Miến Điện chấp nhận đón đại diện Hội Đồng Bảo An (RFI, 03/04/2018)
Trích lời chủ tịch Hội Đồng Bảo An, hãng tin Pháp AFP ngày 02/03/2018 cho biết : Miến Điện đã chấp nhận cho Hội Đồng Bảo An đến thăm sau nhiều tháng khước từ. Chưa rõ là các đại sứ Liên Hiệp Quốc có được đến bang Rakhine của người Rohingya hay không.
Người Rohingya tại bang Rakhine, Miến Điện. Ảnh ngày 31/03/2018. Reuters
Hội Đồng Bảo An đã đề nghị đến thăm Miến Điện vào tháng Hai, nhưng được trả lời là thời điểm không thuận lợi.
Đại sứ Peru Gustavo Meza-Cuadra, chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, cho biết cần phải hoàn tất chi tiết chuyến đi, nhất là vấn đề đến bang Rakhine, vì cần đến hiện trường để nắm rõ tình hình.
Đoàn đại sứ Liên Hiệp Quốc cũng dự kiến đến thăm trại tị nạn người Rohingya tại Cox Bazar ở Bangladesh, nhưng chưa ấn định thời điểm.
Hiện có gần 700.000 người Rohingya sống ở bang Rakhine đã chạy lánh nạn sang Bangladesh từ tháng 8 năm ngoái.
Liên Hiệp Quốc từng tố cáo Miến Điện thanh lọc chủng tộc, phía Miến Điện luôn phản bác.
Mai Vân
**********************
Aung San Suu Kyi : Miến Điện đối mặt với " nhiều thử thách" (RFI, 02/04/2018)
Nhân kỷ niệm hai năm chính quyền dân sự nhậm chức, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi kêu gọi toàn dân đoàn kết vì đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức bên trong cũng như bên ngoài.
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi tại thượng đỉnh ASEAN ở Sydney tháng 03/2018. Mark Metcalfe/Pool via Reuters
Theo Reuters, trong bài diễn văn truyền hình vào chiều 01/04/2018, đánh dấu hai năm cầm quyền, bà Aung San Suu Kyi không đề cập trực tiếp cuộc khủng hoảng sắc tộc Rohingya. Vụ tai tiếng này chỉ được " cố vấn nhà nước" dẫn chứng gián tiếp khi cảnh báo rằng Miến Điện đang đứng trước " nhiều thách thức cam go từ bên trong cũng như từ bên ngoài, trong bối cảnh (Miến Điện) nỗ lực cải cách chính trị, phát triển kinh tế và xã hội".
Theo bà Aung san Suu Kyi, " Thế giới đang chú ý vào Rakhine, nhưng Miến Điện cũng cần phát triển đất nước một cách hài hòa". Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi dân chúng " tôn trọng ý muốn và quan điểm của cộng đồng quốc tế", nhưng không giải thích cụ thể.
Hoa Kỳ cũng như Liên Hiệp Quốc xem việc quân đội Miến Điện đàn áp người Rohingya ở bang Rakhine, khiến 700.000 người trong số họ phải chạy sang Bangladesh tị nạn, là hành động " thanh lọc chủng tộc". Cho dù điều hành Miến Điện từ hai năm nay, nhưng chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi không có quyền kiểm soát quân đội.
Cũng trong bài diễn văn truyền hình, lãnh đạo Miến Điện kêu gọi toàn dân " đoàn kết mạnh mẽ hơn" để xây dựng hòa bình, ổn định, mà ưu tiên số một là " kết thúc cuộc xung đột kéo dài từ năm 1948 giữa một số sắc tộc thiểu số nổi dậy và quân đội chính phủ".
Trong khi đó tại biên giới Bangladesh, chính quyền địa phương bắt đầu cho di dời 100.000 người tị nạn Rohingya đến nơi cao ráo hơn, trước khi mùa mưa tới.
Banggladesh dành khoảng 14 km vuông rừng làm khu tạm cư cho 700.000 người Rohingya tị nạn, với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc và nhiều hiệp hội thiện nguyện.
Tú Anh