Hải quân Mỹ nỗ lực đối phó với đối thủ Trung Quốc
Trong chuyên mục quốc tế, báo Le Figaro đặc biệt quan tâm, dành nhiều bài viết cho quan hệ Mỹ - Trung, đáng chú ý là bài "Hải quân Mỹ muốn chống lại sức mạnh trên biển của Trung Quốc". Trước nguy cơ bị hải quân Trung Quốc lấn át trên các vùng biển, Mỹ đã đưa ra một kế hoạch tái vũ trang để chống lại Bắc Kinh. Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Hoa Kỳ chứng kiến uy thế hải quân của họ bị sức mạnh mới của hải quân Trung Quốc thách thức.
Chỉ trong vòng 2 thập kỷ, sức mạnh của hải quân Trung Quốc đã tăng hơn gấp 3 lần, từng bước vượt qua hải quân Mỹ về số tàu chiến. Năm 2015, Trung Quốc có 255 tàu chiến, con số này tăng lên thành 360 vào đầu năm 2021, nhiều hơn 60 tàu chiến so với Mỹ. Nếu kế hoạch xây lắp tàu chiến tiếp tục, Trung Quốc sẽ có tới 400 tàu. Theo báo cáo của tình báo hải quân Mỹ, lực lượng hải quân của Trung Quốc hiện giờ có quy mô lớn nhất thế giới, Bắc Kinh cũng đang cho chế tạo với tốc độ nhanh đáng báo động máy bay chiến đấu mặt nước hiện đại, tàu ngầm, tàu sân bay, chiến đấu cơ, tàu tấn công đổ bộ, tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân, tàu tuần duyên vũ trang và tàu phá băng ở vùng cực.
Nhìn lại lịch sử, nỗ lực và thành tựu vươn lên thành cường quốc hải quân của Trung Quốc hiếm có nước nào sánh được. Theo Bryan McGrath, cựu sĩ quan hải quân Mỹ, chuyên gia về các vấn đề hải quân của Viện Hudson, đây là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, một cường quốc có thể cạnh tranh với hải quân Hoa Kỳ. Vấn đề đáng lo ngại hơn là sức mạnh hải quân của Trung Quốc đang tăng trong khi sức mạnh hải quân của Mỹ lại suy giảm.
Tuy nhiên, để so sánh, theo các nhà phân tích, cũng cần lưu ý đến nhiều số liệu khác. Chẳng hạn, về số thủy thủ tại ngũ, trọng tải tàu, số tàu khu trục và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường… Mỹ đều vượt Trung Quốc. Hạm đội tàu ngầm của Mỹ cũng lớn hơn của Trung Quốc, với 50 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, so với 7 chiếc của Trung Quốc. Thế nhưng, Mỹ cũng phải cảnh giác vì Trung Quốc đang có bước tiến vượt bậc.
Đối với Le Figaro, về ngoại giao và thương mại, chính quyền Donald Trump là chính quyền Mỹ đầu tiên phản ứng trước sức mạnh ngày càng mang tính đe dọa của Trung Quốc. Washington dưới thời ông Trump cũng đã khởi động một kế hoạch tái vũ trang hải quân quy mô lớn, tăng số tàu chiến của hải quân lên thành 355. Nhưng về các lĩnh vực khác, chính quyền Donald Trump cũng có nhiều khó khăn, phải đến những tuần cuối nhiệm kỳ, kế hoạch phát triển năng lực của hải quân Mỹ mới được phác thảo chi tiết.
Đóng tàu, lĩnh vực ưu tiên của chính quyền Biden
Chính quyền Biden, cũng rất lưu tâm đến sức mạnh mới của hải quân Trung Quốc, cho biết đóng tàu sẽ là một lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ngân sách cho hải quân năm 2022, chính quyền Mỹ cũng có kế hoạch đóng tàu cho 30 năm tới, dựa một phần vào kế hoạch do chính quyền Trump đề xuất. Nhưng Mỹ cũng bị hạn chế về ngân sách. Theo chuyên gia hải quân Bryan McGrath, ngân sách của chính quyền Trump hầu như không đủ để chi trả cho hoạt động của lực lượng hải quân hiện tại, Mỹ có thể tăng 20% số lượng tàu, nhưng điều đó không có nghĩa lý gì nếu họ không có đủ phương tiện để trang bị, đào tạo thủy thủ đoàn và hiện đại hóa đội tàu.
Miến Điện : Phong trào chống đảo chính còn trụ được đến bao giờ ?
Phát hành từ chiều thứ Bảy 27/03/2021, Le Monde quan tâm đến phong trào chống đảo chính tại Miến Điện. 27/03 là Ngày lực lượng vũ trang tại đất nước đang lâm khủng hoảng sau vụ đảo chính của tập đoàn quân sự cách nay 2 tháng. Theo thông tín viên khu vực Đông Nam Á của Le Monde, nhà báo Bruno Philippe tại Bangkok, nhiều người biểu tình chống đảo chính đã dự đoán ngày thứ Bảy là ngày quân đội phô trương lực lượng.
