Trung Quốc điều nhiều máy bay xâm nhập gần Đài Loan, nói phải đáp trả vụ ‘thông đồng’
VOA, 16/06/2021
Trung Quốc không dung thứ cho các lực lượng nước ngoài can thiệp vào các vấn đề Đài Loan và sẽ phải đưa ra phản ứng mạnh mẽ đối với những hành vi "thông đồng" như vậy, chính phủ nước này cho biết hôm 16/6 sau khi đảo Đài Loan báo cáo vụ xâm nhập lớn nhất từ trước đến nay của máy bay Trung Quốc.
Hình ảnh cờ Đài Loan và Trung Quốc cùng các máy bay quân sự trong bức ảnh minh hoạ chụp hôm 9/4.
Chính quyền của hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền cho biết 28 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay có khả năng ném bom hạt nhân, đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm 15/6.
Vụ việc xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo của Nhóm G-7 đưa ra một tuyên bố chung hôm 13/6, trong đó công kích Trung Quốc về một loạt vấn đề và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên khắp Eo biển Đài Loan. Trung Quốc lên án tuyên bố này là "vu khống".
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo liệu hoạt động quân sự này có liên quan đến tuyên bố của Nhóm G-7 hay không, Phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, Mã Hiểu Quang, cho biết chính phủ Đài Loan phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng. Bắc Kinh tin rằng chính quyền của hòn đảo này hợp tác với các quốc gia bên ngoài để tìm kiếm nền độc lập chính thức.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho những nỗ lực đòi độc lập hay sự can thiệp cố ý vào vấn đề Đài Loan của các thế lực nước ngoài, vì vậy chúng tôi cần phải có phản ứng mạnh mẽ đối với những hành động thông đồng này", ông Mã nói.
Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận ở ADIZ phía đông nam của Đài Loan.
Đài Loan, hòn đảo có thể chế dân chủ, trong vài tháng qua đã phàn nàn về các vụ xâm nhập lặp đi lặp lại của lực lượng không quân Trung Quốc gần đó, tập trung ở phần phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không gần quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát.
Tuy nhiên, lần này không chỉ máy bay Trung Quốc bay ở khu vực gần quần đảo Đông Sa mà máy bay ném bom và một số máy bay chiến đấu cũng đến bay quanh khu vực phía nam của Đài Loan gần điểm cực dưới cùng của hòn đảo, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Vụ xâm nhập này xảy ra cùng ngày Hải quân Hoa Kỳ cho biết một nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Ronald Reagan dẫn đầu đã đi vào vùng Biển Đông có nhiều tranh chấp.
"Nhóm tác chiến tàu (sân bay) Ronald Reagan không chạm trán với bất kỳ máy bay quân sự nào của Trung Quốc", Trung tá Joe Keiley, người phát ngôn của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết trong một tuyên bố gửi qua email khi trả lời câu hỏi của Reuters về việc liệu máy bay Trung Quốc có tiếp cận họ hay không.
"Trong các hoạt động của nhóm tác chiến ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), mọi thông tin liên lạc giữa tàu và máy bay đều phù hợp với các quy tắc quốc tế và không ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi", ông Keiley nói.
Một quan chức cấp cao biết về kế hoạch an ninh của Đài Loan nói với Reuters rằng các quan chức tin rằng Trung Quốc đang gửi thông điệp tới Hoa Kỳ khi nhóm tác chiến tàu sân bay đi qua Kênh Ba Sĩ, ngăn cách Đài Loan với Philippines và dẫn vào Biển Đông.
"Đó là sự đe dọa chiến lược đối với quân đội Hoa Kỳ. Họ muốn Hoa Kỳ nhận thấy khả năng của họ và để họ kiềm chế hành vi của mình", quan chức này nói.
Nguồn tin này cho biết thêm rằng Đài Loan cần đặc biệt chú ý đến một thực tế là quân đội Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận ở ADIZ phía đông nam của Đài Loan.
Nguồn tin còn nói rằng điều này, "ở một mức độ nhất định, là nhắm vào các hoạt động triển khai của chúng tôi ở phía đông và gia tăng áp lực phòng không xung quanh ADIZ của chúng tôi".
Bờ biển phía đông của Đài Loan là nơi có hai căn cứ không quân lớn với các nhà chứa máy bay được xây trong sườn núi để bảo vệ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công.
***********************
Bắc Kinh đưa 28 chiến đấu cơ áp sát Đài Loan ngay sau Tuyên bố chung G7
Trọng Thành, RFI, 16/06/2021
Hôm 15/06/2021, Trung Quốc điều một số lượng chiến đấu cơ kỷ lục áp sát Đài Loan. Hành động nói trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi khối G7 ra Tuyên bố chung, lần đầu tiên kêu gọi "hòa bình và ổn định" cho vùng eo biển Đài Loan.
