Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay ném bom ra Hoàng Sa (VOA, 22/05/2018)
Việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6K để tham gia hoạt động huấn luyện tại các đảo và bãi đá trên Biển Đông hồi tuần trước đã "làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định khu vực và không có ích cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông’, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng hôm thứ Hai ngày 21/5.
Máy bay ném bom H-6K đang bay trên bãi cạn Scarborough trên Biển Đông
Ngoài ra, hoạt động gần đây của máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc tại Quần đảo Hoàng Sa đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam", nữ phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được hãng tin Reuters dẫn lời nói.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hoạt động này, ngưng quân sự hóa khu vực và nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", bà Hằng nói thêm.
Bà Hằng nói sự hiện diện của máy bay ném bom trong khu vực đã gây tác động bất lợi cho các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trung Quốc hộm thứ Sáu ngày 18/5 đã lần đầu tiên đưa một vài máy bay chiến đấu – bao gồm máy bay tầm xa và có khả năng tấn công hạt nhân H-6K ra một đường băng trên đảo trên Biển Đông. Hành động này đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Buổi diễn tập cất và hạ cánh hôm thứ Sáu diễn ra trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa mà phía Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng, hãng tin AFP dẫn nguồn từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington cho biết.
"Việc triển khai máy bay H-6K có ý nghĩa lớn bởi vì nó giúp cho Bắc Kinh có được khả năng ném bom tầm xa vốn có thể phóng những vũ khí được dẫn đường chính xác trên cả mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền", hãng tin UPI dẫn lời ông Derek Grossman, một chuyên gia phân tích của Rand Corporation, cho biết.
Ngay lập tức phía Mỹ đã chỉ trích động thái đó của Trung Quốc. Phát ngôn nhân Lầu Năm Góc lên án việc ‘Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể đang có tranh chấp trên Biển Đông’.
Về phần mình, hôm 21/5 Philippines cũng bày tỏ ‘quan ngại nghiêm trọng’ về sự hiện diện của máy bay ném bom trong khu vực và Bộ Ngoại giao của họ đã ‘có hành động ngoại giao thích hợp’, cũng theo Reuters.
Còn ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng kêu gọi các nước ‘đừng nên thổi phồng’ điều mà ông gọi là ‘hoạt động tuần tra quân sự thường xuyên’.
"Chúng tôi hay vọng rằng các bên liên quan đừng nên trầm trọng hóa quá mức việc này", ông Lục phát biểu trong một buổi họp báo thường kỳ.
Ngược lại, ông Lục Khảng tố cáo ngược lại Mỹ là ‘việc Mỹ đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu đến khu vực đem lại nguy hiểm cho các nước khác’, theo hãng tin AFP.
Hồi đầu tháng này, Hà Nội cũng yêu cầu Bắc Kinh rút các thiết bị quân sự khỏi Quần đảo Trường Sa mà hai nước đang tranh chấp sau khi truyền thông đưa tin rằng Trung Quốc đã đưa tên lửa ra đảo.
Đáp lại, phía Trung Quốc nói rằng việc họ triển khai thiết bị quân sự và binh lính ra đảo là ‘quyền của họ’ và rằng các thiết bị này ‘giúp bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực’ và ‘không nhằm vào bất cứ nước nào’.
*******************
Trung Quốc bác bỏ "quân sự hóa" Biển Đông (CaliToday, 21/05/2018)
Sau khi tin tức về các oanh tạc cơ Trung Quốc được cho là đã đáp xuống một căn cứ không quân trên Biển Đông, hôm thứ hai 21/5 Bắc Kinh lên tiếng bác bỏ chỉ trích là họ đang quân sự hóa Biển Đông.
Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc Lu Kang tuyên bố : "Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc" - Photo Credit : AFP
Hôm thứ sáu tuần qua lần đầu tiên nhiều chiến đấu cơ của Trung Quốc, kể cả loại máy bay ném bom đường dài, có khả năng mang theo bom nguyên tử là oanh tạc cơ H-6K, đã đáp xuống một căn cứ không quân ở Biển Đông, khiến gây ra nhiều lo ngại trong dư luận thế giới.
Lập tức Hoa Kỳ lên tiếng. Phát ngôn nhân của Bộ quốc phòng Mỹ khi lên tiếng lên án hành động này của Bắc Kinh, đã tố cáo Trung Quốc tiếp tục chuyện quân sự hóa những hải đảo và rặng đá san hô mà họ đã chiếm bất hợp pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả tố cáo này, còn nói ngược là chính Hoa Kỳ mới là kẻ đang gây căng thẳng trong vùng. Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung Quốc Lu Kang trong một cuộc họp báo thường ký tuyên bố : "Các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc".