Một giáo viên tiếng Anh ở Mandalay, 24 tuổi, trao đổi với thông tín viên Le Monde dưới tên Kyaw và qua một ứng dụng an toàn trên điện thoại di động, đã lường đến tình huống xấu nhất : ngày 27/03 là ngày đổ máu. Quả thực, trong những ngày qua, người biểu tình đã chứng kiến áp lực gia tăng từ phía tập đoàn quân sự cầm quyền : quân đội triển khai lực lượng vào ban đêm tại những khu phố có phong trào phản kháng, ép người dân dẹp bỏ các ụ chướng ngại vật, kiểm tra nội dung trong điện thoại di động của mọi người …
Trong bối cảnh đó, anh Kyaw buổi sáng thường chuẩn bị một hỗn hợp từ đường và hóa chất nitrate de potassium làm bom tự chế, để nếu bị lực lượng cảnh sát hoặc quân đội tấn công thì tạo ra màn khói nhằm cản trở tầm nhìn của binh lính, không để họ nhắm bắn trúng. Theo nhiều phương tiện truyền thông Miến Điện, ngay từ sáng sớm thứ Bảy đã có khoảng chục người biểu tình trong cả nước gục ngã vì bạo lực của quân đội.
Không những thế, truyền hình Nhà nước Miến Điện còn phát đi lời cảnh báo của tập đoàn quân sự : "Hãy nhận lấy bài học từ những người đã chết sau khi bị bắn vào đầu hoặc lưng. Đừng chết vô ích". Thậm chí, trong buổi lễ chính thức, tướng Min Aung Hlaing, người cầm đầu cuộc đảo chính và cũng là nhân vật số 1 của chính quyền quân sự sau khi lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, còn coi phong trào đấu tranh chống đảo chính là "những hành vi khủng bố có thể gây hại cho sự yên ổn và an ninh Nhà nước" và "không thể chấp nhận được".
Anh Kyaw nhận xét ngày càng có ít người tham gia biểu tình hơn, họ sợ hãi vì các cuộc đàn áp gia tăng. Nhưng cũng vì màn đêm giờ đứng về phía về binh lính nên những người biểu tình phải luôn sẵn sàng tự vệ. Theo thông tín viên báo Le Monde, dù các cuộc tập trung quy mô lớn đã giảm, nhưng người biểu tình vẫn có nhiều sáng kiến, luôn tìm giải pháp thay thế để tiếp tục thể hiện sự phản đối chính quyền quân sự cầm quyền. Có khi hàng ngàn người tập trung lúc bình minh rồi vội vã giải tán, ai về nhà nấy trước khi binh lính kịp tỉnh giấc.
Khẳng định phong trào biểu tình sẽ không lui bước, nhưng Kyaw cũng lo ngại vì không biết phong trào sẽ kéo dài được thêm bao nhiêu lâu. Hiện giờ đã có nhiều người cao tuổi đề nghị những người biểu tình trẻ tuổi hơn đừng tụ tập trước cửa nhà họ vì lo ngại gia đình bị liên lụy, phải hứng đòn bạo lực của cảnh sát. Theo anh Kyaw, nếu còn tiếp tục như vậy, phong trào đấu tranh chống đảo chính sẽ thua trận.
Theo Le Monde, niềm hy vọng thực sự của người biểu tình là Ủy ban đại diện cho Quốc hội đã bị tập đoàn quân sự giải tán (CRPH) nay được cộng đồng quốc tế coi là chính phủ Miến Điện lưu vong. Tuy nhiên, tập đoàn quân sự Miến Điện cũng đã đề nghị Cảnh sát quốc tế Interpol bắt giữ các thành viên của CRPH hiện đang ở nước ngoài. Sức ép của quân đội đối với các công chức và chủ doanh nghiệp, ngân hàng tư nhân cũng chưa hề giảm : Những người này bị dọa là doanh nghiệp, nhà băng sẽ bị quốc hữu hóa nếu vẫn đóng cửa. Chủ các siêu thị lớn cũng bị triệu tập và dọa sẽ bị bỏ tù nếu siêu thị không hoạt động trở lại.
Tiệc tùng cho các tướng lãnh quân đội và tang lễ cho những người tranh đấu
Cũng quan tâm đến hồ sơ Miến Điện, báo Libération nêu bật thực trạng tương phản tại Miến Điện : ngày thứ Bảy tuần qua là dịp tiệc tùng cho giới tướng lãnh, nhưng đây cũng là ngày tang tóc nhất của phong trào chống đảo chính kể từ ngày 01/02/2021. Buổi sáng, tướng Min Aung Hlaing phát biểu quân đội đang tìm cách duy trì nền dân chủ, nhưng đến cuối ngày, đã có ít nhất 114 người, trong đó có khoảng chục trẻ em, bị cảnh sát hoặc quân đội giết hại.