Ảnh do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố (không ghi thời điểm) : một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc được xác định xâm nhập không phận Đài Loan. AP
Trong cuộc họp báo hôm qua, trả lời câu hỏi, liệu hành động quân sự này có liên quan đến Tuyên bố của G7 hay không, phát ngôn viên Văn phòng các Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) tuyên bố "chúng tôi sẽ không bao giờ khoan dung với các mưu toan đòi độc lập hay sự can thiệp vô cớ vào vấn đề Đài Loan của các thế lực nước ngoài, và như vậy chúng tôi phải phản ứng một cách cứng rắn với các hành động thông đồng này".
Thông tín viên Adrien Simorre từ Đài Bắc cho biết thêm:
"Đây là một con số kỷ lục : 28 phi cơ Trung Quốc, trong đó có 20 máy bay tiêm kích, đã xâm nhập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan hôm qua. Cuộc thao dượt này diễn ra hai ngày sau khi khối bảy cường quốc công nghiệp (G7) ra Thông cáo chung lịch sử, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "hòa bình" và "ổn định" tại eo biểu Đài Loan.
Rõ ràng là Bắc Kinh không thể chấp nhận được một tuyên bố như vậy, chính quyền Trung Quốc không giấu giếm ý đồ sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan và 24 triệu cư dân hòn đảo. Hôm thứ Hai, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án Tuyên bố chung của khối G7, coi đây là một hành động "can thiệp" vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Các cuộc xâm nhập của không quân Trung Quốc đã gần như trở thành chuyện hàng ngày, kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn đắc cử hồi tháng Giêng 2020. Nữ tổng thống Đài Loan có quan điểm cương quyết chống lại mưu toan sáp nhập của Trung Quốc.
Một điều hiếm có xảy ra vào hôm qua : nhiều phi cơ tuần tiễu của Trung Quốc đã tiếp tục lộ trình vượt qua bờ biển phía đông của Đài Loan. Theo các chuyên gia, Bắc Kinh cũng tìm cách thu thập các thông tin về eo biển kênh Ba Sĩ (nằm giữa Đài Loan và cực bắc Philippines), một địa điểm có ý nghĩa chiến lược, nơi qua lại của nhiều tầu ngầm quân sự".
Phản ứng của Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhật
Sau hành động xâm nhập ồ ạt của của phi cơ Trung Quốc vào vùng ADIZ của Đài Loan, Bộ Quốc phòng Mỹ đã có phản ứng cứng rắn. Báo Nhật Japan Times dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple, tố cáo việc "các hoạt động quân sự gia tăng (của Bắc Kinh) tại khu vực sát không phận của Đài Loan đang gây mất ổn định, và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm", khiến xung đột bùng phát. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cam kết hậu thuẫn của Mỹ đối với Đài Loan là "vững như bàn thạch", với khẳng định Washington "sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ an ninh phi chính thức, để bảo đảm Đài Loan có đủ khả năng tự vệ" trước mọi đe dọa.
Vẫn liên quan đến căng thẳng tại eo biển Đài Loan, hôm nay, theo Kyodo News, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi đã kêu gọi "giải quyết một cách hòa bình" các bất đồng thông qua "đối thoại giữa các bên liên quan". Tuyên bố được đưa ra trong hội nghị ADMM mở rộng trực tuyến, với sự tham gia của 10 quốc gia Đông Nam Á và nhiều cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trọng Thành
*******************
Đài Loan : Trung Quốc xâm phạm không phận lớn chưa từng có
VOA, 15/06/2021
Hôm 15/6, Chính quyền Đài Loan cho biết 28 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân, đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong cùng ngày, theo Reuters. Đài Loan cho biết đây là vụ xâm nhập lớn nhất được báo cáo cho đến nay.
Chính quyền Đài Loan cho biết 28 máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết cuộc đột kích mới nhất của Trung Quốc có sự tham gia của 14 máy bay chiến đấu J-16 và 6 máy bay chiến đấu J-11, cũng như 4 máy bay ném bom H/6, có thể mang vũ khí hạt nhân và máy bay chống tàu ngầm, tác chiến điện tử và cảnh báo sớm.
Đây là cuộc xâm phạm không phận hàng ngày lớn nhất kể từ khi Bộ Quốc phòng Đài Loan vào năm ngoái bắt đầu báo cáo thường xuyên các hoạt động của Không quân Trung Quốc tại vùng ADIZ của Đài Loan, phá vỡ kỷ lục trước đó khi 25 máy bay được báo cáo vào ngày 12/4.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói thêm rằng các máy bay chiến đấu của Đài Loan đã được điều động để đánh chặn và cảnh báo các máy bay Trung Quốc, trong khi các hệ thống tên lửa cũng được triển khai để theo dõi các máy bay Trung Quốc.
Máy bay Trung Quốc không chỉ bay ở khu vực gần quần đảo Đông Sa (Pratas), mà các máy bay ném bom và một số máy bay chiến đấu đã bay quanh khu vực phía nam của Đài Loan, gần với mõm phía nam của hòn đảo, theo bản đồ mà Bộ quốc phòng Đài Loan cung cấp.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Trước đây, Trung Quốc mô tả những cuộc không kích như vậy là cần thiết để bảo vệ chủ quyền của đất nước và đối phó với "sự thông đồng" giữa Đài Bắc và Washington.
Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, vẫn đang theo dõi với sự báo động căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh.
Theo Reuters
**********************
G7 lần đầu tiên kêu gọi hòa bình và ổn định cho vùng eo biển Đài Loan
Trọng Thành, RFI, 14/06/2021
Thượng đỉnh G7 họp ba ngày, khép lại hôm qua, Chủ Nhật 13/06/2021. Giới quan sát ghi nhận một thay đổi đang chú ý trong lập trường của G7 trong quan hệ với Trung Quốc tại thượng đỉnh này. Lần đầu tiên các vấn đề liên quan đến eo biển Đài Loan được nêu ra trong một bản tuyên bố chung của G7, kể từ khi khối thành lập năm 1975.
Hội nghị bàn tròn tại thượng đỉnh G7 mở rộng đến một số nước được mời tham dự như Úc, Hàn Quốc... ở Cornwall, miền nam nước Anh. Ảnh ngày 12/06/2021. AP - Leon Neal
Tuyên bố chung, được đưa ra sau thượng đỉnh G7 tại Cornwall, "nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, và cổ vũ cho một giải pháp hòa bình cho các vấn đề giữa hai bờ eo biển". Ngay sau Tuyên bố chung của G7, phát ngôn viên Phủ tổng thống Đài Loan Xavier Chang (Trương Đôn Hàm) đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc, ghi nhận sự ủng hộ của G7, việc lần đầu tiên khối bảy cường quốc công nghiệp nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "hòa bình và ổn định tại eo biển" Đài Loan. Phủ tổng thống Đài Loan khẳng định Đài Bắc sẽ "cương quyết duy trì chế độ dân chủ và bảo vệ các giá trị phổ quát của nhân loại".
Nội dung liên quan đến Đài Loan trong Tuyên bố chung của G7 được đặt trong phần về chủ trương xây dựng một "vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, không loại trừ ai, và dựa trên luật pháp". Cũng trong mục này, khối G7 bày tỏ "quan ngại sâu sắc về tình hình tại biển Hoa Đông và Biển Đông, và lên án mạnh mẽ bất cứ nỗ lực đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng", ngụ ý nhắc đến các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Cũng liên quan đến Trung Quốc, khối G7 kêu gọi Bắc Kinh "tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, đặc biệt liên quan đến vùng Tân Cương, cũng như nhân quyền, các quyền tự do, và quy chế tự trị của Hồng Kông, được khẳng định trong Tuyên bố chung Anh – Trung Quốc, và Luật Cơ bản" của Hồng Kông.
Trung Quốc lên án Tuyên bố chung của G7
Đài Loan, Tân Cương, Hồng Kông là những vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc, đặc biệt là Đài Loan. Hôm nay, 14/06, đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho biết rất bất bình và kiên quyết phản đối các nội dung liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, bị tố cáo là xuyên tạc sự thật.
Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh rằng những vấn đề nói trên "thuộc công việc nội bộ" của Trung Quốc, và khẳng định Trung Quốc "sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống bất cứ hành vi bất công và xâm phạm đối với Trung Quốc".
Dự án 100 tỉ đô la/năm
Cũng về Trung Quốc, bên cạnh các lĩnh vực nhân quyền, an ninh, Tuyên bố chung khối G7 hôm qua thông báo quyết định của khối đầu tư 100 tỉ đô la/năm cho dự án đối trọng với "Những Con đường Tơ lụa Mới" của Bắc Kinh. Đặc phái viên Clea Broadhurst tường trình từ Cornwall :
"Bắc Kinh chính thức trong tầm ngắm của các lãnh đạo G7. Cách nay 3 năm, Trung Quốc không được dẫn ra trong các thông điệp của thượng đỉnh G7, giờ đây Bắc Kinh rõ ràng được chỉ ra như một đối thủ, một thế lực cạnh tranh, thậm chí một địch thủ.
Cạnh tranh đang diễn ra : để thúc đẩy một nền kinh tế xanh, bảy cường quốc công nghiệp phát triển quyết định sẽ đầu tư mạnh, với 100 tỉ đô la/năm, vào các cơ sở hạ tầng của các nước nghèo tại Châu Phi, Châu Á, và kể cả Châu Mỹ Latin.
Đây chắc chắn là một sáng kiến hướng đến một tương lai phát triển bền vững, nhưng cũng là một cách để ngăn chặn các bước tiến của Trung Quốc. Dự án 100 tỉ đô la/năm nói trên do tổng thống Mỹ khởi xướng sẽ cạnh tranh với dự án "Những Con đường Tơ lụa Mới", tức các đầu tư ồ ạt của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài.
Dự án do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tung ra vào năm 2013. Theo các dữ liệu của các thị trường tài chính về cơ sở hạ tầng hồi năm ngoái, hơn 2.600 dự án với tổng cộng khoảng 3.000 tỉ euro liên quan đến dự án của Trung Quốc. Gần 100 quốc gia đã ký với Bắc Kinh các thỏa thuận về phát triển đường sắt, cảng biển, xa lộ, hay các loại cơ sở hạ tầng khác".
Trọng Thành