Lu cho hay ‘hoạt động của các oanh tạc cơ nói trên là công việc huấn luyện bình thường của quân đội chúng tôi, chính Hoa Kỳ khi gửi nhiều chiến hạm và máy bay đến khu vực này mới tạo ra nguy hiểm cho các quốc gia khác’.
Đảo Phú Lâm, nơi các oanh tạc cơ này đáp xuống, là đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cho xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất ở Biển Đông trên đảo này. Việt Nam và Đài Loan cũng tranh chấp chủ quyền của Hoàng Sa với Trung Quốc, theo nội dung bản tin của AFP.
Còn về phần mình, chính phủ Philippines hôm thứ hai 21/5 cũng lại lên tiếng là ‘chúng tôi đang có những hoạt động ngoại giao thích hợp nhằm làm giảm căng thẳng trong vùng’
Đào Nguyên
*****************
Việt Nam - Trung Quốc họp về hợp tác Biển Đông (RFA, 21/05/2018)
Việt Nam và Trung Quốc từ ngày 14 đến 18 tháng 5 tiến hành đàm phán Vòng 11 Nhóm Công Tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển giữa hai phía. Vòng đàm phán diễn ra ở Hà Nội.
Cảnh sát biển Đài Loan phun vòi rồng vào tàu cá Việt Nam, hôm 6 tháng 1 năm 2016. (Ảnh minh họa) - AFP
Thông tin được loan đi hôm 21/5 cho biết hai phía kiểm điểm tình hình triển khai hợp tác các dự án đã ký kết sau vòng đàm phán lần thứ 10 đến nay như : nghiên cứu trầm tích thời kỳ Holocene tại khu vực sông Hồng và sông Trường Giang, triển khai thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản… đồng thời trao đổi ý kiến các dự án mới do phía Trung Quốc đề xuất.
Theo Bộ ngoại giao Việt Nam thì hai nước tiếp tục nhất trí trong việc thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vòng đàm phán thứ 12 về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào cuối năm 2018.
Vòng đàm phán 11 vừa nêu diễn ra vào khi Trung Quốc xác nhận tin đưa oanh tạc cơ H-6K xuống khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với Việt Nam và một số nước khác tại Đông Nam Á.
*******************
Đài Loan thông báo "tăng cường phòng thủ" trước áp lực của Hoa lục (RFI, 20/05/2018)
Đài Loan sẽ huy động mọi biện pháp an ninh để đối đầu với mối đe dọa quân sự của Bắc Kinh. Trên đây là tuyên bố của tổng thống Thái Anh Văn để trả lời một loạt câu hỏi của dân chúng hải đảo, ưu tư trước một loạt hành động biểu dương lực lượng của Hoa lục tại eo biển Đài Loan.
Ảnh minh họa : Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn và bộ trưởng Quốc Phòng Nghiêm Đức Pháp (Yen Teh-fa) quan sát cuộc tập trận gần căn cứ hải quân gần Nghi Lan (Yilan), ngày 13/04/2018. Reuters/Tyrone Siu
Lo âu về mối căng thẳng giữa hai bờ eo biển, dân Đài Loan đã gửi 56 câu hỏi vào Facebook của văn phòng tổng thống Thái Anh Văn, yêu cầu cho biết chính phủ có những biện pháp đối phó ra sao. Trong thông điệp trấn an được công bố ngày chủ nhật 20/05/2018, tổng thống Thái Anh Văn cho biết nền kỷ nghệ quốc phòng của Đài Loan đã được khuyến khích phát triển vũ khí để đương đầu với Hoa lục. Chính phủ của bà sẽ tăng cường mọi biện pháp an ninh bảo vệ Đài Loan, và theo dõi sát sao mọi động thái của Bắc Kinh.
Chính phủ Thái Anh Văn đã thông báo kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng thêm 2%, thúc đẩy phát triển công nghiệp hàng không, tên lửa tàu ngầm, và nhiều công nghệ quân sự khác .
Trước câu hỏi làm cách nào để "thanh tóan các kênh xâm nhập" của Trung Quốc ? Tổng thống Thái Anh Văn không trả lời thẳng nhưng cho biết với tư cách là một "tổng thống nhã nhặn" bà sẽ "bắt tay ông Tập Cận Bình".
Đắc cử vào năm 2016, tổng thống Thái Anh Văn phủ nhận nguyên tắc "một nước Trung hoa" và "phải thống nhất" theo quan điểm của Bắc Kinh. Chính quyền Tập Cận Bình đã phản ứng mạnh bằng các biện pháp tấn công ngoại giao cô lập Đài Loan, huy động lực lượng hải thuyền, tàu sân bay, chiến đấu cơ tiến gần bờ biển "hải đảo ly khai" hàng chục lần trong hai năm qua.
