Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/05/2021

Đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông : Hoa Kỳ, Nhật Bản và ASEAN chuẩn bị

RFI tổng hợp

Mỹ muốn củng cố quan hệ với ASEAN để khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 23/05/2021

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN ngày 23/05/2021. Cuộc họp đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao dưới thời tổng thống Joe Biden với khối 10 nước Đông Nam Á được cho là để củng cố quan hệ song phương trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực.

asean1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp báo sau cuộc gặp với Ngoại giao Trung Quốc tai Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ, ngày 19/03/2021.  AFP – Frederic J. Brown

Theo trang Foreign Brief, khác với chính quyền tiền nhiệm Donald Trump ưu tiên quan hệ song phương với các đồng minh, ông Joe Biden muốn tập trung đến quan hệ đa phương, với một khối. Theo hướng này, chính quyền Mỹ được cho là sẽ có nhiều cam kết hơn với ASEAN nhằm khống chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở trong vùng, khiến một số nước phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về kinh tế.

Washington cũng sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc gặp gỡ cấp cao hoặc các cuộc họp thượng đỉnh về kinh tế, quốc phòng với ASEAN, duy trì các cuộc tập trận với khối. Ngoài ra, quan hệ song phương với một số nước đồng minh trong khối, như Philippines, Thái Lan, cũng sẽ được Hoa Kỳ tiếp tục củng cố.

Tuy nhiên, một trở ngại, được trang Foreign Brief coi như trắc nghiệm thực sự đối với chính quyền Joe Biden, là Washington phải khôn khéo xoay sở với lập trường trung lập của ASEAN trước Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc ASEAN kéo hai đối tác lớn cùng tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Miến Điện là một ví dụ cho thấy Hiệp Hội muốn gây ảnh hưởng với cả hai cường quốc thế giới. Do đó, Washington khó thuyết phục được ASEAN đứng cùng bên trong những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.

Thu Hằng

*********************

Căng thẳng quân sự : Mỹ nhiều lần tìm cách đối thoại, Trung Quốc từ chối

Thu Hằng, RFI, 22/05/2021

Kể từ khi tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, các lãnh đạo ngoại giao Mỹ-Trung ít nhất đã họp với nhau tại Alaska vào tháng Ba dù trong không khí căng thẳng nhưng lãnh đạo quốc phòng hai nước chưa từng gặp mặt. Một số nguồn tin của Reuters ngày 21/05/2021 cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đến nay vẫn không thể nói chuyện với các đồng cấp Trung Quốc, dù đã nhiều lần thử tìm cách tổ chức đàm phán.

quansu1

Lầu Năm Góc, trụ sở bộ Quốc Phòng Mỹ. Ảnh minh họa.  Reuters

Một quan chức quốc phòng ẩn danh của Mỹ nhấn mạnh với Reuters là "không nghi ngờ gì, mối quan hệ quân sự đang căng thẳng" trên nhiều hồ sơ từ Đài Loan đến hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông và cả vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định "muốn có một đối thoại ở cấp độ phù hợp" để giảm bớt các căng thẳng hoặc dự trù các nguy cơ đối đầu.

Một quan chức thứ hai trong bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết chính quyền của tổng thống Joe Biden từng có một cuộc thảo luận về vấn đề liệu bộ trưởng Lloyd Austin có nên đối thoại với đồng nhiệm Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) hoặc với phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, ông Hứa Kì Lượng (Xu Qiliang), người được cho là có thế lực và ảnh hưởng hơn đối với chủ tịch Tập Cận Bình.

Lẽ ra bộ trưởng Quốc Phòng hai nước có cơ hội gặp nhau tại Đối Thoại Shangri-La, dự kiến diễn ra trong hai ngày 04-05/06 tại Singapore, nhưng sự kiện quốc phòng quan trọng này đã bị hủy do đại dịch Covid-19.

Những nỗ lực đối thoại quân sự của Lầu Năm Góc với Trung Quốc từng được Financial Times đưa tin. Vào cuối năm 2020, nhiều quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã trao đổi với nhau về cách liên lạc khủng hoảng. Tuy nhiên, hai bên chưa từng có các trao đổi cấp cao về quân sự dưới thời tổng thống Joe Biden.

Thu Hằng

*********************

Nhật Bản tăng tốc phát triển tiềm lực quốc phòng đối phó với Trung Quốc

Thùy Dương, RFI, 21/05/2021

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng ngày 20/05/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản cho biết Tokyo phải tăng cường sức mạnh của quân đội với "tốc độ hoàn toàn khác" so với trước đây, nhằm đối phó với năng lực quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh.

quánu2

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga trong chuyến thăm căn cứ Không quân Iruma ở Sayama, tây bắc Tokyo, ngày 28/11/2020.  AP - David Mareuil

Trả lời báo Nikkei Asia, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cảnh báo "cán cân quân sự đã ngả nhiều về phía Trung Quốc" trong những năm gần đây và khoảng cách giữa quân đội Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng "lớn lên theo thời gian".

Ông Kishi khẳng định Nhật Bản phải "tăng cường năng lực quốc phòng với một tốc độ hoàn toàn khác so với trước đây", đồng thời nêu lên những con số về chi tiêu của Trung Quốc cho quân sự cũng như trong các lĩnh vực chiến tranh mới như không gian, mạng internet và điện từ.

Chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản thường dao động ở mức khoảng 1% GDP. Nhưng bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết mức này sẽ được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu, thay vì định mức như trước đây.

Báo Nikkei Asia dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng theo đó, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng với sự bất ổn đang gia tăng. Vì thế, Tokyo sẽ phân bổ hợp lý nguồn tài chính mà nước Nhật cần để bảo vệ quốc gia.

Theo trang mạng Japan Today, những phát biểu của bộ trưởng Kishi được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản ngày càng lo ngại về tình hình an ninh khu vực và đặc biệt là về hành động của Trung Quốc. Ông Kishi cũng cho biết Tokyo coi trọng các vấn đề liên quan đến Đài Bắc cũng như vấn đề của riêng Nhật Bản trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép lên Đài Loan.

Trong những tháng qua, Nhật Bản cũng đã nhiều lần lên tiếng về các hành động của Trung Quốc trong vùng biển khu vực, đặc biệt là về sự hiện diện của các tàu tuần duyên xung quanh các đảo mà Bắc Kinh và Tokyo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Thùy Dương
Read 550 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)