôm thứ Bảy vừa qua.

Tuy nhiên, dù hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng theo một cán bộ công đoàn được tờ báo trích dẫn, cuộc đình công bất ngờ và bất hợp pháp vừa kết thúc là dấu hiệu phản ánh một tâm lý bất bình rộng lớn có thể bùng lên bất cứ lúc nào nếu không được xử lý kịp thời : "Với việc chấm dứt thu nhận tài xế xe lửa theo quy chế độ đặc biệt, kế hoạch cải tổ công ty đường sắt, việc tìm kiếm tiết kiệm bằng cách tinh giản nhân sự, kế hoạch cải tổ các chế độ hưu bổng đặc biệt, khả năng mở rộng ngành đường sắt cho tự do cạnh tranh, tất cả những yếu tố này gộp lại đang trở thành một thùng thuốc nổ".

Quyền dừng việc vì nguy cấp hay đình công trái phép ?

Nhật báo công giáo La Croix cũng cùng quan điểm với Les Echos. Tựa lớn trang nhất tờ báo nêu bật "Một vụ trật đường rầy nhỏ, một nỗi bất bình lớn".

Theo La Croix, nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công là một tai nạn xẩy ra với một chuyến tàu địa phương TER, với tài xế là nhân viên duy nhất trên tàu. Việc để cho tài xế một mình chịu trách nhiệm cả con tàu, không có ai phụ giúp, đã bị các công đoàn phê phán, xem đấy là một điều nguy hiểm, không chỉ cho tài xế mà cho cả hành khách. Các công đoàn đã sử dụng "quyền dừng việc khi gặp nguy hiểm" để giải thích quyết định đình công. Chính quyền ngược lại xem đấy là một cuộc đình công bất hợp pháp vì không báo trước.

Đối với La Croix, khi tỏ thái độ cứng rắn, chính quyền có nguy cơ lao vào một cuộc đọ sức mới với giới công nhân hỏa xa, dẫn đến những cuộc đình công có thể làm đất nước tê liệt.

Còn Le Monde chạy tựa một cách khách quan : Đình công bất ngờ nhân ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (Chư Thánh). Tờ báo ghi nhận tình trạng rối loạn tàu xe nặng nề ở các nhà ga do việc nhân viên đường sắt áp dụng "quyền dừng việc" sau một tai nạn.

Brexit : Boris Johnson chưa đủ tinh ranh

Như nói ở trên, chuyện dài Brexit ở Anh Quốc, tưởng đã đến hồi kết, nhưng lại bị kéo dài thêm, đã thu hút sự chú ý của tất cả các báo.

Nhật báo La Croix đã ghi nhận trong hàng tựa trang quốc tế là "Các dân biểu Anh duy trì sự hoài nghi trên vấn đề Brexit". Việc Hạ Viện Anh từ chối thông qua thỏa thuận, trước khi có được toàn bộ luật áp dụng thỏa thuận quy định việc chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sẽ có tác dụng lùi ngày Brexit.

Vấn đề, theo tờ báo, là trong khi chờ đợi, nhiều phong trào chống Brexit mới có khả năng xuất hiện làm tình hình thêm phức tạp

La Croix đã giành bài xã luận cho hồ sơ Brexit, cho rằng thủ tướng Anh Boris Johnson "Tinh ranh nhưng chưa đủ mức", và hệ quả là đã lãnh thêm một cái tát tai mới vào hôm thứ Bảy vừa qua.

Bị vố đau mới đó, để thoát ra khỏi bế tắc trong hồ sơ Brexit, thủ tướng Anh một lần nữa sẽ lại phải dựa vào lòng nhân từ của giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, và câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ cho Anh Quốc thêm một thời hạn hay không ?

Thủ tướng Anh thì vẫn cứng giọng cho rằng ông không cần đến điều đó, cho rằng ông đủ sức thúc đẩy Hạ Viện xác nhận thỏa thuận trong hạn định.