Theo một chuyên gia về tâm lý quần chúng, đại học Đài Bắc, được AP trích dẫn, thông điệp trên đây của tổng thống Đài Loan, tăng cường an ninh quốc phòng, không nhắm vào Bắc Kinh mà nhằm trấn an công luận và nhất là động viên giới trẻ Đài Loan ủng hộ lập trường chính phủ : "Chính sách hai bờ eo biển của Đài Bắc không hề thay đổi. Trung Quốc phải thay đổi"
****************
Oanh tạc cơ Trung Quốc đáp xuống Biển Đông, Manila phản ứng chừng mực (RFI, 21/06/2018)
Sau vụ Không quân Trung Quốc công khai phô trương việc oanh tạc cơ của họ, trong đó có máy bay ném bom có thể trang bị vũ khí hạt nhân H-6K, đã hạ cánh xuống đảo nhân tạo và bãi đá trên Biển Đông vào tuần trước, Bộ ngoại giao Philippines hôm nay, 21/05/2018, cho biết đang có "động thái ngoại giao hợp lý" để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của mình trong vùng biển có tranh chấp.
Máy bay Trung Quốc J-15. Ảnh chụp năm 2017.STR / AFP
Trong bản thông cáo được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, Bộ ngoại giao Philippines khẳng định đang theo dõi sát tình hình và nhắc lại quyết tâm của Philippines là "bảo vệ từng tấc lãnh thổ và các khu vực mà Philippines có chủ quyền".
Tuy nhiên, theo hãng Reuters, tuyên bố của Bộ ngoại giao Philippines không hề tố cáo các hành động của Trung Quốc, trong khi Mỹ đã từng lên tiếng khẳng định ngay là động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể khiến căng thẳng trong khu vực nóng lên.
Dẫu sao thì Bộ ngoại giao Philippines đã có lên tiếng xác nhận "hành động ngoại giao" đối với Trung Quốc trong vụ này. Trong khi đó bản thân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khi được hỏi về vụ máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc ở Biển Đông, đã khẳng định rằng ông sẽ không khiêu khích Trung Quốc.
Tổng thống Philippines đã bị phe đối lập chỉ trích dữ dội về thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông. Có lẽ là để phần nào giải tỏa áp lực đến từ các chỉ trích của một phần công luận trong nước mà vào hôm nay, phủ tổng thống Philippines đã lên tiếng bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" về sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo hãng Reuters, trong một buổi họp báo tại phủ tổng thống Philippines, ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Duterte cho biết là Philippines không thể kiểm chứng độc lập về sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc, nhưng đã ghi nhận các thông tin về sự kiện này và bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc về tác động của vụ việc đối với các cố gắng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực".
**********************
Philippines 'hành động phù hợp' với oanh tạc cơ Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 21/05/2018)
Philippines bày tỏ "hết sức quan ngại" về sự hiện diện của các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông đang có tranh chấp và Bộ ngoại giao nước này đã thực hiện "hành động ngoại giao phù hợp", người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hôm 21/5.
Tiêm kích Đài Loan bay gần máy bay ném bom Trung Quốc H6-K ở eo biển Luzon (ảnh do Bộ quốc phòng Đài Loan công bố hôm 11/5)
Lực lượng không quân của Trung Quốc cho biết các máy bay ném bom như H-6K đã hạ cánh và cất cánh từ các đảo và các rạn san hô ở Biển Đông trong khuôn khổ các cuộc thao dượt hồi tuần trước.
Phát ngôn viên tổng thống, Harry Roque, nói Philippines không thể độc lập xác minh sự hiện diện của các máy bay ném bom Trung Quốc ở Biển Đông.
"Nhưng chúng tôi lưu ý đến các báo cáo đã xuất hiện và chúng tôi bày tỏ hết sức quan ngại về tác động của việc đó đối với nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Roque nói trong một cuộc họp báo ở dinh tổng thống.
Bộ ngoại giao Philippines cho biết họ đang theo dõi các diễn biến.
"Chúng tôi đang thực hiện hành động ngoại giao phù hợp cần thiết để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của chúng tôi và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai", bộ cho hay trong một tuyên bố, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Tuy nhiên, Bộ ngoại giao Philippines không lên án hành động của Trung Quốc, mà Washington nói có thể làm tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực.
Tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên Bộ ngoại giao đã kêu gọi các nước khác không diễn giải quá mức về điều mà ông gọi là cuộc tuần tra quân sự thường lệ.
"Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan không suy diễn quá nhiều về điều này", ông Lục Khảng nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường thủy chiến lược, nơi khoảng có lượng hàng vận tải biển trị giá 3 nghìn tỷ đôla đi qua mỗi năm. Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines, và Đài Loan cũng đưa ra những tuyên bố chủ quyền đầy mâu thuẫn trong cùng khu vực.