Bầu cử do tập đoàn quân sự Miến Điện tổ chức khiến "bạo lực gia tăng"
Trọng Thành, RFI, 31/01/2023
Hai năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân sự ở Miến Điện, tập đoàn quân sự thông báo sẽ tổ chức một cuộc bầu cử "tự do và công bằng" trong năm nay. Liên Hiệp Quốc cảnh báo, bầu cử nếu được tổ chức sẽ khiến việc trở lại với tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện "thêm khó khăn", đồng thời kêu gọi quốc tế phản đối.
Tướng Min Aung Hlaing, thủ tướng Miến Điện, đi duyệt các đơn vị quân đội trong lễ kỷ niệm 75 năm Miến Điện Độc Lập, tại Naypyitaw, Miến Điện, ngày 04/01/2023. AP - Aung Shine Oo
Theo AFP, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, nhà ngoại giao gốc Singapore Noeleen Heyzer, hôm 31/01/2023, ra thông cáo, có đoạn "tổ chức bầu cử sẽ làm xung đột kéo dài, khiến cho việc quay trở lại nền dân chủ và tình trạng ổn định thêm khó khăn hơn". Trước đó, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về dự án tổ chức bầu cử của tập đoàn quân sự. Hôm 30/01, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cho biết tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh đến các điều kiện hiện tại không cho phép tổ chức bầu cử, với "không kích gia tăng, nơi cư trú của thường dân bị đốt phá, cùng lúc với việc các lãnh đạo chính trị, các nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà báo liên tiếp bị bắt bớ, đe dọa và hành hung".
Bầu cử nếu được tổ chức có thể khiến chiến sự gia tăng tại nhiều khu vực ở Miến Điện. Trả lời AFP, Lin Lin, thành viên của một trong số hàng chục nhóm Tự Vệ Nhân Dân, hiện đang có mặt tại một vùng rừng núi sát biên giới Thái Lan, khẳng định cuộc bầu cử của tập đoàn quân sự sẽ không mang lại thay đổi gì cho tình hình hỗn loạn hiện nay. Ông nói : "Chúng tôi sẽ cầm vũ khí cho đến khi nào Miến Điện có được một chính quyền dân cử". Các nhóm Tự Vệ Nhân Dân, được thành lập ít lâu sau cuộc đảo chính, trung thành với Chính phủ Đoàn Kết Dân tộc (GNU - government of national unity) chống tập đoàn quân sự.
Theo Jakarta Post, báo mạng Indonesia, hôm thứ Sáu tuần trước 27/01, tập đoàn quân sự đã ra thời hạn hai tháng cho các đảng phái chính trị đăng ký để tham gia bầu cử. Tập đoàn quân sự đề ra các quy định nghiêm ngặt, như bất kỳ đảng phái nào cũng phải huy động đủ 100.000 thành viên mới được phép ra tranh cử, hay phải mở văn phòng tại một nửa số đô thị trên toàn quốc trong vòng 180 ngày.
Hiện tại, tập đoàn quân sự Miến Điện chưa chính thức thông báo thời điểm bầu cử. Theo AFP, "trong tình hình đối lập chính trị hoàn toàn bị trấn áp, và được sự ủng hộ ngầm của Trung Quốc và Nga, cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức trước tháng 8/2023, thể theo quy định trong Hiến pháp" do tập đoàn quân sự ấn định. Chính quyền Mỹ nhiều lần khẳng định bất cứ cuộc bầu cử nào dưới sự điều hành của tập đoàn quân sự đều là "dàn dựng".
Trọng Thành
************************
Quan chức Liên Hợp Quốc lên án đàn áp nhân quyền quy mô lớn ở Myanmar
VOA, 29/01/2023
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk lên án sự tàn bạo ngày càng gia tăng và sự đàn áp quy mô lớn của các lãnh đạo quân sự Myanmar nhằm duy trì và củng cố quyền lực.
Kỳ họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 22/12/2022 bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về Myanmar.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Türk lên án sự tàn bạo ngày càng gia tăng và sự đàn áp quy mô lớn của các lãnh đạo quân sự Myanmar nhằm duy trì và củng cố quyền lực.
Ông Türk nói rằng Myanmar ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kể từ khi quân đội tiến hành một cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu lên một cách dân chủ của đất nước gần hai năm trước, vào ngày 1 tháng 2/2021.
Người phát ngôn của ông Türk, Jeremy Laurence, nói rằng đất nước này đã trải qua một sự đàn áp quy mô lớn về nhân quyền.