Đối với La Croix, "những ai đánh cuộc quá đáng trên sự táo bạo thường hay dựa vào các đối tác kiên nhẫn và thông minh hơn. Do vậy, Boris Johnson sẽ có thể lặp lại cách làm lung tung của ông vì người Châu Âu hiện vẫn suy xét hợp lý… Vấn đề là là liệu thái độ kiên nhẫn của Châu Âu có thể kéo dài mãi mãi hay không ?"

Báo Libération cũng ghi nhận thực tế là câu chuyên "Brexit mãi không thấy kết thúc".

Tờ báo không ngần ngại tóm lược "hồi mới nhất của chuyện dài nhiều tập như sau : "Boris Johnson, bị Nghị Viện của ông thúc bách, một mặt xin Bruxelles một thời hạn mới, nhưng một mặt khác vẫn khẳng định rằng Vương Quốc Anh sẽ nhổ neo vào đúng ngày 31/10."

Cataluyna : Phong trào đòi độc lập cực đoan hóa ?

Về tình hình nóng bỏng tại vùng Catalunya ở Tây Ban Nha, các báo Pháp đều ghi nhận xu hướng cực đoan hóa của phong trào đòi độc lập cho vùng lãnh thổ này.

Báo Le Monde đã dành tựa lớn thứ hai trên trang nhất cho tình hình này để nêu bật "Tại Catalunya, một nửa triệu người xuống đường", kèm theo bức ảnh rừng người biểu tình ở Barcelona hôm 18/10/2019 với ở giữa là một lá cờ lớn của vùng Catalunya.

Tờ báo nêu bật sự kiện là ban ngày thì đám đông khổng lồ đã biểu tình một cách ôn hòa, hô vang các khẩu hiệu như "Hãy trả tự do cho các tù nhân chính trị", nhưng khi đêm xuống thì các vụ bạo loạn đã bùng lên, đặc biệt dữ dội.

Đối với Le Monde, "Tại vùng Catalunya, xu hướng đòi độc lập cực đoan đang tổ chức lại", tựa bài phân tích bên trong.

Indonesia : Jokowi làm thế nào để phát huy dân chủ

Như nói ở trên, liên quan đến Châu Á, báo Le Monde đã có bài phân tích về những thách thức đã chờ đón tổng thống Indonesia, Joko Widodo, đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai kể từ hôm qua, 20/10.

Theo Le Monde, 5 năm sắp tới có thể rất phức tạp đối với tổng thống Widodo, được bầu lại vào ngày 17 tháng 4 vừa qua.

Nhiều cuộc biểu tình của sinh viên vào cuối tháng 9 đã phản ánh, đôi khi một cách tàn bạo, tâm trạng bất mãn phổ biến ở quần đảo ngay cả trước khi tổng thống chính thức bắt dầu nhiệm kỳ thứ hai.

Vào thời điểm khó khăn hiện nay, tại Indonesia, nơi mà nền dân chủ sinh động của những năm đầu tiên thoát khỏi chế độ độc tài vào đầu thế kỷ, nhiều lúc đã có dấu hiệu thụt lùi, ngày càng có nhiều người ủng hộ vị tổng thống 58 tuổi đặt nghi vấn về sự chân thành trong các cam kết của ông.

Theo Hiến Pháp, ông Joko Widodo sẽ không được ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, do đó trong nhiệm kỳ này, ông sẽ được rảnh tay hành động.

Câu hỏi đặt ra là ông sẽ chọn lựa các ưu tiên nào với chủ trương dung hòa giải chủ nghĩa thực dụng kinh tế với nhu cầu bảo vệ các thành tựu dân chủ ? Ở Jakarta, người ta đang tự hỏi về di sản mà tổng thống muốn để lại cho 260 triệu công dân của mình tại đất nước rộng lớn có khả năng trở thành cường quốc kinh tế thế giới thứ tư vào giữa thế kỷ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)