Từ "Zero Covid" đến "Sóng thần Covid": Bắc Kinh đang khó ăn khó nói
Đài Loan tăng cường binh lực, với hậu thuẫn của Mỹ, sẵn sàng giáng trả tham vọng của Trung Quốc, "Giới tinh hoa Nga buộc phải im lặng" về chiến tranh tại Ukraine. "Sự chậm trễ của Pháp trong kế hoạch khí hậu" và "Nỗi tức giận và lo âu của người Kurdistan" tại Pháp là các chủ đề trang nhất của báo chí Pháp hôm 27/12/2022. Đại dịch Covid bùng phát mạnh tại Trung Quốc, có thể đe dọa thế giới, là đề tài chính của nhiều báo.
Một cuộc biểu tình phản kháng chính sách Zero Covid tại Quảng Đông, đông nam Trung Quốc, ngày 30/11/2022 via Reuters
"Chính quyền Trung Quốc bị mắc bẫy đại dịch" là một tựa trang nhất Le Monde. Nhận định được đưa ra vào lúc Bắc Kinh "ngừng thông báo về số người chết và ca nhiễm mới". Nhật báo Pháp chú ý đến sự lúng túng cao độ của hệ thống truyền thông Nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đột ngột mở cửa trở lại. "Sau ba năm kiểm soát nghiêm ngặt cuộc sống của người dân trong nước, khi tuyên truyền rầm rộ về việc Covid-19 là một đe dọa cực kỳ nguy hiểm, và chế giễu tình trạng ‘hỗn loạn’ tại Mỹ", theo Le Monde, giờ đây Bắc Kinh "khó ăn khó nói".
Từ chỗ khống chế nghiêm ngặt toàn xã hội để khống chế dịch đến chỗ tuyên bố "sức khỏe mỗi người trước hết là do cá nhân". Nguyên tắc nói trên do chính quyền thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ban hành hồi giữa tháng 11, sau đó lần lượt được áp dụng tại nhiều nơi khác. Điều đáng chú ý, theo Le Monde, là bất chấp tình hình đang thay đổi hoàn toàn với các phản ứng phẫn nộ của dân chúng, chính quyền trung ương vẫn cố duy trì khẩu hiệu "Zero Covid" gần như đến phút cuối cùng, trước khi thay đổi gần như 180°.
"Ngáo ộp trong 3 năm trời" đột ngột thành "cúm corona"
Ông Zhang, một người dân Bắc Kinh, 49 tuổi, cho biết chính quyền đã "mở cửa đột ngột trở lại, chỉ qua một đêm, không hề có sự chuẩn bị nào, không đào tạo nhân sự, không chuẩn bị dược phẩm. Họ cũng không hề chuẩn bị tâm lý cho người dân trước nỗi sợ phải sống cùng với người mang virus, sau khi chính quyền đã biến Covid-19 thành một con ngáo ộp trong suốt ba năm trời". Chính mẹ của Zhang chết vì Covid, sau khi bị bệnh viện – đang quá tải – từ chối tiếp nhận. Zhang thất vọng cảm thán: "Lẽ ra họ đã phải chấm dứt chính sách Zero Covid ngay từ mùa xuân vừa qua. Không biết kéo dài thêm 8 tháng chính sách này giúp được gì!".
Báo Trung Quốc như Guancha (Người quan sát) nêu bật tình trạng thê thảm trong cơn "sóng thần" Covid đầu tiên tại một bệnh viện tỉnh Hồ Nam, một tỉnh nghèo ở miền trung, nơi thiếu oxy để điều trị. Hay tại Bắc Kinh, nơi sinh viên ngành y buộc phải làm việc ngay cả khi họ nhiễm virus. Một số cơ quan truyền thông khác, như đài truyền hình quốc gia CCTV, vẫn tiếp tục giọng điệu tuyên truyền quen thuộc, khi phổ biến hình ảnh về các nhà thuốc đầy ắp dược phẩm. Trong chương trình truyền hình thời sự ngày 22/12, tình hình dịch bệnh không được chú ý bằng việc chủ tịch Tập Cận Bình đi thị sát vụ mùa táo bội thu, hay tình hình chiến tranh Ukraine, mà chủ yếu lấy lại quan điểm của Nga.
