Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/05/2021

Điểm báo Pháp – Dân số Trung Quốc là bao nhiêu ?

RFI tiếng Việt

Trung Quốc có thực sự là nước đông dân nhất thế giới ?

Nhật báo Le Figaro ngày 05/05/2021 tiếp tục quan tâm tới Trung Quốc, dành toàn bộ trang quốc tế cho vấn đề đáng chú ý liên quan đến dân số của đất nước vẫn được coi là đông dân nhất thế giới.

danso1

Du khách Trung Quốc trong dịp nghỉ lễ Lao Động 01/05/2021. Ảnh chụp tại một nhà ga Giang Tây.  AP

Với tiêu đề "Cường Quốc Trung Hoa bị suy yếu vì dân số giảm", Le Figaro cho thấy việc dân số Trung Quốc giảm dự báo sẽ nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế-xã hội, có nguy cơ tác động xấu tới "giấc mơ Trung Hoa" của Tập Cận Bình. Bởi vậy mà chính quyền Bắc Kinh đang muốn che giấu con số chính thức của cuộc tổng điều tra dân số mới đây.

Theo tờ báo này, chính quyền Trung Quốc hứa hẹn ngày 10/04/2021, cho công bố kết quả tổng điều tra dân số thực hiện trong năm 2020, nhưng đến giờ vẫn không công bố số liệu chính thức nào. Điều này càng khẳng định giả thuyết lan truyền trên mạng xã hội cho rằng Trung Quốc đang trong tình trạng dân số sụt giảm, đất nước này chưa giàu đã già. Dưới sức ép của dư luận, cơ quan thống kê nói trên hôm 29/04/2021 đã phải ra thông cáo ngắn gọn rằng "dân số Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm 2020". Trong khi đó nhật báo Anh Financial Times, trước đó một hôm, khẳng định dân số Trung Quốc bắt đầu giảm và già đi nhanh chóng giống như trường hợp các nước Nhật Bản hay Hàn Quốc. Hiện tượng này sẽ đặt ra hàng loạt thách thức xã hội-kinh tế đối với chế độ cộng sản.

Le Figaro trích dẫn các chuyên gia nghiên cứu dân số Trung Quốc ở nước ngoài khẳng định từ năm 2018, dân số Trung Quốc đã giảm dưới con số 1,28 tỷ người, chứ không phải là 1,4 tỷ như chính quyền vẫn đưa ra. Trung Quốc đã mất danh hiệu "đất nước đông dân nhất thế giới" từ năm 2013, xếp sau Ấn Độ (1,36 tỷ).

Theo Le Figaro, thực tế này kéo theo dân số Trung Quốc bị già đi. Từ năm 2000, số người trên 65 tuổi đã chiếm 14% dân số. Trong vòng 22 năm Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ "các nước già". Đây là hệ quả của chính sách một con duy nhất mà Bắc Kinh áp đặt từ cuối những năm 1970 để tránh tình trạng bùng nổ dân số trong một đất nước Trung Quốc nghèo, chậm phát triển.

Những biến động dân số này không chỉ gây ra những hệ lụy về mặt kinh tế xã hội mà còn ảnh hưởng đến "giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình, đến vị thế "công xưởng thế giới" và "thị trường lớn nhất thế giới". Le Figaro nhận định "việc dân số giảm sút không cưỡng lại được này là một thách thức lớn về địa chính trị, vào lúc mà Bắc Kinh đang nuôi tham vọng cường quốc thế giới dưới bóng của ông Tập Cận Bình". 

Nhà nghiên cứu dân số Yi Fuxian thuộc đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ nhận định : "Bằng các số liệu dân số sai, Trung Quốc đánh lừa các nước ngoài và các nhà đầu tư để tự biến mình từ con mèo ốm thành con sư tử đầy dũng mãnh".

Le Figaro nhận thấy, việc giảm dân số xuống dưới mức của Ấn Độ còn là một thách thức khá tế nhị về mặt đối nội, trong lúc mà Bắc Kinh đang chuẩn bị kỷ niệm rầm rộ 100 năm thành lập đảng cộng sản để khuếch trương tính ưu việt của chế độ cộng sản. Đó là lý do mà các quan chức của cơ quan thống kê quốc gia vẫn chậm trễ thông báo kết quả tổng điều tra dân số. Họ chờ chỉnh sửa để đưa ra con số "hợp lý".