Ông nói rằng bạo lực đã vượt khỏi tầm kiểm soát, hoàn toàn bất chấp nghĩa vụ pháp lý của quân đội để bảo vệ thường dân theo luật pháp quốc tế.
Ít nhất 2.890 người được cho là đã chết dưới tay quân đội. Tuy nhiên, văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc tin rằng con số đó quá thấp. Cơ quan này báo cáo rằng hành động quân sự chống lại dân thường đã khiến 1,2 triệu người bị thất tán, trong khi bạo lực và đàn áp đã buộc khoảng 70.000 người khác phải rời bỏ đất nước.
Ông Türk nói rằng không có cách nào dễ dàng thoát khỏi tình hình thảm khốc. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu tuần trước, ông nói rằng các tướng lĩnh của Myanmar đã coi thường sự đồng thuận năm điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình ở Myanmar.
Ông Laurence nói rằng cao ủy đã xác định các biện pháp khác là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chúng bao gồm việc trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint.Tháng trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết hiếm hoi về Myanmar, nghị quyết đầu tiên trong hơn bảy thập kỷ, yêu cầu "chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực trên khắp đất nước".
Nguồn : VOA, 29/01/2023
*************************
Tập đoàn quân sự Myanmar ra quy định bầu cử có lợi cho họ
Reuters, VOA, 27/01/2023
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Myanmar hôm 27/1 công bố các yêu cầu khó khăn mà các chính đảng phải đáp ứng để chạy đua trong cuộc bầu cử trong năm nay, bao gồm phải có số lượng đảng viên cao hơn nhiều so với trước đây. Động thái này có thể gạt các đối thủ của quân đội ra bên lề và củng cố sự kiểm soát của quân đội đối với đất nước.
Lãnh đạo tập đoàn quân sự Myanmar, tướng Min Aung Hlaing
Các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar đã lãnh đạo cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 sau 5 năm chia sẻ quyền lực căng thẳng trong hệ thống chính trị gần như là dân sự do quân đội dựng nên, dẫn đến một thập kỷ cải cách chưa từng có.
Đất nước này đã rơi vào hỗn loạn kể từ vụ đảo chính, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau một cuộc đàn áp đẫm máu các đối thủ khiến phương Tây áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt
Quân đội đã cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 8 năm nay. Một thông báo trên truyền thông nhà nước hôm 27/1 cho biết các đảng phái có ý định ra tranh cử trên phạm vi toàn quốc phải có ít nhất 100.000 đảng viên, tăng từ mức 1.000 trước đó và phải cam kết tranh cử trong 60 ngày tới nếu không sẽ bị hủy tư cách đảng phái.
Các quy định này tạo thuận lợi cho Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển, một đảng phái đại diện cho phe quân sự với thành phần là nhiều cựu tướng lĩnh, vốn đã bị Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi làm cho thua tơi tả trong cuộc các bầu cử/2015 và 2020.
NLD đã sụt giảm số lượng thành viên sau cuộc đảo chính, với hàng nghìn đảng viên bị bắt hoặc bỏ tù, bao gồm cả bà Suu Kyi, và nhiều người khác đang lẩn trốn.
Richard Horsey, cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, đã làm việc tại Myanmar trong 15 năm, cho biết các quy định này nhằm khôi phục hệ thống chính trị mà quân đội có thể kiểm soát.
"Các đảng phái hoặc là sẽ quá sợ hãi, bị xúc phạm trước sự giả hiệu của cuộc bầu cử, hoặc là chiến dịch tranh cử trên toàn quốc trong hoàn cảnh đó sẽ quá tốn kém. Ai sẽ tài trợ cho một đảng chính trị vào lúc này ?", ông nói.
"Toàn bộ màn trình diễn này là để duy trì sự cai trị của quân đội. Đó là gánh hát. Quy định chẳng cần phải hợp lý, bởi vì họ đã quyết định kết quả bầu cử".
Tập đoàn quân sự cầm quyền nói họ cam kết thực thi dân chủ và họ phải giành lấy quyền lực vì có những vi phạm không được giải quyết trong cuộc bầu cử/2020 mà khi đó đảng NLD cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo.
Đảng NLD hồi tháng 11 đã mô tả cuộc bầu cử là ‘giả hiệu’ và nói họ sẽ không thừa nhận nó. Cuộc bầu cử này cũng đã bị các chính phủ phương Tây bác bỏ và xem là ‘giả hiệu’.
(Reuters)
Nguồn : VOA 27/01/2023