Tàu chiến Trung Quốc vào Ấn Độ Dương (RFA, 20/02/2018)
11 tàu chiến của Trung Quốc đã vào vùng Đông Ấn Độ dương trong tháng này giữa lúc có những khủng hoảng về hiến pháp tại đảo nhỏ Maldives, quốc gia hiện đang bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Một người lính Maldives đứng gác bên ngoài nhà của Tổng thống ở Male hôm 8/2/2018 - AFP
Trang tin Sina.com.cn của Trung Quốc hôm 20/2 cho biết một đội tàu khu trục và một tàu Frigate cùng 3 tàu hộ tống đã vào Ấn Độ dương. Tuy nhiên, trang tin không cho biết nguyên nhân vì sao các tàu này lại được triển khai ra Ấn Độ Dương và các tàu được điều đi vào lúc nào và ở lại bao lâu.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang cạnh tranh gây ảnh hưởng lên Maldives kể từ sau khi Tổng thống Abdulla Yameen của nước này tham gia vào sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Ấn Độ là nước đã có quan hệ về chính trị và an ninh lâu dài với quần đảo này. Hiện Ấn Độ đang tìm cách làm giảm nhẹ sự hiện diện của Trung Quốc ở Maldives, quốc gia Hồi giáo có 400.000 dân. Các lãnh đạo phe đối lập tại Maldives cũng thúc giục New Dehli can thiệp vào khủng hoảng chính trị tại nước này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện không đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin tàu chiến ở Ấn Độ Dương.
Tổng thống Maldives hôm 5/2 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày, sau khi bác bỏ phán quyết của tòa tối cao. Phán quyết của tòa hủy bỏ những cáo buộc đối với các lãnh đạo của phe đối lập và yêu cầu chính phủ phải trả tự do cho họ. Hôm thứ hai, ngày 19/2, Tổng thống Yameen đã yêu cầu quốc hội chấp thuận kéo dài thời hạn tình trạng khẩn cấp lên 30 ngày.
*****************
Trung Quốc đưa chiến hạm vào Ấn Độ Dương giữa khủng hoảng chính trị ở Maldives (VOA, 20/02/2018)
Cổng thông tin của chính phủ Trung Quốc cho biết 11 tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển vào Ấn Độ Dương trong tháng này, giữa lúc đang xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives.
Tàu khu trục Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Cổng thông tin Sina.com.cn nói một hạm đội tàu khu trục và ít nhất một tàu khu trục cỡ nhỏ, một tàu đổ bộ với trọng tải 30.000 tấn và ba tàu chở dầu tiếp liệu tiến vào Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, cổng thông tin này không đề cập đến cuộc khủng hoảng ở Maldives hoặc đưa ra một lý do nào cả.
"Nếu quý vị quan sát các tàu chiến và các thiết bị khác, quý vị sẽ không thấy khác biệt lắm giữa hải quân Ấn Độ và hải quân Trung Quốc", cổng thông tin Sina.com.cn cho biết hôm Chủ nhật 18/2.
Tuy nhiên, cổng thông tin Trung Quốc không nói rõ đội tàu đã được triển khai vào thời gian nào hoặc sẽ kéo dài trong bao lâu.
Việc Trung Quốc và Ấn Độ tranh giành ảnh hưởng tại Maldives càng thêm rõ nét kể từ khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen ký kết Dự án Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng để xây dựng các tuyến đường thương mại và vận tải xuyên Á.
**************
Ấn Độ - Trung Quốc giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương (BBC, 19/02/2018)
Lo lắng về Trung Quốc khiến Ấn Độ ngày càng có những nỗ lực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của nước này tại Ấn Độ Dương.
Một tên lửa được phóng từ tàu khu trục của Hải quân Ấn Độ INS Ranvir, trong một cuộc diễn tập tại Vịnh Bengal, ngày 18 tháng 4 năm 2017
Hôm 14 tháng Hai, sau chuyến đi thăm Oman của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn và Oman đã hoàn tất một thỏa thuận, qua đó, Ấn Độ được phép sử dụng cảng Duqm, nằm ở trên bờ biển phía Nam của Oman. Cảng này nằm về phía Tây Bắc của Ấn Độ Dương và tạo điều kiện vào Biển Đỏ và Vịnh Aden một cách dễ dàng.
Cảng Duqm là một nút quan trọng cho mạng lưới các cơ sở đang được các nước trong vùng phát triển ở Ấn Độ Dương để duy trì hiện trạng, mong bảo vệ quyền lợi của mình.
sử dụng cảng Duqm để thiết lập cơ sở hậu cần và hỗ trợ, cho phép nó duy trì các hoạt động lâu dài ở Ấn Độ Dương.
