Mỹ-Hàn tập trận chung, Trung Quốc kêu gọi tự chế (VOA, 17/10/2017)
Có nhiều khả năng Triều Tiên sẽ thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, các nhà phân tích cảnh báo.
Máy bay Mỹ-Hàn tập trận ngày 18/9/2017 nhằm đáp ứng những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn gần đây nhất của Triều Tiên.
Trung Quốc ngày 16/10 kêu gọi tự chế trên bán đảo Triều Tiên khi Hàn quốc và Hoa Kỳ bắt đầu 5 ngày tập trận hải quân trong vùng biển kế cận.
Cuộc tập trận trùng hợp với một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 18/10, và các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có thể xem cuộc tập trận này là một cử chỉ không thân thiện.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 40 chiến hạm của cả hai nước, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan, sẽ tham gia các cuộc diễn tập ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để đáp ứng trước những đe dọa của chương trình hạt nhân và phi đạn Triều Tiên.
Bắc Kinh cảnh báo là căng thẳng tiếp tục tại bán đảo Triều Tiên không có lợi cho bên nào cả.
"Chúng tôi hy vọng là tất cả các bên liên hệ có thể tự chế và làm việc để tình hình hiện tại giảm bớt căng thẳng và tái tục đối thoại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.
Cuộc tập trận, chấm dứt vào ngày 21/10 bắt đầu 2 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc để chọn lãnh đạo kế tiếp trong năm năm tới.
Những cuộc tập trận này diễn ra không chỉ tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên mà còn ở phần phía Tây mà Trung Quốc gọi là Hoàng Hải.
Chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Cát Lâm, ông Wang Sheng, nói cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể là một cách gây áp lực đối với Trung Quốc trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức thăm Bắc Kinh vào tháng tới. Nếu như vậy, cuộc tập trận này sẽ có ảnh hưởng ngược.
Trong năm 2010, Trung Quốc phản đối cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải sau khi hộ tống hạm Cheonan bị đánh chìm mà Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Bắc Kinh im lặng không phản đối những cuộc tập trận tương tự diễn ra cách đây 1 năm.
Triều Tiên gọi những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ là "diễn tập chiến tranh".
Các nhà phân tích Trung Quốc nói có nhiều khả năng Triều Tiên có thể xem cuộc tập trận tuần này là cơ sở để thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn nữa.
Các nhà lập pháp Nga trở về sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng trước đây trong tháng cho hay Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm phi đạn tầm xa có thể bắn tới bờ biển phía tây nước Mỹ.
Thêm vào đó, các giới chức tình báo và các nhà phân tích Hàn Quốc nói Triều Tiên có thể cố ý thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn trùng hợp với Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc.
"Bình Nhưỡng có lịch sử thực hiện các vụ thử nghiệm khi Trung Quốc đang tổ chức một sự kiện quan trọng để bày tỏ sự bất bình đối với Trung Quốc hiện đang cộng tác với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế để làm áp lực lên Triều Tiên", ông Cai Jian, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán nói. "Do đó lần này căng thẳng sẽ rất cao".
(Nguồn SCMP/The Korea Times online)
**********************
Mỹ-Hàn bắt đầu 5 ngày tập trận bất chấp đe dọa từ Bình Nhưỡng (RFI, 16/10/2017)
Đúng theo kế hoạch, ngày 16/10/2017, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động 5 ngày tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên bất chấp đe dọa trả đũa đến từ Bình Nhưỡng. Hôm 13/10, Bắc Triều Tiên đã nhắc lại lời đe dọa bắn tên lửa về phía đảo Guam của Mỹ để đáp trả điều được Bình Nhưỡng cho là hành động khiêu khích của Hoa Kỳ.
Tầu ngầm có tên lửa dẫn đường USS Michigan đến căn cứ Hải Quân Busan, Hàn Quốc, ngày 13/10/2017. Courtesy William Carlisle/U.S. Navy/Handout via Reuters
Theo Hải Quân Hàn Quốc, đợt tập trận lần này huy động một loạt máy bay tiêm kích cũng như trực thăng của hai bên, cùng với 40 tàu hải quân và tàu ngầm, trong đó có tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan. Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc xác nhận với các phóng viên là nội dung tập huấn bao gồm cách phản ứng trước các hành vi khiêu khích của Hải Quân Bắc Triều Tiên, đồng thời nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến giữa các đồng minh.
Các cuộc tập trận cũng bao gồm các bài tập bắn đạn thật do các chiến hạm và chiến đấu cơ thực hiện, cùng với các bài tập chống tàu ngầm. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc không công bố bất kỳ hình ảnh nào về cuộc tập trận.
Như để thị uy thêm, Hoa Kỳ cũng đã gửi bốn chiến đấu cơ hiện đại - hai chiếc F-22 và hai chiếc F-35 - đến tham gia cuộc triển lãm hàng không mở ra từ ngày 17/10 tại Seoul. Vào tuần trước, Mỹ cũng đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược B-1B bay từ Guam đến Hàn Quốc để phô trương sức mạnh chống Bắc Triều Tiên.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, trước mắt chưa thấy Bình Nhưỡng có phản ứng đối với cuộc tập trận Mỹ-Hàn vừa mở ra, nhưng vào thứ Sáu 13/10, bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên đã tố cáo hành động "khiêu khích" của Mỹ, và một chuyên gia tại Viện Nghiên Cứu Mỹ của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên khẳng định rằng Bình Nhưỡng "sẽ có những phản ứng tự vệ, bao gồm cả một vụ phóng tên lửa vào vùng biển gần đảo Guam của Hoa Kỳ".
Về phần Hàn Quốc, trong một cuộc điều trần trước nghị viện ngày 16/10, phó tham mưu trưởng liên quân nước này, tướng Jeong Kyeong Doo, cho biết là quân đội Hàn Quốc đang chuẩn bị một kế hoạch tác chiến mới để chống lại các mối đe dọa "tiên tiến" từ Bắc Triều Tiên. Kế hoạch này độc lập với các kế hoạch hiện thời mà Seoul và Washington đang áp dụng để đối phó với Bình Nhưỡng.
Trọng Nghĩa