Tình trạng lò hỏa thiêu quá tải là điều được chính ông Zhang ghi nhận, khi đưa mẹ mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Chủ lò thiêu cho biết lò hoạt động với công suất cao gấp khoảng ba lần so với đỉnh điểm trước đó, kể từ năm 1996. Chỉ một lò thiêu đã như vậy. Trong lúc đó, chính quyền Trung Quốc chỉ thừa nhận chưa đầy 10 ca tử vong trên toàn quốc từ đầu tháng 12. Đỉnh điểm của sự tương phản ghê gớm này là việc Bắc Kinh ngừng thông báo số liệu về dịch. Chính quyền Trung Quốc khẳng định họ có quyền giữ bí mật về đại dịch đang diễn ra.
Dân Trung Quốc có dịp nhận ra bộ mặt thật của giới y tế
Theo Le Monde, trong bối cảnh hỗn loạn này, người dân Trung Quốc nhận ra dễ dàng hơn bộ mặt thật của các nhà y tế. Chuyên gia Chung Nam Sơn, có uy tín quốc tế, nổi tiếng là người đi đầu trong cuộc chiến chống Covid, bị nhiều dân mạng lên án vì thái độ lá mặt lá trái. Cách đây ít tháng, ông ta còn ca ngợi chính sách Zero Covid (tức coi Covid là rất nguy hiểm), giờ đây, cũng chính bác sĩ này lại ủng hộ việc thay đổi cách gọi tên virus, và cho rằng kể từ giờ virus phổ biến tại Trung Quốc chỉ nguy hiểm như một loại cúm thông thường, mà ông ta đặt tên là cúm corona mới.
Ngược lại, một số chuyên gia hiếm hoi như bác sĩ Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), Thượng Hải, được nhiều người coi là "chính trực". Bác sĩ họ Vương, chỉ huy phòng chống dịch ở Thượng Hải đã nhiều lần chỉ trích tính chất thái quá của chính sách Zero Covid, và kêu gọi cần chung sống với virus.
Cửa khẩu mở toang trở lại trong lúc đại dịch bùng lên
Về đại dịch Covid đang bùng lên tại Trung Quốc, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos trước hết chú ý đến việc "Trung Quốc mở cửa trở lại", ngay từ đầu Năm mới. Việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly bắt buộc đối với người từ người vào Trung Quốc diễn ra đúng vào lúc dịch bùng mạnh. Giờ đây chỉ cần một xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ là được phép nhập cảnh. Ra vào Trung Quốc giờ đây trở nên dễ dàng hơn, trong lúc người chết vì Covid dự kiến có thể sẽ là một triệu người trong những tháng tới.
Trong một bài viết khác, Les Echos nói đến những tác động kinh tế do đại dịch bùng phát. Việc mở cửa đột ngột trở lại dường như không mang lại hiệu quả mong muốn về mặt kinh tế. Theo Les Echos, giá bất động sản và xe hơi sụt giảm những tuần đầu tiên tháng 12, nhiều nhà máy đối mặt với tính trạng thiếu nhân viên, nghỉ việc do ốm. Chỉ số Thượng Hải, vốn đã ngóc lên ngay sau khi bỏ chính sách Zero Covid (hồi đầu tháng 12), đã mất 5% so với đầu tháng 12.
Covid đe dọa uy thế của lãnh đạo tối cao Trung Quốc
Nhật báo công giáo La Croix đặc biệt chú ý đến đại dịch đang bùng phát tại Trung Quốc, với một bài xã luận và một bài phỏng vấn chuyên gia. Xã luận "Covid, hiểm họa tại Trung Quốc" cũng nhấn mạnh đến tính chất tương phản cao độ giữa chính sách Zero Covid được dỡ bỏ hoàn toàn với làn sóng dịch bệnh lớn, với khoảng 250 triệu người nhiễm trong vòng ít tuần lễ. La Croix nói đến nguy cơ hoàn toàn mất kiểm soát, với nạn nhân chủ yếu là những người cao tuổi, và hệ quả "có thể là kinh hoàng đối với lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình".