Theo tờ Indian Express, Hải quân Ấn Độ sẽ được cung cấp một bến tại Duqm giúp nước này bảo trì các tàu bè lớn mà không phải đưa về bến ở Ấn Độ.
Tác giả Ankit Panda của tờ The Diplomat bình luận rằng việc Ấn Độ được sử dụng Duqm ''sẽ tạo thành một nhân tố quan trọng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc về ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương, vì các nhà chiến lược Ấn Độ từ lâu đã quan tâm đến cái gọi là 'chuỗi ngọc trai' của Bắc Kinh.''
''Chuỗi ngọc trai'' là một cụm từ phổ biến trong giới tinh hoa về chiến lược Ấn Độ, bắt nguồn từ một tường trình giữa năm 2000 của công ty tư vấn Mỹ Booz Allen Hamilton, đề cập đến mạng lưới các cơ sở ven biển cạnh nhau được phát triển một cách có chiến lược của Trung Quốc.
Trước khi ký kết thỏa thuận với Oman, Ấn Độ cũng điều chỉnh một thỏa thuận có sẵn với đảo quốc nhỏ bé Seychelles, cho phép Ấn xây cất một căn cứ quân sự trên đảo Assumption, nằm khoảng 1.650 ký lô mét về phía Đông của lục địa Đông Phi.
Thỏa thuận này là kết quả của nhiều năm đàm phán ngoại giao, sẽ cung cấp cho Ấn Độ một căn cứ quân sự quan trọng trong những gì đang nhanh chóng trở thành một chiến lược cho khu vực.
Lễ hạ thủy một tàu ngầm cấp Scorpène của Ấn Độ - Ảnh minh họa
Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương ngày càng lớn. Vào năm 2016, mỗi năm khoảng 40 triệu thùng dầu, tương đương với một nửa lượng cung cấp dầu trên thế giới - đã đi qua các điểm vào và ra của Ấn Độ Dương, gồm Eo biển Hormuz, Malacca và Bab el-Mandeb.
Giao thương của Ấn Độ, với bờ biển dài hơn 7.500 km và nằm ngay ở trung tâm Ấn Độ Dương, lệ thuộc vào việc được tự do qua lại những bến chuyển vận nói trên. Theo Bộ Vận Tải của Ấn, khoảng 95% số lượng hàng và 70% giá trị giao thương của nước này đi qua Ấn Độ Dương.
Giới phân tích cho rằng nỗ lực của Ấn Độ để bảo đảm tự do đi lại ở khu vực này phản ánh một chiến lược tương tự với chiến lược mà Trung Quốc, một láng giềng và đối thủ lâu năm của họ đã triển khai.
Dưới sự lãnh đạo Chủ tịch Tập Cận Bình, hải quân của Trung Quốc đã phát triển đáng kể, vượt hẳn ra khỏi ranh giới gần bờ biển của họ trước đó, vào hẳn các khu vực mà trước đây chưa bao giờ nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vào tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, gần eo biển Bab el-Mandeb, nằm trong số những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới và là một trong ba động mạch quan trọng của Ấn Độ Dương.
Tàu 999 của Hải quân Quân Giải phóng (PLAN) đưa các đơn vị đầu tiên sang Djibouti
Eo biển Bab el-Mandeb, chỉ rộng khoảng 29 km tại điểm hẹp nhất, kết nối biển Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, và Hồng Hải đến Vịnh Aden và Ấn Độ Dương và xa nữa.
Vài tháng sau khi cơ sở Djibouti được thiết lập, Trung Quốc mua lại cảng Hambantota của Sri Lanka, khoảng 22,2 km từ lằn biển chính của Ấn Độ Dương, nối liền khu vực Eo biển Malacca tới kênh đào Suez .
Trả lời phỏng vấn của đài CNN, Malcolm Davis, một nhà phân tích cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Úc tại Sydney, mô tả hợp đồng Hambantota - qua đó Sri Lanka cho Trung Quốc mướn cảng trong vòng 99 năm để trả lại một phần trong số tiền nước này nợ Bắc Kinh - như một phần của một "chiến lược quyết tâm bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, một đe dọa lớn cho Ấn Độ.''
"Cảng đó không chỉ cung cấp cho Trung Quốc một điểm tiếp cận chiến lược vào phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ, qua đó nước này không chỉ có thể triển khai các lực lượng hải quân của mình, mà còn giúp cho Trung Quốc có một vị thế thuận lợi để xuất cảng hàng hóa của mình vào lĩnh vực kinh tế của Ấn Độ, vì thế Trung Quốc đã đạt được một số chiến lược nhằm mục đích đó ", ông Davis được trích lời nói.