Mạng xã hội Facebook tại Miến Điện tràn ngập hình ảnh những vụ sát hại người dân nhiều nơi trong cả nước, thậm chí binh lính còn sổ súng vào đám tang của một nạn nhân. Theo Libération, việc quân đội gom thi thể nạn nhân mang đi nơi khác, ngăn cản gia đình họ tổ chức tang lễ cũng là nhằm che giấu con số thực tế những người thiệt mạng và không để người dân biết các nạn nhân đã chết vì những vết thương nghiêm trọng đến thế nào.
Macron và tiêm chủng Covid-19 : Từ nỗi ngờ vực đến nỗ lực tăng tốc
Trong bối cảnh chính quyền Pháp đang bị chỉ trích vì để chiến dịch tiêm chủng diễn ra quá chậm, báo Le Monde nhìn lại một năm, chặng đường của tổng thống Macron - từ sự ngờ vực đến nỗ lực tăng tốc tiêm ngừa Covid-19.
Le Monde nhắc lại ngay từ đầu đại dịch hồi mùa xuân 2020, tổng thống Pháp đã coi là không thể có được vac-xin, ít nhất là đến cuối năm 2021, bộ trưởng Y tế Véran thậm chí còn coi đó là "điều không tưởng". Cho đến cuối năm 2020, nguyên thủ Pháp vẫn không coi tiêm chủng là "tâm cuộc chiến" chống virus corona, ngờ vực vac-xin dựa vào công nghệ ARN. Ngày 02/12/2020, khi Anh Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho tiêm ngừa với vac-xin Pfizer, tổng thống Macron vẫn "rất thận trọng", coi vac-xin chỉ là một trong số các đáp án và chính phủ vẫn có các giải pháp khác.
Phải 3 tháng sau, khi bị chỉ trích mạnh vì chiến dịch tiêm chủng chậm tiến, ông Macron mới chịu coi chiến dịch chủng ngừa là tâm điểm cuộc chiến chống Covid-19 và tuyên bố phải chích ngừa cho người dân Pháp bất kể sáng, trưa hay tối. Nhưng theo Le Monde, chính sự "thận trọng" thái quá ban đầu của Macron đã phản tác dụng khi ông muốn tăng tốc chiến dịch sau này.
Tỷ lệ sinh giảm sút, hậu quả nào cho tương lai ?
Về lĩnh vực xã hội, trong khi Pháp vẫn tự hào là nước đứng đầu Châu Âu về tỷ lệ sinh, La Croix cảnh báo hậu quả nhân khẩu học của cuộc khủng hoảng Covid-19 rất đáng lo ngại. Hồi tháng 02, tỷ lệ sinh ở Pháp đã giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020. Mức sụt giảm này cho dù không cao như hai tháng trước đó, nhưng tiếp nối xu hướng giảm được ghi nhận từ năm 2014.
Viện Thống kê Quốc gia Pháp INSEE đặt câu hỏi đó là do các cặp vợ chồng trì hoãn sinh con cho đến khi khủng hoảng chấm dứt, hay đó là sự khởi đầu của một xu hướng kéo dài. Trong trường hợp thứ hai, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị chấn động : hàng hóa và dịch vụ liên quan đến trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Giao dịch bất động sản cũng sẽ giảm sút, vì các gia đình thường chuyển nhà nếu có thêm thành viên. Đầu tư nhà nước vào lĩnh vực trẻ em cũng ít đi, số trường mẫu giáo, trường học sẽ giảm theo. Về lâu dài, chắc chắn dân số Pháp sẽ giảm. Quỹ phúc lợi nhà nước đương nhiên cũng sẽ bị tác động.
Trang nhất các báo Pháp
Trên trang nhất, các báo Pháp hôm nay quan tâm đặc biệt đến tình hình nước Pháp. Về khủng hoảng dịch bệnh, báo Le Monde nhận định : "Covid-19 : Áp lực gia tăng đối với các trường học". Rất nhiều nhà khoa học và chính trị gia Pháp kêu gọi chính quyền đóng cửa hoàn toàn trường học các cấp để phòng chống đại dịch. Hiện nay tỉ lệ lây nhiễm ở học sinh và giáo viên ở mức rất cao, chưa bao giờ có nhiều lớp học và trường học phải đóng cửa như hiện nay.
Còn báo La Croix khẳng định : "Nước Pháp có nhiều nguồn lực". Tờ báo công giáo đã dành 3 tuần để tìm hiểu những ưu thế, sức mạnh giúp Pháp vượt qua cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, báo thiên tả Libération lại hướng sự chú ý cuộc chiến khí hậu tại Pháp và chơi chữ qua hàng tựa : "Macron và những người bảo vệ sinh thái, mọi chuyện đang nóng dần lên". Một ngày trước khi Quốc hội Pháp thông qua dự luật về khí hậu, hôm qua hàng ngàn người đã biểu tình đòi có một bộ luật "thực thụ" về khí hậu.
Nhìn rộng ra Liên Âu, báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Pin điện : Bước đại nhảy vọt của Châu Âu". Liên Hiệp có ngày càng nhiều dự án xây nhà máy quy mô lớn để sản xuất thiết bị xe hơi chạy điện, trong đó phân nửa tập trung tại Đức.
Thùy Dương