Ông Tập Cận Bình, vừa đắc cử lần thứ ba, đã vun trồng hình ảnh của một nhà lãnh đạo không phạm sai lầm. Uy tín của Tập Cận Bình gắn liền với chiến lược Zero Covid. Theo La Croix, lãnh đạo Trung Quốc chưa đưa ra giải thích nào về việc thay đổi đột ngột chiến lược được coi là thành công này. Thay đổi trong chính sách của chính quyền trung ương trên thực tế được đưa ra sau hàng loạt cuộc biểu tình phẫn nộ của dân chúng chống chính sách Zero Covid.
Tập "tránh mất mặt", Bắc Kinh bưng bít thông tin
Tuy nhiên, theo La Croix, virus corona không chỉ là tai họa với dân Trung Quốc, với chính sách độc đoán và che giấu thông tín của chính quyền Bắc Kinh, mà còn là một đe dọa với cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, Bắc Kinh từ chối minh bạch thông tin. Với La Croix đây là "một thái độ nguy hiểm", bởi virus gây bệnh Covid-19 có nhiều khả năng đột biến thành các chủng mới, trong môi trường thuận lợi của một xã hội 1,4 tỉ dân cư, và từ đó lan ra khắp thế giới.
La Croix ước mong là lãnh đạo Tập Cận Bình, "nếu là người thực tế và có trách nhiệm, sẽ chấp nhận dùng các loại vac-xin sản xuất tại Hoa Kỳ và Châu Âu". Tuy nhiên, đối với lãnh đạo Tập Cận Bình, đây "có thể sẽ là một sự thú nhận thất bại", và ắt hẳn là "bất hạnh thay lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm tất cả để tránh bị mất mặt".
Lãnh đạo Trung Quốc tránh được mất mặt, nhưng nguy cơ với thế giới là lớn. Cũng trong số báo hôm nay, La Croix có bài phỏng vấn một nhà virus học Pháp nhận định : Việc bùng nổ đại dịch tại Trung Quốc đặc biệt đáng lo ngại do chính quyền Bắc Kinh giấu thông tin. Nhà virus học Pháp Bruno Lina, ở Lyon, là thành viên của Ủy ban theo dõi và dự đoán các nguy cơ y tế (COVAR).
Nguy cơ biến thể nguy hiểm mới lọt khỏi tầm ngắm : "Thế giới trong làn sương mù"
Việc virus lan truyền rộng khắp làm gia tăng xác suất xuất hiện các biến chủng mới. Cho đến nay, các quốc gia vẫn chia sẻ toàn bộ kết quả giải mã di truyền của virus trên cơ sở dữ liệu Gisaid. Từ đầu năm 2020 đến nay, hàng triệu kết quả giải mã trình tự gien đã được cung cấp. "Việc cung cấp kịp thời là rất quan trọng, cho phép theo dõi sự biến chuyển của virus". Chính nhờ thế mà cộng đồng khoa học quốc tế định vị được sự xuất hiện của biến thể Alpha, hay cuộc đua tranh giữa các biến thể Alpha, Bêta và Gamma, và sự trỗi dậy của Omicron… Tuy nhiên, giờ đây, theo nhà virus học Pháp, "chúng ta đang ở trong màn sương mù: Trung Quốc không cung cấp bất cứ thông tin nào".
Nhà virus học Pháp cảnh báo, "lịch sử bệnh Covid còn chưa kết thúc. Với Trung Quốc, vùng lãnh thổ sống với đại dịch lệnh pha hẳn với phần còn lại với thế giới, thế giới đang bước vào phần đá bù giờ". Hay nói cách khác, chưa có gì ngã ngũ trong cuộc chiến với Covid, một bàn thua đau đớn bất ngờ là có thể, nếu như một biến chủng Covid đáng sợ mới xuất phát từ Trung Quốc một lần nữa đảo lộn toàn thế giới.
"Đài Loan vũ trang để nới lỏng gọng kềm Trung Quốc"
Trung Quốc đe dọa chiến tranh chống Đài Loan là chủ đề chính của Le Figaro. Nhật báo Pháp nhắc lại sự kiện trong kì nghỉ cuối tuần qua, vào dịp Noel, Bắc Kinh đã điều 71 chiến đấu cơ trong đó có 60 máy bay tiêm kích áp sát Đài Loan. Đợt huy động không quân hiếm thấy của quân đội Trung Quốc diễn ra vào lúc Hoa Kỳ vừa ban hành luật hỗ trợ quân sự Đài Loan với tổng trị giá 10 tỉ đô la, từ 2023 đến 2027, năm được coi là có khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc xâm lăng.