Ông Gurpreet Khurana, giám đốc điều hành của Hiệp hội Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, nói với CNN rằng hợp đồng mới của Seychelles là một phần nỗ lực của Ấn Độ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
"Ấn Độ có một khu vực trọng yếu ở Bắc Ấn Độ Dương, và quan trọng thứ hai là khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương. Chúng tôi (Ấn Độ) có những mối quan tâm phải bảo vệ. Với Trung Quốc đi sâu vào Ấn Độ Dương một cách hăm hở, chiến lược của chúng tôi cũng phải mở rộng, và đây là cách duy nhất Ấn Độ sẽ có thể tự bảo vệ mình ", Kurana nói.
**************
Anh Quốc trong thế "trên đe dưới búa" tại Biển Đông (RFI, 19/02/2018)
HMS Sutherland, khu trục hạm diệt tàu ngầm của hải quân Hoàng gia Anh sẽ tham gia tuần tra với các đồng minh trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nói cách khác, cựu siêu cường hàng hải của thế kỷ 19 sẽ góp phần vào chiến lược của Mỹ, Úc, Nhật, Ấn ngăn chận ý đồ thống trị Biển Đông của Trung Quốc. Nói dễ nhưng làm phải thận trọng, theo như nhận định của một nhà phân tích trên Asia Times.
Tầu khu trục hạm HMS Sutherland của Anh. @gov.uk
Sự kiện khu trục hạm HMS Sutherland được đưa vào vùng Tây Thái Bình Dương là một trong những nỗ lực của Anh Quốc nhằm củng cố vai trò của một cường quốc và đánh tan những lập luận cho rằng thế lực đang yếu dần. Theo tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Gavin Williams tại Úc hồi tuần trước, hải quân Anh sẽ yểm trợ cho chiến dịch "Tự do hàng hải" tại Biển Đông, con đường huyết mạch của thương mại quốc tế, một nỗ lực của Mỹ hầu ngăn chận Trung Quốc biến thành ao nhà.
Tuy đang vất vả tìm ngân sách để trang bị hàng không mẫu hạm mới nhưng chính phủ Anh Quốc không thiếu lý do chính đáng để tung lực lượng đến tận Châu Á.
Bốn lý do chính yếu
Trước hết, Liên Hiệp Anh là thành viên của Hội Đồng Bảo An. Thứ hai, trong số 18 quốc gia trong Khối Thịnh Vượng Chung, đại đa số lại nằm ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Lý do thứ ba là Anh Quốc bị ràng buộc với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Canada trong một hiệp ước hợp tác tình báo. Và thứ tư là Anh Quốc có một thỏa thuận quốc phòng chung với Úc, New Zealand, và hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Singapore. Luân Đôn có trách nhiệm bảo vệ đồng minh trước tham vọng của Trung Quốc lấy Biển Đông làm ao nhà. Do vậy, tuần tra "bảo vệ tự do hàng hải" là biện pháp tốt nhất để bảo vệ "nguyên tắc giao thương quốc tế".
Bảo vệ đồng minh và đối tác là bảo vệ chính mình sau Brexit
Trong diễn văn hồi tháng 02/2018, tướng Nicholas Carter, tham mưu trưởng liên quân nhận định là tình trạng căng thẳng do Trung Quốc tranh giành chủ quyền tại Biển Đông chứng minh Hoa Kỳ có lý. Như vậy, mục tiêu thật sự của Anh Quốc khi đưa chiến hạm vào Ấn Độ - Thái Bình Dương là vì lý do an ninh sinh tử.
Luân Đôn không che giấu thái độ bất bình Trung Quốc lấn chiếm, nâng cấp các đảo đá ngầm thành căn cứ quân sự tiền phương. Một khi ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Trung Quốc bao trùm khu vực thì Anh Quốc có nguy cơ mất hết đối tác thương mại truyền thống. Thế mà, trong bối cảnh Brexit, ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Luân Đôn trông cậy vào sinh lực năng động của Khối Thịnh Vượng Chung.
Thận trọng
Theo Emanuele Scimia, tác giả bài phân tích "trên đe dưới búa", thì để cân bằng những hệ quả tiêu cực của Brexit, Anh Quốc có thể hướng đông, thắt chặt quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Khi chọn giải pháp đưa chiến hạm vào Biển Đông, Anh Quốc sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn hiện nay của các nước láng giềng của Trung Quốc : một mặt phải lo bảo vệ chủ quyền, một mặt "phải chơi" với kẻ xâm lược nhưng mạnh về quân sự lẫn kinh tế.
Lúc sinh thời, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có đưa ra một đối sách được xem là khôn ngoan trong quan hệ tay ba với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Có lẽ chiến hạm Anh không nên hải hành bên trong 12 hải lý bất cứ "một đảo nhân tạo nào ở biển Đông".
Tú Anh