Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/10/2020

Điểm báo Pháp - Bắc Kinh lại tập trận hù dọa Đài Loan

RFI tiếng Việt

Bắc Kinh lại hù dọa Đài Loan bằng những cuộc tập trận đổ bộ

Với làn sóng thứ hai đang càng lúc càng dâng cao tại Châu Âu, trang nhất hầu hết các báo ra ngày hôm nay, 14/10/2020 đều dành cho chủ đề dịch Covid-19. Trong toàn cảnh đó, Le Figaro vẫn quan tâm đến tình hình Châu Á qua một bài viết phân tích về quan hệ tay ba Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ, rất sôi nổi trong những ngày gần đây.

backinh1

Ảnh tư liệu chụp ngày 10/02/2020 do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố : Một chiếc F-16 của Không quân Đài Loan (phía dưới) áp sát một oanh tạc cơ H-6 của Không Quân Trung Quốc khi chiếc máy bay này đến gần Đài Loan.  AP

Trong bài viết mang tựa đề "Trung Quốc phô trương cơ bắp với Đài Loan", Le Figaro nêu bật sự kiện mới đây Quân Đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận rầm rộ, mô phỏng một cuộc tấn công lên hòn đảo bị cho là phản nghịch vừa đặt mua thêm vũ khí của Mỹ.

Theo tờ báo, Quân đội Trung Quốc đã kỷ niệm Quốc Khánh Đài Loan theo cách riêng của họ, bằng cách tập xâm lược hòn đảo phản nghịch vào ngày 10/10, với những cuộc diễn tập quy mô lớn, trên bộ, trên biển và trên không, dọc theo bờ biển các tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, làm dấy lên bóng ma về một cuộc đổ bộ lên đảo.

Đối với Le Figaro, những hình ảnh gây sốc này đã được tung ra cho dân chúng Trung Quốc, nhằm đánh lạc hướng dư luận trước cành ô liu mà tổng thống Thái Anh Văn, người tái đắc cử một cách vẻ vang tháng Giêng năm ngoái đã đưa ra. Bà đã trở thành đối thủ số một của Nhà nước Trung Hoa độc tài của chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhà lãnh đạo, nhà đấu tranh cho bản sắc dân chủ của hòn đảo, đã kêu gọi Bắc Kinh "hòa giải và đối thoại hòa bình" nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung Hoa Dân Quốc, ngày 10/10/1911. Đề nghị này được đưa ra sau nhiều tháng leo thang, đánh dấu bằng việc Bắc Kinh kiểm soát lại Hồng Kông và quân đội Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận hù dọa.

Nhưng đề nghị này đã không được cường quốc thứ 2 thế giới đáp ứng. Chế độ cộng sản tiếp tục đổ lỗi cho lãnh đạo Đảng Dân Tiến, cáo buộc bà đã "phá hủy hòa bình và ổn định ở eo biển" kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016.

Leo thang khẩu chiến này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác ngoạn mục giữa Đài Bắc và Washington, được đánh dấu bằng chuyến thăm của một số quan chức cấp cao của Mỹ tới hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của mình.

Động thái ngoại giao của Mỹ đi kèm với các hợp đồng mua bán vũ khí tối tân, bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh. Theo nhận định của Mathieu Duchâtel, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á tại Viện Montaigne, Paris : "Mối quan hệ hợp tác giữa Washington và Đài Loan đã đi rất xa. Mọi người Đài Loan đang kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của Mỹ".

Bắc Kinh, thông qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên đã cảnh báo Washington. Những cảnh báo chính thức của Bắc Kinh đi đôi với việc gia tăng các hoạt động đe dọa Đài Loan của Không Quân Trung Quốc trong nhiều tuần qua.

Những cuộc diễn tập đang làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực. Chúng giống như một lời cảnh báo gởi đến nhà lãnh đạo Đài Loan và chính quyền Mỹ sắp tới..

"Đà bùng lên đáng ngại của dịch bệnh tại Châu Âu"

Dịch Covid-19 hoành hành trở lại tại Châu Âu là chủ đề được các nhật báo Pháp ra ngày 14/10/2020 hết mực chú ý. Ngay trang nhất, Le Monde chạy hàng tựa lớn : "Đà bùng lên đáng ngại của dịch bệnh tại Châu Âu".

Tờ báo Pháp đặc biệt chú ý đến việc nhiều nước Châu Âu đã tăng cường các biện pháp đối phó, nêu bật ví dụ tại Anh, Tây Ban Nha và Pháp. Về Anh Quốc chẳng hạn, trong bài "Covid-19 : Ông Johnson siết chặt thêm các biện pháp hạn chế tại miền bắc nước Anh", Le Monde nhắc lại rằng thủ tướng Anh, hôm thứ Hai 12/10 vừa qua, đã thông báo thiết lập ba mức cảnh báo để "xây dựng sự đồng thuận ở địa phương" và xoa dịu cơn giận dữ của các đại biểu dân cử.

Trang nhất Les Echos cũng được dành cho dịch Covid 19, nhưng dĩ nhiên là khai thác dưới khía cạnh kinh tế. Tờ báo chạy tựa "Chế độ hưu bổng : Hóa đơn nặng nề của virus corona".

Theo tờ báo kinh tế Pháp, dịch Covid-19 sẽ khiến cho chế độ hưu bổng bị thiếu hụt lâu dài. Khoản tiền bù đắp ước tính lên hơn 13 tỷ euro vào năm 2024. Việc đưa ra những biện pháp chấn chỉnh sẽ rất tế nhị vào cuối nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông Macron.

Macron phải chọn lựa giữa y tế và kinh tế ?