Le Figaro có bài xã luận, "Hơi thở của rồng" đặt câu hỏi : Liệu Đài Loan có trở thành một Ukraine của Châu Á ?". Đây chính là kịch bản gây lo ngại cho Hoa Kỳ, trong lúc chiến tranh do Nga phát động đang tàn phá Ukraine, cửa ngõ Châu Âu. Con rồng mà Le Figaro nói đến ngụ ý chỉ Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc. Giờ đây con rồng nhỏ sau nhiều thập niên phát triển đã vươn lên thành nền kinh tế thứ 15 thế giới, và trở thành một nền dân chủ mẫu mực, nhờ các cải cách trong thập niên 80.
Rồng nhỏ Đài Loan đương cự với Trung Hoa
Le Figaro lưu ý, thành công của Đài Loan phản bác lại quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc, theo đó, các xã hội Khổng Giáo không thích hợp với dân chủ. Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là liệu con rồng nhỏ đã đủ sức để đương đầu với Trung Quốc ? Đài Loan có được những bài học từ kinh nghiệm Ukraine. Giống như Ukraine, hòn đảo phải sẵn sàng đối đầu một mình với Trung Quốc, với các hỗ trợ vũ khí quy mô, và có trọng điểm từ Hoa Kỳ, và các đồng minh.
Đại gia Nga im lặng trước cuộc xâm lăng Ukraine của Putin
La Croix dành hồ sơ trang nhất để nói về giới tinh hoa Nga "buộc phải im lặng" về viễn cảnh chiến tranh tại Ukraine. Nhật báo công giáo nêu bật một thực tế là giới đại gia tại Nga và các thành viên giới tinh hoa cho dù ghi nhận các hậu quả tiêu cực của cuộc chiến tranh tại Ukraine, nhưng họ không có cách nào khác là phải từ bỏ ý muốn can thiệp vào chính sách của điện Kremlin. Vì sao ?
Hồ sơ trang trong của La Croix nhan đề "Tại Nga, sự im lặng của giới tinh hoa bị Putin vô hiệu hóa", ghi nhận một thực tế mà giới đại gia, các thành phần thượng lưu trong xã hội Nga mất đi toàn bộ ảnh hưởng đối với chính quyền, kể từ đầu chiến tranh, vì lo sợ bị trừng phạt, tài sản tại Nga bị tước đoạt. Tình hình trái ngược hẳn với những năm 90, khi nở rộ các vận động hành lang tại điện Kremlin.
Thành tích kém về khí hậu của giới chủ Pháp
Với Les Echos, thành tích kém trong kế hoạch khí hậu của nước Pháp là chủ đề chính. Từ 10 tháng nay, khí thải gây hiệu ứng nhà kính không giảm tại Pháp, lý do chủ yếu là do các khó khăn của ngành điện hạt nhân, trong bối cảnh sử dụng khí đốt tăng vọt. Liên đảng cầm quyền tại Pháp chủ trương áp đặt quy định mức lương trả cho các lãnh đạo công ty dựa trên mức độ thực thi các biện pháp môi trường. Theo đảng cầm quyền, các sửa đổi mới đây của các tổ chức của giới chủ Medef và Afep là chưa đủ.
Giáo hội Công giáo Pháp khủng hoảng : Cần một cải cách triệt để
Libération hôm nay trong dịp Giáng Sinh, nhấn mạnh đến bê bối trong nội bộ Giáo hội Công giáo với tựa lớn : "C’est cata chez les cathos" (tạm dịch : "Công giáo loạn cào cào") . Xã luận Libération nhan đề "Cải cách", chỉ ra cội rễ của khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo hội Công giáo tại Pháp đang trải qua, đặc biệt liên hệ với nạn lạm dụng tình dục. Một báo cáo của Ủy ban độc lập của Giáo hội công bố tháng 10/2021, cho thấy quy mô lớn của tệ nạn này, với 200 nghìn nạn nhân. Theo Libération, Giáo hội cần phải tiến hành một cải cách quy mô lớn đối với hệ thống tổ chức nội bộ, bởi chỉ có một cải cách như vậy mới giúp cho Giáo hội có thể tái sinh.
Trọng Thành