Miến Điện : Tập đoàn Total làm giàu cho giới quân sự

Vẫn liên quan đến thời sự Châu Á, báo Le Monde chú ý tới Miến Điện, đất nước đang có những biến động chính trị lớn từ nhiều tháng qua sau cuộc đảo chính quân sự. Nhưng tờ báo đề cập đến việc giới quân sự Miến Điện đã được các tập đoàn lớn dầu khí Total của Pháp cung cấp tài chính ra sao ?

Theo các tài liệu mà Le Monde được tham khảo, tập đoàn Pháp đã thiết lập một hệ thống chia chác thu nhập với tập đoàn quân sự liên quan đến lợi nhuận từ khai thác khí đốt.

Theo tờ báo, từ khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự hôm 01/02/2021 vừa qua, áp lực tăng mạnh đối với Total. Lý do là vì tập đoàn dầu khí Pháp từ năm 1998 khai thác một mỏ khí đốt ngoài khơi của Miến Điện. Các tài liệu cho thấy trong suốt nhiều năm qua, tập đoàn Pháp Total đã thỏa thuận chuyển hàng triệu đô la lợi nhuận từ khai thác khí đốt cho giới quân đội của Miến Điện qua các cách thức tinh vi và vòng vèo.

Giới đấu tranh vì dân chủ đã yêu cầu các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là Total của Pháp và Chevron của Mỹ ngừng các hoạt động để cắt đứt nguồn hỗ trợ tài chính cho tập đoàn quân sự.

Từ khi giới quân nhân làm đảo chính, Miến Điện chìm trong khủng hoảng chính trị và bạo lực trấn áp, vấn đề trừng phạt lại được đặt ra. Trong bài viết : "Trừng phạt và tẩy chay để làm chùn bước quân đội Miến Điện", Le Monde ghi nhận, "không có trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do sự ngăn cản của Nga và Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh và Liên Hiệp Châu Âu đã áp dụng trở lại các trừng phạt nhằm vào cá nhân các tướng lĩnh và các tập đoàn do quân đội Miến Điện kiểm soát". Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hiệu quả của các trừng phạt đó. Tờ báo nhắc lại, đến tận năm 2016, quân đội Miến Điện vẫn sống sót với hàng loạt lệnh trừng phạt đó.

Theo giới phân tích, đòn trừng phạt của các nước phương Tây chỉ có giá trị tâm lý. Chuyên gia Thibault Bara, thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội cho Miến điện được Le Monde trích dẫn phân tích : "Mặc dù tình trạng nghèo đói và thất nghiệp bùng nổ, tâm trí người dân vẫn tập trung vào cuộc nội chiến. Mỗi thất bại, dù là tượng trưng của giới tướng lĩnh đều là là một thắng lợi của dân chúng, nó giúp họ kháng cự, giữ hy vọng bất chấp bị đàn áp thô bạo".

Khả năng trừng phạt để làm tập đoàn quân sự ở Miến Điện suy yếu là rất ít, khi mà rất nhiều công ty lớn, không chỉ có trường hợp Total mà còn hàng trăm công ty đã được tổ chức phi chính phủ Burma Campaign UK liệt kê có cộng tác chặt chẽ với tập đoàn quân sự. Trong đó có những tập đoàn Trung Quốc và cả của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Pháp : 200 năm ngày mất Napoléon Bonaparte, lễ kỷ niệm nhạy cảm

Trở lại với nước Pháp với sự kiện được báo chí quan tâm đặc biệt là kỷ niệm 200 năm ngày mất của hoàng đế Napoléon Bonaparte, một trong những nhân vật biểu tượng của lịch sử Pháp, rất được ngưỡng mộ và cũng gây không ít tranh cãi.