Tối nay, thứ Tư, tổng thống Pháp sẽ phát biểu trên đài truyền hình (TF1 và France 2) về tình hình dịch tễ trong lúc sóng thứ hai đang bùng lên. Trong hàng tựa lớn trang nhất Le Figaro, thông báo ngắn gọn : "Dịch bệnh, kinh tế : Macron đến lúc phải chọn lựa".

Đối với Le Figaro, tổng thống Pháp nối lại với truyền thống phát biểu trên truyền hình, mà ông đã phó thác cho chính phủ của ông từ sau hè. Trong phát biểu tối nay ông sẽ tìm cách gây cú sốc trong dân chúng và có thể thông báo một sự tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các thành phố lớn, với những hạn chế mới, như khả năng ban hành lệnh giới nghiêm tại một số nơi ngay từ 20 giờ…

Le Figaro nhắc lại rằng một số phương án khác nhau nhằm đối phó với tình hình đã được xem xét trong cuộc họp Hội đồng Quốc phòng về Y tế vào sáng hôm qua ở điện Élysée.

Tờ báo cũng cho rằng tổng thống Macron sẽ kêu gọi đến tinh thần trách nhiệm của mọi người kể cả trong lãnh vực sinh hoạt riêng tư. Ông cũng sẽ tìm cách trấn an dân chúng trong bối cảnh vấn đề vực dậy kinh tế còn rất bấp bênh. Ưu tiên của hành pháp vẫn là tránh việc phong tỏa lại hoàn toàn khiến kinh tế khựng lại.

Trang nhất báo Libération cũng được dành cho dịch Covid 19 với câu hỏi "Làm sao thực hiện cùng một lúc việc chống Covid-19 và chống cả tình trạng cuộc sống bấp bênh" của những thành phần nghèo khó đang tăng vọt tại Pháp.

Theo tờ báo, tổng thống Pháp dứt khoát sẽ phải dung hợp hai đòi hỏi xã hội và dịch tễ trong phát biểu trên truyền hình tối nay của ông.

Tình hình rất đáng ngại vì theo một số liệu ước tính, từ nay đến cuối năm, Pháp sẽ có đến 10 triệu người nghèo.

Đức cũng lâm vào tình trạng các biện pháp chống dịch trái ngược nhau

Về cách các nước Châu Âu ứng phó với làn sóng Covid-19 thứ hai, Libération đặc biệt quan tâm đến tình hình tại nước Đức, vốn nổi tiếng là có kỷ luật.

Theo nhận định chung của tờ báo, các quyết định của thủ tướng Angela Merkel cũng như các bang Länder, rất có uy lực, liên can đến lãnh vực y tế, giờ ngày càng không thuyết phục được quần chúng cũng như giới virus học.

Tờ báo vô cùng ngạc nhiên cho là từ rất lâu rồi mới thấy một tình hình lộn xộn, trống đánh xuôi kèn thổi ngược như thế ở Đức. Với đà lây nhiễm tăng vọt, tăng gấp đôi trong vòng một tuần lễ - hiện tại thì hơn 4.000 ca/ngày - toàn bộ số 16 bang hay Länder ở Đức, vốn được toàn quyền trong các quyết định về y tế và cảnh sát, đã thi nhau đưa ra các biện pháp giới hạn để cố kiểm soát con virus tại địa phương mình.

Kết quả là một tình hình lộn xộn hoàn toàn. Đô trưởng Berlin Michael Müller rất tức giận. Ông nói : "Người ở Brandeburg (vùng phụ cận Berlin), thì được đến Berlin mua sắm, đi metro, ăn ở nhà hàng. Người Berlin thì lại không được đến ở vài ngày trong các khách sạn ở Brandeburg".

Để dự phòng cho các cuộc bầu cử tới đây, ai cũng muốn chứng tỏ là người đưa ra được những quyết định sáng suốt nhất, lãnh đạo các vùng tiếp tục đưa ra những biện pháp, mỗi người theo ý mình, về thời hạn cách ly, xét nghiệm bắt buộc hay miễn phí, việc đeo khẩu trang, về số người tham dự đám cưới, số khán giả tại một sân bóng, việc đóng cửa các quán bar, tiền phạt.

Armin Laschet, chủ tịch của vùng Bắc Rhineland Westphalia, người có nhiều khả năng kế nhiệm bà Angela Merkel, đã rất bất bình : "Không ai còn hiểu được gì nữa cả. Cứ thử nghĩ xem : Một người có thể đi từ Mainz đến Cologne nhưng lại không thể đi từ Cologne đến Mainz !"

Báo cáo độc lập : Pháp ứng phó tương đối với đợt dịch thứ nhất

Về dịch Covid 19 tại Pháp, các báo rất chú ý đến bản báo cáo giữa kỳ về cách Paris ứng phó với đợt dịch đầu tiên.

Theo ghi nhận của báo Les Echos, đây là bản báo cáo giữa kỳ của nhóm điều tra độc lập do chuyên gia tên tuổi người Thụy Sĩ Didier Pittet dẫn đầu và được công bố hôm thứ Ba. Theo nhận định chung của bản báo cáo, thì hệ thống bệnh viện Pháp đã đối phó đủ với dịch bệnh trong thời gian qua, trong lúc hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid 19 đã được giảm thiểu. Thế nhưng báo cáo cũng chỉ ra sự thiếu vắng dự đoán của chính quyền, ví dụ, việc không có khẩu trang lúc đầu dịch. Bên cạnh đó cũng tồn tại một chính sách lộn xộn liên quan đến vấn đề xét nghiệm.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 465 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)