Le Figaro quan tâm đặc biệt đến sự tham dự của tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào hai sự kiện tưởng nhớ vị hoàng đế vĩ đại của nước Pháp diễn ra tại Paris trong ngày 05/05/2021 và ông Macron sẽ có bài phát biểu dài chừng nửa giờ đồng hồ. Đây là bài phát biểu được báo chí rất mong chờ. Chủ nhân điện Elysée sẽ phải cân nhắc cách nói sao cho vừa phải trong diễn văn tưởng nhớ đến một hoàng đế đã là một phần lịch sử của Pháp.

Tờ báo nhắc lại, Napoléon Bonaparte, không chỉ là một thiên tài quân sự mà ông còn để lại một di sản đồ sộ cho nước Pháp. Nói đến Napoléon là không thể không nhớ đến người đặt nền móng cho hầu như toàn bộ lĩnh vực đời sống xã hội, thể chế Nhà nước của Pháp, tồn tại đến tận bây giờ. Đó là người đã khai sinh ra từ bộ Luật Dân sự, bộ Luật Hình sự, Tòa phá án, Tham Chính Viện, lực lượng Hiến Binh, hệ thống trường trung học, Ngân hàng Trung ương Pháp, cơ cấu cơ quan hành chính cấp tỉnh, thành phố cho đến huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh và còn rất nhiều lĩnh vực, định chế xã hội khác vẫn hiện hữu ngày nay là nhờ công của Napoléon.

Thế nhưng đây cũng là vị hoàng đế Pháp vẫn còn gây nhiều tranh cãi và cả chỉ trích trong giới sử học và chính trị Pháp, nhất là việc ông là người tái lập chế độ nô lệ ở Pháp, mà đến nay vẫn nhiều người đánh giá là "có tội" dù Napoléon đã là tượng đài lịch sử của Pháp. Chính vì thế mà dư luận cho rằng, diễn văn của tổng thống nhân dịp kỷ niệm này phải có liều lượng câu chữ vừa phải sao cho không quá sa đà vào liệt kê công lao, đồng thời tránh không tỏ ăn năn về những sai lầm trong lịch sử của vị hoàng đế được cả thế giới gắn với hình ảnh của nước Pháp.

Thế mới thấy, Napoléon Bonaparte, một vị khai quốc công thần, định hình hầu như phần lớn nền tảng đời sống xã hội chính trị của nước Pháp, một thiên tài quân sự được cả thế giới thừa nhận và ngưỡng mộ. Người Pháp tự hào có hoàng đến Napoléon nhưng không chấp nhận sùng bái ông như thánh sống. Đơn giản ông cũng chỉ là con người, vẫn phạm sai lầm, ông cũng chỉ là một nhân vật lịch sử cần sự phán xét công bằng của lịch sử.

Pfizer tiếp tục tấn công virus corona

Phần cuối của mục điểm báo hôm nay xin được dành cho một thông tin khoa học, một tia hy vọng mới để thoát khỏi dịch Covid-19.

Le Figaro cho hay, "Pfizer đang thử nghiệm thuốc uống ngay khi có triệu chứng đầu tiên" nhiễm Covid-19. Sau thành công lớn với vac-xin ngừa Covid, tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer tiếp tục tìm kiếm thuốc chữa Covid-19. Hiện nay tập đoàn đã tìm ra một chế phẩm dùng điều trị người bệnh ngay khi xuất hiện những triệu chứng nhiễm virus đầu tiên.

Các thử nghiệm giai đoạn đầu vừa được tiến hành trên người hồi tháng Ba. Khoảng sáu chục người tình nguyện đã được thử điều trị với các liều lượng khác nhau. Đây là giai đoạn không thể thiếu để tiếp tục các thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả trị liệu của thuốc.

Mục đích của phân tử thuốc không phải là tiêu diệt virus mà ngăn chặn virus sinh sôi phát triển. Theo nhiều chuyên gia, loại thuốc trị liệu này của Pfizer có nhiều hứa hẹn thành công, tuy nhiên vẫn còn cần thời gian ít nhất một năm mới có thể bước vào triển khai bào chế thuốc, nếu các thử nghiệm cho kết quả tốt.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)